02. TVTPM-vancuong7975(xong)Wiki
-
Link PDF
Link Google Docs
Link Word Online
đương"của tiểu thư Xcuyđêry ở thế kỷ XVII(Carie du Tendra) thì nó nằm ở vùng yêu-vì-mến (iendre-sur-estime). Ở đây tác giả Tu viện thành Pácmơ đã làm cái việc mà nhà phê bình gọi là "bỏ qua mặt xấu" của sự vật.
Mặt khác, cũng cần chú ý là Tu viện thành Pácmơ thể hiện tình yêu trong lĩnh vực tư duy mà im lặng hoặc nói rất ít về xác thịt Không ai ngây thơ không biết trong tình yêu có yếu tố sinh lý - sinh lý bị cản trở càng hun đúc tình yêu - việc tác giả thể hiện tình yêu như thế có nghĩa là đã chắt lọc tình yêu. Chỉ diễn tả đôi mắt mà thể hiện được sự say đắm của nhân vật, gây xúc động sâu sắc cho bạn đọc, quả là ông có biệt tài!
Ngoài tính nồng nhiệt và tình yêu, Xtanhđan mượn Tu viện thành Pácmơ để ca ngợi những con người có nhân cách. Có nhân cách đối với Xtanhđan là có nghị lực, can đảm, có ý thức danh dự, có lòng hào hiệp. Những nhân vật được ông đề cao: Gina, Fabrixơ buổi đầu, Ferăngtơ Panla, Clêlia, Môxca đều như thế, Luyđôvic, chị hàng căng tin một phần như thế, cho đến tên bạo chúa Emext IV cũng được ông khen ở mặt có bản lĩnh, dám quyết đoán.
Nhiều nhà văn Pháp từng ở Ý nói đến "bài thơ phong cảnh" trong cuốn tiểu thuyết này và khẳng định Xtanhđan tả phong cảnh Bắc Ý hết sức hấp dẫn, tuy có sắp xếp lại đôi chút theo ước mơ của mình, có khi không ngần ngại làm phép rời sơn đảo hải - chẳng hạn dời dãy núi Anpơ đến gần Pácmơ để cho Fabrixơ từ trong tháp cao nhìn thấy, hoặc trồng rừng trên bờ sông Pô vốn bằng phẳng trơn tru... - Không có điều kiện kiểm tra vẻ đẹp ấy, chúng ta cũng thấy cảnh vật nước Ý hiện ra trong văn Xtanhđan như trong giấc mộng của một kẻ tương tư.
Tu viện thành Pácmơ phê phán không kém ca ngợi. Tác giả thể hiện cái tiểu triều đình, hình ảnh của một chế độ chuyên chế này như một sân khấu hồi kịch, mọi quyền hành chức tước đều phân phối thông qua thần thế và chạy chọt, bán mua một cách tự nhiên thoải mái. Các mỹ nhân sủng ái của kẻ bề trên làm mưa làm gió. Mưu toan của một người đàn bà có thể làm cho một người bị kết án hai mươi năm cầm cố trong tháp cao vời vợi, bởi một tội lỗi chẳng có nghĩa lý gì. Rồi hầu như liền ngay sau đó, sự vận động của một ngưởi đàn bà khác lại kéo kẻ đó ra khỏi tù, chiêu tuyết cho nó, lại đẩy nó nhảy thoăn thoắt lên địa vị tổng giám mục cai quản giáo hội toàn công quốc, tuy ý chẳng có công trạng gì, thánh tính gì! Quận vương Ernext IV sợ thích khách như trẻ con sợ ngoáo ộp, trị vì bằng ngục tù, máy chém, thuốc độc, lật lọng. Quan chánh án tòa án tối cao để cho ông thủ tướng đá đít, và đổi bí mật quốc gia lấy tiền bạc và tước phong. Là linh mục cao cấp (Boócđa) mà tấn công vợ người không kết quả, bèn đến chồng tố cáo vợ ngoại tình. Là tổng giám mục mà cải trang vào xem hát, một điều cấm giới nghiêm ngặt của giáo hội Giatô để nhìn trộm người yêu, gia công thuyết pháp cho thật hay để kéo người yêu đến nghe giảng, nhỏ ròng ròng những giọt nước mắt thương nhớ khiến cho con chiên tưởng là nước mắt từ bi, và làm đủ mọi cách để cho người yêu cầm lòng không đâu, phải vi phạm lời thề thiêng liêng trước Đức Mẹ, cuối cùng vì ích kỷ và bảo thủ, đã gửi một thiên thần lên thiên đường- (Xăngđrinô, con Fabrixơ) và cùng hai mỹ nhân (một người yêu, một ân nhân) xuống... địa ngục và chắc là vị thánh tăng ấy được ở cái vòng khốc liệt nhất của Đan tê.
Xtanhđan có cách tố cáo của mình, độc đáo và không kém hiệu quả. Ông không nặng lời, lớn lối. Nóng giận, la lối nghĩa là còn thương, lạnh lùng mai mỉa mới thật là khinh ghét. Ông có vẻ như chấp nhận một hiện tượng phổ biến, một trạng thái tự nhiên và tất yếu, cùng lắm là ông mỉa mai. Đó là thái độ của philanhtơ ở Môlie (Người yếm thế). "Chịu thôi! Chúng là thế!". Hễ chuyên quyền thì đẻ ra đàn áp, thần thế, sủng ái,vô sản sau cao trào công xã Pari: "Chúa đã sinh tư bản, Chúa cũng sinh công nhân: Mỗi người hãy bằng lòng với sứ mệnh Chúa đã giao phó...Một trăm năm sau (1971), tòa thánh Vaticăng lại ban bố những nghị định sửa đổi Rerum novarum, cố rêu rao một phoócmuyn hợp tốc giữa công giáo và vô sản để "mưu cầu hòa bình và ấm no, mạnh khỏe, giám bớt đau thương cho loài người" ở cõi đời này. Nghĩa là làm một con đê mềm để bảo vệ chủ nghĩa đế quốc chống ba dòng thác cách mạng.
Xtanhđan đã dùng hai phương pháp phê phán khác nhau, do đó tăng tính phong phú và đa dạng của cuốn truyện. Với giáo hội, ông diễn tả một cách khách quan và sử dụng những nhân vật ông có cảm tình: Boócđa, Lăngđriani, Fabrixơ đâu có phải là người xấu? Họ chỉ làm những việc quen làm trong giáo hội mà thôi. Thậm chí ông cũng không mỉa mai! Cứ để độc giả tự hiểu. Với chính quyền chuyên chế, ông đã dùng những hình tượng phản diện sắc nét: Mụ Ravécxi, Rátxi, Emext IV...
Xtanhđan vừa lãng mạn vừa hiện thực. Chiều hướng chung của Tu viện thành Pácmơ là hiện thực: triều đình như thế, tôn giáo như thế, cuộc chạy đua địa vị là như thế, tình yêu đem lại những sung sướng và những dằn vặt như thế. Sự việc lại có nhiều yếu tố lãng mạn: yêu đương quay vòng, đấu gươm, rước đuốc cưỡng bức, đầu độc, vượt ngục phiêu lưu, trốn tránh. Nhưng trong một sự kiện, khi đi vào chi tiết, Xtanhđan lại rất hiện thực, rất chính xác. Chẳng hạn việc trung úy Rôbe chuẩn bị dự bữa ăn với những phụ nữ sang trọng và xinh đẹp, cảnh chiến trường, cảnh rút lui của "Đạo quân Vĩ đại", những biểu hiện cảm tình tiến dần lên yêu đương của Clêlia...
Tu viện thành Pácmơ tuyệt vời trong việc phân tích tâm lý: tâm lý những dục vọng, nhất là tình yêu và những diễn biến của nó. Hãy xem cơn bão lòng của bà Xăngxêvêrina, một người có ý chí ghê gớm và thông minh quái thế, một người bách chiến bách thắng, lại yêu say mê, đã tiến hành một cuộc đấu trí, đấu ý chí với nhà vua và tưởng thu được thẳng lợi rực rỡ, đùng một cái, tên vua phản phúc đã ngầm bố trí làm đảo ngược tình hình. Người yêu chắc chết, mình nhục, người có uy quyền thứ hai trong nước và là người mình mến phục, vì óc "triều thần", đã làm hỏng thắng lợi của mình! Xót thương, tự ái, khỉnh bỏ đã đánh gục con người đó. Nhưng nghị lực của bà quả thật ghê gớm! Thấy rằng tuyệt vọng, buông xuôi thì Fabrixơ nhất định chết, nữ công tước vùng dậy như một người đã lột xác: "Trong vài giờ nữa ta sẽ ra chiến trường, lúc đó phải hành động (...). Cho nên phải quyết định tại đây và ngay bây giờ" (Chương XVI). Gina không có "hành động cái thế" tuy vậy qua ngòi bút phân tích tâm lý của Xtanhđan, chúng ta vẫn cảm thấy nàng quả là một kỳ nữ ở nước Ý thời ấy.
Những băn khoăn và hy vọng khi chưa chắc chắn được yêu, những dàn vặt trong lòng vì nghi ngờ, vì ghen tuông, những tính toán thầm của tham vọng đều được mổ xẻ chính xác. Những cuộc đấu trí giữa nhân vật của Xtanhđan là những cuộc dò xét tâm lý lẫn nhau để đánh những đòn tâm lý dứt điểm.
Hình như Xtanhđan phân tích tâm lý sâu và đúng là vì ông tự theo dõi, hoặc phục hồi diễn biến tâm lý của mình trong những cảnh huống tương tự với nhân vật, như Tanma ngồi trầm ngâm nghe lòng mình khóc con để đóng kịch. Pôn Valêry nói: Ý thức của Bâylơ là một sân khấu và có con người diễn viên khá đậm trong tác giả đó". Có lẽ vì thế mà Xtanhđan chỉ phân tích một số trạng thái tâm lý, chứ không đi tràn lan, trong khi nhiều nhà văn khác đã đi vào những tâm trạng xa lạ với họ nên hóa ra giả tạo và chán ngắt.
Xtanhđan viết: "Tiểu thuyết phải kể, đó là loại thú vui mà người ta đòi hỏi ở nó" (Dẫn theo Nenly Xtêphan - Tạp chí châu Âu về Xtanhđan). Tiểu thuyết và tự truyện của Xtanhđan kể rất nhiều và kể súc tích. Marxen Pruxt dùnghai mươi trang giấy để nói một cái trở mình trên giường, Xtanhđan, với bốn trang đã thuật một cách đầy đủ, thuật có diễn tả việc nữ công tước đã khiến ông quận vương trẻ phục tài như thế nào, đến nỗi muốn cử mình làm thủ tướng, đã bắt ông đọc một bài thơ ngụ ngôn của La Phôngten như thế nào, đã khó nhọc thuyết phục bà thái phi bỏ dự định truy tìm kẻ giết vua chồng, cuối cùng ông hoàng trẻ phải hy sinh những tập hồ sơ để làm tốn của ông mười mấy vạn frăng, những tập hồ sơ ấy có khả năng đưa bà công tước lên đoạn đầu đài. Bốn trang, lúc thì khoan thai, lúc thì hồi hộp lạ thường!
Trong Tu viện thành Pácmơ, sự việc trước chẳng cho đoán ra sự việc sau. Các biến cố nối nhau một cách bất ngờ, không thể dự kiến, nhưng khi xảy ra xong, mới thấy rất lôgic và không thể khác. Chúng ta đi tù khám phá này đến khám phá khác. Nhà phê bình Saclơ Đuy Bôx, người chủ trương "ức đoán" chứ không khẳng định, còn cho rằng sự việc xảy ra cũng bất ngờ đối với cả tác giả nữa. Xtanhđan viết theo cảm hứng, chứ không bố cục trước một cách chặt chẽ. "Ông thích thú luôn luôn đem đối chứng những nhân vật của mình, cũng như người ta cọ hai viên đá lửa để xem những tia gì bật ra "(ức đoán, quyển II).
Xtanhđan viết ngắn gọn, cô đọng, chính xác và cố ý khô khan, ông ghét lối viết bóng bẩy quanh co. Ông đi thẳng vào sự vật như ông đã nói. Ông viết: "Khi viết Tu viện, để cho nhuần giọng, mỗi buổi sáng tôi đọc hai ba trang Dân luật". Dân luật của Napôlêông là bộ sách được công nhận lời văn sáng sủa rõ ràng, giản dị nhất. Ông cho văn chương của Satôbriăn giả văn chương của những tay "bán thuốc dán". Ông viết: Tôi làm đủ mọi cách để cho khô khan... Tôi lo ngại chỉ viết nên một tiếng thở dài trong khi tưởng đã ghi chép một sự thật". Sự tự chủ, sự lạnh lùng và khô khan ở hình thức giúp người đọc lĩnh hội bằng trí tuệ một cách bình tĩnh, thấu đáo, do đó có thể tách rung động thẩm mỹ và rung động tình cảm ra. Bởi vậy, dù nói thế nào, phải có trí thức, phải có thói quen suy nghĩ, phải hiểu đời, mới thấy tiểu thuyết của Xtanhđan là hay.
Chúng tôi ghi một đoạn văn của Xtanhđan để thấy rõ chủ trương của ông về ngôn ngữ văn học:
"Một nhân vật khá giả mà cách ăn mặc ở khoảng giữa người thợ làm tóc và người diễn viên giải nghệ, một hôm nói với tôi: "Người mặc đẹp là người lúc ra khỏi phòng khách, không ai nhớ anh ta mặc như thế nào", về tác phong, tôi dám nóì là về văn phong nữa, cũng thế thôi. Văn hay nhất là văn làm cho người ta quên nó, chỉ để cho người ta thấy rõ ràng nhất những ý mà nó nói, nhưng phải có ý kia, đúng hay sai được. Ý làm cho lũ ngu bực bội vì chúng có cố cũng không hiểu nổi, bởi tập quán thưởng thức văn học của chúng là ở hình thức văn chương mà thôi. Một nhân vật tỉnh nhỏ, ngày nay có uy quyền, thấy sách nào chứa đựng những ý tứ sáng tỏ, diễn đạt bằng lời văn giản dị, thì tuyên bố sách viết kém (...) Những từ mới làm cho hắn ta tỉnh người. Hắn khâm phục những câu loại này:
Mùa đông ở trong trái tim ta - Tuyết rơi trong tâm hồn ta.
(Hồi ký của một người du lịch - 1838)
Tuy giản dị nhưng không đơn điệu: mỉa mai một cách kín đáo, lạnh lùng khi kể, đến lúc diễn tả cảnh đẹp hay hạnh phúc trong tình yêu, bút pháp của Xtanhđan trở nên trữ tình một cách thú vị. Nói tóm lại, một nhà văn tâm hồn sôi nổi, trí tuệ dồi dào, nhưng mực thước, tự chủ trong diễn đạt.
Thay kết luận
"Tu viện là cả cuộc đời Xtanhđan, những kỷ niệm, những hoan lạc, những yêu đương, một quá khứ kỳ diệu không bao giờ tái hiện và cần phải kéo ra khỏi vòng quên lãng. Banzắc đã thấy đúng khi nói: "Công trình lớn này chỉ có thể được ý thức và thực hiện bởi một người năm mươi tuổi". Nó là chúc thư của Xtanhđan trước khi ngã xuống..." (Pôn Môrăng).
"Nên đọc Tu viện trong bản gốc, nguyên như khi nó chảy ra như một làn phún thạch từ khối óc và con tim của tác giả (Hăngri Martinô).
HUỲNH LÝ VÀ TRẦN TlẾN BÌNH
CÙNG BẠN ĐỌC
Tôi viết cuốn truyện này vào mùa đông 1830 và ở cách xa Pari ba trăm dặm, vì vậy không hề có ám chỉ gì đến những sự việc năm 1839.
Rất lâu trước năm 1830, vào thời các đạo quân của ta kéo đi khắp châu Âu, tình cờ có lần tôi được lĩnh phiếu trọ tại nhà một ông Sa noan ở Padu, một thành phố Ý đẹp mê hồn. Đóng ở đó lâu, tôi trở thành người bạn của ông chủ nhà.
Vào cuối năm 1830, lại có dịp đi qua Padu, tôi chạy ngay đến nhà ông Sa noan đôn hậu: biết ông đã qua đời, nhưng tôi muốn nhìn lại cái phòng khách mà ông và tôi đã thích thú ngồi với nhau biết bao buổi tối, những buổi tối lâu nay tôi hằng nuối tiếc. Tôi gặp vợ chồng người cháu ông Sa noan, họ đón tiếp tôi như một người bạn cũ. Mấy người khách nữa kéo tới và đến khuya chúng tôi mới chia tay nhau. Người cháu ông Sa noan đã cho lấy ở quán cà phê Pêđrôtivê món kem trứng rượu vang tuyệt diệu. Chúng tôi thức khuya chủ yếu vì câu chuyện về công tước phu nhân Xăngxêverina mà một ngưòi khách nhắc đến, rồi ông chủ nhà vui lòng vì tôi mà kể lại trọn vẹn.
Tôi nói với những người bạn đó:
- Ở xứ tôi sắp đến, tôi sẽ không tìm thấy được mấy buổi tối như tối nay, tôi sẽ dùng những giờ dài thức suông để viết câu chuyện các bạn kể đây thành một cuốn truyện.
- Nếu vậy người cháu nói, tôi sẽ biếu ông những tập niên giám của chú tôi. Ở mục Padu, chú tôi có ghi chép lại một số vụ mưu toan xúc xiểm ở triều đình, vào thời mà bà công tước làm mưa làm nắng tại đó. Nhưng ông cũng phải coi chừng! Câu chuyện này chẳng có tí nào tính chất luân lý, và vì ngày nay ở bên Pháp, các ông đang tự hào về sự trong sạch thánh kinh của mình, cho nên nó có thể khiến ông bị coi là kẻ sát nhân.
Thứ nhất là bất lợi cho bạn đọc: nhân vật Ý có lẽ ít làm cho họ thích thú bằng nhân vật Pháp, tâm lý người xứ đó có khác nhiều với tâm lý người Pháp: người Ý thành thực, đôn hậu, chẳng e dè nói những gì họ nghĩ, ở họ, bệnh khoe khoang chỉ diễn ra từng cơn thôi, và những lúc đó, nó trở nên một sự say mê và mang tên là Puntiglio10. Sau hết, nghèo nàn đối với họ không phải là điều xấu hổ.
Thứ hai là bất lợi cho tác giả. Thú thật tôi đã mạnh dạn để cho các nhân vật mang nguyên những góc cạnh vẫn có trong tính tình họ, tuy nhiên tôi đã phê phán rất nghiêm minh nhiều hành vi của họ, điều này tôi dám lớn tiếng tuyên bố. Ích gì mà gán cho họ cái đạo cao đức cả, cái mỹ miều duyên dáng của người Pháp những người yêu tiền bạc hơn gì hết vì chẳng bao giờ phạm tội vì thù hận hay vì yêu thương? Nhưng người Ý trong truyện này hầu như trái hẳn lại. Vả chăng, hình như hễ cứ đi hai trăm dặm lên phía bắc thì lại gặp một cảnh vật mới và có thể viết một cuốn tiểu thuyết mới. Đã từng quen biết, hơn thế quý mến nữ công tước Xăngxêvêrina, người cháu gái đáng mến của ông Sa noan bảo tôi đừng thay đổi gì hết trong các sự việc của bà công tước những sự việc đáng chê trách đó.
Ngày 23 tháng 1 năm 1839 Xtanhđan đã từ lâu mảnh đất thân thương này gọi bảo tôì viết về nó
ARIOXT
(Thơ trào phúng IV)
Chương thứ nhất MILĂNG NĂM 1796
Ngày 15 tháng 5 năm 1796, tướng Bônapáctơ vào thành Milăng, cầm đầu đạo quân non trẻ vừa vượt cầu Lôdi và báo cho thế giới biết rằng Xêda và Alếchxăng( đã có người kế thừa sau bao nhiêu thế kỷ). Nhưng chiến công kỳ diệu lập nên nhờ lòng quả cảm và thiên tài, mà nước Ý được chứng kiến trong mấy tháng, đã đánh thức một dân tộc mê ngủ. Chỉ tám hôm trước khi quân Pháp đến, người Milăng còn cho đó là một đám quân ô hợp, gồm những tên kẻ cướp quen chạy dài trước quân đội hoàng gia . Dù không phải thế thì ít ra, đó là điều mà một tờ báo lớn bằng bàn tay, in trên giấy bẩn, nhai di nhai lại mỗi tuần ba bận.
Thời Trung cổ, những người cộng hòa Lôngbácđi cũng dũng cảm như người Pháp, cho nên kinh thành của họ hân hạnh được các hoàng đế Đức san bằng. Từ khi họ trở thành những thần dân trung thành thì công việc quan trọng nhất của họ là in thơ chúc tụng trên những chiếc khăn tay nhỏ nhắn bằng lụa hồng, mỗi khi có một tiểu thư con quý tộc hoặc hào phú sắp lấy chồng. Vài ba năm sau cái ngày trọng đại trong đời con gái đó, cô ả tìm một chàng trai hộ vệ đôi khi chàng trai hộ vệ do gia đình bên chồng chọn đó được ghi tên tuổi ở một vị trí tôn quý trong hôn ước. Những tục lệ ủy mị ấy khác xa những xúc động sâu sắc mà quân đội Pháp bất ngờ kéo đến đã gây nên. Chẳng mấy chốc đă nảy sinh những tập quán mới cháy bỏng.
Ngày 15 tháng 5 năm 1796 ấy, cả một dân tộc nhận thấy rằng tất cả những gì lâu nay họ tôn kính thực ra đều hết sức lố lăng và đôi khi còn bỉ ổi nữa. Trung đoàn Áo cuối cùng rút đi đánh dấu sự sụp đổ của những ý niệm xưa cũ. Xông pha vào chỗ hiểm nguy chết chóc từ nay trở thành điều thời thượng, sau hàng mấy thế kỷ sống với những cảm giác nhạt nhẽo, người ta thấy rằng muốn có hạnh phúc, phải yêu tổ quốc một cách chân thành và phải có những hành động anh dũng. Trước đây người ta chìm đắm trong đêm tối vì chế độ chuyên chế chặt chẽ thời Sáclơ đệ ngũ và Philip đệ nhị vẫn tiếp diễn, bây giờ người ta lật đổ tượng hai ông vua đó và ánh sáng bỗng chốc tỏa ra tràn trề. Năm mươi năm qua, Tư tưởng bách khoa và tư tưởng Vônte càng nẩy nở ở Pháp thì bọn tu sĩ càng thét vào tai nhân dân Milăng đôn hậu rằng học chữ nghĩa hay học hỏi bất cứ cái gì cũng đều vô ích, cứ nạp tô đầy đủ cho cha xứ và thật thà kể cho cha nghe tất cả những tội lỗi nhỏ của mình, thì hầu như chắc chắn đã giành được một chỗ tốt chờ sẵn trên thiên đường. Để làm chùn hoàn toàn gân cốt của một dân tộc ngày xưa đến ghê gớm và ưu lý sự, nước Áo đã cho họ mua, với giá rẻ, cái đặc quyền miễn đi lính bổ sung cho quân đội Áo choàng.
Năm 1796 quân đội Milăng gồm hai mươi bốn tiểu tốt mặc quân phục đó. Hai mươi bốn tên này hiệp đồng bảo vệ kinh thành cùng với bốn trung đoàn thủ pháo oai vệ người kinh người. Phong tục thì hết sức lỏng lẻo bê tha, mà tình cảm đắm say lại hiếm thấy, vả chăng ngoài sự khó chịu phải kể hết nỗi niềm cho cha xứ, nếu không, phải sợ cảnh khánh kiệt ở ngay từ cõi đời này! Nhân dân Milăng còn mắc vào một số ràng buộc phong kiến không phải là không nhục nhã. Chẳng hạn vị thượng công tước, em họ hoàng đế vả khâm mạng ngài cai trị tại Milăng đã có sáng kiến làm lợi là buôn lúa mì. Do đó nông dân không được bán lúa trước khi Điện hạ đổ đầy kho vựa của ngài. Tháng 5 năm 1796, khi quân Pháp vào thành, có một họa sĩ trẻ tuổi đi theo. Họa sĩ ấy tên là Grôm tự bấy giờ nổi tiếng. Ông chuyên vẽ tiểu phẩm. Tính ông hơi hâm hấp. Ba hôm sau, ngồi ở đại tửu quán Xecvi hồi ấy được ưa chuộng và nghe kể những thành tích của ngài thượng công tước, ngài cũng còn là đại tá nữa, ông bóc tờ giấy vàng xấu xí liệt kê các thức kem lạnh dán trên tường, lật mặt sau vẽ chân dung ngài thượng công tước to béo cùng với một người lính Pháp đang xọc lê vào bụng ngài. Tuy nhiên máu không chảy ra mà thấy chảy ra không biết cơ man nào là lúa mì, một khối lượng lúa mì khó có thể tin được. Ở cái xứ chuyên chế giảo quyệt ấy, người ta không hề biết khôi hài biếm cợt, cho nên bức tranh mà Grôm để lại trên bàn cà phê được xem như một vật mầu nhiệm từ trên trời ban xuống, người ta lấy khắc bản ngay trong đêm đó và ngày hôm sau bán được hai vạn bản in.
Cùng ngày đó, có bảng yết yêu cầu một món đàm phụ chiến tranh sáu triệu, để cung ứng cho những nhu cầu của đạo quân Pháp vừa đánh thắng sáu trận lớn, thu phục hai mươi tỉnh, chỉ thiếu giầy, quần áo, mũ mà thôi.
Một khối lượng lớn thú vui và hạnh phúc đã tràn vào đất Lôngbácđi cùng với những người Pháp nghèo xơ nghèo xác đó, một khối lượng lớn đến nỗi chỉ có các cha cố và một số ít quý tộc nhận thấy khoản đảm phụ kia nặng và sau nó còn có tiếp những đóng góp khác. Những người lính Pháp ấy cười hát suốt ngày, tuổi họ dưới hăm lăm và tướng tổng chỉ huy của họ, mới hăm bảy, được coi là người cao tuổi nhất trong quân. Tính
trẻ trung, vui vẻ, vô tư của họ giải đáp một cách khôi hài những lời tiên báo cuồng điên của bọn tu sĩ, sáu tháng nay, từ trên lễ đàn thiêng liêng, chúng không ngớt loan báo bọn Pháp là "những tên quỷ dữ bị bắt buộc phải chặt đầu tất cả mọi người nếu không thì bị xử tử, bởi thế cho nên mỗi trung đoàn hành quân đều chở máy chém đi đầu”.
Ở nông thôn, người ta thường thấy qua các cửa lều, một người lính Pháp ru ngủ em bé con chị chủ nhà, hầu như mỗi tối, một tay trống nào đó trong đội quân nhạc đem vĩ cầm ra kéo, lại tạo nên một tối vũ hội tự phát. Những vũ điệu tập thể thường là khó và rắc rối, lính không biết, không tập cho phụ nữ địa phương được, cho nên chính các chị, các cô lại vẽ cho lũ thanh niên Pháp ấy các điệu Mônphêrin, Xôtơ và nhiều điệu vũ khác của người Ý.
Ngưòi ta tìm hết cách gửi sĩ quan ở các nhà giàu vì họ rất cần được bồi dưỡng. Chẳng hạn trung úy Rôbe được cấp phiếu trọ tại nhà hầu tước phu nhân Đen Đônggô. Anh sĩ quan trẻ được trưng tuyển chứ không phải chuyên nghiệp ấy khá nhanh nhẹn. Bước chân vào lâu đài Đen Đônggô, gia tài anh ta gồm vẻn vẹn một đồng sáu frăng vừa nhận ở Pledăng. Đánh qua cầu Lôđi xong, anh lột được chiếc quần rất diện và mối tình của một sĩ quan đẹp trai người Áo, chết vì đạn đại bác, chiếc quần kia đến với anh thật đúng lúc: cầu vai sĩ quan của anh bằng len, tay áo dạ được khâu dính với vải lót, để cho các miếng vá víu nương nhau, giữ lấy nhau. Có điều đáng buồn hơn nữa, đế giầy của anh ta làm bằng những mảnh cũng thu nhặt ở chiến trường bên này cầu Lôđi. Những đế trời cho ấy được ràng vào giầy bằng mấy sợi dây buộc vòng qua phía trên thân giầy, nom rõ mồn một. Bởi vậy, khi viên quản gia kính cẩn vào phòng trung úy Rôbe mời ngài vui lòng dùng bữa tối với hầu tước phu nhân, thì ngài trung úy bối rối đến phát điên. Còn hai tiếng đồng hồ nữa mới đến bữa ăn tai hại,
ngài trung úy với anh cần vụ dùng cả hai tiếng ấy để cố khâu vá lại chiếc áo và lấy mực nhuộm thâm những sợi dây buộc giầy khốn khó.
Giờ phút kinh hoàng rồi cũng đến.
"Đời tôi chưa bao giờ thấy lúng túng, khổ sở đến như vậy" trung úy Rôbe thuật lại với tôi. Các bà ấy tưởng tôi sẽ làm cho họ sợ hãi, ngược lại chính tôi run sợ hơn họ. Tôi cứ nhìn đôi giày và không biết làm thế nào để đi đứng cho ra vẻ".
Anh ta còn nói:
"Hồi bấy giờ bà hầu tước Đen Đônggô đang độ lộng lẫy nhất. Anh đã từng nhìn thấy bà rồi, với đôi mắt đen đẹp và hiền dịu như mắt thiên thần, cùng với mái tóc xinh xắn màu vàng đậm làm nổi bật gương mặt trái xoan mê hồn. Hêrôdiad của Lêônađơ Vanhxi trông tưởng như chân dung bà hầu tước, ơn trời, tôi choáng lên về cái nhan sắc thần tiên ấy mà quên khuấy cách ăn mặc của tôi. Anh tính, hai năm ròng chỉ được nhìn thấy rặt những thứ xấu xí, xác xơ trong vùng núi xứ Giên mà! Tôi đánh bạo nói với nữ hầu tước vài câu bày tỏ niềm say mê của mình.
"Tuy nhiên tôi có đủ lương tri để không dừng lâu trong thể loại tán tụng. Trong khi lựa lời mà nói, tôi nhìn thấy trong buồng ăn toàn cẩm thạch mười hai gia bộc và một bọn hầu phòng, với những sắc phục mà lúc bấy giờ tôi cho là sang trọng nhất đời. Anh cứ tưởng tượng xem cái bọn chết tiệt ấy chúng nó mang những đôi giầy không những rất tốt, mà lại còn cài bằng khâu bạc nữa chứ! Tôi liếc đăm đăm vào bộ cánh của tôi, có lẽ cũng vào cả đôi giầy nữa tôi cảm thấy nhói ở ngực. Chỉ cần quát một tiếng đủ làm cho chúng khiếp sợ. Nhưng làm như thế nào để buộc chúng biết thân phận mà khỏi khiến cho các vị phu nhân đâm hoảng? Bởi vì bà hầu tước sợ thật! muốn đỡ sợ, bà đã cho người đến đón cô em chồng ở tu viện ra, sau này bà nói với tôi hàng trăm lần cái điều đó, cô ấy là tiểu thư Gina Đen Đônggô, về sau trở thành bá tước Pietranơra phu nhân kiều diễm, bà bá tước đó khi gia thế thịnh vượng thì vui vẻ, ân cần, dễ mến không bì được, khi gặp nghịch cảnh thì cũng dũng cảm, ung dung thanh thản không ai sánh kịp.
"Gina lúc bấy giờ hình như mới mười ba thôi mà y như một thiếu nữ mười tám, nhanh nhảu, cởi mở, như anh biết. Cô chẳng dám ăn uống gì vì chỉ sợ bật cười về bộ cánh của tôi. Trái lại bà hầu tước thì không biết ngần nào lễ phép, lễ phép một cách gò bó. Bà nhìn thấy sự bực bội của tôi trong ánh mắt. Tóm lại có vẻ một thằng đờ đẫn, tôi là mục tiêu của mọi sự khinh bỉ, điều này người ta bảo người Pháp không quen cam chịu. Cuối cùng đầu óc tôi bừng lên một sáng kiến, như có trời cho. Tôi bắt đầu kể cho hai người phụ nữ ấy nghe nỗi nghèo nàn thiếu thốn của tôi, những tai ương chúng tôi phải chịu trong hai năm qua ở miền núi xứ Giên, vì một bọn tướng lĩnh già nua, ngu muội đã chôn chân chúng tôi tại đó. Ở đấy họ phát cho chúng tôi những tín phiếu mà nhân dân địa phương không tiêu dùng, và mỗi ngày một lạng bánh mì. Tôi nói chưa đầy hai phút thì đã thấy bà hầu tước nhân hậu rơm rớm nước mắt, còn tiểu thư Gina thì trở nên nghiêm trang.
- Thế ư! Thưa ông trung úy, Gina nói, chỉ một lạng bánh thôi!
- Đúng thế, thưa tiểu thư. Đã vậy mỗi tuần lại thường mất đến ba bận cấp phát. Và vì những nông dân chứa trọ chúng tôi còn nghèo đói hơn cả chúng tôi, cho nên chúng tôi phải san sẻ chút ít cho họ.
"Khi ăn xong, tôi khoác tay bà hâcu tước, đưa bà đến cửa phòng khách, rồi vội vã quay trở lại biếu người gia bộc phục vụ tôi trong bữa ãn đồng sáu frăng duy nhất của tôi, đồng sáu frăng trên đó tôi xây mơ dựng mộng không biết bao nhiêu mà kể. "Tám hôm sau, Rôbe nói tiếp, khi đã rõ ràng là người Pháp không chém đầu ai cả, thì hầu tước Đen Đônggô từ lâu đài Griăngta trở về. Lâu đài này nằm trên bờ hồ Com. Khi quân đội Pháp đến gần, hầu tước đã dũng cảm trốn vào đó, bỏ mặc cho bà vợ đến xinh đẹp và cô em gái của mình đương đầu với những may rủi của chiến tranh. Ông ta căm ghét chúng tôi cũng bằng với khiếp sợ, nghĩa là không cùng. Cái mặt to bạnh, nhợt nhạt và đại đạo của ông ta trông đến buồn cười khi ông ta nhăn nhó chào hỏi tôi.
"Sáng hôm sau ngày ông ta về, tôi được nhận ba mét dạ và hai trăm frăng trích trên khoản đảm phụ sáu triệu ấy. Tôi thay lông đổi cánh và trở thành ky sĩ của các bà lớn ấy, vì những cuộc khiêu vũ đã bắt đầu".
“Câu chuyện của trung úy Rôbe cũng là chuyện của mọi người Pháp. Người ta không chế nhạo cảnh nghèo khổ của các người lính trung hậu ấy, người ta chỉ thương hại họ rồi mến họ.
Thời kỳ hạnh phúc bất ngờ, thời kỳ say sưa ấy chỉ trải qua hai năm ngắn ngủi. Rồi đó ai cũng ngông cuồng, ngông cuồng hết mực, khó mà diễn tả, khó mà làm cho người nghe ý niệm được. Nếu, nói lên cái điều suy nghĩ sâu sắc và có tính chất lịch sử này thì may ra người ta hình dung được: dân tộc ấy đã buồn chán một trăm năm nay.
Ngày xưa, ở triều đình những quận công Milăng lừng danh thuộc các dòng họ Vixcôngti và Xphoócxơ người ta quen sống với tính hưởng lạc tự nhiên của người phương Nam. Nhưng từ năm 1624, người Tây Ban Nha đã xâm chiếm xứ Milane, và đó là những ông chủ lặng lẽ, đa nghi, kiêu kỳ, luôn luôn sợ nổi loạn. Từ đấy vui cười không cánh mà bay. Nhân dân học theo tập quán các ông chủ, chỉ nghĩ đến việc báo thù mỗi xúc phạm nhỏ nhặt bằng một nhát dao găm, chứ không thích hưởng thụ những thú vui trước mắt. Bây giờ thì người Milăng quên tuốt lo buồn, quên đến cả mực thước, chỉ biết vui quay cuồng, hồ hởi, hưởng lạc thú ở đời. Từ ngày 15 tháng 5 năm 1796, ngày quân Pháp vào thành Milăng, cho đến tháng tư 1799, lúc đó bị trục xuất sau trận Cátxanô, trạng thái này được đẩy đến tột bậc, đến nỗi có những lão lái buôn già triệu phú, những tên cho vay cắt cổ, những tay chưởng khế lão luyện cũng nhất thời quên ủ rũ, quên cả làm tiền.
Bất quá, chi có thể kể mấy gia đình đại quý tộc đã lui về ẩn cư trong các tòa lâu đài của họ ở nông thôn là ra tuồng hờn dỗi trước niềm hân hoan chung và sự cởi mở của mọi tấm lòng. Cũng phải thừa nhận là các gia đình quý tộc giàu có ấy đã được chiếu cố trái với ý họ khi người ta phân bố khoản đảm phụ cho quân đội Pháp.
Hầu tước Đen Đônggô thấy mọi người vui nhộn quá thì lấy làm bực bội, ông là một trong những người đầu tiên chuồn về lâu đài tráng lệ của mình, lâu đài Griăngta, nằm trên bờ Com, nơi đã có lần chị em bà hầu tước đưa trung úy Rôbe đến chơi. Lâu đài ấy xây dựng trên một cao nguyên cao ba mươi sải tay đối với mặt hồ, từ đấy có thể trông ra gần khắp cảnh hà tuyệt mỹ. Đây là một vị trí có lẽ độc nhất trong thiên hạ. Lâu đài Griăngta nguyên là một chiến lũy. Dòng họ Đen Đônggô xây dựng nó từ thế kỷ XV, ta đi mỗi bước, mỗi thay bằng cứ trên những phiến cẩm thạch khắc gia huy dòng họ ấy. Người ta còn thấy tồn tại những cầu treo, những hào phòng thủ sâu, thực ra cạn nước tự bao giờ. Tuy vậy lâu đài có những tường thành dày trên một sải, cao trên mười lăm sải thì cũng khó bề đánh úp. Chính vì thế mà ông hầu tước đa nghi quý nó. Ở đây, ông có từ hăm lăm đến ba mươi gia bộc quanh mình những gia bộc mà ông cho là trung thành, chắc tại vì lúc nào ông cũng vừa sai bảo vừa chửi mắng được họ, cho nên ông đỡ lo sợ hơn ở Milăng.
Hầu tước lo sợ không phải vô cớ, ông lo sợ vì ông trao đổi thư tín thường xuyên với một gián điệp mà quân Áo gài ở biên giới Thụy Sĩ, cách Griăngta ba trăm dặm đường. Hai người chuyên giúp cho tù binh bị bắt ở chiến trường trốn đi, điều ấy các tướng lĩnh Pháp có thể sẽ coi là nghiêm trọng nếu họ biết.
Hầu tước để bà vợ trẻ của mình ở lại Milăng. Bà cai quản việc nhà ở đó, bà được giao cho ứng phó các khoản trung thu đánh vào trang viên Đen Đônggô, như trong vùng quen gọi. Bà tìm cách làm cho người ta hạ mức xuống, bởi vậy phải đến gặp những người quý tộc có nhận chức vụ, cả đến đôi người không phải quý tộc mà có thế lực.
Lúc này trong gia đình xảy ra một sự kiện lớn. Trước đây hầu tước định xếp đặt cho cô em lấy một nhân vật rất giàu và xuất thân đại thế phiệt. Nhưng nhân vật ấy dùng phấn. Vì vậy Gina vừa tiếp ông ta vừa phì cười là sau đó ít lâu nàng chơi ngông lấy bá tước Pietranơra. Nói cho đúng, bá tước là một người quý phái xứng đáng, rất đẹp trai, duy có nghèo từ đời cha chí đời con, và thất thế nhất là ông tin cuồng nhiệt những tư tưởng mới. Pietranơra là thiếu úy trong quân đoàn người Ý, điều đó càng khiến cho hầu tước thêm thất vọng.
Sau hai năm cuồng nhiệt và sung sướng đó thì viện Đốc chính Pari muốn làm ra vẻ những bá chủ đã vững ngôi, bộc lộ mối thù không đội trời chung đối với tất cả những gì vượt lên trên tầm thường, thấp kém. Các tướng lính ngu xuẩn mà họ phái đến chỉ huy đạo quân ở Ý bị thua liên tiếp trong các trận giao tranh diễn ra ngay trên những đồng bằng vùng Vêrôn, nơi từng chứng kiến các chiến thắng Arcôn và Lônatô kỳ diệu. Quân Áo tiến đến gần Milăng. Trung úy Rôbe, bây giờ là thiếu tá, bị thương ở trận Cátxanô, đến nghỉ lần cuối cùng tại nhà người bạn gái của mình, hầu tước phu nhân Đen Đônggô. Phút chia tay thật là buồn bã, Rôbe cùng đi với bá tước Pietranơra, bá tước đi theo quân đội Pháp khi họ rút lui về Nôvi. Còn nữ bá tước xuân xanh mơn mởn, vì ông anh không giao phần gia tài của bà cho bà, cho nên ngồi trên một chiếc xe bò mà đi theo quân đội.
Thế là một thời kỳ phản động và hồi cựu bắt đầu. Người Milăng gọi giai đoạn này là thời mười ba tháng, vì quả vậy, hồng phúc của họ xui nên cái giai đoạn quay về ngu độn chỉ thu gọn trong mười ba tháng thôi, nghĩa là đến tận Marănggô. Tất cả mọi thứ già cỗi, tím mộ, ủ dột trở về đứng đầu mọi ngành và nắm quyền bính xã hội. Chẳng bao lâu những kẻ trung thành với cựu thuyết rêu rao trong các thôn xóm là Napôlêông đả bị bọn kiêu binh Ai Cập treo cổ. "Như thế là đáng đời hắn về nhiều phương diện".
Trong số những kẻ xưa kia hờn mát lui về trang ấp, nay trở về háo hức báo thủ trả oán, thì hầu tước Đen Đônggô đặc biệt cuồng nhiệt. Vì cực đoan, dĩ nhiên ông phải trở nên thủ lĩnh của đảng, các ngải ấy cũng là người tử tế khi họ không sợ sệt, nhưng họ luôn luôn run sợ, cho nên đã tìm cách lung lạc viên tướng Áo. ông này là người khá tốt, song họ thuyết phục ông ta rằng nghiêm khắc mới là chính trị cao, cho nên ông đã bắt một trăm năm mươi nhà yêu nước, tinh hoa của đất nước Ý lúc bấy giờ.
Không chậm trễ, người ta đày các nhà yêu nước ấy đến vùng Vịnh Cáttarô. Bị nhốt vào những hang ngầm, sự ẩm ướt, nhất là sự đói khát đã thanh toán nhanh chóng và chắc chắn những tên "bất lương” ấy.
Hầu tước Đen Đônggô nhận một chức vụ lớn. Keo kiệt một cách bẩn thỉu, lại có lắm những đức tính cao quý khác, ông khoe công khai là ông không gửi một xu nhỏ nào cho cô em gái nữ bá tước Pietranơra, vẫn cứ yêu chồng một cách say mê, nàng không muốn xa chồng và đành chia cảnh đói khát với chồng trên đất Pháp. Hầu tước phu nhân tốt bụng lấy làm thất vọng. Cuối cùng phu nhân đánh cắp vài hạt kim cương nhỏ trong hộp nữ trang của bà mà mỗi buổi tối ngài hầu tước đòi lại để cất dưới giường, trong một két sắt. Lấy chồng, bà hầu tước mang về cho hầu tước tám mươi vạn frăng hồi môn, để rồi nhận từ tay chồng mỗi tháng tám vạn frăng tiền túi để chi tiêu về việc riêng. Thời gian mười ba tháng mà quân Pháp rời bỏ Milăng, người phụ nữ rụt rè đó viện cớ này cở khác để chỉ mặc toàn đồ đen.
Chúng tôi thú nhận đã noi gương nhiều tác giả nghiêm trang, bắt đầu câu chuyện về nhân vật chính của mình một năm trước khi người ấy sinh. Thật vậy, nhân vật chính yếu ấy là Fabrixơ Vanxera, tiểu hầu Đen Đônggô như người Milăng thường gọi. Chú bé chịu khó ra đời ngay đúng lúc quân Pháp bị đuổi đi. Tình cờ làm sao mà chú lại sinh vào cửa ngài hầu tước Đen Đônggô đại thế phiệt, làm con trai của con người có cái mặt to và tái nhợt, nụ cười giả dối và lòng căm thù đáo để những tư tưởng mới, như các bạn đã biết.
Gia tư của nhà ấy đã được sang tên tất cho người trưởng nam, Axcaniô Đen Đônggô, giống cha như đúc. Hắn vừa lên tám và Fabrixơ lên hai thì thình lình tướng Bônapáctơ từ đỉnh Xanh Bécna kéo xuống, cái ông tướng mà tất cả những người sang trọng đều tưởng bị treo cổ từ lâu. Ông tướng ấy vào thành Milăng. Cũng lại là giờ phút hiếm có trong lịch sử nữa: các bạn hãy tường tượng xem cả một dân tộc say đắm ông như điên dại! Mấy hôm sau, ông thắng trận Marănggô. Rồi thế nào nữa thì không cần phải nói. Người Milăng say sưa hết chỗ nói. Nhưng lần này trong say sưa có ý đồ trả đũa. Người ta đã tập cho đám dân chúng chất phác ở đây biết thù hằn mà!
Ít lâu sau, những người yêu nước còn sống sót ở vịnh Cattarô trở về. Việc hồi hương của họ được tổ chức như một lễ quốc khánh. Gương mặt xanh xao, đôi mắt mở to ngơ ngác, tay chân khẳng khiu của họ trông quá ngược ngạo với niềm vui mừng sôi nổi khắp nơi. Họ về thì những gia đình có vết tích lại ra đi. Hầu tước Đen Đônggô là một trong những kẻ đầu tiên chạy trốn, ông ta trốn về lâu đài Griăngta của mình. Gia trưởng các vọng tộc thì thù hằn và sợ hãi như vậy, còn vợ và con gái họ thì vẫn nhớ những thú vui khi quân Pháp đến lần trước, họ không đành rời bỏ Milăng và luyến tiếc những buổi khiêu vũ biết bao vui vẻ. Liền ngay sau trận Marănggô, các cuộc khiêu vũ được tổ chức lại ở Vũ viện.
Sau trận chiến thắng chỉ mấy hôm, vị tướng Pháp trông coi việc trị an ở Lôngbácđi nhận thấy tất cả những tá điền của bọn quý tộc cũng như tất cả những bà lão nông thôn đều chẳng còn nghĩ gì đến cái chiến công lạ lùng đó, cái chiến công đã thu phục mười ba thành trì trong một hôm và thay đổi vận mệnh nước Ý. Họ mải băn khoản về lời tiên tri của thánh Giôvita, vị thánh đỡ đầu thứ nhất của thành phố Bretxia. Tiếng nói thiêng liêng đó báo trước là sự thịnh vượng của người Pháp và của Napôlêông sẽ chấm dứt đúng mười ba tuần lễ sau trận Marănggô, Ta có thể lượng thứ phần nào cho hầu tước Đen Đônggô và tất cả bọn quý tộc bất hợp tác ở nông thôn vì họ
thực sự tin lời tiên tri ấy và không đóng kịch tí nào. Cái bọn ấy cả đời không đọc hết bốn cuốn sách! Cuối thời hạn mười ba tuần kia, chúng công khai thu xếp hồi cư. Thế nhưng thời gian càng trôi qua càng ghi thêm nhiều chiến công mới của nước Pháp, về Pari, Napôlêông đã cứu cuộc cách mạng ở trong nước bằng những sắc lệnh khôn ngoan, cũng như ông đã cứu nó khỏi bị bọn nước ngoài bóp chết, bằng chiến thắng Marănggô. Tức thời bọn quý tộc Lôngbácđi trốn trong các lâu đài của chúng thấy rằng trước kia chứng hiểu sai lời tiên tri của thánh đỡ đầu thành Bretxia, không phải mười ba tuần lễ, mà là mười ba tháng. Rồi mười ba tháng cũng trôi qua mà nước Pháp thì có vẻ như ngày càng cường thịnh.
Chúng ta hãy lướt nhanh trên quãng mười năm thịnh đạt và hạnh phúc từ 1800 đến 1810. Những năm đầu Fabrixơ sống ở lâu đài Griăngta. Cùng với bọn trẻ nhà quê, chú bé đấm đá ra trò và bị đấm đá cũng gớm. Chú chả học hành gì cả, đến cả tập đọc cũng không, về sau người ta gửi chú đến trường của Dòng Tên, tại Milăng. Ông bố buộc người ta dạy chữ La tinh cho chú không phải cái thứ La tinh của các tác giả xa xưa cứ luôn luôn nói đến các nước cộng hòa, mà cái thứ La tinh trong một cuốn sách to đẹp, có hơn trăm tranh khác của những nghệ sĩ thế kỷ XVI. Đó là gia phả của họ Vanxera, hầu tước Đen Đônggô, viết bằng chữ La tinh, do Fabrixơ Đen Đônggô, tổng giám mục thành Pácmơ xuất bản năm 1650. Họ Vanxera hiển đạt chủ yếu là do vũ công, cho nên các tranh minh họa vô số trận chiến đấu, trong đó luôn luôn có một anh hùng mạnh tên họ Vanxera vung gươm đánh những miếng kiêu dũng. Chú bé Fabrixơ rất thích sách ấy. Yêu quý chiều chuộng chú, mẹ chú thỉnh thoảng xin phép đến Milăng thăm chú. Nhưng ông chồng không bao giờ chi tiền cho bà đi, cho nên bà em chồng đáng mến, bà bá tước Pietranơra vui lòng
cho vay. Sau khi quân Pháp trở lại thì nữ bá tước trở thành một trong những mệnh phụ sắc sảo nhất giữa triều đình hoàng thân Ơgiena phó vương Ý Đại Lợi.
Khi Fabrixơ đã làm lễ thụ thánh thể thứ nhất thì bà mẹ xin được phép ông hầu tước, vẫn đang lưu vong tự nguyện, cho chú bé thỉnh thoảng ra khỏi trường. Bà nhận thấy chú kháu khỉnh, không đến nỗi làm mất vẻ mỹ quan của phòng khách một người đàn bà được quý chuộng ngoài ra, dốt không xiết kể, chỉ tạm tạm biết viết thôi. Bá tước phu nhân làm việc gì cũng rất nhiệt tình, bà hứa sẽ che chở cho ông hiệu trưởng nếu cháu bà tiến bộ vượt bậc và cuối năm được nhiều phần thưởng. Để tạo điều kiện cho cháu được khen thưởng, cứ chiều thứ bảy mỗi tuần, bà cho người đến lĩnh chú bé ra và nhiều khi đến thứ tư hoặc thứ năm mới trả về cho các thầy giáo.
Các cha cố Dòng Tên được hoàng thân phó vương yêu thương trìu mến. Nhưng luật lệ vương quốc Ý không chấp nhận họ, cho nên cha hiệu trưởng, vốn là ngưòi khôn khéo, cảm thấy tất cả cái lợi thế có thể khai thác trong việc giao thiệp với một người phụ nữ quyền uy vô thượng ở chốn cung đình. Cha tránh không phàn nàn gì về những ngày khiếm diện của Fabrixơ. Còn chú bé thì vẫn dốt nát hơn bao giờ hết, nhưng cuối năm nhận được năm phần thưỏng đầu lớp. Thỏa mãn về khoản ấy, bá tước phu nhân Pietranơra lộng lẫy đến dự lễ phát phần thưởng ở nhà trường Dòng Tên. Cùng đi với bà có chồng bà, tư lệnh trưởng một sư đoàn cấm vệ quân, và năm sáu nhân vật cao cấp nhất ở triều đình phó vương. Cha hiệu trưởng được cấp trên ban khen.
1. Eugène de Beauharnais: con đời chồng trước của hoàng hậu Dôdêphin (ơoséphine) vợ Napôlêông được Napôlêông phong phó vương Ý. Là một chỉ huy xuất sắc trong các trận chiến đấu thời đế chế (1781-1824).
Nữ bá tước mang cháu đi dự tất cả những ngày khánh tiết rực rõ đánh dấu triều đại quá ngắn ngủi cúa hoàng thân Ơgien đáng yêu. Bà dùng uy thế của bà vận động cho chú bé được tuyển phong sĩ quan ky binh và mười hai tuổi chú đã mặc bộ quân phục đó. Nữ bá tước một hôm say sưa với dáng điệu tuấn nhã của Fabrixơ bèn xin cho chú làm thị đồng của hoàng thân, như thế có nghĩa là họ Đen Đônggô quy phục triều đại mới. Ngày hôm sau, bà lạí phải tận dụng uy tín của mình để làm cho phó vương vui lòng bỏ qua điều thỉnh cầu ấy. Nói cho đúng thì chỉ cần xin bố Fabrixơ đồng ý là xong, nhưng cũng rõ ràng là ông ta sẽ bác khước và làm toáng lên. Hành động ngông cuồng đó của bà em làm cho ông hầu tước bất hợp tác rùng mình, ông kiếm cớ bắt Fabrixơ trở về Griangta. Bá tước phu nhân khinh bỉ người anh của mình hết chỗ nói. Bà cho ông ta là một thằng ngốc chán ngắt, một kẻ tàn xác nếu có điều kiện. Nhưng bởi say mê Fabrixơ, và sau mười năm không quan hệ với anh, bà viết thư cho hầu tước đòi trả cháu bà cho bà. Thư đi không có thư lại.
Cái lâu đài Griăngta kiêu hùng ấy ngày xưa do những ông tổ hiếu chiến nhất của Fabrixơ xây dựng. Khi trở về đấy, chú bé chẳng biết gì cả ngoài việc luyện tập gươm súng và cưỡi ngựa. Bá tước Pietranơra cũng say chú bé như vợ và thường cũng đã cho chú cưỡi ngựa đi dự các cuộc duyệt binh, diễu binh.
Fabrixơ về lâu đài Griăngta mắt còn mọng đỏ vì đã khóc nhiều khi rời phòng khách của bà cô, chú chỉ được mẹ và các chị em chú say sưa ve vuốt. Còn ông bố thì mãi ngồi trong buồng kín với người con trưởng, tiểu hầu Atxcaniô. Bố con họ bận làm những bức thư mật mã được vinh dự gửi đi Viên. Họ chỉ ra mặt lúc cơm nước. Hầu tước cố ý nói đi nói lại cho mọi người nghe là ông ta phải tập cho người thừa kế làm sổ sách hợp thức về những hoa lợi của mỗi trang ấp của mình. Thực ra hầu tước rất giữ gìn quyền lực của mình cho nên có nói những điều ấy với con bao giờ đâu. Chẳng qua ông dùng con chuyển thành mật mã những bức thư dài mười lăm hai mươi trang mà mỗi tuần hai ba lần ông cho đưa sang Thụy Sĩ, để cho người ta gửi về Viên. Hầu tước có tham vọng báo cáo cho các vương chủ chính thống của mình biết nội tình vương quốc Ý mà bản thân ông cũng chẳng nắm được chút nào. Tuy nhiên thư từ của ông rất được hoan nghênh, vì lẽ thế này, hầu tước bảo một tên tay sai tín cẩn của mình rình trên đường thiên lý, hễ thấy một trung đoàn Pháp hay Ý nào hành quân đổi cứ điểm thì đếm quân số, rồi ông báo cáo về triều đình Viên, lúc kê báo ông đã cẩn thận rút bớt già dặn một phần tư. Những báo cáo buồn cười ấy có ưu điểm là "đính chính" những báo cáo trung thực hơn, và nó được người ta ưa thích. Bởi thế, trước khi Fabrixơ đến lâu đài, hầu tước đã được tặng thưởng một huân chương nổi tiếng. Và đó cũng là huân chương thứ năm trang trí bộ phẩm phục thị thần của ông. Nói cho đúng ông cũng phiền, vì không dám đóng bộ phẩm phục ấy đi ra khỏi buồng. Được cái là không bao giờ ông chịu đọc một bức điện nếu không chỉnh tề áo mão, ngù treo đủ năm huân chương. Nếu không làm thế, ông cho là bất kính.
Hầu tước phu nhân say sưa với phong thái tuấn nhã của cậu con trai. Bà vẫn giữ thói quen mỗi năm hai ba lần viết thư cho tướng A... bá tước, danh vị hiện nay của trung úy Rôbe xưa kia. Bà nói dối những người mình yêu là ghê tởm, cho nên để nói về Fabrixơ với Rôbe, bà hỏi han con và lấy làm kinh hoàng về sự dốt nát của nó.
Bà tự nhủ: "mình chẳng biết gì mà cũng thấy con dốt huống hồ Rôbe. Rôbe thông thái như thế chắc phải cho việc giáo dục của nó hỏng bét, thế mà đời nay thì lại cần có tài trí". Một
đặc điểm nữa khiến bà không kém kinh ngạc là Fabrixơ tin một cách mù quáng tất cả những điều về tín ngưỡng mà các thầy Dòng Tên dạy cho nó. Sự cuồng tín của chú bé làm cho bà rùng mình mặc dù bà rất ngoan đạo. "Giá ông hầu tước mà tinh ý, dùng điều này làm phương tiện lung lạc thì ông ta sẽ chiếm đoạt lòng yêu thương của con mình mất“. Bà khóc rất nhiều và tình thương con của bà lại càng nồng nhiệt hơn.
Cuộc sống diễn ra rất buồn bã ở trong lâu đài có ba bốn mươi gia bộc đó. Bởi vậy cả ngày Fabrixơ cứ đi săn bắn hoặc là bơi thuyền trên mặt hồ. Chú kết thân khá nhanh với những người đánh xe và giữ ngựa. Tất cả đều say sưa ủng hộ người Pháp và chế giễu ra mặt những tên hầu phòng ngoan đạo phục vụ trực tiếp hầu tước hay người con trưởng. Đề mục châm biếm chủ yếu chĩa vào nhân vật trịnh trọng ấy là việc chúng học đòi các ông chủ, dùng phấn. - Ở xứ tôi sắp đến, tôi sẽ không tìm thấy được mấy buổi tối như tối nay, tôi sẽ dùng những giờ dài thức suông để viết câu chuyện các bạn kể đây thành một cuốn truyện.