35. (Tập 2)vancuong7975(xong)WIKI

19/11/15
35. (Tập 2)vancuong7975(xong)WIKI
  • Link PDF

    Link Google Docs

    Link Word Online


    CHƯƠNG XXXIV

    MỘT CON NGƯỜI CƠ TRÍ

    Ông tỉnh trưởng, nhẩn nha trên mình ngựa, bụng bảo dạ: Rồi đây, có lẽ nào ta lại không làm bộ trường, thứ trưởng, quận công? Đây này, ta sẽ đánh trận như thế này... Bằng cách này, ta sẽ tống lao những kẻ cách tân...

    LU GLÔBƠ

    Không có một lý luận nào phá nổi uy lực của mười năm mơ tưởng thú vị. Ông hầu tước cho rằng giận dữ là vô lý, nhưng ông không đành lòng tha thứ. Giá mà cái thằng Juyliêng kia có thể chết vì tai nạn, đôi khi ông nghĩ bụng... Trí tưởng tượng buồn bã của ông cứ theo đuổi những ảo vọng cực kỳ vô lý như vậy, và cũng được dịu bớt đôi phần. Những ảo vọng đó làm tê liệt ảnh hưởng của những lý luận sáng suốt của linh mục Pira. Một tháng trôi qua như vậy mà cuộc thương lượng không tiến được một bước nào.

    Trong cái công việc gia đình này, cũng như trong các việc chính trị, ông hầu tước có những phát kiến sắc sảo làm cho ông hứng khởi được ba ngày. Khi đó một kế
    hoạch xử sự không được vừa ý ông, chỉ vì nó được xây dựng trên những lý luận chặt chẽ, mà những lý luận chỉ được ông ưng ý khi nào nó ủng hộ cho kế hoạch ưa thích của ông. Trong ba ngày, ông cố gắng với tất cả sự hăng say và hứng khởi của một nhà thi sĩ, để đưa mọi sự việc đến một tình thế nào đó; rồi ngày hôm sau, ông không nghĩ gi đến chuyện đó nữa.

    Lúc đầu Juyliêng ngạc nhiên về những sự chậm chạp của ông hầu tước; nhưng sau vài tuần lễ, anh bắt đầu đoán được rằng ông đơ La Môlơ, trong công việc này, không có một kế hoạch nào dứt khoát.

    Bà đơ La Môlơ và tất cả nhà đều tưởng Juyliêng đi xuống tỉnh lẻ vì công việc quản trị những đất đai của ông; anh ẩn náu ở nhà xứ của linh mục Pira, và gặp gỡ Mantinđơ hầu như hằng ngày: sáng nào cô cũng đến với cha cô một tiếng đồng hồ, nhưng đối khi suốt tuần này sang tuần lễ khác, cả hai cha con đều không nói gì đến cái công việc nó chiếm tất cả tâm tư của họ.

    - Ta không muốn biết cái thằng ấy bây giờ ở đâu, một hôm ông hầu tước nói với cô; con hãy gửi cho nó bức thư này. Matinđơ đọc thấy:

    "Các đất đai ở Lănggođốc có lợi tức 20.600 quan. Tôi cho con gái tôi 10.600 quan, và cho ông Juyliêng Xôren 10.000 quan. Tôi cho cả đất, cố nhiên. Hãy bảo viên chưởng khế lập hai văn khế cho của riêng biệt, và bảo y ngày mai đem lại cho tôi; sau đó, giữa chúng ta sẽ cắt đứt quan hệ. Chà! tôi có ngờ đâu cơ sự thế này, hở ông?

    "Hầu tước đơ La Môlơ

    - Đa tạ ơn cha, Matinđơ vui vẻ nói. Chúng con sẽ an cư ở lâu đài Eguyông, giữa Agianh và Macmăngđơ*. Nghe nói miền đó phong cảnh đẹp chẳng kém gì nước Ý.

    Việc cho của đó làm Juyliêng hết sức ngạc nhiên. Anh không còn là con người nghiêm khắc và lạnh lùng mà chúng ta đã được biết. Vận mệnh đứa con đã thu hút trước tết cả tâm tư của anh. Món tài sản bất ngờ và khá lớn đối với anh vốn nghèo như thế, làm cho anh sinh lòng tham vọng. Anh đã trông thấy 36.000 livrơ lợi tức hàng năm, cho vợ hoặc cho mình, còn Matinđơ, thì tất cả mọi tâm tư của cô đều bị thu hút vào mối tình yêu quý chồng, vì lòng kiêu hãnh của cô vẫn gọi Juylỉêng như vậy. Tham vọng lớn và độc nhất của cô là làm thế nào cho cuộc hôn nhân của cô được thừa nhận. Cô chỉ ngày đêm tự khoa đại sự khôn ngoan tuyệt vời mà cô đã tỏ ra khi đem số kiếp của mình ràng buộc với số kiếp của con người ưu việt. Tài đức cá nhân là món ưa chuộng trong đầu óc cô.

    Sự vắng mặt hầu như thường xuyên, số công việc bề bộn, thì giờ ít ỏi để tự tình, đến hoàn thành cái hiệu quả tốt của sách lược khôn ngoan mà xưa kia Juyliêng đã có sáng kiến.

    Matinđơ đâm ra bồn chồn vì ít được giáp mặt con người mà cô đã thành ra yêu thực sự.

    Trong một lúc buồn bực cô viết cho cha, và mở đầu bức thư như Ôtellô*.

    "Con đã ưng Juyliêng hơn những sinh thú mà xã hội cung hiến cho con gái ông hầu tước đơ La Môlơ, sự lựa chọn của con chứng tỏ khá rõ điều đó. Những thích thú của danh vọng và hư vinh nhỏ nhặt, đối với con, chẳng có giá trị gì. Nay đã sắp được sáu tuần lễ con sống xa chồng. Như thế cũng đủ để tỏ với cha lòng kính trọng của con. Trước ngày thứ năm tới, con sẽ từ biệt mái nhà cha mẹ. Những ân huệ của cha đã làm cho chúng con được sung túc. Không ai biết chuyện riêng của con, ngoài ông linh mục Pira đáng tôn kính. Con sẽ đến nhà ông; ông sẽ làm phép cưới cho chúng con và một tiếng đồng hồ sau hôn lễ, chúng con sẽ lên đường đi Lănggơđôc, và chỉ khi nào được lệnh của cha, chúng con mới lại xuất hiện ở Pari. Nhưng cái điều làm cho con đau lòng đứt ruột, là tất cả chuyện này rồi sẽ thành câu chuyện kể châm chọc nhằm vào con, nhằm vào cha. Những lời châm biếm của một thứ công chúng ngu xuẩn có thể làm cho anh Norbe rất tốt của chúng ta bắt buộc phải sinh chuyện với Juyliêng chăng? Trong trường hợp đó, con đã biết tính chồng con, con sẽ chẳng khuyên can nổi anh. Chúng ta sẽ thấy trong tâm hồn anh cái khí phách của kẻ bình dân phẫn nộ. Con xin quỳ gối khẩn cầu cha, thưa cha! xin cha hãy đến dự hôn lễ của con, trong nhà thơ của ông Pira ngày thứ năm tới. Mũi nhọn châm biếm của chuyện kể sói móc sẽ nhụt đi, và tính mạng của con trai duy nhất của cha, tính mạng của chồng con sẽ được đảm bảo”, v.v... v.v...

    Tâm hồn ông hầu tước bị bức thư kia dồn vào một tình trạng bối rối lạ lùng. Thế là cuối cùng phải quyết một bề. Tất cả những thói quen lặt vặt, tất cẳ những bạn hữu tầm thường đã mất hết ảnh hưởng.

    Trong cái trường hợp phi thường này, những nét lớn của tính khí, được in sâu bởi những biến cố hồi thanh niên, lại phục hồi tất cả uy lực. Những gian khổ của bước lưu vong đã làm cho ông thành một con người có trí óc. Sau khi đã an hưởng trong hai năm trời một nền phú hậu vô biên và mọi vinh sủng của triều đình, năm 1790 đã ném ông vào những nỗi cơ cực khủng khiếp của bước lưu vong. Cái trường đào luyện gian khổ ấy đã biến đổi một tâm hồn hăm hai tuổi. Thực chất, ông đương ngự giữa những tài sản hiện tại của ông, nhiều hơn là bị ngợp vì nó. Nhưng cũng chính cái trí óc đã tránh cho tâm hồn ông khỏi bị cái ung độc của hoàng kim, nó đã xô ông tới chỗ bị giày vò bởi một dục vọng cuồng nhiệt muốn thấy con gái ông được vinh phong một tước hiệu huy hoàng.

    Trong sáu tuần lễ vừa trôi qua, có lúc bị thúc đẩy bởi một cơn cao hứng, ông hầu tước đã muốn làm cho Juyliêng giàu có, sự nghèo túng ông cho là đê tiện, là sỉ nhục đối với ông, ông đơ La Môlơ, là bất khả đối với người chồng của con gái ông, ông ném tiền đi. Ngày hôm sau, trí óc ông đổi chiều xoay hướng, ông tưởng chừng như Juyliêng sẽ hiểu cái ý nghĩa ngầm của cử chỉ hào phóng đó, thay tên đổi họ đi biệt xứ sang Mỹ, viết thư về cho Matinđơ rằng nên coi như anh đã chết. Ông đơ La Môlơ giả thiết như bức thư đó đã viết rồi, ông theo dõi hiệu lực của nó đối với tính khí của con gái ông...

    Cái hôm ông được kéo ra khỏi những mơ tưởng quá trẻ trung đó, bởi bức thư hiện thực của Matindơ, sau khi đã nghĩ rất lâu đến chuyện giết Juyliêng hoặc làm cho anh biến đi, ông lại mơ tưởng xây dựng cho anh một sản nghiệp lộng lẫy. Ông cho anh lấy danh hiệu của một trong những đất đai của ông; và tại sao ông lại không đưa anh vào nguyên lão nghị viện nhỉ? Quận công đơ Sônnơ nhạc phụ của ông, có nói với ông nhiều lần, từ khi con trai duy nhất của cụ bị tử trận ở Tây Ban Nha, về ý muốn truyền tước hiệu của cụ cho Norbe.

    Người ta không thể phủ nhận ở Juyliêng một năng khiếu đặc biệt về công việc, tính can đảm, có lẽ cả sự sắc sảo nữa, ông hầu tước tự nhủ... Nhưng trong thực chất của tính cách đó, ta thấy có một cái gì đáng khiếp sợ. Đấy là ấn tượng hắn gây cho tất cả mọi người, vậy tất phải có cái gì là có thực trong cái đó (điểm có thực đó càng khó nắm được, thì lại càng làm cho tâm hồn hay tưởng tượng của ông hầu tước khiếp sợ).

    Hôm nọ; con gái ta có nói với ta rất khéo (trong môt bức thư không dẫn trong sách này): "Juyliêng không hề gia nhập tổ chức của một phòng khách nào, của một phe cánh nào." Hắn không chuẩn bị sẵn một chỗ dựa nào để chống lại ta, không có lấy một phương kế cỏn con nào nếu ta bỏ rơi hắn... Nhưng đó có phải là hắn không hiểu biết tình trạng hiện nay của xã hội không?.. Ta đã bảo hắn đôi ba lần: Chỉ có sự đề bạt của các phòng khách là thiết thực và bổ ích...

    Không, hắn có cái tài khôn khéo và tinh ranh của một viên đại lý không bỏ mất một phút nào, một cơ hội thuận tiện nào... Đó không phải một tính cách kiểu Luy XI*. Một mặt khác, ta thấy hắn có những châm ngôn hết sức là phản hào hiệp... Ta không còn hiểu gì nữa... Hay là hắn tự nhắc nhở những châm ngôn đó, để làm con đê ngăn chặn bớt những dục vọng của hắn?

    Ngoài ra, có một điều nổi bật: hắn không chịu đựng nổi sự khinh bỉ, ta nắm được hắn ở chỗ đó.

    Hắn không tôn thờ dòng dõi cao sang, quả vậy, hắn không tôn kính chúng ta từ bản năng... Thế là sai; nhưng kể ra, thì tâm hồn một anh sinh đồ chủng viện đáng lẽ chỉ nên không chịu đựng nổi sự thiếu hưởng lạc và thiếu tiền thôi mới phải. Hắn thì khác hẳn, hắn không thể chịu đựng sự khinh bỉ, với bất cứ giá nào.

    Bị bức thư của con gái dồn ép, ông đơ La Môlơ thấy sự cần thiết phải quyết định dứt khoát: - Rốt cục, vấn đề lớn là thế này: Juyliêng có táo bạo đến mức mưu đồ tán tỉnh con gái ta, vì hắn biết rằng ta thương yêu con bé trước hết mọi thứ, và ta có mười vạn êquy tiền lợi tức hàng năm?

    Còn Matindơ thì đoan quyết là trái lại... Không, cậu Juyliêng của tôi ơi, đó là một điểm tôi không muốn để cho ai huyễn hoặc.

    Có tình yêu chân chính, bất ngờ không? hay chỉ là lòng mong muốn tầm thường được vươn lên một địa vị tốt đẹp? Matinđơ nó sáng suốt, nó cảm thấy ngay từ đầu rằng mối ngờ vực đó có thể là nguy hại cho thằng kia trong con mắt của ta, cho nên nó thú nhận: chính nó đã tự ý yêu thằng kia trước...

    Một đứa con gái tính khí cao ngạo đến thế có lẽ nào lại quên mình đến nỗi có những lối tỏ tình cụ thể!... Xiết chặt cánh tay của hắn ở ngoài vườn, một buổi tối, ghê gớm chưa! làm ra khổ nó không có sẵn trăm nghìn cách không đến nổi thô lỗ như thế, để tỏ cho hắn biết là nó có biệt nhõn với hắn.

    Xin thứ tội, là tự buộc tội; ta nghi con Matinđơ lắm... Ngày hôm đó, những lý luận của ông hầu tước dứt khoát hơn mọi khi. Tuy vậy thói quen vẫn thắng, ông quyết định tranh thủ thời gian và viết cho con gái. Vì họ vẫn viết thư cho nhau từ phía bên này sang phía bên kia của dinh thự. Ông đơ La Môlơ không dám thảo luận với Matinđơ và đương đầu với cô. Ông sợ phải chấm dứt mọi chuyện bằng một sự nhượng bộ đột ngột.

    THƯ

    "Con chớ nên làm thêm những trò điên rồ mới nữa; đây là một văn bằng trung úy khinh ky binh cho chàng hiệp sĩ Juyliêng Xôren đơ La Vecnê. Con thấy những việc ta làm cho hắn đấy. Đừng làm trái ý ta, đừng hỏi vặn ta. Hắn phải đi ngay trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ, đề tựu ngũ ở Xtrazbua, trung đoàn của hắn đóng ở đó. Đây là một ngân phiếu lĩnh ở ngân hàng của ta: hãy tuân lệnh ta".

    Tình yêu và nỗi vui sướng của Matinđơ không còn bờ bến nào nữa; cô muốn lợi dụng chiến thắng, và trả lời ngay lập tức:

    "Chàng đơ La Vecnê đáng lẽ đã quỳ xuống chân cha, say sưa vì lòng biết ơn, nếu chàng được biết tất cả những điều cha rủ lòng làm cho chàng. Nhưng, giữa sự hào hiệp đó, cha đã quên con; danh dự của con gái cha đương bị nguy khốn. Một sự tiết lộ có thể làm nên một vết ô nhục muôn đời, dù hai vạn êquy lợi tức hàng năm cũng không sao cứu vãn được. Con sẽ chỉ gửi tấm văn bằng cho chàng đơ La Vecnê nếu cha hứa với con rằng, nội trong tháng sau, hôn lễ của con sẽ được cử hành công khai, ở Vilơkiê.

    Ít lâu sau thời kỳ đó, mà con khẩn thiết xin cha chớ vượt qua; con gái của cha sẽ chỉ có thể ra mắt công chúng với danh nghĩa là bà đơ La Vecnê. Con cám ơn cha vô cùng, thưa cha yêu quý, đã cứu con thoát khỏi cái tên là Xôren", v,v...

    Lời phúc đáp thật bất ngờ.

    "Hãy vâng lệnh, kẻo ta thu hồi tất cả mọi quyết định. Hãy liệu thần hồn, hỡi con trẻ dại dột. Ta chưa biết rõ Juyliêng của con là thế nào, và chính con cũng còn biết ít hơn ta. Hắn hãy đi Xtrazbua ngay đi cho thẳng đường. Ta sẽ cho biết mọi quyết ý của ta trong vòng mười lăm ngày".

    Lời phúc đáp cương quyết như vậy làm cho Matinđơ ngạc nhiên. Ta không biết rõ Juyliêng; câu đó khiến cô mơ màng, và một lát sau đâm ra giả thiết những chuyện hết sức mê ly; nhưng cô lại lấy những chuyện đó làm sự thật. Đầu óc chàng Juyliêng của ta không hề khoác bộ áo đồng phục nhỏ bé ti tiện của các phòng khách và cha ta không tin ở sự ưu việt của chàng, chính vì những cái nó chứng tỏ sự ưu việt đó...

    Tuy vậy, nếu ta không tuân theo cái tính khí muốn ra vẻ cương quyết đó, thì ta thấy có thể xảy ra chuyện rầm rĩ công khai; một chuyện vỡ lở xảy ra sẽ hạ thấp uy thế của ta trong xã hội, và có thể làm cho Juyliêng thấy ta bớt đáng yêu hơn trước. Sau chuyện vỡ lở... là cảnh nghèo túng trong mười năm; và sự điên rồ đi kén chọn một người chồng vì tài đức, chỉ có thể thoát khỏi bị chê cười bằng một cảnh giàu có hết sức lộng lẫy. Nếu ta sống xa cha ta, tuổi tác. như vậy, ông cụ có thể quên ta...

    Norbe sẽ lấy một người vợ dễ thương, khéo léo: xưa kia, vua Luy XIV về già bị quyến rũ bởi bà quận công đơ Buôcgônhơ đấy thôi...

    Cô quyết ý vâng lời, nhưng tránh không đưa thư của cha cho Juyliêng xem; con người tính khí dữ dội đó rất có thể bị xô đẩy tới một hành động điên rồ.

    Buổi tối, khi cô cho Juyliêng biết tin anh được phong chức trung úy khinh ky binh, anh vui mừng vô hạn. Ta có thể hình dung nỗi vui mừng đó, theo cái tham vọng của suốt cuộc đời anh, và theo mối tình nồng nhiệt của anh bây giờ đối với đứa con của anh. Sự thay đổi danh hiệu làm anh rất ngạc nhiên.

    Dẫu sao anh nghĩ bụng, thì cuốn tiểu thuyết của ta cũng đã kết thúc, và tất cả đều do tài sức một mình ta. Ta đã khéo làm cho con người cực kỳ kiêu ngạo kia phải yêu ta, anh nghĩ thêm và nhìn Matinđơ; cha nàng không thể sống không có nàng, và nàng không thể sống không có ta.
  • Chia sẻ trang này