07 - ĐÂY LÀ CHUYỆN ... superlazy (done)
-
ĐÂY LÀ CHUYỆN KỂ VỀ TỈNH BALASIAN
Balasian là một tỉnh mà dân cư thờ Mahomet và có ngôn ngữ riêng. Đó là một vương quốc rất lớn cha truyền con nối và các vị vua đều là hậu duệ của vua Alexandre và con gái của Darius, vua của vương quốc Ba Tư rộng lớn. Theo ngôn ngữ Sarrasin, tất cả các vua này đều được gọi là Zulcarniain, trong tiếng Pháp có nghĩa là Alexandre, điều đó là để nhân danh tình yêu của vua Alexandre vĩ đại. Trong tỉnh này sản sinh những loại đá ru bi balai, đó là những loại đá quý, đẹp và có giá trị rất lớn. Người ta tìm thấy chúng trong những tảng đá trên núi, người ta đào sâu xuống mặt đất, giống như những người đào mỏ bạc, và nó chỉ được tìm thấy trong một ngọn núi tên là Sighinan. Nhà vua ra lệnh họ phải khai thác cho vua, và không người nào khác ngoài đức vua dám khai thác trong vùng núi này mà không bị mất mạng, vì hình phạt chặt đầu. Đức vua tích lũy các loại đá quý đó và gởi cho các vua khác dưới hình thức nộp cống hoặc vì tình hữu nghị. Khi muốn, ông cũng ra lệnh bán để đổi lấy vàng và bạc. Ông ta làm tất cả những điều này để cho đá quý luôn luôn đắt và có giá trị lớn, vì nếu ông để cho mỗi người đào lấy, người ta sẽ khai thác nhiều đến mức mọi người đều có thừa thãi và rồi chúng sẽ được coi như đồ tầm thường.
Cũng trong vùng này còn có một ngọn núi khác có đá lapis lazuli đẹp nhất thế giới: người ta bắt gặp nó trong các vỉa đá giống như bạc. Cũng có những ngọn núi khác có các mỏ bạc có trữ lượng lớn, nên tỉnh này rất giàu, nhưng nó cũng rất lạnh.
Dân cư là những tay bắn cung và săn bắn rết cừ khôi. Phần đông dân chúng mặc quần áo da thú vì vải vóc rất đắt. Vì thế những phụ nữ đức hạnh mặc những braies bằng vải bông dài một trăm sải (162 mét) hoặc tám mươi hoặc sáu mươi, điều mà họ làm để mọi người tin rằng họ có bộ mông to, điều mà đàn ông rất thích.
Chúng tôi đã kể cho các bạn tất cả những gì liên quan đến vương quốc này. Bây giờ chúng tôi sẽ nói về một vài người khác đi về hướng Nam, cách tỉnh này mười ngày đường.
ĐÂY LÀ CHUYỆN KỂ VỀ TỈNH LỚN PASCIAI
Nên biết rằng cách xa Balasian mười ngày đường về hướng Nam, đó là tỉnh Pasciai (có thể là Paishore). Dân cư có ngỡ 11 ngữ riêng. Họ thờ ngẫu tượng và có nước da nâu. Họ biết nhiều phương thức ma thuật và thuật phù thủy. Đàn ông mang trên tai những vòng tròn và vòng xoắn bằng vàng bạc, đá quý và ngọc trai. Đó là những người tinh ranh và khôn ngoan trong các phong tục của họ. Tỉnh này có khí hậu nóng. Thức ăn của họ là thịt và gạo.
Bây giờ chúng tôi sẽ bỏ qua tỉnh này và sẽ cho các bạn biết về một tỉnh khác ở cách đó bảy ngày đường về hướng mặt trời và có tên là Chesimur.
ĐÂY LÀ CHUYỆN KỂ VỀ TỈNH CHESIMUR
Chesimur (Cachemire) là một tỉnh có dân cư thờ ngẫu tượng và có ngôn ngữ riêng. Họ biết nhiều phép thuật ma quỷ, vì họ làm cho các ngẫu tượng nói được. Họ làm thay đổi thời tiết bằng ma thuật và ra lệnh cho trời trở nên tối; họ còn làm nhiều điều đến nỗi không ai có thể tin, nếu như không thấy. Tôi cho các bạn biết họ là những người đứng đầu những người thờ ngẫu tượng và đó là nguồn gốc xuất phát ra các ngẫu tượng. Từ nơi này người ta có thể đi ra biển Ấn Độ. Họ là những người có nước da nâu và gầy ốm. Phụ nữ rất đẹp mặc dầu cũng có nước da màu nâu. Thức ăn của họ là thịt, sữa và gạo. Đó là một xứ sở ôn hòa không quá nóng hoặc quá lạnh. Tỉnh có nhiều thành phố và thị trấn. Có những cánh rừng, những hoang mạc và những hẻm vực, họ càng không sợ bất cứ ai. Họ tự quản lý nhau, vì họ có một vị vua gìn giữ họ trong sự công bằng. Họ có những vị ẩn tu theo phong tục của họ, những người này ở những nơi cô tịch và kiêng cữ việc ăn uống một cách nghiêm ngặt; họ rất đoan trang để đề phòng sự dâm ô và tránh bất cứ tội lỗi nào theo niềm tin của họ. Dân chúng xem họ như là những người rất thánh. Tôi cho các bạn biết rằng họ sống rất thọ và có nhiều ngẫu tượng trong tu viện của họ. San hô mà người ta mang vào vùng của chúng ta được bán trong vùng này nhiều hơn bất cứ nơi nào khác.
Bây giờ chúng ta sẽ bỏ qua vùng này để tiến vào nước Ấn Độ. Nhưng tôi không muốn đi vào lúc này. Vì khi trở về tôi sẽ nói với các bạn về Ấn Độ theo trình tự. Vì vậy chúng ta hãy lui lại phía vùng Baldasciam, vì người ta không thể đi bằng một con đường khác.
ĐÂY LÀ CHUYỆN KỂ VỀ CON SÔNG LỚN NHẤT CỦA BALDASCIAM
Từ Baldasciam, người ta cưỡi ngựa đi trong mười hai ngày giữa hướng Đông và Đông Bắc, dọc theo một con sông thuộc về anh của nhà vua nước Baldasciam, ở đó có nhiều thành phố, thị trấn và nhà ở. Dân cư thờ Mahomet và rất can đảm trong chiến dấu. Sau mười hai ngày đường, người ta bắt gặp một tỉnh không lớn lắm, vì bán kính của nó chỉ có ba ngày đường, tỉnh này có tên là Vocan (Vokhan). Dân cư tôn thờ Mahomet và có ngôn ngữ riêng. Họ là những người lính can đảm, họ có lãnh chúa riêng, trong tiếng Pháp, nó tương đương với comte (Bá tước) nhưng họ là những người tuyệt đối trung thành với lãnh chúa của Baldasciam. Họ có nhiều loại thú rừng.
Từ xứ sở nhỏ bé này, người ta cưỡi ngựa mất ba ngày đi về phía Đông Bắc, đôi khi phải băng qua các dãy núi và trèo lên một nơi được coi là cao nhất thế giới. Trèo lên núi, người ta bắt gặp một đồng bằng nằm giữa hai dãy núi, nơi đây có một con sông rất xinh đẹp chảy qua. Đồng bằng này là bãi chăn thả tốt nhất thế giới, vì một con ngựa cái gầy ốm sẽ trở thành béo mập trong mười ngày. Ở đây cũng có tất cả các loại thú rừng nhiều vô kể. Có nhiều cừu hoang rất to; vì chúng có những chiếc sừng dài sáu paume, nên những người chăn cừu dùng chúng để làm những chiếc bát đựng thức ăn và làm hàng rào bao quanh chỗ trú của họ với các gia súc vào ban đêm.
Đi ngựa xuyên qua đồng bằng này phải mất mười hai ngày, đồng bằng này có tên là Pamier. Trong suốt mười hai ngày đường này, không có bất cứ căn nhà nào hoặc đồng cỏ nào, vì vậy điều thích hợp nhất là các khách bộ hành phải mang theo những gì cần thiết. Không một con chim nào bay lượn ở đây, vì nơi này rất cao và trời lạnh. Tôi cho các bạn biết rằng do trời quá lạnh nên lửa không sáng hoặc nóng bằng ở bất cứ nơi nào khác, người ta không thể nướng thịt cho ngon ở đó được. Người ta còn phải đi mất bốn mươi ngày mới qua được núi, đồi và thung lũng, nơi có nhiều con sông chảy qua, và cũng có nhiều hoang mạc. Trong suốt chặng đường này, không có bất cứ nhà ở hoặc đồng cỏ nào. Người đi đường nên mang theo những thứ cần thiết. Vùng này được gọi là Belor (Bolor). Dân cư sống trên cao trong các dãy núi. Họ thờ ngẫu tượng và rất hoang dã, họ chỉ sinh sống nhờ vào săn bắn thú rừng; áo quần của họ cũng được làm bằng da thú; họ là những người xấu xa và tàn bạo.
Bây giờ chúng ta hãy bỏ qua miền này và nói về tỉnh Cascar.
ĐÂY LÀ CHUYỆN KỂ VỀ VƯƠNG QUỐC CASCAR
Cascar xưa kia là một vương quốc nhưng hiện nay đã bị Đại Hãn khuất phục. Người dân tôn thờ Mahomet. Nó có nhiều thành phố và thị trấn nhưng thành phố lớn nhất và đẹp nhất là Cascar. Nó nằm giữa miền Đông Bắc và miền Đông. Dân cư sống về nghề buôn bán và thủ công, họ cũng trồng nhiều bông vải. Từ miền này, nhiều nhà buôn đã đi ra ngoài xứ để giao thương buôn bán. Họ rất tiện tằn và khốn khổ; họ ăn uống kham khổ. Trong vùng này, có nhiều người Ki tô giáo thuộc phái Nestorien và có nhà thờ riêng. Dân của tỉnh này còn có ngôn ngữ riêng và tỉnh trải dài năm ngày đường.
Bây giờ chúng tôi sẽ tạm biệt nó và nói với các bạn về San Marcan.
ĐÂY LÀ CHUYỆN KỂ VỀ THÀNH PHỐ LỚN SAN MARCAN
San Marcan (Samarkank, phía Nam Turkestan hiện nay) là một thành phố rất lớn và rất sang trọng. Dân cư gồm những người Ki tô giáo và Sarrasin. Họ là thần dân của cháu Đại Hãn, nhưng chú và cháu rất xung khắc nhau. Người cháu có tên là Caidou. Thành phố nằm về hướng Tây Bắc.
Tôi sẽ nói với các bạn một điều hết sức kỳ lạ xảy ra trong thành phố này.
Các bạn nên biết rằng, cách đây không lâu, Cigatan, anh của Đại Hãn, trở thành Ki tô hữu trong khi ông đang làm lãnh chúa của vùng này và nhiều vùng khác nữa. Khi thấy lãnh chúa là người theo Ki tô giáo, những người Ki tô hữu hết sức hoan hỉ, họ xây dựng trong thành phố một ngôi thánh đường nguy nga đồ sộ để dâng kính thánh Jean Baptiste: nhà thờ cũng trùng tên với vị thánh bổn mạng. Họ lấy một hòn đá rất đẹp của người Sarrasin và đặt nó làm chân cột giữa nhà thờ để chống đỡ mái ngói.
Chuyện xảy ra là khi Cigatan mất và khi những người Sarrasin thấy ông ta đã chết, vì họ thèm muốn viên đá đã từng là của họ, họ tự kháo nhau là phải lấy lại nó bằng thỏa thuận hoặc bằng vũ lực. Họ có thể làm được việc đó, vì họ đông hơn người Ki tô giáo gấp mười lần.
Họ tập hợp lại và đi đến nhà thờ của người Ki tô giáo và nói rằng họ muốn có viên đá của họ bằng mọi giá. Những người Ki tô giáo trả lời rằng viên đá thuộc về họ, nhưng họ phải trả lại một số tiền đền bù để chuộc lại viên đá. Những người Sarasin đáp lại là họ sẽ không chuộc lại viên đá bằng bất cứ thứ gì họ có trên đời. Tôi sẽ nói gì với các bạn nữa đây? Lãnh chúa biết tin này và ra lệnh cho những người Ki tô giáo dàn xếp ổn thỏa với những người Sarasin bằng tiền hoặc trả lại viên đá cho họ. Ông gia hạn cho họ hai ngày. Các bạn nên biết rằng không có bất cứ người Sarasin nào đồng ý chuộc lại viên đá vì tiền: Họ làm như vậy để làm cho những người Ki tô giáo bực mình, chứ không vì lý do nào khác, vì họ biết rõ rằng nếu lấy hòn đá ra, cả ngôi nhà thờ sẽ sụp đổ ngay. Vì vậy những người Ki tô giáo rất giận dữ và không biết phải làm gì. Cuối cùng, họ quyết định một điều thượng sách: đó là cầu nguyện cùng Chúa Giêsu Ki tô để Người chỉ bảo cho họ biết nên làm gì để nhà thờ cũng như danh thánh của Đấng bảo trợ, thánh Jean Baptiste, không bị sụp đổ. Vì vậy, khi đến kỳ hạn mà lãnh chúa giao hẹn cho họ, vào buổi sáng, họ nhìn thấy viên đá được lấy ra khỏi chân cột; nhưng chiếc cột vẫn chống đỡ được sức nặng với chân cột lơ lửng trên không và tỏ ra vững chắc như khi viên đá còn ở dưới chân nó; khoảng cách từ chân cột đến mặt đất là ba paume. Những người Sarasin mang viên đá của họ đi cùng với điều không may của họ. Đây là một phép lạ vĩ đại. Chiếc cột nói trên vẫn luôn tồn tại như thế và sẽ như thế trong bao lâu mà Thiên Chúa muốn.
Nhưng chúng ta hãy bỏ qua chuyện này và tiến lên phía trước đến với một tỉnh khác gọi là Charcan.
ĐÂY LÀ CHUYỆN KỂ VỀ TỈNH CHARCAN
Charcan (Yarkund) là một tỉnh dài năm ngày đường. Dân chúng giữ luật của Mahomet, nhưng cũng có những người Ki tô giáo thuộc phái Nestorien và Jacobite. Họ thuộc quyền cai trị của vị Lãnh Chúa cháu của Đại Hãn, mà tôi đã từng nhắc đến. Họ có tất cả mọi thứ nhiều vô kể. Nhưng vì không có gì đáng kể, chúng ta sẽ bỏ qua và nói đến một tỉnh có tên là Cotan.
ĐÂY LÀ CHUYỆN KỂ VỀ TỈNH COTAN
Cotan (Khoten, ở Turkestan thuộc Trung Quốc) là một tỉnh nằm giữa miền Đông và miền Đông Bắc, dài sáu ngày đường. Dân cư thuộc quyền Đại Hãn cai trị và thờ Mahomet. Có nhiều thành phố và thị trấn, nhưng sang trọng nhất là Cotan, thủ phủ của vương quốc. Các thứ hàng hóa rất nhiều nhất là bông vải. Họ có những vườn nho và vườn cây; họ sống bằng nghề buôn bán và thủ công; họ không phải là những người lính.
Bây giờ, chúng tôi sẽ khởi hành từ đây và sẽ nói về một tỉnh khác có tên là Pein.
ĐÂY LÀ CHUYỆN KỂ VỀ TỈNH PEIN
Pein (Pain, phía Bắc Turkestan thuộc Trung Quốc, dưới chân dãy Thiên Sơn) là một tỉnh dài năm ngày đường, giữa Đông và Đông Bắc. Dân cư thờ Mahomet và dưới quyền Đại Hãn. Có nhiều thành phố và thị trấn, nhưng sang trọng nhất là Pein, thủ đô của vương quốc. Nhiều sông ngòi có nhiều mỏ ngọc thạch anh và cân xê đôn. Họ có nhiều hàng hóa nhất là bông vải; họ sống bằng nghề buôn bán và thủ công. Họ có một phong tục mà tôi sẽ nói với các bạn sau đây. Nếu một phụ nữ có một người chồng và người này đi du lịch và ở lại hơn hai mươi ngày, khi thời hạn này qua đi, người phụ nữ này có thể lấy chồng khác; còn người đàn ông sẽ cưới vợ khác nơi nào mà y muốn.
Chúng ta hãy bỏ qua tỉnh này và nói về một tỉnh khác gọi là Ciarciam.
ĐÂY LÀ CHUYỆN KỂ VỀ TỈNH CIARCIAM
Ciarciam là một tỉnh của nước Đại Turquie (ở đây, Turkestan thuộc Trung Quốc, Ciarciam chính là Kharashar, phía Bắc hồ Bosteng) nằm giữa miền Đông Bắc và miền Đông. Dân cư thờ Mahomet có nhiều thành phố và thị trấn, nhưng thành phố chính là Ciarciam. Có những con sông chứa ngọc thạch anh và cân xê đôn được người ta đem bán ở Catay (Trung Hoa) rất được giá. Toàn bộ tỉnh này chỉ có cát và cát. Điều này khiến cho nước không được tốt và đắng, nhưng nhiều nơi vẫn có nước ngọt và trong lành. Khi một đội quân đi qua vùng, nếu là quân địch, người dân chạy trốn cùng vợ con cũng như gia súc của họ, ở cách xa hai hoặc ba ngày đường, xuyên qua những bãi cát đến bất kỳ nơi nào mà họ biết là có nước, chẳng ai biết họ đi đâu vì gió sẽ xóa vết chân của họ trên cát. Nhưng nếu có một quân đội bè bạn đi ngang qua, họ chỉ đưa gia súc đi trốn, bởi họ không muốn chúng bị đánh cắp ăn thịt, vì không có thứ gì mà đội quân không chiếm đoạt.
Từ Ciarciam, người ta cưỡi ngựa hơn năm ngày đường đi qua cát. Vì không có gì cần ghi nhận, chúng tôi sẽ tiến về phía trước, và chúng tôi sẽ nói với các bạn về tỉnh có tên là Lop, ở đó có một thành phố cũng có tên là Lop, nơi chúng tôi sẽ đến sau năm ngày hành trình. Nó là cửa ngõ đi vào một hoang mạc rất rộng lớn, đến nỗi các du khách phải nghỉ ngơi trong thành phố này trước khi tiến vào hoang mạc.
ĐÂY LÀ CHUYỆN KỂ VỀ THÀNH PHỐ VÀ HOANG MẠC LOP
Lop (ở phía Đông Nam Kharashar) là một thành phố lớn ở cửa ngõ đi vào hoang mạc được gọi là hoang mạc Lop (hoang mạc Gobi) nó nằm giữa phía Đông và Đông Bắc. Thành phố này thuộc về Đại Hãn. Người dân thờ Mahomet. Tôi cho các bạn biết là những ai muốn đi qua hoang mạc này đều nghỉ ngơi trong thành phố này một tuần để dưỡng sức cho họ và gia súc của họ. Sau đó họ chuẩn bị mua lương thực dành cho người và gia súc trong một tháng. Từ thành phố này họ tiến vào hoang mạc. Nó dài đến nỗi người ta cho rằng trong một năm người ta không thể đi ngựa suốt từ đầu đến cuối. Nơi nào hẹp nhất người ta phải vượt qua mất một tháng. Nó chỉ gần những dãy núi và thung lũng cát, nên người ta không tìm được thứ gì để ăn. Khi người ta cưỡi ngựa đi trong một ngày và một đêm, người ta mới tìm được nước ngọt cần thiết cho năm mươi người hoặc một trăm người với gia súc của họ nhưng không nhiều hơn nữa. Trong bốn nơi, nước không được tốt và đắng, nơi khác, nước lại ngọt; có hơn hai mươi tám nguồn nước như thế. Không có dã thú ở đó, vì chúng không tìm được thứ gì để ăn. Nhưng người ta bắt gặp một điều thật kỳ lạ mà tôi sẽ kể cho các bạn nghe sau đây. Khi cưỡi ngựa ban đêm qua hoang mạc này, nếu có người nào đi chậm lại phía sau và tách rời khỏi các bạn đồng hành để ngủ hoặc làm việc gì khác. Khi y nghĩ nên tiếp tục đi lại để đuổi kịp theo đoàn, y sẽ nghe các hồn ma nói chuyện giống như tiếng của các bạn đồng hành, vì chúng gọi đúng tên y, đến nỗi chúng thường làm cho y đi lạc và cuối cùng y không thể tìm lại được các bạn đồng hành được nữa. Bằng cách này, có nhiều người đã chết hoặc mất tích. Tôi cũng cho các bạn biết, thậm chí vào ban ngày, người ta cũng vẫn nghe các hồn ma chuyện trò. Đôi lúc người ta còn nghe văng vẳng nhiều tiếng nhạc cụ, nhất là trống hơn là những thứ khác. Người ta phải đi qua hoang mạc trong hoàn cảnh như vậy, giống như các bạn đã từng nghe nói đến.
ĐÂY LÀ CHUYỆN KỂ VỀ TỈNH LỚN TANGUT
Khi cưỡi ngựa đi ba mươi ngày trong hoang mạc mà tôi đã nói với các bạn, chúng ta đến một thành phố gọi là Saciou (có thể là Châtchéou, hiện nay là Funhouang, giáp ranh với Mông cổ và Tây Tạng), và thuộc quyền cai trị của Đại Hãn. Tỉnh có tên gọi là Tangut. Tất cả dân chúng đều thờ ngẫu tượng, nhưng cũng có một vài người Ki tô giáo thuộc phái Nestorien cũng như những người Sarrasin. Những người thờ ngẫu tượng đều có ngôn ngữ riêng. Họ sống từ nguồn lợi lúa mì do họ trồng. Họ có nhiều tu viện đầy những ngẫu tượng với nhiều hình dáng khác nhau. Họ hết sức tôn kính, sùng bái và dâng lễ cho các ngẫu tượng dó. Vì bạn nên biết rằng tất cả những ai có một đứa con đều cho nuôi một con cừu để dâng kính cho ngẫu tượng vào cuối năm hoặc vào dịp lễ kính ngẫu tượng; họ cho nấu chín thịt cừu và mang đến dâng trước ngẫu tượng một cách hết sức cung kính. Họ để của lễ bao lâu họ còn dâng lễ và đọc kinh: họ cầu nguyện xin ngẫu tượng che chở bảo vệ cho đứa con của họ. Họ cho rằng ngẫu tượng dùng chất tinh tuý của thịt. Khi dâng cúng xong, họ lấy thịt mang về nhà và họ mời tất cả các bà con cô bác đến ăn thịt một cách sùng kính và hoan hỉ. Khi ăn xong, họ thu nhặt các mẩu xương còn lại và cẩn thận cất chúng trong hòm.
Các bạn nên biết rằng, khi có người chết, tất cả những người thờ ngẫu tượng trên thế giới đều cho thiêu xác họ trên giàn hỏa thiêu. Bà con của những người chết dựng lên ngay giữa đường đi một căn nhà gỗ và dùng những tấm da màu vàng và lụa để bao trùm lại. Khi đưa thi hài qua trước căn nhà, những người trong gia đình dừng lại và ném trước thi hài rượu, thịt và những thức ăn khác. Họ làm như vậy vì họ cho rằng người chết sẽ được đón nhận vào thế giới khác một cách hết sức vinh dự. Khi thi hài được đưa đến giàn hỏa thiêu, bà con dòng họ cho cắt trên da hoặc trên giấy hình những con ngựa, lạc đà và những cái vòng giống như những đồng vàng rồi cho đốt tất cả những thứ đó cùng với người chết. Họ cho rằng trong thế giới khác, người chết cũng sẽ có các nô lệ, gia súc, của cải bằng số lượng của những hình giấy được đốt. Tất cả các nhạc khí của thành phố cũng sẽ trồi lên trước tử thi. Các bạn cũng nên biết rằng khi một tín đồ thờ ngẫu tượng chết, bà con sẽ không cho đốt xác người chết, nếu trước đó, họ chưa mời đến nhà một nhà chiêm tinh để nói về xứ sở gốc gác, tháng, ngày và giờ sinh của người chết. Nhà chiêm tinh làm các lễ nghi ma thuật và cho biết ngày nào phải hỏa thiêu xác. Đôi khi ông bắt chờ cả một tuần, một tháng hoặc sáu tháng, và họ hàng phải giữ xác tại nhà trong suốt thời gian này, vì họ sẽ không dám hỏa thiêu xác trước ngày do nhà chiêm tinh ấn định. Họ giữ xác bằng cách này: họ đóng một cái hòm gỗ dày hơn một paume, các phần rất ăn khớp với nhau và sơn một cách tinh xảo; họ dùng những tấm da thật đẹp bao bọc lại và bỏ vào trong hòm nhiều long não, gia vị để xác khỏi thối rữa. Mỗi ngày, hễ còn giữ xác bao lâu, thì họ còn cho đặt trước quan tài một bàn đầy thức ăn và họ cho rằng linh hồn của người chết đến ăn uống; họ để đồ ăn ở đó đủ lâu để người chết dùng cho xong; họ làm việc đó mỗi ngày. Đôi khi các thầy bói còn làm họ tin vào chuyện của họ là đưa xác ra ngoài bằng cửa chính là điều không tốt, đến nỗi có khi họ ra lệnh cho những người trong gia đình phải đập phá vách tường, rồi đưa xác ra ngoài bằng lối đó để mang xác đến giàn hỏa thiêu. Bạn nên biết rằng tất cả những người thờ ngẫu tượng khác của những vùng này cùng làm theo cách đó.
ĐÂY LÀ CHUYỆN KỂ VỀ TỈNH CAMUL
Camul là một tỉnh xưa kia là một vương quốc. Nó có nhiều thành phố và thị trấn nhưng thành phố chính là Camul (Khamil dưới chân dãy Thiên Sơn, giáp giới với Mông Cổ). Tỉnh này nằm giữa hai hoang mạc vì một bên là hoang mạc Lop và bên kia là một hoang mạc nhỏ dài ba ngày đường. Tất cả dân cư đều thờ ngẫu tượng và có ngôn ngữ riêng. Họ sống nhờ hoa lợi từ đất vì họ có nhiều đất đai. Họ là những người luôn say sưa vì họ không hiểu điều gì khác hơn là chơi các loại nhạc khí, hát xướng, khiêu vũ và tận hưởng thú vui. Tôi cho các bạn biết rằng nếu một người ngoại quốc nào đến ngủ tại một ngôi nhà và gia chủ sẽ rất sung sướng và yêu cầu vợ làm cho người ngoại quốc được hoàn toàn hài lòng. Rồi gia chủ đi khỏi nhà và chỉ trở về khi nào người ngoại quốc lên đường. Đến nỗi ông ta có thể thỏa mãn với vợ chủ nhà bao lâu cũng được vì họ là những người phụ nữ rất đẹp. Họ đón tiếp khách với niềm vinh dự lớn lao và không chút hổ thẹn vì tất cả những người đàn ông thuộc tỉnh này đều bị các bà vợ của họ cắm sừng như các bạn đã nghe nói. Vì vậy vào thời kỳ Kha Hãn Mangou cai trị và là Lãnh chúa của tỉnh này, vị vua này biết được tập tục đó nên ông ra lệnh cho họ không được làm điều đó nữa bằng nhiều hình phạt nặng. Khi họ biết được lệnh truyền này, họ tỏ ra rất buồn sầu. Họ họp nhau lại góp chung một món quà rất lớn và gởi cho vị lãnh chúa để cầu xin ông thi ân để lại cho họ tập tục có lâu đời từ thời tổ tiên của họ và để gìn giữ nó họ sẽ cho ông những ngẫu tượng của họ và tất cả những của cải từ đất đai của họ. Hơn nữa, họ không thể sống mà không làm như vậy. Khi lãnh chúa thấy điều họ muốn, ông nói: vì các người muốn điều sỉ nhục của các người, hãy giữ lấy đi và ông để họ tùy ý thực hiện tập quán xấu xa của họ, đến nỗi họ vẫn luôn duy trì nó và vẫn còn gìn giữ nó.
ĐÂY LÀ CHUYỆN KỂ VỀ TỈNH GINCHINTALAS VÀ VỀ AMIANT
Ginchintalas (Sai yin ta la, quá về phía Bắc bên kia dãy Thiên Sơn) là một tỉnh cũng ở cuối hoang mạc giữa miền Bắc và Đông Bắc. Nó rộng đến mười sáu ngày đường và thuộc quyền cai trị của Đại Hãn. Nó có nhiều thành phố và thị trấn và có ba loại người. Những người thờ ngẫu tượng, những người Sarrasin, và một vài Ki tô hữu thuộc phái Nestorien. Cuối tỉnh này về phía Bắc có một ngọn núi, nơi đó có những vỉa thiếc và ondanique rất tốt. Bạn nên biết rằng chính trong ngọn núi này có một vỉa để lấy amiant, đó không phải là một con vật như ta nói trong xứ sở của chúng ta, nhưng đó là một vỉa đất. Nguyên nhân như sau:
Thật ra mỗi người đều biết do bản chất, không có con thú nào, không có bất cứ con vật nào có thể sống trong lửa vì mỗi con vật được cấu tạo từ bốn yếu tố. Vì vậy, tôi, Marco Polo, có một người bạn đồng hành người Turc có tên là Surilcar, một người xấu khôn ngoan. Người Turc đó kể với tôi là anh ta đã ở trong đất này như thế nào để phục vụ Đại Hãn trong ba năm nhằm khai thác amiant cho Đại Hãn. Anh nói với tôi là người ta cho đào trong vỉa này đến khi nào gặp vỉa, người ta chọn vỉa đó và cắt nó thành sợi như sợi len, và phơi khô. Khi amiant khô người ta nghiền chúng trong những cối giã lớn bằng sắt, rồi người ta rửa để loại bỏ lớp đất ra, và phần còn lại là những sợi dây giống như những sợi len. Người ta cho dệt ra thành những tấm. Khi hoàn thành, những tấm này không được trắng lắm. Nhưng nếu đặt chúng vào lửa rồi lấy ra, chúng sẽ trở nên trắng giống như tuyết. Mỗi khi chúng dơ bẩn người ta đặt chúng phía trước lò lửa và chúng sẽ trắng trở lại.
Đó là sự thật về amiant và không có gì khác, ngay những người dân trong vùng đã kể cho tôi về cách sau này: người nào nói khác đi đó sẽ là điều sai lầm và là chuyện ngụ ngôn. Các bạn nên biết rằng ở La Mã có một tấm amiant và Đại Hãn đã gởi tặng cho Đức Giáo hoàng như là một món quà rất đẹp để đặt vào trong đó vải liệm xác Chúa Giêsu Ki tô.
ĐÂY LÀ CHUYỆN KỂ VỀ TỈNH SUCTUIR
Từ tỉnh mà tôi đã kể cho các bạn, người ta đi ngựa mười ngày giữa hướng Đông và Đông Bắc, trong suốt đoạn đường này không có bất cứ căn nhà nào, hoặc ít đến nỗi coi như không có và không có gì phải ghi nhớ trong quyển sách này. Sau mười ngày đường, người ta bắt gặp một tỉnh khác gọi là Suctuir (Suh Tchéou), trong tỉnh có nhiều thành phố và thị trấn. Có những người Ki tô giáo và những người thờ ngẫu tượng. Họ là thần dân của Đại Hãn. Qua tất cả các dãy núi của tỉnh này có nhiều cây đại hoàng; các nhà buôn từng mua nó để bán khắp thế giới. Dân cư không buôn bán bao nhiêu, họ sống nhờ hoa lợi từ đất đai.
Vậy là chúng ta sẽ bỏ qua chuyện này, và nói về một thành phố khác có tên là Campicion.
ĐÂY LÀ CHUYỆN KỂ VỀ THÀNH PHỐ CAMPICION
Campicion (Kan Tchéou, phía đông của Tchéou có cùng vĩ độ) là một thành phố rất lớn và sang trọng nằm trong xứ Tangut, nó đứng đầu và thủ phủ của toàn tỉnh Tangut. Dân cư là những người thờ ngẫu tượng, những người Sarrasin hoặc Ki tô hữu. Những người sau này có ba nhà thờ lớn và đẹp trong thành phố. Những người thờ ngẫu tượng có nhiều tu viện và nhiều dòng tu tùy theo tín ngưỡng của họ. Họ có rất nhiều ngẫu tượng và một vài ngẫu tượng lớn đến nỗi chúng cao đến hơn mười bước chân, những ngẫu tượng khác nhỏ hơn, một số bằng gỗ, một số khác bằng đất, đá và tất cả đều dát vàng và trang trí công phu. Nhiều tượng thần ở xung quanh những tượng lớn hệt như chúng nhún nhường và tôn kính. Vì tôi chưa nói về những phong tục của những người thờ ngẫu tượng, tôi muốn nói điều đó với tất cả các bạn ở đây.
Bạn nên biết rằng những thầy tu ẩn dật giữ việc thờ cúng các ngẫu tượng sống một cách trung thực hơn các tu sĩ khác. Họ biết tránh sự dâm ô nhưng không xem nó trọng tội.
Nếu có ai hành động phản tự nhiên với một người khác, họ sẽ kết án người đó tội chết. Họ có một quyển lịch như chúng ta, họ có những tuần trăng giống như chúng ta có những tháng. Mỗi tuần trăng của họ có năm ngày và họ theo dõi rất kỹ; không biết bởi lý do nào mà trong năm ngày này họ không giết một con vật nào và không ăn thịt, họ giữ chay nhiều hơn những ngày khác.
Những người thờ ngẫu tượng lấy đến ba mươi bà vợ hoặc ít tùy theo khả năng của họ, vì họ có vợ tùy theo tài sản của họ có đủ nuôi sống các bà vợ hay không. Nhưng các bạn nên biết rằng họ coi bà vợ đầu tiên là người vợ tuyệt vời nhất. Nếu một trong số các bà vợ không tốt, họ đuổi bà vợ đó và lấy một bà vợ khác tùy ý họ. Họ lấy những cô em họ và những người phụ nữ đã từng thuộc về bố họ, ngoại trừ mẹ họ và họ sống như những con vật. Nhiều thứ là tội tày đình với chúng ta nhưng không được họ xem là tội.
Vậy tôi cho các bạn biết rằng Ngài Nicolao, Ngài Matteo và Ngài Marco ở lại với tư cách phái bộ ngoại giao trong thành phố này mất một năm.
Bây giờ chúng ta hãy đi tới nữa trong vòng sáu mươi ngày về hướng Bắc.
ĐÂY LÀ CHUYỆN KỂ VỀ NHỮNG THÀNH PHỐ EZINA VÀ CARACORON
Từ thành phố Campicion, đi ngựa trong 12 ngày, người ta bắt gặp một thành phố có tên là Ezina (Tsi Nai), ở cửa ngõ của hoang mạc về hướng Bắc và thuộc tỉnh Tangut. Trong thành phố này nên mua lương thực dự trữ cho bốn mươi ngày, vì khi lên đường người ta đi vào một hoang mạc dài bốn mươi ngày đường về hướng Bắc. Ở đây không có bất cứ nhà ở nào, đồng cỏ nào.
Người ta chỉ bắt gặp người dân vào mùa hè, vì trời rất lạnh vào mùa đông. Người ta cũng tìm thấy ở đó những thú rừng vì trong một vài nơi có những cánh rừng thông nhỏ. Khi cưỡi ngựa đi trong bốn mươi ngày qua hoang mạc người ta đến một tỉnh nằm về hướng Bắc và các bạn sẽ biết là tỉnh nào. Caracoron (Karakoroum, chỉ còn lại phế tích nổi tiếng, ở trung tâm Mông cổ, thuộc kinh tuyến 105 độ Tây) là một thành phố có chu vi ba dặm. Đó là thành phố đầu tiên mà những người Tácta chiếm được khi họ ra khỏi những vùng đất của họ. Và tôi sẽ nói cho các bạn biết bằng cách nào họ trở thành những lãnh chúa của thế giới.
Nên biết rằng những người Tácta ở phía Bắc gần Ciorcia (dọc theo tiếng Ý: Tchiortchia; tiếng Trung Quốc Iou tchi. Đó là miền Đông Bắc của Trung Quốc hoặc Mãn Châu). Trong miền có những đồng bằng lớn này, không có bất cứ nhà cửa nào, cũng như thành phố hoặc thị trấn, nhưng chỉ có những đồng cỏ tốt tươi và những con sông lớn đầy ắp nước. Dân cư không có ai làm lãnh chúa, nhưng họ phải đóng tô tức cho một vị vua mà họ gọi là Ounecan, trong tiếng Pháp từ này có nghĩa là: Vua Khả Hãn Jean (câu chuyện hoang đường nổi tiếng về giáo sĩ Jean chỉ bắt nguồn từ một nghĩa sai do những người Nestorien truyền tụng. Ounecan, hoặc đúng ra là Ouan Khan, không có nghĩa là Jean Khan hoặc Jean Prêtre nhưng là Roi Khan hoặc Khan Roi (vua Khả Hãn). Mọi người đều ca ngợi quyền lực to lớn của vua Khả Hãn Jean này. Thuế mà ông ta nhận là một trên mười gia súc, và ông cũng được một phần mười mỗi thứ.
Vì vậy những người Tácta đóng lên gấp bội. Khi vua Khả Hãn Jean nhận thấy họ rất đông, ông ta sợ họ gây rắc rối cho mình, ông nghĩ cách phân tán họ trong nhiều vùng và phái một trong số những cận thần của ông làm việc này. Khi những người Tácta trông thấy những việc đó, họ tỏ ra rất buồn rầu và mọi người cùng đi khỏi vùng này để lên hướng Bắc trong một vùng hoang mạc thật xa để Vua Khả Hãn Jean không thể làm hại được nữa. Rồi họ nổi lên chống lại ông và không đóng thuế cho ông nữa. Và họ vẫn làm như thế một thời gian.
CINCHIN LÀ KHẢ HÃN ĐẦU TIÊN CỦA NHỮNG NGƯỜI TÁCTA NHƯ THẾ NÀO?
Khoảng năm 1178 sau khi Chúa Ki tô Nhập thế, những người Tácta chọn một người trong số họ lên làm vua có tên là Khả Hãn Cinchin (đó là Genghis Khan hoặc Cinghis Khan). Ông ta là một người có bản lĩnh, có lương tri và rất dũng cảm, khi ông được tôn lên làm vua tất cả những người Tácta đã lan rộng khắp vùng này và khi họ biết tin này, họ đến với ông và coi ông như lãnh chúa của họ. Ông cai quản lãnh địa của mình rất tốt. Và tôi sẽ nói với các bạn điều gì nữa đây?... Thật kỳ diệu là những người Tácta đã đến với ông. Khi lãnh chúa nhận thấy mình có biết bao là người, ông cho chuẩn bị một số lớn vũ khí như lao, giáo ngắn và những thứ vũ khí khác để họ sử dụng và đi chinh phục những vùng xung quanh gần tám tỉnh. Khi ông thực hiện các cuộc chinh phục này, ông không gây nên bất cứ sự dữ nào, bất cứ thiệt hại nào về tài sản của người dân, nhưng ông để lại đó một phần quân lính của ông và mang số còn lại đi theo ông để chinh phục các tỉnh khác. Bằng cách này ông xâm chiếm được nhiều tỉnh. Khi những người mà ông chinh phục nhận thấy họ không bị bất cứ thiệt hại nào do tính tốt lành của Chúa, họ sẵn sàng đi theo ông và rất trung thành với ông. Khi ông đã tập trung được đám đông lớn đến nỗi có thể tràn đầy khắp mặt đất, ông nghĩ đến việc chinh phục phần lớn thế giới và gởi các sứ giả đến vua Khả Hãn Jean. Đó là vào năm 1200 sau Chúa Ki tô. Ông khẩn khoản muốn lấy con gái vua Khả Hãn làm vợ. Khi vua Khả Hãn Jean nghe tin Cinghis Khan hỏi con gái ông làm vợ, ông hết sức phẫn nộ và nói với các sứ giả: Tại sao hắn ta vô liêm sỉ đến nỗi hỏi con gái ta làm vợ thế nhỉ? Hắn biết rõ hắn là thuộc hạ và chư hầu của ta. Các ngươi hãy quay về và nói với hắn rằng chẳng thà ta thiêu đốt con gái ta còn hơn là gả cho hắn, điều thích hợp là ta tử hình hắn như là một tên phản bội và bất trung với chúa của hắn.
Rồi ông bảo các sứ giả đi tức khắc và đừng bao giờ bén mảng trước mặt ông. Các sứ giả liền lên đường trở về với lãnh chúa của họ và kể cho lãnh chúa nghe tất cả những gì vua Khả Hãn Jean yêu cầu ông mà không giấu diếm điều gì.