42. (Tập 2)vancuong7975(xong)WIKI
-
Link PDF
Link Google Docs
Link Word Online
Ta phải cố gắng đừng để cho cái thằng ăn cắp đơ Valonô kia được một trò cười, Juyliêng nghĩ bụng. Nó đã đọc lời tuyên bố đưa đến tử hình, với một vẻ mặt hối tiếc và giảo quyệt như thế nào! trong khi ông chánh án, mặc dầu làm quan tòa đã bao nhiêu năm rồi, mà khi kết tội ta, cũng còn rưng rưng nước mắt. Thật là một nỗi vui mừng biết mấy cho thằng Valonô được trả thù mối kình địch cũ giữa nó với ta về bà đơ Rênan... Ta sẽ không được gặp mặt bà nữa! Thế là xong... Giữa đôi ta không thể có được một lời quyết biệt nữa rồi, ta cảm thấy như vậy... Ta sẽ sung sướng biết bao nếu được nói với bà tất cả lòng kinh khiếp của ta đối với tội ác của ta!
Chỉ nói những lời này: Tôi thấy bị kết án đáng tội.
CHƯƠNG XLll
Khi dẫn Juyliêng trở về nhà giam, người ta đã * đưa anh vào một gian buồng dành cho những tử tù. Anh, xưa nay vẫn để ý nhận xét đến cả những cảnh huống nhỏ nhặt nhất, bây giờ lại không thấy rằng người ta không đưa anh trở lên chòi vọng lâu của mình. Anh đương mãi nghĩ đến những điều sẽ nói với bà đơ Rênan nếu trước giây phút cuối cùng, anh được may mắn gặp mặt bà. Anh nghĩ rằng bà sẽ ngắt lời anh, và anh muốn ngay câu đầu tiên tả được cho bà tất cả nỗi hối hận của mình. Sau một hành động như vậy, làm sao thuyết phục được bà rằng hiện nay ta chỉ yêu có bà mà thôi? vì kể ra, khi đó ta đã định giết bà vì tham vọng hoặc vì tình yêu đối với Matindơ.
Khi lên giường nằm, anh thấy khăn giải giường toàn bằng một thứ vải thô. Mắt anh mở ra. À! ta đương ở ngục tối, anh tự nhủ, vì là kẻ tử tù. Đúng rồi...
Bá tước Antamira có kể cho ta nghe rằng, trước hôm chết, Đăngtông có nói bằng cái giọng oang oang của ông ta: Lạ thật, động từ chết chém không thể chia đủ các thì được; người ta rất có thể nói: Tôi sẽ bị chết chém, anh sẽ bị chết chém, nhưng người ta không nói: Tôi đã bị chết chém.
Sao lại không, Juyliêng tiếp lời, nếu có một kiếp sống bên kia?... Thực tình, nếu ta gặp ông chúa Trời của đạo Cơ đốc, thì ta nguy: ông ta là một tay chuyên chế, và, như vậy, ông ta có đầy những ý nghĩ báo thù; sách Kinh Thánh của ông ta chỉ nói đến sự trừng phạt tàn khốc. Ta chưa bao giờ yêu được ông ấy; ta cũng chưa bao giờ tin rằng người ta yêu ông ấy một cách thành thực, ông ấy không có lòng thương, (và anh nhớ lại rất nhiều đoạn trong Kinh Thánh). Ông ấy sẽ trừng phạt ta một cách thật ác liệt...
Nhưng nếu ta gặp ông chúa Trời của Fênoỉông*! Có lẽ ông ấy sẽ bảo ta: Con sẽ được tha thứ rất nhiều, vì con đã yêu rất nhiều...
Có thật ta đã yêu nhiều không? Chà! ta đã yêu bà đơ Rênan, nhưng cách xử sự của ta thật đã tàn khốc, ở đây, cũng như ở những chuyện khác, tài đức giản dị và khiêm tốn đã bị bỏ rơi để chạy theo cái gì lộng lẫy...
Nhưng quả đáng tội, viễn tượng thật mê ly!... Đại tá khinh ky binh, nếu có chiến tranh; bí thư đại sứ quán trong thời bình; rồi sau đó, đại sứ... vì chả mấy chốc ta sẽ thạo công việc..., mà ví dụ ta có là một thằng ngu xuẩn chăng nữa, thì con rể của hầu tước đơ La Môlơ còn sợ gì ai cạnh tranh nữa? Tất cả các trò ngu dại của ta sẽ được tha thứ, hoặc hơn nữa, được kể là những thành tích. Người có thành tích và hưởng một cuộc sống đại gia ở Viên hoặc ở Luân Đôn...
- Không hẳn như thế đâu, thưa ngài, trong ba ngày nữa bị chém đầu thì có.
Juyliêng sẵn lòng cười vì cái dí dỏm đột xuất đó của trí óc mình. Quả thật, người ta có hai con người trong mình, anh nghĩ. Trước đây có ma nào nghĩ đến cái tư tưởng ranh mãnh kia?
Thì vâng, ông bạn ạ, trong ba ngày nữa bị chém đầu, anh đáp lại kẻ ngắt lời. Ông đơ Sôlanh sẽ thuê một cái cửa sổ chung lưng với linh mục Maxlông. Thế thì, về tiền thuê cái cửa sổ đó, trong hai nhân vật danh giá kia, anh nào sẽ ăn cắp anh nào?
Anh chợt nhớ đến đoạn văn này trong tác phẩm Vanhxexlax của Rôtru.*
LAĐIXLAX
... Linh hồn con rất sẵn sàng.
Nhà vua, cha của Ladixlax Đoạn đầu đài cũng vậy; hãy đem đầu lên dó
Trả lời hay tuyệt! anh nghĩ bụng, và anh ngủ thiếp đi. Đến sáng có ai đến ôm lấy anh thật chặt, đánh thức anh dậy.
- Sao, đã đến rồi kia! Juyliêng vừa nói vừa mở con mắt ngơ ngác: Anh tưởng đã ở trong tay đao phủ.
Thì ra là Matinđơ. May sao, nàng chưa hiểu ý ta. ý nghĩ đó làm cho anh trở lại hoàn toàn bình tĩnh. Anh thấy Matinđơ biến đổi như sau sáu tháng ốm đau: thật sự không ai nhận ra cô.được.
- Lão Frile hèn mạt kia đã phản bội em, cô vừa nói vừa vặn vẹo hai bàn tay; nỗi tức giận làm cho cô không khóc được.
- Hôm qua khi anh phát biểu, trông anh ra vẻ đấy chứ? Juyliêng đáp lại. Anh ứng khẩu, và là lần đầu tiên trong đời! Cố nhiên nên e rằng đó cũng là lần cuối cùng.
Trong lúc đó, Juyliêng đem tính khí của Matinđơ ra mà ngoạn lộng với tất cả sự điềm tĩnh của một tay nhạc sĩ tài hoa động tay đến một cây dương cầm... Anh còn thiếu cái uy thế dòng dõi hiển hách, đành thế rồi, anh nói thêm, nhưng tâm hồn cao cả của Matinđơ đã nâng người yêu lên tới ngang tầm với nàng. Em có cho rằng Bônifaxơ đơ La Môlơ trước mặt các quan tòa đã hơn được anh không?
Matinđơ hôm đó âu yếm mà không kiểu cách, như một cô gái nghèo sống ở một tầng gác thứ năm; nhưng cô không được nghe của anh những lời giản dị hơn. Anh vô tình trả lại cho cô nỗi khổ cực mà trước kia cô thường hay làm cho anh phải chịu.
Người ta không ai biết những ngọn nguồn sông Nin*, Juyliêng nghĩ bụng; con mắt của người thế gian chưa hề được trông thấy dòng sông chúa tể trong hình thức một dòng suối tầm thường: cũng như vậy, không một con mắt nhân thế nào sẽ trông thấy Juyliêng yếu đuối, trước hết là vì y không yếu đuối. Nhưng ta có trái tim dễ cảm; lời nói tầm thường nhất nếu được nói với một giọng chân thực, có thể làm cho tiếng nói của ta xúc động và có khi làm ta ứa nước mắt nữa. Đã biết bao lần, những trái tim khô khan chẳng đã khinh bỉ ta vì khuyết điểm đó là gì!
Chúng tưởng ta cầu xin ân huệ: đó là điều không nên nhẫn chịu.
Người ta nói rằng Đăngtông, đến chân đoạn đầu đài, nhớ đến vợ mà mủi lòng; nhưng Đăngtông đã làm cho một quốc gia toàn những thanh niên phù phiếm vô tài trở nên dũng mãnh, và ngăn được quân thù kéo tới Pari... Chỉ có riêng mình ta biết rõ ta có thể làm được những gì... Đối với những kẻ khác, ta bất quá chỉ là một anh chàng HOẶC - NHIÊN.
Ví thử ở đây, trong ngục tối của ta, lại có bà đơ Rênan, chứ không phải Matinđơ, thì ta có thể nào cầm lòng được không? chắc là nỗi đau đớn và niềm hối hận quá độ của ta sẽ bị con mắt những hạng Valonô và tất cả bọn quý tộc địa phương coi là lòng sợ chết đớn hèn; họ kiêu hãnh biết bao, những trái tim yếu đuối kia, được nhờ cảnh giàu có mà đứng ở trên những sự cám dỗ! Chắc là các ngài đơ Moarô và đơ Sôlanh, vừa mới khép ta vào án tử hình, sẽ nói: Các ngài xem thử, con nhà thợ mộc có khác! Người ta có thể trở thành uyên bác, khôn khéo, nhưng lòng dũng cảm!... lòng dũng cảm không thể học mà có được. Ngay cả với nàng Matinđơ tội nghiệp đương khóc kia, hay nói đúng hơn không còn nước mắt để khóc nữa, anh vừa tự nhủ vừa nhìn đôi mắt đỏ hoe của cô... và anh ôm cô vào lòng: trông thấy nỗi đau đớn chân thực, anh quên cả lý luận... Có lẽ nàng đã khóc suốt đêm ròng, anh nghĩ bụng; nhưng một ngay kia, nhớ lại, nàng sẽ hổ thẹn biết bao? Nàng sẽ tự coi như đã bị lầm lạc, trong thời tuổi trẻ non nớt, bởi những lối suy nghĩ thấp hèn của một kẻ thứ dân... Anh chàng Croadonoa khá nhu nhược để lấy nàng, mà, nói thực tình, lấy là phải. Nàng sẽ làm cho chàng ta có vai vế.
Do quyền thế của một trí óc cương nghị và hoài bão lớn lao
Đối với trí óc thô lậu của những kẻ tầm thường*.
Ái chà! thật là tức cười: từ lúc ta biết mình phải chết, tất cả những câu thơ mà ta đã thuộc trong đời, đều trở lại trong trí nhớ của ta. Cái đó sẽ là một dấu hiệu suy đốn...
Matinđơ nhắc đi nhắc lại với anh bằng một giọng thều thào: Ông ta hiện đương ở buồng bên. Mãi sau, anh để ý đến những lời đó. Tiếng nói của nàng yếu, anh nghĩ, nhưng trong giọng nàng vẫn còn tất cả tính cách mệnh lệnh thôi thúc: Nàng nói nhỏ tiếng để khỏi cáu giận.
- Mà ai ở bên đó vậy? anh hỏi cô với một vẻ dịu dàng.
- Ông trạng sư, để đưa anh ký đơn chống án.
- Anh sẽ không chống án.
- Thế nào! anh sẽ không chống án, cô vừa nói vừa đứng dậy và đôi mắt giận dữ nảy lửa, mà vì lẽ gì, xin anh cho biết?
- Vì lẽ rằng, trong lúc này, anh tự cảm thấy có can đảm chết mà không làm cho thiên hạ cười cợt anh nhiều quá. Biết đâu trong hai tháng nữa, sau một thời gian dài ở trong ngục tối ẩm thấp này, anh có còn sảng khoái được như thế này không? Anh trông thấy trước những cuộc hội kiến với các ông giáo sĩ, với ông bố anh... ở đời, chả có gì có thể làm cho anh khó chịu hơn. Chết đi thôi.
Sự trái ý bất ngờ đó đánh thức dậy tất cả cái phần kiêu hãnh của tính khí Matindơ. Cô đã không gặp được linh mục đơ Frile trước giờ mở cửa các ngục tối ở nhà giam Bơdăngxông; nỗi cuồng nộ của cô trút vào đầu Juyliêng. Cô yêu quý anh, vậy mà, trong suốt mười lăm phút đồng hồ liền, anh thấy lại trong những lời cô rủa sả tính khí anh, Juyliêng, trong những lời hối tiếc đã trót yêu anh, tất cả cái tâm hồn cao ngạo xưa kia đã sỉ vả anh cay độc, trong thư viện của dinh cơ La Môlơ.
- Đáng lẽ trời phải cho em sinh ra kiếp đàn ông, để làm vinh quang dòng dõi của em mới phải, anh nói với cô.
Nhưng còn về phần ta, anh nghĩ, ta sẽ khờ khạo to nếu còn sống thêm hai tháng nữa trong cái nơi kinh tởm này, làm bia cho tất cả những trò đê hèn và sỉ nhục mà phe lũ quý tộc có thể nghĩ ra được, và nỗi an ủi duy nhất là những lời rủa sả của con mẹ điên này... Thôi, sáng ngày kia, ta quyết đấu với một người nổi tiếng là điềm tính và bắn giỏi tuyệt trần... Rất là tuyệt trần, cái phần ma quái nói; bắn không sai phát nào bao giờ.
Thế thì, được rồi, càng tốt chứ sao (Matinđơ trong khi đó vẫn hùng biện). Ờ, không, anh tự nhủ, ta sẽ không chống án.
Quyết tâm như thế rồi, anh trôi vào cuộc mơ màng... Người phát thư, đi ngang qua, sẽ đem lại tờ nhật báo lúc sáu giờ như thường lệ; hồi tám giờ, sau khi ông đơ Rênan đã đọc xong, Êlida, chân đi rón rén, sẽ đem tờ báo đặt lên giường của nàng. Lúc sau, nàng sẽ tỉnh dậy: khi đọc báo, nàng bỗng rối loạn; bàn tay xinh đẹp của nàng sẽ run rẩy; nàng sẽ đọc đến tận những lời này... Lúc mười giờ năm phút, anh đã từ giã cõi đời.
Nàng sẽ khóc nức nở, ta biết rõ nàng lắm; dù ta đã định bụng ám sát nàng, nàng cũng sẽ quên hết. Và con người mà ta đã định triệt bỏ sinh mạng, sẽ là con người duy nhất khóc cái chết của ta một cách chân thành.
A! đây là một hình tượng đối ngẫu! anh nghĩ, và trong một khắc đồng hồ liền Matinđơ dằn vặt anh, anh chỉ nghĩ đến bà đơ Rênan. Trái với ý muốn của anh, và tuy vẫn thỉnh thoảng trả lời Matindơ, anh không làm sao rút được tâm hồn ra khỏi kỷ niệm cái phong ngủ ở Verie. Anh trông thấy tờ báo tin tức của Bơdăngxông trên tấm khăn phủ giường bằng vải tơ mỏng màu da cam. Anh trông thấy bàn tay trắng muốt kia nắm chặt lấy tờ báo mà run bần bật; anh trông thấy bà đơ Rênan khóc... Anh theo vết từng giọt nước mắt chảy trên khuôn mặt dễ thương kia.
Cô đơ La Môlơ, thấy nói với Juyliêng không ăn thua gì, bèn đưa ông trạng sư vào. May sao, đó là một viên đại úy cũ của đạo quân chinh phạt bên Ý, năm 1796, ở đó ông ta đã làm bạn đồng ngũ với Manuyen*.
Ông ta phản đối lấy lệ sự quyết tâm của phạm nhân Juyliêng, muốn đối đãi với ông ta cho có vẻ quý mến, trình bày cho ông ta biết hết mọi lý lẽ của anh.
Kể ra thì người ta cũng có thể nghĩ như ông, cuối cùng ông Pêlix Vanô nói với anh; đó là tên ông trạng sư. Nhưng ông có ba ngày tròn để chống án và bổn phận tôi là hằng ngày trở lại đây. Nếu từ nay đến hai tháng nữa, có một cái núi lửa mở miệng dưới nhà tù thì ông sẽ được thoát. Ông có thể chết bệnh được lắm, ông ta vừa nói vừa nhìn Juyliêng.
Juyliêng bắt tay ông. - Cám ơn ông, ông là một ngươi có lòng tốt. Tôi sẽ nghĩ đến chuyện này.
Và khi Matinđơ sau cùng đi với ông trạng sư, anh cảm thấy mình có nhiều thiện cảm với ông trạng sư hơn với cô.