16 chương 15 - Lemontree123 - Done

27/10/15
16 chương 15 - Lemontree123 - Done
  • CHƯƠNG 15


    NIỀM THÔI THÚC PHẢI TỰ BỘC LỘ MÌNH

    Ở những giai đoạn đầu trong sự nghiệp kinh doanh của mình, George Soros cho rằng danh tiếng là điều tồi tệ nhất có thể rơi lên đầu ông. Danh tiếng có nghĩa là ra đường ai ai cũng nhận ngay mặt mình, có nghĩa là giới truyền thông gọi điện thoại không ngừng đến số của mình, và có nghĩa là hết những thú vui của cuộc đời riêng tư. Danh tiếng được xem là đòn chí tử đánh vào sự nghiệp đầu tư của một người. Không ai phải ngạc nhiên gì là ở Wall Street thái độ ưa thích nhất là tàng hình.

    Theo James Grant, tổng biên tập của tờ Grant's Interest Rate Observer ở New York, Soros không phải đơn độc núp mình trong bóng tối, phần đông các cư dân ở Wall Street đều như vậy. Cách nhìn được ưa chuộng là “chẳng khác gì cây nấm, tiền bạc sinh sôi nẩy nở tốt nhất là trong bóng tối. Dân Wall Street không muốn một ngày nào đó phải giải thích trên trang kinh tế của tờ New York Times về cách họ kiếm tiền. Họ không muốn cho thế giới biết họ có bao nhiêu tiền bởi vì họ biết là thỉnh thoảng luồng gió chính trị đổi chiều, sự kính phục biến thành lòng đố kỵ, và lại còn phải ra điều trần."

    Trước kia rất dễ tránh giới truyền thông. Những câu chuyện về kinh doanh và các doanh nhân thường ít hấp dẫn đối với các nhà báo. Tuy đã có những bài báo nói về ông trước đấy, nhưng chỉ khi ông xuất hiện trên trang bìa của tờ Institutional Investor tháng Sáu 1981 thì George Soros mới được công chúng để ý đến, dù chỉ hạn chế trong giới kinh doanh.

    Bài báo trong Institutional Investor chắc chắn là tích cực, nhưng những gì nó kéo theo không khỏi làm cho Soros tự hỏi là sự chú ý của giới truyền thông có cần thiết hay không. Trong những tháng tiếp theo bài báo, Soros đã gặp phải một năm thua lỗ độc nhất trong sự nghiệp của mình. Khi nói chuyện với Jim Marquez năm

    1982 trước khi tuyển mộ ông, Soros cho thấy rõ ông quá ngán với toàn bộ kinh nghiệm “lộ mặt” này.

    Marquez nhận xét: “Đối với George, chuyện [quảng cáo tiếp theo là thua lỗ tài chính] này gần như có quan hệ nhân quả với nhau. George biết rõ nguy cơ khi người ta tin vào bài báo ca tụng mình và cũng biết là nó làm cho người ta tự thỏa mãn rồi ngồi xem chứ không tham gia nữa. Ông cho rằng qua báo chí, ông đã thổ lộ cho người ta những gì ông biết và cách thức ông đầu tư, và xem đấy nó đã làm hại ông thế nào. Không phải chỉ có vậy, ông mất đi vài người đầu tư dài hạn và vài người bạn trong quá trình ấy. Thế là ông bước vào một giai đoạn rất bí mật."

    Marquez đã chịu đựng “giai đoạn bí mật” ấy với tư cách là cánh tay phải của Soros trong những năm 1983, 1984.

    Các nhà báo kinh tế thường gọi điện đến Quỹ Quantum trong thời gian ấy để biết tình hình của quỹ hay để biết ý kiến của Soros hay Marquez về tác động trên Wall Street của một vài thông tin.

    Khi Marquez gia nhập quỹ, Soros nói rõ là ông không được nói chuyện với báo chí. Marquez nói: “Lần cuối cùng tôi lên báo là ngày tôi đến làm việc cho George Soros, ngày 1 tháng Giêng 1983.” Tuy nhiên, Marquez là một người có tính tình hòa nhã, rõ ràng là thích nói chuyện với các nhà báo mặc dù bị Soros cấm. Đối với Marquez, cần phải giãi bày một số vấn đề trước công chúng.

    Nhưng ông nói rõ với các nhà báo là những lời bình luận của ông chỉ được đăng tải để làm nền cho bài báo mà thôi. “Tôi nói với các phóng viên: “Tôi nói cho các anh nghe những gì tôi biết, hay tôi tưởng là tôi biết, nhưng nhất định không được kể là tôi nói.’”

    Không được trích lời của cả ông và Quỹ Quantum. Đó là các nguyên tắc của ông.

    Soros có lẽ biết là Marquez có nói chuyện với các phóng viên nhưng ông không bao giờ nhờ Marquez tiết lộ một thông tin nào cả. Đôi khi Marquez tin chắc là Soros biết ông là nguồn của một câu chuyện nào đó. “Ông có một cách để biết là tôi đứng đằng sau một chuyện gì đó. Ông hay nói: “Chao ôi, bài này cứ như thể là chính anh viết ra.” Có hôm tôi lên tiếng ủng hộ điều gì trước mặt ông và sau đó nó xuất hiện trên báo.”

    Khi Allan Raphael vào làm với Soros năm 1984, ông được lệnh là không bao giờ nói chuyện với báo chí. Và ông tuân lệnh. “Chúng tôi được người ta quen gọi là Quỹ Soros bí mật, và theo tôi đó là cách làm đúng đắn. Chúng tôi thường lấy những vị thế khá lớn, và điều cuối cùng mà anh muốn là thiên hạ biết được những gì anh đang làm.”

    Tại sao vậy?
    “Bởi vì người ta hay chạy trước anh. Nếu anh quản lý một quỹ có tính toàn cầu và người ta muốn biết anh làm gì, thì anh không nên cho họ dễ dàng theo dõi anh vì nếu anh muốn mua cái gì, và ai ai cũng biết chuyện này thì họ sẽ mua trước anh; lúc ấy anh sẽ bị lôi thôi.”

    Hơn nữa, khách hàng của Soros đều ở ngoài nước Mỹ và “rất bí mật,” theo lời Raphael. “Họ chỉ không muốn tên họ đăng trên báo mà thôi.”

    Và như vậy trong khoảng đầu và giữa thập niên 1980, chính sách báo chí của Soros là không có chính sách gì cả. Tổ chức của ông không có phát ngôn viên và cũng không ra thông cáo báo chí. Raphael nói: “Chúng tôi muốn đến và đi một cách lặng lẽ.”
    Chỉ có một ngoại lệ quan trọng là vào tháng chín 1987, khi Soros được tờ Fortune phỏng vấn trong một bài báo trên trang bìa có tiêu đề “Chứng khoán có cao lắm không?” Soros dự đoán rằng thị trường chứng khoán Mỹ sẽ không bị thụt lùi. Nhưng thị trường Nhật sẽ bị. Sau đấy ít lâu, Wall Street sụp đổ. Raphael nói: “Cứ như là lên trang bìa báo thể thao Sports Illustrated. Đội của anh có nhiều hy vọng đoạt Cúp Vô địch thế giới thế rồi bị loại ngay từ đầu. Chúng tôi hay đùa, nói là lên trang bìa là gặp điều rủi."

    • • •

    Để thực hiện một số mục tiêu khác, nhất là cổ vũ cho những xã hội mở ở Đông Âu và các nơi khác, Soros không thể giữ hoàn toàn bí mật. Ông cần sự kính trọng, ông muốn những người hay nhạo báng đánh giá ông là một nhà tư tưởng nghiêm túc. Ông hiểu rằng các hoạt động từ thiện của ông ở Đông Âu sẽ có lợi nếu ông trở thành một nhân vật của công chúng và nói lên những điều hay cho chúng. Như thử là ông đang kéo co với chính mình.

    Một bên, bên đầu tư, thì kéo về phía bí mật; bên kia, bên từ thiện thì kéo về phía cởi mở. Sự giằng co này được minh họa rõ nhất khi ông nhận xét rằng “có một điểm mà bắt đầu từ đó tự bộc lộ mình sẽ có hại, và một điểm yếu trong tính tình của tôi mà tôi chưa hình dung được hết là sự thôi thúc bắt tôi phải tự bộc lộ mình."

    Thuyết phản hồi của ông đã đưa ông lên đến chín tầng mây trong đầu tư và bây giờ, vào năm 1987, ông sẵn sàng để cho công chúng biết rõ ông hơn. Ông đã sử dụng phương tiện hùng mạnh nhất của mình, trí óc, hài lòng với các kết quả và bây giờ tin chắc rằng đã đến lúc tìm phải cho mình một chỗ đứng trong thế giới của tư tưởng.
    Chỗ đứng ấy, trong quá khứ, ông không chiếm được. Nhưng bây giờ ông có thể đạt được không? Từ lâu, ông đã muốn xuất bản một cuốn sách gọi là có đóng góp cho tri thức nhân loại, nhưng ông biết là phải giãi bày những ý tưởng của mình một cách mạch lạc hơn cho công chúng. Có lần ông nói: “Người ta không hiểu được các ý tưởng của tôi, vì tôi không có tài giải thích chúng và vì chúng cũng phức tạp nữa.”

    Trong khi xuất bản một cuốn sách về triết học chỉ là một giấc mơ xa vời thì ông tin rằng ông có thể viết một cuốn sách để giải thích các lý thuyết tài chính của mình. Tuy nhiên, ông cũng do dự trước khi quyết định, sợ rằng giải thích các lý thuyết tài chính của mình cho công chúng đánh giá thì có vẻ là khoe khoang. Nếu sau khi cuốn sách ra đời ông bị thất bại trên thị trường tài chính thì sẽ ra sao? Công chúng sẽ nói như thế nào? Họ sẽ nghĩ gì về các lý thuyết tài chính của ông?

    Bất kể thế nào ông cũng quyết định nhảy ào xuống nước.

    Bản thảo của cuốn sách sau này xuất bản dưới tên Giả kim thuật Tài chính cơ bản đã có từ những bài viết trước đây nhưng chưa được đăng. Bây giờ ông chỉ biên soạn lại những bài viết chưa được công bố để xuất bản. Từ năm 1969, ông đã cho các đồng nghiệp đọc nhiêu chương của cuốn Giả kim thuật Tài chính tương lai. Vài người đã chịu khó đọc và không nói gì với ông cả. Vài người khác nhận xét là đọc khó hiểu. Một số đưa ra những gợi ý cụ thể. Họ hiểu rằng Soros muốn được người ta khen quyển sách của mình chứ không phải bị chê.

    Một người đã đọc phiên bản đầu tiên của cuốn sách - thật ra là những tờ rời trong một bản thảo có đóng gáy - là Jim Marquez, “Ông đưa cho tôi đọc một số tờ ghi chép ấy, tôi thấy nó nặng nề quá, thật quá nặng nề. Nó là một liều thuốc ngủ rất công hiệu cho khá nhiều người.” James Grant, tổng biên tập của tờ Grant’s Interest Rate Observer ở New York, một trong những bộ óc sắc sảo nhất của Wall Street, không đánh giá cuốn Giả kim thuật cao lắm: “Tôi cố gắng đọc [cuốn sách] nhưng đọc xong thì trắng tay, hay tôi chắc là đầu trống rỗng. Tôi không cho nó là một bản thuyết trình đặc biệt rõ ràng."

    Một người khác cũng được đọc trước các chương của cuốn sách là Allan Raphael. “Cuốn sách này dành cho các sinh viên cao học chứ không phải cho quần chúng đọc. Chúng tôi phải đọc bản thảo của tất cả các chương mà ông đã viết. Thú thật, tôi không cảm thấy phấn khởi cho lắm. Về phía người đọc thì đây không phải là bí quyết kiếm ra hàng triệu triệu đôla trong 10 ngày. Đây cũng không phải là quyển nhật ký ghi lại những gì ông đã làm. Ông cứ nhảy tới nhảy lui liên tục. Ông không cho ai biên tập và theo tôi đây là một sai lầm,” Nhà xuất bản Simon & Schuster muốn đề nghị một biên tập viên chuyên nghiệp để đọc lại cuốn sách, nhưng theo Raphael thì Soros từ chối.

    Không phải hoàn toàn đúng khi nói rằng bản thảo thiếu người biên tập. Byron Wien, bạn lâu năm của Soros và là nhà chiến lược đầu tư Mỹ của Morgan Stanley, đã biên tập khá nghiêm túc bản thảo. “Ông ấy viết nháp rồi tôi đưa ra những gợi ý cho ông ấy viết lại, sau đó tôi cũng biên tập khá nghiêm khắc... Vài người nói là nó vẫn rất khó đọc, tôi nói với họ: Anh phải xem nó trước kia như thế nào mới biết"

    Lúc đầu Soros muốn đặt tên sách là Hưng thịnh và Suy sụp (Boom and Bust). Nhưng Byron Wien khuyên ông không nên. “Nó thật quá tầm thường. Nó làm giảm giá trị cho tất cả những gì viết trong sách.”

    • • •

    Soros không muốn các độc giả hiểu lầm mục đích của cuốn sách. Ông không muốn cho ra đời thêm một quyển sách nữa dạy cách làm giàu ở Wall Street. Độc giả có thể tìm ra những lời khuyên về đầu tư trên từng trang sách. Nhưng ông không có ý định giúp người ta làm giàu, ông chỉ viết với một mục đích độc nhất: giải thích cho độc giả biết vì sao các lý thuyết tài chính của ông lại là một bộ phận của một khối rộng lớn hơn của các lý thuyết tổng quát về cách hoạt động của thế giới, ông viết rằng ông sử dụng “những kinh nghiệm [của mình] trong các thị trường tài chính để xây dựng một cách tiếp cận trong nghiên cứu các quá trình lịch sử nói chung và lịch sử hiện nay nói riêng.”

    Muốn được người ta xem là nghiêm túc, muốn công chúng quan tâm đến các ý tưởng của mình, Soros phải làm cho người ta hiểu mình, ông phải trình bày các lý thuyết của ông sao cho người khác hiểu được mà không gặp khó khăn, ông cũng phải giải thích rõ cách ông áp dụng lý thuyết của mình khi lấy các quyết định đầu tư như thế nào.

    Nếu làm được như thế, ông sẽ mở được một cánh cửa sổ cho người ta nhìn vào tâm trí mình và sự kính phục mà ông mong muốn có thể theo sau. Nếu không làm được, ông chỉ làm cho người ta rối trí và không tránh được việc làm cho phần lớn hay tất cả những ai mong muốn học hỏi phải bỏ đi.
    Khi cuối cùng, sách được in ra, nó được xem là nghiêm túc, đặc biệt bởi những nhà phê bình sách, nhưng không giúp được gì cho Soros để có được sự kính nể lớn lao trong cộng đồng tài chính.

    Lý do thật đơn giản. Soros không giải thích rõ cho họ là các thuyết tài chính của ông là gì. Ông làm cho người ta hoang mang bằng những cách mà có lẽ chính ông không thấy được. Đối với những ai cất công đọc hết, cuốn sách thật nặng nề, thật khó đọc.
    Soros thật sự tin rằng, dù sự nhạy cảm kỳ lạ trong ngành tài chính của ông ngày càng được công chúng để ý, ông vẫn có thể núp mình trong bóng tối. Ông thật sự tin rằng sự ra đời của cuốn Giả kim thuật làm cho danh tiếng của ông càng thêm vững chắc mà không đẩy ông ra quá xa trước ánh đèn của công chúng.

    Ông sắp sửa thấy mình đã quá ngộ nhận.
    Khi Giả kim thuật Tài chính được xuất bản năm 1987, Soros hy vọng là giới tài chính và cả người ngoài sẽ cư xử với ông với lòng kính trọng mà ông thấy ông đáng được hưởng như một nhà trí thức, ông không nhận thấy là giới truyền thông khá dửng dưng với những ý tưởng chứa trong cuốn sách. Khi Soros nhận ra rằng các lý thuyết của mình không được quan tâm bằng các vị thế đầu tư của mình, thì kinh nghiệm này làm cho ông bực bội.

    Khi nhà xuất bản Simon & Schuster bàn với ông chuyện quảng bá cho cuốn sách, ông chắc là mình sẽ cùng giới truyền thông đi vào một cuộc thảo luận để làm sáng tỏ các ý tưởng. Thay vào đó, khi ông gặp giới truyền thông để thảo luận về cuốn sách, ông bị người ta hôi những câu hỏi mà ông cố tránh trong suốt cuộc đời doanh nghiệp của mình.

    Một lãnh đạo của nhà xuất bản nói với ông: “Ông phải đi làm quảng cáo cho cuốn sách.”

    Soros nói một cách miễn cưỡng: “Chắc là vậy. Vậy tôi phải làm gì?”

    Người phụ trách quảng cáo giải thích là ông phải có những cuộc phỏng vấn với Fortune, New York Times và các báo khác. Chúng tôi sẽ chuẩn bị cho ông.
    Soros tự an ủi rằng các cuộc phỏng vấn sẽ tập trung vào quyển sách của ông. Thật là một sự suy đoán ngây thơ, và vài cộng tác viên của ông muốn kéo ông lại: Không, họ không muốn nói về cuốn sách đâu. Họ muốn tìm ra gần đây ông mua những gì. Họ chỉ hỏi có thế thồi, họ chỉ cần biết có thế thôi.

    Chiều ngày thứ sáu, Soros đang họp với các nhà quản lý quỹ và bất thình lình ông báo là ông phải ra ga đi Washington. Ông tuyên bố có vẻ hãnh diện: “Tôi tham gia vào chương trình Tuần lễ Wall Street. Họ sẽ thảo luận về cuốn sách của tôi."

    Allan Raphael, một nhà quản lý quỹ có mặt trong buổi họp, biết là Soros không bao giờ xem truyền hình. Ông cố gắng giúp đỡ.

    “Thế anh có biết chương trình ấy nói về gì không?”

    “Tôi biết, họ muốn thảo luận về cuốn sách của tôi,” Soros nói có vẻ quả quyết. Tuy vậy, Raphael vẫn cứ tiếp tục.

    “George, họ không muốn thảo luận về cuốn sách của anh đâu. Họ muốn biết là anh đang mua gì, cổ phiếu nào anh ưa thích. Họ sẽ hỏi anh nhiều thứ mà anh không muốn trả lời đâu.”

    “Không,” lần này giọng nói của Soros có vẻ ít quả quyết hơn. “Họ sẽ thảo luận về cuốn sách.”

    Chiều hôm ấy, Soros xuất hiện trong chương trình truyền hình. Như đinh đóng vào cột, sau hai phút nói chuyện vui đùa, câu hỏi được đặt ra cho ông.

    “Cổ phiếu nào ông ưa thích nhất?”

    Tuy nhiên, Soros cũng có chuẩn bị.

    “Tôi sẽ không nói đâu.” Và ông không nói.

    Dù sao thì cuộc gặp gỡ này cũng là buổi đầu tiên ông bước vào thế giới của đời sống công luận, và ông không hoàn toàn thoải mái với nó.

    Nhưng Soros lại có một bất ngờ khác. Donald Katz muốn phỏng vấn Soros cho tờ Esquire. Nhưng rất khó tìm Soros. Nhà văn Katz có vẻ hết hy vọng cho đến khi ông biết được là Soros đã viết một cuốn sách mà về sau ông mô tả là “một cuốn sách khá rườm rà để có thể đọc dễ dàng nhưng có chỗ cũng xuất sắc và hấp dẫn."

    Katz viết cho nhà đầu tư một bức thư dài để xin phỏng vấn. Ông hóm hỉnh nói với Soros, ai lại có thể từ chối cuộc gặp với một người nói rằng đã đọc cuốn sách của ông? Vài ngày sau, Soros chịu gặp Katz chỉ 10 phút. Rõ ràng là ông không tin rằng Katz đã đọc Giả kim thuật Tài chính.

    Katz đến văn phòng Quỹ Soros và được mời vào một phòng đợi chất đầy những sách có tiêu đề như Cách đánh giá định lượng rủi ro trong các quy địnhKinh tế Chính trị của Chủ nghĩa Xã hội: Một quan điểm Mác xít. Ông cũng thấy có một cuốn sách chữ Hán và một tác phẩm viết về một họa sĩ. Rồi Soros đi vào, mặc một bộ đồ màu xám rất sang, vẻ mặt tươi cười, ông mời Katz vào căn phòng làm việc rộng mênh mông của mình.

    Rồi Soros tung ra câu hỏi. Nó có vẻ là một lời phát biểu nhiều hơn, hơi nhuốm màu diễu cợt và hoài nghi. “Vậy là anh nói anh đã thật sự đọc cuốn sách của tôi.” Katz nói là đã đọc nhưng thấy Soros có vẻ không tin. “Thế anh có hiểu gì không?”

    Không biết Katz trả lời thế nào - ông ta không cho biết - nhưng nó thuyết phục được Soros là cuộc nói chuyện với nhà văn đáng được kéo dài. Soros muốn nhấn mạnh cùng một điểm mà ông đã hy vọng làm được hôm tham gia cuộc nói chuyện trên truyền hình ở Washington - rằng ông chỉ quan tâm đến triết học, chứ không phải kiếm tiền.

    Ông giải thích cho Katz, “Mối quan tâm của tôi thật rõ rệt. Tôi chỉ chú ý đến lý thuyết mà thôi. Các thành công của tôi trên thị trường cho tôi một chỗ đứng để người ta đánh giá tôi là nghiêm túc. Tôi chẳng cần có thêm khách hàng nữa đâu.”

    Rồi trên môi Soros nở một nụ cười. “Và tôi chắc chắn là không muốn làm giàu nhờ quyển sách này đâu.”