12. (Tập 2)vancuong7975(xong)WIKI

12/11/15
12. (Tập 2)vancuong7975(xong)WIKI
  • Link PDF

    Link Google Docs

    Link Word Online


    Có nhiều người xúc động đến ứa nước mắt nếu con chó của họ bị gãy cẳng, ở nghĩa trang cha - Laseđơ, khi người ta ném hoa lên mồ họ, như lời các ông vẫn nói một cách rất vui vẻ ở Pari, thì người ta bảo cho ta biết rằng họ gồm có tất cả mọi đức tốt của những trang hiệp sĩ dũng cảm, và người ta nói đến những sự nghiệp lớn lao của ông tổ ba đời của họ sống dưới thời vua Henri IV. Nếu mặc dầu sự can thiệp đầy thiện ý của hoàng thân đ’Araxêli, tôi không bị treo cổ, và được hưởng thụ giàu sang ở Pari, thì tôi quyết mời ông dự tiệc cùng với chín mười kẻ giết người được trọng vọng và lòng không hối hận.

    Ông và tôi, trong bữa tiệc đó, chúng ta sẽ là những người duy nhất không vấy máu, nhưng tôi sẽ bị khinh bỉ và gần như thù ghét, như một tên đại ác khát máu và jacôbanh, và ông thì sẽ bị khinh bỉ như một người bình dân len lỏi vào xã hội thượng lưu.

    - Không có gì đúng hơn, cô đơ La Môlơ nói.

    Antamira kinh ngạc nhìn cô; Juyliêng chẳng thèm nhìn.

    - Ông nên ghi nhớ rằng cuộc cách mạng mà tôi cầm đầu trước đây, bá tước Antamira nói tiếp, đã không thành công, chỉ là vì tôi đã không muốn làm rụng ba cái đầu và phân phát cho những người khởi nghĩa của chúng tôi bảy tám triệu bạc ở một cái két mà tôi giữ chìa khóa. Vua nước tôi, hiện nay thì nóng lòng muốn treo cổ tôi, và trước cuộc khởi nghĩa vẫn xưng hô thân mật với tôi, có thể đã tặng cho tôi tấm huân chương hạng nhất của ngài nếu tôi đã làm rụng ba cái đầu kia và phân phát tiền của những tủ két kia, vì như vậy thì tôi đã thu hoạch được ít ra là một nửa phần thành công, và nước tôi đã có một hiến chương y như cũ... Ấy chuyện đời là thế, nó là một ván cờ...

    - Hồi đó, Juyliêng con mắt nảy lửa tiếp lời, ông không biết nước cờ; bây giờ...

    - Thì tôi sẽ làm rụng nhiều cái đầu, ông định nói thế chứ gì, và tôi sẽ không phải là một anh Girôngđanh* như ông đã bóng gió cho tôi hiểu hôm trước đây chứ gì?... Tôi sẽ trả lời ông. Antamira nói có vẻ buồn rầu, khi nào ông đã giết chết một người trong một cuộc quyết đấu, như vậy dẫu sao cũng không đến nỗi xấu xa bằng cho xử quyết hẳn bởi một tên đao phủ.

    - Quả đáng tội! Juyliêng nói, muốn ăn hết phải đào giun; nếu, đáng lẽ chỉ là một hạt cát bụi, tôi lại có đôi chút quyền hành, thì tôi sẽ treo cổ ba người để cứu sống được bốn người.

    Đôi mắt anh biểu lộ ngọn lửa nồng của lương tâm và sự khinh bỉ những lối phê phán hão huyền của thiên hạ; đôi mắt đó gặp đôi mắt cô đơ La Môlơ đứng gần sát anh, và vẻ khinh bỉ kia, không những không đổi thành vẻ ưu nhã và lịch sự, lại còn có vẻ tăng lên gấp bội.

    Cô lấy thế làm chướng vô cùng; nhưng cô không làm sao quên được Juyliêng; cô hờn dỗi rời bước đi, kéo cả ông anh đi.

    Ta phải uống rượu ngũ vị mới được, và phải nhảy rất nhiều, cô tự nhủ, ta quyết chọn bài nào hay nhất, và Tam kỳ được cho thiên hạ phải trố mắt. Hay quá, cái anh chàng xấc xược tuyệt trần, bá tước đơ Fervac, đầy rồi. Cô nhận lời mời của chàng ta; hai người ra nhảy. Để rồi xem, cô nghĩ, hai đứa thì đứa nào sẽ xấc xược hơn đứa nào, nhưng, để giễu hắn cho thật hả hê, ta phải làm cho hắn nói mới được. Thế rồi tất cả phần còn lại của bài đôi vũ, thiên hạ chỉ nhảy để giữ mực thôi. Họ không muốn lỡ mất một cầu đối đáp sắc cạnh nào của Matinđơ. Chàng đơ Fervac bối rối, và, chỉ tìm được những lời thanh lịch, chứ không phải những ý nghĩ, chàng ta nhăn mày nhăn mặt. Matinđơ, đương bực mình, nên rất ác với chàng ta và biến chàng ta thành một kẻ thù. Cô nhảy cho đến sáng ngày, và cuối cùng ra về, mệt nhừ người. Nhưng, trên xe, chút hơi sức còn lại, lại được dùng để làm cho cô sầu muộn và đau khổ. Cô đã bị Juyliêng khinh bỉ, mà cô không thể nào khinh anh được.

    Juyliêng thì sung sướng tột đỉnh. Anh được mê say mà không ngờ, vì âm nhạc vì hoa, vì đàn bà đẹp, vì vẻ thanh lịch chung, và, hơn tất cả, vì trí tưởng tượng của anh, nó mơ màng những sự hiển hách cho anh và sự tự do cho tất cả mọi người.

    - Cuộc vũ hội đẹp quá! anh nói với bá tước, chẳng thiếu một thứ gì.

    - Còn thiếu tư tưởng, Antamira trả lời.

    Và nét mặt ông biểu lộ sự khinh bỉ, nó lạì càng thấm thía, vì người ta thấy rõ là sự lễ độ bắt buộc phải giấu nó di.

    - Ông nói đúng rồi, ông bá tước ạ. Tư tưởng vẫn còn âm mưu phản loạn có phải không?..

    - Tôi ở đây là vì cái tên của tôi. Nhưng trong các phòng khách của các ông, người ta thù ghét tư tưởng. Tư tưởng cần phải không vượt cao quá mũi nhọn của một khúc hát ca kịch: khi đó thì người ta tưởng lệ nó. Nhưng con người có tư tưởng, nếu có mãnh lực và sự mới mẻ trong các ý kiến đột xuất, thì các ông gọi họ là khuyển nho*. Có phải một ông quan tòa của các ông đã tặng chó Curiê*. Cái danh hiệu đó không? Các ông đã bỏ tù ông ta, cũng như Bêrănggiê. Tất cả những cái gì có đôi chút giá trị, ở nước ông, vì trí tuệ, thì thánh hội tống vào cho cảnh sát hình sự; và xã hội lịch sự hoan hô.
    Là vì xã hội của các ông già cỗi, trước hết chỉ ưa thích những phép lịch sự... Các ông sẽ không bao giờ lên cao quá cái dũng cảm quân sự: các ông sẽ có những Muyra*, nhưng không bao giờ có Uôsinhtơn*. ở nước Pháp tôi chỉ thấy phù hoa. Một người khi ăn nói mà có sáng kiến mới mẻ, rất dễ đi đến một ý đột xuất thiếu cẩn trọng, và ông chủ nhà tự cho là mất thanh danh.

    Nói đến đấy, xe ngựa của bá tước đưa Juyliêng về nhà dùng lại trước dinh thự đơ La Môlơ Juyliêng si mê người âm mưu phiến loạn của anh. Antamira đã khen anh câu này, rõ ràng là xuất phát từ một tin tưởng sâu sắc: Ông không có cái tính phụ bạc của người Pháp, và hiểu cái nguyên tắc ích lợi. Tình cờ mà, vừa đúng hai hôm trước đó, Juyliêng đã được xem Marinô Faliêrô*, bi kịch của ông Cadimia Đơlavinh*.

    Iraen Bertuxiô* há chẳng có khí phách hơn tất cả những anh quý tộc thành Vơnidơ kia sao? Anh chàng bình dân công phẫn của chúng ta tự nghĩ; vậy mà đó là những người mà dòng dõi hiển quý có bằng chứng hẳn hoi, truy nguyên lên từ năm 700, một thế kỷ trước Sarlơmanhơ, trong khi tất cả những kẻ quý tộc nhất tối hôm nay ở vũ hội của ông đơ Rêtz chỉ truy nguyên lên tới thế kỷ XII là cùng, mà cũng là khập kha khập khiễng. Đó! ở giữa đám những nhà quý tộc thành Vơnidơ, dòng dõi cao sang biết mấy*, người ta chỉ nhớ đến Ixraen Bertuxiô.

    Một cuộc âm mưu đấy loạn thủ tiêu tất cả các tước hiệu do những cái éo le của xã hội mà có. ở đây, thì một con người nhất khái chiếm được một cấp bậc do cái cách người đó coi chuyện sống chết như thế nào. Ngay cả tài trí nữa cũng giảm mất quyền lực...

    Đăngtông mà sống ở thời buổi này, thời buổi của những Valonô và những Rênan, thì sẽ là cái gì? làm chức biện lý cũng chưa xong...

    Ta nói gì nhỉ? ông ta sẽ tự bán mình cho thánh hội thôi; ông ta sẽ làm bộ trưởng, vì kể ra thì bậc vĩ nhân Đăngtông đó cũng đã có ăn cắp. cả Mirabô nữa cũng đã tự bán mình. Napôlêông thì đã ăn cắp hàng triệu ở Ý, nếu không thì ông đã bị chặn đứng lại bởi cái nghèo, cũng như Pisơgruy*. Chỉ có một mình La Payet* là không ăn cắp. Có nên ăn cắp, có nên tự bán mình không? Juyliêng tự hỏi. Câu hỏi đó làm cho anh bế tắc. Hôm đó, anh vẫn chỉ còn nghĩ đến cuộc nói chuyện với bá tước Antamua, Cứ kể ra, anh tự nghĩ sau một hồi lâu mơ màng, vì thử những người Tây Ban Nha tự do phái kia đã làm liên lụy đến nhân dân bằng những tội ác, thì người ta đã chẳng quét sạch họ dễ dàng đến thế. Họ là những con nít kiêu ngạo và ba hoa... như ta! bỗng Juyliêng kêu lên như người giật mình tỉnh giấc.

    Ta đã làm được cái gì khó khăn để được quyền phê phán những người cùng khổ, họ đã, một lần trong đời, dám và bắt đầu hành động? Ta giống như một người đứng dậy khỏi bàn ăn, kêu lên: Ngày mai ta sẽ không ăn nữa; Cái đó sẽ không ngăn cản được ta cứ khỏe mạnh và lanh lẹ như hôm nay. Ai mà biết được cái điều người ta cảm thấy ở giữa chừng một hành động lớn lao*?... Những tư tưởng cao xa đó bị quấy rối bởi sự xuất hiện bất ngờ của cô đơ La Môlơ, đương bước vào thư viện. Anh đương cảm thán về những đức tính lớn của Đăng tông, Mírabô, Carnô, những con người đã không để ai thắng nổi, đến nỗi mắt nhìn cô đơ La Môlơ, mà anh chẳng nghĩ gì đến cô, chẳng chào và hầu như chẳng trông thấy cô nữa. Mãi về sau, khi đôi mắt mở to của anh nhận thấy sự có mặt của cô, thì nhỡn quang của anh bỗng lờ đờ hẳn đi. Cô đơ La Môlơ nhận xét thấy điều đó và lấy làm chua xót.

    Cô hỏi anh, nhưng cũng chẳng ăn thua gì, một quyển của bộ Lịch sử nước Pháp của Vêly*, để ở ngăn cao nhất, bắt buộc*, Juyliêng phải đi tìm cái thang lớn nhất trong hai cái thang. Juyliêng đã đem cái thang lại; anh đã tìm quyển sách, đã đưa cho cô, mà vẫn chưa làm thế nào nghĩ đến cô được. Khi đem cái thang đi, trong lúc còn đang mải nghĩ, anh đụng khuỷu tay vào một tấm gương ở thư viện; mảnh kính võ, rơi xuống sàn nhà, làm anh tỉnh giấc. Anh vội vàng xin lỗi cô đơ La Môlo; anh muốn giữ lễ độ, nhưng anh chỉ lễ độ mà thôi. Matinđơ trông thấy rõ ràng là cô đã quấy rối anh, và anh thích nghĩ đến cái điều anh đương bận tâm trước khi cô đến, hơn là nói năng với cô. Sau .khi đã nhìn anh rất lâu, cô từ từ đi khỏi, Juyliêng nhìn cô bước đi. Anh lấy làm vui thích trông thấy sự tương phản giữa trang phục giản dị hiện tại của cô với trang phục thanh lịch lộng lẫy hôm trước. Sự khác nhau giữa hai nét mặt cũng đáng chú ý gần bằng như thế. Cô con gái kia kiêu hãnh đến thế ở vũ hội của công tước đơ Rêtz, trong lúc này có một cái nhìn hầu như van vỉ. Thực sự, Juyliêng nghĩ bụng, chiếc áo dài đen này làm cho cái đẹp của thân hình cô nổi hơn nhiều. Cô có dáng điệu một bà hoàng hậu; nhưng tại sao cô lại để tang?

    Nếu ta hỏi một người nào đó cái nguyên nhân của sự để tang kia, thì không khéo ta lại phạm một điều vụng về nữa. Juyliêng đã hoàn toàn ra khỏi niềm hứng khỏi sâu xa. Ta phải đọc lại tất cả những bức thư mà ta đã thảo ra sáng hôm nay; có Trời biết những tiếng bỏ sót và những lỗi ngờ nghệch mà ta sẽ tìm thấy trong đó. Anh đương đọc với một vẻ chăm chú gượng ép bức thư đầu tiên, thì nghe thấy gần sát bên mình tiếng sột soạt của một tà áo lụa: anh quay phắt ngay lại; cô đơ La Môlơ đứng cách cái bàn của anh vài bước, cô đương cười. Sự đột nhập lần thứ hai này làm cho Juyliêng bực mình.

    Còn về phần Matinđơ, cô vừa mới cảm thấy mãnh liệt rằng cô không có nghĩa lý gì đối với chàng thanh niên này; cái cười kia dụng ý để giấu nỗi lúng túng, cô đã thành công.

    - Rõ ràng, ông đang nghĩ đến một cái gì thú vị lắm thì phải, ông Xôren ạ. Phải chăng là một chuyện gì lý thú về cuộc âm mưu phiến loạn nó đã xui khiến bá tước Antamira đến Pari với chúng ta? ông nói cho tôi biết là chuyện gì; tôi rất mong được biết; tôi sẽ kín miệng, xin thề với ông! Cô ngạc nhiên vì câu đó khi mình tự nghe thấy mình nói ra. Lạ chưa, cô khẩn nài một kẻ hạ thuộc! Càng lúng hơn, cô nói thêm với một vẻ đùa cợt:

    - Cái gì đã làm cho ông, bình thương rất lạnh lùng, trở thành một con người có thần hứng, một thứ tiên tri của Mikel-Ănggiơ* như vậy?

    Câu hỏi sỗ sàng và tọc mạch xúc phạm Juyliêng vô cùng, làm cho anh trở lại điên rồ như cũ.

    - Đăngtông đã ăn cắp, làm như vậy có đúng không?

    Anh bỗng hỏi cô một cách đột ngột và vẻ mặt mỗi lúc một hung dữ hơn. Những người làm cách mạng ở Piêmông*, và ở Tây Ban Nha, đã làm liên lụy đến nhân dân vì những tội ác, như vậy có nên không? họ có nên đem cho cả những người không có tài đức gì, tất cả các chức vị trong quân đội, tất cả các huân chương? nếu những người này đeo các huân chương đó, họ có sợ không ngày kia vua sẽ trở về không? có tên cướp bóc kho tàng ở Tuyranh* không? Nói tóm lại, thưa cô, anh vừa nói vừa tiến lại gần cô với một vẻ dữ dội, con người muốn xua đuổi sự dốt nát và tội ác ra khỏi trái đất, có nên đi vụt qua như bão táp và gây tai hại như thể ngẫu nhiên không?

    Matinđơ phát hoảng, không chịu nổi con mắt nhìn của anh, và lùi lại hai bước. Cô nhìn anh một lát, rồi xấu hổ vì đã hoảng sợ, cô thoăn thoắt bước ra khỏi thư viện.

    CHƯƠNG X

    HOÀNG HẬU MACGƠRIT

    Tình yêu! có sự điên cuồng nào mà lại không làm cho chúng ta tìm thấy thú vị trong đó?

    Tập thư của một Nữ Tu Sĩ Bồ Đào Nha*

    Juyliêng đọc lại các bức thư của anh. Khi chuông báo bữa ăn chiều đã điểm: trong con mắt của con búp bê Pari này, chắc là ta đã tức cười biết bao nhiêu! anh tự nghĩ; thật là điên rồ đi nói thực với cô ta những điều ta nghĩ! nhưng có lẽ điên rồ cũng chẳng lớn lắm. Nói sự thật trong dịp này thật là một việc ta đáng làm.

    Nhưng tại sao lại đến hỏi ta về những chuyện riêng kín! Câu hỏi đó, về phần cô ta, thật là tọc mạch. Cô đã thiếu phép xã giao. Những tư tưởng của ta về Đăngtông không thuộc phần công việc mà bố cô ta trả lương cho ta để ta làm.

    Khi vào phòng ăn, Juyliêng quên nỗi bực mình của anh vì thây y phục đại tang của cô đơ La Môlơ, anh càng chú ý vì không có một người nào khác trong gia đình mặc đen cả.

    Sau bữa ăn, anh hoàn toàn dứt khỏi cơn hứng khởi kịch phát nó đã ám ảnh suốt cả ngày hôm đó. May sao, ông học sĩ biết tiếng la-tinh cũng dự bữa ăn. Con người này sẽ chế nhạo ta ít nhất, Juyliêng tự nhủ, nếu, như ta ức đoán, câu hỏi của ta về tang phục của cô đơ La Môlơ có là một sự vụng về chăng nữa.

    Matinđơ nhìn anh với một vẻ mặt lạ lùng. Thật đúng là cái tính duyên dáng éo le của phụ nữ xứ này, như bà đơ Rênan đã từng mô tả cho ta, Juyliêng nghĩ thầm. Sáng hôm nay ta đã thiếu nhã độ với cô ta, ta đã không chiếu theo cái cao hứng của cô ta muốn nói chuyện nói trò. Do đó giá trị cùa ta được tăng lên trong mắt cô. Thật là oái oăm. Sau này, sự kiêu ngạo khinh người của cô sê tìm được cách báo thù. Ta đã khiêu hích cô đến hết nước. Thật khác xa với con người mà ta đã mất! con người bẩm tính thật dễ thương biết bao! ngây thơ biết bao! Ta biết những ý nghĩ của nàng trước nàng; ta trông thấy những ý nghĩ đó phát sinh; trong trái tim nàng, ta chỉ có một lực lượng đối kháng, tức là nỗi lo sợ cho tính mạng của lũ con nàng; đó là một mối tình yêu thương phải lẽ và tự nhiên, đáng yêu ngay cả đối với ta là người bị đau khổ vì nó. Ta thật đã ngu dại. Những ý nghĩ của ta quan niệm về Pari đã ngăn cản ta quý mến người đàn bà siêu việt dó.

    Thật khác xa, Trời đất ơi*! và con người ta thấy ở đây là thế nào? sự hiếu thắng khô khan và kiêu ngạo, tất cả các sắc độ củạ lòng tự ái, thế thôi.

    Mọi người đứng dậy khỏi bàn ăn. Không nên để cho ông học sĩ của ta mắc vào đám nào, Juyliêng tự nhủ.
  • Chia sẻ trang này