01 - NHẬP ĐỀ - langtu / halucky (done)

7/7/15
01 - NHẬP ĐỀ - langtu / halucky (done)
  • NHẬP ĐỀ​

    MARCO POLO DU KÝ ĐƯỢC VIẾT NHƯ THẾ NÀO?​

    Gần sáu thế kỷ rưỡi qua, những người dân thành phố Gênes bàn tán về một người dân đáng kính thành Venise, ông bị bắt làm tù binh tại trận thủy chiến ở Curzola và đã kiên trì nhẫn nhục chịu đựng giam cầm ôn hòa do sự kính trọng và ngưỡng mộ của những người thắng trận. Ông bị bắt cùng với chiến thuyền, do ông chỉ huy. Người ta chuyển ông đến Gênes với một vài thuyền trưởng người Venise khác cùng đô đốc Andrea Dandolo. Nhờ lòng can đảm và uy tín của ông, ông được quản thúc dưới một chế độ ít hà khắc, nên ông có thể tiếp xúc không những với các chiến hữu của ông mà còn với các công dân của nước Cộng hòa Ligurie và các du khách tò mò muốn nghe ông. Bởi vì người đàn ông nhỏ con rậm râu với nét mặt rắn rỏi đen sạm và hằn sâu những nét nhăn do khí hậu bất thường ở Viễn Đông, hầu như mỗi ngày đều sẵn lòng kể lại những chuyến du hành của mình qua những xứ sở xa lạ và mô tả những phong cảnh, những thành phố, những tài nguyên phong phú ở đó. Ông đã từng chu du trong hai mươi bốn năm qua những vùng mà hầu như chưa ai biết đến trước đó. Đầu óc hiếu kỳ, tẩn mẩn đã ghi lại hàng ngàn nhận xét tỉ mỉ về việc cai trị, phong tục tập quán, địa lý và lịch sử của các nơi đó. Hình như những chuyện kể của ông có vẻ thi vị do óc tưởng tượng, tuy nhiên ông đã đưa ra những chi tiết rất chính xác về lối tổ chức của một xứ sở mà ông gọi là nước Tartarie, về dân cư và gia súc, về thực vật, thương mại và thủ công; chúng ta không thể nào phủ nhận việc ông đã nghiên cứu chúng rất lâu và thậm chí điều kỳ lạ đó lại có thật.

    Ngoài ra, bản chất của những con người thời bấy giờ khiến cho họ chấp nhận ngay cả điều khó tin, có lẽ vì những thói quen tôn giáo làm cho họ không đi sâu vào việc phân tích và kiểm chứng.

    Nhà thám hiểm về các vùng đất xa lạ này tên Marco Polo, hoặc đúng hơn là Ngài Marco Polo, vì ông ta thường nhấn mạnh chức danh này, chức danh cao quý mà ông ta nhận được trong những nước mà ông đã từng sinh sống. Nhờ đó, ông đã mang về vô số của cải, điều này cho phép ông trang bị chiến thuyền mà trên đó ông đã bị bắt làm tù binh. Dòng họ của ông rất nổi tiếng ở Venise từ gần ba thế kỷ nay và cũng có huy hiệu trong tập quốc huy của nước Cộng hòa: dòng họ của những người buôn bán cũng như hầu hết giới quý tộc tại vùng Vịnh. Cha truyền con nối, dòng họ Polo vẫn luôn buôn bán với phương Đông bằng những tàu buôn đến các chi nhánh thương mại Alexandrie và Constantinople. Tóm lại, Marco chỉ làm công việc bành trướng về phía đông những công ty thương mại của dòng họ mình. Nhưng số phận đã đưa đẩy ông quan hệ với một vị vua Mông Cổ độc đoán chúa tể toàn năng của gần như toàn bộ châu Á, trừ Ấn Độ và các đảo ngoài khơi biển Trung Hoa. Ông từng thuộc số những “yếu nhân” của nhà vua tức là thuộc số những cố vấn thân cận của triều đình, những viên chức hoặc triều thần.

    Hơn nữa, người kể chuyện còn tỏ ra mãn nguyện và thậm chí hơi huênh hoang theo lối người Ý trong khi nêu thật chi tiết những bằng chứng về sự quý mến và kính trọng mà ông được ban cho ở nơi đó. Ông phô trương những quyền hạn do hoàng gia ban phát qua những lá thư ủy nhiệm được ông gọi là những lệnh bài bằng vàng của Đại Hãn. Ông kể chuyện ông đã từng cai trị một vương quốc, ký kết các hiệp ước, thậm chí tham gia vào việc chiếm lấy một trong những thành phố lớn nhất của đế quốc Tacta. Theo lời ông, ông đã mang về trong hành lý của ông hàng triệu triệu viên đá quý, những thư từ của vị vua phương Đông gởi cho Đức Giáo hoàng, cho các vua nước Pháp, Anh, Tây Ban Nha và những vị chức sắc của Giáo hội Công giáo. Người ta không bao giờ tìm lại được bất cứ lá thư nào trong kho lưu trữ tại các quốc gia trên: nên tin là chúng đã bị thất lạc.

    Dù sao đi nữa, những câu chuyện của ngài Marco Polo đã mang lại cho ông một uy tín lớn lao đến nỗi ông được hưởng toàn bộ sự tự do, mà người ta có thể dành cho một tù binh chiến tranh. Những du khách từ khắp nơi tuôn đến để nghe ông kể lại những chuyến du hành của ông và mô tả những kỳ quan của nước Đại Armenia, Ba Tư, Tacta và Ấn Độ. Trí nhớ lạ lùng của ông đã giúp ông nhớ lại thật chính xác không những đặc điểm của từng vùng mà còn cả những tên riêng của các thành phố, sông ngòi, mặc dù chúng hơi bị biến dạng bởi đầu óc của người Latinh. Ông cũng kê khai từng chi tiết những số liệu, ngân sách thuế má, bảng giá trao đổi, quân số binh sĩ đến nỗi chúng ta không thể ngờ vực chút nào về tính cách xác thực của chúng và các thính giả vẫn còn kinh ngạc về điều này.

    Một trong số những người quan tâm nhất, đó là một người dân thành phố Pise có tên là Rusta, sau này còn được gọi là Rusticien. Phải chăng ông ta cũng bị bắt làm tù binh cùng lúc với Marco Polo? Không thể như thế được. Theo Marco cho biết, trong chương đầu của quyển sách, Rusta cũng ở trong cùng nhà tù với ông vào năm 1298, nhưng điều đó không có nghĩa ông ta là tù binh ở đó, càng không phải ông đã bị bắt ở Curzola. Tôi nghĩ nên xếp ông ta vào số những du khách thường đến nghe chuyện kể của người đàn ông thành Venise.

    Đúng vậy, nhân vật Rusta này không phải là kẻ mới đến. Ông đã từng viết nhiều bộ sách bằng ngôn ngữ phổ biến nhất nơi những người có học thức vào thời đó, tức là bằng tiếng Pháp. Chúng ta còn nợ ông một bộ sưu tập đồ sộ những tiểu thuyết thuộc loại Bàn Tròn, phỏng theo những công trình nổi tiếng cùng thể loại: Tristan, Merlin, Saint Graal, Lancelot. Disraeli còn quy cho ông một quyển Meladius de Leonnoys và xem ông là sủng thần của vua Henri III nước Anh. Có thể lắm...Việc quy cho ông là tác giả của những "Hiệp sĩ Bàn Tròn” không phải là thiếu cơ sở. Rusta, người thành Pise, đúng là một nhà văn, một nhà văn nổi tiếng từ gần ba mươi năm trước, vì tác phẩm Bàn Tròn của ông có trước năm 1272. Sở thích về tiểu thuyết mà ông đã diễn đạt trong các tác phẩm có thể quy cho ông những chuyện kể hầu như hoang đường của một nhà du lịch. Cuối cùng, ông có ý nghĩ viết thành một quyển sách, trong đó ông có thể dành cho cái nhan đề mà chúng ta đã bắt gặp trong một vài bản thảo: Le livre des Merveilles (Quyển sách về những kỳ quan).

    Mặc dù tôi không thích dùng lối đàm thoại trong phân tích văn học và lịch sử, tôi buộc phải dùng nó do các sự kiện và tâm lý các nhân vật. Vì vậy tôi tưởng tượng Rusta thành Pise đang nói chuyện với Marco Polo theo ngôn ngữ lúc bấy giờ.

    - Tại sao ngài không viết tất cả những gì ngài đang kể cho chúng tôi?

    - Trước hết, nhà du lịch trả lời, bởi vì tôi không phải là một nhà văn. Lúc nào tôi cũng chỉ là một nhà buôn, một công chức và một nhà ngoại giao. Tôi cảm thấy mình không có đủ khả năng để dẫn dắt một câu chuyện quá dài. Để chấp bút, cần có sự hiểu biết và uy tín, tôi lại thiếu những thứ đó.

    - Những đắn đo này đang làm rạng danh cho Ngài, thưa Ngài Polo, tôi chỉ có thể khen ngợi Ngài. Vì vậy tôi đề nghị Ngài hãy giao lại phần việc đó cho tôi, nếu Ngài thấy tôi xứng đáng. Ngài chỉ cần nói ra, còn tôi có trách nhiệm viết. Tất cả những gì Ngài sẽ nói với chúng tôi đều được chuyển lên trang giấy, đúng theo lời Ngài nói và dưới sự kiểm duyệt của Ngài. Nhờ đó tất cả những người trung thực quan tâm đến những xứ sở xa xôi cũng sẽ biết đến những vùng mà Ngài đã đi qua, cho dù họ không phải đến gặp Ngài ở Gênes.

    - Đồng ý, thưa ngài Rusta, vì ngài đã ao ước việc đó, tôi sẽ cám ơn ngài rất nhiều.

    Vậy là họ đã bắt tay vào việc, dĩ nhiên là sau khi thống nhất kế hoạch vì tác phẩm Cuộc chuyện trò thân mật về Thế giới cho thấy một cấu bố cục chỉ có thể được thai nghén trước. Hai mươi chương đầu mô tả các nhân vật và tóm tắt các sự kiện. Phần còn lại diễn tả những xứ sở đi từ vùng này qua vùng khác, từ Biển Đen cho đến vịnh Péc Xích; tiếp theo là từ vịnh Péc Xích đến tận cùng nước Trung Hoa; sau nữa là xuyên qua các đảo ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương để rồi kết thúc phía nam điểm khởi hành trong nước Đại Turquie. Câu chuyện kể của Polo vì vậy đi theo một lộ trình đã vạch rõ. Phải thấy rõ ở đó vai trò của một người có tay nghề, cũng như ở trung tâm các chương nói đến Đại Hãn, quyển sách chỉ là một bài biện hộ cho tính cách bá quyền của nhà chinh phục Mông Cổ.

    Vì vậy, có lẽ nắm trong tay một vài điều ghi chép mơ hồ, người đàn ông thành Venise kể lại một cách chậm rãi tất cả những gì ông ta đã từng thấy hoặc nghe nói, còn người đàn ông thành Pise đang ngồi trước một bàn viết và ghi lại chính những lời của nhà du lịch. Bài biên tập của ông đã giữ lại toàn bộ vẻ tươi tắn và tất cả những ngập ngừng trong lời nói. Cũng như trong ngôn ngữ nói, việc lặp từ, nhất là các tính từ, được dùng nhiều do lối diễn đạt. Chúng ta nghe chính giọng nói của Marco Polo, chúng ta thấy được những sự mệt mỏi, những lúc tạm dừng; chúng ta gặp lại những lối diễn đạt quen thuộc được thổi phồng bởi sự nhiệt tình của người Ý. Thậm chí chúng ta thường nhận thấy ông bị quấy rầy do những kỷ niệm quá dư thừa, điệp khúc “tôi sẽ nói với anh điều gì nữa đây?” trở đi trở lại vào những lúc xuất thần nhất. Đôi khi ngay giữa chương, người kể nhớ lại đã quên một điều gì đó trong chương trước. Không cần quay lại chương này, ông xen vào đó đoạn bỏ sót, văn bản chỉ cần thêm vào “Tôi đã quên...”, đồng thời bắt đầu bổ sung một câu thật dài.

    Chuyện kể lại tiếp tục sau đó, một cách chính xác như trong nhà tù Gênes, bằng một lối diễn đạt tự nhiên đến nỗi chúng ta tin như đang tham dự vào một bài đọc chính tả.

    Không thể nào chấp nhận những kết luận của giáo sư Benedetto, theo đó Rusta không viết theo việc đọc lớn tiếng của Marco Polo, nhưng dùng các tư liệu do nhà du lịch cung cấp sẵn. Giọng văn của câu chuyện không thể bỏ qua việc ứng khẩu để người đàn ông thành Pise ghi lại.

    Dĩ nhiên Marco diễn đạt theo ngôn từ của ông, không phải tiếng Ý chưa tồn tại, nhưng theo phương ngữ Venise. Riêng Rusta, ông viết ngôn ngữ của ông, tiếng Toscan pha lẫn tiếng Livourne vùng biên. Giống như ông từng viết trong tác phẩm Bàn Tròn, giống như phần đông các nhà văn thuộc ngôn ngữ bình dân thế kỷ XVIII đã sử dụng, ông viết sách bằng tiếng Pháp, tôi muốn nói đến ngôn ngữ Oil, vì tiếng Pháp như chúng ta nói hiện nay chỉ dược hình thành rất lâu sau này do xã hội thượng lưu Paris. Giống như Brunetto Latino và Martino da Canale, những nhà văn Ý, Rusta có thể nghĩ rằng ngôn ngữ Pháp đang lưu hành trong quần chúng và dễ đọc, dễ nghe hơn bất cứ ngôn ngữ nào khác.

    Chúng ta có thể nghĩ rằng thứ tiếng Pháp của Rusta người thành Pise vẫn còn kém chính xác về mặt ngôn ngữ học và cú pháp hơn so với tiếng Pháp của các nhà văn cùng thời được sinh ra và giáo dục Pháp. Phải mất gần ba thế kỷ sau họ, các quy tắc cùa tiếng Pháp mới được ấn định. Chính Montaigne vẫn còn là một người nói tiếng địa phương. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi tiếng Pháp của Rusta cũng xa lạ và không chính xác như tiếng Pháp mà chúng ta bắt gặp trong các bản vản đầu tiên, cũng như văn bản viết tay 1116 mà tôi sẽ nói tới sau này. Với ý chí vô hạn và sự chuyên tâm vững vàng nhất, ông ta cũng không thể viết hay hơn những Villehardouin, Joinville và các nhà văn tiên phong khác của chúng ta. Hơn nữa, ông ta có thể để cho mình bị tác động bởi cách đọc của người đàn ông Venise và tuân theo những chỉ thị của bộ óc riêng của mình, vì bài viết của ông đầy dẫy những từ ngữ đặc Ý, điều này khiến cho những người giống như tôi chuyên chú vào việc chuyển bản văn sang tiếng Pháp hiện đại đôi khi mắc sai sót. Vì thế mà ông luôn sử dụng “assez” thay cho “moult" hoặc “beaucoup”, trong ngôn ngữ hiện đại không nên dịch bằng "assez" vì nó có nghĩa là “moins que beaucoup”, nhưng bằng “beaucoup”, từ “assez” này biểu hiện từ “assai” của tiếng Ý nó đồng nghĩa với “molto". Chúng ta cũng gặp trong văn bản từ “nisun", thay cho “personne”, đó là “nessuno” trong tiếng Ý, “dimentiqucr" thay cho “oublier”, đó là từ “dimenticare'” trong tiếng Ý và nhiều từ khác như “vouloir bien" thay cho “aimer", từ này xuất phát từ tiếng Y "voler bene". Ngôn ngữ này phong phú hơn ngôn ngữ chúng ta khi nói về tình yêu, sở thích hoặc sự trìu mến, tất cả những gì mà chúng ta chỉ gói gọn trong một từ “aimer” (yêu).

    Ngoài ra, việc phát âm và chuyển sang tiếng Pháp đối với các danh từ riêng nhất là các từ Trung Hoa. Polo, con người đã từng nghe chúng qua tiếng Trung Hoa lại phát âm theo kiểu người Ý. Và Rusta người Ý lại viết chúng ra tiếng Pháp nhưng không chú ý đến những khác hiệt trong cách phát âm, điều này dẫn đến âm "c" cho tất cả các âm “tch” của Trung Hoa và âm "u" cho tất cá âm “ou” cùa tiếng Ý và Trung Hoa, ta chỉ cần thường xuyên tái lập việc phát âm tiếng Ý để tìm lại tiếng gốc Trung Hoa.

    Cách xử lý các danh từ riêng theo kiểu tiếng Pháp - Ý đôi khi đưa đến những kết quả rất bất ngờ. Chính vì vậy Samarkand (trong ngôn ngữ Turkestan hiện nay) đối với Rusta lại trớ thành San Marcan, tức là Saint Marcan. Chúng ta không phải không biết đến cách xử lý của các nhà văn xưa kia đối với danh từ riêng nước ngoài. Nếu Tallemant vào thế kỷ XVII, viết Bouquinquant thay cho từ Buckingham, chúng ta cũng có thể bỏ qua cho một nhà văn của thế kỷ XIII viết từ Canbaluc thay cho Khân Baligh, tức là Pékin (Bắc Kinh).

    Sau nữa, nên lưu ý đến tất cả những gì mà các nhà sao chép bản thảo viết tay có thể làm trong khi viết các danh từ riêng. Những chữ gô tíc dễ gây quá nhiều lẫn lộn như tôi sẽ trình bày sau này về Matteo, và những nhà thư lại thời Trung cổ ít quan tâm đến điều này. Họ là những người thợ thủ công trung thực chứ không phải là những nhà ngữ văn học. Việc sử dụng tùy tiện các danh từ riêng dù sao cũng đã kéo dài trong hàng thế kỷ. Hiếm có những người quyền cao chức trọng và thậm chí các nhà văn trong chế độ cũ không biết viết tên riêng của họ một cách chính xác. Malherbe viết mỗi lúc mỗi khác danh từ Maleherbe, Malherble, Malerbe, và thậm chí Mal herbe; Peiresc lại ghi Peresq, Peyresq, Perez, Peiretz, Peyres cho từng lá thư của ông. Tôi có thể nêu lên năm hoặc sáu trang ví dụ về việc cẩu thả trong cách viết này. Do đó không có lạ trong việc biến đổi của các danh từ riêng do các nhà ghi chép của thế kỷ thứ XIV khi họ gặp các từ Ả Rập, Ba Tư hoặc Tacta trong cuốn sách của Marco Polo. Điều trái ngược mới có thể khiến ta kinh ngạc. Nếu tôi nhấn mạnh đến những biến dạng này, đó là vì chúng đã gây rắc rối cho các nhà chú giải muốn xác định những vùng đất, thành phố và sông ngòi do người đàn ông Venise nhắc đến; đó cũng là vì chúng đã dẫn dắt họ đến những lối giải thích đôi khi mạo hiểm, từ nguyên học từ thời Ménage, thường giống như một trò tung hứng hoặc những trò ảo thuật.

    Chúng ta không bao giờ biết việc đọc của Marco Polo đã kéo dài trong bao lâu. Trong chương đầu, ông nói với chúng ta về năm 1298 và chỉ có năm này mà thôi. Rất có thể lắm vì cả hai người không có việc gì khác để làm nên bản văn không tỏ ra cầu kỳ và gọt giũa.

    Đó là việc ghi lại một câu chuyện hầu như quen thuộc, cũng có thể Marco Polo đã không xem lại bản văn một khi nó đã xuất hiện trên giấy trắng mực đen. Trong những lúc đầu óc phong phú như thế, chẳng ai hơi sức đâu mà tỏ ra tự ái vụn vặt. Nếu chúng ta tin vào ngài Cépoy, ông ta chẻ xem lại câu chuyện chín năm sau, năm 1307, nhằm dâng tặng cho Charles de Valois, con của vua nước Pháp, một bản dịch chính xác hơn. Nó là một bản tiếng Pháp được trau chuốt kỹ, nhưng vẫn không làm sáng tỏ bao nhiêu mớ bòng bong của các danh từ riêng. Thậm chí tôi thiết nghĩ bản dịch còn làm phức tạp vấn đề thêm, vì vậy về phương diện này, tôi sẵn sàng dựa vào các văn bản có trước kia.

    Sau khi viết xong quyển sách, Rusta đưa vào hàng cuối cùng lời cảm tạ quen thuộc và từ Amen đáp lại. Sau đó hai người từ biệt nhau. Không ai, ngay cả Ramusio đi nữa, cũng không bao giờ nói cho chúng ta biết về mối quan hệ giữa hai con người từng cộng tác chặt chẽ đã trớ nên như thế nào. Mỗi người tiếp tục con đường định mệnh của mình. Đối với nhà văn chương, việc lang thang tìm kiếm đề tài văn học đã đưa ông đến Gênes; với nhà du lịch, đó là cuộc sống tĩnh tại của một đại tư sản ở Venise.:rose: