04 - BẮT ĐẦU CÂU... superlazy (done)
-
BẮT ĐẦU CÂU CHUYỆN CỦA QUYỂN SÁCH CÓ TÊN LÀ “CUỘC CHUYỆN TRÒ THÂN MẬT VỀ THẾ GIỚI”
Hỡi các vị hoàng đế và các lãnh chúa, các quận công và hầu tước, các bá tước và các nhà tư sản và tất cả những ai muốn biết những chủng tộc khác nhau của loài người, những tính cách đa dạng của những vùng đất khác nhau trên thế giới, hãy cầm lấy quyển sách này và hãy đọc nó, quý vị sẽ tìm thấy những điều hết sức kỳ diệu và những tính cách đa dạng của Đại Arménie, Ba Tư, những người Tácta, Ấn Độ cũng như của nhiều tỉnh khác như quyển sách của chúng tôi tuần tự kể ra đây phỏng theo chuyện kể của Ngài Marco Polo, người công dân chính trực và cao quý của thành phố Venise, ông đã tận mắt chứng kiến những điều đó. Điều ông không thấy, ông nghe những người đáng tin cậy nói. Để cho quyển sách của chúng ta ngay thẳng và xác thực, không có bất cứ lời nói dối nào, chúng tôi sẽ đưa ra những điều được chứng kiến tận mắt và được nghe tận tai. Vì vậy tất cả những ai đọc hoặc nghe câu chuyện này đều phải tin nó, bởi vì tất cả đều là sự thật. Vì tôi cho các quý vị biết rằng từ khi Thiên Chúa của chúng ta dựng nên Adam, người cha đầu tiên của chúng ta, không bao giờ có người của bất cứ chủng tộc nào, không người Ki tô giáo nào, không người ngoại giáo nào, không người Tácta nào, không người Ấn Độ nào hoặc ai thuộc bất cứ chủng tộc nào khác lại đi tìm những phần đất khác nhau của thế giới với những điều hết sức kỳ diệu như Ngài Marco Polo đã từng làm. Do đó ông nghĩ rằng sẽ là điều quá bất hạnh nếu ông không cho viết ra điều ông đã từng chứng kiến hoặc nghe thấy trong sự thật, để những người khác là những người không thấy hoặc không nghe biết được qua quyển sách này. Để biết tất cả những sự kiện trong những phần khác nhau của thế giới này, ông đã ở đó hơn hai mươi sáu năm (thật ra là hai mươi bốn, xem dẫn nhập). Sau đó lúc ở tù tại Gênes ông cho viết ra tất cả những điều này theo trình tự bởi Ngài Rusticien, người dân thành Pise, người đang có mặt trong cùng nhà tù, và toàn bộ sự việc này diễn ra vào năm 1298 sau khi Chúa Ki tô Nhập Thế.
NGÀI NICOLAO VÀ NGÀI MATTEO KHỞI HÀNH TỪ CONSTANTINOPLE ĐỂ THAM QUAN THẾ GIỚI NHƯ THẾ NÀO?
Nên biết rằng vào thời kỳ vua Baudouin làm hoàng đế tại Constantinople - đó là vào năm 1250 theo Công nguyên - Ngài Nicolao Polo, bố của Ngài Marco và Ngài Matteo Polo, em trai của Ngài Nicolao, cả hai cùng đang ở tại thành phố Constantinople, họ đến từ thành phố Venise cùng với hàng hóa. Họ đúng là những nhà quý tộc, vừa thông minh vừa khôn ngoan. Họ bàn nhau và quyết định đi đến biển Majeure (Biển Đen) để làm ăn buôn bán. Họ mua nhiều đồ trang sức và khởi hành từ Constantinople để theo đường biển đến Soldadie (lãnh thổ Soudak, nam Crimée).
NGÀI NICOLAO VÀ NGÀI MATTEO KHỞI HÀNH TỪ SOLDADIE NHƯ THẾ NÀO?
Khi họ đi đến miền Soldadie, họ thấy tốt hơn hết là tiến tới nữa. Từ Soldadie họ theo đường bộ rồi đi ngựa đến nhà một vị lãnh chúa Tácta có tên là Abarca Kaan (Khan Béréké, cháu của Gengis Khan) ở Sara (Saray, trên sông Volga). Vị Abarca này tiếp đón cả hai người và rất sung sướng vì việc đến thăm của họ. Họ kính tặng cho ông tất cả những đồ trang sức mang theo và ông hết sức vui vẻ tiếp nhận những món đồ đó làm cho ông rất hài lòng. Ông bán lại cho họ gấp hai lần giá trị các món đồ của họ.
Khi họ ở lại với vị lãnh chúa một năm, một cuộc chiến tranh lớn nổ ra giữa Abarca và Alau, lãnh chúa của những người Tácta tại Soleil Levant. Có những trận chiến đấu lớn từ cả hai phía, nhưng cuối cùng, Abarca lãnh chúa của những người Tácta tại Ponent bị đánh bại. Vì cuộc chiến tranh này, không ai có thể đi qua những con đường này mà không bị bắt. Tuy nhiên nguy hiểm này chỉ tồn tại trên các lộ trình từ đó họ đã đến; ngược lại tiến lên phía trước, mỗi người có thể đi ngựa một cách an toàn. Vì vậy cả hai anh em tin chắc tốt hơn nên tiếp tục đi tới, vì họ không thể quay lui. Thế là họ lên đường từ Bolgara và đi đến một thành phố mang tên Ouaca (Oukak, trên sông Volga, giữa Saray và Bolgary) ở biên giới vương quốc của lãnh chúa vùng Ponent. Từ Ouaca họ vượt qua con sông Tigre và đi qua một hoang mạc dài 16 ngày đường nơi đó họ không tìm thấy bất cứ thành phố hoặc thị trấn nào, nhưng chỉ thấy những người Tácta sống bằng nghề nuôi gia súc đang gặm cỏ ở các cánh đồng.
HAI ANH EM VƯỢT QUA HOANG MẠC VÀ ĐI ĐẾN THÀNH PHỐ BOUCARA NHƯ THẾ NÀO?
Khi họ vượt qua hoang mạc này, họ đến một thành phố có tên là Boucara (Boukhara) rất sang trọng và rộng lớn. Tỉnh cũng mang tên Boucara. Vị vua ở đó là một người có tên là Barac. Đây là thành phố đẹp nhất của toàn bộ nước Ba Tư. Khi đến đó họ không thể tiến lên phía trước hoặc quay lui lại phía sau nên họ phải ở lại ba năm trong thành phố Bocara. Trong khi họ lưu lại trong thành phố này, có các sứ giả của Alau, lãnh chúa của xứ Levant đến, họ đang đi đến với Đại Hãn (Khoubilai Khan), chúa tể của tất cả những người Tácta trên thế giới. Khi các sứ giả trông thấy Ngài Nicolao và Ngài Matteo, họ hết sức kinh ngạc, vì họ không bao giờ nhìn thấy bất cứ người La tinh nào trong đất nước của họ. Họ liền nói với hai anh em:
- Thưa quý ngài, nếu quý ngài tin chúng tôi, quý ngài sẽ được nhiều điều tốt và niềm vinh dự lớn lao.
- Hai anh em trả lời rằng sẽ sung sướng lắng nghe họ.
- Đại Hãn chưa bao giờ thấy bất cứ người La tinh nào và ông rất muốn nhìn thấy họ, các sứ giả nói. Vì vậy, nếu các ngài muốn đi cùng chúng tôi đến tận nơi ông ở, các ngài nên biết chắc rằng ông ta sẽ vui lòng gặp gỡ các ngài và sẽ làm cho các ngài đầy tràn vinh dự và hạnh phúc. Quý ngài sẽ có thể đến đó với chúng tôi một cách an toàn và không có bất cứ trở ngại nào.
HAI ANH EM TIN VÀO CÁC SỨ GIẢ VÀ ĐẾN VỚI ĐẠI HÃN NHƯ THẾ NÀO?
Khi hai anh em sẵn sàng đi cùng với các sứ giả, họ cùng nhau lên đường và cưỡi ngựa suốt một năm tròn đi theo hướng Bắc và hướng Đông Bắc trước khi đến được nơi ở của Đại Hãn. Trong lúc đi ngựa, họ bắt gặp nhiều điều hết sức lạ lùng, nhưng lúc này chúng tôi sẽ không nói vì Ngài Marco, người cũng đã nhìn thấy tất cả những điều này, sẽ kể cho các bạn một cách rõ ràng sau này trong quyển sách này.
HAI ANH EM ĐẾN VỚI ĐẠI HÃN NHƯ THẾ NÀO?
Khi hai anh em đến với Đại Hãn, ông tiếp đón họ thật nồng hậu và tiếp đãi họ tưng bừng. Ông tỏ ra vô cùng vui sướng về việc họ đến, hỏi họ về nhiều vấn đề: trước tiên về các vị hoàng đế, về việc họ quản lý Nhà nước và đất đai như thế nào cho công bình, họ đánh trận ra sao, và ông còn hỏi về tất cả những công việc của họ. Sau đó ông hỏi họ về các vua, các hoàng tử và các vị cận thần khác.
ĐẠI HÃN CÒN HỎI THĂM VỀ NHỮNG CÔNG VIỆC CỦA NHỮNG NGƯỜI KI TÔ GIÁO VÀ ĐẶC BIỆT VỀ VỊ TÔNG ĐỒ Ở LA MÃ NHƯ THẾ NÀO?
Sau đó ông hỏi họ về Đức Giáo hoàng và Giáo Hội Công giáo, về tất cả những công việc ở thành La Mã, về tất cả những phong tục tập quán của những người La tinh. Cả hai anh em nói cho ông nghe về từng vấn đề một cách rõ ràng, thứ tự và khôn khéo với tư cách là những người chính trực, vì họ biết rành tiếng Tácta.
ĐẠI HÃN PHÁI HAI ANH EM ĐẾN VỚI ĐỨC GIÁO HOÀNG VỚI TƯ CÁCH LÀ SỨ GIẢ NHƯ THẾ NÀO?
Khi Đại Hãn, có tên là Cublay Caan, (Khoubìlai Khan), Chúa công của tất cả những người Tácta trên thế giới cũng như tất cả các tỉnh, các vương quốc, các vùng miền của phần thế giới lớn nhất này đã nghe tất cả những công việc của những người La tinh qua lời hai anh em đã kể lại với ông, ông tỏ ra rất hài lòng. Ông tự mình quyết định phái họ đến với Đức Giáo hoàng với tư cách là sứ giả của ông. Vì vậy, ông giao cho họ sứ mạng làm công việc ngoại giao cùng với một vị cận thần của ông. Họ trả lời ông là rất vui lòng làm theo bất cứ lệnh truyền nào của ông cứ như ông là ông chú của họ vậy. Chúa công cho triệu vời một cận thần có tên là Cogatal đến và ra lệnh cho người này chuẩn bị sẵn sàng, bởi vì Chúa công muốn ông đi cùng hai anh em đến với Đức Giáo hoàng. Vị cận thần trả lời sẽ làm theo lệnh truyền của Chúa công, theo uy quyền của ông.
Sau đó Chúa công ra lệnh thảo các thư ủy nhiệm bằng tiếng Tácta để gởi cho Đức Giáo hoàng và trao lại chúng cho hai anh em cùng với cận thần của ông. Ông ủy thác cho họ điều ông muốn họ đề đạt lên với Đức Giáo hoàng. Các thư ủy nhiệm chứa đựng những điều các bạn sẽ nghe sau đây: Ông yêu cầu Đức Giáo hoàng gởi cho ông một trăm nhà hiền triết, thông thạo lề luật Ki tô giáo, biết đến bảy nghệ thuật (Ngữ pháp, Luận lý, Tu từ học, Số học, Hình học, Âm nhạc và Thiên văn), giỏi tranh luận và chứng minh một cách thấu đáo cho những người tôn thờ ngẫu tượng cũng như các giáo phái khác, bằng sức mạnh của lý trí, vì sao lề luật của Chúa Ki tô lại tốt đẹp hơn và tại sao tất cả các luật khác đều kém giá trị hơn và sai lầm và nếu họ có thể chứng minh được điều đó, ông và toàn thể dân tộc của ông sẽ trở thành Ki tô hết. Ngoài ra ông ủy thác cho hai anh em mang về cho ông dầu đèn đang thắp trên Mộ Thánh của Chúa Jesus ở Jerusalem.
ĐẠI HÃN BAN CHO HỌ LỆNH BÀI BẰNG VÀNG NHƯ THẾ NÀO?
Khi Đại Hãn ủy thác cho họ toàn bộ công việc sứ giả, ông ra lệnh ban cho họ một lệnh bài bằng vàng có nội dung là ba sứ giả có thể yêu cầu bất cứ thứ gì họ cần trong tất cả các nước họ đến, chẳng hạn như ngựa, người để bảo đảm an toàn cho họ và tất cả những thứ họ muốn. Khi ba vị sứ giả có tất cả những gì họ cần, họ chào tạm biệt Đại Hãn và lên đường.
Khi họ cưỡi ngựa đi không biết bao nhiêu ngày, vị cận thần ngã bệnh nên ông không thể đi ngựa được nữa. Thế là họ ở lại trong một thành phố, vì bị bệnh nặng nên vị cận thần không tiếp tục cuộc hành trình. Hai anh em nghĩ nên để ông ta ở lại đó và chính họ sẽ làm tròn sứ mạng. Vị cận thần đồng ý, họ tiếp tục lên đường. Tôi cho các bạn biết là bất cứ nơi nào, họ cũng đều được phục vụ và được mọi người tuân theo mệnh lệnh của họ, đó là nhờ vào lệnh bài của Đại Hãn.
Tôi sẽ nói với các bạn điều gì nữa đây? Họ còn phải đi bộ trong ba năm trời cho đến tận Layas vì họ không thể cưỡi ngựa luôn được, vì thời tiết xấu, tuyết rơi và trời mưa đang làm cho các con sông dâng lên cao đến nỗi họ không thể vượt qua.
HAI ANH EM TRỞ VỀ THÀNH PHỐ ACRE NHƯ THẾ NÀO?
Từ Layas, họ đến Acre (Saint Jean d’Acre) vào tháng Tư năm 1260 sau Công nguyên (sai lầm của người chép hoặc Marco Polo nhớ lầm vì Đức Giáo hoàng Clement IV đã qua đời vào tháng Mười Một năm 1268) và biết tin Đức Giáo hoàng đã qua đời. Khi hay tin này, họ đi tìm một nhà thông thái, Đặc sứ của Tòa Thánh cai quản toàn bộ vương quốc Ai Cập, ông có uy tín rất lớn và có tên là Tebaldo de Plaisance. Họ trình lên ông bức thư ủy nhiệm đã khiến họ đến với ông. Khi vị Đặc sứ Tòa Thánh biết rõ câu chuyện, ông hết sức kinh ngạc và cho đó là một điều rất tốt lành và rất vinh dự cho toàn thể Giáo hội Công giáo. Vì vậy ông trả lời cho hai anh em sứ giả như sau:
- Thưa quý ngài, quý ngài biết là Đức Giáo hoàng đã qua đời. Vì vậy điều thích hợp nhất là các ngài hãy đợi cho đến khi Đức Giáo hoàng mới được bầu lên. Khi có Giáo hoàng mới, quý ngài sẽ có thể trình quốc thư.
Họ thấy vị Đặc sứ Tòa Thánh nói rất đúng. Họ bèn lên tiếng:
- Trong khi chờ đợi Đức Giáo hoàng mới, chúng tôi có thể đi Venise để thăm bố mẹ chúng tôi.
Vậy là từ Acre họ lên đường đi Negreport (đảo Eubeé, trong quần đảo Hy Lạp) và từ Negreport họ đáp tàu đi đến Venise, Ngài Nicolao biết tin vợ mình đã mất và để lại cho ông một đứa con trai trạc mười lăm tuổi tên là Marco mà quyển sách này đang đề cập đến. Cả hai anh em ở lại Venise hai năm trong khi chờ đợi Đức Giáo hoàng mới.
HAI ANH EM KHỞI HÀNH TỪ VENISE VÀ DẪN MARCO ĐẾN VỚI ĐẠI HÃN NHƯ THẾ NÀO?
Khi hai anh em đã chờ đợi như các bạn đã biết và cũng biết là Đức Giáo hoàng mới chưa được bầu, họ tự nhủ không thể chờ đợi lâu hơn được nữa để quay về với Đại Hãn. Vì vậy từ Venise, họ dẫn theo Marco lên đường đi thẳng đến Acre và gặp lại vị Đặc sứ Tòa Thánh ở đó. Họ nói với ông về những gì đã xảy ra và chào tạm biệt ngài lên đường đi Jerusalem để nhận dầu thắp đèn tại Mộ Thánh để mang về cho Đại Hãn, theo lời yêu cầu của ông. Vị Đặc sứ tiễn họ lên đường. Từ Acre họ đi đến Jerusalem, ở đó họ lấy dầu đèn Mộ Thánh rồi họ lại quay về Acre. Họ gặp lại vị Đặc sứ Tòa Thánh và nói với ông:
- Vì chúng tôi chưa yết kiến được Đức Giáo hoàng mới, chúng tôi muốn quay về với Đại Hãn, vì chúng tôi đã chờ đợi quá lâu.
Vị đặc sứ liền nói với họ:
- Vì quý ngài muốn quay về, tôi đành phải để cho quý ngài đi thôi.
Sau đó ông ra lệnh thảo các bức thư để gởi cho Đại Hãn nhằm xác nhận hai anh em có đến để hoàn thành mệnh lệnh của Chúa công, nhưng họ không thể hoàn thành được vì không có Giáo hoàng mới.
HAI ANH EM MARCO KHỞI HÀNH RA ĐI TỪ ACRE NHƯ THẾ NÀO?
Khi hai anh em nhận được thư của vị Đặc sứ, họ đi từ Acre để đến với Đại Hãn, và họ trở về Layas. Đến nơi không bao lâu, vị Đặc sứ được bầu lên ngôi Giáo hoàng, do đó hai anh em hết sức vui mừng. Ngài lấy tên là Grégoire de Plaisance (Grégoire X) được bầu vào tháng 9 năm 1271, lúc đang giữ chức vụ Đặc sứ Tòa Thánh tại Syrie. Ngay lúc đó vị Đặc sứ đã trở thành Giáo hoàng gởi cho họ còn ở tại Layas một bức thư bảo họ đừng đi tới nữa nhưng quay lại với ngài ở Acre.
Và tôi sẽ nói với các bạn điều gì nữa đây? Vua xứ Arménie ra lệnh trang bị một tàu ga lẻ cho hai anh em sứ giả và chở họ đến Acre để yết kiến Đức Giáo hoàng.
HAI ANH EM ĐẾN VỚI ĐỨC GIÁO HOÀNG NHƯ THẾ NÀO?
Khi đến Acre, họ liền đi thẳng đến Giáo hoàng và phủ phục rất lâu trước mặt Ngài. Đức Giáo hoàng đón tiếp họ hết sức long trọng và rất vui mừng tiếp đãi họ ban cho họ phép lành của ngài. Sau đó Ngài ban cho họ hai tu sĩ thuyết giảng để đến với Đại Hãn để thi hành nhiệm vụ Ngài giao phó. Họ đúng là những giáo sĩ thông minh nhất vào thời đó. Một vị được gọi là Sư huynh Nicolas de Vincence, còn vị kia, Sư huynh Guillaume de Triple. Đức Giáo hoàng ban cho họ những đặc ân và thư ủy nhiệm đại sứ để phản hồi cho vị Đại Hãn. Khi họ đón nhận những điều cần thiết, họ chào tạm biệt Đức Giáo hoàng và nhận lãnh phép lành của Người. Cả bốn người cùng lên đường từ Acre, theo họ còn có Marco, con trai của Ngài Nicolao. Từ đó họ đi đến Layas.
Trong lúc họ có mặt ở Bendocquedar, Soudan đo Babylonie tiến vào Arménie với một đạo quân lớn người Sarrasin và gây ra rất nhiều thiệt hại lớn trong vùng. Các sứ giả có nguy cơ bị bắt hoặc bị giết. Hay tin đó, hai sư huynh dòng thuyết giảng rất kinh hãi vì phải đi tới. Họ trao cho Ngài Nicolao và Ngài Matteo tất cả các thư ủy nhiệm và các đặc ân mà họ lãnh nhận, và họ bỏ đi cùng với vị chỉ huy đội quân những kỵ sĩ dòng Đền thờ.
HAI ANH EM MARCO TRỞ VỀ VỚI ĐẠI HÃN NHƯ THẾ NÀO?
Hai anh em cùng với Marco lại lên đường. Họ cưỡi ngựa đi mùa đông cũng như mùa hè để đến với Đại Hãn, đó là một thành phố có tên là Clemeinfu (Kai ping fou, Mông Cổ, cách Bắc Kinh 70 dặm) một thành phố rất giàu và rất rộng lớn. Từ những gì họ bắt gặp trên đường đi lúc đi cũng như lúc quay về, chúng tôi sẽ không nhắc đến lúc này, bởi vì chúng tôi sẽ kể cho các bạn sau trong quyển sách này. Để trở về, họ phải mất ba năm rưỡi, vì thời tiết xấu và những đợt rét cóng. Bạn cũng nên biết rằng khi Đại Hãn biết Ngài Nicolao và Ngài Matteo Polo, những sứ giả của ông đã trở lại, ông vội phái những sứ giả đi đón họ ở cách nơi ông ở hơn bốn mươi ngày đường. Trên đường đi cũng như trên đường về, họ được phục vụ và kính trọng một cách đặc biệt.
HAI ANH EM VÀ MARCO TRÌNH DIỆN TRƯỚC MẶT ĐẠI HÃN NHƯ THẾ NÀO?
Tôi sẽ nói với các bạn điều gì nữa đây? Khi hai anh em và Marco đến trong thành phố lớn này, họ đi đến nơi ở của Đại Hãn, ở đó, họ gặp ông cùng với một đoàn tùy tùng rất đông. Họ quỳ gối và cúi mình trước mặt ông thật lâu. Ông ra lệnh cho họ đứng lên và tiếp đón họ một cách rất kính trọng, tiếp đãi họ hết sức phấn khởi và nồng hậu. Ông hỏi han họ rất nhiều về sức khỏe của họ, và về những gì họ đã làm. Họ trả lời là rất hài lòng vì họ gặp lại ông khỏe mạnh và sảng khoái. Sau đó, họ trình cho ông những đặc ân mà họ đã nhận từ Đức Giáo hoàng. Ông hết sức vui mừng hân hoan. Sau đó họ dâng lên cho ông dầu thánh lấy từ Mộ Thánh. Ông rất sung sướng và vô cùng trân trọng dầu thánh. Khi nhìn thấy Marco, một chuẩn kỵ sĩ trẻ, ông hỏi cậu ta là ai.
- Thưa Chúa công, bố cậu là Ngài Nicolao nói, đây là con trai của thần và là thần dân của Chúa công.
- Chúc mừng cậu đã đến, Đại Hãn nói.
Vì sao tôi kể cho các bạn dài dòng như vậy? Bạn nên biết triều đình Đại Hãn đang chiêu đãi trọng thể để mừng cuộc trở về của họ. Họ được mọi người phục vụ và tôn trọng. Họ ở lại trong triều và được các cận thần khác đến chúc mừng.
ĐẠI HÃN PHÁI MARCO LÊN ĐƯỜNG LÀM SỨ GIẢ CỦA ÔNG NHƯ THẾ NÀO?
Chuyện xảy ra là Marco, con trai của Ngài Nicolao hiểu biết rõ các phong tục tập quán của những người Tácta cũng như ngôn ngữ, chữ viết và nghệ thuật quân sự của họ, điều đó thật là kỳ diệu. Vì như các bạn biết đấy: chỉ trong một thời gian ngắn, cậu đã biết được nhiều thứ ngôn ngữ và bốn dạng chữ viết. Cậu khôn ngoan và biết lo xa trong mọi việc, đến nỗi Đại Hãn nhận thấy cậu rất thông minh, đẹp trai và lối xử sự khôn khéo; ông phái cậu đi thi hành một sứ mạng trong một vùng đất xa ít nhất là sáu tháng đi đường. Chàng trai chuẩn kỵ sĩ hoàn thành công việc rất tốt và hết sức khôn ngoan. Cậu nhận thấy nhiều lần Đại Hãn phái các sứ giả của ông đến những vùng khác nhau trên thế giới, và khi họ trở về, nếu họ không biết nói vấn đề gì khác ngoài lý do họ ra đi, ông coi họ như là điên khùng và dốt nát, ông nói với họ: “Ta thích nghe những điều mới lạ và những phong tục của những vùng khác nhau hơn là mối quan hệ của ngoại giao đoàn”. Vì ông rất thích nghe nói về những điều kỳ lạ. Vì thế khi ra đi cũng như lúc trở về, Marco Polo quan tâm nhiều đến việc thăm hỏi về mọi chuyện khác nhau, tùy theo từng vùng để có thể nói với Đại Hãn những chuyện đó lúc trở về.
MARCO ĐI LÀM NHIỆM VỤ SỨ GIẢ TRỞ VỀ NHƯ THẾ NÀO?
Sau khi Marco hoàn thành sứ mạng trở về, cậu trình diện trước mặt Đại Hãn và báo cáo với ông về tất cả những việc làm mà vì chúng cậu đã ra đi và đã làm tốt công việc như thế nào. Rồi cậu kể cho ông nghe tất cả những điều mới lạ và tất cả những chuyện lạ lùng mà họ đã trông thấy và biết rõ. Đại Hãn và tất cả những người nghe cậu đều kinh ngạc và nói:
- Nếu cậu thanh niên này thấy rõ, cậu ta chỉ có thể là một người đàn ông thông minh và có nhân cách.
Và tôi sẽ nói với các bạn điều gì nữa đây? Vì vậy, từ đó về sau, cậu được gọi là Ngài Marco Polo. Từ đây quyển sách của chúng ta sẽ gọi cậu như vậy, vì đó là điều phải lẽ.
Sau sự việc đó, Ngài Marco Polo ở lại bên cạnh Đại Hãn trong mười bảy năm trời, đôi lúc đi đây đi đó cùng với đoàn sứ giả qua những vùng khác nhau mà Đại Hãn phái cậu đi. Riêng cậu, vì cậu khôn ngoan và biết rõ lối cư xử của Đại Hãn, cậu tự làm cho mình vất vả để hiểu biết và nghe những điều mà cậu nghĩ chúng có thể làm vừa lòng Đại Hãn. Vì thế, vào những lần trở về, cậu kể cho Đại Hãn tất cả mọi thứ theo thứ tự. Vì thế, Người rất yêu mến cậu. Vì lý do này, Người thường sai phái cậu thực hiện những sứ mạng quan trọng nhất, tuyệt vời nhất và xa xôi nhất. Nhờ Trời, cậu luôn luôn thực hiện tốt và khôn khéo mọi công việc được giao. Đại Hãn rất yêu cậu và đem lại cho cậu nhiều vinh dự. Người giữ cậu gần gũi bên mình đến nỗi nhiều cận thần đã ganh tị về chuyện này. Cũng nhờ thế mà Ngài Marco Polo biết được nhiều điều hơn, thấy được nhiều vùng khác nhau trên thế giới hơn bất cứ người nào khác. Hơn bất cứ ai khác, cậu chú ý rất nhiều để biết, quan sát và học hỏi để có chuyện kể cho Đại Hãn nghe.
NGÀI NICOLAO, NGÀI MATTEO VÀ NGÀI MARCO XIN ĐẠI HÃN ĐI NGHỈ NHƯ THẾ NÀO?
Khi hai anh em và Marco ở với Đại Hãn trong thời gian dài như các bạn đã biết, họ cùng nhau quyết định trở về quê hương, vì từ đây trở đi thời tiết rất thích hợp. Họ nhiều lần xin phép Đại Hãn cho nghỉ và khẩn nài ông hết sức dịu dàng; nhưng ông rất yêu họ và giữ họ bên cạnh ông nhiều đến nỗi ông không muốn cho họ đi nghỉ vì bất cứ lý do gì.
Bất ngờ vào thời gian đó, Hoàng hậu Bolgara, vợ của vua Argon, lãnh chúa Levant qua đời. Bà di chúc lại là bất cứ người đàn bà nào không thuộc dòng họ của bà đều không được ngồi trên ngai vàng của bà hoặc làm vợ của vua Argon. Vua Argon vời vào triều ba cận thần có tên như sau: người thứ nhất là Oualay, người thứ hai là Apusca và người thứ ba là Coia. Ông phái họ đi sứ đến với Đại Hãn cùng một đoàn tùy tùng rất xinh đẹp, để Đại Hãn gởi đến cho ông một phụ nữ thuộc dòng họ của Hoàng hậu Bolgara, vợ ông, đã qua dời.
Khi ba vị cận thần đến triều đình Đại Hãn, họ dâng lên cho ông thư ủy nhiệm của vua và nêu lý do họ đến với Đại Hãn. Đại Hãn đón tiếp họ rất nồng hậu và vui mừng hân hoan tiếp đãi họ. Sau đó ông hạ lệnh cho đi tìm một công nương có tên là Cogatra, thuộc dòng họ của nữ hoàng Bolgara: công nương trạc mười bảy tuổi, rất đẹp và rất duyên dáng. Khi công nương đến, ông nói với ba cận thần rằng đó chính là người mà họ yêu cầu. Họ trả lời Người là công nương làm cho họ rất hài lòng.
Vào lúc đó, Ngài Marco trở về từ Ấn Độ, nơi ông đã đến với tư cách là Đại sứ của Đại Hãn. Marco kể lại cho ông đủ thứ chuyện mà ông đã nhìn thấy trong lúc đi đường. Khi trông thấy Ngài Nicolao, Ngài Matteo và Ngài Marco là những người La tinh chân chính tuyệt vời. Ba vị cận thần quyết định đưa họ cùng đi theo. Vì họ quyết định quay về nước bằng đường biển để tránh cho công nương khỏi bị mệt nhọc nếu như phải đi bằng đường bộ. Mặt khác, các cận thần muốn họ được đi cùng vì họ biết những người La tinh đó đã nhìn thấy và biết rõ biển Ấn Độ cũng như những vùng mà họ phải đi qua, nhất là Ngài Marco. Vì vậy họ đến với Đại Hãn và cầu xin Người thi ân gởi đến cho họ ba người La tinh, vì họ muốn quay về bằng đường biển. Vị Đại Hãn, con người rất yêu thương ba người La tinh, như tôi đã kể với các bạn ở trước, phải miễn cưỡng đồng ý và đành cho phép họ đi cùng với ba vị cận thần cũng như để tháp tùng công nương.
HAI ANH EM VÀ NGÀI MARCO TỪ GIÃ ĐẠI HÃN NHƯ THẾ NÀO?
Khi Đại Hãn thấy hai anh em và Ngài Marco phải ra đi, ông cho vời cả ba người đến trước mặt ông và ban cho họ ba lệnh bài bằng vàng để họ được miễn thuế trên toàn bộ lãnh thổ của ông và bất cứ nơi nào họ đến, họ và toàn bộ đoàn tùy tùng đều được đài thọ trong bất cứ vấn đề gì mà họ yêu cầu. Ông còn trao cho họ một thông điệp gởi cho Đức Giáo hoàng, vua nước Pháp, vua nước Anh, vua nước Tây Ban Nha và các vua khác của những nước theo Ki tô giáo. Sau đó ông hạ lệnh cho mười hai con tàu nhổ neo, mỗi chiếc tàu này đều có bốn cột buồm và đôi khi có mười hai buồm. Tôi có thể nói rõ với các bạn vì sao, nhưng vì điều này có lẽ hơi quá dài, tôi sẽ không nói vào lúc này, nhưng là sau này, tùy thời gian và địa điểm.
Tôi sẽ nói với các bạn điều gì nữa đây? Khi những con tàu đã nhổ neo, ba vị cận thần, công nương, hai anh em, Ngài Marco chào tạm biệt Đại Hãn và bước xuống tàu cùng với nhiều người và tất cả lương thực do Đại Hãn cấp phát cho thời gian là hai năm. Họ đi tàu trong ba tháng mới đến một hòn đảo ở về phía nam có tên là Java (theo lộ trình, đây có thể là Sumatra). Trên đảo này, có nhiều điều kỳ diệu mà chúng tôi sẽ kể cho các bạn sau này. Rồi từ đảo này, họ bắt đầu đi trên biển Ấn Độ hết mười tám tháng trước khi đến nơi cần phải đến. Họ đã bắt gặp nhiều điều kỳ diệu mà chúng tôi sẽ kể lại sau này.
Khi đến nơi, họ hay tin vua Argon đã mất và công nương được ban cho Casan, con trai của Argon. Bạn nên biết rằng khi đi trên tàu, họ gồm có sáu trăm người, không tính đến các thủy thủ, và tất cả đều chết, chỉ có sáu người thoát khỏi tay tử thần. Chiato nắm giữ quyền lãnh chúa của Argon. Họ giao lại công nương cho ông để hoàn tất sứ mạng. Khi hai anh em và Ngài Marco đã hoàn thành công việc mà Đại Hãn đã yêu cầu họ đối với công nương. Họ chào tạm biệt và lại lên đường. Trước khi đi, công nương Cogatra đã ban cho họ bốn lệnh bài bằng vàng gồm hai lệnh bài gắn hình chim ưng, một gắn hình sư tử, và một là vàng ròng: các lệnh bài có nội dung là ba vị sứ giả được kính trọng và được phục vụ bởi toàn bộ lãnh thổ như chính thân thể của Đại Hãn, ngựa và tất cả lương thực, mọi đoàn hộ tống đều được dành cho họ. Mọi thứ đều được thực hiện đúng như vậy, vì họ có đầy đủ mọi thứ cần thiết trong toàn bộ lãnh thổ của lãnh chúa. Và tôi nói với các bạn là nhiều lần họ được ban cho hai trăm người cưỡi ngựa, không hơn không kém, tùy theo nhu cầu họ cần để đi được an toàn hơn. Điều đó hết sức cần thiết, vì Chiato không phải là lãnh chúa trung thành, người dân không tránh khỏi có lúc cư xử không đẹp khi có thể làm điều đó, điều này họ sẽ không làm, nếu ông là lãnh chúa trung thành.
Tôi muốn nói thêm với các bạn một vấn đề khác làm vinh danh cho ba vị sứ giả. Vì tôi nói thật với các bạn là Ngài Matteo, Ngài Nicolao và Ngài Marco có được sự tin cậy của Đại Hãn và ông rất hài lòng họ đến nỗi ông phó thác cho họ Hoàng Hậu Cocacin cùng lúc với con gái của vua xứ Mangi (tức là Cogatra) để đưa họ đến với Argon, lãnh chúa của toàn xứ Levant. Họ đã làm đúng như thế, vì họ đã đưa các quý phu nhân đó đi bằng đường biển, như tôi đã kể với các bạn ở trước, cùng với nhiều người và chi phí rất tốn kém. Cả hai quý phu nhân này rất hài lòng với họ, đến nỗi họ xem các sứ giả như là người cha của họ. Bạn nên biết khi ba sứ giả chào tạm biệt Hoàng hậu để trở về xứ sở của họ, bà buồn rầu rơi lệ vì sự ra đi của họ.
Lúc này chúng tôi đã kể lại là họ đã hoàn thành sứ mạng một cách khéo léo như thế nào, chúng tôi sẽ cho qua chuyện này và sẽ nói tiếp. Khi họ từ Cocatu (Kai- Katou ) ra đi, họ cưỡi ngựa đi qua những dặm đường dài để đến Trebizonde, rồi Constantinople, và từ Constantinople đến Nègreport và từ Nègreport đến Venise. Đó là vào năm 1295 sau Chúa Ki tô Nhập Thế.
Tôi đã kể với các bạn toàn bộ sự kiện của đoạn mở đầu cũng như các bạn đã nghe, bây giờ tôi sẽ bắt đầu quyển sách về Cuộc chuyện trò thân mật về những điều khác nhau mà Marco Polo đã khám phá.