Triết học - Tôn giáo PG Chủ Nghĩa Tự Do Truyền Thống - Ludwig Von Mises

Thảo luận trong 'Phòng đọc trực tuyến' bắt đầu bởi notrinos, 20/6/15.

Moderators: galaxy, teacher.anh
  1. notrinos

    notrinos Lớp 5

    Ludwig von Mises (1881-1973)

    CHỦ NGHĨA TỰ DO TRUYỀN THỐNG
    (1927)


    Phạm Nguyên Trường dịch
    Đinh Tuấn Minh hiệu đính
    Nhà Xuất Bản Tri Thức

    Mục lục

    Lời nhà xuất bản
    Lời giới thiệu, năm 1985
    Lời giới thiệu bản tiếng Anh
    Lời tựa

    DẪN NHẬP

    1. Chủ nghĩa tự do
    2. Phúc lợi vật chất
    3. Chủ nghĩa duy lí
    4. Mục tiêu của chủ nghĩa tự do
    5. Chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa tư bản
    6. Cội nguồn tâm lí của việc bài chủ nghĩa tự do

    1. NHỮNG NỀN TẢNG CỦA CHÍNH SÁCH TỰ DO


    1. Sở hữu
    2. Tự do
    3. Hòa bình
    4. Bình đẳng
    5. Bất bình đẳng về tài sản và thu nhập
    6. Sở hữu tư nhân và đức hạnh
    7. Nhà nước và chính phủ
    8. Chế độ dân chủ
    9. Phê phán thuyết vũ lực
    10. Luận cứ của chủ nghĩa phát xít
    11. Giới hạn hoạt động của chính phủ
    12. Lòng khoan dung
    13. Nhà nước và hành động phản xã hội

    2. CHÍNH SÁCH KINH TẾ TỰ DO

    1. Tổ chức kinh tế
    2. Sở hữu tư nhân và những người phê phán nó
    3. Tư hữu và chính phủ
    4. Chủ nghĩa xã hội là bất khả thi
    5. Chủ nghĩa can thiệp
    6. Chủ nghĩa tư bản: phương thức tổ chức xã hội khả thi duy nhất
    7. Các tập đoàn kinh tế, tập đoàn độc quyền và chủ nghĩa tự do
    8. Quan liêu hóa

    3. CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA CHỦ NGHĨA TỰ DO

    1. Giới hạn của nhà nước
    2. Quyền tự quyết
    3. Nền tảng chính trị của hòa bình
    4. Chủ nghĩa dân tộc
    5. Chủ nghĩa đế quốc
    6. Chính sách thuộc địa
    7. Thương mại tự do
    8. Tự do đi lại
    9. Hợp chủng quốc châu Âu
    10. Hội Quốc liên
    11. Nước Nga

    4. CHỦ NGHÍA TỰ DO VÀ CÁC CHÍNH ĐẢNG

    1. Tính chất "giáo điều" của những người theo trường phái tự do
    2. Đảng phái chính trị
    3. Sự khủng hoảng của chế độ đại nghị và ý tưởng về nghị viện đại diện cho các nhóm đặc biệt
    4. Chủ nghĩa tự do và đảng đòi đặc quyền đặc lợi
    5. Công tác tuyên truyền của đảng và tổ chức đảng
    6. Chủ nghĩa tự do như là "đảng tư bản"

    5. TƯƠNG LAI CỦA CHỦ NGHĨA TỰ DO

    PHỤ LỤC

    1. Tư liệu viết về chủ nghĩa tự do
    2. Bàn về thuật ngữ "chủ nghĩa tự do"
    3. Lời nhà xuất bản (Nga)


    Lời nhà xuất bản

    Ludwig von Mises (1881-1973) là một trong những nhà kinh tế học và chính trị học nổi bật nhất thế kỉ XX. Ông là người đứng đầu, đồng thời là người củng cố và hệ thống Trường phái kinh tế học Áo. Các tác phẩm nổi bật của ông gồm: The Theory of Money and Credit (1912, 1953); Socialism: An Economic and Socialogical Analysis (1922, 1932, 1951); Liberalismus (1927, 1962); Bureaucracy (1944, 1962); Human Action: A Treaty on Economics (1949, 1963, 1966, 1996); Planning for Freedom (1952, 1962, 1974, 1980); Theory and History: An Interpretation of Social and Economic Evolution (1957).

    Bốn mươi năm sau khi von Mises qua đời, tác phẩm đầu tiên của ông – cuốn Liberalismus (chủ nghĩa tự do truyền thống) – được xuất bản bằng tiếng Việt, Phạm Nguyên Trường dịch, Đinh Tuấn Minh hiệu đính. Tên gốc của tác phẩm có nghĩa “Chủ nghĩa tự do” nhưng nhà xuất bản và dịch giả thống nhất lựa chọn tựa đề “Chủ nghĩa tự do truyền thống” nhằm phản ánh đúng tinh thần của von Mises và tránh nhầm lẫn về mặt thuật ngữ. Bởi khái niệm “tự do” hay “chủ nghĩa tự do” hiện nay được sử dụng với rất nhiều nghĩa khác nhau, và trong đó có không ít nghĩa đi ngược khái niệm vốn có của nó, được Mises sử dụng. Qua bản dịch này chúng tôi mong muốn mở con đường để tìm hiểu kĩ hơn về di sản của Mises. Mặc dù có nhiều ý kiến phê phán các quan điểm của ông, song ảnh hưởng của Mises là rất rõ nét đối với tư tưởng kinh tế-xã hội phương Tây thế kỉ XX và XXI.

    Chúng tôi cũng xin lưu ý bạn đọc rằng đây là sách tham khảo, phản ánh hoàn toàn quan điểm của tác giả, chủ yếu dành cho những người làm công tác nghiên cứu. Để đảm bảo tính khách quan cũng như sự tôn trọng tính toàn vẹn của tác phẩm, chúng tôi xin được giới thiệu đầy đủ bản dịch đến bạn đọc. Rất mong bạn đọc cân nhắc khi tiếp nhận quan điểm của tác giả với tinh thần phê phán cần thiết.


    Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

    Lời giới thiệu năm 1985

    Thuật ngữ “chủ nghĩa tự do” có xuất xứ từ tiếng Latin: “liber”, nghĩa là “tự do”, khởi kì thuỷ là để nói đến triết lí tự do. Ở châu Âu, khi tác phẩm này được chấp bút (1927), nó vẫn còn có nghĩa như thế, vì vậy độc giả của nó đã hi vọng là sẽ tìm được ở đây lí giải về triết lí tự do truyền thống. Đáng tiếc là trong mấy chục năm gần đây thuật ngữ “chủ nghĩa tự do” đã có ý nghĩa hoàn toàn khác. Thuật ngữ này đã bị những nhà triết học theo đường lối xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là ở Mĩ, sử dụng để nói về chủ nghĩa can thiệp của chính phủ và những chương trình “nhà nước phúc lợi” của họ. Một trong rất nhiều thí dụ có thể dẫn ra ở đây là ông cựu thượng nghị sĩ Mĩ, Joseph S. Clark con, khi ông này còn làm thống đốc bang Philadelphia, đã mô tả lập trường “tự do” của ông ta bằng những từ như sau:
    Xin làm rõ ngay từ đầu và loại bỏ mọi sự mù mờ vể mặt ngữ nghĩa, người tự do được hiểu là người tin vào việc sự dụng mọi lực lượng của chính phủ nhằm thúc đẩy sự công bằng trong lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội trên bình diện địa phương, bang, quốc gia và quốc tế … Người tự do tin rằng chính phủ là công cụ tốt cho việc phát triển xã hội, người muốn đưa những nguyên tắc của đạo Thiên chúa giáo vào đời sống” (Tờ Atlantic, tháng 7 năm 1953, trang 27)
    Quan điểm như thế về “chủ nghĩa tự do” đã giữ thế thượng phong vào năm 1962, tức là năm tác phẩm này được dịch sang tiếng Anh, Mises tin rằng dịch sát nghĩa tên gọi ban đầu của tác phẩm là Liberalismus có thể sẽ gây ra hiểu lầm. Vì vậy mà ông đề nghị gọi bản tiếng Anh là Cộng đồng tự do và thịnh vượng (The Free and Prosperous Commonwealth). Nhưng năm sau ông quyết định không nhường thuật ngữ “chủ nghĩa tự do” cho các triết gia xã hội chủ nghĩa nữa. Trong lời giới thiệu cho lần xuất bản thứ hai và thứ ba tác phẩm Hành vi của con người, tác phẩm quan trọng nhất của đời ông, Mises viết rằng những người ủng hộ cho triết lí tự do cần phải giành lại “thuật ngữ ‘chủ nghĩa tự do' .. vì đơn giản là không có thuật ngữ nào thể hiện được đúng đắn phong trào trí thức và chính trị vĩ đại đó”, một phong trào dẫn đến nền văn minh hiện đại bằng cách thúc đẩy thị trường tự do, chính phủ hạn chế và tự do cá nhân. Thuật ngữ “chủ nghĩa tự do” được dùng trong tác phẩm này theo nghĩa đó.
    Nhằm giúp những độc giả mới làm quen với các công trình của Ludwig von Mises (1881-1973), xin nói thêm rằng ông đã là người phát ngôn nổi bật của Trường phái kinh tế Áo. Trường phái này được gọi như thế vì Mises và hai vị tiền bối nối tiếng của ông là Carl Menger và Eugen von Behm Bawerk đều là những người sinh trưởng ở nước Áo. Hòn đá tảng của Trường phái kinh tế Áo là lí thuyết về cách đánh giá chủ quan về giá trị hữu dụng cận biên. Lí thuyết này chỉ ra rằng tất cả mọi hiện tượng kinh tế, cả đơn giản lẫn phức tạp, đều là kết quả của những đánh giá mang tính chủ quan của từng cá nhân. Mises giải thích và phân tích phương pháp luận, giá trị, hành vi, giá cả, thị trường, tiền tệ, tập đoàn độc quyền, sự can thiệp của chính phủ, tăng trưởng nóng và sụp đổ kinh tế… trên cơ sở của lí thuyết đánh giá chủ quan đó và đã có những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực tiền tệ và tính toán kinh tế.
    Mises bảo vệ luận án tiến sĩ ở trường đại học tổng hợp Vienna vào năm 1906. Đề tài luận văn của ông, Lí thuyết về tiền tệ và tín dụng, được xuất bản ở Đức vào năm 1912 và ở Anh vào năm 1934, là tác phẩm đầu tiên trong rất nhiều công trình lí thuyết của ông về kinh tế học. Trong giai đoạn giữa hai cuộc thế chiến, ngoài những tác phẩm và bài báo viết về kinh tế, trong đó có tác phẩm tạo được tiếng vang như Chủ nghĩa xã hội, Mises còn là cộng sự của Phòng thương mại Áo (cố vấn về kinh tế cho chính phủ Áo) và giảng dạy bán thời gian tại trường tổng hợp Vienna. Ông còn hướng dẫn những buổi thảo luận của các nhà nghiên cứu kinh tế, nhiều người trong số họ đã trở thành những học giả có ảnh hưởng quốc tế. Năm 1926 ông thành lập Viện nghiên cứu chu kì kinh tế ở Áo, Viện này vẫn còn cho đến ngày nay.
    Ngay sau khi Hitler giành được chính quyền ở Đức, Mises đã nhìn thấy rằng nước Áo sẽ gặp rắc rối. Cho nên năm 1934 ông đã chuyển sang làm việc cho Viện nghiên cứu quốc tế ở Thụy Sĩ. Ở đây, ông bắt đầu chấp bút tác phẩm Nền kinh tế quốc dân (Nationaloekonomie-1940). Mặc dù ở châu Âu xã hội chủ nghĩa quốc gia hồi đó chẳng có mấy người biết tiếng Đức đọc tác phẩm này, nhưng cách lí giải những nguyên lí kinh tế sâu sắc của Mises đã tìm được nhiều độc giả qua bản dịch tiếng Anh, và sau đó được Mises viết lại cho độc giả Mĩ dưới nhan đế Hành vi của con người (Human Action - xuất bản lần đầu năm 1949)
    Nhằm chạy khỏi châu Âu lúc đó đã bị phát xít Hitler chiềm đóng, Mises và vợ đã rời khỏi Thuỵ Sĩ và đến định cư ở Mĩ vào năm 1940. Tiếng tăm của ông đã vang dội ở châu Âu, nhưng ở Mĩ thì chưa mấy người biết. Vì vậy mà ông phải bắt đầu gần như từ con số không. Những tác phẩm bằng tiếng Anh bắt đầu xuất hiện dưới ngòi bút của ông: Chính phủ toàn trí toàn năng và Bộ máy quan liêu, cả hai đều được xuất bản vào năm 1947. Sau đó là tác phẩm Hành vi của con người, một tác phẩm quan trọng nhất của cuộc đời ông, được xuất bản vào năm 1949. Và những tác phẩm khác: Kế hoạch hoá vì tự do (1952), Tâm lí bài tư bản (1952), Lí thuyết và lịch sử (1957), Những nguyên lí căn bản của kinh tế học (1962), lần lượt xuất hiện. Tất cả đều là những tác phẩm cực kì quan trọng về lí thuyết kinh tế.
    Năm 1947 Mises giúp thành lập hội Mont Pelerin Society. Ông giảng dạy tại nhiều trường đại học Mĩ và Mĩ Latin và tiến hành những buổi hội thảo về kinh tế học tại trường đại học tổng hợp New York trong suốt 24 năm. Ông còn là cố vấn cho Hiệp hội các nhà sản xuất quốc gia và Quĩ giáo dục kinh tế.
    Mises nhận được nhiều danh hiệu như: tiến sĩ danh dự của trường các Grove City College (1957), đại học tổng hợp New York (1963),và đại học tổng hợp Freiburg ở Đức (1964). Thành tựu của ông được trường học cũ, tức trường đại học tổng hợp Vienna, công nhận và theo truyền thống châu Âu, trường này đã kỉ niệm lần thứ 50 ngày ông nhận bằng tiến sĩ và “tái” cấp bằng cho ông. Năm 1962, đến lượt chính phủ Áo vinh danh ông. Hiệp hội các nhà kinh tế học Mĩ bầu ông làm hội viên danh dự vào năm 1969.
    Ảnh hưởng của Mises vẫn tiếp tục mở rộng. F. A. Hayek, người học trò nổi tiếng nhất của ông từ những ngày ông còn giảng dạy ở châu Âu, cũng là người từng được giải Nobel về kinh tế học, viết: “Ảnh hưởng của Mises đã vượt qua khuôn khổ cá nhân .... Ngọn lửa mà ông thắp lên đã trở thành ngọn đuốc soi đường cho một phong trào mới, một phong trào ngày càng có thêm sức mạnh”. Còn Giáo sư Israel Kirzner của trường đại học tổng hợp New York, một trong những người học trò nổi tiếng nhất của ông ở Mĩ, thì mô tả ảnh hưởng của ông đối với sinh viên hiện nay như sau: “Sự quan tâm đầy nhiệt tình và hăng hái đang tái xuất hiện đối với trường phái Áo mà ta chứng kiến hiện nay có đóng góp mang tính quyết định của Mises”.
    Mises là một lí thuyết gia sắc bén và rất thận trọng, nhưng ông không phải là lí thuyết gia ngồi trong tháp ngà. Được dẫn dắt bởi lí luận khoa học rằng xã hội tự do với nền kinh tế thị trường là con đường duy nhất đưa đến sự hài hoà và hoà bình cả trong nước lẫn trên trường quốc tế, Mises cảm thấy trách nhiệm phải áp dụng những lí thuyết mà ông trình bày vào lĩnh vực chính sách của chính phủ. Trong tác phẩm Chủ nghĩa tự do, Mises không chỉ giải thích một cách ngắn gọn nhiều hiện tượng kinh tế quan trọng mà còn trình bày một cách rõ ràng quan điểm của ông về chính phủ và vai trò, tuy hạn chế nhưng vô cùng quan trọng, của chính phủ trong việc bảo đảm sự hợp tác của xã hội, chỉ có như thế thì thị trường tự do mới có thể hoạt động được. Quan điểm của Mises vẫn rất mới mẻ và hiện đại và độc giả sẽ thấy rằng ngày hôm nay lí giải của ông vẫn còn nguyên giá trị.
    Thông điệp của Mises: tư tưởng cai trị thế giới, là điệp khúc được nhắc đi nhắc lại trong tất cả các tác phẩm của ông. Nhưng tư tưởng này được thể hiện rõ nhất trong tác phẩm Chủ nghĩa tự do. “Kết quả cuối cùng của cuộc đấu tranh”, giữa chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa toàn trị, “sẽ không được giải quyết bằng vũ lực mà bằng tư tưởng. Chính tư tưởng đưa con người vào các nhóm đấu tranh và đặt vũ khí vào tay họ, tư tưởng quyết định vũ khí sẽ được dùng để chống lại ai và vì ai. Cuối cùng, chính tư tưởng chứ không phải vũ khí sẽ quyết định kết quả”, ông đã viết như thế vào năm 1927.
    Trên thực tế, chính hi vọng giữ cho thế giới không tiếp tục lao vào hỗn loạn và xung đột đã thuyết phục người ta từ bỏ chủ nghĩa can thiệp của chính phủ và chấp nhận chính sách tự do.

    Bettina Bien Greaves Quỹ Giáo dục Kinh Tế, tháng 8 năm 1985.

    Lời giới thiệu bản tiếng Anh

    Trật tự xã hội hình thành từ triết lí của thời Khai Sáng khẳng định vai trò tối thượng của người dân “thường”. Trong vai người tiêu dùng, người dân bình thường trở thành người đưa ra quyết định cuối cùng về việc cái gì sẽ được sản xuất, với số lượng là bao nhiêu, chất lượng như thế nào, ai sản xuất, sản xuất thế nào, sản xuất ở đâu; trong vai người đi bỏ phiếu, người dân bình thường có toàn quyền quyết định đường lối của chính sách quốc gia. Trong xã hội tiền tư bản “ông trùm” là những kẻ có đủ sức buộc những người yếu hơn phải qui phục. Cái cơ chế bị nhiều người chỉ trích của thị trường tự do chỉ để ngỏ duy nhất một con đường dẫn tới thịnh vượng, đấy là phục vụ người tiêu dùng một cách tốt nhất và rẻ nhất có thể. Trong lĩnh vực công việc quốc gia, hệ thống chính phủ đại diện là hệ thống phù hợp nhất với “nền dân chủ” như thế của thị trường tự do. Sự vĩ đại của giai đoạn giữa những cuộc chiến tranh của Napoleon và Chiến tranh thế giới thứ nhất chính là lí tưởng xã hội: tự do buôn bán trong thế giới của những dân tộc hoà bình, một nền tự do mà những người kiệt xuất nhất đang đấu tranh để biến nó thành hiện thực. Đấy là thời đại mà đời sống của người dân được cải thiện với tốc độ chưa từng có. Đấy là thời đại của chủ nghĩa tự do.
    Hiện nay người ta gần như đã quên hết các nguyên tắc của chủ nghĩa tự do thế kỉ XIX rồi. Ở châu Âu lục địa chỉ còn vài người nhớ mà thôi. Ở nước Anh, thuật ngữ “tự do” được đa số người sử dụng nhằm ám chỉ cái cương lĩnh mà thực ra chỉ khác chủ nghĩa toàn trị của những người xã hội chủ nghĩa ở những tiểu tiết. Hiện nay ở Mĩ, từ “tự do” lại được dùng để chỉ một tập hợp các ý tưởng và định đề chính trị trái ngược hẳn với cách hiểu về chủ nghĩa tự do của các thế hệ tiền bối. Người tự do kiểu Mĩ là người ủng hộ chính phủ toàn trí toàn năng, là kẻ thù không đội trời chung của tự do kinh doanh và là kẻ ủng hộ cho kế hoạch hoá mọi mặt của đời sống, tức là ủng hộ chủ nghĩa xã hội. Những người “tự do” này vội vã nhấn mạnh rằng họ phản đối chính sách độc tài của nước Nga không phải là vì tính chất xã hội chủ nghĩa hay cộng sản chủ nghĩa của những chính sách đó mà vì chúng có xu hướng đế quốc chủ nghĩa. Tất cả các biện pháp nhằm tịch thu tài sản của những người giàu có và hạn chế quyền của những người có tài sản đều được coi là tự do và tiến bộ cả. Các cơ quan của chính phủ nắm được quyền lực hầu như không hạn chế, toà án không có quyền phán xét quyết định của họ. Một vài công dân trung thực, những người dám phê phán xu hướng độc tài, bị coi là những kẻ cực đoan, phản động, bảo hoàng về kinh tế và phát xít. Người ta cho rằng đất nước tự do không thể dung thứ hoạt động chính trị của những “kẻ thù xã hội” như thế.
    Đáng ngạc nhiên là ở đây người ta coi những quan điểm này là hoàn toàn của Mĩ và là sự tiếp tục của các nguyên tắc và triết lí của những người định cư đầu tiên (Pilgrim Father) ở Mĩ vào năm 1620, của những người đặt bút kí vào bản Tuyên ngôn độc lập, những tác giả của bản Hiến pháp và tờ Federalist. Chỉ một ít người biết rằng những chính sách được coi là tiến bộ này có xuất xứ từ châu Âu và trong thế kỉ XIX người đại diện tiêu biểu nhất của trường phái này chính là Bismarck, chẳng có người Mĩ nào lại coi chính sách của ông ta là tiến bộ và tự do hết. Chính sách Sozialpolitik của Bismarck xuất hiện vào năm 1881, tức là hơn nửa thế kỉ trước khi bản sao của nó là New Deal của tống thống F.D. Roosevelt được thi hành ở Mĩ. Theo sau sự vùng dậy của Đế chế Đức, hầu hết các nước phát triển, tất cả các nước công nghiệp châu Âu, nơi nhiều nơi ít, đều áp dụng hệ thống làm như là mang lại lợi ích cho quần chúng bằng cách tước đoạt quyền lợi của thiểu số những kẻ “cá nhân chủ nghĩa thâm căn cố đế”. Thế hệ những người đến tuổi bầu cử vào giai đoạn cuối cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất coi việc dựa vào nhà nước là đương nhiên và khinh thường tự do, cho rằng đấy là “định kiến mang tính tư sản”.
    Ba mươi lăm năm trước, tôi đã từng cố gắng viết một tác phẩm ngắn, trình bày tóm tắt những tư tưởng và nguyên tắc của môn triết lí xã hội từng có tên là Chủ nghĩa tự do. Tôi không nghĩ rằng cuốn sách của mình có thể ngăn chặn được những thảm hoạ mà chính sách của các nước châu Âu đang đưa tới. Ước muốn duy nhất của tôi là tạo cơ hội cho một nhóm nhỏ những người ưu thời mẫn thế tìm hiểu mục đích của chủ nghĩa tự do truyền thống và những thành tựu của nó, và bằng cách đó, chuẩn bị cơ sở cho việc tái lập tinh thần tự do sau vụ sụp đổ đang đến gần.
    Ngày 28 tháng 10 năm 1951, Giáo sư J. P. Hamilius từ Luxembourg hỏi nhà xuất bản Gustav Fischeri ở Jena (thuộc lãnh thổ Đức nhưng do quân đội Liên Xô chiếm đóng) để mua một cuốn Chủ nghĩa tự do. Ngày 14 tháng 11 năm 1951 nhà xuất bản trả lời rằng không còn cuốn nào và nói thêm: “Theo quyết định của chính quyền, tất cả các bản in cuốn sách này đều đã bị tiêu huỷ”. Bức thư không nói chính quyền ở đây là nước Đức quốc xã hay nhà nước “dân chủ” Đông Đức.
    Trong những năm kể từ ngày xuất bản tác phẩm Chủ nghĩa tự do tôi đã viết rất nhiều về những vấn đề được nói tới trong tác phẩm này. Tôi đã nghiên cứu nhiều vấn đề mà lúc đó tôi không thể trình bày trong tác phẩm này vì không muốn làm cho độc giả chán nản vì quá dài. Mặc khác, lúc đó tôi đã xem xét một số vấn đề mà hôm nay thấy là không còn quan trọng nữa. Tuy nhiên, chỉ có thể hiểu và đánh giá đúng cách xem xét nhiều vấn đề thuộc về chính sách trong hoàn cảnh kinh tế và chính trị khi tác phẩm này được chấp bút mà thôi.
    Tôi không sửa chữa bất kì điều gì và không can thiệp vào quá trình dịch do tiến sĩ Ralph Raico thực hiện cũng như quá trình biên tập do ông Arthur Goddard tiến hành. Tôi xin cám ơn hai nhà khoa học này vì công sức họ đã bỏ ra để tác phẩm có thể đến tay bạn đọc rộng rãi bằng Anh ngữ.

    Ludwig von Mises, New York, tháng 4 năm 1962.

    Lời tựa

    Tôi cho rằng cuốn sách tương đối mỏng này có tầm quan trọng gấp nhiều lần sức tưởng tượng nếu chỉ nhìn vào độ dày và ngôn ngữ khiêm nhường của nó. Đây là tác phẩm bàn về xã hội tự do, bàn về điều mà hiện nay có thể được gọi là “chính sách” đối nội và đối ngoại cho xã hội như thế; và đặc biệt là bàn về những trở ngại và khó khăn, cả thực tế lẫn tưởng tượng, trên con đường thiết lập và giữ gìn hình thức tổ chức xã hội như thế.
    Trong khi tất cả những vấn đề này đều không có gì đặc biệt thì điều đáng ngạc nhiên là hầu như tất cả những người ủng hộ cho bất kì một hình thức tổ chức kinh tế thay thế nào khác đều không đưa ra được cách lí giải tương tự như thế về những đề nghị của họ. Ngay cả hiện nay, khi càng ngày càng có nhiều người tham gia vào việc cung cấp cho chúng ta những lời phê bình rất chi tiết về chủ nghĩa tư bản và những lời tiên đoán về sự cáo chung không thể nào tránh được của nó thì họ lại tỏ ra kín tiếng đến khó hiểu trong việc “xử lí” những mâu thuẫn hoặc những khó khăn có thể xảy ra trong quá trình vận hành cái hệ thống mà họ bảo vệ hoặc tiên đoán.
    Tuy nhiên, dễ dàng bỏ qua thái độ phớt lờ như thế vì rằng người ta thường gán trách nhiệm cho những người đáng ra là không phải chịu. Lên án Marx, đây là thí dụ dễ gặp nhất, rằng trong Tư bản luận, ông ta không chỉ ra được cách thức hoạt động cụ thể của xã hội xã hội chủ nghĩa, là việc làm không thể chấp nhận được; vì tác phẩm này nhằm đúng mục tiêu mà nó được trù liệu: nghiên cứu với tinh thần phê phán hoạt động của chủ nghĩa tư bản như Marx mường tượng. Lên án Mises vì trong tác phẩm Chủ nghĩa xã hội ông đã không thảo luận những nguyên tắc của hệ thống tự do cạnh tranh cũng là việc làm vô nghĩa như thế. Điều quan trọng là Mises đã dành hẳn một cuốn sách để thảo luận bài toán này trong khi Marx thì không bao giờ làm như thế. Đấy là tác phẩm mà Marx không thể viết, còn những đồ đệ của ông cũng như những người phê phán chủ nghĩa tự do thì không thèm viết.
    Nhưng giá trị thực sự của tác phẩm này không nằm ở ý nghĩa hạn hẹp và còn nhiều tranh cãi đó, nó có tính chất xây dựng và quan trọng hơn nhiều. Dù ngắn gọn, nhưng tác phẩm cố gắng giải đáp hàng loạt vấn đề, đánh tan những mối ngờ vực và lầm lẫn mà nhiều người gặp phải khi họ tìm cách giải quyết những vấn đề kinh tế, xã hội, tình cảm còn nhiều tranh cãi. Ưu điểm đặc biệt của nó là đối với mọi vấn đề được bàn thảo Mises đều đưa ra được những nhận thức thấu triệt và những quan điểm để người ta có thể lựa chọn, và đấy là điều rất bổ ích.
    Vì chắc chắn là độc giả muốn tìm hiểu ngay những vấn đề đó cho nên tôi sẽ không đưa những nhận xét riêng của cá nhân mình, ngoại trừ một vài suy nghĩ bắt buộc phải có. Thay vào đó chúng ta sẽ lựa ra những câu hỏi và những ý kiến sẽ nảy ra trong tâm trí độc giả khi họ xem xét những vấn đề còn gây tranh cãi được Mises nói đến ở đây và đáng được người đọc chú ý. Để tiện cho việc theo dõi, xin liệt kê chúng theo trình tự như được trình bày trong tác phẩm.
    1. Hệ thống thị trường tự do đã tồn tại trong một thời gian dài, nhưng cũng đã chứng tỏ rằng đây là hệ thống kém hiệu quả.
    2. Chủ nghĩa tự do bị phê phán vì chỉ tập trung chú ý vào ước muốn gia tăng sản xuất và thoả mãn nhu cầu vật chất và bỏ qua những đòi hỏi về mặt tinh thần của người dân.
    3. Vì không phải lúc nào người ta cũng hành động một cách hoàn toàn hợp lí, có lẽ đối với một số vấn đề nên tin vào trực giác, xung lực và cái gọi là “tâm thức” thì sẽ tốt hơn là lí luận chặt chẽ?
    4. Không thể phủ nhận sự kiện là chủ nghĩa tư bản thực chất là hệ thống có lợi cho người giàu và những người có tài sản và bất lợi cho những tầng lớp khác.
    5. Tại sao lại phải bảo vệ cái hệ thống xã hội không tạo điều kiện cho mỗi người thực hiện ước mơ của người đó hay giành được kết quả mà anh ta cống hiến?
    6. Quyền tư hữu tư liệu sản xuất có phải là món đồ lỗi thời trong cái “đồ thừa” của thời đã qua mà những những người cảm thấy khó chấp nhận và khó thích nghi với những điều kiện đã thay đổi phải mang trên lưng hay không?
    7. Tự bản chất, nền kinh tế thị trường cạnh tranh, trong trường hợp tốt nhất, có chống lại nền hoà bình giữa các dân tộc và trong trường hợp xấu nhất, có gây ra chiến tranh hay không?
    8. Lấy gì biện hộ cho cái hệ thống kinh tế-xã hội gây ra quá nhiều bất công trong thu nhập và tiêu thụ đến như thế?
    9. Nếu để chủ nghĩa thực dụng sang một bên thì về mặt đạo đức, ta có thể biện hộ cho quyền sở hữu tư nhân được hay không?
    10. Chống lại chủ nghĩa can thiệp của nhà nước, chủ nghĩa tự do có vô tình biện hộ cho một số biểu hiện của tình trạng vô chính phủ hay không?
    11. Chưa có gì chứng tỏ rằng xã hội dân chủ và ổn định lại dễ dàng trở thành hiện thực trong hệ thống lập kế hoạch và ra quyết định phi tập trung hơn là trong nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung.
    12. Vì sao lại cho rằng xã hội tư bản nhất định sẽ có thái độ khoan dung đối với bất đồng chính kiến hơn là xã hội xã hội chủ nghĩa?
    13. Chủ nghĩa tư bản tạo ra và tiếp tục bảo vệ địa vị ăn trên ngồi trốc cho “giai cấp ăn không ngồi rồi”, những kẻ nắm được nguồn lực nhưng không làm và không có đóng góp gì đáng kể đối với xã hội.
    14. Quyền tư hữu có có thể tốn tại lâu như thế là vì nó được nhà nước bảo vệ; thực ra, như Marx khẳng định, nhà nước chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là bảo vệ quyền tư hữu.
    15. Luận cứ cho rằng chủ nghĩa xã hội không thể hoạt động được vì nó không có phương tiện để thực hiện những tính toán kinh tế cần thiết là luận cứ rất đáng quan tâm, nhưng có chứng cớ cụ thể hay không?
    16. Giả thiết cho rằng việc can thiệp của chính phủ vào hoạt động của doanh nghiệp tư nhân nhất định sẽ dẫn đến lệch lạc và vì vậy mà có tính phá hoại cũng là giả thiết hay, nhưng có thể chứng minh bằng thí dụ cụ thể rằng điều đó chắc chắn sẽ xảy ra hay không?
    17. Không phụ thuộc vào những bằng chứng chứng tỏ rằng những hệ thống được đề nghị nhằm thay thế cho chủ nghĩa tư bản đều thua kém hơn, có những lí do trực tiếp và chắc chắn biện hộ cho hệ thống tự do kinh doanh hay không?
    18. Muốn hoạt động được, tất cả các hệ thống tự do cạnh tranh đều cần phải có rất nhiều công ti nhỏ, liên tục cạnh tranh với nhau, liệu hệ thống đó có teo đi khi các đại công ti và các cơ sở độc quyền phát triển hay không?
    19. Vì ban quản trị các công ti lớn cũng có xu hướng trở thành bộ máy quan liêu, việc đặt bộ máy kiểm soát tư nhân đối lập với bộ máy quản lí công cộng có phải là vấn đề giả tạo hay không?
    20. Có phải là trong chế độ tự do việc phối hợp giữa chính sách đối nội và đối ngoại dễ thực hiện hơn và nhất quán hơn là trong các hệ thống khác hay không?
    21. Có phải sự tồn tại và việc bảo vệ quyền sở hữu tư nhân là cản trở chứ không phải là tác nhân cho việc giành và giữ hoà bình và sự thông cảm giữa các dân tộc hay không?
    22. Có vẻ như rõ ràng là chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa thuộc địa và chủ nghĩa đế quốc chỉ có thể xuất hiện trong chế độ tư bản chủ nghĩa.
    23. Quyền lợi ích kỉ của các doanh nghiệp tư nhân là trở ngại chính cho sự luân chuyển một cách tự do hơn hàng hoá và con người giữa các vùng trên thế giới.
    24. Vì là người đại diện và cổ vũ cho quyền lợi đặc biệt của một giai cấp – giai cấp những kẻ nắm được các nguồn lực hay giai cấp tư sản - Chủ nghĩa tự do đã có một sai lầm chiến thuật ngớ ngẩn nghiêm trọng khi không tự mình tạo ra một chính đảng và không theo đuổi mục tiêu của mình bằng cách thoả hiệp và phù hợp với thủ đoạn chính trị.
    Bất cứ ai từng có điều kiện quan sát một cách trực tiếp cách thức những quan điểm có sẵn trong đầu, những nửa sự thật và những “giá trị” dường như hiển nhiên thường ngăn cản, không cho người ta xem xét một cách toàn diện và công bằng đối với những quan điểm xa lạ hoặc những quan điểm làm cho người ta khó chịu trong môn kinh tế học sẽ nhận ra ngay nhiều điểm vừa được liệt kê. Câu trả lời của Mises cho mỗi điểm vừa nêu sẽ giúp độc giả bình thường (và những người mới bắt đầu nghiên cứu) có một cái nhìn toàn diện hơn đối với những vấn đề xã hội và lí giải được những mối ngờ vực của chính mình. Dễ hiểu vì sao Đông Đức lại cấm tác phẩm này – như Mises nhắc tới trong phần giới thiệu – và đấy là một bằng chứng nữa, tuy người ta không cố ý, chứng tỏ rằng đây là tác phẩm quan trọng.
    Cuối cùng, xin được bình luận ngắn về hai điểm nữa. Điểm thứ nhất đã được nhắc lại nhiều lần trong tác phẩm, nhưng được nói trong ngữ cảnh rất phức tạp và ở những chỗ cách xa nhau cho nên độc giả có thể không nhận ra tính phổ biến và vai trò quan trọng của nó.
    Ý tưởng này - một ý tưởng cực kì quan trọng trong lập luận của Chủ nghĩa tự do chân chính - đấy là thường thường ta phải làm cái mà Mises gọi là “hi sinh tạm thời”, một việc làm cực kì cần thiết và hữu ích. Giành ngay những lợi ích trước mắt, tuy có vẻ là việc làm hấp dẫn, những sẽ là việc làm ngu xuẩn, nếu trong khi làm như thế ta tự tước mất lợi ích lớn hơn nhiều lần trong tương lai; tức là tước mất cái lợi ích lớn đến mức có thể bù đắp được lợi ích hiện tại và những phiền phức trong quá trình chờ đợi.
    Dĩ nhiên là ít người khôn ngoan, trong khi “tính toán” với những điều kiện như thế, lại ngả về phía lợi ích trước mắt. Nhưng đấy chính là khó khăn lớn nhất, không phải lúc nào người ta cũng tính toán một cách thận trọng, họ cũng không được khuyến khích phải làm như thế. Sai sót như thế thường xảy ra trong những hoàn cảnh rất khác nhau và không chỉ xảy ra với những công dân hay người tiêu thụ “bình thường”. Nó có thể xảy ra với những doanh nhân săn tìm lợi nhuận ngắn hạn hoặc lợi thế tương đối; nó có thể xảy ra với những nhà làm luật ủng hộ cho việc nâng ngay lập tức tiền tương tối thiểu, trả bảo hiểm xã hội, đặt ra thuế xuất nhập khẩu và các loại thuế khoá khác; nó có thể xảy ra với những nhà kinh tế học khuyến cáo nới lỏng tín dụng hoặc tái phân phối thu nhập; và biết bao nhiêu người khác nữa. Trên thực tế, tìm ra những thí dụ nữa trong tác phẩm và đặc biệt là trong khi suy nghĩ về những vấn đề và những cuộc tranh luận hiện nay sẽ là một bài tập tuyệt vời đối với độc giả tập sách này.
    Cuối cùng, xin được nói đôi lời về tên gọi của tác phẩm. Cuốn sách này được xuất bản lần đầu vào năm 1927, với nhan đề Chủ nghĩa tự do và là tác phẩm bổ xung, như đã nói bên trên cho tác phẩm của Mises viết về chủ nghĩa xã hội. Sự kiện là khi dịch tác phẩm này trong tiếng Anh người ta đã muốn hoặc thấy cần phải đổi tên thành Xã hội thịnh vượng và tự do (Free and Prosperous Commonwealth), đã thể hiện rõ điều mà tôi tin là bi kịch trong lịch sử tri thức: đánh tráo thuật ngữ Chủ nghĩa tự do.
    Vấn đề không chỉ là thuật ngữ, cũng không thể coi nó là một thí dụ đơn giản của sự thoái hoá ngôn ngữ - thường gọi là entrôpi từ ngữ - ý nghĩa và giọng điệu cũ biến mất cùng với thời gian. Ở đây chúng ta bắt gặp không chỉ sự mất giá của thuật ngữ, dù thuật ngữ ấy có quan trọng đến mức nào. Đây là vấn đề có ý nghĩa cực kì quan trọng cả về tri thức lẫn thực tiễn.
    Trước hết, từ “tự do” (liberal) có nguồn gốc từ nguyên rõ ràng, thể hiện trong lí tưởng về tự do cá nhân. Nó còn có gốc gác mang tính lịch sử đầy giá trị trong truyền thống và kinh nghiệm, cũng như được kế thừa di sản văn hoá sâu rộng trong những lĩnh vực như triết học xã hội, tư tưởng chính trị, văn học v.v.. Vì lí do đó và nhiều lí do khác nữa, thật không thể tưởng tượng được rằng quan điểm mà tác phẩm này trình bày lại không có độc quyền và tư thế không thể tranh cãi để tự nhận danh hiệu là Tự do.
    Nhưng, mặc cho tất cả những điều đã trình bày, thuật ngữ Chủ nghĩa tự do, sau khi ra khỏi thế kỉ XIX và vượt qua Đại Tây Dương, đã mang một ý nghĩa khác, không phải khác một chút mà là trái ngược hoàn toàn với ý nghĩa vốn có của nó! Kết quả là người ta đã lầm lẫn và mơ hồ đến nỗi ngay cả khi có hẳn một kế hoạch thì cũng khó mà tưởng tượng nổi làm sao mà nội dung và ý nghĩa của nó lại có thể bị xuyên tạc đến mức như vậy.
    Nhưng đáng buồn nhất là hai điểm sau đây. Thứ nhất, đấy là sự đồng thuận đáng kinh ngạc của những hậu duệ chính hiệu của chủ nghĩa tự do không chỉ trong việc để cho thuật ngữ này tuột khỏi tay mình mà trên thực tế còn khước từ nó bằng cách sẵn sàng sử dụng nó như một từ thoá mạ những người có cảm tình với đảng xã hội chủ nghĩa, thế mà thuật ngữ phù hợp hơn với họ đã tồn tại từ trước rồi. So với nó thì câu chuyện ngụ ngôn về con lạc đà và túp lều còn có vẻ nhẹ nhàng hơn.
    Thứ hai, là việc đánh mất thuật ngữ “Chủ nghĩa tự do” đã buộc người ta phải sử dụng một số thuật ngữ thay thế hoặc những cách nói quanh co như “người tự do” (libertarian), “Chủ nghĩa tự do thế kỉ XIX (nineteenth century liberalism) hay Chủ nghĩa tự do “cổ điển” ("classical" liberalism). Liệu có ai đã tuyên bố rằng mình là người thuộc phái tự do “tân-cổ điển” vừa nảy nòi ra hay không?
    Chả lẽ chúng ta đã vĩnh viễn đánh mất thuật ngữ chủ nghĩa tự do rồi ư? Trong phần phụ lục cho nguyên bản tiếng Đức (có đưa vào bản dịch này), Mises đã bàn về ý nghĩa của thuật ngữ và nói đến khả năng tái lập lại ý nghĩa cũ cho nó. Nhưng vào năm 1962, trong lời giới thiệu tác phẩm, có vẻ như ông đã không còn bất kì hi vọng nào nữa.
    Tôi không nghĩ như thế. Vì, cho dù có nói thế nào đi nữa thì Chủ nghĩa tự do vẫn là của chúng ta, tôi tin là chúng ta có trách nhiệm khôi phục lại ý nghĩa ban đầu của nó, ít nhất thì đấy cũng là vấn đề nguyên tắc. Nhưng còn có những lí do khác nữa. Thứ nhất, như Mises từng chỉ ra, Chủ nghĩa tự do có ý nghĩa rộng hơn là tự do kinh tế, đây là thuật ngữ cần thiết vì nó là thuật ngữ phù hợp nhất và thể hiện được rõ nhất bản chất của vấn đề. Ngoài ra, để có thể nói chuyện một cách cởi mở và thẳng thắn với dân chúng - sự ủng hộ của họ là yếu tố cực kì quan trọng - chúng ta cần một thuật ngữ đơn giản và dễ hiểu chứ không phải là một từ mới “khó lọt tai” đối với người bình dân. Hơn nữa, thời đại và hoàn cảnh đang có nhiều thuận lợi – dân chúng đang ngày càng bất mãn với những hành động can thiệp của chính phủ và nhận thức về quyền tự do lựa chọn của cá nhân có thể sẵn sàng đồng nhất với một cái tên vốn được mọi người tôn trọng và bao bao hàm được trọn vẹn ý nghĩa của tự do.
    Muốn giành lại tên, chúng ta phải làm gì? Chắc chắn là chúng ta phải phuc hồi lại chính quá trình mà chúng ta đã đánh mất nó. Trước hết là không sử dụng nó theo nghĩa sai kia nữa, sau đó là tái khẳng định ý nghĩa đúng đắn của nó (thuật ngữ này vẫn đang được sử dụng ở một số nơi trên thế giới). Và cuối cùng là không cho những kẻ không có quyền sử dụng thuật ngữ này tiếp tục chiếm đoạt nó, họ phải tìm một nhãn hiệu phù hợp với quan điểm của họ cũng như Chủ nghĩa tự do là tên gọi phù hợp với chúng ta vậy.
    Một số người cảm thấy băn khoăn một cách vô lí về việc nhập nhằng không thể tránh khỏi của các học thuyết – tôi ngờ rằng đấy một phần là do trước đây chúng ta đã rời khỏi lều của mình một cách vội vã – nhưng đấy là cái giá mà bây giờ chúng ta phải trả. Thứ nhất, hiện nay sự nhập nhằng cũng vẫn còn, nhưng tạm thời thì điều đó có thể chấp nhận được. Ngoài ra, sự nhập nhằng làm cho cả hai bên đều cảm thấy khó chịu, bên kia cũng phải trả giá và có thể lần này sự bất tiện sẽ làm cho con lạc đà rút lui.
    Như vậy là, lần in này đã trở lại với tên gọi ban đầu của tác phẩm. Hi vọng rằng những người kia cũng đồng tình sử dụng thuật ngữ này mà không cần phải xin lỗi hay giải thích gì hết – không cần bất kì cái gì như thế cả - để cho Chủ nghĩa tự do trở về với ý nghĩa đúng đắn và phù hợp với truyền thống của nó.

    Louis M. Spadaro
    Đại học tổng hợp Fordham, Tháng 8 năm 1977

     
    Chỉnh sửa cuối: 3/7/15
    banycol, Zhiqiang, tamchec and 5 others like this.
  2. notrinos

    notrinos Lớp 5

    Dẫn Nhập

    1. Chủ nghĩa tự do

    Các nhà triết học, xã hội học và kinh tế học thế kỷ XVIII và đầu thế kỉ XIX đã trình bày có hệ thống một cương lĩnh chính trị, dùng làm kim chỉ nam cho chính sách xã hội, đầu tiên là ở Anh và Mĩ, sau đó là trên toàn lục địa châu Âu, và cuối cùng lan rộng ra tất cả những khu vực có người ở trên thế giới. Song nó chưa được thực hiện một cách trọn vẹn ở bất cứ đâu. Ngay cả ở Anh, đất nước được coi là quê hương của chủ nghĩa tự do và là đất nước tự do mẫu mực, những môn đệ của chính sách tự do cũng chưa bao giờ thực hiện được tất cả các đòi hỏi của mình. Ở những nước còn lại, chỉ một phần cương lĩnh tự do được chấp nhận, còn những phần khác, vốn có ý nghĩa không kém, hoặc bị từ chối ngay từ đầu hoặc là bị từ bỏ sau một thời gian áp dụng. Phải có một chút cường điệu thì ai đó mới có thể nói rằng thế giới đã từng trải qua thời đại tự do. Chủ nghĩa tự do chưa bao giờ được hưởng thành quả trọn vẹn.
    Mặc dù chủ giữ thế thượng phong trong những giai đoạn ngắn ngủi và trong những khu vực hạn chế, những tư tưởng tự do cũng đủ sức làm thay đổi toàn bộ bộ mặt của thế giới. Kinh tế đã phát triển vượt bậc. Việc giả phóng sức lao động đã nâng mức sống của con người lên gấp mấy lần trước đây. Trước chiến tranh [Thế chiến I] (chính cuộc chiến này cũng là kết quả của cuộc đấu tranh khốc liệt và lâu dài nhằm chống lại các tư tưởng tự do và báo hiệu những cuộc tấn công còn khốc liệt hơn vào những nguyện lí của tự do), thế giới đã có mật độ dân cư cao chưa từng thấy. Sự thịnh vượng mà chủ nghĩa tự do tạo ra đã làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, một tai họa khủng khiếp của những thời đại trước, và việc cải thiện điều kiện sống đã dẫn đến kết quả là tuổi thọ trung bình của người dân đã tăng lên.
    Sự thịnh vượng không chỉ đến với gia tầng những kẻ đặc quyền đặc lợi. Trước chiến tranh [Thế chiến I], công nhân các nước công nghiệp ở châu Âu và Mĩ cũng như ở những nước thuộc địa của Anh đã sống trong những điều kiện thuận lợi hơn và sang trọng hơn tất cả những ông hoàng bà chúa trước đó chưa lâu. Người công nhân không chỉ có thể ăn uống đầy đủ mà còn có thể tham gia vào đời sống trí tuệ và văn hóa của đất nước; và anh ta có thể nâng cao được địa vị xã hội của mình, nếu có đủ tài năng và nhiệt huyết. Ở những nước tiến xa nhất trong việc áp dụng cương lĩnh tự do, thành phần chính của đỉnh kim tự tháp xã hội lại không phải là những người được hưởng đặc quyền đặc lợi nhờ được kế thừa tài sản hoặc địa vị của cha mẹ mà là những người, trong những điều kiện thuận lợi, biết dùng sức mạnh của mình để vượt qua những hoàn cảnh khó khăn và tiến lên. Hàng rào ngăn cách chủ nhân và nô lệ trong các thế kỉ trước đã sụp đổ. Chỉ còn lại những công dân bình quyền. Không ai cản trở ai, không ai bị truy bức vì lí do sắc tộc, quan điểm hay tôn giáo. Không còn những vụ khủng bố vì lí do chính trị và tôn giáo nữa, chiến tranh giữa các nước cũng ít dần đi. Những người lạc quan đã nói tới bình minh của thời đại hòa bình vĩnh cửu.
    Nhưng rồi tình hình đã xoay theo chiều hướng khác. Trong thế kỉ XIX đã xuất hiện một loạt những người chống đối mạnh mẽ và quyết liệt chủ nghĩa tự do. Họ đã quét sạch phần lớn thành quả mà những người tự do đã giành được. Hiện nay, thế giới không còn muốn nghe về chủ nghĩa tự do nữa. Bên ngoài nước Anh, thuật ngữ Chủ nghĩa tự do đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Còn bên trong nước Anh, chắc chắn là vẫn còn "những người tự do", nhưng đã phần đấy chỉ là tên gọi. Trên thực tế, họ chính là những người xã hội chủ nghĩa ôn hòa. Hiện nay, bất kì đâu, quyền lực chính trị cũng đều nằm trong tay các đảng phái có tư tưởng bài chủ nghĩa tự do. Cương lĩnh của các đăng phái bài chủ nghĩa tự do đã tháo cũi xổ lồng những lực lượng gây ra cuộc Đại chiến vừa qua, và bằng cách đặt ra hạn ngạch xuất nhập khẩu, thuế quan, hạn chế nhập cư và những biện pháp tương tự, những lực lượng này đã đưa các dân tộc trên thế giới vào tình trạng bế quan tỏa cảng lẫn nhau. Còn trong mỗi nước, cương lĩnh này đã dẫn đến những cuộc thử nghiệm theo đường lối xã hội chủ nghĩa mà kết quả là năng suất lao động giảm, nghèo đói gia tăng. Tất cả những ai không cố tình nhắm mắt trước hiện thực đều phải công nhận rằng ở đâu họ cũng nhìn thấy tín hiệu của một thảm họa kinh tế thế giới đang đến gần. Tư tưởng bài chủ nghĩa tự do đang dẫn nền văn minh đến một vụ sụp đổ toàn diện.
    Đọc lịch sử và tìm hiểu xem các chính khách theo đường lối tự do ủng hộ những chính sách nào, và họ đã giành được những gì, chưa thể cho ta biết chính xác chủ nghĩa tự do là gì, và nó nhắm đến những mục tiêu nào. Vì chưa có ở đâu chủ nghĩa tự do thực hiện được trọn vẹn cương lĩnh của mình.
    Cương lĩnh và hành động của các đảng hiện nay tự gọi là tự do cũng không giúp chúng ta hiểu rõ được bản chất của chủ nghĩa tự do chân chính. Như đã nói ở trên, ngay cả ở nước Anh, cái được gọi là chủ nghĩa tự do ngày nay làm người ta nhớ đến phong trào Tori và chủ nghĩa xã hội hơn là cương lĩnh của những người ủng hộ tự do thương mại xưa kia. Nếu những người theo trường phái tự do mà lại cho rằng quốc hữu hóa đường sắt, hầm mỏ và những xí nghiệp khác, thậm chí ủng hộ những sắc thuế mang tính bảo hộ là phù hợp với quan điểm của mình thì ta có thể dễ dáng nhận thấy chủ nghĩa tự do chỉ còn là một cái tên mà thôi.
    Hiện nay, nghiên cứu trước tác của những người sáng lập vĩ đại của phong trào cũng chưa thể giúp ta hiểu được tất cả các tư tưởng của chủ nghĩa tự do. Chủ nghĩa tự do không phải là một học thuyết đã hoàn chỉnh hay một giáo điều bất di bất dịch. Ngược lại: đấy chính là áp dụng lý thuyết khoa học vào đời sống xã hội của con người. Cũng như kinh tế học, xã hội học không dậm chân tại chỗ kể từ thời của David Hume, của Adam Smith, David Ricardo, Jeremy Bentham và Wilhelm Humboldt, học thuyết của chủ nghĩa tự do hiện nay cũng khác với ngày đó, mặc dù những nguyên lý nền tảng thì không thay đổi. Đã nhiều năm nay chưa có ai đưa ra được một tác phẩm ngắn gọn bàn về bản chất của học thuyết này. Đó có thể là lí do chính đáng cho việc ra đời tác phẩm mà bạn đọc đang cầm trên tay.

    2. Phúc lợi vật chất

    Chủ nghĩa tự do là học thuyết nói về hành vi của con người trong thế giới này. Nói cho cùng, nó không có mục đích nào khác ngoài việc gia tăng phúc lợi về mặt vật chất của con người; nó không quan tâm đến những nhu cầu nội tâm, tinh thần và siêu hình học của con người. Nó không hứa hẹn mang đến cho con người hạnh phúc hay an lạc, nó chỉ mang đến sự thỏa mãn tối đa những ước muốn [có thể thỏa mãn được] bằng vật chất của thế giới ngoại tại mà thôi.
    Thái độ hoàn toàn mang tính vật chất và ngoại tại của chủ nghĩa tự do đối với tất cả những gì được coi là trần tục và phù du thường bị phê phán. Cuộc đời con người, như người ta vẫn nói, đâu chỉ có ăn uống. Có nhu cầu cao cả và quan trọng hơn thức ăn, nhà ở và quần áo mặc. Ngay cả những kho đụn [chứa của cải] lớn nhất thế giới cũng không đem lại cho con người hạn phúc; chúng chỉ làm cho tâm hồn con người bất an và trống rỗng mà thôi. Sai lầm lớn nhất của chủ nghĩa tự do là không cung cấp cho con người những khát vọng cao quý và sâu sắc hơn.
    Nhưng những người nói như thế chỉ chứng tỏ rằng họ có một quan điểm rất không đúng và hoàn toàn mang tính vật chất về những nhu cầu sâu sắc và cao quý đó. Chính sách xã hội, với những phương tiện mà nó nắm trong tay, chỉ có thể làm cho con người trở nên giàu hay nghèo, chứ không bao giờ có thể làm cho họ hạnh phúc hay thỏa mãn được những khao khát nội tâm. Trong lĩnh vực này, tất cả các phương tiện vật chất đều là con số không. Tất cả các chính sách xã hội đều chỉ có thể làm được một điều, đấy là loại bỏ những nguyên nhân đau khổ bên ngoài. Nó có thể thúc đẩy cái hệ thống cung cấp thức ăn cho người đói, quần áo cho người thiếu mặc, nhà ở cho kẻ vô gia cư. Còn hạnh phúc và an lạc lại không phụ thuộc vào thức ăn, quần áo và nhà ở; mà trên hết, phụ thuộc vào những gì người ta ấp ủ trong lòng. Chủ nghĩa tự do chỉ quan tâm tới sự thịnh vượng về mặt vật chất của con người không phải bởi nó coi thường những đòi hỏi về mặt tinh thần mà vì nó tin rằng phương tiện bên ngoài không thể nào đụng chạm đến được những điều sâu sắc và cao cả nhất trong tâm hồn con người. Nó tìm cách để tạo ra sự thịnh vượng về mặt vật chất vì biết rằng kho báu tâm hồn, kho báu nội tâm của con người chỉ có thể xuất phát từ trái tim. Nó không có mục đích nào khác ngoài việc tạo ra tiền đề ngoại tại cho việc phát triển đời sống tinh thần của con người. Và không nghi ngờ gì rằng một người tương đối phát đạt trong thế kỷ XX có thể dễ dàng thỏa mãn những đòi hỏi về mặt tinh thần hơn một người sống trong thế kỉ X, tức là một người luôn phải lo tìm cái ăn để sống hoặc thoát được sự đe dọa của kẻ thù.
    Dĩ nhiên là nếu những người, chẳng hạn thuộc các giáo phái châu Á và Thiên Chúa thời Trung cổ, theo đuổi dòng tu khổ hạnh và những người theo lý tưởng chấp nhận nghèo khổ nhưng được tự do như chim trời hay cá biển phê phán thái độ của chủ nghĩa tự do thì chúng ta chịu, không thể nào trả lời. Chúng ta chỉ có thể xin họ cho chúng ta đường ai nấy đi, cũng như chúng ta sẽ không cản trở họ tìm kiếm thiên đường theo cách của họ, cứ để họ sống thanh bình trong những cái am nhỏ, cách biệt với thế giới của đồng loại.
    Tuyệt đại đa số những người cùng thời với chúng ta đều không chấp nhận lý tưởng khổ hạnh. Nhưng khi đã không chấp nhận sống cuộc đời khổ hạnh thì cũng không được phê phán chủ nghĩa tự do vì nó chỉ nhắm đến mục tiêu vật chất bên ngoài.

    3. Chủ nghĩa duy lí

    Chủ nghĩa tự do còn bị phê phán là duy lí nữa. Nó muốn điều chỉnh mọi thứ trên đời một cách duy lí, và như vậy nó không công nhận rằng trong công việc của con người, tình cảm, và nói chung những điều không thể hiểu bằng lí tính, có, và đúng ra là phải có, vai trò quan trọng.
    Chủ nghĩa tự do công nhận rằng đôi khi người ta cũng hành động một cách thiếu khôn ngoan. Nhưng nếu lúc nào con người cũng hành động một cách hợp lí thì đã không cần kêu gọi họ sử dụng lí trí. Chủ nghĩa tự do không nói rằng lúc nào người ta cũng hành động một cách thông minh, mà nói rằng họ nên luôn luôn hành động một cách thông minh trong phạm vi hiểu biết và quyền lợi chính đáng của mình. Bản chất của chủ nghĩa tự do là tìm cách làm cho người ta thừa nhận lí trí trong lĩnh vực chính sách xã hội, cũng như nó đã được thừa nhận vô điều kiện trong bất kì lĩnh vực nào của con người.
    Nếu một người được bác sĩ khuyên là nên sống một cách hợp lí - tức là sống hợp vệ sinh - mà trả lời: "Tôi biết rằng lời khuyên của ông là hợp lí, nhưng xúc cảm lại ngăn cản tôi làm theo. Tôi muốn làm những việc có hại cho sức khỏe của mình, mặc dù đấy có thể là phi lí", thì chắc chẳng ai có ý kiến gì được nữa. Để đạt những mục tiêu đề ra, dù làm gì thì ta cũng đều cố làm một cách hợp lí. Một người muốn băng qua đường sắt sẽ không chọn đúng lúc đoàn tàu đang lao tới để bước. Người khâu cúc áo sẽ cố gắng tránh kim đam vào tay. Trong bất cứ lĩnh vực hoạt động nào, con người cũng đã phát triển được kĩ thuật hoặc công nghệ hướng dẫn họ cách thức hành động nếu họ không muốn trở thành những kẻ ngớ ngẩn. Mọi người đều công nhận rằng làm người ai cũng phải học những thứ kĩ thuật cần dùng trong cuộc đời, còn người bước vào lĩnh vực mà anh ta mù tịt về mặt kĩ thuật thì bị chế giễu là vụng về.
    Chỉ có trong lĩnh vực chính sách xã hội người ta mới nghĩ rằng mọi việc phải làm khác đi. Ở đây, không phải là lí trí mà là tình cảm và lòng nhiệt tình mới là quyết định. Câu hỏi: sắp xếp đồ vật thế nào để trong nhà luôn sáng sủa nói chung thường được thảo luận bằng những lí lẽ thông thái. Nhưng nếu chuyển sang vấn đề nhà máy sản xuất bóng đèn nên để cho tư nhân hay chính quyền quản lí thì lí lẽ lại không còn giá trị. Ở đây, tình cảm, quan niệm của xã hội - nói tóm lại, không phải là lí trí - đóng vai trò quyết định. Chúng ta cứ mãi tự hỏi: Tại sao?
    Tổ chức xã hội loài người theo một khuôn mẫu phù hợp nhất để đạt được những mục tiêu đề ra là một bài toán buồn tẻ và dựa trên luận cứ, cũng không khác mấy những công việc, như xây dựng đường sắt hay sản xuất vải hoặc đồ gỗ mà thôi. Công việc quốc gia và công việc của chính phủ thực ra là quan trọng hơn tất cả những vấn đề khác trong hoạt động của con người, vì chế độ xã hội tạo ra nền tảng cho tất cả những hoạt động khác, và người ta chỉ có thể dễ dàng đạt được mục tiêu của mình trong một xã hội có những điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện những mục tiêu đó. Nhưng, dù lĩnh vực của những vấn đề xã hội và chính trị có cao quý đến mức nào thì vẫn là những đối tượng do con người kiểm soát, và vì vậy mà phải được xét đoán phù hợp với những tiêu chuẩn của lí trí. Trong những vấn đề đó, cũng như trong tất cả những công việc trần tục khác của con người, chủ nghĩa thần bí chỉ có thể là một tai họa. Con người có khả năng hiểu biết rất hạn chế. Không thể hi vọng một lúc nào đó chúng ta có thể hiểu được những bí mật cuối cùng và sâu xa nhất của vũ trụ. Nhưng việc chúng ta không thể biết được ý nghĩa mà mục đích của cuộc đời mình thì không phải là lí do để ta không thận trọng nhằm tránh những căn bệnh truyền nhiễm hay sử dụng những phương tiện thích hợp trong việc mưu sinh, cũng như không thể ngăn cản chúng ta trong việc tổ chức xã hội nhằm đạt được những mục tiêu trần tục mà chúng ta ao ước một cách hữu hiệu nhất. Ngay cả nhà nước và hệ thống pháp luật, chính phủ và bộ máy quản lí của nó cũng không phải là cái gì đó quá cao siêu, quá hoàn hảo và cao quý đến mức chúng ta không thể suy tư về chúng được. Những vấn đề về chính sách xã hội là những vấn đề công nghệ xã hội, và để giải quyết được chúng, ta cũng phải sử dụng những biện pháp và phương tiện mà ta nắm trong tay giống như khi ta giải quyết những vấn đề kĩ thuật khác: dùng tư duy lí tính và khảo sát những điều kiện đã biết. Lí trí là tất cả những gì làm nên con người và làm cho con người đứng cao hơn loài vật. Thế thì tại sao trong lĩnh vực chính sách xã hội, con người không tin vào lí trí mà lại tin vào tình cảm và lòng nhiệt tình?

    4. Mục tiêu của chủ nghĩa tự do

    Nhiều người cho rằng dường như chủ nghĩa tự do khác với các phong trào xã hội khác ở chỗ nó đặt quyền lợi của một nhóm người - của những giai cấp có của, những nhà tư sản và doanh nhân - cao hơn quyền lợi của những giai cấp khác. Khẳng định như thế là hoàn toàn sai. Chủ nghĩa tự do bao giờ cũng quan tâm đến quyền lợi của tất cả mọi người thay vì quyền lợi của một nhóm đặc thù. Đấy chính là điều mà những người theo thuyết công lợi của Anh muốn nói, dù chưa đúng lắm với câu cách ngôn nổi tiếng của họ: "Hạnh phúc lớn nhất cho nhiều người nhất." Về mặt lịch sử, chủ nghĩa tự do là phong trào chính trị đầu tiên đặt ra mục tiêu thúc đẩy sự thịnh vượng cho tất cả mọi người, chứ không phải cho những nhóm người cụ thể. Chủ nghĩa tự do khác với chủ nghĩa xã hội - một phong trào cũng kêu gọi đấu tranh cho quyền lợi của tất cả mọi người - không phải ở mục tiêu nó nhắm đến ở phương tiện mà nó lựa chọn để đạt được những mục tiêu này.
    Khẳng định rằng hậu quả của chính sách tự do sẽ hoặc nhất định dẫn tới sự thiên vị đối với những quyền lợi đặc thù của một số giai tầng trong xã hội cũng là vấn đề cần phải thảo luận. Một trong những nhiệm vụ của tác phẩm này là chứng minh rằng phê phán như thế là hoàn toàn không có cơ sở. Nhưng ta không thể kết án người nói như thế là không công bằng ngay từ đầu, vì mặc dù chúng ta cho rằng ý kiến như thế là không chính xác, nó vẫn có thể xuất phát từ những ý định tốt đẹp nhất. Dù thế nào thì những người tấn công chủ nghĩa tự do theo cách đó đều thừa nhận rằng họ không có ý định gì cả, và họ chỉ muốn nói điều họ muốn nói mà thôi.
    Nhưng những người phê phán chủ nghĩa tự do vì cho rằng chủ nghĩa tự do chỉ muốn thúc đẩy quyền lợi đặc thù của những nhóm xã hội nhất định chứ không phải thúc đẩy phúc lợi chung thì lại hoàn toàn khác. Họ là những người vừa ngu dốt vừa không công bằng. Chọn cách tấn công như thế chỉ chứng tỏ rằng trong thâm tâm họ biết rõ nhược điểm của chính mình. Họ sử dụng vũ khí tẩm thuốc độc bởi vì nếu không sẽ không thể giành thắng lợi.
    Nếu người thầy thuốc chỉ cho bệnh nhân muốn ăn món ăn có hại cho sức khỏe của anh ta rằng đấy là ước muốn gàn dở thì không có một người nào lại ngu đến mức nói rằng: "Ông bác sĩ này không quan tâm tới sức khỏe bệnh nhân. Muốn cho bệnh nhân mau lành thì không được ngăn cản anh ta thưởng thức món ăn khoái khẩu đó." Ai cũng hiểu rằng bác sĩ khuyên bệnh nhân đừng dùng món ăn có hại cho sức khỏe chỉ vì muốn giữ sức khỏe cho anh ta. Nhưng khi vấn đề liên quan đến lĩnh vực chính sách xã hội thì mọi người lại có cái nhìn khác hẳn. Khi một người theo phái tự do lên tiếng chống lại một số chính sách mị dân vì biết rằng chúng sẽ gây ra những hậu quả tai hại thì người đó sẽ bị coi là kẻ thù của nhân dân, còn những kẻ mị dân, không thèm để ý đến những tác hại sẽ xảy ra trong tương lai, thường đề nghị làm điều mà lúc đó tưởng như là có lợi, lại được dân chúng ca ngợi.
    Hành động hữu lí khác với hành động phi lí ở chỗ có tính đến những hi sinh tạm thời. Trên thực tế đấy chỉ là những hi sinh mang tính biểu kiến vì sẽ được đền bù xứng đáng trong tương lai. Việc ai đó không ăn một món khoái khẩu, nhưng có hại cho sức khỏe, thực ra chỉ là sự hi sinh tạm thời, chỉ tưởng là phải hi sinh mà thôi. Kết quả - không bị thiệt hại về sức khỏe - chứng tỏ người đó không những không mất mà còn được. Nhưng muốn làm được như thế thì phải có hiểu biết sâu sắc về hậu quả của mỗi hành động. Đấy chính là chỗ kẻ mị dân lợi dụng. Hắn phản đối người theo trường phái tự do, tức là người đòi hỏi những hi sinh tạm thời, hắn tuyên bố rằng đấy là kẻ thù không đội trời chung của nhân dân, và tự coi mình là người bạn của nhân quần. Trong khi cổ động cho những chính sách mà hắn chủ trương, hắn biết cách làm rung động trái tim của thính giả, và làm cho họ rơi nước mắt bằng những câu chuyện về cảnh cùng khổ và đói nghèo.
    Chính sách bài chủ nghĩa tự do là chính sách ăn dần vào vốn. Nó khuyên người ta hi sinh tương lai cho những khoản tiêu dùng thừa mứa trong hiện tại. Chẳng khác gì trường hợp người bệnh mà ta đã nói tới ở trên. Trong cả hai trường hợp, ta đều thấy những bất lợi trong tương lai là cái giá phải trả cho sự hài lòng tương đối trong hiện tại. Nếu ai đó còn nói đấy chỉ là vấn đề nhẫn tâm hay bác ái thì thật là bất lương và giả dối. Không chỉ hành động của các chính khách và báo chí của các đảng phái chống lại chủ nghĩa tự do mới đáng bị phê phán như thế. Hầu như tất cả những người cầm bút trường phái Sozialpolitik (chính sách xã hội) đều sử dụng phương thức đấu tranh lén lút như thế.
    Cảnh nghèo đói và khốn cùng trên thế giới không phải là lí lẽ nhằm chống lại chủ nghĩa tự do, như những độc giả bình dân, kém hiểu biết thường nghĩ. Nghèo đói và khốn cùng chính là điều mà chủ nghĩa tự do tìm cách xóa bỏ, và nó cho rằng chỉ có những biện pháp mà nó đề nghị mới là những biện pháp phù hợp với mục tiêu này. Những người biết những biện pháp tốt hơn, hoặc thậm chí biết những biện pháp khác, hãy đưa ra bằng chứng. Khẳng định rằng những người theo trường phái tự do không đấu tranh cho quyền lợi của tất cả mọi người trong xã hội mà chỉ đấu tranh cho quyền lợi của những nhóm đặc thù nào đó không thể thay thế được cho bằng chứng.
    Sự thực là cảnh nghèo đói và khốn cùng vẫn tồn tại cũng không phải là lí lẽ chống lại chủ nghĩa tự do, ngay cả khi toàn thế giới đã thực hiện được chính sách tự do. Bao giờ chúng ta cũng có thể hỏi rằng nếu các chính sách khác giữ thế thượng phong thì cảnh nghèo đói và khốn cùng có nhiều hơn hay không. Sau khi đã nhìn thấy những trở ngại và hạn chế do chính sách bài chủ nghĩa tự do gây ra cho sở hữu tư nhân trên khắp thế giới, thì việc tìm những lí lẽ chống lại những nguyên tắc của tự do chỉ vì những điều kiện kinh tế hiện nay không như ý người ta là việc làm hoàn toàn vô nghĩa. Muốn đánh giá được thành quả của chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa tư bản thì phải so sánh những điều kiện hiện nay với những điều kiện của thời Trung cổ hay những thế kỉ đầu tiên của thời hiện đại. Những thành tựu mà chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa tư bản có thể đạt được, nếu không bị ngăn cản, có thể được suy ra chỉ từ những tính toán mang tính lí thuyết.

    5. Chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa tư bản

    Một xã hội tại đó những nguyên lí của chủ nghĩa tự do được thực thi thường được gọi là xã hội tư bản, còn điều kiện tồn tại của xã hội đó thì được gọi là chủ nghĩa tư bản. Vì trên thực tế, chính sách kinh tế của chủ nghĩa tự do chỉ được thực thi một cách gần đúng, cho nên tình hình hiện nay trên thế giới không thể cung cấp cho ta nhận thức đúng đắn về ý nghĩa và những thành tựu mà chủ nghĩa tư bản có thể vươn tới, nếu nó có điều kiện phát triển một cách trọn vẹn. Tuy nhiên, về đại thể, có thể gọi thời đại của chúng ta là thời đại tư bản chủ nghĩa, vì chính những thể chế của chủ nghĩa tư bản đã tạo nên tất cả những tài sản mà chúng ta đang thấy hiện nay. Nhờ có những tư tưởng tự do vẫn đang tồn tại trong xã hội chúng ta, nhờ tất cả những gì còn sót lại từ hệ thống tư bản chủ nghĩa, mà biết bao nhiêu người cùng thời với chúng ta được hưởng mức sống cao hơn rất nhiều so với mấy thế hệ trước đây, một mức sống mà lúc đó chỉ những người giàu có hay tầng lớp đặc quyền đặc lợi mới được hưởng.
    Chắc chắn là những thực tế đó đã bị sáo ngữ của những kẻ mị dân xuyên tạc. Nghe chúng, người ta có cảm tưởng rằng tất cả các tiến bộ trong kĩ nghệ sản xuất chỉ góp phần làm giàu cho một số rất ít người, còn phần lớn dân chúng thì ngày càng lún sâu vào cảnh bần hàn. Nhưng chỉ cần suy nghĩ một chút thôi là người ta sẽ hiểu ngay rằng tất cả những thành tựu về mặt công nghệ và sáng kiến trong lĩnh vực sản xuất đều nhằm đáp ứng nhu cầu của quần chúng. Tất cả những ngành công nghiệp lớn chuyên sản xuất hàng tiêu dùng đều trực tiếp phục vụ quần chúng, còn những ngành sản xuất máy móc và bán sản phẩm thì phục vụ họ một cách gián tiếp. Những thành tựu công nghiệp vĩ đại trong mấy chục năm gần đây, cũng như những thành tựu của thể kỉ XVIII mà người ta gọi bằng thuật ngữ không thật đúng lắm là "Cuộc cách mạng công nghiệp", bên cạnh những thứ khác, đã góp phần đáp ứng một cách đầy đủ hơn nhu cầu của quần chúng nhân dân. Sự phát triển của ngành dệt may, việc cơ khí hóa ngành sản xuất giày và những tiến bộ trong ngành chế biến và phân phối lương thực thực phẩm thực chất đã mang lại lợi ích cho đa số tầng lớp quần chúng. Nhờ có những ngành công nghiệp này mà ngày nay nhân dân được ăn ngon hơn và mặc đẹp hơn trước rất nhiều. Việc sản xuất hàng loạt cung cấp không chỉ thức ăn, quần áo, nhà ở, mà còn làm ra rất nhiều sản phẩm khác, đáp ứng cho nhu cầu của quần chúng. Quần chúng được đọc báo, xem phim, thậm chí nhà hát và "những pháo đài" nghệ thuật khác cũng ngày càng trở thành nơi giả trí của họ.
    Nhưng bộ máy tuyên truyền năng nổ của các đảng phải bài chủ nghĩa tự do, bằng cách đổi trắng thay đen tất cả thực tế, đã tạo ra một thực trạng là hiện nay người dân thương gắn những tư tưởng của chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa tư bản với hình ảnh một thế giới đang ngày càng lún sâu vào tình cảnh nghèo khổ, đói rách. Chắc chắn là, dù cố gắng đến đâu, bộ máy tuyên truyền cũng không thể nào bôi nhọ được những từ như "người tự do", "chủ nghĩa tự do", như những kẻ mị dân hi vọng. Xin nói thêm rằng không thể nào lờ đi một thực tế là mặc cho những cố gắng của bộ máy tuyên truyền của các lực lượng chống lại tự do, những từ này vẫn tạo ra trong lòng những người bình thường một điều gì đó khi họ nghe thấy hai tiêng "tự do". Chính vì vậy, bộ máy tuyên truyền của những lực lượng bài chủ nghĩa tự do tìm cách tránh né cụm từ "chủ nghĩa tự do", và tìm cách làm cho người ta liên hệ những điều xấu xa, mà họ gán ghép cho hệ thống tự do, với thuật ngữ "chủ nghĩa tư bản". Từ này thường gợi lên trong tâm trí người ta một nhà tư sản bất lương, một kẻ chỉ nghĩ đến việc làm giàu, dù có phải bóc lột đồng bào của mình thì hắn cũng chẳng từ.
    Chẳng có mấy người, trong khi suy tư về chủ nghĩa tư bản, lại nghĩ được rằng đấy là chế độ được tổ chức trên những nguyên lí tự do chân chính, với những cơ chế mở ra cho các doanh nhân và các nhà tư sản một cách làm giàu duy nhất: cung cấp cho đồng bào của mình những món hàng tốt nhất mà chính họ nghĩ là cần. Đáng lẽ khi nói về chủ nghĩa tư bản phải nhắc đến sự cải thiện tột bậc mức sống của quảng đại quần chúng thì bộ máy tuyên truyền của những lực lượng chống lại tự do lại chỉ nói đến những hiện tượng mà sẽ không thể xuất hiện nếu như không có những rào cản mà người ta cố tính áp đặt lên chủ nghĩa tự do. Không bao giờ người ta nhắc đến một thực tế là chủ nghĩa tư bản đã đưa tới những món đồ vốn được coi là xa xỉ phẩm, cũng như những món ăn, trong đó có đường, đến tay quảng đại quần chúng. Chủ nghĩa tư bản chỉ được nhắc tới khi các tập đoàn nâng giá đường tại một quốc gia lên cao hơn giá trên thị trường thế giới. Họ cứ tưởng tượng như thể hiện tượng như thế xuất hiện trong chế độ nơi mà những nguyên tắc của chủ nghĩa tự do thực sự có hiệu lực. Trong một đất nước với chế độ tự do, tức là không có thuế quan, thì hiện tượng các tập đoàn có thể bán với giá cao hơn giá thị trường thế giới là việc không thể nào tưởng tượng.
    Cái mắt xích kết nối lí lẽ mà những kẻ mị dân thường dùng nhằm đổ riệt cho chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa tư bản những sự quá quắt và hậu quả tai hại của những chính sách bài chủ nghĩa tự do là như sau: Họ bắt đầu bằng giả định rằng các nguyên tắc của chủ nghĩa tự do chỉ nhằm thúc đẩy quyền lợi của những nhà tư sản và doanh nhân, làm thiệt hại đến lợi ích của những tầng lớp dân chúng khác, và chủ nghĩa tự do là chính sách có lợi cho người giàu và có hại cho người nghèo. Sau đó họ nói rằng nhiều doanh nhân và nhà tư sản, trong những điều kiện nhất định, đòi phải có những sắc thuế mang tính bảo hộ, và rồi những kẻ khác - nhứng nhà sản xuất vũ khí - ủng hộ chính sách "sẵn sàng chiến đấu"; và ngay lập tức họ nhảy sang kết luận rằng đấy chính là chính sách "tư bản chủ nghĩa".
    Trên thực tế, vấn đề hoàn toàn ngược lại. Chủ nghĩa tự do không phải là chính sách có lợi cho bất cứ giai tầng cụ thể nào mà là chính sách có lợi cho tất cả mọi người. Vì vậy sẽ là sai khi khẳng định rằng các doanh nhân và các nhà tư sản sẽ nhận được những quyền lợi đặc biệt khi họ ủng hộ chủ nghĩa tự do. Họ cũng chỉ có quyền lợi giống như những người khác mà thôi. Có thể, trong một số trường hợp, một số doanh nhân hay nhà tư sản đã tìm cách "nhồi nhét" quyền lợi đặc thù của mình vào cương lĩnh của chủ nghĩa tự do, nhưng những quyền lợi đặc thù này sẽ gặp phải sự chống đối của những quyền lợi đặc thù của những doanh nhân khác hay các nhà tư sản khác. Vấn đề hoàn toàn không đơn giản như tưởng tượng của những kẻ ở đâu cũng đánh hơi thấy "quyền lợi" và "nhóm lợi ích". Ví dụ như việc nhà nước đặt ra thuế nhập khẩu sắt thép không thể giải thích "một cách đơn giản" là nó mang lại lợi nhuận cho các tập đoàn sắt thép. Trong một quốc gia bao giờ cũng có những người có quyền lợi ngược lại, thậm chí ngay cả trong giới doanh nhân với nhau; và dù thế nào thì số người được lợi do thuế nhập khẩu sắt thép mang lại cũng là không đáng kể và ngày càng ít đi. Hối lộ có thể là lời giải thích rằng người nhận hối lộ cũng chỉ là nhóm thiểu số và ngoài ra, tại sao chỉ có một nhóm những người muốn bảo hộ đút lót mà không phải những người phản đối bảo hộ, những người ủng hộ tự do thương mại, đút lót?
    Trên thực tế, không phải những "nhóm quyền lợi" hay những người ăn đút lót của họ tạo ra hệ tư tưởng ủng hộ những sắc thuế mang tính bảo hộ mà chính những nhà tư tưởng, những người đưa ra những ý tưởng điều khiển toàn bộ công việc của nhân loại, đã đưa ra những ý tưởng này. Trong thời đại của chúng ta, khi mà những tư tưởng phản tự do đang giữ thế thượng phong thì hầu như mọi người đều nghĩ thế, cũng như cách đây một trăm năm, đa số đã tư duy bằng những thuật ngữ của hệ tư tưởng tự do lúc đó đang giữ thế thượng phong. Nếu hiện nay có nhiều doanh nhân ủng hộ những sắc thuế có tính bảo hộ thì đó chính là hình thức cụ thể của chủ nghĩa bài tự do. Đấy không phải là chủ nghĩa tự do.
     
    Chỉnh sửa cuối: 21/6/15
    banycol, Cải, tamchec and 1 other person like this.
  3. notrinos

    notrinos Lớp 5


    6. Cội nguồn tâm lí của việc bài chủ nghĩa tự do

    Nhiệm vụ của tác phẩm này là thảo luận vấn đề hợp tác xã hội bằng những luận cứ dựa trên lí tính. Nhưng dùng lí tính thì không thể hiểu được cội nguồn của thái độ bài bác tự do. Thái độ bài bác xuất phát không phải từ lí tính mà từ cách tư duy bệnh hoạn - từ sự oán hận và bệnh suy nhược thần kinh, có thể gọi là phức cảm Fourier (tên một người xã hội chủ nghĩa Pháp - ND).
    Chẳng cần nói nhiều về sự oán hận hay ghen tức. Oán hận là khi một người nào đó căm thù người khác chỉ vì người kia có hoàn cảnh thuận lợi hơn, hắn ta sẵn sàng chấp nhận tổn thất nếu người mà hắn căm thù cũng bị thiệt hại. Nhiều kẻ đang tấn công chủ nghĩa tư bản biết rõ ràng dù với hệ thống kinh tế nào thì họ cũng chẳng thể khá lên được. Tuy biết rõ như thế nhưng họ vẫn ủng hộ cải cách, nghĩa là ủng hộ chủ nghĩa xã hội, vì họ hi vọng rằng những người giàu có mà họ căm thù cũng sẽ phải chịu đau khổ. Những người xã hội chủ nghĩa cứ nhắc đi nhắc lại rằng trong chế độ xã hội chủ nghĩa, người ta sẽ chịu đựng những thiếu thốn về mặt vật chất một cách dễ dàng hơn vì mọi người đều biết rằng không có ai sướng hơn ai.
    Nhưng vẫn có thể dùng lí lẽ để thuyết phục được người có tư tưởng oán hận. Vì giải thích cho người có tư tưởng oán hận rằng điều quan trọng không phải là làm cho người khá giả nghèo đi mà là làm cho mình khá lên không phải là công việc quá khó.
    Phức cảm Fourier là ca bệnh khó hơn rất nhiều. Đây là một căn bệnh thần kinh, gọi là loạn thần kinh chức năng, lĩnh vực của nhà tâm lí học chứ không phải của nhà lập pháp. Nhưng trong khi nghiên cứu các vấn đề của xã hội hiện đại ta cũng không được bỏ qua. Đáng tiếc là cho đến nay, các bác sĩ đã không quan tâm tới những vấn đề do phức cảm Fourier gây ra. Thậm chí Freud, một nhà tâm lí học vĩ đại, và các môn đệ của ông trong lĩnh vực lí thuyết loạn thần kinh chức năng cũng chưa quan tâm nhiều đến những vấn đề này, mặc dù môn phân tâm học của ông đã mở ra con đường riêng để đưa ta tới những hiểu biết một cách có hệ thống và đúng đắn về những căn bệnh thần kinh như thế.
    Trong cả triệu người chưa chắc đã có một người thực hiện được tham vọng của đời mình. Thành quả lao động của một người, ngay cả một người được số phận mỉm cười, cũng còn cách xa với những ước mơ của tuổi thanh niên. Hàng ngàn trở ngại đã làm tiêu tán mọi kế hoạch và ước mơ, con người hóa ra là không đủ sức thực hiện những mục tiêu mà họ hướng tới. Mộng ước không thành, kế hoạch tan vỡ, lực bất tòng tâm - đấy là những kinh nghiệm cay đắng nhất của mỗi người. Nhưng cũng là số phận của con người nói chung.
    Có hai cách phản ứng. Goethe đã dùng trí tuệ thực tiễn để nói về một trong hai cách đó như sau:
    Ngươi có tưởng tượng được rằng ta phải căm thù cuộc đời,
    Phải chạy vào đồng vắng.
    Vì không phải mọi ước mơ của ta đều đơm hoa kết trái?
    - Prometheus gào lên. Còn Faust, trong "thời khắc cao quý nhất" ấy, đã nhận ra rằng "câu nói khôn ngoan nhất" chính là:
    Người mỗi ngày không chiến đấu cho tự do và cho cuộc đời,
    Thì cũng chẳng đáng sống và cũng chẳng đáng được tự do.
    Không có rủi ro nào trên đời có thể bẻ gãy được một người có ý chí và tinh thần như thế. Người chấp nhận cuộc đời như nó vốn là và không bao giờ để cho nó đè bẹp, sẽ không tìm an ủi trong "những lời dối trá có tính chất cứu rỗi" làm chỗ dựa cho niềm tin đã tan nát của mình. Nếu thành công được chờ đợi từ lâu vẫn không tới, nếu những thăng trầm của số mệnh có phá hoại tan tành trong phút chốc những thành quả được xây đắp bằng nhiều năm lao động chuyên cần thì người đó sẽ chỉ càng quyết tâm hơn mà thôi. Người đó có thể nhìn thẳng vào tai họa mà không hề tỏ ra tuyệt vọng.
    Những kẻ bị loạn thần kinh chức năng thì không thể chịu đựng được cuộc đời như nó vốn thế. Anh ta cảm thấy nó quá bất lương, quá thô lậu và quá dung tục. Không giống như những người khỏe mạnh, anh ta không có đủ dũng khí để "dù thế nào cũng cứ tiếp tục sống" và cố gắng làm cho cuộc đời trở nên có thể chịu đựng được. Đấy là điều không phù hợp với thái độ như nhược của anh ta. Thay vào đó, anh ta náu mình vào trong ảo tưởng. Ảo tưởng, theo Freud, "là ước vọng, là một cách an ủi"; được thể hiện bởi "sức kháng cự của nó chống lại cuộc tấn công của tư duy logic và thực tiễn". Vì vậy mà thuyết phục người bệnh từ bỏ ảo tưởng bằng cách chỉ ra một cách thuyết phục sự vô lí của nó thì nói bao nhiêu cũng không đủ. Muốn khỏi, người bệnh phải tự khắc phục. Anh ta phải học để hiểu vì sao anh ta không muốn đối mặt với sự thật, và vì sao anh ta lại tìm cách nấp sau ảo tưởng.
    Chỉ có lí thuyết về bệnh loạn thần kinh chức năng mới có thể giải thích được thắng lợi tinh thần của người mắc phức cảm Fourier, sản phẩm của một bộ não bị trục trặc nghiêm trọng. Ở đây không có chỗ để ghi lại những câu văn chứng tỏ Fourier mắc bệnh loạn thần kinh chức năng. Đấy là mối quan tâm của các nhà phân tâm học hoặc có thể là của những người thích đọc những tác phẩm dâm ô. Nhưng vấn đề là những người theo chủ nghĩa Marx, khi buộc phải rời bỏ những ngôn từ biện chứng thùng rỗng kêu to (hay những lời chỉ trích và nói xấu đối thủ), và đưa ra những nhận xét sơ sài liên quan đến bản chất của vấn đề thì họ cũng chẳng bao giờ đưa ra được điều gì khác với những điều mà Fourier, một người theo "chủ nghĩa không tưởng" đã từng nói. Chủ nghĩa Marx cũng không thể nào xây dựng được bức tranh về xã hội xã hội chủ nghĩa nếu không sử dụng hai giả định trái ngước với mọi kinh nghiệm và lí trí mà Fourier từng sử dụng. Một mặt, chủ nghĩa này cho rằng "cơ sở vật chất" của nền sản xuất - "đã hiện hữu tự nhiên, không cần phải có sự cố gắng của con người" - hiện dư thừa đến nỗi không cần phải tiết kiệm; đấy là lí do để chủ nghĩa Marx tin vào "sự gia tăng hầu như vô hạn của nền sản xuất". Mặt khác, nó giả định rằng trong cộng đồng xã hội chủ nghĩa, lao động sẽ chuyển hóa "gánh nặng thành niềm vui" - tức là trở thành "nhu cầu thiết yếu của đời sống". Không nghi ngờ gì rằng khi mọi vật đều thừa mứa và lao động đã trở thành niềm vui thì xây dựng vương quốc của "núi xôi sông rượu" là việc dễ như trở bàn tay.
    Những người marxist tin rằng đứng trên đỉnh cao "của chủ nghĩa xã hội khoa học", nó có thể coi khinh chủ nghĩa lãng mạn và những người theo trường phái lãng mạn chủ nghĩa. Nhưng trên thực tế, phương pháp của nó cũng chẳng khác gì phương pháp của những người này. Thay vì tìm cách loại bỏ những trở ngại trên đường thực hiện ước mơ, nó lại để mặc cho những trở ngại đó tự biến mất trong những đám mây mù của trí tưởng tượng.
    Đối với những kẻ bị bệnh tâm thần phân liệt thì "lời dối trá có tính chất cứu rỗi" có hai chức năng. Nó không chỉ an ủi cho thất bại trong quá khứ mà còn tạo ra viễn cảnh thắng lợi trong tương lai. Khi gặp thất bại trong những vấn đề xã hội, tức điều duy nhất chúng ta quan tâm ở đây, thì điều an ủi là niềm tin rằng việc người ta không đạt được mục tiêu cao cả mà người ta hướng tới không phải do người ấy lực bất tòng tâm mà do trật tự xã hội không ra gì. Kẻ bất mãn hi vọng rằng nếu lật đổ được trật tự xã hội hiện hành thì hắn sẽ thành công. Nghĩa là việc thuyết phục hắn tằng giấc mơ địa đàng của hắn là bất khả thi, rằng cơ sở khả thi duy nhất của xã hội được tổ chức trên nguyên tắc phân công lao động là quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất, là việc làm vô nghĩa. Kẻ bị chứng thần kinh phân liệt bám chặt vào những "lời dối trá có tính chất cứu rỗi", và khi phải lựa chọn giữa những lời nói dối và tư duy logic thì hắn sẽ từ bỏ logic. Vì hắn không thể sống được nếu không có niềm an ủi mà hắn tìm được trong tư tưởng của chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng này nói với hắn rằng không phải là hắn mà là thế giới có lỗi trong việc làm cho hắn thất bại. Niềm tin đó nâng đỡ được phần nào tinh thần đã rệu rã của hắn, và giải thoát cho hắn khỏi những dằn vặt về sự kém cỏi của mình.
    Người Thiên Chua giáo mộ đạo dễ dàng chịu đựng những điều bất hạnh trên trần thế hơn vì anh ta hi vọng rằng linh hồn sẽ còn tiếp tục sống trong một thế giới khác, tốt đẹp hơn, nơi mà những kẻ từng đứng đầu trên trái đất sẽ đứng cuối còn những kẻ đứng cuối sẽ lên đầu. Tương tự, con người hiện đại coi chủ nghĩa xã hội là liều thuốc có thể trị được mọi nghịch cảnh trên trần thế. Nhưng, trong khi niềm tin vào sự bất tử, sự đền bù trong tương lai và sự tái sinh khích lệ người ta sống một cách đức hạnh thì những lời hứa hẹn của chủ nghĩa xã hội lại tạo ra những hiệu quả hoàn toàn khác. Nó yêu cầu người ta không phải gánh vác trách nhiệm gì ngoài việc ủng hộ đảng xã hội chủ nghĩa; nhưng đồng thời nó lại nâng mức hi vọng và đòi hỏi lên cao hơn.
    Đấy chính là đặc trưng của giấc mơ xã hội chủ nghĩa; và vì vậy, ta có thể hiểu được vì sao tất cả những người ủng hộ chủ nghĩa xã hội đều kì vọng sẽ nhận được cái mà cho đến lúc đó vẫn nằm ngoài tầm với của họ. Những người cầm bút theo trường phái xã hội chủ nghĩa hứa hẹn không chỉ tài sản cho tất cả mọi người mà còn hứa hẹn cả hạnh phúc và tình yêu, cả sự phát triển về thể lực và trí tuệ, cả cơ hội bộc lộ tài năng thiên phú về khoa học và nghệ thuật v.v. Vừa mới đây, Trotsky còn tuyên bố trong một bài viết của ông ta rằng trong chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa "ngay người trung bình cũng sẽ đạt đến tầm cao như Aristotle, Goethe, hoặc Marx. Những đỉnh cao mới sẽ xuất hiện trên rặng núi này"
    (1). Thiên đường xã hội chủ nghĩa sẽ là vương quốc toàn thiện toàn mĩ, là nơi cư ngụ của những siêu nhân tuyệt đối hạnh phúc. Nhưng chính cái điều nhảm nhí đó lại giành được cảm tình của đa số người ủng hộ học thuyết này.
    Không thể đưa tất cả những người mắc hội chứng Fourier đến gặp bác sĩ được vì số người bệnh quá đông. Không thuốc nào có thể chữa được căn bệnh này, người bệnh phải tự chữa lấy thôi. Anh ta phải học chấp nhận số phận mà không tìm cách đổ tất cả tội lỗi lên một con dê tế thần nào đó, và anh ta phải cố gắng nắm bắt cho được những quy luật nền tảng của sự hợp tác trong xã hội.

    1 Leon Trotsky, Literature and Revolution, R.Strunsky dịch (London, 1925), tr.256
     
    Chỉnh sửa cuối: 21/6/15
    banycol, tamchec, superlazy and 2 others like this.
  4. notrinos

    notrinos Lớp 5

    1

    Những nền tảng của chính sách tự do


    1. Sở hữu

    Xã hội loài người là hợp quần của những cá nhân biết phối hợp hành động. Khác với hành động riêng lẻ của các cá nhân, hành động hợp tác dựa trên nguyên tắc phân công lao động có ưu điểm là năng suất lao động cao hơn rất nhiều. Nếu một số người cùng làm việc và hợp tác, dựa trên nguyên tắc phân công lao động (những điều kiện khác vẫn giữ nguyên) thì họ sẽ sản xuất không chỉ được số lượng vật phẩm bằng với số lượng khi từng người làm việc riêng lẻ, mà cao hơn rất nhiều. Đấy là cơ sở của toàn bộ nền văn minh nhân loại. Phân công lao động làm cho con người khác với loài vật. Phân công lao động làm cho những con người yếu đuối, yếu hơn nhiều loài vật về mặt thể chất, trở thành chủ nhân của trái đất, và là người sáng tạo ra những kì tích trong lĩnh vực công nghệ. Nếu không có phân công lao động thì chúng ta cũng chẳng khác gì tổ tiên sống cách đây một ngàn, thậm chí cả chục ngàn năm trước.
    Tự bản thân lao động không làm cho chúng ta giàu có lên. Phải làm việc với những vật tư và nguồn lực của trái đất mà Tự Nhiên đã giao vào tay chúng ta thì sức lao động của con người mới tạo được thành quả. Đất đai, với tất cả mọi nguồn tài nguyên và sức mạnh chứa trong nó, và sức lao động của con người là hai nhân tố của quá trình sản xuất, sự kết hợp có chủ đích của hai nhân tố này tạo ra tất cả những sản phẩm hàng hóa có thể đáp ứng những nhu cầu vật chất ngoại tại của chúng ta. Muốn sản xuất, con người cần có cả lao động lẫn các yếu tố vật chất, bao gồm không chỉ các nguyên vật liệu và nguồn lực mà Tự Nhiên trao cho chúng ta - đa số có thể tìm thấy trên bề mặt hay trong lòng đất - mà còn phải sử dụng các sản phẩm trung gian, đã được tạo ra bằng lao động trong quá khứ và từ những nguyên vật liệu ban đầu nói trên. Trong kinh tế học người ta chia ra thành ba yếu tố sản xuất tương ứng là: lao động, đất đai và vốn. Đất đai được hiểu là tất cả những gì Tự Nhiên để cho chúng ta toàn quyền sử dụng dưới dạng vật chất và nguồn sức mạnh ở ngay bề mặt, bên dưới và bên trên bề mặt trái đất, trong nước, cũng như trong không khí; hàng hóa vốn (capital goods) được hiểu là tất cả những hàng hóa trung gian được bàn tay con người làm ra từ đất để phục vụ cho quá trình sản xuất tiếp theo, như máy móc, thiết bị, bán thành phẩm đủ mọi loại v.v.
    Bây giờ chúng ta xem xét hai hệ thống hợp tác khi có sự phân công lao động: một đằng dựa trên sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất, và một đằng dựa trên sở hữu công cộng tư liệu sản xuất. Hệ thống dựa trên sở hữu công cộng tư liệu sản xuất được gọi là chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản, còn hệ thống kia được gọi là chủ nghĩa tự do hay còn gọi là chủ nghĩa tư bản (từ khi nó tạo ra trong thế kỉ XIX sự phân công lao động khắp toàn cầu). Những người theo trường phái tự do khẳng định rằng trong xã hội dựa trên sự phân công lao động thì sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất là hệ thống hợp tác giữa người với người hiệu quả nhất. Họ cho rằng chủ nghĩa xã hội, tức là hệ thống thu gom vào trong lòng nó toàn bộ các tư liệu sản xuất, là hệ thống không hiệu quả, và việc áp dụng nguyên lí xã hội chủ nghĩa lên các phương tiện sản xuất, mặc dù không phải là việc bất khả thi, sẽ dẫn tới giảm năng suất lao động, cho nên không những không thể làm ra nhiều của cải hơn mà ngược lại, chắc chắn sẽ làm cho của cải ít đi.
    Vì vậy mà cương lĩnh của chủ nghĩa tự do, nếu thu gọn bằng một từ, sẽ là: sở hữu, nghĩa là sở hữu tư nhân các tư liệu sản xuất [đối với các hàng hóa tiêu dung, thì sở hữu tư nhân là đương nhiên, ngay cả những người cộng sản và xã hội chủ nghĩa cũng không tranh cãi về vấn đề này]. Tất cả những đòi hỏi khác của chủ nghĩa tự do đều xuất phát từ đòi hỏi căn bản này.
    Người ta có thể đặt bên cạnh từ "sở hữu" trong cương lĩnh của chủ nghĩa tự do hai từ "tự do" và "hòa bình". Không phải vì cương lĩnh cũ của chủ nghĩa tự do vẫn đặt chúng ở vị trí đó. Chúng tôi đã nói rằng cương lĩnh hiện nay của chủ nghĩa tự do vươn cao hơn chủ nghĩa tự do cũ, nghĩa là nó được soạn thảo trên những nhận thức thấu đáo và sâu sắc hơn các mối quan hệ qua lại, bởi nó có thể tiếp nhận được thành quả khoa học trong hàng chục năm qua. Tự do và hòa bình được đưa lên hàng đầu cương lĩnh của chủ nghĩa tự do không phải bởi vì nhiều người theo phái tự do "cũ" coi chúng là ngang hàng với chính nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa tự do, thay vì coi chúng là hậu quả tất yếu của nguyên tắc nền tảng của chủ nghĩa tự do - nguyên tắc sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất; mà chỉ vì tự do và hòa bình đã bị những đối thủ của chủ nghĩa tự do tấn công quyết liệt nhất, và những người theo phái tự do không muốn từ bỏ những nguyên tắc này để chứng tỏ rằng họ không công nhận những lời cáo buộc của đối thủ.

    2. Tự do

    Ý tưởng tự do đã ăn sâu bén rễ trong tất cả chúng ta đến nỗi suốt một thời gian dài không ai dám nghi ngờ. Người ta đã quen nói tới tự do với lòng sùng kính vô bờ bến, chỉ có Lenin mới dám gọi đó là "thành kiến tư sản". Đấy chính là thành quả của chủ nghĩa tự do, mặc dù thực tế này hiện đã bị nhiều người quên. Chính từ "Chủ nghĩa tự do" cũng bắt nguồn từ từ "tự do"; còn ban đầu, đảng chống lại những người tự do [cả hai tên gọi đều xuất hiện trọng cuộc đấu tranh lập hiến những thập kỉ đầu tiên của thế kỉ XIX ở Tây Ban Nha] lại được gọi là "nô lệ" ("servile")
    Trước khi chủ nghĩa tự do xuất hiện, ngay cả những nhà triết học sáng láng nhất; những ông tổ của các tôn giáo và giới tăng lữ, những người mang trong tâm tưởng những ý định tốt đẹp nhất, và các chính khách thực sự yêu thương người dân nước mình, đều coi tình cảnh nô lệ của một phần nhân loại là chính đáng, hữu ích và rất có lợi. Người ta cho rằng một số người và một số dân tộc được phú cho quyền tự do, còn những người khác thì phải chịu cảnh nô lệ. Không chỉ các ông chủ nghĩ như thế mà phần lớn nô lệ cũng nghĩ như thế. Họ chấp nhận địa vị nô lệ không chỉ vì họ buộc phải khuất phục sức mạnh vượt trội của các ông chủ mà họ còn cho rằng thế là tốt: nô lệ không phải lo miếng ăn hằng ngày vì chủ có trách nhiệm đáp ứng những nhu cầu thiết yếu nhất của anh ta. Khi chủ nghĩa tự do xuất hiện, trong thế kỉ XVIII và nửa đầu thế kỉ XIX, với mục đích loại bỏ chế độ nô lệ và tình cảnh lệ thuộc của người nông dân châu Âu cũng như tình cảnh nô lệ của người da đen trong các nước thuộc địa ở hải ngoại, thì khá nhiều người theo chủ nghĩa nhân đạo chính hiệu đã đứng về phía đối lập. Những người lao động nô lệ đã quen với sự phụ thuộc và không cảm thấy đấy là xấu xa. Họ không sẵn sàng đón nhận tự do và chẳng biết làm gì với nó. Sẽ là tai họa đối với họ nếu chủ không còn quan tâm đến họ. Họ sẽ không thể quản lí được công việc của mình sao cho lúc nào cũng kiếm được nhiều hơn nhu cầu tối thiểu, và chẳng bao lâu sau họ sẽ rơi vào cảnh nghèo túng, bần hàn. Giải phóng sẽ chẳng mang lại cho họ lợi lộc gì mà chỉ làm cho hoàn cảnh kinh tế của họ xấu đi.
    Thật ngạc nhiên khi nhiều nô lệ được hỏi đã nói như thế. Nhằm chống lại những quan điểm như vậy, nhiều người theo trường phái tự do tin rằng cần phải nói đến những vụ hành hạ nô lệ, thậm chí nhiều khi phải nói quá lên, như là những việc thường ngày. Nhưng những vụ quá lạm như thế hoàn toàn không phải là quy luật. Dĩ nhiên là có những vụ lạm dụng riêng lẻ, và những vụ như thế được coi là một lí do nữa cho việc bãi bỏ hệ thống này. Nhưng nói chung, nô lệ thường được chủ đối xử một cách nhân đạo và ôn hòa.
    Khi những người đề nghị bãi bỏ tình cảnh nô lệ vì lí do nhân đạo nói chung, thì họ được đáp lại rằng giữ hệ thống này là nhằm đảm bảo lợi ích cho cả những người nô lệ và nông nô thì họ không biết phải trả lời như thế nào. Vì để chống lại những người ủng hộ chế độ nô lệ thì chỉ có một lí lẽ đủ sức bác bỏ, và trên thực tế đã bác bỏ tất cả những lí lẽ khác, đó là lao động tự do có năng suất cao hơn hẳn lao động nô lệ. Người nô lệ không cần cố gắng hết sức. Anh ta chỉ cần làm và hăng hái vừa đủ để không bị trừng phạt vì không hoàn thành nhiệm vụ tối thiểu được được giao. Còn người lao động tự do thì biết rằng càng làm nhiều anh ta càng được trả nhiều. Anh ta sẽ làm hết sức mình để có được nhiều thu nhập hơn. Chỉ cần so sánh những yêu cầu được đặt ra cho người công nhân lái máy cày hiện nay với những đòi hỏi tương đối thấp cả về trí tuệ, sức lực và sự cố gắng mà trước đây chỉ hai thế hệ người ta cho là đã đủ đối với một người nông nô ở nước Nga thì sẽ thấy. Chỉ có lao động tự do mới có thể thực hiện được những đòi hỏi đặt ra với người công nhân công nghiệp hiện đại.
    Chỉ có những tên ba hoa chích chòe vô công rồi nghề mới có thể cãi nhau suốt ngày về việc liệu có phải tất cả mọi người đều có quyền tự do và đã sẵn sàng nhận nó hay không. Họ có thể tiếp tục nói rằng Tự Nhiên đã buộc một số sắc tộc và dân tộc phải sống cuộc đời nô lệ, và một số sắc tộc thượng đẳng có trách nhiệm giứ phần còn lại của nhân loại trong cảnh nô lệ. Người theo phái tự do không bao giờ tranh luận với những người như thế vì anh ta đòi tự do cho tất cả mọi người, không có bất kì phân biệt nào, tức là luận cứ của anh ta khác hẳn với những người kia. Chúng tôi, những người theo phái tự do, không khẳng định rằng Chúa Trời hay Tự Nhiên có ý bảo mọi người đều được tự do vì chúng tôi không được biết ý Chúa hay ý của Tự Nhiên, và về nguyên tắc chúng tôi tránh, không lôi kéo Chúa và Tự Nhiên vào những cuộc tranh luận về những vấn đề trần thế. Chúng tôi chỉ khẳng định rằng hệ thống dựa chủ yếu trên tiêu chí quyền tự do cho tất cả mọi người lao động là hệ thống có năng suất lao động cao nhất, và vì vậy đáp ứng được quyền lợi của tất cả mọi người. Chúng tôi tấn công vào chế độ nô lệ không phải vì nó chỉ có lợi cho các "ông chủ" mà vì chúng tôi tin rằng nói cho cùng nó có ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi của tất cả mọi người, trong đó có các "ông chủ". Nếu loài người cứ bám mãi vào thói quen là giữ toàn bộ hay chỉ một phần sức lao động trong tình cảnh nô lệ thì sự phát triển vượt bậc về kinh tế trong một trăm năm mươi năm qua đã không thể nào xảy ra. Nếu cứ giữ như thế, chúng ta sẽ không có đường sắt, không có ô tô, không có máy bay, không có tàu thủy, không có đèn điện và máy điện, không có ngành công nghiệp hóa chất, chúng ta sẽ vẫn cứ sống như người Hi Lạp hay La Mã cổ đại, với tất cả tài năng của họ, nhưng không có các thứ vừa kể. Chỉ cần nhắc đến chuyện đó là mọi người, cả các chủ nô cũ lẫn người nông nô, đều có thể hài lòng với sự phát triển của xã hội sau ngày bãi bỏ chế độ nô lệ. Người công nhân châu Âu hiện nay còn sống trong những điều kiện thuận lợi và dễ chịu hơn các ông vua Ai Cập dù những ông vua này nắm trong tay hàng ngàn nô lệ, trong khi người công nhân chỉ dựa vào sức khỏe và tài khéo của hai bàn tay lao động. Nếu một viên quan thái thú thời xa xưa được thấy điều kiện của một thường dân hiện nay, chắc chắn ông ta sẽ tuyên bố rằng so với một thường dân hiện nay, ông ta chỉ là một kẻ ăn mày.
    Đấy chính là thành quả của lao động tự do. Lao động tự do có thể làm ra nhiều của cải cho tất cả mọi người, nhiều hơn là lao động nô lệ đã từng tạo ra cho các ông chủ.

    3. Hòa bình

    Có những con người cao thượng, họ căm thù chiến tranh vì nó mang đến chết chóc và đau khổ. Nhưng dù có hâm mộ chủ nghĩa nhân đạo của họ đến mức nào, phải công nhận rằng tất cả luận cứ phản chiến của họ đều dựa trên cơ sở của lòng bác ái, những luận cứ này có thể sẽ mất rất nhiều, thậm chí toàn bộ sức mạnh khi chúng ta xem xét những lời tuyên bố của những kẻ ủng hộ chiến tranh. Những kẻ như thế không phủ nhận chiến tranh sẽ mang đến đau khổ. Nhưng họ tin rằng chiến tranh và chỉ có chiến tranh mới giúp nhân loại đạt được tiến bộ. Chiến tranh là cha đẻ của mọi thứ trên đời, một nhà triết học Hi Lạp đã nói như thế, và hàng ngàn người đã nhắc lại câu nói đó. Trong thời bình con người sẽ bị thoái hóa. Chỉ có chiến tranh mới đánh thức được tài năng và sức mạnh đang ngủ yên trong mỗi con người, và gieo vào lòng họ những ý tưởng vĩ đại. Không có chiến tranh, nhân loại sẽ rơi vào tình trạng lười nhác và đình trệ.
    Thật khó, thậm chí không thể bác bỏ được cách lập luận như thế của những người ủng hộ chiến tranh nếu chỉ nói rằng chiến tranh đòi hỏi phải hi sinh. Vì những người ủng hộ chiến tranh nghĩ rằng hi sinh không phải là vô ích và đấy là cái giá phải trả. Nếu chiến tranh đúng là cha đẻ của mọi thứ trên đời thì những hi sinh mà nó đòi hỏi lại là đòi hỏi tất yếu vì nó thúc đẩy phúc lợi của mọi người và sự tiến bộ của nhân loại. Ai đó có thể thương xót những nạn nhân, thậm chí có thể tìm mọi cách làm giảm nhẹ số người bị thiệt hại, nhưng anh ta sẽ không thể nào biện họ được cho ước muốn trừ bỏ chiến tranh và kiến tạo nền hòa bình vĩnh viễn.
    Lập luận của những người theo trường phái tự do nhằm chống lại những luận cứ ủng hộ chiến tranh khác hẳn với lập luận của những người theo chủ nghĩa nhân đạo. Nó xuất phát từ tiền đề rằng không phải chiến tranh mà hòa bình mới là cha đẻ của mọi thứ trên đời. Điều duy nhất giúp cho nhân loại tiến bộ và làm cho con người khác với con vật là sự hợp tác mang tính xã hội. Chỉ có lao động mới tạo ra của cải, tạo ra cơ sở vật chất cho sự đơm hoa kết trái trong tâm hồn con người. Chiến tranh chỉ tàn phá, chiến tranh không thể tạo dựng được bất cứ thứ gì. Trong tâm tưởng của chúng ta, chiến tranh, giết chóc, hủy diệt và tàn phá cũng giống như loài thú dữ săn mồi trong rừng hoang, còn lao động sáng tạo là bản chất mà chỉ con người mới có. Khác với những người theo trường phái nhân đạo chủ nghĩa, đấy là những người căm thù chiến tranh dù họ nghĩ rằng nó cũng có ích; người theo trường phái tự do căm thù chiến tranh vì nó chỉ gây ra những hậu quả có hại.
    Người yêu hòa bình theo trường phái nhân đạo chủ nghĩa cầu xin đức vua toàn trí toàn năng: "Xin đừng gây chiến, ngay cả khi ngài nghĩ rằng chiến thắng sẽ làm cho ngài thịnh vượng thêm. Xin hãy tỏ ra cao thượng và hào hiệp, và hãy từ bỏ sức cám dỗ của niềm vinh quang chiến thắng ngay cả nếu ngài có phải chịu thiệt thòi và mất mát". Người theo trường phái tự do có suy nghĩ khác. Người theo trường phái tự do tin rằng dù có chiến thắng thì chiến tranh vẫn là xấu xa ngay cả đối với người chiến thắng, hòa bình bao giờ cũng hơn chiến tranh. Người theo phái tự do không yêu cầu kẻ mạnh phải hi sinh mà muốn kẻ mạnh nhận thức được đâu là quyền lợi thực sự của anh ta, muốn anh ta hiểu rằng hòa bình mang lại lợi ích cho cả kẻ mạnh lẫn kẻ yếu.
    Khi một dân tộc yêu chuộng hòa bình bị kẻ thù hiếu chiến tấn công thì họ phải chiến đấu và tìm mọi cách chống lại cuộc xâm lăng. Sự nghiệp anh hùng của những người chiến đấu cho nền tự do và cuộc sống của họ hoàn toàn xứng đáng được ca tụng, chúng ta có quyền tán dương trí kiên cường và lòng dũng cảm của những người chiến sĩ đó. Ở đây lòng can đảm, tinh thần dũng cảm và coi thường cái chết đáng được ngợi ca. Vì chúng phục vụ cho những mục tiêu tốt đẹp. Nhưng người ta đã nhầm lẫn khi coi đức hạnh của người chiến binh là đức hạnh tối thượng, và là những phẩm chất tốt trong chính họ và chỉ họ mới có, thậm chí không cần để ý đến mục đích mà chúng hướng tới. Những người có quan niệm như thế, nếu là một người nhất quán thì anh ta cũng phải công nhận sự liều lĩnh, táo tợn và coi thường chết chóc của kẻ cướp là những đức tính cao thượng. Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ nhìn vào hành vi thì ta không thể nói rằng đấy là hành vi tốt hay xấu sau khi biết được kết quả hay hậu quả mà nó gây ra. Ngay cả Leonidads cũng không xứng đáng với những vinh quang mà chúng ta dành cho ông nếu như ông không ngã xuống như một người chiến sĩ bảo vệ tổ quốc mà ngã xuống như thủ lĩnh của một đội quân xâm lược nhằm cướp bóc tự do và của cải của một dân tộc yêu chuộng hòa bình.
    Tác hại của chiến tranh đối với sự phát triển của nền văn minh nhân loại sẽ càng trở nên rõ ràng hơn sau khi người ta hiểu được lợi ích của việc phân công lao động. Phân công lao động biến một cá nhân sống tự cấp tự túc thành một người phải phụ thuộc vào những đồng bào của mình, tức thành một con vật xã hội mà Aristotle đã nói tới. Những hành động thù địch giữa hai con vật hay hai con người bán khai không thể tạo ra bất kỳ thay đổi nào trong cơ sở kinh tế của đời chúng. Vấn đề sẽ khác hẳn khi cuộc tranh cãi phải giải quyết bằng vũ lực xuất hiện giữa các thành viên trong một cộng đồng đã có sự phân công lao động. Trong xã hội đó, mỗi cá nhân đều có một chức năng riêng; không ai có thể sống tự cấp tự túc được nữa, vì tất cả mọi người đều cần sự giúp đỡ và ủng hộ của người khác. Những ông chủ đất sống tự cấp tự túc, tức là những người có thể làm ra trong trang trại của họ tất cả những thứ mà họ và gia đình họ cần, có thể tuyên chiến với nhau. Nhưng khi một làng đã chia thành các phe nhóm, ông thờ rèn vào phe bên này còn ông thợ giày vào phe bên kia, thì một bên sẽ khổ vì không có giày, còn bên kia sẽ khổ vì thiếu công cụ và vũ khí. Nội chiến triệt tiêu sự phân công lao động, nó buộc mỗi nhóm phải tự lập, tự hài lòng với thành quả lao động của những người bên phía mình.
    Nếu coi khả năng xung đột, chiến tranh là tiền đề được đặt lên trước thì phân công lao động sẽ không bao giờ có thể phát triển được đến mức khiến cho người ta lâm vào tình cảnh thiếu thốn. Việc phân công lao động chuyên sâu chỉ có thể xảy ra trong xã hội nơi người ta tin rằng hòa bình sẽ kéo dài. Phân công lao động chỉ có thể phát triển khi an ninh được bảo đảm. Không có điều kiện tiên quyết như thế, quá trình phân công lao động không thể vượt qua ranh giới một ngôi làng hay thậm chí không vượt ra khỏi một gia đình. Phân công lao động giữa thành thị và nông thôn - người nông dân trong các khu ngoại vi cung cấp lương thực, gia súc, sữa, bơ cho thành phố để đổi lấy những món hàng do dân thành thì làm ra - đã giả định rằng nền hòa bình sẽ được bảo đảm, ít nhất là trong khu vực đó. Nếu phân công lao động bao trùm lên cả nước thì nội chiến phải bị loại bỏ, còn khi phân công lao động bao trùm lên toàn thế giới thì cần phải bảo đảm giữ được một nền hòa bình dài lâu giữa các quốc gia.
    Hiện nay mọi người đều nghĩ rằng việc các thành phố thủ đô hiện đại như London hay Berlin chuẩn bị chiến tranh với dân chúng sống trong khu vực ngoại ô là việc làm vô nghĩa. Nhưng trong suốt nhiều thế kỉ, các thành phố châu Âu đã từng suy nghĩ như thế và đã có dự phòng về mặt kinh tế, nếu điều đó xảy ra. Đã có những thành phố mà phương tiện phòng thủ được xây dựng ngay từ đầu sao cho nó có thể đứng vững được một thời gian, như cấy cày và chăn nuôi gia súc ngay bên trong thành phố.
    Đầu thế kỉ XIX, cũng như trước đây, phần lớn những vùng có người ở trên thế giới vẫn còn bị chia ra thành những khu vực kinh tế ít nhiều đều mang tính tự cấp tự túc. Ngay cả trong những khu vực phát triển nhất của châu Âu, phần lớn nhu cầu vẫn được đáp ứng bằng sản phẩm của chính khu vực đó. Buôn bán - chỉ diễn ra trong khu vực hạn hẹp ngay trong những vùng lân cận - có vai trò tương đối hạn chế và nói chung chỉ gồm những loại hàng hóa mà do điều kiện khí hậu từng khu vực không thể sản xuất. Tuy nhiên, tại hầu hết các khu vực trên thế giới, sản phẩm do làng xã tự cung cấp có thể đáp ứng hầu như tất cả mọi nhu cầu của dân chúng. Đối với người nông dân, những xáo trộn trong hoạt động buôn bán do chiến tranh gây ra nói chung không gây ra bất kì ảnh hưởng tiêu cực nào. Thậm chí những người dân sống trong các nước phát triển hơn ở châu Âu trong thời gian chiến tranh cũng không phải chịu đựng quá nhiều thiếu thốn. Ngay cả nếu giả sử Hệ thống Lục địa mà Napoleon I áp đặt cho châu Âu nhằm ngăn chặn hàng hóa Anh quốc hoặc hàng hóa tự các châu lục khác phải đi qua Anh quốc rồi mới thâm nhập vào lục địa được áp dụng một cách khắt khe hơn so với thực tế đã diễn ra thì nó cúng chẳng gây ra cho dân chúng châu Âu một sự thiếu thống đáng kể nào. Chắc chắn là họ sẽ không có cà phê và đường, bông và sản phẩm làm từ vải bông, gia vị và nhiều loại đồ gỗ quý hiếm; nhưng tất cả những loại hàng hóa này đều chỉ có vai trò thứ yếu trong đời sống gia đình của đa phần dân chúng.
    Sự phát triển của hệ thống quan hệ kinh tế quốc tế phức tạp chính là sản phẩm của chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa tư bản thế kỉ XIX. Chỉ có chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa tư bản mới có thể làm cho việc chuyên môn hóa sản xuất trở nên rộng khắp và đi kèm với nó là việc cải tiến trong lĩnh vực công nghệ trở thành hiện thực. Hiện nay, dân chúng các nước trên cả năm chau cùng hợp tác để làm ra những sản phẩm mà một gia đình công nhân người Anh đang dùng hoặc muốn dùng. Chè cho bữa ăn sáng được đến từ Nhật hay Ceylon, cà phê từ Brazil hay đảo Java, đường từ Tây Ấn, thịt từ Australia hay Argentina, bông từ Mĩ hay Ai Cập, vải da từ Ấn Độ hay Nga v.v. Đổi lại, hàng hóa Anh quốc được đưa đến tất cả các vùng trên thế giới, đến cả những làng xã và nông trại xã xôi và khó đến nhất. Sự phát triển như thế có thể xảy ra và hình dung được chỉ bởi vì, song hành cùng với chiến thắng của những nguyên lí tự do, người ta đã không còn phải lo âu về một cuộc chiến tranh quy mô cực kì lớn sẽ lại nổ ra. Trong thời vàng son của chủ nghĩa tự do, chiến tranh giữa các dân tộc da trắng được coi là câu chuyện của thời quá khứ.
    Nhưng thực tế đã diễn ra theo cách khác. Các tư tưởng và cương lĩnh của chủ nghĩa tự do đã bị chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa quốc gia, chủ nghĩa quân phiệt, thế chỗ. Trong khi Kant và Von Humboldt, Bentham và Cobden ca ngợi nền hòa bình vĩnh cửu thì những người đại diện cho thời đại sau họ lại tán dương không mệt mỏi chiến tranh, cả nội chiến lẫn trên trường quốc tế. Và họ đã nhanh chóng thu được thành công. Kết quả là Thế chiến I đã nổ ra, cuộc chiến tranh đã mang đến cho thời đại của chúng ta bài học về sự mâu thuẫn giữa chiến tranh và phân công lao động.

    4. Bình đẳng

    Sự khác biệt giữa chủ nghĩa tự do trước đây và chủ nghĩa tự do tân thời thể hiện rõ nhất và dễ thấy nhất trong cách họ xử lí vấn đề bình đẳng. Những người theo phái tự do thế kỉ XVIII, được hướng đạo bởi những tư tưởng của luật tự nhiên và thời đại Khai sáng, đòi quyền bình đẳng về chính trị và dân sự cho tất cả mọi người vì họ cho rằng mọi người đều giống nhau. Chúa sinh ra mọi người như nhau, phú cho họ những khả năng và tài năng như nhau, phả vào tất cả mọi người cùng một hơi thở của Chúa. Tất cả những khác biệt giữa người với người đều là nhân tạo, là sản phẩm của xã hội, của con người - nghĩa là do những định chế nhất thời mà ra. Cái còn lại vĩnh viễn trong con người - tức là tâm hồn anh ta - chắc chắn là giống nhau cho cả người giàu lẫn người nghèo, quý tộc và thường dân, da trắng và da màu.
    Tuy nhiên, không có khẳng định nào lại thiếu căn cứ hơn là lời khẳng định về sự bình đẳng giữa người với người như thế. Mỗi người mỗi khác, không ai giống ai. Ngay cả anh em ruột cũng khác nhau rất xa về sức khỏe cũng như trí thông minh. Tự nhiên không bao giờ lặp lại sản phẩm của chính nó; nó không sản xuất hàng loạt và không có sản phẩm được tiêu chuẩn hóa. Mỗi người khi rời khỏi xưởng chế tạo của nó đều mang theo dấu ấn riêng, duy nhất và không bao giờ lặp lại. Mỗi người mỗi khác, và đòi hỏi về sự bình đẳng trước pháp luật hoàn toàn không thể dựa vào khẳng định rằng những người giống nhau phải được đối xử như nhau.
    Có hai lí do giải thích vì sao mọi người đều phải được bình đẳng trước pháp luật. Lí do thứ nhất đã được nhắc tới khi chúng ta phân tích những luận chứng nhằm chống lại chế độ nô lệ. Lao động sẽ có năng suất cao nhất khi và chỉ khi người công nhân được tự do vì chỉ có người lao động tự do, tức là người được hưởng thành quả lao động của mình dưới dạng tiền lương, mới cố gắng hết sức. Giữ gìn hòa bình trong xã hội là luận cứ thứ hai. Như đã chỉ ra ở trên, cần phải tránh mọi xáo trộn đối với sự phát triển một cách hòa bình quá trình phân công lao động. Nhưng giữ gìn hòa bình trong một xã hội, trong đó quyền lợi và trách nhiệm được phân chia theo giai cấp là nhiệm vụ hầu như bất khả thi. Người nào không cho một bộ phận dân chúng được hưởng các quyền như các bộ phận khác thì phải luôn sẵn sàng đối phó với cuộc tấn công của những người bị tước quyền nhằm chống lại những kẻ được hưởng đặc quyền đặc lợi. Đặc quyền đặc lợi giai cấp phải bị bãi bỏ, lúc đó xung đột vì lí do giai cấp sẽ chấm dứt.
    Như vậy, việc bới tìm sai lầm trong cách đặt vấn đề bình đẳng của chủ nghĩa tự do, rằng nó chỉ tạo ra sự bình đẳng trước pháp luật chứ không phải bình đẳng thật sự, là việc làm thiếu cơ sở. Có sử dụng toàn bộ sức mạnh của loài người cũng không thể làm cho người ta trở thành giống nhau. Con người đã và sẽ mãi mãi khác nhau. Chính những quan điểm tỉnh táo hữu ích vừa được trình bày là luận cứ ủng hộ cho việc mọi người đều bình đằng trước pháp luật. Chủ nghãi tự do không bao giờ đặt ra mục tiêu cao hơn thế, cũng chẳng bao giờ đòi hỏi cao hơn. Biến một người da đen thành da trắng là việc làm bất khả thi. Nhưng cho người da đen được hưởng những quyền như người da trắng, và bằng cách đó tạo điều kiện cho anh ta có thu nhập như người da trắng nếu anh ta cũng có năng suất lao động như người kia.
    Nhưng những người xã hội chủ nghĩa lại nói rằng làm cho mọi người bình đẳng trước pháp luật là chưa đủ. Muốn làm cho họ trở thành những người bình đẳng thật sự thì phải cho họ phân phối thu nhập giống nhau. Bãi bỏ đặc quyền đặc lợi được hưởng theo kiểu cha truyền con nối và theo chức tước là chưa đủ. Cần phải hoàn thành sự nghiệp, cần phải loại bỏ một trong những đặc quyền đặc lợi quan trọng nhất và lớn nhất, mà cụ thể là đặc quyền đặc lợi do sở hữu tư nhân mang lại cho người ta. Chỉ có như thế thì cương lĩnh tự do mới được thực hiện trọn vẹn, và nếu nhất quán thì chủ nghĩa tự do cuối cùng sẽ dẫn tới chủ nghĩa xã hội, dẫn tới việc bãi bỏ sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất.
    Đặc quyền đặc lợi là hệ thống thể chế tạo điều kiện thuận lợi cho một số cá nhân hay một nhóm người nhất định, nhưng gây thiệt hại cho người khác. Đặc quyền đặc lợi tồn tại, mặc dù nó làm cho một số người phải chịu thiệt hại - có thể là đa số - trong khi ngoài những người được hưởng thì nó chẳng mang lại lợi ích cho ai. Trong chế độ phong kiến thời Trung cổ, một số vương hầu công tước được trao quyền tài phán theo kiểu cha truyền con nối. Họ là những quan tòa vì được kế thừa, không cần biết họ có khả năng và phẩm chất phù hợp với quan tòa hay không. Trong mắt họ, địa vị này đơn giản chỉ là một nguồn thu nhập béo bở. Ở đây quyền tài phán là đặc quyền đặc lợi của giai cấp quý tộc.
    Nhưng trong các nhà nước hiện đại, quan tòa bao giờ cúng được quyền tuyển chọn trong số những người có kiến thức pháp luật và kinh nghiệm thì đấy không phải là đặc quyền đặc lợi của các luật sư. Các luật sư được ưu tiên không phải vì lợi ích của họ mà vì lợi ích của toàn xã hội, vì mọi người đều nghĩ rằng kiến thức về luật học là điều kiện tiên quyết đối với một quan tòa. Khi xem xét một hệ thống thể chế có phải là đặc quyền đặc lợi đối với một nhóm người, một giai cấp, một cá nhân hay không, ta không được dựa vào những khoản ưu tiên ưu đãi mà nó mang lại cho nhóm đó mà phải dựa vào lợi ích mà nó mang lại cho toàn xã hội. Hiển nhiên là, trên con tàu giữa biển khơi chỉ có một người làm thuyền trưởng, còn những người khác đều là thuyền viên và bị ông ta chỉ huy, và như thế thì người thuyền trưởng chắc chắn là có lợi thế rồi. Nhưng đây không phải là đặc quyền đặc lợi của vị thuyền trưởng vì nếu ông ta biết cách lái tàu đi giữa những tảng đá ngầm trong cơn giông bão thì không chỉ ông ta được lợi mà cả thủy thủ đoàn cũng được lợi nữa.
    Để xác định liệu một hệ thống thể chế có phải là đặc quyền đặc lợi cho một cá nhân hay một giai cấp hay không, ta không được hỏi nó có mang lại lợi ích cho cá nhân hay giai cấp cụ thể nào đó hay không mà phải hỏi nó có mang lại lợi ích cho toàn xã hội hay không. Khi ra rút ra kết luận rằng chỉ có sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất mới làm cho xã hội loài người phát triển một cách thịnh vượng thì rõ ràng là nói rằng sở hữu tư nhân không phải là đặc quyền đặc lợi của người chủ sở hữu mà là một thể chế xã hội vì phúc lợi và lợi ích của tất cả mọi người, ngay cả khi nó đồng thời mang lại lợi ích và sự thỏa mãn đặc biệt cho một số người.
    Chủ nghĩa tự do ủng hộ thể chế sở hữu tư nhân không phải vì quyền lợi của những chủ sở hữu. Những người theo trường phái tự do muốn bảo vệ quyền sở hữu tư nhân hoàn toàn không phải là vì việc bãi bỏ nó sẽ xâm phạm quyền sở hữu của ai đó. Nếu họ nghĩ rằng việc xóa bỏ thể chế sở hữu tư nhân sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người thì chắc chắn họ sẽ ủng hộ việc xóa bỏ nó, dù rằng chính sách như thế có thể gây tổn thất cho các chủ sở hữu. Nhưng duy trì thể chế này là lợi ích của tất cả các giai tầng trong xã hội. Ngay cả một người nghèo, một kẻ chẳng có chút tài sản nào, cũng có đời sống khấm khá hơn rất nhiều so với đời sống trong một xã hội không có khả năng sản xuất được một phần những gì được sản xuất trong xã hội hiện nay.

    5. Bất bình đẳng về tài sản và thu nhập

    Bất bình đẳng về tài sản và thu nhập là vấn đề bị phê phán nặng nề nhất. Trong xã hội có người giàu và người nghèo, có người rất giàu và cũng có người rất nghèo. Cách giải quyết cũng không có gì khó: chia đều tất cả tài sản.
    Cách thứ nhất để phản đối đề xuất này là cho rằng nó sẽ chẳng giúp cải tạo được tình hình vì số người có mức tài sản vừa phải lớn hơn rất nhiều lần số người giàu có, cho nên việc phân chia lại như thế sẽ chẳng làm tăng được mức sống của mỗi người thêm được bao nhiêu. Điều này dĩ nhiên là đúng, nhưng không đủ. Những người đòi sự bình đẳng trong việc phân chia thu nhập đã bỏ qua một chi tiết quan trọng nhất: tổng số tài sản có thể đem phân phối, tức là thu nhập hàng năm của lao động xã hội, không phụ thuộc vào cách phân phối chúng. Số sản phẩm khổng lồ đang có trong xã hội hôm nay không phải là hiện tượng tự nhiên hay công nghệ độc lập với các điều kiện xã hội mà chính là kết quả của những thể chế xã hội của chúng ta. Chỉ vì bất bình đẳng về tài sản có thể tồn tại trong xã hội của chúng ta, chỉ vì nó thúc đẩy mọi người mang hết sức mình ra sản xuất và sản xuất với giá thành thấp nhất cho nên loài người mới có trong tay số tài sản được sản xuất ra và được tiêu thụ hàng năm như hiện nay. Nếu giả sử động co lao động đó bị phá hủy thì năng suất lao động sẽ bị giảm đáng kể, phần đem phân phối cho mỗi cá nhân sẽ ít hơn rất nhiều so với phần mà một người nghèo nhất đang nhận được hiện nay.
    Tuy nhiên, bất bình đẳng trong phân phối thu nhập còn có một số chức năng nữa, cũng quan trọng như chức năng vừa nói ở trên: nó giúp người giàu có thể sống xa xỉ.
    Người ta đã nói và viết rất nhiều điều ngu xuẩn về sự xa xỉ. Người ta phản đối việc tiêu thụ những món hàng xã xỉ vì cho rằng thật là bất công khi một số người sống quá thừa mứa trong khi những người khác lại sống trong cảnh bần hàn. Luận cứ này có vẻ cũng có giá trị nào đó. Nhưng đấy chỉ là vẻ ngoài mà thôi. Nếu có thể chứng minh được rằng việc tiêu thụ những món hàng xa xỉ chính là thực hiện một chức năng hữu ích trong hệ thống hợp tác xã hội thì luận cứ này sẽ bị coi là vô giá trị. Đấy chính là điều chúng ta sẽ làm trong phần dưới đây.
    Dĩ nhiên là chúng ta không biện hộ cho việc tiêu thụ những món hàng xa xỉ bằng luận cứ mà đôi khi có người nói là hàng xa xỉ giúp luân chuyển tiền trong dân chúng. Nếu người giàu không hưởng những món hàng xa xỉ thì người nghèo không có tiền, ấy là người ta hay nói như thế. Thật là nhảm nhí. Vì rằng nếu không có người tiêu thụ hàng xa xỉ thì vốn và lao động đáng ra được dùng cho việc sản xuất hàng xa xỉ sẽ được dùng cho việc sản xuất các hàng hóa khác, ví dụ như những món hàng mà nhiều người tiêu thụ, những món hàng cần thiết chứ không phải là những món hàng "vô dụng".
    Để có thể tạo ra được một quan niệm đúng đắn về giá trị xã hội của việc tiêu thụ các món hàng xa xỉ trước hết ta phải hiểu rằng khái niệm về xa xỉ là khái niệm tương đối. Xa xỉ là cách sống tương phản rõ rệt với phần lớn dân chúng cùng thời. Như vậy là, quan niệm về xa xỉ là quan niệm có tính lịch sử. Nhiều thứ ta coi là thiết yếu hiện nay có thời đã từng được coi là xa xỉ. Trong thời Trung cổ, khi phu nhân dòng dõi quý tộc người Byzantine của ngài tổng trấn vùng Venice dùng món mà ngày nay chúng ta gọi là thìa dĩa bằng vằng để gắp thức ăn chứ không dùng tay để bốc thì người Venice coi đấy là món hàng xa xỉ, nhạo báng cả thánh thần, và họ nghĩ rằng nếu Trời có mắt thì nhất định người đàn bà này phải mắc một căn bệnh khủng khiếp mới xứng: chắc chắn là họ cho rằng tiêu xài phung phí trái tự nhiên như thế nhất định sẽ bị Trời phạt. Cách đây vài ba thế hệ, buồng tắm trong nhà được coi là xa xỉ, ngày nay gia đình công nhân Anh nào cũng có buồng tắm như thế. Ba mươi lăm năm trước chưa ai có ô tô, hai mươi năm trước sở hữu ô tô được coi là sống xa hoa, còn hiện nay, ở Mĩ ngay cả công nhân cũng có xe Ford riêng. Đấy là xu hướng của lịch sử kinh tế. Món hàng xa xỉ hôm nay sẽ trở thành đồ dùng cần thiết vào ngày mai. Mọi sự cải tiến trước tiên đều là những món hàng xa xỉ của một ít người giàu có, nhưng sau đó một thời gian sẽ trở thành đồ dùng thiết yếu, được mọi người coi là đương nhiên. Việc tiêu thụ những món hàng xa xỉ giúp cho nền công nghiệp khám phá và tạo ra những sản phẩm mới. Đấy là một trong những yếu tố làm cho nền kinh tế của chúng ta trở nên năng động. Nhờ có nó mà chúng ta mới có những sáng tạo mới (innovations), và nhờ những sáng tạo mới như thế mà đời sống của tất cả các thành phần dân cư trong xã hội mới được cải thiện từng bước.
    Nhưng phần lớn người ta đều không có cảm tình với một người vô công rồi nghề giàu có, chỉ biết ăn chơi mà chẳng chịu làm bất cứ việc gì. Nhưng ngay cả một người như thế cũng thực hiện chức năng trong đời sống của cơ thể xã hội. Anh ta tạo ra, ví dụ, cách sống xa hoa, lối sống như thế sẽ làm cho quần chúng nhận thức được những nhu cầu mới và khuyến khích nền công nghiệp hoàn thành các nhu cầu đó. Có thời chỉ có người giàu mới đi ra nước ngoài. Schiller chưa bao giờ được nhìn thấy những dãy núi ở Thụy Sĩ mà ông từng ca ngợi trong tác phẩm Wilhelm Tell, mặc dù chúng nằm ngay trên biên giới quê hương Swab của ông. Goethe chưa bao giờ thấy Paris, Vienna cũng như London. Hôm nay hàng trăm ngàn người đang đi du lịch, chẳng mấy nữa sẽ có hàng triệu người cũng sẽ đi như thế.
     
    Chỉnh sửa cuối: 22/6/15
  5. notrinos

    notrinos Lớp 5

    6. Sở hữu tư nhân và đức hạnh

    Trong khi tìm cách chỉ ra chức năng xã hội và sự cần thiết của sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất và kèm theo nó là hiện tượng bất bình đẳng trong phân phối thu nhập và tài sản, chúng tôi đồng thời cũng đưa ra bằng chứng biện hộ về mặt đạo đức cho sở hữu tư nhân và chế độ tư bản chủ nghĩa, tức là chế độ xã hội dựa trên nền tảng sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất.
    Đức hạnh là sự tôn trọng những đòi hỏi tất yếu mà bất kì thành viên nào của xã hội cúng cần phải tuân thủ vì sự tồn tại của xã hội. Một người sống cách li với thế giới thì không cần tuân theo bất kì quy tắc đạo đức nào. Anh ta không cần phải đắn đo khi làm những việc mà anh ta cho rằng có lợi cho mình nhưng không biết có làm hại người khác không. Nhưng, là một thành viên trong xã hội, khi làm bất kì việc gì người ta cũng phải xem xét không chỉ lợi ích trực tiếp của mình mà còn phải góp phần củng cố xã hội mà mình đang sống. Cá nhân chỉ có thể sống được nhờ sự hợp tác xã hội, nếu tổ chức đời sống và sản xuất xã hội bị sụp đổ thì từng cá nhân sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng. Trong khi yêu cầu các cá nhân quan tâm đến lợi ích xã hội trong mọi hành động của mình, và không được làm những hành động có lợi cho anh ta nhưng lại gây thiệt hại nghiêm trọng cho xã hội thì không có nghĩa là xã hội yêu cầu anh ta phải hi sinh quyền lợi của mình cho quyền lợi của người khác. Vì sự hi sinh mà xã hội đòi hỏi chỉ là tạm thời: hi sinh lợi ích trực tiếp và tương đối nhỏ để đổi lấy lợi ích lớn hơn nhiều. Sự tồn tại của xã hội như là hiệp hội của những con người cùng hợp tác và chia sẻ một lối sống, chính là lợi ích của tất cả mọi người. Người nào hi sinh lợi ích tức thời nhàm tránh cho xã hội khỏi tình trạng hiểm nghèo là người biết hi sinh lợi ích nhỏ vì lợi ích to lớn hơn nhiều.
    Ý nghĩa về sự tôn trọng quyền lợi của xã hội như thế lại thường bị hiểu sai. Người ta tin rằng giá trị đạo đức nằm ở hành động hi sinh, ở việc từ bỏ sự thỏa mãn ngay lập tức. Người ta không chịu công nhận rằng giá trị đạo đức không phải là sự hi sinh, mà là mục đích của sự hi sinh; người ta cố tình gán giá trị đạo đức cho bản thân hành động hi sinh, cho bản thân hành động từ bỏ. Nhưng hành động hi sinh phải là để phục vụ cho mục đích đức hạnh thì mới được coi là đức hạnh. Có sự khác nhau một trời một vực giữa một người liều mình và hi sinh tài sản của mình vì những mục tiêu cao quý và một người hi sinh tất cả những thứ đó mà chẳng mang lại lợi ích gì cho xã hội.
    Tất cả những hành động nhằm giữ gìn trật tự xã hội đều là đức hạnh; còn những gì có hại cho nó đều là phi đạo đức. Do đó, khi ta rút ra kết luận rằng một thể chế nào đó là có lợi cho xã hội thì không thể nói rằng nó là phi đạo đức. Có thể có những ý kiến khác nhau về việc một thể chế cụ thể nào đó là có ích hay có hại đối với xã hội. Nhưng một khi đã coi một thể chế là có lợi thì người ta không còn có thể buộc tội nó là phi đạo đức vì một lí do mơ hồ nào đó.

    7. Nhà nước và chính phủ

    Tuân thủ đạo lí là lợi ích tối cao của mọi cá nhân vì duy trì sự hợp tác xã hội mang lại lợi ích cho tất cả mọi người; đồng thời nó cũng buộc mọi người phải hi sinh, mặc dù chỉ là những hi sinh tạm thời để đổi lấy những lợi ích lớn hơn. Phải có một số hiểu biết sâu sắc mối quan hệ giữa các hiện tượng và sự vật thì mới nhận thức được chuyện đó, đồng thời phải có ý chí nhất định thì mới thực hiện được những hành động phù hợp với nhận thức như thế. Những người không có nhận thức hoặc nhận thức được, nhưng không có ý chí thực hiện thì không có khả năng tuân thủ đạo lí một cách tự nguyện. Không khác gì việc tuân thủ các quy định về vệ sinh mà các cá nhân phải theo vì sức khỏe của chính mình. Một người nào đó có thể sống phóng túng, ví dụ như hút chích ma túy vì không biết hậu quả của nó hoặc cho rằng hậu quả không là gì so với việc từ bỏ thú vui nhất thời, hoặc là không có đủ ý chí để điều khiển hành vi cho phù hợp với nhận thức của mình. Có người cho rằng xã hội cần phải sử dụng những biện pháp cưỡng bức để buộc những cá nhân nói trên đi vào đường ngay lối thẳng, và trưng phạt bất kì kẻ nòa có những hành động bất cẩn gây hại cho sức khỏe và cuộc sống của hắn ta. Họ nói rằng phải dùng biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn những kẻ nghiện rượu và nghiện ma túy khỏi những thói hư tật xấu, và buộc họ phải tự bảo vệ sức khỏe.
    Nhưng những biện pháp cưỡng bách đó có đáp ứng được mục tiêu đề ra hay không? Chúng ta sẽ thảo luận vấn đề này sau. Bây giờ chúng ta sẽ quan tâm đến một vấn đề khác, mà cụ thể là có cần buộc những kẻ có hành vi gây nguy hại cho sự tồn tại của xã hội phải chấm dứt những hành động như thế hay không. Người nghiện rượu và nghiện mà túy chỉ gây hại chính mình; còn người vi phạm những quy tắc đạo đức điều chỉnh đời sống của con người trong xã hội gây hại không chỉ cho mình mà còn cho tất cả mọi người. Cuộc sống trong xã hội sẽ trở thành bất khả thi nếu những người muốn trật tự xã hội tiếp tục tồn tại và có hành động phù hợp với ước muốn đó không được dùng sức mạnh và những biện pháp cưỡng bức chống lại những kẻ sẵn sàng phá hoại trật tự xã hội. Một ít kẻ phản xã hội, tức là những người không muốn hoặc không thể thực hiện những hành động hi sinh tạm thời mà xã hội đòi hỏi, có thể làm cho đời sống xã hội trở thành không thể chịu đựng. Không sử dụng những biện pháp cưỡng chế và sức mạnh nhằm chống lại kẻ thù của xã hội thì không thể sống được.
    Chúng ta gọi bộ máy ép buộc và cưỡng chế, tức là bộ máy buộc người dân tuân thủ những quy tắc sống trong xã hội, là nhà nước; gọi những quy tắc mà nhà nước thực thi là luật pháp; gọi những tổ chức chịu trách nhiệm quản lí bộ máy cưỡng chế đó là chính phủ.
    Có những môn phái tin rằng người ta hoàn toàn có thể gỡ bỏ bất kì hình thức cưỡng bức nào, và có thể xây dựng xã hội trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện tuân thủ các chuẩn mực đạo đức. Những người vô chính phủ cho rằng nhà nước, luật pháp và chính phủ đều chỉ là những thể chế vô tích sự trong một chế độ xã hội thực sự mong muốn phục vụ cho quyền lợi của tất cả mọi người chứ không phải chỉ phục vụ cho quyền lời của một số ít kẻ đặc quyền đặc lợi. Chỉ bởi vì chế độ xã hội hiện tại dựa trên cơ sở sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất nên nó mới cần sử dụng bạo lực và cưỡng bức để bảo vệ chính nó mà thôi. Nếu sở hữu tư nhân bị bãi bỏ thì mọi người, không trừ một ai, sẽ tự động tuân thủ những quy tắc sống mà sự hợp tác xã hội đòi hỏi.

    Như đã chỉ ra ở trên, học thuyết đó sai lầm ngay khi nói về tính chất của quyền sở hữu tư nhân các tư liệu sản xuất. Nhưng ngay cả khi không có quan niệm sai lầm đó thì lí thuyết này cũng hoàn toàn không thể đứng vững. Người theo phái vô chính phủ hoàn toàn đúng khi không phủ nhận rằng mỗi hình thức hợp tác giữa người với người trong xã hội trên cơ sở phân công lao động đều đòi hỏi tuân thủ một số quy tắc ứng xử mà không phải lúc nào cũng được mọi cá nhân hoan nghênh, vì những quy tắc đó buộc người ta phải hi sinh, dù chỉ là trong một thời gian ngẵn, nhưng vẫn làm cho người ta đau khổ, ít nhất là ngay tại thời điểm đó. Nhưng người theo phái vô chính phủ đã lầm khi cho rằng mọi người, không cso ngoại lệ, đều sẽtự nguyệntuân thủ các quy tắc như thế. Có những người bị bệnh đường ruột, họ biết rõ rằng nếu ăn một món nào đó thì chỉ một thời gian ngắn sau đó họ sẽ bị đau bụng, thậm chí đau đến mức không chịu được, nhưng họ vẫn không thể không hưởng thụ cái món khoái khẩu đó. Những mối quan hệ qua lại trong đời sống xã hội khó theo dõi hơn là tác động của thức ăn lên cơ thể con người và hậu quả cũng không diễn ra nhanh như thế, mà trên hết là không phải lúc nào kẻ bất lương cũng cảm nhận được. Có thể bỏ qua tất cả những điều đã trình bày để giả định rằng mỗi người trong xã hội vô chính phủ đều có khả năng nhìn xa trông rộng và có ý chí mạnh mẽ hơn kẻ bị bệnh đường ruột tham ăn, mà không sợ bị coi là ngớ ngẩn hay không? Trong xã hội vô chính phủ liệu có thể loại bỏ hoàn toàn khả năng là một người vô tình ném que diêm đang cháy và gây ra hỏa hoạn hoặc trong khi tức giận, ghen tuông hay thù hận mà xúc phạm người khác hay không? Chủ nghĩa vô chính phủ hiểu sai bản chất của con người. Nó chỉ có thể trở thành hiện thực trong thế giới của thánh thần mà thôi.
    Chủ nghĩa tự do không phải là chủ nghĩa vô chính phủ và cũng chẳng có gì chung với chủ nghĩa vô chính phủ. Người theo trường phái tự do hiểu rõ rằng không có những biện pháp cưỡng bách thì sự tồn tại của chính xã hội sẽ bọ đe dọa, và muốn bảo đảm được sự hợp tác hòa bình giữa người với người thì đằng sau các quy tắc ứng xử cần phải tuân thủ còn cần phải có sự đe dọa bằng vũ lực; nếu không, bất cứ thành viên nào cũng có thể là mối đe dọa đối với toàn bộ lâu đài xã hội. Cần phải có khả năng buộc những kẻ không tôn trọng cuộc sống, sức khỏe, quyền tự do cá nhân hay tài sản cá nhân của người khác, tuân thủ những quy tắc sống trong xã hội. Đấy chính là chức năng mà học thuyết tự do gán cho nhà nước: bảo vệ tài sản, tự do và hòa bình.

    Một người xã hội chủ nghĩa Đức tên là Ferdinand Lassalle(1) đã cố giễu cợt quan niệm về nhà nước giới hạn chỉ trong khuôn khổ chức năng như thế khi dí dỏm gọi nhà nước được xây dựng trên những nguyên tắc tự do là "nhà nước tuần đêm". Nhưng thật không hiểu nổi vì sao "nhà nước tuần đêm" lại kì quặc hoặc tồi tệ hơn là nhà nước quan tâm đến cả việc muối dưa cải, sản xuất nút quần hoặc xuất bản báo? Muốn hiểu được cái ấn tượng mà Lassalle tìm cách tạo ra bằng nhận xét dí dỏm như thế, ta phải biết rằng những người Đức cùng thời với ông vẫn chưa quên được nhà nước của những ông vua độc tài, với rất nhiều chức năng quản lí và điều tiết khác nhau, và họ vẫn còn bị triết học của Hegel chi phối rất mạnh, mà Hegel lại là người đưa nhà nước lên vị trí của thánh thần. Nếu coi nhà nước, theo quan niệm của Hegel, như là "một thực thể tự ý thức về mặt đạo đức", là "Vũ trụ trong nó cùng với chính nó", là "lí tính của ý chí" thì dĩ nhiên là khi ai đó coi mọi cố gắng nhằm giới hạn chức năng của nhà nước vào việc phục vụ như là người gác cổng ban đêm thì đúng là hành vi báng bổ rồi.

    1 Ferdinand Lassalle (1825-1864), còn có tên là Ferdinand Lassalle-Wolfson, là luật gia người Đức gốc Do Thái, nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào xã hội chủ nghĩa Đức, được coi là người sáng lập Đảng dân chủ xã hội Đức.

    Chỉ có như thế ta mới hiểu được làm sao mà người ta lại có thể đi xa đến mức chỉ trích chủ nghĩa tự do là có thái độ căm ghét hay thù địch đối với nhà nước. Nếu rằng trao cho nhà nước việc quản lí ngành đường sắt, khách sạn hay hầm mỏ là không thích hợp thì tôi không phải là "kẻ thù của nhà nước" tự như việc không thể coi tôi là kẻ thù của axit sulphuric chỉ vì tôi nghĩ rằng dù nó có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau thì cũng không thể dùng nó để uống hay rửa tay được.

    Sẽ là sai khi nói rằng chủ nghĩa tự do muốn hạn chế lĩnh vực hoạt động của nhà nước, hoặc về nguyên tắc học thuyết này căm thù mọi hoạt động của nhà nước có liên quan đến lĩnh vực kinh tế. Cách giải thích như thế hoàn toàn không nói lên bản chất của vấn đề. Quan điểm của chủ nghĩa tự do về chức năng của nhà nước là kết quả tất yếu của những luận cứ nhằm bảo vệ quyền tư hữu của chủ nghĩa này. Khi người ta đã ủng hộ quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất thì dĩ nhiên người ta không thể ủng hộ quyền sở hữu tập thể tư liệu sản xuất, tức là không ủng hộ việc đặt chúng vào tay nhà nước thay vì để trong tay sở hữu tư nhân. Như vậy, ủng hộ quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất cũng có nghĩa là giới hạn một cách triệt để các chức năng của chính phủ.
    Những người xã hội chủ nghĩa đô khi cũng có thói quen phê phán chủ nghĩa tự do là không nhất quán. Họ khẳng định rằng sẽ là phi lí nếu vệc quy định vai trò của nhà nước trong lĩnh vực kinh tế chỉ là để bảo vệ quyền sở hữu. Thật khó hiểu tại sao sự can thiệp của nhà nước lại bị giới hạn vào việc bảo vệ quyền lợi của các chủ sở hữu trong điều kiện bộ máy này vẫn không hoàn toàn trung lập.
    Lời phê phán trên chỉ có thể được coi là hợp lí nếu chủ nghĩa tự do chống đối mọi hoạt động của nhà nước trong lĩnh vực kinh tế vượt quá chức năng bảo vệ quyền sở hữu và sự chống đối đó có nguồn gốc từ việc căm thù về nguyên tắc mọi hành động của nhà nước. Nhưng vấn đề hoàn toàn không phải thế. Chủ nghĩa tự do phản đối việc mở rộng lĩnh vực hoạt động của nhà nước hơn nữa chính xác là vì hành động mở rộng đó trên thực tế sẽ tiêu diệt quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất. Mà những người theo trường phái tự do lại coi sở hữu tư nhân là nguyên tắc phù hợp nhất cho việc tổ chức đời sống của con người trong xã hội.

    8. Chế độ dân chủ

    Như vậy là, chủ nghĩa tự do hoàn toàn không có ý định phủ nhận sự cần thiết của bộ máy nhà nước, hệ thống pháp luật và chính phủ. Gắn kết nó, dù dưới bất kì hình thức nào, với tư tưởng của chủ nghĩa vô chính phủ là sai lầm nghiêm trọng. Đối với người theo trường phái tự do, nhà nước là bộ máy tuyệt đối cần thiết vì người ta giao cho nó những nhiệm vụ cực kì quan trọng: bảo vệ không chỉ sở hữu tư nhân mà còn bảo vệ hòa bình vì nếu không có hòa bình thì không thể gặt hái được toàn bộ lợi ích mà sở hữu tư nhân mang đến cho con người.
    Chỉ cần những lí lẽ như thế cũng đủ để xác định những chức năng mà nhà nước phải thực hiện nhằm đáp ứng lí tưởng của chủ nghĩa tự do. Nhà nước phải không chỉ đủ sức bảo vệ sở hữu tư nhân mà còn phải được xây dựng như thế nào đó để tiến trình phát triển hòa bình và uyển chuyển của xã hội không bao giờ bị những cuộc nội chiến, cách mạng và bạo loạn làm cho gián đoạn.
    Nhiều người vẫn còn bị ý tưởng, có từ thời tiền tự do, cho rằng làm quan là cao quý và đáng trọng. Cho đến mãi thời gian gần đây, và cả hiện nay, các quan chức ở Đức vẫn được người ta trọng vọng, thái độ trọng vọng như thể làm quan là địa vị cao quý hơn cả. Sự tôn trọng của xã hội đối với một chức quan hạng bét hay anh trung úy quèn còn cao gấp nhiều lần sự tôn trọng dành cho một doanh nhân hay một luật sư lão làng. Các nhà văn, nhà bác học và các nghệ sĩ đã nổi tiếng và được vinh danh ở nước ngoài, nhưng ở trong nước lại chỉ nhận được sự tôn trọng tương xứng với địa vị khiêm tốn mà họ giữ trong bộ máy thư lại.
    Đánh giá quá cao công việc trong các văn phòng của bộ máy quản lí như thế thật là một việc làm thiếu căn cứ. Đấy là một dạng lại tổ, dấu vết của những ngày xa xưa, khi mà người dân thường còn phải sợ vua chúa và các hiệp sĩ của ông ta vì lúc nào cũng có thể bị bọn họ cướp bóc. Trên thực tế, dùng thời giờ để ghi hồ sơ trong các công sở cũng chẳng có gì hay, vinh dự hơn hay danh giá hơn, ví dụ như, làm trong phòng thiết kế của một nhà máy chế tạo nào đó. Nhân viên thuế vụ cũng có địa vị chẳng khác gì những người trực tiếp làm ra tài sản mà một phần của nó đã bị thu dưới dạng thuế khóa để trả cho chi phí của bộ máy nhà nước.
    Quan niệm về địa vị đặc biệt và phẩm giá của các quan chức nhà nước là cơ sở của lí thuyết giả dân chủ về nhà nước. Lí thuyết này nói rằng để cho người khác cai trị là đáng xấu hổ. Lí tưởng của nó là một thể chế, trong đó mọi người dân đều quản lí, đều chỉ huy. Dĩ nhiên là chuyện này chưa bao giờ, hiện không thể và sẽ chẳng bao giờ xảy ra hết, ngay cả trong một quốc gia nhỏ bé. Có thời người ta đã nghĩ là lí tưởng đó đã được thực hiện ở các thành bang Hi Lạp thời Cổ đại và trong các bang nhỏ ở vùng núi của Thụy Sĩ. Nhưng hoàn toàn không phải như thế. Ở Hi Lạp, chỉ có một phần dân cư, tức là các công dân tự do, có đóng góp phần nào vào việc cai trị; dân ngụ cư và nô lệ không có đóng góp gì. Ở các bang của Thụy Sĩ những vấn đề hoàn toàn mang tính địa phương đã và vẫn được giải quyết theo lối dân chủ trực tiếp, đấy là nguyên tắc đã được đưa vào hiến pháp. Còn tất cả những vấn đề vượt ra ngoài biên giới khu vực đều thuộc quyền tài phán của Liên bang, mà chính phủ Liên bang của nước này thì khác xa với lí tưởng về dân chủ trực tiếp.
    Chẳng có gì phải xấu hổ khi để cho người khác cai trị mình. Chính phủ và bộ máy quản lí, cảnh sát và các cơ quan khác, cũng cần các nhà chuyên môn: các quan chức chuyên nghiệp và các chính khách chuyên nghiệp. Nguyên tắc phân công lao động cũng được áp dụng cho cả các chức năng của chính phủ. Không ai có thể vừa làm kĩ sư vừa làm cảnh sát cùng một lúc. Nếu tôi không phải là công an thì phẩm giá của tôi, sự thịnh vượng của tôi, tự do của tôi cũng chẳng hề giảm đi chút nào. Nếu một ít người chịu trách nhiệm bảo vệ những người khác thì việc đấy cũng không hề phi dân chủ hơn là việc chỉ một số it người sản xuất giày cho những người khác vậy. Nếu các thể chế của nhà nước là dân chủ thì chẳng có lí do gì để phản đối các chính khách và các quan chức dân sự chuyên nghiệp. Nhưng chế độ dân chủ là thể chế hoàn toàn khác với quan niệm của những kẻ mơ mộng hão huyền, chuyên tán nhảm về dân chủ trực tiếp.
    Chính phủ là một nhóm người – số người cai trị bao giờ cũng ít hơn số người bị trị, chẳng khác gì số thợ giày so với số người mua giày vậy – phụ thuộc vào sự chấp thuận của những người mà họ cai quản, nghĩa là sự chấp nhận bộ máy quản lí hiện hữu. Họ có thể coi chính phủ là một cái ác không thể tránh được, những họ cũng phải nghĩ rằng việc thay đổi hiện trạng chẳng đem lại điều gì cả. Nhưng nếu đa số những kẻ bị trị tin rằng cần phải và có thể thay đổi hình thức cai trị, và thay chế độ cũ và các quan chức cũ bằng một chế độ mới và các quan chức mới thì ngày tàn của chế độ cũ đã đến. Khối đa số sẽ có đủ lực lượng để thực hiện ước vọng của họ bằng vũ lực, ngay cả trong trường hợp phải chống lại ý chí của chế độ cũ. Về lâu dài, nêu dư luận không ủng hộ, nghĩa là nếu những người bị trị không tin rằng chính phủ của họ tốt, thì không chính phủ nào có thể đứng vững. Sức mạnh mà chính phủ dùng để đàn áp tinh thần phản đối chỉ có hiệu quả khi đa số chưa tập hợp thành phe đối lập đoàn kết nhất trí mà thôi.
    Như vậy nghĩa là trong bất kì thể chế nào cũng có những phương tiện để buộc chính phủ phải phụ thuộc vào ý chí của những người bị trị: đấy là nội chiến, cách mạng và bạo loạn. Nhưng đấy chính là những phương tiện mà chủ nghĩa tự do muốn tránh. Sự cải thiện về mặt kinh tế không thể kéo dài nếu những cuộc đấu đá nội bộ liên tục làm cho công việc bị gián đoạn. Tình hình chính trị rối loạn, tương tự như tình hình thời những cuộc chiến tranh hoa hồng ở nước Anh, trong vòng vài năm sẽ đẩy nước này vào hoàn cảnh nghèo đói, khốn quẫn nhất. Nếu người ta không tìm được biện pháp ngăn ngừa nội chiến thì kinh tế không thể nào phát triển được như ngày nay. Cuộc chiến huynh đệ tương tàn, tương tự như cuộc Cách mạng Pháp năm 1789, phải trả giá bằng rất nhiều nhân mạng và của cải. Nền kinh tế hiện nay của chúng ta không thể chịu đựng nổi những cơn chấn động tương tự. Dân chúng trong các thủ đô hiện đại sẽ phải chịu nhiều đau khổ vì những cuộc nổi dậy, bạo loạn sẽ làm gián đoạn việc nhập khẩu lương thực thực phẩm, than đá và cắt đứt đường dây điện, đường dẫn khí đốt, dẫn nước, chỉ nội nỗi sợ trước những rối loạn như thế đã đủ làm tê liệt đời sống của đô thị.
    Đấy là lĩnh vực mà chế độ dân chủ có thể tìm thấy chức năng xã hội của nó. Chế độ dân chủ là thể chế có thể buộc chính phủ phải đáp ứng các ước nguyện của những người bị trị mà không cần tới những cuộc đấu tranh đầy bạo lực. Trong nhà nước dân chủ, nếu chính phủ không thực hiện chính sách được lòng đa số thì người ta có thể đưa những người làm vừa lòng đa số lên cầm quyền mà không cần gây ra nội chiến. Bằng những cuộc bầu cử và những dàn xếp trong quốc hội, việc thay đổi chính phủ được thực hiện một cách êm ả, không có va chạm, không có bạo lực và không còn cảnh đầu rơi máu chảy.

    9. Phê phán thuyết vũ lực

    Các chiên sĩ đấu tranh cho nền dân chủ trong thế kỉ XVIII khẳng định rằng chỉ có các quân vương và các thượng thư mới là những kẻ vô luân, ngu ngốc và độc ác. Còn nhân dân đều là những người tốt, trong sạch, cao quý và thêm nữa có tài năng trí tuệ thiên bẩm cần thiết để bao giờ cũng biết làm những việc đúng đắn. Đây dĩ nhiên là chuyện hoàn toàn nhảm nhí, chẳng khác gì những viên cận thần vẫn gán cho các ông hoàng của họ đủ thứ đức tính tốt đẹp và cao thượng. Nhân dân là tập hợp của tất cả các công dân riêng lẻ, và nếu có một số công dân không thông minh, không cao quý thì toàn thể nhân dân cũng không thể là một tập hợp thông minh và cao quý được.
    Vì toàn thể nhân loại đã bước vào thời đại dân chủ với những hi vọng bị thổi phồng lên như thế nên ta sẽ không ngạc nhiên trước tâm trạng thất vọng diễn ra ngay sau đó. Người ta đã phát hiện ngay ra rằng các chế độ dân chủ cũng phạm nhiều sai lầm chẳng khác gì chế độ quan chủ hay quý tộc. So sánh phẩm chất giữa những người mà nền dân chủ đưa lên vị trí đứng đầu chính phủ với những người mà vua chúa hay hoàng đế đưa lên vị trí này nhằm thực thi quyền lực tuyệt đối của họ, thì những người cầm quyền mới cũng chẳng hơn gì. Người Pháp thường có thói quen nói chuyện "hài hước đến chết cười". Và thực tế thì ở đâu các chính khách của chế độ dân chủ đại diện cũng nhanh chóng trở thành trò cười trong mắt người dân. Những người đại diện cho chế độ cũ luôn thể hiện những phẩm chất quý phái nhất định, ít nhất là vẻ ngoài. Còn những người cầm quyền mới thì lại luôn có những hành động tiện dân. Không gì có thể làm hại nền dân chủ bằng thái độ kiêu ngạo rỗng tuếch và giả dối trắng trợn của những người lãnh đạo đảng dân chủ-xã hội, những kẻ đã nắm được quyền lực sau khi chế độ quan chủ sụp đổ.
    Như vậy là, nơi nào mà chế độ dân chủ giành được thắng lợi thì tại nơi đó lập tức xuất hiện học thuyết bài dân chủ từ nền tảng. Người ta nói rằng để cho đa số cầm quyền là việc làm vô nghĩa. Những người tài giỏi nhất phải nắm quyền, ngay cả khi họ chỉ là thiểu số. Điều này có vẻ như là đương nhiên nên số người ủng hộ các phong trào bài dân chủ đủ mọi màu sắc càng ngày càng gia tăng. Những người mà chế độ dân chủ đưa lên đỉnh tháp quyền lực càng tỏ ra đáng khinh bao nhiêu thì kẻ thù của dân chủ càng đông thêm bấy nhiêu.
    Tuy nhiên, học thuyết phản dân chủ lại có những sai lầm cực kì nghiêm trọng. "Một người tài giỏi nhất" hay "những người tài giỏi nhất" nghĩa là thế nào? Nước cộng hòa Ba Lan đưa một nghệ sĩ piano bậc thầy lên nắm chính phủ vì họ coi ông là người Ba Lan tài giỏi nhất lúc đó. Nhưng phẩm chất của người đứng đầu nhà nước phải khác rất xa phẩm chất của một nhạc sĩ. Những người phản đối chế độ dân chủ, khi sử dụng từ "tài giỏi nhất" chỉ muốn nói rằng một người hay một số người phù hợp nhất đối với công việc của chính phủ, cho dù họ có ít, thậm chí chẳng có kiến thức gì về nhạc hết. Nhưng điều đó lại dẫn ta đến vấn đề chính trị: Ai là người phù hợp nhất? Đảng bảo thủ cho là Disraeli hợp hơn, còn Đảng tự do thì lại bảo là Gladstone hợp hơn. Nếu không phải đa số thì ai sẽ giải quyết vấn đề này?
    Như thế chúng ta đang tiến tới điểm mấu chốt của tất cả cáchọcc thuyết phản dân chủ, dù các học thuyết này có do hậu duệ của những nhà quý tộc hay những người bảo hoàng xưa cũ, những người ủng hộ phong trào công đoàn, những người Bolshevik hay xã hội chủ nghĩa đưa ra thì cũng thế thôi: đó là học thuyết về bạo lực. Những người chống lại nền dân chủ ủng hộ việc thiểu số cướp chính quyền bằng vũ lực và cai trị đa số. Họ cho rằng sức mạnh đủ để cướp được chính quyền chính là điều biện minh cho lẽ phải. Người được coi là tài giỏi nhất, tức người biết cai trị và chỉ huy, chính là người đã thể hiện được khả năng áp đặt sự cai trị của mình lên số đông, dù có thể trái với ước muốn của họ. Ở đây học thuyết của tổ chức L'Action Francaise đã trung hợp với học thuyết của những người ủng hộ phong trào công đoàn, học thuyết của Ludendorff và Hitler, học thuyết của Lenin và Trotskt.
    Người ta có thể đưa ra nhiều luận điểm ủng hộ cũng như bác lại các học thuyết này, tất cả phụ thuộc vào niềm tin mang tính triết lí hoặc tôn giáo của người nói, mà nói đến đức tin thì đồng thuận là việc thiên nan vạn nan. Chúng ta sẽ không đưa ra và cũng không thảo luận những lí lẽ ấy ở đây vì chúng sẽ chẳng thuyết phục được ai. Lí lẽ quan trọng nhất chính là luận cứ nền tảng của những người ủng hộ chế độ dân chủ.
    Nếu mỗi nhóm người tin rằng họ có đủ sức áp đặt quyền lực cho những người còn lại đều được quyền thử vận may thì chúng ta phải chuẩn bị tinh thần để đón nhận những cuộc nội chiến kế tiếp nhau không bao giờ dứt. Nhưng tình hình như thế không phù hợp với trình độ phân công lao động mà ta đã đạt được hiện nay. Xã hội hiện đại, đặt nền tảng trên sự phân công lao động, chỉ có thể tồn tại được trong một nền hòa bình bền vững. Nếu chúng ta phải chuẩn bị để đón nhận khả năng xảy ra những cuộc nội chiến và xung đột nội bộ kéo dài thì chúng ta phải trở lại với giai đoạn phân công lao động giản đơn, trong đó từng tỉnh, nếu không nói là từng làng, phải trở về với chính sách tự cấp tự túc, nghĩa là tự kiếm sống và đứng vững được trong một thời gian mà không cần nhập khẩu bất cứ thứ gì. Đồng nghĩa với sự thụt lùi ghê gớm về năng xuất lao động là trái đất chỉ có thể nuôi sống được một phần dân cư mà thôi. Lí tưởng của phe bài dân chủ sẽ dẫn tới trật tự kinh tế như thời Trung cổ và thời Cổ đại. Trong mỗi thành phố, mỗi làng mạc, trên thực tế là ai cũng được vũ trang và sẵn sàng tự vệ, mỗi tỉnh đều là những khu vực càng độc lập với thế giới trong việc tự cấp tự túc mọi thứ hàng hóa mà họ cần thì càng tốt.
    Người theo thuyết dân chủ cũng cho rằng cầm quyền phải là người giỏi nhất. Nhưng họ tin rằng khả năng cầm quyền của một người hay một nhóm người nên được thể hiện bằng cách thuyết phục dân chúng rằng họ có đủ năng lực giữ vị trí đó, để đồng bào của họ tự nguyện trao quyền giải quyết công việc xã hội cho họ chứ không phải là sử dụng vũ lực buộc người khác chấp nhận đòi hỏi của họ. Người nào không giành được vị trí lãnh đạo vì đuối lí hoặc không tạo được niềm tin thì không có lí do phàn nàn về việc dân chúng đã chọn người khác chứ không chọn anh ta.
    Dĩ nhiên là không được và không cần phủ nhận rằng có những hoàn cảnh mà sức cám dỗ lôi kéo người ta xa rời các nguyên tắc của chủ nghĩa tự do là rất lớn. Nếu những người có đầu óc sáng suốt thấy rằng dân tộc của họ hay tất cả các dân tộc trên thế giới đang bước trên con đường dẫn tới tàn phá, và nếu họ nhận ra rằng thuyết phục đồng bào chú ý đến lời khuyên của họ là việc làm bất khả thi thì họ có thể ngả sang tư tưởng cho rằng sử dụng bất kì biện pháp khả thi nào khác nhằm cứu mọi người khỏi thảm họa đều là những việc làm đúng đắn và hợp lí. Lúc đó tư tưởng về nền chuyên chế của giới tinh hoa, của chính phủ thiểu số nắm quyền bằng vũ lực nhàm cai trị và bảo vệ quyền lợi cho tất mọi người có thể xuất hiện, và sẽ tìm được những người ủng hộ. Nhưng bạo lực không phải là phương tiện để giải quyết những khó khăn như thế. Chế độ chuyên chế của thiểu số không thể đứng vững nếu nó không thuyết phục được đa số tin rằng đấy là việc làm cần thiết hoặc ít nhất là tin rằng việc nắm quyền của họ là có lợi. Nhưng lúc đó thiểu số sẽ có thể giữ chính quyền mà không cần vũ lực nữa.
    Lịch sử cung cấp cho ta nhiều ví dụ ấn tượng chứng tỏ rằng, về lâu dài, ngay cả những chính sách đàn áp dã man nhất cũng không đủ sức làm cho chính phủ như thế giữ được quyền lực. Chỉ cần đưa ra một ví dụ gần đây nhất và được nhiều người biết nhất: những người Bolshevik giành được chính quyền ở Nga chỉ là một nhóm thiểu số rất nhỏ, và cương lĩnh của họ [ban đầu] cũng chẳng được mấy người ủng hộ. Giai cấp nông dân, tức là thành phần chủ yếu của dân Nga, không chấp nhận chính sách hợp tác hóa nông nghiệp của những người Bolshevik. Dân chúng chỉ muốn chia ruộng cho “bần, cố nông”, đấy là theo cách gọi của những người Bolshevik. Chính sách nông nghiệp đó, chứ không phải chính sách của các lãnh tụ marxist, được đem ra áp dụng. Để có thể tiếp tục nắm quyền, Lenin và Trotsky không những đã chấp nhận chính sách cải cách nông nghiệp mà còn biến nó thành một phần cương lĩnh của chính mình, và dùng nó làm lá chắn chống lại những cuộc tấn công, cả ở trong nước lẫn nước ngoài. Những người Bolshevik đã giành được niềm tin của đa số nhân dân Nga bằng cách như thế. Từ khi áp dụng chính sách phân chia ruộng đất, chính quyền Bolshevik nhận được đồng thuận và ủng hộ chứ không còn đi ngược lại ý chí của đa số dân chúng. Họ chỉ còn hai sự lựa chọn: từ bỏ cương lĩnh hay từ bỏ chính quyền. Họ đã chọn cái thứ nhất và tiếp tục cầm quyền. Không thể có khả năng thứ ba, tức là thực hiện cương lĩnh bằng vũ lực, trái với nguyện vọng của nhân dân. Tương tự như tất cả những nhóm thiểu số có quyết tâm và được tổ chức tốt khác, những người Bolshevik có thể giành được chính quyền bằng vũ lực và giữ được chính quyền trong một thời gian ngắn. Nhưng về lâu dài khả năng nắm quyền của họ cũng chẳng hơn bất kì nhóm thiểu số nào khác. Mọi cố gắng của Bạch vệ nhằm trục xuất những người Bolshevik đều thất bại vì không được đa số dân chúng ủng hộ. Nhưng ngay cả nếu thành công thì họ cũng phải tôn trọng ước muốn của đa số dân chúng. Sau khi việc chia ruộng đã được thực hiện thì Bạch vệ cũng không thể nào thay đổi được nữa, trả lại ruộng đất bị tịch thu cho địa chủ là việc làm bất khả thi.
    Chỉ những nhóm tìm được sự đồng thuận của những người bị trị thì mới có thể thiết lập được chế độ lâu dài mà thôi. Kẻ muốn thấy thế giới được cai trị theo những tư tưởng của hắn sẽ buộc phải tìm cách chi phối tư tưởng của con người. Về dài hạn, bắt dân chúng tuân phục chế độ mà họ không chấp nhận là việc làm bất khả. Kẻ cố tình làm điều đó bằng vũ lực cuối cùng nhất định sẽ bị thất bại, và những cuộc đấu tranh do hắn kích động sẽ gây ra nhiều tai họa hơn là một chính phủ tồi tệ nhất nhưng được nhân dân ủng hộ có thể làm. Làm trái ý người ta thì làm sao người ta hạnh phúc được?

    10. Luận cứ của chủ nghĩa phát xít

    Mặc dù chủ nghĩa tự do chưa được công nhận một cách triệt để ở bất cứ đâu, nhưng thành tựu của nó trong thế kỉ XIX đã tiến xa đến mức một số nguyên tắc quan trọng nhất của nó đã được coi là đương nhiên, không cần tranh luận nữa. Trước năm 1914, ngay cả những kẻ thù lì lợm và quyết liệt nhất của nó cũng đã buộc phải chấp nhận sự kiện đó. Ngay cả ở nước Nga – tức là nơi mới chỉ tiếp nhận được những tia sáng yếu ớt của chủ nghĩa tự do – phe bảo hoàng, trong khi tiếp tục khủng bố những người đối lập, cũng phải để ý đến những quan điểm tự do ở châu Âu. Trong cuộc Thế chiến vừa qua (Thế chiến I - ND), các phe quân sự trong các nước tham chiến, dù tỏ ra hung hăng, nhưng trong cuộc đấu tranh với những người đối lập ở trong nước vẫn phải tỏ ra mềm mỏng.
    Chỉ đến khi những người dân chủ xã hội theo đường lối marxist thắng thế và giành được quyền lực với niềm tin rằng thời đại của chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa tư bản đã vĩnh viễn cáo chung thì sự nhựng bộ tư tưởng tự do, mà trước đấy người ta vẫn cho là cần thiết, mới chấm dứt. Các đảng của Quốc tế III sẵn sàng sử dụng mọi phương tiện, miễn là chúng hứa hẹn giúp họ giành được mục tiêu trong cuộc tranh đấu. Theo quan điểm của họ, bất cứ người nào không công nhận và không ủng hộ toàn bộ học thuyết của họ một cách vô điều kiện đều đáng tội chết; và họ sẽ không run tay tiêu diệt người đó – bất cứ khi nào và bất cứ ở đâu, khi hoàn cảnh cho phép.
    Việc thi hành một cách công khai chính sách tiêu diệt đối thủ và giết chóc nhằm thực hiện đường lối đó đã tạo điều kiện cho phong trào đối lập ngóc đầu dậy. Kẻ thù phi – cộng sản của chủ nghĩa tự do bắt đầu sáng mắt ra. Trước đây họ vẫn còn tin rằng ngay cả trong cuộc đấu tranh với những đối thủ đáng ghét nhất người ta cũng phải tôn trọng một số nguyên tắc nhất định của chủ nghĩa tự do. Dù không muốn, nhưng họ vẫn buộc phải loại bỏ việc giết người và mưu sát khỏi danh sách những biện pháp có thể được áp dụng trong cuộc đấu tranh chính trị. Họ buộc phải chấp nhận một số giới hạn trong việc ngược đãi báo chí đối lập và đàn áp tự do ngôn luận. Bây giờ họ bỗng thấy những đối thủ mới xuất hiện chẳng quan tâm gì tới những nguyên tắc cơ bản như thế, đấy là những kẻ coi mọi phương tiện đều tốt, miễn là đánh bại được kẻ thù. Kẻ thù theo đường lối quân phiệt và dân tộc chủ nghĩa của Quốc tế III cảm thấy như bị chủ nghĩa tự do đánh lừa. Họ cho rằng trong lúc điều kiện vẫn còn và khi họ đang muốn giáng trả các đảng cách mạng thì chủ nghĩa tự do đã trói chân trói tay họ. Họ tin rằng nếu không bị chủ nghĩa tự do cản trở thì họ đã giẫm nát phong trào cách mạng ngay từ trong trứng nước. Các tư tưởng cách mạng chỉ có thể bám rễ và đơm hoa kết trái vì đối thủ của chúng đã tỏ ra khoan dung; việc tôn trọng, mà sau này mới biết là quá đáng, các nguyên tắc tự do đã làm họ nhụt chí. Nếu trước đây họ đã nhận thức được rằng cần phải đàn áp một cách dã man mọi phong trào cách mạng thì Quốc tế III không thể giành chiến thắng vào năm 1917. Những kẻ quân phiệt và dân tộc chủ nghĩa tin rằng khi cần bóp cò và đánh nhau, thì họ chính là những người thiện xạ nhất và là những chiến binh khéo léo nhất.
    Tư tưởng căn bản của các phong trào này – từ tên gọi của phong trào hoành tráng nhất và có kỉ luật nhất, ở Ý, có thể định danh là phát xít – là sử dụng những biện pháp vô luân trong cuộc đấu tranh chống Quốc tế III, tức là những biện pháp từng được tổ chức này sử dụng nhằm chống lại các đối thủ của mình. Quốc tế III tìm cách tiêu diệt đối thủ và tư tưởng của đối thủ bằng những biện pháp giống như các biện pháp mà bác sĩ vệ sinh phòng dịch sử dụng trong cuộc chiến chống bệnh truyền nhiễm; phong trào này cho rằng họ không bị giới hạn bởi bất kì điều khoản của bất kì thỏa ước nào mà họ có thể kí với đối thủ; họ nghĩ rằng trong cuộc đấu tranh này họ có thể phạm mọi tội ác, có thể nói dối và công khai theo đuổi những ý định như thế. Việc họ chưa tự giải thoát hoàn toàn khỏi một số khái niệm và tư tưởng của chủ nghĩa tự do cũng như các quy tắc đạo đức truyền thống, như những người Bolshevik ở Nga đã làm, là do nguyên nhân duy nhất sau: bọn phát xít hoạt động trong những nước có di sản văn hóa và đạo đực đã tồn tại hàng ngàn năm, không thể phá vỡ ngay được, chứ không phải là chúng đang hoạt động trong các dân tộc bán khai hai bên dãy núi Ural; từ trước đến nay, quan hệ của những người đó với nền văn minh cũng chẳng khác gì bọn lục lâm thảo khấu ở trong rừng rậm hay trong xa mạc, thỉnh thoảng lại tấn công cướp bóc những khu vực văn minh. Do sự khác biệt như thế mà chủ nghĩa phát xít sẽ không bao giờ tự giải thoát hoàn toàn khỏi những tư tưởng của chủ nghĩa tự do, như chủ nghĩa Bolshevik ở Nga đã làm. Chính do những ấn tượng tươi mới của những vụ giết người và bạo hành ở Liên Xô mà bọn phát xít ở Đức và Ý mới có thể xóa bỏ những ràng buộc mang tính truyền thống về luật pháp và đạo đức, và tìm được xung lực cho những hành động đàn áp đẫm máu như thế. Hành động của bọn phát xít và những đảng tương tự như chúng chính là những phản ứng cảm tính do sự phẫn nộ trước những hành động của những người Bolshevik và cộng sản gây ra. Ngay sau khi cơn giận dữ ban đầu trôi qua, chính sách của chúng sẽ ôn hòa hơn và thậm chí, có thể, cùng với thời gian còn trở nên ôn hòa hơn nữa (Xin nhắc lại rằng tác phẩm này được xuất bản vào năm 1927. Sau này những người theo phái tự do không còn hi vọng hợp tác với bọn phát xít trong cuộc đấu tranh chống cộng nữa – chú thích của bản tiếng Nga - ND).
    Bọn phát xít có thái độ ôn hòa như vậy chính là do chúng chịu ảnh hưởng một cách vô thức những quan niệm tự do truyền thống. Dù sao mặc lòng, người ta buộc phải công nhận rằng việc các đảng cánh hữu chấp nhận chiến thuật của bọn phát xít cho thấy: cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa tự do đã giành được những thắng lợi mà trước đó mấy năm không ai có thể tưởng tượng được. Mặc dù cương lĩnh kinh tế của chủ nghĩa phát xít nói chung là phản tự do, và chính sách của nó là can thiệp một cách toàn diện, nhưng nhiều người vẫn ủng hộ vì chúng không thi hành chính sách phá hoại vô nghĩa và không có giới hạn nào, chính sách làm cho một số người tin rằng cộng sản là kẻ thù không đội trời chung của nền văn minh. Trong khi một số người khác, mặc dù biết rõ những tai họa mà chính sách kinh tế phát xít sẽ mang đến cho nhân loại, vẫn coi chủ nghĩa phát xít là một tai họa vẫn còn có vẻ dễ chịu. Nhưng với đa số người ủng hộ và hâm mộ, cả công khai lẫn bí mật, thì sức hấp dẫn của chủ nghĩa phát xít lại chính là những biện pháp đầy bạo lực của nó.
    Bây giờ thì người ta không thể nào phủ nhận được rằng biện pháp duy nhất có thể đáp trả được bạo lực chính là bạo lực. Vũ khí phải được sử dụng trong cuộc chiến đấu nhằm chống lại vũ khí của những người Bolshevik, và sẽ là sai lầm nếu tỏ ra yếu đuối trước bọn sát nhân. Không một người theo trường phái tự do nào lại tỏ ra nghi ngờ chuyện đó. Chiến thuật của những người theo phái tự do khác với chiến thuật của phát xít không phải ở quan niệm về nhu cầu sử dụng vũ lực nhằm chống lại những cuộc tấn công bằng vũ lực, mà ở sự khác biệt trong việc đánh giá mang tính nền tảng về vai trò của vũ lực trong cuộc đấu tranh giành quyền lực. Mối nguy hiểm của chủ nghĩa phát xít đối với chính sách đối nội nằm ở chỗ họ tuyệt đối tin tưởng vào vai trò quyết định của bạo lực. Muốn giành thắng lợi thì phải quyết tâm và luôn luôn sử dụng bạo lực. Đấy là nguyên tắc tối cao của họ. Chuyện gì sẽ xảy ra một khi đối thủ cũng đầy quyết tâm và cũng sãn sàng sử dụng bạo lực như thế? Kết quả chắc chắn sẽ là chiến tranh, nội chiến. Bên chiến thắng cuối cùng sẽ là bên có đông người nhất. Về lâu dài, phe thiểu số - ngay cả khi đấy là những người có năng lực và nghị lực nhất – cũng không thể thắng được đa số. Như vậy là, câu hỏi quyết định nhất vẫn còn nguyên giá trị: làm sao lôi kéo được đa số về phe với mình? Nhưng đây chỉ là vấn đề thuần túy trí tuệ. Đấy là chiến thắng của trí tuệ chứ không phải chiến thắng của vũ lực. Muốn người ta gắn bó với đường lối của mình thì đàn áp tất cả các lực lượng đối lập bằng vũ lực là biện pháp hoàn toàn không phù hợp. Sử dụng bạo lực trần trụi – nghĩa là không cần biện hộ bằng những luận cứ được xã hội công nhận – chỉ làm cho những kẻ mà ta muốn đánh có thêm nhiều bạn bè mà thôi. Trong cuộc đấu tranh giữa bạo lực và tư tưởng, tư tưởng bao giờ cũng chiến thắng.
    Hiện nay chủ nghĩa phát xít có thể giành chiến thắng vì sự bất mãn đối với những gì mà những người cộng sản và xã hội chủ nghĩa gây ra cho nhân loại đã làm cho nhiều giới có cảm tình với chúng. Nhưng khi ấn tượng tươi mới về tội ác của những người Bolshevik đã phai mờ thì cương lĩnh của chủ nghĩa xã hội sẽ lại có sức hấp dẫn đối với quần chúng. Vì chủ nghĩa phát xít không tiến hành cuộc chiến đấu nhằm đánh bại nó, họ chỉ làm mỗi việc là đàn áp những tư tưởng xã hội chủ nghĩa và khủng bố những người truyền bá những tư tưởng đó. Nếu họ thực sự muốn chiến thắng chủ nghĩa xã hội thì họ phải lấy tư tưởng làm vũ khí để đối địch với nó. Nhưng chỉ có một hệ tư tưởng có thể đương đầu một cách hiệu quả với chủ nghĩa xã hội, đấy chính là chủ nghĩa tự do.
    Như người ta thường nói, tạo ra thánh tử đạo là cách thúc đẩy sự nghiệp nhanh chóng nhất. Câu đó chỉ đúng một phần. Phe bị đàn áp mạnh lên không phải bởi sự tuẫn tiết của những đảng viên trung kiên mà là bởi nó bị tấn công bằng vũ lực chứ không phải bằng trí tuệ. Đàn áp bằng vũ lực bạo tàn chính là lời thú nhận sự bất lực về mặt trí tuệ, trí tuệ là vũ khí hữu hiệu hơn bởi chỉ có nó mới có thể hứa hẹn chiến thắng cuối cùng. Đấy chính là sai lầm căn bản của chủ nghĩa phát xít, và đấy cũng là nguyên nhân đưa nó đến sụp đổ. Chiến thắng của chủ nghĩa phát xít trong một loạt nước chỉ là một giai đoạn trong cuộc đấu tranh lâu dài về vấn đề sở hữu. Giai đoạn sau sẽ là chiến thắng của chủ nghĩa cộng sản. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng của cuộc đấu tranh sẽ được giải quyết không phải bằng vũ khí mà bằng tư tưởng. Chính các tư tưởng đã chia người ta thành những nhóm đối chọi, tư tưởng đã đưa vũ khí vào tay họ, và tư tưởng quyết định vũ khí sẽ được dùng để bảo vệ ai và chống lại ai. Chính tư tưởng, chứ không phải vũ khí, sẽ đưa ra kết quả sau cùng. Đấy là nói về chính sách đối nội của chủ nghĩa phát xít. Chính sách đối ngoại, dựa trên nguyên tắc sử dụng vũ lực trong các quan hệ quốc tế, không thể không tạo ra những cuộc chiến tranh bất tận, chắc chắn sẽ hủy diệt toàn bộ nền văn minh hiện nay. Đó là điều không cần phải thảo luận nữa. Muốn giữ vững và thúc đẩy hơn nữa trình độ phát triển kinh tế thì cần phải đảm bảo nền hòa bình giữa các dân tộc. Nhưng các dân tộc không thể sống trong hòa bình nếu hệ tư tưởng chủ đạo của họ lại là niềm tin rằng các dân tộc phải dùng vũ lực mới bảo vệ được vị trí của mình trong cộng đồng các dân tộc trên thế giới.
    Không thể phủ nhận rằng chủ nghĩa phát xít và những phong trào hướng đến việc thiết lập các chế độ độc tài tương tự đều là những phong trào có dự định tốt đẹp nhất, và sự can thiệp của chúng trong thời điểm hiện nay đã cứu được nền văn minh châu Âu. Thành quả mà chủ nghia phát xít đã giành được sẽ còn mãi với lịch sử. Nhưng mặc dù trong thời điểm này, chính sách của nó đã cứu được nền văn minh châu Âu, đấy vẫn không phải là chính sách hứa hẹn sẽ thành công lâu dài. Chủ nghĩa phát xít là biện pháp cấp bách tạm thời. Sẽ là sai lầm chết người nếu coi nó là một cái gì hơn thế [Hiện nay những dòng này nghe chẳng khác gì sự nhắc nhở về cái giá khủng khiếp mà nền văn minh của chúng ta đã phải trả vì sự mù lòa đầy bi kịch của những đại diện đầy uy tín của giới tinh hoa trí thức ở cả phía Đông lẫn phía Tây châu Âu – chú thích của bản tiếng Nga - ND].
     
    Chỉnh sửa cuối: 23/6/15
  6. notrinos

    notrinos Lớp 5


    11. Giới hạn hoạt động của chính phủ


    Người theo trường phái tự do cho rằng nhiệm vụ của nhà nước chỉ và dứt khoát chỉ là bảo đảm việc giữ gìn đời sống, sức khỏe, tự do và sở hữu tư nhân khỏi những cuộc tấn công bằng bạo lực. Ngoài những việc đó ra đều là không tốt. Chính phủ, thay vì thực hiện nhiệm vụ của mình, lại đi xa đến mức, ví dụ như, can thiệp vào sự an toàn về cuộc sống và sức khỏe, tự do và tài sản cá nhân, dĩ nhiên như thế là hoàn toàn không tốt.
    Nhưng, như Jacob Burckardt đã nói: quyền lực tự nó đã là xấu, ai sử dụng không quan trọng. Quyền lực có thể làm băng hoại người cầm quyền và dẫn đến sự lạm dụng. Không chỉ những ông vua và những nhà quý tộc nắm quyền tuyệt đối, mà quần chúng, khi chế độ dân chủ trao vào tay họ quyền lực tối cao của chính phủ, cũng rất dễ có xu hướng thái quá.
    Ở mĩ, việc sản xuất và buôn bán rượu bị cấm đoán [Ý nói đến điều luật gọi là "luật khô" ở Mĩ - chú thích của bản tiếng Nga - ND]. Những nước khác không đi xa đến như thế, nhưng hầu như ở đâu cũng có những hạn chế việc mua bán thuốc phiện, cocaine, và những loại ma túy khác. Có vẻ như ở đâu người ta cũng cho rằng một trong những nhiệm vụ của ngành lập pháp và chính phủ là bảo vệ cá nhân khỏi chính anh ta. Ngay cả những người mà trong những lĩnh vực khác thường lo ngại về sự mở rộng lĩnh vực hoạt động cũng cho rằng về khía cạnh này quyền tự do cá nhân bị ngăn chặn là đúng, thậm chí họ còn nghĩ rằng chỉ có những lí thuyết gia cố chấp ngu ngốc mới có thể phản đối những cấm đoán như thế. Trên thực tế, việc can thiệp kiểu như thế của chính quyền vào đời sống cá nhân được chấp nhận rộng rãi đến mức những người chống đối chủ nghĩa tự do có xu hướng xây dựng lí lẽ và rút ra kết luận rằng tự do tuyệt đối là không tốt, và chính phủ, trong vai trò người bảo vệ hạnh phúc, cần phải có một số biện pháp ngăn chặn đối với quyền tự do cá nhân. Không nên đặt câu hỏi chính phủ có phải ngăn chặn quyền tự do cá nhân hay không mà là những biện pháp ngăn chặn có thể đi xa đến mức nào mà thôi.
    Không càn phí lời để bàn về thực tế là tất cả các loại ma túy đều có hại. Câu hỏi là một ít rượu có hại hay không, hay chỉ có hại khi rượu bị lạm dụng cũng không phải là vấn đề cần thảo luận ở đây. Thực tế cho thấy là nghiện rượu, nghiện cocaine, nghiện morphine rất có hại cho đời sống, sức khỏe, khả năng lao động và nghỉ ngơi, vì vậy mà những người theo chủ nghĩa công lợi phải coi đấy là những tệ nạn. Nhưng như thế không có nghĩa là chính phủ phải ngăn chặn những tệ nạn này bằng cách cấm buôn bán chúng. Chưa có gì chứng tỏ rằng sự can thiệp của chính phủ có thể ngăn chặn được những thói xấu đó, và ngay cả có ngăn chặn được thì điều đó cũng không có nghĩa là nó không mở cái hòm Pandora, và từ đó không xuất hiện những mối hiểm nguy còn khủng khiếp hơn là tệ nhiện rượu và nghiện morphine.
    Không ai phản đối những người tin rằng sử dụng hay lạm dụng những chất độc đó là có hại được sống một cách điều độ. Không nên coi vấn đề này chỉ có liên quan đến tệ nghiện rượu, nghiện morphine và cocaine v.v. mà ai cũng biết là không tốt. Vì nếu về nguyên tắc, đã số các công dân có quyền áp đặt lối sống của mình cho thiểu số thì việc cấm đoán sẽ không dừng lại ở rượu, morphine, cocaine và những chất độc hại tương tự. Tại sao có thể cấm các chất đó mà không cấm nicotine, caffeine và những chất tương tự? Tại sao chính phủ lại không quy định có thể ăn những loại thức ăn nào, không nên ăn loại thức ăn nào vì nó là thức ăn có hại? Trong lĩnh vực thể thao, nhiều người có xu hướng làm qua sức mình. Tại sao chính phủ không can thiệp trong lĩnh vực này? Ít người biết cách kiềm chế trong đời sống tình dục, và có vẻ như những người già yếu không chịu hiểu rằng họ nên chấm dứt hoàn toàn thú vui này hoặc chỉ nên vừa phải thôi. Chính phủ có cần can thiệp không? Một số người có thể nói rằng đọc sách báo độc hại còn nguy hiểm hơn những thứ đó. Có nên cho phép xuất bản những loại sách báo chuyên thỏa mãn những bản năng thấp hèn của con người để rồi chúng sẽ làm băng hoại tâm hồn họ không? Có nên cấm tranh ảnh khiêu dâm, những vở kịch đồi trụy, và tóm lại là tất cả những gì có thể lôi kéo người ta vào con đường vô đạo không? Và việc truyền bá những lí thuyết xã hội học sai lầm có làm bại hoại con người và các dân tộc không? Kích động nội chiến và chiến tranh giữa các dân tộc có nên bị cấm đoán không? Những tác phẩm báng bổ và những câu chuyện hồ đồ làm hại đến thanh danh của Chúa và Nhà thờ có bị cấm đoán hay không?
    Như chúng ta đã thấy, chỉ cần từ bỏ nguyên tắc cho rằng chính phủ không được can thiệp vào bất cứ vấn đề nào liên quan đến cách sống của cá nhân, chúng ta sẽ tiến dần đến việc điều tiết và ngăn cấm cả những tiểu tiết nhỏ nhặt nhất. Quyền tự do cá nhân sẽ bị hủy bỏ. Cá nhân sẽ trở thành nô lệ của cộng đồng, sẽ phải tuân theo mệnh lệnh của đa số. Chẳng cần phải nói thêm nữa về cách thức mà những kẻ cầm quyền chẳng ra gì có thể lạm dụng quyền lực. Khi đã nắm được quyền lực như thế, ngay cả những người có những dự định tốt nhất cũng chắc chắn sẽ biến thế giới thành nghĩa địa của tâm hồn. Toàn bộ nền văn minh nhân loại là kết quả của những sáng kiến của thiểu số nhỏ bé, những người đầu tiên xa rời tư tưởng và tập quán của đa số, sau đó đa số mới chấp nhận sáng kiến của họ. Cho đa số quyền hạ lệnh cho thiểu số nghĩ gì, đọc gì và làm gì đồng nghĩa với việc đặt dấu chấm hết, một lần và vĩnh viễn, cho sự tiến bộ.
    Chớ nên nói rằng cuộc đấu tranh chống việc lạm dụng morphine và cuộc đấu tranh chóng van hóa phẩm "đồi trụy" là khác nhau. Khác biệt duy nhất giữa chúng là một số trong chính những người ủng hộ cuộc đấu tranh chống lạm dụng morphine không đồng ý chống văn hóa phẩm "đồi trụy", chỉ có thế thôi. Ở Mĩ, những người theo trường phái giám lí và những người chính thống trong giáo hội Thiên Chúa giáo, sau khi thông qua được luật chống sản xuất và buôn bán rượu đã tiếp tục đấu tranh nhằm đàn áp thuyết tiến hóa, và đã đẩy được thuyết Darwin ra khỏi trường học trong một loạt tiểu bang. Ở nước Nga Xô viết, mọi biểu hiện của tự do phát biểu đều bị cấm đoán. Việc một cuốn sách nào đó có được xuất bản hay không phụ thuộc vào thái độ tùy tiện của một loạt những kẻ cuồng tín ít học và vô văn hóa được chính phủ giao cho trách nhiệm về vấn đề này.
    Những người đương thời với chúng ta có xu hướng đòi chính phủ cấm ngay lập tức những thứ không làm họ hài lòng, và việc họ sẵn sàng chấp nhận những cấm đoán như thế ngay cả khi đấy là những thứ phù hợp với họ chứng tỏ tinh thần nô lệ đã ăn sâu bén rễ trong lòng người ta đến mức nào. Cần phải nhiều năm tự học thì một người nô lệ mới có thể trở thành công dân tự do. Người tự do phải biết chịu đựng khi những người đồng bào của anh ta hành động và sống khác với cách mà anh ta cho là đúng đắn. Anh ta phải bỏ thói quen gọi cảnh sát mỗi khi thấy điều gì đó không vừa ý mình.

    12. Lòng khoan dung

    Chủ nghĩa tự do chỉ và tuyệt đối chỉ quan tâm đến đời sống trần tục và những lo lắng trần tục. Vương quốc tôn giáo không nằm trong thế giới này. Nghĩa là chủ nghĩa tự do và tôn giáo có thể chung sống mà không hề va chạm. Chủ nghĩa tự do không có lỗi khi hai phía xảy ra đụng độ. Chủ nghĩa tự do không đi ra ngoài lĩnh vực của mình, nó không xâm nhập vào lãnh thổ của đức tin hay lãnh địa của các học thuyết mang tính siêu hình. Nhưng nó đã đụng độ với nhà thờ, tức là đụng độ với thế lực chính trị đòi quyền điều tiết không chỉ quan hệ của con người với thế giới bên kia mà còn điều tiết cả công việc của thế giới này theo quan điểm của nó. Đấy chính là chiến tuyến giữa hai bên.
    Trong cuộc xung đột này, chủ nghĩa tự do gianh được chiến thắng vang dội đến mức nhà thờ đã phải vĩnh viến từ bỏ những yêu sách mà nó đã kiên quyết duy trì trong hàng ngàn năm. Thiêu sống những người sị giáo, khủng bố của tòa án giáo hội, chiến tranh tôn giáo, hôm nay đấy đã là những hiện tượng thuộc về lịch sử. Hiện nay không ai có thể hiểu làm sao mà những con người hòa nhã, những người chỉ thực hành những nghi lễ tôn giáo mà họ cho là đúng đắn trong bốn bức tường nhà mình lại bị lôi ra tòa, bị tống giam, bị tra tấn và thiêu sống. Nhưng ngay cả khi không còn những đống củi thiều người nữa ad majorem Dei gloriam [Lạy Chúa tôi - ND] thì thái độ bất khoan dung cũng vẫn còn xuất hiện khắp nơi.
    Nhưng chủ nghĩa tự do phải tỏ ra bất khoan dung với bất kì biểu hiện bất khoan dung nào. Nếu ta cho rằng sự hợp tác hòa bình giữa tất cả mọi người là mục đích của sự phát triển xã hội thì ta không thể cho phép các cố đạo và những kẻ cuồng tín phá hoại hòa bình. Chủ nghĩa tự do tuyên bố có thái độ khoan dung với mọi đức tin tôn giáo và mọi học thuyết có tính siêu hình không phải vì nó bàng quan với những vấn đề "cao siêu" này, mà từ niềm tin rằng bảo đảm hòa bình trong xã hội phải là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Và vì nó đòi hỏi lòng khoan dung đối với tất cả các quan điểm, tất cả các nhà thờ, tất cả các giáo phái nên nó cũng phải kêu gọi tất cả đều phải trở về những giới hạn phù hợp mỗi khi họ có thái độ bất khoan dung. Trong chế độ xã hội dựa trên sự hợp tác hòa bình, không có chỗ cho đòi hỏi của nhà thờ về việc giáo huấn và giáo dục thanh niên. Nhà thờ có thể và phải được nhận tất cả những thứ mà tín đồ tự nguyện cung cấp cho họ, nhưng họ cũng không được động đến bất cứ thứ gì của những người không muốn dây dưa với họ.
    Thật khó mà hiểu làm sao những nguyên tắc này lại làm cho một số người có đạo trong các tôn giáo khác nhau trở thành kẻ thù của chủ nghĩa tự do. Nếu những nguyên tắc này không cho phép một nhà thờ dùng vũ lực buộc người ta phải cải đạo, dù đấy là bạo lực của họ hay của nhà nước giao cho họ, thì những nguyên tắc này cũng bảo vệ nhà thờ đó chống lại việc ép buộc các tín đồ của mình cải đạo sang các nhà thờ khác và giáo phái khác. Cái mà chủ nghĩa tự do lấy của nhà thờ bằng tay này lại trả nhà thờ bằng tay kia. Ngay cả những kẻ cuồng tín tôn giáo cũng phải thừa nhận rằng chủ nghĩa tự do không lấy đi bất cứ thứ gì thuộc lĩnh vực của nhà thờ.
    Chắc chắn là ở đâu mà nhà thờ và các giáo phái giữ thế thượng phong thì họ sẽ tìm mọi cách đàn áp những người không quy phục, nhưng nếu là thiểu số thì họ sẽ đòi phải có thái độ khoan dung đối với họ. Nhưng đòi hỏi sự khoan dung của chủ nghĩa tự do khác hẳn với đòi hỏi khoan dung như thế. Chủ nghĩa tự do đòi hỏi khoan dung là vấn đề nguyên tắc chứ không phải là chủ nghĩa cơ hội. Nó đòi hỏi lòng khoan dung đối với ngay cả những học thuyết vô nghĩa lí nhất, với những tín ngưỡng ngu ngốc nhất và trẻ con nhất. Nó đòi hỏi lòng khoan dung đối với những học thuyết và quan điểm mà nó cho là có hại và có tính phá hoại đối với xã hội, và ngay cả với những phong trào mà nó đang chiến đấu một cách không mệt mỏi. Điều thúc đẩy chủ nghĩa tự do đòi hỏi và tỏ thái độ khoan dung không phải là nội dung của học thuyết cần phải khoan dung mà chính là nhận thức rằng chỉ có lòng khoan dung mới có thể tạo lập và giữ vững được nền hòa bình trong xã hội, không có nó thì xã hội loài người có thể rơi trở lại thời kì dã man và cảnh cơ hàn của những thế kỉ đã qua từ lâu. Chủ nghĩa tự do đấu tranh chống lại những điều ngu dốt, vô lí, sai lầm và độc ác bằng vũ khí của trí tuệ chứ không phải bằng bạo lực hung tàn và đàn áp.

    13. Nhà nước và hành động phản xã hội

    Nhà nước là bộ máy cưỡng bức và bạo lực. Điều đó đúng không chỉ đối với "nhà nước tuần đêm" mà còn đúng cho bất kì nhà nước nào, và đúng nhất đối với nhà nước toàn trị. Tất cả những gì nhà nước có thể làm đều được nó thực hiện bằng cách cưỡng bức và dùng vũ lực. Đàn áp những hành vi nguy hiểm cho trật tự xã hội là bản chất hoạt động của nhà nước; ngoài ra, trong chế độ toàn trị, nó còn kiểm soát cả các tư liệu sản xuất.
    Những người La Mã sáng suốt đã thể hiện điều đó bằng hình vẽ một cái búa và bó roi trên biểu tượng của quốc gia. Trong thời đại ngày nay, chủ nghia thần bí khó hiểu, tự huyễn mình là triết học, đã tìm mọi cách che giấu sự thật của vấn đề. Đối với Schelling
    (1) thì nhà nước là hình ảnh trực tiếp và có thể nhìn thấy được của đời sống xác thực, là một giai đoạn trong quá trình khám phá cái Tuyệt đối hay là Tinh thần Thế giới. Nhà nước tồn tại vì mục đích của chính nó, và hoạt động của nó cũng chỉ nhằm giữ vững bản chất và hình thức tồn tại của nó. Đối với Hegel(2) thì Lí tính Tuyệt đối tự thể hiện mình trong nhà nước, và Tinh thần Khách quan cũng được hiện thực hóa trong nhà nước. Đấy là trí tuệ đầy đức hạnh phát triển thành hiện thực hữu cơ - tức là hiện thực và ý tưởng đạo đức được biểu hiện như là ý chí đã được vật chất hóa, có thể nhận thức được đối với chính nó. Các đồ đệ của triết học duy tâm chủ nghĩa đã vượt ngay cả các sư phụ của mình trong việc sùng bái nhà nước. Chắc chắn là những người cùng với Nietzsche, nhằm phản ứng lại những học thuyết nói trên và những học thuyết tương tự, đã gọi nhà nước là con quái vật lạnh lùng nhất cũng chẳng đến gần chân lí hơn. Nhà nước chẳng "lạnh" cũng chẳng "nóng" vì nó là một khái niệm trừu tượng, và những thực thể đang sống - các tổ chức của nhà nước, chính phủ - thay mặt nó mà hành động. Toàn bộ hoạt động của nhà nước đều là hành động của con người, là cái ác do con người tự tạo ra cho nhau. Mục đích của nhà nước - tức là duy trì trật tự xã hội - biện hộ cho hành động của các cơ quan nhà nước, nhưng những người bị tác động thì không vì thế mà cảm thấy cái ác là dễ chịu hơn. Cái ác mà người nọ gây ra cho người kia làm cả hai đều bị tổn thương - không chỉ người bị làm ác mà cả kẻ gây ra cái ác cũng bị đau khổ. Không gì có thể làm cho người ta thoái hóa nhanh hơn là khi họ trở thành phương tiện thi hành pháp luật và làm cho người khác bị đau khổ. Số phận của thần dân là phải lo lắng, là tinh thần nô lệ và thái độ nịnh bợ; thái độ cao ngạo đạo đức giả, kiêu căng của ông chủ cũng chẳng có gì hay ho hơn.

    1 Fiedrich Wilhelm Joseph Schelling (1775-1854), triết gia lớn, người Đức - ND
    2 Georg Wilhelm Fiedrich Hegel (1770-1831) là một nhà triết học người Đức, cùng với Johann Gottlieb Fichte và Fiedrich Wilhelm Joseph Schelling, Hegel được coi là người sáng lập ra chủ nghĩa duy tâm Đức.


    Chủ nghĩa tự do tìm cách làm giảm nhẹ mức độ cay đắng trong quan hệ giữa cơ quan chính phủ và công dân. Dĩ nhiên là trong khi làm như thế nó sẽ không bước vào vết chân của những người lãng mạn, tức là những người biện hộ cho những hành vi phản xã hội của những người vi phạm pháp luật và lên án không chỉ quan tòa và cảnh sát mà cả trật tự xã hội. Chủ nghĩa tự do không muốn và không thể phủ nhận rằng sức mạnh cưỡng chế của nhà nước và sự trừng phạt theo đúng pháp luật những kẻ tội phạm là những thể chế mà xã hội không bao giờ - dù hoàn cảnh có như thế nào - bãi bỏ được. Nhưng người theo chủ nghĩa tự do tin rằng mục đích của trừng phạt là loại bỏ những hành vi có hại cho xã hội bất cứ khi nào có thể. Trừng phạt không được có tính chất thù hận hay trả đũa. Kẻ tội phạm phải nhận sự trừng phạt của pháp luật chứ không phải là do lòng thù hận hay sự tàn bạo của quan tòa, cảnh sát hay đám đông khao khát đàn áp.
    Tai họa lớn nhất của lực lượng cưỡng bách nhân danh "nhà nước" là nó hướng sự tấn công vào những sáng kiến mới xuất hiện, vì cuối cùng bao giờ nó cũng cần sự đồng thuận của đa số. Xã hội loài người không thể sống thiếu bộ máy nhà nước, nhưng để có được tiến bộ thì loài người phải phản kháng lại nhà nước và bộ máy cưỡng chế của nó. Không có gì ngạc nhiên khi tất cả những người có cái mới để trình bày với nhân loại đều không thể nói được bất cứ điều gì tốt đẹp về nhà nước và luật pháp của nó. Những người theo chủ nghĩa quốc gia thần bí và những người sùng bái nhà nước có thể phản đối họ; nhưng những người theo trường phái tự do thì ủng hộ họ, ngay cả khi không đồng ý với họ. Nhưng những người theo trường phái tự do đều phải chống lại sự ác cảm có thể hiểu được với tất cả những gì liên quan tới cảnh sát và cai tù, đấy là nói khi thái độ đó trở thành kiêu căng quá đáng và tự tuyên bố là quyền nổi loạn chống lại nhà nước. Phản kháng bằng bạo lực chống lại sức mạnh của nhà nước phải được coi là biện pháp cuối cùng của phe thiểu số nhằm thoát khỏi sự áp bức của đa số. Thiểu số cần phải sử dụng tri thức làm vũ khí trong cuộc đấu tranh để trở thành đa số. Nhà nước cần phải được xây dựng như thế nào đó để trong khuôn khổ pháp luật của nó có những chỗ trống cho phép cá nhân được tự do di chuyển. Hoạt động của công dân không bị thu hẹp một cách quá đáng đến mức khi quan điểm của anh ta khác với nhà cầm quyền thì anh ta chỉ còn lựa chọn: lật đổ bộ máy nhà nước hay là chết.
     
    Chỉnh sửa cuối: 23/6/15
  7. notrinos

    notrinos Lớp 5

    2

    Chính sách kinh tế tự do



    1. Tổ chức kinh tế

    Có thể phân biệt năm hệ thống tổ chức hợp tác giữa người với người trong xã hội đặt căn bản trên sự phân công lao động: hệ thống sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất, mà đến một giai đoạn phát triển nào đó ta gọi là chủ nghĩa tư bản; hệ thống sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất nhưng tài sản định kì lại bị tịch thu để đem phân phối lại; hệ thống theo chủ nghĩa công đoàn (syndicalism); hệ thống sở hữu tập thể tư liệu sản xuất, được gọi là chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản, và cuối cùng là hệ thống của chủ nghĩa can thiệp.
    Lịch sử của quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất trùng hợp với lịch sử phát triển của nhân loại từ tình trạng bán khai, ăn lông ở lỗ, đến những tầm cao nhất của nền văn minh hiện đại. Những người phản đối sở hữu tư nhân đã mất rất nhiều tâm trí để chứng minh rằng trong thời nguyên thủy thể chế sở hữu tư nhân chưa đạt tới hính thức hoàn thiện vì một phần đất canh tác vẫn thường xuyên được mang ra chia lại. Từ luận điểm cho rằng sở hữu tư nhân chỉ là "phạm trù mang tính lịch sử", họ cố gắng rút ra kết luận rằng một lúc nào đó có thể không cần đến nó nữa. Sai lầm về mặt logic trong lập luận này rõ ràng đến nỗi chẳng cần phải thảo luận thêm. Sự hợp tác mang tính xã hội trong thời thượng cổ có thể tồn tại được ngay cả khi chưa có hệ thống sở hữu tư nhân hoàn bị chẳng cho ta một chút chứng cớ nào chứng tỏ rằng ở những giai đoạn phát triển cao nhất xã hội cũng không cần sở hữu tư nhân. Nếu lịch sử có thể chứng minh được một điều gì đó liên quan tới vấn đề này thì đấy chính là chưa ở đâu và chưa bao giờ có một dân tộc có thể thoát khỏi cảnh cơ cực và thiếu thốn chẳng khác gì súc vật mà lại không cần đến sở hữu tư nhân.
    Những người phản đối hệ thống quyền sở hữu tư nhân phương tiện sản xuất thời kì đầu không tấn công thể chế sở hữu tư nhân mà chỉ tấn công sự bất bình đẳng trong việc phân phối thu nhập mà thôi. Họ đề nghị loại bỏ sự bất bình đẳng trong thu nhập và tài sản bằng cách định kì phân phối lại toàn bộ hàng hóa, hoặc chí ít là phân chi lại ruộng đất, tức là phân chia lại yếu tố sản xuất duy nhất lúc đó. Trong những nước lạc hậu về mặt công nghệ, nơi mà sản xuất nông nghiệp thô sơ giữ vai trò chủ yếu, ý tưởng về việc phân chia một cách bình đẳng tài sản như thế vẫn còn tồn tại cho đến tận ngày nay. Người ta thường gọi đấy là chủ nghĩa xã hội nông nghiệp, mặc dù gọi như thế là hoàn toàn không đúng vì chẳng có gì chung với chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Bolshevik ở Nga, bắt đầu là cách mạng xã hội chủ nghĩa nhưng đã không xây dựng được chủ nghĩa xã hội trong sản xuất nông nghiệp - tức là sở hữu tập thể đối với ruộng đất - mà là xây dựng chủ nghĩa xã hội nông nghiệp. Trên những khu vực rộng lớn trong phần còn lại của Đông Âu, việc chia những điền trang rộng lớn cho những trại nhỏ, gọi là cải cách ruộng đất, là lí tưởng được nhiều đảng chính trị có ảnh hưởng ủng hộ.
    Chẳng cần phải mất thì giờ thảo luận thêm về hệ thống này. Chắc chắn năng suất lao động sẽ giảm, điều này thì khó mà phản đối được. Chỉ có những nơi vẫn còn canh tác bằng những phương pháp cổ sơ nhất thì người ta mới không nhận ra sự sụt giảm năng suất lao động sau khi chia ruộng. Ai cũng biết rằng việc chia nhỏ trang trại sản xuất sữa được trang bị máy móc hiện đại là việc làm cực kì vô lí. Còn đưa nguyên tắc chia nhỏ này vào công nghiệp và các công ty thương mại là chuyện hoàn toàn không thể tưởng tượng. Đường sắt, máy cán thép, nhà máy sản xuất máy công cụ là những thứ không thể nào đem chia. Người ta chỉ có thể định kì phân chia lại tài sản nếu trước đó người ta đã đập tan nền kinh tế đặt căn bản trên sự phân công lao động và thị trường tự do, và trở về với nền kinh tế trang trại tự cấp tự túc, mà dù gần nhau nhưng không trao đổi với nhau.
    Tư tưởng của chủ nghĩa công đoàn chính là nỗ lực nhằm đưa lí tưởng phân chia đồng đều tài sản vào thời công nghiệp lớn hiện đại. Chủ nghĩa công đoàn không tìm cách giao tài sản vào tay tư nhân hãy xã hội mà giao cho các công nhân đang làm trong từng lĩnh vực hoặc từng ngành công nghiệp
    (1).

    1 Không được lẫn lộn chủ nghĩa công đoàn, như là mục đích và tư tưởng xã hội với chủ nghĩa công đoàn, như là chiến thuật của phong trào công đoàn ("hành động trực tiếp" của các thành viên công đoàn Pháp). Dĩ nhiên là chiến thuật của phong trào công đoàn cũng có thể được sử dụng như là phương tiện nhằm thực hiện lí tưởng của chủ nghĩa công đoàn, nhưng nó cũng có thể dùng để thực hiện những mục tiêu khác, không phù hợp với lí tưởng này. Ví dụ người ta có thể sử dụng chiến thuật của công đoàn để tiến lên chủ nghĩa xã hội - đây chính là điều mà những người theo phái công đoàn Pháp hi vọng.

    Vì tỉ lệ kết hợp giữa nhân tố vật chất và nhân tố con người trong mỗi lĩnh vực sản xuất là khác nhau nên không thể chia đều tài sản theo cách đó. Nếu đem chia thì ngay từ đâu người công nhân trong một số ngành nghề sẽ nhận được nhiều hơn công nhân ở những ngành khác. Người ta buộc phải nghĩ tới những khó khăn chắc chắn sẽ xuất hiện vì phải thường xuyên chuyển vốn và lao động từ ngành sản xuất này sang ngành sản xuất khác. Liệu có thể rút vốn từ ngành công nghiệp này để trang bị cho ngành công nghiệp khác hay không? Liệu có thể đưa người công nhân từ ngành sản xuất này sang ngành sản xuất khác, sang nơi cần ít vốn đầu tư cho một chỗ làm hay không? Việc luân chuyển như thế là bất khả, cho nên cộng đồng thịnh vượng chung của chủ nghĩa công đoàn là sự lố bịch hoàn toàn, và hình thức tổ chức xã hội như thế là bất khả thi. Nhưng nếu chúng ta cho rằng bên cạnh các cá nhân, họ còn có chính quyền trung ương có nhiệm vụ thực hiện những sự luân chuyển như thế thì đấy không còn là chủ nghĩa công đoàn nữa mà là chủ nghĩa xã hội. Trên thực tế, chủ nghĩa công đoàn là một lí tưởng xã hội ngớ ngẩn đến mức chỉ có những kẻ đần độn chẳng hề suy nghĩ mới có thể đứng ra biện hộ cho nó.
    Chủ nghĩa xã hội hay là chủ nghĩa cộng sản là tổ chức xã hội, trong đó quyền sở hữu - tức quyền sử dụng tất cả các tư liệu sản xuất - được trao vào tay xã hội, nghĩa là trao vào tay nhà nước toàn trị. Để đánh giá một xã hội có phải là xã hội chủ nghĩa hay không thì vấn đề không phải là lợi tức xã hội được chia đều cho mọi người hay được chia theo bất cứ nguyên tắc nào khác. Cũng chẳng có ý nghĩa gì khi phân biệt việc chủ nghĩa xã hội xuất hiện bằng cách chuyển quyền sở hữu tất cả các tư liệu sản xuất vào tay nhà nước, tức là vào tay bộ máy cưỡng bức và đàn áp, hay dưới hình thức các chủ sở hữu tiếp tục giữ các tài sản đó, và việc xã hội hóa được thực hiện bằng cách tất cả những "người chủ" phải sử dụng những phương tiện nằm trong tay họ theo những quy định của nhà nước. Nếu nhà nước quy định sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào, bán cho ai, với giá bao nhiêu, thì sở hữu tư nhân chỉ còn là tên gọi; trên thực tế, toàn bộ tài sản đã được xã hội hóa vì động lực chính của hoạt động kinh tế không còn là hành vi tìm kiếm lợi nhuận của các doanh nhân và các nhà tư sản nữa, mà là sự bắt buộc phải thực hiện những nhiệm vụ người ta giao cho và tuân theo những mệnh lệnh người ta ban hành.
    Cuối cùng, cần phải nói về chủ nghĩa can thiệp. Theo ý kiến của nhiều người thì đây là biện pháp trung dung giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, là phương pháp tổ chức xã hội thứ ba: hệ thống sở hữu tư nhân được điều tiết, được kiểm soát và định hướng bằng những sắc lệnh của chính quyền (những hành động can thiệp).
    Hệ thống phân chia lại tài sản theo định kì và hệ thống của chủ nghĩa công đoàn sẽ không được thảo luận ở đây. Hai hệ thống này nói chung không đáng để bàn luận. Không có ai, đấy là nói những người được coi là nghiêm túc, đứng ra bảo vệ những hệ thống này. Chúng ta chỉ cần quan tâm đến chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa can thiệp và chủ nghĩa tư bản.

    2. Sở hữu tư nhân và những người phê phán nó

    Cuộc sống của con người không phải lúc nào cũng hạnh phúc. Trái đất không phải là thiên đường. Mặc dù đấy không phải là lỗi của các thể chế xã hội nhưng người ta lại có thói quen đổ trách nhiệm cho nó. Cơ sở của tất cả các nền văn minh, kể cả nền văn minh của chúng ta, là sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất. Vì vậy mà bất cứ người nào muốn chỉ trích nền văn minh hiện đại cũng đều bắt đầu bằng việc chỉ trích sở hữu tư nhân. Người phê phán có thể lên án hệ thống này gây ra tất cả những gì làm anh ta không vừa ý, ngay cả những cái xấu xa bắt nguồn từ việc sở hữu tư nhân bị ngăn trở về nhiều mặt khiến cho tiềm năng phục vụ xã hội của nó không thể phát huy một cách trọn ven.
    Phương pháp mà những người phê phán hay dùng là nói rằng mọi thứ sẽ tuyệt vời đến mức nào nếu anh ta được làm theo cách của mình. Trong những giấc mơ của mình, anh ta thường giết chết những ý tưởng đối lập với ý tưởng của anh ta, bằng cách đưa anh ta hay là một người nào đó có ý tưởng giống hệt anh ta lên địa vị chủ nhân tuyệt đối của thế giới. Bất cứ người nào thuyết pháp về quyề lực của kẻ mạnh cũng đều tự coi mình là kẻ mạnh. Kẻ ủng hộ chế độ no lệ thì không bao giờ hình dung mình cũng có thể rơi vào tình trạng nô lệ. Còn kẻ đòi hỏi hạn chế quyền tự do lương tâm thực ra chỉ hạn chế người khác chứ không hạn chế chính mình. Người ủng hộ chế độ chính trị đầu sỏ bao giờ cũng nghĩ rằng mình thuộc nhóm đầu sỏ, còn kẻ cảm thấy đê mê khi nghĩ đến chế độ chuyên chế hay độc tài thông thái thì trong những giấc mơ giữa ban ngày như thế, hắn sẽ chẳng cần khiêm tốn để không giao cho mình vai trò của kẻ chuyên chế hay nhà độc tài thông thái, hoặc chí ít thì cũng là một kẻ chuyên chế đứng trên một kẻ chuyên chế khác, nhà độc tài đứng trên một nhà độc tài khác. Chính vì không có ai muốn thấy mình ở địa vị của kẻ yếu hơn, của kẻ bị áp bức, của kẻ bị khuất phục, của kẻ bị trị, bị tước hết quyền lợi, cho nên trong chủ nghĩa toàn trị ai cũng chỉ muốn làm tổng chỉ huy hoặc là thầy dùi cho tổng chỉ huy. Đấy là cuộc đời duy nhất đáng sống trong những giấc mơ và trong trí tưởng tượng về chủ nghĩa toàn trị của họ.
    Sách báo bào tư bản đã tạo ra khuôn mẫu cho trí tưởng tượng của những kẻ mộng mơ bằng cách đưa ra mâu thuẫn thường thấy giữa mục tiêu lợi nhuận và mục tiêu năng suất. Trong suy nghĩ của họ, những chuyện diễn ra trong chủ nghĩa tư bản trái ngược với những điều, vốn dĩ là ước muốn của những người phê phán, sẽ được thực hiện trong chế độ xã hội chủ nghĩa lí tưởng. Tất cả những gì lệch khỏi hình ảnh lí tưởng này đều được coi là vô ích. Mục tiêu đạt được lợi nhuận lớn nhất của những cá nhân riêng lẻ, và mục tiêu năng suất lao động cao nhất của xã hội không phải lúc nào cũng trùng khớp với nhau, và đấy được coi là khuyết tậ nghiêm trọng nhất của hệ thống tư bản chủ nghĩa. Chỉ trong mấy năm gần đây người ta mới nhận thức được rằng trong phần lớn các trường hợp, xã hội xã hội chủ nghĩa cũng phải hành động chẳng khác gì các cá nhân riêng lẻ trong xã hội tư bản chủ nghĩa. Nhưng ngay cả trong những trường hợp mà mâu thuẫn như thế quả thật là có thì ta cũng không thể giả định rằng xã hội chủ nghĩa chắc chắn sẽ luôn làm điều đúng, còn xã hội tư bản bao giờ cũng đáng phê phán nếu nó làm một điều gì đó khác đi. Khái niệm năng suất là một khái niệm có tính chủ quan và không thể là xuất phát điểm cho việc phê phán mang tính khách quan.
    Như vậy, chẳng nên mất thì giờ với suy tưởng của những kẻ mộng-mơ-độc-tài của chúng ta. Trong ảo mộng của hắn ta, mọi người đều nóng lòng, đều sẵn sàng thực hiện ngay lập tức và chính xác mệnh lệnh của hắn. Một câu hỏi đáng được đặt ra là sự việc sẽ hiện ra như thế nào trong một xã hội xã hội chủ nghĩa trên thực tế chứ không phải trong tưởng tượng. Giả định cho rằng việc phân phối một cách đồng đều tổng sản phẩm hàng năm của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa cho tất cả các thành viên trong xã hội là đủ để đảm bảo cuộc sống đầy đủ cho mỗi người, như những tính toán thống kê đơn giản thường chỉ ra, là một giả định hoàn toàn sai. Xã hội xã hội chủ nghĩa khó mà có thể gia tăng được mức sống của quảng đại quần chúng theo cách này. Hi vọng có một cuộc sống thịnh vượng, thậm chí giàu có cho tất cả mọi người chỉ có thể trở thành hiện thực nếu năng suất lao động trong chế độ xã hội chủ nghĩa cao hơn năng suất lao động trong chủ nghĩa tư bản, và hệ thống xã hội chủ nghĩa có thể tránh được những khoản chi tiêu lãng phí, không hiệu quả.
    Về khả năng tránh được lãng phí, có người nghĩ đến việc bãi bỏ những chi phí liên quan đến việc tiêu thụ, cạnh tranh và quảng cáo sản phẩm. Rõ ràng là trong chủ nghĩa xã hội sẽ không còn những chi tiêu như thế. Nhưng không được quên rằng bộ máy phân phối xã hội chủ nghĩa cũng sẽ có chi phí không phải là nhỏ, thậm chí còn lớn hơn là bộ máy trong chủ nghĩa tư bản. Nhưng vai trò của những chi phí như thế không phải là yếu tố quyết định trong việc thảo luận của chúng ta. Những người xã hội chủ nghĩa giả định, thậm chí coi là đương nhiên, rằng năng suất lao động trong chủ nghĩa xã hội ít nhất cũng bằng chủ nghĩa tư bản, và cố gắng chứng minh rằng năng suất lao động sẽ cao hơn. Nhưng giả định đầu tiên không thể là chuyện dĩ nhiên như những người ủng hộ chủ nghĩa xã hội vẫn nghĩ. Số lượng sản phẩm được sản xuất trong xã hội tư bản không phải là độc lập với cách thức tổ chức quá trình sản xuất. Yếu tố then chốt ở đây là tại mỗi công đoạn trong từng lĩnh vực sản xuất, lợi ích của mỗi người tham gia vào đó đều phụ thuộc vào năng suất lao động của phần lao động cụ thể mà mình đóng góp. Mỗi người công nhân đều cố gắng hết sức vì tiền lương phụ thuộc vào kết quả lao động của anh ta, và mỗi doanh nhân đều cố gắng sản xuất với giá thành rẻ hơn, nghĩa là với chi phí về lao động và vốn thấp hơn người cạnh tranh với anh ta.
    Chỉ nhờ những động cơ như thế mà chủ nghĩa tư bản mới có thể sản xuất được số lượng tài sản mà nó đang nắm trong tay. Phê phán hệ thống bán hàng của chủ nghĩa tư bản gây ra chi phí quá cao là quan điểm thiển cận. Những người phê phán chủ nghĩa tư bản là phung phí nguồn lực vì thấy trên những đường phố sầm uất có quá nhiều người bán đồ lót cạnh tranh với nhau, và thậm chí người bán thuốc lá còn nhiều hơn nữa, là những người không nhận thức được rằng việc tổ chức buôn bán như thế chỉ là kết quả của cơ chế sản xuất bảo đảm cho năng suất lao động cao nhất. Sản xuất đã đạt được tất cả những tiến bộ như thế vì bản chất của cơ chế này là liên tục tạo ra tiến bộ. Chỉ nhờ sự thực là tất cả các doanh nhân đều phải liên tục cạnh tranh, và liên tục bị đẩy ra khỏi thương trường không thương tiếc nếu họ không sản xuất một cách để đạt được lợi nhuận cao nhất mà các phương pháp sản xuất mới thường xuyên được cải tiến và hoàn thiện. Nếu động cơ đó không còn thì tiến bộ trong sản xuất cũng không còn, và người ta cũng không còn tiết kiệm chi phí. Cho nên câu hỏi sẽ tiết kiệm được bao nhiêu nếu không còn quảng cáo là một câu hỏi hoàn toàn phi lí. Người ta nên hỏi sẽ sản xuất được bao nhiêu nếu không còn cạnh tranh. Câu trả lời chắc chắn đã rõ.
    Tay làm hàm nhai, nghĩa là người ta chỉ có thể tiêu dùng những thứ mà mình làm ra. Đặc điểm căn bản của hệ thống tư bản chủ nghĩa là nó tạo cho mỗi người động lực thực hiện công việc của mình một cách hiệu quả nhất, và như vậy cũng có nghĩa là có năng suất lao động cao nhất. Trong chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa, mối liên hiện trực tiếp giữa lao động của cá nhân với những món hàng và dịch vụ mà anh ta có thể được hưởng rõ ràng là không tồn tại. Động cơ lao động không nằm trong khả năng hưởng thụ thành quả lao động của anh ta mà là trong mệnh lệnh của các cơ quan giao việc và tinh thần trách nhiệm của chính anh ta. Việc chứng tỏ rằng cách tổ chức lao động như thế là bất khả thi sẽ được trình bày trong chương sau.
    Hiện tượng thường xuyên bị người ta đem ra phê phán là trong hệ thống tư bản chủ nghĩa những người chủ sở hữu tư liệu sản xuất bao giờ cũng là những kẻ có đặc quyền đặc lợi. Họ có thể sống mà chẳng cần làm. Nếu xem xét chế độ xã hội từ quan điểm cá nhân chủ nghĩa thì ta phải công nhận rằng đây đúng là khiếm khuyết nghiêm trọng của chủ nghĩa tư bản. Tại sao người này lại có địa vị thuận lợi hơn người kia? Nhưng nếu ta không xem xét các sự vật từ quan điểm của một cá nhân mà từ quan điểm của toàn bộ trật tự xã hội, thì ta sẽ thấy rằng người nắm giữ tài sản sẽ chỉ giữ được địa vị của mình với điều kiện anh ta phải cung cấp những dịch vụ cực kì cần thiết đối với xã hội. Nhà tư sản chỉ có thể giữ được địa vị của mình với điều kiện là anh ta phải đưa những tư liệu sản xuất đó vào trong những lĩnh vực quan trọng nhất đối với xã hội. Nếu anh ta không làm được như thế - nếu anh ta đầu tư sai - anh ta sẽ bị lỗ, và nếu anh ta không kịp thời sửa chữa sai lầm thì chẳng bao lâu sau anh ta sẽ bị đẩy ra khỏi vị trí thuận lợi của mình. Anh ta sẽ không còn là nhà tư sản, những người khác, tức những người phù hợp hơn, sẽ chiếm được vị trí của anh ta. Trong chế độ tư bản chủ nghĩa, tư liệu sản xuất bao giờ cũng nằm trong tay những người phù hợp nhất, và dù muốn hay không họ cũng phải thường xuyên lo lắng nhằm sử dụng các phương tiện đó sao cho chúng có thể mang lại hiệu quả cao nhất.

    3. Tư hữu và chính phủ

    Tất cả các nhà cầm quyền, tất cả các chính phủ, vua chua, và các chính quyền cộng hòa, đều có thái độ nghi ngờ sở hữu tư nhân. Tất cả các chính quyền đều có xu hướng không chịu công nhận bất kì giới hạn nào đối với hoạt động của mình, và đều muốn khuếch trương lĩnh vực cai trị của mình càng rộng càng tốt. Quản lí tất cả, không để cho bất cứ thứ gì có thể tự ý xảy ra mà không có sự can thiệp của chính quyền - đấy là mục tiêu mà tất cả những người có quyền đều ngầm hướng tới. Nếu như không có sở hữu tư nhân ngáng đường! Sở hữu tư nhân tạo cho người ta lĩnh vực mà ở đó người ta có thể sống độc lập với nhà nước. Nó tạo ra giới hạn cho việc thực thi ý chí của chính quyền. Như vậy, sở hữu tư nhân trở thành nền tảng của tất cả những hoạt động độc lập với với sự can thiệp mang tính bạo lực từ phía nhà nước. Đấy là mảnh đất ươm mầm hạt giống của tự do, và là nơi cung cấp dưỡng chất cho sự độc lập của các cá nhân cũng như sự phát triển, cả về vật chất lẫn tinh thần, của xã hội nói chung. Theo nghĩa như thế, người ta thậm chí còn gọi sở hữu tư nhân là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của cá nhân. Nhưng câu nói đó chỉ có thể được chấp nhận trong những chừng mực nhất định vì sự đối lập giữa cá nhân và tập thể, giữa các tư tưởng và mục đích mang tính cá nhân và tập thể, đã trở thành những quan điểm lỗi thời rỗng tuếch.
    Như vậy tức là chẳng bao giờ có lực lượng chính trị nào chịu tự nguyện từ bỏ thói quen cản trở sự phát triển và hoạt động của thể chế sở hữu tư nhân đối với các tư liệu sản xuất. Các chính phủ chấp nhận sở hữu tư nhân khi họ buộc phải làm như thế, nhưng họ không tự nguyện công nhận tính tất yếu của nó. Ngay cả các chính khách theo đường lối tự do sau khi giành được quyền lực, dù ít dù nhiều, cũng thương tìm cách đẩy những nguyên tắc tự do xuống hàng thứ yếu. Xu hướng áp đặt những hạn chế mang tính áp bức đối với sở hữu tư nhân, lạm dụng quyền lực chính trị, không chịu tôn trọng hay công nhận bất kì lĩnh vực tự do nào nằm ngoài sự chi phối của nhà nước đã bén rễ rất sau vào tâm trí của những người nắm quyền kiểm soát bộ máy cưỡng bức và đàn áp; không bao giờ họ có thể tự nguyện chống lại được cám dỗ đó. Chính phủ tự do là chính phủ contradictio in adjecto [mang trong mình nó mâu thuẫn nội tại - tiếng Latin - ND]. Do áp lực của dư luận mà các chính phủ phải chấp nhận chủ nghĩa tự do, chính phủ tự nguyện trở thành chính phủ tự do là hi vọng viển vông.
    Điều gì buộc những người cai trị phải công nhận quyền sở hữu của các thần dân? Không khó hiểu nếu đấy là một xã hội gồm toàn những điền chủ giàu có như nhau.
    Trong chế độ xã hội như thế, bất kì nỗ lực nào nhằm hạn chế quyền sở hữu sẽ đều gặp phải sự phản đối tức thời của tất cả các thần dân, và chính phủ sẽ bị lật đổ. Nhưng tình hình sẽ khác hẳn nếu đấy không phải là xã hội thuần nông mà có cả sản xuất công nghiệp nữa, đặc biệt là nếu có các doanh nghiệp lớn, những doanh nghiệp bỏ nhiều vốn đầu tư vào các ngành công nghiệp, khai khoáng và thương mại. Trong xã hội như thế, những người nắm quyền trong chính phủ có thể dễ dàng thực hiện những hành động nhằm chống lại sở hữu tư nhân. Trên thực tế, tấn công vào sở hữu tư nhân bao giờ cũng mang lại cho chính phủ nhiều thuận lợi hơn cả - rất dễ dàng kích động quần chúng đứng lên chống lại những người có nhiều đất đai và vốn liếng. Vì vậy mà liên kết với “nhân dân” nhằm chống lại giai cấp có của đã và vẫn là tư tưởng của tất cả các vua chúa, những nhà độc tài và bạo chúa từ xưa đến nay. Đế chế thứ hai của Louis Napoléon(1) không chỉ là chế độ được xây dựng trên những nguyên tắc của chủ nghĩa Caesar. Nhà nước độc tài của dòng họ Hohenzollerns ở Phổ cũng nắm lấy tư tưởng về việc giành sự ủng hộ của giai cấp công nhân trong cuộc chiến chống lại giai cấp tư sản tự do bằng chính sách của chủ nghĩa quốc gia và chủ nghĩa can thiệp do Lassalle đưa vào nền chính trị Đức trong cuộc đấu tranh hiến pháp ở Phổ. Đấy chính là nguyên tắc căn bản của “chế độ quân chủ xã hội”, một chế độ được Schmoller(2) và trường phái của ông ta hết sức tán dương.

    1 Napoleon III, cũng được biết như Louis-Napoleon Bonaparte (tên đầy đủ là Charles Louis-Napoleon Bonaparte) (1808-1873) là tổng thống đầu tiên của nền cộng hòa Pháp và hoàng đế duy nhất của Đế chế Pháp thứ hai, Napoleon III nắm quyền một cách khác thường, vừa là tổng thống danh nghĩa đầu tiên của Pháp, vừa là vị vua cuối cùng của Pháp.

    2 Gustav von Schmoller (1838-1917), người đứng đầu trường phái kinh tế học “trẻ” của Đức.


    Tuy nhiên, bất chấp tất cả những sự ngược đãi như thế, thể chế sở hữu tư nhân vẫn tiếp tục tồn tại. Cả sự tức giận của chính phủ, cả những chiến dịch đầy thù hận của những nhà văn và những nhà đạo đức học, của nhà thờ và các tôn giáo lẫn sự oán hờn của quần chúng – có nguồn gốc từ sự ghen tức mang tính bản năng – đều không thể tiêu diệt được nó. Mọi cố gắng nhằm thay nó bằng phương pháp tổ chức sản xuất và phân phối khác đều nhanh chóng chứng tỏ rằng đó là việc là phi lí và bất khả. Người ta buộc phải công nhận rằng thể chế sở hữu tư nhân là thể chế tối cần thiết, và dù muốn hay không người ta phải quay về với nó.
    Tuy nhiên, cho đến nay người ta vẫn không chịu hiểu rằng lí do của việc quay trở lại với thể chế sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất là: về nguyên tắc đó là nền tảng của hệ thông skinh tế nhằm phục vụ các nhu cầu và mục đích của con người. Người ta vẫn không thể giả thoát khỏi hệ tư tưởng đã bám vào đầu óc họ, mà cụ thể là tin rằng sở hữu tư nhân là cái ác mà ta phải chấp nhận cho đến khi nhân loại đủ trưởng thành về mặt đạo đức. Mặc dù các chính phủ - trái ngược với những ý định của mình, và tất nhiên là cũng trái ngược với xu hướng của mọi trung tâm quyền lực – chấp nhận sự tồn tại của sở hữu tư nhân, nhưng họ vẫn tiếp tục bám chặt vào (không chỉ bằng biểu hiện bên ngoài mà cả trong suy nghĩ) hệ tư tưởng thù địch với quyền tư hữu. Thực ra, họ cho rằng về nguyên tắc phản đối sở hữu tư nhân là đúng, và chỉ vì yếu đuối hoặc phải tính đến quyền lợi của những nhóm có nhiều ảnh hưởng mà họ phải đi chệch khỏi nguyên tắc này.

    4. Chủ nghĩa xã hội là bất khả thi

    Người ta thường nghĩ rằng chủ nghĩa xã hội chưa thành hiện thực vì dân chúng chưa có những phẩm chất mà xã hội xã hội chủ nghĩa yêu cầu. Người ta lo ngại rằng dưới chế độ chủ nghĩa xã hội phần đông sẽ không nhiệt tình thực hiện trách nhiệm và công việc như họ đã từng thể hiện trong những công việc hằng ngày trong chế độ dựa trên quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất. Trong xã hộ tư bản, mỗi người đều biết rằng làm nhiều thì hưởng nhiều, làm ít thì hưởng ít, thu nhập tỉ lệ thuận với thành quả lao động. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, mỗi người đều nghĩ rằng hiệu suất lao động của anh ta chẳng có giá trị bao nhiêu, vì đằng nào thì anh ta cũng được chia một phần nhất định, còn sự lười nhác của bất kì người nào cũng chẳng làm cho tổng tài sản giảm đi đáng kể. Đáng sợ là điều này sẽ trở thành nhận thức chung của tất cả mọi người, và năng suất lao động của chế độ xã hội chủ nghĩa sẽ giảm đi trông thất.
    Sự phản đối chống lại chủ nghĩa xã hội như vậy là hoàn toàn có lí, nhưng nó không đi vào thực chất của vấn đề. Nếu trong chế độ xã hội chủ nghĩa ta có thể xác định được thành quả lao động của mỗi người với độ chính xác như việc tính toán kinh tế trong hệ thống tư bản chủ nghĩa thì tính khả thi của chủ nghĩa xã hội sẽ không phụ thuộc lòng tốt của bất cứ người nào. Ít nhất xã hội cũng có thể, trên cơ sở đóng góp của mỗi người, xác định được phần sẽ chia cho người đó. Chủ nghĩa xã hội bất khả thi chính vì chủ nghĩa xã hội không thể thực hiện được công việc tính toán kinh tế như thế. Trong hệ thống tư bản chủ nghĩa, tính toán lợi nhuận sẽ là chỉ dấu cho người nghiệp chủ biết rằng xí nghiệp mà anh ta đang vận hành có nên hoạt động tiếp hay không trong các điều kiện hiện tại, và liệu nó có hoạt động hữu hiệu nhất hay không, nghĩa là có hoạt động với chi phí sản xuất thấp nhất hay không. Nếu không có lãi thì từ góc độ của người tiêu dùng, nguyên vật liệu, bán thành phẩm và lao động cần dùng ở xí nghiệp đó có thể được các xí nghiệp khác sử dụng cho những mục đích cấp bách hơn và cần thiết hơn hoặc sử dụng cho những mục đích đó nhưng tiết kiệm hơn (nghĩa là với chi phí thấp hơn về lao động và vốn). Ví dụ, khi việc dệt vải bằng biện pháp thủ công không mang lại lợi nhuận nữa thì đó là tín hiệu chứng tỏ rằng vốn và lao động sử dụng trong ngành công nghiệp dệt bằng cách sử dụng máy móc tạo ra nhiều sản phẩm hơn, và điều này cũng có nghĩa là sẽ không kinh tế nếu cứ bám lấy phương pháp sản xuất mà với cùng đồng vốn và lao động nhưng lại tạo ra ít sản phẩm hơn.
    Khi lập kế hoạch xây dựng một nhà máy, người ta có thể dự tính liệu nó có mang lại lợi nhuận hay không, và mang lại bằng cách nào. Ví dụ, nếu có ý định xây dựng một tuyến đường sắt thì người ra có thể đánh giá số lượng hàng hóa và hành khách cần vận chuyển, giá vé, để tính toán xem có nên đầu tư vốn và lao động vào tuyến đường đó hay không. Nếu kết quả tính toán cho thấy tuyến đường dự kiến xây dựng không mang lại lợi nhuận, thì đó là tín hiệu cho thấy vốn và lao động nên được đầu tư vào những lĩnh vực cần thiết hơn cho xã hội; thế giới chưa giàu có tới mức có thể cho phép người ta chi tiêu những khoản như thế. Nhưng ý nghĩa quyết định của việc tính toán giá trị và lợi nhuận không chỉ dừng lại ở khâu khởi sự một dự án mới mà nó còn được nghiệp chủ dùng để kiểm soát mọi bước đi của doanh nghiệp.
    Tính toán kinh tế tư bản chủ nghĩa – phương cách duy nhất để khiến việc sản xuất trở thành hữu lí – là tính toán bằng đơn vị tiền tệ. Chỉ vì giá của tất cả các loại hàng hóa và dịch vụ trên thị trường đều có thể biểu hiện dưới dạng đơn vị tiền tệ cho nên ta có thể đưa các loại hàng hóa và dịch vụ này – dù chúng có khác biệt nhau đến đâu – vào cùng một phép tính sử dụng những đơn vị đo lường đồng nhất. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, nơi tất cả các phương tiện sản xuất đều là sở hữu toàn dân, và vì thế, đấy cũng là nơi không có thị trường cũng như sự trao đổi cho các hàng hóa và dịch vụ làm tư liệu sản xuất, là nơi không thể định giá bằng tiền cho các hàng hóa và dịch vụ được tạo ra tại các công đoạn sản xuất cao hơn (trong chuỗi sản xuất). Như vậy nghĩa là xã hội đó không có phương tiện quản lí hữu lí các xí nghiệp, tức là không thể tính toán kinh tế. Tính toán kinh tế sẽ không thể thực hiện được nếu tất cả các loại hàng hóa và dịch vụ không thể quy về một mẫu số chung.
    Xin xem xét một trường hợp đơn giản nhất. Đường sắt nối điểm A với điểm B có thể được xây dựng theo những tuyến khác nhau. Giả sử giữa A và B có một ngọn núi. Có thể xây dựng tuyến đường vắt qua núi, đi vòng quanh núi hoặc theo đường hầm xuyên qua núi. Trong xã hội tư bản chủ nghĩa tính xem đoạn đường nào có lợi nhất là việc cực kì đơn giản. Người ta sẽ xác định giá thành xây dựng của mỗi đoạn đường và sự chênh lệch về chi phí vận hành trong quá trình khai thác trên mỗi cung đường. Từ những tính toán như thế sẽ dễ dàng xác định cung đường nào có lợi nhất. Nhưng xã hội xã hội chủ nghĩa lại không thể làm được những tính toán như thế. Vì nó không đưa tất cả các loại hàng hóa và dịch vụ khác nhau mà ta cần phải hạch toán vào một đơn vị đo lường thống nhất. Chủ nghĩa xã hội sẽ bất lực trước những vấn đề quản lí kinh tế diễn ra thường xuyên, hàng ngày, vì nó không thể hạch toán được.
    Hiện nay chúng ta có được sự thịnh vượng đủ sức nuôi được nhiều người hơn thời tiền tư bản chính là vì phương pháp tư bản chủ nghĩa tạo ra những chuỗi sản xuất có nhiều công đoạn hơn, mà không thể vận hành nếu không có tính toán kinh tế bằng tiền. Đấy là điều bất khả dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Những người cầm bút theo đường lối xã hội chủ nghĩa chỉ mất công khi tìm cách chứng minh rằng có thể quản lí được sản xuất mà không cần tính toán dựa trên giá cả và tiền tệ. Tất cả những cố gắng của họ trong lĩnh vực này đều sẽ thất bại.
    Như vậy là, những người cầm quyền trong chế độ xã hội chủ nghĩa sẽ phải đối mặt với một vấn đề mà họ sẽ không thể nào giải quyết. Không thể nào xác định được trong vô vàn phương án hành động, phương án nào sẽ hữu lí nhất. Sự hỗn loạn trong lĩnh vực kinh tế chắc chắn sẽ dẫn đến hiện tượng nghèo khổ một cách toàn diện, không thể đảo ngược và sẽ thoái hóa trở lại tình trạng bán khai mà tổ tiên ta từng sống.
    Lí tưởng xã hội chủ nghĩa, nếu được thực thi đến cùng, sẽ dẫn đến một trật tự xã hội trong đó tất cả các tư liệu sản xuất sẽ nằm trong tay toàn thể nhân dân. Quá trình sản xuất sẽ nằm hoàn toàn trong tay chính phủ, trong tay trung tâm quyền lực của xã hội. Chính phủ sẽ tự quyết định sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào, và phân phối hàng hóa ra sao. Nhà nước xã hội chủ nghĩa tương lai như thế dù được dựng lên bằng con đường dân chủ hay bằng những con đường khác cũng chẳng tạo ra sự khác biệt nào. Ngay cả nhà nước xã hội chủ nghĩa theo mô hình dân chủ cũng phải thiết lập một bộ máy quan liêu được tổ chức một cách chặt chẽ, trong đó mỗi người, trừ những quan chức cao cấp nhất, đều là một nhân viên của bộ máy, có trách nhiệm thực thi vô điều kiện các chỉ thị của chính quyền trung ương, dù rằng anh ta, với vai trò của một cử tri, có thể tham gia vào quá trình soạn thảo ra các chỉ thị như thế.
    Một nhà nước xã hội chủ nghĩa kiểu như thế khác hẳn với những xí nghiệp quốc doanh, bất kể quy mô nào, mà chúng ta thấy ở châu Âu, đặc biệt là Đức và Nga, trong mấy chục năm gần đây [Ý nói nước Nga trong giai đoạn kinh tế mới (NEP) – chú thích của bản tiếng Nga - ND]. Tất cả các xí nghiệp này đều phát triển bên cạnh những xí nghiệp do các nhà tư sản nắm giữ và quản lí, và họ nhận được từ những xí nghiệp như thế những động lực khác nhau củng cố cho hoạt động của mình. Ví dụ như những tuyến đường sắt do nhà nước vận hành được những nhà sản xuất đầu máy, toa xe, thiết bị truyền tín hiệu và những thiết bị khác cung cấp máy móc đã từng được sử dụng trên những tuyến đường nằm trong tay tư nhân. Như vậy là, xí nghiệp quốc doanh được khuyến khích cải tiến để theo kịp về mặt công nghệ và phương pháp quản lí kinh doanh đang diễn ra xung quanh.
    Ai cũng biết rằng các xí nghiệp quốc doanh và xí nghiệp địa phương nói chung đều thất bại: chúng vừa tiêu tốn nhiều tiền của vừa thiếu hiệu năng, và phải lấy thuế ra để trợ cấp thì chúng mới tiếp tục hoạt động được. Dĩ nhiên là trong những lĩnh vực mà doanh nghiệp nhà nước nắm vị thế độc quyền – ví dụ như phương tiện giao thông công cộng, chiếu sáng, nhà máy điện – thì sự thiếu hiệu quả không phải bao giờ cũng được thể hiện dưới dạng thiệt hại về tài chính khả thị. Trong một số hoàn cảnh người ta còn có thể che giấu bằng cách để cho doanh nghiệp độc quyền nâng giá sản phẩm và dịch vụ của nó lên cao đến mức có thể làm cho doanh nghiệp có lời mặc dù việc quản lí nó có phi kinh tế đến mức nào. Phương pháp sản xuất xã hội chủ nghĩa có năng suất lao động thấp, nhưng được biểu hiện theo một cách khác và khó nhận ra hơn. Nhưng bản chất vấn đề thì vẫn thế.
    Không có một thử nghiệm về quản lí xí nghiệp theo lối xã hội chủ nghĩa nào có thể cung cấp cho chúng ta bất cứ cơ sở nào để nói rằng điều gì sẽ xảy ra nếu lí tưởng xã hội chủ nghĩa về sở hữu tập thể tất cả các tư liệu sản xuất trở thành hiện thực. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa tương lai, nơi không còn chỗ cho các doanh nghiệp tư nhân tự do hoạt động bên cạnh các xí nghiệp thuộc sở hữu nhà nước và do nhà nước quản lí, cơ quan lập kế hoạch ở trung ương sẽ không còn tiêu chí để đánh giá toàn bộ nền kinh tế do thị trường và giá cả thị trường cung cấp nữa. Trên thị trường, nơi tất cả hàng hóa và dịch vụ được mang ra trao đổi, có thể xác định được tỉ lệ trao đổi (được biểu hiện bằng đơn vị tiền tệ) cho tất cả những thứ được bán và mua. Và như thế, trong chế độ xã hội đặt nền tảng trên sở hữu tư nhân người ta có thể sử dụng hạch toán bằng tiền để kiểm tra kết quả của tất cả các hoạt động kinh tế. Có thể dùng các phương pháp kế toán và hạch toán giá thành để kiểm tra năng suất lao động của tất cả các giao dịch kinh tế. Cần nói thêm rằng các doanh nghiệp nhà nước không thể sử dụng phương pháp hạch toán giá thành như các doanh nghiệp tư nhân. Nhưng tính toán bằng tiền vẫn có thể cung cấp cho xí nghiệp của nhà nước hay xí nghiệp tập thể một số cơ sở để kết luận rằng doanh nghiệp đã thành công hay thất bại. Nhưng trong hệ thống xã hội toàn trị, điều đó sẽ không thể xảy ra vì không còn sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất thì sẽ không còn trao đổi các hàng hóa vốn trên thị trường, và như vậy không còn giá cả tính bằng tiền và không còn tính toán bằng tiền nữa. Vì vậy mà ban lãnh đạo chế độ xã hội toàn trị sẽ không còn phương tiện để quy tất cả những món hàng khác nhau mà họ có ý định sản xuất về một mẫu số chung.
    Tính toán chi phí bằng hiện vật và so sánh với tiết kiệm bằng hiện vật cũng không giúp ích được gì. Không thể tính toán được nếu không đưa được số giờ lao động có chất lượng khác nhau, không đưa được sắt, than đá, vật liệu xây dựng, máy móc và tất cả những thứ cần thiết khác cho hoạt động và quản lí doanh nghiệp về cùng một đơn vị đo lường. Chỉ có thể tính toán được khi ta có thể đưa được tất cả các hàng hóa đang xem xét về cùng đơn vị tiền tệ. Dĩ nhiên là tính toán bằng tiền cũng có những khuyết tật và hạn chế, nhưng không có phương tiện nào khác có thể thay thế được nó. Khi hệ thống tiền tệ còn đủ tin cậy thì tính toán bằng tiền là đủ để đáp ứng được những mục đích thực tiến của cuộc sống. Nếu chúng ta từ bỏ tính toán bằng tiền thì ta sẽ không thể thực hiện được bất kì tính toán kinh tế nào. Đấy là lí lẽ quyết định mà kinh tế học đưa ra nhằm phản bác lại tính khả thể của chủ nghĩa xã hội. Xã hội xã hội chủ nghĩa sẽ phải từ bỏ phân công lao động một cách thông minh, được thể hiện trong sự hợp tác của tất cả các doanh nhân, địa chủ. và người lao động trong vai trò là những nhà sản xuất và người tiêu dùng trong việc hình thành giá cả thị trường. Không có tính toán dựa vào giá cả và tiền tệ thì tính duy lí, tức khả năng tính toán kinh tế, sẽ trở thành điều không tưởng.
     
    Chỉnh sửa cuối: 24/6/15
    superlazy, tamchec and banycol like this.
  8. notrinos

    notrinos Lớp 5

    5. Chủ nghĩa can thiệp

    Lí tưởng xã hội chủ nghĩa đã bắt đầu mất dần ngườ ủng hộ. Các công trình nghiên cứu chuyên sâu về những vấn đề của chủ nghĩa xã hội, cả về kinh tế học lẫn xã hội học, chứng tỏ tính bất khả thi của nó không phải là không tạo ra những hiệu quả nhất định, còn sự thất bại của những cuộc thử nghiệm xã hội chủ nghĩa đang diễn ra khắp nơi đã làm cho ngay cả những người ủng hộ nhiệt tình nhất cũng phải lúng túng. Dần dần người ta cũng bắt đầu nhận ra rằng xã hội không thể sống thiếu sở hữu tư nhân. Song việc phê phán một cách đầy ác ý đối với hệ thống sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất được tiến hành trong suốt hàng chục năm qua đã để lại trong lòng người ta định kiến chống lại hệ thống tư bản chủ nghĩa mạnh mẽ đến mức mặc dù người ta biết rằng chủ nghĩa xã hội là không phù hợp và bất khả thi nhưng người ta vẫn không thể công khai thú nhận rằng họ phải quay về với quan điểm tự do về sở hữu. Chắc chắn là người ta đã công nhận rằng chủ nghĩa xã hội, tức là sở hữu công cộng các tư liệu sản xuất, nói chung hoặc ít nhất là trong giai đoạn hiện nay là việc làm thiếu thực tế. Nhưng, mặt khác, họ lại quả quyết rằng sở hữu tư nhân vô hạn tư liệu sản xuất cũng là điều không hay. Như vậy là người ta muốn sáng tạo ra con đường thứ ba, tạo ra một hình thức xã hội ở giữa hai thái cực, một bên là chế độ sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất, một bên là sở hữu công cộng tư liệu sản xuất. Sở hữu tư nhân được phép tồn tại, nhưng cách thức sử dụng tư liệu sản xuất bởi các nghiệp chủ, nhà tư sản và địa chủ thì lại được điều tiết, hướng dẫn và kiểm soát bằng những nghị định và cấm đoán do chính quyền đưa ra. Đấy là cách người ta tạo ra hình ảnh mang tính khái niệm về thì trường được điều tiết, về chủ nghĩa tư bản được bao bọc bởi các quy định của chính quyền, về sở hữu tư nhân đã bị lọc hết những tính chất được cho là có hại bằng sự can thiệp của chính quyền.
    Ta có thể nhận thấy rõ nhất ý nghĩa và bản chất của hệ thống này sau khi xem xét một vài ví dụ về hậu quả sự can thiệp của chính phủ. Những biện pháp can thiệp có ý nghĩa quyết định nhất mà chúng ta cần xem xét chính là những quyết định nhằm ấn định giá cả hàng hóa và dịch vụ khác biệt với giá cả mà thị trường tự do có thể xác lập.
    Khi các mức giá cả được hình thành trên thị trường tự do hoặc được xác lập mà không có sự can thiệp của chính quyền thì tiền thu được sau khi bán hàng sẽ bù lại hoàn toàn cho chi phí sản xuất. Nếu chính quyền áp đặt mức giá bán thấp hơn thì tiền bán hàng sẽ không bù lại được chi phí. Trong trường hợp đó, nếu việc lưu kho không làm giảm giá trị hàng hóa một cách nhanh chóng thì các nhà buôn và các nhà sản xuất sẽ rút hàng hóa đang lưu thông trên thị trường để chờ thời, chẳng hản hi vọng là chính quyền sẽ hủy bỏ quyết định. Nếu chính quyền không muốn để cho mặt hàng đó do sự can thiệp của họ mà biến mất hoàn toàn thì họ sẽ không dừng lại ở biện pháp áp đặt giá bán mà sẽ phải ra sắc lệnh yêu cầu các nhà buôn và nhà sản xuất bán hết số hàng hóa có trong kho với giá quy định.
    Nhưng như thế cũng chưa đủ. Nếu giá được thị trường tự do quyết định thì cung và cầu sẽ bằng nhau. Nhưng bây giờ, vì giá do nghị định của chính phủ xác định là thấp hơn nên cầu sẽ tăng trong khi cung vẫn không thay đổi. Hàng hóa chứa trong kho không đủ đáp ứng cho tất cả những người sẵn sàng mua với giá quy định. Một phần nhu cầu sẽ không được đáp ứng. Cơ chế thị trường - đấy là nói trong trường hợp không bị can thiệp - vốn giúp cung cầu cân bằng với nhau nhờ sự thăng giáng của giá cả không còn hoạt động được nữa. Bây giờ những người sẵn sàng mua với giá quy định đành phải ra về với hai bàn tay không. Những người đến sớm hoặc những người có thể lợi dụng quan hệ với người bán đã mua hết, còn những người khác thì chẳng mua được gì. Nếu chính phủ muốn tránh những hậu quả như thế - tức là những hậu quả trái ngược với ý định của họ - thì họ sẽ phải tiến thêm một bước nữa là phát hành tem phiếu bên cạnh việc kiểm soát giá cả và việc cưỡng ép bán hàng: bộ máy điều tiết của chính phủ sẽ phải quyết định mỗi người được mua bao nhiêu theo giá quy định.
    Nhưng một khi nguồn cung hàng hóa đang có đúng vào lúc chính phủ can thiệp bị bán hết thì vấn đề sẽ phức tạp hơn rất nhiều. Vì phải bán hàng theo giá do chính phủ quy định nên sản xuất sẽ không có lãi nữa, hang hóa sẽ ít đi hoặc biến mất hẳn. Nếu chính phủ muốn người ta tiếp tục sản xuất thì phải quy định cả giá nguyên vật liệu, giá bán thành phẩm và tiền công lao động nữa. Các nghị định về vấn đề này không thể chỉ giới hạn cho một hay một vài lĩnh vực sản xuất mà chính quyền cho là đặc biệt quan trọng, cần phải điều tiết. Việc điều tiết sẽ phải bao trùm lên mọi lĩnh vực. Sẽ phải điều tiết giá cả của tất cả các loại hàng hóa và lương của tất cả mọi người. Tóm lại, chính phủ sẽ phải kiểm soát hoạt động của tất cả nghiệp chủ, nhà tư sản, điền chủ và công nhân. Nếu một số lĩnh vực sản xuất được để cho tự do thì vốn và lao động sẽ chảy vào đấy, và chính phủ sẽ không đạt được mục tiêu mà nó đề ra khi thực hiện hành động can thiệp đầu tiên. Nhưng mục đích của chính quyền là gia tăng sản xuất trong chính lĩnh vực mà nó cho là quan trọng, và vì vậy mà nó tiến hành điều tiết. Nhưng kết quả lại trái ngược hẳn với ý định, vì sự can thiệp của chính quyền mà lĩnh vực này rơi vào suy thoái.
    Rõ ràng là sự can thiệp của chính phủ vào hoạt động của hệ thống kinh tế đặt căn bản trên quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất sẽ không thể đạt được mục tiêu đề ra. Can thiệp không những là vô ích mà còn đưa tới những kết quả trái ngược với mục tiêu đề ra vì nó làm gia tăng đáng kể "cái xấu xa" mà nó định chống lại. Trước khi tiến hàn kiểm soát giá cả, chính phủ cho rằng hàng hóa quá đắt đỏ; còn bây giờ thì không còn hàng hóa trên thị trường nữa. Nhưng đấy không phải là mục đích của chính phủ, chính phủ chỉ muốn người dân mua được hàng với giá rẻ hơn. Tình hình hóa ra ngược lại, và cũng theo quan điểm của chính phủ thì việc thiếu hàng hóa còn là tai họa lớn hơn nhiều. Theo ý nghĩa đó, ta có thể nói rằng việc can thiệp của chính phủ chẳng những vô ích mà còn đi ngược lại mục đích đặt ra, và chính sách kinh tế với những biện pháp can thiệp như thế là không thực tế và không thể tưởng tượng được vì nó mâu thuẫn với logic kinh tế.
    Nếu chính phủ không thiết lập lại trật tự bằng cách từ bỏ việc can thiệp, nghĩa là bãi bỏ việc kiểm soát giá cả, thì nó sẽ phải đi những bước tiếp theo. Ngoài quy định cấm bán với giá cao hơn giá quy định, chính phủ không những phải đưa ra những biện pháp buộc người ta bán hết hàng hóa có trong kho theo hệ thống tem phiếu bắt buộc, mà còn phải quy định giá trần cho những loại hàng hóa thuộc công đoạn sản xuất cao hơn, kiểm soát tiền lương và cuối cùng là cưỡng ép lao động đối với cả nghiệp chủ và người lao động. Những biện pháp như thế không chỉ được áp dụng cho một hay một vài lĩnh vực sản xuất mà sẽ bao trùm lên toàn bộ nền kinh tế. Đơn giản là chỉ có hai sự lựa chọn: hoặc phải tránh can thiệp vào sân chơi của thị trường tự do hoặc phải trao toàn bộ bộ máy quản lí sản xuất vào tay chính phủ. Chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa xã hội: không có con đường thứ ba.
    Những người từng chứng kiến những biện pháp của chính phủ nhằm ấn định giá cả bằng sắc lệnh trong thời gian chiến tranh cũng như trong những giai đoạn lạm phát đều biết rõ cơ chế của một loạt các sự kiện vừa được trình bày. Hiện nay mọi người đều biết rằng việc kiểm soát giá cả của chính phủ chỉ dẫn đến kết quả là những món hàng liên quan sẽ biến mất. Ở đâu kết quả cũng đều như thế. Ví dụ, khi chính phủ quy định giá trần cho việc thuê nhà thì nhà ở lập tức bị thiếu. Ở Áo, Đảng Dân chủ Xã hội gần như bãi bỏ tiền thuê nhà. Hậu quả là, ví dụ như ở thành phố Vienna, mặc dù từ đầu Thế chiến I số người sống trong thành phố đã giảm đáng kể, và chính quyền địa phương đã xây dựng hàng ngàn ngôi nhà mới nhưng hàng ngàn người vẫn không tìm được nhà ở.
    Xin xem xét một ví dụ nữa: quy định tiền lương tối thiểu.
    Khi những sắc luật của chính quyền hay những biện pháp quá khích của công đoàn không can thiệp vào quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động, thì người sử dụng lao động sẽ trả cho mỗi loại công việc tiền lương đúng bằng sự gia tăng giá trị mà công việc đó tạo ra trong quá trình sản xuất. Tiền lương không thể cao hơn, vì nếu cao hơn thì người sử dụng lao động không thể có lời, và anh ta sẽ buộc phải ngừng dây chuyền sản xuất thua lỗ. Nhưng tiền lương cũng không thể xuống thấp hơn vì công nhân sẽ chuyển sang các ngành sản xuất khác, nơi họ được trả lương cao hơn, và người sử dụng cũng phải ngừng sản xuất vì thiếu nhân công.
    Vì vậy mà trong nền kinh tế bao giờ cũng có một mức lương sao cho mỗi người lao động đều tìm được việc làm, và mỗi nghiệp chủ, người muốn giữ cho doanh nghiệp của mình có được lợi nhuận với mức lương như thế, có thể tìm được người lao động. Các nhà kinh tế học gọi đó là mức lương "tĩnh" hoặc "tự nhiên". Mức lương này sẽ tăng nếu số lao động giảm trong khi những điều kiện khác vẫn giữ nguyên, và sẽ giảm nếu lượng vốn tương ứng với lượng lao động cần thiết để sản xuất giảm trong khi những điều kiện khác vẫn giữ nguyên. Tuy nhiên, cần phải ghi nhận rằng nói một cách đơn giản về "các mức lương" và "lao động" là không hoàn toàn chính xác. Lao động khác nhau rất nhiều về chất lượng và số lượng (tính theo đơn vị thời gian), các mức tiền lương cho lao động cũng thế.
    Nếu nền kinh tế cứ giữ nguyên ở trạng thái dừng (stationary) thì trên thị trường lao động - nếu nó không bị chính phủ và tổ chức công đoàn can thiệp - sẽ không có người nào bị thất nghiệp. Nhưng trạng thái dừng của xã hội chỉ là một mẫu hình tưởng tượng của lí thuyết kinh tế, là một thủ thuật trí tuệ cần thiết đối với quá trình tư duy; nó giúp chúng ta hiểu rõ những quá trình kinh tế đang thực sự diễn ra quanh ta. Nhưng thật may là, phải nói ngay như thế, cuộc sống không bao giờ ngừng nghỉ. Không bao giờ có một nền kinh tế đứng yên; thay đổi, chuyển động, tạo mới diễn ra thường xuyên; những điều bất ngờ luôn xuất hiện. Bao giờ cũng có những ngành sản xuất bị đóng cửa hay giảm sản lượng vì nhu cầu sụt giảm, trong khi những ngành khác lại xuất hiện hoặc mở rộng sản xuất. Chỉ cần nghĩ đến vài chục năm gần đây chúng ta cũng có thể liệt kê được rất nhiều ngành công nghiệp mới như công nghiệp ô tô, máy bay, điện ảnh, sợi nhân tạo, đồ hộp, phát thanh. Những ngành công nghiệp này xuất hiện đang sử dụng hàng triệu lao động. Một số xuất phát từ những ngành bị đóng cửa, nhưng phần đông là từ những ngành mà sự cải tiến về công nghệ tạo điều kiện cho người ta giảm bớt nhu cầu về nhân lực.
    Đôi khi sự thay đổi trong tương quan giữa các lĩnh vực sản xuất diễn ra chậm chạp đến nỗi không có người công nhân nào phải chuyển sang công việc mới; và chỉ có những người trẻ tuổi, những người mới bắt đầu lao vào kiếm sống, mới tìm công ăn việc làm trong những ngành nghề đang mở rộng hay vừa xuất hiện. Nhưng, nói chung, trong hệ thống tư bản chủ nghĩa, với sự cải thiện nhanh chóng điều kiện sống của con người, sự tiến bộ diễn ra nhanh đến mức nó buộc người ta phải liên tục thích ứng. Hai trăm năm trước, sau khi học được một nghề gì đó, người thanh niên có thể hi vọng sống với nghề đó suốt đời mà không phải sợ thái độ bảo thủ như thế sẽ làm hại anh ta. Hiện nay mọi sự đã khác. Người công nhân cũng phải thích ứng với hoàn cảnh đang đổi thay, phải bổ sung kiến thức hoặc học thêm những điều mới. Anh ta buộc phải rời bỏ những ngành nghề không cần nhiều lao động như cũ nữa, và tham gia vào những ngành nghề mới xuất hiện hoặc cần nhiều công nhân hơn trước. Nhưng ngay cả khi anh ta vẫn làm công việc cũ thì khi hoàn cảnh đòi hỏi, anh ta cũng phải học thêm kĩ năng mới.
    Tất cả những yếu tố trên tác động tới người lao động thông qua việc thay đổi tiền lương. Nếu xí nghiệp trong một ngành nào đó cần ít công nhân hơn thì nó sẽ sa thải một số người, những người bị sa thải sẽ khó tìm được công việc trong ngành sản xuất đó. Áp lực trên thị trường lao động do các công nhân bị sa thải tạo ra sẽ làm cho tiền lương trong ngành đó giảm đi. Đến lượt nó, điều này lại thúc đẩy công nhân tìm việc trong những ngành đang muốn tìm công nhân và vì vậy mà sẵn sàng trả lương cao hơn.
    Người ta sẽ thấy ngay rằng muốn đáp ứng nguyện vọng vừa có việc làm vừa có mức lương cao của công nhân thì phải làm gì. Nói chung, không thể đây mức lương lên cao hơn mức mà nó có thể giữ trên thị trường, nếu thị trường không bị nhà nước và áp lực của các định chế khác can thiệp, để không tạo ra những hiệu ứng phụ không có lợi đối với người công nhân. Một lĩnh vực hoặc một nước chỉ có thể nâng lương nếu người ta không cho công nhân từ những lĩnh vực khác hay từ nước khác chuyển tới. Những người công nhân bị cấm di chuyển đã phải trả giá cho những lần tăng lương như thế. Lương của những người này sẽ thấp hơn mức mà đáng ra họ có thể lĩnh nếu họ được tự do đi lại. Như vậy là việc nâng lương cho nhóm người này đã buộc nhóm người khác phải trả giá. Chính sách ngăn cản quá trình dịch chuyển lao động chỉ làm lợi cho những người công nhân trong những nước và những ngành thiếu hụt lao động. Trong những ngành và những nước không bị thiếu hụt lao động thì chỉ có một cách tăng lương sau đây: nâng cao năng suất lao động, hoặc bằng cách tăng thêm vốn khả dụng hoặc thông qua quá trình cải tiến công nghệ.
    Nhưng, nếu chính phủ quy định mức lương tối thiểu cao hơn mức lương tĩnh hoặc tự nhiên thì người sử dụng lao động sẽ thấy rằng họ không còn giữ được cho một loạt doanh nghiệp có lãi như thời mức lương còn thấp nữa. Họ sẽ phải thu hẹp sản xuất và sa thải công nhân. Kết quả của việc tăng lương một cách nhân tạo, nghĩa là mức lương được áp đặt cho thị trường, là số người thất nghiệp gia tăng.

    Bây giờ dĩ nhiên là người ta không còn tìm cách quy định mức lương tối thiểu trên diện rộng nữa. Nhưng sức mạnh của công đoàn cho phép họ làm như thế ngay cả khi không có điều luật nào quy định như vậy. Khi công nhân thành lập tổ chức công đoàn để mặc cả với giới chủ thì bản thân điều này không nhất thiết dẫn tới sự rối loạn trong hoạt động của thị trường. Ngay cả việc họ tự cho mình quyền vi phạm hợp đồng mà họ đã kí và tuyên bố đình công cũng không làm rối loạn được thị trường lao động. Nhưng việc buộc người ta phải tham gia bãi công và buộc người ta phải tham gia công đoàn, như trong những nước công nghiệp phát triển nhất ở châu Âu, lại tạo ra một tình hình hoàn toàn mới. Vì những người công nhân tham gia công đoàn không cho những người không phải là thành viên công đoàn của họ vào làm việc, và trong thời gian bãi công đã sử dụng bạo lực ngăn cản những người khác đến thay thế cho những người bãi công nên đòi hỏi về lương bổng mà công đoàn đưa ra cho người sử dụng lao động cũng có sức mạnh chẳng khác gì mức lương tối thiểu do chính phủ quy định. Người sử dụng lao động buộc phải chấp nhận đề nghị của công đoàn nếu không muốn đóng cửa xí nghiệp. Người sử dụng lao động phải trả mức lương cao và thu hẹp sản xuất vì khi giá thành cao thì không thể tiêu thụ được nhiều sản phẩm như khi giá thành thấp. Như vậy nghĩa là việc công đoàn đòi mức lương cao chính là nguyên nhân của nạn thất nghiệp.
    Nạn thất nghiệp do nguyên nhân này gây ra khác hẳn về tầm mức và thời hạn so với nạn thất nghiệp diễn ra do sự thay đổi thường xuyên về chủng loại và chất lượng lao động mà thị trường đòi hỏi. Nếu nguyên nhân của nạn thất nghiệp chỉ là do sự tiến bộ diễn ra thường xuyên trong công nghiệp thì nó sẽ không thể kéo dài và không thể làm nhiều người mất việc cùng một lúc. Những người lao động mất việc trong một ngành nào đó cũng sẽ tìm được việc trong những ngành đang mở rộng hoặc vừa mới xuất hiện. Khi người lao động được quyền tự do đi lại, và luật pháp cũng như những trở ngại khác không gây khó khăn cho việc chuyển từ ngành này sang ngành khác thì sự thích nghi với điều kiện mới sẽ diễn ra một cách tương đối dễ dàng và nhanh chóng. Ngoài ra, việc thiết lập cơ chế trao đổi lao động cũng góp phần hạn chế tỉ lệ thất nghiệp kiểu này.
    Nhưng thất nghiệp do sự can thiệp của những tác nhân mang tính cưỡng bức đối với hoạt động của thị trường lao động lại không phải là hiện tượng nhất thời, liên tục nổi lên rồi biến mất. Nó còn là căn bệnh nan y chừng nào nguyên nhân làm cho nó tồn tại vẫn xuất hiện, nghĩa là đến chừng nào luật pháp hay hoạt động bạo lực của công đoàn, vì áp lực của những người lao động không có việc làm, còn cản trở việc giảm lương đến một mức mà lẽ ra nó phải thế nếu không có sự can thiệp của chính phủ hay công đoàn, mà cụ thể là đến mức mà bất cứ ai muốn làm việc cũng sẽ tìm được việc làm.
    Việc chính phủ hoặc công đoàn trợ giúp người thất nghiệp chỉ làm cho tình hình xấu thêm. Trong trường hợp thất nghiệp là bởi những thay đổi ngành diễn ra trong nền kinh tế, phúc lợi thất nghiệp chỉ làm cho quá trình thích nghi với điều kiện mới bị trì hoãn thêm. Người công nhân mất việc nhưng lại được nhận trợ cấp sẽ không thấy có nhu cầu phải tìm nghề mới nếu anh ta không tìm được việc trong nghề cũ nữa; ít nhất là anh ta sẽ để mất nhiều thì giờ trước khi quyết định chuyển sang nghề mới hoặc địa điểm mới hoặc trước khi anh ta giảm bớt đòi hỏi về đồng lương để có thể tìm được việc làm. Nếu các phúc lợi thất nghiệp không đủ thấp thì ta có thể mạnh dạn nói rằng chừng nào còn có trợ cấp thì sẽ còn thất nghiệp.
    Nhưng nếu thất nghiệp là do việc tăng lương do sự can thiệp trực tiếp của chính phủ hoặc do chính phủ có thái độ nhu nhược trước các áp lực của công đoàn thì vấn đề chỉ còn là: ai phải gánh chịu các chi phí phụ trội, người sử dụng lao động hay người công nhân? Nhà nước, chính phủ, xã hội không bao giờ phải gánh chịu chi phí đó, họ sẽ đặt lên đầu lên cổ người sử dụng lao động hoặc người công nhân, hoặc lên cả hai. Nếu người công nhân phải gánh chịu thì họ sẽ bị mất toàn bộ hay một phần thành quả của việc tăng lương giả mà họ vừa nhận được, thậm chí họ sẽ phải trả giá nhiều hơn là sự tăng lương giả tạo mà họ vừa nhận được. Người sử dụng lao động cũng có thể phải gánh chịu chi phí cho việc trợ cấp thất nghiệp dưới dạng thuế tỉ lệ với tổng quỹ lương của doanh nghiệp. Trong trường hợp này, bảo hiểm thất nghiệp làm cho giá nhân công tăng lên, và như vậy làm cho tiền lương cao hơn mức tự nhiên: lợi nhuận của người sử dụng lao động sẽ giảm, và số người lao động có thể được sử dụng để đảm bảo mức lợi nhuận mong muốn cũng sẽ giảm theo. Như vậy tức là số người thất nghiệp sẽ gia tăng, giống như một chiếc lò xo đang giãn ra vậy. Người sử dụng lao động còn có thể bị buộc phải trả chi phí cho việc trợ cấp thất nghiệp thông qua thuế lợi tức hoặc thuế đánh trên đồng vốn, không phụ thuộc vào số người lao động mà họ sử dụng. Nhưng biện pháp này cũng chỉ làm tăng thêm thất nghiệp. Vì khi đồng vốn bị thuế khóa làm cho suy kiệt hoặc quá trình hình thành đồng vốn mới ít nhất cũng bị chậm lại thì điều kiện sử dụng lao động ceteris paribus [trong khi những điều kiện khác vẫn giữ nguyên - ND] cũng sẽ không được thuận lợi.

    Rõ ràng, những chương trình có tính xã hội nhằm loại bỏ hiện tượng thất nghiệp là những cố gắng vô ích. Nguồn lực cần cho những dự án như thế phải được lấy từ thuế khóa hoặc vay mượn mà đáng ra có thể được dùng cho những mục tiêu khác. Bằng cách làm như thế, người ta có thể giảm thất nghiệp trong ngành này nhưng lại làm gia tăng thất nghiệp trong ngành khác(1).
    Dù nhìn chủ nghĩa can thiệp theo khía cạnh nào thì ta cũng thấy rõ ràng là hệ thống này chỉ dẫn đến những kết quả mà những người tạo ra và ủng hộ nó không muốn, và thậm chí theo quan điểm của họ thì đây là chính sách vô nghĩa, thất sách và phi lí.

    1 Ngay cả nếu việc tăng lương một cách nhân tạo (do sự can thiệp của chính phủ hay bởi áp lực công đoàn) được thực hiện cùng một lúc trên toàn thế giới và trong tất cả các ngành sản xuất thì kết quả đơn giản sẽ là sự suy giảm đồng vốn, do đó mà đồng lương sẽ còn giảm hơn nữa. Tôi đã xem xét vấn đề này trong các tác phẩm được liệt kê trong phần Phụ lục ở cuối sách.

    6. Chủ nghĩa tư bản: phương thức tổ chức xã hội khả thi duy nhất

    Mỗi khi suy nghĩ về những phương pháp tổ chức xã hội khác nhau trên cơ sở phân công lao động, rốt cuộc ta cũng đi đến cùng một kết luận: chỉ có thể lựa chọn giữa sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất. Tất cả những hình thức trung gian đều vô ích, và trên thực tế nhất định sẽ dẫn đến thất bại. Nếu công nhận rằng chủ nghĩa xã hội cũng không thể thực hiện được thì người ta không thể không thú nhận rằng chủ nghĩa tư bản là hệ thống tổ chức duy nhất khả thi đối với xã hội dựa trên cơ sở phân công lao động. Kết quả của công trình nghiên cứu lí thuyết như thế không làm cho nhà sử học hay triết học lịch sử phải ngạc nhiên. Nếu chủ nghĩa tư bản có thể đứng vững mặc cho thái độ thù địch của các chính quyền và của quần chúng, nếu nó không phải nhường đường cho những hình thức hợp tác xã hội được các lí thuyết gia và những người làm chính sách ưu ái hơn, thì chỉ là vì không có hình thức tổ chức xã hội nào khác tỏ ra khả thi mà thôi.
    Chẳng cần phải giải thích vì sao chúng ta không thể quay lại với những hình thức tổ chức kinh tế và xã hội của thời Trung cổ. Hệ thống kinh tế thời Trung cổ chỉ có thể nuôi được một phần số người đang sống trên vùng lãnh thổ có người ở châu Âu hiện nay, và nó cũng chỉ cung cấp cho mỗi người số lượng hàng hóa ít hơn nhiều so với những gì mà phương pháp sản xuất tư bản hiện nay đang cung cấp. Nếu người ta không sẵn sàng giảm dân số xuống một phần mười hoặc một phần mười hai hiện nay và hơn nữa, không buộc mỗi người phải chấp nhận tiêu dùng ít ỏi đến mức không thể tưởng tượng thì chẳng nên nói đến chuyện trở lại thời Trung cổ.
    Tất cả những người cầm bút ủng hộ cho việc quay lại thời Trung cổ, hay như họ nói là “Tân” Trung cổ, coi đó là lí tưởng xã hội duy nhất cần phải hướng tới, đều là những người phê phán thời đại tư bản trước hết là do thái độ và não trạng sùng bái vật chất của nó. Nhưng thực ra họ lại là những người sùng bái vật chất hơn là họ tưởng. Nhiều người trong số họ vẫn nghĩ rằng sau khi trở về với hình thức tổ chức kinh tế và chính trị đặc trưng thời Trung cổ, xã hội vẫn giữ được những tiến bộ về mặt công nghệ, và nhờ đó vẫn giữ được năng suất lao động cao như thời tư bản chủ nghĩa, đấy không phải là chủ nghĩa duy vật thô lậu nhất hay sao? Năng suất lao động của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa là kết quả của não trạng tư bản và phương pháp tiếp cận theo lối tư bản đối với con người và tiếp cận đối với việc đáp ứng các nhu cầu của con người. Năng suất lao động là kết quả của nền công nghệ hiện đại trong chừng mực khi mà sự phát triển của công nghệ phải xuất phát từ não trạng tư bản chủ nghĩa. Thật chẳng có gì vô nghĩa lí hơn là nguyên tắc suy vật lịch sử của Marx: “Cối xay bằng tay tạo ra chủ nghĩa phong kiến; cối xay chạy bằng hơi nước tạo ra chủ nghĩa tư bản.”. Chính xã hội tư bản mới là môi trường không thể thiếu để tạo dựng những điều kiện thiết yếu cho việc phát minh và đưa máy xay chạy bằng hơi nước vào hoạt động. Chính chủ nghĩa tư bản đã tạo ra nền công nghệ chứ không phải ngược lại. Và thật là vớ vẩn khi người ta vẫn nghĩ rằng có thể giữ được những tiềm năng về công nghệ và vật chất của nền kinh tế ngay cả sau khi nền tảng trí tuệ mà chúng dựa vào đã bị đập tan. Một khi hoài niệm truyền thống và niềm tin vào chính quyền quay trở lại thành não trạng giữ thế thượng phong thì không thể nào làm cho hoạt động kinh tế trở nên hữu lí. Không thể nào tưởng tượng được một nghiệp chủ - tức tác nhân xúc tác của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa và đồng thời cũng là của nền công nghệ hiện đại - ở trong môi trường mà ai cũng chỉ muốn có một đời sống thanh tịnh.
    Nếu cho rằng chỉ có hệ thống dựa trên quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất là khả thi còn tất cả các hệ thống khác đều bất khả thì ta phải rút ra kết luận là phải bảo vệ sở hữu tư nhân, như là cơ sở cho sự hợp tác và liên kết xã hội, và phải kiên quyết đấu tranh với mọi cố gắng nhằm loại bỏ nó. Chính vì lí do đó mà chủ nghĩa tự do luôn bảo vệ thể chế sở hữu tư nhân, chống lại mọi cố gắng nhằm phá hủy nó. Vì vậy mà người ta đã hoàn toàn có lí khi gọi người theo trường phái tự do là người biện hộ cho sở hữu tư nhân vì từ người biện hộ (apologist) có nguồn gốc từ một chữ Hi Lạp có nghĩa là người bảo vệ (defender). Dĩ nhiên, tốt hơn hết là nên tránh dùng từ nước ngoài, và chỉ dùng tiếng Anh thuần túy. Vì đối với nhiều người thì từ biện hộ (apology) và kẻ biện hộ thường hàm ý là bảo vệ điều không công chính.
    Tuy nhiên, quan trọng không phải là bác bỏ những ám chỉ tiêu cực có thể có trong những từ này mà là nhận thức rằng thể chế sở hữu tư nhân không đòi hỏi phải được bảo vệ, biện hộ, ủng hộ hay biện minh. Sự tồn tại của xã hội phụ thuộc vào sở hữu tư nhân, và vì con người cần xã hội cho nên muốn tránh làm hại quyền lợi của chính mình và quyền lợi của những người khác thì họ phải bám chặt lấy thể chế sở hữu tư nhân. Vì xã hội chỉ có thể tiếp tục tồn tại trên cơ sở sở hữu tư nhân. Người bảo vệ sở hữu tư nhân cung là người bảo vệ những mối ràng buộc xã hội, gắn kết nhân loại; bảo vệ nền văn hóa và văn minh. Đấy cũng là người bảo vệ, người biện hộ của xã hội, của văn hóa và nền văn minh, và bởi vì người đó coi những cái đấy là mục đích của mình nên anh ta cũng bảo vệ phương tiện duy nhất đưa đến những mục đích như thế, nói cụ thể hơn thì đấy chính là bảo vệ sở hữu tư nhân.
    Bảo vệ quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất hoàn toàn không có nghĩa là cho rằng chủ nghĩa tư bản dựa trên sở hữu tư nhân là hệ thống hoàn hảo. Chẳng có gì trên đời là hoàn hảo. Ngay cả trong hệ thống tư bản chủ nghĩa cũng có thứ này thứ khác, nhiều thứ, thậm chí mọi thứ đều không phù hợp với khẩu vị của người này hay người kia. Nhưng đây là hệ thống xã hội khả thi duy nhất. Người ta có thể bắt tay cải tạo một số đặc điểm này khác của nó miễn là việc cải tạo như thế không động chạm đến bản chất và nền tảng của toàn thể trật tự xã hội, mà cụ thể là không động đến sở hữu tư nhân. Rốt cuộc, chúng ta đành phải chấp nhận hệ thống này vì đơn giản là không có hệ thống nào khác.
    Trong tự nhiên có thể có nhiều thứ chúng ta không thích. Nhưng chúng ta không thể thay đổi được bản chất cố hữu của các hiện tượng tự nhiên. Ví dụ, ta không thể nào tranh luận được với người nghĩ – và vẫn còn khẳng định – rằng nạp, tiêu hóa và hấp thụ thức ăn vào cơ thể là việc đáng tởm. Chỉ có thể nói với anh ta: không làm thế thì chết đói. Không có cách thứ ba. Sở hữu cũng như thế: “Hoặc là thế này hoặc là thế kia”. – hoặc sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất hoặc là cảnh đói rét và khốn nạn cho tất cả mọi người.
    Những người phản đối chủ nghĩa tự do thường gọi học thuyết kinh tế của chủ nghĩa tự do là “lạc quan”. Họ coi đấy là một lời phê phán hoặc chế giễu phương pháp của tư duy trường phái tự do.
    Nếu dùng từ “lạc quan” để nói rằng chủ nghĩa tự do coi thế giới tư bản là thế giới tốt nhất có thể thì đấy là việc làm hoàn toàn vô nghĩa. Đối với một hệ tư tưởng được xây dựng trên cơ sở hoàn toàn khoa học, như hệ tư tưởng của chủ nghĩa tự do, thì những câu hỏi đại loại như chủ nghĩa tư bản là tốt hay xấu, liệu có thể có hệ thống tốt hơn hay không, và liệu nó có bị bác bỏ nếu dựa vào cơ sở triết học hay siêu hình học nào đó hay không là những câu hỏi hoàn toàn không thích hợp. Chủ nghĩa tự do có nguồn gốc từ các môn khoa học thuần túy là kinh tế học và xã hội học, tức là những môn khoa học không đưa ra những đánh giá chủ quan và không bàn luận về cái gì nên, cái gì không nên, cái gì tốt, cái gì xấu, mà ngược lại chỉ tìm hiểu bản chất của sự vật và cách nó vận động. Khi những môn khoa học này chỉ cho chúng ta thấy rằng trong tất cả các phương pháp tổ chức xã hội có thể tưởng tượng, chỉ có một cách, mà cụ thể là hệ thống dựa trên quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất là có thể vận hành được vì tất cả các hệ thống tôt chức xã hội khác đều bất khả thi thì đấy hoàn toàn không có bất cứ điều gì có thể gọi là “lạc quan”. Chủ nghĩa tư bản là khả thi và có thể vận hành được là kết luận chẳng liên quan đến chủ nghĩa lạc quan.
    Chắc chắn là những người phê phán chủ nghĩa tự do cho rằng đấy là một xã hội tồi dở. Vì khẳng định này chứa đựng đánh giá mang tính chủ quan, nên thực ra không đáng để đem ra thảo luận, đấy là nói một cuộc thảo luận có ý định đi xã hơn những đánh giá mang tính chủ quan, và vì vậy mà không khoa học. Nhưng vì lời khẳng định này đặt căn bản trên nhận thức sai lầm về những hiện tượng diễn ra trong hệ thống tư bản chủ nghĩa cho nên kinh tế học và xã hội học có thể uốn nắn được. Nhưng đây cũng không phải là chủ nghĩa lạc quan. Dù hệ thống tư bản chủ nghĩa không phải là hoàn hảo, thậm chí có rất nhiều khuyết tật, thì điều đó cũng chẳng có nghĩa lí gì đối với việc giải quyết các vấn đề chính sách xã hội chừng nào mà người ta còn không chứng minh được rằng tồn tại một hệ thống xã hội khác, không chỉ tốt hơn mà quan trọng nhất là có thể thực hiện. Nhưng không ai làm được điều đó. Khoa học đã chứng minh được rằng tất cả những hệ thống xã hội thay thế cho hệ thống tư bản chủ nghĩa mà ta có thể tưởng tượng đều chứa những mâu thuẫn nội tại và không có tương lai, cho nên không thể đưa đến những kết quả mà những người ủng hộ chúng kì vọng.

    Chẳng có mấy lí do để nói đến “chủ nghĩa lạc quan” hay “chủ nghĩa bi quan” trong chuyện này, và việc gắn tính chất “lạc quan” lên chủ nghĩa tự do chỉ nhằm mục đích làm cho nó bị mang tiếng oan bởi những nhận định cảm tính, thiếu khoa học. Người ta cũng có thể gọi những người tin vào khả năng xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội hoặc chủ nghĩa can thiệp là “lạc quan” với cùng lí do như thế. Đa số những người cầm bút viết về các vấn đề kinh tế đều không bỏ lỡ dịp tung lên đầu lên cổ hệ thống tư bản chủ nghĩa những lời xỉ vả vô nghĩa và trẻ con, và ca ngợi hết lời chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa can thiệp, thậm chí cả chủ nghĩa xã hội nông nghiệp hay chủ nghĩa công đoàn, và coi đấy là những định chế tuyệt đích. Mặt khác, có rất ít người cầm bút ca tụng hệ thống tư bản, dù chỉ bằng những lời lẽ nhẹ nhàng hơn nhiều. Nếu muốn, người ta có thể gọi những người cầm bút đó là “lạc quan”. Nhưng nếu làm như thế thì người ta còn có hàng ngàn lí do để gọi những người cầm bút theo trường phái bài chủ nghĩa tự do là “siêu lạc quan” về chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa can thiệp, chủ nghĩa xã hội nông nghiệp, và chủ nghĩa công đoàn. Nhưng điều đó đã không xảy ra, và việc người ta chỉ gọi những người như Bastiat(1) là “lạc quan” chứng tỏ rằng đây không phải là sự phân loại mang tính khoa học mà chỉ là sự chế giễu mang tính phe phái.

    1 Claude Frederic Bastiat (1801-1850), lí thuyết gia nổi tiếng của trường phái tự do, thành viên quốc hội Pháp.

    Xin nhắc lại, chủ nghĩa tự do không khẳng định rằng chủ nghĩa tư bản là tốt, nếu nhìn từ một quan điểm cụ thể nào đó. Chủ nghĩa tự do chỉ nói rằng chỉ có hệ thống tư bản mới dẫn người ta đến những mục tiêu mà người ta đang nghĩ trong đầu, và tất cả những cố gắng nhằm hiện thực hóa chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa can thiệp, chủ nghĩa xã hội nông nghiệp, chủ nghĩa công đoàn, chắc chắn đều dẫn đến thất bại. Những người nóng nảy, không thể chấp nhận được sự thật này, thường gọi kinh tế học là khoa học tăm tối. Nhưng kinh tế học và xã hội học là những môn khoa học chỉ ra cho chúng ta thấy hiện thực như nó vốn là, chúng không hề tăm tối hơn các môn khoa học khác, ví dụ như môn cơ khí, là môn chỉ chứng minh cho chúng ta thấy rằng không thể có động cơ vĩnh cửu, hay môn sinh vật học, là môn dạy chúng ta biết rằng mọi sinh vật đều sẽ chết.
     
    Chỉnh sửa cuối: 26/6/15
  9. notrinos

    notrinos Lớp 5

    7. Các tập đoàn kinh tế, tập đoàn độc quyền và chủ nghĩa tự do

    Những người phản đối chủ nghĩa tự do khẳng định rằng trong thế giới ngày nay không còn những điều kiện tiên quyết để có thể thực thi cương lĩnh của chủ nghĩa tự do. Chủ nghĩa tự do đã từng khả thi, đấy là khi mà trong mỗi lĩnh vực sản xuất đều có rất nhiều công ty quy mô trung bình, cạnh tranh quyết liệt với nhau. Còn hiện nay, vì các tập đoàn kinh tế lớn và các công ty độc quyền đã kiểm soát toàn bộ thị trường cho nên chủ nghĩa tự do đã không còn đất dụng võ nữa. Không phải các chính trị gia mà chính là xu hướng hiện hữu bên trong quá trình tiến triển không gì cưỡng lại được của hệ thống kinh doanh tự do đã giết chết.

    Quá trình phân công lao động đã tạo cho mỗi đơn vị sản xuất một chức năng riêng biệt. Sản xuất càng phát triển thì quá trình này sẽ không bao giờ ngừng. Chúng ta đã bỏ qua giai đoạn khi mà một nhà máy sản xuất tất cả máy móc từ lâu rồi. Hiện nay nhà máy chế tạo máy mà không chuyên sản xuất một số loại máy móc nhất định thì không thể nào cạnh tranh được. Cùng với việc chuyên môn hóa, lĩnh vực phục vụ của một người cung cấp riêng biệt sẽ phải liên tục mở rộng. Thị trường do một nhà máy dệt chuyên sản xuất một vài loại vải phải rộng hơn thị trường được cung ứng bởi một người thợ dệt làm ra tất cả các loại vải. Không nghi ngờ gì khi quá trình chuyên môn hóa sản xuất sẽ diễn ra trong tất cả các loại hình xí nghiệp có thị trường trên toàn thế giới. Nếu quá trình phát triển này không bị chủ nghĩa bảo hộ và những biện pháp bài tư bản khác cản trở, thì kết quả sẽ là: trong mỗi lĩnh vự sản xuất sẽ chỉ còn một ít công ty, thậm chí một công ty chuyên sản xuất với mức độ chuyên nghiệp hóa cực kì cao và cung cấp cho toàn thế giới.
    Hiện nay, dĩ nhiên đấy còn là điều xa lạ với chúng ta vì tất cả các chính phủ đều thi hành chính sách nhằm chia cắt nền kinh tế thế giới thành những mảnh nhỏ, trong đó, bằng những loại thuế xuất nhập khẩu và những biện pháp bảo trợ khác, người ta cố tình giữ lại hoặc thành lập mới những công ty không thể cạnh tranh trên thị trường tự do. Người ta cho rằng những chính sách nhằm chống lại việc tập trung hóa năng lực sản xuất như thế là nhằm bảo vệ người tiêu dùng khỏi sự bóc lột của những tổ hợp độc quyền.
    Để xem xét giá trị của luận điểm này ta sẽ giả sử rằng quá trình phân công lao động trên thế giới đã tiến xa đến mức việc sản xuất mỗi mặt hàng đều tập trung trong tay một hãng duy nhất, và người tiêu dùng, với tư cách là người mua, bao giờ cũng phải đối mặt với một người bán hàng duy nhất. Trong những điều kiện như thế, nếu theo lí thuyết kinh tế thiếu cân nhắc thì người sản xuất sẽ có thể treo giá thật cao để được lợi nhuận khổng lồ, và như vậy là làm giảm đáng kể mức sống của người tiêu dùng. Dễ dàng nhận thấy rằng đây là ý tưởng hoàn toàn sai lầm. Giá cả độc quyền, nếu đấy không phải là do những hành động can thiệp của chính phủ, chỉ có thể giữ được giữ được nếu kiểm soát được các loại khoáng sản và những nguồn lực cần thiết khác. Lợi nhuận của một công ty sản xuất độc quyền mà lớn hơn lợi nhuận của các công ty khác thì chắc chắn sẽ thúc đẩy sự hình thành các công ty cạnh tranh, và cạnh tranh là nhằm loại bỏ thế độc quyền, và đưa giá và lợi nhuận về tiêu chuẩn chúng.
    Tuy nhiên, các công ty độc quyền trong các lĩnh vực sản xuất không thể trở thành hiện tượng phổ biến được vì ở mỗi mức độ tích lũy của cải của nền kinh tế, số vốn được đầu tư và số lao động sẵn sàng tham gia sản xuất – và kết quả là số sản phẩm xã hội – là đại lượng cho trước. Quy mô sản xuất có thể cắt giảm nhằm tăng giá bán trên một đơn vị sản phẩm và lợi nhuận gộp của một nhà độc quyền hay một số nhà độc quyền trong một hay một số lĩnh vực sản xuất, và khi đó thì vốn đầu tư và lao động tham gia sản xuất trong (những) lĩnh vực đó có thể bị cắt giảm tương ứng. Vốn và lao động được giải phóng sẽ chảy vào các lĩnh vực sản xuất khác. Nhưng nếu tất cả các ngành đều tìm cách cắt giảm sản xuất để bán được giá cao hơn thì số vốn và lao động được giải phóng sẽ được cung ứng với giá thấp hơn và sẽ tạo ra động lực cho việc hình thành những xí nghiệp sản xuất mới, những xí nghiệp này sẽ đập tan vị thế độc quyền của các xí nghiệp khác. Đấy là lí do vì sao ý tưởng về những tập đoàn hay công ty độc quyền bao trùm lên tất cả là ý tưởng không thể đứng vững. Các công ty độc quyền thật sự chỉ có thể được hình thành bằng cách kiểm soát đất đai và các nguồn tài nguyên. Quan điểm cho rằng tất cả đất canh tác trên hành tinh này đều có thể tập trung vào tay một công ty độc quyền duy nhất chẳng đáng được đem ra bàn thảo. Chúng ta sẽ chỉ xem xét những công ty độc quyền hình thành nhờ kiểm soát được những cơ sở khai thác các loại khoáng chất hữu ích. Trên thực tế đã có những công ty độc quyền kiểu đó; đấy là những công ty khai thác một số khoáng sản không quan trọng lắm; và những cố gắng nhằm giành độc quyền khai thác các loại khoáng sản khác cũng có thể sẽ thành công trong tương lai. Điều đó có nghĩa là chủ nhân của những khu mỏ và khai khoáng đó sẽ nhận được mức địa tô cao hơn, còn người tiêu dùng thì giảm tiêu thụ và sẽ tìm những vật liệu thay thế cho những loại vật liệu đã trở nên đắt đỏ. Việc một công ty độc quyền toàn cầu trong lĩnh vực dầu mỏ sẽ dẫn đến sự gia tăng nhu cầu đối với thủy điện và than đá v.v. Từ quan điểm của nền kinh tế toàn cầu như sub specie aeternitatis [từ quan điểm vĩnh cửu - ND], điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ sử dụng những loại nguyên liệu đắt tiền một cách tiết kiệm hơn, và như thế sẽ để lại cho các thế hệ tương lai nhiều hơn là trong nền kinh tế thiếu vắng độc quyền.
    Con ngáo ộp độc quyền, thường xuất hiện trong tâm trí mỗi khi người ta nói tới sự phát triển kinh tế một cách tự do, không phải là điều đáng lo. Các công ty độc quyền toàn cầu chỉ có thể thực sự khả thi đối với một vài sản phẩm thuộc ngành khai khoáng. Chưa thể nói được là hậu quả sẽ tốt hay xấu. Đối với những người mà trong khi xem xét những vấn đề kinh tế nhưng vẫn chưa thoát khỏi cảm giác đố kị thì những công ty độc quyền này được coi là có hại vì mang lại cho chủ nhân của chúng lợi nhuận quá cao. Còn những người tiếp cận với vấn đề mà không có thái độ châm chước sẽ thấy rằng các công ty này buộc người ta phải sử dụng một cách tiết kiệm những nguồn nguyên liệu hạn chế mà con người đang nắm trong tay. Nếu thực sự có thái độ đố kị với lợi nhuận của các nhà tư bản độc quyền thì người ta có thể đánh thuế thu nhập từ những khu mỏ đó và đưa vào ngân khố quốc gia, đấy là cách làm an toàn mà không sợ có những hậu quả tiêu cực đối với nền kinh tế.
    Khác với các công ty độc quyền toàn cầu vừa nói, đã có các công ty độc quyền trên bình diện quốc gia và xuyên quốc gia. Hiện nay đấy là những công ty đáng quan tâm vì chúng không xuất phát từ xu hướng tiến triển tự nhiên của hệ thống kinh tế như là một bộ phận của hệ thống kinh tế được vận hành một cách tự do, mà là sản phẩm của những chính sách kinh tế bài chủ nghĩa tự do. Những cố gắng nhằm bảo đảm địa vị độc quyền đối với một số mặt hàng trong tất cả các trường hợp chỉ có thể trở thành khả thi vì mức thuế xuất nhập khẩu cao, chia cắt thị trường thế giới thành những thị trường quốc gia nhỏ bé. Ngoài những công ty độc quyền kiểu này, chỉ còn những tập đoàn do các ông chủ nắm được một số nguồn lực tự nhiên có chi phí vận tải cao giúp ngăn chặn được sự cạnh tranh của các công ty từ những khu vực khác là đáng quan tâm.
    Bàn về hậu quả của các tập đoàn, các tổng công ty hay xí nghiệp chuyên cung cấp cho thị trường một loại hàng hóa nào đó mà nói rằng công ty độc quyền “kiểm soát” thị trường hay “áp đặt” giá cả là sai lầm căn bản. Công ty độc quyền không kiểm soát, nó cũng chẳng có khả năng áp đặt giá cả. Ta chỉ có thể nói đến kiểm soát thị trường hay áp đặt giá cả cho một mặt hàng nếu đấy là loại hàng hóa cực kì cần thiết, theo đúng nghĩa đen của từ này, đối với người tiêu dùng và hoàn toàn không thể thay thế được bằng bất cứ món hàng nào khác. Điều này rõ ràng là không đúng đối với bất cứ loại hàng hóa nào. Chẳng có loại hàng hóa nào lại là cái gì đó không thể thiếu đối với những người sẵn sàng mua nó trên thị trường.
    Việc hình thành giá cả độc quyền khác với việc hình thành giá cạnh tranh ở chỗ: trong những điều kiện rất đặc biệt, công ty độc quyền có thể thu được lợi nhuận lớn hơn nhờ bán một số lượng hàng hóa ít hơn với giá cao hơn (chúng ta gọi đấy là giá cả độc quyền) so với giá mà thị trường sẽ quyết định trong trường hợp có nhiều người bán hơn tham gia cạnh tranh (ta gọi đấy là giá cạnh tranh). Giá độc quyền chỉ có thể xuất hiện trong những điều kiện đặc biệt: giá tăng nhưng cầu không giảm mạnh đến mức có thể ngăn chặn được lợi nhuận ròng quá cao từ việc bán ít hàng hơn với giá cao hơn. Nếu quả thật người ta có thể giành được vị trí độc quyền trên thương trường, và sử dụng nó để tạo ra giá cả độc quyền thì lợi nhuận trong lĩnh vực này sẽ cao hơn lợi nhuận trung bình.
    Có thể xảy ra hiện tượng là mặc dù lợi nhuận cao như thế nhưng vẫn không xuất hiện các xí nghiệp mới cùng loại vì người ta sợ rằng sau khi giá giảm từ độc quyền xuống cạnh tranh thì các xí nghiệp này sẽ không đem lại lợi nhuận tương xứng. Tuy nhiên, người ta phải tính đến khả năng là những ngành có liên quan có thể tham gia sản xuất món hàng do một công ty nào đó nắm độc quyền với giá tương đối thấp và trở thành những hãng cạnh tranh. Và dù thế nào đi nữa thì những ngành sản xuất các món hàng thay thế cũng sẽ lợi dụng những hoàn cảnh thuận lợi như thế nằm mở rộng lĩnh vực sản xuất của chính mình. Tất cả những tác nhân như thế khiến khó xảy ra việc một công ty không nắm được độc quyền kiểm soát những loại nguyên liệu thô đặc thù trở thành công ty độc quyền trong một lĩnh vực sản xuất nào đó. Những công ty như thế chỉ có thể xuất hiện nhờ những biện pháp hành chính như bằng sáng chế, thuế xuất nhập khẩu, ưu đãi về thuế khóa, môn bài và những ưu tiên ưu đãi khác, hoặc những ưu tiên ưu đãi tương tự. Mấy chục năm trước người ta thường nói tới độc quyền trong lĩnh vực giao thông vận tải. Hệ thống môn bài có tác dụng tới mức độ nào đối với sự độc quyền trong lĩnh vực này vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp. Hiện nay, nói chung, người ta đã không còn lo lắng nhiều về vấn đề này. Ô tô và máy bay đã trở thành những phương tiện cạnh tranh đầy thách thức đối với ngành đường sắt. Nhưng ngay cả trước khi các phương tiện đó xuất hiện thì việc sử dụng đường thủy cũng đã đặt ra mức trần đối với giá vé mà ngành đường sắt có thể thu trên một số tuyến đường.
    Quan điểm của nhiều người hiện nay cho rằng các công ty độc quyền sẽ giết chết những điều kiện tiên quyết cho việc thực thi lí tưởng tự do của chủ nghĩa tư bản chẳng những là một sự thổi phồng quá đáng mà còn là sự thiếu hiểu biết thực tế. Dù có xuyên tạc vấn đề độc quyền như thế nào thì chúng ta vẫn luôn đi đến kết luận rằng giá cả độc quyền chỉ có thể xảy ra nếu người ta kiểm soát được những nguồn lực tự nhiên đặc thù nào đó, hoặc những quy định của pháp luật và bộ máy hành chính tạo ra những điều kiện cần thiết cho sự hình thành các doanh nghiệp độc quyền. Nếu kinh tế được phát triển một cách tự do thì, ngoại trừ ngành khai khoáng và một vài lĩnh vực có liên quan, xu hướng cản trở cạnh tranh sẽ không có đất sống. Ý kiến thường được người ta đưa ra nhằm chống lại chủ nghĩa tự do là những điều kiện cạnh tranh từng tồn tại trong thời kì khi mà kinh tế học và tư tưởng tự do cổ điển vừa mới xuất hiện đã không còn giữ thế thượng phong là ý kiến hoàn toàn không đúng. Muốn tái lập những điều kiện đó thì chỉ cần thực hiện một vài yêu cầu của chủ nghĩa tự do, mà cụ thể là: tự do thương mại trong từng nước và giữa các nước.

    8. Quan liêu hóa

    Người ta cũng thường nói rằng điều kiện cần cho việc thực thi lí tưởng tự do của xã hội đã không còn trên một khía cạnh nữa. Đấy là, quá trình phân công lao động tất dẫn đến sự hình thành của những doanh nghiệp lớn, ngày càng đòi hỏi nhiều lao động hơn. Nghĩa là trong quá trình làm việc các doanh nghiệp này sẽ ngày càng giống bộ máy quan liêu của chính phủ, một bộ máy mà những người theo trường phái tự do coi là đối tượng phê phán của mình. Các doanh nghiệp này ngày càng trở nên cồng kềnh và kém sáng tạo. Việc lựa chọn người vào các vị trí lãnh đạo sẽ không còn được thực hiện trên cơ sở khả năng chuyên môn, được thể hiện trong công việc, mà sẽ tuân theo những tiêu chí hoàn toàn mang tính hình thức như trình độ học vấn hoặc thâm niên công tác, và nhiều khi chỉ là kết quả của thái độ thiên vị. Như vậy nghĩa là, cuối cùng, đặc điểm nổi bật, phân biệt giữa xí nghiệp tư nhân với xí nghiệp nhà nước đã biến mất. Nếu trong thời đại của chủ nghĩa tự do cổ điển, việc phản đối sở hữu nhà nước dựa trên cơ sở là nó làm tê liệt tất cả các sáng kiến và giết chết niềm vui trong lao động còn có lí thì hiện nay điều đó đã không còn đúng nữa vì doanh nghiệp tư nhân cũng quan liêu không kém, mô phạm không kém và hình thức không kém doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước.
    Muốn biết giá trị của những ý kiến phản bác như thế, trước hết ta phải làm rõ bộ máy thư lại và kiểu giải quyết công việc theo lối quan liêu thực chất là gì, và chúng khác với công ty kinh doanh và công việc kinh doanh của doanh nghiệp ở chỗ nào. Sự đối lập giữa não trạng kinh doanh và não trạng quan liêu cũng chính là mâu thuẫn trong lĩnh vực trí tuệ giữa chủ nghĩa tư bản - sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất - và chủ nghĩa xã hội - sở hữu công cộng tư liệu sản xuất. Người nào nắm trong tay các nhân tố sản xuất, dù đấy là của anh ta hay do anh ta thuê của người khác, cũng phải luôn tìm cách sử dụng chúng sao cho có thể đáp ứng được những nhu cầu, mà trong hoàn cảnh đã cho, được coi là khẩn thiết nhất của xã hội. Nếu không làm như thế, anh ta sẽ bị lỗ và trước tiên là, như một người chủ sở hữu của nhân tố sản xuất và một nghiệp chủ của doanh nghiệp, anh ta phải giảm bớt kinh doanh, và cuối cùng là bị đẩy ra khỏi thương trường. Anh ta sẽ không còn là chủ sở hữu nhân tố sản xuất, cũng chẳng còn là nghiệp chủ của doanh nghiệp nữa, anh ta sẽ trở về hàng ngũ của những người chỉ còn một thứ để bán, đấy là sức lao động. Anh ta cũng không còn trách nhiệm lèo lái sản xuất vào những hướng mà theo quan điểm của người tiêu dùng là đúng đắn nữa.
    Tính toán lời lỗ thông qua công việc kế toán và sổ sách giúp cho nghiệp chủ và nhà tư sản kiểm tra mỗi bước đi với những chi tiết nhỏ nhặt nhất, bằng độ chính xác cao nhất, và nhìn thấy hiệu ứng của mỗi thương vụ đối với kết quả tổng hợp của doanh nghiệp. Tính toán tiền nong và hạch toán giá thành là công cụ trí tuệ quan trọng nhất của nghiệp chủ trong xã hội tư bản, và chính Goethe chứ không phải ai khác đã tuyên bố rằng hệ thống kế toán kép là "một trong những phát minh tuyệt vời nhất của trí tuệ con người". Goethe có thể nói như thế vì ông không có thái độ ghen tị đối với doanh nhân như những người cầm bút nhỏ nhen khác, những kẻ tạo thành dàn đồng ca suốt ngày kêu gào rằng thường xuyên tính toán và lo lắng về lời lỗ là tội lỗi nhục nhã nhất.
    Tính toán tiền nong, kế toán và thống kê về doanh thu và chi phí sản xuất cho phép ngay cả các doanh nghiệp lớn nhất và phức tạp nhất kiểm soát một cách chính xác kết quả công việc của tưng bộ phận, và bằng cách đó, hình thành nhận thức về mức độ đóng góp của người đứng đầu mỗi bộ phận đối với thành tích chung của doanh nghiệp. Đấy là kim chỉ nam đáng tin cậy để đánh giá năng lực của những người lãnh đạo tại những bộ phận khác nhau. Ta có thể biết giá trị của họ và mức lương phải trả cho họ. Việc được thăng tiến lên những vị trí cao hơn và có trách nhiệm hơn là nhờ kết quả đã được thể hiện trên những vị trí thấp hơn. Khi có thể dùng hạch toán giá thành để kiểm tra được hoạt động của người lãnh đạo từng bộ phận thì ta có thể theo dõi một cách kĩ lưỡng hoạt động của doanh nghiệp trên từng lĩnh vực, cũng như hiệu quả của những biện pháp tổ chức cụ thể và những biện pháp khác.
    Dĩ nhiên là mức độ chính xác của việc kiểm soát không phải là vô hạn. Khác với việc đánh giá người lãnh đạo, ta không thể xác định được thành công hay thất bại của từng người trong mỗi bộ phận. Ngoài ra, phương pháp tính toán cũng không xác định được đóng góp của một bộ phận vào thành quả chung: không thể đánh giá những việc mà bộ phận nghiên cứu, phòng luật, ban thư kí, phòng thống kê v.v. làm được theo cách, ví dụ như, đánh giá mức độ hoàn thành công việc của bộ phận bán hàng hay bộ phần sản xuất. Kết quả của các bộ phận như nghiên cứu, phòng luật v.v. có thể giao cho trưởng các bộ phận đó đánh giá, còn kết quả của những bộ phận như sản xuất và bán hàng thì giao cho tổng giám đốc doanh nghiệp, vì những người có trách nhiệm đưa ra những đánh giá như thế (tổng giám đốc hoặc lãnh đạo các bộ phận) nhìn thấy rõ các điều kiện của thị trường và quan tâm đến sự chính xác của những đánh giá do họ đưa ra - thu nhập của họ phụ thuộc vào hiệu quả của công việc mà họ chịu trách nhiệm.
    Trái ngược với các doanh nghiệp loại này, tức là những doanh nghiệp mà mỗi thương vụ đều được kiểm soát bằng cách tính lời lỗ, là bộ máy quản lí hành chính nhà nước. Tính toán không thể nào chỉ ra được rằng một vị quan tòa (cái gì đúng với một vị quan tòa thì cũng đúng với bất kì quan chức nào khac) đã hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn hay là tồi hơn. Không thể nào có được những tiêu chí khách quan để đánh giá một huyện hay một tỉnh được quản lí tốt hay kém, với chi phí cao hay chi phí thấp. Như vậy, đánh giá hoạt động của các quan chức là đánh giá mang tính chủ quan, và do đó có tính tùy tiện. Ngay cả vấn đề là một phòng ban nào đó có cần thiết hay không, nhân viên của nó quá nhiều hay quá ít, và liệu tổ chức của nó có phù hợp với mục đích đặt ra hay không cũng chỉ có thể được giải quyết trên cơ sở những tính toán chứa một số yếu tố chủ quan.
    Chiến tranh là lĩnh vực quản lí nhà nước duy nhất mà tiêu chí thành công hay thất bại là điều không cần bàn cãi. Nhưng ngay cả ở đây ta cũng chỉ có thể nói rằng chiến dịch đã thành công hay không mà thôi. Còn câu hỏi về việc bố trí lực lượng trước khi trận đánh diễn ra đã góp phần như thế nào vào kết quả của chiến dịch, năng lực hoặc sự thiếu năng lực của những người chỉ huy trong quá trình tiến hành chiến dịch đã ảnh hưởng tới kết quả chung cuộc như thế nào, những biện pháp mà họ đưa ra chính xác đến mức nào, thì không thể nào trả lời dứt khoát và chính xác. Có những vị tướng được vinh danh vì những chiến công, nhưng trên thực tế họ đã làm tất cả mọi việc có lợi cho kẻ thù, họ đã chiến thắng chỉ vì hoàn cảnh thuận lợi đủ sức áp đảo được những sai lầm của họ. Và đôi khi người ta đã lên án những vị chỉ huy thua trận nhưng chính những người đó đã đưa ra những quyết định thiên tài nhằm cứu vãn cho thất bại không thể tránh khỏi.
    Người quản lí doanh nghiệp tư nhân chỉ giao cho các nhân viên mà ông ta phân cho những nhiệm vụ độc lập một chỉ thị duy nhất: kiếm được nhiều lợi nhuận nhất. Tất cả những gì ông ta có thể nói với họ đều nằm trong mệnh lệnh duy nhất này, và chỉ cần theo dõi sổ sách kế toán là ông ta đã có thể kiểm tra một cách dễ dàng và chính xác mức độ hoàn thành của họ. Người lãnh đạo tổ chức hành chính có một vị thế hoàn toàn khác. Ông ta giao cho những người dưới quyền nhiệm vụ mà họ phải thực hiện, nhưng ông ta không thể biết chính xác là những phương tiện được sử dụng trong hoàn cảnh đó có thật sự phù hợp và tiết kiệm nhất hay không. Nếu ông ta không phải là một người toàn trí toàn năng trong tất cả các công sở và văn phòng trực thuộc, thì ông ta không thể nào biết được là có thể đạt được kết quả như thế với chi phí thấp hơn về lao động và vật tư hay không. Không cần thảo luận ở đây một thực tế là kết quả công việc không được thể hiện bằng những con số mà chỉ có thể đánh giá một cách gần đúng. Vì chúng ta không xem xét những biện pháp quản lí hành chính từ quan điểm những hiệu ứng phụ mà nó gây ra, mà chỉ xem xét từ ảnh hưởng mà nó tạo ra đối với hoạt động của bộ máy quản lí, nên chúng ta chỉ quan tâm tới kết quả nhận được trong tương quan với chi phí bỏ ra.
    Vì không thể xác định được mối tương quan như thế theo kiểu hạch toán thương mại cho nên người lãnh đạo cơ quan quản lí hành chính phải cung cấp cho các nhân viên dưới quyền những chỉ dẫn mà họ buộc phải thực hiện. Trong những chỉ thị như thế người ta đã dự liệu, một cách chung nhất, biện pháp giải quyết công việc. Nhưng ngay cả trong những trường hợp khẩn cấp, vẫn phải được cấp trên đồng ý thì mới có thể chi tiêu - thủ tục quả là rất rườm rà và kém hiệu quả, nhưng chẳng còn cách nào khác. Nếu mỗi đơn vị cấp dưới, mỗi người lãnh đạo các phòng ban, mỗi cơ quan quản lí ngành đều được quyền chi số tiền mà họ cho là cần, thì chẳng bao lâu chi phí cho bộ máy quản lí sẽ phình lên vô hạn. Không được quên rằng đấy là hệ thống có nhiều khiếm khuyết nghiêm trọng và hoạt động rất kém. Nhiều khoản chỉ tiêu lãng phí, nhưng nhiều khoản cần thiết lại không được chi vì khác với tổ chức thương mại, bộ máy hàng chính không thể tự điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh. Đấy là bản chất của nó.

    Dấu ấn quá trình quan liêu hóa thể hiện rõ nhất ở các quan chức, tức là người đại diện của nó. Thuê lao động trong doanh nghiệp tư nhân không phải là hành động gia ơn mà là một thương vụ, cả hai bên - cả người lao động lẫn người sử dụng lao động - đều có lợi. Người sử dụng lao động phải cố gắng trả lương tương xứng với giá trị lao động bỏ ra. Nếu không làm như thế, ông ta có nguy cơ mất người - người lao động sẽ bỏ việc để đến làm cho doanh nghiệp cạnh tranh, trả lương cao hơn. Đến lượt mình, muốn không mất việc, người lao động cũng phải cố gắng thực hiện nhiệm vụ được giao sao cho tương xứng với đồng lương. Vì thuê mướn không phải là hành động gia ơn mà là một thương vụ cho nên người lao động không phải lo mất việc nếu bị chủ không ưa. Đuổi người lao động làm việc có hiệu quả trên cơ sở yêu ghét là người chủ tự làm hại mình chứ không phải làm hại người công nhân, vì anh ta sẽ dễ dàng tìm được công việc tương tự ở đâu đó.
    Có thể dễ dàng giao cho người đứng đầu mỗi bộ phận quyền thuê mướn hoặc cho thôi việc vì dưới áp lực của việc kiểm tra hoạt động, do bộ phận kế toán và hạch toán thực hiện, anh ta sẽ phải lo lắng làm sao cho bộ phận của mình thu được lợi nhuận cao nhất vì vậy anh ta phải giữ cho bằng được những người lao động suất sắc nhất, đấy cũng là vì lợi ích của chính anh ta. Nếu vì tức giận mà anh ta cho nghỉ việc người không đáng phải nghỉ, nếu hành động của anh ta xuất phát từ những tính toán cá nhân chứ không phải tính toán khách quan thì chính anh ta sẽ là người gánh chịu hậu quả. Rốt cuộc anh ta sẽ bị thiệt nếu bộ phận do anh ta phụ trách không còn hoạt động tốt như xưa. Như vậy, việc đưa tác nhân giá trị của lao động - tác nhân phi vật chất - vào quá trình sản xuất đã diễn ra một cách trôi chảy.
    Trong tổ chức hành chính vấn đề hoàn toàn khác. Trong trường hợp này, vì không thể xác định được đóng góp của từng bộ phận, tức là không xác định được đóng góp của từng người, ngay cả khi người đó giữ vị trí lãnh đạo, cho nên hiện tượng thiên vị và thành kiến cá nhân cả trong việc đề bạt lẫn trả lương mới thịnh hành đến như thế. Sự can thiệp của những cá nhân đóng vai trò nhất định vào việc bổ nhiệm các chức vụ trong nhà nước không phải do những người có quyền bổ nhiệm thiếu nhân cách mà do ngay từ đầu đã không có những tiêu chí khách quan về việc xác định những phẩm chất cá nhân cho việc bổ nhiệm như thế. Dĩ nhiên là cần phải bổ nhiệm những người giỏi nhất, nhưng vấn đề là: Ai là người giỏi nhất? Nếu câu hỏi này cũng dễ trả lời như câu hỏi người công nhân luyện kim hay người thợ sắp chữ đáng nhận mức lương bao nhiêu thì sẽ không còn gì để bàn nữa. Nhưng vấn đề ở đây không dễ dàng như thế cho nên việc lựa chọn người mới có sự tùy tiện.
    Nhằm giữ cho sự tùy tiện như thế không vượt quá những giới hạn nhất định, người ta cố gắng đặt ra một số điều kiện mang tính hình thức cho việc bổ nhiệm và thăng chức. Việc được bổ nhiệm vào một chức vụ nào đó thường phụ thuộc vào bằng cấp, phải vượt qua một số kì thi và có thời gian công tác nhất định trong những vị trí khác; còn muốn thăng tiến thì phải có thâm niên công tác. Đương nhiên là những biện pháp này không thể thay thế cho việc tìm người phù hợp nhất bằng biện pháp tính toán lời lỗ. Sẽ là thừa khi cố tình nhấn mạnh rằng chẳng có gì bảo đảm là việc học hành, thi cử, và thâm niên của ứng cử viên sẽ giúp ta lựa chọn đúng. Ngược lại: hệ thống này ngăn chặn ngay từ đầu những người giỏi và nhiệt tình, không cho họ có cơ hội giữ những vị trí thích hợp với khả năng của họ. Chưa bao giờ và chưa có người nào thực sự có giá trị leo lên được những nấc thang cao nhất bằng cách đi theo con đường học hành theo đúng quy định và bước dần lên những nấc thang có sẵn. Ngay cả ở Đức, đất nước đặt trọn niềm tin vào các quan chức của mình, thì thuật ngữ "người quan chức hoàn hảo" cũng vẫn được sử sụng để chỉ một người nhu nhược và vô tích sự, dù trên thực tế là một người đầy thiện ý.
    Như vậy nghĩa là, biểu hiện đặc thù của quản lí hành chính quan liêu là không thể dùng lời hay lỗ để đánh giá thành tích và hậu quả, buộc phải sử dụng những biện pháp hoàn toàn không thích hợp trong việc điều hành công việc và những quy định mang tính hính thức trọng việc thuê nhân viên. Tất cả những khuyết điểm được cho là của bộ máy quản lí hành chính quan liêu – cắng nhắc, thiếu năng động, và bất lực trước những vấn đề mà một doanh nghiệp tìm kiếm lợi nhuận dễ dàng giải quyết – đều là kết quả của thiếu sót mang tính nền tảng này mà ra. Dù sao mặc lòng, khi mà hoạt động của nhà nước còn nằm trong lĩnh vực hẹp mà chủ nghĩa tự do dành cho nó thì sự hạn chế của bộ máy quản lí hành chính quan liêu chưa biểu lộ một cách rõ ràng. Những hạn chế như thế chỉ trở thành vấn đề nghiêm trọng đối với toàn bộ nền kinh tế của đất nước khi chính phủ - và dĩ nhiên là điều này cũng đúng đối với các chính quyền thành phố và các cơ quan hành chính địa phương khác – tìm cách xã hội hóa tư liệu sản xuất và tham gia tích cực vào hoạt động sản xuất, thậm chí là tham gia buôn bán nữa.
    Dĩ nhiên là doanh nghiệp nhà nước, ý nói doanh nghiệp nhắm tới mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, có thể sử dụng các tính toán bằng tiền khi phần lớn các doanh nghiệp vẫn nằm trong tay tư nhân, và vì vậy vẫn còn thịt trường và giá cả thị trường. Trở ngại duy nhất đối với quá trình hoạt động và phát triển của nó là những người quản lí xí nghiệp – vốn là các quan chức nhà nước – không hết mình với công việc; khác hẳn với những người quản lí doanh nghiệp tư nhân, quyền lợi cá nhân của những người quản lí xí nghiệp nhà nước chẳng được cũng chẳng mất khi doanh nghiệp thành hay bại. Vì vậy mà giám đốc doanh nghiệp quốc doanh không được quyền đưa ra những quyết định quan trọng. Vì ông ta không phải gánh chịu những mất mát do chính sách của mình gây ra, cho nên trong một số trường hợp ông ta có thể dễ dàng mạo hiểm trong khi người giám đốc tư nhân thực sự có trách nhiệm không dám làm vì ông ta cũng phải chia sẻ thiệt hại. Vì vậy mà quyền lực của giám đốc doanh nghiệp nhà nước phải bị hạn chế. Trong bất kì trường hợp nào, dù đấy có là những quy định cứng nhắc hay quyết định của ủy ban kiểm tra hay chấp thuận của cơ quan quản lí cấp trên thì quản lí theo lối hành chính quan liêu cũng cồng kềnh và không có khả năng tự điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh, cho nên ở đâu doanh nghiệp nhà nước cũng mắc hết thất bại này đến thất bại khác.
    Trên thực tế, hiếm khi nào doanh nghiệp nhà nước chỉ tìm kiếm mỗi lợi nhuận và để sang một bên các mục tiêu khác. Nói chung, thường thì doanh nghiệp nhà nước còn phải theo đuổi một số mục tiêu “quốc gia” và những mục tiêu khác nữa. Ví dụ, người ta tin rằng nó sẽ sử dụng vật tư và sản phẩm nội địa hơn là sản phẩm nhập khẩu. Người ta đòi ngành đường sắt phải thiết lập hệ thống giá cả nhằm phục vụ cho chính sách thương mại của chính phủ, và xây dựng cũng như vận hành những tuyến đường không mang lại lợi nhuận nhưng góp phần vào việc phát triển kinh tế ở một số khu vực nhất định, đồng thời xây dựng những tuyến đường theo những tính toán chiến lược và những tính toán khác nữa.
    Khi để cho những tác nhân như thế can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp thì tất cả những biện pháp kiểm soát dựa trên tính toán giá thành và lời lỗ sẽ không thể áp dụng được nữa. Cuối năm, khi đệ trình bản cân đối tài chính bất lợi, ngài giám đốc tuyến đường sắt quốc doanh có quyền nói: “Nếu theo quan điểm của doanh nghiệp tư nhân chuyên hướng vào lợi nhuận thì dĩ nhiên là tuyến đường sắt do tôi lãnh đạo đã bị lỗ. Nhưng nếu ta xem xét những tác nhân như chính sách kinh tế quốc gia và chính sách quốc phòng thì không được quên rằng tuyền đường này đã làm được nhiều việc giá trị, không thể đưa vào tính toán lời lỗ được”. Trong những hoàn cảnh như thế, việc tính toán lời lỗ sẽ mất hết giá trị trong việc đánh giá thành tích của doanh nghiệp. Vì vậy, ngay cả khi không có những tác nhân khác với xu hướng tác động tương tự thì đường sắt cũng phải quản lí một cách quan liêu, hệt như quản lí trại giam hay sở thuế vụ vậy.
    Khi còn chuyên tâm và chỉ hướng đến lợi nhuận thì không doanh nghiệp tư nhân nào, dù lớn hay nhỏ, lại có thể trở thành tổ chức quan liêu. Triệt để tuân theo nguyên tắc tối đa hóa lợi nhuận giúp cho ngay cả các công ty cực kì lớn cũng có thể xác định được một cách chính xác vai trò và đóng góp của từng thương vụ và mỗi phòng ban vào kết quả chung cuộc. Khi doanh nghiệp chỉ hướng đến lợi nhuận thì nó sẽ tránh được tất cả những khiếm khuyết của chủ nghĩa quan liêu.
    Quá trình quan liêu hóa doanh nghiệp tư nhân mà chúng ta đang chứng kiến hiện nay chính là kết quả của chính sách can thiệp, tức là chính sách buộc họ phải tính đến những tác nhân mà nếu được tự do quyết định chính sách thì những tác nhân đó sẽ không có bất cứ vai trò gì trong hoạt động kinh doanh của họ. Khi một công ty phải quan tâm đến những định kiến chính trị và những tình huống nhạy cảm đủ mọi loại mới mong tránh được phiền phức do các cơ quan khác nhau của nhà nước gây ra, thì chẳng bao lâu sau công ty đó sẽ thấy rằng họ không thể xây dựng những tính toán của mình trên cơ sở lời lỗ nữa. Ví dụ như một số doanh nghiệp công ích ở Mĩ, nhằm tránh xung đột với dư luận xã hội và xung đột với các cơ quan lập pháp, tư pháp và hành pháp nằm dưới ảnh hưởng của chính phủ, đã thực hiện chính sách không thuê những người Thiên Chúa giáo, người Do Thái, người vô thần, người theo thuyết tiến hóa của Darwin, người da đen, người Ireland, người Đức, người Ý, và tất cả dân mới nhập cư. Khi nhà nước thực hiện chính sách can thiệp thì muốn tránh rắc rối, tất cả các doanh nghiệp đều phải tìm cách thích ứng với ước muốn của chính quyền. Kết quả là những tác nhân như thế và những tác nhân khác, vốn xa lạ với nguyên tắc tìm kiếm lợi nhuận, ngày càng có vai trò lớn hơn trong hoạt động quản lí doanh nghiệp, trong khi việc tính toán chính xác và hạch toán giá thành lại có vai trò ngày càng giảm đi, và doanh nghiệp tư nhân ngày càng bắt chước mô hình quản lí của doanh nghiệp quốc doanh với một bộ máy cồng kềnh và những quy định đầy tính hình thức. Tóm lại, doanh nghiệp tư nhân đã quan liêu hóa.
    Như vậy, quá trình quan liêu hóa các doanh nghiệp lớn không phải là kết quả của xu hướng vốn thuộc về bản chất quá trình phát triển của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Nó chính là hậu quả tất yếu của chính sách can thiệp. Không có sự can thiệp của chính phủ thì ngay cả các công ty lớn nhất cũng có thể hoạt động hệt như các doanh nghiệp nhỏ, tức là thuần túy kinh doanh.
     
    Chỉnh sửa cuối: 27/6/15
  10. notrinos

    notrinos Lớp 5


    3


    Chính sách đối ngoại của chủ nghĩa tự do



    1. Giới hạn của nhà nước

    Đối với người theo chủ nghĩa tự do, chính sách đối nội và đối ngoại không hề mâu thuẫn với nhau, và trong mắt anh ta câu hỏi thường được đặt ra và được thảo luận đến nát giấy là cần phải ưu tiên cho chính sách đối ngoại hay ngược lại, là một câu hỏi vớ vẩn. Vì chủ nghĩa tự do, ngay từ khởi thủy, là khái niệm chính trị bao trùm lên toàn thế giới, và những tư tưởng mà nó tìm cách thực hiện trong một khu vực hạn chế cũng có giá trị đối với phạm vi chính trị thế giới. Nếu người theo chủ nghĩa tự do có phân biệt chính sách đối nội và đối ngoại thì chỉ là muốn cho thuận tiện với mục đích phân loại, nhằm chia các vấn đề chính trị thành những nhóm chủ yếu, chứ không phải vì tin rằng hai lĩnh vực này phải áp dụng những nguyên tắc khác nhau.
    Mục tiêu của chính sách đối nội cũng như đối ngoại của chủ nghĩa tự do là: hòa bình. Mục đích mà nó nhắm đến là sự hợp tác hòa bình giữa các quốc gia cũng như trong nội bộ từng quốc gia. Xuất phát điểm của tư tưởng tự do là sự công nhận giá trị và tầm quan trọng của sự hợp tác giữa người với người, và toàn bộ chính sách cũng như cương lĩnh của chủ nghĩa tự do là nhằm giữ vững và mở rộng hơn nữa sự hợp tác giữa người với người trong cộng đồng nhân loại. Lí tưởng tối thượng của chủ nghĩa tự do là sự hợp tác hoàn hảo của toàn thể loài người được thực hiện một cách hòa bình và diễn ra một cách suôn sẻ. Tư tưởng của chủ nghĩa tự do bao giờ cũng bao trùm lên toàn cầu chứ không phải chỉ từng phần. Nó không dừng lại ở những nhóm người nhất định, cũng không dừng lại trước phạm vi một làng, một tỉnh, một nước hay một châu lục. Tư duy của nó mang tầm thế giới và toàn cầu: bao trùm lên tất cả mọi người và toàn bộ thế giới. Theo ý nghĩa này thì chủ nghĩa tự do chính là chủ nghĩa nhân đạo, còn người theo chủ nghĩa tự do là công dân của toàn thế giới hay là người theo chủ nghĩa thế giới.
    Hiện nay, khi những tư tưởng bài chủ nghĩa tự do đang giữ thế thượng phong trên toàn thế giới, quần chúng có thái độ nghi ngờ đối với chủ nghĩa thế giới. Ở Đức, những người yêu nước cuồng tín không thể tha thứ cho các thi sĩ vĩ đại, đặc biệt là Goethe, vì tư tưởng và tình cảm của họ không giới hạn trong biên giới quốc gia mà có xu hướng bao trùm lên toàn thế giới. Nhiều người cho rằng quyền lợi quốc gia và quyền lợi của nhân loại là không thể dung hòa, và người nào hướng khát vọng và nỗ lực của mình cho sự thịnh vượng của toàn thể nhân loại cũng là người không đếm xỉa đến quyền lợi quốc gia của mình. Không có gì sai lầm hơn thế. Một người Đức hoạt động có lợi ích cho toàn nhân loại cũng chẳng làm thiệt hại cho quyền lợi của đồng bào mình – tức là những người có chung tiếng nói và sống chung với anh ta trên một mảnh đất, những người cùng sắc tộc và cộng đồng tâm linh – hơn là một người hành động vì quyền lợi của toàn thể dân tộc Đức làm thiệt hại đến quyền lợi của thành phố quê hương người đó. Vì người nào quan tâm đến sự thịnh vượng của toàn thế giới bao nhiêu thì cũng quan tâm đến sự thịnh vượng của cộng đồng người đó đang sống bấy nhiêu. Những người dân tộc chủ nghĩa có thái độ sô vanh, tức là những kẻ cho rằng quyền lợi giữa các dân tộc là không thể dung hòa và tìm cách áp dụng chính sách nhằm bảo vệ quyền thống trị của dân tộc này đối với dân tộc khác – thậm chí bằng vũ lực, nếu cần – lại thường xuyên nhấn mạnh sự cần thiết và lợi ích của việc đoàn kết nội bộ quốc gia. Họ càng đòi phải tiến hành chiến tranh chống lại các dân tộc khác thì họ lại càng kêu gọi hòa bình và hòa hợp giữa những người sống trên cùng đất nước của họ.
    Người theo chủ nghĩa tự do không bao giờ chống lại tinh thần đoàn kết quốc gia. Ngược lại: nhu cầu hòa bình trong lòng dân tộc chính là kết quả của tư tưởng tự do và chỉ trở thành nhu cầu nổi bật sau khi các tư tưởng tự do từ thế kỉ XIX đã được nhiều người chấp nhận. Trước khi triết lí tự do – với sự tán dương hòa bình vô điều kiện của nó – chiếm được tâm trí của con người, không chỉ có chiến tranh giữa các dân tộc với nhau. Các dân tộc thường xuyên bị xâu xé bởi những cuộc xung đột nội bộ và những cuộc đấu tranh đẫm máu. Trong thế kỉ XVIII, người Anh đánh nhau với người Anh ở Culloden; thậm chí ngay cuối thế kỉ XVIII, tại Đức, khi nhà nước Phổ đánh nhau với nhà nước Áo, thì một số bang thuộc Đức đã tham chiến cho cả hai phe. Trong khi đó, nhà nước Phổ chẳng thấy có gì xấu khi đứng về phía nước Ý để đánh nước Áo thuộc Đức, và vào năm 1870 chỉ vì các sự kiện diễn ra rất nhanh nên nước Áo mới không kịp đứng về phía Pháp trong cuộc chiến tranh chống lại nước Phổ và các đồng minh của nước này. Nhiều chiến thắng mà quân đội Phổ lấy làm tự hào lại là chiến thắng trong những cuộc chiến tranh nhằm chống lại những bang thuộc Đức khác. Chính chủ nghĩa tự do đã dạy các dân tộc giữ gìn hòa bình trong mỗi nước, và đấy cũng là điều nó muốn các dân tộc phải giữ trong quan hệ với nhau.
    Chính do sự phân công lao động quốc tế mà chủ nghĩa tự do mới rút ra luận cứ chống chiến tranh đầy sức thuyết phục và không thể bác bỏ. Quá trình phân công lao động đã vượt khỏi biên giới quốc gia từ rất lâu rồi. Hiện nay không có quốc gia văn minh nào có thể đáp ứng được các nhu cầu nếu chỉ dựa vào nền sản xuất của chính mình. Tất cả các nước đều phải nhập khẩu và thanh toán bằng cách xuất khẩu hàng hóa do mình sản xuất. Bất cứ điều gì có thể cản trở hoặc làm gián đoạn việc trao đổi hàng hóa trên thị trường quốc tế đều sẽ gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho nền văn minh nhân loại và đe dọa sự thịnh vượng, mà thực chất là đe dọa chính sự tồn vong của hàng triệu triệu người trên trái đất. Trong thời đại, khi mà tất cả các quốc gia đều phụ thuộc vào hàng hóa do nước ngoài sản xuất thì không ai muốn gây chiến nữa. Bởi vì bất kì sự ngưng trệ nào trong việc nhập khẩu hàng hóa như thế cũng có thể gây ra tác động quyết định đối với sự thành bại của cuộc chiến phát động bởi quốc gia đã tham gia vào quá trình phân công lao động quốc tế, nên chính sách muốn tính đến khả năng chiến tranh phải cố gắng biến nền kinh tế quốc gia trở thành tự cấp tự túc, nghĩa là ngay trong thời bình cũng phải đặt mục tiêu là đặt dấu chấm hết cho quá trình phân công lao động tại biên giới quốc gia của mình. Nếu nước Đức muốn rút khỏi quá trình phân công lao động quốc tế và tìm cách đáp ứng các nhu cầu của mình thông qua nền sản xuất trong nước thì tổng sản phẩm quốc nội của nước Đức sẽ giảm, mức sống và văn hóa của nhân dân Đức cũng sẽ xuống cấp.


    2. Quyền tự quyết

    Như đã nói ở trên, một quốc gia có thể hưởng hòa bình chỉ khi có một bản hiến pháp dân chủ bảo đảm việc thay đổi chính phủ theo nguyện vọng của người dân diễn ra suôn sẻ. Để đảm bảo hòa bình thế giới thì cũng chỉ cần áp dụng nguyên tắc này một cách nhất quán là đủ.
    Những người theo trường phái tự do thời kì đầu cho rằng nhân dân, về bản chất, là những người yêu chuộng hòa bình, chỉ có vua chúa là thích chiến tranh vì họ muốn tìm kiếm quyền lực và tài sản bằng cách chinh phục. Vì vậy mà họ tin rằng chỉ cần thay chính quyền của những ông hoàng của các triều đại bằng chính phủ thuộc vào người dân là chúng ta sẽ có một nền hòa bình bền vững. Nếu một nước cộng hòa dân chủ thấy rằng những đường biên giới quốc gia của mình được hình thành trong suốt quá trình lịch sử trước thời đại tự do không đáp ứng được nguyện vọng chính trị của nhân dân thì những đường biên giới này sẽ phải được phép thay đổi một cách hòa bình cho phù hợp với kết quả của một cuộc trưng cầu dân ý thể hiện được ý chí của toàn dân. Việc dịch chuyển biên giới quốc gia phải trở thành khả thi nếu dân chúng sống tại một khu vực nào đó thể hiện ý chí một cách rõ ràng rằng họ muốn sáp nhập vào một quốc gia khác với quốc gia hiện nay. Trong hai thế kỉ XVII và XVIII, các Sa hoàng Nga đã sáp nhập vào đế chế của mình những khu vực rộng lớn, song người dân trong các khu vực đó chưa bao giờ có ước muốn trở thành một phần của nhà nước Nga. Ngay cả khi đế chế Nga thông qua một bản hiến pháp thực sự dân chủ thì ước nguyện của dân chúng trong các khu vực này vẫn không được đáp ứng, đơn giản là vì họ không muốn có bất cứ ràng buộc của một liên minh chính trị nào với người Nga. Yêu cầu dân chủ của họ là: tách khỏi đế chế Nga, thành lập các nước Ba Lan, Phần Lan, Latvia, Lithuania… độc lập. Thực tế là những đòi hỏi này và những đòi hỏi tương tự của các dân tộc khác (cụ thể là người Ý, người Đức ở Schleswig-Holstein, người Slav trong đế chế Hapsburg) chỉ có thể được đáp ứng khi người dân đứng lên cầm vũ khí là nguyên nhân quan trọng nhất của tất cả các cuộc chiến tranh diễn ra ở châu Âu từ sau hội nghị Vienna.
    Như vậy, quyền tự quyết định trở thành thành viên của một nhà nước nào đó có nghĩa là: bất cứ khi nào dân chúng ở một khu vực nào đó, dù là một làng, một huyện hay một số huyện nằm cạnh nhau, thể hiện rõ bằng một cuộc trưng cầu dân ý được tiến hành một cách tự do rằng họ không muốn tiếp tục nằm trong liên minh với quốc gia hiện nay nữa, và muốn thành lập một quốc gia độc lập hay liên kết với một quốc gia khác, thì ước muốn của họ phải được tôn trọng và thực hiện. Đấy là biện pháp khả thi và hữu hiệu nhất trong việc ngăn chặn những cuộc chiến tranh, cả nội chiến lẫn chiến tranh giữa các quốc gia.
    Gọi quyền tự quyết này là “quyền tự quyết của các dân tộc” là không hiểu vấn đề. Đây không phải là quyền tự quyết của một dân tộc trong những đường biên giới đã được xác định mà là quyền quyết định của dân chúng trong một khu vực lãnh thổ đối với câu hỏi họ muốn nằm trong thành phần của đất nước nào. Việc không hiểu sự khác biệt này thậm chí còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn, đấy là khi “quyền tự quyết của các dân tộc” được dùng để chỉ việc một quốc gia dân tộc có quyền tách và nhập những khu vực có dân cư thuộc sắc tộc mình sinh sống thuộc một quốc gia khác trái với nguyện vọng của người dân ở đấy. Bọn phát xít ở Ý, trên cơ sở nhận thức như thế về quyền dân tộc tự quyết, đã tìm cách biện hộ cho yêu sách của họ trong việc tách một số bang của nước Thụy sĩ và hợp nhất những bang này vào nước Ý, mặc dù dân chúng các bang này không có nguyện vọng đó. Một số người ủng hộ chủ nghĩa Đại Đức cũng có quan điểm tương tự đối với những khu vực người Đức ở Thụy Sĩ và Hà Lan.
    Quyền tự quyết mà chúng ta đang nói đến ở đây không phải là quyền tự quyết của các quốc gia mà là quyền tự quyết của dân cư của mỗi khu vực đủ lớn để thành lập một đơn vị hành chính độc lập. Giá như có thể bảo đảm được quyền tự quyết cho từng cá nhân thì cũng nên làm. Vì điều này là bất khả thi bởi những khó khăn về mặt kĩ thuật, nên ta cần chấp nhận việc mỗi khu vực phải được quản lí như một đơn vị hành chính riêng biệt, và quyền tự quyết bị hạn chế bởi ý chí của đa số dân cư thuộc các khu vực đủ lớn để được coi là các đơn vị lãnh thổ trong bộ máy hành chính của đất nước.
    Trong thế kỉ XIX và thế kỉ XX, bất cứ nơi nào mà quyền tự quyết được thực hiện, và bất cứ nơi nào mà nó được phép thực hiện thì ở đó đều dẫn tới hoặc sẽ dẫn tới việc hình thành nhà nước một dân tộc (nghĩa là người dân nói cùng một thứ tiếng) và giải thể những nhà nước đa sắc tộc – nhưng đấy phải là kết quả của sự lựa chọn tự do của tất cả những người được quyền tham gia vào cuộc trưng cầu dân ý. Việc hình thành những nhà nước bao gồm toàn bộ các thành viên của một dân tộc là
    kết quả của việc thực thi quyền tự quyết chứ không phải là mục đích của nó. Nếu một số người thuộc cùng một dân tộc cho rằng họ muốn độc lập về mặt chính trị chứ không muốn là một phần của nhà nước bao gồm toàn thể các thành viên của những người nói cùng một thứ tiếng, thì dĩ nhiên là có thể làm cho họ thay đổi quan điểm chính trị bằng cách thuyết phục họ tuân theo nguyên tắc dân tộc, theo đó tất cả những người nói cùng một ngôn ngữ phải thành lập một nhà nước độc lập. Nhưng nếu ta tìm cách quyết định số phận chính trị của họ trái với ước muốn của họ bằng cách viện dẫn đến cái quyền dường như cao hơn của dân tộc thì nghĩa là ta đã vi phạm quyền tự quyết chẳng khác gì sử dụng những biện pháp đàn áp khác. Việc các nước Đức, Pháp, và Ý chia nhau nước Thụy Sĩ, ngay cả nếu được thực hiện theo ranh giới các khu vực ngôn ngữ, là sự vi phạm trắng trợn quyền tự quyết, chẳng khác gì việc chia cắt nước Ba Lan vậy.

    3. Nền tảng chính trị của hòa bình

    Có thể nghĩ rằng sau khi đã kinh qua cuộc Thế chiến thì nhận thức về nhu cầu của một nền hòa bình vĩnh viễn sẽ trở thành ý nguyện chung. Nhưng người ta vẫn không công nhận rằng phải thực hiện cương lĩnh của chủ nghĩa tự do, không công nhận rằng phải thường xuyên và kiên định theo đuổi cương lĩnh này ở khắp mọi nơi thì mới có thể đạt được một nền hòa bình bền vững, và cuộc Thế chiến vừa qua chỉ là hậu quả tất yếu và tự nhiên của chính sách bài bác chủ nghĩa tự do kéo dài hàng thập kỉ.
    Khẩu hiệu quy cho chủ nghĩa tư bản chịu trách nhiệm trong việc khơi mào chiến tranh là vô nghĩa và thiếu suy nghĩ. Mối liên hệ giữa chiến tranh và chủ nghĩa bảo hộ là rõ ràng, và khi đã tảng lờ thực tế này thì người ta liền coi các sắc thuế mang tính bảo hộ chính là chủ nghĩa tư bản. Người ta quên mất rằng chỉ một thời gian ngắn trước đó tất cả các ấn bản có tinh thần dân tộc chủ nghĩa đề chứa đầy những lời công kích kịch liệt chống lại tư bản quốc tế ("tư bản tài chính" và các "tơ rớt vàng quốc tế") vì họ không có tinh thần quốc gia, vì họ chống lại những sắc thuế mang tính bảo hộ, vì có tinh thần chống chiến tranh và ủng hộ hòa bình. Cho rằng nền công nghiệp quốc phòng chịu trách nhiệm trong việc gây ra chiến tranh cũng là phi lí. Nền công nghiệp quốc phòng xuất hiện và lớn mạnh như thế là vì các chính phủ và các dân tộc thích chiến tranh cần vũ khí. Thật lố bịch khi cho rằng các quốc gia quay sang chính sách đế quốc là vì họ thiên vị những người sản xuất vũ khí. Công nghiệp quác phòng, cũng như bất cứ ngành công nghiệp nào khác, là nhằm đáp ứng các nhu cầu. Nếu các dân tộc thích các món hàng khác chứ không thích đạn dược và thuốc nổ thì những ông chủ nhà máy sẽ sản xuất những món hàng chứ không sản xuất vật liệu dùng cho chiến tranh nữa.
    Có thể thừa nhận rằng ước muốn hòa bình hiện đã trở thành ước muốn chung của tất cả mọi người. Nhưng nhân dân thế giới hoàn toàn không hiểu muốn giữ hòa bình thì phải làm gì.
    Muốn có hòa bình thì phải loại bỏ tất cả các động cơ dẫn đến xâm lược. Phải thiết lập một trật tự quốc tế sao cho các quốc gia và các nhóm quốc gia cảm thấy hài lòng với những điều kiện sống của mình và không có nhu cầu sử dụng phương tiện tuyệt vọng là chiến tranh nữa. Người theo chủ nghĩa tự do không tin là có thể loại bỏ được chiến tranh bằng cách thuyết giáo và giảng dạy đạo đức. Họ cố gắng tạo ra những điều kiện đủ sức loại bỏ nguyên nhân của chiến tranh.
    Điều kiện đầu tiên là sở hữu tư nhân. Nếu tài sản tư nhân được tôn trọng ngay cả trong thời gian diễn ra chiến tranh, nếu người chiến thắng không được quyền chiếm đoạt tài sản của các cá nhân, nếu việc chiếm đoạt tài sản công cộng không có ý nghĩa đáng kể vì sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất giữ thế thượng phong thì động lực quan trọng cho việc gây chiến đã bị loại bỏ. Nhưng điều này hoàn toàn chưa đủ. Muốn cho việc thực hiện quyền tự quyết không biến thành trò hề thì phải thiết lập được các thể chế chính trị đủ sức làm cho việc chuyển chủ quyền trên một lĩnh khu vực lãnh thổ từ chính phủ này sang chính phủ khác trở thành vấn đề càng đơn giản càng tốt, không làm lợi cũng không gây hại cho bất kì ai. Người ta thường không có khái niệm đúng đắn về những yêu cầu cần thiết cho việc này. Vì vậy cần phải làm rõ bằng một vài ví dụ.
    Xin hãy nhìn bản đồ phân bố các nhóm ngôn ngữ và dân tộc tại Trung và Đông Âu và chú ý đến việc, ví dụ như vùng Bắc và Tây Mohemia, biên giới giữa chúng có rất nhiều đường xe lửa cắt ngang. Ở đây, do chủ nghĩa can thiệp và chủ nghĩa quốc gia cho nên chúng ta không thể làm cho đường biên giới quốc gia trở thành tương thích với đường biên phân chia các nhóm ngôn ngữ. Đường sắt quốc gia của Czech trên đất Đức thì không thể nào quản lí được, lại càng khó quản lí hơn nếu vài dặm lại có một ban quản lí khác nhau. Cũng khó tưởng tượng được rằng cứ đi chừng mười lăm phút lại phải dừng lại để mua vé. Vì vậy, dễ hiểu vì sao những người ủng hộ chủ nghĩa quốc gia và chủ nghĩa can thiệp đi đến kết luận rằng sự thống nhất về "kinh tế" và "địa lí" của các khu vực như thế phải được "bảo toàn" và khu vực này phải được đặt dưới quyền của một "người cai trị" duy nhất (Rõ ràng là trong những hoàn cảnh như thế, dân tộc nào cũng tìm cách chứng minh rằng chỉ mình mới có quyền và đủ sức đóng vai của người cai trị). Chủ nghĩa tự do không thấy có vấn đề gì ở đây hết. Đường sắt tư nhân, nếu không bị nhà nước can thiệp, có thể đi qua lãnh thổ của nhiều nước mà không tạo ra bất cứ vấn đề gì. Nếu người ta không thu thuế ở biên giới; nếu người, gia súc và hàng hóa đều được tự do di chuyển thì sẽ chẳng có vấn đề gì khi chỉ trong vài giờ tàu hỏa đã vượt qua biên giới của mấy nước.
    Bản đồ ngôn ngữ còn cho ta thấy có những nhóm dân nằm lọt thỏm trong vùng đất của một dân tộc khác. Không có bất kì mối liên hệ lãnh thổ nào với khu vực định cư chủ yếu của những người cùng sắc tộc, những người này sống trong những khu định cư khép kín hoặc trong những "ốc đảo" ngôn ngữ. Trong những điều kiện chính trị hiện nay, họ không thể sáp nhập với tổ quốc của mình. Việc một khu vực nằm trong lòng một quốc gia còn bị bao bọc bởi những bức tường thuế khóa càng làm cho vấn đề toàn vẹn lãnh thổ trở thành nhu cầu mang tính chính trị. Là một "khu vực ngoại quốc" nhỏ bé, lại bị tách khỏi vùng lãnh thổ bên cạnh bởi hàng rào thuế quan và những biện pháp bảo hộ khác thì có khác gì bị bóp nghẹt về mặt kinh tế. Nhưng nếu có tự do thương mại và nhà nước chịu trách nhiệm bảo vệ quyền sở hữu tư nhân thì vấn đề sẽ được giải quyết một cách cực kì đơn giản. Lúc đó sẽ không còn "ốc đảo" ngôn ngữ nào phải chịu cảnh bị mất quyền dân tộc chỉ vì họ nằm cách biệt hẳn với phần lãnh thổ nơi có đa số đồng bào của họ sinh sống.
    "Vấn đề hành lang" cũng chỉ xuất hiện trong chủ nghĩa can thiệp - nhà nước - đế quốc. Đất nước không có đường thông ra biển tin rằng họ cần một "hành lang" thông ra biển nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của chính sách mang tính quốc gia chủ nghĩa và chính sách can thiệp về kinh tế của những nước xung quanh đối với ngoại thương của họ. Nếu tự do thương mại trở thành điều luật được mọi người tôn trọng thì "hành lang" cũng khó mang lại lợi lộc cho đất nước không có đường thông ra biển.
    Chuyển từ một "khu vực kinh tế" này (theo ngôn ngữ của chủ nghĩa nhà nước) sang một khu vực kinh tế khác là phải chịu những hậu quả nghiêm trọng về mặt kinh tế. Ví dụ, chỉ cần nghĩ đến nền công nghiệp sợi bông của vùng Bắc Alsatia, phải chuyển vùng đến hai lần; hay công nghiệp dệt của Ba Lan ở vùng Silesia Thượng v.v. thì sẽ rõ. Nếu việc thay đổi trong các liên minh chính trị của một vùng lãnh thổ mang lại lợi ích hay thiệt hại cho những người sống trên vùng lãnh thổ đó thì quyền tự do bỏ phiếu cho quốc gia mà họ thực sự muốn trở thành một phần của nó lại bị giới hạn một cách nghiêm trọng. Chỉ có thể nói đến quyền tự quyết thực sự khi quyết định của mỗi cá nhân đều xuất phát từ ý chí tự do của chính người đó chứ không phải từ nỗi sợ bị mất hay hi vọng là sẽ được lợi. Không thể có các khu vực "kinh tế" trong chủ nghĩa tư bản được tổ chức trên các nguyên tắc tự do. Cả bề mặt trái đất sẽ là một khu vực kinh tế duy nhất trong thế giới như thế.
    Quyền tự quyết có lợi cho những người thuộc đa số. Chính sách đối nội phải có những biện pháp nhất định mới bảo vệ được những người thuộc các sắc dân thiểu số. Trước hết chúng ta sẽ xem xét những biện pháp trong lĩnh vực giáo dục.
    Hiện nay, tại phần lớn các quốc gia, đi học đã trở thành nghĩa vụ bắt buộc. Cha mẹ có trách nhiệm cho con đi học trong một số năm nhất định hoặc dạy cho chúng những kiến thức tương tự tại nhà. Chẳng cần phải đi sâu vào những lí do ủng hộ hay phản đối giáo dục bắt buộc khi vấn đề này vẫn đang được bàn thảo. Chúng chẳng có liên quan gì đến những vấn đề đang tồn tại hiện nay. Chỉ có một luận cứ là có thể có mối liên hệ nào đó, mà cụ thể là: bám vào chính sách giáo dục bắt buộc là không phù hợp với những cố gắng nhằm thiết lập nền hòa bình bền vững.
    Chắc chắn là dân chúng London, Paris hay Berlin sẽ cho đấy là tuyên bố không thể tin được. Giáo dục bắt buộc thì có liên quan gì đến chiến tranh và hòa bình? Nhưng người ta không thể giải quyết được vấn đề này, như họ đã từng làm thế với nhiều vấn đề khác, chỉ trên quan điểm của người Tây Âu. Chắc chắn là ở London, Paris hay Berlin vấn đề giáo dục bắt buộc có thể được giải quyết một cách dễ dàng. Ở những thành phố này sẽ không có vấn đề dạy bằng ngôn ngữ nào. Dân chúng trong các thành phố này, cũng tức là những người gửi con em tới trường học, nói chung có thể coi là thuần nhất về mặt dân tộc. Thậm chí ngay cả những người không nói tiếng Anh ở London cũng muốn con mình học bằng tiếng Anh - đấy là vì quyền lợi của con cái họ. Ở Paris hay Berlin, tình hình cũng như thế.
    Nhưng tại những khu vực rộng lớn, nơi người dân nói những ngôn ngữ khác nhau chung sống như một mớ hỗn độn đa ngôn ngữ thì vấn đề giáo dục bắt buộc lại có ý nghĩa hoàn toàn khác. Ở đây vấn đề dạy bằng ngôn ngữ nào lại có vai trò quyết định. Sau một thời gian ta sẽ thấy rằng cách giải quyết vấn đề này có ảnh hưởng quyết định đến quốc tịch của cả khu vực. Trường học có thể làm cho con cái thờ ơ với dân tộc của cha mẹ mình, và có thể được sử dụng như là phương tiện áp bức các dân tộc khác. Kiểm soát được trường học là có thể làm lợi cho dân tộc mình và làm hại các dân tộc khác.
    Đứa trẻ đến trường sử dụng ngôn ngữ của cha mẹ chúng không phải là biện pháp giải quyết vấn đề. Trước hết, ngoài vấn đề của những đứa trẻ có cha mẹ nói bằng những ngôn ngữ khác nhau, không phải lúc nào cũng dễ dàng xác định tiếng mẹ đẻ của chính cha mẹ chúng. Trong những khu vực đa ngôn ngữ, công việc của nhiều người buộc họ phải sử dụng được tất cả các ngôn ngữ đó. Ngoài ra, thường là người ta không thể công khai tuyên bố thành phần dân tộc của mình - đấy cũng là vì lí do mưu sinh. Trong hệ thống của chủ nghĩa can thiệp điều đó có thể dẫn tới việc mất khách hàng thuộc các dân tộc khác hoặc mất việc nếu người sử dụng lao động thuộc dân tộc khác. Lại có nhiều cha mẹ muốn gửi con đến trường thuộc dân tộc khác hơn là học trường của dân tộc mình vì cho rằng biết nhiều ngôn ngữ hoặc đồng hóa với dân tộc khác thì có lợi hơn là trung thành với dân tộc mình. Để cha mẹ lựa chọn trường cho học cũng có nghĩa là để mặc họ phải chịu mọi hình thức áp bức chính trị mà ta có thể hình dung. Trong tất cả những khu vực có nhiều dân tộc sinh sống, trường học là "phần thưởng" chính trị quan trọng nhất. Khi còn là định chế bắt buộc và của nhà nước thì nó không thể tách rời chính trị. Chỉ có một biện pháp giải quyết: nhà nước, chính phủ, luật pháp không bao giờ được dính dáng đến vấn đề học hành và giáo dục. Không được dùng tiền của nhà nước cho những mục đích này. Việc giáo dục và dạy dỗ thanh thiếu niên phải là việc của cha mẹ, của các hiệp hội và định chế tư nhân.
    Thà có một số thanh niên không được học hành còn hơn là họ được hưởng thú vui học tập nhưng rồi khi lớn lên sẽ có nguy cơ bị giết hoặc bị tàn phế suốt đời. Mù chữ nhưng khỏe mạnh còn hơn là biết chữ mà tàn tật.
    Nhưng ngay cả khi ta đã loại bỏ được những áp bức về mặt tinh thần do chính sách giáo dục bắt buộc gây ra thì cũng còn lâu ta mới loại trừ được tất cả những nguồn gôc của sự va chạm giữa các dân tộc sống trong khu vực đa ngôn ngữ. Trường học có thể là một phương tiện áp bức dân tộc - theo quan niệm của chúng tôi thì là phương tiện nguy hiểm nhất - nhưng không phải là phương tiện duy nhất. Bất cứ sự can thiệp nào của chính phủ vào đời sống kinh tế cũng đều có thể trở thành phương tiện ngược đãi những dân tộc không nói cùng thứ tiếng với nhóm đang cầm quyền. Vì thế, muốn bảo vệ hòa bình thì hoạt động của chính phủ phải được giới hạn trong lĩnh vực mà không ai có thể thay thế, theo đúng nghĩa đen của từ này.
    Chúng ta không thể không có bộ máy của chính phủ để bảo vệ và duy trì cuộc sống, quyền tự do, tài sản và sức khỏe của mỗi cá nhân. Nhưng trong những khu vực có thể xảy ra kì thị chủng tộc thì ngay cả hành động của cảnh sát và tòa án nhằm phục vụ những mục tiêu trên cũng có thể xảy ra nguy cơ. Chỉ có ở những nước, nơi người dân không có thái độ thiên vị dân tộc này hay dân tộc khác, ta mới không phải lo quan chức có thái độ kì thị khi thi hành luật pháp nhằm bảo vệ đời sống, quyền tự do, tài sản và sức khỏe. Còn ở những nơi mà sự khác biệt về tôn giáo, khác biệt về dân tộc và những khác biệt tương tự đã trở thành hố sâu ngăn cách người dân đến mức không thể có sự công bằng và nhân đạo mà chỉ còn lòng hận thù thì vấn đề sẽ hoàn toàn khác. Khi đó, một viên quan tòa sử dụng quyền lực nhằm phục vụ cho quyền lợi của nhóm mình nhưng lại nghĩ rằng mình đang thi hành phận sự, thì đấy chính là hành động kì thị, dù đó có là hành động cố ý hay vô ý.
    Chừng nào mà bộ máy của chính phủ không có chức năng nào khác ngoài chức năng bảo vệ cuộc sống, quyền tự do, tài sản và sức khỏe thì ta có thể đưa ra những quy định nhằm hạn chế một cách triệt để lĩnh vực mà bộ máy hành chính và tòa án có thể hoạt động một cách tự do, không để hoặc để rất ít khoảng trống cho những hoạt động tùy tiện hay đưa ra những quyết định độc đoán và chủ quan. Nhưng chỉ cần giao cho nhà nước quản lí một phần quá trình sản xuất, chỉ cần bộ máy của chính phủ được yêu cầu quyết định chủng loại các hàng hóa thuộc gia đoạn sản xuất cao hơn là sẽ không thể buộc các quan chức phải tuân thủ những điều luật và quy đinh nhằm bảo đảm quyền lợi của các công dân được nữa. Luật hình sự nhằm trừng phạt những kẻ sát nhân, ở mức độ nào đó, đã quy định rõ ai là và ai không phải là sát nhân và vì vậy đã xác định được lĩnh vực trong đó quan tòa có thể tự do đưa ra phán quyết. Dĩ nhiên là luật sư nào cũng biết rằng trong những trường hợp cụ thể, ngay cả những đạo luật tốt nhất cũng có thể bị người ta xuyên tạc trong khi giả thích, áp dụng và thi hành. Nhưng trong trường hợp cơ quan của chính phủ được giao nhiệm vụ quản lí phương tiện giao thông, hầm mỏ hoặc đất công, thì tất cả những cái ta có thể làm là giới hạn phạm vi hoạt động của nó trên những nền tảng nguyên lí khác (đã được thảo luận trong Phần 2), và điều tốt nhất ta có thể làm để giữ cho nó không thiên vị trong những vấn đề liên quan đến chính sách quốc gia là cung cấp cho nó những chỉ dẫn cụ thể, không một chút tổng quát nào. Nhưng, ta phải dành cho cơ quan của chính phủ không gian để hành động vì không thể biết trước nó sẽ phải hành động trong những hoàn cảnh nào. Như vậy là ta đã để rộng cửa cho những hành động độc đoán, thiên vị và lạm dụng quyền lực.
    Ngay cả trong những khu vực có đại diện của nhiều dân tộc sinh sống thì cũng cần phải có một chính quyền thống nhất. Mỗi góc phố không thể có hai viên cảnh sát, một người Đức, một người Czech, mỗi người chỉ chịu trách nhiệm bảo vệ người thuộc dân tộc mình. Nhưng ngay cả nếu làm được như thế thì cũng sẽ xuất hiện vấn đề là ai sẽ phải can thiệp khi người của cả hai sắc dân cùng bị rơi vào hoàn cảnh cần phải can thiệp. Những bất tiện do nhu cầu phải có một chính quyền thống nhất trên những vùng lãnh thổ như thế là không thể tránh được. Nhưng, nếu trong khi thực hiện những chức năng không thể thoái thác được là bảo vệ cuộc sống, quyền tự do, tài sản và sức khỏe, chính phủ đã gặp phải những khó khăn như thế thì càng không được mở rộng phạm vi hoạt động của chính phủ sang các lĩnh vực khác vốn đòi hỏi chính phủ phải có nhiều quyền tự do hành động hơn.
    Nhiều khu vực rộng lớn trên trái đất là khu vực quần cư của nhiều nhóm người, chứ không phải là người của một dân tộc, một sắc tộc hay một tôn giáo. Do quá trình di dân, chắc chắn sẽ xảy ra do sự dịch chuyển của quá trình sản xuất, mà nhiều vùng mới sẽ phải đối mặt với hiện tượng quần cư. Nếu không muốn cố tình làm cho những va chạm sẽ nảy sinh giữa các nhóm khác nhau sống chung với nhau thì càng phải giới hạn hoạt động của chính phủ vào những nhiệm vụ mà chỉ nó mới thực hiện được.

    4. Chủ nghĩa dân tộc

    Chừng nào các quốc gia vẫn còn nằm dưới quyền cai trị của các vu chú thì ý tưởng điều chỉnh biên giới quốc gia cho trùng với đường biên giới giữa các dân tộc sẽ khó được chấp nhận. Nếu kẻ thống trị muốn sáp nhập một tỉnh vào quốc gia của mình thì ông ta sẽ chẳng them quan tâm đến việc là liệu dân chúng - tức thần dân của ông ta - có đồng ý với việc thay đổi người cầm quyền hay không. Điều duy nhất ông ta phải quan tâm là lực lượng quân sự có đủ sức chinh phục và giữ được vùng đất ấy hay không. Ông ta công khai biện họ cho hành vi của mình bằng cách nói rằng yêu sách của mình là hợp pháp. Thành phần dân tộc của khu vực bị chiếm đóng không phải là vấn đề cần quan tâm.
    Cùng với sự xuất hiện của chủ nghĩa tự do, lần đầu tiên câu hỏi về cách thức vẽ đường biên giới quốc gia mới trở thành một vấn đề độc lập với những tính toàn về quân sự, lịch sử và pháp lí. Chủ nghĩa tự do cho rằng nhà nước được xây dựng trên ý chí của đa số dân chúng sống trong một khu vực nhất định, nó bác bỏ mọi tính toán quan sự, tức là bác bỏ những toan tính từng giữ vai trò quyết định trong việc xác định đường biên giới trong quá khứ. Nó không chấp nhận quyền chinh phục. Nó không chấp nhận luận điểm về "biên giới chiến lược", và cho rằng yêu sách sáp nhập một vùng đất nhỏ bé vào một quốc gia nào đó để củng cố tiền đồn là hoàn toàn không thể hiểu được. Chủ nghĩa tự do không công nhận quyền thừa kế các tỉnh của các vương tôn. Theo cách hiểu của chủ nghĩa tự do, nhà vua có thể cai trị dân chúng chứ không phải cai trị một vùng đất mà dân chúng chỉ được coi là những vật đi kèm với vùng đất được thừa kế. Vị hoàng đế nhờ ơn Thượng Đế mang danh vùng đất, ví dụ như "Vua nước Pháp". Nhưng vị hoàng đế do chủ nghĩa tự do lập nên - tức là chế độ quân chủ lập hiến - không mang danh vùng đất mà mang danh những người ông ta cai trị. Như vậy là Louis Philippe sẽ có danh xưng là "Vua của người Pháp, tương tự, sẽ xuất hiện danh hiệu "Vua của người Bỉ", như đã từng có danh hiệu "Vua của người Hellene" vậy.
    Chính chủ nghĩa tự do đã tạo ra hình thức pháp lí - gọi là trưng cầu dân ý - thông qua đó, dân chúng có thể thể hiện ước muốn ở lại hay tách khỏi một quốc gia nào đó. Thông qua trưng cầu dân ý có thể biết được dân chúng tại một khu vực nào đó muốn được sống trong nhà nước nào. Nhưng cả khi đã thực hiện những điều kiện kinh tế và chính trị (kể cả những chính sách quốc gia về giáo dục) nhằm không để cho việc trưng cầu dân ý trở thành trò cười, ngay cả khi có thể thực hiện những cuộc trưng cầu dân ý trong mỗi cộng đồng để xác định xem họ muốn nằm trong thành phần của quốc gia nào và lặp lại những cuộc trưng cầu dân ý như thế khi hoàn cảnh thay đổi thì vẫn có thể có những vấn đề chưa được giải quyết, có thể tạo ra va chạm giữa các dân tộc khác nhau. Thuộc về nhà nước mà mình không muốn dù đấy có là kết quả của một cuộc bỏ phiếu hay chinh phục bằng quân sự thì cũng đau khổ như nhau. Nhưng đối với một người bị hàng rào ngôn ngữ ngăn cách với đa số những người cùng dân tộc thì khó khăn còn tăng lên gấp đôi.
    Là người dân tộc thiểu số bao giờ cũng có nghĩa là công dân loại hai. Muốn thảo luận các vấn đề chính trị đương nhiên là phải nói hoặc viết - trong những bài diễn văn, trên báo chí hay trong sách vở. Nhưng những người thiểu số không có nhiều phương tiện học hỏi và thảo luận những vấn đề chính trị bằng bằng những người mà tiếng mẹ đẻ của họ (tiếng nói vẫn dùng hàng ngày) là tiếng được dùng để thảo luận. Xét cho cùng thì tư duy chính trị của nhân dân chính là những tư tưởng được thể hiện trong sách báo chính trị của họ. Kết quả của những cuộc thảo luận chính trị - được đúc kết thành luật lệ - có ý nghĩa trực tiếp đối với những công dân sử dụng ngôn ngữ khác vì người đó phải tuân thủ pháp luật; nhưng người đó lại cảm thấy rằng mình không được tham gia vào quá trình lập pháp hoặc ít nhất là không được tham gia như những người mà tiếng mẹ đẻ chính là tiếng nói của đa số cầm quyền. Và khi anh ta xuất hiện trước quan tòa hay bất kì quan chức hành chính nào khác, trong vai người thỉnh cầu hay kiến nghị, là anh ta đứng trước những người có tư tưởng chính trị xa lạ vì những tư tưởng đó đã phát triển dưới sự tác động của những tư tưởng hoàn toàn khác lạ với anh ta.
    Bên cạnh những điều đó, ngay cả việc người thiểu số phải sử dụng ngôn ngữ xa lạ với mình, khi đứng trước quan tòa hay quan chức hành chính, đã làm cho anh ta chịu nhiều thua thiệt. Giữa người có thể nói trực tiếp với quan tòa và người phải sử dụng phiên dịch đã là sự khác biệt một trời một vực. Ở đâu người thiểu số cũng cảm thấy rằng mình là người xa lạ, và dù lời văn của pháp luật có phủ nhận điều đó thì họ cũng chỉ là công dân loại hai mà thôi.
    Ngay cả trong quốc gia có một hiến pháp tự do, trong đó hoạt động của chính phủ được giới hạn vào việc bảo vệ mạng sống và tài sản của công dân, thì những sự thiệt thòi như thế cũng tạo ra cảm giác đè nén rất nặng nề. Và trong nhà nước xã hội chủ nghĩa hay nhà nước thi hành chính sách can thiệp thì sẽ trở thành không thể chịu đựng. Còn nếu cơ quan hành pháp có quyền can thiệp bất cứ khi nào họ muốn, nếu quyền tự do hành động của các quan tòa và nhân viên công lực rộng rãi đến mức có thể đưa cả thiên kiến vào thì người dân tộc thiểu số có thể bị những nhân viên công lực thuộc đa số cầm quyền hành xử một cách tùy tiện và bị áp bức nữa. Những hậu quả xảy ra, khi nhà trường và nhà thờ không còn là những thực thể độc lập mà chịu sự quản lí của nhà nước, đã được thảo luận trong những phần trên. Chính đây là gốc rễ của chủ nghĩa dân tộc có tính chất hung hăng mà chúng ta đang thấy hiện nay. Hoàn toàn là sai lầm khi cố gắng quy những vụ đối đầu mang tính bạo lực giữa các dân tộc là do các nguyên nhân tự nhiên chứ không phải do nguyên nhân chính trị. Trong từng dân tộc cũng có tất cả những biểu hiện mà người ta hay dẫn ra làm ví dụ cho sự ác cảm được cho là bẩm sinh giữa các dân tộc. Người Bavaria ghét người Phổ; người Phổ ghét người Bavaria. Lòng hận thù giữa những nhóm khác nhau của người Pháp hay người Ba Lan cũng không kém phần dữ dội. Nhưng người Đức, người Ba Lan, người Pháp vẫn có thể sống chung một cách hòa bình trong lòng đất nước của họ. Nhưng thái độ ác cảm của người Ba Lan với người Đức và của người Đức với người Ba Lan lại có ý nghĩa chính trị quan trọng, vì cả hai bên đều hi vọng chiếm được quyền lực chính trị trong khu vực biên giới, nơi người Đức và người Ba Lan sống cạnh nhau và sử dụng quyền lực đó nhằm áp chế dân chúng của phía bên kia. Việc dân chúng muốn dùng trường học làm phương tiện li gián trẻ con với ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng, và dùng tòa án, cơ quan hành chính, các biện pháp kinh tế và chính trị, thậm chí tịch thu tài sản, làm phương tiện đàn áp những người nói tiếng nước ngoài đã thổi bùng lên ngọn lửa hận thù, thiêu đốt tất cả. Chính vì người ta sẵn sàng sử dụng những biện pháp bạo lực nhằm thiết lập những điều kiện tốt đẹp cho tương lai chính trị của dân tộc mình mà họ đã tạo ra trong những khu vực đa ngôn ngữ hệ thống áp bức, đủ sức làm lung lay nền hòa bình trên toàn thế giới.
    Khi cương lĩnh của chủ nghĩa tự do chưa được thực hiện một cách trọn vẹn trong những khu vực có nhiều dân tộc sinh sống thì lòng hận thù giữa dân tộc này với dân tộc khác chắc chắn sẽ ngày càng gia tăng, và sẽ tiếp tục làm bùng lên những cuộc chiến tranh và bạo loạn mới.
     
    Chỉnh sửa cuối: 28/6/15
    tamchec, superlazy, hanhdb and 2 others like this.
  11. notrinos

    notrinos Lớp 5


    5. Chủ nghĩa đế quốc


    Những ông vua chuyên chế trong các thế kỉ trước đây thèm khát chinh phục để mở rộng lãnh thổ và làm giàu. Không ông vua nào có quyền lực tuyệt đối cho nên phải có sức mạnh thì mới giữ được quyền lực trong cuộc đấu tranh chống thù trong, giặc ngoài. Không ông vua nào cảm thấy đủ giàu, vì ông ta cần có thêm tiền để nuôi quân và nuôi bọn tùy tùng.
    Đối với nhà nước theo chủ nghĩa tự do, mở rộng hay không mở rộng biên giới lãnh thổ không phải là vấn đề quan trọng. Không thể chiếm đoạt của cải bằng cách sáp nhập các tỉnh mới vì "thu nhập" từ một vùng lãnh thổ nào đó phải được sử dụng cho bộ máy quản lí nó. Đối với nhà nước theo chủ nghĩa tự do, tức là nhà nước không ấp ủ những kế hoạch xâm lược, việc tăng cường lực lượng quân sự không phải là điều quan trọng. Quốc hội của các nước theo đường lối chủ nghĩa tự do chống lại mọi cố gắng nhằm tăng cường tiềm lực quân sự của đất nước, và phản đối mọi chính sách xâm lược và hiếu chiến.
    Nhưng chính sách hòa bình của trường phái tự do, trong những năm 60 của thế kỉ trước (thế kỉ XIX - ND), khi chủ nghĩa tự do thu được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, được coi là chắc chắn, ít nhất là ở châu Âu, đặt trên cơ sở giả định rằng dân chúng sống trên mỗi vùng lãnh thổ đều có quyền tự quyết định họ thuộc về quốc gia nào. Nhưng vì các chế độ chuyên chế không chịu từ bỏ đặc quyền đặc lợi một cách hòa bình cho nên trước hết phải làm cách mạng và tiến hành chiến tranh thì mới bảo vệ được những quyền này. Phải dùng vũ lực mới lật đổ được ách thống trị của nước ngoài ở Ý, mới bảo vệ được người Đức ở Schleswig-Holstein trước nguy cơ bị tước quốc tịch, mới giải phóng người Ba Lan và người Slav miền Nam. Chỉ có một khu vực, đấy là quần đảo Ionia (thuộc Hi Lạp ngày nay - ND), nơi chế độ chính trị đương quyền đã giải quyết được một cách hòa bình yêu sách đòi quyền tự quyết của người dân; đó là nước Anh theo đường lối tự do đã trả lại tự do cho những hòn đảo này. Còn tất cả những nơi khác, kết quả bao giờ cũng là chiến tranh và cách mạng. Những cuộc đấu tranh nhằm tạo ra một nước Đức thống nhất đã phát triển thành cuộc xung đột Đức-Pháp đầy bi thảm [Ý nói cuộc chiến tranh Pháp-Phổ trong những năm 1869-1871, kết quả là Pháp thua - ND]. Vấn đề Ba Lan vẫn chưa được giải quyết vì Sa hoàng đã đè bẹp hết cuộc khởi nghĩa này đến cuộc khởi nghĩa khác. Vấn đề Balkan chỉ được giải quyết một phần, việc không thể giải quyết được vấn đề của vương triều Hapsburg trái ngược với ý chí của dòng họ đang nắm quyền cuối cùng đã dẫn đến một rắc rối, và đấy chính là nguyên nhân trực tiếp đưa đến Thế chiến.
    Chủ nghĩa đế quốc hiện đại khác với những xu hướng bành trướng của những vương triều chuyên chế ở chỗ lực lượng thúc đẩy nó không phải là những người trong hoàng tộc, thậm chí không phải là người của giới quý tộc, của bộ máy quan liêu hay hàng ngũ sĩ quan muốn làm giàu hoặc gia tăng quyền hành bằng cách cướp bóc những vùng chiến được, mà lại là quần chúng, những người coi chủ nghĩa đế quốc là phương tiện bảo vệ nền độc lập dân tộc phù hợp nhất. Khi mạng lưới của những chính sách bài chủ nghĩa tự do, tức những chính sách làm cho chức năng của nhà nước bành trướng đến mức chẳng còn hoạt động nào là không bị nhà nước can thiệp, đã giăng ra khắp nơi như hiện nay thì chẳng còn hi vọng những vấn đề chính trị của những khu vực đa sắc tộc sẽ được giải quyết một cách tương đối thỏa đáng nữa. Nếu chính phủ của những vùng lãnh thổ đó không hành xử theo đường lối của chủ nghĩa tự do thì chẳng nên nói đến ngay cả sự bình quyền trong việc đối xử với các nhóm sắc dân khác nhau. Lúc đó sẽ chỉ còn nhóm cai trị và những nhóm bị trị. Sự lựa chọn chỉ còn là ai làm búa và ai phải làm đe. Như vậy nghĩa là, ước muốn có một nhà nước càng mạnh càng tốt - một nhà nước có thể mở rộng quyền cai trị sang cả những vùng có nhiều sắc dân sinh sống - đã trở thành cái gì đó không thể tách rời khỏi yêu cầu đảm bảo quyền tự vệ quốc gia.
    Nhưng vấn đề này sinh ở những vùng đa ngôn ngữ không chỉ giới hạn trong các nước đã có người định cư lâu đời. Chủ nghĩa tư bản đã mở toang cành cửa phát triển nền văn minh tại những vùng đất mới có những điều kiện sản xuất thuận lợi hơn phần lớn những nước đã có người ở từ lâu. Vốn và lao động chảy tới những khu vực thuận lợi. Phong trào di cư đã vượt xa những cuộc di dân từng xảy ra trước đó trên thế giới. Người di dân hầu như chẳng còn giới hạn chỉ đến những vùng đất mà những người đồng bào của mình cầm quyền. Ở những nơi không có điều kiện thuần nhất chúng tộc như thế, việc di dân sẽ lại tạo ra những xung đột như đã từng diễn ra ở những vùng lãnh thổ đa ngôn ngữ. Trong một số trường hợp đặc biệt (mà chúng ta sẽ không xem xét ở đây) cũng có sự khác biệt giữa những khu vực thuộc địa hải ngoại so với những quốc gia châu Âu vốn đã có dân định cư lâu đời. Tuy nhiên, cuối cùng thì những xung đột do sự bất bình của người thiểu số gây ra là như nhau. Ước muốn bảo vệ người dân tộc mình khỏi số phận như thế, một mặt, dẫn đến cuộc tranh đấu nhằm giành giật thuộc địa thích hợp cho việc định cư của các dân tộc châu Âu, và mặt khác dẫn đến việc áp dụng chính sách thuế khóa nhằm bảo vệ nền sản xuất trong nước vốn hoạt động trong những điều kiện kém cạnh tranh hơn so với nền công nghiệp nước ngoài, với hi vọng rằng công nhân sẽ không cần di cư nữa. Trên thực tế, nhằm mở rộng thêm thị trường được bảo vệ, người ta đã chiếm cả những vùng lãnh thổ được coi là không phù hợp để người châu Âu định cư. Chúng ta có thể coi những năm cuối thập kỉ 70 của thế kỉ trước [thế kỉ XIX] là khởi đầu của chủ nghĩa đế quốc hiện đại, đấy cũng là lúc các nước công nghiệp châu Âu bắt đầu từ bỏ chính sách thương mại tự do và tham gia vào cuộc chạy đua trong việc đi tìm "thị trường" tại các thuộc địa ở châu Phi và châu Á.
    Thuật ngữ "chủ nghĩa đế quốc" được sử dụng lần đầu tiên chính là để nói về chính sách mở mang lãnh thổ thời hiện đại của nước Anh. Chắc chắn là ban đầu, chủ nghĩa đế quốc tại nước Anh không chú tâm nhiều vào việc sáp nhập những vùng lãnh thổ mới bằng việc thiết lập khu vực chính sách thương mại thống nhất trên tất cả những vùng thuộc quyền cai trị của hoàng đế Anh. Đấy là kết quả của một tình thế khác thường mà Anh quốc, một nước có nhiều thuộc địa nhất, đã lâm vào. Tuy nhiên, mục tiêu mà những thực dân người Anh nhắm tới trong việc thành lập hiệp định chung về thuế quan, bao gồm cả các nước thuộc địa lẫ chính quốc cũng là mục tiêu của những cuộc xâm chiếm thuộc địa của Đức, Ý, Pháp, Bỉ và những nước châu Âu khác, tức là thiết lập những thị trường xuất khẩu độc quyền.
    Chủ nghĩa đế quốc không đạt được những mục đích thương mại mà nó nhắm đến. Giấc mơ về việc thành lập hiệp định chung về thuế quan trên tất cả những vùng lãnh thổ do Anh quốc cai trị đã không trở thành hiện thực. Những vùng lãnh thổ mà các nước châu Âu sáp nhập trong vài chục năm vừa qua, cũng như những vùng đất mà họ được "nhượng quyền" trước đây, đóng vai trò thứ yếu trong việc cung cấp nguyên vật liệu, bán thành phẩm và tiêu thụ sản phẩm cho thị trường thế giới, cho nên những biện pháp như thế không thể tạo ra những thay đổi mang tính quyết định đối với quá trình sản xuất và giao thương. Mục tiêu của chủ nghĩa đế quốc không chỉ là chiếm các vùng đất của những dân tộc còn hoang sơ, không đủ sức kháng cự, mà còn phải chiếm cả những vùng đất của những dân tộc sẵn sàng và đủ sức kháng cự nữa. Chính sách của chủ nghĩa đế quốc đã và chẳng bao lâu nữa sẽ thất bại. Chủ nghĩa đế quốc đang rút lui hoặc đang lâm vào hoàn cảnh cực kì khó khăn ở Abyssina, Mexico, Caucasus, Persia, và Trung Quốc v.v.

    6. Chính sách thuộc địa

    Những tính toán và mục tiêu dẫn dắt chính sách thuộc địa của các cường quốc châu Âu kể từ ngày có những khám phá vĩ đại trái ngược hoàn toàn với tất cả các nguyên tắc của chủ nghĩa tự do. Tư tưởng căn bản của chính sách thuộc địa là sử dụng tính ưu việt về mặt quân sự của người da trắng đối với những sắc dân khác. Người châu Âu, nắm trong tay tất cả các loại vũ khí và trang thiết bị của nền văn minh, xông lên chinh phục các dân tộc yếu hơn, cướp boc tài sản của họ và biến họ thành những người nô lệ. Người ta đã tìm cách biện hộ và che đậy động cơ đích thực của chính sách thuộc địa bằng cách nói rằng mục tiêu duy nhất là tạo điều kiện cho những dân tộc bán khai được hưởng thành quả của nền văn minh châu Âu. Ngay cả nếu công nhận đấy đúng là mục đích của chính phủ khi đưa quan tới những khu vực xa xôi trên thế giới thì người theo chủ nghĩa tự do cũng cho rằng chẳng có cơ sở nào để coi thuộc địa hóa là hữu ích. Cứ cho là chúng ta tin rằng nền văn minh châu Âu ưu việt hơn các bộ lạc bán khai ở châu Phi hay nền văn minh châu Á - mặc dù châu Á cũng rất đáng tôn trọng - nhưng nền văn minh châu Âu cũng phải chứng tỏ tính ưu việt của nó bằng cách khuyến khích các dân tộc đó tự nguyện áp dụng. Việc nền văn minh châu Âu chỉ có thể được truyền bá bằng khỏi lửa và giáo gươm có phải là bằng chứng đáng buồn nhất về sự bất lực của nó không?
    Lịch sử không có chương nào đẫm máu hơn là chương viết về chế độ thuộc địa. Máu đã chảy một cách vô ích và vô nghĩa. Nhiều vùng đất xanh tươi trở thành hoang hóa, nhiều dân tộc bị giết hại hoặc xóa sổ hoàn toàn. Không thể nào che đậy hay biện hộ được. Người châu Âu nắm quyền cai trị tuyệt đối ở châu Phi và nhiều khu vực quan trọng của châu Á. Hoàn toàn trái ngược với tất cả các nguyên tắc của chủ nghĩa tự do và chế độ dân chủ, và không nghi ngờ gì rằng chúng ta phải đấu tranh để xóa bỏ nó. Vấn đề chỉ còn là làm sao để việc xóa bỏ tình trạng này diễn ra với ít thiệt hại nhất.
    Giải pháp đơn giản và triệt để nhất là các chính phủ châu Âu rút hết các quan chức, binh lính và cảnh sát của mình khỏi những vùng lãnh thổ đã chiếm, và để cho người dân ở đó được độc lập. Việc này được tiến hành ngay lập tức hay tiến hành trưng cầu dân ý dân chúng địa phương trước khi "trao trả" thì cũng thế. Vì thật khó mà nghi ngờ kết quả của một cuộc bỏ phiếu thực sự tự do sẽ khác đi. Chính quyền của người châu Âu ở các nước thuộc địa hải ngoại chẳng thể hi vọng vào sự chấp thuận của dân chúng địa phương.
    Giải pháp triệt để như thế, nếu không dẫn tới tình trạng vô chính phủ hoàn toàn, thì cũng dẫn tới những cuộc xung đột kéo dài trong những khu vực mà người châu Âu sẽ rút đi. Có thể khẳng định mà không sợ sai là cho đến nay dân chúng địa phương chỉ mới học được những thói xấu chứ chưa học được tính tốt của người châu ÂU. Đấy không phải là lỗi của dân chúng những nước thuộc địa mà là lỗi của những kẻ chinh phục châu Âu, những người chỉ dạy người ta toàn những chuyện xấu xa. Họ đã mang đến các nước thuộc địa đủ mọi thứ vũ khí và thiết bị phá hoại, họ đã đưa đến đấy những công dân xấu xa và ác độc nhất rồi giao chức vụ hoặc phong quân hàm cho chúng, họ đã dùng mũi kiếm để dựng lên chính quyền thuộc địa mà sự dã man, khát máu có thể sánh ngang với hệ thống độc tài của những người Bolshevik. Người châu Âu chẳng nên ngạc nhiên nếu như những thói hư tật xấu mà họ mang tới thuộc địa bây giờ đã cho ra trái đắng. Dù thế nào thì họ cũng không có quyền lên giọng đạo đức giả mà phàn nàn về tính trạng luân lí xã hội thấp kém của dân chúng thuộc địa. Nói rằng dân chúng các nước thuộc địa chưa đủ trưởng thành để có thể hưởng tự do và họ cần phải được những người cầm quyền châu Âu cầm roi dạy dỗ, ít nhất là một vài năm nữa, trước khi họ có thể sống độc lập, là không thể chấp nhận được. Chính cách "dạy dỗ" như thế phải chịu trách nhiệm, ít nhất là một phần, về tình trạng khủng khiếp tại các nước thuộc địa, mặc dù chỉ sau khi người châu Âu rút đi ta mới thấy rõ được toàn bộ hậu quả của nó.
    Nhưng có thể người ta sẽ tiếp tục khẳng định rằng vì người châu Âu là giống người cao quý hơn cho nên trách nhiệm của họ là không để xảy ra tình trạng lộn xộn sau khi rời bỏ các nước thuộc địa, và vì vậy mà phải tiếp tục giữ quyền cai trị - đấy chính là vì quyền lợi và hạnh phúc của nhân dân các nước thuộc địa. Nhằm gia tăng sức mạnh cho những luận cứ như thế, có thể vẽ ra những bức tranh kinh hoàng về điều kiện từng tồn tại ở Trung Phi và nhiều vùng khác ở châu Á trước khi chính quyền của người châu Âu được thiết lập ở đấy. Có thể nhắc lại những vụ săn nô lệ do người Ả Rập tiến hành ở Trung Phi hay những vụ bạo hành vô cùng thất đức của các bạo chúa Ấn Độ. Nhưng dĩ nhiên đây là phương pháp lí luận mang tính đạo đức giả và người ta không được quên, ví dụ như việc buôn bán nô lệ chỉ phát đạt khi những hậu duệ của người châu Âu định cư ở các thuộc địa châu Mĩ bắt đầu trở thành những người mua trên thị trường nô lệ. Nhưng chúng ta hoàn toàn không cần phải đi sâu vào tất cả những "chống báng" hay "ủng hộ" của các lí luận theo kiểu này. Nếu nói rằng quyền lợi của dân chúng thuộc địa là lí do ủng hộ cho việc giữ chính quyền của người châu Âu thì ta nên nói rằng tốt hơn hết hãy giải tán toàn bộ chính quyền đó. Không ai có quyền can thiệp vào công việc của người khác nhằm thúc đẩy quyền lợi của những người đó, còn những kẻ chỉ nghĩ đến quyền lợi của mình thì không được giả vờ là đang hành động quên mình chỉ vì quyền lợi của những người khác. Tuy nhiên, ở đây đây có một luận cứ ủng hộ cho việc tiếp tục nắm quyền và ảnh hưởng của người châu Âu ở những lãnh thổ thuộc địa. Nếu người châu Âu không bắt các nước nhiệt đới trở thành thuộc địa của mình, nếu họ không làm cho hệ thống kinh tế của mình bị phụ thuộc khá nhiều vào việc nhập khẩu nguyên liệu từ vùng nhiệt đới và sản phẩm nông nghiệp hải ngoại và thanh toán bằng sản phẩm công nghiệp thì ta có thể bình tĩnh thảo luận vấn đề có nên đưa những vùng này vào hệ thống thị trường thế giới hay không. Nhưng tình hình khác hẳn vì quá trình thực dân hóa đã đẩy tất cả những vùng lãnh thổ này vào khuôn khổ của cộng đồng kinh tế toàn cầu. Nền kinh tế châu Âu hiện phụ thuộc khá nhiều vào sự tham gia của châu Phi và những vùng lãnh thổ rộng lớn của châu Á vào nền kinh tế thế giới với vai trò là những nước cung cấp tất cả các nguyên vật liệu. Người ta không dùng vũ lực để tước đoạt những nguyên vật liệu này. Nguyên vật liệu cũng không phải là đồ cống nạp mà được trao tay trên cơ sở trao đổi tự nguyện với những sản phẩm công nghiệp của châu Âu. Như vậy quan hệ không phải là một chiều, ngược lại, nó có lợi cho cả hai bên, và người dân các nước thuộc địa cũng nhận được nhiều lợi ích như người dân Anh hay Thụy Sĩ. Bất kì sự ngừng trệ nào trong quan hệ thương mại cũng sẽ gây ra những thiệt hại kinh tế nghiêm trọng đối với châu Âu cũng như đối với các nước thuộc địa, và sẽ làm giảm đáng kể mức sống của rất nhiều người. Vì sự mở rộng một cách chậm chạp các quan hệ kinh tế trên toàn thế giới và sự phát triển một cách từ từ nền kinh tế thế giới là một trong những nguồn gốc quan trọng nhất của sự gia tăng tài sản trong một trăm năm mươi năm qua, nên sự đảo ngược xu hướng này sẽ trở thành thảm họa kinh tế thế giới chưa từng có từ trước đến nay. Mức độ và hậu quả của thảm họa này sẽ vượt xa cuộc khủng hoảng do Thế chiến gây ra. Liệu ta có thể để cho sự thịnh vượng của châu Âu, đồng thời cũng là sự thịnh vượng của các nước thuộc địa, đi xuống chỉ với mục đích là tạo cho người dân các nước thuộc địa cơ hội tự quyết định vận mệnh chính trị của mình, khi mà nó không dẫn họ đến tự do mà chỉ dẫn đến việc thay thầy đổi chủ?
    Đây phải là luận cứ quyết định trong việc đánh giá chính sách thuộc địa. Các quan chức, quân đội và cảnh sát cần phải ở lại trong những vùng lãnh thổ này cho đến chừng nào mà sự hiện diện của họ vẫn là điều cần thiết để bảo đảm những điều kiện chính trị và luật pháp cho sự tham gia của các lãnh thổ thuộc địa vào nền thương mại quốc tế. Cần phải tạo đầy đủ điều kiện cho hoạt động thương mại, công nghiệp và nông nhiệp tại các nước thuộc địa, bảo đảm việc khai thác mỏ và đưa sản phẩm bằng đường bộ hoặc đường sông đến các hải cảng, và từ đó đến châu Âu và Mĩ. Tất cả những hoạt động kinh tế như thế cần phải được tiếp tục, và là quyền lợi của tất cả mọi người: đấy không chỉ là quyền lợi của người dân châu Âu, châu Mĩ hay châu Úc mà còn là quyền lợi của người dân các nước thuộc địa ở châu Á và châu Phi. Khi chính quốc chỉ hoạt động trong lĩnh vực kinh tế thì ngay cả những người có quan điểm tự do cũng sẽ không phản đối.
    Nhưng ai cũng biết rằng tất cả các chính quốc đều vi phạm một cách nghiêm trọng nguyên tắc này. Chẳng cần phải nhắc lại những cảnh tượng kinh hoàng diễn ra ở nước Congo thuộc Bỉ mà các phóng viên trung thực người Anh đã nói tới. Cứ cho là những sự tàn bạo như thế không phải là do chính phủ Bỉ gây ra mà chỉ là sự quá lạm và độc ác của những viên chức được đưa tới Congo. Nhưng việc hầu như tất cả các chính quốc đều thiết lập tại những vùng lãnh thổ hải ngoại của họ hệ thống thương mại có lợi cho hàng hóa của chính quốc chứng tỏ rằng những quan điểm đang giữ thế thượng phong trinh chính sách thuộc địa hiện nay thật khác xa với những quan điểm đáng lẽ phải trở thành chủ đạo.
    Muốn làm cho quyền lợi của châu Âu và của người da trắng hài hòa với quyền lợi của người da màu tại các nước thuộc địa về tất cả những vấn đề liên quan đến chính sách kinh tế thì phải giao cho Hội Quốc liên quyền lực tối cao trong việc cai quản những vùng lãnh thổ hải ngoại chưa có hệ thống chính phủ đại nghị. Hội Quốc liên sẽ phải theo dõi để những vùng đất chưa có chính phủ tự quản sẽ được giao quyền tự quản càng sớm càng tốt, và quyền lực của chính quốc chỉ được giới hạn trong việc bảo vệ tài sản, bảo vệ quyền công dân cho người ngoại quốc, và bảo vệ những quan hệ thương mại. Người dân thuộc địa, cũng như công dân các nước khác, phải được quyền gửi đơn khiếu kiện trực tiếp tới Hội Quốc liên, đấy là nói trong những trường hợp khi mà những biện pháp của chính quốc vượt quá khuôn khổ cần thiết cho việc bảo đảm an toàn thương mại, ngoại thương và hoạt động kinh tế nói chung tại những vùng lãnh thổ đó; còn Hội Quốc liên thì có đủ quyền hành giải quyết các khiếu nại như thế.
    Như vậy, việc áp dụng những nguyên tắc đó có nghĩa là tất cả các vùng lãnh thổ hải ngoại của các nước châu Âu trước hết cần được giao cho Hội Quốc liên cai quản. Nhưng đây chỉ được coi là giai đoạn chuyển tiếp. Mục đích cuối cùng phải là giải phóng hoàn toàn các nước thuộc địa khỏi sự cai trị bạo ngược mà họ đang phải gánh chịu hiện nay. Cách giải quyết như thế cho vấn đề hóc búa này - mà cùng với thời gian, sẽ ngày càng khó khăn hơn - sẽ làm cho không chỉ các nước không có thuộc địa ở châu Âu và châu Mĩ mà cả các nước có thuộc địa lẫn dân chúng các nước thuộc địa hài lòng. Các nước thực dân phải hiểu rằng họ không thể cai trị các thuộc địa được mãi. Chủ nghĩa tư bản đã thâm nhập vào những vùng lãnh thổ này, người dân thuộc địa đã tự tin hơn, sự khác biệt về văn hóa giữa những tầng lớp trên của họ và những quan chức cũng như sĩ quan thay mặt chính quốc làm nhiệm vụ cai trị đã không còn. Hiện nay việc phân bố quyền lực, về mặt quân sự và chính trị, đã khác hẳn với cách đây chỉ một thế hệ. Nỗ lực của các cường quốc châu Âu, Mĩ và Nhật nhằm đối xử với Trung Quốc như một nước thuộc địa đã thất bại. Người Anh phải rút khỏi Ai Cập, còn ở Ấn Độ thì họ phải lui về vị trí phòng thủ. Mọi người cũng đều biết rằng trước những cuộc tấn công của phong trào giải phóng, Hà Lan sẽ không thể giữ được Đông Ấn. Các thuộc địa của Pháp ở châu Phi và châu Á cũng ở trong tình trạng tương tự. Người Mĩ cũng đang gặp rắc rối với Philippines và sẵn sàng rút khi có điều kiện. Việc chuyển các thuộc địa cho Hội Quốc liên cai quản sẽ bảo đảm cho các nước thực dân giữ được vốn đầu tư của họ và tránh cho họ những hi sinh trong việc đàn áp những vụ nổi dậy của dân chúng thuộc địa. Còn dân chúng thuộc địa sẽ mang ơn đề xuất bảo đảm cho họ nền độc lập bằng đường lối hòa bình, và cùng với nó là bảo đảm rằng trong tương lai các nước lân bang sẽ không xâm chiếm và đe dọa nền độc lập chính trị của họ.

    7. Thương mại tự do

    Chứng minh về mặt lí thuyết những hậu quả của biểu thuế nhập khẩu có tính chất bảo hộ và nền thương mại tự do là hòn đá tảng của môn kinh tế học cổ điển. Nó rõ ràng, hiển nhiên và không thể tranh cãi được đến nỗi những người phản đối không thể đưa ra bất kì luận cứ chống đối nào mà không bị bác bỏ, không bị coi là sai lầm và vô lí ngay lập tức.
    Thế mà hiện nay ở đâu chúng ta cũng thấy những biểu thuế có tính chất bảo hộ, mà nhiều khi còn cấm nhập khẩu nữa. Ngay ở Anh, quê hương của thương mại tự do, hiện nay chủ nghĩa bảo hộ cũng đang giữ thế thượng phong. Số người ủng hộ nguyên tắc tự cấp tự túc đang tăng lên mỗi ngày. Ngay cả những nước chỉ có vài triệu dân như Hungary và Tiệp Khắc cũng định dùng những chính sách như thuế cao và cấm nhập khẩu nhằm tách ra khỏi phần còn lại của thế giới. Tư tưởng chủ đạo của chính sách ngoại thương của Mĩ là áp mức thuế nhập khẩu tất cả các loại hàng hóa sản xuất với giá thành rẻ hơn ở nước ngoài đúng bằng với sự chênh lệch với giá thành sản xuất trong nước. Tình trạng trở nên lố bịch khi tất cả các nước đều muốn giảm nhập nhưng lại tăng xuất. Hậu quả của những chính sách này là sự can thiệp vào quá trình phân công lao động trên thế giới, và vì vậy làm cho năng suất lao động nói chung giảm đi. Người ta không nhận ra được là vì lí do duy nhất sau đây: sự tiến bộ của hệ thống tư bản chủ nghĩa bao giờ cũng đủ sức vượt qua được những hậu quả tiêu cực của chính sách đó. Nhưng không nghi ngờ gì rằng mỗi người sẽ giàu thêm nếu những biểu thuế có tính chất bảo hộ
    như thế không cố tình đẩy quá trình sản xuất từ những vùng thuận lợi sang những vùng ít thuận lợi hơn.
    Khi hệ thống thương mại được hoàn toàn tự do thì vốn và lao động sẽ được chuyển đến những nơi có điều kiện sản xuất thuận lợi nhất. Cùng với sự phát triển các phương tiện giao thông, cải tiến công nghệ và khảo sát kĩ lưỡng hơn các nước mới tham gia vào nền thương mại thế giới, người ta sẽ tìm ra những địa điểm mới, những địa điểm thuận lợi hơn sẽ được phát hiện, và sản xuất sẽ được chuyển đến những vị trí mới. Vốn và lao động có xu hướng chuyển từ những khu vực ít thuận lợi sang những khu vực có điều kiện thuận lợi hơn.
    Nhưng việc luân chuyển vốn và lao động đòi hỏi không chỉ hoàn toàn tự do thương mại mà còn đòi hỏi không được có những hàng rào ngăn cản việc luân chuyển vốn và lao động từ nước này sang nước khác. Khi học thuyết về thương mại tự do mới xuất hiện thì điều này quả là còn xa vời. Lúc đó việc luân chuyển vốn và lao động đã gặp một loạt rào cản. Vì không nắm được các điều kiện, không tin tưởng vào luật pháp và trật tự và nhiều lí do tương tự, các nhà tư sản không muốn đầu tư vào nước ngoài. Còn công nhân thì không dám rời bỏ đất nước quê hương vì không chỉ không biết tiếng mà còn sợ những rắc rối về luật pháp, tôn giáo và nhiều khó khăn khác nữa.
    Vào đầu thế kỉ XIX, có thể khẳng định chắc chắn là vốn và lao động đã có thể luân chuyển tự do trong nội bộ mỗi nước, chỉ có chuyển từ nước này sang nước khác mới gặp cản trở. Lời biện họ duy nhất cho sự khác biệt về lí thuyết kinh tế nội thương và lí thuyết kinh tế ngoại thương ắt phải nằm trong cái thực tế là đối với nội thương thì vốn và lao động có thể luân chuyển tự do còn ngoại thương thì lại khác. Như vậy, vấn đề mà lí thuyết kinh tế cổ điển phải giải thích có thể được viết như sau: thương mại tự do hàng hóa tiêu dùng giữa các nước sẽ bị ảnh hưởng như thế nào nếu việc luân chuyển vốn và lao động từ nước này sang nước kia bị hạn chế?
    Lí thuyết của Ricardo đã trả lời câu hỏi này. Các ngành sản xuất phân bố giữa các nước sao cho mỗi nước đều dành hết nguồn lực của nó cho những ngành mà họ có ưu thế nhất so với các nước khác. Những người theo chủ nghĩa trọng thương sợ rằng đất nước có những điều kiện sản xuất bất lợi sẽ nhập nhiều hơn xuất, và cuối cùng sẽ không còn tiền. Họ đòi phải ban hành đúng lúc những biểu thuế có tính chất bảo hộ, và cấm nhập khẩu nhằm tránh những trường hợp đáng tiếc như thế. Lí thuyết kinh tế cổ điển chứng minh rằng sợ hãi như thế là thiếu cơ sở. Ngay cả đất nước mà điều kiện sản xuất trong từng ngành đều kém thuận lợi hơn các nước khác thì cũng không cần sợ là họ sẽ xuất ít hơn là nhập. Lí thuyết cổ điển đã chứng minh một cách xuất sắc và hiển nhiên, không thể phủ nhận được rằng ngay cả những nước có những điều kiện sản xuất tương đối thuận lợi cũng phải thấy rằng họ sẽ được lợi nếu nhập từ các nước có những điều kiện sản xuất tương đối bất lợi những món hàng mà chắc chắn họ sẽ sản xuất với giá rẻ hơn, nhưng không rẻ bằng những món hàng mà họ đang sản xuất.
    Như vậy, lí thuyết cổ điển về thương mại tự do đã nói với các chính khách như sau: có những nước có điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi, và có những nước mà điều kiện tự nhiên tương đối bất lợi. Một khi không có sự can thiệp của chính phủ vào quá trính phân công lao động quốc tế, từng nước sẽ tìm được vị trí của mình trong nền kinh tế thế giới bất chấp những điều kiện sản xuất của nó so với những nước khác. Dĩ nhiên là những nước có điều kiện sản xuất thuận lợi sẽ giàu hơn những nước khác, nhưng đấy là điều mà biện pháp chính trị không thể thay đổi được. Đấy đơn giản chỉ là kết quả của sự khác biệt trong những nhân tố của quá trình sản xuất.
    Chủ nghĩa tự do trước đây đã gặp phải tình huống như thế, và nó đã trả lời bằng lí thuyết cổ điển về thương mại tự do. Nhưng kể từ thời Ricardo, tình hình thế giới đã thay đổi rất nhiều, và vấn đề mà lí thuyết về thương mại tự do phải giải quyết trong vòng sáu mươi năm trước khi nổ ra Thế chiến khác hẳn với vấn đề mà nó phải giải quyết hồi cuối thế kỉ XVIII và đầu thế kỉ XIX. Những rào cản, ngăn chặn việc luân chuyển tự do vốn và lao động đầu thế kỉ XIX đã phần nào được dỡ bỏ. Trong nửa sau thế kỉ XIX, các nhà tư sản dễ dàng đầu tư vào nước ngoài hơn thời Ricardo còn sống rất nhiều. Luật pháp và trật tự đã được thiết lập trên nền tảng vững chắc hơn; hiểu biết về nước ngoài, phong tục và truyền thống cũng nhiều hơn; và các công ty cổ phần tạo điều kiện cho người ta chia rủi ro của những công ty ngoại quốc cho nhiều người, và như vậy cũng làm cho rủi ro của mỗi người giảm đi. Dĩ nhiên là sẽ cường điệu khi nói rằng đầu thế kỉ XX chuyển vốn từ nước này sang nước kia cũng dễ dàng như dịch chuyển giữa các vùng trong một nước. Chắc chắn vẫn còn một số khó khăn, nhưng giả định rằng đồng vốn phải được giữ trong biên giới quốc gia mỗi nước đã không còn giá trị. Lao động cũng tương tự. Trong nửa sau thế kỉ XIX, hàng triệu người đã rời bỏ châu Âu để tìm vận may ở hải ngoại.
    Vì những điều kiện mà lí thuyết thương mại tự do cổ điển giả định, mà cụ thể là sự bất động của vốn và lao động đã không còn tồn tại cho nên sự khác biệt giữa hậu quả của thương mại tự do trong nội thương và ngoại thương cũng không còn giá trị. Nếu vốn và lao động có thể di chuyển một cách tự do từ nước nọ sang nước kia như giữa các vùng trong mỗi nước thì sẽ không còn cơ sở biện minh cho việc phân biệt các tác động của nền thương mại tự do trong nội thương và ngoại thương: kết quả của nền thương mại tự do là sản xuất sẽ được bố trí ở những vùng có điều kiện tương đối thuận lợi, còn những vùng không thuận lợi thì không được sử dụng. Vốn và lao động sẽ chảy từ những vùng có điều kiện sản xuất ít thuận lợi sang những vùng có điều kiện sản xuất thuận lợi hơn, hay nói chính xác hơn là chảy từ những nước lâu đời hơn và có mật độ dân số cao hơn sang những vùng có thể cung cấp những điều kiện sản xuất thuận lợi hơn.
    Đối với các quốc gia châu Âu, sở hữu cả những khu vực định cư cũ ở châu Âu lẫn lãnh thổ thuộc địa hải ngoại, thì điều này chỉ có nghĩa là họ đưa một số cư dân ra ngoại quốc mà thôi. Ví dụ như nước Anh, một số đồng bào của họ hiện sống ở Canada, Australia và Nam Phi. Những người di cư rời khỏi nước Anh vẫn có thể giữ quyền công dân ở chính quốc. Nhưng nước Đức thì lại khác. Người Đức di cư phải sống trên vùng lãnh thổ của nước khác và giữa những người thuộc sắc tộc khác. Người đó trở thành công dân nước khác, và có nhiều khả năng là con cháu người đó sẽ không còn liên hệ với nước Đức nữa, và sau một, hai hoặc, nhiều lắm là ba thế hệ, quá trình đồng hóa với dân ngoại tộc sẽ hoàn thành. Nước Đức gặp phải vấn đề là phải có thái độ như thế nào trước việc một phần vốn và người dân của họ di cư ra nước ngoài.
    Không được lầm lẫn và cho rằng ở nửa cuối thế kỉ XIX, trong chính sách thương mại, Anh và Đức phải đối diện với cùng một loại vấn đề. Đối với Anh, vấn đề là có nên cho một số thần dân của họ di cư sang những nước nằm trong Liên hiệp Anh hay không, và họ không tìm thấy bất kì lí do nào để phải ngăn chặn việc di dân như thế. Đối với Đức, vấn đề lại là nên có thái độ như thế nào trước việc người dân của họ di cư đến các nước thuộc địa của Anh, Nam Phi và những nước khác, và có nhiều khả năng là sau một thời gian những di dân này sẽ từ bỏ quốc tịch và dân tộc của mình như hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu người di dân trước đây. Đế chế Đức không muốn chuyện đó. Vì vậy trong những năm 1860 và 1870 Đức đã tiến gần đến chính sách thương mại tự do, thì cuối những năm 1870 lại chuyển sang chế độ bảo hộ, bằng cách áp dụng thuế nhập khẩu nhằm bảo vệ nền nông nghiệp và công nghiệp Đức khỏi những người cạnh tranh ngoại quốc. Nhờ biểu thuế có tính chất bảo hộ như thế mà nông nghiệp Đức mới phần nào đứng vững được trước sự cạnh tranh của những trang trại ở Đông Âu và hải ngoại có đất đai màu mỡ hơn, và nền công nghiệp Đức có thể tạo ra những tập đoàn độc quyền nhằm giữ giá bán trong nước cao hơn trên thị trường thế giới, và dùng lợi nhuận đó để bù lỗ cho những món hàng xuất khẩu mà họ sẽ bán với giá thấp hơn của những công ty cạnh tranh ngoại quốc.
    Nhưng mục đích mà người ta đặt ra khi quay trở lại với chủ nghĩa bảo hộ thì sẽ chẳng bao giờ đạt được. Giá thành sản xuất và giá sinh hoạt càng cao - đấy là hậu quả trực tiếp của những biểu thuế mang tính chất bảo hộ - thì việc buôn bán của họ càng gặp nhiều khó khăn hơn. Chắc chắn là Đức đã có điều kiện tạo ra một cú tăng trưởng đột biến về công nghiệp trong ba thập niên đầu của thời kì chính sách thương mại mới. Nhưng cú nhảy này vẫn có thể xảy ra mà không cần áp dụng biểu thuế bảo hộ như thế vì đấy chủ yếu là do người ta đã áp dụng những phương pháp sản xuất mới trong ngành sản xuất gang thép và công nghiệp hóa học, tạo điều kiện cho việc sử dụng một cách hiệu quả hơn nguồn lực tự nhiên mà Đưc có thừa.
    Chính sách bài chủ nghĩa tự do, cấm đoán việc luân chuyển lao động giữa các nước, và ngăn cản đáng kể việc luân chuyển đồng vốn, đã xóa đi phần nào sự khác biệt về điều kiện trong thương mại quốc tế giữa thời kì đầu với thời kì cuối thế kỉ XIX, và quay lại với những điều kiện từng giữ thế thượng phong khi học thuyết về thương mại tự do mới hình thành. Một lần nữa vốn, và trước hết là lao động, đã không còn được tự do luân chuyển. Trong những điều kiện hiện nay, việc buôn bán một cách tự do hàng hóa tiêu dùng không thể làm cho phong trào di dân tăng lên một cách đáng kể. Một lần nữa, kết quả sẽ lại là từng dân tộc sẽ tham gia vào những lĩnh vực và những ngành sản xuất mà nước họ có điều kiện sản xuất tương đối thuận lợi hơn.
    Dù điều kiên tiên quyết cho sự phát triển nền thương mại quốc tế có như thế nào đi nữa thì biểu thuế mang tính bảo hộ chỉ có thể dẫn đến kết quả sau đây: không cho người ta sản xuất ở những nơi có điều kiện tự nhiên và xã hội thuận lợi nhất, và buộc người ta phải sản xuất ở những nơi có điều kiện bất lợi hơn. Vì vậy, chủ nghĩa bảo hộ chỉ dẫn đến kết quả là năng suất lao động sẽ giảm đi. Những người ủng hộ thương mại tự do hoàn toàn không phủ nhận là cái xấu xa mà các dân tộc muốn dùng các biện pháp bảo hộ để chống lại đúng là cái xấu xa. Họ chỉ khẳng định rằng các phương tiện mà những người theo chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa bảo hộ đưa ra không thể loại bỏ được cái xấu xa đó. Vì vậy mà họ đề nghị một cách làm khác. Người theo trường phái tự do cho rằng muốn tạo điều kiện cho một nền hòa bình bền vững thì phải thay đổi một trong những đặc trưng của tình hình thế giới hiện nay: do áp dụng chính sách bài chủ nghĩa tự do, những người di dân từ những nước như Đức và Ý bị đối xử như những đứa con ghẻ trong một thế giới bị chia cắt, và bị buộc phải từ bỏ quốc tịch của mình.
     
    Chỉnh sửa cuối: 29/6/15
  12. notrinos

    notrinos Lớp 5


    8. Tự do đi lại


    Chủ nghĩa tự do đôi khi bị phê phán với lí do là cương lĩnh của nó chủ yếu là mang tính tiêu cực. Người ta còn khẳng định rằng đấy là do chính bản chất của tự do, nó chỉ có thể được hiểu là tự do khỏi một điều gì đó, vì đòi hỏi tự do thực chất là từ chối một yêu cầu nào đó. Mặt khác, người ta cho rằng cương lĩnh của các đảng độc tài lại có tính chất tích cực. Vì các thuật ngữ "tiêu cực" và "tích cực" đã hàm ý đánh giá về giá trị cho nên nói như thế là đã có ẩn ý bôi nhọ cương lĩnh chính trị của chủ nghĩa tự do.
    Không cần phải nhắc lại ở đây rằng cương lĩnh của chủ nghĩa tự do - xã hội đặt nền tảng trên quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất - là cương lĩnh không kém phần tích cực hơn bất cứ cương lĩnh chính trị nào khác. Cái tiêu cực trong cương lĩnh của chủ nghĩa tự do là phủ nhận, bác bỏ và đấu tranh chống lại mọi hiện tượng trái ngược với cương lĩnh mang tính tích cực này. Trong tư thế phòng thủ như thế - mọi phong trào đều như thế - cương lĩnh của chỉ nghĩa tự do phụ thuộc vào thái độ của các đối thủ của nó. Chỗ nào có lực lượng đối kháng mạnh nhất thì chủ nghĩa tự do cũng phải đáp trả một cách mạnh mẽ nhất, còn ở đâu lực lượng phản kháng yếu hoặc hoàn toàn không đối kháng thì chỉ cần vài lời là đủ, tất cả phụ thuộc vào hoàn cảnh. Vì trong tiến trình lịch sử, lực lượng đối kháng mà chủ nghĩa tự do từng gặp đã có thay đổi cho nên khía cạnh phòng thủ của cương lĩnh tự do cũng có nhiều thay đổi.
    Rõ ràng nhất là quan điểm của nó trong vấn đề tự do đi lại. Người theo trường phái tự do đòi hỏi rằng mỗi người đều có quyền sống ở nơi người đó muốn. Đây không phải là đòi hỏi "tiêu cực". Mỗi người có thể làm và sử dụng thu nhập của mình ở nơi mà mình cho là tốt nhất, đấy chính là bản chất của xã hội đặt nền tảng trên quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất. Nguyên tắc này chỉ có tính chất tiêu cực nếu nó xung đột với những lực lượng ngăn chặn quyền tự do đi lại. Về mặt này, trong suốt chiều dài lịch sử, quyền tự do đi lại đã có nhiều thay đổi. Khi chủ nghĩa tự do mới xuất hiện, trong thế kỉ XVIII-XIX, nó đã phải đấu tranh đòi quyền được xuất ngoại. Hiện nay đấy là cuộc đấu tranh đòi quyền nhập cư. Đồng thời nó còn phải đấu tranh chống lại những điều luật gây khó khăn cho việc di chuyển vào thành phố, và chống lại những biện pháp trừng phạt nặng nề những người bỏ nước ra đi nhằm tìm cơ hội tốt hơn ở nước ngoài. Nhưng việc nhập cư nói chung là tự do và không gặp trở ngại.
    Hiện nay, như mọi người đều biết, tình hình đã thay đổi hẳn. Xu hướng mới với những điều luật chống việc nhập cư của những người cu li Trung Quốc đã xuất hiện trong mấy thập niên gần đây. Hiện nay, trong tất cả các nước có vẻ hấp dẫn đối với người nhập cư đều có những điều luật cấm đoán hoàn toàn hoặc ít nhất là cũng tạo ra những hạn chế đáng kể đối với việc nhập cư.
    Chính sách này cần được xem xét từ hai quan điểm: thứ nhất, chính sách của các công đoàn và thứ hai, chính sách bảo hộ của nhà nước.
    Ngoài những biện pháp có tính bạo lực như đóng cửa cơ sở sản xuất, đình công bắt buộc và dùng vũ lực ngăn cản những người muốn làm việc, tổ chức công đoàn còn một cách gây ảnh hưởng đến thị trường lao động nữa: giới hạn khả năng cung ứng sức lao động. Nhưng vì công đoàn không thể giảm được số người lao động trên thế giới cho nên cách duy nhất là ngăn không cho người ta tìm việc làm, và bằng cách đó giảm được số người làm trong một ngành hay một nước nào đó, gây thiệt hại cho những người làm việc trong các ngành khác hoặc sống ở những nước khác. Vì những lí do chính trị thực tế, những người làm trong một ngành đặc biệt nào đó khó có thể ngăn cản được công nhân trong nước xâm nhập vào ngành của mình. Nhưng ngăn chặn lao động nước ngoài thì không có khó khăn gì.
    Ở Mĩ, điều kiện sản xuất thuận lợi hơn và đồng thời năng suất lao động cũng cao hơn, cho nên lương của người lao động cũng cao hơn so với phần lớn khu vực ở châu Âu. Nếu không có những rào cản trong việc nhập cư thì nhiều người lao động châu Âu đã di cư đến Mĩ để tìm việc làm. Luật nhập cư của Mĩ làm cho việc đó trở nên đặc biệt khó khăn. Như vậy nghĩa là, tiền lương ở Mĩ được giữ ở mức cao hơn là đáng lẽ nó có thể đạt được nếu người ta được quyền tự do di cư, trong khi ở châu Âu tiền lương lại bị giữ ở mức thấp. Thế là công nhân Mĩ được lợi, còn công nhân châu Âu lại bị thiệt.
    Nhưng sẽ là sai lầm nếu chỉ xem xét hậu quả của những rào cản của việc nhập cư từ quan điểm là nó ảnh hưởng trực tiếp đến tiền lương. Hậu quả sâu rộng hơn nhiều. Dư thừa lao động ở những khu vực có điều kiện sản xuất kém thuận lợi, và thiếu hụt lao động ở những khu vực có điều kiện sản xuất tương đối thuận lợi hơn dẫn đến kết quả là sản xuất được mở rộng hơn ở những nơi không thuận lợi, và thu hẹp hơn ở những nơi thuận lợi hơn là đáng lẽ phải có trong trường hợp được hoàn toàn tự do di cư. Không được tự do di cư cũng gây ra những hậu quả tương tự như những biểu thuế có tính chất bảo hộ. Khu vực có cơ hội sản xuất tương đối thuận lợi hơn thì bị bỏ phí, trong khi khu vực có điều kiện sản xuất bất lợi lại được sử dụng. Nếu nhìn từ quan điểm toàn nhân loại thì sẽ thấy kết quả là năng suất lao động giảm đi và số hàng hóa mà loài người có thể sở hữu cũng giảm theo.
    Vì vậy, những cố gắng nhằm dùng lí do kinh tế để biện họ cho chính sách cản trở nhập cư chắc chắn sẽ thất bại. Không nghi ngờ gì rằng các rào cản nhập cư sẽ làm giảm năng suất lao động trên toàn thế giới. Bằng hành động ngăn cản nhập cư nhằm bảo vệ đặc quyền của mình, những tôt chức công đoàn ở Mĩ hoặc ở Australia đang chiến đấu chống lại không chỉ quyền lợi của những người công nhân các nước khác trên thế giới mà còn chống lại quyền lợi của tất cả mọi người. Tuy nhiên, vẫn còn chưa rõ là liệu sự gia tăng năng suất lao động do chế độ tự do di cư tạo ra có đủ sức bù đắp những thiệt hại do những người công nhân ngoại quốc nhập cư gây ra cho các tổ chức công đoàn Mĩ và Australia hay không.
    Công nhân Mĩ và Australia đã không thể thu được thành công trong việc áp đặt những hạn chế đối với việc di cư nếu không có luận cứ khác chống lưng cho chính sách của họ. Dù thế nào thì ngày hôm nay một số nguyên tắc và tư tưởng tự do cũng mạnh đến nỗi không ai có thể chống lại được nếu người ta không đưa ra những lí lẽ được cho là cao hơn và quan trọng hơn là mục tiêu phải đạt năng suất lao động cao nhất. Chúng ta đã thấy người ta viện dẫn "quyền lợi quốc gia" để biện họ cho biểu thuế có tính chất bảo hộ như thế nào. Những lí lẽ như thế cũng được nại ra nhằm bảo vệ cho những hạn chế trong việc di cư.
    Người ta khẳng định rằng nếu không có những rào cản đối với quá trình di dân thì người nhập cư từ những vùng quá đông dân của châu Âu sẽ tràn ngập Mĩ và Australia. Người nhập cư sẽ nhiều đến nỗi chẳng thể nào đồng hóa được nữa. Trước đây, những người nhập cư vào Mĩ đã nhanh chóng chấp nhận tiếng Anh và lối sống Mĩ một phần vì họ không đến ngay một lúc đông như thế. Các nhóm người nhập cư không đông lắm, lại được phân ra trên những khu vực rộng lớn, đã nhanh chóng hòa nhập vào môi trường sống của người dân Mĩ. Người nhập cư mới tới khi những người nhập cư trước đã bị đồng hóa được một nửa rồi. Một trọng những lí do căn bản của việc đồng hóa là không có quá đông người nhập cư từ các nước khác. Người ta tin rằng hiện nay tình hình đã khác, và có nguy cơ là uy thế - hay nói đúng hơn là thế thượng phong - của những người Anglo-Saxon ở Mĩ sẽ không còn. Đặc biệt đáng sợ nếu đấy lại là làn sóng di dân của những người gốc Mông Cổ ở châu Á.
    Có vẻ như đối với Mĩ, nỗi sợ hãi đã bị thổi phồng một cách quá đáng. Còn đối với Australia thì không. Australia chỉ có số dân tương đương số dân Áo mà thôi, nhưng nguồn tài nguyên thiên nhiên thì giàu có hơn rất nhiều. Nếu Australia mà để ngỏ cho người nhập cư thì chỉ sau vài năm dân cư sẽ bao gồm chủ yếu là người Nhật, người Trung Quốc và người Mã Lai.
    Rõ ràng là nhiều người hiện nay có thái độ ác cảm đối với dân ngoại quốc, mà đặc biệt là đối với dân các chủng tộc khác, đến mức khó có thể đưa ra được giải pháp hòa bình cho những mâu thuẫn một mất một còn như thế. Khó có thể hi vọng rằng người Australia sẽ tự nguyện đồng ý cho người châu Âu không phải gốc Anh nhập cư, và hoàn toàn loại trừ khả năng họ sẽ cho phép người châu Á tìm kiếm công ăn việc làm và định cư ở trên lục địa này. Người Australia gốc Anh khăng khăng rằng vì người Anh là những người đầu tiên mở ra các khu định cư ở châu lục này cho nên trong tương lai dân Anh vẫn có toàn quyền sở hữu toàn bộ châu lục. Nhưng người của các dân tộc khác trên thế giới không bao giờ muốn thách thức quyền chiếm hữu của người Australia trên những vùng đất mà họ đã canh tác ở Australia. Người ta chỉ nghĩ rằng việc cấm sử dụng những khu vực có điều kiện sản xuất thuận lợi hơn mà hiện đang bị bỏ hoang, và buộc họ phải tiến hành sản xuất ở những khu vực có điều kiện kém thuận lợi ở quê hương họ là việc làm bất công.
    Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng nhất đối với tương lai của thế giới. Thực vậy, số phận của nền văn minh phụ thuộc vào giải pháp thỏa đáng cho vẫn đề đó. Một bên là rất nhiều người, thậm chí hàng triệu người châu Âu và châu Á, buộc phải làm việc trong những điều kiện sản xuất kém thuận lợi hơn là họ có thể tìm được trên những vùng đất mà họ không được bén mảng tới. Họ yêu cầu mở cửa "thiên đường bị cấm đoán" để họ có thể gia tăng năng suất lao động và có mực sống cao hơn. Bên kia là những người gặp may vì đã được sinh ra và sống ở vùng đất có điều kiện sản xuất thuận lợi hơn. Họ không muốn - đấy là nói những người công nhân chứ không phải những người sở hữu tư liệu sản xuất - từ bỏ đồng lương cao hơn mà họ đang được hưởng. Trong khi đó toàn thể dân tộc đều tỏ ra sợ hãi trước làn sóng di dân của người ngoại quốc. Người dân sống trong những vùng đất phì nhiêu sợ rằng một ngày nào đó họ có thể trở thành người thiểu số ngay trong đất nước của mình và chịu những cảnh săn đuổi kinh hoàng mà, ví dụ như, người Đức ở Tiệp Khắc, ở Ý và Ba Lan đang phải chịu.
    Không thể phủ nhận rằng những nỗi sợ hãi như thế là có lí do. Vì hiện nay nhà nước nắm trong tay quyền lực rất lớn cho nên dân tộc thiểu số chắc chắn sẽ phải chịu những hành động tồi tệ nhất từ phía dân tộc đa số. Khi nhà nước còn được giao nhiều quyền lực như hiện nay, và khi dư luận xã hội còn cho là nó đúng thì chỉ nghĩ đến việc phải sống trong một nước mà chính phủ nằm trong tay người của dân tộc khác đã làm người ta phát hoảng rồi. Thật kinh khủng khi phải sống trong một đất nước mà ở đâu người ta cũng bị đa số cầm quyền bức hại - nhưng lại được núp dưới chiêu bài bảo vệ công lí. Một đứa trẻ trong trường học bị thiệt thòi vì là người dân tộc thiểu số, một người dân bị chính quyền hoặc tòa án cho là sai chỉ vì mình là người dân tộc thiểu số, tất cả đều là những hiện tượng đáng sợ.
    Nếu chỉ xem xét vấn đề từ quan điểm như thế thì sẽ chẳng còn giải pháp nào ngoài giải pháp chiến tranh. Trong trường hợp đó, có lẽ dân tộc có ít người hơn sẽ thua, ví dụ như các dân tộc Á châu có hàng trăm triệu người sẽ đẩy được hậu duệ của dân da trắng ra khỏi Australia. Nhưng chúng tôi không muốn đưa ra những đề nghị như thế. Vì chắc chắn là những cuộc chiến tranh như thế - chúng ta phải giả định là vấn đề toàn cầu to lớn như thế không thể được giải quyết một lần và vĩnh viễn bằng một cuộc chiến tranh - sẽ dẫn nền văn minh đến những tai họa khủng khiếp nhất.
    Rõ ràng là không thể giải quyết được vấn đề nhập cư nếu người ta cứ bám lấy những lí tưởng về nhà nước can thiệp, tức là nhà nước can thiệp vào mọi lĩnh vực hoạt động của con người hay bám lấy những lí tưởng về nhà nước xã hội chủ nghĩa. Chỉ có áp dụng cương lĩnh của chủ nghĩa tự do thì mới xóa được vấn đề di dân - một vấn đề không thể giải quyết được hiện nay - khỏi chương trình nghị sự. Nếu Australia được cai trị theo những nguyên tắc tự do thì liệu còn những khó khăn nào có thể xuất hiện từ thực tế rằng ở đâu đó trên châu lục người Nhật chiếm đa số, còn ở những vùng khác người Anh lại chiếm đa số?

    9. Hợp chủng quốc châu Âu

    Hợp chủng quốc Hoa Kì là nước giàu nhất và mạnh nhất thế giới. Đây là nơi chủ nghĩa tư bản có thể phát triển một cách tự do nhất và ít bị nhà nước can thiệp nhất trên thế giới. Vì vậy mà công dân Hợp chủng quốc Hoa Kì cũng là những người giàu nhất thế giới. Nước này không dính líu vào bất cứ cuộc chiến tranh nào trong suốt hơn sáu mươi năm qua. Nếu họ không tiến hành chiến tranh hủy diệt người bản xứ, nếu họ không đánh nhau với Tây Ban Nha vào năm 1898, và nếu họ không tham gia vào cuộc Thế chiến vừa qua thì hiện nay chỉ còn một ít người cao tuổi có thể trực tiếp kể lại cho con cháu nghe chiến tranh nghĩa là gì. Chưa chắc chính người Mĩ đã đánh giá được hết ý nghĩa của việc họ là quốc gia thực thi chính sách của chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa tư bản một cách cẩn thận và đầy đủ hơn bất kì nước nào khác trên thế giới. Ngay cả người ngoại quốc cũng không biết điều gì đã làm cho một nước mà họ ghen tị trở thành giàu có và hùng mạnh đến như thế. Nhưng trừ một ít những người oán hận và khinh ghét "chủ nghĩa vật chất" của nền văn hóa Mĩ, tất cả mọi người đều chẳng muốn gì hơn là nước họ cũng trở thành giàu có và hùng mạnh như Hợp chủng quốc Hoa Kì.
    Đã có người nói rằng muốn đạt được mục tiêu như thế thì biện pháp đơn giản nhất là thành lập "Hợp chủng quốc châu Âu". Từng nước một trên lục địa châu Âu thì có quá ít dân và ít đất, không đủ sức bảo vệ mình trong cuộc đấu tranh giành quyền bá chủ nhằm chống lại thế lực đang lên của Hợp chủng quốc, chống lại nước Nga, chống lại đế chế Anh, chống lại Trung Quốc và những thế lực có sức mạnh tương tự có thể được hình thành trong tương lai, ví dụ như ở lục địa Nam Mĩ. Vì vậy, họ phải hợp nhất vào một liên minh chính trị và quân sự, hợp nhất vào một khối tấn công và phòng thủ, tức là một thực thể mà trong tương lai có đủ sức bảo đảm cho châu Âu vai trò quan trọng như châu lục này đã từng giữ trong quá khứ. Mỗi người ngày càng nhận thức được rằng không có gì xuẩn ngốc hơn là chính sách thuế bảo hộ mà các nước châu Âu đang theo đuổi hiện nay, đấy chính là sự cổ vũ đặc biệt đối với ý tưởng Liên minh châu Âu. Phát triển hơn nữa quá trình phân công lao động quốc tế thì mới gia tăng được phúc lợi và sản xuất được nhiều hàng hóa cần thiết cho việc gia tăng mức sống của người dân, và bằng cách đó nâng cao được trình độ văn hóa cho quần chúng. Nhưng chính sách kinh tế của các nước, đặc biệt là các nước nhỏ ở châu Âu, lại nhằm phá hoại quá trình phân công lao động trên bình diện quốc tế. Nếu so sánh những điều kiện hoạt động của nền công nghiệp Mĩ - với thị trường tiềm năng là hơn một trăm hai mươi triệu người tiêu dùng giàu có mà không có những rào cản thuế khóa và những rào cản khác - với những điều kiện hoạt động của nền công nghiệp các nước như Đức, Tiệp Khắc hay Hungary thì ta càng thấy rõ những cố gắng nhằm thành lập những lĩnh vực với nền kinh tế tự cấp tự túc là hoàn toàn vô lí.
    Chắc chắn là có những điều xấu xa mà những người ủng hộ ý tưởng Hợp chủng quốc châu Âu muốn đấu tranh để loại bỏ, sớm chừng nào tốt chừng ấy. Nhưng thành lập hợp chủng quốc châu Âu không phải là biện pháp phù hợp nhất cho mục tiêu này.
    Bất kì cuộc cải cách quan hệ quốc tế nào cũng đều phải hướng đến mục tiêu là loại bỏ tình trạng, trong đó mỗi nước đều tìm mọi cách chiếm đất của nước khác nhằm mở mang lãnh thổ của mình. Vấn đề biên giới quốc tế, một vấn đề có vai trò cực kì quan trọng hiện nay, phải biến mất khỏi chương trình nghị sự. Các nước phải nhận thức được rằng vấn đề quan trọng nhất của chính sách đối ngoại là thiết lập một nền hòa bình vĩnh cửu, và họ phải hiểu rằng hòa bình trên toàn thế giới chỉ có thể được bảo đảm nếu chính phủ chỉ được phép hoạt động trong những khuôn khổ cực kì hạn chế. Đến lúc đó thì diện tích và quy mô của vùng lãnh thổ nằm dưới quyền cai trị của quốc gia sẽ không còn ý nghĩa quan trọng tuyệt đối đối với đời sống của từng cá nhân như hiện nay, cũng như trong quá khứ nữa, đến nỗi máu đã đổ thành sông trong những cuộc tranh chấp về biên giới. Đầu óc thiển cận, không nhìn thấy gì ngoài quốc gia và dân tộc của mình, phải được thay thế bằng quan điểm toàn câu. Nhưng điều này chỉ có thể trở thành khả thi nếu cộng đồng các dân tộc, siêu nhà nước quốc tế được thiết lập sao cho không có sự áp chế bất cứ dân tộc hay cá nhân nào chỉ vì thành phần dân tộc hay đặc trưng dân tộc của họ.
    Chính sách dân tộc chủ nghĩa, bao giờ cũng bắt đầu bằng mục đích tiêu diệt dân tộc láng giềng, cuối cùng nhất định sẽ dẫn nhân loại tới diệt vong. Muốn vượt qua được chủ nghĩa địa phương và thay thế nó bằng chính sách toàn cầu thực sự thì trước hết các dân tộc trên thế giới phải hiểu rằng quyền lợi của họ không chống báng lẫn nhau, và thúc đẩy sự phát triển của tất cả các dân tộc chính là biện pháp phục vụ tốt nhất sự nghiệp của mình, và phải rất thận trọng, tránh sử dụng vũ lực chống lại các dân tộc khác hay chống lại một số người thuộc dân tộc khác. Như vậy nghĩa là không được thay đổi chủ nghĩa sô vanh dân tộc bằng một chủ nghĩa sô vanh siêu dân tộc mà phải hiểu rằng mọi biểu hiện của chủ nghĩa sô vanh đều là sai lầm. Những biện pháp đối ngoại quân phiệt xưa cũ phải nhường chỗ cho những biện pháp hòa hoãn với mục tiêu là hợp tác chứ không phải là sử dụng vũ lực chống lại nhau.
    Nhưng những người ủng hộ nhà nước Đại Âu (Pan-Europe) và Hợp chủng quốc châu Âu lại nhằm đến mục tiêu khác. Họ không có ý định lập ra một kiểu nhà nước có chính sách khác với chính sách của những quốc gia quân phiệt và đế quốc chủ nghĩa đã từng tồn tại cho đến hôm nay, mà ngược lại, họ muốn tái lập ý tưởng về nhà nước quan phiệt và đế quốc chủ nghĩa: Quốc gia Đại Âu phải vĩ đại hơn từng quốc gia riêng lẻ; nó phải mạnh hơn, và vì vậy mà hiệu quả hơn về mặt quân sự, đủ sức đối đầu với các siêu cường như Anh, Mĩ và Nga. Chủ nghĩa sô vanh châu Âu phải thay thế cho chủ nghĩa sô vanh đủ mọi loại của Pháp, Đức và Hungary; còn mặt trận thống nhất của các dân tộc châu Âu thì phải đối đầu với những người "xa lạ": Anh, Mĩ, Nga, Trung Hoa và Nhật Bản.
    Hiện nay người ta chỉ có thể tạo ra nhận thức chính trị mang tính sô vanh và chính sách quân sự sô vanh trên cơ sở dân tộc chứ không phải cơ sở địa lí. Ngôn ngữ chung buộc những người cùng một dân tộc đoàn kết lại, trong khi sự khác biệt về ngôn ngữ làm người ta xã cách nhau. Nếu không có sự khác biệt như thế - bất chấp những hệ tư tưởng khác nhau - thì tư tưởng sô vanh không thể nào phát triển được. Không nghi ngờ gì rằng một nhà địa lí học, với tấm bản đồ trong tay, có thể nhìn thấy ngay rằng châu Âu (trừ Nga ra) là một thực thể thống nhất, nhưng điều đó sẽ không tạo ra trong dân chúng khu vực đó tình cảm cộng đồng hay tình đoàn kết mà nhà hoạt động chính trị có thể dựa vào để xây dựng kế hoạch của ông ta. Có thể nhồi vào sọ người dân sống ở vùng sông Rhine rằng chiến đấu cho người Đức vùng Đông Phổ là anh ta đang bảo vệ sự nghiệp của chính mình. Cũng có thể làm cho anh ta tin rằng sự nghiệp của toàn thể loài người cũng là sự nghiệp của anh ta. Nhưng anh ta sẽ không bao giờ hiểu được rằng khi anh chiến đấu bên cạnh người Bồ Đào Nha vì họ cũng là dân lục địa châu Âu, còn công việc của Anh quốc là công việc của kẻ thù hoặc nhiều lắm thì cũng chỉ là công việc của bọn người xa lạ. Không thể nào xóa được khỏi đầu óc người ta dấu ấn của quá trình phát triển lịch sử kéo dài (nhân tiện xin nói rằng chủ nghĩa tự do hoàn toàn không có ý định làm việc đó), một quá trình đã làm cho trái tim người Đức đập nhanh hơn khi có ai đó nhắc đến nước Đức, đến dân Đức hay bất cứ điều gì liên quan đến Đức. Tình cảm dân tộc như thế đã tồn tại trước khi người ta có ý định dựa vào nó để tạo ra ý tưởng về nhà nước Đức, chính sách Đức và chủ nghĩa sô vanh Đức. Tất cả những lược đồ có mục đích tốt nhằm thay thế các quốc gia dân tộc, dù là Trung Âu, Đại Âu, Đại Mĩ, hoặc trên cơ sở nhân tạo tương tự đều mắc chung khuyết điểm căn bản như thế. Các lược đồ này không tính đến việc những từ như "châu Âu" hay "Đại Âu" và "người châu Âu" hay "người Đại Âu" không có ý nghĩa về mặt tình cảm, vì vậy không thể tạo ra được trong lòng người những tình cảm như những từ "nước Đức" hay "người Đức".
    Có thể thấy sự kiện này một cách rõ ràng nhất nếu chúng ta xem xét vấn đề thỏa thuận chính sách thương mại, tức là vấn đề có vai trò quan trọng nhất trong tất cả các dự án về một liên bang quốc gia như thế. Trong những điều kiện hiện nay, có thế thuyết phục một người Bavaria rằng việc bảo vệ lao động người Đức - ví dụ như ở vùng Saxony - là đủ để áp dụng biểu thuế khiến cho anh ta, tức là anh người Bavaria, phải mua một món hàng nào đó với giá cao hơn. Chúng ta có thể hi vọng một ngày nào đó có thể làm cho anh ta quay lại với nhận thức rằng tất cả những biện pháp chính trị nhằm tạo ra nền kinh tế tự cấp tự túc, tức là tất cả những biểu thuế mang tính cách bảo hộ, đều vô nghĩa và tự chuốc lấy thất bại, và vì vậy cần phải bãi bỏ. Nhưng không bao giờ có thể thuyết phục được người Ba Lan hay người Hungary rằng để cho công bằng thì anh ta phải trả giá cao hơn giá thị trường thế giới cho một món hàng nào đó nhằm giúp cho người Pháp, người Đức hay người Ý được tiếp tục sản xuất món hàng đó trong nước họ. Chắc chắn người ta có thể giành được sự ủng hộ cho chính sách bảo hộ bằng cách gợi lên tình đoàn kết dân tộc và chủ nghĩa dân tộc với ý tưởng chi rằng quyền lợi của các dân tộc là không thể dung hòa. Nhưng hệ thống bảo hộ của liên bang các quốc gia không thể sử dụng một cái gì tương tự làm nền tảng ý thức hệ. Chia nền kinh tế thế giới đang ngày càng thống nhất hơn thành những vùng lãnh thổ quốc gia nhỏ bé, mỗi vung càng có khả năng tự cấp tự túc càng tốt, là việc làm hoàn toàn phi lí. Thay chính sách bế quan tỏa cảng về kinh tế trên bình diện dân tộc bằng chính sách như thế trên bình diện của một cộng đồng chính trị bao gồm nhiều dân tộc cũng là việc làm vô nghĩa. Phương pháp hữu hiệu duy nhất là công nhận rằng chủ nghĩa bảo hộ và kinh tế tự cấp tự túc là có hại, và phải coi trọng sự hài hòa về quyền lợi của tất cả các dân tộc trên thế giới. Như đã chứng minh ở trên, sự phân rã của nền kinh tế thế giới thành một loạt những vùng lãnh thổ tự cấp tự túc sẽ kéo theo những hậu quả tiêu cực cho tất cả các dân tộc. Tóm lại: cần phải ủng hộ thương mại tự do. Muốn chứng minh rằng khu vực tự cấp tự túc Đại Âu cần phải có cái ô biểu thuế có tính chất bảo hộ thì trước hết phải chứng minh rằng quyền lợi của người Bồ Đào Nha và người Rumania, mặc dù hài hòa với nhau nhưng lại xung đột với quyền lợi của người Nga và người Brazil. Còn phải chứng minh rằng người Hungary sẽ được lợi nếu họ từ bỏ ngành công nghiệp dệt để giúp người Đức, người Pháp, người Bỉ, nhưng nhập khẩu hàng dệt may của Anh hay Mĩ sẽ làm thiệt hại đến quyền lợi của người Hungary.
    Phong trào ủng hộ liên bang các nước châu Âu nảy sinh từ nhận thức đúng đắn rằng tất cả các hình thức của chủ nghĩa dân tộc mang màu sắc sô vanh đều là sai lầm và có hại. Nhưng điều mà những người ủng hộ phong trào này muốn thành lập để thế chỗ cho nó lại bất khả thi vì ý tưởng này chưa ăn sâu bén rễ vào trong nhận thức của người dân. Nhưng ngay cả nếu như phong trào Đại Âu có đạt được mục tiêu của mình thì tình hình thế giới cũng chẳng vì thế mà tốt đẹp hơn. Cuôc chiến đấu của lục địa châu Âu thống nhất nhằm chống lại những cường quốc khác cũng sẽ mang đến những cảnh đổ nát chẳng kém gì cuộc chiến đấu giữa các nước châu Âu hiện nay.

    10. Hội quốc liên

    Trong nhận thức của người theo trường phái tự do, nhà nước không phải là lí tưởng cao cả nhất, nó cũng chẳng phải là phương tiện cưỡng bức hữu hiệu nhất. Lí thuyết siêu hình về nhà nước, họ theo lối kiêu căng và tự phụ của những ông vua chuyên chế, tuyên bố rằng mọi nhà nước đều có chủ quyền, nghĩa là nhà nước là toàn án cuối cùng và tối cao. Nhưng đối với người tự do thì thế giới không kết thúc ở đường biên giới quốc gia. Trong mắt anh ta, dù đường biên giới quốc gia có giá trị như thế nào đi chăng nữa thì đấy cũng chỉ là hiện tượng nhất thời và thứ yếu. Tư duy chính trị của người tự do bao trùm lên toàn thể loài người. Xuất phát điểm của toàn bộ triết lí chính trị của anh ta là: phân công lao động là hiện tượng quốc tế chứ không phải quốc gia. Ngay từ đầu anh ta đã nhận thức được rằng hòa bình trong một nước là chưa đủ, quan trọng hơn là tất cả các nước phải sống hòa bình với nhau. Vì vậy mà người theo trường phái tự do đòi hỏi rằng tổ chức chính trị của xã hội phải mở rộng cho đến khi nó đạt đến đỉnh điểm là nhà nước toàn cầu, liên kết tất cả các quốc gia trên cơ sở bình đẳng. Vì lí do này, anh ta cho rằng luật của từng quốc gia phải phụ thuộc vào luật pháp quốc tế, và đấy cũng là lí do để anh ta đòi hỏi phải thành lập hệ thống tòa án và bộ máy quản lí hành chính siêu quốc gia để đảm bảo nền hòa bình giữa các dân tộc, giống như bộ máy hành chính và tòa án mỗi nước có trách nhiệm gìn giữ hòa bình trong khu vực của mình vậy.
    Trong một thời gian dài, yêu cầu thành lập một tổ chức siêu quốc gia như thế vẫn chỉ là chuyện trao đổi giữa một số ít nhà tư tưởng, vốn thậm chí còn bị coi là không tưởng và chẳng được ai chú ý tới. Chắc chắn là sau những cuộc chiến tranh của Napoleon, thế giới đã nhiều lần chứng kiến cảnh các chính khách của những cường quốc tụ họp quanh bàn hội nghị để tìm kiếm thỏa thuận chung, còn từ nửa sau thế kỉ XIX thì ngày càng xuất hiện nhiều thể chế siêu quốc gia, mà nổi bật nhất là tổ chức Chữ Thập Đỏ và Liên minh Bưu chính Quốc tế. Nhưng tất cả những điều này vẫn còn xa mới có thể gọi là tổ chức siêu quốc gia thực sự. Ngay cả Hội nghị Hòa bình ở La Hay (the Hague) cũng chưa đưa ra được bất kì dấu hiệu nào về sự tiến bộ. Chỉ vì e sợ cuộc Thế chiến nên ý tưởng về việc thành lập một tổ chức của tất cả các dân tộc, đủ sức ngăn chặn những cuộc xung đột trong tương lai mới giành được sự ủng hộ rộng rãi. Sau chiến tranh, các nước chiến thắng mới thực hiện những biện pháp nhằm thành lập một tổ chức mà họ gọi là Hội Quốc liên và được nhiều người trên thế giới coi là hạt nhân của một tổ chức quốc tế thực sự có hiệu quả trong tương lai.
    Dù thế nào thì tổ chức đang tồn tại dưới tên gọi là Hội Quốc liên cũng không phải là hiện thân của lí tuởng về một tổ chức siêu quốc gia của trường phái tự do. Trước hết, một số nước mạnh nhất và quan trọng nhất không có chân trong tổ chức này. Mĩ, chưa nói đến các nước nhỏ hơn, vẫn đứng bên ngoài. Ngoài ra, hiệp định thành lập Hội Quốc liên có những điểm ngay từ đầu: nó chia các nước thành hai hạng; nhóm nước có đầy đủ quyền hành và nhóm những nước, vốn thất trận trong Thế chiến, không có đầy đủ quyền hành như những nước kia. Rõ ràng sự bất bình đẳng về địa vị như thế sẽ gieo mầm cho cuộc chiến tranh chẳng khác gì sự phân biệt đẳng cấp trong từng nước. Đáng tiếc là tất cả những khuyết điểm như thế đã làm cho Hội Quốc liên yếu đi một cách thảm hại, và làm cho nó trở thành bất lực trước những những vấn đề lớn lao mà nó đang phải đối diện. Chỉ cần nghĩ đến hành động của nó trong cuộc chiến tranh giữa Ý và Hi Lạp hay vấn đề Mosul, và đặc biệt là những trường hợp mà số phận của các dân tộc thiểu số bị đàn áp phụ thuộc vào phán quyết của Hội Quốc liên là sẽ rõ.
    Trong tất cả các nước, đặc biệt là ở Đức và Anh, đều có những nhóm người cho rằng muốn thúc đẩy quá trình chuyển hóa Hội Quốc liên giả hiệu này thành một tổ chức thật sự - thành một nhà nước siêu quốc gia đúng nghĩa - thì phải tỏ ra khoan dung đối với những khuyết điểm và yếu kém của nó. Thái độ cơ hội như thế sẽ chẳng mang lại điều gì tốt đẹp, dù có giải quyết vấn đề gì thì cũng thế mà thôi. Hội Quốc liên là một thiết chế chưa hoàn hảo, hoàn toàn không phù hợp với những đòi hỏi đối với một tổ chức tầm cỡ quốc tế - mọi người, trừ những quan chức và nhân viên làm việc trong bộ máy, đều thừa nhận như thế. Không được che giấu hoặc phớt lờ sự thực này, mà ngược lại phải thường xuyên và kiên trì nhắc nhở nhằm kêu gọi sự chú ý của mọi người để người ta thực hiện tất cả những thay đổi ngõ hầu chuyển hóa nó thành một Hội Quốc liên thật sự. Tai hại nhất đối với ý tưởng về tổ chức siêu quốc gia là sự nhầm lẫn của giới tri thức, xuất phát từ niềm tin rằng Hội Quốc liên hiện nay là hiện thân đầy đủ hoặc gần như đầy đủ yêu cầu của những người theo trường phái tự do chân thành và trung thực. Dựa vào nguyên tắc cho rằng đường biên giới truyền thống đã được xác định trong lịch sử là bất di bất dịch, thì không thể xây dựng được Hội Quốc liên thực sự đủ sức bảo đảm một nền hòa bình vĩnh viễn trên toàn cầu. Hội Quốc liên vẫn còn chứa trong lòng nó khiếm khuyết căn bản của luật quốc tế hiện hành: trong khi lập ra những quy định mang tính thủ tục cho việc giải quyết những vấn đề tranh chấp giữa các nước, nó hoàn toàn không quan tâm đến việc tạo ra những tiêu chí giải quyết vấn đề mà mới chỉ giữ nguyên hiện trạng (status quo) và thi hành những hiệp ước đã kí. Trong tình hình như thế, nếu không quy giản toàn thế giới về một tình trạng bất động thì không ai có thể bảo đảm được hòa bình.
    Chắc chắn Hội Quốc liên sẽ đưa ra, dù là rất thận trọng và dè dặt, viễn cảnh của một vài điều chỉnh đường biên giới trong tương lai nhằm thực thi công lí, đáp ứng yêu cầu của một số quốc gia và một số vùng trong một số quốc gia khác. Nó cũng sẽ hứa hẹn - vẫn với sự thận trọng và dè dặt như thế - bảo vệ những người thiểu số. Điều đó cho phép chúng ta hi vọng rằng từ những khởi đầu hoàn toàn không phù hợp như thế sẽ sinh ra một siêu quốc gia toàn cầu xứng đáng với tên gọi của nó và một ngày nào đó đủ sức đảm bảo cho các dân tộc một nền hòa bình mà họ đòi hỏi. Nhưng vấn đề này sẽ không thể được giải quyết trong những kì hội nghị ở Geneva của Hội Quốc liên hiện nay, và chắc chắn là cũng không được giải quyết tại quốc hội của các nước thành viên của nó. Vì vấn đề được đề cập ở đây không phải là vấn đề tổ chức hay biện pháp quản lí quốc tế, mà là vấn đề tư tưởng to lớn nhất của loài người từ trước đến nay. Vấn đề là liệu chúng ta có thể tạo ra trên toàn thế giới một khuôn khổ tư duy mà không có nó thì trong giờ phút quyết định, mọi hiệp ước về bảo vệ hòa bình và mọi quyết định của trọng tài đều chỉ là những tờ giấy vụn. Chấp nhận một cách hoàn toàn và vô điều kiện chủ nghĩa tự do chính là khuôn khổ của tư duy như thế. Tư tưởng tự do phải thấm vào tất cả các dân tộc và những nguyên tắc của chủ nghĩa tự do phải thâm nhập vào tất cả các thiết chế chính trị thì mới có thể kiến tạo được những tiền đề cho hòa bình và loại bỏ những nguyên nhân của chiến tranh. Khi các dân tộc vẫn còn bám vào những biểu thuế có tính chất bảo hộ, bám vào những rào cản nhập cư, bám vào nền giáo dục bắt buộc, bám vào chủ nghĩa can thiệp và chủ nghĩa quốc gia thì những cuộc xung đột mới, có thể bùng nổ thành chiến tranh bất cứ lúc nào, vẫn sẽ thường xuyên xuất hiện và làm cho nhân loại mất ăn mất ngủ như cũ.

    11. Nước Nga

    Người công dân tôn trọng pháp luật, dùng lao động của mình để giúp mình và giúp người, mới là người có thể hội nhập một cách hòa bình vào trật tự xã hội. Ngược lại, kẻ trộm cướp thì không muốn lao động một cách trung thực mà muốn sử dụng bạo lực để tước đoạt thành quả lao động của người khác. Trong hàng ngàn năm, thế giới đã phải chịu ách nô dịch của những kẻ chinh phục và những lãnh chúa phong kiến, những kẻ coi việc tiêu thụ thành quả lao động của những người khác là đương nhiên. Sự tiến hóa của loài người theo hướng văn minh và việc tăng cường các mối liên kết xã hội đòi hỏi, trước hết, loại bỏ bằng được ảnh hưởng cả về vật chất lẫn tinh thần của tầng lớp phong kiến và quân nhân, tức là những giai tầng khao khát cai trị thế giới, và thay thế lí tưởng cha truyền con nối phong kiến bằng lí tưởng của giai cấp tư sản. Việc loại bỏ lí tưởng quân phiệt, tức là lí tưởng chỉ coi trọng người chiến binh và khinh thường lao động trung thực, chưa bao giờ đạt được thành công mĩ mãn. Dân tộc nào cũng có một số người chỉ nghĩ đến những tư tưởng và hình ảnh của thời đại quân phiệt. Lại có những dân tộc mà những xung đột mang tính bạo lực và cướp bóc, có từ thời quá khứ và tưởng như đã được chế ngự từ lâu, bỗng bùng lên và lại giành được uy quyền. Nhưng nói chung, có thể nói rằng trong những dân tộc da trắng hiện sống ở Trung và Tây Âu cũng như châu Mĩ, trạng thái tâm lí mà Herbert Spencer gọi là "quân phiệt" đã được thay thế bằng cái mà ông gọi là "công nghiệp". Hiện nay chỉ còn một dân tộc lớn vẫn còn bám víu vào lí tưởng quân phiệt, đấy chính là người Nga.
    Dĩ nhiên là có một số người Nga không có thái độ như thế. Chỉ đáng tiếc là họ không giành được thế thượng phong. Ngay từ khi Nga bắt đầu gây được ảnh hưởng đối với nền chính trị châu Âu, nước này luôn hành động như kẻ cướp đang rình cơ hội để nhảy vào cướp bóc nạn nhân của nó. Đối với việc mở rộng lãnh thổ đế chế, các Sa hoàng chưa bao giờ chấp nhận bất kì giới hạn nào, chỉ có hoàn cảnh mới buộc họ phải làm như thế. Quan niệm của những người Bolshevik về vấn đề mở rộng lãnh thổ cũng chẳng khác gì. Họ đều chia sẻ một nguyên tắc là: đối với việc chinh phục các vùng đất mới thì nên, và đúng ra là phải, tiến càng xa càng tốt trong khả năng của mình. May là các dân tộc châu Âu đủ mạnh, đủ sức chống lại những cuộc tấn công của những đạo quân hoang dại của nước Nga, và chính điều đó đã cứu được nền văn minh phương Tây khỏi sự diệt vong. Kinh nghiệm của người Nga trong cuộc chiến tranh Napoleon, trong cuộc chiến tranh ở Crime và chiến dịch ở Thổ Nhĩ Kì những năm 1877-1878 chứng tỏ rằng dù có đông quân, họ cũng không đủ sức chiếm được châu Âu. Cuộc Thế chiến vừa qua càng khẳng định rõ điều đó.
    Vũ khí của trí tuệ nguy hiểm hơn là súng gươm. Tất nhiên người ta sẽ đáp lại rằng những tư tưởng của người Nga đang xuất hiện ở châu Âu thực chất đã có sẵn trước khi chúng rời khỏi nước Nga. Thực ra nói rằng tư tưởng của người Nga không có nguồn gốc từ Nga, dù chúng có hợp với bản chất của Nga đến mức nào, mà là do người Nga vay mượn từ châu Âu, thì có lẽ đúng hơn. Nga là dân tộc cùn nhụt về trí tuệ đến mức chẳng thể nào phát biểu được một cách gãy gọn bản chất thầm kín nhất của chính dân tộc mình.
    Chủ nghĩa tự do, một chủ nghĩa dựa hoàn toàn vào khoa học và chính sách của nó chính là sự áp dụng các kết quả của khoa học, cần phải thận trọng để không đưa ra những xét đoán phi khoa học. Xét đoán về giá trị thường nằm ngoài lĩnh vực khoa học và bao giờ cũng có tính chủ quan. Cho nên không thể phân loại các dân tộc và không thể nói rằng dân tộc nào tốt hơn, dân tộc nào xấu hơn.. Vì vậy, vấn đề là người Nga có phải là dân tộc hạ đẳng hay không hoàn toàn không thuộc phạm vi xem xét của chúng ta. Chúng ta hoàn toàn không nói như thế. Chúng ta chỉ khẳng định rằng họ không muốn tham gia vào hệ thống hợp tác xã hội của nhân loại mà thôi. Trong quan hệ với xã hội loài người và cộng đồng các dân tộc, thái độ của họ là thái độ của những người chỉ muốn ăn bằng hết những gì người khác tích lũy được. Những người mà sức sống là tư tưởng của Dostoyevsky, Tolstoy và Lenin là những kẻ không thể nào tạo được tổ chức xã hội bền vững. Họ sẽ phải quay về với thời ăn lông ở lỗ. Nước Nga được phú cho đất đai phì nhiêu và nguồn khoáng sản đủ mọi loại, hơn hẳn nước Mĩ. Nếu người Nga cũng áp dụng chính sách tư bản chủ nghĩa như Mĩ thì họ đã là dân tộc giàu có nhất thế giới rồi. Chế độ chuyên chế, chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa Bolshevik đã biến họ thành những kẻ nghèo đói nhất. Bây giờ họ đang tìm kiếm tư bản và nguồn tín dụng trên khắp thế giới.
    Nếu công nhận như thế ta sẽ thấy ngay kim chỉ nam cho chính sách của các dân tộc văn minh đối với nước Nga. Hãy để người Nga là người Nga. Trong nước, hãy để họ làm tất cả những gì họ muốn. Nhưng không được để họ vượt qua biên giới nhằm tàn phá nền văn minh châu Âu. Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là phải cấm cả việc nhập và dịch sách báo của Nga. Những kẻ bị tâm thần có thể thích thú đọc văn chương của họ, còn người mạnh khỏe sẽ tránh xa. Điều đó cũng không có nghĩa là cấm người Nga tuyên truyền và đút lót trên khắp thế giới, trước đây Sa hoàng cũng đã làm như thế rồi. Nếu nền văn minh hiện đại không thể bảo vệ được mình trong cuộc chiến với những kẻ vay mượn kiến thức thì nó cũng không thể tồn tại được. Điều đó cũng không có nghĩa là người châu Âu và người Mĩ không được đến thăm Nga, nếu họ thấy hấp dẫn. Nếu họ dám liều và dám tự chịu trách nhiệm thì hãy để họ được ngắm nhìn vùng đất của những vụ giết người hàng loạt và đói kém lan tràn. Điều đó cũng không có nghĩa là cấm những nhà tư sản cho chính quyền Xô viết vay hay đầu tư vào nước Nga. Nếu họ ngu đến mức tin rằng rồi họ sẽ lại được nhìn thấy một phần tài sản của mình thì cứ để họ mạo hiểm.
    Nhưng các chính phủ châu Âu và Mĩ phải chấm dứt việc khuyến khích chính sách phá hoại của chính quyền Xô viết bằng cách trả tiền bảo lãnh cho các hoạt động xuất khẩu vào nước Nga Xô viết, làm như thế thì chẳng khác gì đóng góp tài chính cho việc củng cố chế độ Xô viết. Hãy chấm dứt ngay việc tuyên truyền di dân và xuất khẩu tư bản vào nước Nga Xô viết.
    Người Nga có phá bỏ hệ thống Xô viết hay không - đấy là việc của họ. Đất nước của roi da và trại tù đã không còn là mối đe dọa đối với thế giới. Dù có muốn chiến tranh và phá hoại đến đâu, người Nga cũng không còn là mối nguy hiểm nghiêm trọng với hòa bình ở châu Âu. Vì vậy có thể để nước Nga ở yên đó mà không cần lo ngại. Chỉ có một việc cần phải tránh, đấy là ý định ủng hộ và khuyến khích chính sách phá hoại của chính quyền Xô viết từ phái chúng ta.
     
    Chỉnh sửa cuối: 1/7/15
    banycol, superlazy and tamchec like this.
  13. notrinos

    notrinos Lớp 5

    4

    Chủ nghĩa tự do và các chính đảng


    1. Tính chất "giáo điều" của những người theo trường phái tự do.

    Chủ nghĩa tự do cổ điển thường bị người ta phê bình vì quá cứng nhắc và không sẵn sàng thỏa hiệp. Chính vì thiếu nhân nhượng như thế mà nó đã bị thua trong cuộc chiến đấu với những đảng phái bài tư bản chủ nghĩa đủ mọi loại mới xuất hiện trong thời gian gần đây. Nếu nó, cũng như các đảng phái khác, nhận thức được tầm quan trọng của sự thỏa hiệp và nhượng bộ trước những khẩu hiệu được nhiều người ưa chuộng nhằm lôi kéo quần chúng thì nó đã có thể giữ được, dù chỉ một phần, ảnh hưởng của mình. Nhưng nó đã không bao giờ bận tâm đến việc thành lập tổ chức đảng và bộ máy đảng như các đảng bài tư bản đã làm. Nó coi chiến thuật trong các chiến dịch tranh cử và những kì họp quốc hội chẳng có tầm quan trọng nào. Nó không bao giờ tham gia vào những trò cơ hội chủ nghĩa hay mặc cả chính trị. Chủ nghĩa giáo điều không khoan nhượng như thế chắc chắn đã dẫn đến sự thoái trào của chủ nghĩa tự do.
    Những lời khẳng định như thế là hoàn toàn đúng với sự thật. Nhưng cho rằng chủ nghĩa tự do đáng bị phê phán theo nghĩa đó là hoàn toàn không hiểu bản chất của chủ nghĩa này. Hiểu biết một cách sâu sắc tư tưởng của chủ nghĩa tự do là phải hiểu rằng nền tảng của sự hợp tác của xã hội loài người và cơ cấu xã hội ổn định lâu dài không thể được xây dựng trên nền tảng của những tư tưởng sai lầm và dối trá. Chẳng tư tưởng gì có thể thay thế được hệ tư tưởng giúp nâng cao đời sống của con người bằng cách khuyến khích sự hợp tác xã hội; những điều dối trá, dù được gọi là "chiến thuật", "ngoại giao" hay "thỏa hiệp", thì lại càng không thể nào thay thế được. Nếu con người không nhận thức được nhu cầu xã hội và tự nguyện làm những việc cần thiết nhằm bảo vệ xã hội và thúc đẩy phúc lợi chung thì không ai có thể dùng mưu mẹo và thủ đoạn dối trá để đưa họ vào con đương ngay thẳng. Nếu họ lầm lẫn và đi lạc đường thì ta phải ráng sức chỉ bảo họ, khai tâm cho họ. Những nếu họ không thể ngộ ra được, nếu họ vẫn khăng khăng bám lấy sai lầm thì dù có làm gì cũng không thể ngăn chặn được thảm họa. Tất cả những thủ thuật và những điều dối trá của các chính trị gia mị dân chỉ có thể hữu ích cho những người chuyên làm việc phá hoại xã hội, dù với ý đồ tốt đẹp hay đen tối. Nhưng không thể thúc đẩy sự nghiệp tiến bộ xã hội, sự nghiệp phát triển và tăng cường các mối liên kết xã hội bằng những biện pháp dối trá và mị dân. Không một sức mạnh nào, không một mưu kế khéo léo nào hoặc sự bịp bợm thông minh nào có thể lừa bịp được nhân loại đến mức làm cho họ chấp nhận một học thuyết xã hội mà họ không những không công nhận mà còn công khai bác bỏ. Con đường duy nhất, rộng mở cho tất cả những ai muốn đưa thế giới trở lại với chủ nghĩa tự do là thuyết phục đồng bào của mình về tính tất yếu của cương lĩnh tự do. Khai sáng là nhiệm vụ duy nhất mà người theo trường phái tự do có thể và phải làm nhằm ngăn chặn, trong khả năng của anh ta, sự hủy diệt mà xã hội đang đâm đầu vào. Không có chỗ cho sự nhân nhượng đối với bất kì thành kiến hay lỗi lầm thường gặp hay được ưa chuộng nào ở đây hết. Khi nói đến những vấn đề quyết định liệu loài người có tồn tại được hay không, hàng triệu người sẽ trở nên thịnh vượng hay tiêu vong thì không thể có chuyện nhân nhượng, dù đấy là lí do yếu kém hay vì tôn trọng thái quá tình cảm của người khác.
    Nếu những nguyên lí của chủ nghĩa tự do lại một lần nữa trở thành kim chỉ nam cho chính sách của các dân tộc vĩ đại, nếu cuộc cách mạng trong dư luận xã hội lại một lần nữa làm cho chủ nghĩa tư bản được tự do thì thế giới sẽ bước dần ta khỏi tình trạng mà chính sách của các phe phái bài tư bản đã đẩy nó vào. Đấy là con đường duy nhất có thể đưa chúng ta thoát khỏi sự hôn loạn về chính trị và xã hội hiện nay.
    Ảo tưởng lớn nhất của chủ nghĩa tự do cổ điển là thái độ lạc quan về xu hướng tiến hóa của xã hội. Những người ủng hộ chủ nghĩa tự do - những nhà xã hội học và kinh tế học thế kỉ XVIII và nửa đầu thế kỉ XIX và những người ủng hộ họ - tin rằng xã hội loài người sẽ tiến đến những giai đoạn phát triển cao hơn và không gì có thể ngăn chặn được quá trình này. Họ tin tưởng chắc chắn rằng việc nhận thức theo lối duy lí những quy luật nền tảng của sự hợp tác và tương thuộc xã hội mà họ phát hiện ra sẽ nhanh chóng trở thành nhận thức chung của mọi người, và sau đó những mối liên kết xã hội gắn bó một cách hòa bình toàn thể loài người sẽ ngày càng trở nên bền vững hơn, điều kiện sống của mọi người sẽ được cải thiện, và nền văn minh sẽ bước lên khỏi những nấc thang ngày càng cao hơn về mặt văn hóa. Không gì có thể làm lay chuyển được thái độ lạc quan đó của họ. Khi những cuộc tấn công vào chủ nghĩa tự do ngày càng trở nên khốc liệt hơn, khi ảnh hưởng của những tư tưởng của chủ nghĩa tự do trong nền chính trị bị thách thức từ mọi hướng, thì họ lại nghĩ rằng đấy là loạt đạn cuối cùng của một hệ thống hấp hối đang rút chạy, một hệ thống chẳng đáng phải quan tâm hay phản công vì chẳng bao lâu nữa nó sẽ sụp đổ.
    Người theo trường phái tự do cho rằng tất cả mọi người đều có khả năng về mặt trí tuệ để có thể suy tư về những vấn đề hợp tác xã hộ phức tạp và hành động một cách phù hợp. Họ vô cùng ngạc nhiên trước sự rõ ràng và hiển nhiên của những lí lẽ đã dẫn họ đến những tư tưởng chính trị của mình, và hoàn toàn không hiểu được tại sao mà một số người lại không nhận thức được những chuyện như thế. Họ cũng không bao giờ hiểu được hai điều sau đây: thứ nhất, quần chúng thiếu khả năng tư duy một cách logic; thứ hai, trong mắt của đa số người, đấy là ngay cả khi họ nhận thức được chân lí, thì lợi ích tức thời, dù là nhỏ nhặt, nhưng được hưởng ngay còn quan trọng hơn là lợi ích lớn hơn và lâu dài, nhưng phải chờ đợi. Đa số người không được phú cho trí tuện đủ sức tư duy về những vấn đề hợp tác xã hội - những vấn đề cực kì khó - và họ cũng không có đủ lí trí để có thể chấp nhận những hi sinh tạm thời mà hành động xã hội đòi hỏi. Khẩu hiệu của chủ nghĩa can thiệp và chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là những đề nghị về việc tước đoạt một phần tài sản tư nhân, bao giờ cũng được quần chúng nhiệt tình ủng hộ vì họ tin rằng sẽ được hưởng lợi ngay lập tức.

    2. Đảng phái chính trị

    Đáng buồn nhất là có người đã hiểu sai ý nghĩa và bản chất của chủ nghĩa tự do, cho rằng nếu áp dụng những biện pháp mà hiện nay các đảng phái khác đang sử dụng thì có thể bảo đảm chiến thắng cho các tư tưởng tự do.
    Trong xã hội phân chia theo đẳng cấp, tức là xã hội không phải của những công dâm bình đẳng mà được chia thành thang bậc với quyền lợi và trách nhiệm khác nhau thì không thể có các đảng phái chính trị theo nghĩa hiện đại của từ này. Khi đặc quyền đặc lợi và quyền bất khả xâm phạm của những giai tầng khác nhau chưa bị thách thức thì giữa các giai tầng vẫn giữ được hòa bình. Nhưng khi đặc quyền đặc lợi của một số giai tầng và địa vị xã hội của họ bị thách thức thì tranh chấp lại nổ ra và chỉ có thể tránh được nội chiến nếu một bên nào công nhận rằng họ ở thế yếu và đầu hàng mà không dùng đến vũ lực. Ngay từ khởi thủy, địa vị vủa mỗi người trong các giai tầng khác nhau quyết định quan điểm của người đó trong tất cả những cuộc xung đột như thế. Chắc chắn có những người đầu hàng, đấy là những người hi vọng sẽ được lợi nếu nhảy sang phía kẻ thù và chống lại chính giai tầng của mình, và những người như thế bị coi là phản bội. Nhưng ngoại trừ những trường hợp hãn hữu, người ta không phải đắn đo trước câu hỏi phải đứng về phe nào. Họ sẽ đứng bên cạnh những thành viên của giai tầng mình và chia sẻ số phận với họ. Giai tầng hay các giai tầng không hài lòng với địa vị của mình đứng lên chống lại trật tự hiện hành và phải đạt được yêu sách của mình trước sự kháng cự của những giai tầng khác. Kết quả cuối cùng của cuộc xung đột - không nói trường hợp những người bạo loạn thất bại và mọi việc vẫn giữ nguyên như cũ - trật tự cũ được thay bằng một trật tự mới, trong đó quyền lực của mỗi giai tầng đều được phân bố lại khác trước.
    Cùng với sự xuất hiện của chủ nghĩa tự do là yêu cầu bãi bỏ tất cả các đặc quyền đặc lợi. Xã hội đẳng cấp phải mở đường cho chế độ mới, trong đó chỉ có những người công dân có quyền bình đẳng như nhau mà thôi. Không chỉ đặc quyền đặc lợi cụ thể mà ngay cả sự tồn tại của mọi ưu quyền nói chung đã bị tấn công. Chủ nghĩa tự do đã gỡ bỏ tất cả các rào cản về mặt xã hội và giải phóng con người khỏi tất cả những hạn chế mà chế độ cũ áp đặt lên họ. Chính trong xã hội tư bản, tức là xã hội nằm dưới quyền cai trị của chính phủ đặt nền tảng trên những nguyên lí của chủ nghĩa tự do, lần đầu tiên từng cá nhân được quyền tham gia trực tiếp vào đời sống chính trị và lần đầu tiên mỗi người đều có nhiệm vụ đưa ra quyết định cá nhân về mục tiêu và lí tưởng chính trị. Trong những xã hội đẳng cấp trước đây, xung đột chính trị chỉ có thể xảy ra giữa những giai tầng khác nhau, còn từng giai tầng thì lại hình thành một mặt trận vững chắc nhằm chống lại các giai tầng khác; còn khi không có những vụ xung đột giữa các giai tầng thì trong lòng những giai tầng được quyền tham gia vào đời sống chính trị lại có thể xảy ra xung đột giữa các phe nhóm nhằm tranh giành ảnh hưởng, quyền lực và địa vị lãnh đạo. Chỉ có thể chế chính trị trong đó mọi người dân đều có quyền bình đẳng - phù hợp với lí tưởng của chủ nghĩa tự do, một lí tưởng chưa được thực hiện một cách trọn vẹn ở bất kì đâu - mới có thể có những đảng phái chính trị, tức là tổ chức của những người muốn đưa những ý tưởng về lập pháp và hành pháp của mình vào đời sống. Đó là vì có những ý kiến khác nhau về con đường đưa đến mục tiêu của chủ nghĩa tự do nhằm bảo đảm sự hợp tác xã hội một cách hòa bình, và chính sự khác biệt về ý kiến như thế nhất định dẫn tới tranh cãi tựa như là bất đồng về tư tưởng.
    Như vậy nghĩa là, trong xã hội tự do có thể có cả các đảng xã hội chủ nghĩa; và cũng không loại trừ ngay cả những đảng phái tìm cách giành địa vị đặc biệt cho những nhóm người cụ thể nào đó. Nhưng tất cả các đảng phái này vẫn phải thừa nhận chủ nghĩa tự do (ít nhất là tạm thời, cho đến khi họ giành được chiến thắng) cho tới chừng nào họ vẫn chỉ sử dụng trí tuệ, tức là thứ vũ khí được chủ nghĩa tự do coi là hợp pháp duy nhất, trong những cuộc đấu tranh như thế. Tất cả các đảng phái đều phải công nhận nguyên tắc này, ngay cả khi đảng viên của những đảng phái bài chủ nghĩa tự do (những người xã hội chủ nghĩa và những người ủng hộ đặc quyền đặc lợi) không công nhận triết lí của chủ nghĩa tự do. Một số người xã hội chủ nghĩa "không tưởng tiền Marxist" đã từng đấu tranh cho lí tưởng của chủ nghĩa xã hội trong khuôn khổ của chủ nghĩa tự do; trong thời kì vàng son của chủ nghĩa tự do ở Tây Âu, ngay cả giới tăng lữ và tầng lớp quý tộc cũng đã tìm cách giành mục tiêu của mình trong khuôn khổ của nhà nước lập hiến hiện đại.
    Nhưng những đảng phái mà chúng ta đang thấy hiện nay lại là những đảng phái hoàn toàn khác. Chắc chắn một phần cương lĩnh của các đảng phái đó có nói đến toàn thể xã hội, và nói đến vấn đề hợp tác xã hội. Nhưng đấy chỉ là sự nhượng bộ đối với hệ tư tưởng tự do. Nhưng điều các đảng phái này nhắm đến trên thực tế lại nằm trong phần khác của cương lĩnh, đấy cũng là phần mà họ thực sự quan tâm, và đấy cũng là phần mâu thuẫn hoàn toàn với phần nói về sự thịnh vượng cho tất cả mọi người. Các đảng chính trị hiện nay không chỉ bao gồm những nhóm người tranh đấu nhằm duy trì và mở rộng một số đặc quyền trong trật tự cũ mà họ vẫn được hưởng vì chủ nghĩa tự do, vốn dĩ chứ giành được chiến thằng hoàn toàn, vẫn đề cho họ giữ. Chúng còn bao gồm cả những đảng phái hoạt động hướng đến mục đích giành địa vị đặc biệt cho một tầng lớp xã hội. Chủ nghĩa tự do hướng tới tất cả mọi người và đưa ra cương lĩnh vì tất cả mọi người. Nó không hưa hẹn đặc quyền đặc lợi cho bất kì ai. Chủ nghĩa tự do kêu gọi mọi người từ bỏ việc theo đuổi quyền lợi đặc biệt chỉ dành cho mình và phe nhóm của mình, thậm chí nó còn đòi hỏi người ta phải hi sinh, dĩ nhiên chỉ là tạm thời, những lợi ích nhỏ để đạt được những lợi ích lớn hơn. Nhưng các đảng tranh giành quyền lợi đặc biệt cho phe nhóm của mình lại chỉ hướng đến một phần của xã hội. Họ hứa với cái phần xã hội mà họ có ý định giúp đỡ đặc quyền đặc lợi bằng cách buộc phần còn lại phải hi sinh quyền lợi của chính mình.
    Tất cả các đảng phái chính trị hiện nay và tất cả các hệ tư tưởng của các đảng hiện đại đều khởi nguồn từ việc phản ứng lại giáo lí của chủ nghĩa tự do trong những nhóm lợi ích tranh đấu vì đặc quyền đặc lợi. Trước khi chủ nghĩa tự do xuất hiện, dĩ nhiên là đã có các chế độ đặc quyền đặc lợi và những vụ xung đột giữa các chế độ đó với nhau, nhưng lúc đó hệ tư tưởng của xã hội đẳng cấp vẫn còn có thể được nói về mình bằng một thái độ ngay thơ và không chút bối rối. Trong những cuộc xung đột giữa những người ủng hộ và người chống đặc quyền đặc lợi thời đó không hề xuất hiện câu hỏi về tính chất phản xã hội của toàn bộ hệ thống, và không cần phải giả đò rằng hệ thống đó vẫn có cơ sở xã hội của nó. Vì vậy, ta không thể so sánh trực tiếp giữa chế độ đặc quyền đặc lợi cũ với hoạt động và tuyên truyền của các đảng phái đấu tranh giành đặc quyền đặc lơị hiện nay.
    Muốn hiểu được bản chất thật sự của các đảng phái này, ta phải luôn nhớ rằng ban đầu, các đảng phái này đều được hình thành nhằm bảo vệ đặc quyền đặc lợi cho một nhóm người nào đó, đi ngược lại những lời giáo huấn của chủ nghĩa tự do. Khác với học thuyết của chủ nghĩa tự do, học thuyết của các đảng phái này không phải là việc áp dụng vào lĩnh vực chính trị lí thuyết xã hội bao trùm và đã được suy nghĩ một cách thấu đáo. Hệ tư tưởng chính trị của chủ nghĩa tự do có nguồn gốc từ hệ tư tưởng nền tảng, ban đầu được phát triển như là một lí thuyết khoa học mà không ai nghĩ đến ý nghĩa chính trị của nó. Ngược lại, ngay từ khởi thủy, đặc quyền đặc lợi mà các phái bài chủ nghĩa tự do tìm kiếm đã tồn tại trong các thể chế xã hội hiện hành, và việc soạn thảo hệ tư tưởng chỉ là để nhằm biện hộ cho những đặc quyền đặc lợi như vậy; công việc này có thể giải quyết một cách dễ dàng, chỉ cần trình bày trong mấy dòng. Các nhóm điền chủ nghĩ rằng cần phải chỉ ra sự cần thiết của sản xuất nông nghiệp. Các nghiệp đoàn thì nói tới vai trò của người lao động. Các đảng phái của giai cấp trung lưu thì nói tới vai trò quan trọng của giai tầng xã hội "không thái quá cũng không bất cập". Dường như họ không quan tâm đến việc là những lời kêu gọi như thế không chứng minh được rằng những đặc quyền đặc lợi mà họ muốn giành có cần thiết hay có ích đối với toàn thể xã hội hay không. Những nhóm người mà họ muốn lôi kéo bao giờ cũng sẵn sàng đi theo họ, còn những cố gắng nhằm lôi kéo người của những nhóm khác chắc chắn sẽ thất bại.
    Như thế nghĩa là tất cả các đảng phái thời hiện đại ủng hộ cho đặc quyền đặc lợi, dù mục đích của họ có khác nhau đến đâu hoặc họ có chống báng nhau đến đâu, đã lập thành một mặt trận thống nhất trong cuộc chiến đấu chống lại chủ nghĩa tự do. Trong con mắt của những đảng này thì nguyên tắc của chủ nghĩa tự do rằng quyền lợi chính đáng của mọi người về lâu dài là tương hợp nhau chẳng khác gì miếng vải đỏ vẫy trước mắt con bò tót. Họ cho rằng xung đột quyền lợi là không thể dung hòa, và chỉ có thể giải quyết được xung đột khi một bên chiến thắng các bên còn lại, và bên chiến thắng sẽ giành được lợi thế còn bên thua phải chịu thiệt thòi. Các đảng phái này cho rằng chủ nghĩa tự do không phải như là nó đang tự huyễn hoặc về mình. Đấy chính là cương lĩnh cái đảng đang tìm cách bảo vệ đặc quyền đặc lợi của một nhóm người, mà cụ thể là của giai cấp tư sản, tức là bọn tư bản và nghiệp chủ.
    Lập luận này là một phần của chính sách tuyên truyền của chủ nghĩa Marx, và là đóng góp quan trọng cho thành công của chủ nghĩa này. Nếu coi học thuyết về xung đột quyền lợi giữa các giai cấp trong xã hội dựa trên tư hữu về tư liệu sản xuất là không thể tránh được là tín điều quan trọng nhất của chủ nghĩa Marx thì tất cả các đảng phái đang hoạt động ở châu Âu đều là marxist. Học thuyết về mâu thuẫn đối kháng giữa các giai cấp và xung đột giai cấp còn được các đảng theo đường lối dân tộc chủ nghĩa chấp nhận, đấy là nói khi họ còn chấp nhận quan điểm cho rằng những mâu thuẫn đối kháng như thế đang hiện diện trong xã hội tư bản, và những cuộc xung đột do chúng tạo ra sẽ phải diễn ra một cách tự nhiên. Họ chỉ khác các đảng marxist ở chỗ họ muốn tránh các cuộc xung đột giai cấp bằng cách trở về với xã hội đẳng cấp, được xây dựng theo đề xuất của họ và đẩy cuộc chiến lên tầm vũ đài quốc tế, họ tin rằng nó sẽ phải diễn ra ở đấy. Họ không phản bác khẳng định cho rằng những cuộc xung đột như thế sẽ phải xảy ra trong xã hội dựa trên sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất. Họ chỉ nói rằng không được để những mâu thuẫn đối kháng như thế xuất hiện, và họ muốn dùng sự can thiệp của chính phủ để quản lí và điều tiết sở hữu tư nhân nhằm loại bỏ những mâu thuẫn đối kháng như thế. Họ muốn chủ nghĩa can thiệp thế chỗ chủ nghĩa tư bản. Nhưng cuối cùng thì họ cũng chẳng khác gì những người marxist. Họ cũng hứa sẽ đưa thế giới đến một chế độ xã hội mới, nơi không còn giai cấp, không còn đối kháng giai cấp, không còn xung đột giai cấp.
    Muốn hiểu được ý nghĩa của học thuyết về đấu tranh giai cấp ta phải luôn nhớ rằng nó chống lại học thuyết của chủ nghĩa tự do về sự hài hòa của những quyền lợi đúng đắn của tất cả các thành viên của xã hội tự do, được xây dựng trên nguyên tắc sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất. Người theo phái tự do khẳng định rằng cùng với việc loại bỏ tất cả những sự phân biệt mang tính giả tạo giữa các giai tầng, cùng với việc loại bỏ mọi đặc quyền đặc lợi và tạo được sự bình đằng trước pháp luật thì sẽ không còn gì ngăn trở sự hợp tác hòa bình giữa tất cả các thành viên của xã hội, vì lúc đó quyền lợi lâu dài và được hiểu một cách đúng đắn của tất cả mọi người sẽ trùng hợp với nhau.
    Tất cả những lời phản đối mà những người ủng hộ chủ nghĩa phong kiến, ủng hộ đặc quyền đặc lợi, tìm cách đưa ra nhằm chống lại học thuyết tự do đã nhanh chóng trở thành phi lí và chẳng được mấy người ủng hộ. Nhưng trong hệ thống lí thuyết kinh tế thị trường (catallactics) của Ricardo người ta có thể tìm thấy xuất phát điểm của lí thuyết mới về xung đột quyền lợi trong lòng xã hội tư bản. Ricardo tin rằng có thể chứng minh được trọng quá trình phát triển kinh tế sẽ diễn ra sự thay đổi trong quan hệ giữa ba hình thức thu nhập, mà cụ thể là giữa lợi tức, địa tô và đồng lương. Chính điều đó đã buộc những người cầm bút ở Anh trong các thập kỉ 30 và 40 của thế kỉ XIX phải nói đến ba giai cấp là tư sản, địa chủ và lao động ăn lương, và khẳng định giữa các giai cấp này tồn tại mâu thuẫn đối kháng không thể dung hòa. Tư tưởng này sau đó đã được Marx tiếp thu một cách trọn vẹn.
    Trong tuyên ngôn của đảng cộng sản, Marx còn chưa nói đên sự khác biệt giữa đẳng cấp và giai cấp. Mãi sau này, khi làm quen và chịu ảnh hưởng từ những tác phẩm đã bị người đời quên lãng, được viết từ những năm 1820 và 1830, ở London, Marx bắt đầu nghiên cứu Ricardo và nhận ra rằng mấu chốt là phải chứng minh được ngay cả trong xã hội không còn phân biệt đẳng cấp và không còn đặc quyền mang tính đẳng cấp thì vẫn tồn tại những mẫu thuẫn không thể dung hòa. Marx vạch ra mâu thuẫn đối kháng về lợi ích như thế từ hệ thống của Ricardo, và vạch rõ ranh giới giữa ba giai cấp: tư sản, địa chủ và công nhân. Nhưng như thế không có nghĩa là lúc nào ông cũng bám chặt vào sự phân biệt kiểu đó. Đôi khi ông khẳng định rằng chỉ có hai giai cấp là hữu sản và vô sản, lúc khác ông lại nói tới nhiều giai cấp hơn là hai hoặc ba giai cấp lớn. Nhưng cả Marx lẫn những môn đồ của ông đều chưa bao giờ đưa ra định nghĩa về bản chất của các giai cấp. Đáng chú ý là chương mang tên "các giai cấp" trong tập III tác phẩm tư bản luận lại chấm dứt ngay chỉ sau có vài dòng. Đã hơn một thế hệ trôi qua - đấy là tính từ khi xuất hiện Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, trong đó lần đầu tiên Marx đưa ra mâu thuẫn đối kháng giữa các giai cấp và đấu tranh giai cấp - cho đến ngày Marx qua đời. Trong thời gian đó, Marx đã viết hết tập sách này đến tập sách khác, nhưng ông vẫn không bao giờ giải thích "giai cấp" nghĩa là gì. Trong việc xử lí vấn đề "giai cấp", Marx không bao giờ vượt qua được khẳng định đơn thuần của tín điều hay nói đúng hơn là một khẩu hiệu mà không đưa ra bất kì chứng minh nào.
    Muốn chứng minh rằng học thuyết đấu tranh giai cấp là đúng, người ra phải chỉ ra được hai điều: một mặt, các thành viên của mỗi giai cấp đều có quyền lợi như nhau, và mặt khác giai cấp này được lợi thì giai cấp kia nhất định phải bị thiệt. Nhưng điều này đã không bao giờ được chứng minh. Lí do chính là vì tất cả các "đồng chí trong cùng giai cấp" đều có cùng "hoàn cảnh xã hội" như nhau nhưng họ không có cùng quyền lợi, đúng hơn là họ luôn cạnh tranh với nhau. Ví dụ như người công nhân làm việc trong những điều kiện thuận lợi hơn mức trung bình muốn loại bỏ những người cạnh tranh với mình vì những người đó có thể kéo thu nhập của anh ta xuống mức trung bình của xã hội. Trong hàng chục năm, khi học thuyết về tình đoàn kết quốc tế của giai cấp vô sản được nhắc đi nhắc lại trong những tuyên ngôn dông dài tại những kì đại hội của các tổ chức marxist thì công nhân ở Mĩ và Australia lại đưa ra những rào cản mạnh mẽ nhất nhằm ngăn chặn người nhập cư. Bằng cách đưa ra hệ thống phức tạp những quy định vụn vặt, các công đoàn Anh đã làm cho những người bên ngoài không thể thâm nhập lĩnh vực lao động của họ. Về lĩnh vực này, mọi người đều biết rõ, trong mấy năm qua các đảng lao động trong mỗi nước đã làm được những việc gì. Dĩ nhiên là ai đó có thể nói rằng đáng lẽ ra không nên như thế; giai cấp công nhân lẽ ra phải làm khác đi; điều họ đã làm là sai rồi. Nhưng không thể phủ nhận là họ đã làm vì quyền lợi của mình - ít nhất cũng là vì quyền lợi ngay tại thời điểm đó.
    Chủ nghĩa tự do đã chứng minh rằng trên thực tế, trong xã hội dựa trên sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất, giữa các nhóm người và các giai tầng khác nhau không hề có mâu thuẫn đối kháng về quyền lợi như dư luận xã hội thường nói. Khi đồng vốn trong toàn xã hội tăng lên thì thu nhập của tư sản và địa chủ tăng lên theo nghĩa tuyệt đối, còn thu nhập của người lao động tăng lên cả theo nghĩa tuyệt đối lẫn tương đối. Mọi sự thay đổi về thu nhập của những nhóm người khác nhau - nghiệp chủ, tư sản, địa chủ và công nhân - bao giờ cũng xảy ra cùng một lúc và theo cùng một hướng - phụ thuộc vào sự thăng giáng của thị trường; sự khác nhau chỉ là tương quan giữa những phần của toàn bộ sản phẩm xã hội mà họ được chia. Chỉ có trong trường hợp nắm độc quyền khai thác một số khoáng sản nào đó thì lợi ích của địa chủ mới đối lập với lợi ích của những nhóm người khác. Lợi ích của nghiệp chủ không bao giờ khác biệt với lợi ích của người tiêu dùng. Để thành công hơn nữa thì nghiệp chủ càng phải nắm bắt tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng.
    Xung đột lợi ích chỉ có thể xảy ra khi quyền tự do sử dụng tư liệu sản xuất của chủ sở hữu bị chính sách can thiệp của chính phủ hay của các lực lượng xã hội có sức mạnh cưỡng chế ngăn cản. Ví dụ như giá một loại hàng hóa nào đó có thể tăng một cách giả tạo vì nhà nước áp dụng biểu thuế bảo hộ, hay lương của một nhóm công nhân nào đó có thể tăng vì người ta không cho những người cạnh tranh được làm công việc của họ. Những trường hợp kiểu như thế này đều được lí giải bằng lí luận của trường phái thương mại tự do, vốn chưa bị ai bác bỏ, và thực ra là không thể bác bỏ được. Dĩ nhiên là đặc quyền đặc lợi có thể làm lợi cho một nhóm người cụ thể nào đó, chúng được hình thành là để dành cho nhóm người như thế, nhưng đấy là nói khi các nhóm người khác không đòi được đặc quyền đặc lợi tương tự. Nhưng không thể nào lừa dối được đa số dân chúng ý nghĩa thực sự của những món đặc quyền đặc lợi, họ sẽ không tự nguyện chịu đựng mãi như thế. Nếu dung vũ lực để buộc họ phải chấp nhận thì có nghĩa là khơi mào cho bạo loạn - tóm lại, sẽ có rối loạn trong sự hợp tác một cách hòa bình trong xã hội. Mà bảo vệ sự hợp tác hòa bình là quyền lợi của tất cả mọi người. Có thể giải quyết vấn đề bằng cách làm cho đặc quyền đặc lợi không phải là biệt lệ của một vài người, nhóm người hay giai tầng xã hội mà là quy luật chung, ví dụ như áp dụng thuế nhập khẩu nhằm bảo hộ đa số các món hàng đang được bán trên thị trường trong nước hay sử dụng những biện pháp tương tự nhằm ngăn chặn người mới, không cho họ thâm nhập vào đa số các ngành nghề hiện có. Nhưng lúc đó, lợi ích mà mỗi nhóm nhận được sẽ bị triệt tiêu bởi những thiệt hại mà chắc chắn họ sẽ phải gánh chịu, và kết quả là mọi người đều bị thiệt hại vì những biện pháp như thế đã làm cho năng suất lao động giảm đi.
    Nếu người ta bác bỏ học thuyết của chủ nghĩa tự do, nếu người ta chế giễu lí thuyết đang còn gây tranh cãi về "sự hài hòa lợi ích của tất cả mọi người", thì tư tưởng cho rằng có thể có sự thống nhất lợi ích trong các nhóm nhỏ hơn, ví dụ như giữa những người trong cùng một quốc gia (chống lại những quốc gia khác) hoặc giữa những người trong cùng một "giai cấp" (chống lại những giai cấp khác), được tất cả các trường phái bài chủ nghĩa tự do bảo vệ, cũng sẽ là tư tưởng sai lầm. Muốn chứng minh được sự thống nhất như thế thì cần phải có những lí lẽ đặc biệt, nhưng chưa có những lí lẽ như thế, thậm chí chưa thấy người nào có ý định làm như thế. Tất cả những lí lẽ có thể được đưa ra nhằm chứng minh cho sự thống nhất lợi ích của các thành viên của bất kì nhóm người nào đều chứng minh nhiều hơn thế, mà cụ thể là sự thống nhất một cách phổ quát lợi ích của tất cả con dân của Chúa Trời. Những xung đột về lợi ích mà thoạt nhìn tưởng như không thể giải quyết được lại có thể giải quyết được bằng cách coi tất cả nhân loại là một cộng đồng thực chất là hài hòa và không có chỗ cho bất kì mâu thuẫn đối kháng nào giữa các dân tộc, các giai cấp, các chủng tộc v.v.
    Các đảng bài chủ nghĩa tự do tin rằng họ không làm cái việc là chứng minh rằng có sự thống nhất lợi ích trong nội bộ các dân tộc, các giai cấp, các sắc tộc v.v. Trên thực tế họ chỉ đề nghị thành viên của những nhóm người đó liên kết lại nhằm đấu tranh với tất cả các nhóm khác. Họ không đưa ra một khẳng định mà chỉ đưa ra một yêu cầu khi nói đến sự thống nhất lợi ích trong nội bộ các nhóm đó. Trên thực tế, họ không nói "Quyền lợi là thống nhất" mà họ nói "Liên minh phối hợp hành động phải làm cho quyền lợi trở thành thống nhất".
    Ngay từ khởi thủy, các đảng đòi đặc quyền đặc lợi đã tuyên bố một cách thẳng thắn và hoàn toàn không úp mở rằng chính sách của họ là đòi đặc quyền đặc lợi cho một nhóm người cụ thể nhất định. Các đảng nông nghiệp đòi đặt ra biểu thuế bảo hộ và những mối lợi khác (trợ cấp) cho các điền chủ; đảng của các công chức nhà nước đòi đặc quyền cho các công chức; đảng của các khu vực thì đòi quyền lợi đặc thù cho dân chúng sống trong khu vực của mình. Tất cả các đảng phải này rõ ràng là chẳng đòi hỏi gì ngoài quyền lợi của một nhóm người trong xã hội, mà không để ý đến toàn thể xã hội hay những nhóm người khác, dù họ làm nhẹ bớt hành vi của mình bằng cách tuyên bố rằng xã hội chỉ thịnh vượng nếu lợi ích của ngành nông nghiệp, của các công chức v.v. được tôn trọng. Thực ra thì họ dành sự quan tâm của mình chỉ cho một bộ phận của xã hội, và cố gắng của họ nhân danh chỉ bộ phận đó ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Khi các phong trào bài chủ nghĩa tự do hiện đại còn non trẻ thì họ phải tỏ ra thận trọng trong những vấn đề như thế vì thế hệ những người được giáo dục trên tinh thần của triết lí tự do cho rằng việc biện hộ cho đặc quyền đặc lợi của những nhóm người khác nhau là hành vi phản xã hội.
    Những người đấu tranh cho đặc quyền đặc lợi chỉ có thể tạo ra những đảng phái lớn bằng cách thành lập một đơn vị tranh đấu từ những lực lượng kết hợp của những nhóm người mà quyền lợi xung đột với nhau. Tuy nhiên, quyền lợi dành cho một nhóm cụ thể chỉ có giá trị thực tiễn khi nó được dành cho một nhóm thiểu số và không nhiều hơn đặc quyền dành cho nhóm khác. Nhưng trừ phi có những hoàn cảnh đặc biệt thuận lợi, một nhóm nhỏ không thể có hi vọng trở thành một giai cấp có đặc quyền đặc lợi bao trùm lên các nhóm khác ở thời điểm hiện tại vì việc lên án đặc quyền đặc lợi của chủ nghĩa tự do vẫn còn giữ được một vài dấu tích ảnh hưởng mà nó từng có trước đây. Vì vậy mà tất cả những người ủng hộ đặc quyền đặc lợi đều tìm cách thành lập các đảng phái lớn, mà nòng cốt của nó lại là những nhóm tương đối nhỏ, có quyền lợi khác nhau, thực ra là xung đột với nhau. Nhưng cách tư duy dẫn các đảng nhỏ đến việc đưa ra và bảo vệ những đặc quyền đặc lợi như thế làm cho mục tiêu của việc liên kết một cách cởi mở các nhóm khác nhau trở nên hoàn toàn bất khả thi. Không thể đề nghị một người đang đấu tranh giành vị trí đặc quyền đặc lợi cho nhóm người của mình hay cho chính mình hi sinh, ngay cả hi sinh tạm thời. Nếu người đó có thể hiểu được lí do của những hi sinh tạm thời thì chắc chắn anh ta đã suy nghĩ như những người theo phái tự do chứ không phải như những người đang đòi hỏi đặc quyền đặc lợi. Không ai có thể công khai nói với anh ta rằng anh ta sẽ nhận được nhiều đặc quyền đặc lợi hơn là phần đặc lợi mà anh ta mất cho người khác vì về lâu dài, không ai có thể che giấu được những bài nói chuyện hay bài viết như thế và những người khác kia sẽ đòi nhiều quyền lợi hơn.
    Như vậy nghĩa là những đảng ủng hộ đặc quyền đặc lợi sẽ buộc phải thận trọng. Khi nói đến mục đích của mình, họ sẽ phải dùng những ngôn từ mơ hồ nhằm che đậy bản chất của sự việc. Những đảng theo đường lối bảo hộ nền sản xuất trong nước là ví dụ điển hình của thói nước đôi như thế. Bao giờ họ cũng tìm cách trình bày lợi ích của biểu thuế bảo hộ mà họ đưa ra là lợi ích của nhóm có đông người hơn. Khi hiệp hội các nhà sản xuất ủng hộ biểu thuế bảo hộ thì lãnh tụ các đảng thường tránh không nói rằng lợi ích của các nhóm riêng biệt, thậm chí lợi ích của các công ty riêng lẻ, cũng không bao giờ trùng hợp và hài hòa với nhau. Người thợ dệt bị thiệt vì thuế nhập khẩu áp dụng cho máy và sợi chỉ ủng hộ phong trào bảo vệ sản xuất trong nước với hi vọng rằng thuế nhập khẩu đánh trên vải vóc sẽ cao, đủ bù lại những thiệt hại do thuế đánh vào những hàng hóa khác gây ra cho anh ta. Người trồng cỏ đòi đánh thuế cỏ khô nhập khẩu, nhưng người chăn nuôi thì chống lại; người trồng nho đòi đánh thuế rượu nho, điều này làm cho người nông dân không trồng nho và người tiêu thụ ở thành phố bị thiệt. Thế mà những người đòi đánh thuế nhằm bảo trợ nền sản xuất trong nước lại hành động như một đảng duy nhất có chung cương lĩnh. Điều này chỉ có thể xảy ra khi người ta dùng xảo thuật nhằm che giấu bản chất sự việc.
    Cố gắng thành lập một đảng đấu tranh giành đặc quyền đặc lợi trên cơ sở chia đều đặc quyền đặc lợi cho đa số dân chúng là việc làm vô nghĩa. Đặc quyền đặc lợi dành cho số đông sẽ không còn là đặc quyền đặc lợi. Đất nước mà ngành sản xuất chính là nông nghiệp, chuyên xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, thì đảng của những người nông dân, đòi đặc quyền đặc lợi cho nông dân sẽ chẳng thể tồn tại được lâu. Họ sẽ đòi hỏi gì? Biểu thuế bảo trợ sẽ chẳng mang lại lợi ích gì cho nông dân vì họ phải xuất khẩu, còn trợ giá cho đa số người sản xuất thì bất khả thi vì thiểu số sẽ không thể cung cấp được.
    Mặt khác, nhóm thiểu số đòi hỏi đặc quyền đặc lợi phải tạo ra ảo tưởng là tuyệt đại đa số dân chúng đứng về phía họ. Khi các đảng nông dân trong các nước công nghiệp đưa ra những đòi hỏi của mình thì bao giờ họ cũng kêu gọi cả những người công nhân không có ruộng đất, những người nông dân nghèo và những điền chủ nhỏ, những người không hề quan tâm tới thuế bảo hộ sản phẩm nông nghiệp, là "dân nông nghiệp". Khi những đảng của giai cấp công nhân thay mặt một nhóm công nhân nào đó đưa ra yêu sách thì bao giờ họ cũng nói về quảng đại quần chúng công nhân, và che giấu sự kiện là lợi ích của các đoàn viên công đoàn trong những ngành sản xuất khác nhau không những khác nhau mà còn đối kháng, và thậm chí lợi ích của những người làm trong một ngành hoặc một công ty cũng xung đột với nhau.
    Đây là một trong hai nhược điểm quan trọng nhất của tất cả các đảng đấu tranh giành đặc quyền đặc lợi. Một mặt, họ buộc phải dựa vào một nhóm nhỏ vì nếu dành cho đa số thì đặc quyền đặc lợi sẽ không còn là đặc quyền đặc lợi. Nhưng, mặt khác, phải khoác chiêu bài là người bảo vệ và đại diện cho đa số thì họ mới hi vọng thực hiện được đòi hỏi của mình. Việc một số đảng tại những nước khác nhau thì thoảng khắc phục được khó khăn này trong công tác tuyên truyền của họ, và đã thuyết phục được mỗi giai tầng xã hội hay tưng nhóm tin rằng họ sẽ nhận được những quyền lợi đặc biệt nếu đảng chiến thắng chỉ nói lên sự khéo léo về mặt chiến thuật và ngoại giao của ban lãnh đạo đảng cũng như sự yếu kém trong đánh giá và sự non nớt về chính trị của quần chúng cử tri. Hoàn toàn không phải là giải pháp của họ là khả thi. Dĩ nhiên người ta đồng thời có thể hứa với dân thành thị giá bánh mì rẻ, và hứa với người làm ruộng giá bột mì cao, nhưng không thể thực hiện cả hai lời hứa cùng một lúc. Dễ dàng hứa với nhóm người ủng hộ việc gia tăng một số khoản chỉ của chính phủ mà không giảm chi một số khoản khác đồng thời lại hứa giảm thuế cho một nhóm người khác, nhưng không thể thực hiện được cả hai lời hứa như thế trong cùng một thời gian. Chiến thuật của đảng này được xây dựng trên cơ sở chia xã hội thành người sản xuất và người tiêu dùng. Họ lại thường lợi dụng việc thảo luận chính sách tài chính quốc gia nhằm biện hộ cho những khoản chi tiêu mới từ ngân quỹ, mà không hề quan tâm tới nguồn chi, đồng thời lại luôn phàn nàn về gánh nặng thuế khóa.
    Nhược điểm thứ hai là yêu sách mà các đảng này đòi cho mỗi nhóm người cụ thể là những yêu sách không có giới hạn. Điều duy nhất làm cho họ phải tính toán là sự phản đối của phía bên kia. Chiến thuật này hoàn toàn phù hợp với đặc điểm của những đảng đấu tranh giành đặc quyền đặc lợi cho một nhóm người nào đó. Song, những đảng phái không có cương lĩnh rõ ràng mà chỉ muốn tạo ra xung đột nhằm giành cho bằng được ước muốn không giới hạn về đặc quyền đặc lợi của một nhóm nhất định và làm thiệt hại cho những người khác chắc chắn sẽ gây ra nguy cơ phá hoại toàn bộ mọi hệ thống chính trị. Người ta ngày càng nhận thức rõ điều đó, và bắt đầu nói đến sự khủng hoảng của nhà nước hiện đại và sự khủng hoảng của chế độ đại nghị. Nhưng trên thực tế, đấy chính là sự khủng hoảng ý thức hệ của các đảng phái đấu tranh giành đặc quyền đặc lợi hiện đại.

    3. Sự khủng hoảng của chế độ đại nghị và ý tưởng về nghị viện đại diện cho các nhóm đặc biệt

    Chế độ đại nghị, thể chế phát triển một cách từ từ ở Anh và các nước thuộc địa của Anh từ thế kỉ XVII và trên lục địa châu Âu sau khi lật đổ được Napoleon và những cuộc cách mạng tháng 7 năm 1830 và tháng 2 năm 1848, cho rằng phải chấp nhận toàn bộ hệ tư tưởng của chủ nghĩa tự do. Tất cả các nghị sĩ có trách nhiệm quyết định cách thức cai trị đất nước đều phải tuyệt đối tin tưởng rằng lợi ích được hiểu một cách đúng đắn của tất cả các nhóm người và của từng thành viên trong xã hội là đồng nhất, và mọi hình thức đặc quyền đặc lợi dành cho các nhóm người và các giai cấp đều có hại cho lợi ích chung và phải bị bãi bỏ. Tất cả các đảng phái trong quốc hội được quyền thực hiện các chức năng mà hiến pháp hiện hành giao cho họ; đương nhiên là về những vấn đề chính trị cụ thể, họ có thể giữ những quan điểm khác nhau, nhưng họ phải coi mình là người đại diện cho toàn thể dân tộc chứ không phải là đại diện cho một khu vực hay một giai tầng nhất định. Vượt lên trên tất cả những khác biệt về ý kiến, họ đều phải cùng chia sẽ niềm tin rằng, xét đến cùng, họ có cùng mục đích và mục tiêu của họ là giống nhau, và chỉ có phương tiện để đạt mục đích là cần phải tranh luận. Khoảng cách giữa các đảng phái không phải là không thể vượt qua, lợi ích của họ cũng không xung đột đến mức họ phải sẵn sàng chiến đấu đến cùng, mặc cho những đau khổ của dân chúng và sự tan hoang của đất nước. Quan điểm về những chính sách cụ thể là sự khác biệt giữa các đảng với nhau. Vì vậy mà chỉ có hai loại đảng: đảng đang cầm quyền và đảng muốn cầm quyền. Ngay cả đảng đối lập cũng không tìm cách giành quyền lực để thúc đẩy những lợi ích cụ thể nào đó hay đưa người của mình vào nắm những vị trí quyền lực nào đó; họ chỉ tìm cách giành quyền lực để chuyển những ý tưởng của mình thành luật pháp và thực hiện chúng trong quá trình lãnh đạo đất nước. Chỉ có như thế thì các nghị sĩ và chính phủ đại nghị mới trở nên hữu dụng.
    Một thời những điều kiện như thế từng tồn tại ở các nước Anglo-Saxon, và hiện nay ở đấy cũng còn một vài dấu tích như thế. Còn trên lục địa châu Âu thì ngay cả trong cái thời được gọi là hoàng kim của chủ nghĩa tự do người ta cũng chỉ có thể nói đến cái gọi là sự tiệm cận với những điều kiện như thế. Trong hàng chục năm qua, những cuộc họp của các cơ quan đại diện lại có vẻ như hoàn toàn ngược lại. Có rất nhiều đảng, mỗi đảng lại chia ra thành các phe phái khác nhau, những phe phái đó tạo thành mặt trận thống nhất nhằm chống lại thế giới bên ngoài, nhưng trong nội bộ thì họ lại chống báng lẫn nhau cũng dữ dội như chống báng các đảng khác vậy. Mỗi đảng và mỗi phe phái đều coi mình là người bảo vệ duy nhất cho đặc quyền đặc lợi nào đó, và sẵn sàng chiến đấu bằng mọi giá cho đến thắng lợi cuối cùng. Nội dung và bản chất chính sách của họ là đưa càng nhiều ngân quỹ vào "két" của mình, giành được càng nhiều ưu tiên ưu đãi thông qua chính sách thuế khóa, hạn chế nhập cư và những đặc quyền đặc lợi bằng cách hi sinh quyền lợi của những người khác trong xã hội, thì càng tốt.
    Về nguyên tắc, những yêu sách như thế là vô hạn, không đảng nào có thể giành được các mục tiêu mà họ đặt ra. Không thể tưởng tượng được là một lúc nào đó yêu sách của đảng nông dân hay công nhân có thể được thực hiện một cách trọn vẹn. Thế mà mỗi đảng lại cố tìm cách giành được mức độ ảnh hưởng đủ sức giúp họ thỏa mãn càng nhiều khát vọng càng tốt, trong khi đó họ lại luôn tỏ ra thận trọng để có thể biện hộ trước cử tri vì sao ước mơ của họ lại không được thực hiện. Điều này chỉ có thể thực hiện được bằng cách làm như đảng của họ đang ở thế đối lập, dù trên thực tế đảng đang nắm quyền hoặc bằng cách đổ vấy cho những lực lượng mà nó không điều khiển được như nhà vua (nếu đấy là nhà nước quan chủ) và nước ngoài v.v. Đảng Bolshevik không thể làm cho nhân dân Nga hạnh phúc, những người xã hội chủ nghĩa Áo cũng không làm được như thế vì bị "chủ nghĩa tư bản phương Tây" ngăn cản. Các đảng bài chủ nghĩa tự do đã cầm quyền ở Đức và Áo trong vòng hơn năm mươi năm qua, thế nhưng trong những bản tuyên ngôn và tuyên bố công khai, thậm chí trong những tác phẩm mang tinh thần "khoa học", ta vẫn thấy họ cho rằng tất cả những điều xấu xa hiện nay đều là do ảnh hưởng của những nguyên lí tự do. Quốc hội chỉ gồm những người ủng họ các đảng bài chủ nghĩa tự do và đại diện cho các nhóm đặc quyền đặc lợi sẽ không thể thực hiện được công việc của mình, và về lâu dài nhất định sẽ làm cho tất cả mọi người đều thất vọng. Đấy chính là điều mọi người đã và đang nghĩ tới khi họ nói về sự khủng hoảng của chế độ đại nghị.
    Để giải quyết vấn đề này, một số người cho rằng cần phải bãi bỏ nền dân chủ và chế độ đại nghị, và thiết lập chế độ độc tài. Chúng tôi không muốn thảo luận những luận cứ chống lại chế độ độc tài. Chúng tôi đã thảo luận vấn đề này một cách kĩ lưỡng rồi.
    Đề nghị thứ hai nhằm sửa chữa những khuyết tật của quốc hội có các thành viên được bầu trực tiếp bởi tất cả các công dân là bổ sung thêm hay thay thế toàn bộ thành viên quốc hội bằng những đại biểu được các công ty độc lập hoặc các phường hội đại diện cho các ngành công nghiệp và thương mại khác nhau bầu ra. Người ta nói rằng đại biểu quốc hội thường thiếu khách quan và không có kiến thức kinh tế. Trong khi cái mà chúng ta cần là chính sách kinh tế chứ không phải chính sách nói chung. Đại diện của các ngành công nghiệp sẽ dễ dàng đồng thuận về những vấn đề mà những đại biểu được bầu theo khu vực địa lí không thể hiểu được hoặc chỉ hiểu sau khi sự kiện đã xảy ra khá lâu rồi.
    Nói về quốc hội chỉ gồm những đại biểu đại diện cho những hiệp hội nghề nghiệp khác nhau thì vấn đề trọng nhất phải làm rõ là thủ tục bỏ phiếu sẽ như thế nào, hay nếu mỗi đại biểu đều có một phiếu thì mỗi hiệp hội phải có bao nhiêu đại biểu. Vấn đề này phải được giải quyết trước khi quốc hội họp, nhưng bởi vấn đề này đã được giải quyết rồi nên không cần lo lắng đến việc triệu tập quốc hội nữa vì kết quả của cuộc bỏ phiếu đã được quyết định từ trước. Chắc chắn là còn câu hỏi: sau khi phân chia ngôi thứ, các hiệp họi có thể giữ vững được quyền lực của mình hay không? Nó sẽ chẳng bao giờ - xin chớ ảo tưởng về vấn đề này - được đa số dân chúng chấp nhận. Muốn tạo ra cơ quan đại diện được đa số chấp nhận thì không cần phải có quốc hội phân chia theo nghề nghiệp. Tất cả phụ thuộc vào việc là liệu sự bất bình với chính sách mà các đại biểu của các hiệp hội thông qua có đủ sức dẫn tới việc lật đổ toàn bộ hệ thống bằng vũ lực hay không. Trái ngược với hệ thống dân chủ, hệ thống này không bảo đảm rằng việc thay đổi chính sách mà đa số dân chúng mong muốn sẽ được thực hiện. Nói như thế nghĩa là chúng tôi đã nói tất cả những điều cần phải nói nhằm chống lại ý tưởng hình thành quốc hội trên cơ sở đại diện theo nghề nghiệp. Người theo trường phái tự do coi những hệ thống không loại bỏ được sự gián đoạn mang tính bạo lực của sự phát triển xã hội một cách hòa bình đều là không đáng được thảo luận.
    Nhiều người ủng hộ ý tưởng thành lập quốc hội bao gồm những người đại diện cho các hiệp hội nghề nghiệp nghĩ rằng không được giải quyết xung đột bằng cách buộc phe phái này phải khuất phục phe phái kia mà bằng cách cùng điều chỉnh các khác biệt. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu các đảng phái không thể thỏa thuận được với nhau? Thỏa hiệp sẽ chỉ xảy ra khi nguy cơ của giải pháp không thuyết phục buộc từng đảng phải tiếp tục thảo luận nhằm đạt cho bằng được một sự nhượng bộ nào đó. Không ai cản trở các đảng phái khác nhau thỏa thuận ngay cả khi các đại biểu được toàn dân trực tiếp bầu ra. Cũng không ai có thể buộc các đại biểu quốc hội do các hiệp hội nghề nghiệp bầu ra phải thỏa hiệp với nhau.
    Như vậy nghĩa là, quốc hội gồm những người như thế không thể hoạt động như một nghị viện trong chế độ dân chủ. Đấy không phải là nơi các quan điểm chính trị khác nhau được đem ra thảo luận và điều chỉnh một cách hòa bình. Nó cũng không thể ngăn chặn được sự gián đoạn mang tính bạo lực của sự phát triển hòa bình những cuộc bạo loạn, cách mạng và nội chiến gây ra. Vì những quyết định quan trọng nhất, những quyết định định đoạt việc phân chia quyền lực trong quốc gia, không được đưa ra các viện của quốc hội và trong các cuộc bầu cử xác định thành phần của các viện đó. Nhân tố quyết định việc phân chia quyền lực là tương quan lực lượng đã được hiến pháp quy định cho mỗi hiệp hội trong việc hình thành chính sách công. Nhưng vấn đề này lại được giải quyết ở bên ngoài các viện của quốc hội và không liên quan tới những cuộc bầu cử thành viên quốc hội.
    Chính vì vậy, việc ta không dùng từ "nghị viện" cho một hội đồng gồm toàn đại diện của các hiệp hội nghề nghiệp là điều hoàn toàn đúng đắn. Thuật ngữ chính trị hình thành trong hai thế kỉ qua đã tạo ra sự phân biệt rõ rệt giữa nghị viện và hội đồng kiểu như thế. Ta phải phân biệt rõ như vậy nếu không muốn làm rối tất cả các khái niệm của khoa chính trị học.
    Sidney và Beatrice Webb cũng như nhiều người xã hội chủ nghĩa hoạt động trong các hiệp hội và phong trào công đoàn đi theo những kiến nghị mà những người ủng hộ việc cải cách thượng viện ở lục địa châu Âu trước đây đã làm, đề nghị giữ nguyên hệ thống hai viện. Một viện do toàn dân bầu, còn viện kia được bầu từ các khu vực bầu cử theo nghề nghiệp.
    Nhưng rõ ràng là đề nghị này cũng không thể sửa chữa được những khiếm khuyết của hệ thống đại diện theo nghề nghiệp. Trên thực tế, hệ thống hai viện chỉ có thể hoạt động nếu một viện chiến ưu thế hơn và có thể áp đặt vô điều kiên ý chí của mình cho viện kia, hay khi hai viện có những quan điểm khác nhau về vấn đề nào đó thì người ta phải cố gắng đạt cho được giải pháp thỏa hiệp. Nếu không có những cố gắng như thế thì xung đột sẽ phải được giải quyết bên ngoài các viện của quốc hội, biện pháp cuối cùng sẽ là vũ lực. Dù có vặn vẹo vấn đề thế nào đi nữa thì cuối cùng người ta cũng phải quay về với những khó khăn không thể vượt qua. Đấy là trở ngại mà tất cả những đề nghị tươngtwej sẽ gặp, dù chúng có được gọi là chủ nghĩa xã hội phường hội hay chủ nghĩa nghiệp đoàn thì cũng vậy. Cuối cùng ngời ta sẽ thấy sự thiếu thực tiễn của những sơ đồ kiểu này khi họ chấp nhận những đề xuất cải tiến phi lí, ví dụ như thành lập các hội đồng kinh tế với chức năng cố vấn.
    Những người ủng hộ ý tưởng thành lập hội đồng gồm toàn đại diện của các hiệp hội đã nhầm lẫ nghiêm trọng khi cho rằng có thể giải quyết những mâu thuẫn đối kháng đang xâu xé sự thống nhất của quốc gia bằng cách chia dân chúng và hội đồng dân tộc theo nghề nghiệp. Vá víu hiến pháp không phải là biện pháp giải quyết. Chỉ có hệ tư tưởng của chủ nghĩa tự do mới giải quyết được những mâu thuẫn đối kháng như thế.

    4. Chủ nghĩa tự do và đảng đòi đặc quyền đặc lợi

    Những đảng đòi đặc quyền đặc lợi, vốn chẳng thấy gì khác ngoài chính sách bảo vệ đặc quyền đặc lợi cho những nhóm người của mình, không chỉ làm cho hệ thống nghị viện trở thành bất khả thi mà còn phá hoại sự thống nhất quốc gia và xã hội. Họ làm cho không chỉ chế độ đại nghị mà toàn thể hệ thống chính trị và xã hội lâm vào khủng hoảng. Về lau dài, xã hội sẽ không thể tồn tại được nếu nó bị chia thành từng nhóm riêng biệt, mỗi nhóm lại cố tình giành giật đặc quyền đặc lợi cho mình, lúc nào cũng cảnh giác để không bị thua thiệt và sẵn sàng hi sinh ngay cả những định chế chính trị quan trọng nhất miễn là giành được lợi ích dù nhỏ đến đâu.
    Đối với các đảng đòi đặc quyền đặc lợi thì mọi vấn đề chính trị đều chỉ là vấn đề chiến thuật. Mục đích cuối cùng của họ đã được xác định ngay từ đầu. Mục tiêu của họ là giành cho bằng được lợi thế và đặc quyền đặc lợi cho nhóm người mà họ đại diện, những người khác trong xã hội sẽ phải trả giá. Cương lĩnh của đảng phải tìm cách che đậy mục tiêu này và tạo cho nó vẻ chính đáng, nhưng trong bất kì hoàn cảnh nào cũng không được tuyên bố công khai mục đích chính sách của đảng. Dù thế nào thì các đảng viên cũng biết rõ mục đích của mình; họ không cần phải giải thích. Còn phổ biến ra ngoài đến mức nào thì lại là vấn đề chiến thuật.
    Tất cả các đảng đấu tranh giành đặc quyền đặc lợi chẳng muốn gì ngoài việc bảo vệ ưu quyền cho nhóm người của mình, và họ hoàn toàn không đếm xỉa đến nguy cơ tan rã toàn bộ cơ cấu xã hội. Họ không thể chống lại được sự phê phán của chủ nghĩa tự do. Nếu đem các yêu sách của họ ra phân tích thì sẽ không phủ nhận được rằng hoạt động của họ là phản xã hội và mang tính chất phá hoại; thậm chí chỉ cần nghiên cứu một cách hời hợt nhất cũng đủ thấy rằng hoạt động của những đảng vì đặc quyền đặc lợi và luôn chống báng lẫn nhau sẽ chẳng tạo ra bất kì thiết chế hữu ích nào. Chắc chắn là những người không có khả năng nhìn xa hơn những điều đang diễn ra hàng ngày sẽ không thấy rõ như thế. Đa số người dân không quan tâm đến những chuyện sẽ diễn ra sau đấy vài ngày. Họ chỉ nghĩ đến những chuyện diễn ra hôm nay, nhiều lắm là ngày mai. Họ không bao giờ hỏi điều gì sẽ diễn ra nếu tất cả các nhóm khác, trong khi theo đuổi đặc quyền đặc lợi của mình, đều không quan tâm tới phúc lợi của toàn xã hội nữa. Họ hi vọng không chỉ thực hiện được yêu sách của mình mà còn đập tan được yêu sách của những người khác. Đối với một ít người mà đòi hỏi hoạt đông của các đảng phải tuân thủ những tiêu chuẩn cao, và ngay cả hoạt động chính trị cũng phải tuân thủ các yêu cầu đạo đức ("Chỉ hành động trên nguyên tắc mà anh có thể coi là luật phổ quát, nghĩa là không có mâu thuẫn khi coi hành động của anh là luật mà mọi người đều phải tuân thủ") thì hệ tư tưởng của những đảng đòi đặc quyền đặc lợi chắc chắn chỉ là con số không.
    Chủ nghĩa xã hội đã giành được ưu thế đáng kể là do quan điểm của các đảng đấu tránh giành đặc quyền đặc lợi đã có những khiếm khuyết về mặt logic. Nguyên lí của chủ nghĩa xã hội có ý nghĩa quan trọng đối với nhiều người, đấy là nói những người chưa nắm được lí tưởng vĩ đại của chủ nghĩa tự do nhưng lại có tư duy rõ ràng và không chấp nhận yêu sách đòi đặc quyền đặc lợi cho những nhóm người cụ thể. Ý tưởng về chủ nghĩa xã hội - ta không thể phủ nhận được sự vĩ đại của nó, dù nó có những khiếm khuyết bẩm sinh (đã thảo luận một cách kĩ lưỡng ở trên) - được dùng để che đậy và đồng thời khẳng định sự yếu kém trong quan điểm của các đảng đấu tranh giành đặc quyền đặc lợi. Nó tạo ra kết quả là chuyển được sự chú ý của giới phê bình từ hoạt động của đảng sang những vấn đề lớn hơn, những vấn đề mà dù người ta có nghĩ thế nào thì cũng là những điều đáng phải xem xét một cách thận trọng và với sự chú tâm cao nhất.
    Trong một trăm năm qua, lí tưởng của chủ nghĩa xã hội đã tìm được những người ủng hộ trong số những người chân thành và lương thiện. Nhiều người tốt nhất và trung thực nhất đã hân hoan chấp nhận nó. Nó trở thành ngôi sao dẫn đường cho những chính khách lỗi lạc. Nó giành được vị trí thượng phong trong các trường đại học, và là nguồn cảm hứng cho giới trẻ. Nó lấp đầy tư duy và tình cảm của thế hệ trước và cả thế hệ hiện nay, và đến một lúc nào đó lịch sử sẽ hoàn toàn có lí khi gọi thời đại của chúng ta là thời đại xã hội chủ nghĩa. Trong mấy chục năm gần đây, trong tất cả các nước, người ta đã làm tất cả mọi việc có thể - từ quốc hữu hóa và tập thể hóa các doanh nghiệp cho đến áp dụng những biện pháp nhằm thực thi nền kinh tế kế hoạch hóa để biến lí tưởng xã hội chủ nghĩa thành hiện thực.
    Những khiếm khuyết không thể tránh khỏi của quản lí xã hội chủ nghĩa - ảnh hưởng tiêu cực đối với năng suất lao động và việc tính toán kinh tế là bất khả thi - đã dẫn tới tình trạng là hầu như mỗi bước tiến theo con đường xã hội chủ nghĩa đều trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với việc cung cấp những món hàng tiêu dùng cho người dân. Chính cảnh thiếu thốn như thế đã chặn đứng phong trào xã hội chủ nghĩa, còn lí tưởng xã hội chủ nghĩa - dù vẫn còn giữ được ảnh hưởng về mặt ý thức hệ - trong lĩnh vực chính sách cụ thể đã trở thành tấm mặt nạ che đậy cho các đảng lao động trong cuộc đấu tranh giành đặc quyền đặc lợi cho họ.
    Có thể chứng minh sự đúng đắn của kết luận như thế đối với bất kì đảng xã hội chủ nghĩa nào, ví dụ như các phe phái khác nhau của đảng xã hội chủ nghĩa Thiên Chúa giáo. Nhưng chúng tôi đề nghị chỉ thảo luận về những đảng xã hội chủ nghĩa theo đường lối marxist, không nghi ngờ gì nữa, đấy chính là những đảng xã hội chủ nghĩa quan trọng nhất. Marx và những người kế tục ông có thái độ thực sự nghiêm túc đối với chủ nghĩa xã hội. Marx bác bỏ tất cả những biện pháp mà các đảng đấu tranh đòi đặc quyền đặc lợi - nhân danh các nhóm và các giai tầng trong xã hội - kiến nghị. Ông không bao giờ tỏ ra nghi ngờ giá trị những luận cứ của phe dân chủ khi phe này cho rằng những hành động can thiệp như thế chỉ dẫn tới kết quả là năng suất lao động sẽ giảm. Khi suy nghĩ, viết và nói một cách nhất quán, ông đều giữ quan điểm cho rằng mọi hành động cạn thiệp của chính phủ hoặc của các tổ chức xã hội có lực lượng cưỡng chế khác nhằm thay đổi cơ chế của hệ thống tư bản chủ nghĩa đều là những hành động vô nghĩa, vì chúng không dẫn đến những kết quả mà họ kì vọng, ngược lại, chúng sẽ chỉ làm giảm hiệu suất của nền kinh tế. Marx muốn đưa giai cấp công nhân vào cuộc đấu tranh nhằm thiết lập chế độ xã hội chủ nghĩa, chứ không phải nhằm giành một số đặc quyền đặc lợi trong lòng xã hội dựa trên quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất. Marx muốn một đảng lao động xã hội chủ nghĩa, chứ không phải đảng tiểu-tư sản nhắm vào những cải cách vụn vặt, như ông nói.
    Marx, do lòng trung thành mù quáng đối với những định kiến xuất phát từ hệ thống triết học kinh viện của chính mình, đã không thể nhìn thấy những sự thực như chúng vốn là. Ông nghĩ rằng những người công nhân, được những tác gia dưới ảnh hưởng của ông tổ chức thành đảng "xã hội chủ nghĩa", sẽ bình tĩnh quan sát quá trình tiến hóa của hệ thống tư bản theo đúng như học thuyết và sẽ không trì hoãn cái ngày chủ nghĩa tư bản hoàn toàn chín muồi cho sự tước đoạt những kẻ từng tước đoạt và "biến thành" chủ nghĩa xã hội. Ông không thấy rằng các đảng lao động, cũng như các đảng đấu tranh giành đặc quyền đặc lợi xuất hiện nhan nhản khắp nơi, trong khi về nguyên tắc họ chấp nhận cương lĩnh xã hội chủ nghĩa, nhưng trong chính sách cụ thể họ lại chỉ quan tâm đến việc giành đặc quyền đặc lợi ngay trước mắt cho giai cấp công nhân. Lí thuyết của Marx về sự thống nhất lợi ích của giai cấp công nhântoàn thế giới lại nhắm đến những mục đích hoàn toàn khác. Nó đã giúp một số nhóm công nhân che đậy một cách cực kì khéo léo cho thực tế là những nhóm công nhân khác phải trả giá cho chiến thắng của họ. Điều đó có nghĩa là trong lĩnh vực lập pháp "vì người lao động" cũng như trong những cuộc đấu tranh của các tổ chức công đoàn, lợi ích của người vô sản không bao giờ trung nhau. Về khía cạnh này, học thuyết marxist cũng có ích cho các đảng đấu tranh cho đặc quyền đặc lợi của giai cấp công nhân y như tôn giáo đã giúp ích cho đảng trung dung và các đảng phái khác của các giáo sĩ ở Đức, hay tinh thần dân tộc đã giúp cho các đảng mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa, hay luận điểm cho rằng lợi ích của những người sản xuất nông nghiệp là giống nhau đã giúp ích cho các đảng nông dân, hay học thuyết về tính tất yếu của các sắc thuế nhằm bảo vệ lao động trong nước đã giúp ích cho các đảng theo đuổi chính sách bảo hộ nền sản xuất nội địa. Các đảng dân chủ xã hội càng phát triển thì ảnh hưởng của phong trào công đoàn - đấy là nói ngay trong nội bộ các đảng đó - càng gia tăng, và các đảng đó ngày càng giống như tổ chức công đoàn, tức là tổ chức coi mọi vấn đề chỉ là hạn chế số thành viên và tăng lương cho người của mình.
    Chủ nghĩa tự do chẳng có gì chung với những đảng phái này. Nó đứng trên cực đối lập với tất cả các đảng phái đó. Nó không hứa mang đến cho bất kì ai bất cứ ưu tiên ưu đãi nào. Nhằm bảo vệ xã hội, nó đòi hỏi mọi người phải hi sinh. Nhưng hi sinh như thế - đúng hơn phải nói là hi sinh những lợi ích trực tiếp - dĩ nhiên chỉ là tạm thời, và sẽ được đền bù bằng những lợi ích lớn hơn và lâu dài hơn. Tuy nhiên, hiện thời đấy đúng là hi sinh. Vì vậy, ngay từ đầu, trong cuộc đấu tranh với các đảng phái khác, chủ nghĩa tự do đã nằm trong hoàn cảnh đặc biệt. Ứng cử viên của các đảng phái bài chủ nghĩa tự do hưa mang lại cho mỗi nhóm cử tri đặc quyền đặc lợi khác nhau: người sản xuất bán được giá cao, còn người tiêu dùng thì được mua với giá thấp; quan chức được hưởng lương cao, còn người đóng thuế thì đóng thấp. Anh ta sẵn sàng đồng ý với mọi chi tiêu lấy từ ngân sách quốc gia hay từ túi người giàu. Anh ta chẳng coi nhóm nào là quá nhỏ, và sẵn sàng tìm sự ủng hộ của họ bằng cách lấy tiền nhà nước để mua quà tặng cho họ. Còn ứng cử viên của đảng tự do thì chỉ có thể nói với tất cả cử tri rằng tìm kiếm đặc quyền đặc lợi là hành động phản xã hội.
     
    Chỉnh sửa cuối: 2/7/15
  14. notrinos

    notrinos Lớp 5


    5. Công tác tuyên truyền của đảng và tổ chức đảng


    Khi các ý tưởng tự do được truyền bá từ quê hương họ, tức là Tây Âu, sang Trung và Đông Âu thì các thế lực truyền thống - chế độ quân chủ, giới quý tộc và tăng lữ - dựa vào những phương tiện đàn áp mà họ nắm trong tay cảm thấy hoàn toàn yên tâm.
    Họ thấy không cần phải dùng vũ khí trí tuệ để chiến đấu với chủ nghĩa tự do và tư tưởng của thời Khai sáng. Họ cho rằng đàn áp, ngược đãi và bỏ tù những người bất đồng còn có ích hơn. Họ ca ngợi bộ máy trấn áp và bạo lực của quân đội và cảnh sát. Mãi sau này họ mới kinh hoàng nhận ra rằng hệ tư tưởng mới đã chinh phục được tâm trí của các quan chức và binh lính, và bằng cách đó đã tước được vũ khí của họ. Sự thất bại của chế độ cũ trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa tự do đã dạy cho những người ủng hộ nó một sự thật đơn giản là không có gì mạnh hơn tư tưởng và các nhà tư tưởng, và chỉ có dùng tư tưởng mới chống lại được tư tưởng. Họ nhận thức được rằng tin vào vũ lực là ngu, vì chỉ có thể sử dụng được người cầm súng nếu họ sẵn sàng tuân thủ, và cuối cùng thì tư tưởng chính là nền tảng của mọi chính quyền và khả năng chi phối của nó.
    Công nhận chân lí xã hội đó là một trong những niềm tin chủ yếu làm nền tảng cho lí thuyết chính trị của chủ nghĩa tự do. Từ đó chủ nghĩa tự do rút ra kết luận rằng về lâu dài chân lí và công bằng sẽ phải chiến thắng, vì thắng lợi của nó trong lĩnh vực tư tưởng là sự thực không thể nghi ngờ. Ai giành được chiến thắng trong lĩnh vực này cuối cùng cũng sẽ giành được chiến thắng trong lĩnh vực công việc cụ thể, vì không có lực lượng khủng bố nào có thể đè bẹp được nó. Vì vậy ta không phải lo lắng cho sự lan truyền của chủ nghĩa tự do. Dù có xảy ra chuyện gì thì nó vẫ sẽ chiến thắng.
    Có thể hiểu được những người chống đối chủ nghĩa tự do ngay cả trên khía cạnh này nếu ra lưu ý rằng họ chẳng làm gì cả ngoài chuyện đảo ngược những điều mà chủ nghĩa tự do dạy; nghĩa là, tư tưởng của họ là thứ dựa trên sự bác bỏ và phản ứng lại những tư tưởng của chủ nghĩa tự do. Họ không thể đưa ra được học thuyết toàn diện và nhất quán về kinh tế và xã hội có thể đối chọi được với hệ tư tưởng của chủ nghĩa tự do, vì chủ nghĩa tự do là kết luận khả dĩ duy nhất có thể được rút ra từ một học thuyết toàn diện và nhất quán. Còn cái cương lĩnh hứa hẹn mang lại điều gì đó cho một nhóm người hay một vài nhóm người, không cso hi vọng được toàn dân ủng hộ, và sẽ thất bại về chính trị ngay từ đầu. Như vậy nghĩa là các đảng đó sẽ phải tạo dựng một cơ chế nào đó để trói buộc những nhóm người mà đảng nhắm tới nằm hoàn toàn trong tầm kiểm soát của đảng và giữ mãi họ trong tình trạng như thế. Họ phải làm mọi cách để chủ nghĩa tự do không tìm được người ủng hộ trong những giai cấp mà họ lệ thuộc.
    Để đạt được mục đích đó, các đảng được tổ chức theo kiểu giữ chặt từng cá nhân sao cho họ không dám nghĩ đến việc bỏ đảng. Ở Đức và Áo, hệ thống kiểu này đã phát triển đến độ tinh xảo, và ở các nước Đông Âu các hệ thống này được sao chép lại, khiến cho từng cá nhân biến thành đảng viên thay vì là người công dân bình thường. Ngay từ lúc còn bé người ta đã được đảng chăm sóc. Hoạt động thể dục thể thao và hoạt động xã hội được tổ chức theo đường lối của đảng. Từ hệ thống hợp tác xã, nông dân phải thông qua đó mới nhận được tiền trợ cấp và tài trợ; đến những định chế giúp các chuyên gia thăng tiến và thị trường lao động cũng như hệ thống quỹ tiết kiệm - tất cả đều được quản lí theo đường lối của đảng. Muốn được tôn trọng, đấy là nói trong tất cả những vấn đề mà chính quyền có thể được tự do hành động, cá nhân buộc phải dựa vào sự ủng hộ của đảng. Trong những hoàn cảnh như thế, sao nhãng công việc của đảng sẽ làm người ta nghi ngờ, còn ra khỏi đảng thì có nghĩa là sẽ gặp những khó khăn nghiêm trọng về kinh tế, nếu không nói là sẽ bị phá sản về mặt kinh tế và tẩy chay về mặt xã hội.
    Các đảng đấu tranh giành đặc quyền đặc lợi có cách xử lí đặc biệt đối với những người có tay nghề cao. Những nghề tự do như luật sư, bác sĩ, nhà văn, nghệ sĩ không có đủ người để thành lập những đảng riêng nhằm bảo vệ quyền lợi của chính họ. Vì vậy họ ít chịu ảnh hưởng của hệ tư tưởng đặc quyền đặc lợi giai cấp. Những người làm nghề tự do chính là những người ủng hộ chủ nghĩa tự do một cách ngoan cường và lâu dài nhất. Cuộc chiến đấu không khoan nhượng và nhẫn tâm nhằm đòi cho bằng được những quyền lợi đặc biệt của các đảng phái sẽ chẳng mang lại cho họ điều gì. Đấy là điều mà các đảng hoạt động như các nhóm gây áp lực coi là điều cực kì đáng lo. Họ thể chấp nhận việc giới tri thức tiếp tục gắn bó với chủ nghĩa tự do. Họ sợ rằng nếu các tư tưởng tự do, được một vài người trí thức tái phát triển và giải thích một cách cặn kẽ, sẽ đủ sức làm cho đội ngũ đảng viên của họ siêu lòng và ủng hộ thì hàng ngũ của họ sẽ thưa thớt dần. Họ vẫn còn nhớ những tư tưởng như thế đã gây ra những mối nguy hiểm như thế nào đối với chế độ đặc quyền đặc lợi của xã hội đẳng cấp. Vì vậy các đảng đấu tranh đòi đặc quyền đặc lợi đã tự tổ chức một cách có hệ thống nhằm buộc những người làm nghề tự do phải phụ thuộc vào họ. Chuyện đó đã xảy ra ngay sau khi các đảng này đưa giới trí thức vào nắm quyền trong bộ máy của đảng. Các bác sĩ, luật sư, nhà văn, nghệ sĩ phải tham gia vào các tổ chức của bệnh nhân, khách hàng, độc giả và người bảo trợ cho mình, và phụ thuộc vào các tổ chức như thế. Những người lừng khừng hay đấu tranh chống lại đều bị tẩy chay và buộc phải làm theo.
    Việc khuất phục những người làm nghề tự do còn được tiếp tục bằng thủ tục bổ nhiệm vị trí giảng dạy và chức vụ trong bộ máy nhà nước. Ở những nơi mà hệ thống đảng đã phát triển một cách đầy đủ thì chỉ có các đảng viên đại diện cho đảng cầm quyền hoặc theo thỏa thuận (dù là thỏa thuận ngầm) của tất cả các đảng đấu tranh giành đặc quyền mới được bổ nhiệm vào các chức vụ như thế. Và cuối cùng, ngay cả báo chí độc lập cũng bị các đảng phái kiểm soát bằng các biện pháp đe dọa tẩy chay.
    Đòn cuối cùng trong việc tổ chức các đảng này chính là thành lập các đơn vị vũ trang của chính họ. Tổ chức theo lối nhà binh, bắt chước mô hình của quân đội quốc gia, cá đơn vị này soạn thảo kế hoạch hành động và chuyển quân, họ có vũ khí và sẵn sàng tấn công. Họ mang cờ quạt và kèn đồng diễu binh qua các đường phố, đấy chính là lời cảnh báo với thế giới rằng thời đại của những cuộc vận động và chiến tranh bất tận đang tới gần.
    Cho đến lúc này, có hai hoàn cảnh có thể làm dịu bớt nguy cơ xuất hiện tình hình như vừa nói. Thứ nhất, đã có sự cân bằng quyền lực giữa các đảng phái trong các cường quốc quan trọng nhất. Còn ở những nơi không có sự cân bằng như thế, ví dụ như ở Nga và Ý, quyền lực của nhà nước, bất chấp ngay cả một số nguyên tắc còn sót lại của chủ nghĩa tự do, đã được sử dụng để đàn áp và khủng bố những người ủng hộ các đảng đối lập.
    Hoàn cảnh thứ hai giúp cho điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra là ngay cả các dân tộc căm ghét chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa tư bản đến tận xương tủy vẫn phải ngóng trông vào đầu tư từ những nước vốn là ví dụ điển hình của tinh thần tự do và tư bản chủ nghĩa - mà trên hết là nước Mĩ. Không có nguồn tín dụng từ những nước này thì người ta sẽ thấy ngay hậu quả của chính sách ăn vào vốn. Chủ nghĩa bài tư bản chỉ có thể tồn tại bằng cách bám vào chủ nghĩa tư bản. Vì vậy mà nó phải tính đến dư luận xã hội ở phương Tây, nơi chủ nghĩa tự do vẫn còn được mọi người công nhận, dù về mặt hình thức thì đã phai nhạt nhiều. Đối diện với thực tế là các nhà tư sản chỉ muốn cho những người có khả năng trả nợ trong tương lai vay, nên những đảng phá hoại vẫn phải biết điều với "ảnh hưởng mang tính toàn cầu của chủ nghĩa tư bản" vốn dĩ là thứ bị họ la ó phản đối.

    6. Chủ nghĩa tự do như là "đảng tư bản"

    Như vậy, dễ nhận thấy là, nếu không phủ nhận bản chất của chủ nghĩa tự do thì không thể đặt nó ngang hàng với các đảng đấu tranh giành đặc quyền đặc lợi. Nó hoàn toàn khác biệt với các đảng kia. Các đảng đó chiến đấu và ca ngợi bạo lực, còn chủ nghĩa tự do thì ngược lại, chỉ muốn hòa bình và cạnh tranh về tư tưởng. Vì lí do đó mà tất cả các đảng, dù có chia rẽ với nhau đến đâu, đã lập ra mặt trận thống nhất nhằm chống lại chủ nghĩa tự do.
    Kẻ thù của chủ nghĩa tự do vu cho chủ nghĩa tự do là đảng đấu tranh vì lợi ích của giai cấp tư sản. Đấy là đặc trưng của phương pháp tư duy của họ. Đơn giản là vì họ chỉ có thể coi hệ tư tưởng chính trị là hình thức bảo vệ cho đặc quyền đặc lợi của một số người nào đó, bất chấp sự thịnh vượng chung của toàn xã hội.
    Không nên coi chủ nghĩa tự do là đảng đấu tranh cho những lợi ích đặc biệt, cho đặc quyền đặc lợi vì quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất không phải là đặc quyền chỉ có lợi cho những nhà tư sản mà là thể chế có ích cho toàn xã hội, và như thế cũng có nghĩa là có ích cho từng người. Đấy không chỉ là ý kiến của những người theo phái tự do; ở một mức độ nào đó, ngay những người đối lập với họ cũng nghĩ như thế. Khi những người marxist bảo vệ quan điểm cho rằng chủ nghĩa xã hội chưa thể trở thành hiện thực khi thế giới chưa "chín muồi", vì một hệ thống xã hội sẽ không bao giờ biến mất "trước khi tất cả các lực lượng sản xuất có thể có trong xã hội cũ phát triển hết cái không gian mà hệ thống này dành cho chúng", thì họ cũng thừa nhận, ít nhất là tại thời điểm hiện nay, sự cần thiết của thể chế sở hữu tư nhân đối với xã hội. Ngay cả những người Bolshevik, những người mà mới gần đây còn tuyên truyền cách hiểu của họ về chủ nghĩa Marx (dường như thế giới đã chín muồi rồi) bằng bom đạn, giáo gươm và giá treo cổ, thì nay cũng buộc phải thú nhận rằng họ đã quá vội vàng. Thế mà nếu chủ nghĩa tư bản và "thượng tầng kiến trúc" pháp lí của nó, tức sở hữu tư nhân, là điều kiện không thể bỏ qua được thì liệu người ta có thể nói rằng hệ tư tưởng coi sở hữu tư nhân là nền tảng của xã hội là hệ tư tưởng chỉ ủng hộ cho lợi ích ích kỉ của giai cấp tư sản nhằm chống lại lại lợi ích của toàn thể xã hội được không?
    Cho rằng sở hữu tư nhân là không thể thiếu được, dù là tạm thời hay vĩnh viễn, nhưng các hệ tư tưởng bài chủ nghĩa tự do lại tin rằng sở hữu tư nhân phải bị các sắc lệnh hoặc những hành động can thiệp của nhà nước điều tiết và hạn chế. Cái họ đề xuất không phải là chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa tư bản mà là chủ nghĩa can thiệp. Nhưng kinh tế học đã chứng minh rằng chủ nghĩa can thiệp là hành động tự sát. Nó không đạt được mục đích mà những người ủng hộ nó đặt ra. Nghía là sẽ là sai lầm khi cho rằng bên cạnh chủ nghĩa xã hội (tài sản công) và chủ nghĩa tư bản (tài sản tư) còn có thể có cách tổ chức hợp tác xã hội hữu hiệu thứ ba, mà cụ thể là chủ nghĩa can thiệp. Những cố gắng nhằm đưa chủ nghĩa can thiệp vào thực tiễn chắc chắn sẽ dẫn tới những điều kiện trái ngược với dự định của các tác giả của nó. Lúc đó họ sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn: hoặc là từ bỏ mọi hành động can thiệp, và bằng cách đó để mặc cho sở hữu tư nhân tự hoạt động, hoặc là thay sở hữu tư nhân bằng chủ nghĩa xã hội.
    Không chỉ những nhà kinh tế học theo trường phái tự do mới ủng hộ luận điểm này (Dĩ nhiên là tư tưởng thịnh hành cho rằng các nhà kinh tế học chia rẽ theo đảng phái là tư tưởng hoàn toàn sai lầm). Chính Marx, trong tất cả những tranh luận về lí thuyết của mình cũng chỉ thấy có hai lựa chọn: chủ nghĩa xã hội hay là chủ nghĩa tư bản. Ông thường chế nhạo và coi khinh những nhà cải cách - những người bị "tư tưởng tiểu tư sản" cầm tù - bác bỏ chủ nghĩa xã hội, đồng thời lại muốn tái cấu trúc chủ nghĩa tư bản. Kinh tế học thậm chí không bao giờ có ý định chứng minh rằng hệ thống sở hữu tư nhân được nhà nước điều tiết và cản trở là hệ thống khả thi. Khi những "người xã hội chủ nghĩa salon" muốn chứng minh điều đó bằng mọi giá, họ liền bắt đầu bằng cách phủ nhận kiến thức khoa học trong lĩnh vực kinh tế, và cuối cùng họ đã tuyên bố rằng nhà nước làm gì cũng đều có lí. Vì khoa học đã chứng minh được sự phi lí của chính sách do họ đề suất, họ liền tìm cách bác bỏ cả logic lẫn khoa học.
    Việc chứng minh tính khả thi của chủ nghĩa xã hội cũng ở trong tình trạng tương tự. Những người cầm bút trước Marx đã cố gắng tìm cách chứng minh, nhưng vô ích. Họ không thể làm được, cũng như họ không thể bác bỏ được những phản bác đầy trọng lượng, dựa trên những phát hiện của khoa học, về tính khả thi của thế giới không tưởng của họ. Tưởng như đến giữa thế kỉ XIX tư tưởng xã hội chủ nghĩa đã hoàn toàn bị mất giá rồi. Nhưng Marx đã xuất hiện. Chắc chắn là Marx đã không chứng minh - điều không thể chứng minh được - rằng chủ nghĩa xã hội là khả thi, ông chủ làm một việc đơn giản là tuyên bố rằng việc xuất hiện chủ nghĩa xã hội là tất yếu. Từ khẳng định tùy tiện đó và từ tiền đề - mà ông tưởng là hiển nhiên - cho rằng tất cả những gì xảy ra trong giai đoạn sau của lịch sử loài người đều tiến bộ hơn giai đoạn trước, Marx rút ra kết luận rằng chủ nghĩa xã hội sẽ hoàn hảo hơn chủ nghĩa tư bản, và vì vậy đương nhiên không thể nghi ngờ tính khả thi của nó. Vì vậy việc bận tâm về tính khả thi của chủ nghĩa xã hội, thậm chí nghiên cứu các vấn đề của chế độ xã hội đó là thái độ thiếu khoa học. Tất cả những người muốn làm việc đó đều bị những người xã hội chủ nghĩa tẩy chay và bị dư luận xã hội, do những người xã hội chủ nghĩa kiểm soát, rút phép thông công. Mặc dù có những khó khăn như thế, nhưng kinh tế học đã tạo dựng mô hình lí thuyết về hệ thống xã hội chủ nghĩa, và chứng minh một cách rõ ràng rằng tất cả các kiểu chủ nghĩa xã hội đều bất khả thi vì tính toán kinh tế là điều bất khả trong xã hội xã hội chủ nghĩa. Những người ủng hộ chủ nghĩa xã hội không dám trả lời vấn đề này, tất cả những điều họ đưa ra đều vô giá trị và chẳng có ý nghĩa gì. Điều đã được khoa học chứng minh về mặt lí thuyết lại được những thất bại của những cuộc thí nghiệm của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa can thiệp khẳng định trên thực tế.
    Vì vậy mà lời khẳng định, như nhiều người thường nói, rằng bảo vệ chủ nghĩa tư bản là công việc của bọn tư sản và doanh nhân; lợi ích của họ mâu thuẫn với lợi ích của các nhóm khác nhưng lại được hệ thống tư bản chủ nghĩa khuyến khích, chỉ là những lời tuyên truyền lòe bịp, nhắm vào sự nhẹ dạ của quần chúng. Người "giàu" cũng không có nhiều lí do ủng hộ thể chế sở hữu tư nhân hơn người "nghèo". Nếu quyền lợi đặc biệt, trực tiếp của họ bị đe dọa thì họ khó mà là người theo phái tự do được. Quan niệm cho rằng bảo vệ chủ nghĩa tư bản chỉ có lợi cho các giai cấp hữu sản vì họ có thể giữ mãi tài sản của mình là do người ta đã không hiểu được bản chất của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, nơi mà sở hữu liên tục được chuyển từ tay người kém năng lực sang tay người có nhiều năng lực hơn. Trong xã hội tư bản, chỉ có thể giữ được tài sản của mình nếu ta thường xuyên giành lại được nó qua những vụ đầu tư thông minh. Người giàu, tức là người đã có tài sản, chẳng có lí do đặc biệt nào để muốn giữ mãi hệ thống cạnh tranh tự do mở rộng cửa cho tất cả mọi người, đặc biệt nếu đấy là tài sản thừa kế chứ không phải tự họ làm ra thì họ sẽ lo sợ và chẳng ham hố cạnh tranh. Ngược lại, họ rất muốn chủ nghĩa can thiệp vì bao giờ nó cũng có xu hướng bảo tồn sự phân chia tài sản giữa những người đang nắm giữ số tài sản đó. Nhưng họ cũng không hi vọng được chủ nghĩa tự do ưu ái, trong hệ thống này người ta không quan tâm tới những yêu sách đã thuộc về quá khứ nhằm bảo vệ lợi ích cho những khối tài sản đã định hình.
    Nghiệp chủ chỉ có thể phát đạt khi ông ta cung cấp cho người tiêu dùng những thứ họ cần. Khi thế giới hừng hực chuẩn bị chiến tranh, người theo phái tự do tìm cách giải thích cho mọi người lợi ích của hòa bình, còn nghiệp chủ thì sản xuất đại pháo và súng máy. Nếu dư luận xã hội hiện nay ủng hộ đầu tư vào nước Nga thì người theo phái tự do lại tìm cách giải thích rằng đầu tư vào quốc gia, nơi chính phủ công khai tuyên bố rằng mục tiêu cuối cùng của nó là tước đoạt tất cả vốn tư bản thì có khác gì ném hàng hóa xuống biển. Nhưng nghiệp chủ vẫn không ngần ngại cung cấp hàng hóa cho nước Nga, với điều kiện là ông ta có thể chuyển rủi ro cho những người khác, đấy có thể là nhà nước mà cũng có thể là những nhà tư sản kém thông minh hơn, những người bị dư luận dẫn dắt, còn chính dư luận xã hội thì lại bị đồng tiền của Nga xỏ mũi. Người theo phái tự do đấu tranh chống lại xu hướng thương mại tự cấp tự túc. Nhưng nhà sản xuất người Đức lại xây nhà máy ở các tình miền Đông, vốn là những tỉnh không cho hàng hóa của Đức thâm nhập, nhằm phục vụ thị trường ở đây vì đang có hàng rào thuế quan bảo hộ. Các nghiệp chủ và các nhà tư sản có đầu óc sáng suốt có thể nhận thấy hậu quả tai hại của chính sách bài chủ nghĩa tự do đối với toàn xã hội, nhưng, với tư cách là những nghiệp chủ và nhà tư sản, họ không chống lại mà tìm cách thích nghi với hoàn cảnh.
    Không có giai cấp nào có thể ủng hộ chủ nghĩa tự do nhằm bảo vệ những lợi ích ích kỉ, bất chấp việc gây thiệt hại cho toàn thể xã hội và các tầng lớp khác, chỉ vì một lí do đơn giản: chủ nghĩa tự do không phục vụ cho lợi ích đặc biệt nào. Chủ nghĩa tự do không thể hi vọng vào sự giúp đỡ mà người ta dành cho các đảng bài chủ nghĩa tự do vì những người muốn tìm đặc quyền đặc lợi đều gắn bó với những đảng đó. Khi người theo phái tự do xuất hiện trước cử tri để tranh cử và được hỏi rằng ông ta hay đảng của ông ta định làm gì cho họ và nhóm của họ thì ông ta chỉ có thể trả lời như sau: chủ nghĩa tự do phục vụ tất cả mọi người, nhưng không phục vụ đặc quyền đặc lợi của bất cứ ai.
    Là người theo trường phái tự do nghĩa là phải nhận thức được rằng về lâu dài đặc quyền đặc lợi dành cho một nhóm nhỏ, gây thiệt hại cho những người khác, nhất định sẽ dẫn đến đánh nhau (nội chiến); mặt khác, không thể ban phát đặc quyền đặc lợi cho đa số vì như thế giá trị của đặc quyền đặc lợi sẽ không còn, kết quả duy nhất mà người ta nhận được sẽ là: năng suất lao động xã hội giảm.
     
    Chỉnh sửa cuối: 2/7/15
  15. notrinos

    notrinos Lớp 5


    5

    Tương lai của chủ nghĩa tự do


    Tất cả các nền văn minh trước đây đều bị diệt vong hay ít nhất cũng lâm vào tình trạng trì trệ trước khi đạt đến mức độ phát triển về mặt vật chất mà nền văn minh châu Âu đương đại đã đạt được. Các dân tộc bị những cuộc chiến tranh với kẻ thù bên ngoài cũng như những cuộc xung đột nội bộ làm cho tan nát.
    Chế độ vô chính phủ đẩy lùi quá trình phân công lao động; các thành phố, nền thương mại và công nghiệp suy tàn; và cùng với sự tan rã của nền tảng kinh tế, sự tao nhã về mặt trí tuệ và đức hạnh phải nhường chỗ cho ngu dốt và bạo tàn. Người châu Âu hiện nay đã làm cho những mối liên kết xã hội giữa các cá nhân và các dân tộc trở nên mạnh mẽ chưa từng thấy trong suốt chiều dài lịch sử. Đấy chính là thành tựu của hệ tư tưởng của chủ nghĩa tự do, từ cuối thế kỉ XVII chủ nghĩa này tiếp tục gây được ảnh hưởng đối với trái tim và khối óc của nhiều người. Chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa tư bản đã đặt nền móng cho tất cả những điều kì diệu đặc trưng cho lối sống hiện nay của chúng ta.
    Hiện nay nền văn minh của chúng ta đã bắt đầu phát ra mùi tử khí. Nhiều kẻ tay ngang tuyên bố ầm ĩ rằng tất cả các nền văn minh, trong đó có nền văn minh của chúng ta, đều phải sụp đổ: đấy là quy luật tất yếu. Giờ cáo chung của châu Âu đã điểm, những kẻ tiên tri của ngày phán xử cuối cùng cảnh báo như vậy, thế mà cũng có người tin. Tâm trạng chán nản bắt đầu xuất hiện khắp nơi.
    Nhưng nền văn minh của chúng ta sẽ không thể chết được, đấy là nói nếu nó không tự hủy hoại chính mình. Không có kẻ thù bên ngoài nào có thể phá hoại được nó như người Tây Ban Nha đã từng phá hủy nền văn minh của người Aztec, vì trên trái đất này hiện không có kẻ nào có thể địch lại được với những người đại diện của nền văn minh đương đại. Chỉ có kẻ thù bên trong mới có thể đe dọa được nó. Nền văn minh hiện đại chỉ có thể bị hủy diệt nếu tư tưởng bài chủ nghĩa tự do, thù địch với sự hợp tác xã hội, hất cẳng được những tư tưởng của chủ nghĩa tự do.
    Ngày càng có nhiều người nhận thức được rằng sự tiến bộ về mặt vật chất chỉ có thể trở thành hiện thực trong xã hội tư bản-tự do. Ngay cả nếu điều này không được những người bài chủ nghĩa tự do công nhận một cách trực tiếp thì họ lại công nhận nó một cách gián tiếp trong những bài tụng ca tán dương tư tưởng ổn định và trật tự. Họ cho rằng sự tiến bộ về mặt vật chất của những thế hệ gần đây dĩ nhiên là rất tốt và rất có ích. Nhưng đây là lúc phải ngừng lại. Nhịp sống hối hả và cuồng nhiệt của chủ nghĩa tư bản đương đại phải nhường chỗ cho sự suy tư thâm trầm. Người ta phải có thời gian suy ngẫm, và như vậy là một hệ thống kinh tế mới phải thay thế cho chủ nghĩa tư bản, vốn dĩ luôn điên cuồng theo đuổi những phát minh và tạo mới. Người mơ mộng hoài vọng về những điều kiện kinh tế của thời Trung cổ - không phải hoài vọng về cái thời Trung cổ như nó vốn là mà hoài vọng về hình ảnh anh ta tự nghĩ ra, dù chẳng có liên quan gì với hiện thực lịch sử. Hoặc là quay sang phương Đông - dĩ nhiên là cũng không phải phương Đông thực mà chỉ là phương Đông trong giấc mơ của anh ta. Con người thật là hạnh phúc khi không có công nghệ và nền văn hóa hiện đại như bây giờ! Tại sao chúng ta lại có thể dễ dang từ bỏ cái thiên đường đó như thế?
    Những người kêu gọi quay về với những hình thức tổ chức kinh tế đơn giản cần nhớ rằng chỉ có hệ thống của chúng ta mới có điều kiện giữ được lối sống mà chúng ta cùng với rất nhiều người dân trên trái đất đã quen. Quay về với thời Trung cổ nghĩa là tiêu diệt hàng trăm triệu người. Đúng là những người muốn ổn định và trật tự có nói rằng không được đi quá xa đến thế. Giữ gìn những thứ đã có và không tiến thêm nữa là đủ.
    Những người ca tụng trật tự và ổn định quên mất một điều rằng trong con người - đấy là nói con người như một thực thể biết tư duy - đã có sẵn ước mơ cải thiện điều kiện vật chất của chính mình. Đấy chính là động cơ hoạt động của con người, không thể xóa bỏ được. Nếu con người không được hoạt động vì lợi ích của xã hội, đồng thời đáp ứng được nhu cầu của chính mình thì anh ta chỉ còn một con đường: áp bức và cướp đoạt một cách tàn bạo để làm cho mình giàu lên và làm cho người khác nghèo đi.
    Đúng là tất cả những căng thẳng và tranh đấu nhằm nâng cao mức sống không làm cho con người hạnh phúc hơn. Nhưng bản chất con người là luôn phấn đấu nhằm cải thiện điều kiện vật chất của mình. Nếu nguyện vọng này không được thỏa mãn thì anh ta sẽ trở thành một kẻ ngu dốt và vũ phu. Quần chúng sẽ chẳng thèm nghe những lời kêu gọi phải sống khiêm nhường và an phận. Những triết gia răn dạy như thế là những người tự lừa mình chăng? Nếu ta bảo với người dân rằng ông cha họ khổ hơn rất nhiều thì họ sẽ trả lời rằng vì sao họ lại không thể sống tốt hơn.
    Như vậy, dù xấu hay tốt, dù được người kiểm duyệt về mặt đức hạnh cho phép hay là không, thì con người đã, luôn và sẽ mãi phấn đấu nhằm cải thiện điều kiện sống của mình. Đấy là số phận của con người, không ai có thể thoát được. Sự năng động và bất an của con người hiện đại là do sự kích động của tâm trí, của hệ thần kinh và các giác quan. Khôi phục lại tình trạng trong trắng, ngây thơ của thời niên thiếu là việc làm bất khả, đưa người ta quay trở lại với tình trạng thụ động của thời quá khứ cũng là việc khó khăn không kém.
    Nhưng từ bỏ sự tiến bộ về mặt vật chất thì người ra sẽ được gì? Hạnh phúc và an lạc, hòa bình và hòa hợp trong tâm hồn không thể hình thành một cách đơn giản chỉ vì người ta không còn phấn đấu nhằm đáp ứng một cách tốt hơn nhu cầu của mình. Những người có học tưởng rằng nghèo túng và diệt dục sẽ tạo điều kiện đặc biệt thuận lợi cho sự phát triển trí tuệ con người. Nhưng đấy là điều hoàn toàn nhảm nhí. Khi thảo luận những vấn đề như thế này ta phải tránh các sáo ngữ, và phải gọi đúng tên của sự vật. Tình trạng giàu có hiện nay được thể hiện trước hết ở sự sùng bái cơ thể con người: vệ sinh, sạch sẽ và thể thao. Hiện nay đấy vẫn còn là món xa xỉ phẩm của những người khá giả - không chỉ ở Mĩ, mà còn ở những nơi khác nữa - những nó sẽ trở thành thông dụng với tất cả mọi người trong một tương lai không xa nếu kinh tế vẫn phát triển với tốc độ như hiện nay. Quần chúng không được hưởng thụ những thành quả của nền văn minh vật chất, như những người khá giả hiện nay, thì đời sống nội tâm của con người có thể phát triển được không? Một người nhếch nhác có thể hạnh phúc được không?
    Chỉ có thể trả lời những người tán tụng thời Trung cổ rằng chúng ta không biết người thời đó có cảm thấy hạnh phúc hơn người thời nay hay không. Còn những người quản bá lối sống của phương Đông thì chúng ta có thể hỏi rằng châu Á có đúng là thiên đường như họ nói hay không?
    Tán dương một cách trơ trẽn nền kinh tế trì trệ, coi đấy là lí tưởng xã hội là luận cứ còn lại cuối cùng mà kẻ thù của chủ nghĩa tự do phải dựa vào nhằm biện họ cho học thuyết của họ. Những phải luôn nhớ rằng xuất phát điểm của họ là lời kết án cho rằng chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa tư bản cản trở sự phát triển lực lượng sản xuất và phải chịu trách nhiệm trước sự nghèo đói của quần chúng. Kẻ thù của chủ nghĩa tự do nói rằng mục tiêu của họ là trật tự xã hội có khả năng tạo ra nhiều của cải hơn là chế độ mà họ đang công kích. Còn bây giờ, sau khi đã bị những cuộc phản kích của kinh tế học và xã hội học đẩy vào chân tường, họ buộc phải công nhận rằng chỉ có chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa tự do, chỉ có sở hưu tư nhân và các nghiệp chủ được hoạt động mà không bị gây khó dễ, mới có thể đảm bảo được năng suất lao động cao nhất.
    Người ta thường nói rằng các đảng chính trị hiện nay bị chia rẽ bởi những mâu thuẫn căn bản trong quan điểm triết học của họ. Lí lẽ không thể giải quyết được những vấn đề như thế. Thảo luận những mâu thuẫn có tính đối kháng như thế chắc chắn là công việc vô ích. Mỗi bên sẽ vẫn giữ quan điểm của mình vì đấy là thế giới quan mà lí lẽ không thể lay chuyển được. Mục tiêu phấn đấu của mỗi người mỗi khác. Không thể có chuyện là những người phấn đấu cho những mục tiêu khác nhau đó lại chấp nhận cùng một phương pháp hành động được.
    Không có gì vô lí hơn là lời khẳng định như thế. Ngoại trừ một vài người kiên định với lối sống khổ hanh, đấy là những người tìm cách từ bỏ tất cả những thứ phù phiếm của cuộc đời và cuối cùng đạt đến trạng thái chẳng còn mong ước và cũng không cần hành động, thực chất đấy chính là trạng thái tự phủ nhận chính mình, còn tất cả những người da trắng khác, dù có quan điểm khác nhau như thế nào về những vấn đề siêu nhiên, đều thích hệ thống xã hội có năng suất lao động cao hơn là hệ thống có năng suất lao động thấp. Ngay cả những người tin rằng việc cải thiện liên tục nhu cầu của con người không hẳn là điều hay và sẽ là tốt hơn nếu chúng ta sản xuất ít đi - mặc dù khó tin là có nhiều người nghĩ như thế - cũng không muốn là sẽ tạo ra hàng hóa ít hơn với cùng lượng lao động như cũ. Chắc chắn là họ muốn làm ít đi và kết quả là sản phẩm ít đi, chứ không phải là vẫn muốn làm như thế những sản phẩm lại ít đi.
    Mâu thuẫn đối kháng về mặt chính trị hiện nay không phải là cuộc luận chiến về những vấn đề triết học cơ bản mà là những đáp án khác nhau đối với câu hỏi: làm sao đạt được mục đích - mà ai cũng công nhận là hợp lẽ - một cách nhanh nhất và ít tốn kém nhất? Mục đích mà mọi người đều hướng tới chính là đáp ứng các nhu cầu của con người một cách tốt nhất, đấy là thịnh vượng và giàu có. Dĩ nhiên đấy không phải là tất cả những điều mà người ta khao khát, nhưng đấy là tất cả những gì người ta có thể hi vọng giành được cùng với sự trợ giúp của những phương tiện bên ngoài và hợp tác xã hội. Còn sự thanh thản nội tâm - hạnh phúc, bình an, phấn khởi - thì mỗi người phải tự tìm lấy trong chính mình.
    Chủ nghĩa tự do không phải là một tôn giáo, không phải là một thế giới quan, không phải là một đảng của những lợi ích đặc biệt. Chủ nghĩa tự do không phải là tôn giáo cho nên nó không đòi hỏi người ta phải tin hay sùng bái vì nó không có gì bí mật và cũng không có một tín điều nào. Chủ nghĩa tự do không phải là thế giới quan vì nó không tìm cách giải thích vũ trụ, nó cũng không giải thích và không tìm cách giải thích ý nghĩa và mục đích của đời sống con người. Chủ nghĩa tự do cũng không phải là đảng của những lợi ích đặc biệt vì nó không cung cấp và không tìm cách cung cấp bất kì lợi thế nào cho bất kì ai hay bất kì nhóm người nào. Hoàn toàn không phải như thế. Đấy là hệ tư tưởng, là học thuyết về quan hệ tương thuộc giữa những thành viên của xã hội, và đồng thời áp dụng học thuyết đó đối với cách hành xử của con người trong xã hội cụ thể. Nó không hứa hẹn những điều vượt quá khả năng của xã hội và bên ngoài xã hội. Chủ nghĩa tự do chỉ tìm cách cung cấp cho con người một thứ: gia tăng phúc lợi của mọi người một cách hòa bình và không bị rối loạn, và nhờ đó, giúp họ giảm được những khó nhọc và đau khổ đến từ bên ngoài. Nó sẽ làm được điều này chừng nào các thể chế xã hội còn có đủ sức để nuôi dưỡng nó. Tăng hạnh phúc và giảm khổ đau chính là mục đích của nó.
    Không có giáo phái hay đảng chính trị nào có thể tin được rằng nó có thể thúc đẩy được sự nghiệp của mình khi từ bỏ các biện pháp thu hút giác quan của người dân. Ngôn từ hoa mĩ, nhạc điệu và giọng ca, khẩu hiệu và cờ hoa là những biểu tượng, còn những vị lãnh tụ thì tìm mọi cách làm cho các môn đồ gắn bó với bản thân mình. Chủ nghĩa tự do hoàn toàn không làm những việc như thế. Nó không có cờ đảng, không có đảng ca và không có thần tượng, không có biểu tượng và không có khẩu hiệu. Nó chỉ có thực chất và lí lẽ. Đấy là những điều sẽ dẫn nó đến thắng lợi.
     
    Chỉnh sửa cuối: 3/7/15
    tamchec and superlazy like this.
  16. notrinos

    notrinos Lớp 5

    Phụ lục

    1. Tư liệu viết về chủ nghĩa tự do

    Tôi muốn giữ cho cuốn sách này không quá dài. Điều này càng có lí vì tôi đã xem xét một cách kĩ lưỡng tất cả những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa tự do trong một loạt bài luận và các cuốn sách rồi.
    Độc giả nào muốn tìm hiểu một cách kĩ lưỡng hơn, xin đọc những tác phẩm quan trọng nhất dưới đây.
    Có thể tìm thấy tư tưởng của chủ nghĩa tự do trong trước tác của nhiều người cầm bút trước đây. Những nhà tư tưởng Anh và Scotland thế kỉ XVIII và đầu thế kỉ XIX là những người đầu tiên đã biến những tư tưởng này thành một hệ thống. Những người muốn làm quen với tư tưởng tự do cần đọc các tác phẩm sau:
    David Hume, Essays Moral, Political, and Literary (1741 and 1742), và Adam Smith, An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations (1776).
    Đặc biệt là các trước tác của Jeremy Bentham, từ Defense of Usury (1787) đến Deontology, or the Science of Morality, được xuất bản sau khi ông mất vào năm 1834. Trừ cuốn Dentology, tất cả các tác phẩm còn lại của ông đều được Bowring biên tập và xuất bản trọn bộ trong các năm 1838-1843.
    John Stuart Mill là người kế tục chủ nghĩa tự do cổ điển, nhưng trong những năm cuối đời, do ảnh hưởng của bà vợ, ông đã có những thỏa hiệp quá nhu nhược. Ông đã trượt dần về phía chủ nghĩa xã hội và là người tạo ra những tư tưởng vô nghĩa, hỗn hợp giữa chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa xã hội, đưa đến sự thoái trào của chủ nghĩa tự do Anh và xói mòn dần mức sống của người dân Anh. Tuy nhiên - hay chính vì thế mà - ta phải làm quen với những tác phẩm quan trọng nhất của Mill như:
    Principles of Political Economy (1848);
    On Liberty (1859)
    Utilitarianism (1862).
    Không nghiên cứu một cách kĩ lưỡng Mill thì không thể hiểu được các sự kiện trong hai thế hệ gần đây. Mill là người ủng hộ vĩ đại của chủ nghĩa xã hội. Tất cả những luận cứ bảo vệ chủ nghĩa xã hội đều được ông trau chuốt một cách cực kì cẩn thận. So với Mill thì tất cả các tác giả khác - kể cả Marx, Engels và Lassale - đều chẳng có mấy giá trị.
    Không có kiến thức về kinh tế học thì không thể hiểu được chủ nghĩa tự do. Vì chủ nghĩa tự do chính là kinh tế học ứng dụng, nó là chính sách kinh tế và chính sách xã hội dựa trên nền tảng khoa học. Bên cạnh các trước tác vừa nêu, ta cũng cần làm quen với các bậc thầy vĩ đại trong môn kinh tế học nữa:
    David Ricardo, Principles of Political Economy and Taxation (1817).
    Sau đây là những cuốn dẫn nhập về kinh tế học tuyệt với nhất:
    H. Oswalt, Vortrage uber wirtschaftliche Grundbegriffe (xuất bản nhiều lần); C. A. Verrijn Stuart, Die Grundlagen der Volkswirtschaft (1923).
    Sau đây là những kiệt tác bằng tiếng Đức viết về kinh tế học hiện đại:
    Carl Menger, Grundsatze der Volkswirtschaft (xuất bản lần đầu năm 1817). Bản dịch tiếng Anh phần I tác phẩm này có tên là Principles of Economics (Glencoe, Ill., 1950). Eugen von Bohm-Bawerk: The Positive Theory of Capital (New York, 1923). Tác phẩm đáng đọc nữa là: Karl Marx and the Close of His System (New York, 1949).
    Những đóng góp quan trọng nhất của các tác giả người Đức vào kho tàng tư liệu của chủ nghĩa tự do cũng gặp số phận không may, cũng như số phận của chính chủ nghĩa tự do ở Đức vậy. Tác phẩm On the Sphere and Duties of Government của Wilhelm von Humboldt (London 1854) được viết xong vào năm 1792. Một vài đoạn đã được Schiller trích đăng trong Neuen Thalia, ngay trong năm đó, một số đoạn khác được đăng trên tờ Berliner Monatsschrift. Nhưng do nhà xuất bản sợ, nên bản thảo đã bị bỏ lại và lãng quên; mãi sau khi tác giả mất người ta mới lại phát hiện và cho công bố.
    Tác phẩm Entwicklung der Gezetze des menschlichen Verkehrs und der daraus fliessenden Regeln fur menschliches Handeln của Hermann Heirieh Gossen đã tìm được nhà xuất bản vào năm 1854, nhưng đã không được nhiều người tìm đọc. Tác phẩm này, cũng như tác giả của nó đã bị người đời lãng quên, may là nó đã được một người Anh tên là Adamson vô tình phát hiện được.
    Tư tưởng tự do đã thấm vào thơ ca cổ điển Đức, mà trước hết là tác phẩm của Goethe và Schiller.
    Chủ nghĩa tự do chính trị ở Đức có một lịch sử ngắn ngủi và cũng chẳng gặt hái được mấy thành công. Nước Đức hiện đại - trong đó có cả những người ủng hộ lẫn chống đối hiến pháp Weimar - là một thế giới xa lạ với tinh thần của chủ nghĩa tự do. Người Đức không còn biết chủ nghĩa tự do là gì, nhưng họ biết cách chửi rủa nó. Lòng hận thù chủ nghĩa tự do là điều duy nhất gắn kết người Đức lại với nhau. Những tác phẩm mới nhất viết bằng tiếng Đức về chủ nghĩa tự do đáng được quan tâm là: Der Liberalismus in Vergangenheit und Zukunft (1917), Staatssozialismus (1916), và Freie Wirtschaft (1918) của Leopold von Wiese.
    Có lẽ chưa bao giờ luồng gió của chủ nghĩa tự do đến được với người dân Đông Âu.
    Mặc dù ngay cả Tây ÂU và hợp chủng quốc Hoa Kì tư tưởng tự do cũng đang đi vào thoái trào, nhưng nếu so với Đức thì ta vẫn có thể gọi đấy là những dân tộc tự do.
    Người cầm bút có tư tưởng tự do thế hệ trước cần phải đọc là Frederic Bastiat: Oevres Completes (Paris, 1855). Bastiat là người có bút pháp rất độc đáo, đọc ông là cả một niềm vui. Sau khi ông qua đời, lí thuyết kinh tế phát triển như vũ bão cho nên không có gì ngạc nhiên là học thuyết của ông đã trở thành lỗi thời. Nhưng những lời phê phán của ông đối với tất cả những biện pháp bảo hộ và những xu hướng liên quan đến nó thì vẫn chưa ai vượt qua được. Những người theo chính sách bảo hộ và can thiệp không thể phủ nhận được. Họ đành phải lặp đi lặp lại rằng: Bastiat rất "hời hợt".
    Khi đọc sách báo chính trị viết bằng tiếng Anh trong thời gian gần đây ta phải nhớ rằng từ "liberalism" thường được hiểu là chủ nghĩa xã hội ôn hòa. Liberalism (1911) của tác giả người Anh, tên là L.T.Hobhouse, và Economic Liberalism (1925) của tác giả người Mĩ, tên là Jacob H. Hollander, là những tác phẩm trình bày một cách súc tích về chủ nghĩa tự do. Để làm quen kĩ hơn với tư tưởng của những người theo trường phái tự do Anh, nên đọc thêm các tác phẩm: The Case for Capitalism (1920) của Hartley Withers, The Confessions of a Capitalist (1925), If I Were a Labor Leader (1926), The Letters of an Individualist (1927), The Return to Laisser Faire (London,1928) của Ernest J.P. Benn. Cuốn The Letters of an Individualist (1927) có liệt kê các tác phẩm bằng tiếng Anh viết về những vấn đề cơ bản của hệ thống kinh tế.
    Phê phán chính sách bảo hộ được Francis W. Hirst trình bày trong tác phẩm Safeguarding and Protection (1926).
    Bản ghi lại cuộc tranh luận công khai ở New York diễn ra vào ngày 23 tháng 1 năm 1921 giữa E.R.A. Seligman và Scott Nearing về đề tài : "That capitalism has more to offer to the workers of the United States than has socialism" cũng rất có giá trị.
    Lí thuyết xã hội học được giới thiệu trong các tác phẩm La cite moderne của Jean Izoulet (xuất bản lần đầu năm 1890), và Community (1924) của R.M. Maclver.
    Lịch sử cá tư tưởng kinh tế được giới thiệu trong các tác phẩm: Histoire des doctrines enconomiques của Charles Gide và Charles Rist (in nhiều lần), L'individualisme economique et social (1907) của Albert Schatz, và Die Philosophie der Geschichte als Soziologie (in nhiều lần) của Paul Barth.
    Vai trò của các chính đảng được Walter Sulzbach xem xét trong tác phẩm Die Grundlagen der Politischen Parteibildung (1921)
    Chủ nghĩa tự do Đức được Oskar Klein-Hattingen giới thiệu trong tác phẩm Geschichte des deutschen Liberalismus (1911/1912, hai tập), còn Guido de Rugaiero thì giới thiệu chủ nghĩa tự do ở châu Âu trong tác phẩm The History of European Liberalism (Oxford, 1927).
    Cuối cùng xin dẫn ra đây các tác phẩm của chính tôi, có liên quan đến đề tài chủ nghĩa tự do: Nation, Staat und Wirtschaft: Beitrage zur Politik und Geschichte der Zeit (1919), dịch sang tiếng Anh (1983); Antimarxismus (Weltwirtschaftliches Archiv, Vol. XXI, 1925); Kritik des Interventionismus (1929), dịch sang tiếng Anh (1977);
    Socialism (1936), Planned Chaos (1951), Omnipotent Government (1944), Human Action (1949), The Anti-Capitalistic Mentality (1956).

    2. Bàn về thuật ngữ "Chủ nghĩa tự do"

    Những người đã tưng quen với các tác phẩm viết về chủ nghĩa tự do trong những năm trước đây và với cách sử dụng trong sách báo chính trị hiện nay có thể phản bác rằng cái gọi là chủ nghĩa tự do trong tác phẩm này không phải là cái mà thuật ngữ hiện nay ám chỉ. Tôi hoàn toàn không có ý định bác bỏ điều này. Trái lại, như tôi đã chỉ rõ: hiện nay, nhất là ở Đức, thuật ngữ này ám chỉ điều hoàn toàn ngược lại với cái mà lịch sử tư tưởng từng gọi là "chủ nghĩa tự do", tức là nội dung chủ yếu của cương lĩnh tự do trong các thế kỉ XVIII và XIX. Hầu như tất cả những người hiện nay tự xưng là "người tự do" đều không ủng hộ quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất mà lại ủng hộ những biện pháp can thiệp và chủ nghĩa xã hội. Họ tìm cách biện hộ rằng bản chất của chủ nghĩa tự do không phải là tôn trọng quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất mà là phát triển chủ nghĩa tự do để nó không còn ủng hộ quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất nữa, mà ngược lại ủng hộ chủ nghĩa xã hội hoặc chủ nghĩa can thiệp.
    Có thể những người theo trường phái tự do giả mạo đó phải khai minh cho chúng ta "phát triển chủ nghĩa tự do" nghĩa là thế nào. Chúng ta đã nghe nói nhiều về lòng nhân đạo, tính khoan dung và tự do thật sự v.v. Đấy là những tình cảm trong sáng và cao thượng, và ai cũng tán thành. Trừ một vài trường phái tư tưởng vô liêm sỉ, còn tất cả những hệ tư tưởng khác đều tin rằng họ ủng hộ lòng nhân ái, tính khoan dung và tự do thực sự v.v. Sự khác nhau giữa các hệ tư tưởng không phải là mục đích tối thượng - hạnh phúc cho tất cả mọi người mà tất cả các hệ tư tưởng này đều nhắm đến - mà là biện pháp thực hiện mục đích đó. Đặc trưng của chủ nghĩa tự do là sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất.
    Nhưng, cuối cùng thì vấn đề thuật ngữ cũng chỉ có tầm quan trọng thứ yếu mà thôi. Quan trọng không phải là tên gọi mà là cái mà nó thể hiện. Nhưng một người dù có chống đối quyền tư hữu đến mức nào đi nữa thì ít nhất người đó cũng phải công nhận rằng người khác có thể ủng họ nó. Và khi đã công nhận như thế thì dĩ nhiên là phải để cho người ta tìm tên gọi đặt cho trường phái tư tưởng đó. Cần phải hỏi những người tự nhận mình là người theo phái tự do xem họ định dùng tên gì để gọi hệ tư tưởng ủng hộ quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất. Có khả năng là họ sẽ trả lời rằng họ muốn gọi hệ tư tưởng này là "Manchesterism"(1). Ban đầu từ "Manchesterism" là một từ dùng để giễu cợt và sỉ nhục. Tuy nhiên, điều đó cũng không cản trở việc dùng từ này để biểu thị hệ tư tưởng của chủ nghĩa tự do, nếu không có việc từ trước đến nay từ này vẫn được dùng để chỉ chương trình kinh tế chứ không phải là cương lĩnh của chủ nghĩa tự do.
    Dù sao mặc lòng, trường phái tư tưởng ủng hộ quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất cũng phải có một cái tên. Tốt nhất là hãy bám lấy truyền thống. Chỉ có một rắc rối. Đấy là khi người ta dùng từ này theo lối mới, khi đó ngay cả nhưng người ủng hộ chính sách bảo hộ, những người xã hội chủ nghĩa, thậm chí cả những kẻ hiếu chiến cũng tự nhận là "người tự do", nếu được lợi.

    1 Manchesterism - Các chính sách và nguyên lí được trường phái kinh tế học ở Manchester (Anh) truyền bá - ND

    Một câu hỏi được đặt ra là liệu ta có nên đặt cho hệ tư tưởng tự do một cái tên mới để tạo điều kiện cho việc truyền bá các tư tưởng tự do, khiến cho những thiên kiến chống lại nó, đặc biệt là ở Đức, không còn chỗ đứng nữa. Đây là một dề nghị đầy thiện chí nhưng lại hoàn toàn trái với tinh thần của chủ nghĩa tự do. Từ nhu cầu nội tại, chủ nghĩa tự do phải tránh mọi mánh lới tuyên truyền và những phương tiện dối trá nhằm giành được sự thừa nhận của mọi người đối với phong trào, cũng như không được từ bỏ tên gọi cũ chỉ vì nó không còn thông dụng. Chính vì ở Đức từ "người theo phái tự do" có ý nghĩa tiêu cực cho nên chủ nghĩa tự do phải bám lấy nó. Không thể dễ dàng đưa mọi người đến tư duy tự do, vì quan trọng không phải là tuyên bố rằng mình là người theo phái tự do mà là trở thành người theo phái tự do, suy nghĩ và hành động như những người theo phái tự do.
    Người ta cũng có thể phản bác thuật ngữ được sử dụng trong tác phẩm này vì là chủ nghĩa tự do và chế độ dân chủ ở đây không được coi là những khái niệm trái ngược nhau. Hiện nay ở Đức "chủ nghĩa tự do" thường được dùng để chỉ học thuyết với lí tưởng chính trị là chế độ quân chủ hiến định, còn "dân chủ" được coi là học thuyết với lí tưởng chính trị là chế độ quân chủ đại nghị của phái cộng hòa. Quan điểm này, ngay cả về mặt lịch sử, cũng không đứng vững được. Chủ nghĩa tự do đấu tranh cho chế độ quân chủ đại nghị chứ không phải chế độ quân chủ hiến định, về mặt này thì nó đã thất bại chính vì chỉ ở Đức và Áo nó mới giành được chế độ quân chủ hiến định. Các lực lượng bài chủ nghĩa tự do giành được chiến thắng là do quốc hội Đức quá yếu; đấy là câu lạc bộ của nhựng kẻ - nói một cách không được lịch sự nhưng mà đúng - "ba hoa chích chòe". Lãnh tụ của đảng bảo thủ đã nói rất chính xác: muốn giải tán quốc hội thì chỉ cần một viên trung úy với mươi người là đủ.
    Chủ nghĩa tự do là khái niệm bao trùm nhất. Đấy là hệ tư tưởng bao quát toàn bộ đời sống xã hỗi. Hệ tư tưởng của chế độ dân chủ chỉ bao gồm lĩnh vực quan hệ có liên quan tới cơ cấu nhà nước. Phần thứ nhất của tác phẩm này đã trình bày lí do vì sao chủ nghĩa tự do nhất định phải đòi cho bằng được chế độ dân chủ, chế độ dân chủ cũng là hậu quả chính trị tất yếu của chủ nghĩa tự do. Chứng minh rằng tất cả các phong trào bài chủ nghĩa tự do, trong đó có chủ nghĩa xã hội, chắc chắn cũng là những phong trào phi dân chủ là nhiệm vụ của những công trình nghiên cứu nhằm đưa ra một bản phân tích toàn diện đặc trưng của những hệ tư tưởng đó. Tôi đã thử làm việc đó đối với chủ nghĩa xã hội trong tác phẩm cùng tên.
    Người Đức dễ bị nhầm lẫn vì họ luôn nghĩ đến những người tự do mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa và dân chủ xã hội. Nhưng những người tự do mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa, ngay từ khởi thủy - ít nhất là trong vấn đề hiến pháp - đã không phải là đảng tự do. Họ là cánh của đảng tự do cổ điển, tức là cánh tự nhận là có quan điểm dựa vào "thực tế như chúng vốn là". Họ coi thất bại mà chủ nghĩa tự do phải chịu trong cuộc xung đột hiến pháp giữa phái "hữu" (Mismarck) và phái "tả" (người theo phái Lassalle) là không thể đảo ngược. Những người dân chủ xã hội chỉ dân chủ khi họ không phải là đảng cầm quyền, nghĩa là khi họ chưa cảm thấy đủ mạnh để có thể đàn áp phe đối lập bằng vũ lực. Ngay khi nghĩ rằng mình là người mạnh nhất, họ liền tuyên bố ủng hộ chế độ độc tài - những người cầm bút của họ còn khẳng định rằng tốt nhất là tuyên bố ngay luc đó. Chỉ khi các băng nhóm vũ trang của các đảng cánh hữu giáng cho họ những đòn đau họ mới lại trở thành những người dân chủ. Những người cầm bút trong đảng của họ viết về chuyện đó như sau: "Trong các hội đồng của các đảng dân chủ xã hội, cánh ủng hộ dân chủ đã thắng cánh ủng hộ chế độ độc tài".
    Chỉ có đảng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào - ngay cả khi nó là đảng mạnh nhất và đang nắm quyền - cũng luôn ủng hộ các thể chế dân chủ, mới có thể được coi là đảng thực sự dân chủ.

    3. Lời nhà xuất bản (Nga)

    Về tác phẩm Chủ nghĩa tự do truyền thống


    Ở nươc ta, đến mãi thời gian gần đây cũng chỉ có một nhóm các nhà kinh tế học thuộc loại tinh hoa biết đến tên tuổi và tác phẩm của L. V. Mises (1881-1973). Nhưng, mặc dù đã có những thay đổi về mặt chính trị, việc xuất bản các tác phẩm của ông vẫn là một sự kiện. Độc giả sẽ tìm thấy trong tác phẩm này câu trả lời rõ ràng cho những vấn đề đã trở thành đối tượng cho những cuộc tranh luận nảy lửa trong những nhóm người đang giữ vai trò quyết định tương lai xã hội và chính trị của nước Nga: đi theo con đường nào - thị trường tự do hay là sự can thiệp của nhà nước vào lĩnh vưc kinh tế? Nguồn gốc kinh tế của chế độ dân chủ hay sự độc đoán chuyên quyền của các quan chức, các băng nhóm lợi ích - hay là mafia, chủ nghĩa can thiệp và chủ nghĩa xã hội - được Mises phân tích một cách thấu đáo trong tác phẩm mà bạn đọc đang cẩm trên tay. Tác phẩm này được xuất bản lần đầu tiên ở Áo năm 1927, tức là trong giai đoạn của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và cùng với nó là các phong trào chính trị xuất hiện. Trong tình hình như thế, phải là một người đầy ý chí, kiên định về trí tuệ và lòng cũng cảm công dân mới có thể tiếp tục bảo vệ được lí tưởng của thị trường tự do.

    Lời nói đầu bản tiếng Nga

    Gans F. Sennhols, Giáo sư Kinh tế và Trưởng khoa Kinh tế của Grove city College, bang Pennsyvania, Mĩ

    Người xấu thì không thể trở thành công dân tốt được. Một dân tộc gồm toàn những kẻ lười biếng và trộm cắp thì không thể trở nên giàu có được; một xã hội gồm toàn những kẻ nghiện hút và sùng bái thần tượng thì không thể trở nên tự do được. Khi người dân đánh mất sự tôn trọng đối với sở hữu và tình yêu lao động thì cũng có nghĩa là họ đã đánh mất thước đo duy nhất của sự trưởng thành và phương tiện duy nhất của sự tự hoàn thiện. Khi người ta đã hi sinh sự độc lập và lòng tin vào sức mạnh của chính mình thì cũng là lúc những tên độc tài xuất hiện và vòng xiềng xích lên đầu lên cổ họ.
    Hướng đến tự do là nguyên tắc căn bản nhất của xã hội. Còn con người thì không thể không đấu tranh để giành tự do - tự do phát biểu ý kiến, tự do thể hiện và thảo luận những quan điểm của mình, tự do lập hội và lập đảng, tự do bầu cử và thay đổi chính phủ, tự do bỏ phiếu cho những người đại diện cho mình, tự do tổ chức đời sống kính tế và xã hội theo ý mình - với điều kiện là những việc đó không phá hoại cuộc sống hòa bình. Sống tự do, nghĩa là làm theo cách của mình, nhận công việc mà mình cho là phù hợp, tự do mua và bán thành quả lao động của mình. Là người tự do, nghĩa là không gặp cản trở và khó khăn trong những hoạt động kinh tế và khát vọng của mình.
    Chủ nghĩa tự do là hệ tư tưởng và cương lĩnh chính trị của những con người tự do. Ít nhất người ta đã gọi nó như thế tỏng một giai đoạn lịch sử tương đối dài, và L. V. Mises cũng gọi như thế trong những tác phẩm của ông. Chủ nghĩa tự do là hệ tư tưởng giữ thế thượng phong ở Anh trong giai đoạn giữa cuộc Cách mạng vĩ đại (1688) và cuộc Cải cách (1876) (cải cách hệ thống bầu cử - ND), và là một phong trào chính trị và xã hội rộng lớn trên toàn thế giới. Những yêu cầu đầu tiên của nó là lòng khoan dung tôn giáo và tự do tôn giáo, tôn trọng hiến pháp và quyền con người, và đến lượt nó, những yêu cầu này đã tạo động lực mạnh mẽ cho lí thuyết và thực hành tự do kinh tế. Các nhà kinh tế học cổ điển người Pháp và các nhà kinh tế học theo trường phái tự do người Anh đã đưa ra định đề kinh tế gọi là laissez-faire, nghĩa là quyền sở hữu không bị cản trở đối với tư liệu sản xuất và thị trường tự điều tiết, không bị chính trị can thiệp làm cho rối loạn.
    L. V. Mises cho rằng hệ thống sở hữu tư nhân, thường gọi là chủ nghĩa tư bản, là hệ thống kinh tế và xã hội khả thi duy nhất. "Chỉ có lựa chọn duy nhất là giữa sở hữu xã hội và sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất - ông khẳng định như thế. Tất cả những hình thức tổ chức xã hội mang tính trung gian đều vô ích, và trên thực tế sẽ là những hình thức tự hủy diệt. Nếu hiểu thêm rằng chủ nghĩa xã hội cũng không thể hoạt động được thì không thể không công nhận rằng chủ nghĩa tư bản, dựa trên sự phân công lao động, là hệ thống tổ chức xã hội khả thi duy nhất. Kết quả nghiên cứu lí thuyết như thế không phải là điều có thể làm cho nhà sử học và triết gia trong lĩnh vực lịch sử ngạc nhiên. Nếu chủ nghĩa tư bản có thể đứng vững được, mặc cho sự thù địch từ phía chính phủ cũng như từ phía dân chúng, nếu như nó không phải nhường chỗ cho những hình thức hợp tác xã hội được lòng các lí thuyết gia và những người hoạt động trên thực tế thì đấy chính là vì những hình thức tổ chức xã hội khác nhau đều bất khả thi".
    Không phụ thuộc vào kiến thức của ta về thành tựu của chủ nghĩa tư bản, chúng ta cũng không thể không thán phục những đặc điểm đã vượt qua được thử thách của thời gian và vẫn không tàn úa của nó. Các giáo sư đã lên án nó vì cho rằng nó tạo ra hiện tượng người bóc lột người, nó sinh ra nạn độc quyền và nhóm độc quyền, nạn thất nghiệp và tổn thất ngày càng gia tăng. Nhưng chủ nghĩa tư bản vẫn đứng vững. Các nhà đạo đức học và các cố đạo lên án nó về lĩnh vực đạo đức và văn hóa. Nhưng, mặc cho những lời nguyền rủa, chủ nghĩa tư bản vẫn sống. Các chính trị gia tiếp tục bàn tán về nhu cầu cấp bách của lĩnh vực công; nhưng kinh tế tư nhân tiếp tục tồn tại, mặc cho những cản trở từ khu vực công. Những đặc trưng chủ yếu của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa tiếp tục tồn tại ngay trong những khu vực tăm tối nhất của thế giới, mặc cho những đạo luật mà các nhà làm luật có thể đưa ra nhằm chống lại nó, hay những khó khăn mà các chính phủ có thể gây ra cho các doanh nhân. Hay là sở hữu tư nhân và trật tự xã hội dựa trên sở hữu tư nhân đã ăn sâu bén rễ vào ngay cả trong bản chất của con người?
    Thật khó tìm được ở đâu đó trên thế giới này hệ thống tư bản chủ nghĩa không chịu bất kì cản trở nào. Các chính phủ cản thiệp vào hầu như bất kì biểu hiện nào của đời sống kinh tế. Họ lập ra những luật thuế ăn cướp đối với quá trình sản xuất và phân phối, nhưng các nghiệp chủ và các nhà tư bản vẫn làm ra rất nhiều hàng hóa và cung cấp cho ta đủ loại dịch vụ. Các chính phủ điều tiết và hạn chế sức sản xuất, nhưng trật tự, dựa trên sở hữu tư nhân, dù đã bị bóp méo và ngăn chặn, vẫn tiếp tục tồn tại trọng lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Chính phủ đặt ra mức lương và can thiệp vào cơ cấu giá cả, nhưng hệ thống thị trường vẫn tiếp tục tồn tại trên thị trường chợ đen và hoạt động bất hợp pháp. Chính phủ tạo ra lạm phát và nới lỏng tín dụng, và sử dụng luật pháp để điều tiết các phương tiện thanh toán, nhưng sản xuất tư bản chủ nghĩa vẫn tiếp tục tồn tại trong lúc hệ thống tiền tệ suy sụp. Chính phủ ban cho các tổ chức công đoàn những đặc quyền đặc lợi về mặt kinh tế và không thể tác động về mặt pháp luật, nhưng cuối cùng thì sản xuất vẫn tiếp tục phát triển. Chính phủ dính líu vào những cuộc chiến tranh, nhưng khi những cuộc chém giết chấm dứt, và chính phủ không còn gì để kế hoạch hóa, để phân phối bằng tem phiếu và bằng vũ lực nữa, thì chủ nghĩa tư bản lại hồi sinh. Chủ nghĩa tư bản là câu chuyện thần kì của quá trình tái thiết và phát triển.
    Trong phần lớn các khu vực trên thế giới, chủ nghĩa tư bản đã trở thành nơi trú ngụ cuối cùng. Khi chế độ toàn trị chỉ mang đến đói nghèo, khi tất cả những biện pháp áp bức về mặt chính trị đều thất bại, và khi những bộ óc của các chính trị gia không còn phát minh ra những điều ngu xuẩn về mặt kinh tế, khi công an mệt mỏi, không còn điều tiết kinh tế nữa, và khi các tòa án bị tê liệt vì quá nhiều tội phảm kinh tế thì đấy chính là lúc xuất hiện hệ thống tư hữu. Hệ thống này không cần phải có kế hoạch chính trị, không cần luật pháp kinh tế, không cần công an kinh tế, nó chỉ cần tự do.
    Chủ nghĩa tư bản lại một lần nữa xuất hiện ở châu Âu vào đầu những năm 1980, tức là một thời gian dài trước khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ. Sau khi chiếm được quyền lực, ở đâu chế độ toàn trị cũng chỉ để lại những vết nhơ. Tình hình kinh tế lạc hậu, thậm chí xấu đi trong toàn khối xã hội chủ nghĩa, trong khi chủ nghĩa tư bản mang đến sự thịnh vượng và giàu có cho phần còn lại của thế giới. Ngôi sao của chủ nghĩa tư bản đang vươn lên trên bầu trời châu Á, mang đến hi vọng cho những con người nghèo đói và bị áp bức ở châu lục này.
    Ánh sáng của chủ nghĩa tư bản thâm nhập vào cả Liên Xô trong suốt giai đoạn hậu chiến. Dù bức màn sắt có mạnh mẽ và kín đến mức nào thì nó cũng không thể chống lại được sức mạnh của ý tưởng. Thông qua tất cả các kênh thông tin, những ý tưởng này đã xuyên qua được bức màn sắt và cắm được những cái rễ chắc chắn vào trái tim và khối óc của rất nhiều người. Hàng triệu nạn nhân của chế độ phi nhân tính toàn trị đã nhận thức được quyền tự do của con người và hệ thống tư hữu. Họ đã trở thành những người "theo trường phái tự do", thành những người khao khát tự do và hòa bình - những nguyên tắc nền tảng của chủ nghĩa tự do. Sự tan rã một cách hòa bình đế chế Liên Xô là bằng chứng rõ ràng về sức mạnh của tư tưởng tự do.
    Nhận thức chung của mọi người về sự thịnh vượng ngày càng rõ ràng và gia tăng tại các nước có nền kinh tế thị trường là tác nhân quan trọng nhất của quá trình thay đổi. Đến giữa những năm 1980, ngay cả những kẻ cầm quyền đui mù nhất cũng không thể không thấy rằng khoảng cách giữa các nước có nền kinh tế thị trường và các nước có nền kinh tế kế hoạch hóa chỉ huy, và cùng với nó là điều kiện sống của rất nhiều người, đang ngày càng gia tăng. Trong những năm 1970, lần đầu tiên các nền kinh tế thị trường ở châu Á gia tăng được gấp đôi sản lượng, và trong những năm 1980 là lần gia tăng thứ hai.
    Ở nước Nga, mặc cho sự phản kháng của những người xã hội chủ nghĩa thế hệ cũ, những cuộc cải cách chính trị và kinh tế đang được tiến hành một cách khẩn trương. Sự ủng hộ của dân chúng đối với tiến trình giải tư chính là động lực của nó. Chính sách giải tư nhận được sự ủng hộ ngày càng tăng của dân chúng cũng như chính quyền, và quay trở lại quá khứ là việc làm bất khả.
    Quyền sở hữu tư nhân là côi rễ của bất kì hệ thống tư bản chủ nghĩa nào. Ở nước Nga nó mới chỉ tạo được những mầm cây đầu tiên. Mong rằng việc xuất bản tác phẩm quan trọng này sẽ giúp che chở và củng cố những mầm cây ban đầu đó.

    HẾT
     
    Chỉnh sửa cuối: 3/7/15
  17. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    Bài này hình như @notrinos viết chưa xong3cat113
     
  18. notrinos

    notrinos Lớp 5

    Chưa, còn hơn chục trang... :)
     
    Ngọc Sơn thích bài này.
  19. totoro

    totoro Mầm non

    he he, bác viết nốt đi ạ. Đọc và ngâm cứu xem sao.
     
  20. Ngọc Sơn

    Ngọc Sơn Lớp 7

    Ver. English.
     

    Các file đính kèm:

    votanhau thích bài này.
Moderators: galaxy, teacher.anh

Chia sẻ trang này