Tâm lý XH Ai Đã Ăn Hết Những Cây Sing-A Ngày Ấy - Park Wan-suh

Thảo luận trong 'Tủ sách Văn học nước ngoài' bắt đầu bởi nguyenthanh-cuibap, 23/6/19.

  1. nguyenthanh-cuibap

    nguyenthanh-cuibap Cử nhân

    AI ĐÃ ĂN HẾT NHỮNG CÂY SING-A NGÀY ẤY?
    ---❊ ❖ ❊---
    Tác giả: Park Wan-suh
    Dịch thuật: Nguyễn Lệ Thu
    Nhà xuất bản TRẺ
    ---❊ ❖ ❊---
    ebook©vctvegroup
    [​IMG]
    [VCTVEGROUP]
    ---------***---------
    Dù bắt đầu sự nghiệp văn chương một cách khá muộn màng ở tuổi 40, nhưng Park Wan-suh đã cho thấy một khả năng sáng tác sung mãn với khối lượng tác phẩm đồ sộ bao gồm nhiều thể loại như tiểu thuyết, truyện ngắn, tùy bút v.v... và hàng loạt những giải thưởng văn học cao quý của Hàn Quốc như Giải thưởng văn học Lee Sang (1981), Giải thưởng văn học Đại Hàn Dân Quốc (1990), Giải thưởng văn học Di San (1990), Giải thưởng văn học Kim Dong-in (1994), Giải thưởng văn học Daesan (1997), Giải thưởng văn học Manhe (1999), Giải thưởng văn học Hwang Sun-won (2001) v.v... Song hơn hết, đó là tình cảm mến mộ và ngôi vị cao quý của một tác giả nữ hàng đầu trong lòng mọi lứa tuổi độc giả Hàn Quốc. Có lẽ tác giả Park Wan-suh đến với người đọc không chỉ bởi nội dung hay câu chữ trong các cuốn tiểu thuyết của bà, mà hơn thế, đó là những cảm xúc chân thực nhất về cuộc sống, về lịch sử, về sự yên bình và những đau thương giằng xé day dứt trong thẳm sâu tâm hồn của những người dân Hàn Quốc.
    Ai đã ăn hết những cây Sing-a ngày ấy? đã gõ cửa căn phòng, nơi chôn chặt những cảm xúc sâu lắng của mỗi người dân Hàn Quốc, bằng những minh chứng mà không một di tích lịch sử, một thước phim tài liệu, hay những trang ghi chép khô khan nào có thể khắc họa một cách toàn diện được. Đó chính là nỗi buồn, niềm vui, sự âu lo, cơn tuyệt vọng và cả ý chí của con người trước dòng chảy thời gian; là những trải nghiệm chân thực của con người trước những trớ trêu của cuộc sống và hơn hết, đó là vết thương chia cắt vẫn luôn hằn sâu nhức nhối. Tất cả những điều đó chỉ có thể cảm nhận được qua những cảm xúc của người đọc khi đắm chìm vào tác phẩm của Park Wan- suh. Nếu như phần đầu của tác phẩm là tuổi thơ tuyệt vời với những ký ức vô cùng ngọt ngào của tác giả, thì những phần sau lại là những cảm xúc nghẹn ngào, rất khó diễn tả bằng lời. Càng về phần cuối, tác giả lại càng khiến người đọc nhận ra rằng ẩn sau những ký ức lung linh ấy là nỗi niềm bùi ngùi và xót xa vô hạn về số phận của một con người, một gia đình và của cả một dân tộc, khi chỉ có thể thả mình trôi theo định mệnh đã an bài. Những gì tươi đẹp nhất của cuộc sống còn lại chăng chỉ là dư vị của những cây Sing-a, loài cây đã biến mất theo thời gian mà thôi.
    Cho đến tận lúc hoàn thành bản dịch cuối cùng, Ai đã ăn hết những cây Sing-a ngày ấy? vẫn cứ còn khắc khoải mãi trong tôi. Không phải vì tôi chẳng thể trả lời được câu hỏi ấy, mà bởi tôi cảm thấy mình chưa đủ can đảm để chạm tới từng vết đau nhức nhối được gửi gắm trong từng câu chữ ấy. Có lẽ rồi độc giả cũng sẽ giống như tôi: sẽ giữ lại câu trả lời cho riêng mình.
    Ai đã ăn hết những cây Sing-a ngày ấy? của tác giả Park Wan-suh không phải được đọc bằng từ, bằng chữ, mà là bằng cảm xúc. Đó cũng chính là khó khăn lớn nhất của tôi khi truyền tải tác phẩm này sang tiếng Việt. Có một điều mà cho đến giờ và có lẽ mãi mãi sau này nữa, tôi sẽ vẫn còn luôn cảm thấy day dứt mỗi khi nghĩ tới, đó là tác giả của tôi đã không thể chờ đợi thêm. Bà đã ra đi mãi mãi khi tôi còn chưa kịp trao tận tay bà bản dịch bằng tiếng Việt lần đầu tiên này. Sự ra đi của bà là một mất mát lớn lao cho văn đàn Hàn Quốc, còn với tôi, đó là một dấu chấm lửng buồn bã và sâu kín nơi khoảng lặng của riêng tôi. Tôi tự an ủi mình bằng cách ấp ủ những tia hy vọng về ngày cuốn sách được đến tay độc giả. Park Wan-suh không còn xa lạ với độc giả thế giới, nhưng lại hoàn toàn mới mẻ đối với độc giả của đất nước tôi. Song, tôi tin rằng với sự trải lòng của tác giả qua những ký ức chân thực và cảm động ấy, mặc dù sự trải lòng đó vẫn còn nhiều lúc chưa được lấp đầy cảm xúc bởi khả năng hạn chế của người dịch, cuốn sách vẫn sẽ đưa được Park Wan-suh và độc giả Việt Nam lại gần nhau hơn nữa.
    Cuốn sách đã trở thành nguồn an ủi lớn lao đối với tôi trong những năm tháng xa nhà. Cảm ơn người bạn đời và đứa con thân yêu đã luôn luôn ở bên tôi trong những giờ phút chinh phục tác phẩm. Và hơn hết, tôi mong được chia sẻ những cảm xúc lắng đọng và chân thành nhất của riêng tôi với độc giả qua tác phẩm văn học tuyệt vời này.
    Incheon, tháng 7 năm 2011 - Nguyễn Lệ Thu
    [​IMG]
     

    Các file đính kèm:

Chia sẻ trang này