30. (Tập 2)vancuon7975(xong)WIKI

15/11/15
30. (Tập 2)vancuon7975(xong)WIKI
  • Link PDF

    Link Google Docs

    Link Word Online


    Ngày hôm nay, ta làm một công việc bắt buộc, anh nghĩ bụng khi trở về buồng và với một nỗi tức giận đã từ lâu anh không có nữa: mong rằng bức thư thứ hai sẽ buồn chán cũng bằng bức thứ nhất.

    Nó còn buồn chán hơn nữa. Những cái mà anh chép, anh thấy nó vô nghĩa lý quá, đến nỗi anh cứ sao hết dòng nọ đến dòng kia, mà không nghĩ gì đến ý nghĩa.

    Lại còn kiểu sức hơn, anh nghĩ bụng, những công văn của hòa ước Munxtor*, mà ông thầy dạy sách lược của ta bắt ta chép lại ở Luân Đôn.

    Bấy giờ anh mới chợt nhớ đến những bức thư của bà đơ Fervac mà anh đã quên không trả lại nguyên bản cho người Tây Ban Nha nghiêm trầm Đông Điêgô Buyxtôx. Anh tìm những bức thư đó; quả thực là nó cũng tối tăm khó hiểu gần bằng những bức thư của vị lãnh chúa Nga trẻ tuổi. Sự lờ mờ thật là trọn vẹn. Hình như có đủ các nghĩa và chẳng có nghĩa gì. Đó là cây phong huyền cầm, của phép hành văn, Juyliêng nghĩ. Giữa những tư tưởng cao siêu nhất về cái hư không, về cái chết, về cái vô cùng v.v..., ta chỉ trông thấy thục sự có mỗi một nỗi sợ ghê gớm bị lố bịch tức cười.

    Câu độc thoại mà chúng tôi vừa tóm tắt trên đây, được lặp đi lặp lại trong mười lăm ngày liền. Thiu thiu ngủ trong khi sao chép một thứ bình luận về thiên Mặc thị*, ngày hôm sau đi đưa một bức thư với một vẻ u sầu, dắt ngựa trở về chuồng với hy vọng được thoáng trông thấy tà áo dài của Matinđơ, làm việc, buổi tối xuất hiện ở rạp Ôpêra khi nào bà đơ Fervac không đến dinh đơ La Môlơ, đó là tất cả những sự việc đơn điệu của. đời sống Juyliêng. Đời sống đó có hứng thú hơn, khi nào bà đơ Fervac đến nhà bà hầu tước; khi đó, anh có thể hé trông thấy đôi mắt của Matinđơ dưới một vạt mũ của bà thống chế, và anh ăn nói hoạt bát. Những câu dí dỏm và tình tứ của anh bắt đầu có một văn thế vừa nổi lại vừa ưu nhã hơn trước.

    Anh cảm thấy rõ là những điều anh nói đều vô nghĩa lý đối với mắt Matinđơ, nhưng anh muốn làm cô phải chú ý vì cách phát âm ưu nhã. Những điều ta nói chẳng sai ngoa, chắc hẳn ta lại càng làm cho nàng được vừa lòng, Juyliêng nghĩ bụng: và thế là, với một sự táo bạo ghê gớm, anh làm ngoa ngoắt thêm một vài dáng vẻ của thiên nhiên. Anh nhận thấy rất nhanh chóng rằng, muốn không ra vẻ tầm thường trong con mắt của bà thống chế thì cần nhất là phải tránh nhũng ý nghĩ đơn giản và hợp lý. Anh cứ tiếp tục như vậy, hoặc rút ngắn những sự khoa đại của anh tùy theo anh thấy sự hoan nghênh hay sự lãnh đạm trong con mắt của hai vị nương tử đại quý mà anh cần phải lấy lòng.

    Nói tổng cộng lại, đời sống của anh đỡ khủng khiếp hơn là khi ngày nọ qua ngày kia anh nhàn cư bất động.

    Thế là bây giờ, một buổi tối anh tự nhủ, ta đã sao chép đến bài thứ mười lăm trong những bài đại luận gớm ghiếc kia; mười bốn bài đầu đã được trao đúng răm rắp cho gã canh cổng nhà bà thống chế. Ta sắp được vinh dự làm đầy chật tất cả các ngăn bàn giấy của bà ta. Vậy mà bà đối đãi với ta vẫn đúng như là ta chẳng hề viết lách gì! Tất cả chuyện này rồi kết cục ra sao nhỉ? Sự kiên trì của ta rồi có sẽ làm cho bà ta phát chán cũng như ta không? Phải công nhận rằng cái anh chàng người Nga nọ, bạn của Kôraxôp và si mê cô nữ tu sĩ ánh đẹp của giáo phái Quây-cơ ở Ritsmon, lúc đương thời quả là một con người dễ sợ; làm người ta phát chán đến thế là cùng.

    Cũng giống như tất cả những kẻ tầm thường mà tình cờ được xem những cuộc bài binh bố trận của một vị danh tướng, Juyliêng chả hiểu tí gì về cuộc tấn công của anh chàng thanh niên người Nga vào trái tim vị giai nhân người Anh. Bốn chục bức thư đầu chỉ là để xin tha thứ cái lỗi dám táo bạo viết thư. cần phải làm cho con người dịu dàng kia, có lẽ đương buồn chán vô cùng, tập nhiễm thói quen chấp nhận những bức thư, có lẽ đỡ nhạt nhẽo hơn một chút so với đời sống hàng ngày của nàng.

    Một buổi sáng, người ta đưa cho Juyliêng một phong thư; anh nhận ra huy hiệu của bà đơ Fervac, và bóc thư với một vẻ vội vàng hăm hở, giá là mấy hôm trước đây thì có lẽ không thể có được: thì ra chỉ là một thiếp mời dự tiệc.

    Anh vội tìm đến cẩm nang của hoàng thân Kôraxôp. Khốn thay anh chàng người Nga lại muốn bay bướm như Đora* ở chỗ đáng lẽ phải giản dị và dễ hiểu; Juyliêng không sao đoán trước được vị thế tinh thần của mình trong bữa tiệc sắp tới ở nhà bà thống chế.

    Phòng khách huy hoàng cực độ, chói lọi vàng son cũng như hành lang Đian ở điện Tuylơri với những tranh sơn dầu trên những tấm gỗ lát vách. Trong những bức tranh đó, có những vết nhạt màu. Sau này, Juyliêng được biết rằng các đề tài bị bà chủ nhà thấy có vẻ khiếm nhã, nên bà đã cho sửa lại các bức tranh đó. Thời đại đạo đức! anh nghĩ thầm.

    Trong phong khách này, anh nhận thấy có ba nhân vật đã dự cuộc khởi thảo bức mật thư. Một trong ba nhân vật đó, đức giám mục địa phận ***, chú của bà thống chế, có phiếu bổ nhiệm các giáo chức ăn lộc, và nghe nói, không nỡ từ chối cháu gái một điều gì xưa nay. Ta đã tiến được một bước dài vô cùng, Juyliêng nghĩ thầm và mỉm cười buồn bã, nhưng ta cũng thờ ơ với nó vô cùng! Thế là bây giờ ta được dự tiệc cùng bàn với đức giám mục trứ danh địa phận***.

    Bữa ăn tầm thường và cuộc chuyện trò thật sốt ruột. Đó là mục lục của một quyển sách tồi, Juyliêng nghĩ. Tất cả các chủ đề lớn nhất của tư tưởng loài người đều được đề cập ở đó một cách hãnh diện. Lắng nghe được ba phút, người ta phải tự hỏi cái nào hơn cái nào, giữa cái giọng khoa trương của người nói và cái dốt ghê gớm của y.

    Bạn đọc chắc hẳn đã quên cái anh văn sĩ bé con, tên là Tăngbô, cháu ông học sĩ và giáo sư tương lai, anh ta có vẻ như được phụ trách đầu độc phòng khách của dinh đơ La Môlơ, bằng những vu cáo hèn hạ.

    Chính do anh chàng nhãi nhép đó mà Juyliêng nảy ra ý nghĩ thứ nhất, rằng rất có thế bà đơ Fervac, tuy không trả lời các bức thư của anh, nhưng có lòng khoan dung với mối tình cảm đã xui viết nên những bức thư đó. Tâm hồn đen tối của Tăngbô bị vò xé khi nghĩ đến những thành công của Juyliêng; nhưng một mặt khác, vì lẽ một người có tài đức, cũng như một thằng ngu, không thể nào cùng một lúc ở được hai nơi, nếu Xôren trở thành tình nhân của bà thống chế cao siêu, anh chàng giáo sư tương lai tự nhủ, thì bà sẽ kiếm cho hắn một chức vị béo bở trong Giáo hội, và ta sẽ giũ thoát được hắn ở dinh đơ La Môlơ.

    Linh mục Pira cũng lên lớp Juyliêng hàng tràng dài về những thành công của anh ở dinh đơ Fervac. Có sự ghen ghét phe phái giữa nhà Jăngxênit và phòng khách Jêduyt, tái tạo và quần chủ của bà thống chế đức hạnh.

    CHƯƠNG XXVIII

    MANÔNG LEXCÔ

    Thế là, một khi anh ta tin chắc là ông tu viện trưởng ngu dại và xuẩn ngốc, thì thường thường anh ta thành công bằng cách gọi cái trắng là đen và cái đen là trắng.

    LICHTEMBERG*

    Những lời dặn dò của anh chàng người Nga cấm ngặt không bao giờ được cất lời nói trái với ý kiến của người mà mình gửi thư. Không được đi sai trệch, bất cứ vì một lý do gì, cái vai trò cảm thán hết sức mê mẩn; các bức thư bao giờ cũng xuất phát từ điều giả thiết đó.

    Một buổi tối, ở rạp Ôpêra, trong biệt phòng của bà đơ Fervac, Juyliêng cục lực tán dươmg vũ khúc Manông Lexcô*. Lý do duy nhất để anh phát biểu như vậy, chỉ là vì anh thấy nó vô vị.

    Bà thống chế nói rằng vũ khúc đó thật còn kém xa cuốn tiểu thuyết của linh mục Prêvô.

    Ừa! Juyliêng nghĩ bụng lấy làm ngạc nhiên và thú vị, một con người đức hạnh cao cả đến như thế mà đi ca tụng một cuốn tiểu thuyết! Bà đơ Fervac xưa nay vẫn biểu lộ, mỗi tuần lễ vài ba lần, lòng khinh bỉ hết nước đối với những nhà văn dùng những tác phẩm tồi tàn đó để làm hư hỏng một thế hệ thanh niên, than ôi! vốn rất sẵn sàng để bị thác loạn vì dục tình.

    Trong cái thể loại thương luân bại lý và nguy hiểm đó, thì Manông Lexcô, bà thống chế nói tiếp, nghe đâu chiếm một vị trí hàng đầu. Những sa ngã và những nỗi bi ai xứng đáng với một trái tim rất có tội, nghe đâu được mô tả trong đó với một vẻ chân thực có phần sâu sắc; điều đó không ngăn cản Bônapactơ của ông phát biểu ở Sanhtơ-Hêlen rằng đó là một cuốn tiểu thuyết viết cho bọn tội đồ.

    Lời nói đó làm cho tâm hồn Juyliêng trở lại mười phần linh hoạt. Người ta đã lợi dụng làm hại ta bên cạnh bà thống chế đây; người ta đã nói với bà mối nhiệt tình của ta đối với Napôlêông. Sự việc đó đã làm cho bà tức giận đến nỗi bà không nén nổi cái ý muốn làm cho ta cảm thấy sự tức giận đó. Điều phát hiện này làm cho anh thú vị suốt buổi tối và khiến anh trở thành thú vị. Khi anh cáo biệt bà thống chế dưới hành lang rạp Ôpêra: "Ông ạ, bà nói với anh, ông nên nhớ rằng khi yêu tôi thì không được yêu Bônapactơ; cùng lắm, chỉ có thể nhận ông ta như một chuyện số kiếp do Trời bắt ta phải chịu đựng thôi. Với lại, con người đó không có một tâm hồn khá mềm dẻo để thưởng thức những kiệt tác của nghệ thuật".

    Khi yêu tôi! Juyliêng tự nhắc thầm; câu đó chả có ý nghĩa gì, hay là có tất cả mọi ý nghĩa. Đây thật là những bí quyết về ngôn ngữ mà bà con. tỉnh lẻ tội nghiệp của chúng ta không có. Và anh nghĩ rất nhiều đến bà đơ Rênan, trong khi chép một bức thư đại cà sa để gửi cho bà thống chế.

    - Thế nào mà, ngày hôm sau bà nói với anh với một vẻ thản nhiên mà anh thấy là đóng kịch vụng về, ông lại nói với tôi những Luân Đôn với Ritsmon trong bức thư ông mới viết tối hôm nay, khi ở Ôpêra ra về thì phải?

    Juyliêng rất lúng túng; thì ra anh đã sao chép hết dòng ấy đến dòng khác, không để ý gì đến những cái anh viết, và rõ ràng là anh đã quên không thay những tiếng Luân Đôn và Ritsmon trong nguyên văn, bằng Pari và Xanh-Clu. Anh mở đầu vài ba câu, nhưng không tài nào nói hết câu được; anh tự cảm thấy chỉ chực bật lên cười sặc sụa. Mãi sau, tìm lời lựa tiếng, anh đạt được cái ý này: Bị phấn khích bởi cuộc thảo luận về những lợi ích cao siêu nhất, to tát nhất của tâm hồn con người, có lẽ tâm hồn tôi, khi viết thư cho bà đã bị một chút lỡ đãng chăng.

    Ta gây được một ấn tượng, anh tự nhủ, vậy ta có thể tránh được nỗi buồn chán từ lúc này cho đến hết buổi, ở dinh đơ Fervac ra về, anh đi vội vàng như chạy. Buổi tối, khi xem lại nguyên bản bức thư chép hôm qua, anh đi mau đến quãng tai hại mà anh chàng người Nga nói đến Luân Đôn và Ritsmon. Juyliêng rất ngạc nhiên thấy bức thư đó có giọng gần như thắm thiết.

    Chính Sự tương phản giữa vẻ ngoài phù phiếm của những lời nói chuyện của anh, với sự sâu sắc cao siêu và gần như bí hiểm của những bức thư của anh, đã làm anh nổi bật. Nhất là bà thống chế lấy làm thích những câu văn dài lê thê của anh; nó không phải là cái thứ văn nhí nhắt mà Vonte, con người rất vô đạo kia! đã làm cho thịnh hành. Mặc dầu anh chàng của chúng ta làm đủ mọi cách để loại trừ tất cả cái gì là có ý nghĩa trong câu chuyện trò của anh, nhưng nó vẫn còn một màu sắc phản quân chủ và phản tôn giáo không lọt khỏi mắt bà đơ Fervac. Chung quanh bà toàn là những nhân vật cực kỳ đạo đức, nhưng thường khi cả một buổi tối không có được một ý kiến nào*, cho nên hễ có cái gì giống như một điều mới mẻ, là bà phu nhân này hết sức chú ý ngay; nhưng đồng thời bà cho rằng bổn phận của bà đối với mình, là phải lấy điều đó làm bất bình. Bà gọi cái khuyết điểm ấy, là mang dấu vết phù phiếm của thời đại...

    Những loại phòng khách như thế, chỉ khi nào người ta có chuyện phải khẩn cầu thì mới nên đến. Tất cả sự buồn chán của đời sống không hứng thú đó của Juyliêng, chắc hẳn bạn đọc cũng chia sẻ. Đó là những cánh đồng hoang trong cuộc du hành của chúng ta.

    Trong suốt thơi gian bị chiếm đoạt trong đời sống của Juyliêng bởi giai đoạn Fervac, cô đơ La Môlơ cần phải trông ở chính mình để đừng nghĩ đến anh nữa. Tâm hồn cô bị giày vò bởi những cuộc đấu tranh mãnh liệt; đôi khi cô tự hào là khinh bỉ anh chàng thanh niên rất buồn đó; nhưng mặc dầu không muốn, cô vẫn thích nghe chuyện trò của anh. Điều làm cô ngạc nhiên nhất, là sự giả dối hoàn toàn của anh; anh không nói với bà thống chế một câu nào mà không phải là một lời man trá, hay ít ra là một sự che giấu rất khả ố những ý nghĩ của anh, mà Matinđơ biết rõ về hầu hết các chủ đề. Sự trí trá đó làm cô chú ý! Thật là thâm thúy! cô nghĩ bụng; thật là khác xa với những anh ngốc nghếch khoa trương hay những kẻ gian giảo tầm thường, như anh chàng Tăngbô, họ ăn nói cùng một giọng như nhau.

    Tuy vậy, Juyliêng có những ngày kinh khủng. Hằng ngày anh đến phòng khách của bà thống chế, là để làm trọn một cái bổn phận nặng nề hết sức. Những cố gắng của anh để đóng một vai trò, cuối cùng làm cho tâm hồn anh kiệt sức. Thường khi, ban đêm đi xuyên qua cáí sân mênh mông của dinh đơ Fervac, anh phải tận dụng khí phách và lý luận mới tự duy trì được ở trên sự thất vọng một tí.

    Ta đã thắng sự thất vọng ở chủng viện, anh nghĩ bụng: ấy là hồi đó ta có một viễn tượng kinh khủng biết bao! ta làm nên sự nghiệp hay ta thất bại, đằng nào ta cũng thấy mình bắt buộc phải sống suốt cả cuộc đời làm bạn mật thiết với những kẻ đáng khinh bỉ nhất và ghê tởm nhất dưới gầm trời. Mùa xuân sau, chỉ vẻn vẹn có mười một tháng sau thôi, ta là người có lẽ sung sướng nhất trong lứa thanh niên cùng tuổi với ta.

    Nhưng rất nhiều khi tất cả những lý luận tốt đẹp đó không có hiệu lực gì đối với thực tế kinh khủng. Mỗi ngày, anh gặp mặt Matinđơ ở bữa ăn sáng và bữa ăn chiều. Theo những bức thư nhiều vô kể mà ông đơ La Môlơ đọc cho anh viết, anh biết cô sắp lấy chàng đơ Croadơnoa đến nơi. Chàng thanh niên đáng yêu đó đã mỗi ngày hai lần đến dinh đơ La Môlơ rồi: không có một hành vi nào của chàng lọt khỏi con mắt ghen tuông của một gã tình nhân bị ruồng bỏ.
  • Chia sẻ trang này