03 chương 2 -hangoc(done)

15/8/15
03 chương 2 -hangoc(done)
  • CHƯƠNG 2

    MỘT CẬU BÉ SỐNG CÙNG CHA MẸ

    Phải làm gì đối với một cậu bé nói mình là thần thánh? Phải làm gì với những điều mà cậu bé George Soros nói ra như vậy, khi cậu đang sống vào những năm 1930 trong một môi trường trung lưu cao cấp ở Budapest, một cậu bé có vẻ bình thường, có nhiều bè bạn, thích chơi thể thao và cư xử như bất kỳ trẻ con nào cùng tuổi với cậu.

    Chúng tôi có thể nhắc đến những lời nói của cậu lúc đã trưởng thành, đồng thời tự hỏi tại sao cậu không thêm vào những suy nghĩ ấy một điều kiện là cậu thấy thật nực cười cho những ai tin những lời cậu nói lúc nhỏ và thực sự cho cậu là thánh thần.

    Nhưng khi lớn lên, cậu không cho thấy một dấu hiệu nào, một cử chỉ nào để bác bỏ cũng như một lời chú giải là cậu không còn có những ý tưởng ấy mà chỉ nói rằng khó có ai tin mình là một vị thần thánh.

    Soros viết trong một cuốn sách của mình “Nói ra sự thật là từ bé tôi có một vài ý nghĩ ngông cuồng cho rằng mình có thể là người cứu nhân độ thế, và tôi cảm thấy phải biết kiểm soát nó, nếu không sẽ gặp nhiều phiền toái.”

    Và khi bàn luận dài dòng nhất về các ý nghĩ ngông cuồng ấy, trong một đoạn của cuốn sách ông viết năm 1987 “Giả kim thuật Tài chính", Soros tiết lộ rằng lúc còn bé ông đã quá cực nhọc khi cứ phải tiếp tục tin như thế, đấy là một gánh nặng bí mật mà ông không muốn thổ lộ cho ai biết. “Chắc bạn đọc cũng không ngạc nhiên khi tôi công nhận là tôi đã có một quan niệm quá mức về sự quan trọng của mình - nói toạc ra là tôi cứ tưởng tôi là một vị thần thánh nào đó hay một nhà cải cách kinh tế như Keynes hay hơn thế nữa là một nhà khoa học như Einstein.”

    Ông viết tiếp là đầu óc thực tế của mình đã đủ mạnh để cho ông nhận thấy là những mơ tưởng ấy đi quá giới hạn và ông chôn chúng vào lòng như một bí mật tội lỗi. “Đấy là nguồn gốc của một điều bất hạnh rất lớn trong suốt cuộc đời tôi ở tuổi trưởng thành.” Cuối cùng, ông cũng cho phép mình chấp nhận điều bí mật ấy, ít nhất là trong chốn riêng tư, kết quả là ông cảm thấy hạnh phúc hơn rất nhiều.

    Vì ông đã nhận là trong thời niên thiếu, ông tự xem mình là một vị thần thánh nên cũng khá khôi hài là về sau, vào những năm 2000, người ta lại gọi ông là quỷ sứ vì họ cho là ông đang tìm cách phá hoại những giá trị truyền thống của nước Mỹ bằng cách giúp đỡ cho những hoạt động chính trị của phe Cực tả.

    George Soros có xem là cuộc đời trưởng thành của ông, một nhà đầu tư thành đạt, một nhà từ thiện có uy tín, có gần với ý tưởng ngông cuồng thời thơ ấu của ông tự xem mình là thần thánh hay không? Nhiều năm về sau, ông tìm cách cải chính lại ý tưởng cho rằng khi nói là có “những ý tưởng ngông cuồng về cứu nhân độ thế" ông tự xem mình là thần thánh. Ông nhấn mạnh là khi nói câu ấy, thật ra ông chỉ muốn nói rằng mình có bổn phận phải giúp đỡ nhân loại.

    Nhưng trừ một vài điều trích dẫn qua loa trong những năm trưởng thành, Soros chưa bao giờ giải thích trước công chúng tại sao ông lại nói mình là thần thánh.

    Có lẽ, nếu bị ép buộc, ông sẽ nói với mọi người là ông chỉ nói đùa, và chung cuộc, ông chẳng bao giờ tự xem minh là thần thánh. Trái lại, đôi khi ông cũng tự chế diễu cách suy nghĩ của mình thời niên thiếu. Có một lần, một nhà báo đưa ra ý kiến là ông phải được phong giáo hoàng. Ông trả lời “Cần gì? Bây giờ tôi đã là sếp của Giáo hoàng rồi,”

    Bởi vì Soros giữ kín những ý nghĩ ngông cuồng thời thơ ấu của mình nên không một ai trong số người quen biết ông thời nhỏ lại nhớ là ông tự xem mình là thần thánh. Họ nhớ rằng ông thích cư xử như mình vượt lên trên những trẻ con khác. Phần lớn những cộng sự của ông cho rằng khi ông nói ông xem mình là thần thánh, Soros chỉ muốn phóng đại để khẳng định sự trội hơn hẳn của mình đối với những người khác. Gần như thể muốn xin lỗi về lời cường điệu của Soros, họ tìm cách đánh trống lảng bằng cách nói là ông cũng không tin lời ông nói.

    Có người lại nói, Soros không muốn nói mình là thần thánh mà chỉ vì ông tin là mình có thể nói chuyện với Thượng đế! Một người khác nói là Soros chỉ muốn biểu hiện ý tưởng về một quyền uy vô hạn: nói mình là thần thánh cũng chỉ là cách nói đùa cợt như những người khác thường ví mình với Napoléon.

    Có vẻ là những người quen biết George Soros muốn đưa ông trở lại thực tế. Xem như là họ không muốn có một người bạn hay một đồng nghiệp lại thật sự xem mình là thần thánh. Những người khác mà thốt ra những câu nói ấy thì chắc sẽ bị họ cho là điên. Nhưng đối với George Soros, họ không được nghĩ như vậy. Dù sao thì ông cũng là một người mà họ kính sợ.

    Vì sao cậu bé George lại có những ý nghĩ như thế?

    Có lẽ bố mẹ cậu đã nghĩ như vậy. Chắc chắn là họ yêu thương cậu hết mực. Tuy ông Tivadar, người cha và bà Elizabeth, người mẹ cũng yêu thương người con trai khác của họ nhưng người này không hề có dấu hiệu tự xem mình là thần thánh.

    George sinh ra ở Budapest ngày 12 tháng Tám năm 1930. Khi sinh, ông mang tên Hung là Dzjchzhe Shorash, chuyển sang tiến Anh thành George Soros. Mặc dù trong tiếng Hung, tên này được đọc là Shorosh, nhưng George giúp cho bạn bè Anh Mỹ dễ đọc bằng cách phát âm tên mình là Soros.



    Người anh trai duy nhất của ông, Paul, ra đời trước ông hai năm.

    Dù có những khiếm khuyết gì chăng nữa thì ông Tivadar Soros cũng đã là một hình mẫu mạnh mẽ cho người con út của mình, ông là một luật sư và khi George ra đời, ông đã trải qua những kinh nghiệm khủng khiếp nhất đã thay đổi cuộc đời ông. Là một tù binh Áo-Hung trong chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, ông sau đó đã trải qua ba năm đầy sóng gió ở Nga - từ những ngày đầu của cuộc Cách mạng tháng Mười năm 1917 đến cuộc nội chiến năm 1920. Trong những năm nội chiến, ông chạy trốn ở vùng Siberia chỉ mong sống sót. Những gì phải làm để sống sót, ông làm hết dù cực khổ bao nhiêu cũng chịu.

    Khi kể lại những năm đầy hiểm nguy ấy, Tivalar nói với George là trong loạn lạc của thời buổi cách mạng, bất kỳ cái gì cũng có thể xảy ra hết. Dù đó không phải là phương thức để sống sót nhưng những lời nói ấy rất có trọng lượng đối với cậu con trai.

    Dần dà, George khám phá ra rằng cha mình là một người khôn ngoan, quỷ quyệt nữa là đằng khác, ông đã sử dụng tài trí của mình để vượt lên bao nhiêu người khác. Anh thanh niên George rất thán phục cha mình.

    Ferenc Nagel, nhỏ hơn George một tuổi, vẫn còn ở Budapest vào giữa những năm 1990. Ông là một kỹ sư hóa học và làm việc cho Tungsram, công ty bóng đèn nổi tiếng của Hung. Lần đầu tiên ông gặp George là vào năm 1936 trên đảo Lupa, nơi nghỉ mát mùa hè trên sông Danube, cách Budapest nơi hai gia đình Soros và Nagel cư ngụ, một tiếng đồng hồ xe hơi về phía Bắc. Nagel nhớ lại là khi có gì không hay xảy ra, Tivadar vẫn có cách chống chọi. “Ông ta không bao giờ bị khuất phục”. Điều này, Nagel nói một cách quả quyết, chính là di sản của Tivadar truyền lại cho con. Phải thực tế. George cũng công nhận; “Ông ấy đứng về phe nào trong cách mạng? Lẽ tất nhiên là về cả hai phe. Ông phải tìm cách sống sót," Đối với George, điều quan trọng là ông Tivadar có các đặc tính của một con người sống sót. sống sót là một giá trị đã trở thành cao quý trong cuộc đời của George.

    Một vài tính cách của Tivadar tỏ ra rất đáng phục trong thời chiến, nhưng trong thời bình lại kém đi. Thật vậy, vào những năm 1930, Tivadar không còn là một anh hùng trước mắt những người dân đảo Lupa. Nưóc da sẫm, tóc đen, mắt đen - ông ta khá điển trai, vóc người rắn chác như một vận động viên, ham mê thể thao. Ông ta cũng nổi tiếng là có con mắt lấm la lấm lét, tiêu xài hoang phí và không thích làm việc. “Cha tôi không làm việc. Ông ấy chỉ kiếm tiền.” Đối với George, ông ta là như vậy.

    Ferenc Nagel giữ trong trí óc một hình ảnh rất rõ nét về chuyện Tivadar Soros sẵn sàng đi làm việc vào mùa hè năm 1930.

    Tivadar đi chuyến tàu 7 giờ sáng từ nhà trên đảo Lupa đến sở ở Budapest.

    “Khi nghe tiếng tàu sắp đến” Nagel nhớ lại “Tivadar mới mặc quần vào và bắt đầu cạo râu. Ông ta đi ra tàu tay còn cầm dao cạo, và tiếp tục cạo trên đường đi và ngay cả trên tàu. Tất cả chỉ vì muốn ngủ đến phút cuối cùng. Đối với một luật sư thật không bình thường chút nào cả. Ông ta luôn luôn rất láu lỉnh”

    Láu lỉnh có nghĩa là không tuân theo các tục lệ, không chơi theo đúng luật và hay theo lối tắt.

    George có vẻ thông cảm với cách sống của cha mình hơn những người khác vì họ thấy Tivadar cứ trốn tránh công việc nhọc nhằn. Lẽ tất nhiên, về sau George cũng phải công nhận, cha ông làm việc rất ít sau khi trở về từ chiến tranh Thế giới . Dù sao thì cùng chẳng có gì là xấu. Tivadar ở nhà nhiều hơn và George thích như vậy. Ông thích nói chuyện với cha mình và học được nhiều điểu từ những cuộc nói chuyện ấy. Nếu nhũng người khác thấy Tivadar có tính tiêu xài bừa bãi thì George chẳng hề quan tâm. Đối với ông, tiền bạc của cha mình cứ lên lên xuống xuống thì chẳng có gì là quan trọng. Tuy nhiên, dù không cố ý, Tivadar đã truyền cho con mình một thông điệp mà người con giữ suốt đời: “Một phần tôi học được là sự vô bổ của việc kiếm tiền chỉ vì đồng tiền. Tài sản có thể là một trọng lượng chết.”

    Đối với một người như Tivadar đã đặt sự sống sót lên trên hết thì có nhiều tiền củng có những bất lợi. Nhiều người khác sẽ tìm cách cướp đi tiền bạc của những người quá giàu có. Có nhiều tiền sẽ làm cho người ta mềm yếu đi, càng khó cho sống sót. Tivadar truyền những giá trị ấy cho con mình và chúng bén rẽ vào tâm khảm George, về sau, khi có nhiều tiền quá sức ước mơ của bất kỳ ai, Soros không thấy hào hứng lắm khi kiếm được nhiều tiền như vậy.

    Việc Soros nhảy vào lĩnh vực từ thiện vớí một lòng nhiệt tình thực sự cho thấy rõ là ông không thích thú chút nào khi kiếm tiền nhưng lại rất sốt sắng nếu được đi sâu vào việc giải quyết một vài căn bệnh của thế giới.

    Món quà lớn nhất mà Tivadar dành cho con út của mình là chăm sóc anh rất chu đáo. Ông thường xuyên nói chuyện với anh, trao đổi về một vài bí mật của cuộc sống mà ông hiểu ra và thường làm anh cho cảm thấy mình cũng quan trọng. Ngoài việc cài vào đầu cậu bé một ý thức về giá trị cá nhân của mình, Tivadar tăng cường lòng tự tin của con, cho anh biết rằng cũng như bố, anh có thể khắc phục mọi khó khăn và xử lý mọi tình huống phức tạp. Và cũng như Tivadar đã làm, George biết rằng để giải quyết các vấn đề thường tốt nhất là tìm đến những phương pháp không cổ điển.

    Nếu Tivadar dạy cho con trai mình nghệ thuật sống sót thì mẹ của George, bà Elizabeth, lại truyền thụ cho George lòng yêu nghệ thuật và văn hóa. George hết sức gắn bó với mẹ. Hội họa và điêu khắc, âm nhạc và văn chương đểu là những bộ phận quan trọng trong cuộc đời của Elizabeth và bà cũng muốn truyền lại cho con trai lòng yêu mến những thứ ấy. George thích hội họa hơn là âm nhạc, về sau mối quan tâm của ông về triết học có lẽ bắt nguồn lòng tha thiết của chính Elizabeth trên lĩnh vực này. Dù cả nhà chỉ nói tiếng Hung nhưng về sau George nói cả tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Pháp.

    Yehuditte Simo, một cô bạn thời trẻ, cũng sống ở Budapest trong những năm 1930, vào khoảng giữa thập niên 1990 nhớ lại George như một “cậu bé rất dễ thương”. Bà quen George và bố mẹ ông khi ở trên đảo Lupa.

    Bà nhớ lại là cuộc đời của bà Elizabeth thật “không dễ dàng” chút nào. Tật tiêu xài tự do và thoải mái của Tivadar và việc ông không thích làm việc liên tục gây căng thẳng trong gia đình. Dù cố gắng hết sức, Elizabeth cũng không thể ngăn cho các căng thẳng ấy thỉnh thoảng trở nên bùng nổ. Người nhỏ nhắn, trông có vẻ mảnh khảnh, tóc vàng, Elizabeth là một bà nội trợ truyền thống, chăm sóc cho hai cậu con trai và quản lý một gia đình có vẻ người Hung hơn là người Do Thái. Cũng như nhiều người Do Thái Hung khác thuộc thành phần trung lưu cao cấp, Tivadar và Elizabeth rõ ràng là không thoải mái lắm với nguồn gốc tôn giáo của mình, về sau, Soros nói với những người quen: “Tôi lớn lên trong một gia đình Do Thái chống Do Thái,” Vì có tóc vàng mắt xanh giống mẹ hơn là giống người cha có màu da xậm, nên George không có vẻ gì là Do Thái cả. Kỳ thật, ông thường hớn hở khi những đúa trẻ khác nói “Mày chẳng giống Do Thái gì cả”. Chẳng có gì làm ông vui sướng hơn khi được nghe người ta nói ông không hề có diện mạo của một người Do Thái.

    Vì muốn vứt bỏ đạo Do Thái mà Tivadar tìm đủ mọi cách để làm ra vẻ mình thuộc cộng đồng Kitô giáo. Thí dụ như trong chiến tranh Thế giới lần thứ hai, ông sai George đi xin thuốc lá từ những người lính. Sau đấy Tivadar đưa thuốc lá cho những người bán hàng Do Thái. Đối với Tivadar, làm như vậy chỉ cốt cho người ta tưởng ông là một người không phải Do Thái đang nói lên tình đoàn kết với những người Do Thái ấy. Làm như vậy có vẻ an toàn hơn.

    Dù tìm đủ mọi cách để tách mình ra khỏi đám đông nhưng các bạn thời nhỏ của Soros không nhớ ông như là một cậu bé đặc biệt. Ông có thể thấy mình là thần thánh nhưng không một ai trong các bạn của ông lại xem ông có những đức tính gì đặc biệt, dù chỉ là của người thường.

    Theo mọi lời kể, ông không là một thiên tài nhưng thông minh và thường tỏ ra có sáng kiến. Lúc 10 tuổi, George cho xuất bản một tờ báo mang tên Tiếng kèn của Lupa (Lupa Horshina). Ông viết tất cả các bài báo và trong hai mùa hè, ông đem bán cho các gia đình với một giá khiêm tốn. Ferenc Nagel nhớ lại là George hình như hơi hung hăng đối với người lớn. “Khi anh ta tin vào cái gì, anh sẽ bảo vệ nó đến cùng. Tính tình anh ta thật cứng rắn và muốn thống trị người khác.”



    Lúc nhỏ, George rất giỏi trong các môn thể thao, nhất là bơi lội, đi thuyền buồm và quần vợt. Lupa có hai sân quần vợt cho 40 gia đình, rõ ràng là một xa xỉ. Ông không thích chơi bóng đá xem đó là một thứ thể thao của giới trung lưu cao cấp vậy không phải cho ông. Ông thích chơi các trò chơi, tất cả các loại. Đặc biệt ông thích chơi trò chơi Capital, một loại Monopoly của Hungary. Từ lúc lên 7 tuổi ông thường chơi trò chô này với đám trẻ, ông là người chơi hay nhất, chơi dở nhất là George Litvin. Đối với các bạn thời thơ ấu, thật không có gì là ngạc nhiên khí George Soros trở thành một đại gia trong ngành tài chính còn Litvin thành một sử gia. Luôn luôn thắng, trong trò chơi Capital làm cho ông chán ngấy. Để cho trò chơi thêm phong phú ông đặt ra những quy tắc mới. Một quy tắc làm cho trò chơi phức tạp hơn là thêm vào một sàn chứng khoán. Khi nhà tài phiệt Soros trở lại Hungary năm 1960, ông tìm gặp Ferenc Nagel và ông này hỏi Soros đang làm nghề gì để kiếm sống. Soros mỉm cười hỏi lại: “Cậu còn nhớ ta chơi trò chơi Capital lúc bé không? Thế đấy, bây giờ thì tớ vẫn chơi như vậy.”

    • • •

    Trẻ con ở Budapest phải đi học đến năm 14 tuổi. Đối với các gia đình nghèo khó, cho con đi học quá tuổi ấy thật là khó khăn.

    Miklas Hom, một giảng viên kinh tế ở Budapest là bạn học tiểu học với George. Lần đầu tiên họ quen nhau là vào năm 1940, lúc cả hai đều 10 tuổi. Cuối năm ấy họ chuyển về một trường công lập dành cho con cái các gia đình trung lưu. Trong suốt 6 năm sau, Hom vẫn học cùng lớp với George.

    Ở tiểu học, George là người có tính tình thoải mái. Vì thế cho nên anh và Miklas Hom không phải là bạn thân. “George là một người táo bạo, thoải mái còn tỏi thì vững chắc và trầm tĩnh. Anh ta thích đánh nhau với các bạn khác. Thật vậy, George đã học đấm bốc và biết tự bảo vệ mình.” Ở trường của George tất cả các năm học đều chia thành hai lớp, một lớp cho trẻ em Do Thái, một lớp cho những học sinh không phải Do Thái. George và Miklas Horn ở trong lớp Do Thái. Horn nhớ rất rõ những cuộc đụng chạm giữa các trẻ em Do Thái và không Do Thái. Nếu những cú đấm đá không phải là biểu hiện của các cảm nghĩ bài Do Thái, Hom nhớ lại, thì các bạn cùng hiểu rằng các cuộc đánh nhau xảy ra phần lớn giữa trẻ Do Thái và trẻ không Do Thái. Hom nhận xét thêm: “Tiềm ẩn phía dưới là một ý tưởng bài Do Thái. Các cuộc đánh nhau cũng có một hàm ý chính trị nữa.’’

    Dù cậu bé George cũng tham gia vào nhiều cuộc đấm đá nhưng sự hung hăng của cậu ở sân trường không phải để chống lại thái độ bài Do Thái. Miklas Hom cho rằng, thật tình thì anh ta không muốn gắn bó mình quá chật với bất kỳ lớp nào, giữ quan hệ tốt với cả các bạn Do Thái và không Do Thái.

    Dù rằng lúc trưởng thành, Soros thích xem mình là một trí thức, nhưng ông ta chỉ về sau mới phát triển, bạn học không ai nhớ ông đã là một học sinh giỏi cả. Và cũng chẳng ai nhớ là ông đặc biệt thích một đề tài nào hết. Theo Miklas Hom, “George không phải là một học sinh thật xuất sắc. Anh ta thuộc vào hạng trung bình trong lớp. Nhưng anh ta là ngườỉ có tài ăn nói.”

    Pal Tetenyi cũng học trường công lập cùng thời ấy và cũng như Miklas Hom, ông nhớ rằng George Soros cũng chỉ là một học sinh trung bình. Có một chuyện xảy ra ông nhớ rất rõ. Đó là vào mùa xuân năm 1942 khi cả ông và George đều lên 12 tuổi.

    George và Pal Tetenyi có một buổi họp của hướng đạo sinh và được thông báo là một Hội Quốc tế ngữ sắp được thành lập. Những ai muốn gia nhập Hội thì ghi tên vào một mảnh giấy đặt trên một chiếc ghế.

    George chơi khăm vồ lấy mảnh giấy và làm cho Tetenyì không ghi được tên. Pal nhớ lại “Georgé chế nhạo tôi và tôi sợ là anh ấy làm cho mọi người cười tôi. Tôi muốn tấn công lại. Thế là chúng tôi bắt đầu đánh nhau." Hai đứa trẻ lăn xuống dưới ghế và chúng nhanh chóng phát hiện ra là có một thầy giáo giận dữ đang nhìn xuống chúng, cả hai đều bị cảnh cáo vì tội đánh nhau.

    Khi Chiến tranh Thế giới lần thứ hai bùng nổ vào tháng Chín năm 1939, George mới lên 9 tuổi, Nhung cuộc đời ông không có gì thay dổi vì lúc ấy bọn Quốc Xã không đe dọa Hungary. Dân chúng ở Budapest vẫn sống bình thường. Trong năm đầu tiên của cuộc chiến, Hồng quân Liên Xô đưa quân vào Phần Lan. Có lần George đọc trong một tờ báo địa phương lời kêu gọi giúp đỡ Phần Lan.

    Chạy vội đến tòa soạn tờ báo theo lời kêu gọi, George đã gây ấn tượng đặc biệt đến ban biên tập, họ không ngờ một cậu bé chín tuổi lại chịu khó tỏ lòng giúp đỡ một dân tộc ở một nước xa xăm. Họ bèn viết một bài báo kể lại chuyện cậu bé George đến thăm tòa soạn báo.

    Khi cuộc chiến leo thang, nguy cơ Hungary bị Đức xâm lược ngày càng lớn. George Soros và những người khác trong cộng đồng Do Thái ở Hungary không thể tránh khỏi bị lôi cuốn vào chiến tranh. Thật vậy, trong những năm tiếp theo, chiến tranh đã đến với họ một cách không thể nào quên được.:rose: