Tác giả Tuyển tập Nhà Văn hiện đại (Q1) - Vũ Ngọc Phan <1000QSV1TVB #0232>

Thảo luận trong 'Tủ sách Văn học trong nước' bắt đầu bởi Thu VO, 11/10/19.

Moderators: Bọ Cạp
  1. Thu VO

    Thu VO Leader 1000QSV1TVB

    0232.Nhà Văn hiện đại (Q1).PNG

    Tên sách : NHÀ VĂN HIỆN ĐẠI – PHÊ BÌNH VĂN HỌC (QUYỂN NHẤT)
    Tác giả : VŨ NGỌC PHAN
    Nhà xuất bản : THĂNG LONG
    Năm xuất bản : 1960
    ------------------------
    Nguồn sách : tusachtiengviet.com Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Đánh máy : truongquang0500, Đinh Giao, duc008, huyennhung, haianh0506, anh hdung, tranhoaibaont, lion8, tmtuongvy, kenk25, pham.le, Dũng PC, giang1509, alegan, dinh ai, crazyguye, khibungto

    Kiểm tra chính tả : Tào Thanh Huyền, Ngô Thị Thu, Trần Kim Trọng, Dương Văn Nghĩa, Nguyễn Thị Linh Chi

    Biên tập chữ Hán – Nôm : Lý Hồng Yến
    Biên tập ebook : Thư Võ
    Ngày hoàn thành : 10/10/2019

    Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận
    « Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link »
    của diễn đàn TVE-4U.ORG


    Cảm ơn tác giả VŨ NGỌC PHAN và nhà xuất bản THĂNG LONG
    đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá.

    MỤC LỤC

    NHÀ VĂN HIỆN ĐẠI – VÌ SAO TA CẦN PHẢI ĐỌC HỌ ?

    QUYỂN NHẤT : CÁC NHÀ VĂN ĐI TIÊN PHONG

    I. NHỮNG NHÀ VĂN HỒI MỚI CÓ CHỮ QUỐC NGỮ
    TRƯƠNG VĨNH KÝ

    II. NHÓM « ĐÔNG DƯƠNG TẠP CHÍ »
    1) NGUYỄN VĂN VĨNH (BIỆT HIỆU TÂN NAM TỬ)
    2) PHAN KẾ BÍNH (BIỆT HIỆU BỬU VĂN)
    3) NGUYỄN ĐỖ MỤC

    III. NHÓM « NAM PHONG TẠP CHÍ »
    1) PHẠM QUỲNH (BIỆT HIỆU THƯỢNG CHI)
    2) NGUYỄN BÁ HỌC
    3) PHẠM DUY TỐN
    4) NGUYỄN HỮU TIẾN (BIỆT HIỆU ĐÔNG CHÂU)
    5) NGUYỄN TRỌNG THUẬT (BIỆT HIỆU ĐỒ NAM TỬ)
    6) LÂM TẤN PHÁC (HIỆU ĐÔNG HỒ, TỰ TRÁC CHI)
    7) TƯƠNG PHỐ (ĐỖ THỊ ĐÀM)
     
  2. Thu VO

    Thu VO Leader 1000QSV1TVB

    ĐỌC TRỰC TUYẾN


    EBOOK
     

    Các file đính kèm:

  3. Thu VO

    Thu VO Leader 1000QSV1TVB

    LỜI NÓI ĐẦU

    ĐỘC GIẢ sẽ thấy trong bộ sách này lời phê bình của chúng tôi về những tác phẩm của các nhà văn cùng thời với chúng ta. Trong số ấy, có một vài nhà văn đã quá cố, nhưng họ vẫn rất gần ta ; còn phần đông là những người đang tìm tòi, đang sáng tác để đi đến sự tận thiện tận mỹ.

    Theo nhan đề bộ sách, tôi có thể nói đến thân thế của các nhà văn để đặt họ vào những tác phẩm của họ, đem cuộc đời của họ mà đọ với những ý nghĩ của họ, nhưng như tôi vừa nói trên, phần đông hiện còn sống. Người ta thường nói : « Cái quan luận định ». Vậy xét về thân thế các ông, tôi xin dành phần cho các nhà phê bình lớp sau.

    Viết bộ sách này, tôi đã định chia ra từng nhóm, rồi những nhà văn không thuộc nhóm nào, tôi sẽ đặt vào số những « nhà văn độc lập », nhưng xét ra không thể nào chia cả như thế được : số các « nhà văn độc lập » sẽ đông quá, làm cho sự chia thành nhóm hoá ra vô nghĩa.

    Tôi đành tuỳ tiện, vừa chia ra từng nhóm, vừa chia ra từng loại văn. Từng nhóm đối với những nhà văn lớp đầu và từng loại văn đối với những nhà văn lớp sau. Tôi chia ra như thế vì những lẽ sau này :

    Những nhà văn lớp đầu phần nhiều đều là những nhà biên tập, dịch thuật hay khảo cứu : phần sáng tác tuy cũng có, nhưng rất ít, bị phần kia át hẳn đi. Một điều ta nên chú ý là các nhà văn lớp đầu viết vào một thời mà nghề xuất bản chưa phát đạt, nên những bài biên tập, dịch thuật hay khảo cứu của các ông một phần lớn chỉ thấy trong các báo chí. Như vậy, nếu chia các ông ra từng nhóm theo những báo chí các ông biên tập thì rất tiện, vì có nhiều nhà văn chỉ chuyên viết cho một tờ báo hay một tạp chí thôi. Còn đối với những nhà văn viết cho nhiều tờ báo hay nhiều tạp chí, ta có thể coi là những « nhà văn độc lập », nghĩa là những nhà văn không thuộc nhóm nào.

    Đó là đối với lớp các nhà văn mà tác phẩm chưa có một tính chất gì rõ rệt, vì những bài họ viết phần nhiều do ở những môn học ngoại lai.

    Đến các nhà văn lớp sau, điều đặc biệt là những cái họ viết đều là những sáng tác, đều xuất bản thành sách, và thường thường người nào đã sở trường về loại văn nào thì theo đuổi luôn luôn loại văn ấy, không như mấy nhà văn lớp đầu, lúc thì khảo cứu về triết lý, lúc thì bàn về khoa học, lúc thì luận về văn chương, về chính trị, rồi có lúc lại làm thơ, làm phú, gần như loại văn nào cũng sở trường cả, thật là linh tinh phức tạp.

    Đối với những nhà văn lớp sau, nếu theo các loại văn mà xếp đặt nhà văn, như các loại : lịch sử, lịch sử ký sự, bút ký, ký ức, trào phúng, phóng sự, kịch, thơ, tiểu thuyết, v.v… người ta sẽ thấy nhiều nhà văn có tên trong nhiều mục, có khi có rải rác trong khắp cả bộ sách. Nếu bộ sách lại gồm bốn năm quyển, thì thật bất tiện cho người tra cứu. Vì một nhà văn có thể vừa là một tiểu thuyết gia, vừa là một thi sĩ, hay kịch sĩ.

    Vậy muốn cho những người hiểu văn tiện việc tra cứu, và nhất là muốn cho có thể xét tất cả các tác phẩm của một nhà văn trong một mục, để đoán định về sự tiến hoá và bước đường tương lai của nhà văn ấy, tôi sẽ xếp đặt các nhà văn lớp sau theo một loại văn trội nhất của họ. Thí dụ như Thế Lữ, tôi sẽ xếp vào thiên các thi gia mà không xếp vào thiên các tiểu thuyết gia ; nhưng sau khi phê bình thơ của Thế Lữ, tôi sẽ không quên phê bình những truyện ngắn và truyện dài của Thế Lữ. Nguyễn Tuân tôi sẽ đặt vào thiên các nhà viết bút ký và không quên tiểu thuyết của Nguyễn Tuân. Rồi trong mục tiểu thuyết tôi sẽ chia ra nhiều loại nhỏ, như truyền kỳ, trinh thám, luân lý, tình cảm, phong tục, xã hội, v.v… và đặt những tiểu thuyết gia vào loại mà họ trội hơn cả, nhưng cũng không quên nói đến các loại văn khác của họ.

    Theo phương pháp như tôi vừa nói, bộ sách « NHÀ VĂN HIỆN ĐẠI » này sẽ gồm tất cả bốn quyển : các nhà văn lớp đầu, tức là các nhà văn đi tiên phong, sẽ chia làm hai quyển, và các nhà văn lớp sau cũng chia làm hai quyển, gồm những chương như sau này.

    Trước hết, các nhà văn lớp đầu chia làm hai quyển (quyển nhất và quyển hai) :

    a) Quyển nhất gồm ba chương :

    1) Những nhà văn hồi mới có chữ quốc ngữ.
    2) Nhóm « Đông Dương Tạp Chí ».
    3) Nhóm « Nam Phong Tạp Chí ».


    b) Quyển hai nói về những nhà văn độc lập, tức là những nhà văn không thuộc hai nhóm trên này, gồm ba chương :

    1) Các nhà biên khảo và dịch thuật.
    2)Các tiểu thuyết gia.
    3) Các thi gia.


    Đến các nhà văn lớp sau, cũng chia làm hai quyển (quyển ba và quyển tư) :

    c) Quyển ba gồm sáu chương :

    1) Các nhà viết bút ký.
    2) Các nhà viết lịch sử ký sự và truyện ký.
    3) Các nhà viết phóng sự.
    4) Các nhà phê bình và biên khảo.
    5) Các kịch sĩ.
    6) Các thi sĩ.


    d) Quyển nói về các tiểu thuyết gia, chia làm tám chương theo các loại tiểu thuyết :

    1) Truyền kỳ.
    2) Trinh thám.
    3) Luân lý.
    4) Lý thuyết.
    5) Tình cảm.
    6) Hoạt kê.
    7) Phong tục.
    8) Xã hội.


    Viết về hơn bẩy mươi nhà văn sau khi đã đọc những tác phẩm của họ, đã chọn lọc và định nghĩa thế nào là một nhà văn, mà chỉ thu vào bốn quyển sách, mỗi quyển trên dưới vài trăm trang, không nói độc giả cũng biết rằng chỉ mới tóm tắt được những điều cốt yếu trong những văn phẩm sản xuất trong khoảng ba bốn mươi năm gần đây, để những người lưu tâm đến văn chương nước nhà tiện việc tra cứu và có thể biết qua về sự tiến hóa của văn học hiện đại, còn như viết cho thật tỷ mỷ, thì kể ra về mỗi nhà văn, cũng có thể viết thành một quyển sách rồi.

    Còn điều này nữa, tôi cũng cần phải nói, vì tuy nó cũ ở nước người, nhưng còn rất mới ở nước Việt Nam ta : đó là cái tiếng xưng hô đối với nhà văn. Đối với các nhà văn, tôi sẽ gọi tên không, không gọi bằng cụ, bằng ông, gì cả. Theo ý tôi, đó là một sự tôn trọng đệ nhất ; vì viết về các nhà văn, tôi muốn đối với thiên thu mà viết, tôi hy vọng tên các ông sẽ tồn tại với các văn phẩm của các ông. Không ai viết : cụ Tagore, ông Lương Khải Siêu, cụ Valéry, mà chỉ viết tên không. Vậy ta cũng cần phải hiểu cái sự tôn trọng đặc biệt đó mà thế giới đã dành từ lâu cho văn nhân, thi sĩ.

    Viết tại Vũ Gia Trang, ấp Thái Hà
    ngày Trùng thập, năm Tân Tỵ (1941).

    VŨ NGỌC PHAN
     
Moderators: Bọ Cạp
: 1000qsv1tvb

Chia sẻ trang này