1.08. (Tập 1) - @vancuong7975 (soát xong) WIKI

6/11/15
1.08. (Tập 1) - @vancuong7975 (soát xong) WIKI
  • Link PDF
    Link Google Docs
    CHƯƠNG XVIII

    MỘT ÔNG VUA ĐẾN VERIE

    Chẳng lẽ các người chỉ đáng được vứt bỏ ở đây kia như một xác chết chúng dân, không còn linh hồn, và không còn giọt máu nào trong tĩnh mạch?

    DIỄN TỪ CỦA ĐỨC GIÁM MỤC ở tiểu giáo đường Thánh Clêmăng.

    Ngày mùng ba tháng chín, hồi mười giờ tối, một tên lính tuần cảnh phi ngựa lên dốc, đánh thức tất cả Verie dậy, hắn loan tin hoàng thượng vua nước*** chủ nhật này sẽ đến, mà hôm đó là thứ ba. Ông tỉnh trưởng cho phép, nghĩa là yêu cầu thành lập một đội nghi vệ, cần phải hết súc phô trương nghi trượng. Một viên dịch sứ được phái đi Vergy. Ông Đơ Rênan đương đêm về đến nơi, thấy tất cả thành phố xôn xao. Ai ai cũng tấp tểnh, những kẻ ít lăng xăng nhất cũng đi thuê những ban công để xem ngự giá.

    Ai sẽ chỉ huy đội nghi vệ? Ông Đơ Rênan thấy ngay rằng, vì lợi ích của những ngôi nhà ở vào diện phải lùi, cần thiết để cho ông Đơ Moarô được lĩnh cái quyền chỉ huy đó. Như vậy có thể tạo thành danh nghĩa để tranh thủ chức vụ phụ tá thứ nhất. Vì đức sùng tín của ông Đơ Moarô thì chả còn phải nói gì, nó ở trên tất cả mọi so sánh, nhưng ông ta chưa hề cưỡi ngựa bao giờ. Ông ta năm nay ba mươi sáu tuổi, nhút nhát đủ mọi bề, và sợ bị ngã cũng ngang với sợ chê cười.

    Ông thị trưởng cho triệu ông ngay từ năm giờ sáng.

    - Ông xem đấy, ông ạ, tôi tranh thủ ý kiến của ông, như thể ông đã trọng nhậm cái chức vị mà tất cả những người đứng đắn đều muốn đưa ông lên. Trong cái thành phố khốn khổ này, các xưởng máy thịnh vượng, phái tự do trở thành triệu phú, ngoi lên chính quyền, họ sẽ có thể lợi dụng tất cả mọi thứ để tiến thủ. Chúng ta hãy nghĩ đến lợi ích của nhà vua, của nền quân chủ, và trước hết là lợi ích của tôn giáo thiêng liêng của chúng ta. Ông ạ, ông cho rằng ta có thể giao phó cho ai quyền chỉ huy đội nghi vệ?

    Mặc dầu sợ ngựa một cách khủng khiếp, cuối cùng rồi ông Đơ Moarô cũng phải nhận cái vinh dự đó như một khổ hình vì đạo. "Tôi sẽ giữ được phong độ thích đáng", ông ta nói với ông thị trưởng. Cũng chỉ còn vừa đủ thì giờ để cho sửa sang những bộ đồng phục bảy năm về trước đã đem dùng vào dịp một vị thân vương đi qua địa hạt.

    Hồi bảy giờ, bà Đơ Rênan từ Vergy lên cùng với Juyliêng và lũ trẻ. Bà thấy phòng khách của bà đầy những bà thuộc phái tự do vẫn hô hào các phe phái đoàn kết với nhau, và hôm nay đến khẩn khoản nhờ bà nói giúp với chồng dành cho chồng họ một chân trong đội nghi vệ.

    Một bà trong bọn họ kêu rằng nếu chồng bà ta không được tuyển lựa, thì ông ta sẽ vì phiền muộn mà đâm vỡ nợ mất. Bà Đơ Rênan tống khứ tất cả cái bọn đó đi rất nhanh chóng. Bà có vẻ hết sức bận rộn.

    Juyliêng lấy làm ngạc nhiên và còn phật ý hơn nữa vì bà bí mật giấu anh cái chuyện làm bà băn khoăn. Ta đã biết trước mà, anh tự nhủ một cách chua chát, tình yêu của nàng mờ nhạt đi trước cái hạnh phúc được đón tiếp một ông vua trong nhà nàng. Tất cả chuyện ồn ào đó làm nàng lóa mắt. Nàng sẽ lại yêu ta khi nào những tư tưởng của giai cấp không làm cho đầu óc nàng rối loạn nữa.

    Thật là một điều lạ lùng, anh lại yêu bà ta hơn lên.

    Những người trang trí nhà cửa bắt đầu kéo đến đầy nhà, anh rình mãi mà không tìm được dịp nói với bà một câu. Mãi sau, anh thấy bà từ trong buồng anh đi ra, mang theo một bộ áo dài của anh. Lúc đó vắng vẻ không có ai. Anh định nói với bà. Bà cắm đầu chạy không muốn nghe. - Mình thật ngu dại mà đi yêu một con mụ như thế, tham vọng làm cho mụ điên cuồng chẳng kém gì chồng.

    Thật ra bà còn điên hơn thế, một trong những điều ao ước lớn của bà, mà chưa bao giờ bà tỏ bày với Juyliêng sợ làm mếch lòng anh, là được trông thấy anh rời bỏ, dù chỉ trong một ngày thôi, bộ áo dài đen ảm đạm của anh. Với một sự khôn khéo thật quả là đáng phục ở một người đàn bà rất hồn nhiên, bà tranh thủ được sự đồng ý trước hết là của ông Đơ Moarô và sau là của ông quận trưởng Đơ Môgirông, cho Juyliêng được tuyển vào đội nghi vệ, ưu tiên hơn năm sáu chàng thanh niên, con những nhà công nghiệp rất phong lưu, và ít ra có hai chàng có một đức sùng tín gương mẫu. Ông Valơnô đã định cho mấy bà phụ nữ đẹp nhất thành phố mượn xe song mã và khoa trương những con ngựa normăng đẹp của ông ta, nay đồng ý đưa một con ngựa ông cho Juyliêng, là người mà ông thù ghét nhất. Nhưng tất cả các đội nghị viên nghi vệ đều có, của riêng mình hay đi mượn, một bộ áo đẹp màu thanh thiên với hai ngù vai đại tá bằng bạc, bảy năm trước đây vốn bóng lộn. Bà Đơ Rênan muốn có một bộ áo dài mới, mà chỉ còn có bốn ngày để gửi đặt ở Bơdăngxông, và cho đem về bộ áo đồng phục, các võ khí, mũ mãng v.v... tất cả lễ bộ của một đội viên nghi vệ. Có điều ngộ nghĩnh, là bà thấy rằng đặt may áo của Juyliêng ở Verie thì lộ liễu quá. Bà muốn gây sự bất ngờ, cho anh và cho cả thành phố.

    Công việc về đội nghi vệ và về tinh thần dân chúng đã xong xuôi, ông thị trưởng lại lo đến một nghi lễ tôn giáo lớn, vì nhà vua nước*** không muốn đi qua Verie mà không đến thăm di cốt nổi tiếng của thánh Clêmăng được bảo tồn ở Bre-thượng cách thành phố chỉ một dặm đường. Người ta mong muốn có một đoàn thể tu sĩ đông đảo, đó là công việc khó thu xếp nhất, ông Maxlông, cha xứ mới, nhất định muốn tránh sự có mặt của ông Sêlăng. Ông Đơ Rênan bảo cho ông ta biết rằng như vậy sẽ là dại dột, nhưng ông kia vẫn không chịu. Hầu tước Đơ la Môlơ mà tổ tiên ngày xưa đã làm thống đốc lâu đời của xứ này, đã được chỉ định để hộ giá nhà vua nước*** Hầu tước quen biết cha xứ Sêlăng từ ba chục năm nay, chắc chắn khi đến Verie ông sẽ hỏi thăm tin tức ông này và nếu thấy ông này bị bãi chức thì thế nào ông cũng sẽ đến tìm ông ta tận trong ngôi nhà nhỏ bé mà ông ta rút lui về, với tất cả đoàn tùy tùng mà ông có thể sử dụng được cho mà xem. Thật là tát vào mặt chúng ta!

    - Tôi chẳng còn danh diện nào ở đây và ở Bơdăngxông, cha xứ Maxlông trả lời, nếu ông ta có mặt trong đoàn tu sĩ của tôi. Một người theo phái Jăngxênit*. Trời đất ơi!

    - Ông muốn nói gì đi nữa, ông cha xứ thân mến ạ, ông Đơ Rênan trả lời, thì tôi cũng sẽ không để cho chính quyền Verie đến nỗi bị ông Đơ la Môlo làm nhục. Ông không biết ông ta đấy thôi, ở triều đình thì ông ta là người có tư tưởng thuận chiều, nhưng ở đây, ở tỉnh lẻ, ông ta là một tay châm biếm trào lộng, nhạo báng, chỉ tìm cách làm cho người khác bị khó khăn. Ông ta có thể, chỉ để vui đùa thôi, làm cho chúng ta thành trò cười trong mắt bọn tự do.

    Mãi đến đêm thứ bảy sang ngày chủ nhật, sau ba ngày thương lượng, sự kiêu căng của ông cha xứ Maxlông mới chịu khuất phục trước nỗi lo sợ biến thành dũng cảm của ông thị trưởng. Phải viết một bức thư ngọt ngào cho cha xứ Sêlăng, để mời ông dự buổi lễ thăm di cốt ở Bre-thượng, nếu như tuổi già đa bệnh của ông cho phép ông đến dự được. Ông Sêlăng hỏi xin và được một giấy mời cho Juyliêng, anh sẽ đi theo ông với tư cách là phó chấp sự.

    Ngay từ sáng sớm hôm chủ nhật, vô vàn dân quê từ các núi lân cận kéo đến như nước chảy, tràn ngập các đường phố Verie. Hôm đó trời nắng đẹp vô cùng. Mãi đến ba giờ chiều, tất cả đám đông đó bỗng xôn xao, người ta trông thấy một ngọn lửa to trên một mỏm đá cách Verie hai dặm. Tín hiệu đó báo tin nhà vua vừa mới đi vào địa phận tỉnh nhà. Tức khắc, tiếng gióng giả của tất cả các chuông và tiếng nổ liên hồi của một khẩu đại bác Tây Ban Nha cũ thuộc sở hữu của thành phố, biểu thị niềm hoan hỉ của toàn thành vì sự kiện lớn lao này. Nửa số dân chúng leo lên các mái nhà. Tất cả các phụ nữ đều lên các ban công. Đội nghi vệ chuyển động. Người ta trầm trồ thán phục những bộ đồng phục lộng lẫy, mỗi người lại nhận ra được một bà con, bạn hữu. Người ta chế nhạo vẻ lo sợ của ông Đơ Moarô, lúc nào bàn tay cẩn thận cũng sẵn sàng để bíu lấy cái cốt sắt của yên ngựa. Nhưng một điều nhận xét làm cho người ta quên hẳn mọi nhận xét khác, viên kỵ binh thứ nhất của hàng dọc thứ chín là một anh chàng rất đẹp trai, rất mảnh dẻ, lúc đầu người ta không nhận ra được là ai nhưng chỉ chốc lát, một tiếng kêu công phẫn ở một số người, còn ở một số khác thì là sự im lặng kinh ngạc, báo hiệu một sự xúc động chung. Người ta nhận ra anh chàng đó, cưỡi một con ngựa normăng đẹp của ông Valomô, là cậu bé Xoren con trai bác thợ xẻ. Một tiếng kêu đồng thanh phản đối ông thị trưởng, nhất là trong đám những người theo phái tự do. Sao, chỉ vì thằng bé thợ thuyền giả dạng thầy tu kia đến làm gia sư cho lũ nhãi nhà ông ta, mà ông ta cả gan dám tuyển nó vào đội nghi vệ, tranh phần của những ông này ông nọ, là những nhà công nghiệp giàu có! Các ông ấy, một bà chủ nhà ngân hàng nói, phải cho cái thằng bé láo xược đẻ trong đống phân ấy, một trận nhục nhã mới được. - Nó nham hiểm và đeo một thanh gươm, người đứng bên đáp lời. Nó rất có thể phản phúc chém đứt mặt các ông ấy chứ chẳng không.

    Những lời bàn tán của xã hội quý phái lại còn nguy hiểm hơn. Các bà hỏi nhau có phải do một mình ông thị trưởng làm ra cái việc khiếm lễ cao độ kia không. Nói chung, người ta phải công nhận rằng xưa nay ông vẫn có lòng khinh bỉ sự thiếu dòng dõi.

    Trong khi anh làm đầu mối cho ngần ấy lời dị nghị, thì Juyliêng là người sung sướng nhất đời. Bẩm sinh táo bạo, anh ngồi ngựa chỉnh tề hơn phần đông các thanh niên ở các thành phố miền núi này. Anh trông thấy, trong con mắt của các bà các cô, là người ta bàn tán về mình.

    Những ngù vai của anh bóng lộn hơn của người khác, vì mới tinh. Chốc chốc con ngựa của anh, lại chồm lên, anh vô cùng sung sướng.

    Nỗi vui sướng của anh không còn giới hạn nào nữa, khi đi qua gần bức thành lũy cũ, tiếng nổ của khẩu đại bác nhỏ làm cho con ngựa của anh nhảy bắn ra khỏi hàng ngũ. Do một sự may mắn lớn, anh không ngã ngựa, từ lúc đó anh thấy mình là một bậc anh hùng. Anh đương làm sĩ quan tùy tòng của Napôlêông và đương nạp đạn một khẩu đội trọng pháo.

    Có một người còn sung sướng hơn anh. Đầu tiên, đứng bên một cửa sổ của tòa thị sảnh, người đó đã trông thấy anh đi qua, rồi lên xe song mã, và đi nhanh chóng một đường vòng lớn, người ấy đến vừa kịp lúc để rùng mình khi con ngựa của anh nhảy ra khỏi hàng ngũ. Cuối cùng chiếc xe ngựa phóng nước đại đi ra khỏi thành phố bằng một cửa ô khác, người ấy bắt được vào con đường nhà vua phải đi qua, và được đi theo đội nghi vệ cách sau hai chục bước, giữa một đám bụi mù cao quý. Hàng vạn dân quê kêu lên: Nhà vua muôn năm! khi ông thị trưởng được cái vinh dự chúc từ chào đón Hoàng Thượng. Một giờ sau, khi tất cả các diễn từ đã được nghe xong, nhà vua sắp vào thành phố, thì khẩu đại bác nhỏ lại tiếp tục bắn dồn dập. Nhưng một tai nạn xảy ra, không phải cho các chiến sĩ pháo binh, họ đã được thử thách dạn dày ở Laipxich và Môngmirai*, nhưng không may cho ông phụ tá thứ nhất tương lai, ông Đơ Moarô. Con ngựa của ông trút ông xuống nằm êm ái trong vũng bùn duy nhất trên đường cái lớn, gây thành một chuyện om sòm, vì phải kéo ông ta ra khỏi đó để cho xa giá có thể đi qua được.

    Hoàng Thượng xuống xe vào ngôi nhà thờ mới đẹp, hôm đó được căng toàn những màu đỏ màu huyết dụ. Ngài sẽ ngự yến, rồi sau đó lại lên xe ngay để đi chiêm bái di cốt trứ danh của thánh Clêmăng. Nhà vua vừa vào đến nhà thờ, là Juyliêng phóng ngay về nhà ông Đơ Rênan. Ở đó, anh thở dài tiếc rẻ cởi bỏ bộ áo đẹp màu thanh thiên của anh, thanh gươm của anh, ngù vai của anh, để lại mặc bộ áo bé mọn màu đen đã sờn. Anh lại lên ngựa, và một lát sau, đã tới Bre-thượng ở trên đỉnh một quả đồi rất đẹp. Sự phấn khởi làm cho những dân quê kia sinh sôi nảy nở, Juyliêng nghĩ thầm. Ở Verie đã đông không cựa được, mà ở đây lại có đến hơn vạn người chung quanh nhà tu viện cổ kính này. Bị đổ nát gần nửa do phong trào tàn phá hủy hoại của cách mạng, nó đã được dựng lại huy hoàng từ hồi Trung hưng, và người ta đã bắt đầu nói đến chuyện những phép lạ. Juyliêng đến gặp ông cha xứ Sêlăng, ông quở mắng anh dữ dội, và đưa cho anh một bộ áo thầy tu và một tấm áo lễ trắng. Anh mặc vội vàng và đi theo chân ông Sêlăng đến gặp vị giám mục trẻ địa phận Acđơ*. Đó là một người cháu của ông Đơ la Môlơ, mới được phong chức, và đã được ủy nhiệm chỉ dẫn di cốt để ngự lãm. Nhưng không sao tìm thấy vị giám mục đó.

    Đoàn tu sĩ nôn nao. Họ chờ đợi vị thủ lĩnh của họ trong gian phòng tu kín tối tăm và xây kiểu gô-tích của nhà tu viện cổ. Người ta đã tập hợp được hai mươi bốn cha xứ để hình dung tăng hội cũ của Bre-thượng, hồi trước 1789 gồm có hai mươi bốn tu sĩ có chức sắc. Sau khi đã phàn nàn trong ba khắc đồng hồ về tuổi trẻ của vị giám mục, các cha xứ nghĩ rằng nên để vị chủ tịch trở lui tìm đức Cha để báo tin cho người biết rằng nhà vua sắp tới và đã đến lúc tiến ra cung thánh thì vừa. Tuổi tác của ông Sêlăng đã khiến ông được làm chủ tịch, mặc dầu sự bực bội tỏ ra đối với Juyliêng, ông ra hiệu cho anh đi theo ông. Juyliêng mặc áo lễ trắng trông ra dáng lắm. Chả biết bằng phương pháp trang điểm của tăng lữ như thê nào, anh đã làm cho bộ tóc đẹp xoăn tít của anh trở thành bẹp dí xuống, nhưng do một sơ ý làm tăng gấp bội nỗi tức giận của ông Sêlăng dưới những nếp trùng của bộ áo thầy tu của anh người ta còn có thể trông thấy những đinh thúc ngựa của viên kỵ binh đội nghi vệ.

    Khi hai người tới tư thất của vị giám mục, những tên hầu cao lớn, trang sức đầy người, hầu như chẳng thèm trả lời ông cụ cha xứ rằng Đức Cha không tiếp ai. Họ lại chế nhạo ông khi ông định giải thích cho họ hiểu rằng với tư cách là chủ tịch của tăng hội quý tộc ở Bre-thượng, ông có đặc quyền bất cứ lúc nào cũng được vào gần vị giám mục hành lễ.

    Tính kiêu hãnh của Juyliêng bị khó chịu về sự hỗn láo của bọn hầu. Anh bèn đi khắp các buồng ngủ của nhà tu viện cổ kính, lay tất cả các cánh cửa mà anh gặp. Có một cánh cửa bé tí bị anh lay mở tung ra, và anh bước vào một tăng phòng, giữa những viên hầu cận của Đức Cha, mặc áo dài đen và cổ đeo dây chuyền. Trông thấy anh có vẻ vội vàng, các tướng kia ngỡ rằng anh được Đức Cha triệu đến, và họ để anh đi qua. Anh đi vài bước và vào đến một gian phòng mênh mông kiểu gô-tích, hết sức tối tăm, và toàn lát vách bằng gỗ sồi đen, trừ một khung cửa sổ, còn tất cả các khung cửa sổ khác hình cung nhọn đều đã bít kín bằng gạch, vẻ thô sơ của những gạch xây đó không có gì ngụy trang và thành một sự tương phản đáng buồn với vẻ huy hoàng cổ kính của gỗ vách. Hai cạnh lớn của gian phòng nổi tiếng trong giới buôn đồ cổ của xứ Buôcgônhơ, và Đơ Saclơ vũ dũng cho xây vào khoảng 1470 để chuộc một tội lỗi nào đó, có những ghế bành bằng gỗ chạm trổ rất tỉ mỉ. Người ta thấy ở đó, hình dung bằng gỗ các màu, tất cả các cảnh tượng huyền bí của thiên Mặc thị*.

    Vẻ huy hoàng buồn bã đó, bị tổn thương vì cái cảnh tượng gạch để trần và vôi vữa còn trơ màu trắng tinh, làm cho Juyliêng xúc động. Anh dừng chân im lặng, ở tận đầu phía kia của gian phòng, gần bên khung của duy nhất qua đó ánh sáng lọt vào, anh trông thấy một tấm gương xoay bằng gỗ đào hoa tâm. Một chàng thanh niên mặc áo thụng màu tím và choàng áo lễ thêu ren, nhưng đầu trần, đương đứng cách tấm gương ba bước. Cái đồ đạc này, ở vào một nơi như thế, có vẻ lạ lùng, và chắc hẳn được đem từ thành phố về đây. Juyliêng thấy chàng thanh niên có vẻ tức giận, chàng đang dùng tay phải làm phép rất trang nghiêm về phía tấm gương.

    Thế này là nghĩa gì nhỉ? anh nghĩ bụng. Có phải nhà tu sĩ trẻ tuổi kia đương làm một nghi lễ chuẩn bị chăng? Có lẽ là viên bí thư của đức giám mục... rồi y cũng sẽ hỗn xược như bọn hầu cho mà xem... Kể ra thì, cũng chẳng cần, ta cứ thử xem.

    Anh tiến lên và đi rất thong thả suốt dọc gian phòng, mắt vẫn đăm đăm về phía cái cửa sổ duy nhất, và nhìn chàng thanh niên đang tiếp tục làm phép rất thong thả nhưng không biết bao nhiêu lần, không nghỉ một phút nào.

    Càng lại gần, anh càng trông thấy rõ vẻ mặt tức giận của chàng ta. vẻ huy hoàng của tấm áo choàng thêu ren, làm cho Juyliêng bất giác đứng dừng lại cách tấm gương lộng lẫy vài bước.

    Ta có bổn phận phải lên tiếng, cuối cùng anh tự nhủ, nhưng vẻ đẹp của gian phòng làm anh xúc động, và anh thấy bị chạnh lòng ngay từ bây giờ về những lời lẽ nghiêm khắc mà người ta sắp nói với anh.

    Chàng thanh niên trông thấy anh trong tấm gương bèn quay lại, và bỗng bỏ nét mặt giận dữ, chàng ta nói với anh bằng một giọng hết súc dịu dàng:

    - Thế nào! ông, đã sửa sang xong chưa?

    Juyliêng sững sờ. Khi chàng thanh niên kia quay lại anh, Juyliêng trông thấy tấm thánh giá đeo ngực ở trên ngực chàng: chính là giám mục địa phận Acđơ. Trẻ đến thế, Juyliêng nghĩ; bất quá chỉ hơn ta từ sáu đến tám tuổi là cùng!...

    Và anh lấy làm ngượng về những cái đinh thúc ngựa của anh.

    - Bẩm đức Cha, anh rụt rề trả lời, tôi được ông Sêlăng chủ tịch tăng hội phái đến.

    - À! ông ấy được giới thiệu với tôi hết sức ân cần, vị giám mục nói với một giọng có lễ độ khiến cho sự khoái trí của Juyliêng tăng lên gấp bội. Nhưng, ông ạ, tôi phải xin lỗi ông, vì ban nãy tôi tưởng ông là người đem mũ tế lại cho tôi. Ở Pari họ gói ghém tồi quá, vải ngân tuyến bị hư hỏng ghê gớm ở phía trên. Đội vào trông rất thảm hại, vị giám mục trẻ tuổi nói thêm với vẻ mặt buồn bã, mà họ lại còn bắt tôi phải chờ đợi nữa!

    - Bẩm Đức Cha, để tôi đi lấy mũ về, nếu Đức Cha cho phép.

    Đôi mắt đẹp của Juyliêng phát huy tác dụng.

    - Ông đi đi, vị giám mục trả lời với một vẻ lễ độ tuyệt vời, tôi cần phải có ngay tức khắc. Tôi rất phiền lòng để các vị trong tăng hội phải đợi chờ.

    Khi Juyliêng đi đến giữa phòng, anh quay lại vị giám mục và thấy ông ta lại tiếp tục làm phép. Thế là cái gì nhỉ? Juyliêng nghĩ bụng, chắc hẳn là một cuộc chuẩn bị của nhà tu hành cần thiết cho cuộc lễ sắp tiến hành. Anh ra đến tăng phòng có những viên hầu cận, thì trông thấy chiếc mũ giám mục trong tay họ. Các ngài đó, buộc lòng phải nhượng bộ cái nhìn oai nghiêm của Juyliêng liền đưa cho anh chiếc mũ của đức cha.

    Anh cảm thấy tự hào được cầm chiếc mũ đó, khi đi xuyên qua gian phòng, anh bước thong thả, anh bưng cỗ mũ một cách kính cẩn. Anh thấy vị giám mục ngồi ở trước tấm gương, nhưng chốc chốc, bàn tay phải của ông, mặc dầu mệt mỏi, vẫn còn làm phép. Juyliêng giúp ông đội mũ. Ông giám mục lúc lắc cái đầu.

    - À! vững đây, ông nói với Juyliêng ra vẻ bằng lòng. Ông hãy thử đứng xa ra một chút xem nào!

    Ông giám mục bèn bước rất nhanh ra giữa phòng, rồi đi thong thả chậm chậm lai gần tấm gương, ông lấy lại nét mặt giận dữ, và làm phép một cách nghiêm nghị.

    Juyliêng kinh ngạc đờ người ra, anh muốn đoán xem thế là nghĩa gì, nhưng không dám. Ông giám mục dừng lại, và nhìn anh với một nét mặt hết vẻ nghiêm nghị rất nhanh chóng

    - Ông thấy cái mũ của tôi thế nào, ông, có được không?

    - Bẩm Đức Cha, được lắm ạ.

    - Không quá ngả ra đằng sau chứ? như thế sẽ có vẻ hơi ngố, nhưng cũng không nên đội sụp xuống tận mắt như một cái mũ lưỡi trai của sĩ quan.

    - Tôi thấy được lắm ạ.

    - Nhà vua nước*** quen thấy một đoàn thể tu sĩ tuổi tác và hẳn là rất nghiêm nghị. Tôi không muốn có vẻ phù phiếm quá, nhất là vì tuổi của tôi.

    Và ông giám mục lại bước đi, vừa đi vừa làm phép.

    Thật là rõ ràng, Juyliêng nói, vì cuối cùng anh đã dám hiểu, ông ấy đang tập ban phước.

    Sau vài giây lát:

    - Tôi đã sẵn sàng, ông giám mục nói. Ông ạ, ông hãy đi loan báo cho vị chủ tịch và các vị trong tăng hội biết.

    Một lát sau, ông Sêlăng, có hai cha xứ cao tuổi hơn cả đi theo, bước vào bằng một cái cửa rất lớn chạm trổ huy hoàng, mà Juyliêng lúc trước không trông thấy. Nhưng lần này anh đứng theo hàng ngũ của anh, là hàng cuối cùng, và chỉ có thể trông thấy ông giám mục qua vai các tu sĩ chen chúc rất đông ở cái cửa đó.

    Ông giám mục đi từ từ xuyên qua gian phòng, khi ông đến ngưỡng cửa, các cha xứ xếp hàng lại thành đám rước. Sau một giây lát lộn xộn, đám rước bắt đầu khỏi hành và cất tiếng hát một bài thánh ca. Ông giám mục đi sau cùng, giữa ông Sêlăng và một ông cha xứ khác rất già, Juyliêng len vào gần sát Đức Cha, với tư cách là tùy viên của cha xứ Sêlăng. Đám đi theo những hành lang dài của tu viện Bre-thượng, mặc dầu trời nắng chói chang, các hành lang đó vẫn tối tăm ẩm thấp. Cuối cùng, đám ra đến hành lang của tu viện. Juyliêng thấy một nghi lễ đẹp như thế, thán phục ngẩn người ra. Sự tham vọng được đánh thức dậy bởi tuổi trẻ của ông giám mục, cùng với sự linh mẫn và lễ độ tuyệt vời của vị giáo chủ đó, làm cho lòng anh ngổn ngang bời bờì. Sự lễ độ ấy thật khác xa với cái lễ độ của ông Đơ Rênan, ngay cả những ngày ông ta vui vẻ. Càng lên đến gần bậc cao nhất của xã hội, Juyliêng nghĩ bụng, càng thấy những tác phong cao nhã tuyệt vời.

    Đám đang đi vào nhà thờ bằng một cửa ngang, thì bỗng một tiếng động kinh khủng làm rung vang những vòm trần cổ kính của ngôi nhà thờ, Juyliêng tưởng chừng nó sắp sụp đổ. Đó lại là khẩu đại bác nhỏ, được kéo bởi tám con ngựa phi nước đại, nó vừa mới tới và tới nơi một cái, là được lắp ngay thành khẩu đội bởi những tay pháo thủ của Laipxich, nó bắn mỗi phút năm phát, như tưởng có quân Phổ trước mắt vậy.

    Nhưng tiếng động uy nghi đó không có hiệu lực gì nữa với Juyliêng, anh không còn nghĩ gì đến Napôlêông và đến vinh quang quân sự nữa rồi. Trẻ như thế, anh nghĩ, mà làm giám mục địa hạt Acđơ, nhưng Acđơ là ở đâu nhỉ? và như thế kiếm được bao nhiêu? có lẽ đến hai ba chục vạn quan ấy chứ.

    Những tên hầu của Đức Cha hiện đến với một cỗ long đình tráng lệ, ông Sêlăng cầm lấy một gọng, nhưng thực tế là Juyliêng khiêng hộ. ông giám mục đứng vào dưới long đình. Thực sự ông đã làm được ra vẻ già, sự thán phục của anh chàng nhà ta không còn giới hạn nào nữa. Thì ra cứ khôn khéo thì chả có cái gì không làm nổi! anh nghĩ bụng.

    Nhà vua bước vào, Juyliêng được cái may mắn trông thấy ngài rất gần. Ông giám mục đọc diễn từ tiếp giá rất uyển chuyển và không quên làm ra vẻ có đôi chút bối rối rất là giữ lễ đối với Hoàng Thượng.

    Chúng tôi sẽ không nhắc lại lời mô tả những nghi lễ ở Bre-thượng, trong mười lăm ngày trời, những nghi lễ đó đã chiếm đầy các cột của tất cả các báo chí trong tỉnh.

    Qua bài diễn từ của ông giám mục, Juyliêng được biết nhà vua là dòng dõi Saclơ vũ dũng.

    Sau này, trong chức vụ của mình, Juyliêng phải kiểm tra các bút toán về phí tổn của cuộc khánh lễ đó. Ông Đơ la Môlơ, sau khi kiếm cho cháu một địa phận giám mục, đã muốn có một nhã cử đối với chàng ta, là đảm nhận mọi phí tổn. Riêng một cuộc nghi lễ ở Bre-thượng tốn hết ba nghìn tám trăm quan.

    Sau diễn từ của vị giám mục và đáp từ của nhà vua, Hoàng Thượng tiến vào dưới long đình, rồi ngài quỳ một cách rất kính tin trên một chiếc gối đệm để cạnh bàn thờ. Cung thánh có những ghế bành bằng gỗ vây quanh, và những ghế đó lại đặt cao hai bậc trên sàn gạch. Juyliêng ngồi ở bậc dưới chân ông Sêlăng, gần giống như một thị thần ngồi hầu cận hồng y giáo chủ, ở giáo đường Xichxtin, ở La-mã*. Có hát bài Tạ ân*, khói hương nghi ngút, có những tiếng nổ liên hồi vô tận của các loạt súng hỏa mai và trọng pháo, các dân quê say sưa vì hạnh phúc và tin mộ. Một ngày như thế đủ phá tan công trình của một trăm số báo Jacôbanh.

    Juyliêng ở cách nhà vua sáu bước, ngài thực sự đương cầu nguyện quên mình. Anh nhận thấy, lần đầu tiên một người bé nhỏ, con mắt thông minh, và mặc một bộ áo dài gần như không có thêu thùa gì cả. Nhưng ông ta có đeo một dải xanh màu thanh thiên bên ngoài bộ áo rất giản dị kia. Ông đứng gần nhà vua hơn nhiều vị lãnh chúa khác, mà những bộ áo được thêu kim tuyến chi chít đến nỗi theo câu nói của Juyliêng, người ta không trông thấy nền dạ đâu nữa. Sau đó một lát, anh được biết đó là ông Đơ la Môlơ. Anh thấy ông có vẻ kiêu căng và ngạo mạn nữa.

    Ông hầu tước này chắc là không được lễ độ như ông giám mục xinh đẹp của anh, anh nghĩ bụng. Chà! nghề tu hành làm cho người ta dịu dàng và hiền minh. Nhưng nhà vua đến để chiêm bái di cốt, mà ta chẳng trông thấy di cốt đâu cả. Thánh Clêmăng ở đâu nhỉ?

    Một chú lễ sinh bé nhỏ, ngồi cạnh anh, cho anh biết rằng tấm di cốt đáng tôn kính ở tận trên tầng cao ngôi nhà thờ, trong một hương đăng điện*.

    Thế nào là một hương đăng điện? Juyliêng tự hỏi.

    Nhưng anh không muốn hỏi nghĩa cái danh từ đó. Sự chú ý của anh tăng lên gấp bội.

    Trong trường hợp có một vị quốc vương tới thăm, nghi lễ định rằng các tu sĩ chức sắc không di theo đức giám mục. Nhưng khi tiến bước để đi lên hương đăng điện, Đức giám mục địa phận Acđơ gọi cha xứ Sêlăng; Juyliêng đánh liều đi theo.

    Sau khi đã leo một cầu thang dài, họ tới một cái cửa hết sức nhỏ, nhưng khung của gô-tích được thếp vàng lộng lẫy. Công trình đó có vẻ như mới làm hôm trước.

    Trước cửa có hai mươi bốn thiếu nữ quỳ gối tụ tập, đó là con cái những gia đình sang trọng nhất ở Verie. Trước khi mở cửa, ông giám mục đến quỳ giữa đám các cô gái kia, cô nào cũng xinh đẹp. Trong khi ngài cao giọng cầu nguyện, các cô có vẻ ngắm nghía không biết chán những tấm ren đẹp của ngài, vẻ ân ưu của ngài, khuôn mặt rất trẻ và rất dịu dàng của ngài, cảnh tượng dó làm cho anh chàng nhà ta mê đặc. Trong giây phút đó, anh có thể đánh nhau để bênh vực pháp đình của tôn giáo, và đánh nhau thành thực, cửa bỗng mở. Cái điện nhỏ hiện ra sáng rực. Người ta thấy trên bàn thờ có đến hơn một nghìn cây bạch lạp phân ra làm tám hàng cách nhau bằng những bó hoa. Mùi thơm ngào ngạt của hương trầm loại tinh túy nhất, cuồn cuộn bay ra khỏi cửa điện. Điện thờ được thiếp vàng mới tinh, tuy rất nhỏ, nhưng rất cao. Juyliêng nhận xét thấy trên bàn thờ có những cây bạch lạp cao hơn mười lăm piê. Các cô thiếu nữ không kìm giữ được một tiếng kêu thán phục. Người ta đã hạn chế chỉ cho hai mươi bốn thiếu nữ, hai ông cha xứ và Juyliêng vào đến khu tiền sảnh nhỏ bé của điện thờ.

    Ít lâu sau, nhà vua tới, chỉ có một mình ông Đơ la Môlơ và quan nội thần của nhà vua đi theo hộ giá. Ngay cả những thị vệ cũng ở lại bên ngoài, quỳ gối, và bồng súng chào.

    Hoàng Thượng lao mình thì đúng hơn là buông mình vào chiếc ghế cầu nguyện. Mãi đến lúc đó, Juyliêng, nép mình vào cánh cửa thếp vàng, mới trông thấy, qua dưới cánh tay trần của một thiếu nữ, bức tượng xinh đẹp của thánh Clêmăng. Người đứng ẩn dưới bàn thờ, ăn mặc y phục người lính trẻ La Mã. Ở cổ người có một vết thương rộng, hình như máu đương ròng ròng chảy ra. Nhà nghệ sĩ điêu khắc đã thành công vượt tài của mình, đôi mắt người lờ đờ, nhưng đầy vẻ u nhã, lim dim khép lại nửa chừng. Một bộ ria mép lún phún điểm xuyết cái miệng xinh đẹp, tuy đã ngậm nửa vời, nhưng vẫn có vẻ như đang cầu nguyện. Trông thấy thế, cô thiếu nữ bên cạnh Juyliêng khóc thút thít, một giọt nước mắt của cô rớt xuống bàn tay Juyliêng.

    Sau một lát cầu nguyện trong một bầu im lặng tuyệt đối, chỉ bị xáo động bởi những tiếng chuông văng vẳng xa của tất cả các làng xóm ở mười dặm quanh vùng, vị giám mục địa phận Acđơ xin phép nhà vua được nói. Ông đọc một diễn từ ngắn rất cảm động, kết thúc bằng những lời lẽ giản dị, nhưng tác dụng vì thế lại càng thêm chắc chắn.

    - Đừng bao giờ quên, hỡi các nữ giáo đồ trẻ tuổi, rằng các con đã được trông thấy một trong những đức vua lớn nhất của trần gian quỳ gối trước mặt những bề tôi của đức Chúa toàn năng và uy vũ. Những bề tôi đó, yếu đuối, bị ngược đãi, bị tàn sát ở trần gian, như các con được trông thấy bởi vết thương còn đẫm máu của thánh Clêmăng, nhưng họ chiến thắng ở cõi thiên đường. Có phải không, hỡi các nữ giáo đồ trẻ tuổi, các con sẽ nhớ mãi cái ngày hôm nay chứ? các con sẽ ghét thói vô đạo. Mãi mãi các con sẽ trung thành với đức Chúa rất lớn lao, rất uy vũ, nhưng rất lòng thành.

    Nói đến đó, ông giám mục đứng dậy với vẻ uy nghiêm.

    - Các con hứa với ta điều đó chứ? ông nói và giơ cánh tay ra như có vẻ được Chúa soi lòng.

    - Chúng con xin hứa, các thiếu nữ vừa nói vừa nước mắt chứa chan.

    - Ta tiếp nhận lời hứa của các con, nhân danh đức Chúa uy vũ! ông giám mục nói thêm bằng một giọng sang sảng. Và cuộc lễ kết thúc.

    Chính nhà vua cũng khóc. Mãi lâu về sau, Juyliêng mới có đủ can đảm để hỏi xem những di cốt của thánh, được gửi từ La Mã cho Philip nhân từ, quận công Đơ Buôcgônho*, hiện nay ở đâu. Người ta cho anh biết rằng những di cốt đó được giấu trong bức tượng xinh đẹp bằng sáp kia.

    Hòang Thượng rộng lòng cho phép các cô thiếu nữ đã đi theo hộ giá vào điện thờ, được đeo một dải băng đỏ trên có thêu những chữ: THÙ GHÉT THÓI VÔ ĐẠO, THỜ PHỤNG CHÚA ĐỜI ĐỜI.

    Ông Đơ la Môlơ cho phân phát một vạn chai rượu vang cho dân quê. Buổi tối, ở Verie, phái tự do tìm được một lý do để trưng đèn gấp trăm lần hơn phái bảo hoàng. Trước khi rời gót, nhà vua đến thăm ông Đơ Moarô.
  • Chia sẻ trang này