084. Trang [0914-0925] - @botihell (done)
-
Sai các địa phương hằng năm tiến thú rừng. Vua bảo bộ Lễ rằng: “Những ngày kỵ các thánh phải dâng tiến các vật thế là lễ đấy. Cho nên có vườn nuôi thú vật để cung việc tế tự. Vậy hạ lệnh cho các thành dinh trấn đều dâng thú rừng, hằng năm cùng kỳ vận tải chở về, có thứ gì thì dâng thứ ấy, đừng bắt ép dân”.
Cho các hoàng tử mỗi người một thớt voi.
Người Thanh đưa cai đội Nguyễn Văn Mân và những binh lính bị bão 50 người trở về. Bọn Văn Mân đi chở gỗ ở Gia Định, gặp bão phải dạt đậu vào Nhai Châu nước Thanh, Tổng đốc nước Thanh sai người thông ngôn là Lưu Gia Khu đưa về. Khi tới Kinh, vua triệu đến hỏi thăm về dân vật Nhai Châu, cho Gia Khu 20 lạng bạc và bảo về.
Vua từng cùng bầy tôi bàn về thiên văn, bảo Trịnh Hoài Đức và Nguyễn Hữu Thận rằng: “Ngày mồng 1 và ngày rằm mà có thiên biến thì nên bãi việc chầu mừng yến hưởng, để tỏ ý sợ hãi tu tỉnh”. Hữu Thận nhân đó tâu rằng: “Thần suy tính thiên tượng, đến ngày mồng 1, tháng 4 và tháng 10 năm Đinh sửu đều có nhật thực”. Vua nói rằng : “Nếu quả có thật thì đại lễ tế hưởng ở Thái miếu có thể đổi giờ khác”. Lại bàn đến đạo Thiên chúa của Tây Dương, Nguyễn Văn Thắng tâu nói: “Thiên chúa ra đời tới nay đã 1815 năm”. Vua sai Nguyễn Hữu Thận tính thử, thì nhằm năm Nguyên Thủy thứ 1 đời Hán Bình đế là năm Tân dậu.
Tháng 12, ngày Tân hợi mồng 1, trời mưa to, sai đổi lấy ngày Ất mão vua ngự điện ban lịch.
Sai Bắc Thành biên bọn tội phạm ra thú hơn 60 người làm nghĩa binh.
Lấy Phó vệ úy vệ Trung nhất Thị trung là Trần Văn Cường làm Vệ úy vệ Tiền nhị, Phó vệ úy vệ Tiền nhất là Thái Ngọc Bạch làm Vệ úy vệ Tiền nhất, Phó vệ úy vệ Tả nhất là Lê Phước Hậu làm Vệ úy vệ Kiện võ Thị nội.
Trấn phủ Sơn Nam hạ là Nguyễn Văn Hiến, trấn thủ Sơn Nam thượng là Lê Công Lý, Phó quản thập cơ Uy thắng Hậu quân là Hồ Văn Đức, Phó thống Trung đồn là Nguyễn Văn Tam, xin mộ dân ngoại tịch lập làm các đội Tiền thuận, Hậu võ, Tuyên uy, Hậu bảo. Vua y cho.
Đốc học Quốc Tử Giám là Nguyễn Viết Ưng tuổi già về hưu trí. Cho lương mỗi tháng 2 quan tiền 2 phương gạo.
Lập cục Hội thành. Sai giám thành đội trưởng là Đỗ Phước Thịnh mộ được hơn 10 người khéo vẽ sung vào.
Định lệ cấp tuất cho quan và binh bị nạn bão. Phàm người bị bão không kể còn mất, cai đội được cấp tiền 30 quan, phó đội 20 quan, đội trưởng 15 quan, binh lính 10 quan, đều cấp cho gia đình.
Ban mũ áo cho cai đội Thị trung và Thị nội.
Ngày Quý hợi, sai hoàng tử yết lăng.
Ngày Giáp tý, tế Chạp.
Sửa cống nước huyện Nam Xang. Huyện Nam Xang có bảy tổng bốn mặt giáp sông, trong có sông nhỏ gọi là Long Xuyên thông với sông cái, trước có đê, đê hỏng bèn xây cống ở giữa xã Mạnh Khê và xã Cao Đà. Đến nay cống ấy cũng hỏng. Thành thần tâu lên. Hạ lệnh đến xem chỗ ấy. Thành thần tâu rằng ruộng bảy tổng ấy nửa chiêm nửa mùa, đê chắn nước ngoài thì tiện cho vụ chiêm mà không tiện cho vụ mùa, có cống thì tùy tiện chứa nước tháo nước, chiêm mùa đều lợi cả hai, xin theo ý nguyện của dân mà sửa cống. Chi tiền kho hơn 6.000 quan.
Vua tuổi đã cao mà chưa định người nối ngôi. Hoàng tử thứ tư hiền và lớn hơn cả, vua đã để ý. Bầy tôi đều có lòng theo. Riêng một Nguyễn Văn Thành là người ngạo mạn kiêu căng, muốn được vua nhỏ tuổi, không thích vua lớn tuổi. Một hôm mời các quan trong triều uống rượu ở nhà, nói lên rằng: “Hoàng tôn Đán nối ngôi, tôi sắp tâu xin lập đấy”. Trong đám ngồi không ai dám nói gì. Trịnh Hoài Đức sợ vạ lây mình, bèn nói rằng: “Việc lớn của nhà nước, quyết định do ở lòng vua, nếu người bầy tôi định kế riêng, tham lấy công to thì tội lại lớn”. Văn Thành bèn thôi. Sau có người nói đến tai vua. Vua giận nói rằng: “Hắn muốn dựng vua nhỏ để dễ khống chế, ngày sau có thể chẹt họng vỗ lưng chăng. Ta há tối tăm nhầm lẫn, không biết đắn đo nên chăng, vội nghe lời hắn mà không vì Xã Tắc chọn người sao!”. Từ đó hễ cứ Văn Thành vào yết kiến là chỉ xin dựng thái tử. Vua nín lặng. Văn Thành tự biết không được thỏa ý, càng thêm ngờ sợ. Con là Văn Thuyên nhòm biết ý cha, thầm mang lòng phản trắc, bèn giao thông khách khứa, kết riêng bè đảng. Văn Thành cũng không ngăn cấm. Khi ấy có người Thanh Hoa là Nguyễn Trương Hiệu tự đến xin làm môn khách của Văn Thuyên. ở không bao lâu, Văn Thuyên sai về. Trương Hiệu nói với đồng quận là Thiêm sự Hình bộ Nguyễn Hựu Nghi rằng Văn Thuyên ngầm muốn nổi loạn, dùng thơ sai Trương Hiệu gọi bọn người trong quận là Nguyễn Văn Khuê, Nguyễn Đức Nhuận, lời rất bội nghịch.
Thơ rằng: [Phiên âm]
Văn đạo ái Châu đa tuấn kiệt,
Hư hoài trắc tịch dục cầu ti.
Vô tâm cửu bảo Kinh Sơn phác;
Thiện tướng phương tri Ký Bắc kỳ.
U cốc hữu hương thiên lý viễn;
Cao cương minh phượng cửu cao tri.
Thử hồi nhược đắc sơn trung tể,
Tá ngã kinh luân chuyển hóa ky.
[Dịch] Nghe nói Ái Châu nhiều tuấn kiệt
Dành để chiếu bên ta muốn chờ.
Vô tâm ôm mãi ngọc Kinh Sơn
Tay sành mới biết ngựa Ký Bắc.
Thơm nghìn dặm lan trong hang tối;
Vang chín chằm phượng hót gò cao.
Phen này nếu gặp tể [tướng] trong núi,
Giúp ta kinh luân chuyển hóa cơ.
Nghi sai Trương Hiệu đem thơ ấy cáo với Lê Văn Duyệt. Duyệt với Văn Thành vốn không ưa nhau, bèn đem thơ phản nghịch của Văn Thuyên dâng lên. Vua cho rằng sự trạng chưa được rõ rệt, hãy để đấy mà trả bài thơ ấy về.
Trương Hiệu nhân thế giữ bài thơ làm bằng cớ, thường đến Văn Thuyên đòi hối lộ. Văn Thuyên cho mãi không vừa. Hiệu bèn lẻn đợi Văn Thành lui chầu, đứng ở bên đường nắm lấy vạt áo mà hỏi mãi. Văn Thành bất đắc dĩ, bắt Trương Hiệu và Văn Thuyên đưa cho Quảng Đức tra hỏi, rồi tự rảo vào chầu, đem việc tâu lên. Vua sai đình thần xét án. Trương Hiệu nói đủ về tình trạng mưu phản của Văn Thuyên và đem môn khách của Văn Thuyên là Đỗ Văn Chương làm chứng. Hỏi thì Văn Chương đã về Gia Định. Vua bèn tha Văn Thuyên ở ngục ra mà hạ lệnh bắt Văn Chương về Kinh để đối chất.
Tướng nước Xiêm đóng đồn ở Bắc Tầm Bôn. Tham Đích Tây nước Chân Lạp cho quân đi qua đất ấy, tướng Xiêm thả quân ra đánh đuổi đến Phủ Lật, giết và làm bị thương rất nhiều. Tham Đích Tây kháng cự. Quân Xiêm bèn lui. Việc đến tai vua. Sai Nguyễn Văn Thụy đóng quân ở Nam Vang và sai thành thần Gia Định cho người hỏi rõ tình trạng. Sau biết Tham Đích Tây là người gây hấn, bèn bảo vua Phiên trị tội.
Sai Tham tri Lễ bộ là Bùi Mân, Thiêm sự Công bộ là Nguyễn Kim Truy đem việc hết quốc tang báo với nước Xiêm. (Tặng Phật vương 40 lạng vàng, 500 lạng bạc, 5 cân quế, đường phổi đường phèn đều 500 cân, 2.000 cân đường cát, 55 phiến đá Thanh Hoa, cho vua thứ hai 20 lạng vàng, 300 lạng bạc, 3 cân quế, đường phổi đường phèn đều 300 cân, 1.000 cân đường cát).
Gọi 4.750 người biền binh ở Thanh Nghệ, Bắc Thành và Thanh Bình về Kinh. (Thanh Hoa 600 người, Nghệ An 1.400 người, Bắc Thành 2.650 người, Thanh Bình 100 người).
CHÍNH BIÊN
ĐỆ NHẤT KỶ - QUYỂN LII
THỰC LỤC VỀ THẾ TỔ CAO HOÀNG ĐẾ
Bính tý, Gia Long năm thứ 15 [1816] (Thanh - Gia Khánh năm thứ 21), mùa xuân, tháng giêng, lấy Tổng trấn Bắc Thành là Nguyễn Hoàng Đức làm Tổng trấn Gia Định.
Gia Định do trạm tiến dâng phương vật, có phụ một hòm chè để biếu các quan bạn. Vua nghe thấy, bảo Lễ bộ rằng: “Trẫm ở trong cung tự cung dưỡng rất sơ sài, không muốn vì sự ăn uống mà động phiền sức dân. Nay đem quà riêng biếu nhau mà làm nhọc cho nhà trạm như thế thì có nên không?”. Nhân đó sắc rằng từ nay các trạm địa phương ai dám nhân việc công gửi vật tư thì bị tội.
Thuyền trưởng người Phước Kiến là Tăng Sĩ Lương sang buôn ở Gia Định, giấu 6 hòm trân châu lớn để trốn thuế. Bộ Hình tâu rằng theo phép phải bắt sung công. Vua cho rằng người buôn ở xa nhầm mà phạm lỗi, phạt trượng mà tha và trả cả ngọc.
Ngày Mậu tý, tế xuân hưởng.
Hơn mười người biền binh ở Hậu đồn Hậu quân chở gỗ ván Gia Định, bị bão dạt vào hải đảo. Thuyền đánh cá của người Hải Nam là Hoàng Hưng Bảo chở đưa về Bình Hòa. Trấn thần đem việc tâu lên. Sai thưởng cho Hưng Bảo 100 quan tiền, 50 phương gạo, lính bị nạn thì cấp áo cơm khiến trở về nhà.
Triệu thượng thư Hộ bộ lãnh Bắc Thành Hộ tào là Nguyễn Đình Đức về Kinh. Lấy Tả tham tri Hộ bộ là Nguyễn Hữu Thận thay lãnh Hộ tào. Trước vua thấy Bắc Thành nhiều việc, muốn triệu Đình Đức mà khó có người thay. Vua bảo Hữu Thận rằng: “Ta đã lựa chọn, không có khanh thì không được, nên có mệnh ấy”.
Lấy Câu kê Trần Văn Hoằng làm Cai bạ Nhà đồ Bắc Thành.
Cai bạ Quảng Bình là Nguyễn Văn Quang, trước ở bộ Hình cử người có lỗi sung vào bộ ty, đến nay việc phát giác, bộ Hình xin chiếu luật xử tội trượng và cách chức. Vua cho rằng Quang phạm tội trước khi chưa ban hành luật mới, khiến cho giảm đẳng, phạt 70 trượng vẫn lưu làm việc.
Hiệp trấn Hà Tiên là Lê Văn Nguyên chết; lấy Cai đội Mạc Công Du làm Hiệp trấn Hà Tiên.
Sai Đô thống chế Hậu dinh quân Thần sách là Trần Văn Năng kiêm quản năm dinh Thần sách.
Lấy Chánh thống chưởng cơ Tả đồn Hậu quân là Ngô Văn Vĩnh thống quản thập cơ Uy thắng.
Miễn lễ bạc trong năm năm cho quan viên văn võ từ ngũ phẩm trở xuống chưa có bổng lệ.
Các trấn Bắc Thành lâu không mưa. Vua rất lo. Sai tha hoãn thuế thiếu; lính thiếu và kiện vặt cũng hoãn hết.
Tha hoãn thuế thiếu. Chiếu rằng: “Muốn cho nước đủ dùng, không gì lớn bằng nuôi dân; chính sách trị dân tốt, trước hết là gia ơn. Nhà nước ta bắt đầu đại định, việc nuôi dân trị của đã có phép sẵn. Gần đây thuế đinh điền, thuế sản vật, còn để thiếu nhiều, hoặc bởi khi trời chưa thuận, hoặc bởi ơn huệ chưa khắp. Vả từ mùa đông tới nay, mưa rất ít, có hại đến nghề nông ; nếu lúa mất mùa thì nhân dân rất là vất vả. Gia ơn đùm bọc, lòng trẫm thiết tha. Vậy những thuế thiếu từ bốn năm Kỷ tỵ, Canh ngọ, Tân mùi, Nhâm thân đều cho tha hết, còn thuế thiếu về hai năm Giáp tuất, Ất hợi thì đều cho hoãn một năm”.
Hoãn đòi lính thiếu. Chiếu rằng: “Binh là việc lớn của nước, không binh thì lấy gì giữ nước? Cho nên các đời đặt binh đều có phép thường. Nhà nước ta châm chước chế độ các đời, năm trấn trong thì 7 đinh lấy 1, sáu trấn ngoài thì 10 đinh lấy 1, ngoài ra chưa từng bắt thêm, là vì muốn cho trăm họ cùng với nhà nước đều giữ mối tin lớn ấy. Gần đây ít mưa, trẫm lo trước thiên hạ, phàm điều gì có thể yên nuôi được dân ta, trẫm đều lần lượt cử hành. Đặc biệt chuẩn cho số lính thiếu vì trốn hay chết ở các trấn từ tháng 4 năm Ất hợi trở về trước đều hoãn điền thế để cho dân hết sức vào việc nông”.
Hoãn xét kiện vặt. Chiếu rằng: “Trẫm vâng mệnh trời trị nước, tính ngày lo việc, nuôi giữ dân chúng, không lúc nào quên. Gần đây vì trời ít mưa, sợ hại nghề nông, cho nên chính sách rộng thương dân binh, từng đã ban gia ơn trạch. Lại còn sợ việc kiện tụng, phải trái chỉ ở hai bên, mà người chứng tá dây dưa với nhau phần nhiều bỏ nghiệp. Vậy từ nay những kiện vặt về hộ hôn điền thổ đều cho hoãn xét, để cho nhân dân chăm việc gốc mà làm ăn được hết sức mình, để đáp lại tấm lòng kính trời chăm dân của trẫm”.
Ốc Nha nước Chân Lạp là Siêu khéo bắt voi. Vua nghe, sai gọi về Kinh, đặc biệt trao cho chức cai đội, thưởng tiền bạc quần áo rồi cho về, khiến mỗi năm bắt 30 thớt voi để dâng.
Chuẩn định quan viên văn võ từ tứ phẩm trở lên có việc tang một năm thì được miễn chầu mừng 3 tháng.
Lấy Phó đô thống chế Thủy quân là Đào Văn Lương làm Đô thống chế.
Tôn Thất Thăng bị bệnh, cho tiền 500 quan. Thăng cố gượng vào tạ. Vua vời lên điện, yên ủy khuyên dụ.
Đắp bảo Châu Đốc. Trước đây vua thấy đạo Châu Đốc là nơi quan trọng ở biên thùy, muốn đặt bảo hiểm để giữ. Trước sai giám thành sứ là Nguyễn Đức Sĩ đến xem đo hình thế, vẽ bản đồ dâng lên. Đến nay lấy lính thú ở Gia Định và lính cơ ở bốn trấn 3.000 người cấp tiền gạo cho ứng dịch. Sai Phó tướng tả quân là Nguyễn Văn Xuân, Trấn thủ Vĩnh Thanh là Lưu Phước Tường cùng Đức Sĩ trông coi công việc. Lại gọi 2.000 người quân dân Chân Lạp đến hội. Dụ vua Phiên là Nặc Chăn rằng: “Nước ngươi đời đời giữ bờ cõi ngoài phiên, một lòng kính thuận. Triều đình hằng nghĩ vỗ về để giữ yên cho. Việc đắp bảo này không phải là muốn phiền dân, mà cốt là bảo vệ Hà Tiên để sách ứng cho Nam Vang. Vương nên chọn ủy quan viên người nào lanh lợi siêng năng cho đem quân dân đến làm, khiến mọi người đều vui lòng như con đến làm cho cha vậy”. Rồi thấy binh dân nhiều người ốm và trốn, lại lấy thêm dân bốn trấn và lính đồn Uy viễn mỗi phía 1.000 người để sung vào. Sai thành thần ủy người ghi rõ công việc, cứ mười ngày thì tâu một lần. Dụ rằng: “Công việc thổ mộc, là việc bất đắc dĩ. Một phen đã làm, việc động binh dân thì nên hết lòng kinh lý, đừng để sai hẹn mà động đến việc nông”.
Hạ lệnh cho Bắc Thành mỗi tháng 3 lần sai người về Kinh tâu việc để hỏi han.
Ra lệnh cho bộ Hình định thêm điều luật. Phàm quan viên văn võ không được cùng hoàng tử hoàng tôn giao thông đi lại.
Tôn Thất Thăng dâng sổ kê khai nam nữ tôn thất chưa được bổng hàng năm, cộng 66 người. Sai cấp tiền gạo và tiền may áo mùa xuân theo thứ bậc khác nhau. (Nam mỗi năm cấp tiền 36 quan, gạo 36 phương, tiền áo xuân 9 quan; nữ mỗi năm cấp tiền 20 quan, gạo 24 phương, tiền áo xuân 8 quan).
Lấy Hàn lâm viện Phạm Nhữ Đằng làm Tham hiệp Hà Tiên.
Lấy Hàn lâm chế cáo Nguyễn Đăng Ngạn làm Chánh đốc học Quốc Tử Giám, Tiến sĩ đời Lê là Nguyễn Du làm Phó đốc học. Du vì già yếu xin từ. Vua y cho.
Tháng 2, Cai châu châu Thủy Vĩ trấn Hưng Hóa là Hoàng Kim Châu cùng Phó châu là Lý Văn Chính có hiềm khích, nhờ người Thanh là Tiết Phượng Chương mưu với Tấn thủ Hà Khẩu là Triệu Bỉnh Trung. Bỉnh Trung nhận hối lộ, họp quân đến giết Văn Chính mà cướp lấy của. Việc phát. Trấn thần gửi thư cho Lưỡng Quảng Tổng đốc nước Thanh trách bắt Bỉnh Trung. Bỉnh Trung là người riêng của Tổng đốc, cho nên che giấu mà không bắt giao, chỉ đưa thư giục ủy người sang nhận tang vật. Thành thần đem việc tâu lên. Vua bảo bầy tôi rằng: “Nếu cứ giằng co thì sinh hiềm khích ở biên cương, không bằng sai trấn thần bảo họ xử phạt tội Bỉnh Trung, rồi sau hãy nhận tang, như thế thì dứt được hiềm nghi”. Rồi sai chém tên Châu ở chợ.
Dân Gia Định đi buôn ở các sách Man Cổ Khăng, Bồ Lô (thuộc Chân Lạp), nhiều đến hơn 500 người, họ cầm binh khí để tự vệ, người Xiêm lấy làm ngờ, nghiêm ngặt phòng giữ. Vua nghe tin, sắc cho thành thần rằng từ nay giấy thông hành của dân buôn chỉ cho 10 người làm hạn, không được quá nhiều, để cho nước láng giềng phải sợ.
Bảo hộ Chân Lạp là Nguyễn Văn Thụy trước từng lên miền thượng đạo, được người Man tin phục, đến nay người Man hay hằng gửi thư thăm hỏi. Thụy sợ hiềm nghi nên phải tâu. Vua ra lệnh từ nay hễ có thư của người Man, việc thường thì viết thư trả lời, việc quan trọng thì mới do thành chuyển đạt.
Quân Bắc Thành tâu nói: “Từ trước đến nay tiền điệu ở các trấn mỗi năm cứ đến tháng giêng thì trưng thu, nay xin chia làm hai kỳ cùng thu với thuế đinh thuế điền để bớt phí tổn cho dân”. Vua y cho.
Ký lục Quảng Trị là Nguyễn Duy Hòa vào chầu, dâng sớ hạch Nguyễn Văn Thành rằng: “Con Văn Thành là Văn Thuyên âm mưu làm phản, sự cơ tiết lộ, Thành không biết đến cửa khuyết chịu tội mà còn áo triều, mũ triều nghênh ngang đứng ở trên các đình thần, như thế thì còn thể thống triều đình chi nữa. Vả triều đình là triều đình của liệt thánh, Hoàng thượng ta vâng trời chịu mệnh, giữ đất lên ngôi, chính triều đình để chính bách quan, chính muôn dân để chính bốn phương, khiến thần dân trong nước xem làm khuôn mẫu. Nay Văn Thuyên đã hạ đình nghị mà lại yên ổn ở nhà, pháp luật không được thi hành thì lấy gì mà tỏ bảo cho thiên hạ? Huống chi Văn Thành soạn điều luật, tự tiện bỏ mất điều kết giao cận thị (1) (1. Kết giao cận thi : “Cấm các quan không được chơi với kẻ hầu gần”. 1), cử Trần Hựu là người bậy mà giấu tội cưỡng dâm với vợ người, âm kết bè đảng, dối người trên làm việc riêng, xây dựng mồ mả cho mẹ thì vượt phép phạm phận, xét đạo của người bầy tôi, tội rất lớn vậy. Nay bệ hạ nếu thương là người có công, cũng nên giao cho công luận, lấy phép mà trị, rồi sau lấy ơn mà chu toàn cho, thế thì phép nước được tỏ bày mà kẻ gian thì biết sợ hãi”. Sớ giao xuống đình nghị. Nguyễn Văn Thành chỉ nhận một việc cử nhầm Trần Hựu, dâng sớ chịu tội, còn các khoản khác đều cãi cả. Vua nhân nói đến bài thơ nghịch của Văn Thuyên và dụ bầy tôi rằng: “Ý thơ của Văn Thuyên sao mà tiếm bội thế! Phàm có Lương Vũ đế làm vua rồi sau mới có tể tướng trong núi chứ. Văn Thuyên là người thế nào mà muốn được tể tướng trong núi?”. Tham tri Hình bộ là Võ Trinh giải theo nghĩa cưỡng ép. Vua nín lặng.
Nguyễn Duy Hòa ngồi cáng qua cửa Đoàn Môn không xuống. Thống chế Trương Phước Đặng bắt được, giao xuống bộ Hình xét. Phạm Như Đăng xin xét qua chỗ có bài hạ mã mà không xuống, phạt 50 roi, theo tội công giảm xuống một bực. Vua nói: “Đó chỉ là tội riêng thôi, sao gọi là công được”. Đổi theo luật “Ngọ môn bất hạ” (2) (2. Ngọ môn bất hạ: Qua cửa ngọ môn mà không xuống. 2), xử 80 trượng.
Thổ phỉ ở Hải Dương, nhóm họp ở Nam Sách. Quan quân bắt được giết. Thưởng cho người tố cáo 100 quan tiền.
Lấy Ký lục Quảng Đức là Nguyễn Khoa Minh làm Tham tri Công bộ, kiêm quản Nhà đồ, Câu kê Trần Đăng Nghi làm Cai bạ Nhà đồ.
Sửa hai kho Vĩnh Phong và Vĩnh Thịnh.
Định lại điều lệ triều hội. Chiếu rằng: “Điển lễ chẳng gì nghiêm bằng triều hội. Triều hội thì trước phải có áo mũ. Từ nay tế Giao, tế Thái miếu và lễ chầu mừng, văn từ thất phẩm, võ từ lục phẩm trở lên, đều phải có đủ phẩm phục theo ban mà lạy, cho nghiêm triều nghi. Có việc công phải ra ngoài và bận việc thì cho báo cáo trước ba ngày. Nếu không có cớ gì mà không dự chầu thì bắt tội như luật”.
Ngày Ất sửu, tế Trời Đất ở đàn Nam giao, trước là bộ Lễ tâu rằng: “Tế Nam giao là đại lễ, Nguyễn Văn Thành là người có tội không nên dự”. Vua nói: “Văn Thành là người trọng thần của nước, con là Văn Thuyên dù có càn bậy, nhưng việc còn mờ tối, há nên nghe thuyết một bên mà vội xa bề tôi huân cựu sao?”. Bèn sai Văn Thành vẫn dự lễ phân hiến. Sau vài ngày vua đương coi chầu, Văn Thành từ cửa Tả túc vào, lên thẳng điện lớn tiếng hô hào, người tả hữu cản lui xuống. Từ đấy mới cấm không được vào chầu nữa.
Bắt trói Tham tri Hình bộ Võ Trinh và Chưởng cơ Tống Phước Ngoạn mà hạ ngục. Đình thần đương họp tra Văn Thuyên. Văn Thuyên cùng Nguyễn Trương Hiệu thanh biện chưa xong. Có viên xá sai hình ty là Trần Ngọc Ngữ làm ngục lại nói với Võ Trinh rằng: “Trương Hiệu trước làm tịch sĩ cho Nguyễn Hựu Nghi, nay nhận là môn khách của Văn Thuyên là không đúng”. Trinh đem lời đó nói với Tống Phước Ngoạn, Ngoạn lòng muốn biện cho Văn Thuyên bị vu, bèn ngầm giục Ngữ đem việc phát giác. Vua sai đình thần nghiêm tra. Ngữ không trả lời được, đổ cho Trinh và Ngoạn mớm lời, hai bên bị tội.
Lấy Thiêm sự Lại bộ là Nguyễn Văn Hưng làm Ký lục Quảng Đức.
Từ Quảng Trị trở vào Nam đến Bình Hòa gạo đắt. Sai các địa phương cho dân vay thóc, cứ coi hộ thóc của điền hộ thu vào bao nhiêu thì cho vay bằng một nửa.
Dinh thần Quảng Trị tâu nói: “Triều đình thương dân đói mà cứu sống là điều rất may. Nhưng cho vay mà căn cứ vào ruộng làm hạn thì kẻ không có ruộng không được nhờ ơn". Vua nói: “Dân không đều nhau đã lâu rồi, sao có thể nhất nhất đều nhau được! Duy cho vay nhiều thì gạo rẻ, kẻ không có ruộng nhờ đó mà cũng được nhờ ơn”.
Tháng 3 ngày Canh dần, đặt triều nghi ở điện Cần Chánh, triệu bầy tôi đến, đều cho ngồi. Dụ rằng: “Trẫm nay làm việc đã mỏi, rất lo đến kế lớn của Xã Tắc. Thái tử là ngôi chừ nhị (1) (1. Chừ nhị: Dự bị để nối ngôi, coi như vị vua thứ hai. 1) của nước, cần phải sách lập để trọng chính thống mà giữ bền gốc nước”. Bèn triệu Thượng thư Lại bộ là Trịnh Hoài Đức đến trước giường ngự, sai viết “Lập hoàng tử Hiệu làm Hoàng thái tử” để đưa cho bầy tôi xem. Vua nói: “Ai đồng ý thì ký tên vào”. Quần thần đều nói: “Ý thánh định trước, thực là phúc không cùng của Xã Tắc, bọn thần xin noi theo mệnh lệnh”.
Vua thung dung dụ rằng: “Cha con truyền ngôi cho nhau là đạo thường xưa nay. Từ đời Hán đời Đường trở xuống, ít người không theo. Hoặc có kẻ nói “đích tôn thừa trọng”, ta thực không hiểu thuyết ấy. Duy có vua Thái tổ nhà Minh mê hoặc theo lời nói của Lưu Tam Ngô mà bỏ con là Yên Vương để lập đích tôn là Doãn Văn, rốt cùng sinh tai vạ. Phàm biết con không ai bằng cha. Nếu vua Thái tổ nhà Minh cho Yên Vương là hiền mà bấy giờ họp ngay đình thần, nói rõ là lập làm thái tử, thì một lời nói ra, ai dám không theo! Như thế thì làm sao sinh loạn được”. Quần thần đều vui phục.
Ngày Đinh dậu, đúc ấn vàng sách vàng cho Hoàng thái tử. (Sách dùng 5 tờ vàng, dài 5 tấc 6 phân 6 ly, ngang 2 tấc 2 phân 4 ly, mỗi tờ dầy 2 ly; ấn đúc bằng vàng, núm bằng con rồng ngồi, vuông 2 tấc 4 phân 3 ly, dầy 3 phân 2 ly, khắc bốn chữ triện “Hoàng thái tử bảo”).
Sai Đô thống chế Trần Văn Năng, Thượng thư Trịnh Hoài Đức, Tham tri Hoàng Văn Diễn và Nguyễn Khoa Minh coi việc làm sách ấn. Ngày Nhâm dần, dựng cung điện Hoàng thái tử ở phía đông hoàng thành gọi tên là điện Thanh Hòa. Trước điện dựng nhà Đoan bản và cửa Chấn hanh. Sai Đô thống chế Nguyễn Văn Soạn và Tham tri Đoàn Viết Nguyên trông coi công việc.
Chế mũ áo và đồ lỗ bộ cho Hoàng thái tử. (Đại triều: mũ dùng lối nhà Đường có bảy con rồng, trang sức bằng vàng và hạt châu; áo dùng áo long bào cổ viền, màu đại hồng; xiêm thêu rồng năm móng, đai bằng vàng chạm rồng; hia và bít tất đủ bộ. Thường triều: Mũ dùng kiểu Xuân thu, trang sức bằng vàng và hạt châu; áo dùng áo tràng vạt cổ trắng, áo mầu xanh, màu lục, màu lam, màu đen tùy dùng; bổ tử thêu rồng năm móng nền vàng; xiêm thêu rồng năm móng; hia và bít tất đủ bộ. Đồ lỗ bộ: kiệu đầu rồng sơn son một cỗ, tám người khiêng, phất trần 2 chiếc, đèn lồng bằng sa đỏ 2 cái, lò hương, hộp hương đều 1 cái, quạt vuông thêu hoa mầu xanh và mầu đỏ đều 4 cái, tàn tròn cán cong thêu đỏ 1 cái, tàn vuông và tàn tròn cán thẳng mầu đỏ thêu bảy rồng, đều 4 cái, lọng tròn mầu xanh 2 cái, lọng che mưa bằng lụa sơn dầu đỏ 1 cái, cờ thanh đạo, phan truyền giáo, phan giáng dẫn, phan cáo chỉ, phan tín, cờ lệnh, cờ vàng sắc xanh, đỏ, vàng, đen, trắng, đều 2 cái, phan lông chim, búa ngù lông, kích ngù lông, đều 6 cái, gậy kim ngô, búa vàng, trảo đứng, trảo nằm, cốt đóa, đều 4 cái, trống lớn, chiêng đồng, đều hai cái, cáng 1 cái, thắng đai ngựa hai cái, voi lễ 2 con, lọng đỏ 4 chiếc, lọng xanh 6 chiếc, giá chuông và trống ở trước và sau có lông đỏ đều 2 cái. Khi có lễ lớn như tế Giao tế Xã hay Văn miếu và các ngày tiết lớn như Nguyên đán, Đoan dương, Thiên Xuân thì dàn bày theo nghi thức).
Bàn phong tước công hầu cho hoàng thân, hoàng tử, hoàng tôn, chế sách ấn và mũ áo. (Sách bạc mạ vàng 5 tờ, dài 5 tấc 4 phân, ngang 3 tấc 2 phân 4 ly, mỗi tờ dầy 2 ly; ấn bạc mạ vàng, vuông 2 tấc 3 phân 4 ly, dầy 2 phân 7 ly; ấn quan phòng bằng bạc vuông 6 phân 5 ly, dày 3 phân, đều làm núm con cù. Đại triều: Mũ bình đính trang sức bằng vàng và hạt châu; áo mãng bào, sắc đỏ hồng cổ viền; xiêm thêu rồng bốn móng; đai trang sức bằng vàng; giày bít tất đủ bộ. Thường triều: Mũ theo kiểu Xuân thu trang sức vàng và hạt châu; áo tràng vạt cổ trắng, áo màu xanh, lục, lam, đen tùy dụng; bổ tử thêu rồng bốn móng, nền vàng; xiêm thêu rồng bốn móng. Giầy bít tất đủ bộ).
Sai các dinh trấn, xem đo đường biển cách nhau xa gần bao nhiêu, vẽ bản đồ dâng lên.
Sửa hành cung Bắc Thành. Thành thần tâu nói rằng điện Kính Thiên lâu năm gỗ đã nát. Bèn sai triệt đi làm lại.
Người xã Phạn Khỏa trấn Nam Định, đón xa giá dâng sớ tâu nói rằng: trước đây bị người vu cáo, ruộng đất bị tịch thu, sau án xét ra được vô tội, xin trả lại ruộng đất, nhưng quan sở tại cho rằng trót đã thu rồi không cho.
Vua xem lời tâu, sắc cho thành thần xét rõ các án, phàm có người bị ruộng đất tịch thu mà xét ra không có tội trạng thì trả lại hết.
Khai mỏ đồng Trình Lạn (tên động, thuộc châu Thủy Vỹ) trấn Hưng Hóa. Đất Trình Lạn có mỏ đồng đỏ, có người Thanh xin khai mỏ để nộp thuế. Thành thần tâu lên. Vua y cho.
Tha giảm tô thuế cho từ Quảng Bình vào Nam. Chiếu rằng: “Vài năm gần đây, nhân dân phục dịch khó nhọc, lại bị mất mùa đói kém, trẫm rất thương. Vậy bàn rộng giúp cho. Tiền thóc và sản vật từ Quảng Bình đến Gia Định, thì số thuế thu kèm còn thiếu từ năm Gia Long Nhâm thân về trước, số thuế chính cung còn thiếu từ năm Quý dậu, năm Giáp tuất, đều cho tha cả.
- Đang tải...