Hồi ký - Tiểu sử NC-17 Những chiến dịch đặc biệt - Pavel Xudoplatov.

Thảo luận trong 'Phòng đọc trực tuyến' bắt đầu bởi tducchau, 19/10/15.

Moderators: galaxy, teacher.anh
  1. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    [​IMG]

    Trân trọng giới thiệu...

    [​IMG]
    Tựa đề: NHỮNG CHIẾN DỊCH ĐẶC BIỆT.
    Tác giả:
    PAVEL XUDOPLATOV.
    Dịch giả:
    NGUYỄN VĂN THẢO.
    Nhà xuất bản: CÔNG AN NHÂN DÂN.
    Năm xuất bản: 2003.
    Loại thể:
    SÁCH THAM KHẢO.
    Số trang:
    588.
    Khổ sách:
    14,5 x 20,5 cm.
    Loại Bìa:
    CỨNG.
    Giá Bán:
    65.000 VNĐ.
    Tổng phát hành:
    CÔNG TY VĂN HÓA PHƯƠNG NAM (PNC).

    *​

    "... Sau mưu toan đảo chính không thành vào tháng 8 – 1991 thực tế diễn ra sự đánh cắp không thể kiểm soát các lưu trữ mật của ĐCS với mục đích sử dụng và bán chúng cho các nhà làm phim, các nghiên cứu khoa học và văn chương. Tướng Volkogonov nắm được tài liệu lưu trữ, viết cuốn sách về Trotsky, có nhắc đến tôi và Eitingon và nói về vai trò của chúng tôi trong chiến tranh du kích chống nước Đức phát xít và trong quyết định vấn đề nguyên tử, với ưu và khuyết điểm của cuốn sách Volkogonov cố đánh giá khách quan công việc của tôi và Eitingon. Nhiều năm tháng họ tên tôi không ai rõ – không thể tìm ra nó cả trong những mô tả các sự nghiệp anh hùng trong chiến tranh với Hitler, lẫn trong lịch sử tình báo chúng ta. Chính Volkogonov làm nảy sinh trong tôi ý nghĩ kể lại câu chuyện cuộc đời mình và của thế hệ tôi. Câu chuyện có thể cho tôi khả năng giờ đây cố sắp xếp mọi thứ đúng vào chỗ của mình.

    Cái chết của nhà nước Xô Viết, những ấn phẩm hôi tanh gạt bỏ lịch sử hào hùng của tổ quốc tôi, trở thành một động cơ bắt tôi cầm bút và kể về các sự kiện được trình bày trong cuốn sách.

    … Liên Xô mà tôi trung thành hết lòng và vì nó tôi sẵn sàng hiến cả cuộc đời, vì nó tôi cố không nhận thấy những sự tàn nhẫn được tạo ra, khi biện minh chúng bằng khát vọng biến đất nước lạc hậu thành một nước tiên tiến, vì hạnh phúc của nó tôi đã trải qua những tháng dài ở xa Tổ quốc nhà cửa, vợ con - thậm chí cả 15 năm ngồi tù cũng không giết chết được lòng trung thành của tôi…

    Trong hoàn cảnh phức tạp sau sự tan rã của Liên Xô vẫn giữ lòng thù địch đối với tôi không chỉ là những kẻ muốn để những người biết rõ các tình huống đích thực của màn bi hùng quá khứ im lặng từ giã cõi đời. Họ công khai mong chiếm quyền độc tôn lý giải các sự kiện của quá khứ chúng ta.

    Tôi hi vọng câu chuyện của tôi sẽ giúp thế hệ hiện thời có được sự tự do khi đánh giá quá khứ hào hùng và bi thương của chúng ta."


    - Pavel Xudoplatov -​

    *​

    EBook sẽ được thực hiện theo Dự án phi lợi nhuận “SỐ HÓA SÁCH CŨ” của diễn đàn TVE-4U.ORG, 2015.

    Nhằm chia sẻ - phục vụ Cộng đồng và góp phần nhỏ nhoi nâng cao dân trí và văn hóa Đọc cho 'độc giả' Việt không có điều kiện mua sách!

    Khi Bạn có khả năng, hãy mua sách giấy để ủng hộ tác giả (dịch giả) và Nhà xuất bản! Xin cảm ơn!

    *​

    Đặc biệt! Nếu Bạn yêu mến sách Việt, có nguồn sách, và mong muốn bảo tồn, gìn giữ và 'chuyển giao' lại những giá trị văn hóa tuyệt vời của dân tộc, của truyền thống gia đình,... cho muôn đời sau! Hãy liên hệ và chung sức với chúng tôi Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem linkVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link! Xin cảm ơn!
    [​IMG]
     
    Chỉnh sửa cuối: 2/12/15
  2. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    MỤC LỤC


    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Chú thích
     
    Chỉnh sửa cuối: 8/12/15
  3. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    CHƯƠNG 1
    KHỞI ĐẦU


    1. Bắt đầu công tác tại Treka

    Tôi sinh năm 1907 ở Ucraina, tại thành phố Melitopol nằm trong khu vực giàu hoa trái và thời ấy có khoảng hai mươi nghìn dân. Mẹ tôi là người Nga, còn cha tôi là người Ucraina - công nhân phụ việc, thợ làm bánh, đầu bếp, hầu bàn.

    Năm 1917, ở tuổi 12, tôi đã trốn nhà và nhập vào một trung đoàn Hồng quân mà chẳng bao lâu đành phải rời bỏ Melitopol. Trung đoàn của chúng tôi bị Bạch vệ đánh tan, và chỉ những nhóm nhỏ may mắn hoà nhập vào các phân đội của sư đoàn bộ binh 44 Hồng quân tại vùng Kiev. Bởi đến thời gian này tôi đã học xong tiểu học và biết đọc, người ta phân tôi về đại đội thông tin. Muộn hơn tôi đã tham gia vào các trận đánh ở gần Kiev. Năm 1921, khi tôi tròn 14 tuổi, các cán bộ Ban đặc biệt của sư đoàn bị rơi vào ổ phục kích của bọn dân tộc chủ nghĩa Ucraina, và nhiều người trong số họ đã hy sinh. Thời ấy chúng tôi chiến đấu chủ yếu không phải với bọn Bạch vệ mà với các đơn vị của bọn dân tộc chủ nghĩa Ucraina cầm đầu bởi Petliura và Konovalets, tư lệnh quân đoàn “Những tay súng Xetrev”. Khi bắt đầu nội chiến những kẻ dân tộc chủ nghĩa Ucraina tuyên bố cộng hoà độc lập và chính thức vào tháng 1-1919 đã tuyên bố chiến tranh với nước Nga và lãnh đạo bolsevich Ucraina. (vào những năm 30, còn sau đó, vào những năm 40 tôi đã tham gia trực tiếp vào cuộc đấu tranh với bọn dân tộc chủ nghĩa Ucraina.) Cuộc đấu tranh này thực tế mãi đến tháng 1-1992 mới kết thúc, sau khi chính phủ Ucraina lưu vong và toàn bộ phần thế giới còn lại thừa nhận tổng thống Kravtruk là người đứng đầu hợp pháp của nhà nưóc Ucraina độc lập.

    Ban đặc biệt đã chịu những mất mát lớn, cần gấp điện thoại viên và nhân viên cơ yếu. Và thế là tôi được cử sang làm việc ở cơ quan an ninh. Đó là khởi đầu công tác của tôi Ủy ban đặc biệt Liên bang - KGB.

    Trong sư đoàn nơi tôi phục vụ, chiến đấu cùng chúng tôi là những người Ba Lan, Đức, Xecbi và thậm chí cả người Trung Quốc. Những người sau cùng rất có kỷ luật và chiến đấu đến giọt máu cuối cùng. Cuộc chiến đấu là tàn khốc, và có khi những làng quê bị huỷ diệt trọn vẹn bởi bọn dân tộc chủ nghĩa Ucraina và các băng cướp: trong nội chiến Ucraina có trên một triệu người chết. Thế hệ chúng tôi nhanh chóng quen với những khắc nghiệt, mất mát, khó khăn của cuộc chiến tranh này. Chúng tôi xem toàn bộ thứ đó là hoàn toàn tự nhiên. Đất nước chịu tình trạng chiến tranh từ năm 1914, và bi kịch nước Nga là ở chỗ cho đến tận cuối nội chiến, tức là đến năm 1922, việc xây dựng một xã hội ổn định dựa trên trị giá bình thường, nhân đạo là không thể.

    Kinh nghiệm có được khi thực hiện trách nhiệm một điện thoại viên, sau đó là nhân viên mật mã, hoá ra là có lợi. Tôi in các tài liệu với con dấu “mật” được gửi đến ban chỉ huy, và mã hoá các điện tín mà chúng tôi nhận được trực tiếp từ người đứng đầu Treka Toàn Nga Feliks Dzerjinxky từ Moskva.

    Năm 1921 là bước ngoặt của cuộc đời tôi. Sư đoàn được chuyển đến Jưtomir. Nhiệm vụ chính của Ban đặc biệt là giúp Treka địa phương thâm nhập vào các đội du kích bí mật của bọn dân tộc chủ nghĩa Ucraina do Petliura và Konovalets lãnh đạo. Các băng vũ trang của chúng tổ chức phá hoại chống các cơ quan của chính quyền Xô viết địa phương. Potajevich và Xavin lãnh đạo Treka đã thiết lập được đối thoại với những kẻ lãnh đạo du kích và tiến hành những cuộc thương thuyết không chính thức. Họ gặp nhau tại điểm hẹn ở Jưtomir. Là nhân viên trẻ, tôi phải ở nơi hẹn và phục vụ cuộc thương thuyết. Kinh nghiệm giao tiếp với các thủ lĩnh của bọn dân tộc chủ nghĩa Ucraina mà thực chất là những chủ nhân ông đích thực trong khu vực của mình, đã giúp tôi trong tương lai khi tôi trở thành cán bộ tác chiến của cơ quan an ninh quốc gia.

    Chiến tranh với bọn dân tộc chủ nghĩa Ucraina tiếp diễn gần hai năm và kết thúc bằng sự thoả hiệp - các thủ lĩnh của chúng được chính phủ Ucraina Xô viết ân xá. Điều đó xảy ra sau khi toán kỵ binh với hai ngàn thanh kiếm do Konovalets và Petliura phái tới bị vây hãm bởi các phân đội Hồng quân và đã đầu hàng. Băng cướp của Konovalets bị một thất bại choáng váng. Anh trai của tôi, Nicolai phục vụ tại đơn vị biên phòng trên biên giới Ba Lan, đã hy sinh trong những trận đánh này. Còn tôi đã xin chuyển về Melitopol để được gần hơn với gia đình và có khả năng giúp đỡ gia đình.

    Trong suốt ba năm cuối ở tại Melitopol tôi là nhân viên tác chiến tại GPU (1) khu và chịu trách nhiệm về công việc của các chỉ điểm viên hoạt động trong dân chúng người Đức, người Ẹungari và người Hi Lạp. Năm 1927 tôi được thăng chức và chuyển về Kharkov lúc đó là thủ đô của Ucraina, nơi tôi bắt đầu làm việc tại GPU Cộng hoà Xô viết Ucraina. Chính ở đây, ở Kharkov, tôi đã gặp người vợ tương lai của mình, Emma Kaganova: tôi hai mươi, cô hơn tôi hai tuổi - cô chuyển đến Ucraina từ thành phố Gomel nước cộng hoà Beloruxia.

    Emma là người thông minh, và cô đã thi đỗ vào trung học, nơi đối với người Do Thái có một chuẩn mực hạn chế. Cô kết thúc mấy lớp của trung học và đã làm thư ký đánh máy chỗ Khataevich, bí thư tổ chức bolsevich tỉnh Gomel. Khi người ta chuyển người phụ trách của cô về Ođécxa, nơi ông đứng đầu tổ chức Đảng, cô đã đi theo ông. Chính ở Ôđécxa Emma đã chuyển sang GPU địa phương. Cô được giao tiến hành công việc trong những người Đức sống tại thành phố. Cô gái tóc sáng mắt xanh, nói bằng phương ngữ gần với tiếng Đức và hoàn toàn được coi là một cô gái Đức.

    Cô chuyển về Kharkov một năm trước khi tôi chuyển về đó. Tại GPU Cộng hoà Xô viết Ucraina, Emma có một vị trí nặng ký hơn nhiều so với một kẻ mới toanh là tôi lúc ấy. Là một phụ nữ hấp dẫn và có học thức, thêm nữa đọc nhiều và cảm thấy bản thân khá tự do trong giới nhà văn và thi sĩ, người ta giao cho cô lãnh đạo hoạt động của những người đưa tin trong giới trí thức Ucraina - các nhà văn và các nhà hoạt động sân khấu. Tôi gặp cô tại nơi làm việc, sắc đẹp và trí tuệ của cô đã làm tôi sững sờ. Cha của Emma, người chống bè gỗ, đã mất khi cô mới lên mười. Cô bắt đầu làm việc một mình và nuôi cả gia đình có tám đứa trẻ. Vậy nên giữa tôi và Emma có nhiều điểm chung: cả tôi lẫn cô đều là chỗ dựa của gia đình, và do hoàn cảnh mà phải chín chắn sớm trước tuổi.

    Bất kể công việc của chúng tôi bận rộn, cô vợ đã thúc dục tôi nghiên cứu luật học tại trường đại học Tổng hợp Kharkov. Nhưng thực ra tôi chỉ dự được tất thẩy có mười buổi giảng và trả được một môn thi - địa lý kinh tế. Đơn giản là tôi không có thì giờ. Ngày làm việc của tôi bắt đầu vào mười giờ sáng và kết thúc lúc sáu giờ chiều với một khoảng nghỉ ăn trưa. Sau đó bắt đầu các cuộc gặp chỉ điểm viên ỏ các điểm hẹn. Chúng tiếp diễn từ bảy rưỡi tối đên mười một giờ đêm. Rồi tôi quay lại cơ quan để báo cáo với lãnh đạo về những tài liệu tác chiến nhận được.

    Từ năm 1922 GPU, sau đó là NKVD-KGB (nay là FSB) và cơ quan phản gián đối ngoại khi tiếp nhận các quyết định về những vấn đề đường lối đối nội và đối ngoại của nhà nước đều phải là nguồn tin chủ yếu đối với tất cả các cấp lãnh đạo Xô viết. Như hiện giờ lãnh đạo đất nước vẫn nhận các báo cáo hàng tháng về tình hình trong quốc gia từ các cơ quan an ninh theo đường dây điệp viên của họ. Báo cáo loại này bao gồm các khó khăn bên trong và những khuyết điểm trong công tác của những tổ chức, xí nghiệp và công sở khác nhau. Theo chế định đặt ra từ thời Stalin, không được phép gặp chỉ điểm viên của mình ban ngày. Vậy nên chúng tôi mới gặp nhau vào ban đêm. Stalin ngồi đến tận khuya, và chúng tôi cũng làm việc như thế.

    Như trớ trêu của số phận, phụ trách ban thông tin của phòng chúng tôi là cựu sĩ quan sa hoàng Cozelxky, xuất thân trong một gia đình quý tộc sa sút. Dù con người này từng phục vụ trong quân đội Sa hoàng, cảm tình của ông đối với những người bolsevich thể hiện trong những năm cách mạng, cho phép ông chiếm được lòng tin của chúng tôi. Năm 1937 ông tự sát để tránh bị thanh trừng...

    Đối với tôi Emma là lý tưởng của một phụ nữ chân chính, và năm 1928 chúng tôi cưới nhau, dù người ta chỉ đăng ký chính thức hôn nhân của chúng tôi năm 1951. Nhiều đồng đội của tôi cũng đã sống như thế nhiều năm liền không đăng ký hôn thú của mình.

    Trong khi đó công việc vẫn tiến triển, và tôi nhận một nhiệm vụ mới - khá bất thường nhưng quan trọng - cùng lúc được kiểm soát bởi các nhà lãnh đạo OGPU (2) và các tổ chức Đảng. Chức vụ mới của tôi được gọi là: chính uỷ trại đặc biệt ở Priluki dành cho trẻ em không người chăm sóc. Sau nội chiến những trại loại này đặt nhiệm vụ chấm dứt sự lang thang của trẻ mồ côi mà cái đói và cùng quẫn đã đẩy vào con đường phạm tội. Để nuôi dưỡng những trại này mỗi chiến sĩ Treka phải trích ra mười phần trăm tiền lương của mình. Tại đó có các xưởng thợ và các lớp dạy nghề: thái độ lao động của bọn trẻ lúc đó được xem là có ý nghĩa quyết định. Chiếm được lòng tin của các trại viên, tôi đã tổ chức được một nhà máy sản xuất bình cứu hoả mà chả bao lâu đã bắt đầu đưa lại thu nhập.

    Nhờ địa vị của vợ tôi trong các giới đảng ở Ucraina, tôi hai lần được gặp Koxior, bí thư BCHTƯ ĐCS (3) Ucraina lúc ấy. Những buổi gặp đó diễn ra tại nhà Khataevich nơi chúng tôi được mời với tư cách là khách. Gây ấn tượng đặc biệt đốỉ với tôi là cái cách hai nhà lãnh đạo nhìn tới tương lai của Ucraina. Các vấn đề kinh tế và bi kịch của tập thể hoá họ xem như khó khăn tạm thời cần vượt qua bằng mọi cách. Theo họ, cần thiết đào tạo một thế hệ mới, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp chủ nghĩa cộng sản và thoát khỏi mọi nghĩa vụ theo quan niệm cũ. Nên chú trọng nhất đến sự phát triển và nâng đỡ giới trí thức mới có thái độ thù nghịch với các tư tưởng dân tộc chủ nghĩa. Sau chục năm Liên Xô tan vỡ để trở thành hiển nhiên: cần kiên nhẫn và cố gắng hiểu mặt trái vấn đề, chứ không nên hung hăng tìm mọi cách tiêu diệt nó.

    Tôi và vợ rất tự hào vì những người như Koxior và Khataevich trò chuyện với chúng tôi như với các đồng chí cùng đảng của mình, dù cả hai chúng tôi lúc đó còn là đoàn viên. Sau đó chúng tôi mới trở thành đối tượng đảng.

    Năm 1933 người lãnh đạo GPU Ucraina Balitsky được cử làm Phó chủ tịch OGPU toàn Liên bang. Chuyển về Moskva, ông lấy theo mấy cộng sự, trong đó có cả tôi. Tôi nhận ở Cục cán Bộ An ninh Quốc gia chức vụ chánh thanh tra thuyên chuyển công tác và những chỉ định mới tại Cục đối ngoại (tình báo ngoài nước) của OGPU.

    Vào thời ấy tôi bắt đầu thường xuyên tiếp xúc với Artuzov, phụ trách Cục đối ngoại và phó của ông là Xlutsky.

    Có vai trò lớn tại Cục đối ngoại, ngoài Artuzov và Xlutsky, là Berman, Fedorov (lãnh đạo đấu tranh với dân di tản), Spigelglaz, Minxker. Eitingon và Gogojanin (người cuối cùng được Maiacovxky tặng bài thơ “Những chiến sĩ của Dzerjinxky”).


    [...]

    ______

    [1] Tổng cục tình báo quốc gia.

    [2] Các cơ quan Tổng cục an ninh quốc gia.

    [3] Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản.
     
    Chỉnh sửa cuối: 19/10/15
    teacher.anh and Rafa like this.
  4. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    2. Sống mái với OUN (4)

    Năm 1933 cô Kulinich, sĩ quan, chịu trách nhiệm theo dõi tác chiến và đấu tranh với người Ucraina sang phương Tây, đưa đơn xin xuất ngũ vì lý do sức khoẻ. Biết tôi quê ở Ucraina và có kinh nghiệm làm việc trong các điều kiện địa phương, Artuzov đề cử chức vụ này cho tôi. Đến thời gian này Emma cũng đã chuyển về Moskva và được phân công về Phòng chính trị mật. Từ năm 1934 trong nhiệm vụ của cô có cả công tác với mạng lưới chỉ điểm viên trong Hội nhà văn vừa thành lập và giữa giới trí thức sáng tạo. Sau vụ sát hại bi thương nhà ngoại giao Xô viết Mailov ở Lơvov gây ra bởi tên khủng bố OUN Lemec năm 1934, chủ tịch OGPU Menjinxky ra sắc lệnh soạn thảo kế hoạch hành động ngăn chặn các hành động khủng bố của bọn dân tộc chủ nghĩa Ucraina. GPU Ucraina báo tin rằng đã cấy được vào tổ chức quân sự bí mật của bọn dân tộc chủ nghĩa Ucraina lưu vong một điệp viên tin cẩn của mình - Lebed. Đó là một thành công lớn.

    Xlutsky, lúc ấy đã là trưởng phòng Cục đối ngoại, đề nghị tôi trở thành cộng sự mật làm việc ở nước ngoài. Thoạt đầu điều đó đối với tôi có vẻ phi thực, bởi vì tôi không có kinh nghiệm hoạt động ở nước ngoài và tôi không biết gì về các điều kiện sống ở phương Tây. Thêm nữa kiến thức tiếng Đức mà tôi phải cần đến ở Đức và Ba Lan nơi sẽ làm việc, là bằng số không.

    Nhưng tôi càng nghĩ thêm về đề nghị này thì nó càng trở nên quyến rũ với tôi hơn. Và tôi đã đồng ý. Sau đó lập tức tôi bắt tay vào học tiếng Đức cấp tốc - các buổi học diễn ra tại điểm hẹn mỗi tuần năm lần. Các thanh tra đầy kinh nghiệm cũng dạy tôi các đòn đánh giáp lá cà và sử dụng vũ khí. Đặc biệt có lợi đối với tôi là những cuộc gặp gỡ với phó phụ trách Cục đối ngoại OGPU-NKVD Spigelglaz. Ông có kinh nghiệm lớn làm việc ở ngoại quốc với tư cách nhân viên mật - ở Trung Quốc và Tây Âu. Vào đầu những năm 30 tại Paris, “mái che” của ông là cửa hàng chuyên bán mực nằm gần Monmartr.

    Sau tám tháng huấn luyện tôi đã sẵn sàng cho chuyến công cán nước ngoài đầu tiên của mình có Lebed tháp tùng, “đại diện chính” của OUN ở Ucraina, trong thực tế là điệp viên ngầm của chúng ta trong suốt nhiều năm. Từ năm 1915 đến 1918 Lebed ngồi tù cùng với Konovalets gần Saritsưn. (Trong những năm chiến tranh thế giới thứ nhất Lebed và Konovalets cùng chiến đấu với tư cách sĩ quan quân đội Áo-Hung chống nước Nga tại mặt trận Tây Nam trong biên chế của cái gọi là quân đoàn “những tay súng Xetrev”.) Trong nội chiến ông trở thành phó của Konovalets và chỉ huy sư đoàn bộ binh đánh nhau với các phân đội Hồng quân ở Ucraina. Sau cuộc rút lui của Konovalets sang Ba Lan năm 1920, Lebed được y phái về Ucraina để tổ chức mạng lưới bí mật của OUN. Nhưng ở đây ông bị bắt. Sự lựa chọn trước ông ta rất đơn giản: hoặc làm việc cho chúng ta hoặc chết.

    Đổi với chúng tôi Lebed trở thành nhân vật chủ chốt trong cuộc đấu tranh với bọn thổ phỉ tại Ucraina vào những năm 20. Thanh danh của ông trong các giới dân tộc chủ nghĩa ở ngoại quốc vẫn cao như cũ: Konovalets xem người đại diện của mình như một người có năng lực tiến hành công tác chuẩn bị để cướp chính quyền cho OUN ở Kiev trong trường hợp có chiến tranh. Từ Lebed người chúng ta cho phép đi ra phương Tây trong những năm 20 và 30 theo các kênh bí mật, chúng tôi mới rõ rằng, Konovalets ấp ủ các kế hoạch chiếm Ucraina trong cuộc chiến tương lai. Tại Berlin Lebed gặp đại tá Alexander, tiền nhiệm của đô đốc Wilhem Canaris trên cương vị người lãnh đạo cơ quan tình báo nước Đức đầu những năm 30, và qua hắn biết Konovalets đã hai lần tiếp kiến Hitler, kẻ đã đề nghị để một số đồng đảng của Konovalets trải qua khoá huấn luyện tại trường đảng Quôc xã ở Laixich.

    Tôi ra nước ngoài như “cháu” của Lebed, kiểu như để giúp ông ta trong công việc. Vợ tôi được chuyển sang Cục đối ngoại NKVD để thông qua cô, tôi có thể giữ liên lạc với Trung tâm. Cô tiếp tục đóng vai một nữ sinh viên từ Genève, điều cho phép cô thỉnh thoảng gặp gỡ các điệp viên ở Tây Âu. Với mục đích đó cô đã trải qua một khoá học chuyên môn. Lebed không biết là còn một điệp viên nữa, Poluvedko, đại diện chính của Konovalets tại Phần Lan, làm việc cho chúng ta. Ông ta mang hộ chiếu giả ở Helsinki, tổ chức các liên lạc giữa bọn dân tộc chủ nghĩa Ucraina lưu vong và tổ chức bí mật của chúng ở Leningrad. Bọn OUN giấu các tài liệu của mình ở Leningrad, trong thư viện danh tiếng mang tên Santưcov- Sedrin. Dù là chúng tôi biết điều đó, nhưng chúng chỉ phát hiện ra chúng sau kết thúc thế chiến II, năm 1949.

    Tôi sang Helsinki có Lebed tháp tùng. Lebed chuyển tôi cho Poluvedko trông nom và lập tức quay về Kharkov qua Moskva. Poluvedko, không biết gì về công việc thật sự của tôi, thường xuyên gửi các báo cáo về tôi cho NKVD thông qua Zoia Voxkrexenxkaia-Rưbkina, người chịu trách nhiệm liên lạc với ông ta.

    Tôi cần cho Trung tâm biết rằng với tôi mọi chuyện đều ổn, và như đã quy ước từ trước, tôi viết thư cho “cô gái” của mình, sau đó xé nhỏ và ném vào sọt đựng rác. Đóng vai trợ lý bất đắc dĩ của tôi, Poluvedko gom các mẩu vụn và chuyển chúng cho Zoia. Còn ở một giai đoạn nào đó Poluvedko nói chung đã đề nghị thủ tiêu tôi, điều ông đã yêu cầu trong một báo cáo, nhưng rất may, quyết định vấn đề này không phụ thuộc vào ông ta. Tại Phần Lan (muộn hơn là tại Đức) tôi sống một cách khá buồn chán: tôi không có tiền túi, và tôi liên tục chịu đói. Poluvedko chi cho tôi tất thẩy chỉ mười Mác Phần Lan mỗi ngày, khó lắm mới đu cho một bữa trưa - trong khi cần để lại một đồng xu đến tối cho máy tính gas, nếu không, hệ thống sưởi ấm và bếp gas sẽ không hoạt động. Zoia Rưbkina và chồng cô Boris Rưbkin, điệp viên tại Phần Lan, lãnh đạo hoạt động tình báo của tôi ở tại đây, đem buterbrod và sôcôla đến các cuộc gặp gỡ bí mật giữa chúng tôi mà lịch biểu đã được quy ước trước khi tôi rời khỏi Moskva. Trước khi chia tay họ xem kỹ vật dụng trong các túi của tôi để tin chắc rằng tôi không lấy theo thức ăn gì: vì điều đó có thể làm đổ bể “trò chơi” của chúng tôi.

    Sau hai tháng chờ đợi, các liên lạc của Konovalets đã đến Helsinki-Gribivxky (“Thủ tướng”) từ Praha và Andrievxky từ Brussels. Chúng tôi đi sang Stokholm bằng tàu thuỷ.

    Khi xuống tàu tôi nhận được hộ chiếu với họ tên Nicols Baravskas do cơ quan đặc biệt Litva cấp theo đề nghị của lãnh đạo OUN. Khi đến Stokholm, người ta gom tất cả các hành khách vào nhà ăn, và hầu bàn bắt đầu phát các hộ chiếu đã qua kiểm tra cửa khẩu. Thoạt đầu y từ chối trả hộ chiếu lại cho tôi, nói rằng ảnh rõ ràng là không giống. Thực sự, hộ chiếu mang tên Xtsiborxky, thành viên ban lãnh đạo Trung ương OUN, một kẻ quá khích người Ucraina, với ảnh của Xtsiborxky. Thật may, lập tức Poluvedko nổi cáu đã can thiệp, doạ gã hầu bàn và buộc y trả lại giấy tờ cho tôi. Tháng 6 năm 1936 đến Berlin, và ở đấy tôi đã gặp Konovalets, người đã hỏi tôi tất cả mọi thứ với sự hứng thú lớn. Cuộc gặp gỡ của chúng tôi diễn ra ở một căn phòng nằm trong toà nhà bảo tàng dân tộc học do cơ quan tình báo Đức bố trí. Tháng 9 tôi được cử đi học ba tháng ở trường Quốc xã tại Laixích. Trong thời gian học tôi đã có điều kiện làm quen với ban lãnh đạo OUN. Dĩ nhiên, những thính giả của trường đã quan tâm đến nhân thân tôi. Thế nhưng không nảy sinh vấn đề gì với “huyền thoại” của tôi cả.

    Các cuộc trò chuyện của tôi với Konovalets càng ngày càng trở nên nghiêm túc hơn. Trong kế hoạch của hắn có việc chuẩn bị các cơ quan hành chính cho một loạt tỉnh của Ucraina được dự trù giải phóng trong tương lai, thêm nữa bọn dân tộc chủ nghĩa Ucraina phải gia nhập vào liên minh với người Đức. Tôi biết được trong tay chúng đã có hai đội quân tổng cộng gồm gần hai nghìn người, dự tính được dùng với tư cách lực lượng cảnh sát tại Galitsưn (một phần Tây Ucraina lúc ấy còn thuộc Ba Lan) và ở Đức.

    Bọn OUN tìm mọi cách lôi kéo tôi vào cuộc đấu tranh giành quyền lực đang diễn ra giữa hai băng đảng chủ chốt: “cánh già” và “cánh trẻ”. Đại diện nhóm đầu là Konovalets và Melnich phó của hắn, còn đứng đầu “cánh trẻ” là Bandera và Koxtarev. Nhiệm vụ chính của tôi là thuyết phục chúng rằng hoạt động khủng bố ở Ucraina không có lấy một chút hi vọng thành công, rằng chính quyền sẽ nhanh chóng đập tan các điểm chống cự nhỏ. Tôi kiên quyết rằng cần giữ gìn lực lượng và mạng lưới mật dự trữ cho đến khi bắt đầu cuộc chiến giữa nước Đức và Liên Xô, và trong trường hợp đó sử dụng họ ngay không chậm trễ.

    Đặc biệt gây lo ngại là những mối liên hệ khủng bố của tổ chức này, nói riêng, sự thoả thuận với bọn dân tộc chủ nghĩa Croatia và sự tham gia vào vụ giết chết vua Nam Tư Alexandr và bộ trưởng Ngoại giao Pháp Lui Barta. Đối với tôi là một khám phá, rằng tất cả các tên khủng bố này đều được Abwehr (5) tài trợ. Một bất ngờ hoàn toàn đối với tôi là tin về vụ sát hại bộ trưởng Ba Lan, tướng Peratsky năm 1934 bởi tên khủng bố Ucrama Matseiko bất chấp lệnh của Konovalets và kẻ đứng sau nó là Bandera đang cạnh tranh quvền lực với Konovalets. Bandera khát khao được kiểm soát tổ chức, lợi dụng lòng thù địch tự nhiên của người Ucraina đối với Peratsky, kẻ chịu trách nhiệm vì những cuộc thanh trừng thiểu số người Ucraina tại Ba Lan. Konovalets kể với tôi rằng, đến thời gian ấy giữa Ba Lan và Đức đã ký kết hiệp ước hữu nghị, vậy nên trong bất kỳ trường hợp nào người Đức cũng không tổ chức những hoạt động thù địch đối với Ba Lan. Tên ám sát, Matseiko, đã trốn thoát.

    Chuyện xảy ra như sau. Matseiko dự định giết Peratsky, cho lựu đạn nổ, nhưng không hiểu lý do gì nó không nổ, và hắn đã bắn viên tướng Ba Lan. Lập tức một đám người lao tới hắn. Matseiko kịp nhảy qua chiếc tàu điện đang đi phía trước chặn ngang hắn với những kẻ truy đuổi, chạy vào cổng ngôi nhà đầu tiên, trèo lên tầng bảy, ở đấy hắn cởi bỏ áo choàng và mũ, vứt súng lục, và không còn nhận ra được, ung dung bước ra đường phố. Phản gián Ba Lan tố chức phục kích tại tất cả các điểm hẹn của bọn dân tộc chủ nghĩa Ucraina ở Varsava, nhưng hắn đã không xuất hiện ở một điểm hẹn nào. Hắn qua đêm với bạn gái Tremerinxcaia, cũng là một cô ả khủng bố người Ucraina. Chính ả đã tổ chức vụ chạy trốn của hắn qua dãy Karpat sang Tiệp Khắc, lợi dụng các mối quan hệ của mình với cảnh sát Tiệp.

    Tại Tiệp Khắc OUN có sự giúp đỡ đáng kể từ phía chính quyền tổng thống Benes có các mối quan hệ riêng với Konovalets từ thời chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Thế nhưng khi OUN “vượt khỏi tầm kiểm soát” của chính quyền và thực hiện vụ giết Peratsky, những quan hệ này trở nên xấu đi.

    Bất kể lời phát biểu đầy diễn cảm của Bandera trên toà bào chữa sự nghiệp của dân tộc chủ nghĩa Ucraina, hắn và những kẻ cầm đầu khác vẫn bị tuyên án treo cổ. Thế nhưng áp lực của Đức lên chính quyển Ba Lan cuối cùng đã cứu được sự sống của chúng. Bản án tử hình được thay bằng nhà tù. Sau khi chiếm Ba Lan người Đức lập tức thả Bandera. Và giữa hai băng đảng dân tộc chủ nghĩa Ucraina sôi sục một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn.

    Trong giao tiếp với các đồng nghiệp của mình cùng trường đảng quốc xã tôi xử sự tuyệt đối tự tin và độc lập: vì tôi đại diện bộ phận đầu não tổ chức mật của chúng ở Ucraina, trong khi đó chúng chỉ là những kẻ di tản tồn tại nhờ sự bố thí của người Đức. Tôi có quyền đặt tối hậu thư lên các đề nghị của chúng, bởi tôi thực hiện chỉ dẫn của “chú” mình “Vuico”. Nếu tôi không thích gì các phát biểu của chúng, chỉ cần nói đơn giản: “Vuico không cho phép!” - là đủ.

    Chính bằng cách đó tôi phủ định đề nghị về cuộc gặp gỡ của tôi với đại tá Lakhuzen từ bộ tham mưu Abwehr. Tiếp xúc trực tiếp với tình báo Đức là mạo hiểm, bởi vì bọn Đức có thể cố ép buộc tôi cộng tác. Hết lần này đến lần khác tôi cứ phải nhắc lại những phản đối của mình về cuộc gặp gỡ với ai đó từ Abwehr.

    Có lần khi chúng tôi đi dạo cùng Konovalets, một thợ ảnh lại gần và chụp chúng tôi, trao phim cho Konovalets, người đã trả hai Mác vì nó. Tôi bực mình. Đã rõ rằng nhóm thân cận của Konovalets ở Berlin muốn có ảnh tôi trong hồ sơ, để sau này khi chúng cần đến, chúng có thể tìm ra tôi. Ngay đó, trên đường phố, tôi đã phản đối thẳng thừng với Konovalets. Hẳn là một sai lầm không thể dung thứ, nếu bức ảnh như thế rơi vào tay bọn Đức, tôi nói không một chút ngờ vực đó chính là mục đích thực sự của hắn. Konovalets đã tìm cách trấn an tôi. Theo lời hắn, chăng có gì đáng kể trong việc một thợ ảnh rong nào đó đang kiếm sống sau đó chụp hai chúng ta dạo chơi trên đường phố Berlin cả.

    Sau đó tôi khẳng định được mình đã đúng. Trong những năm chiến tranh, XMERS (6) tóm được hai tên thám báo ở Tây Ucraina, một tên có bức ảnh này. Khi người ta hỏi hắn cần gì bức ảnh, hắn đáp: “Tôi không biết người đó là ai, nhưng chúng tôi nhận được mệnh lệnh thủ tiêu y".

    Tôi đã chiếm được lòng tin của Konovalets, khi chuyển cho hắn nội dung một cuộc nói chuyện bí mật. Có lần Koxtarev và thêm mấy tên dân tộc chủ nghĩa Ucraina trẻ, dự thính trường đảng Quốc xã nói rằng Konovalets đã quá già để lãnh đạo tổ chức, và nên sử dụng hắn ta như một nhân vật bài trí thôi. Khi chúng hỏi ý kiến tôi, tôi đáp giận dữ:

    - Các cậu có tư cách gì mà đề nghị một điều như thế? Tổ chức chúng ta không chỉ tin tưởng hoàn toàn vào Konovalets, mà còn thường xuyên nhận được sự ủng hộ của ông, và trước khi tôi đến đây chúng tôi nói chung chả nghe thấy gì về các cậu.

    Khi tôi kể với Konovalets, mặt hắn trắng bệch ra. Sau đó Koxtarev bị thủ tiêu, tôi nghĩ rằng đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên.

    Trung tâm đã quyết định rằng, khi tôi vừa sang Đức, tôi cần thể hiện sự độc lập hoàn toàn và không giữ bất kỳ mối liên lạc nào với cơ sở điệp viên và những cán bộ mật. Konovalets che chở tôi và thường đến thăm: hai người thường dạo ngoài phố. Có lần hắn còn đưa tôi đến xem vở diễn trong nhà hát opera Berlin, nhưng nói chung ở đấy trò tiêu khiển với tôi chẳng lấy gì là nhiều. Cộng đồng Ucraina rất nghèo, và không có chuyện cho phép mình sự xa xỉ nào đó. Nếu người ta mời anh đến uống trà, thì theo lệ là đem đường đi. Những người Ucraina mà tôi tiếp xúc, ngây thơ cho rằng có thể giúp tài chính cho OUN nhờ thu nhập của nhà máy Gutalinov nào đó mà họ hàng của họ có ở Ba Lan. Họ đúng là khao khát cuộc chiến tranh của Đức với Ba Lan và Liên Xô như sự giải phóng khỏi ách “áp bức dân tộc”.

    Konovalets đã kết gắn với tôi đến nỗi thậm chí đề nghị để tôi tháp tùng trong chuyến đi sang Paris và Vienne. Hắn nhận tiền từ bọn Đức, và điều đó cho phép hắn đóng vai thủ lĩnh của một tổ chức hùng hậu.

    Tại Paris chúng tôi ở các khách sạn khác nhau. Vào thời gian chúng tôi đến, trong thành phố đang diễn ra cuộc đình công, và tất cả các hiệu ăn bị đóng cửa, nên Konovalets đưa tôi đi ăn trưa ở... Versailles, cả metro cũng không hoạt động, và chúng tôi buộc phải bắt taxi, tiện thể nói thêm, khá đắt đỏ. Tôi có ấn tượng mạnh về Paris và đến tận giờ vẫn tôn sùng nó.

    Trung tâm đã được thông báo về việc tôi và Konovalets định lưu lại Paris ba tuần, và quyết định lợi dụng khả năng này, để tổ chức cho tôi gặp gỡ người đưa tin của tôi. Theo chỉ dẫn từ Moskva tôi cần đến cuộc hẹn này ở Paris và sau đó ở Vienne. Để làm điều đó tôi phải mỗi tuần hai lần xuất hiện ở góc Place De Clichi và đại lộ de Clichi vào khoảng năm và sáu giò chiểu. người đưa tin phải là người tôi biết rõ, nhưng người ta không hé tên với tôi - “nguyên tắc bảo mật” là thế, người đó có thể là bất cứ ai. Ngay trong lần xuất hiện đầu tiên tại chỗ quy ước tôi thấy... vợ mình, mặc mốt mới nhất: cô ngồi bên bàn cà phê trên phố và chậm rãi nhấp cà phê đen. Vào giây phút đó lòng tôi trào lên những tình cảm lạ lùng nhất. Bằng nỗ lực ý chí tôi mới bắt được bản thân kiểm tra có sự theo dõi nào sau tôi không, và chỉ sau việc đó mới tiến lại gần Emma. Tôi lập tức thấy rõ ngay: chỗ hẹn được chọn cực kỳ không đạt, bởi đám đông qua lại xung quanh không cho khả năng kiểm tra đăng sau mình có “đuôi” hay không.

    Kinh nghiệm làm việc của tôi ở Kharkov chống điệp viên Ba Lan đã dạy tôi rằng hầu như trong mọi vụ đổ vỡ, sự lựa chọn điểm hẹn là một yếu tố quan trọng. Kìm giữ mình, bằng thứ tiếng Đức tồi tôi xin phép được ngồi xuống bên bàn. cả hai chúng tôi cực kỳ căng thẳng. Khi tôi ngồi cạnh Emma, cô hỏi mọi việc chỗ tôi có ổn không.

    - Anh có giảm cân, nhưng theo em, trông có vẻ tuyệt đấy, - cô nói thêm với nụ cười. - Bộ râu cạo lần này cũng rất tuyệt.

    Nhận xét này của cô rõ ràng nhắc lại rằng ở nhà, ở Nga, tôi thường cạo râu cách ngày.

    Ngồi một chốc bên bàn, chúng tôi kín đáo rời đi: tiệm cà phê này quá lộ đốì với mắt người ngoài. Đi về hướng đại lộ, chúng tôi nhận thấy hai mật thám đi về phía chúng tôi. Theo bản năng, chúng tôi lập tức chuyển sang đường để tránh gặp mặt cảnh sát. Giờ đây, ngoái lại phía sau, tôi thấy điều đó thật là ngốc nghếch.

    Cái khách sạn rẻ tiền nơi Emma trọ (hoàn toàn phù hợp đối vói cô sinh viên đi nghỉ hè ở Paris) chỉ cách mấy dãy nhà với điểm hẹn. Dù tôi rất sung sướng được gặp vợ cách xa gần cả năm, tôi cảm thấy sợ khủng khiếp gây cho cô dù là một chút mạo hiểm nhỏ nhất vì buổi gặp gỡ vói tôi. Chúng tôi ôm nhau, và tôi nói ngay để cô chuyển cho Trung tâm đòi hỏi của tôi: trong bất cứ hoàn cảnh nào Emma cũng không phải là người liên lạc của tôi. Tôi không phải là người định cư ở phương Tây, vậy nên tôi có thể khẳng định hoàn toàn tin chắc: tất cả mọi tiếp xúc của tôi được nghiên cứu và phân tích tỉ mỉ nhất bởi tình báo của bọn dân tộc chủ nghĩa Ucraina cũng như bọn Đức. Mà nếu phản gián của Đức hay thậm chí của Pháp có cơ sở cho rằng Emma có quan hệ với tôi, thì chắc chắn chúng sẽ bắt và hỏi cung cô. Chính vì thế tôi bảo cô nhanh chóng quay về Thuỵ Sĩ, rồi từ đó - về nhà. Tôi phải xử sự như thế để thoát khỏi mối lo toan về số phận của cô và cảm thấy bản thân được an toàn. Emma ngay đó cam đoan với tôi là cô sẽ đi Bern không chạm trễ. Tôi thông tin với cô về tình hình công việc trong các giới Ucraina lưu vong và về sự giúp đỡ đáng kể mà chúng nhận được từ nước Đức. Cô đặc biệt quan tâm đến sự chia rẽ trong nội bộ tổ chức Ucraina: tôi kể với Emma về chuyến đi với Konovalets đến Vienne và đề nghị cô không xuất hiện ở đấy với tư cách người đưa tin cạnh lâu đài Senbrunn - địa điểm ấn định cuộc gặp.

    Trong thời gian chúng tôi ở Paris, Konovalets mời tôi cùng hắn đi thăm mộ Petlura chết sau thảm bại bởi các đơn vị Hồng quân chạy sang thủ đô nước Pháp và bị giết chết năm 1926. Konovalets sùng bái con người ấy, gọi y là “ngọn cờ” và “lãnh tụ yêu dấu nhất của chúng ta”. Hắn nói rằng ký ức về Petlura phải được lưu giữ. Tôi thấy dễ chịu vì Konovalets đã đưa tôi đi theo, nhưng một ý nghĩ không cho tôi yên: lúc thăm mộ có lệ đặt hoa. Trong khi đó túi tôi rỗng, mà tôi thì không thể nhắc những thứ vặt vãnh ấy với Konovalets. Điều đó hẳn đơn giản là bất nhã đối với một người có địa vị quá cao như thế, dù, về thực chất, trong trường hợp này hắn phải lo hoa chứ không phải tôi. Làm gì đây? Suốt đường đến nghĩa địa ý nghĩa này cứ dày vò tôi.

    Chúng tôi đi qua nghĩa địa và dừng lại trước tấm bia khiêm tốn trên mộ Petlura. Konovalets làm dấu - tôi bắt chước hắn. Chúng tôi đứng im lặng một chốc, sau đó tôi rút khăn mùi soa trong túi ra và gói một nhúm đất từ ngôi mộ.

    - Cậu làm gì vậy?! - Konovalets kêu lên.

    - Tôi sẽ đưa đất này về Ucraina, - tôi đáp, - để tưởng nhớ ông, chúng ta sẽ trồng một cái cây và chăm sóc nó.

    Konovalets thật hoan hỉ. Hắn ôm tôi, hôn và nồng nhiệt khen là ý tưởng tuyệt vời. Kết quả, tình bạn của chúng tôi và sự tin cậy của hắn đối với tôi càng củng cố thêm.

    Konovalets kể với tôi rằng một trong số trợ lý của hắn, Gribivxky, bị nghi cộng tác với phản gián Tiệp, và đề nghị tôi gặp y và thử thăm dò hắn ta. Sau vụ bọn dân tộc chủ nghĩa Ucraina giết tướng Peratsky ở Varsava, người Tiệp đã nhanh chóng, trong vòng một ngày, tóm gọn tất cả các địa điểm mật của tổ chức Ucraina tại Praha và lấy đi nhiều hồ sơ do Gribivxky phụ trách. Tôi đã biết chuyện này. Bạn thân và đồng nghiệp của tôi Kaminxky trước tôi hai năm là cán bộ mật ỏ Đức, đã cố chiêu mộ Gribivxky, kiểu như nhân danh cảnh sát Tiệp, cho công việc cung cấp tin, dù thực tế là làm việc cho chúng tôi. Gribivxky, về phía mình, dự định bắt Kaminxky trong một cuộc hẹn, nhưng anh này, khi thấy sự theo dõi, để tránh bẫy, đã kịp nhảy lên chiếc tàu điện đang đi qua. Konovalets nghi ngờ hoàn toàn đúng, Kaminxky nói chung không phải là điệp viên Tiệp mà là điệp viên Xô viết, và tôi khi biết điều đó, đã kiên quyết phản đối cuộc gặp gỡ của tôi với Gribivxky, tuyên bố rằng có thể y bị người bolsevich kiểm soát (nói gì thì nói, y có thể cố tình làm ra vẻ là không tóm nổi Kaminxky), mà vì thế, tiếp xúc với y có thể làm lộ tôi và dẫn đến nhiệm vụ của tôi ở đây thất bại.

    Sau khi đến Vienne tôi tới điểm hẹn quy ước từ trước nơi tôi gặp người phụ trách và thầy của tôi trong công tác ở Moskva là Zubov. Đó là nhà tình báo kinh nghiệm, và tôi luôn luôn cố nhận được nhiều tri thức nhất từ ông. Tôi thông tin tỉ mỉ với ông về hoạt động của Konovalets và báo rằng ngày mai chúng tôi dự định đi nghe opera. Zubov đã mua được vé cho đúng buổi diễn ấy - ông ngồi ngay sau chúng tôi và có thể nghe thấy tất cả những gì Konovalets nói với tôi. Ra khỏi nhà hát, tôi cố ý va vào Zubov trong đám khán giả và thậm chí xin lỗi vì đã xô phải ông. Thực chất, đó chỉ là một trò trẻ con ngốc nghếch.

    Từ Vienne tôi trở lại Berlin nơi suốt mấy tháng diễn ra những cuộc đàm phán vô bổ về sự triển khai có thể lực lượng bí mật tại Ucraina trong trường hợp bắt đầu chiến tranh. Vào giai đoạn ấy hai lần tôi đi từ Berlin sang Paris, gặp gỡ các thủ lĩnh chính phủ Ucraina lưu vong.

    Konovalets phòng ngừa tôi trong thái độ đối vớii những người này: theo lời hắn, không nên nghiêm túc tiếp nhận họ, bởi trong cuộc sống hiện thực không phải những vị mài mòn quần trong các hiệu cà phê Paris này, mà là tổ chức quân sự của hắn mới quyết định tất cả.

    Vừa lúc “chú” Lebed của tôi, lợi dụng các mối quan hệ, thông qua Phần Lan đã gửi chỉ thị cho tôi phải quay về Ucraina. Điều đó hẳn sẽ cho tôi khả năng giữ liên lạc giữa tổ chức bí mật OUN tại Ucraina và các tổ chức dân tộc chủ nghĩa ở ngoại quốc. Konovalets thích ý tưởng này, và hắn đồng ý với việc tôi trở về Liên Xô.

    Với giấy tờ giả, có Xusco, phó của Konovalets, tháp tùng (Konovalets muốn tin chắc tôi vượt qua biên giới tốt đẹp), qua Phần Lan tôi đến biên giới Liên Xô - Phần Lan. Xusco dẫn tôi đến nơi có vẻ là có thể an toàn vượt biên giới đi qua đây trên đầm lầy. Mặc dù thế, khi tôi vừa đến gần biên giới, tôi bị đội tuần tra biên phòng Phần Lan tóm gọn. Tôi bị bắt và tống giam vào nhà tù ở Helsinki, ở đấy người ta hỏi cung tôi suốt một tháng. Tôi giải thích với họ rằng tôi là người phái dân tộc chủ nghĩa Ucraina và khao khát trở về Liên Xô thi hành mệnh lệnh của tổ chức (ở Phần Lan và Thuỵ Điển các hồ sơ lưu trữ của cảnh sát và phản gián được công khai trước năm 1947. Tháng 6 - 1996 người ta trao cho tôi bản sao các biên bản hỏi cung và lời giải thích của tôi trong nhà tù Phần Lan).

    Cả tháng này không khí tại Trung tâm khá căng thẳng, bởi Zoia Rưbkina đã báo từ Helsinki việc trở về của tôi. Để biết chuyện gì xảy ra với tôi, Zubov và Spigelglaz đã lên biên giới. Tất cả cho rằng chắc chắn nhất là tôi đã bị Xusco thủ tiêu.

    Sau ba tuần, cảnh sát Phần Lan và các sĩ quan Abwehr chuyển tới đại diện chính thức Ucraina Poluvedko bản thăm dò về một người Ucraina tìm cách sang Liên Xô. Giữa Abwehr và tình báo Phần Lan có sự thoả thuận về việc kiểm soát biên giới Xô viết - bất cứ kẻ vượt biên nào cũng đều bị họ kiểm tra. Rốt cuộc họ cũng chuyển tôi cho Poluvedko, người đã tiễn tôi đến Tallin, ở đấy người ta trao cho tôi một hộ chiếu Litva giả nữa, còn tại lãnh sự Xô viết người tra cấp một viza du lịch ngắn hạn để tới Leningrad. Lần này đi qua biên giới không có vấn đề gì cả: lính biên phòng đóng dấu vào hộ chiếu, sau đó tôi đã chuồn thoát khỏi hướng dẫn viên đang chờ ở Leningrad. Tôi tin rằng điều đó hẳn gây nên sự nhốn nháo trong phòng du lịch và chắc chắn cảnh sát đã bị dựng dậy để tìm kiếm anh chàng người Litva mất tích trong thành phố.

    Chuyến công cán thành công sang Tây Âu đã thay đổi địa vị của tôi trong ngành tình báo. Kết quả công việc được báo cáo lên Stalin và Koxior, bí thư Ban chấp hành TW ĐCS Ucraina, cũng như lên Petrovxky, chủ tịch Xô viết Tối cao nước cộng hoà. Trong văn phòng Xlutsky nơi tôi báo cáo chi tiết về chuyến đi của mình, tôi được giới thiệu với hai người: một trong hai là Xerebrianxky, chỉ huy Nhóm đặc biệt thuộc Hội đồng dân uỷ nội vụ (*) - một Trung tâm tình báo ngoài nước độc lập của cơ quan an ninh hồi ấy tôi chưa biết, - và người nữa, theo tôi, Vaxiliev, cán bộ ban thư ký của Stalin, cả hai trước đây tôi chưa từng biết.

    Sau đó tôi được tặng Huân chương Cờ đỏ do M.I. Kalinin, người đứng đầu Nhà nước trao cho. Trong điện Kremli cùng với tôi, cũng nhận huân chương Cờ đỏ là điệp viên vĩ đại của tình báo Xô viết Zarubin vừa trở về từ Tây Âu, gần như cùng một thời gian như tôi. Đó là lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau. Sau đó chúng tôi đã thân nhau, và tình bạn này bền vững suốt cuộc đời, dù ông lớn tuổi hơn tôi khá nhiều.

    Cả năm 1937 và một phần năm 1938 nhiều lần tôi sang phương Tây với tư cách người đưa tin. Vỏ bọc của tôi là điện báo viên trên con tàu thuỷ vận tải. Gặp gỡ Konovalets, tôi kinh hoàng nghe thấy rằng OUN đã chuyển cho người Đức thông tin xuyên tạc về việc một loạt các chỉ huy Hồng quân trong số người Ucraina - Fedko, Dubovoi và v.v… (sau đó tất cả họ bị Stalin thủ tiêu) - Người của Konovalets bịa ra những chuyện tương tự để gây ấn tượng với người Đức và để nhận được từ họ nhiều tiền nhất. Sau đó tôi đọc trên báo chí Ucraina lưu vong, rằng những nhà chỉ huy Hồng quân như Dubovoi, Fedko và những người khác, hình như chia sẻ tính trung lập của mình giữa chính quyền Xô viết và phái dân tộc chủ nghĩa Ucraina. Konovalets quyết định báo cho tôi bởi nhẽ hắn biết rằng, là một nhà tổ chức phong trào bí mật Ucraina, tôi có thể sẽ biết được sự thật.

    Năm 1937 khi tôi báo điều này với Spigelglaz, ông đã nêu giả định, rằng các tiếp xúc của Dubovoi và những vị chỉ huy khác vói bọn dân tộc chủ nghĩa Ucraina và bọn Đức không phải là không có khả năng. Tôi nghĩ rằng Spigelglaz đơn giản muốn che chở tôi phòng trường hợp tôi chuyển cái thông tin khó chịu này đến giới lãnh đạo chúng ta - vì số phận của các nhà chỉ huy này đã được định đoạt trước.

    Tháng 11 năm 1937, sau kỷ niệm 20 năm cách mạng tháng Mười, tôi được gọi cùng Xlutsky đến gặp Ejov bộ trưởng Bộ Nội vụ. Tôi gặp ông ta lần đầu tiên, và cái vẻ ngoài tầm thường của ông ta đúng là làm tôi kinh ngạc. Những câu hỏi ông ta đặt ra có cảm giác là hết sức sơ đẳng đối với bất kỳ người tình báo nào và thiếu sức thuyết phục. Có cảm giác, ông ta không biết những điều cơ bản nhất của công việc với các nguồn thông tin. Hơn nữa, giống như là những bất hoà bên trong tổ chức bọn lưu vong Ucraina nói chung không làm ông ta quan tâm. Mặc dù thế Ejov là Bộ trưởng Bộ Nội vụ và bí thư BCHTƯ Đảng. Tôi thành thực cho rằng đơn giản tôi không đủ khả năng đánh giá những phẩm chất trí lực đã cho phép con người đó giữ một địa vị cao nhường ấy. Dù đến thời gian ấy tôi đã là một người khá có kinh nghiệm trong cơ quan tình báo, nhưng trong việc liên quan đến danh giá của giới lãnh đạo cao cấp tôi vẫn còn ngây thơ: những nhà lãnh đạo mà tôi đã tiếp xúc từ trước đến giờ như Koxior và Petrovxky đứng đầu ĐCS Ucraina, là những người trí lực cao với nhãn quan rộng.


    [...]

    ______

    [4] Tổ chức vũ trang của phái dân tộc chủ nghĩa Ucraina.

    [5] Cơ quan tình báo quân đội Đức quốc xã.

    [6] Tổng cục phản gián quân sự Xô viết những năm 1943-1946.

    [*] Sau đây chúng tôi viết tắt là NKVD - (ND).
     
    Chỉnh sửa cuối: 19/10/15
    Rafa thích bài này.
  5. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    3. Thủ tiêu Konovalets đầu lĩnh OUN phát xít

    Nghe xong báo cáo liên quan tới những cuộc gặp gỡ sắp tới của tôi với bọn dân tộc chủ nghĩa Ucraina, Ejov bất chợt đề nghị tôi tháp tùng ông ta đến BCHTƯ. Tôi đơn giản là bị choáng khi chiếc xe của chúng tôi đi vào Kremli. Sự kinh ngạc của tôi càng tăng thêm sau khi Ejov giải thích rằng đích thân đồng chí Stalin sẽ tiếp chúng tôi. Đó là buổi gặp gỡ đầu tiên của tôi với lãnh tụ. Tôi đã ba mươi, thế nhưng vẫn chưa học được cách kìm chế cảm xúc của mình. Tôi vui sướng phát điên và khó lắm mới tin nổi rằng nhà lãnh đạo đất nước muốn gặp gỡ một cán bộ tác chiến tầm thường. Sau khi Stalin bắt tay tôi, tôi không sao tập trung nổi để trả lời một cách khúc chiết những câu hỏi của ông. Mỉm cười, Stalin nhận xét:

    - Đừng hồi hộp, anh bạn trẻ ạ. Hãy báo cáo những sự kiện cơ bản. Chúng ta chỉ có hai mươi phút thôi.

    - Thưa đồng chí Stalin, - tôi đáp, - đối với một đảng viên bình thường, cuộc gặp gỡ với Người là một sự kiện vĩ đại nhất trong đời. Tôi hiểu rằng được gọi đến đây vì công việc. Sau một phút tôi sẽ trấn tĩnh lại và có thể báo cáo những sự kiện cơ bản với Người và đồng chí Ejov.

    Stalin gật đầu, hỏi tôi về quan hệ giữa các nhân vật chính trị trong phong trào Ucraina lưu vong. Tôi miêu tả một cách ngắn gọn những cuộc tranh cãi vô bổ giữa các chính khách dân tộc chủ nghĩa Ucraina về vấn đề ai trong số chúng sẽ có vai trò trong chính phủ tương lai. Thế nhưng, hiểm hoạ là Konovalets, bởi hắn tích cực chuẩn bị tham gia cùng với bọn Đức vào cuộc chiến tranh chống lại chúng ta. Điểm yếu của hắn là áp lực thường xuyên từ phía chính quyền Ba Lan vốn muốn hướng phong trào dân tộc chủ nghĩa Ucraina ở Galitsưn chống cộng hoà Xô viết Ucraina.

    - Ý kiến của các vị thế nào? - Stalin hỏi. Ejov giữ im lặng. Tôi cũng thế. Sau đó thu hết can đảm, tôi nói rằng lúc này chưa sẵn sàng để trả lời.

    - Vậy thì sau một tuần, - Stalin nhận xét, - hãy trình các đề nghị của mình.

    Cuộc tiếp kiến kết thúc. Ông bắt tay chúng tôi, và chúng tôi bước ra khỏi phòng làm việc.

    Quay về Lubianka, Ejov lập tức chỉ thị cho tôi cấp tốc bắt tay vào công việc cùng với Spigelglaz soạn thảo các đề xuất. Ngày hôm sau Xlutsky, là phụ trách Cục đối ngoại, đã gửi bản dự thảo cho Ejov. Đó là kế hoạch tích cực cấy người vào OUN, trước hết, trên lãnh thổ Đức. Để làm việc đó, cần phái ba cán bộ NKVD Ucraina với tư cách học viên vào trường đảng Quốc xã. Chúng tôi có cảm giác là nhất thiết cùng với họ phải cử đi một kẻ theo phái dân tộc chủ nghĩa Ucraina đích thực, đồng thời không sáng dạ lắm để bảo hiểm. Ejov không hỏi một câu nào và chỉ nói đồng chí Stalin cho chỉ thị bàn bạc với Korxior và Petrovxky, họ có thể có những suy xét riêng.

    Tôi cần lập tức đi Kiev, bàn bạc với họ và ngày hôm sau quay về Moskva.

    Cuộc trò chuyện của chúng tôi diễn ra trong văn phòng của Korxior nơi Petrovxky cũng có mặt. Cả hai người đều thể hiện mối quan tâm với trò chơi hai mang do chúng tôi đề xuất. Thế nhưng họ quan tâm nhất là tuyên bố độc lập có thể xảy ra của cộng hoà Ucraina vùng Karpat độc lập. Đúng một tuần sau khi tôi quay về Moskva, lúc 11 giờ đêm, Ejov lại dẫn tôi vào văn phòng gặp Stalin. Lần này ở đấy có Petrovxky, điều không làm tôi kinh ngạc. Chỉ mất có năm phút tôi trình bày kế hoạch các hoạt động tác chiến chống OUN, nhấn mạnh rằng mục tiêu chủ yếu - lọt vào Abwehr thông qua các kênh Ucraina, bởi Abwehr là đối thủ chính của chúng ta trong cuộc chiến sắp tới.

    Stalin đề nghị Petrovxky phát biểu. Ông này tuyên bố long trọng rằng tại Ucraina, Konovalets đã bị tuyên án tử hình vắng mặt vì những tội ác nghiêm trọng chống lại giai cấp vô sản Ucraina: hắn ra lệnh và tự mình điều khiển việc hành hình các công nhân của “Arsenal” Kiev vào tháng 1 năm 1918.

    Cắt ngang ông, Stalin nói:

    - Đó không phải là một hành động trả thù, cho dù Konovalets là gián điệp của phát xít Đức. Mục đích của chúng ta - chặt đầu phong trào phát xít Ucraina ngay trước cuộc chiến tranh và buộc những tên cướp này tiêu diệt lẫn nhau trong cuộc đấu tranh giành quyền lực. - Ngay đó ông quay về phía tôi với câu hỏi: - Thế còn sở thích, điểm yếu, sự gắn bó của Konovalets là thế nào? Hãy cố lợi dụng chúng.

    - Konovalets rất thích kẹo sôcôla, - tôi đáp, nói thêm rằng dù tôi với hắn có đi đâu chăng nữa, trước hết là hắn mua một hộp kẹo rất sang.

    - Hãy suy nghĩ kỹ về điều đó, - Stalin đề nghị. Trong suốt thời gian nói chuyện Ejov không thốt lên một lời. Chia tay, Stalin hỏi tôi, tôi có hiểu đúng hay không ý nghĩa chính trị nhiệm vụ chiến đấu đuợc giao cho tôi.

    - Vâng, - tôi đáp và hứa với ông rằng sẽ hy sinh cuộc đời nếu cần để hoàn thành nhiệm vụ của đảng.

    - Chúc thành công, - Stalin nói khi xiết chặt tay tôi.

    Tôi được lệnh thủ tiêu Konovalets. Sau buổi gặp gỡ của tôi với Stalin, Xlutsky và Spigelglaz đã soạn thảo mấy phương án của chiến dịch.

    Phương án thứ nhất dự trù rằng tôi sẽ bắn áp sát Konovalets. Thực ra, tay trợ lý Baranovxky biệt danh “Ngài kỹ sư” luôn luôn tháp tùng hắn. Tìm ra thời điểm khi tôi ở lại một mình với Konovalets, gần như là không thể.

    Phương án thứ hai là làm sao để chuyển cho hắn “món quà giá trị” được lắp kíp nổ. Phương án này có vẻ đáng chấp nhận hơn: nếu cơ chế định giờ hoạt động tôt, tôi sẽ kịp rút lui.

    Cán bộ phòng kỹ thuật tác chiến Timaskov nhận nhiệm vụ chế tạo thiết bị nổ bề ngoài trông giống một hộp kẹo sôcôla được trang trí phong cách Ucraina truyền thông. Toàn bộ vấn đề nằm ở chỗ là tôi cần phải kín đáo ấn vào công tắc để khởi động cơ chế đồng hồ. Tôi không thích phương án này lắm, bởi cái hộp loè loẹt này chắc sẽ cuốn hút sự chú ý của Konovalets ngay. Ngoài ra, hắn có thể trao hộp này cho Baranovxky luôn luôn tháp tùng hắn.

    Sử dụng vỏ bọc của mình - tôi được biên chế là điện báo viên trên tàu hàng “Silca”, - tôi đã gặp gỡ với Konovalets ở Antwerp, Rotterdam và Havre những nơi hắn vẫn đến theo hộ chiếu Litva giả mang tên Novae. Vào những năm 30 chính quyền Litva thường xuyên cung cấp cho các thành viên OUN hộ chiếu nước ngoài giả.

    Trò chơi tiếp diễn hơn hai năm đã sắp sửa kết thúc. Đang là mùa xuân năm 1938, và chiến tranh có vẻ là không thể tránh khỏi. Chúng tôi biết: trong thời gian chiến tranh, Konovalets sẽ lãnh đạo OUN và ở về phía bọn Đức.

    Trên đường đi gặp Konovalets, tôi kiểm tra công việc của mạng lưới các điệp viên ngầm của chúng tôi ở Hà Lan mà trong nhiệm vụ của họ có việc chuẩn bị phá hoại trên các tàu biển của Đức và Nhật neo đậu tại châu Âu, chuyển vũ khí và nhiên liệu cho chính thể Franko ở Tây Ban Nha. Phụ trách mạng lưới này là Ernst Vollveber mà tôi được rõ hồi ấy dưới mật danh “Anton”. Dưới sự chỉ huy của ông, một phần, có nhóm người Ba Lan có kinh nghiệm làm việc vói kíp nổ tại các mỏ. Những người này trước đây di tản sang Pháp và Bỉ do thất nghiệp ỏ Ba Lan, nơi chúng tôi lôi kéo họ cộng tác để tham gia các vụ phá hoại trong trường hợp chiến tranh. Tôi được lệnh kiểm tra những thợ nổ mìn người Ba Lan. Vollveber hầu như không nói tiếng Ba Lan, thế nhưng phương ngữ miền Tây Ucraina của tôi là hoàn toàn đủ để giao tiếp với những người của mình. Tôi đã gặp một nhóm gồm 5 điệp viên Ba Lan tại cảng Bergen của Na Uy. Tôi nghe báo cáo về chiến dịch trên tàu chở hàng “Xtefan Batory” của Ba Lan xuất phát sang Tây Ban Nha với lô hàng vật liệu chiến lược cho Franko. Nó đã không đến được đích do bị chìm ở Biển Bắc sau đám cháy trong khoang tàu vì quả bom do người của chúng tôi gài đã phát nổ.

    Vollveber gây cho tôi một ấn tượng mạnh. Một đảng viên cộng sản Đức, ở nước Đức ông phục vụ trên hạm tàu, lãnh đạo cuộc binh biến của thuỷ thủ chống thủ tướng năm 1918. Toà án binh khép tội chết, nhưng ông kịp trốn được, ban đầu sang Hà Lan còn sau đó sang Bắc Âu. Sau đó ông bị chính quyền Thuỵ Điển bắt, và Gestapo lập tức đòi trao trả ông. Thế nhưng ông nhận được quốc tịch Liên Xô, vậy nên đã không diễn ra việc trục xuất ông từ Thuỵ Điển sang Na Uy bị Đức chiếm đóng. Sau Hiệp ước Molotov - Ribbentrop năm 1939, ông sang Moskva và nhận lệnh tiếp tục chuẩn bị các vụ phá hoại trong cuộc chiến không thể tránh khỏi với Hitler. Tổ chức của Vollveber có vai trò quan trọng trong cuộc kháng chiến của Na Uy. Vollveber và những người của ông quay về Moskva những năm 1941 - 1944, đã giúp chúng tôi trong việc chiêu mộ các tù binh Đức cho các chiến dịch tình báo của chúng tôi.

    Sau khi kết thúc chiến tranh Vollveber một thời gian đứng đầu Bộ An ninh Quốc gia Cộng hoà Dân chủ Đức. Năm 1958 do mâu thuẫn giữa ông và Khrusev, Ulbrikht đã gạt Vollveber khỏi chức vụ đang nắm giữ. Chuyện như thế này. Vollveber kể với Xerov, chủ tịch KGB lúc ấy, về các bất đồng ý kiến trong ban lãnh đạo Cộng hoà Dân chủ Đức, cho rằng đó là thái độ thân phương Tây đối lập với đưòng lối của phong trào cộng sản quốc tế. Xerov báo với Khrusev về cuộc nói chuyện đó. Còn ông này trong bữa ăn trưa kèm uống rượu tràn lan, đã nói với Ulbrikht:

    - Tại sao anh lại có một bộ trưởng an ninh quốc gia đi nói về bất đồng quan điểm trong nội bộ đảng? Đó chính là sự tiếp diễn truyền thống của Beria và Merkulov mà Vollveber đã gặp gỡ trong những năm 40 khi thường sang Moskva.

    Ulbrikht hiểu cần phải làm gì, và không chậm trễ sa thải Vollveber vì “hành vi chống đảng”, ông mất khi vẫn bị thất sủng, vào những năm 60.

    Cuối cùng thiết bị nổ dưới dạng hộp kẹo được chế tạo xong, trong đó cơ chế hẹn giờ không cần khởi động bằng một công tắc đặc biệt. Vụ nổ sẽ diễn ra đúng nửa giờ sau khi thay đổi vị trí hộp từ thẳng đứng sang nằm ngang. Tôi cần giữ hộp ở trạng thái thứ nhất trong túi áo vét rộng của mình. Được dự trù là tôi sẽ chuyển “món quà” này cho Konovalets và rời khỏi địa điểm trước khi quả mìn bắt đầu hoạt động.

    Spigelglaz đi cùng tôi vào văn phòng của Ejov, người muốn tiếp riêng tôi trước chuyến đi. Khi chúng tôi rời khỏi, Spigelglaz nói:

    - Trong trường hợp chiến dịch thất bại hoặc có nguy cơ bị bắt, cậu cần hành động như một người đàn ông chân chính, để trong bất cứ trường hợp nào cũng không rơi vào tay cảnh sát.

    Thực tế đó là mệnh lệnh phải chết. Có ý là tôi phải sử dụng đến khẩu súng lục “Valter” mà ông đưa cho tôi.

    Spigelglaz ở chỗ tôi hơn tám giờ bàn các phương án. Ông cấp cho tôi vé tàu hoả theo mùa có hiệu lực hai tháng trên toàn bộ lãnh thổ Tây Âu, và cũng trao cho tôi hộ chiếu Tiệp Khắc giả và ba nghìn đôla mà thời ấy là một món tiền lớn. Theo lời khuyên của ông, tôi nhất thiết phải thay đổi bề ngoài của mình sau “sự rút lui”: mua mũ phớt, áo choàng trong một cửa hàng gần nhất.

    Trước hành trình từ Murmanxk tôi đọc trong “Sự thật”, rằng Xlutsky qua đời đột ngột vì một cơn đau tim.

    Cái chết của Xlutsky cho đến nay vẫn được tính vào số những bí mật chưa khám phá dưới thời Stalin và số phận các nhà lãnh đạo NKVD. Xlutsky bị bệnh tim nặng, có lúc ông nằm trên đivăng tiếp khách trong văn phòng mờ tối. Thiết nghĩ, ông đã bị liệt vào số người bị thủ tiêu trong tiến trình thanh trừng bởi Stalin với lãnh đạo Ủy ban an ninh quốc gia (**) đã làm việc cùng với Ejov. Như đã rõ, từ những cuộc hỏi cung Ejov, việc điều tra chỉ ra rằng Xlutsky bị hại bằng cách tiêm thuốc độc do người phụ trách phòng thí nghiệm chất độc của NKVD Alekhin thực hiện. Thế nhưng đối với tôi điều đó là ít có khả năng, cần gì diễn một tấn kịch với mũi tiêm cưỡng chế cho một bệnh nhân đau tim nặng ai cũng biết ngay tại văn phòng thứ trưởng Bộ Nội vụ Frinovxky, trước một số nhân chứng. Và, cuối cùng, điều chủ yếu, em trai Xlutsky, cán bộ phòng tác chiến Trại tập trung của NKVD (GULAG), cũng là bệnh nhân tim, đã chết năm 1946 do một cơn đau tim kịch phát trong lúc ăn trưa tại nhà ăn ngay trước mắt các đồng nghiệp. Vì thế tôi nghi ngờ các lời khai của Ejov, Frinovxky, Alekhin về hoàn cảnh cái chết của Xlutsky được họ đưa ra trong tiến trình điều tra có kèm tra tấn được gọi trong giấy tờ chính thức là “các biện pháp tác động thể lực” trong những năm 1938 -1940.

    Tôi kính trọng sâu sắc Xlutsky như một nhà lãnh đạo tình báo giàu kinh nghiệm, về mặt nhân cách đơn thuần, ông luôn luôn chú ý đến tôi và Emma. Con người này có nhiều công lao lớn. Chính ông vào thời của mình đã đánh cắp được ở Thuỵ Điển bí mật kỹ thuật sản xuất vòng bi cầu. Đổì với nền công nghiệp chúng ta điều đó có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Xlutsky được tặng thưởng Huân chương Cờ đỏ. Cùng với Nicolxky (sau đó đã nổi tiếng với tên là Orlov), trưởng ban tình báo kinh tế, năm 1930 hay 1931 họ đã gặp gỡ ông vua diêm Thuỵ Điển Ivar Kriuger. Tống tiền ông ta bằng cách là dọa sẽ cho diêm rẻ tràn ngập thị trường phương Tây, họ đòi cho chính phủ Xô viết một khoản chuyển nhượng là ba trăm nghìn đôla Mỹ. Thủ đoạn thành công, và đã nhận được tiền.

    Tôi nghiên cứu một cách chăm chú nhất một lộ trình có thể tháo chạy tại các thành phố, nơi có thể diễn ra cuộc gặp gỡ giữa tôi và Konovalets. Đối với mỗi thành phố tôi có một kế hoạch chi tiết. Thế nhưng trước chuyến đi cuối cùng gặp Konovalets đã nảy ra những vấn đề bất ngờ. Đáp lại hồi chuông của tôi từ Na Uy hắn bỗng đề nghị để chúng tôi gặp nhau ở Kile (nước Đức) hoặc hay hơn là tôi bay đến gặp hắn ở Italia trên máy bay Đức mà hắn sẽ phái đến đón tôi. Tôi trả lời là tôi không chủ động thời gian: dù thuyền trưởng là thành viên tổ chức Ucraina, nhưng lần này tôi không thể rời tàu quá 5 giờ. Lúc đó chúng tôi thoả thuận là sẽ gặp nhau tại Rotterdam, ở hiệu ăn “Atlanta” nằm không xa bưu điện trung tâm, tất thẩy chỉ mất mười phút đi bộ từ nhà ga xe lửa. Trước khi lên bờ ở Rotterdam, tôi nói với thuyền trưởng, người đã nhận chỉ thị thực hiện tất cả mọi điều hành của tôi, rằng nếu tôi không quay về tàu lúc bốn giờ chiều, ông ta cần cho tàu rời đi không có tôi. Timaskov, người chế tạo thiết bị nổ, tháp tùng tôi trong chuyến đi nàv và lắp ngòi nổ mười phút trước khi tôi rời tàu. Còn ông ta thì ở lại trên tàu. (Sau này Timaskov trở thành trưởng phòng kỹ thuật tác chiến, chính ông đã thiết kế ra mìn từ trường. Wilhelm Kube thống đốc người Đức của Beloruxia chết bởi loại mìn đó năm 1943. Sau chiến tranh thế giới thứ hai ông là cố vấn của du kích quân Hi Lạp trong thời gian nội chiến.)

    Ngày 23-5-1938, sau cơn mưa thời tiết ấm áp và rực nắng. Mười hai giờ kém mười. Khi dạo trong ngõ gần hiệu ăn “Atlanta”, tôi nhìn thấy Konovalets ngồi bên bàn cạnh cửa sổ chờ tôi đến. Lần này hắn đi một mình. Tôi bước vào nhà hàng, ngồi xuống cạnh hắn, và sau cuộc nói chuyện ngắn chúng tôi hẹn lại gặp nhau ở trung tâm Rotterdam lúc 17 giờ. Tôi trao cho hắn món quà, hộp kẹo sôcôla, và nói rằng tôi cần quay về tàu. Rời đi, tôi đặt cái hộp trên bàn bên cạnh hắn. Chúng tôi bắt tay nhau, và tôi đi ra, cố kìm cái mong muốn bản năng là bỏ chạy ngay tức khắc.

    Tôi nhớ khi ra khỏi hiệu ăn, tôi ngoặt sang phải vào một hẻm phố mà dọc hai bên có vô số cửa hàng. Ngay trong cửa hàng đầu tiên bán quần áo nam, tôi đã mua một cái mũ phớt và chiếc áo khoác màu sáng. Ra khỏi cửa hàng, tôi nghe một âm thanh như tiếng nổ lốp xe. Mọi người quanh tôi chạy về phía hiệu ăn. Tôi vội vã ra ga, ngồi ngay lên chuyến tàu đầu tiên đi sang Paris nơi buổi sáng trong metro nhất thiết có người tôi quen biết phải đón tôi. Để đội phục vụ tàu không nhớ được tôi, tôi đã xuống một ga cách Rotterdam một giờ tàu chạy, ở nơi gần biên giói Bỉ, tôi gọi bữa trưa trong một hiệu ăn địa phương, nhưng không thể chạm đến thức ăn vì đầu đau khủng khiếp. Tôi vượt biên giới bằng taxi - lính biên phòng không để ý một chút nào đến hộ chiếu Tiệp của tôi. Cũng trên chiếc taxi đó tôi đi đến Brussels, nơi tôi phát hiện ra là đoàn tàu đi Paris vừa rời khỏi. Cũng may, chuyến tiếp theo xuất phát khá nhanh, và đến tối tôi đã ở Paris. Mọi sự qua đi không chút sơ sẩy. Tôi nhớ, ở Paris tại quầy đổi ngoại tệ trong khu vực ga, tôi đã bị đánh lừa khi đổi một trăm đôla. Tôi cho rằng tôi không nên dừng lại trong khách sạn để khỏi phải qua đăng ký: Con dấu Hà Lan trong hộ chiếu tôi được đóng khi qua biên giới, có thể làm cảnh sát để ý. Cơ quan phản gián chắc chắn sẽ kiểm tra tất cả những ai từ Hà Lan vào Pháp.

    Tôi qua buổi tối khi dạo trên các đại lộ quây quanh trung tâm Paris. Để giết thì giờ, tôi vào rạp chiếu phim. Sáng sớm, sau nhiều giờ đi bộ, tôi ghé vào hiệu cắt tóc cạo râu và gội đầu. Sau đó tôi vội vã đến điểm hẹn quy ước từ trước để có mặt tại bến metro lúc mười giò sáng. Khi tôi bước ra đưòng ke, thì lập tức trông thấy nhân viên tình báo của chúng tôi Agaiants, bí thư thứ ba của sứ quán Liên Xô ở Paris, ông ta đã bỏ đi, nhưng nhận ra tôi, lập tức quay lại và ra hiệu đi theo ông. Chúng tôi bắt taxi đến rừng Boulogne nơi chúng tôi ăn sáng và tôi trao cho ông ta khẩu súng ngắn của mình và một mẩu giấy nhỏ mà nội dung cần chuyển về Moskva bằng mật mã. Mẩu thư viết: “Quà đã tặng. Gói hàng hiện giờ tại Paris, còn lốp chiếc ôtô tôi đi du lịch đã nổ trong khi tôi đi dạo các cửa hàng”. Không có khái niệm gì về nhiệm vụ của tôi, Agaiants dẫn tôi đến địa chỉ mật ở rìa Paris nơi tôi ở lại suốt hai tuần.

    Trên báo không có lấy một dòng về sự cố ở Rotterdam. Thế nhưng các báo Nga lưu vong viết tràn về số phận tương lai của Ejov: theo ý họ, ông ta đã bị phán quyết như nạn nhân tiếp theo của chiến dịch thanh trừng. Đọc điều đó, tôi không thể không cười thầm: “Thực ngây ngô làm sao. Tất thẩy mới hai tháng trước đây con người này vừa chúc tôi thành công trong việc thi hành nhiệm vụ, và thêm nữa, tự tôi thấy đồng chí Stalin hoàn toàn tin cậy ông ta”.

    Từ Paris theo các giấy tờ Ba Lan giả tôi đi ô tô và tàu hoả sang Barcelona. Báo chí địa phương đưa tin về sự cố lạ lùng ỏ Rotterdam, nơi tên thủ lĩnh phái dân tộc chủ nghĩa Ucraina Konovalets đi du lịch với hộ chiếu giả, đã chết trong vụ nổ trên đường phố. Trong các bản tin của báo được nêu ba giả thuyết: ông ta bị giết, hoặc bởi những người bolsevich, hoặc tập đoàn Ucraina cạnh tranh, hoặc, cuối cùng, những người Ba Lan đã thủ tiêu ông ta - để trả thù cho cái chết của tướng Peratsky.

    Số phận cũng sắp đặt để Baranovxky, từ Đức đến Rotterdam gặp Konovalets một giờ sau vụ nổ, đã bị bắt bởi cảnh sát Hà Lan vốn nghi ngờ y trong vụ ám sát này, nhưng khi người ta đưa y đến quân y viện và chỉ thi thể người chết, y kêu lên: “Ôi lãnh tụ của tôi!” - điều đó, cùng với vé tàu hoả, là đủ để thuyết phục cảnh sát trong sự vô tội hoàn toàn của y.

    Ngày hôm sau vụ nổ, cảnh sát Hà Lan có Baranovxky đi kèm đã tiến hành kiểm tra nhân viên tất cả các tàu Xô viết đang đậu ở cảng Rotterdam. Chúng tìm kiếm người được chụp trên tấm ảnh mà chúng có trong tay. Đó chính là tấm ảnh tay thợ ảnh rong ở Berlin chụp. Baranovxky biết rõ rằng Konovalets định gặp người đưa tin - điện báo viên sẽ đến Tây Âu từ một con tàu Liên Xô. Thế nhưng y hoàn toàn không tin chắc rằng đó chính là tôi. Cảnh sát

    Hà Lan biết về cú điện thoại gọi Konovalets từ Na Uy và, lẽ tự nhiên, nghi ngờ rằng điệp viên đã gọi cho hắn. Thực ra, không ai biết chắc, ai là người Konovalets gặp vào cái ngày đen đủi đó. Khi xảy ra vụ nổ trên đường, không có ai bên cạnh hắn cả. Nhân thân của hắn vẫn không được cảnh sát Hà Lan làm sáng tỏ cho tới tận đêm khuya khi con tàu “Silca” của tôi từ lâu đã rời bến cảng Rotterdam. Cái chết của Konovalets gây nên sự chia rẽ trong OUN. Số phận những tên cầm đầu OUN làm việc thời Konovalets, thành ra bi kịch trong những năm 1939-1945. Trong tiến trình tranh giành quyền lực nội bộ OUN giữa Bandera được Đức giải thoát năm 1939, và Melnikov, kẻ thừa kế chính thức của Konovalets, những tay súng và chiến hữu lừng danh của Konovalets đã chết. Quân Bandera bắn chết Baranovxky, Xtsiborxky, Xusko ở Jưtomir và Lơvov vào những năm 1942-1943. Tay súng Lemec bị chúng tiêu diệt ở Poltava năm 1942.

    Ở Tây ban Nha tôi dừng lại ba tuần như một lính tình nguvện Ba Lan trong thành phần đơn vị du kích quốc tế thuộc quân đội cộng hoà do NKVD lãnh đạo.


    (Hết Chương I)​


    _____

    [**] Từ đây, chúng tôi sẽ dùng chữ viết tắt MGB - (ND).
     
    teacher.anh thích bài này.
  6. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    [...]

    CHƯƠNG 2
    Ở TÂY BAN NHA

    Trong thời gian đến Barcelona lần đầu tiên tôi gặp Ramon Marcader del Rio (Hernandez), một trung uý trẻ măng vừa mới trở về sau khi hoàn thành nhiệm vụ du kích trong hậu phương quân Franko. Một chàng trai quyến rũ - hồi ấy anh mới hai mươi tuổi. Anh trai của anh, theo người ta kể, đã hy sinh anh dũng trong chiến đấu: buộc lựu đạn quanh mình, anh lao vào chiếc xe tăng Đức đang vượt tới vị trí của những người cộng hoà. Bà mẹ Karinad của họ cũng có uy tín lớn trong đội du kích bí mật của những người cộng hoà khi thể hiện lòng dũng cảm diệu kỳ trong các cuộc tác chiến. Ngay lúc đó tôi đã không hề nghi ngờ rằng một tương lai như thế nào được chuẩn bị sẵn cho Mercader: đúng anh ta đã được lựa chọn để thủ tiêu Trotsky, thêm nữa, chiến dịch này lại do chính tôi phụ trách.

    Trong suốt những năm 1936 - 1939, thực chất ở Tây Ban Nha diễn ra không phải một mà là hai cuộc chiến tranh, cả hai đều là sinh tử. Trong một cuộc chiến bùng lên giữa các lực lượng dân tộc chủ nghĩa do Franko lãnh đạo, kẻ được Hitler trợ giúp, và lực lượng những người cộng hoà Tây Ban Nha được Liên Xô ủng hộ. Cuộc chiến thứ hai, hoàn toàn riêng biệt diễn ra trong nội bộ phái cộng hoà. Một phía, Stalin ở Liên Xô, còn phía khác - Trotsky, đang lưu vong: cả hai đều muốn xuất hiện trước thế giới với tư cách người cứu rỗi và bảo đảm sự nghiệp của phái cộng hoà và giành quyền lãnh đạo phong trào cách mạng chống phát xít của Tây Ban Nha.

    Chúng tôi cử sang Tây Ban Nha cả những chiến sĩ tác chiến trẻ, thiếu kinh nghiệm lẫn các nhà chuyên nghiệp. Đất nước này trở thành một loại khu vực để thử và nghiên cứu các chiến dịch tình báo và quân sự tương lai của chúng tôi. Nhiều bước tiếp theo của tình báo Liên Xô dựa trên các mối tiếp xúc được xác lập ở Tây Ban Nha và trên những kết luận mà chúng tôi rút ra được từ kinh nghiệm Tây Ban Nha của mình. Phải, những người cộng hoà ở Tây Ban Nha đã thất bại, nhưng những người làm việc cho Liên Xô, đã trở thành những đồng minh tin cậy của chúng tôi trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít. Khi cuộc nội chiến ở nước này kết thúc, đã trở nên rõ ràng: không còn chỗ cho Trotsky.

    1. N. Eitingon - nhà lãnh đạo tình báo bí mật Xô viết

    Chính ở Tây Ban Nha diễn ra cuộc gặp gỡ mới giữa tôi và Eitingon, một trong những nhà lãnh đạo sáng giá của tình báo Xô viết vào những năm 20 - 50. Tôi làm quen với ông 5 năm về trước, khi ông phụ trách Ban 1 (tình báo mật) của Cục đối ngoại. (Vào những năm 20 - 30 Eitingon lãnh đạo việc thành lập mạng điệp viên ở nước ngoài, không liên quan với các đại diện chính thức của các tổ chức Xô viết ở ngoài nước).

    Ở Tây Ban Nha, Eitingon, thiếu tá an ninh quốc gia (trước năm 1945 trong các tổ chức an ninh quốc gia Xô viết có hệ thống quân hàm khác biệt với Hồng quân)

    Quân hàm thiếu tá (một sao trên lon) gần như tương ứng với chức vụ chỉ huy trưởng binh đoàn. Nó thấp hơn hàm “‘chính uỷ an ninh quốc gia” mà sau này được đặt ngang với cấp bậc “thiếu tướng"), chịu trách nhiệm tiến hành các chiến dịch du kích trong hậu phương bọn Franko và cấy điệp viên vào đầu não của phong trào phát xít. Biệt danh của ông ở Tây Ban Nha là "Tướng Kotov”. còn ở Trung tâm ông có các tên là “Tom" và "Pier". Chính Eitingon, khi thi hành các chỉ dẫn của Trung tâm. đã tổ chức việc trở về Moskva của tôi năm 1938. Ông tiễn tôi đến Havre và xếp lên boong một tàu thuỷ Xô viết. Đến giờ tôi vẫn nhớ trông ông như thế nào: nhìn ông ta nghĩ rằng đó là một tay buôn hàng trong người Pháp bình thường - không cà vạt, cái mũ kếp cố định mà ông đội cả khi nóng bức.

    Naum Ixaakovich Eitingon sinh tháng 12- 1899 tại Beloruxia, ở thành phố Sklov không xa Gomel quê hương vợ tôi. Ở Lubianka và trong giới bạn bè mọi người gọi ông là Leonid Alexadrovich, bởi vì vào những năm 20 các cán bộ Treka người Do Thái lấy cho mình tên Nga để không gây chú ý của các chỉ điểm viên và người cung cấp tin từ giới quý tộc và cựu sĩ quan, cũng như của các đồng nghiệp mà họ cùng làm việc.

    Gia đình Eitingon thuộc tầng lớp nghèo nhất của xã hội, thế nhưng ở châu Âu và ở Mỹ, họ có những người họ hàng khá giàu có.

    Eitingon gia nhập hàng ngũ đảng Eser năm 1917. Một năm sau, ông tham gia Hồng quân và nhanh chóng được chuyển sang làm việc ở Treka. Năm 1919 ông được cử làm phó chủ tịch Treka tỉnh Gomel. Ông ly khai đảng Eser và nhập vào với những người bolsevich năm 1920. Đường công danh của Eitingon bắt đầu khi ông tham gia tích cực vào việc dẹp loạn các sĩ quan Bạch vệ ở Gomel vào thời gian chúng tạm thời chiếm được thành phố không lâu.

    Dzerjinxky nhận ra chàng Treka trẻ và cử ông lãnh đạo Treka tại Baskiria đế trấn áp bọn cướp. Ở đấy trong trận chiến với bọn kẻ cướp địa phương ông bị thương vào chân và sau này thường than vãn với tôi là đau chân. Năm 1921 ông được chuyển về Moskva vào Học viện quân sự, nơi ông đã học cùng với các nhà chỉ huy quân sự nổi tiếng tương lai. Tôi nhớ ông đã cho tôi xem tấm ảnh chụp ông với Truicov, sau này là nguyên soái, người bảo vệ Stalingrad.

    Khi tốt nghiệp Học viện quân sự Eitingon được phái đi công tác tại Cục đối ngoại của OGPU [2]. Họ hàng ông ở châu Âu từ chối thực hiện yêu cầu của ông gửi những giới thiệu, giấy tờ, tiền cần thiết cho chuyến đi sang Tây Âu. Mà đó có thể là cái ô công khai cho ông trong tác chiến. Kết quả là Eitingon được cử sang Trung Quốc với tư cách đại diện OGPU: thoạt đầu ở Thượng Hải tại đấy ông làm việc cùng với mạng lưới của Tổng cục tình báo của Hồng quân, đồng thời là một trong những điệp viện của Richard Sorger, sau đó ở Bắc Kinh và Kharbin.

    Eitingon đã tìm các giải phóng được một nhóm tù binh Xô viết bị bọn Quốc dân đảng Trung Hoa bắt ở Mãn Châu Lý. Ồng cũng tiến hành thành công như thế một chiến dịch khác, chặn được mưu toan của điệp viên Tưởng Giới Thạch chiếm lãnh sự quán Xô viết ở Thượng Hải. Sau vụ đó ông được gọi về Moskva.

    Một thời gian ngắn, năm 1930 Eitingon trở thành phó của Xerebriaxky, chỉ huy Nhóm đặc biệt trực thuộc chủ tịch OGPU. Trung tâm tình báo độc lập không phụ thuộc Cục đối ngoại này được thành lập bởi Menjinxky người kế tục Dzerjinxky năm 1926 như một cơ quan tình báo song song để cắm sâu hệ thống điệp viên vào các cơ sở có tính chất quân sự chiến lược và chuẩn bị các chiến dịch phá hoại ở Tây Âu và Nhật Bản trong trường hợp chiến tranh. Với mục đích này Eitingon từ Trung Quốc sang Mỹ (California) để tổ chức ở đấy mạng lưới điệp viên. Năm 1932 Eitingon được điều về Cục đối ngoại do Artuzov lãnh đạo, sau đó là Xlutsky, với tư cách là trưởng ban điều phối công việc các các cơ sở điệp viên mật. Đồng thời với việc đó ông chịu trách nhiệm cả việc chuẩn bị các hộ chiếu giả cho những chiến dịch bí mật ở nước ngoài.

    Khi lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau ở Moskva năm 1933, tôi là thanh tra mới trong phòng cán bộ. Thời ấy chúng tôi chưa thật gần gũi, bởi ông giữ một chức vụ cao hơn nhiều so với tôi. Trong ông tôi thấy một nhà lãnh đạo tình báo đầy kinh nghiệm được kính trọng vì những thành .tích trong công tác và nghiệp vụ, vì thế ông được giao làm việc với các điệp viên ngầm - điều thiêng liêng nhất trong sự nghiệp của chúng tôi. Vào những năm ấy công việc này được xem có ý nghĩa quan trọng nhất, bởi nhẽ hệ thống điệp viên dưới vỏ bọc ngoại giao của chúng ta tương đối ít. Chúng tôi cố để các điệp viên trong trường hợp bị lộ không thể dẫn các cơ quan đặc biệt phương Tây đến các cơ quan đại diện Xô viết ở quốc ngoại.

    Khuôn mặt đẹp của Eitingon và cặp mắt xám sống động của ông cứ toả tràn trí tuệ, ánh mắt xuyên thấu, tóc dày và đen như than, vết sẹo dưới cằm còn lại sau vụ va quệt ô tô (số đông mọi người tưởng nó là vết thương chiến đấu),tất cả điều đó tạo cho ông dáng vẻ của một người phong trần. Ông đúng là làm mê hoặc lòng người, trích dẫn thuộc lòng thơ Puskin, nhưng vũ khí chính của ông là châm biếm và hài hước. Ông uống ít - một ly cônhắc là đủ cho ông cả tối. Tôi lập tức chú ý tới điều là con người này không hề giống một tay bảo thủ cao cấp chán ngắt. Sự thờ ơ hoàn toàn đối với tiền bạc và tiện nghi trong sinh hoạt của Eitingon đơn giản thực là đáng kinh ngạc. Chưa bao giờ ông có tiền tiết kiệm, và thậm chí bài trí trong căn hộ cũng là của nhà nước.

    Tôi nhớ có lần đem đến cho ông hồ sơ cá nhân của một chiến sĩ Treka trẻ phục vụ gần biên giới Ba Lan, với đề nghị có thể chuyển anh ta sang làm việc với tư cách một cán bộ của ban do Eitingon lãnh đạo. Trong hồ sơ có thư của phó phụ trách GPU Ucraina, giới thiệu anh ta để phục vụ tại Ba Lan không xa với địa điểm anh ta đã sống và làm việc. Eitingon không muốn cử chàng trai này sang Ba Lan, cạnh biên giới, nơi người ta có thể nhận ra anh ta.

    Tôi cho rằng vấn đề này đã khép lại và ông không muốn để người ta làm ông phải lo lắng về việc sắp xếp cho người đó. Nhưng bất ngờ, tự Eitingon gọi điện thoại cho Minxker, phụ trách Ban Viễn Đông, và đề nghị ông ta nhận tay cán bộ này vào làm việc.

    [...]

    [1] GPU
    Tổng cục tình báo quốc gia.
    [2] OGPU
    Các cơ quan Tổng cục an ninh quốc gia.
     
    tducchau and Rafa like this.
  7. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    [...]

    2. Các hoạt động tình báo ở Tây Ban Nha những năm 1936 - 1939

    Tên tuổi Eitingon ở Tây Ban Nha gắn liền một loạt việc kín của các hành động đối ngoại quan trọng nhất của ban lãnh đạo Xô viết trong nội chiến. Ông đã lôi kéo được một trong những người sáng lập đảng Falange phát xít Ferdinando de Kuest cộng tác. Ông ta, thủ lĩnh duy nhất của bọn phát xít từ số những kẻ bị phái cộng hoà bắt làm tù binh, được giữ mạng sống. Thông qua điệp viên ngầm của ta “Iuzic” (Grigulievich) với sự giúp đỡ của de Kuest đã bảo đảm được kênh bí mật thương thuyết với Franko. Sau đó de Kuest được trao đổi để lấy những người phái cộng hoà quan trọng vào năm 1938. Tiếc rằng thông qua ông ta cuộc trung gian bí mật đã không thoả thuận được về thoả hiệp hoà bình cho cuộc nội chiến sau thất bại của quân đoàn thám sát Italia trong những trận đánh gần Gvadelakhara tháng 3 - 1937. Thế nhưng, theo những giới thiệu của Kuest, đã tiếp cận được một loạt quan chức cao cấp từ giới thân cận của Franko và ép họ cộng tác với tình báo Xô viết.

    Eitingon cũng tiến hành do thám sâu trong hậu phương các đơn vị phát xít trên chiến trường Aragon. Cú đánh bất thần của những người cộng hoà trong trận chiến trên sông Ebro năm 1938 dù là kìm giữ chân được các đơn vị của Franko, nhưng không thay đổi được sự phát triển bất lợi chung của tình hình quân sự. Những cuộc thương thuyết bí mật được tiến hành dưới sự giám sát của Eitingon với một trong số người sáng lập ĐCS Tây Ban Nha Jesus Hernández - bộ trưởng Tư pháp trong chính phủ Cộng hoà. Thời lưu vong ở Mexico ông có quan hệ gay gắt với Dolores Ibarruri và H. Dias ở Moskva. Các cố gắng của Eitingon bằng thư riêng với “Pedro” đã không thành công, ở Moskva Hernández bị tuyên bố là gián điệp và kẻ chia rẽ, “tay sai của Tito”.

    Buổi gặp gỡ tiếp theo của chúng tôi là ở Tây Ban Nha, nơi từ đó ông bí mật chuyển tôi sang Pháp năm 1938 sau việc thủ tiêu Konovalets. Người ta phái Eitingon sang Tây Ban Nha hai năm trước đó với tư cách phó đại diện chịu trách nhiệm các chiến dịch du kích, bao gồm cả phá hoại các đường sắt và sân bay. Sau khi Nicolxky, đại diện ở Tây Ban Nha (dưới tên Alexandr Orlov) biến mất vào tháng 6 - 1938, Eitingon trở thành trưởng nhóm tình báo. Tôi đánh giá cao nghệ thuật thích ứng với các điều kiện địa phương của ông.

    Năm 1939, Franko đã giành chiến thắng và Eitingon dời sang Pháp nơi mấy tháng sau ông tổ chức và hồi phục lại tất cả nhũng gì còn lại từ mạng lưới điệp viên của ông, và giữ mối liên hệ với Berges - một trong số thành viên nhóm Cambrige có mật danh “Cô gái”. Sau đó Berges được chuyển nối liên lạc cho Gorxky - trưởng nhóm NKVD ở Anh. Áng chừng cũng thời gian đó Eitingon lôi kéo được người cháu của thủ lĩnh đảng phát xít Tây Ban Nha Primo de Riverk, bạn của Hitler. Đến 1942 ông ta là nguồn thông tin quan trọng về các kế hoạch của Franko và Hitler. Năm 1938 Trung tâm đã nổi giận vì vụ chạy trốn của Orlov, trưởng nhóm tình báo ở Tây Ban Nha. Rất chóng chúng tôi biết rằng ông ta bỏ chạy vì sợ bị bắt.

    Thế nhưng Eitingon đề nghị, bất chấp sự phản bội của Orlov, tiếp tục các tiếp xúc với nhóm Cambrige, bởi Orlov, đang sống ở Mỹ, không thể khai ra các mối liên hệ của mình vì nguy hiểm về mặt tư pháp. Năm 1934 - 1935 Orlov sống ở Anh với hộ chiếu Mỹ giả, vì thế nếu phản gián Mỹ kiểm tra nhóm Cambrige, thì Orlov không thể nhận được quốc tịch Mỹ và hắn đã bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ. Hơn nữa, hắn đã lộ ra những sự kiện không mong muốn đối với ông ta: các chiến dịch khủng bố dưới sự lãnh đạo hoặc sự tham gia của ông ta chống lại Trotsky và các điệp viên NKVD bị tình nghi là hai mang ở Tây Ban Nha.

    Năm 1941 Eitingon được phái sang Thổ Nhĩ Kỳ và ở lại đấy gần cả năm 1942 dưới tên gọi Leonid Naumov, ở đấy ông chuẩn bị việc ám sát Frank von Papen, đại sứ Đức lúc đó tại Thổ Nhĩ Kỳ. Theo tin đồn, von Papen sẽ đứng đầu chính phủ Đức trong trường hợp các tướng của đế chế bảo đảm được kênh bí mật thương thuyết với Franko. Sau đó de Kuest được trao đổi để lấy những người phái cộng hoà quan trọng vào năm 1938. Tiếc rằng thông qua ông ta cuộc trung gian bí mật đã không thoả thuận được về thoả hiệp hoà bình cho cuộc nội chiến sau thất bại của quân đoàn thám sát Italia trong những trận đánh gần Gvadelakhara tháng 3 - 1937. Thế nhưng, theo những giới thiệu của Kuest, đã tiếp cận được một loạt quan chức cao cấp từ giới thân cận của Franko và ép họ cộng tác vói tình báo Xô viết.

    Eitingon cũng tiến hành do thám sâu trong hậu phương các đơn vị phát xít trên chiến trường Aragon. Cú đánh bất thần của những người cộng hoà trong trận chiến trên sông Ebro năm 1938 dù là kìm giữ chân được các đơn vị của Franko, nhưng không thay đổi được sự phát triển bất lợi chung của tình hình quân sự.

    Những cuộc thương thuyết bí mật được tiến hành dưới sự giám sát của Eitingon với một trong số người sáng lập ĐCS Tây Ban Nha Jesus Hernández - bộ trưởng Tư pháp trong chính phủ Cộng hoà. Thời lưu vong ở Mexico ông có quan hệ gay gắt với Dolores Ibarruri và H. Dias ở Moskva. Các cố gắng của Eitingon bằng thư riêng với “Pedro” đã không thành công. Ở Moskva Hernández bị tuyên bố là gián điệp và kẻ chia rẽ, “tay sai của Tito”.

    Buổi gặp gỡ tiếp theo của chúng tôi là ở Tây Ban Nha, nơi từ đó ông bí mật chuyển tôi sang Pháp năm 1938 sau việc thủ tiêu Konovalets. Người ta phái Eitingon sang Tây Ban Nha hai năm trước đó vói tư cách phó đại diện chịu trách nhiệm các chiến dịch du kích, bao gồm cả phá hoại các đường sắt và sân bay. Sau khi Nicolxky, đại diện ở Tây Ban Nha (dưới tên Alexandr Orlov) biến mất vào tháng 6 - 1938, Eitingon trở thành trưởng nhóm tình báo.

    Năm 1939, Franko đã giành chiến thắng và Eitingon dời sang Pháp nơi mấy tháng sau ông tổ chức và hồi phục lại tất cả những gì còn lại từ mạng lưới điệp viên của ông, và giữ mối liên hệ với Berges - một trong số thành viên nhóm Cambrige có mật danh “Cô gái”. Sau đó Berges được chuyển nối liên lạc cho Gorxky - trưởng nhóm NKVD ở Anh. Áng chừng cũng thời gian đó Eitingon lôi kéo được người cháu của thủ lĩnh đảng phát xít Tây Ban Nha Primo de Riverk, bạn của Hitler. Đến 1942 ông ta là nguồn thông tin quan trọng về các kế hoạch của Franko và Hitler. Năm 1938 Trung tâm đã nổi giận vì vụ chạy trốn của Orlov, trưởng nhóm tình báo ở Tây Ban Nha. Rất chóng chúng tôi biết rằng ông ta bỏ chạy vì sợ bị bắt.

    Thế nhưng Eitingon đề nghị, bất chấp sự phản bội của Orlov, tiếp tục các tiếp xúc với nhóm Cambrige, bởi Orlov, đang sống ở Mỹ, không thể khai ra các mối liên hệ của mình vì nguy hiểm về mặt tư pháp. Năm 1934 - 1935 Orlov sống ở Anh với hộ chiếu Mỹ giả, vì thế nếu phản gián Mỹ kiểm tra nhóm Cambrige, thì Orlov không thể nhận được quốc tịch Mỹ và hắn đã bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ. Hơn nữa, hắn đã lộ ra những sự kiện không mong muốn đối với ông ta: các chiến dịch khủng bố dưới sự lãnh đạo hoặc sự tham gia của ông ta chống lại Trotsky và các điệp viên NKVD bị tình nghi là hai mang ở Tây Ban Nha.

    Năm 1941 Eitingon được phái sang Thổ Nhĩ Kỳ và ở lại đấy gần cả năm 1942 dưới tên gọi Leonid Naumov.Ở đấy ông chuẩn bị việc ám sát Frank von Papen, đại sứ Đức lúc đó tại Thổ Nhĩ kỳ. Theo tin đồn, von Papen sẽ đứng đầu chính phủ Đức trong trường hợp các tướng của đế chế ép được Hitler rời khỏi chính quyền. Điều đó mở đường tới thoả hiệp hoà bình riêng rẽ giữa Đức, Anh và Mỹ. Mưu đồ ám sát không thành - điệp viên người Bungari bị kích động, và quả bom đã nổ trước hạn trên tay anh ta. Kết quả là tự anh hy sinh, còn von Papen chỉ bị mấy vết xước nhẹ.

    Vào những năm cuối đời Eitingon cưới Puzưreva, nữ cán bộ KGB duy nhất được tặng thưởng Huân chương nước Anh. Eitingon lần thứ hai bị bắt cùng với tôi trong làn sóng tiếp sau việc gạt bỏ Beria khỏi quyền lực năm 1953, và chỉ được tha năm 1964. Eitingon mất năm 1981, khi vẫn chưa được minh oan - chính thức ông được xem là một tội phạm được phóng thích mà thôi. Chỉ đến tháng 4 năm 1992 gia đình mới nhận được chứng chỉ về sự minh oan cho ông sau khi chết.

    Leonid là một nhân cách tài năng thật sự và nếu không trở thành nhà tình báo, hẳn ông đã thành công trên cương vị quan chức nhà nước hoặc trong khoa học. Cho đến giờ trong trí nhớ tôi vẫn sống động câu đùa: “Với hệ thống của chúng ta chỉ có một khả năng bảo đảm không kết thúc những ngày tháng của mình trong tù: Cần không là người Do Thái hoặc tướng an ninh quốc gia”.

    Năm 1992 con gái Eitingon Xvetlana gọi điện thoại cho tôi và đề nghị tiếp bà họ hàng xa của cô từ Anh mới đến Moskva thu thập tài liệu cho cuốn sách về Eitingon. Trong thời gian gặp nhau vào tháng 5 - 1992 tôi biết từ cô rằng “gia tộc” Eitingon có thể tìm được ở Beloruxia, Moskva, New York và Laixích. Thế nhưng những người họ hàng đã chuyến từ châu Âu sang Mỹ và có những ưu đãi đặc biệt về buôn bán da thuộc từ Liên Xô, đã không đóng một vai trò gì trong sự thành đạt của Eitingon, và ông không giữ các mối liên hệ với họ thậm chí cả sau khi được tha khỏi nhà tù Vladimir.

    Những thông tin xuất hiện trước đấy tại phương Tây trong đó Eitingon được gán cho vai trò quan trọng trong việc tiến hành chiến dịch bắt cóc tên tướng Miller, lãnh đạo ROVX (Hiệp hội chiến binh Nga) năm 1937 tại Paris, không đúng với thực tế. Y bị bắt cóc với sự tham gia của tướng Xcoblin (mật danh “Điền chủ”) di tản sang Paris hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Spigelglaz. Xcoblin dụ được Miller đến điểm hẹn của NKVD nơi có vẻ như y sẽ gặp các sĩ quan tình báo Đức. Ở đấy y bị tóm. Nhân sự biến mất của Miller, chính quyền Pháp đã phản đối cương quyết với đại sứ Xô viết ở Pháp, cứ khăng khăng rằng trong thực tế tên tướng kia bị bắt cóc và bị đưa lên tàu thuỷ Liên Xô. Họ thậm chí dọa phái chiến hạm của mình để bắt giữ con tàu Xô viết trên biển. Đại sứ Liên Xô Xurets cực lực bác bỏ tất cả mọi lời buộc tội, cảnh báo người Pháp rằng họ sẽ chịu trách nhiệm, nếu tàu Xô viết bị họ dừng và khám xét trên lãnh hải quốc tế. Trong bất cứ trường hợp nào, theo lời ông, dù sao cũng sẽ không tìm ra tướng Miller ở đấy. Kết quả là tàu thuỷ Xô viết không bị chặn giữ và thuận buồm xuôi gió trải qua quãng đường từ Havre về Leningrad. Miller bị đưa về Moskva, nơi người ta hỏi cung y, y khước từ viết lời hiệu triệu cho bọn bạch vệ lưu vong ngừng đấu tranh chống chính quyền Xô viết, y bị xét xử và bị bắn năm 1939 tại Lubianka. Việc bắt cóc y gây nên nhiều tai tiếng vào thời ấy. Vô hiệu hoá được tên tướng này dẫn tới sự đổ vỡ toàn bộ tổ chức các cựu sĩ quan Sa hoàng, cắt đứt các kế hoạch của chúng hợp tác với người Đức trong cuộc chiến tranh chống Liên Xô.

    Xcoblin trốn từ Paris sang Tây Ban Nha bằng máy bay do Orlov đặt cho (khi năm 1938 Orlov bỏ chạy, ông ta vẫn giữ chiếc nhẫn vàng của Xcoblin như chứng cớ về sự liên quan của mình đối với vụ việc này). Xcoblin đã hy sinh trong một trận tấn công Barcelona bằng máy bay trong thời nội chiên ở Tây Ban Nha. Vợ ông là ca sĩ Nga nổi tiêng Hadejda Plevitskaia, giữ mối liên hệ với NKVD. Bà không ngờ rằng Spigelglaz lãnh đạo chiến dịch bắt Miller, và coi ông là bạn của chồng mình. Bà chỉ biết rằng Spigelglaz (“Duglax”) có liên hệ với các đại diện Xô viết và giúp đỡ họ về mặt vật chất. Bà bị bắt ở Pháp vì sự đồng lõa trong vụ bắt cóc Miller và người ta kết án bà hai mươi năm làm việc khổ sai. Bà chết trong tù năm 1944. Nếu Xcoblin chỉ huy chiến dịch này, như một số nhà “am hiểu” lịch sử của tình báo chúng ta viết, với việc bọn Đức biết, thì hẳn chúng đã tha bà, hoặc ít nhất, người Đức nhất thiết đã cố lợi dụng bà để lần ra mối liên hệ của tình báo Liên Xô tại Pháp.

    [...]
     
    Chỉnh sửa cuối: 30/11/15
    tducchau and Rafa like this.
  8. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    [...]

    3. Gặp Beria

    Nhưng chúng ta cùng quay lại các sự kiện năm 1938. Nhận được thư của tôi từ Paris về thành công của chiến dịch thủ tiêu Konovalets, Spigelglaz gọi vợ tôi đến gặp và nói: “Andrei (mật danh của tôi) đã an toàn. Cậu ấy thấy người ta đổ xô như thế nào đến nơi đó, và cậu ấy rõ tất cả. Bởi ở Tây Âu không ai chạy đi chỉ là để xem một cái lốp xe ôtô nổ gần đó”.

    Tháng 7 - 1938 chiếc tàu thuỷ mà tôi có mặt trên đó cập cảng Leningrad. Tôi lập tức đi chuyến tàu đêm về Moskva. Đón tôi trên ga là Paxxov vừa được cử thay Xlutsky, Spigelglaz và vợ tôi. cần phải nói hay không, tôi hạnh phúc như thế nào khi quay về Moskva với công việc cũ. Tôi cho rằng vụ ám sát Konovalets thành công từ tất cả mọi phương diện và tự hào rằng trong vụ nổ, những người vô tội đã không bị hại. Cả Abwehr lẫn tổ chức dân tộc chủ nghĩa Ucraina đều không có chứng cứ để khám phá nguyên nhân đích thực về cái chết của Konovalets. Tất nhiên, chúng có thể nghi ngờ người đưa tin hoặc liên lạc viên đến gặp y ở Rotterdam, nhưng trong tay chúng không có chứng cớ nào cả.

    Sáng sớm ngày hôm sau tôi được gọi tới chỗ Beria, lãnh đạo mới của Tổng cục an ninh quốc gia NKVD, phó thứ nhất của Ejov. Trước đó tôi chỉ biết về Beria là ông ta lãnh đạo GPU Gruzia vào những năm 20, sau nữa trở thành bí thư BCHTƯ ĐCS Gruzia. Paxxov, người thay Xlutsky trên cương vị trưởng Cục đối ngoại, đưa tôi vào văn phòng của Beria, cạnh phòng tiếp khách của Ejov. Buổi gặp gỡ đầu tiên của tôi và Beria, hình như kéo dài gần bốn giờ. Suốt thời gian ấy Paxxov giữ im lặng. Beria hỏi tôi hết câu này sang câu khác, mong biết về tất cả mọi chi tiết của chiến dịch chống Konovalets và về OUN từ khởi đầu sự hoạt động của nó.

    Sau một giờ Beria bảo Paxxov đem lại cặp hồ sơ “Đặt cược” nơi lưu giữ tất cả các chi tiết về chiến dịch này. Từ các câu hỏi của Beria tôi hiểu đó là một người uyên thâm trong các vấn đề tình báo và phá hoại. Sau đó tôi hiểu ra: Beria hỏi để hiểu rõ hơn, bằng cách nào tôi đã có thể hoà nhập vào cuộc sống phương Tây.

    Gây cho Beria ấn tượng đặc biệt là thủ tục thoạt đầu khá đơn giản việc mua vé tàu hoả theo mùa cho phép tôi chu du không bị cản trở khắp toàn bộ Tây Âu. Tôi nhớ, ông quan tâm đến qui định bán vé tàu hoả cho hành khách trên các tuyến nội địa và các tuyến nước ngoài. Tại Hà Lan, Bỉ và Pháp các hành khách đi sang nước khác, từng người một đi lại gần quầy - chỉ sau tiếng chuông của người trực. Chúng tôi ức đoán rằng điều đó được làm với mục đích cho phép người bán vé nhớ tốt hơn những ai đã mua vé. Tiếp theo Bena quan tâm tôi có để ý hay không đến số lối ra, kể cả cửa dự phòng tại phòng hẹn kín nằm ở ngoại ô Paris. Ông khá ngạc nhiên là tôi đã không làm điều ấy bởi vì quá mệt mỏi. Từ đó tôi kết luận rằng Beria có kinh nghiệm hoạt động bí mật tích luỹ được trong Treka Ngoại Kavkaz.

    Vẫn nhớ. ông mặc chiếc áo vét khá giản dị. Tôi cảm thấy kỳ lạ là ông không có càvạt, còn ống tay áo sơ mi, chất lượng khá tốt. được xắn lên. Tình huống đó buộc tôi cảm thấy có phần khó xử, bởi trên người tôi là bộ trang phục may khéo tuyệt vời: trong thời gian ngắn ở Paris tôi đã đặt ba bộ comple theo mốt, áo bành tô, cũng như mấy chiếc sơ mi và cà vạt. Thợ may lấy kích cỡ, còn Agaiants ghé qua lấy đồ và gửi chúng về Moskva bằng đường ngoại giao.

    Beria quan tâm nhiều đến đội du kích phá hoại đặt cơ sở tại Barcelona. Ông ta biết riêng Vaxilevxky, một trong số chỉ huy du kích - vào thời của mình ông kia phục vụ dưới trướng ông trong phản gián GPU Gruzia. Beria nói tiếng Nga tốt với một chút âm sắc Gruzia và đã xử sự hết mực lịch thiệp đối với tôi. Thế nhưng ông cũng không thể giữ nguyên sự lạnh lùng trong suốt buổi nói chuyện của chúng tôi. Và thế, Beria bị kích động mạnh khi tôi kể là đã đưa ra những lập luận thế nào với Konovalets, để ngân chặn hắn tiến hành các hành động khủng bô của OUN chống các đại diện của chính quyền Xô viết tại Ucraina. Tôi phản bác hắn, viện lẽ rằng điều đó có thế dẫn tới cái chết của tổ chức bí mật dân tộc chủ nghĩa Ucraina, bởi NKVD sẽ nhanh chóng lần ra dấu vết bọn khủng bố. Còn Konovalets thì cho rằng, những hành động tương tự có thể được thực hiện bởi những nhóm nhỏ riêng biệt. Điểu đó, hắn nhất quyết, sẽ tạo thêm hào quang trong mắt người dân địa phương, là động lực để bắt đầu chiến dịch rộng lớn chống Xô viết mà Đức và Nhật Bản sẽ tham dự vào.

    Vốn cận thị, Beria đeo kính một tròng, điều làm ông ta giống một công chức khiêm tốn. Có thể, tôi nghĩ, ông ta cố ý chọn cho bản thân hình ảnh như thế: ở Moskva không ai biết ông, và dĩ nhiên, mọi người khi gặp sẽ không chú ý tới một ngoại hình tầm thường đến thế, điều cho ông khả năng khi đến điểm hẹn để trò chuyện với các điệp viên mà không bị nhận ra. Cần nhớ rằng những năm ấy một số phòng hẹn do NKVD nắm giữ ở Moskva nằm trong các chung cư. Sau này tôi biết: trở thành phó của Ejov, điều đầu tiên Beria làm - chuyển sang mình các đầu mối điệp viên quan trọng nhất trước đây nằm trong tay các nhà lãnh đạo các phòng ban và cục chủ chốt của NKVD đã bị thanh trừng.

    Tôi nhận phép nghỉ năm ngày để đi thăm mẹ vẫn sống tại Melitopol, còn sau đó là cha mẹ vợ ở Kharkov. Dự tính là khi quay về Moskva, tôi sẽ nhận chức vụ trợ lý trưởng Cục đối ngoại. Spigelglaz và Paxxov rất hoan hỉ với cuộc gặp gỡ của tôi với Beria và khi tiễn tôi ra ga Kievxky, đã đoan chắc rằng khi về Moskva tôi sẽ được giao phụ trách trực tiếp công tác tình báo phá hoại ở Tây Ban Nha.

    Trong thời gian chuyến đi vợ tôi kể về các sự kiện bi thảm diễn ra trong nước và trong cơ quan an ninh. Ejov tiến hành những vụ thanh trừng dã man: tống giam toàn bộ thành phần lãnh đạo phản gián NKVD vào năm 1937. Năm 1938 sự thanh trừng cũng chạm tới Cục đối ngoại. Nạn nhân là nhiều bạn bè mà tôi tin tưởng. Lúc ấy tôi nghĩ rằng điều đó là do sự kém cỏi đầy tội lỗi về nghiệp vụ của Ejov mà đến những nhân viên tác chiến thấp nhất cũng biết.

    Ở đây tôi muốn dẫn ra sự kiện mà dù rất quan trọng vẫn không được nhắc tới trong các sách lịch sử của các cơ quan đặc biệt. Trước khi Ejov vào NKVD ở đấy chưa có các bộ phận điều tra chuyên biệt. Nhân viên tác chiến thời Dzerjinxky (cũng như thời Menjinxky), khi làm việc với điệp viên và người cung cấp tin của khu vực mình quản lý, cần phải tự tiến hành việc điều tra, hỏi cung, chuẩn bị các kết luận buộc tội. Thời Ejov và Beria được lập một bộ phận điều tra chuyên biệt cưỡng bức lời khai ở những người bị bắt về “hoạt động tội phạm” vốn không có một chút gì chung với thực tế.

    Các nhân viên tác chiến phụ trách những cơ sở công nghiệp và cơ quan nhà nước cụ thể, có ít hoặc nhiều khái niệm rõ ràng về cán bộ của các công sở và tổ chức này. Đến theo động viên của đảng, chủ yếu là trẻ, thiếu kinh nghiệm sống, các cán bộ bộ phận điều tra ngay từ đầu đã bị lôi cuốn vào vòng luẩn quẩn. Họ mổ xẻ các lời khai ép được từ những người bị điều tra. Không biết sơ đẳng công việc tác chiến, kiểm tra các tài liệu hiện thực, họ thành đồng lõa của sự huỷ diệt tội lỗi những người vô tội, đã dấy lên theo sáng kiến của giới lãnh đạo cao cấp và trung cấp của đất nước. Kết quả là nảy sinh một làn sóng bắt bớ được gợi lên bởi trí tưởng tượng bệnh hoạn của các nhà điều tra và những “chứng cớ” được ép ra từ những người bị điều tra.

    Tất cả chúng tôi hi vọng rằng, với sự đề bạt Beria vào tháng 12 - 1938 làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, nhờ nghiệp vụ cao của ông và liên quan với nghị quyết nổi tiếng của BCHTƯ, các lệch lạc sẽ được uốn nắn. Dễ hiểu thôi, niềm hi vọng là ấu trĩ, nhưng chúng tôi lúc ấy tin một cách chân thành vào tính đứng đắn và tính trung thực miễn bàn của những người lãnh đạo trực tiếp chúng tôi. Chúng tôi biết,ví dụ, Xlutsky và Spigelglaz đã chuyển ra khỏi Moskva và ổn định cuộc sống những bà vợ và con cái của một số đồng nghiệp bị bắt, để họ không trở thành nạn nhân những cuộc thanh trừng.

    Từ chuyến đi tôi quay về Moskva không ít lo âu bởi những tin đồn về những điều tàn nhẫn đang xảy ra ở Ucraina mà chúng tôi nghe được từ những bà con họ hàng. Khataevich, lúc ấy là bí thư BCHTƯ ĐCS Ucraina bị kết tội là kẻ thù của nhân dân. Koxior bị coi có liên hệ với ĐCS Ba Lan bị Quốc tế cộng sản giải tán, bị bắt ở Moskva. Nguyên do đích thực của tất cả các cuộc bắt bớ này, như tôi nghĩ lúc ấy, đúng là do những sai lầm do họ gây ra. Khataevich trong thời gian nạn đói hàng loạt, đã cho phép bán bột mì thuộc nguồn dự trữ bất khả xâm phạm phòng trường hợp chiến tranh. Vì điều đó năm 1934 ông nhận cảnh cáo từ Moskva. Có thể là, tôi nghĩ, ông còn có sai lầm nào đó nữa. Tôi nhắc lại một lần nữa: than ôi, tôi đã ngây thơ.

    Tại Moskva Paxxov và Spigelglaz thông báo rằng chức vụ mới đang chờ tôi: trợ lý cho trưởng Cục đối ngoại. Thế nhưng chức vụ này còn cần được BCHTƯ đảng phê chuẩn đã, bởi nó đề cấp đến một chức vụ lãnh đạo thuộc giới tinh hoa. Và dù quyết định về đề bạt mới của tôi không thấy đến, thực tế từ tháng 8 đến tháng 11 - 1938 tôi đã đảm nhận trách nhiệm này.

    [...]
     
    tducchau thích bài này.
  9. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    [...]

    4. Vàng Tây Ban Nha

    Khởi đầu công việc của tôi không thể gọi là thành công được. Tôi nhanh chóng hiểu rằng chỉ huy Paxxov của tôi không hề có kinh nghiệm tác chiến ở nước ngoài. Đối với ông ta các vấn đề thu dụng điệp viên ở phương Tây và các tiếp xúc với họ là “terra incongita” thực sự. Ông ta tin bất cứ thông tin nào nhận được từ mạng lưới điệp viên, và không có khái niệm về các phương pháp kiểm tra các tin tức của các nguồn nước ngoài. Kinh nghiệm tác chiến trong phản gián và trong lĩnh vực hoạt động điều tra của ông ta chống “kẻ thù của nhân dân” đã không thể giúp ông. Tôi đơn giản là khiếp sợ khi biết rằng ông ta ký chỉ thị cho phép mỗi nhân viên tác chiến ngoài nước sử dụng mật mã của riêng mình và bỏ qua trưởng nhóm gửi thông tin trực tiếp về Trung tâm, nếu anh ta có thể có những lý do không tin tưởng chỉ huy trực tiếp của mình. Chỉ sau này mới hiểu được, tại sao có loại tài liệu kiểu ấy. Tại Hội nghị TƯ Đảng tháng 3 - 1937 người ta đòi hỏi NKVD “củng cố cán bộ” của Cục đối ngoại. Nó che đậy mong muốn của giới lãnh đạo đất nước thoát khỏi ban lãnh đạo cơ quan tình báo Xô viết cũ đã thành ra bất lợi.

    Năm 1936 những người cộng hoà Tây Ban Nha đồng ý gửi Moskva một phần lớn dự trữ vàng Tây Ban Nha tổng số hơn nửa tỉ đôla. Ngoài ra, mùa xuân năm 1939 những người cộng hoà cũng đã chở những tài sản lớn từ Pháp sang Mexico bằng tàu thuỷ. Tháng 3 - 1939 Agaiants gửi từ Paris về Trung tâm một bức điện trong đó báo rằng không phải tất cả vàng, kim loại và đá quý của Tây Ban Nha được gửi sang Moskva. Trong điện báo chỉ rõ rằng, hình như một phần dự trữ ấy bị phung phí bởi chính phủ cộng hoà với sự tham gia của lãnh đạo mạng điệp viên NKVD tại Tây Ban Nha.

    Người ta trình ngay báo cáo với Stalin và Molotov, những người đã ra lệnh cho Beria tiến hành kiểm tra nguồn thông tin. Thế nhưng khi chúng tôi đề nghị Eitingon, phụ trách điệp viên ở Tây Ban Nha lý giải sự việc, ông đã gửi đáp lại một bức điện giận dữ gần như chỉ những câu chửi. “Tôi, - ông viết, - không phải kế toán cũng không phải kẻ chào hàng. Đã đến lúc Trung tâm giải quyết lấy vấn đề Dolores Ibarruri, Hose Diace. tôi và các đồng chí Tây Ban Nha khác từng ngày một đang mạo hiểm trong cuộc chiến tranh chống phát xít vì sự nghiệp chung. Nên chuyển tất cả những lời yêu cầu tới các nhân vật được tin cậy của lãnh đạo TƯ DCS Pháp và Tây Ban Nha Jak Duklo, Dolores Ibarruri và những người khác. Trong khi đó nên hiểu rằng việc chuyển vàng và các vật quý diễn ra trong điều kiện chiến sự”.

    Bức điện của Eitingon gây ấn tượng rất mạnh đến Stalin và Beria. Tiếp ngay lệnh: xem xét các mối quan hệ qua lại của các nhân viên mạng lưới điệp viên NKVD tại Pháp và Tây Ban Nha.

    Tôi cũng nhận được nhiệm vụ riêng từ Beria làm quen với tất cả các tài liệu về việc bàn giao và tiếp nhận của cải từ Tây Ban Nha vào Uỷ ban bảo quản Liên Xô. Nhưng nói điều đó thì dễ hơn so với làm, bởi nhẽ quyết định cho phép làm việc với các tài liệu của Uỷ ban bảo quản phải được Molotov ký. Trợ lý của ông trong khi đó lại từ chối đưa tài liệu đi ký khi thiếu chữ ký của Ejov, Bộ trưởng NKVD, chữ ký của Beria lúc đó là chưa đủ. Thời ấy tôi còn hoàn toàn chưa quen với tất cả mọi nguyên tắc thủ cựu này và chuyển tài liệu cho Ejov qua ban thư ký của ông ta. Sáng hôm sau nó vẫn còn chưa được ký. Beria chửi rủa tôi qua điện thoại về sự chậm trễ, nhưng tôi đáp là không thể tìm thấy Ejov - ông ta không có ở Lubianka. Beria ném ra một cách bực dọc:

    - Đó không phải là việc riêng mà là công vụ quốc gia khẩn cấp. Hãy phái người đưa tin tới nhà riêng Ejov, ông ta không khỏe và đang ở đấy.

    Giọng bất kính của ông về Ejoy, uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị, có phần làm tôi ngơ ngẩn và kinh ngạc.

    Cùng với người đưa tin chúng tôi được chở đến biệt thự của bộ trưởng ở Ozero, không xa Moskva. Trông Ejov có vẻ nào đó là lạ: tôi có cảm tưởng rằng tôi đưa tài liệu cho một người ốm thập tử nhất sinh hoặc một người đã say mèm suốt đêm để ký. Ông ta ký mà không hỏi một câu và không hề thể hiện sự liên quan của mình tới công việc. Tôi lập tức về Kremli để chuyển tài liệu cho ban thư ký chính phủ. Từ đấy tôi đến Ban bảo quản quốc gia với hai thanh tra đi cùng, một trong số họ là Berzon, thủ quỹ chính của Treka toàn liên bang - NKVD từ năm 1918. Trước cách mạng ông giữ chức thanh tra trong hãng bảo hiểm Nga mà toà nhà bị Dzerjinxky chiếm.

    Các thanh tra làm việc tại Ban bảo quản quốc gia trong suốt hai tuần, kiểm tra toàn bộ tài liệu hiện có. Họ không phát hiện ra một chút dấu vết không đầy đủ nào. Các phụ trách điệp viên ở Pháp và Tây Ban Nha những năm 1936 - 1938 đã không sử dụng cả vàng lẫn báu vật cho những mục đích tác chiến. Chính lúc ấy tôi biết được rằng tài liệu về bàn giao vàng được ký bởi thủ tướng Cộng hoà Tây Ban Nha Fransisco Largo Kabaliero và thứ trưởng Bộ Ngoại giao Krextinxky, sau đó bị bắn chết như kẻ thù của nhân dân cùng với Bukharin sau toà án công khai năm 1938.

    Người ta chở vàng từ Tây Ban Nha trên tàu thuỷ từ Kartakhena, căn cứ hải cảng quân sự Tây Ban Nha, về Ôđécxa, sau đó cất giấu vào hầm của Ngân hàng quốc gia. Thời ấy tổng số của chúng được đánh giá là 518 triệu đôla. Những vật báu khác dành cho các nhu cầu tác chiến của chính phủ cộng hoà Tây Ban Nha với mục đích tài trợ các chiến dịch bí mật, đã được bí mật chuyển từ Tây Ban Nha sang Pháp, từ đó nó được đưa về Moskva - với tư như các khối hàng hoá ngoại giao.

    Vàng Tây Ban Nha đã trang trải phần lớn những chi phí của chúng ta cho sự trợ giúp quân sự và vật chất đối với những người cộng hoà trong cuộc chiến của họ với Franko được Hitler và Mussolini ủng hộ, cũng như để giúp đỡ dân lưu vong Tây Ban Nha. Những phương tiện này cũng cần để trang trải các chiến dịch tình báo trước ngưỡng cửa cuộc chiến tranh ở Tây Âu năm 1939.

    Vấn đề về vàng sau những sự phanh phui của Orlov vào những năm 1953 - 1954 có sự phát triển mới. Chính phủ Tây Ban Nha của Franko không chỉ một lần đưa vấn đề đòi lại những báu vật bị lấy đi. Tôi và Eitingon bị hỏi cung bởi các nhân viên tình báo KGB vào những năm 1950 - 1960 về số phận của vàng, khi chúng tôi ngồi tù. Kết quả, như tôi được thông báo, “bên trên” đã tiếp nhận quyết định vào những năm 1960 - bồi thường cho chính quyền Tây Ban Nha dự trữ vàng bị tiêu phí năm 1937 bằng cách bán dầu hoả cho Tây Ban Nha theo giá ưu đãi.

    Tháng 7- 1938, ngay trước sự chạy trốn của Orlov, nhóm trưởng của chúng ta ở Tây Ban Nha, có sự đồn đại về việc ông ta sẽ nhanh chóng thay thế Paxxov ở cương vị chỉ huy tình báo của NKVD. Thế nhưng bắt giam con rể của ông ta, Kantsnelxon, thứ trưởng Bộ Nội vụ Ucraina, bị thanh trừng vào năm 1937 hoặc 1938, đã làm Orlov hoảng sợ.

    [...]
     
    tducchau thích bài này.
  10. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    [...]

    5. Thủ tiêu những người theo phái Trotsky ở nước ngoài

    Họ tên thật của Orlov- Nikolxky - Feldbin, ông cũng là “Thằng Thuỵ Điển” hay “Leva” trong những tài liệu tác chiến. Vả lại ở phương Tây ông đã nổi tiếng như là Alexandr Orlov. Tôi gặp ông ta ở phương Tây và ở Trung tâm, nhưng chỉ thoáng qua. Ấy thế nhưng tôi cho là quan trọng dừng lại ở nhân vật này đầy đủ hơn, bởi vì chính sự đả phá của ông trong những năm 50 và 60 đã cho khả năng hiểu tính chất những cuộc thanh trừng năm 1937 ở Liên Xô. Tiện thể, bất chấp khẳng định của ông ta, Orlov chưa bao giờ là một vị tướng NKVD. Trên thực tế ông ta có quân hàm thiếu tá an ninh, một hàm đặc biệt được coi ngang hàm đại tá năm 1945. Vào đầu những năm 30 Orlov đứng đầu ban tình báo kinh tế của Cục đối ngoại OGPU, là người tham gia các cuộc tiếp xúc và liên lạc bí mật với các nhà doanh nghiệp phương Tây và đóng vai trò quan trọng trong sự xuất khẩu phát minh mới của kỹ thuật nước ngoài từ Đức và Thuỵ Điển sang Liên Xô.

    Thêm nữa Orlov còn là một nhà báo tài ba. ông không ở Moskva khi diễn ra những cuộc bắt bớ và thủ tiêu vào những năm 1934 - 1937, nhưng giả thuyết sách vở của ông về các sự kiện này được công chúng xem là hợp lý. Thậm chí một số tác giả của chúng ta đến ngày hôm nay vẫn sử dụng giả thuyết này để miêu tả sự dã man của chính thể Stalin. Tất nhiên, có không ít sự thật, nhưng cần nhớ: con người này không nắm rõ lắm về các sự kiện thực tế. Orlov dùng tiếng Anh tuyệt vời, tiếng Đức và tiếng Pháp. Ông ta đã khá thành công trên thị trường chứng khoán Đức. Ông ta đã viết một cuốn sách giáo khoa cho Học viện đặc biệt của NKVD hướng dẫn việc lôi kéo người nước ngoài cộng tác gián điệp. Raixa Xobol, bạn gái của vợ tôi, trở thà văn Irina Gugo nổi tiếng, vào những năm 20 làm việc tại phòng Kinh tế GPU dưới sự lãnh đạo của ông ta đánh giá ông ta khác thường. Từ số người đưa tin của mình Orlov đã tạo lập được một nhóm kiểm tra không chính thức, đã làm sáng tỏ thu nhập của những người theo cải cách kinh tế mới. Cái cơ quan kiểm tra không công khai này của Orlov do Xlutsky thời đó là trưởng phòng phòng Kinh tế GPU điều hành trực tiếp, sau đó khi trở thành lãnh đạo Cục đối ngoại, đã chuyển Orlov sang phục vụ cho tình báo ở nước ngoài. Vào những năm 1934 - 1935 Orlov là phụ trách điệp viên mật ở London, ông ta đã củng cố được mối liên hệ với nhóm đã trở nên nổi tiêng khắp thế giới: Filby, Maklin, Berges, Kernkross, Blantidr.

    Tháng 8 - 1936 ông ta được phái sang Tây Ban Nha sau một bi kịch tình sử với nữ nhân viên trẻ NKVD Galina Voitova. Cô ta tự sát ngay trước toà nhà Lubianka, sau khi Orlov bỏ cô, từ chối ly dị vợ. Xlutsky, bạn thân của ông ta, không chậm trễ đề nghị cho ông ta chức vụ phụ trách tình báo ở Tây Ban Nha ngay trước khi Ejov được đề cử làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ vào tháng 9 - 1936. Orlov được giao những nhiệm vụ đặc biệt bí mật, một trong số đó là đưa vàng từ Tây Ban Nha về Moskva. Nhờ chiến dịch liều lĩnh này ông ta được thăng cấp. Báo “Sự thật” báo về việc thiếu tá an ninh quốc gia Nikolxky được tặng thưởng huân chương Lenin vì hoàn thành một nhiệm vụ quan trọng. Cũng trong số đó tờ báo đưa tin rằng thiếu tá an ninh quốc gia Naumov (Eitingon) được tặng thưởng huân chương Cờ đỏ, còn đại uý Vaxilevxky - huân chương Sao đỏ.

    Cả Spigelglaz cũng rất quý trọng Orlov, ông thường thăm Tây Ban Nha và kể với tôi rằng Orlov đang ở đấy hoàn thành một cách xuất sắc nhiệm vụ chiêu mộ mạng điệp viên quan trọng.

    Orlov đóng một vai trò quan trọng trong việc thủ tiêu kẻ cầm đầu phái Trotsky Tây Ban Nha Andres. Toàn bộ chiến dịch giải thoát Nin từ nhà tù được tiến hành với sự tham gia trực tiếp của Orlov- Nikolxky nhờ nhóm phần tử vũ trang đặc biệt - những người Đức chống phát xít, chiến sĩ của đội du kích phá hoại. Đứng đầu nhóm người Đức là Guxtav Rubeirlein, sau này là vụ trưởng Vụ đôi ngoại TƯ của Đảng xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức. Sự tham gia của những người Đức này dường như khẳng định giả thuyết của Nikolxky về sự liên đới của các cơ quan đặc biệt Đức đối với việc giải thoát điệp viên của mình từ nhà tù cộng hoà. Ấy thế mà sự đụng độ gắn với việc giải thoát Nin vẫn không được điều chỉnh. Chính phủ cộng hoà hết sức bệnh hoạn phản ứng. Chính vì sự tham gia vào cuộc dấy loạn của phái Trotsky tại Barcelona, Nin bị bắt bởi chính phủ cộng hoà, để sau đó được Orlov giải thoát và bị giết chết không xa Barcelona.

    Phi vụ thủ tiêu Nin được giữ trong lưu trữ của NKVD như chiến dịch “Nikolia”. Tiền đề của vụ việc này gắn với sự thâm nhập thành công của các điệp viên của Orlov- Nikolxky vào phong trào Trốtkit. Thông qua bộ trưởng của chính phủ cộng hoà, Katoloni, Gaodosi Orivero, phong toả sự tiếp ứng của các đơn vị vô chính chủ đến giúp những kẻ phản loạn theo Trotsky tại Barcelona tháng 6 - 1937. Ngoài ra, chỉ huy cơ quan an ninh cộng hoà Kataloni - V. Xala (Hota) - được Orlov chiêu mộ, thường xuyên báo về các ý đồ của bọn Trốtkít và tạo khả năng kiểm soát trọn vẹn các thư từ và thương thuyết của tất cả các nhà lãnh đạo của phong trào này tại Kataloni nơi chúng có chỗ dựa.

    Chính “Hota” đã bắt giữ những kẻ đưa tin Đức kích động sự nổi loạn tại Barcelona mà nhanh chóng nó đã lớn mạnh thành cuộc khởi nghĩa vũ trang. Các chứng cứ không thể bài bác về sự dính líu của các cơ quan đặc biệt Đức tới tình hình Barcelona với mục đích nhằm bôi xấu thanh danh các lãnh tụ Trôtkít. Sau đó Orlov viết một bài trào phúng chống Trôtkít, truyền bá nó nhân danh Andres Nin, và tạo nên một giả thuyết được chính quyền thừa nhận về sự tác động của các cơ quan an ninh Đức vào sự vượt ngục của Nina. Sự kiện này giáng đòn nặng cho tiếng tăm của phong trào Trôtkít ở Tây Ban Nha. Về các hoạt động phản thông tin thành công của Orlov và sự thủ tiêu những kẻ Trốtkít ở Tây Ban Nha được Ejov trực tiếp báo cáo với Stalin.

    Tháng 6 - 1938 Spigelglaz, phải gặp gỡ với Orlov trên boong tàu Xô viết trên hải lãnh Bỉ để nhận báo cáo định kỳ. Spigelglaz nghi ngờ rằng cơ quan đặc biệt Pháp và Bỉ có các cơ sở bắt giữ ông ta, bởi một năm về trước người ta đã bắt một số điệp viên của ông bị vướng vào việc bắt cóc tướng bạch vệ Miller. Với lý do này Spigelglaz sợ đi lên bờ. Orlov lại sợ điều khác: ông ta nghi ngờ đó là cái bẫy để tóm ông ta. Thế là ông ta không đến chỗ hẹn gặp với Spigelglaz.

    Orlov lẩn trốn, và chỉ vào tháng 11 chúng tôi mới rõ là ông ta xuất hiện tại Mỹ. Trước khi điều đó xảy ra, tôi đã ký cái gọi là “thông báo” về việc tìm kiếm ông ta truyền đến tất cả các mạng lưới điệp viên. Trong tài liệu này miêu tả đầy đủ nhân dạng Orlov và các thói quen của ông ta, cũng như mô tả vợ và con gái ông ta, mà lần cuối cùng người ta thấy họ với ông ta cùng với nhau ở Pháp. Trong thông báo chỉ rõ nguyên nhân sự biến mất có thể của Orlov và gia đình ông ta - đe dọa bắt cóc từ phía Anh, Đức hoặc Pháp. Đặc biệt tôi nhấn mạnh là Orlov nổi tiếng với chính quyền Anh và Pháp như một nhà giám định của chính thể Xô viết, đã tham gia, hai lần, vào công việc của uỷ ban quốc tế vì sự không can thiệp vào cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha. Nguyên nhân khác có thê là sự phản bội của ông ta: từ két sắt mạng tình báo ở Barcelona đã biên mất 60 nghìn đôla dành cho các mục đích tác chiên. Sự biến mất của óng ta còn làm chúng tôi lo lắng bởi vì Orlov biết rõ về hệ thông điệp viên tại Anh, Pháp, Đức và tất nhiên là ở Tây Ban Nha.

    Tháng 11 - 1938 Beria gọi tôi tới và khi đưa ra các chỉ dẫn, đã bất ngờ ra lệnh ngừng truy lùng Orlov. Phục hồi lại sự tìm kiếm tôi phải làm theo chỉ thị trực tiếp của ông. Hoá ra, từ Mỹ Orlov đã gửi thư riêng cho Stalin và Ejov trong đó giải thích sự trốn chạy của mình vì lo sợ vụ bắt giữ trên boong tàu Xô viết.

    Trong thư cũng nói rằng, trong trường hợp mưu toan làm rõ chỗ ông ta đang sống hay thiết lập sự theo dõi, ông ta sẽ cho luật sư của mình công bố các tài liệu do ông ta cất giữ trong tủ két nhà băng Thuỵ Sĩ. Nó chứa đựng thông tin về sự dối trá các tài liệu chuyển cho Uỷ ban quốc tế vì sự can thiệp vào cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha. Orlov cũng đe dọa kể toàn bộ câu chuyện gắn với vụ chuyển vàng Tây Ban Nha về bí mật đưa nó về Moskva với các tài liệu tương ứng. Sự phanh phui này hẳn đặt cả chính phủ Xô viết lẫn vô số người di tản Tây Ban Nha vào tình huống khó xử, bởi vì sự viện trợ quân sự của Liên Xô cho những người cộng hoà trong cuộc nội chiến vẫn được coi một cách chính thức là vô tư. Tiền trả mà chúng ta nhận dưới dạng là vàng và các đồ quý hiếm, được vây bọc bởi một màng bí mật. Orlov đề nghị Stalin không săn đuổi bà mẹ già nua của ông ta đang ở lại Moskva, và nếu các điều kiện của ông ta được tiếp nhận, ông ta sẽ không làm lộ mạng gián điệp nước ngoài và các bí mật của NKVD mà ông ta biết.

    Tôi không tin rằng lý do mà theo đó Orlov không khai ra nhóm Cambrige hay vụ bắt cóc tướng Miller. Nó đơn giản là sống còn. Tháng 8 - 1938 lần đầu tiên tôi nghe nói về các vụ bắt cóc và thủ tiêu những người Trôtkít và những kẻ di tản do OGPU - NKVD tiến hành ở châu Âu trong những năm 30. Gắn với chuyện này đáng làm rõ một số chi tiết về Reiss (họ tên thật là Poretski), nhà tình báo bí mật được cắm ở Tây Âu. ông ta nhận được một số tiền lớn, và Reiss sợ rằng sẽ trở thành nạn nhân của sự thanh trừng. Ông ta lấy tiền dành cho các mục đích tác chiến và bỏ trốn. Ông ta cất tiền tại một nhà băng Mỹ. Trước khi trốn chạy năm 1937 Reiss đã viết một bức thư cho lãnh sự Liên Xô tại Pháp, trong đó chỉ trích Stalin. Bức thư này sau đó xuất hiện trên một ấn phẩm Trốtkít và trở thành nguy hại đối với ông ta, dù từ hồ sơ của Reiss cho thấy là chưa bao giờ ông ta có cảm tình với chính Trotsky, hay với bất cứ nhóm nào ủng hộ Trotsky. Mặc dù thế sau khi bức thư này xuất hiện trên báo chí Trôtkít, Reiss đã bị kết án tử hình vắng mặt.

    Reiss sống một cuộc sống khá buông thả, và mạng lưới điệp viên của Spigelglaz rất nhanh chóng lần ra ông ta. Vụ thủ tiêu được thực hiện bởi hai điệp viên: một người Bungari Afanaxiev và đồng hao của anh ta là Pravdin ở Thuỵ Sĩ. Họ ngồi xuống bàn cạnh ông ta trong một hiệu ăn nhỏ ở ngoại ô Lozanna. Reiss say sưa uống rượu với hai người Bungari ra vẻ là những nhà doanh nghiệp. Afanaxiev và Pravdin dàn cảnh cãi cọ với Reiss, tống ông ta ra khỏi hiệu ăn, dúi vào ô tô của mình và chở đi. ở cách chỗ đó ba kilômét họ bắn chết Reiss, bỏ xác lại bên vệ đường.

    Tôi tiếp Aianaxiev và Pravdin tại điểm hẹn ở Moxkva nơi họ trở về sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Cùng với họ có Spigelglaz. người phụ trách họ. Afanaxiev và Pravdin được tặng huân chương. Theo sắc lệnh đặc biệt của chính phủ mẹ của Pravdsin sống ở Paris được nhận tiền hưu trọn đời Afanaxiev trở thành sĩ quan tình báo và phục vụ đến năm 1953, còn Pravdin vào làm việc tại Nhà xuất bản văn học nước ngoài ở Moskva, nơi ông làm việc đến lúc mất năm 1970. Theo tôi, nên làm rõ: tin đồn về việc Xergei Efron chồng của nữ thi sĩ Marina Svetaeva, là một trong những người đã chỉ điểm Reiss cho NKVD, là bịa đặt hoàn toàn. Efron làm việc cho NKVD ở Paris, không nắm được tin tức gì về Reiss.

    Một trường hợp khác cũng đòi hỏi sự đánh giá, liên quan đến Agabekov. Vào những năm 20 Agabekov là phụ trách điệp viên NKVD ở Stambul. Ông ta trở thành kẻ vượt tuyến do sự gần gũi với Bliumkin, người bị buộc tội có cảm tình với các quan điểm của Trotsky. Người ta cho rằng, tình yêu của ông đối với con gái của một viên tình báo Anh ở Stambul đóng trọn vai trò của mình. Thiếu tiền một cách tuyệt vọng, Agabekov đã viết và cho xuất bản hai cuốn sách ở phương Tây. Ông ta cũng dính vào các vụ buôn lậu với dân lưu vong người Kavkaz mà ông ta hứa chuyển các báu vật gia đình họ cất giấu ra khỏi Liên Xô qua đường dây buôn lậu.

    Có tin rằng Agabekov mất tích trên biên giới với Tây Ban Nha. Trong thực tế ông ta bị thủ tiêu ở Paris, khi bị lừa đến điểm hẹn, nơi ông ta dường như cần phải thoả thuận về việc bí mật chở kim cương, ngọc và kim loại quý của một gia đình giàu có người Armenia. Nhà buôn Hi Lạp, kẻ trung gian trong phi vụ mà ông ta đã gặp tại

    Antwerpen, là G. Takhtsianov - cộng sự của NKVD tại Pháp. Chính anh ta đã dụ Agabekov tới điểm hẹn, khi đánh vào tình cảm dân tộc của ông ta. Chờ ông ta trong phòng đã có một tay súng, cựu sĩ quan quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, và điệp viên trẻ tuổi Korotkov, vào những năm 40 trở thành phụ trách tình báo bí mật MGB Liên Xô.

    Người Thổ giết Agabekov bằng dao, sau đó xác ông ta bị nhét vào va li rồi vứt xuống sông. Và thế là thi thể chẳng bao giờ được phát hiện.

    Người Thổ và Korotkov còn thực hiện một vụ khủng bố năm 1938. Eil Taubman, một điệp viên trẻ với mật danh “Thiếu niên”, xuất thân từ Litva đã tìm cách lấy được lòng tin của Rudolf Klement, cầm đầu tổ chức Trôtkít tại châu Âu và là bí thư cái được gọi là Quốc tế cộng sản IV. Trong suốt một năm rưỡi Taubman là trợ lý của Klement. Có lần buổi tối Taubman mời Klement ăn tối với bạn bè của anh ta và dẫn ông kia đến căn hộ trên đại lộ Sait- Michael, nơi người Thổ và Korotkov đã chờ sẵn. Người Thổ đâm chết Klement, thi thể lại được nhét vào va li và ném xuống sông Xen. Thi thể được tìm ra và nhận dạng bởi cảnh sát Pháp, nhưng đến thời gian ấy Taubman, Korotkov và người Thổ đã ở xa Paris rồi.

    Tại Moskva huân chương đang chờ họ, còn tôi phải lo về công việc tương lai của họ. Người Thổ trở thành “ông chủ” một phòng hẹn bí mật ở Moskva, G. Takhtsianov trở thành một trong những người lãnh đạo tình báo bí mật vào những năm 40. Taubman đổi tên là Xemenov và được cử đi học ở Trường chế tạo máy Hoá chất. Sau đó anh chuyển sang phục vụ tại cơ quan an ninh.

    Cảnh tiếp gắn với số phận một trong những kẻ vượt tuyến vào những năm 30, Krivitsky. Sĩ quan tình báo quân sự Krivitsky năm 1937 bỏ chạy và xuất hiện tại Mỹ năm 1939, xuất bản cuốn sách dưới tiêu đề Tôi từng là điệp viên của Stalin. Tháng 2 năm 1941 người ta tìm thấy ông ta bị giết chết ở một khách sạn tại Washington. Người ta cho rằng ông ta bị giết bởi NKVD, dù được thông báo chính thức đó là một vụ tự sát. Thật ra, đã có kế hoạch truy tìm Krivitsky, nhưng kết cục bình thường là thế đối với những kẻ đào ngũ.

    Trong Tổng cục tình báo Hồng quân và NKVD, tất nhiên, người ta không tiếc về cái chết của ông ta, nhưng nó, theo như tôi được rõ, không do chúng tôi gây ra. Tôi cho rằng ông ta tự sát do kích động thần kinh.

    (Hết chương 2)​
     
    Chỉnh sửa cuối: 2/12/15
    tducchau and viettran_ru like this.
  11. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    [...]

    CHƯƠNG 3

    NHỮNG CUỘC THANH TRỪNG CHÍNH TRỊ
    1934 - 1939

    1. Vụ sát hại Kirov. Huyền thoại và đầu cơ chính trị

    Khi một kẻ vượt tuyến hay ai đó trong số chính khách chết, ngay lập tức người ta đưa những giả thiết khác nhau nhất. Nguyên nhân tự nhiên nhất của cái chết hay môtíp được lý giải logic của vụ giết người thường vẫn bị chôn vùi dưới những tầng dối trá vì bị che đậy và âm mưu thanh toán lẫn nhau.

    Thí dụ cổ điển trong quan hệ này là cái chết của Kirov, nhà lãnh đạo Đảng ở Leningrad, bị giết năm 1934.

    Kirov bị giết bởi Nikolaev. Vợ của Nikolaev, Milda Draule, là người phục vụ trong ban thư ký của Kirov ở Xmolnưi. Dĩ nhiên, đội bảo vệ cho Nikolaev vào Xmolnưi nhờ thẻ Đảng. Nhân thể nói thêm, dùng thẻ Đảng có thể đi vào bất cứ cấp bậc nào của Đảng, trừ BCH ĐCS Liên Xô (bolsevich). Ở Xmolnưi, cũng như ở các cơ quan tỉnh uỷ khác, không có hệ thống thẻ ra vào đối với các đảng viên, và Nikolaev chỉ cần chìa thẻ Đảng của mình là lọt vào được nơi kẻ lạ bị cấm.

    Từ cô vợ làm việc ở NKVD trong bộ phận chuyên trách các vấn đề tư tưởng và văn hoá vào những năm 1933 - 1935 (nhóm của cô ta, phụ trách Nhà hát lớn và nhà hát opera và ba lê Leningrad về sau mang tên Nhà hát X.M. Kirov), tôi biết rằng Kirov rất yêu phụ nữ, và ông có nhiều tình nhân ở Nhà hát lớn và Nhà hát Leningrad. Sau vụ sát hại Kirov, Phòng NKVD đã làm sáng tỏ một cách chi tiết các quan hệ gần gũi của ông với các nữ nghệ sĩ.). Milda Draule phục vụ tại mấy buổi chiêu đãi của Kirov. Người phụ nữ trẻ quyến rũ này là một trong những “bạn gái” của ông. Chồng cô ta Nikolaev nổi bật bởi tính cách khó gần, đã gây sự với lãnh đạo và kết quả là bị khai trừ khỏi Đảng. Qua vợ mình, y cầu xin sự giúp đỡ của Kirov, và ông tác động việc phục hồi Đảng của y và thu xếp cho y làm việc ở quận uỷ. Milda định đưa đơn ly dị, và ông chồng ghen tuông đã giết “đối thủ”. Vụ giết người này bị Stalin lợi dụng tối đa để tiêu diệt các đối thủ của mình. Cái được gọi là âm mưu của bọn Trốtkít mà nạn nhân là Kirov, ngay từ đầu đã được chính Stalin dựng nên. Stalin, và sau đó là Khrusev và Gorbachov, xuất phát từ các quyền lợi riêng và mong làm lãng sự chú ý khỏi những thất bại của sự lãnh đạo đất nước, cố giữ thanh danh Kirov như một hiệp sĩ can trường và trong sạch. ĐCS đòi hỏi các thành viên của mình không tì vết trong đời tư, không thể tuyên cáo rùm beng rằng một trong những trụ cột của nó, nhà lãnh đạo tổ chức Đảng ở Leningrad, trong thực tế lại mắc vào quan hệ với những phụ nữ có chồng.

    Các giả thiết chính thức được đăng trên báo chí, tự thân là sự bịa đặt từ đầu đến cuối. Giả thiết của Stalin nằm ở chỗ là các nhà lãnh đạo NKVD Leningrad Medved và Zaporojets theo lệnh của Trotsky đã giúp Nikolaev. Đối với Stalin cái chết của Kirov tạo nên một huyền thoại tiện lợi về một âm mưu bí mật, điều cho phép ông đổ sự thanh trừng xuống đầu kẻ thù và đối thủ của mình. Giả thiết của Khrusev là thế này: Nikolaev giết Kirov nhờ sự trợ giúp của Medved và Zaporojets theo lệnh Stalin. Nhưng các tài liệu chỉ ra rằng, Zaporojets bị xem là nhân vật chủ chốt trong số kẻ âm mưu và dường như liên hệ với Nikolaev theo tuyến NKVD, vào thời gian ấy bị gãy chân và đang chữa trị tại Krưm. Nảy ra câu hỏi: có thể nào một trong số nhà lãnh đạo chuẩn bị cuộc mưu loạn, lại vắng mặt lâu đến thế vào thời kỳ quyết định các sự kiện bi thảm?

    Khrusev, nhấn mạnh sự kiện rằng nhiều nhà lãnh đạo Đảng nài Kirov tranh cử chức Tổng bí thư tại đại hội Đảng lần thứ XVII, buộc tội Stalin trong việc Stalin đã quyết định thủ tiêu Kirov khi biết về phái đối lập này. Đối với Khrusev một giả thiết như thế cho khả năng trình thêm một lời buộc tội trong danh mục dài dằng dặc những tội ác của Stalin. Không hề tồn tại các tài liệu và chứng cứ khẳng định sự liên đới của Stalin hay bộ máy NKVD tới vụ sát hại Kirov. Kirov không là kẻ cạnh tranh của Stalin. Ông là một trong những người theo Stalin kiên định, đóng vai trò tích cực trong cuộc đấu tranh với chủ nghĩa xét lại trong Đảng, không khoan nhượng với bọn xét lại và về mặt này không hề có chút khác biệt nào với những chiến hữu khác của Stalin.

    Giả thiết của Khrusev sau này được khuyến khích và thừa nhận bởi Gorbachov như một bộ phận của chiến dịch chống Stalin. Che giấu các sự kiện đích thực, các nhà lãnh đạo mưu toan cứu vớt thanh danh của ĐCS, tìm những nhân vật có tiếng trong Đảng bị coi là đối nghịch với lãnh tụ. Được tạo ra huyền thoại về hạt nhân ở BCHTƯ đứng đầu là Kirov đã đối kháng với Stalin và những người chung chí hướng của ông.

    Toàn bộ gia đình Nikolaev, Milda Draule và mẹ cô, bị xử bắn sau vụ mưu sát hai hoặc ba tháng. Milda và gia đình cô, những nạn nhân vô tội của sự chuyên chế, không được minh oan trước 30 - 12 - 1990, khi vụ án của họ nổi lên trên mặt báo chí Xô viết. Các quan chức cao cấp NKVD, đặc biệt là những người biết rõ về đời tư của Kirov, thừa biết: nguyên do vụ sát hại ông là sự ghen tuông của ông chồng bị lừa dối. Nhưng không ai trong số họ dám cả gan nói về điều đó, bởi nhẽ giả thiết về âm mưu chống Đảng do chính Stalin đưa ra và phản bác nó là vô cùng nguy hiểm. Trước cái chết của Kirov, không hiếm khi có thể bắt gặp Stalin trên phố Arbat có Vlaxich - chỉ huy cận vệ và hai vệ sĩ, tháp tùng, ông thường ghé thăm nhà thơ Demian Bednưi, đôi khi thăm người quen sống trong các chung cư. Các nhân viên NKVD và cựu chiến binh có huy hiệu “Nhân viên Treka danh dự” trên đó vẽ thanh chắn và lưỡi kiếm, và chứng chỉ về nó, có thể đến Lubianka không bị ngăn trở; họ có quyền đi lại khắp nơi, trừ các nhà tù. Toàn bộ hệ thống này bị thay đổi không chậm trễ: vụ sát hại Kirov là cái lý để siết chặt sự kiểm soát mà chẳng bao giờ bị nới lỏng thêm nữa.

    Sự đầu cơ nhân cái cái chết của Kirov vẫn tiếp diễn vào những năm 60. Tôi nhớ những lá thư nặc danh khẳng định rằng, kẻ sát nhân đích thực đã kịp tẩu thoát. Dmitri Efimov, Bộ trưởng an ninh Latvia vào những năm 40, sau chiến tranh đã kể với tôi là đã nhận được lệnh tìm kiếm kẻ giết Kirov, đâu như ẩn nấp tại một thị trấn nhỏ của Litva. Các nhân viên của ông ta đã tìm ra được tác giả của bức thư nặc danh, vốn trở thành tín hiệu cho các vụ kiếm tìm. Gã là một kẻ say rượu. Thế nhưng sự điều tra đã được tiến hành dưới sự giám sát trực tiếp của Ban thanh tra Đảng trực thuộc BCHTƯ ĐCS Liên Xô.

    Kết luận của Ban kiểm tra TƯ về cái chết của Kirov vẫn không được đăng báo. Chỉ sau khi vào tháng 7 - 1990 uỷ ban nổi tiếng về thanh trừng bị giải tán, Viện Công tố đã chuyển bản phản đối giám sát lên Toà án Tối cao Liên Xô đề nghị minh oan cho các thành viên gia đình Nikolaev. Vụ án chỉ khép lại vào ngày 30 tháng 12 1990, khi tất cả các thành viên của gia đình Nikolaev được minh oan chính thức bởi Toà án Tối cao Liên Xô, Quyết định của toà ghi nhận rằng không có một âm mưu nào cả với mục đích sát hại Kirov và tất cả “đồng lõa” của Nikolaev đơn giản là những người quen của Kirov hay nhân chứng những vụ ăn chơi của ông ta.

    Nhưng thậm chí lúc ấy, với hệ thống này cái gọi là quốc gia pháp quyền, cả Medved lẫn Zaporojets đều không được minh oan từ họ không được xóa bỏ những lời buộc tội phản quốc, trong đó có âm mưu sát hại Kirov và hợp tác với tình báo Đức và Latvia. Nguyên do là đâu? Viện Công tố đơn giản là sợ đưa vấn đề này ra, bởi Medved và Zaporojets bị xem là có tội trong các cuộc thanh trừng được tiến hành vào giai đoạn đầu các các vụ thanh lọc của Stalin.

    Trong các nhà sử học của Đảng từ lâu ngự trị cái quan niệm rằng tình sử của Milda Draule với Kirov đã kết thúc bằng sự ghen tuông của chồng cô ta, Nikolaev, nổi tiếng về và tính gây gổ nóng nảy. Nếu công bố, sẽ trình ra trước dư luận một bức tranh không đẹp về cuộc đời tư Kirov và chính điều đó huỷ hoại nguyên lý thiêng liêng của Đảng - không bao giờ hé mở bức màn bí mật về đời của các uỷ viên Bộ Chính trị và không đào bới đống áo quần bẩn của họ.

    Ngày 4- 11- 1990 báo “Sự thật” đăng những tài liệu mới của KGB và Viện Công tố về vụ án Kirov, trong đó khẳng định rằng vụ sát hại ông ta có tính chất thuần tuý cá nhân, dù không thổ lộ các chi tiết và mục đích của tội phạm. Tờ Sự thật thậm chí không nhắc đến tên Milda Draule. Trong ấn phẩm chứa đựng lời buộc tội quy cho Iakovlev đã từ bở chức vụ chủ tịch ban thanh tra của Đảng có nhiệm vụ điều tra các vụ thanh trừng của Stalin, người dường như kìm hãm việc minh oan cho gia đình Nikolaev và những người vô tội bị khép đã tham gia vào âm mưu.

    Iakolev nổi giận đã đáp lại cũng thông qua tờ báo ấy (số ra ngày 28 - 1 - 1991), cho đến giờ ông ta vẫn tin vào sự tồn tại của âm mưu giết Kirov và một số giả thiết là vụ mưu sát này được dự tính như thế nào. Đồng thời Iakovlev không nhắc tới cả Milda Draule lẫn về cái có vẻ là ý đồ đưa Kirov thay thế Stalin làm Tổng bí thư tại đại hội Đảng lần thứ XVII.

    Trong cuốn sách Stalin: chiến tích và bi kịch Dmitri Volkogonov viện tới những tin đồn về tình sử của Milda Draule với Kirov, nhưng bác bỏ chúng như những lời vu khống. Các tài liệu chỉ ra các quan hệ đặc biệt giữa Milda Draule với Kirov mà chúng tôi biết được từ vợ tôi và tướng Raikhman, lúc ấy là lãnh đạo phản gián tại Leningrad, có trong các tin tức từ các chỉ điểm viên NKVD trong Nhà hát Leningrad. Các nữ diễn viên ba lê trong số tình nhân của Kirov cho Draule là đối thủ và không thể hiện sự kiềm chế đúng mực trong những lời nói của mình, đã bị tống vào trại tập trung vì “sự vu khống và tuyên truyền phản Xô viết”... Tên Kirov và ký ức về ông là thiêng liêng. Trong mắt nhân dân, Kirov là mẫu mực về một nhà bolsevich cứng rắn, người trung thành vói Stalin và, tất nhiên thôi, chỉ kẻ thù mới có thể giết chết một con người như thế. Lúc ấy tôi không một phút giây ngờ vực vào sự cấp thiết bảo vệ hình tượng của Đảng cầm quyền và không hé lộ các sự kiện đích thực liên can đến vụ sát hại Kirov.

    Chúng tôi, những chiến sĩ Treka, một cách không chính thức được gọi là những người nhận về mình vai trò thợ phụ việc của cách mạng, nhưng dẫu sao cũng trải qua những tình cảm mâu thuẫn khác nhau nhất. Vào những ngày ấy tôi thành thực tin - và đến giờ vẫn tiếp tục tin, - rằng Zinoviev, Kamenev, Trotsky và Bukharin là kẻ thù thực sự của Stalin. Trong phạm vi của hệ thống độc tôn mà họ là một bộ phận, cuộc đấu tranh với Stalin có nghĩa là sự đối kháng với hệ thống Đảng - nhà nước. Xem họ như những kẻ thù của chúng ta, tôi không thể có một sự đồng cảm nào đối với họ. Vậy nên tôi mới có cảm giác rằng nếu những lời buộc tội đưa ra chống lại họ, có phóng đại đi nữa, thì điều đó cũng chỉ là vặt vãnh. Vốn là người cộng sản theo lý tưởng, tôi nhận thức quá chậm toàn bộ tính quan trọng của các vụ việc “vặt vãnh” kiểu này và vẫn tiếc nuối mình đã không đúng.

    Một cách có ý thức hay không, nhưng chúng tôi đã cho phép lôi kéo bản thân vào công việc của bộ máy thanh trừng khổng lồ, và mỗi một người chúng tôi có nghĩa vụ ăn năn vì những khổ đau của những người vô tội. Các quy mô những cuộc thanh trừng này làm tôi khiếp sợ. Hôm nay khi đưa ra sự đánh giá lịch sử đối với thời ấy, thời những cuộc thanh trừng hàng loạt - mà nó động đến cả quân đội, giới nông dân và công chức, - tôi nghĩ chúng có thể tương tự những vụ tàn sát được thực hiện dưới thời cai trị của Ivan Groznưi và Piotr Đệ nhất. Không vô cớ người ta gọi Stalin là Ivan Groznưi thế kỷ XX. Thật bi thảm là đất nước ta có những truyền thống quá tàn khốc như vậy.

    Stalin nhào nặn vụ án Kirov cho các quyền lợi cá nhân, và “âm mưu" chống Kirov được ông thổi phồng thật khéo. Ông ngụy tạo “vụ âm mưu to lớn” không chỉ chống Kirov, mà còn là chống lại chính ông. Vụ sát hại Kirov ông biết cách lợi dụng để dọn đi những kẻ mà ông nghi ngờ là những đối thủ tiềm năng hay những người đối lập công khai, điều mà ông đơn giản là không thể chịu đựng nổi. Thoạt đầu rơi vào số “những kẻ mưu phản” là những người quen của Nikolaev, sau đó - gia đình Draule, sau nữa đến lượt Zinoviev và Kamenev, ban đầu bị qui trách nhiệm đạo đức vì vụ giết người, còn sau nữa bị buộc là tổ chức trực tiếp nó. Các đồng nghiệp và người quen của Nikolaev bị liệt vào phái chống đối Zinoviev. Sau đó Stalin quyết định thoát khỏi Iagoda và những nhân vật có chức tước biết được sự thật. Họ cũng bị lôi kéo vào “cuộc mưu phản” và bị tiêu diệt. Muộn hơn người ta biến Iagoda thành nhà tổ chức chủ chốt vụ sát hại Kirov, và như Raikhman kể với tôi, Stalin, sợ bại lộ các môtíp riêng tư “sự trả thù” của Nikolaev, thậm chí đã ra lệnh theo dõi bà vợ góa của Kirov cho đến chết.

    Trong hoàn cảnh tương tự nói sự thật về Kirov là không thể. Không ai ở bậc cao quyền lực có thể cản trở, Stalin lợi dụng vụ sát hại này vào các mục đích của mình. Về sau vụ án Kirov bị ỉm đi vì lợi ích chính trị hay bị lợi dụng nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của xã hội tới tình trạng kinh tế và chính trị bị xấu đi. Mỗi đợt điều tra mới, tuân theo các đòi hỏi chính trị, chỉ đẻ thêm sự dối trá, càng làm khó hơn cho các thế hệ tương lai khả năng tái lập lại các sự kiện đích thực. Tôi tin chắc: vụ sát hại Kirov là hành vi trả thù cá nhân, nhưng đưa ra công luận sự kiện này - có nghĩa là có hại cho Đảng vốn là công cụ của quyền lực và mẫu mực của đạo lý cao cả đối với những người dân Xô viết.

    [...]
     
    Chỉnh sửa cuối: 2/12/15
    viettran_ru and tducchau like this.
  12. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    [...]

    2. Các vụ thanh trừng trong NKVD

    Năm 1938 bầu không khí thấm đẫm nỗi hoảng loạn, trong nó cảm thấy gì đó báo điềm dữ. Spigelglaz, phó phụ trách tình báo ngoài nước của NKVD, ngày càng trở nên cau có hơn. Ông bỏ thói quen nghỉ ngày chủ nhật. Tháng 9 thư ký của Ejov lúc đó là người đứng đầu NKVD, tự tử trên chiếc thuyền khi bơi trên sông Moskva. Điều đó đối với chúng tôi là sự bất ngờ hoàn toàn. Nhanh chóng xuất hiện lệnh bắt giữ người dù không có chữ ký của Beria, phó thứ nhất của Ejov. Có tin đồn, rằng Beria gọi Ejov một cách thân mật là “Ejic của tôi” (con nhím) và thường có thói quen vỗ vào lưng ông ta, thế nhưng kiểu xử sự bằng hữu đó đơn giản chỉ là phô trương. Tại Lubiaka mọi người trở nên kìm chế và né tránh các cuộc trò chuyện bất kỳ. Trong NKVD có một ban kiểm tra đặc biệt từ BCHTƯ đến làm việc.

    Các sự kiện sau đó vẫn còn đậm nét đối với tôi. Đã là tháng 11, ngay trước những ngày kỷ niệm tháng Mười. Và lúc bốn giờ sáng hồi chuông điện thoại dai dẳng đã đánh thức tôi: Kozlov, phụ trách ban thư ký Cục đối ngoại, gọi đến. Giọng nói vẻ nghiêm trọng, nhưng trong đó ẩn chứa sự hồi hộp khác thường.

    - Pavel Anatolievich này, - tôi nghe thấy, - đồng chí Merkulov phó thứ nhất Tổng cục an ninh gọi gấp anh đấy. Xe đang đợi anh. Hãy đến một cách nhanh nhất. Spigelglaz và Paxxov vừa bị bắt.

    Vợ tôi cực kỳ lo lắng. Tôi cho là đã đến lượt tôi.

    Tại Lubianka chính Kozlov đón tôi và dẫn vào văn phòng Merkulov. Ông kia chào tôi với phong thái trầm tĩnh, lịch thiệp thông thường và đề nghị đi tới chỗ Beria. Thần kinh của tôi căng thẳng tột độ. Tôi tưởng tượng người ta sẽ hỏi tôi thế nào về các quan hệ của tôi với Spigelglaz. Nhưng thực kinh ngạc, Beria không thẩm vấn gì tôi cả. Bằng giọng điệu khá nghiêm chỉnh ông ta giải thích rằng Paxxov và Spigelglaz bị bắt vì lừa dối Đảng và rằng tôi phải không chậm trễ bắt tay vào thực hiện trách nhiệm Cục trưởng Cục đối ngoại. Tôi sẽ phải báo cáo trực tiếp với ông ta về tất cả các vấn để khẩn cấp nhất. Đáp lại tôi nói rằng văn phòng của Paxxov bị niêm phong và tôi không thể đi vào đó được.

    - Hãy gỡ ngay niêm phong, và hãy nhớ: đừng làm rối đầu tôi bằng chuyện vớ vẩn như thế. Anh không còn là chú học trò để hỏi những câu trẻ con.

    Sau mười phút tôi đã phân loại các tài liệu trong két sắt của Paxxov. Một số đơn giản là gây sửng sốt. Thí dụ, thông tin về Heifets phụ trách tình báo ở Italia. Nó nói đến các mối liên hệ vối các phần tử có vấn đề trong Quốc tế cộng sản nơi ông kia một thời từng làm việc. Nó cho thấy cả tính chất đáng ngờ của những mối tiếp xúc của ông với những những người tốt nghiệp trường đại học Bách khoa ở Ien (Đức) năm 1926. Đến giờ tôi vẫn nhớ chỉ thị của Ejov trên tài liệu: “Gọi về Moskva. Bắt ngay không chậm trễ”.

    Tài liệu tiếp theo - đơn gửi BCHTƯ ĐCS Liên Xô và Đoàn chủ tịch Xô viết Tối cao về việc tặng thưởng tôi, Xudoplatov Pavel Anatolievich, huân chương Cờ đỏ vì hoàn thành nhiệm vụ quan trọng ở nước ngoài vào tháng 5 năm 1938 do Ejov ký. Cũng ở đây có lệnh chưa được ký bổ nhiệm tôi là trợ lý Cục trưởng Cục đối ngoại. Tôi đem các tài liệu này cho Merkulov. Mỉm cười, ông ta xé chúng ngay trước mặt tôi và ném vào giỏ đựng rác, điều làm tôi không ít ngạc nhiên. Tôi im lặng nhưng trong lòng hơi phật ý - tôi được đề nghị tặng thưởng vì đích thực tôi đã mạo hiểm sự sống, thực thi một nhiệm vụ nguy hiểm. Vào thời điểm đó tôi chưa hiểu tôi đã gặp may đến đâu: nếu lệnh về sự bổ nhiệm tôi được ký, thì một cách tự động phù hợp với Nghị định của BCHTƯ ĐCS Liên Xô, tôi hẳn sẽ bị bắt như một cán bộ lãnh đạo tác chiến của bộ máy NKVD bị coi là có vấn đề về chính trị.

    Lúc sau trong văn phòng của tôi, điện thoại réo. Đó là Kixelev, trợ lý của Malenkov ở BCHTƯ. Ông ta bực tức khiển trách tôi vì chậm chuyển giao các phương tiện từ quỹ đặc biệt dành để tài trợ các chiến dịch bí mật của Quốc tế cộng sản tại Tây Âu. Ông ta còn nổi cơn thịnh nộ hơn bởi tại hội nghị của uỷ ban Tây Ban Nha tại BCHTƯ đã không có đại diện của NKVD. Tôi cố giải thích với ông ta rằng tôi không biết quỹ nào cả và không rõ ai chính là người chuyên trách chuyển giao chúng. “Còn tại cuộc họp ở BCHTƯ, - tôi nói, - NKVD vì Paxxov và phó của ông ta vừa bị bắt như những kẻ thù của nhân dân”. Tôi nói thêm rằng tôi vừa tiếp nhận trách nhiệm hai giờ trước đấy. Kixelev vứt ống nói.

    Qua ba tuần thừa hành chức Cục trưởng tôi có thể biết rõ cấu trúc và tổ chức việc tiến hành các chiến dịch tình báo ở nước ngoài. Trong khuôn khổ NKVD tồn tại hai phân đội chuyên trách tình báo ở ngoài nước. Đó là Cục đối ngoại mà lúc đầu lãnh đạo là Trilixxer, sau đó là Artuzov, Xlutsky và Paxxov. Nhiệm vụ của Cục - thu thập cho Trung tâm tin tình báo trên các kênh công khai (qua các cán bộ chúng ta có vỏ bọc ngoại giao hay làm việc tại các văn phòng đại diện thương mại ở ngoài nước), và các kênh bí mật. Đặc biệt quan trọng là các tin tức về hoạt động của các chính phủ và các hãng tư bí mật chi tài chính cho hoạt động phá hoại của bọn Nga lưu vong và các sĩ quan bạch vệ ở các nước châu Âu và Trung Quốc. Cục đối ngoại được phân chia theo địa lý, và cũng kể cả các ban chuyên thu thập tin tình báo về khoa học kỹ thuật và kinh tế. Các phòng này tổng hợp tài liệu đến từ các mạng điệp viên ớ nước ngoài. Ưu thế các kênh bí mật là hoàn toàn tự nhiên, bởi ở nước ngoài lúc ấy chưa có nhiều các tổ chức thương mại và ngoại giao. Vì thế mà các kênh bí mật là vô cùng quan trọng.

    Đồng thời tồn tại một cơ quan tình báo khác - Nhóm đặc biệt trực thuộc Bộ trưởng Bộ Nội vụ và được ngụy trang kín đáo. Trong nhiệm vụ của nó có sự tạo lập mạng lưới dự bị các điệp viên mật để tiến hành các chiến dịch phá hoại trong hậu phương kẻ thù ở Tây Âu, Cận Đông, Trung Quốc và Mỹ trong trường hợp có chiến tranh. Lưu ý tính chất công việc, Nhóm đặc biệt không có các cộng sự của mình trong các tổ chức thương mại và ngoại giao ở nước ngoài. Bộ máy của nó gồm hai mươi cán bộ tác chiến chịu trách nhiệm điều phối hoạt động của mạng điệp viên ngoài nước. Tất cả các cán bộ còn lại hoạt động ở nước ngoài với tư cách điệp viên mật. Vào thời gian tôi đang nói đến, số điệp viên như thế có khoảng sáu mươi người. Chả bao lâu tôi rõ rằng ban lãnh đạo NKVD có thể theo sự lựa chọn của mình sử dụng lực lượng và phương tiện của Cục đối ngoại và Nhóm đặc biệt để tiến hành những chiến dịch đặc biệt quan trọng trong đó có việc phá hoại và thủ tiêu các đối thủ của Liên Xô ở nước ngoài.

    Nhóm đặc biệt đôi khi được gọi là “Nhóm Iasư”, bởi vì hơn mười năm do Iakov Xerebrianxky lãnh đạo. Chính người của ông đã tổ chức bắt cóc tướng Kutepov, thủ lĩnh ROVX bạch vệ tại Paris năm 1930. Trước cách mạng Xerebrianxky là đảng viên đảng Eser. Ông tham gia vào việc thủ tiêu các quan chức bảo vệ đã tổ chức những cuộc cướp bóc người Do Thái ở Mogilev (Beloruxia). “Nhóm Iasư” tạo lập một mạng lưới điệp viên hùng hậu vào những năm 20 - 30 tại Pháp, Đức, Palestine, Mỹ và vùng Scandinavia. Họ trưng dụng các điệp viên trong số người hoạt động bí mật của Quốc tế cộng sản, những người không tham gia các hoạt động tuyên tuyền và danh hiệu đảng viên của họ trong các ĐCS các nước được giữ kín. Nhóm của Xerebrianxky tỏ ra xuất sắc trong các vụ chuyên chở máy bay mới nhất từ Pháp sang cộng hoà Tây Ban Nha năm 1937. Tháng 11 năm 1938 Xerebrianxky nằm trong số các nhà lãnh đạo NKVD bị bắt giam - ông bị kết án tử hình, nhưng người ta không bắn chết. Năm 1941, sau khi chiến tranh nổ ra, ông được tha và theo sáng kiến của tôi trở thành trưởng phòng chuyên trách chiêu nạp điệp viên cài cắm lâu dài tại các nước Tây Âu và Mỹ.

    Năm 1946 Abakumov được bổ nhiệm làm bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia, và Xerebrianxky buộc phải nghỉ hưu, bởi vì năm 1938 chính Abakumov xử lý vụ án của ông và, dùng những cực hình dã man, đã lấy lời cung khai giả dối. Lẽ tự nhiên, Xerebrianxky không thể ở lại nơi công tác với vị bộ trưởng mới đến. Ông nghỉ với hàm đại tá và nhận lương hưu. Sau cái chết của Stalin người ta đưa ông trở lại làm việc và bổ nhiệm làm một trong số phó của tôi liên quan với kế hoạch mở rộng các chiến dịch tình báo - phá hoại. Đó là thời Beria, vào tháng 4 năm 1953, còn vào tháng 10 cùng năm ông bị bắt cùng với vợ lần thứ hai - giờ đây ông bị khép tội tham gia vào cái gọi là âm mưu của Beria với mục đích sát hại các thành viên Đoàn chủ tịch BCHTƯ đảng. Ông mất trong tù năm 1956 trong thời gian hỏi cung và được minh oan năm 1971, khi Andropov biết về số phận Xerebrianxky trong lúc chuẩn bị cuốn sách đầu tiên về lịch sử ngành tình báo Xô viết mà người ta bắt đầu viết theo chỉ thị của ông.

    Chỉ đến năm 1963 tôi mới biết cái gì đích thực đứng đăng sau các sự sắp xếp lại tổng thể và thanh trừng trong hàng ngũ NKVD vào những tháng cuối năm 1938. Mamulov và Liudvigov phụ trách ban thư ký của Beria - họ đã cùng với tôi ngồi trong nhà tù Vladimir - đã kể với tôi sự thật trọn vẹn về các sự kiện này, cái sự thật không bao giờ được đưa ra công chúng. Đã được tung ra như thế nào cái điều giả dối mở đường cho chiến dịch chống Ejov và những người cùng làm việc vối ông ta. Được Beria xúi bẩy, hai lãnh đạo công an tỉnh từ Iaroxlav và Kazakxtan đã gửi thư tới Stalin tháng 10 - 1938, khẳng định rằng dường như trong các cuộc trò chuyện vối họ, Ejov đã hàm ý nói đến các cuộc bắt bó sắp tới các thành viên ban lãnh đạo Xô viết ngay trước những ngày lễ tháng Mười. Hành động bôi xấu Ejov đã được triển khai thành công. Sau mấy tuần Ejov bị buộc tội âm mưu có mục đích phế bỏ chính phủ hợp pháp. Bộ Chính trị phê chuẩn nghị định đặc biệt trong đó những nhân vật lãnh đạo cao cấp nhất của NKVD bị tuyên bố là “không đáng tin cậy về chính trị”. Điều đó dẫn tối sự bắt bớ hàng loạt lãnh đạo của các cơ quan an ninh, và tôi đích thực là gặp may khi lệnh của Ejov thăng cấp cho tôi còn chưa ký nằm trong két của Paxxov.

    Tháng 12- 1939 Beria chính thức nắm dây cương điều hành NKVD, còn Dekanozov trở thành Cục trưởng Cục đối ngoại. Ông ta có kinh nghiệm làm việc tại GPU Azerbaizan thời Beria với tư cách một tay cung ứng. Muộn hơn tại Gruzia Dakanozov là bộ trưởng Bộ công nghiệp thực phẩm nơi ông ta nổi danh bởi sự xa hoa thái quá. Bàn giao công việc, tôi như quyền Cục trưởng, giải thích cho ông ta một số điểm đặc biệt của mạng tình báo tại Tây Âu, Mỹ và Trung Quốc. Nhưng Dekanozov không nghe hết lời tôi, đã ra lệnh để tôi theo dõi đồ vật của Orlov bỏ trốn, những thứ đang được chuyển từ Barcelona về Moskva. Tôi cần đem chúng vào văn phòng của ông ta - ông ta muốn tự mình xem xét chúng.

    Sang ngày hôm sau Beria giới thiệu Dekanozov với các cán bộ cơ quan tình báo. Bằng giọng điệu khắc nghiệt Beria báo về sự thành lập một ủy ban đặc biệt đứng đầu là Dekanozov kiểm tra tất cả các cán bộ tác chiến của ngành tình báo. Ủy ban phải làm sáng tỏ, những kẻ phản bội và lừa dối BCHTƯ Đảng bị vạch trần như thế nào. Beria tuyên bố bổ nhiệm Garanin, Fitin, Leonenko và Liagin. Ông cũng nhấn mạnh rằng tất cả các nhân viên còn lại sẽ được kiểm tra kỹ. Những người lãnh đạo mới đến ngành tình báo theo sự chọn lựa của đảng. BCHTƯ bổ sung hàng ngũ NKVD các thành viên tích cực của đảng và những người tốt nghiệp Học viện quân sự mang tên Frunze. Tôi thì bị hạ cấp thành phó phòng Tây Ban Nha. Bằng cách tương tự người ta xử sự với các cựu binh khác của ngành tình báo, những người cũng bị hạ cấp làm trợ lý các phòng.

    Trò chuyện với từng cán bộ có mặt trong buổi gặp, Beria cố để biết được anh ta có là điệp viên hai mang hay không, và nói rằng hiện giờ tất cả đều nằm trong sự nghi vấn. Vợ tôi là một trong bốn phụ nữ - cán bộ cơ quan tình báo. Nhìn cô bằng ánh mắt xấc xược, Beria hỏi, cô là ai: người Đức hay người Ucraina. “Người Do Thái”, - thật sửng sốt cho Beria, vợ tôi đáp. Từ chính ngày đó cô thường xuyên cảnh báo tôi, để tôi dè chừng Beria. Tiên liệu rằng nhà tôi có thể bị nghe trộm, cô nghĩ ra một mật danh để chúng tôi không nhắc đến tên ông trong các câu chuyện của mình ở nhà. Cô gọi ông là công tước Sadiman theo tên nhân vật tiểu thuyết của Antonovxcaia “Mouravia vĩ đại” người đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh giành quyền lực giữa các lãnh chúa Gruzia. Sự nhìn xa trông rộng của vợ tôi liên quan đến sô phận Beria và những lời khuyến cáo tránh xa Beria và giới thân cận của ông ta hóa ra là tiên tri.

    Tiếp đó là cuộc họp đảng - đó là giai đoạn kế tiếp của chiến dịch. Trên cuộc họp một đồng nghiệp mà tôi biết từ thời ở Kharkov, Gukaxov, người Armenia, bất ngờ đề đạt đảng bộ xem xét các mối liên hệ đáng ngờ của tôi. Anh ta nói rằng tôi được kẻ thù của nhân dân Balitsky chuyển về Moskava. Anh ta cũng buộc tội tôi có quan hệ vói những kẻ thù khác của nhân dân mới đây bị vạch trần là Spigelglaz, Raixa Xobol và chồng của cô, Revzin, điệp viên của chúng tôi ở Trung Quốc, nổi tiếng bởi những lời sắc sảo độc địa về việc thực hiện các kế hoạch năm năm.

    Đảng bộ lập một uỷ ban về vụ việc của tôi. Một trong số người quen của tôi, Gexxelberg, cán bộ Cục đối ngoại, một bậc thầy xuất sắc về ảnh chân dung (anh chịu trách nhiệm các phóng viên chụp ảnh Stalin), đặt những câu hỏi ngu xuẩn nhất và khẳng định rằng tôi đang tự vệ như một “kẻ tay sai Trotsky tiêu biểu”.

    Tôi không giữ ác tâm cả với Gukacov lẫn vói Gexxelberg. Ba năm sau Gukaxov vốn là lãnh sự Xô viết tại Paris, tỉnh dậy khi bọn Gestapo tấn công chiếm toà nhà nơi anh ta đang ở. Nữ nhân viên mật mã Marina Xirokina bắt đầu đốt các cuốn sách mã khoá, còn khi một trong số tên Gestapo giật từ trên tường bức chân dung Stalin, Gukaxov đã lợi dụng điều đó như nguyên cớ để bắt đầu một cuộc ẩu đả. Anh ta bị đánh tàn nhẫn, nhưng với ngần ấy thời gian đủ để các mật mã được tiêu huỷ. Bọn Đức áp giải Gukaxov sang Thổ Nhĩ Kỳ để trao đổi lấy những nhân viên ngoại giao Đức tại Moskva. Sau này Gukaxov được giao phụ trách phòng thẩm tra hồi hương và dân lưu vong. Anh ta mất ở Moskva năm 1956.

    Gexxeberg chuẩn bị đề án quyết định của đảng bộ do Dekanozov đọc cho. Trong đó đề nghị khai trừ tôi khỏi hàng ngũ ĐCS vì sự liên hệ với các kẻ thù của nhân dân và sự không tố giác Spigelglaz. Đặc biệt là trong tài liệu này Xlutsky, dù ông mất vào tháng 2 năm 1938 và được mai táng với tất cả nghi lễ cần có, cũng bị quy kết như một kẻ thù của nhân dân.

    Đảng uỷ tiếp nhận quyết định này với một phiếu trắng. Fitin, mới được bổ nhiệm chức phó cục trưởng Cục đối ngoại, đã bỏ phiếu trắng vì theo lời ông, ông tuyệt đối không hề biết gì về tôi cả. Năm 1939 ông trở thành cục trưởng Cục Nước ngoài và chết năm 1971.

    Tháng 12- 1938 Đảng uỷ phê chuẩn quyết định khai trừ tôi. Quyết định này phải được biểu quyết trên hội nghị đảng của cơ quan tình báo, được ấn định vào tháng 1- 1939, còn tạm thời tôi vẫn đến ngồi trong văn phòng của mình không làm gì cả. Các nhân viên mới không dám tiếp xúc vói tôi, sợ phiền toái. Tôi nhớ, trưởng phòng Garanin, khi trò chuyện với phó của mình trước mặt tôi, đã chuyển sang nói thầm, e sợ là tôi có thể nghe lỏm được. Để có gì đó làm, tôi quyết định bổ sung tri thức của mình và bắt đầu nghiên cứu các vụ án từ hồ sơ lưu trữ trong khi chờ đợi số phận.

    Tôi cảm thấy mình bị đè bẹp. Vợ cũng lo lắng, hiểu rằng mối đe dọa nghiêm trọng đang lơ lửng trên đầu chúng tôi. Chúng tôi tin chắc rằng đã có chứng cứ bôi xấu chúng tôi được ngụy tạo và ép cung chỗ các bạn chúng tôi trong thời gian điều tra. Thế nhưng tôi vẫn hi vọng rằng, bởi nhẽ tôi vẫn nổi tiếng với ban lãnh đạo NKVD như một cán bộ tận tụy, và lệnh bắt giữ tôi sẽ được huỷ bỏ.

    Khi người ta bắt các bạn chúng tôi, tất cả chúng tôi nghĩ là đã xảy ra sự nhầm lẫn. Nhưng sự xuất hiện Dekanozov lần đầu tiên cho chúng tôi hiểu đó không phải sự nhầm lẫn. Không, đó là một đường lối. Những người non kém nghiệp vụ sẽ dễ dàng thực hiện bất kỳ mệnh lệnh nào và họ được bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo. Lần đầu tiên chúng tôi lo sợ cho sự sống của mình, khi rơi vào mối đe dọa huỷ diệt bởi chính hệ thống của mình. Chính lúc đó tôi bắt đầu suy ngẫm về bản chất của hệ thống vốn đem những người phụng sự nó bằng niềm tin và sự thật làm vật hy sinh.

    Thêm một người bạn của tôi, Piotr Zubov, cũng trở thành nạn nhân và rơi vào chính cái máy xay thịt ấy. Năm 1937 anh được cử phụ trách tình báo ở Praha. Lần đầu tiên trong thòi gian phục vụ trong ngành tình báo anh làm việc dưới vỏ bọc ngoại giao. Zubov gặp gỡ với tổng thống Eduard Benes và theo chỉ thị của Stalin chuyển cho ông ta mười nghìn đôla, bởi Benes không thể dùng tiền của mình để tổ chức việc phái đi từ Tiệp Khắc sang Anh những người gần gũi và cần thiết của ông ta. Giấy biên nhận tiền được giao cho Zubov bởi thư ký tổng thống. Chính Benes bỏ chạy sang Anh năm 1938. Zubov đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chính quyền Anh và Pháp không có lấy một chút khái niệm về các mối liên hệ của chúng ta với những nhân vật rời khởi Tiệp Khắc. Một năm rưỡi sau khi Benes rời khỏi Praha, người ta gọi Zubov về Moskva và tống giam theo lệnh riêng của Stalin.

    Nguyên nhân là do Benes - thông qua Zubov - đề nghị Stalin để Liên Xô đầu tư năm 1938 cho cuộc đảo chính chống lại chính phủ Xtoiadinovich tại Nam Tư, nhằm thiết lập một chính thể quân sự và bằng cách đó làm suy yếu áp lực lên Tiệp Khắc. Benes xin tổng số 200 nghìn đôla tiền mặt cho các sĩ quan Sécbi sẽ tổ chức đảo chính. Nhận số tiền này từ Trung tâm, Zubov đi sang Belgrad để làm quen với tình hình. Khi anh tin chắc rằng các sĩ quan được nói đến, tất thẩy chỉ là một nhúm những kẻ liều lĩnh thiếu tin cậy và sẽ chẳng tính đến sự thành công nào, anh đã kinh ngạc và từ chối trả tiền tạm ứng cho họ. Quay về Praha mang theo tiền, anh báo cáo với Trung tâm. Stalin nổi cơn thịnh nộ: Zubov dám không thi hành mệnh lệnh. Stalin tự tay viết lên bức điện: “Bắt ngay lập tức” (tôi thấy bức điện này năm 1941 khi người ta cho xem vụ án Zubov).

    Và ngay đấy xảy ra một sự bất ngờ. Cuộc họp được ấn định vào tháng 1 sẽ phải phê chuẩn việc khai trừ tôi khỏi đảng, bị đình lại. Chả bao lâu Ejov bị gạt khỏi chức trách bộ trưởng và bị bắt. Như sau này tôi biết, vụ án Ejov do chính Beria và một vị phó của ông ta, Bogdan Kobulov, đảm nhiệm. Nhiều năm sau Kobulov kể với tôi rằng người ta bắt Ejov tại văn phòng Malenkov trong BCHTƯ. Khi dẫn ông ta đi xử bắn, ông ta hát “Quốc tế ca”.

    Vẫn như trước tôi cho Ejov chịu trách nhiệm về nhiều tội ác nặng nề - hơn thế, ông ta còn là một nhà lãnh đạo kém chuyên môn. Tôi tin chắc: các hành động của Stalin có một quy mô điên cuồng đến thế, nói riêng, là do Ejov tuyệt đối vô dụng trong công tác tình báo và phản gián.

    Để hiểu bản chất chủ nghĩa Ejov, cần xét đến các truyền thống chính trị của đất nước ta. Tất cả các chiến dịch chính trị trong điều kiện chuyên chính nhất thiết sẽ có quy mô kinh khủng, và Stalin có lỗi không chỉ trong các hành động được thi hành theo chỉ dẫn của ông, mà cả trong việc cho thuộc hạ mình nhân danh ông tiêu diệt tất cả những ai thành ra bất lợi cho lãnh đạo đảng ở cấp huyện và tỉnh. Các nhà lãnh đạo đảng và NKVD nhận được khả năng giải quyết thậm chí những vụ cãi vã thông thường nhất xảy ra hầu như hàng ngày bằng cách thủ tiêu bên đối lập. Tất nhiên, những ngày ấy tôi còn chưa biết tất cả, nhưng nó là đủ để lo sợ cho mạng sống của mình. Xuất phát từ logic các sự kiện, tôi chờ người ta bắt tôi vào cuối tháng 1 hoặc, cùng lắm, vào đầu tháng 2 - 1939. Hàng ngày tôi xuất hiện tại nơi làm việc và không làm gì cả - ngồi và chờ bị bắt giữ. Một ngày tháng 3 người ta cho gọi tôi vào văn phòng của Beria, và bất ngờ, tôi nghe ông trách móc, rằng hai tháng cuối tôi ăn không ngồi rồi. “Tôi thi hành mệnh lệnh nhận từ trưởng phòng ạ”, - tôi nói. Beria không cho là cần bình phẩm những lời của tôi và ra lệnh cho tôi tháp tùng ông ta đến một cuộc gặp, theo lời ông ta, rất quan trọng. Tôi cho rằng đó là cuộc gặp vói một trong những điệp viên mà chính ông ta phụ trách, tại một căn phòng bí mật. Tháng 9 năm 1939 tôi đã hai lần tháp tùng ông ta đến những vụ việc tương tự. Trong khi đó chiếc xe đưa chúng tôi vào Kremli, nơi chúng tôi đi vào qua cổng Xpaxxkye. Xe dừng trong ngõ cụt cạnh quảng trường Ivanovxcaia. Chợt tôi hiểu ra rằng Stalin sẽ tiếp tôi.

    (Hết chương 3)
     
    tducchau thích bài này.
  13. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    CHƯƠNG 4

    THỦ TIÊU TROTSKY

    1. Chiến dịch chống “Ông già”. Gặp Stalin

    Lối vào toà nhà của điện Kremli nơi Stalin làm việc tôi đã quen trong những lần đi gặp ông trước kia. Chúng tôi theo cầu thang đi lên tầng hai và đi dọc hành lang dài rải thảm đỏ vắng người, ngang qua các văn phòng với những cánh cửa cao thường chỉ thấy ở viện bảo tàng, vẫn viên sĩ quan cận vệ, từng trực ban lúc Ejov dẫn tôi tới đây, cho tôi với Beria đi qua. Giờ đây anh ta chào không phải Ejov, mà Beria: “Chúc đồng chí Beria mạnh khỏe!” Beria mở cửa và chúng tôi đi vào phòng khách lớn đến nỗi ba chiếc bàn làm việc đứng ở đó trông nhỏ xíu. Có ba người trong phòng: hai người mặc áo cùng kiểu cắt như của Stalin, và một người mặc quân phục. Chào Beria là người không cao, có vẻ gân guốc, mặc áo xanh mà giọng vang lên khe khẽ và lãnh đạm (sau đó tôi biết rằng đó là Poxkrebưsev, phụ trách ban thư ký của Stalin.) Tôi có cảm tưởng rằng sự thiếu vắng trọn vẹn các biểu hiện bề ngoài của bất cứ xúc cảm nào là nguyên tắc trong phòng này. Và đích thực, trật tự chính bất thành văn một lần và mãi mãi được Stalin và Molotov thông qua trong toà nhà này.

    Poxkrebưsev đưa chúng tôi vào văn phòng của Stalin rồi cửa đóng lại không tiếng động.

    Vào thời điểm ấy tôi vẫn trải qua những tình cảm như trong các lần gặp trước với Stalin: hồi hộp xen lẫn sự chờ đợi căng thẳng, và niềm hân hoan bao trùm lấy toàn bộ con người. Tôi có cảm giác người xung quanh có thể nghe thấy nhịp đập của tim tôi.

    Khi chúng tôi xuất hiện Stalin đứng lên từ sau bàn. Đứng ra giữa phòng, chúng tôi trao đổi bằng những cái bắt tay, và ông dùng cử chỉ mời chúng tôi ngồi xuống một chiếc bàn dài phủ nhung xanh lá cây. Bàn làm việc của chính Stalin nằm hoàn toàn gần cạnh, trong một góc văn phòng. Bằng khoé mắt tôi kịp nhận thấy rằng tất cả các cặp trên bàn của ông được xếp theo một trật tự lý tưởng, bên trên bàn làm việc - chân dung của Lenin, còn trên bức tường khác - của Mác và Ănghen. Mọi thứ trong văn phòng trông vẫn y như lần trước, khi tôi đến đây. Nhưng chính Stalin thì có vẻ khác: chăm chú, bình thản và tập trung. Nghe người đối thoại, hầu như ông suy ngẫm từng lời, giống như có một ý nghĩa đặc biệt đối với ông. Và những người cùng nói chuyện đơn giản là không thể thoáng hiện trong óc rằng con người này có thể là thiếu chân tình.

    Có như thế hay không trong thực tế? Tôi không chắc lắm. Nhưng đích thực Stalin nghe Beria với sự chú ý lớn.

    - Thưa đồng chí Stalin, - ông kia nói, - theo chỉ thị của đảng, chúng tôi đã vạch trần ban lãnh đạo tình báo nước ngoài cũ của NKVD và chặt đứt mưu toan tráo trỏ lừa dối chính phủ. Chúng tôi đề nghị bổ nhiệm đồng chí Xudoplatov phó chỉ huy tình báo nước ngoài của NKVD để giúp đỡ các cán bộ trẻ của đảng được động viên vào công tác trong các cơ quan, để hoàn thành tốt các nhiệm vụ của chính phủ ạ.

    Stalin nhíu lông mày. ông vẫn tiếp tục giữ tẩu trong tay như cũ mà không hút. Sau đó quẹt diêm (cử chỉ quen thuộc đối với tất cả những ai dù chỉ xem một tạp chí thời sự phim ảnh) và xích gạt tàn lại gần mình.

    Ông không thốt ra một lời về sự bổ nhiệm tôi, nhưng đề nghị Beria kể ngắn gọn về những phương hướng cơ bản của các chiến dịch tình báo ở nước ngoài. Trong khi Beria nói, Stalin đứng lên khỏi bàn và bắt đầu đếm bước trong văn phòng, ông di chuyên chậm rãi và hoàn toàn không tiếng động trong đôi ủng Kavkaz mềm của mình.

    Dù Stalin đi lại không ngừng, tôi có cảm tưởng ông không hề giảm sự chú ý, ngược lại, càng trở nên tập trung hơn. Những nhận xét của ông có phần khắc nghiệt không cần giấu giếm. Tính gay gắt tương tự trong thái độ đối với những người được mời đến tiếp kiến, có lẽ là một nét tiêu biểu trong hành xử của ông, là một bộ phận không tách rời khỏi cá tính Stalin - cũng y như những nốt đậu mùa trên mặt ông, tạo cho ông một vẻ khắc nghiệt.

    Theo lời Beria, tình báo nước ngoài trong những điều kiện hiện đại cần phải thay đổi hướng làm việc chính. Nhiệm vụ cơ bản của nó phải là chuẩn bị các mạng điệp viên cho chiến tranh ở châu Âu và Viễn Đông, chứ không phải là cuộc đấu tranh với giới lưu vong. Sẽ đóng vai trò to lớn hơn nhiều, ông tính, là các điệp viên của chúng ta có ảnh hưởng, tức những người từ giới làm ăn của chính phủ phương Tây và Nhật Bản, những người có thể tiếp xúc với ban lãnh đạo các nước ấy và có thể được sử dụng để đạt tới những mục đích của chúng ta trong chính sách đối ngoại. Nên tìm những người ấy trong số các nhà hoạt động của phong trào trung lập, có thái độ nhẫn nhịn đối với những người cộng sản. Đồng thời, theo ý kiến của Beria, phong trào cánh tả đang nằm trong tình trạng lộn xộn nghiêm trọng do những ý đồ của bọn Trôtkít. Bằng cách ấy chính Trotsky và những kẻ theo ông ta đã thách đấu nghiêm trọng đối với Liên Xô. Họ khao khát làm mất vị trí thủ lĩnh của phong trào cộng sản thế giới của Liên Xô. Beria đề nghị giáng một đòn quyết định vào trung tâm phong trào Trốtkít ở nước ngoài và đề cử tôi tiến hành các chiến dịch này. Để kết luận ông nói rằng chính vì với mục đích này mới đưa ứng cử viên của tôi vào chức vụ phó cục trưởng Cục đối ngoại mà lúc ấy do Dekanozov phụ trách. Nhiệm vụ của tôi là sử dụng mọi khả năng của NKVD để thủ tiêu Trotsky.

    Một quãng lặng. Stalin tiếp tục cuộc trò chuyện.

    - Trong phong trào Trốtkít không có các nhân vật chính trị quan trọng, trừ chính Trotsky. Nếu kết thúc với Trotskv, mối hiểm họa của Quốc tế cộng sản sẽ được loại trừ.

    Ông lại chiếm chỗ của mình đối diện với chúng tôi và bắt đầu từ tốn nói về sự không bằng lòng đối với việc các chiến dịch tình báo được tiến hành như thế nào. Theo ý kiến của ông, chúng thiếu sự tích cực cần thiết, ông nhấn mạnh rằng, việc loại bỏ Trotsky năm 1937 đã được giao cho Spigelglaz, thế nhưng ông kia đã làm đổ vỡ.

    Sau đó Stalin trở nên khắc nghiệt và, dằn từng lời, dường như hạ lệnh, nói:

    - Trotsky, hay như các anh gọi ông ta trong các vụ án của các anh là “Ông già”, cần phải bị loại trừ trong vòng một năm, trước khi nổ ra chiến tranh. Không loại bỏ Trotsky, như kinh nghiệm Tây Ban Nha, chúng ta không thể tin chắc có sự ủng hộ của các đồng minh của chúng ta trong phong trào quốc tế cộng sản, trong trường hợp tấn công của bọn đế quốc vào Liên Xô. Họ sẽ rất khó thực hiện nghĩa vụ quốc tế của mình là làm rối loạn hậu phương của kẻ thù, triển khai chiến tranh du kích.

    Chúng ta không có kinh nghiệm xây dựng một đế chế công nghiệp và quân sự hùng hậu đồng thời với củng cố chuyên chính vô sản, - Stalin tiếp tục, và sau khi đánh giá tình hình thế giới và cuộc chiến tranh sắp tới ở châu Âu, ông chuyển trực tiếp sang tôi. Tôi cần lãnh đạo một nhóm phần tử vũ trang để tiến hành chiến dịch thủ tiêu Trotsky, đang lưu vong tại Mexico. Stalin rõ ràng thích những lời được gọt rũa kiểu “hành động” (thay cho “thủ tiêu”), đồng thời nhận xét rằng trong trường hợp thành công của hành động “đảng sẽ không bao giờ quên những người đã tham gia trong nó, và quan tâm không chỉ về chính họ, mà còn cả mọi thành viên gia đình họ.”

    Khi tôi cố phản đối rằng tôi không hoàn toàn phù hợp để thực thi nhiệm vụ ở Mexico, bởi không nắm vững tiếng Tây Ban Nha, Stalin không có chút phản ứng gì.

    Tôi đề nghị cho phép sử dụng các cựu binh những chiến dịch phá hoại trong nội chiến Tây Ban Nha cho công việc.

    Hội kiến kết thúc, chúng tôi tạm biệt và bước ra khỏi văn phòng. Sau buổi gặp gỡ với Stalin tôi nhanh chóng được bổ nhiệm làm phó cục trưởng tình báo. Tôi được phân một văn phòng trên tầng bảy của toàn nhà chính của Lubianka dưới số 755 - có thời được Spigelglaz sử dụng.

    Vợ tôi lo lắng bởi sự thăng tiến nhanh của tôi năm 1938. Cô thích tôi có một chức vụ khiêm tốn hơn, và cô đúng, bởi tôi bắt đầu bị đầu độc chính là do điều đó dù sự bổ nhiệm chỉ mang tính chất tạm thời hoàn toàn. Tôi không là kẻ thù của nhân dân, mà là kẻ thù của các đồng nghiệp ghen tị - cái môtíp tầm thường là thế để đầu độc trong những năm thanh trừng.

    Sự bổ nhiệm mới không cho thì giờ để suy ngẫm lâu về chiến dịch mà tôi suýt bị mất mạng. Tốc độ chóng mặt các sự kiện đã cuốn hút tôi theo nó. Cuộc họp đảng thế là không xem xét vụ việc của cá nhân tôi. Hai ngày sau buổi trò chuyện ở Kremli người ta thông báo với tôi rằng đảng uỷ xem xét lại quyết định về việc khai trừ tôi khỏi đảng và thay vào đó cảnh cáo được ghi vào hồ sơ vì sự mất cảnh giác và không vạch mặt các hành động thù nghịch của cựu lãnh đạo Cục đối ngoại.

    Ngày hôm sau, khi tôi vừa đến văn phòng mới, Eitingon vừa từ Pháp trở về chưa lâu, đã gọi điện thoại cho tôi.

    - Pavel, mình ở Moskva mười ngày rồi, chẳng làm gì cả. Vụ tác chiến theo dõi mình liên tục. Mình tin chắc điện thoại của mình bị nghe trộm. Cậu biết chắc mình đã làm việc thế nào rồi. Xin hãy báo cáo với cấp trên của cậu: nếu họ muốn bắt mình, thì cứ làm việc đó ngay đi, chứ đừng bày những trò trẻ con nữa.

    Tôi trả lời Eitingon rằng đây là ngày đầu tiên tôi giữ chức vụ lãnh đạo và không rõ kế hoạch nào cả về việc bắt ông. Ngay đó tôi đề nghị ông đến chỗ tôi, sau đó gọi điện thoại cho Merkulov và báo cáo về cuộc trò chuyện vừa diễn ra. Ông kia cười to và nói:

    - Những kẻ ngốc ấy giám sát Eitingon và nhóm của ông ta mà không hiểu là có chuyện với những nhà chuyên nghiệp.

    Sau mười phút theo đường dây trực tuyến Beria gọi cho tôi và đề nghị: Eitingon - một ứng cử viên thích hợp cho công việc của tôi và đến cuối ngày ông ta chờ hai chúng tôi.

    Khi Eitingon xuất hiện, tôi kể về dự định của chiến dịch ở Mexico. Ông được dành vai trò chủ đạo trong nó. Ông đồng ý không chút xíu chần chừ. Eitingon là nhân vật lý tưởng để lãnh đạo mạng điệp viên ngầm đặc biệt ở Mỹ và Mexico. Tiếp cận Trotsky chỉ có thể thông qua mạng điệp viên của chúng tôi găm ở Mexico sau cuộc chiến tranh ở Tây Ban Nha. Không ai hiểu những người này bằng ông. Làm việc cùng nhau, chúng tôi đã trở thành những người bạn thân thiêt. Lệnh về việc thủ tiêu Trotsky không làm cả tôi lẫn ông ngạc nhiên: đã hơn mười năm OGPU- NKVD tiến hành cuộc chiến thật sự chống lại Trotsky và tổ chức của ông ta.

    Buộc phải rời Liên Xô năm 1929, Trotsky đã thay đổi mấy nước (Thổ Nhĩ Kỳ, Na Uy và Pháp), trước khi định cư năm 1937 ở Mexico. Còn trước cả sự lưu đày của mình ông thực chất đã thua Stalin trong cuộc đấu tranh vì quyền lực và, trong cảnh lưu đày, đã cố sức không ít để nhằm phá vỡ, còn sau đó lãnh đạo phong trào cộng sản quốc tế, dấy lên sự bè cánh trong hàng ngũ những người cộng sản, làm suy yếu địa vị của chúng ta tại Tây Âu và đặc biệt ở Đức vào đầu những năm 30.

    Theo đề nghị của Eitingon chiến dịch chống Trotsky được gọi là Con vịt. Trong tên gọi mã hoá này từ “vịt”, dĩ nhiên được sử dụng trong nghĩa “xuyên tạc thông tin”: khi nói “tin vịt”, có ý chỉ sự đăng tải tin giả trên báo chí.

    Leonid biết mạng lưới điệp viên của chúng ta ở Mỹ và Tây Âu, vậy nên đủ sức hình dung một cách thực tiễn, chúng tôi có thể đặt niềm tin chắc chắn vào ai trong số các điệp viên. Tiếc rằng Maria de Las Eras, điệp viên “Patria” tốt nhất của chúng tôi cài được vào ban thư ký của Trotsky từ thời ông ta ở Na Uy và là người từng ở với ông ta tại Mexico, đã cấp thiết cần phải gọi trở về. Spigelglaz có kế hoạch sử dụng cô vào những năm 1937 - 1938, nhưng sự chạy trốn của Orlov, kẻ biết rõ cô, đã phá vỡ kế hoạch đó. Chúng tôi không thể mạo hiểm. Không loại trừ sự khước từ bắt buộc thời chiến dịch ở Mexico đã quyết định cho số phận bi thảm của Spigelglaz. Ông biết quá nhiều và không còn là người cần thiết.

    Số phận của Maria de Las Eras là một huyền thoại. Trong thời gian chiến tranh Vệ quốc vĩ đại cô nhảy dù vào hậu phương quân Đức, nơi cô chiến đấu trong đội du kích anh hùng Liên Xô Medvedev. Sau chiến tranh cô tích cực làm việc trong mạng lưới điệp viên KGB tại Mỹ Latinh, với vai trò điện báo viên. Maria de Las Eras là điệp viên mật hơn hai mươi năm. Chỉ vào những năm 70 cô mới trở về Liên Xô với quân hàm đại tá, và mất năm 1988.

    Hai tháng sau khi chạy trốn sang Mỹ Orlov đã viết một bức thư nặc danh cho Trotsky, cảnh báo về việc có những kế hoạch mưu sát ông ta đang được soạn thảo và thực hiện nó sẽ là những người thân cận của ông ta đi từ Tây Ban Nha đến. Thời ấy chúng tôi chưa biết về bức thư của Orlov và sự cảnh báo đó, nhưng hoàn toàn cho rằng Orlov có thể làm một hành động tương tự. Kế hoạch ban đầu của tôi là sử dụng mạng điệp viên được Eitingon chiêu mộ trong số người theo Trotsky tại Tây Âu và đặc biệt ở Tây Ban Nha. Eitingon, ví dụ, tự tuyển dụng các thủ lĩnh phái Trốtkít Tây Ban Nha anh em Ruan. Ông có mối liên lạc nằm trong số những kẻ vô chính phủ thân Trotsky, các bộ trưởng chính phủ cộng hoà Tây Ban Nha: Gaodosio Olivero và Frederico Amundseni. Thế nhưng Eitingon khăng khăng ý kiến muốn sử dụng điệp viên tại Tây Âu, Mỹ Latinh và Mỹ chưa bao giờ tham gia vào chiến dịch nào chống lại Trotsky và những người cùng cánh của ông ta. Theo kế hoạch của ông nhất thiết cần thành lập hai nhóm độc lập. Nhóm thứ nhất “Tuấn mã” chịu sự phụ trách của David Alfaro Sikeiroso, một hoạ sĩ Mexico, quen riêng với Stalin, cựu binh cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha. Ông ta chuyển sang Mexico và trở thành một trong những nhà tổ chức ĐCS Mexico. Nhóm thứ hai được gọi là nhóm “Bà mẹ” dưới sự chỉ đạo của Karidad Mercader. Trong số các tổ tiên giàu có của bà có cựu tổng trấn Cuba, còn cố nội của bà là đại sứ Tây Ban Nha ở Nga. Karidad rời bỏ người chồng, một cự phú ngành đường sắt Tây Ban Nha, đến với phái vô chính phủ và chạy sang Paris với bốn người con vào đầu những năm 30. Bà phải kiếm sống bằng đan lát thêu thùa. Năm 1936 khi ở Tây Ban Nha bắt đầu cuộc nội chiến, bà quay về Barcelona, gia nhập hàng ngũ phái vô chính phủ và bị thương nặng vào bụng trong thời gian máy bay công kích. Con trai lớn của Karidad hy sinh (anh quấn lựu đạn quanh người lao vào xe tăng), còn con trai thứ, Ramon chiến đấu trong đội du kích. Con trai út Luis đến Moskva năm 1939 cùng với các trẻ khác của những người cộng hoà Tây Ban Nha chạy trốn Franko, con gái ở lại Paris. Bởi Ramon tuyệt đối vô danh tính giữa những kẻ Trốtkít, Eitingon thời ấy vẫn còn ở Tây Ban Nha, đã quyết định gửi anh từ Barcelona sang Paris mùa hè năm 1938 dưới dạng một doanh nhân trẻ bất cần đời có thái độ thù địch với bất kỳ chính thể nào, đôi khi ủng hộ những tên quá khích chính trị.

    Đến năm 1938 Ramon và mẹ anh, Karidad, sống tại Paris, cộng tác với tình báo Xô viết. Tháng 9 Ramon theo sự dẫn dắt của anh em Ruan đã làm quen với Silvia Agelof bấy giờ đang ở Paris, và vợ chồng Rozmer, những người thân với gia đình Trotsky. Theo các chỉ dẫn của Eitingon, anh tránh mọi hoạt động chính trị. Vai trò của anh là ở chỗ thỉnh thoảng giúp tiền cho bạn bè và những người mà anh cảm tình, nhưng không dính vào chính trị. Anh không quan tâm đến công việc của những người này và bác bỏ mọi đề nghị gia nhập vào phong trào của họ.

    Chúng tôi còn có một điệp viên quan trọng mật danh “Garry” Morrison người Anh mà cả Orlov lẫn Spigelglaz đều không biết. Garry hoạt động theo tuyến Nhóm đặc biệt của Xerebrianxky và đóng vai trò then chốt trong vụ lấy cắp các hồ sơ lưu trữ của Trotsky ở châu Âu vào tháng 12 năm 1937. (Theo mách nước của tôi lưu trữ này được Dmitri Volkogonov sử dụng trong cuốn sách Trotsky của ông xuất bản năm 1992.) Garry cũng có những mối liên lạc tin cậy tại khu bảy tổng cục cảnh sát Paris. Điều đó giúp ông ta kiếm được cho chúng tôi các con dấu thực và phiếu mẫu của cảnh sát và mật vụ Pháp đế giả mạo hộ chiếu và giấy phép cư trú cho phép các điệp viên chúng ta nằm vùng lâu dài ở Pháp.

    Eitingon cho rằng các điệp viên của ông phải được hành động hoàn toàn không phụ thuộc vào các nhóm trưởng địa phương tại Mỹ và Mexico. Tôi đồng ý với ông nhưng báo trước rằng chúng tôi sẽ không thể di chuyển tất cả những người cần thiết từ Tây Âu sang Mỹ khi chỉ dựa vào các nguồn tài chính thông thường. Theo ước lượng của chúng tôi, để di chuyển và trang bị cho hai nhóm cần không dưới 300 nghìn đôla. Để tạo vỏ bọc tin cậy Eitingon đề nghị lợi dụng trong chiến dịch các quan hệ gia đình riêng của ông ở Mỹ. Các họ hàng của ông có được những ưu đãi của chính phủ Xô viết từ năm 1930 cho đến tận 1948 khi tham dự các hội chợ đấu thầu bông sợi ở Leningrad. Chúng tôi trình bày các dự trù của mình với Beria, nhấn mạnh rằng trong giới thân cận của Trotsky chúng ta không có người có thể tiếp cận trực tiếp với ông ta. Chúng tôi không loại trừ rằng chúng ta có thể phải chiếm dinh thự Trotsky bằng một vụ công phá. Bực bội bởi gọi điệp viên “Patria” là người thân cận của Trotsky trở về, khi đã đồng ý sử dụng các môi liên lạc riêng của Eitingon, bất ngờ Beria đề nghị chúng tôi sử dụng các mối liên lạc của Orlov, để làm điều đó chúng tôi phải nhân danh ông ta liên lạc với Orlov. Orlov quen biết với Beria từ thời ở Gruzia nơi ông ta chỉ huy đội biên phòng năm 1921. Eitingon kiên quyết phản đối, và không chỉ theo các vấn đề cá nhân: ở Tây Ban Nha giữa ông và Orlov có những quan hệ căng thẳng. Ông cho rằng Orlov vốn là một nhà chuyên nghiệp tham dự vào những vụ thủ tiêu những kẻ vượt tuyến, chắc chắn sẽ không tin chúng tôi, không phụ thuộc vào việc chúng tôi liên lạc với ông ta nhân danh ai. Hơn thế nữa, nhận thấy sự theo dõi hay bất cứ ý đồ nào nhằm tìm ra ông ta, ông ta có thể đặt tất cả những người của chúng ta dưới một sự đe dọa. Nghiến răng, Beria buộc phải đồng tình với chúng tôi. Kết quả là mệnh lệnh cấp trên được Beria chuyển cho tôi: để Orlov yên và không tìm những sự liên lạc nào hết với ông ta.

    Beria khá bồn chồn bởi làm sao sử dụng những mối liên hệ riêng của mình trong các công việc tác chiến, về đường vợ Nina, Beria có hai người họ hàng Gegetskori nổi tiếng: một là đảng viên bolsevich trung thành, tên của ông được đặt cho một quận ở Gruzia, người khác sống tha phương ở Paris, bộ trưởng ngoại giao trong chính phủ mensevich Gruzia. (Sau này đó là cơ sở cho lời buộc tội dựng lên chống Beria, rằng thông qua họ hàng mình ông liên hệ với các gián điệp đế quốc.) Mạng tình báo của chúng ta ở Pháp đúng là chất đầy các chỉ thị của ông về các vấn đề Gruzia lưu vong, đặc biệt là những người mensevich mà chính phủ lưu vong của họ đóng ở Paris. Tôi còn nhớ, những công tước Gruzia nào đó cứ làm rối đầu óc chúng tôi bằng những tin đồn về các kho báu khó tưởng tượng, đâu như được cất giấu trong các hầm bí mật khắp đất nước.

    Từ cuộc trò chuyện lúc ấy với chúng tôi Beria hiểu ra rằng chúng ta thực sự cần một mạng lưới điệp viên mới loại trừ được khả năng phản bội. Ông ta nói để chúng tôi bắt đầu hành động, không cần lo về khoản tài chính. Sau khi nhóm lập xong, ông ta muốn thêm vào đó mấy điệp viên do ông nắm.

    Beria chỉ đạo để tôi cùng Eitingon sang Paris đánh giá nhóm được phái sang Mexico. Tháng 6 1939 Georg Miller, người Áo di tản, giữ chức trưởng phòng “kỹ thuật hộ chiếu” đã chuẩn bị cho chúng tôi các giấy tờ giả mạo. Khi chúng tôi rời khỏi Moskva, Eitingon mừng như trẻ con do việc một trong số em gái ông, một cô bé khó tính, đã không ra ga tiễn ông. Gia đình ông tin rằng bất cứ việc gì có cô ta hiện diện đều là điều báo trước sự thất bại. Từ Moskva chúng tôi đi Ôđécxa, còn từ đó theo đường biển sang Athen, nơi thay đổi giấy tờ và trên một con tàu khác đi tới Marssaille.

    Chúng tôi đến Paris bằng tàu hoả. Tại đấy tôi gặp gỡ với Ramon và Karidad Mercader, sau đó, một cách riêng biệt, với các thành viên của nhóm Xikeiros. Hai nhóm này không tiếp xúc với nhau và không biết về sự tồn tại của nhau. Tôi thấy họ khá đáng tin cậy, và biết điều còn quan trọng hơn, rằng họ đã tham dự các chiến dịch phá hoại bên chiến tuyến của Franko. Kinh nghiệm này chắc chắn sẽ phải giúp họ trong hành động chông lại Trotsky. Tôi đề nghị để Eitingon trong vòng một tháng ở lại với Karidad và Ramon, để họ làm quen với những điều cơ bản của công tác tình báo. Họ không nắm những kiến thức sơ đẳng như phương pháp xem xét nguồn tin, chiêu mộ điệp viên, phát hiện sự theo dõi hay thay đổi ngoại hình. Những tri thức này là thiết yếu để tránh các bẫy của các cơ quan phản gián. Nhưng sự chậm trễ suýt trở thành nguy hại đối với Eitingon.

    Tôi trở về Moskva vào cuối hoặc giữa tháng 7, còn vào tháng 8 1939 Karidad và Ramon đi tàu thuỷ từ Havre sang New York. Eitingon phải nhanh chóng theo sau họ, nhưng đến thời gian đó hộ chiếu Ba Lan mà ông dùng sang Paris, đã trở thành một giấy tờ nguy hiểm. Dẫu sự tấn công của Đức vào Ba Lan đã khởi đầu thế chiến II, người ta định động viên ông như một người Ba Lan di tản vào quân đội Pháp hoặc bị quy kết như một người ngoại quốc đáng ngờ. Đến thời gian này đã áp dụng những sự hạn chế mới, khắc nghiệt hơn đối với việc đi ra nước ngoài dành cho người Ba Lan, vậy nên Eitingon buộc phải lui vào bí mật.

    Tôi trở về Moskva, nguyền rủa bản thân vì sự chậm trễ do việc huấn luyện điệp viên, nhưng rất tiếc, chúng tôi đã chẳng còn lối thoát nào khác. Chúng tôi chỉ dẫn trưởng nhóm tình báo của ta ở Paris Vaxilievxky (mật danh “Taraxov”), tổng lãnh sự, làm tất cả những gì có thể để đảm bảo cho “Tom” (tên Eitingon trong danh sách tác chiến) mọi giấy tờ phù hợp cho chuyến đi sang Mỹ. Vaxilievxky cần gần một tháng để hoàn thành nhiệm vụ này. Trong lúc khó khăn, ông ta bố trí Eitingon vào một bệnh viện tâm thần mà bác sĩ chính ở đó là người Nga lưu vong. Theo chỉ thị của tôi Vaxilievxky sử dụng các liên lạc của Morrison để kiếm cho Tom giấy phép cư trú giả của Pháp. Bây giờ Tom thành người Xiri Do Thái bị suy nhược thần kinh. Lẽ tự nhiên, ông không còn phù hợp để phục vụ trong quân ngũ, còn giấy tờ thì cho ông khả năng có mặt ở Pháp và có thể được dùng để nhận hộ chiếu ra nước ngoài. Vaxilievxky tin chắc hộ chiếu là thật (viên quan chức Pháp đã nhận món hối lộ tương ứng), nhưng dù sao vẫn còn lại vấn đề visa của Mỹ.

    Mối liên hệ duy nhất của chúng tôi với lãnh sự Mỹ được thực hiện qua nhà doanh nghiệp giàu có từ Thuỵ Sĩ trong thực tế đó là Steinberg, điệp viên của ta. Thế nhưng ở đây lại nảy sinh một khó khăn. Ông từ chối quay về Moskva nơi người ta gọi ông ta về năm 1938. Trong thư ông ta tuyên bố nhắc lại lòng trung thành của mình, nhưng nói rằng sợ sự thanh trừng trong NKVD. Vaxilievxky phái sĩ quan liên lạc, điệp viên của chúng tôi Takhtsianov đến Lozanna gặp ông ta. Anh ta được một điệp viên khác, Alakhverdov, yểm trợ. Trong thời gian cuộc gặp Steinberg đã suýt bắn người liên lạc, vì sợ anh ta là sát thủ. Rốt cuộc ông ta đồng ý thu xếp visa cho người Do Thái Xiri, ông ta không nhận ra Eitingon trên ảnh ông đã nuôi ria và thay đổi kiểu tóc. Sau một tuần Steinberg lấy được visa, và phái viên quay về Paris.

    [...]
     
    tducchau thích bài này.
  14. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    [...]

    2. Hoàn thành chiến dịch “Con vịt”

    Eitingon đến New York tháng 101939 và lập tại Brooklyn một công ty xuất nhập khẩu mà chúng tôi sử dụng như một trung tâm liên lạc. Và quan trọng nhất, công ty này là “cái ô” cho Ramon Mercader trụ lại ở Mexico với hộ chiếu Canada giả mạo mang tên Frank Jakson. Giờ đây anh có thể đi thường xuyên đến New York để gặp Eitingon, người cung cấp tiền cho anh.

    Dần dần tìm ra vỏ bọc cả nhóm Xikeiros ở Mexico. Chúng tôi có hai điện báo viên, nhưng đáng tiếc liên lạc điện đài là không hiệu quả do chất lượng thiết bị tồi. Eitingon soạn ra các phương án đột nhập vào biệt thự của Trotsky ở Coyoacán, ngoại ô thành phố Mexico. Chủ biệt thự, hoạ sĩ phong cảnh người Mexico Diego Rivera, cho Trotsky thuê. Nhóm Xikeiros lập kế hoạch tấn công chiếm toà nhà, trong khi đó mục đích chính của Ramon là lợi dụng thiên tình sử của mình với Silvia Agelof để kết thân với giới gần gũi Trotsky.

    Ramon giống ngôi sao điện ảnh Pháp Alen Delon. Silvia đã không trụ vững trước sức hút đặc biệt vốn có của anh từ thời ở Paris. Cô đi với anh sang New York, nhưng anh cố giữ cô cách xa Eitingon. Thường có khi Eitingon quan sát Ramon và Silvia trong nhà hàng, nhưng không lần nào gặp cô.

    Trong các giới Trôtkít Ramon xử sự một cách độc lập, không có ý đồ chiếm lòng tin của họ “bằng sự thể hiện cảm tình với sự nghiệp chung”. Anh tiếp tục diễn vai nhà doanh nghiệp, “ủng hộ” Trotsky vì tính cách quái dị của mình, chứ không như một kẻ chung chí hướng trung thành.

    Nhóm Xikeiros đã có sơ đồ các phòng biệt thự của Trotsky, được Maria de Las Eras bí mật chuyển cho, trước khi cô được gọi về Moskva. Cô có các thông tin về các vệ sĩ của Trotsky, cũng như sự phân tích chi tiết hoạt động của ban thư ký ít người của ông ta. Thông tin khá quan trọng này được tôi gửi cho Eitingon.

    Cuối năm 1939 Beria đề nghị tăng cường mạng điệp viên mật của chúng ta tại Mexico. Ông dẫn tôi đến phòng hẹn bí mật và làm quen với Grigulevich (mật danh “Iuzic”), đến Moskva sau khi đã ở Tây Âu. Anh nổi tiếng trong các giới Trốtkít bởi tính trung lập của mình. Không ai nghi ngờ anh trong âm mưu được cài vào tố chức của họ. Sự có mặt của anh ở Mỹ Latinh là hoàn toàn tự nhiên, bởi bố của Grigulevich làm chủ một hiệu thuốc lốn ở Argentina.

    Grigulievich đến Mexico tháng 4 - 1940 và theo chỉ thị của Eitingon đã lập ra mạng lưới điệp viên ngầm thứ ba, dự bị, để tiến hành các chiến dịch ở Mexico và California. Anh hợp tác với nhóm của Xikeiros. Grigulievich làm quen được với một vệ sĩ của Trotsky, Seldon Hart. Ngày 23 - 5 - 1940 khi Hart trực, vào những giờ trước bình minh Grigulievich gõ cổng biệt thự. Hart có một sai lầm không thế tha thứ - hắn hé mở cổng, và nhóm Xikeiros lao vào dinh thự Trotsky. Họ gầm nát căn phòng nơi Trotsky đang ở bằng những loạt đạn súng máy. Nhưng bởi họ bắn qua cánh cửa đóng kín và kết quả sự bắn phá không được kiểm tra, Trotsky nấp ở dưới gầm giường đã thoát nạn.

    Hart bị thủ tiêu, vì biết Grigulievich và có thể khai ra. Vụ đụng độ kết thúc bằng việc bắt giữ chỉ một Xikeiros, điều đó cũng tốt để tiếp tục các hoạt động của Grigulievich và Mercader, vốn chưa biết về sự tồn tại của nhau.

    Vụ mưu sát bị đổ vỡ do nhóm tấn công không được chuẩn bị một cách chuyên nghiệp cho một hành động cụ thể. Eitingon theo ý đồ giữ bí mật đã không tham gia vào vụ tấn công này. Chứ không thì chắc ông đã điều chỉnh được hành động của những người tấn công. Trong nhóm Xikeiros không ai có kinh nghiệm lục soát và kiểm tra các căn phòng hoặc ngôi nhà. Các thành viên của nhóm là những nông dân và thợ mỏ với sự huấn luyện sơ đẳng về chiến tranh du kích và phá hoại.

    Eitingon chuyển qua điện đài về thất bại của chiến dịch. Thông báo đến chỗ chúng tôi có phần chậm trễ vì nó đi qua một con tàu Xô viết đang đậu ở cảng New York, từ đó mới được chuyển về Paris cho Vaxilevxky. Ông chuyển nó về Moskva, nhưng không cho thông báo này có ý nghĩa đặc biệt, bởi không biết mã số. Kết quả là Beria và Stalin biết về vụ mưu sát không thành từ thông báo của TASS. Tôi không nhớ ngày chính xác, hình như đó là một ngày chủ nhật tháng 5 - 1940. Người ta gọi tôi đến biệt thự gặp Beria - xe của ông được phái tới đón tôi. Biệt thự đang có khách: Xerov hồi đó là bộ trưởng Bộ Nội vụ Ucraina, và Kruglov, phó của Beria về cán bộ. Khi tôi bước vào, họ đang ăn trưa.

    Xét mọi nhẽ, Beria không muốn bàn luận việc của chúng tôi trước mặt họ. Ông dùng cử chỉ xua tôi ra vườn, nơi những thứ cây nhiệt đối được ông trồng với hy vọng là chúng sẽ sống nổi trong khí hậu Moskva khắc nghiệt. Vợ ông, Nina, kỹ sư nông nghiệp, và con trai Xergei đang chăm sóc vườn. Beria giới thiệu tôi với họ và đi cùng tôi vào góc vườn xa. Ông đang nổi điên. Nhìn tôi chằm chằm, ông bắt đầu hỏi về thành phần nhóm được tôi khen ngợi ở Paris và về kê hoạch thủ tiêu Trotsky. Tôi trả lời rằng trình độ nghiệp vụ của nhóm Xikeiros là thấp, nhưng đó là những người trung thành với sự nghiệp của chúng ta và sẵn sàng hy sinh vì nó. Tôi đang chờ báo cáo chi tiết từ Mexico qua các kênh điện đài trong ngày một ngày hai. Sau cuộc trò chuyện, chúng tôi quay vào nhà ăn, và Beria ra lệnh cho tôi không chậm trễ quay lại nơi làm việc và thông tin cho ông ngay lập tức khi biết được các sự kiện tiếp theo.

    Sau hai ngày tôi nhận được báo cáo ngắn của Eitngon từ Paris và báo với Beria. Eitingon báo rằng ông sẵn sàng với sự cho phép của Trung tâm bắt tay vào thực hiện kế hoạch được chọn lựa - sử dụng để thủ tiêu Trotsky với một điệp viên trong số “tối hậu” chủ chốt - Mercader. Để thực hiện kế hoạch này nhất thiết phải từ bỏ việc sử dụng Mercader như điệp viên của chúng ta trong giới thân cận của Trotsky và không cài thêm người mới: một điệp viên mưu toan giết Trotsky bị bắt giữ có thể là sự đổ vỡ của toàn bộ mạng lưới điệp viên liên quan trực tiếp với Trotsky và giới thân cận của ông ta. Tôi cảm thấy rằng một quyết định tương tự cả tôi lẫn Eitingon đều không thể tiếp nhận một cách độc lập. Nó có thể được chấp nhận bởi chỉ Beria và Stalin. Việc cài điệp viên vào các nhóm Trôtkít ở nước ngoài là một trong những sáng tạo quan trọng trong công tác tình báo Xô viết những năm 1930 - 1940. Chứ làm sao khác để nhận được thông tin về các nhóm Trốtkít sau sự sát hại Trotsky? Phái Trôtkit nếu không có Trotsky sẽ có sức mạnh đe dọa đối với Liên Xô hay không? Stalin đều đặn đọc các tin tức từ điệp viên của chúng ta đã chui được vào ban tham mưu của tờ báo Trốtkít xuất bản tại New York. Từ anh ta chúng tôi nhận được thông tin về các kế hoạch và mục đích phong trào của họ và thiết lập một hoạt động phù hợp cho cuộc đấu tranh với chủ nghĩa Trốtkít. Không hiếm khi Stalin có khả năng đọc các bài báo và tài liệu Trốtkít trước cả khi chúng được đăng tải ở phương Tây.

    Vì cái lợi chính trị, hoạt động của Trotsky và những kẻ cùng chí hướng với ông ta ở nước ngoài trong những năm 1930 - 1940 chỉ gói gọn trong hoạt động tuyên truyền. Nhưng đâu phải chỉ có thế. Bọn Trốtkít hành động rất tích cực: lợi dụng sự ủng hộ của những nhân vật gắn với Abwehr, tổ chức cuộc nổi loạn chống lại chính phủ cộng hoà tại Barcelona năm 1937. Từ các nhóm Trốtkít trong các cơ quan đặc biệt ở Pháp và Đức thoát ra các tài liệu “chỉ điểm” về hoạt động của các ĐCS ủng hộ Liên Xô. Suits- Boizen, sau này trở thành một trong những người phụ trách nhóm điệp viên ngầm “Dàn đồng ca Đỏ” đã báo cho chúng tôi về các mối liên hệ với Abwehr của các thủ lĩnh cuộc bạo loạn Trốtkít ở Barcelona năm 1937. Sau này, khi bị bắt Gestapo đã khép anh tội chuyển thông tin này cho Liên Xô, và nó được nêu trong bản án tử hình Hitler dành cho anh.

    Đại diện của chúng ta ở Paris Vaxilevxky, năm 1940 được cử là đặc mệnh toàn quyền uỷ ban thừa hành của Quốc tế cộng sản, đã báo cáo về việc Abwehr sử dụng các liên hệ của bọn Trốtkít để lùng bắt các nhà lãnh đạo ĐCS Pháp hoạt động bí mật năm 1941.

    Tôi trình bày tất cả nhũng điều đó với Beria. Thoạt đầu ông không có phản ứng gì hết. Tôi quay trở lại văn phòng của mình và chờ…

    Tôi chẳng phải chờ lâu. Chỉ sau hai giờ tôi đã bị gọi lên tầng ba gặp Beria.

    - Hãy đi với tôi, - ông buông ra.

    Lần này chúng tôi đi đến Stalin tại nhà nghỉ nằm về phía Tây cách Moskva độ nửa giờ đi xe. Phần đầu cuộc gặp khá ngắn ngủi. Tôi báo cáo về ý đồ thủ tiêu Trotsky không thành của Xikeiros, sau khi giải thích rằng kế hoạch được chọn lựa có nghĩa là mối đe dọa sẽ bị mất đi mạng lưới chống Trotsky tại Mỹ, Mỹ Latinh sau khi tiêu diệt Trotsky.

    Stalin hỏi độc một câu:

    - Mạng lưới điệp viên ở Mỹ và Mexico do Ovakimian phụ trách, được kéo vào hành động ở mức độ nào trong chiến dịch chống Trotsky?

    Tôi đáp rằng chiến dịch của Eitingon hoàn toàn độc lập với Ovakimian, đang hoạt động dưới vỏ bọc của hãng “Amtorg”.

    Stalin khẳng định ý kiến cũ của mình, nhận xét:

    - Hành động chống Trotsky sẽ có nghĩa là sự lật nhào toàn bộ phong trào Trốtkít. Và chúng ta sẽ không cần phải chi tiền để đấu tranh với chúng và các mưu toan của chúng phá hoại Quốc tế cộng sản và các mối liên hệ của chúng ta với những nhóm cánh tả ở nước ngoài. Hãy bắt tay vào thực hiện phương án được chọn lựa, bất chấp sự thất bại của Xikeiros, và hãy gửi điện tín cho Eitingon vớ sự tin cậy trọn vẹn của chúng ta.

    Tôi chuẩn bị điện tín và bổ sung vào cuối:

    “Pavel gửi những lời chào tốt đẹp nhất.”

    Trong mã số “Pavel” là mật danh của Beria.

    Năm 1953 khi người ta bắt tôi, các điều tra viên, xem các tài liệu chiến dịch “Con vịt” trong giấy tờ công tác của tôi cất trong két, đã hỏi giấu dưới cái tên “Pavel” là ai. Tôi thấy không cần nhấn mạnh rằng Beria, đến thời gian ấy đã bị bắt và bị xử bắn, đã đánh giá cao Eitingon, và nói đó là tên tôi bổ sung vào để khẳng định tính đích thực của thông tin được chuyển đi.

    Thời gian đã muộn, mười một giờ đêm, và Stalin mời Beria và tôi ở lại ăn tối. Tôi nhớ, thức ăn hoàn toàn đơn giản, Stalin chọc đùa việc tôi không uống rượu, đề nghị tôi uống rượu nho Gruzia pha với nước ga “Lagidze”. Nước này hàng ngày được máy bay chở từ Gruzia đến cho ông. Bất kể việc người ta hiện nay viết gì về ông, Stalin nói chung không nổi giận do vụ mưu sát Trotsky không thành. Nếu ông có giận, thì cũng đã không bộc lộ. Bề ngoài ông trông bình thản và sẵn sàng tiến hành chiến dịch tiêu diệt kẻ thù của mình đến tận cùng, sau khi đã đặt cược số phận toàn bộ mạng điệp viên trong giới thân cận của Trotsky.

    Muộn hơn Eitingon kể với tôi rằng Ramon Mercader tự xin thực hiện nhiệm vụ, vận dụng các kinh nghiệm trong cuộc chiến tranh du kích ở Tây Ban Nha. Anh không những bắn súng tốt mà còn nắm vững kỹ thuật đánh giáp lá cà. Xét đến việc người của chúng ta thời ấy không có trong tay kỹ thuật chuyên dụng, Mercader sẵn sàng bắn, đâm hay giết kẻ thù khi giáng đòn bằng một vật nặng. Karidad cho con trai “lời chúc phúc”. Khi bà và Eitingon gặp Ramon để cùng phân tích hệ thống bảo vệ tại biệt thự của Trotsky và chọn vũ khí giết người, thì đi đến kết luận rằng, tốt nhất là sử dụng dao hay gậy trượt tuyết nhỏ của dân leo núi: thứ nhất, dễ giấu, thứ hai, những vũ khí giết người này không gây tiếng động, vậy nên không ai trong nhà kịp chạy đến trợ giúp. Về thể lực Ramon đủ sức mạnh.

    Cũng cần thiết đưa ra động cơ giết người thích hợp nhằm để bôi nhọ thanh danh Trotsky và bằng cách ấy làm suy yếu phong trào của ông ta. Vụ sát hại phải trông như một hành động trả thù cá nhân đối với Trotsky, là ông ta đã như khuyên ngăn Silvia Agelof lấy Mercader. Nếu Mercader bị bắt, anh cần tuyên bố rằng bọn Trôtkít có ý đồ lợi dụng những phương tiện anh quyên góp vào các mục đích cá nhân, chứ hoàn toàn không cho phong trào, và thông báo rằng Trotsky có ý đồ thuyết phục anh gia nhập tổ chức khủng bố quốc tế nhằm giết Stalin và các nhà lãnh đạo Xô viết khác.

    Buổi tối mùa đông, đầu năm 1969, tôi gặp Ramon Mercader tại căn hộ Eitingon, sau đó chúng tôi dùng bữa tại nhà hàng Nhà văn ở Moskva. Từ lần gặp cuối cùng của chúng tôi đã qua gần ba chục năm. Và chỉ giờ đây Ramon kể với tôi mọi chi tiết diễn ra vào ngày 20 8 1940.

    Tại buổi anh gặp mẹ trong phòng bí mật ở Mexico, theo lời Ramon, Eitingon đề nghị như sau: trong lúc Mercader ở tại biệt thự Trotsky, chính Eitingon, Karidad và nhóm gồm năm tay súng sẽ tiến hành ý đồ xông vào biệt thự. Sẽ bắt đầu vụ bắn lộn với bọn vệ sĩ mà trong thời gian đó Mercader sẽ có thể tiêu diệt Trotsky.

    - Tôi, Mercader kể với tôi, không đồng tình với kế hoạch này và thuyết phục ông rằng một mình tôi sẽ tiến hành thực hiện bản án tử hình.

    Bất kể chuyện được viết về chính một vụ giết người, Ramon không nhắm mắt trước khi nện vào đầu Trotsky bằng cái gậy trượt tuyết sắc nhỏ mà anh giấu dưới áo khoác. Trotsky ngồi bên bàn viết và đọc bài báo của Mercader viết bảo vệ ông ta. Khi Mercader chuẩn bị ra đòn, Trotsky đang bị cuốn hút vào việc đọc bài báo, hơi nghiêng đầu đi, và điều đó làm đổi hướng cú đánh, làm giảm sức của nó. Vậy nên tại sao Trotsky không bị giết chết ngay và hét lên kêu cứu. Ramon đã bối rối và không thể đâm Trotsky, dù có dao trong người.

    - Hãy tưởng tượng, tôi đã kinh qua chiến tranh du kích và đâm lính gác trên cầu trong thời gian nội chiến ở Tây Ban Nha, nhưng tiếng hét của Trotsky đúng là làm tôi tê liệt, Ramon giải thích.

    Khi vợ Trotsky với các vệ sĩ chạy vào phòng, Mercader bị quật ngã, và anh đã không thể sử dụng súng ngắn. Thế nhưng không cần đến điều đó. Trotsky chết ngày hôm sau trong bệnh viện.

    - Tôi bị một vệ sĩ của Trotsky đánh ngã bằng báng súng ngắn. Sau đó luật sư của tôi lợi dụng chi tiết này để chứng minh rằng tôi không phải là một sát thủ chuyên nghiệp. Tôi thì giữ giả thuyết rằng tôi bị tình yêu đối với Silvia làm cho mê muội và rằng bọn Trốtkít đã tiêu tán tiền nong mà tôi hy sinh cho phong trào của họ, và cố lôi kéo tôi vào hoạt động khủng bố, Mercader nói với tôi. tôi không rời khỏi giả thuyết đã thoả thuận: các hành động của tôi bị kích thích chỉ bởi những động cơ cá nhân mà thôi.

    Theo kế hoạch ban đầu chúng tôi dự trù rằng Trotsky sẽ bị giết không tiếng động và Ramon có thể lặng lẽ rời đi Ramon thường xuyên tới thăm biệt thự và đội vệ sĩ biết rõ anh. Eitingon và Karidad, chờ Ramon trong một chiếc xe đỗ không xa biệt thự, buộc phải ẩn trốn, khi trong nhà bắt đầu sự lộn xộn trông thấy. Thoạt đầu họ chạy sang Cuba, nơi Karidad, lợi dụng các mối quan hệ gia đình của mình, đã chuyển vào hoạt động bí mật. Grigulievich chạy từ Mexico sang California nơi ít ai biết anh.

    Thông báo đầu tiên đến với chúng tôi theo các kênh của TASS. Sau đó, Eitingon gửi thông báo từ Cuba, lại cũng qua Paris. Tôi được thông báo chính thức rằng cấp trên bằng lòng với người của Eitingon và công việc của họ, những người tham gia chiến dịch sẽ được tặng thưởng sau khi trở về Moskva. Vào thời điểm đó tôi quá bận rộn với công việc của mình ở Latvia, nên chẳng nghĩ gì về vụ Trotsky. Beria hỏi tôi, Karidad, Eitingon và Grigulievich có tự thoát thân và ẩn trốn kín đáo hay không. Tôi đáp là họ có chỗ trốn tốt mà Mercader không rõ. Mercader bị bắt với tên Frank Jackson, doanh nhân Canada, tên thật của anh chính quyền không biết trong suốt sáu năm.

    Ramon cũng gợi nhắc tôi rằng tôi đã cho anh và mẹ anh một lời khuyên trong buổi gặp ở Paris: nếu ai trong các vị bị bắt, hãy bắt đầu tuyệt thực trong nhà tù, nhưng trong khi đó nên cố tránh gây ngờ vực không cần thiết cho bọn giám ngục. Từ đầu hãy ăn uống mỗi lần một ít đi, chuẩn bị cho sự từ chối thức ăn hoàn toàn. Cuối cùng họ sẽ bắt đầu nuôi ăn nhân tạo, và thời kỳ điều tra bị kéo dài đến một thời gian không xác định, còn những kích động sẽ nguội đi. Và điều đó sẽ rất cần cho các vị.

    Mercader tiếp tục tuyệt thực hai hay ba tháng. Cuộc điều tra đã khẳng định rằng anh là một trong những kẻ đi theo Trotsky nổi cơn điên giận. Ngày hai lần các nhân viên cơ quan đặc biệt Mexico đánh anh và cứ thế tiếp diễn suốt sáu năm cho đến khi phát hiện ra được tên thật của anh. Thêm nữa, suốt thời gian ấy anh bị giữ trong xà lim không có cửa sổ.

    Beria báo với tôi về quyết định bảo vệ Mercader. Các luật sư cần phải chứng minh rằng vụ ám sát được gây ra trên cơ sở mâu thuẫn và thanh trừ lẫn nhau trong nội bộ phong trào Trốtkít.

    Eitingon và Karidad nhận được lệnh giữ nguyên hoạt động bí mật. Họ sống nửa năm ở Cuba, còn sau đó bằng đường biển đi sang New York, nơi Eitingon sử dụng mối quen biết trong cộng đồng Do Thái để kiếm các giấy tờ và hộ chiếu mới. Cùng với Karidad ông xuyên suốt nước Mỹ đến Los Angeles, sau đó tới San Francisco. Eitingon nhân cơ hội lập lại các tiếp xúc với hai điệp viên mà ông và Xerebrianxky đã phái sang California vào đầu những năm 1930 và những người kia đã nhận về mình trách nhiệm liên lạc với mạng lưới điệp viên ngầm vốn đã lấy được các bí mật nguyên tử của Mỹ từ năm 1942 đến năm 1945. Tháng 2 1941 Eitingon và Karidad đi tàu thuỷ sang Trung Quốc. Tháng 5 1941 ngay trước khi bắt đầu cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, họ quay về Moskva từ Thượng Hải theo tuyến đường sắt xuyên Xibir.

    Các cơ quan đặc biệt xác định được nhân thân của Mercader chỉ sau khi một trong những nhà hoạt động nổi tiếng của ĐCS Tây Ban Nha năm 1946 bỏ chạy sang phương Tây mà trước đó từng ở Moskva. Nhân thể, người này là họ hàng xa với Phidel Castro. Karidad có lỗi một phần về sự rò rỉ thông tin. Trong thời gian chiến tranh mẹ của Ramon tản cư từ Moskva đến Taskent, nơi bà sống từ năm 1941 đến 1943. Chính ở đấy bà đã kể với người quen của mình rằng Ramon đã giết Trotsky. Karidad tin chắc rằng ông ta sẽ không để lộ.

    Sau thế chiến II Karidad nhiều lần thử cách giải phóng cho Mercader, đề nghị thậm chí là tìm vợ cho anh, nhưng Stalin phản đối kế hoạch này, bởi nhân thân Mercader còn chưa gây sự chú ý nhiều. Karidad đi sang Mexico, sau đó sang Paris, tìm tất cả mọi cách để giải phóng cho con trai.

    Khi người ta đưa hồ sơ lưu trữ của cảnh sát Tây Ban Nha sang Mexico, nhân thân của anh đã bị xác định, chối cãi là vô ích. Trước những bằng chứng không thể phủ nhận Frank Jackson thú nhận rằng thực tế anh là Ramon Mercader và xuất thân từ một gia đình Tây Ban Nha giàu có. Thế nhưng anh vẫn không thừa nhận rằng đã giết Trotsky theo lệnh tình báo Xô viết. Trong tất cả các tuyên bố mở của mình Mercader khẳng định không hề thay đổi động cơ cá nhân của vụ ám sát này.

    Điều kiện giam giữ Mercader trong tù sau việc kẻ vượt tuyến nói lộ tên thật của anh lập tức trở nên tốt hơn, và thậm chí người ta còn cho anh thỉnh thoảng ra ngoài, nơi anh có thể ăn uống ở nhà hàng cùng với giám ngục của mình. Người phụ nữ giám sát Ramon trong tù, đã mê anh và giờ đây đến thăm anh mỗi tuần. Sau này anh đã cưới cô ta và đưa cô về Moskva cùng anh khi được thả tự do ngày 20 8 1960. Anh đã ngồi hết hạn hai chục năm trong tù.

    Trước 1960 Ramon chưa bao giờ đến Moskva. Ở đây người yêu của anh, người về sau chết vì bệnh lao, đã sống những năm 1939 1942.

    Tại Moskva Mercader được tiếp bởi chủ tịch KGB Selepin người trao cho anh Ngôi sao Anh hùng Liên Xô. Thế nhưng một thời gian sau Mercader xin gặp gỡ với chủ tịch mới của KGB Xemitsaxtnưi, anh bị từ chối. Theo quyết định đặc biệt của BCHTƯ đảng và theo sự chạy vạy riêng của Dolores Ibarruri (Pasionary), Mercader được nhận vào làm chuyên viên trường khoa học của Viện MácLênin ở Moskva. Ngoài ra, anh cùng vợ được cấp một biết thự ở Kratov, ngoại ô Moskva. Mercader nhận tiền từ BCHTƯ và từ KGB. Tổng số tiền ngang với lương thiếu tướng về hưu. Thế nhưng quan hệ của anh với KGB vẫn khá căng thẳng trong suốt những năm 60: anh không ngừng đòi hỏi, đầu tiên với Selepin, sau đó là Xemitsaxtnưi để Eitingon và tôi được giải phóng ngay lập tức khỏi nhà tù. Anh nêu vấn đề này trước cả Dolores Ibarruri, và cả Xuxlov. Uỷ viên Bộ Chính trị kỳ cựu Xuxlov không chút động lòng, hơn thế, tức giận về việc Mercader tự tiện hỏi riêng ông ta, bèn tuyên bố: “Chúng tôi đã quyết định số phận những con người này. Đừng dí mũi vào việc không phải của mình.”

    Thoạt đầu Mercader sống trong khách sạn “Leningrad” gần nhà ga Leningrad, còn sau đó nhận một căn hộ bốn buồng không có trang bị nội thất gì gần bến metro “Xokol”. Trong số những người đã từng liên quan với Mercader về công việc, chỉ còn duy nhất Vaxilevxky không bị thanh trừng, dù ông bị khai trừ khỏi đảng. Ông đấu tranh cho Mercader và vì thế đồ gỗ được cấp cho căn hộ mới của anh. Vợ của Mercader Rokelia Mendosa làm phát thanh viên trong ban biên tập tiếng Tây Ban Nha của đài phát thanh Moskva. Năm 1963 họ nhận hai đứa trẻ làm con nuôi: chú bé Artur mười hai tuổi và bé gái Laura sáu tháng tuổi. Cha mẹ của họ là bạn của Mercader. Ông bố tham gia cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha, sau thất bại của những người cộng hoà đã chạy sang Moskva, rồi quay về tổ quốc với tư cách điệp viên mật, bị bọn Franko bắt được và bị xử bắn. Bà mẹ mất tại Moskva trong khi sinh nở.

    Giữa những năm 70 Mercader rời Moskva sang Cuba nơi anh trở thành cố vấn bên cạnh Phidel Castro. Anh mất năm 1978. Thi hài của anh được bí mật đưa về Moskva. Vợ goá của Mercader cố liên lạc với tôi, nhưng thời gian ấy tôi không ở tại Moskva. Eitingon có mặt trong buổi tang lễ. Người ta mai táng Mercader tại nghĩa trang Kuntsevxcoie. Tại đấy anh yên nghỉ dưới cái tên Ramon Ivanovich Lopes, Anh hùng Liên Xô.

    Tôi hoàn toàn rõ rằng các nguyên tắc đạo lý ngày hôm nay không dung hoà được với tính tàn bạo đặc trưng cho cả giai đoạn đấu tranh vì chính quyền vốn kê thừa cuộc đảo chính cách mạng, cả đối với nội chiến. Stalin và Trotsky đối kháng với nhau, dùng các phương pháp đế đạt mục đích của mình, nhưng sự khác nhau là ở chỗ trong sự lưu đày, Trotsky đối kháng không chỉ Stalin, mà cả Liên Xô như một nhà nước. Sự đối kháng này là cuộc chiến dẫn đên sự huỷ diệt. Stalin, mà cả chúng ta nữa, đã không thể đối xử với Trotsky ở nơi lưu vong đơn giản như một tác giả những tác phẩm triết học. Ông ta là kẻ thù của nhà nước Xô viết.

    Cuộc sống chỉ ra rằng, sự nghi ngờ và lòng thù địch của Stalin và ĐCS Liên Xô đối với những kẻ xét lại và đối thủ chính trị trong cuộc đấu tranh vì quyền lực là có cơ sở hiện thực.

    Chính nhóm cựu lãnh đạo của Đảng đã giáng đòn quyết định vào ĐCS Liên Xô và đất nước Liên Xô vào những năm 1990 1991.

    Những tư lợi nhỏ nhen thoạt đầu của sự tranh giành quyền lực được che đậy bằng các khẩu hiệu vay mượn của Trotsky “đấu tranh với chủ nghĩa quan liêu và sự thống trị của cơ quan Đảng”. Mối đe dọa chết người đối với sự giữ vững thể chế chính quyền Xô viết luôn luôn ẩn trong lòng hiểm hoạ chia rẽ của đảng cầm quyền.

    Con trai của Trotsky, Lev Xedov mang họ mẹ, nằm dưới sự theo dõi không ngừng của chúng tôi. Y là tay tổ chức chủ chốt của phong trào Trôtkít ở châu Âu sau khi từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Paris năm 1933. Chúng tôi có ở Paris hai lối tiếp cận tình báo độc lập với nhau nhằm vào y. Trong một nhóm đóng vai trò chủ đạo là Zborovxky (mật danh “Etien”, cũng là “Tiulpan”). Về ông ta Volkogonov đã viết tỉ mỉ. Đứng đầu nhóm thứ hai là Xerebrianxky. Zborovxky dẫn chúng tôi lần ra dấu hồ sơ của Trotsky, còn Xerebrianxky sử dụng thông tin nhận được, đã chiếm hồ sơ được cất giấu ở Paris này, và bí mật chuyển chúng về Moskva. Ông làm điều đó có sự trợ giúp của điệp viên của mình là “Garry” có mặt ở Paris, và điệp viên làm việc trong cảnh sát Pháp.

    Trong cuốn sách Trotsky Volkogonov khẳng định, dường như hồ sơ được Zborovxky đưa ra, trong khi thực tế ông ta thậm chí không có khái niệm cái thông tin ông ta lấy được cần sử dụng thế nào. Volkogonov cũng viết rằng Zborovxky đã giúp giết chết Xedov lúc ấy đang ở trong bệnh viện Pháp. Con trai Trotsky, như đã rõ, thực sự đã chết năm 1938 trong những tình huống khá bí ẩn, sau khi mổ ruột thừa. Biết rành rọt chỉ là điều Xedov chết tại Paris, nhưng cả trong hồ sơ của y lẫn trong các tư liệu của Quốc tê cộng sản phái Trốtkít tôi không tìm đâu ra chứng cứ nào, rằng đó là một vụ giết người. Nếu Xedov bị giết, thì ai đó phải được nhận tặng thưởng của chính phủ hoặc có thể cạnh tranh. Trong thời gian đó, đã có nhiều lời buộc tội cho cơ quan tình báo mà đâu như vơ về mình vòng nguyệt quế không hề có, nhưng không đưa ra những chi tiết hay ví dụ nào cả. Vẫn cho rằng, Xedov chết như nạn nhân của chiến dịch được tiến hành bởi NKVD. Trong khi đó Spigelglaz, khi báo cáo với Ejov về cái chết của Xedod tại Paris. chỉ nhắc đến cái chết tự nhiên của ông ta. Thật ra, Ejov có bình phẩm báo cáo bằng những lời: “Cuộc phẫu thuật tốt lắm! Đã làm việc không tồi, nhỉ?” Spigelglaz không định tranh cãi với bộ trưởng, kẻ cố gắn công lao “ám sát” Xedov cho ngành tình báo và trực tiếp báo cáo với Stalin về điều này. Điều đó tạo khả năng để người ta cho răng NKVD chịu trách nhiệm về cái chết của Xedov.

    Khi tôi và Eitingon bàn với Beria kế hoạch thủ tiêu Trotsky, không có lần nào nhắc lại việc loại bỏ con trai ông ta. Tất nhiên, dễ dàng giả sử rằng Xedov bị giết, nhưng riêng tôi có thiên hướng không tin vào điều đó. Và lý do ở đây thật đơn giản. Trotsky tin con trai vô điều kiện, vì thế chúng ta tiến hành theo dõi chặt chẽ y, và điều đó cho khả năng nhận được thông tin về các kế hoạch của bọn Trôtkít nhằm vào Liên Xô qua châu Âu. Việc thủ tiêu y hẳn dẫn đến sự mất kiểm soát của chúng ta đối với nguồn thông tin về các chiến dịch Trôtkít ở châu Âu.

    Sau sự thủ tiêu Trotsky một phần mạng điệp viên được Eitingon chiêu mộ, và những người khác được lôi cuốn vào mạng lưới của ông hoạt động ở Mỹ và Mexico bị phong toả, và việc sử dụng họ chỉ có thể được thực hiện với chỉ đạo của Beria. Mạng lưới điệp viên mở rộng này về sau đóng vai trò quan trọng trong tiếp cận với giới bác học chế tạo bom nguyên tử của Mỹ. Các điệp viên với các giấy tờ giả, không giữ chức vụ chính thức nào, cư trú tại Mỹ từ cuối những năm 20 đầu những năm 30. Nhiệm vụ chính của họ là xin làm một công việc tại nơi có thể có sự tiếp xúc với thông tin khoa học kỹ thuật và vận chuyển hàng hoá quân sự chiến lược trong trường hợp chiến tranh với Nhật Bản.

    Các tài liệu và báo cáo về vụ Trotsky cho đến giờ vẫn được bảo quản trong lưu trữ tổng thống và trong quỹ lưu trữ cá nhân của Andropov và Beria. Một phần giấy tờ này được trả về ngành tình báo vào năm 1996.

    Cuối những năm 20 và đầu những năm 30 Eitingon và Xerebrianx không được cử sang Mỹ để tuyển mộ dân di cư Nhật Bản và Trung Quốc mà có thể cần đến trong các chiến dịch quân sự và phá hoại chống lại Nhật Bản. Đến thời ấy người Nhật đã chiếm những vùng Bắc và trung tâm Trung Quốc và Mãn Châu Lý, và chúng ta dè chừng cuộc chiến sắp tới với Nhật Bản. Đồng thời Eitingon cắm lâu dài hai điệp viên người Do Thái Ba Lan mà ông đem được từ Pháp sang Mỹ.

    Eitingon cũng cần cho đánh giá các khả năng tiềm ẩn của những người cộng sản Mỹ trong lợi ích tình báo của chúng ta. Theo đề nghị khá hiệu quả của ông, không nên chiêu mộ điệp viên từ các đảng cộng sản, mà chỉ cần tập trung vào những người có cảm tình đối với các lý tưởng cộng sản.

    Eitingon hoạt động song song với Akhmerov, người bất chấp những phản đối nghiêm túc của Eitingon, vẫn cứ cưới cháu gái của Erl Brauder, người sáng lập ĐCS Mỹ. Các chiến dịch ở Mỹ và việc lập mạng điệp viên ngầm ở đấy không thuộc mục tiêu quan trọng nhất của Kremli, bởi thời ấy việc nhận các tin tức tình báo từ Thế giới mới không ảnh hưởng đến các quyết định do Moskva phê chuẩn. Thế nhưng Eitingon giao cho mấy điệp viên của mình theo dõi đường lối của Mỹ đối với Trung Quốc. Nói riêng, ông đã tìm được những nhà báo từ tạp chí America mà về sau đã hình thành trò chơi có ảnh hưởng tới đường lối ngoại giao của Mỹ ở châu Á.

    Một trong những điệp viên được Eitingon chiêu mộ là hoạ sĩ phong cảnh khá nổi tiếng người Nhật Bản Miagi mà sau này thuộc nhóm của Richard Sorge ở Nhật Bản. Eitingon và người bạn tốt của tôi Ivan Vinarov (cố vấn tình báo bên cạnh Georgi Dimitrov vào những năm 40) tiếp xúc với Sorge ở Thượng Hải vào cuối những năm 20. Thông tin của Sorge được xem là đáng giá trong suốt những năm 30, thật ra, cần nói, rằng cả người Đức, cả người Nhật đều xem ông là điệp viên hai mang. Điệp viên của chúng ta “Người bạn” cố vấn chính trị của nước Đức tại bộ tham mưu Tưởng Giới Thạch thường gặp gỡ với Sorge vào những năm 1939 1941. Ông ta nhận thấy sự thông tỏ rộng của ông về tình hình tại Viễn Đông, không đoán ra hoạt động của Sorge cho tình báo Hồng quân, và khẳng định các liên hệ vững chắc có uy tín của Sorge với tình báo quân sự Đức.

    Năm 1932 Eitingon rời California và quay về Liên Xô qua Thượng Hải. Ông được cử làm phó cho Xerebrianxky, nhưng họ không cùng làm việc được, và Eitingon chuyển sang công tác tại Cục đối ngoại của OGPU.

    Trong thời kỳ căng thẳng ngay trước sự tham chiến của Mỹ, Kheifets đứng đầu công tác tình báo theo tuyến NKVD trên duyên hải phía Đông nước Mỹ. Trước kia ông làm việc tại Quốc tế cộng sản. Bố ông là một trong những người thành lập ĐCS Mỹ. Kheifets trực tiếp biết nhiều người cộng sản Mỹ nổi tiếng. Tính đến kinh nghiệm tại Quốc tế cộng cản, vào đầu những năm 30 người ta cử ông làm việc trong NKVD. Ông tổ chức các nhóm điệp viên ở Đức và Italia vào giữa những năm 30, khi đóng vai một sinh viên Ấn Độ đang học ở châu Âu. Trong thực tế Kheifets là người Do Thái nhưng do làn da xạm nên trông chẳng khác gì một kẻ lưu vong thực sự từ châu Á, bất kể màu mắt xanh. Tại Mỹ trong các phái cánh tả ông nổi danh như là ngài Braun.

    Trước đây khi ở Italia Kheifets đã làm quen với Bruno Pontekorvo trẻ tuổi là sinh viên theo học tại Roma. Kheifets giới thiệu Pontekorvo liên hệ với Frederic JolioQuiri nhà vật lý Pháp vĩ đại thân cận với ban lãnh đạo ĐCS Pháp. Trong tương lai chính Pontekorvo trở thành cái kênh mà qua đó các bí mật nguyên tử của Mỹ từ Enriko Fermi đến với chúng ta.

    Kheifets gặp may: vào những năm 30 ông không bị thanh trừng. Người ta gọi ông về Moskva, và dù năm 1938 Ejov đã ra chỉ thị về việc bắt ông, nó đã không được thực hiện. Rất chóng Kheifets được phái sang Mỹ, đến duyên hải miền Tây, để thúc đẩy thêm công tác tình báo.

    Kheifets được giao nhiệm vụ thiết lập những mối liên lạc vững chắc với mạng điệp viên “nằm ổ sâu” do Eitingon dựng lên để sử dụng trong trường hợp chiến tranh giữa Liên Xô và Nhật Bản. Kế hoạch ban đầu là xây dựng mạng lưới điệp viên ngầm tại các cảng Mỹ theo mẫu vùng Scandinavia để tiêu diệt các con tàu với nhiên liệu và chất đốt chiến lược dành cho Nhật Bản. Không biết về dự định của Nhật Bản tấn công Đông Nam Á hoặc Trân Châu cảng, chúng tôi giả thiết rằng đầu tiên sẽ bắt đầu các hành động quân sự chống lại chúng ta.

    Trợ lý của Kheifets tại lãnh sự quán San Francisco Liagin, kỹ sư, tốt nghiệp đại học chế tạo tàu thuỷ Leningrad được giao nhiệm vụ đặc biệt nhận số liệu về những phát minh mới của các xí nghiệp duyên hải miền Tây. Nhiệm vụ chủ yếu đặt ra trước anh thu thập tài liệu về các chương trình chế tạo tàu biển quân sự của Mỹ. Tôi nhớ một trong những báo cáo của anh. Trong đó nói lên mối quan tâm lớn của người Mỹ đối với chương trình chế tạo các hàng không mẫu hạm. Liagin cũng chiêu mộ được một điệp viên ở San Francisco, người đã cho chúng ta sự mô tả các thiết bị được nghiên cứu để bảo vệ tàu khỏi mìn từ trường.

    Để không gây nghi ngờ, Liagin tránh bất cứ sự tiếp xúc nào của các giới thân cộng sản. Thế nhưng anh làm việc không lâu tại San Francisco. Anh được gọi về Moskva và cất nhắc lên chức phó Cục trương tình báo ngoài nước của NKVD. Anh mới 32 tuổi. Trong thời gian chiếm đóng của Đức anh được chúng tôi phái đến cơ sở quân sự ở Nikolaev vùng Biển Đen với tư cách phụ trách điệp viên ngầm. Gestapo rốt cuộc bắt được anh với điện báo viên của nhóm. Liagin khước từ vượt ngục, bởi không thể bỏ mặc người điện báo viên bị thương bị bắt cùng với anh. Họ bị xử bắn. Năm 1945 anh được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.

    Kheifets còn lại ở San Francisco nhận được định hướng của Eitingon, đã tiếp cận với hai điệp viên được cắm sẵn từ trước. Cả hai sống một cuộc sống bình thường không gây chú ý của những người Mỹ giản dị: một người là bác sĩ nha khoa, người khác - chủ một cơ sở buôn bán lẻ. Cả hai đều là dân Do Thái Ba Lan lưu vong. Bác sĩ nha khoa quen trực tiếp với Xerebrianxky, có thời nhận tiền của chúng ta để học Cao đẳng y khoa tại Pháp và trở thành một nhà chuyên môn có bằng cấp. Cả hai người này được cài phòng trường hợp, nếu sự giúp đỡ của họ cần cho chúng ta dù là sau một năm hoặc mươi năm. Sự cần thiết dùng đến họ đã nảy sinh vào những năm 1941 - 1942, khi những người này bất ngờ trở nên gần gũi với với các thành viên có xu hướng cộng sản của gia đình Robert Oppengeimer - người chế tạo bom nguyên tử Mỹ.

    (Hết chương 4)
     
  15. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]

    CHƯƠNG 5

    TÌNH BÁO XÔ VIẾT TRƯỚC NGƯỠNG CỬA CUỘC CHIẾN TRANH

    *

    1. Mồi nhử của việc thanh toán nhóm Tukhatrevxky

    Tháng 5 - 1937 nhóm Tukhatrevxky gồm tám người là tinh hoa của giới chỉ huy quân sự Liên Xô bị bắt, người ta buộc tội họ phản quốc, làm gián điệp và âm mưu quân sự bí mật lật đổ chính phủ. Qua hai tuần, và theo tuyên án của toà án quân sự tất cả họ bị xử bắn. Sự tàn sát hàng loạt trong quân đội bắt đầu như thế mà kết quả là ba mươi lăm nghìn nhà chỉ huy quân sự chịu nạn.

    Người nổi tiếng nhất trong các tướng lĩnh quân đội là nguyên soái Mikhail Nikolaevich Tukhatrevxky một thời gian dài là thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng Bộ tổng tham mưu. Từ các tài liệu hiện nay được công khai thấy rõ rằng sự buộc tội chống Tukhatrevxky và các nhà lãnh đạo quân sự khác của đất nước được ngụy tạo theo chỉ thị của Stalin và Vorosilov.

    Có ba giả thuyết, tại sao Stalin đi tới sự thanh toán này. Giả thuyết thứ nhất các là thông tin giả của các cơ quan đặc biệt Đức và Tiệp đã thuyết phục được Stalin hay ngờ vực và bộ trưởng Quốc phòng của ông ta là Vorosilov, rằng Tukhatrevxky và một loạt tướng lĩnh khác giữ các tiếp xúc bí mật với các giới quân sự Đức. Chính Khrusev nhắc lại giả thuyết này trong phát biểu của ông ta với sự phê phán Stalin tại đại hội đảng lần thứ XXII năm 1961.

    Nhưng các tiếp xúc với người Đức nên xem xét trên nền sự hợp tác quân sự chặt chẽ Xô - Đức vào những năm 1920 - 1930. Một giai đoạn dài sự hợp tác quân sự của Đức và Liên Xô bất ngờ bị Stalin cắt đứt năm 1933 với lý do giả trá rằng người Đức bí mật chia sẻ với người Pháp thông tin về các mối liên hệ đó. Trong khi đó nhóm các nhà hoạt động quân sự Xô viết đứng đầu là nguyên soái Tukhatrevxky nhận thấy sự có lợi của những tiếp xúc này và hi vọng sử dụng các công nghệ quân sự tân tiến của họ. Từ phía Đức cũng tồn tại mối quan tâm đối với quan hệ Liên Xô, dù theo những ý đồ khác. Các nhà quân sự cao cấp xuất thân từ Đông Phổ, đi theo người sáng lập đế chế, tướng Hans von Beck. Sau thất bại trong thế chiến I tướng von Beck nhiều năm chuyên tâm phục hồi bộ máy quân sự Đức và nghiên cứu tư tưởng chiến lược mới. Chính ông ta phát biểu trước giới lãnh đạo Đức ủng hộ cải thiện các mối quan hệ với Liên Xô, chỉ ra rằng mục đích chính của nước Đức trong trường hợp chiến tranh không để xảy ra hoạt động quân sự trên cả hai mặt trận.

    Giả thuyết thứ hai họ trở thành nạn nhân vì có trí tuệ vượt khá xa Vorosilov và có quan điểm riêng về các vấn đề xây dựng quân đội. Tukhatrevxky và nhóm của ông đâu như không đồng tình với Stalin và Vorosilov về vấn đề chiến lược của các cải cách quân đội, mà theo điều đó, Stalin sợ các đối thủ, những người có thể cạnh tranh quyền lực, đã quyết định thanh toán họ.

    Giả thuyết thứ ba, người ta tiêu diệt các nhà quân sự do sự thù địch từ xưa giữa Tukhatrevxky và Stalin, vốn có các quan điểm khác nhau về trách nhiệm trong cuộc chiến tranh với bạch vệ Ba Lan vào năm 1920. Tukhatrevxky cho rằng Hồng quân thất bại trên ngưỡng cửa vào Varsava vì Stalin và Vorosilov đâu như từ chối ném các phân đội kỵ binh trợ giúp cho Tukhatrevxky.

    Quan điểm của tôi về thảm kịch này khác hẳn. Tôi nhớ tháng 8 - 1939 những tin tức từ Đức cho thấy lãnh đạo quân sự Đức đánh giá cao tiềm năng của Hồng quân, làm tôi ngạc nhiên một cách dễ chịu. Trong một tài liệu mà chúng tôi bắt được, nguyên nhân cái chết của nguyên soái Tukhatrevxky được đánh giá là do tự cao quá độ và bất đồng ý kiến với nguyên soái Vorosilov, người chia sẻ một cách vô điều kiện mọi quan điểm của Stalin.

    Phê chuẩn danh mục tài liệu tình báo dành cho Stalin, Beria cho vào đấy một câu từ tài liệu này:

    “Việc loại trừ Tukhatrevxky chỉ rõ rằng Stalin kiểm soát trọn vẹn tình hình trong Hồng quân”, - có thể, nhằm nịnh bợ lãnh tụ, khi bằng chính cách đó nhấn mạnh tầm nhìn xa trông rộng của ông ta trong sự loại bỏ Tukhatrevxky một cách kịp thời.

    Tôi cũng nhớ những bình phẩm của Beria và Abakumov, trong những năm chiến tranh là chỉ huy phản gián quân sự XMERS, chịu trách nhiệm về mặt chính trị của các lực lượng vũ trang. Cả người này lẫn người kia đều nói về sự khó chịu của Tukhatrevxky và giới thân cận của ông, những kẻ dám nghĩ rằng dường như Stalin theo đề nghị của họ, sẽ cách chức Vorosilov. Theo lời Beria, chỉ một sự kiện này đã chỉ rõ ràng rằng các nhà quân sự, vi phạm thô bạo trật tự đã thiết lập, đưa ra những yêu cầu vượt ra ngoài giới hạn trách nhiệm của họ. Lẽ nào, ông ta nói, họ không biết chỉ có Bộ Chính trị và không ai khác có quyền đặt vấn đề về sự thay đổi bộ trưởng Bộ Quốc phòng? Ở đây người ta cũng nhớ lại, Abakumov nhấn mạnh, rằng Tukhatrevxky và những người của ông ta đã cho phép mình gọi dàn nhạc quân đội đến phục vụ ở biệt thự riêng.

    "Bên trên” đã xử sự nghiêm khắc như thế nào, tôi biết từ nguyên soái Saposnikov, người thay Tukhatrevxky. Đang chiến sự, vào giai đoạn rất nặng nề của các trận đánh gần Moskva, xét tính khẩn cấp các tin tức từ hậu phương Đức, đôi lần tôi báo cáo tài liệu trực tiếp với ông, bỏ qua các kênh thông thường. Và mỗi lần ông lại nhã nhặn chỉ cho tôi biết: “Anh bạn ạ, những số liệu tình báo quan trọng anh nhất thiết cần phải thể hiện trước hết trong các báo cáo của NKVD và ban lãnh đạo chính trị của đất nước. Stalin, Beria và đồng thời bộ trưởng Bộ Quốc phòng phải biết trọn vẹn về công việc chung của chúng ta”.

    Còn một tình huống có vai trò trong số phận Tukhatrevxky: ông có quan hệ xấu đối với Saposnikov. Cuối những năm 20 Tukhatrevxky, như người ta nói với tôi, tiến hành mưu mô chống lại Saposnikov nhằm chiếm vị trí Tổng tham mưu trưởng. Nhân thể, Saposnikov là một trong các thành viên đặc biệt của Toà án Tối cao, toà đã tuyên án tử hình Tukhatrevxky. Ông, Budennưi và chánh án Ulric là những người duy nhất của Bộ Tổng tham mưu thoát khỏi bị thanh trừng.

    Tôi tưởng tượng rằng Tukhatrevxky và nhóm của ông trong cuộc đấu tranh nhằm tác động đến Stalin đã rơi vào bẫy. Trong những buổi gặp gỡ thường xuyên với Stalin, Tukhatrevxky chỉ trích Vorosilov, Stalin khen sự chỉ trích này, gọi nó “có tinh thần xây dựng”, và thích bàn bạc các phương án cất nhắc và gạt bỏ mới. Ông ta cũng thích xem xét các cách tiếp cận khác nhau đối với tư tưởng quân sự. Tukhatrevxky cho phép mình tự do bàn luận tất cả moi thứ đó không chỉ sau các cánh cửa kín, mà còn tung các tin đồn về trong ban lãnh đạo Bộ Quốc phòng. Ngắn gọn, ông và các đồng nghiệp của ông, theo ý Stalin, đã đi quá xa. Sau khi NKVD báo cáo với chính phủ về các tin đồn đang lan ở thủ đô, điều đó đã làm giới lãnh đạo đất nước lo lắng. Thậm chí những nhà sử học cháy bỏng khát khao vạch trần các sai lầm của Stalin, cũng không thể không thừa nhận rằng các tài liệu vụ án Tukhatrevxky chứa những chứng cứ khác nhau liên quan đến các kế hoạch phân bổ lại trong giới lãnh đạo quân sự đất nước.

    Trong các lưu trữ của Hồng quân được công bố có thể đọc, ví dụ, thư của Vorosilov ngày 5 - 6 - 1937 có chữ ký của chỉ huy ban thư ký Bộ Quốc phòng Xmorodinov. Trong nó chứa đựng yêu cầu chuyển cho NKVD các bản sao thư từ của Tukhatrevxky gửi giới lãnh đạo quân sự. Và dù trong tài liệu không có chỉ thị gì, thấy rõ rằng trong tiến trình “điều tra”, Tukhatrevxky kiên quyết phản bác lại các lời cáo buộc, trong khi đó viện dẫn tới tài liệu khẳng định rằng không có bất đồng ý kiến nào cả về các vấn đề quân sự giữa ông, Vorosilov và Stalin.

    Tukhatrevxky khẳng định rằng ông tiếp xúc với các đại diện quân sự Đức tuyệt đối theo nhiệm vụ của chính phủ. Ông tìm mọi cách chứng minh rằng luôn luôn nhìn thấy nghĩa vụ của mình ở sự thực hiện không suy suyển các mệnh lệnh.

    Giả thuyết của Khrusev về việc Stalin “đã nuốt” phải thông tin giả của Đức, khơi gợi thanh trừng Tukhatrevxky, dựa trên cơ sở những điều bịa đặt của kẻ vượt tuyến người Liên Xô Krivitsky, tác giả cuốn Tôi từng là điệp viên của Stalin xuất bản năm 1939. Krivitsky làm việc cho NKVD và tình báo quân đội tại Tây Âu và trong cuốn sách của mình viết rằng NKVD nhận được thông tin mật về một âm mưu từ tổng thống Tiệp Eduard Benes và từ điệp viên của chúng ta Xkoblin (mật danh “Chủ trại”), nguyên là tướng bạch vệ, từng tham gia nội chiến. Krivitsky buộc tội Xkoblin là ông ta chuyển cho Liên Xô thông tin giả của Đức về những tiếp xúc bí mật của Tukhatrevxky với các giới quân sự Đức. Muộn hơn tướng Sellenberg, chỉ huy tình báo nước ngoài của Hitler, trong các hồi ký của mình cũng viết rằng người Đức ngụy tạo các tài liệu trong đó Tukhatrevxky nổi lên như một điệp viên của họ. Trước chiến tranh, theo lời ông ta, các tài liệu được lén ném cho người Tiệp, và Benes chuyển thông tin nhận được cho Stalin.

    Đối với tôi đó là chuyện huyễn hoặc. Những tài liệu tương tự chẳng phát hiện thấy trong lưu trữ của KGB hay lưu trữ của chính Stalin.

    Nhưng nếu phục hồi lại tuần tự các sự kiện, thì có thể trông thấy rằng Xkoblin như một điệp viên Gestapo lần đầu tiên được viết trên báo Sự thật năm 1937. Bài báo đã được thoả thuận với ban lãnh đạo tình báo và được đăng nhằm đánh lạc hướng sự chú ý khỏi những lời buộc tội về sự liên đới của tình báo Xô viết tới vụ bắt cóc tên tướng Miller.

    Vụ án hình sự chống lại Tukhatrevxky dựa trên chính những lời khai của ông, và tuyệt đối thiếu các chứng cứ khép tội cụ thể nhận được từ nước ngoài. Nếu tồn tại những tài liệu như thế, thì với vai trò phó chỉ huy tình báo trước khi xảy ra chiến tranh, chắc chắn tôi đã nhìn thấy chúng hoặc biết về sự tồn tại của chúng. Sự gợi nhớ duy nhất về “dấu vết Đức” trong vụ Xkoblin là viện dẫn thủ thuật dối trá của ông ta mà nhờ đó nhử được tướng Miller đến phòng hẹn mật tại Paris. Xkoblin nói với Miller về “các tiếp xúc của Đức” vốn rất quan trọng đối với công tác bí mật của bạch vệ lưu vong. Miller gặp không phải người Đức, mà là Kixlov (mật danh “Finn”, trưởng nhóm điệp viên NKVD ở Paris và Spigelglaz (mật danh “Duglax”).

    Nhân thể, bất chấp các giả thuyết của các sự kiện, trong những cuốn sách nổi tiếng ở phương Tây của Christofer Endru và Gordievxky, John Jiziak và Krivitsky, Xkoblin không tham gia vào việc loại bỏ tướng Kutepov, tiền nhiệm của Miller. Chiến dịch năm 1930 này được cơ quan tình báo của Xerebrianxky tiến hành. Kutepov bị bắt giữ tại trung tâm Paris bởi ba điệp viên của ta cải trang làm cảnh sát Pháp. Họ giữ Kutepov lại trên phố với lý do kiểm tra giấy tờ và cưỡng chế nhét vào xe. Kutepov ngờ điều không lành, đã chống cự. Trong lúc vật lộn y bị một cơn đau tim và đã chết. Y được chôn ở ngoại vi Paris trong sân nhà của một điệp viên tình báo Xô viết.

    Và thế, thực tế không có những số liệu gì về những tiếp xúc trái phép của Tukhatrevxky với người Đức. Thế nhưng trong lưu trữ có nhiều tổng luận của báo chí nước ngoài và phát biểu của lãnh đạo các nước phương Tây về âm mưu của Tukhatrevxky.

    Tháng 7 - 1937 đại diện sứ quán Liên Xô ở Tiệp Khắc Alexandrovxky báo về Moskva phản ứng của tổng thống Benes, người được mô tả bởi các sử gia Xô viết là kẻ “chân tình với những ý định tốt đẹp nhất đã bán đứng Tukhatrevxky cho Stalin, không ý thức được rằng ông ta chuyển cho chính quyền Xô viết những tài liệu do người Đức ngụy tạo”. Thế nhưng các tài liệu lại nói hoàn toàn về điều khác.

    Theo bác cáo của Alexandrovxky, Benes không tin dường như Tukhatrevxky là gián điệp và làm loạn. Theo lời Benes, Tukhatrevxky “có thể tính đến chuyện lật đổ Stalin, khi chỉ dựa vào Iagoda - bộ trưởng Bộ Nội vụ Liên Xô”. Dựa vào thông tin của đại sứ Tiệp ở Berlin, Benes chỉ ra: Tukhatrevxky đơn giản là ủng hộ sự tiếp tục hợp tác Xô - Đức vốn bị cắt đứt do việc Hitler lên cầm quyền. Rõ ràng, Benes không xem lời buộc tội Tukhatrevxky làm gián điệp là nghiêm túc, nhưng cảm thấy rằng theo nguyên nhân này nọ nguyên soái Tukhatrevxky bị bài xích, và góp phần mình vào sự làm giảm niềm tin Tukhatrevxky, bởi ông ta đang cần sự ủng hộ của Stalin. Ông ta cũng như Beria muốn cho thấy sự tán thưởng trọn vẹn của mình với quyết định của Moskva trừ khử Tukhatrevxky. Trong nhật ký Alexandrovxky dẫn lời phát biểu của Benes nói về Tukhatrevxky như về một kẻ phiêu lưu và là một người không đáng tin. Nói chung Benes ủng hộ sự thanh toán Tukhatrevxky, nhưng không đóng vai trò gì trong sự loại bỏ và bắt giữ ông.

    Như tôi còn nhớ, trong văn bản vụ “Khutor” có nhắc đến việc Benes tháng 4 - 1937, ngay trước khi gạt bỏ Tukhatrevxky, đã nói bóng gió với đại diện sứ quán Alexandrovxky và trưởng nhóm tình báo ở Praha Piotr Zubov, rằng không loại trừ khả năng hiệp định quân sự giữa Liên Xô và Đức, bất kể những bất đồng ý kiến, một phần do các liên hệ đã được Tukhatrevxky thiết lập vào những năm 20 - 30. Vậy mà chỉ ngày 4 - 7 - 1937, sau vụ tử hình Tukhatrevxky, Benes mới kể về những tiếp xúc “nào đó” của đại sứ Tiệp ở Berlin với các đại diện quân sự Đức mà đâu như diễn ra vào tháng 1 - 1937 với Alexandrovxky. Theo lời ông ta, Benes không báo cho chúng ta là người Tiệp có thông tin về sự có mặt tại Đức một nhóm có các nhà quân sự ủng hộ sự tiếp tục các quan hệ Xô - Đức từng được thiết lập từ những năm 20.

    Từ đại sứ của mình ở Berlin Benes nhận được một báo cáo chứa những ẩn ý mơ hồ của các tướng lĩnh Đức về các quan hệ bí mật với giới lãnh đạo Hồng quân. Mục đích của Đức làm người Tiệp sợ và phải tin rằng họ đừng hòng tính đến sự ủng hộ của Hồng quân trong sự đối đầu với nước Đức về vấn đề số phận của Sudet. Đó là vào tháng 7 - 1937 - một năm trước tối hậu thư của Hitler đối với Benes, đòi hỏi Sudet sáp nhập vào nước Đức. Trong nhật ký của mình vị đại sứ ghi rằng Benes đã xin lỗi ông vì đã không chia sẻ với lãnh đạo Xô viết những thông tin đó.

    Từ các tài liệu của vụ việc đã sáng tỏ mục đích cuộc gặp gỡ tháng 7 giữa đại diện sứ quán Alexandrovxky, trưởng nhóm tình báo NKVD Zubov và Benes.

    Hiện nay nội dung cuộc trao đổi của Benes với Alexandrovxky bị phủ nhận. Một tình huống khác quan trọng hơn cả bị giấu nhẹm: năm 1935 Liên Xô và Tiệp Khắc đã ký những hiệp ước bí mật về hợp tác của các cơ quan tình báo. Để quyết định vấn đề này đại tá Morabets phụ trách tình báo Tiệp đã sang Moskva. Sự hợp tác tình báo Liên Xô và Tiệp Khắc, sự trao đổi thông tin thoạt đầu do Tổng cục tình báo Hồng quân, còn từ năm 1937 do NKVD. Năm 1938 Benes yêu cầu Stalin ủng hộ các hành động về việc lật đổ chính phủ Stoiadinovich tại Belgrad vốn tiến hành đường lối thù địch đối với ban lãnh đạo Tiệp Khắc.

    Theo chỉ thị đặc biệt của Stalin để ủng hộ cuộc đảo chính tại Belgrad năm 1938, NKVD được giao tài trợ cho các phần tử vũ trang - sĩ quan Xécbi - những kẻ tổ chức cuộc đảo chính này. Nhóm trưởng tình báo Zubov đi sang Belgrad để chuyển tiền cho những kẻ mưu loạn, đã tin chắc rằng những người được tình báo Tiệp chọn lựa cho hành động này - là những tên phiêu lưu, không dựa vào thực lực, và đã không trao cho họ 200 nghìn đôla. Chiến dịch không thành này chiếu ánh sáng lên các liên hệ của Benes và Stalin từ trước đến giờ không ai rõ. Mục đích của Benes là nhận được sự ủng hộ trọn vẹn phía Stalin cả ở vùng Balkan lẫn ở châu Âu nói chung. Đấy là lý do tại sao khác với người Anh và người Pháp, ông ta không thể hiện thái độ đối với vụ tử hình nguyên soái Tukhatrevxky và làn sóng thanh trừng trong bộ chỉ huy quân sự Hồng quân.

    Bi kịch là ở chỗ Stalin và sau này là Khrusev, Brejnev và Gorbachov đã sử dụng tin tức của nước ngoài để bôi nhọ thanh danh các đối thủ của mình vào giai đoạn tranh giành quyền lực gay gắt. Vào lúc bình thường các tổng luận của báo chí nước ngoài chẳng được xem có một ý nghĩa gì nghiêm túc, nhưng một số thời điểm nó là chứng lý nhằm đánh giá sự “lệch lạc” của họ với đường lối của đảng. Thêm nữa nguyên tắc này thậm chí được củng cố bằng một sắc lệnh đặc biệt của BCHTƯ.

    Năm 1989 Boris Eltsin trong chuyến công du đầu tiên sang Mỹ đã bị buộc tội say rượu, khi chỉ viện dẫn báo chí nước ngoài. Năm 1990 các tài liệu này có vai trò trong mâu thuẫn giữa Gorbachov và Sevardnadze, cựu ngoại trưởng. Việc sử dụng những mẩu cắt từ báo chí nước ngoài chỉ được chặn lại vào tháng 11 - 1991 - ngay trước sự kết thúc “kỷ nguyên Gorbachov”. Làm điều đó là Ingatenko, Tổng giám đốc TASS, khi cấm chuyển theo kênh TASS về chính phủ những tổng luận đặc biệt chứa đựng sự bôi nhọ các nhà lãnh đạo của chúng ta.

    Vào những năm 30 chúng ta có cảm tưởng: rằng bất kỳ ai chống lại chính phủ hay lãnh đạo đảng, trước hết là chống chính Stalin, cũng như chiến hữu của ông ta - Bộ trưởng Vorosilov - là kẻ thù của nhân dân. Chỉ tôi mới thấm hiểu tính đểu giả các nhận xét của Beria và Abakumov về Tukhatrevxky. Lãnh đạo tối cao biết quá rõ: tất cả những cáo buộc chống ông là bịa đặt. Họ thích giả thuyết về cuộc mưu phản bởi vì nếu không họ buộc phải chấp nhận rằng nạn nhân những vụ thanh trừng trên thực tế là đối thủ trong cuộc chiến vì quyền lực. Một sự chấp nhận như thế hẳn làm tổn hại hình tượng của đảng cầm quyền.

    Điều mà năm 1937 được coi là tội ác nghiêm trọng - tôi ý nói sự cáo buộc trong sự thiếu chuyên nghiệp của Vorosilov, điều Tukhatrevxky cho phép bản thân nói lên - hai chục năm sau khi chết được minh oan, đã không đúng nữa. Đồng thời chẳng ai giải thích những lý do đích thực của sự kiện. Trong các thông báo chính thức chỉ xuất hiện những trích dẫn mơ hồ về “những sai lầm có chỗ” trong đường lối trừng phạt, những kẻ có lỗi bị nêu danh chỉ là Ejov và tay chân của ông ta.


    [...]
     
  16. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    2. Thăm dò khả năng Hiệp ước hòa bình với nước Đức qua Phần Lan năm 1938


    Tháng 4 năm 1938 nhóm trưởng tình báo NKVD ở Phần Lan Pưbkin được gọi vào Kremli nơi Stalin và các uỷ viên Bộ Chính trị giao cho ông ta một nhiệm vụ hoàn toàn đặc biệt... Ông ta nhận được chỉ thị không chính thức đề nghị với chính phủ Phần Lan một hiệp ước bí mật với đại sứ Liên Xô.

    Người Phần Lan được đảm bảo hợp tác kinh tế với Liên Xô có tính đến quyền lợi của họ ở Scandinavia và châu Âu để đổi lấy việc ký kết hiệp định không tấn công, hợp tác kinh tế và quân sự trong trường hợp có sự xâm lược của nước thứ ba. Hiệp ước hứa hẹn các lợi ích kinh tế cho cả hai bên. Đề nghị của Stalin bao gồm cả sự phân chia ảnh hưởng kinh tế và quân sự ở vùng Baltic giữa Phần Lan và Liên Xô. Theo chỉ thị của Stalin Rưbkin cũng chuyển 100 nghìn đôla cho việc thành lập đảng của các tiểu chủ ủng hộ một nước Phần Lan trung lập.

    Rưbkin trong lúc trò chuyện ở Kremli thể hiện sự ngờ vực rằng người Phần Lan, lúc ấy đang có thái độ thù địch với nước láng giềng phía Đông, sẽ đồng ý ký một hiệp định như thế, nhưng Stalin nhấn mạnh rằng đó là giả định, vì thế những đề nghị, thiếu sự tham gia của đại diện sứ quán, là không chính thức. Rưblin tiến hành, như người ta ra lệnh, nhưng đề nghị bị gạt bỏ. Thế nhưng nó gây nên sự chia rẽ trong giới lãnh đạo Phần Lan mà sau này chúng ta đã lợi dụng, khi ký kết hiệp định hoà bình riêng rẽ với Phần Lan năm 1944. Nhân thể, làm được điều đó với sự trung gian của gia đình người Thuỵ Điển Vallenberg. Những cố gắng của chúng ta tìm ra cách tiếp cận bí mật với Mannergeim thông qua đồng đội cũ của ông ta trong quân đội Sa hoàng - công tước Ignatiev, đã chuyển sang hàng ngũ Hồng quân từ những năm 1920, cũng không thành công.

    Tôi không biết gì về những đề nghị loại này ở phía Đức, thế nhưng tội cho rằng nguyên soái Phần Lan Karl Gustav Mannergeim đã thông tin cho Hitler về các đề nghị đó, bởi nhẽ quốc trưởng, khi phái ngoại trưởng của mình Ioahima von Ribbentrop sang Moskva tháng 8 - 1939 để thương thuyết về việc ký kết hiệp ước không tấn công, đã dựa vào không chỉ phản ứng của Molotov và Stalin. Hắn đã được rõ là chúng ta sẵn sàng tiếp nhận, bởi tự chúng ta đã cố để ký kết một hiệp ước tương tự với nước láng giềng Phần Lan.

    Sự từ chối của Phần Lan tiếp theo ngay trong tháng đó của năm 1938. Người Phần Lan quan trọng hơn nhiều vẫn là đồng minh của Anh, Thụy Điển và Đức. Thêm nữa, họ không nhìn thấy lợi lộc gì trong vai trò giáp ranh giữa phương Đông và phương Tây. Thế nhưng, muộn hơn, vai trò này dẫu sao vẫn đã ràng buộc họ. Vì việc Phần Lan tấn công Liên Xô cùng với người Đức, họ đã phải trả một giá đắt. Kết quả là người Phần Lan đã nhận được những điều kiện ít lợi lộc hơn, so với những gì thoạt đầu Rưbkin đề nghị năm 1938.


    [...]
     
  17. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    3. Hiệp ước Molotov - Ribbentrop. Trước ngưỡng cửa cuộc chiến tranh


    Tháng 8 - 1939 khối lượng thông tin tình báo vọt lớn đột ngột. Chúng tôi nhận được những tin tức tin cậy về việc các chính phủ Pháp và Anh không nóng vội giúp Liên Xô trong trường hợp chiến tranh với Đức. Điều đó hoàn toàn trùng hợp với các số liệu nhận được ba hay bốn năm về trước từ nhóm Cambrige. Theo các tin tức này, văn phòng hội đồng bộ trưởng Anh, chính xác hơn, Nevill Chamberlain và ngài John Saimon xem xét khả năng thoả thuận ngầm với Hitler để giúp y trong sự đối kháng quân sự với Liên Xô. Thông tin từ ba nguồn tin cậy ở Đức lưu ý đặc biệt: Đức quốc xã kiên quyết phản đối chống lại chiến tranh trên hai mặt trận.

    Các chỉ thị nhận được buộc chúng tôi nhanh chóng xem xét các phương án hợp tác với các bên về việc chống trả sự gây hấn chiến tranh. Chỉ thị đề cập không chỉ đến các cuộc thảo luận từ đầu năm 1939 với Anh và Pháp, mà còn cả với nước Đức. Ở Đức, các tướng lĩnh Đông Phổ ủng hộ sự điều chỉnh các quan hệ hoà bình với Liên Xô.

    Xem xét các khả năng lựa chọn tương ứng với các chỉ thị nhận được (hoặc hiệp ước hoà bình với người Anh và người Pháp, hoặc sự điều chỉnh hoà bình với Đức) tôi thậm chí không hình dung ra rằng các thương thuyết kinh tế được kết thúc băng hiệp ước về hợp tác của Berlin và Moskva. Khi tôi được thông tin về việc ngoại trưởng Đức sắp đến Moskva ngày 23 - 8 - 1939 - chỉ mấy giờ trước khi điều đó xảy ra, - tôi đã kinh ngạc. Sau khi Ribbentrop đến và mười ba giờ tiếp theo của việc ký kết Hiệp ước không tấn công (sự kiện này diễn ra trong điện Kremli vào hai giờ sáng ngày 24 - 8) đã trở nên rõ ràng: quyết định được phê chuẩn không phải là bất ngờ. Mục đích chiến lược của ban lãnh đạo Xô viết là tránh chiến tranh trên hai mặt trận bằng bất cứ giá nào - ở Viễn Đông và ở châu Âu. Đường lối ngoại giao như thế, không gắn với những tính toán, đã được thiết lập từ những năm 20, khi Liên Xô thực hiện hợp tác kinh tế và ủng hộ các quan hệ bình thường với Italia sau khi Benito Mussolini lên cầm quyền năm 1922. Lãnh đạo Kremli đã sẵn sàng thoả hiệp với bất cứ chính thể nào nhằm bảo đảm ổn định cho Liên Xô. Đối với Stalin và giới thân cận của ông việc biến Liên Xô thành một cường quốc hùng mạnh nhất thế giới luôn luôn là sự ưu tiên.

    Nhưng khả năng phát triển ổn định chỉ có thể sau khi hoàn tất tập thể hoá năm 1934. Trước đó chúng ta đã trải qua tuần tự nội chiến, nạn đói, sự điêu tàn. Và chỉ đến giữa những năm 30 công nghiệp hoá mới đem lại những thành quả ban đầu. Sự hùng hậu của quốc gia đang lớn mạnh được chứng tỏ trong những hoạt động quân sự thành công chống Nhật Bản, Mông cổ và Mãn Châu. Dù đã thiết lập quan hệ ngoại giao với tất cả các nước hàng đầu thế giới, mặc dù thế chúng ta vẫn giữ thế cô lập, nó thể hiện một cách trực quan khi các cường quốc thế giới không cho chúng ta tham dự các quyết định mà quyền lợi của họ phụ thuộc vào đó. Tất cả các hiệp định về châu Âu và châu Á được phê chuẩn bởi các nước phương Tây và Nhật Bản đều gây tổn hại cho các quyền lợi của Liên Xô. Hiệp định Anh - Đức năm 1935 kêu gọi tái vũ trang lực lượng quân đội- hải quân Đức, và các hiệp định tiếp theo giữa các cường quốc thế giới về trang bị các loại vũ khí hiện đại cho các hạm đội của mình, thậm chí người ta không nhắc đến Liên Xô.

    Phái đoàn Pháp và Anh đến Moskva mùa hè năm 1939 để thăm dò khả năng thành lập một liên minh có thể chống Hitler, bao gồm chỉ những nhân vật hạng hai. Như thế, đường lối của Stalin trong quan hệ với Hitler dựa trên sự suy đoán đúng đắn, rằng tính thù địch của thế giới phương Tây và Nhật Bản đối với thể chế Xô viết sẽ làm cho thế cô lập của Liên Xô càng nghiêm trọng.

    Nhìn lại, không thể không đi tới kết luận rằng ba đồng minh tương lai - Liên Xô, Anh và Pháp - có lỗi trong việc cho phép Hitler triển khai thế chiến II. Thái độ không thân thiện và mâu thuẫn - đã cản trở sự thành công của thỏa hiệp giữa một bên là Anh và Pháp, với Liên Xô. Sự thoả hiệp hẳn đã cho phép chung sức ngăn cuộc xâm lăng của Hitler chống Ba Lan. Các sử gia thế chiến II không hiểu sao đã bỏ qua rằng các cuộc thương thuyết Anh - Pháp - Xô năm 1939 được bắt đầu trên thực tế theo sáng kiến của tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt. Donald Maklin báo rằng phái đại diện của mình tới thủ tướng Anh Chamberlain với lời cảnh báo: sự thống trị của Đức ở Tây Âu hẳn là nguy hại cho các quyền lợi của cả Mỹ lẫn Anh. Roosevelt kích động Chemberlain để kìm chế Hitler tham gia vào các thương thuyết với những đồng minh châu Âu của Anh, kể cả Liên Xô. Các nguồn tin báo rằng chính phủ Anh tỏ vẻ miễn cưỡng với sáng kiến của Mỹ, vậy nên buộc phải gây sức ép lên người Anh, đề buộc họ chịu thương thuyết với chính quyền Xô viết về việc soạn thảo các biện pháp quân sự để đối chọi với Hitler.

    Mặc dù vậy, sự nhanh chóng mà hiệp ước không tấn công được ký với Hitler, đã làm tôi sửng sốt: mới hai ngày, trước khi nó được ký kết, tôi nhận được lệnh tìm kiếm mọi cách có thể để điều chỉnh quan hệ hoà bình với nước Đức. Chúng tôi còn tiếp tục gửi những đề nghị chiến lược cho Stalin và Molotov, thế mà hiệp ước đã được ký: Stalin tự mình tiến hành thương lượng trong hoàn cảnh bí mật nghiêm khắc nhất.

    Tôi không biết gì về các biên bản Hiệp ước Molotov- Ribbentrop, nhưng nói chung các biên bản bí mật loại này là sự thường nhất trong các quan hệ ngoại giao động chạm đến những vấn đề đặc biệt phức tạp. Trước ngưỡng cửa chiến tranh, chính phủ Anh đã ký những hiệp ước bí mật với Ba Lan - đề cập đến sự trợ giúp quân sự cho Ba Lan trong trường hợp chiến tranh với Đức. Năm 1993, ví dụ, một tờ nhật báo Đức đã đăng biên bản mật và ghi chép các cuộc nói chuyện bí mật giữa Gorbachov và thủ tướng Helmut Kol diễn ra ngay trước khi hợp nhất nước Đức. Và hiện giờ, khi đọc các biên bản mật Hiệp ước Molotov- Ribbentrop, tôi chẳng tìm thấy có gì bí mật trong chúng. Các chỉ thị dựa vào các hiệp định được ký kết, khá là rõ ràng và xác định: không chỉ lãnh đạo cơ quan tình báo, mà cả giới lãnh đạo quân đội và các nhà ngoại giao biết về chúng. Bản đồ thực tế sự phân chia Ba Lan, phụ lục cho biên bản ngày 28 - 9 - 1939, đã xuất hiện trên các trang Sự thật, thiếu chữ ký của Stalin và Ribbentrop, và cả thế giới đều có thể nhìn thấy nó. Ấy nhưng lúc đó nước Ba Lan đã bị chiếm đóng.


    [...]
     
  18. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]

    4. Hệ thống NKVD ngoài nước ngay trước chiến tranh


    Tháng 10 - 1939, cùng vói Fitin, lãnh đạo tình báo, và Merkulov phó của Beria, tôi tham dự cuộc họp chỗ Molotov trong văn phòng ở điện Kremli. Nơi ấy có cả chỉ huy cục tác chiến Bộ tổng tham mưu thiếu tướng Vaxilievxky (vào những năm 50 là bộ trưởng Bộ Quốc phòng), thứ trưởng Bộ Ngoại giao Potemkin, Phó chủ tịch Ủy ban kế hoạch nhà nước Borixov, tham mưu trưởng Không quân và hải quân thống chế Ixakov, tư lệnh bộ đội biên phòng tướng Maxlenikov và phụ trách tình báo quân sự, hình như, thiếu tướng Panfilov.

    Chương trình nghị sự chỉ có một vấn đề - bảo vệ các quyền lợi chiến lược vùng Baltic. Molotov muốn nghe các ý tưởng của chúng tôi. Các đạo quân Xô viết đang ở đấy theo hiệp định ký kết giữa các chính phủ Litva, Latvia và Estonia. Khai mạc cuộc họp, Molotov tuyên bố:

    - Chúng ta có hiệp ước với Đức theo đó Baltic được xem như một khu vực có các quyền lợi quan trọng nhất của Liên Xô. Nhưng, - Molotov tiếp tục, - dù Đức thừa nhận điều đó về mặt nguyên tắc, họ không bao giờ đồng tình với bất kỳ “những cải cách xã hội mấu chốt nào hết” mà hẳn sẽ thay đổi thể chế pháp quyền của các quốc gia này, chống sự gia nhập của họ vào Liên Xô. Hơn thế, lãnh đạo Xô viết cho rằng biện pháp tốt nhất để bảo vệ quyền lợi của Liên Xô ở vùng Baltic và tạo nên ở đấy một biên giới vững chắc - đó là giúp phong trào công nhân lật đổ chính thể bù nhìn.

    Từ tuyên bố này, chúng ta có thể lý giải như thế nào về hiệp ước với Hitler. Thế nhưng cuối mùa thu năm 1939 đã xuất hiện một động lực để tích cực hoá các chiến dịch chính trị, kinh tế, quân sự và tình báo tại vùng Baltic. Từ hệ thống điệp viên ở Thụy Điển và Berlin chúng tôi nhận được những tin đáng tin cậy về việc người Đức đang có kế hoạch phái các phái đoàn kinh tế cao cấp sang Riga và Tallin để ký kết những hiệp định dài hạn. Như thế, vùng Baltic hẳn sẽ rơi vào sự kiểm soát kinh tế và chính trị của Đức. Các bức điện từ Berlin và Thuỵ Điển được chuyển về có hai chữ ký - của đại sứ và nhóm trưởng tình báo, trường hợp cực hiếm và chứng tỏ: thông tin có ý nghĩa chính trị quan trọng. Nhận được ở Moskva cùng với sự cho phép của Molotov và Beria chúng được chuyển đến Fitin và tôi theo tuyến NKVD với mệnh lệnh của Beria. Các bức điện báo thường được gửi cho một số thành viên của chính phủ.

    Fitin nhận bức điện của Gukaxov, phụ trách các tổ chức dân tộc chủ nghĩa và lưu vong ở các vùng cận kề biên giới. Nhân thể, chính Gukaxov năm trước đã đòi đảng ủy điều tra vụ việc của tôi. Bây giờ, vẫn có thái độ ngờ vực đối với tính trung lập của tôi và, có thể, vẫn giữ ác ý với tôi, anh ta không chuyển cho tôi chỉ thị của Beria và tự mình chuẩn bị kế hoạch đối phó với các cơ quan đặc biệt của Đức ở Latvia, Litva và Estonia và bỏ qua tôi, gửi chúng cho Fitin. Kế hoạch của anh ta là chỉ sử dụng mạng lưới điệp viên trong ba nước cộng hoà vùng Baltic gồm những người lưu vong Nga và Do Thái.

    Nổ ra một vụ scandal.

    Gọi Fitin và tôi đến và nghe thông báo của Fitin theo ghi chép của Gukaxov, Beria hỏi ý kiến của tôi. Tôi trả lời một cách trung thực rằng tôi không có ý kiến, tôi không nhận được chỉ thị nào cả và không nắm được các dự định của người Đức ở Riga; trong hiện tại tôi chuyên trách những việc hoàn toàn khác. Beria nổ tung vì thịnh nộ và bảo gấp rút đưa điện báo đến một lần nữa. Lập tức ông ta thấy rằng trên chúng không có chữ ký của tôi, mà nguyên tắc bắt buộc phải có chữ ký cho bất cứ tài liệu mật nào qua tay nhân vật có trách nhiệm trong cơ quan tình báo và được chuyển đi để nghiên cứu. Gukaxov ngay đó bị gọi lên chiếu và Beria dọa lấy đầu anh ta vì không thi hành mệnh lệnh. Đáp lại Gukaxov hạ giọng, trong giọng điệu tin cẩn (anh ta vốn xuất thân ở Tbilixi) anh ta nói rằng: Anh ta đã không cho tôi xem các bức điện, bởi vì theo phụ trách bộ phận điều tra Xergienko có những tài liệu cho thấy sự tiếp xúc đáng ngờ của tôi với bọn kẻ thù của nhân dân tức ban lãnh đạo cũ của cơ quan tình báo. Beria cắt ngang Gukaxov một cách gay gắt: phải vứt ngay cái thói quen ngu ngốc chen vào công việc không phải của mình nhớ cho kỹ rằng, mệnh lệnh phải được thi hành không suy suyển và không chậm trễ.

    - Châu Âu hiện đang trong lò lửa chiến tranh, và nhiệm vụ của tình báo trong các điều kiện hiện thời, Beria nhấn mạnh, trở nên hoàn toàn khác. Ngay đó ông trích dẫn Stalin, người đòi hỏi sự lôi kéo một cách tích cực những cán bộ tác chiến của các cơ quan tình báo vào các chiến dịch thăm dò chính trị và tận dụng bất cứ mâu thuẫn nào trong giói lãnh đạo của các quốc gia nước ngoài.

    - Điều đó, Beria tổng kết, là chìa khoá đến thành công trong sự lật đổ các chính phủ bù nhìn đã tuyên bố độc lập vào năm 1918 dưới sự bảo vệ của lưỡi lê Đức. Từ tràng lời đó chúng tôi hiểu ngay rằng ông muốn nói các quốc gia vùng Baltic. Bọn Đức cả trước kia lẫn bây giờ, Beria tiếp tục, xem chúng như các tỉnh của mình, là thuộc địa của đế quốc Đức. Còn nhiệm vụ của chúng ta là đánh vào mâu thuẫn giữa Anh và Thuỵ Điển trong khu vực này. Với những lời đó ông ta quay về phía tôi. Hãy suy nghĩ và không chậm trễ gọi Tritsaev về Moskva. Sau đó hãy báo cáo các ý tưởng của anh với tính toán những phương tiện vật chất cần thiết. Thời hạn ba ngày.

    Cách đặt vấn đề gay gắt và tự phụ thế hiện cái tư duy mới mà Stalin, Molotov và Beria lộ rõ sau khi ký kết hiệp ước mà rõ ràng đã tăng thêm cho họ niềm tin vào các khả năng của bản thân. Trong những khu vực chính thức giờ đây đã thuộc phạm vi của chúng ta, chúng ta bắt đầu một đường lối chính trị mới, nhằm ảnh hưởng đến đường lối đối nội của các chính phủ.


    [...]
     
  19. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    5. Sáp nhập các nước cộng hoà Baltic và Tây Ucraina vào Liên Xô

    Phụ trách tình báo của NKVD ở Riga Tritsaev về Moskva, đã báo cáo những quan hệ căng thẳng bên trong chính phủ Latvia đầu tiên là giữa tổng thống Ulmanis và Bộ trưởng quân sự Balodis. Mâu thuẫn này đã làm đổ vỡ tính ổn định của thể chế hiện hành đang nằm dưới sức ép của chúng ta và của Đức. Người Đức, hoàn toàn tự nhiên, dựa vào những kẻ trung thành trong các nhà lãnh đạo kinh tế và các giới làm ăn, trong khi đó chúng ta tính đến ảnh hưởng trong các nhóm cánh tả liên hệ với ĐCS và các công đoàn. Dù ở đấy có gì đi nữa, Latvia, cũng như các quốc gia khác của vùng Baltic, về thực chất là vùng đệm giữa Liên Xô và Đức. Kế hoạch thành lập liên minh rộng rãi khi trong chính phủ cần phải có đại diện những quyền lợi của Đức lẫn của Liên Xô, cũng được bàn trong buổi gặp tại văn phòng Molotov ở điện Kremli. Biết về một phương án như thế, tổng thống Latvia Ulmanis phản đối gay gắt, trong khi đó bộ trưởng ngoại giao Wilhelm Munters bất ngờ tán thưởng. Tình cảnh trong nước cộng hoà càng bị hun nóng thêm do phong trào đình công được chúng ta ủng hộ đang lan rộng. Khủng hoảng kinh tế bị chìm sâu thêm bởi cuộc chiến tranh đã bắt đầu: các mối quan hệ thương mại với Anh và Tây Âu bị cắt đứt.

    Tritsaev và Vetrov, cố vấn đại diện chính trị của ta ở Riga, tới chỗ tôi, và Vetrov đề nghị đánh vào lòng kiêu hãnh của Munters người mà thanh danh ở Berlin khá vững chắc do những cuộc gặp gỡ thường xuyên với Ribbentrop. Với Ulmanis, thì chính phủ của ông ta không còn có uy tín đặc biệt nữa vì những sai lầm trong kinh tế và thái độ nhún nhường mà nó giữ đối với các doanh nhân Đức ở Riga có tinh thần sô vanh. Các tay thương nhân này mua lại tất cả những gì giá trị ở nước cộng hoà, lợi dụng những ưu thế mở ra trước họ do sự cắt đứt các liên hệ buôn bán của Latvia với Tây Âu. Nhân thể, gần bảy mươi phần trăm hàng hóa xuất khẩu của Latvia đi sang Đức thực chất theo giá thấp. Tôi thông báo cho Beria và Molotov rằng chính phủ Latvia dựa vào không chỉ của các tổ chức quân đội, mà còn vào các lực lượng cảnh sát chủ yếu gồm con em các chủ trang trại và các tiểu thương.

    Theo sự tin tưởng của chúng tôi, ngoại trưởng Munters là nhân vật lý tưởng để đứng đầu một chính phủ có thể dung hòa quyền lợi của Đức lẫn quyền lợi của Liên Xô. Khi ông ta bắt những tờ báo chính của Latvia đăng ảnh Molotov (nhân kỷ niệm sinh nhật 50 tuổi), chúng tôi nhìn nhận điều đó như sự sẵn sàng của ông ta thiết lập các tiếp xúc riêng với Molotov. Phản ứng của chúng tôi không hề chậm trễ: lập tức tôi được trao hộ chiếu ngoại giao với tên là Matveev, còn Munters được thông tin về việc Matveev, cố vấn đặc biệt của Molotov, muốn gặp gỡ với ông ta để làm một trung gian. Những thông điệp không chính thức giữa ông ta và Molotov sẽ được trao cho ban lãnh đạo Xô viết. Đã là tháng 6 1940 và cần gấp rút hành động. Chính vì thế tôi sang Riga trên một máy bay chiến đấu của Liên Xô. Ở Riga tôi và Vetrov đã có cuộc viếng thăm bí mật Munters, trong thời gian cuộc gặp gỡ, chúng tôi thế hiện mong muốn của chính phủ Liên Xô làm sao nhanh nhất tiến hành sắp xếp lại thành phần chính phủ của nước cộng hoà mà trong đó để ông, Munters có thể đứng đầu chính phủ mới trung lập.

    Chuyến đi thăm của tôi là một phần của chiến dịch tổng hợp về việc nắm giữ kiểm soát chính phủ Latvia. Lãnh đạo chiến dịch là Merkulov thứ trưởng thứ nhất của Beria, người đã bí mật bay sang Riga trước tôi để điều phối kế hoạch hành động tại chỗ. Ở tại Riga dưới danh nghĩa cố vấn của Molotov, tôi báo cáo tất cả với Merkulov người vốn có đường dây trực tiếp bằng điện thoại với Molotov và Beria. Trong khi đó tối hậu thư được chuyển cho chính phủ ở Riga. Kết quả là tổng thống Ulmanis buộc phải rời chức vụ, các đơn vị Xô viết chiếm Latvia và cựu tổng thống bị bắt. Tình huống đã thay đổi. Người Đức bị kéo quá sâu vào các chiến dịch quân sự ở phía Tây đã không kiểm soát được các sự kiện diễn ra tại Latvia. Nhân điều đó Molotov và Stalin quyết định đặt lên vị trí lãnh đạo các quốc gia vùng Baltic không phải những người được cả hai bên vừa ý (ví dụ như chính Munters), mà là những người tin tưởng gần gũi với ĐCS. Thật ra, những dự định ban đầu cho việc thành lập các chính phủ trung lập, một số người vẫn được giữ. Thí dụ, các tướng lĩnh Latvia và Estonia được phong hàm tương tự quân hàm trong Hồng quân, còn Munters dù là bị bắt, nhưng người ta không làm điều đó ngay lập tức.

    Cùng với Vetrov tôi đến dinh thự của Munters nơi chúng tôi đã lường trước mọi biện pháp để đóng gói tài sản của ông và lặng lẽ chở tất cả các thành viên gia đình ông về Moskva. Từ đấy họ được chở về Voronej, nơi Munters được làm giáo sư tại trường đại học Tổng hợp Voronej. Chúng ta chính thức đưa tin cho phía Đức rằng chúng ta vẫn xem Munters là một nhân vật chính trị lớn. Dưới sự kiểm soát của chúng ta, ở Moskva trong bữa ăn trưa, ông gặp các đại diện Đức, nhưng số phận ông đã bị định đoạt, và ông đã không trở thành được thậm chí là thủ tướng bù nhìn của chính phủ. Năm 1941 khi bắt đầu chiên tranh với Đức, Munters bị bắt và bị kết án tù giam dài hạn vì những hoạt động thù địch đối với chính phủ Liên Xô. Theo sự đưa đẩy lạ lùng của hoàn cảnh tôi đã gặp Munters ở nhà tù Vladimir cuối năm 1958 hay đầu năm 1959 gì đó. Khi người ta tha ra, ông ta ở lại sống tại Vladimir. Khi về hưu ông đăng các bài báo trên Tin tức chứng minh tính cấp thiết liên minh của Latvia với Liên Xô.

    Số phận các quốc gia vùng Baltic mà thoạt đầu được sắp đặt tại Kremli và Berlin trong nhiều điểm giống số phận các nước Đông Âu bị phán quyết tại Yalta. Sự giống nhau ở đây đến kinh ngạc: cả trong trường hợp này lẫn trường hợp kia, bằng một hiệp ước sơ bộ dự định thành lập các chính phủ trung lập thân thiện với cả hai bên. Chúng ta cần một vùng đệm tách chúng ta khỏi môi trường ảnh hưởng của các cường quốc, và chúng ta thể hiện sự sẵn sàng chấp nhận đối kháng tàn khốc trong những khu vực nơi đến cuối chiến tranh có các đơn vị Hồng quân. Tôi lặp lại, với mục đích xây dựng chủ nghĩa cộng sản, Kremli nhìn thấy chủ yếu là bằng mọi cách củng cố sự hùng cường của nhà nước Xô viết. Chúng ta chỉ có thể đóng vai cường quốc thế giới trong trường hợp nhà nước có một sức mạnh quân sự đầy đủ và đủ sức bắt các nước nằm cạnh biên giới chúng ta chịu ảnh hưởng. Tư tưởng tuyên truyền từ trên về cuộc cách mạng cộng sản chủ nghĩa trên toàn thế giới là màn khói của tư tưởng hộ được gợi lên để khẳng định Liên Xô trong vai một siêu cường có ảnh hưởng đến tất cả các sự kiện trên thế giới. Dù ngay từ đầu nó chỉ là một quan điểm, dần dần nó biến thành đường lối chính trị thực tiễn. Cái khả năng như thế đã mở ra trước nhà nước chúng ta lần đâu tiên sau Hiệp ước MolotovRibbentrop. Bởi từ đây, như các biên bản mật khẳng định, một trong những cường quốc hàng đầu của thế giới đã thừa nhận các quyền lợi quốc tế của Liên Xô và mong muốn tự nhiên của nó là mở rộng biên giới của mình.

    Sau câu chuyện với Gukaxov mà tôi đã kể, trước khi Latvia bị quân đội ta xâm chiếm, bất ngờ Beria gọi tôi lên và đề nghị tháp tùng ông đến trận bóng đá tại sân vận động Dinamo. Ông không đưa ra lời giải thích nào cả đó là mệnh lệnh. Hai đội chơi là Xpartac, đội công đoàn và Dinamo đội NKVD: những năm ấy mỗi trận gặp của hai đội này là một sự kiện lớn. Thoạt đầu tôi cho là Beria muốn để tôi có mặt trong thời gian ông trò chuyện với điệp viên trong nhà hàng. Nhà hàng nằm cạnh sân vận động và là nơi lý tưởng để gặp các điệp viên, bởi vì các ngăn phòng ở đây được trang bị thiết bị nghe trộm. Khi chúng tôi đến sân vận động và ra khỏi xe, tôi theo sau Beria ở một khoảng cách kính cẩn, bởi Kolubov, Tsanava, Maxlenikov lập tức tiến lại gần ông và các phó khác ngay đó đã quây lấy sếp. Thế nhưng, quay lại ông ra dấu cho tôi lại gần và đi bên cạnh và tôi đã lọt vào lô ghế VIP như thế. Beria giới thiệu tôi với Maxlenikov và các nhà hoạt động Đảng và nhà nước khác, cần phải nói rằng tôi cảm thấy thật khó xử. Suốt thời gian đó tôi ngồi lặng thinh, nhưng tự sự kiện có mặt của tôi trên khán đài đã cho Kruglov, Xerov, Tsanava và những người khác hiểu rằng đã đến lúc chấm dứt truyền bá tin đồn về các tiếp xúc, liên lạc đáng ngờ của tôi và về những tài liệu gì đó bôi nhọ thanh danh tôi có ở bộ phận điều tra. Họ cần phải tin chắc rằng từ nay tôi thuộc hạng những kẻ được tin cậy trong mắt giới lãnh đạo đất nước.

    Tôi gặp may là tất cả các gặp gỡ của tôi với Beria tại nhà riêng đều thuần tuý công việc. Kể cả trường hợp khi tôi cùng với ông dự đám cưới người họ hàng của ông Vardo Makximalisvili, một cô gái Gruzia quyến rũ đang qua huấn luyện i tờ nghề tình báo dưới sự phụ trách của vợ tôi. Lan những tin đồn rằng cô là tình nhân của Beria khi còn là sinh viên khoa y ở Tbilixi, còn sau khi chuyển đến thủ đô ông lấy cô vào làm việc tại ban thư ký, sau đó sắp xếp để cô lấy một nhân viên NKVD, cũng người Gruzia. Tôi được mời đến đám cưới để ngắm kỹ cô và chồng cô và đánh giá phong thái xử sự (thí dụ, họ uống rượu có quá nhiều hay không), cần thiết như vậy là bởi cặp vợ chồng trẻ sắp được phái sang Paris để làm việc trong cộng đồng Gruzia lưu vong.

    Sau một hay hai năm làm việc ở Paris Vardo trở về Moskva, nơi cô phục vụ trong ngành tình báo đến năm 1952. Năm 1952 cô bị bắt, bị khép tội là khi ở Paris, cô đã tham gia vào âm mưu chống lại nhà nước Xô viết được chuẩn bị bởi bọn Gruzia lưu vong dưới sự lãnh đạo của tổ chức người Megrel ở đây rõ ràng ám chỉ Beria, vốn là dân Megrel. Cô bị ném vào tù theo lệnh trực tiếp của Stalin, và cô ở trong đó đến khi ông chết năm 1953. Cô lập tức được phóng thích theo sắp xếp của Beria, nhưng sau khi ông ta bị diệt, cô lại bị bắt và ngồi tù hai năm. Ra khỏi nhà tù, cô trở lại với nghề y. Bổ sung vào danh mục những bất hạnh đổ xuống đầu cô cần thêm một sự kiện nữa. Năm 1939 hay 1940 Xô viết Moskva cấp cho vợ chồng cô căn hộ trước kia là của đạo diễn nhà hát nổi tiếng Vxevolod Meierkhold bị thanh trừng theo lệnh Stalin. Nhân tiện nói thêm, căn hộ này NKVD sử dụng làm điểm hẹn kín. Vào thời gian chiến dịch mới hạ bệ Stalin thời Gorbachov, người ta tìm đủ cách gây áp lực với Vardo, đòi cô giải phóng căn nhà. Xô viết Moskva khó khăn trục xuất cô khỏi nhà về mặt pháp lý, bởi nhẽ cô có các giấy tờ chứng tỏ rằng chính cô là nạn nhân của những vụ thanh trừng chính trị. Sau khi trên tivi, thực ra không chỉ rõ tên Vardo, chiếu cảnh về tình trạng căn hộ của Meierkhold, sự việc này bắt đầu có dư luận. Lúc ấy KGB, mong tránh một vụ scandal tai tiếng, đã tìm cho cô và gia đình một chỗ ở ngang bằng giá trị.

    Hiệp ước MolotovRibbentrop còn có thêm một hậu quả đối với chúng ta sự sáp nhập Tây Ucraina. Sau khi các đạo quân Đức chiếm đóng Ba Lan, quân đội ta đã chiếm Galitsưn và Đông Ba Lan. Galitsưn luôn luôn là pháo đài của phong trào dân tộc chủ nghĩa Ucraina được nâng đỡ bởi các thủ lĩnh như Hitler và Canaris ở Đức, Benes ở Tiệp Khắc và thủ tướng liên bang Áo Engelbert Dollfuss. Thủ phủ Galitsưn Lơvov thành trung tâm cho người tỵ nạn tuôn về từ Ba Lan thoát khỏi các đạo quân Đức xâm chiếm.

    Tình báo và phản gián Ba Lan chuyển đến Lơvov tất cả những tù nhân quan trọng nhất những người bị tình nghi chơi trò hai mặt trong thời kỳ đối kháng Đức Ba Lan những năm 30. Về những gì diễn ra ở Galitsưn tôi chỉ được biết vào tháng 10 1939, khi Hồng quân chiếm Lơvov. Bí thư thứ nhất ĐCS Ucraina Khrutsev và bộ trưởng nội vụ của ông ta Xerov đi đến đó để tiến hành tại chỗ chiến dịch Xô viết hoá Tây Ucraina. Vợ tôi được phái đi Lơvov cùng với Pavel Jurablev phụ trách tình báo hướng Đức. Tôi lo lắng: phân đội của cô chuyên trách các điệp viên Đức và các tổ chức bí mật của bọn dân tộc chủ nghĩa Ucraina, mà ở Lơvov bối cảnh lại khác ở Ucraina Xô viết.

    Tại Lơvov nền kinh tế tư bản với các cơ sở bán buôn bán lẻ trong tay tư nhân sắp sửa bị tiêu diệt trong tiến trình Xô viết hoá. Nhà thờ Ucraina có uy tín vô cùng to lớn, dân địa phương ủng hộ phong trào dân tộc chủ nghĩa Ucraina do người của Bandera đứng đầu. Theo thông tin của chúng tôi, OUN hoạt động khá tích cực và nắm lực lượng tương đối lớn. Ngoài ra, nó có kinh nghiệm hoạt động bí mật phong phú, mà than ôi, không có ở “êkíp” Xerov. Cơ quan phản gián của những kẻ dân tộc chủ nghĩa Ucraina biết cách khá nhanh chóng lần ra một số điểm hẹn mật của NKVD tại Lơvov. Phương pháp lần dấu của chúng cực kỳ đơn giản; chúng bắt đầu theo dõi toà nhà công an thành phố và tháp tùng mỗi một ai bước ra từ đó mặc thường phục và đi... ủng, dấu hiệu để lộ anh ta là quân nhân: các chiến sĩ Treka Ucraina, che quân phục dưới áo bành tô, lại quên đi điều vặt vãnh như là đôi giày... Họ rõ ràng không tính đến là ở Tây Ucraina chỉ có quân nhân mới đi ủng mà thôi, vả lại, họ biết, điều đó, bởi ở Ucraina Xô viết tất cả đều đi ủng, vì không thể đào đâu ra loại giày khác.

    Sự đổ vỡ các điểm hẹn mật được báo cáo về Trung tâm, còn vợ tôi chuyển đến khách sạn “Trung tâm”, thoạt đầu dưới vỏ bọc người chạy loạn từ Varsava, sau đó tự xưng là nữ phóng viên báo Tin tức. Cô sử dụng rộng rãi kinh nghiệm công tác với dân tản cư Ba Lan ở Beloruxia vào những năm 20. Cô nói tiếng Ba Lan, và nhanh chóng thiết lập được quan hệ thân mật với một gia đình Do Thái Ba Lan từ Varsava. Cô giúp họ đi về Moskva, nơi chúng tôi đón họ, đưa tiền và gửi họ đi Mỹ với họ hàng. Chúng tôi thoả thuận rằng “các quan hệ thân thiện” sẽ được tiếp tục, nó có nghĩa là: trường hợp cần thiết cơ quan tình báo Xô viết sẽ có thể nhờ đến họ. Họ không biết rằng vợ tôi là cán bộ tác chiến, và đã đồng ý giữ liên lạc tiếp. Sau này, sau khi tôi bị bắt giữ, một khách du lịch từ Mỹ, người bà con của gia đình ấy khi đến Moskva năm 1960 đã cố gắng tìm kiếm vợ tôi trong toà soạn Tin tức, nơi, như Emma đã nói, cô làm phiên dịch. Họ gặp nhau khá thân tình, nhưng người ta không sử dụng người này vào mục đích tình báo.

    Xerov và Khrusev coi thường cảnh báo của Jurablev, người cho rằng nên kiên trì đối với các thủ lĩnh và các nhà hoạt động văn hoá Ucraina địa phương. Nhiều người trong số họ nổi tiếng rộng khắp ở Praha, Vienne và Berlin. Và thế, Xerov bắt giữ KostLevitsky một thời là người đứng đầu Cộng hoà Nhân dân Ucraina độc lập. Khrusev báo ngay về vụ bắt bớ này với Stalin, nhấn mạnh công lao của mình trong việc vô hiệu hoá vị thủ tướng tiềm năng của chính phủ Ucraina lưu vong. KostLevitsky được dẫn độ từ Lơvov về Moskva và tống vào nhà giam. Lúc ấy ông ta đã ngoài tám mươi, và việc bắt ông già này đã làm tổn hại đến uy tín của chúng ta trong mắt giới trí thức Ucraina.

    Hiệp ước MolotovRibbetrop đặt dấu chấm hết cho các kế hoạch của bọn dân tộc chủ nghĩa Ucraina về sự thành lập cộng hoà Karpat Ucraina độc lập, theo các kế hoạch được Anh và Pháp tích cực ủng hộ năm 1938. Ý tưởng này bị phá vỡ bởi Benes, người đồng ý với Stalin trong việc Karpat Ucraina bao gồm cả một phần lãnh thổ thuộc Tiệp Khắc, sẽ được chuyển trọn vẹn cho Liên Xô. Konovalets, thủ lĩnh Ucraina duy nhất tiếp cận được Hitler và Goering, như đã rõ, đã bị thủ tiêu năm 1938 (có thời y là đại tá trong quân đội Áo và có phần nào sự kính trọng trong quốc xã). Các thủ lĩnh dân tộc chủ nghĩa khác tại Ucraina không có được những mối liên lạc cao đến thế với người Đức chủ yếu đó là những nhân viên tác chiến của Abwehr và Gestapo, và chính quyền Anh, Pháp không cho những người này quan trọng gì lắm và không đặt cược vào họ khi chiến tranh bùng lên. Vì thế tuyên bố của Khrusev là ông ta xé nát các kế hoạch của phương Tây thành lập chính phủ Ucraina lưu vong lâm thời khi bắt KostLevitsky, giản đơn là không đúng, và khi tôi được lệnh cho đánh giá vụ bắt giữ KostLevitsky ở Moskva quan trọng tới mức nào, trong báo cáo gửi Beria, sau đó được chuyển cho Molotov, tôi đã nhấn mạnh việc bắt giữ đó là không thể biện minh từ bất cứ quan điểm nào. Ngược lại, nên cho Galitsưn một quy chế đặc biệt nhằm vô hiệu hoá sự tuyên truyền chống Xô viết đang lan truyền, và nhất thiết trả tự do ngay cho KostLevitsky, xin lỗi ông ta và đưa ông ta về Lơvov. Điểu đó cần phải làm, lẽ đương nhiên, với điều kiện là ông ta, về phần mình, ủng hộ ý tưởng của chúng ta cử một phái đoàn đại diện có uy tín từ Tây Ucraina về Kiev và Moskva để thương thuyết về quy chế đặc biệt cho Galitsưn trong thành phần cộng hoà Ucraina Xô viết. Bằng cách đó thể hiện lòng trân trọng xứng đáng với các truyền thống của địa phương. Molotov đồng tình. KostLevitsky được tha và trở lại Lơvov trong một toa tàu đặc biệt.

    Đề nghị này là sự đối kháng công khai đầu tiên của tôi với Khrusev và Xerov.

    Theo văn bản giữa Molotov và Ribbetrop, Liên Xô không cản trở công dân Đức và những người Đức sống trên các lãnh thổ thuộc vùng ảnh hưởng của Liên Xô di cư về Đức hay tới các vùng ảnh hưởng của Đức. Chúng tôi quyết định lợi dụng các điều kiện này.

    Nhóm của đại uý Adamovich được phái đến Trernovets. Theo tôi, trong nó có Viliam Fiser vừa mới được đưa trở lại công tác sau khi bị tha thải năm 1938 vì quan hệ với Orlov. Về sau ông lấy tên là Rudolf Abel. Trernovets nằm cạnh đường biên giới giữa Bukovina (Galitsưn), và lãnh thổ Ba Lan bị Đức chiếm đóng. Nhóm phải dàn xếp các tiếp xúc với các điệp viên được chiêu mộ trong số người Đức, Ba Lan và Ucraina. Họ phải trụ lại ở nơi này như dân tỵ nạn tránh chế độ cộng sản, tìm sự bảo vệ tại các lãnh thổ do người Đức kiểm soát. Đại uý Admovich rời Moskva đi Trernovets, mang theo ảnh các điệp viên của ta ở Ba Lan và Đức, anh cần cho bốn điệp viên xem ảnh, vì cần phải biết những người này tại các buổi hẹn gặp sơ bộ đã ấn định trước ở Varsava, Dantzig (Gdanxk), Berlin và Krakov. Trên ảnh chụp các cán bộ của chúng ta hoạt động dưới vỏ bọc của các cơ quan ngoại giao, các đại diện thương mại hay hoạt động báo chí trong các thành phố này. Fiser còn có nhiệm vụ huấn luyện bốn điệp viên cơ sở cho liên lạc điện đài.

    Thế nhưng sau khi Adamovich được Xerov tiếp, có thể, tại Trernovets, và thoả thuận về các điều kiện kỹ thuật cần thiết cho việc huấn luyện các điệp viên rồi, bất thần anh ta biến mất. Không tìm ra anh ta, Xerov chửi mắng Fiser và báo cáo về sự mất tích của Adamovich với Khrusev. Còn Fiser, dù là cán bộ của nhóm, không đoán ra những thủ đoạn bảo thủ và cho rằng nếu ông ta báo về hai ngày vắng mặt của Adamovich với NKVD địa phương rồi thì ông ta chẳng cần báo cáo về Moskva cho tôi. Các vị có thể tưởng tượng tâm trạng của tôi khi bị gọi vào văn phòng của Beria, người đã ra lệnh báo cáo về việc chiến dịch của Adamovich tiến triển ra sao. Ông đang nổi cơn thịnh nộ khi tôi không thể báo tin gì mới ngoài thông tin của tuần qua.

    Điện thoại réo. Đó là Khrusev. Ông ta bắt đầu tức giận chỉ trích Beria rằng người ta phái đến chỗ ông ta những kẻ kém nghiệp vụ và phản bội can thiệp vào công việc của NKVD Ucraina. Theo lời ông ta, các cán bộ địa phường đủ sức tự tiến hành toàn bộ công việc cần thiết.

    - Thằng cha Adamovich này của các anh là đồ đểu! ông ta hét lên trong ống nói. Hắn, theo thông tin của chúng tôi, đã chạy sang bọn Đức rồi!

    Mạng liên lạc chính phủ cho tôi khả năng nghe những lời giận dữ của ông ta. Beria rõ ràng không muốn đáp lại giọng điệu thô lỗ như vậy trước sự có mặt của tôi, và trong khả năng có thể ông ta nói nhẹ nhàng:

    - Nikita Xergeevich ạ, ở đây có thiếu tá Xudoplatov, phó chỉ huy tình báo của chúng ta. Tự anh ấy chịu trách nhiệm về chiến dịch của Adamovich. Anh có thể nhận được chỗ anh ấy lời đáp về bất cứ thắc mắc. Cầm ông nghe, tôi bắt đầu giải thích rằng Adamovich là một cán bộ giỏi, biết nhiều về Ba Lan. Nhưng Khrusev không thèm nghe lời giải thích của tôi và cắt ngang. Ông ta tin chắc rằng Adamovich đang ở chỗ bọn Đức và phải nhanh chóng tìm ra hoặc bắt cóc anh ta. Tiếp theo ông ta tuyên bố rằng sẽ bẽ gãy tôi nếu tiếp tục ương bướng, bao che cho những tên kẻ cướp và đểu cáng như KostLevitskv và Adamovich. Ông ta giận dữ ném ống nghe không chờ lời đáp của tôi.

    Phản ứng của Beria là sự kìm nén.

    - Sau hai ngày, ông ta nhấn từng lời, phải tìm ra Adamovich sống hoặc chết. Nếu anh ta sống, lập tức đưa ngay về Moskva, trong trường hợp không thi hành mệnh lệnh của Ủy viên Bộ Chính trị anh sẽ chịu toàn bộ trách nhiệm, vì có tính đến các mối liên hệ của anh với kẻ thù của nhân dân trong lãnh đạo cơ quan tình báo cũ.

    Tôi bước ra khỏi văn phòng với tâm hồn nặng trĩu. Sau mười phút điện thoại của tôi bắt đầu réo không ngừng. Phản gián, biên phòng, chỉ huy các quận công an NKVD Ucraina và Beloruxia tất cả đòi ảnh của Adarnovich. Theo chỉ thị riêng của Beria đã bắt đầu sự truy nã toàn liên bang. Qua hai ngày nhưng không sao lần ra dấu vết Adamovich. Tôi hiểu rằng tôi đang chờ những hiểm hoạ khó chịu. Thế nhưng vào thời điểm cuối tôi đã quyết định gọi điện thoại cho vợ của Adamovich đang sống ở Moskva. Theo các nguồn tin tôi có, trong cách xử sự của cô vào những ngày cuối không có gì đáng ngờ. Như tình cờ tôi hỏi cô trò chuyện với chồng mình lần cuối là bao giờ. Tôi thật kinh ngạc, cô cảm ơn tôi vì cú gọi này và nói rằng chồng cô hai ngày cuối này đang ở nhà anh ta bị chấn động thần kinh và các bác sĩ từ bệnh viện NKVD cấm anh ta dậy khỏi giường ít ra là trong mấy ngày. Tôi vội gọi ngay cho tướng Novikov, phụ trách y tế của NKVD, và ông ta khẳng định rằng mọi sự đều đúng như thế.

    Cần miêu tả hay không sự nhẹ nhõm mà tôi đã trải? Báo cáo với Beria như thông thường vào cuối ngày, tôi báo rằng Adamovich đang ở Moskva.

    - Bị giam chứ? - Beria hỏi.

    - Không, - tôi đáp và bắt đầu giải thích tình huống. Chỉ có hai chúng tôi trong văn phòng. Ông ta thô lỗ mắng tôi, sử dụng những lời mà không bao giờ tôi ngờ nghe thấy từ một ủy viên Bộ Chính trị. Điên khùng, ông ta vẽ những vòng tròn trên văn phòng rộng lớn của mình, hét những tiếng chửi rủa tôi và Adamovich, gọi chúng tôi là lũ ăn tục nói phét, lũ ranh vô trách nhiệm làm hổ danh NKVD trong mắt giới lãnh đạo Đảng.

    - Tại sao anh im lặng? - ông ta chằm chằm nhìn tôi, bất ngờ ngừng tràng chửi của mình.

    Tôi đáp rằng đầu tôi đau khủng khiếp.

    - Vậy thì - Beria ném ra, - về nhà đi.

    Trước khi rời đi tôi đã ghi lệnh bắt Adamovich và ghé vào chỗ Merkulov để ký nó. Thế nhưng khi tôi giải thích với ông ta, ông ta cười vào mũi tôi và xé tờ giấy ngay trước mặt tôi. Vào thời điểm ấy đầu tôi đau không thể chịu nổi, và sĩ quan y tế NKVD đã chở tôi về nhà. Sáng hôm sau thư ký của Beria gọi điện thoại cho tôi, anh ta rất ngắn gọn và đầy vẻ công việc - bộ trưởng lệnh cho tôi ở nhà ba ngày để chữa bệnh, nói thêm rằng ông chủ gửi cho tôi chanh nhận được từ Gruzia. Các điều tra cho thấy: Adamovich, uống say tại nhà hàng ở nhà ga Trernovets, trong buồng vệ sinh đã dây vào một vụ ẩu đả và nhận một cú đánh mạnh vào đầu gây nên chấn động não. Trong trạng thái ấy anh ta còn ngồi lên được chuyến tàu Moskva, quên báo tin cho Fiser (Abel). Trong lúc đánh nhau những tấm ảnh mà anh ta cần cho bốn điệp viên của chúng ta xem, đã bị mất. Thực ra, sau đó chúng đã được các cán bộ NKVD Ucraina phát hiện ở nhà ga, họ cho rằng điệp viên Abwehr gây ra vụ ẩu đả khi cố bắt cóc Adamovich. Sự việc kết thúc là Adamovich bị đuổi khỏi NKVD và thoạt đầu người ta cất nhắc làm thứ trưởng Bộ Ngoại giao Uzbekixtan, sau đó lên chức bộ trưởng. Tôi thấy anh ta một lần trong buổi diễn đầu tiên của nhà hát ở Moskva vào đầu những năm 50, nhưng chúng tôi đã không chào hỏi nhau.

    Thật bất hạnh, mâu thuẫn của tôi với Xerov và Khrusev chưa chấm dứt ở đó. Xerov bị dính vào một vụ tình ái với ca sĩ opera Ba Lan Bandrovxka- Turxka. Tại Moskva ông ta tuyên bố rằng tự mình chiêu mộ bà ta. Tất cả rất khoái trá - ca sĩ nổi tiếng khắp châu Âu mà và trước chiến tranh thường đi lưu diễn ở Moskva và các thủ đô châu Âu khác.

    Niềm hân hoan rồi cũng chóng qua: với sự đồng ý của Xerov bà ta đi sang Rumani, ở Bucarest bà ta thẳng thừng từ chối gặp trưởng nhóm điệp viên - cố vấn đại diện chính trị. Cả Khrusev, cả Beria lúc ấy đều nhận được thư từ các cán bộ NKVD Ucraina, khép Xerov vào tội chơi trò chim chuột.

    Xerov bị gọi gấp về Moskva. Tôi đã có mặt tại văn phòng Beria vào lúc ông ta đề nghị Xerov giải thích các hành động của mình và trả lời cho sự buộc tội ông ta. Xerov nói rằng ông ta đã xin phép Khrusev về chuyện tình ái với Bandrovxka- Turxka, và điều đó được gợi nên bởi những đòi hỏi tác chiến. Beria cho phép ông ta gọi cho Khrusev, nhưng ông kia vừa nghe Xerov gọi, liền chửi ngay:

    - Đồ chó đẻ, - ông ta quát vào ống nói, - muốn kéo ta vào các vụ tình ái để bôi nhọ hả? Hãy chuyển ống nghe cho đồng chí Beria!

    Tôi nghe thấy Khrusev nói với Beria những lời sau:

    - Lavrenti Pavlovich! Anh muốn làm gì với con chim miệng còn hơi sữa ấy thì làm! Nó chẳng có kinh nghiệm gì. Nếu cần thiết, hãy để nó lại chỗ làm việc cũ. Không hãy trừng phạt theo quy định. Chỉ đừng lôi tôi vào vụ này và vào các trò chơi của các anh với bọn lưu vong Ucraina.

    Beria bắt đầu chửi Xerov không tiếc lời, dọa đuổi khỏi cơ quan, gọi anh ta là kẻ đĩ bợm, lăng mạ và hạ nhục đủ thứ. Nói thực, tôi thấy khó xử có mặt tại văn phòng lúc ấy. Sau đó bất ngờ Beria đề nghị Xerov thảo luận với tôi tìm cách thoát khỏi chuyện khó chịu này. Chúng tôi đi đến kết luận rằng Xerov không nên tìm cách liên lạc với Bandrovxka- Turxka. Việc bà ta sang Rumani là một sự kiện đáng buồn, bởi những buổi diễn của nữ ca sĩ ở Lơvov hay ở Moskva hẳn gây ảnh hưởng thuận lợi đên dư luận quần chúng ở Ba Lan và Tây Âu. Cuối năm 1939 và đầu năm 1940 nó có thể cho thấy ở Galitsưn tình hình là bình thường và khá yên ổn. Trong chuyện này việc trốn chạy của nữ ca sĩ là một đòn giáng vào thanh danh Khrusev, kẻ không ngừng khẳng định rằng Moskva chẳng có gì phải lo lắng, bởi sự Xô viết hoá của Tây Ucraina diễn ra thuận lợi, và sự ủng hộ quá trình này của các nhà hoạt động văn hoá nổi tiếng của Ucraina và Ba Lan đã chứng minh điều đó.

    Uy tín của Khrusev bị tổn thương cả trong kết quả của những vấn đề khác. Thí dụ, năm 1939 một trong những chỉ huy du kích của chúng ta, đại uý Prokopiuk trở về từ Tây Ban Nha. Một cán bộ tác chiến giàu kinh nghiệm, anh hoàn toàn phù hợp để được đề cử vào chức vụ phụ trách Cục NKVD Ucraina, chuẩn bị các cộng tác viên để tiến hành những chiến dịch du kích trong trường hợp chiến tranh với Ba Lan hay Đức. Nghe đề nghị của chúng tôi, lập tức Khrusev gọi cho Beria phản đối quyết liệt. Beria gọi Kruglov phó của mình về cán bộ và tôi đến, bởi chính tôi đã ký giới thiệu cho Prokopiuk. Sự phản đối của Khrusev năm 1938 về người anh của Prokopiuk, thành viên hội đồng bộ giáo dục Ucraina, đã bị xử bắn như “một gián điệp của Ba Lan”. Khrusev nghe Beria phê bình tôi và Kruglov, bởi vì chúng tôi cử đến Kiev một người dù giỏi trong nghiệp vụ nhưng không phù hợp đối với lãnh đạo đảng địa phương.

    Người Khrusev cho là “phù hợp”, đó là Uxpenxky mà trước đây Khrusev đem theo về Ucraina với tư cách người đứng đầu NKVD. Ở Moskva ông ta lãnh đạo cục NKVD địa phương và làm việc trực tiếp dưới sự lãnh đạo của Khrusev. Tại Ucraina Uxpenxky năm 1938 đã tiến hành những vụ thanh trừng mà kết quả là trong số thành viên trong BCHTƯ ĐCS Ucraina cũ - hơn 100 người - chỉ ba người không bị bắt.

    Vừa đến Kiev, Uxpenxky gọi các cán bộ đến gặp và tuyên bố rằng không cho phép thái độ trung lập, tính mềm yếu và sự xét đoán dài dòng như trong thượng viện. Ai không muốn làm việc với ông ta, có thể đưa đơn. Tiện thể, một số bạn bè của vợ tôi đã làm thế, lợi dụng lời đề nghị này. Trước sự có mặt một đám đông thính giả, Uxpenxky đã ký chuyển họ sang quân dự bị hoặc đề cử hạ cấp chức vụ - ra ngoài phạm vi Ucraina. Uxpenxky chịu trách nhiệm về sự tra tấn và thanh trừng hàng loạt, trong khi Khrusev, một trong số ít uỷ viên Bộ Chính trị, trực tiếp tham gia cùng Uxpenxky vào các cuộc hỏi cung những người bị bắt.

    Năm 1938 khi Ejov bị thất sủng và đã bắt đầu sự săn đuổi cán bộ Treka- "những kẻ phản bội", Uxpenxky mưu toan chạy ra nước ngoài. Ông ta vớ theo mấy quyển hộ chiếu trắng và lẩn mất, sau khi bày ra một vụ tự tử, nhưng thi thể “kẻ trầm mình" đã không được phát hiện. Khrusev hoảng loạn xin Stalin và Beria thông cáo truy nã Uxpenxky. Những cuộc kiếm tìm được tiến hành khá gấp rút, và nhanh chóng chúng tôi hiểu ra là vợ của Uxpenxky biết: ông ta ẩn trốn đâu đó. Bằng cách xử sự của mình bà ta không có ý bán đứng ông chồng, nhưng chúng tôi thấy rõ điều đó. Rốt cuộc ông ta ra tự thú ở Xibir sau khi nhận ra ở Omxk một nhóm đang theo dõi mình.

    Từ bấy đến giờ mỗi khi nói về việc sử dụng ai đó trong số sĩ quan Ucraina, lãnh đạo chúng ta ngay đó viện dẫn vụ Uxpenxky, nhắc lại những lời Khrusev đã nói nhân việc này: “Không thể tin cậy ai trong số Treka đã làm việc với ông ta”.

    Trong lúc hỏi cung Uxpenxky khai họ rất gần gũi với Khrusev, hai nhà kết thân, và tìm đủ cách thuyết phục tất cả rằng ông ta đơn giản chỉ là một người lính ngoan ngoãn của Đảng. Hành vi Uxpenxky đóng một vai trò nguy hại trong số phận vợ ông ta - bà bị bắt ba ngày sau khi ông ta đầu thú với chính quyền. Bị tuyên án tử hình vì giúp chồng trong việc tổ chức chạy trốn, bà đệ đơn xin tha, và ớ đây, như Kruglov kể với tôi, Khrusev đã can thiệp vào: ông ta đề nghị Đoàn chủ tịch Xô viết Tối cao bỏ đơn xin khoan hồng của bà.

    Câu chuyện này gây cho tôi một ấn tượng mạnh. Kruglov quá quen với thực tiễn công tác của BCHTƯ (trước NKVD ông công tác trong bộ máy BCHTƯ), khẳng định rằng các uỷ viên Bộ Chính trị có thể trực tiếp can thiệp vào sự quyết định số phận mọi người, đặc biệt là các thành viên những gia đình kẻ thù của nhân dân. Trong lưu trữ danh sách các bà vợ của những nhà hoạt động nổi tiếng của Đảng, Hồng quân và NKVD bị kết án tử hình, tôi cũng đã tìm ra cả tên của vợ Uxpenxky. Án tử hình bà cũng như các bà vợ khác của những lãnh đạo bị thanh trừng, đầu tiên được phê chuẩn bởi cấp Đảng cao nhất.


    [...]
     
  20. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    6. Đêm trước của cuộc chiến với Hitler và sự mâu thuẫn của các tin tức tình báo


    Sau khi được đề cử làm phó cục trưởng Cục tình báo tháng 3 - 1939 tôi nhắc Beria về Zubov vẫn nằm trong tù do không thực hiện lệnh chi tài chính cho cuộc đảo chính ở Nam Tư. Con người này, tôi nói với Beria - rất trung thành và là một sĩ quan tình báo giàu kinh nghiệm. Beria biết Zubov trong suốt mười bảy năm, làm ra vẻ không nghe thấy gì, dù chính Zubov có vai trò đáng kể trong việc Beria có thể leo lên đỉnh cao quyền lực. Năm 1922 Zubov đứng đầu cục tình báo theo dõi các mối liên hệ bí mật của bon melsevich Gruzia và mạng tình báo của chúng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trên cơ sở thông tin của Zubov, Beria báo với Dzerjinxky và Lenin về cuộc mưu loạn và kế hoạch trấn áp nó. Báo cáo này được thảo luận tại Hội nghị BCHT Đảng và thực tế là cơ sở để đề cử Beria giữ chức vụ phụ trách GPU ngoại Kavkaz. Zubov vẫn giữ quan hệ thân hữu với chính Beria và với phó của ông ta Bogdan Kobulov: mỗi khi đến Moskva, Kobulov đều ở lại căn hộ của Zubov.

    Mùa thu 1939, sau khi Đức chiếm Ba Lan, lọt vào tay đại tá Xtanixlav Xoxnovxkyb, cựu lãnh đạo cơ quan đặc biệt Ba Lan ở Berlin, và công tước Ianus Radzivill, một ngài thượng lưu Ba Lan giàu có, có sức nặng chính trị đáng kể bị ta bắt. Cả hai bị nhốt ở Lubianka để đào luyện một cách tích cực.

    Nhằm cứu Zubov tôi đề nghị Beria xếp ông vào cùng một xà lim với đại tá Xoxnovxky. Zubov nói thạo tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Gruzia. Beria đồng ý, và Zubov được chuyển từ Lefortov nơi ông bị đánh đập dã man theo lệnh của chính Kolubov. Kẻ tra tấn ông là Rodos nổi tiếng thần sầu cố moi từ ông lời thú tội: Zubov bị đánh nát hai đầu gối. Kết quả Zubov trở nên tàn phế, nhưng ông không chịu tự tuyên án bản thân.

    Xergienko, phụ trách bộ phận điều tra chống lại việc chuyển Zubov từ Lefortov sang Luabianka, dù tôi đã giải thích với ông ta rằng mối quan tâm của tôi tới Zubov được gợi nên đơn thuần bởi các ý đồ tác chiến và đã được thoả thuận vói Beria. Đáp lại điều đó Xergienko từ chối di chuyển Zubov, tuyên bố:

    - Tôi sẽ trực tiếp báo cáo về trường hợp này với bộ trưởng. Thằng đểu Zubov từ chối thú nhận tội, tôi không thi hành mệnh lệnh trực tiếp của lãnh đạo!

    Đến lượt tôi báo cáo với Beria rằng Xergienko khước từ thi hành mệnh lệnh. Ngay đó Beria vớ ống nói, gọi Xergienko và trách cứ ông ta, nói rằng nếu sau mười làm phút ông ta không thi hành lệnh, thì ông ta sẽ không giữ nổi đầu mình. Xergienko cố phản đối, nhưng Beria không thèm nghe ông ta lý giải.

    Beria thường khá thô lỗ trong giao tiếp với các quan chức cao cấp, nhưng với cán bộ loại bét, như thường lệ, trò chuyện một cách lịch sự. Muộn hơn tôi đã tự khẳng định được rằng các nhà lãnh đạo thời ấy cho phép bản thân thô lỗ chỉ đối với thành phần lãnh đạo, chứ với những người tầm thường thì lại xử sự với vẻ lịch sự nhấn mạnh.

    Zubov nằm với Xoxnovxky cùng một xà lim đã tác động đến sự tuyển mộ ông này. Ông thuyết phục ông ta rằng cộng tác với các cơ quan đặc biệt của Đức hoặc của Ba Lan không hứa hẹn cho ông ta một viễn cảnh nào, vì thế ông nên cộng tác với tình báo Xô viết. Những năm 30 Xoxnovxky, vốn là phụ trách tình báo Ba Lan ở Berlin, lãnh đạo một mạng lưới điệp viên khá có hiệu quả. Ông ta xuất hiện dưới vẻ một quý ông thượng lưu chủ một trại ngựa. Ông ta cài các điệp viên của mình, mà chủ yếu là phụ nữ trẻ quyến rũ, vào bộ tham mưu đảng quốc xã và ban thư ký Bộ Ngoại giao. Năm 1935 Gestapo đã lật tẩy được phần lớn mạng điệp viên của ông ta, còn bản thân Xoxnovxky bị bắt vì tội gián điệp. Ông ta khai với các điều tra viên ở Lubianka rằng các điệp viên bị phát giác đã bị tử hình trong tù tại Pletsenzea ngay trước mắt ông ta. Người Đức đổi ông ta lấy kẻ lãnh đạo cộng đồng Đức tại Ba Lan bị buộc tội làm gián điệp cho nước Đức.

    Năm 1937 toà án quân sự ở Varsava kết án Xoxnovxky do tiêu tán tiền bạc trích cho tình báo, và ông ta đã trải qua thời hạn tù ở Đông Ba Lan. Hai năm sau các đơn vị Hồng quân giải phóng nhà tù. Từ nhà tù Ba Lan ông ta được “chuyển sang” nhà tù NKVD.

    Từ Xoxnovxky chúng tôi nhận được thông tin là hai trong sô điệp viên của ông ta vẫn còn tiếp tục hoạt động. Ngoài ra ông ta đưa ra ý tưởng sử dụng các mối liên lạc của công tước Radzivill và làm ông kia trở thành kẻ môi giới giữa lãnh đạo chúng ta và Hermann Goering, một trong các phó của Hitler. Xoxnovxky đã cộng tác sau khi được xem các tư liệu về mạng điệp viên của ông ta tại Berlin và ông ta hiểu ra rằng chúng ta biết tất cả về quá khứ của ông ta. Đó là một người biết quá nhiều. Sự kiểm soát ông ta giúp chúng ta sử dụng hai nguồn thông tin quan trọng của ông ta có ở Đức, - chúng vẫn cần cho chúng ta vào năm 1940 và hai năm đầu của cuộc chiến tranh.

    Sau khi Zubov đánh giá được khả năng tiềm tàng của Xoxnovxky đối với tình báo và giúp chiêu mộ ông ta, tôi đề nghị dùng Zubov với tư cách người cùng xà lim vói công tước Radzivill. Beria đồng ý với đề nghị của tôi. Zubov được chuyển sang xà lim của Radzivill, và ông đã ở đấy trong vòng một tháng.

    Đến thời gian ấy điều kiện giam giữ Zubov có thay đổi: ông được phép ăn trưa và ăn tối tại văn phòng của tôi, thức ăn do chúng tôi đặt ở căng tin cơ quan, vẫn còn bị canh giữ, ông được cảnh vệ dẫn đi khám bệnh ở bệnh viện của NKVD. Cuối cùng, năm 1941, ông được tha, và tôi nhận ông vào làm trưởng ban trong bộ máy của mình. Ông làm việc trong cơ quan đến hết chiến tranh, nhưng năm 1946, khi Abakumov trở thành bộ trưởng An ninh quốc gia, Zubov đành phải vội thôi việc. Vào thời của mình chính Abakumov đã dính líu đến vụ án Zubov và ra lệnh đánh đập dã man Zubov.

    Tự Beria chuyên trách vụ công tước Radzivill. ông ta thuyết phục được Radzivill rằng ông kia phải đóng vai trò người trung gian giúp chính phủ Liên Xô và Goering để làm sáng tỏ một số vấn đề tế nhị trong quan hệ hai nước. Chúng tôi giữ trong tầm nhìn Radzivill từ giữa những năm 30 và biết rằng công tước đã tiếp Goering tại thái ấp của mình gần Vilnhius nơi y thích đi săn (sau này phần lãnh thổ này thuộc Litva). Tiện thể, trong hồi ký của mình Radzivill nhớ về những cuộc gặp gỡ với Beria mà khi từ biệt với ông có lần đã nói: “Những người như ngài, công tước ạ, bao giờ cũng cần cho chúng tôi.”

    Đại diện các dòng họ danh tiếng của Anh, Italia và Thuỵ Điển đã chạy vạy xin phóng thích cho Radzivill. Năm 1940 sau khi Beria chiêu mộ ông, tôi tổ chức cho Radzivill sang Berlin. Từ Berlin chúng tôi nhận được tin về ông: người ta thấy ông thường xuyên tại các cuộc đón tiếp ngoại giao trong nhóm của Goering. Cũng năm đó tôi được lệnh soạn thảo các phương án tiếp cận liên lạc với ông qua điệp viên của mình. Chúng tôi quyết định trong trường hợp này liên lạc với công tước theo các kênh công khai, bởi ông là nhân vật đáng kể trong xã hội và có thể tự do đến thăm sứ quán Xô viết mà không gây ngờ vực. Phần riêng, ông có thể quan tâm đến số phận tài sản của dòng họ đang nằm trên lãnh thổ bị chiếm đóng.

    Năm 1940 ông hai lần gặp nhóm trưởng tình báo NKVD ở Berlin Amaiac Kobulov. Thế nhưng Kobulov không nhận được chỉ dẫn nào về sử dụng tác chiến vị công tước Ba Lan trong các tiếp xúc với người Đức. Chúng tôi không tin lắm vào sự thành thật của Radzivill và vì thế không quyết định nhờ đến ông ta, hơn nữa các tiếp xúc chính trị của ông không hứa hẹn lợi ích tức thì nào. Trước khi nước Đức gây chiến ta, thực tế không có vấn đề gì cần phải dùng ông để thăm dò quan điểm của Đức: bởi suốt thời gian đó Molotov và đại sứ Dekanozov vẫn giữ quan hệ mật với Ribbentrop và đại sứ Đức Sullenburg. Đã rõ là Radzivill không có cách tiếp cận đến thông tin có tính chất quân sự chiến lược. Quyết định của chúng tôi quy tụ lại là thể hiện mức kiên nhẫn tối đa và đơn thuần chờ cho đến khi Radzivill đi sang Thuỵ Sĩ hoặc Thuỵ Điển, nơi ông sẽ ở ngoài tầm kiểm soát của người Đức, và chỉ ở đấy sẽ lập mối tiếp xúc với ông. Như tôi biết, ông đã không đi sang các nước đó. Sau khi Hitler tấn công Liên Xô, Radzivill hầu như lùi vào bóng tối, nhưng theo các tin tức của chúng ta, vẫn ở lại Đức và thường đi lại Ba Lan, hưởng thụ cuộc sống đến mức có thể. Năm 1942 dấu vết của ông bị mất một thời gian. Nhìn lại, tôi thấy rằng chúng ta rõ ràng đã đánh giá quá cao những liên hệ riêng của Radzivill và ảnh hưởng của ông ta tới Goering…

    Nữ nghệ sĩ nổi tiếng Olga Tsekhova, vợ cũ của cháu nhà văn danh tiếng vốn thân với Radzivill và Goering thông qua họ hàng ở ngoại Kavkaz có quan hệ với Beria. Muộn hơn bà có quan hệ riêng tư trong những năm 1946 - 1950 với bộ trưởng An ninh quốc gia Abakumov người thay thế Beria. Thoạt đầu dự định dùng bà để liên lạc với Radzivill. Chúng tôi có kế hoạch ám sát Hitler mà Radzivill cùng với Olga Tsekhova có thể, nhờ sự trợ giúp của bạn bè trong giới thượng lưu Đức đảm bảo cho điệp viên chúng ta tiếp cận Hiler. Nhóm điệp viên được ném sang Đức và hoạt động bí mật ở Berlin trực thuộc hoàn toàn Igor Miklasevxky đến Đức vào đầu năm 1942.

    Cựu vô địch quyền Anh Miklasevxky đóng vai một người Xô viết vượt biên, ở Berlin đã có tên tuổi không ít sau khi quen với vô địch quyền anh Đức Maks Smeling khoảng 1942 - 1943 và được thư giới thiệu của anh ta. Miklasevxky ở lại Berlin đến năm 1944.

    Ông chú của Miklasevxky chạy khỏi Liên Xô vào đầu chiến tranh và trở thành một trong những phần tử tích cực của, ủy ban chống bolsevich của Đức vì sự giải phóng Liên- Xô. Y với niềm kiêu hãnh đón ngươi cháu, giúp anh bất cứ điều kiện nào như với một kẻ thù chính trị của chính quyền Xô viết. Năm 1942 Miklasevxky tại một buổi - tiếp đãi đã gặp Olga Tsekhoya. Anh báo về Moskva rằng có thể dễ dàng loại bỏ Goering, nhưng Kremli không thể hiện mối quan tâm đặc biệt tới điều đó. Năm 1943 Stalin từ bỏ kế hoạch ám sát Hitler, bởi vì ông ta sợ: Ngay khi vừa loại bỏ Hitler, các giới phát - xít và quân sự sẽ cố ký kết hiệp ước hoà bình riêng rẽ với đồng minh mà khống có sự tham gia của Liên Xô.

    Những nỗi sợ như thế không phải không có căn cứ. Chúng ta có thông tin về việc mùa hè năm 1942 đại diện Vatican ở Ankara theo sáng kiến của giáo hoàng Pius XII đã trò chuyện với đại sứ Đức Franks von Papen, thúc giục y sử dụng ảnh hưởng của mình để ký hiệp ước hoà bình riêng rẽ giữa Anh, Mỹ và Đức. Ngoài tin tức này từ trưởng nhóm tình báo ở Ankara, tình báo Xô viết ở Roma cũng báo về cuộc gặp gỡ của giáo chủ Ronkalli , (muộn hơn trở thành giáo hoàng Joan XXIII) với von Papen. Các hiệp ước riêng rẽ tương tự hẳn sẽ hạn chế ảnh hưởng của chúng ta ở châu Âu, loại trừ Liên Xô trong tương lai khỏi liền minh châu Âu. Không ai trong số lãnh đạo điện Kremli muốn để một hiệp định tương tự được ký kết. Stalin ra lệnh thủ tiêu von Papen, bởi vì y chính là nhân vật chủ chốt mà các ý đồ của người Mỹ và người Anh được chọn lựa trong trường hợp ký kết hiệp ước riêng rẽ. Thế nhưng như tôi đã nhớ lại trên đây, vụ mưu sát bị thất bại, bởi sát thủ người Bungari đã nổ lựu đạn sớm trước thời hạn và chỉ làm von Papen bị thương nhẹ.

    Chúng tôi có tin, dù không chi tiết lắm, về tiếp xúc trực tiếp của người Mỹ với von Papen ở Stambul.

    Miklasevxky chạy sang Pháp năm 1944 sau vụ thủ tiêu ông chú mình. Tại Pháp anh ở suốt hai năm sau khi đã kết thúc chiến tranh, lần vết bọn theo Vlaxov chạy sang phương Tây - tàn quân của trung tướng Vlaxov phản bội. Năm 1947 Miklasevxky trở về Liên Xô, được tặng huân chương Cờ đỏ và phục hồi lại sự nghiệp quyền Anh mà anh trung thành cho đến tận lúc về hưu.

    Người ta đã viết không ít về việc chúng ta nắm những tin tình báo nào trước khi bắt đầu cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Việc Stalin bình thản chờ sự xâm lược thay vào chỗ kịp thời báo động cho quân đội, thường được lý giải là một trong những nguyên nhân thất bại và tổn thất nặng nề mà Hồng quân đã gánh chịu năm 1941. Nói chung thì tôi đồng tình rằng giới lãnh đạo đất nước đã không thể đánh giá đúng thông tin nhận được theo các kênh tình báo, nhưng trước hết nên phân tích vấn đề cái thông tin này là gì.

    Tình báo NKVD đã báo về mối đe dọa của chiến tranh từ tháng 11 - 1940. Đến thời gian này Jurablev và Zoia Rưbkina đã viết báo cáo tác chiến có tên “Bày trò” trong đó thu thập những tin tức quan trọng nhất về mối đe dọa quân sự của Đức. Trong cặp hồ sơ này có những tài liệu rất gây lo lắng cho giới lãnh đạo Liên Xô, bởi chúng đặt sự nghi ngờ vào tính chân thật các đề nghị phân chia thế giới giữa Đức, Liên Xô, Italia và Nhật Bản mà Hitler để đạt với Molotov vào tháng 11 - 1940 tại Berlin. Theo các tài liệu này chúng ta dễ dàng hơn lần theo sự phát triển các sự kiện và báo cáo với lãnh đạo Xô viết về những xu thế cơ bản của đường lối của Đức. Các tài liệu trong hồ sơ “Bày trò” thường được báo với Stalin và Molotov, còn họ sử dụng thông tin của chúng tôi vừa để hợp tác vừa để đối chọi với Hitles.

    Dù các tin tình báo nhận được đã vạch trần ý đồ của Hitler tấn công Liên Xô, thế nhưng nhiều tin tức mâu thuẫn nhau. Trong chúng thiếu sự đánh giá tiềm năng quân sự của Đức: các đơn vị xe tăng và không quân bố trí trên biên giới và có khả năng chọc thủng tuyến phòng thủ của các đơn vị Hồng quân. Không ai trong cơ quan an ninh quốc gia nghiên cứu nghiêm túc tương quan lực lượng trên biên giới Xô - Đức. Đấy chính lý do tại sao cú giáng của Hitler phần nhiều là bất ngờ đối với các tướng lĩnh, kể cả đối với nguyên soái Jukov lúc đó là Tổng tham mưu trưởng Bộ tổng tham mưu. Trong hồi ký của mình ông thú nhận là không hình dung nổi kẻ thù lại có khả năng cho những chiến dịch tấn công quy mô đến thế với những tập đoàn quân xe tăng hoạt động đồng thời trên mấy hướng.

    Trong các số liệu tình báo đã bỏ sót sự đánh giá chất lượng chiến lược “chiến tranh chớp nhoáng” của Đức. Theo các trò chơi quân sự chiến lược Đức, chúng ta biết rằng cuộc chiến tranh kéo dài đòi hỏi nguồn dự trữ kinh tế bổ sung và đã cho rằng, nếu chiến tranh nổ ra, thì trước hết Đức phải cố chiếm Ucraina và các vùng giàu dự trữ nhiên liệu để bổ sung dự trữ lương thực. Đó là một sai lầm lớn: tình báo quân đội và NKVD đã không thể thông tin đúng cho Bộ Tổng tham mưu rằng mục đích của quân đội Đức ở Ba Lan và Pháp không phải là chiếm đất mà chính là nhằm bẻ gãy và tiêu diệt sức mạnh quân sự của đối phương.

    Ngay khi Stalin biết về việc bộ tham mưu Đức tiến hành tập trận, ông ta lập tức hạ lệnh giới thiệu sức mạnh công nghiệp quân sự Xibir với tham tán quân sự Đức ở Moskva. Tháng 4 - 1941 y được phép đi thăm các nhà máy quân sự mối sản xuất xe tăng cấu tạo mới nhất và máy bay. Qua tổ tình báo của mình ở Berlin chúng tôi truyền đi tin đồn trong các bộ không quân và kinh tế rằng chiến tranh với Liên Xô sẽ trở thành bi kịch đối với Hitler, đặc biệt nếu chiến tranh kéo dài và được tiến hành trên hai mặt trận. Ngày 10- 1- 1941 Molotov và đại sứ Đức ở Moskva Fridric Von Der Shuỉenburg ký một biên bản mật về sự điều chỉnh các vấn đề lãnh thổ ở Litva. Nước Đức từ bỏ các mối quan tâm của mình tại một số tỉnh của Litva và bù lại nhận được 7,5 triệu đôla Mỹ. Thời ấy tôi không biết về sự tồn tại của biên bản này. Tôi chỉ được cho biết ngắn gọn rằng chúng ta đã đạt được thoả thuận với Đức về các vấn đề lãnh thổ ở vùng Baltic và về hợp tác kinh tế cho năm 1941.

    Tin tức về ngày bắt đầu chiến tranh của Đức với Liên Xô đến với chúng tôi là mâu thuẫn nhất. Từ Anh và Mỹ chúng tôi nhận được từ các nguồn tin cậy rằng vấn đề tấn công Liên Xô của người Đức phụ thuộc vào sự thoả thuận ngầm với chính phủ Anh, bởi tiến hành chiến tranh trên hai mặt trận là một việc quá nguy hiểm.

    Từ đại diện chính trị của ta tại Washington Umanxky và nhóm trưởng tình báo ở New York Ovakimian có các tin tức cho chúng tôi rằng cộng sự của tình báo Anh Montgomeri Haid hoạt động cho William Stivenson từ trung tâm điều phối an ninh Anh ở Empire- Star buiding đã ném được “tin vịt” vào sứ quán Đức tại Washington. Tin giả là đáng giá: nếu Hitler nghĩ chuyện tấn công Anh, thì người Nga sẽ bắt đầu chiến tranh chống Hitler.

    Phân tích thông tin chuyển về Liên Xô từ những nguồn tình báo quân đội và NKVD tin cậy nhất, thấy rõ rằng gần một nửa tin tức - trước tháng 5 và thậm chí tháng 6 - 1941 - đã khẳng định; phải, chiến tranh là tất yếu. Nhưng các tài liệu cũng chỉ ra rằng sự đụng độ với chúng ta phụ thuộc vào việc nước Đức có điều chỉnh được quan hệ của mình với Anh hay không. Filby báo rằng văn phòng thủ tướng Anh soạn thảo kế hoạch về đụng độ quân sự giữa Đức và Liên Xô nhằm khiêu khích Đức. Trong văn bản vụ “Bert Đen” có viện dẫn thông tin nhận được từ Filby hay Kernkross về việc các điệp viên Anh truyền các tin đồn ở Mỹ về tính tất yếu của chiến tranh giữa Đức và Liên Xô; vẻ như chúng ta sẽ bắt đầu trước, mà đòn cảnh báo định giáng xuống ở Nam Ba Lan. Chiếc cặp với các tài liệu này ngày một căng phồng hơn. Đến với chúng tôi những cứ liệu mới về việc phía Anh đang gieo nỗi sợ hãi trong những kẻ lãnh đạo chóp bu Đức liên quan với sự chuẩn bị chiến tranh của Liên Xô. Chúng tôi còn nhận các tin về những tiếp xúc tăng cường có tính chất thăm dò của các đại diện Anh với Đức trong sự tìm kiếm hướng giải quyết xung đột quân sự châu Âu.

    Trong khi đó theo lời Beria, Stalin và Molotov đã quyết định ít nhất kìm hãm được xung đột quân sự và cố làm tình hình tốt lên khi ứng dụng kế hoạch mà họ từ chối năm 1938. Kế hoạch này trù liệu lật đổ chính phủ Nam Tư đã ký hiệp định hợp tác với Hitler. Và thế là tháng 3 - 1941 tình báo quân đội và NKVD đã qua các nhóm trưởng của mình ủng hộ tích cực âm mưu chống lại chính phủ thân Đức ở Belgrad. Bằng cách ấy Stalin và Molotov hi vọng củng cố vị trí chiến lược của Liên Xô tại khu vực Balkan. Chính phủ mới chống Đức, theo quan niệm của họ, hẳn có thể lôi kéo các chiến dịch của Đức và Italia ở Hy Lạp.

    Thiếu tướng Milstein phó chỉ huy tình báo quân đội được phái- sang Belgrad để trợ giúp việc lật đổ bằng quân sự chính phủ thân Đức. Phía chúng tôi có Alakhverdov tham gia vào hành động đó. Đến thời điểm này nhờ Bộ Ngoại giao, tại Moskva chúng tôi đã tuyển mộ được đại sứ Nam Tư ở Liên Xô Gavrilovich. Fedotov, phụ trách phản gián và tôi cùng chiêu mộ ông ta. Thế nhưng chúng tôi có ấn tượng rằng ông ta chơi trò hai mặt, bởi vì hàng tuần vẫn liên lạc với các đại diện của Anh ở Moskva.

    Một tuần sau cuộc đảo chính chúng ta đã ký hiệp ước giúp đỡ lẫn nhau với chính phủ mới ở Belgrad. Phản ứng của Hitler với vụ đảo chính này là thần tốc và khá hiệu quả. Ngày 6 - 4, một ngày sau ký kết hiệp ước, Hitler đã đổ quân vào Nam Tư - và chỉ sau hai tuần quân đội Nam Tư đã bị đánh tan. Hơn thế, Bungari, nơi quân đội Đức đi qua, dù thuộc khu vực các mối quan tâm của ta, đã ủng hộ người Đức.

    Hitler cho thấy rõ rằng không xem bản thân bị ràng buộc bởi những hiệp định chính thức hay bí mật - các biên bản mật Hiệp ước Molotov- Ribbentrop đã dự liệu các cuộc tư vấn sơ bộ trước khi sử dụng các bước quân sự. Và dù cả hai bên tiến hành các vụ trao đổi tích cực về sự phân chia phạm vi ảnh hưởng từ tháng 11- 1940 đến tháng 3 - 1941, trong quan hệ của họ vẫn giữ không khí không tin tưởng lẫn nhau. Hitler sửng sốt bởi các sự kiện ở Belgrad, còn từ phía mình, chúng ta cũng kinh ngạc không kém trước sự tấn nhanh chóng của y vào Nam Tư.

    Tôi buộc phải thừa nhận rằng chúng ta không ngờ sự thất bại nhanh và toàn diện như thế của Nam Tư. Trong thời gian các sự kiện ấy ngày 18 - 4 - 1941 tôi ký lệnh đặc biệt trong đó tất cả các nhóm trưởng ở châu Âu, đưa các hoạt động vào phù hợp vối điều kiện thời chiến.

    Tình báo quân đội cũng phát ra một chỉ lệnh tương tự về tuyến mình. Chúng tôi cũng lập kế hoạch phái sang Thụy Sĩ một nhóm các nhà tác chiến có kinh nghiệm, kể cả Afanaxiev người Bungari. Họ cần là những mắt nối của các nguồn tin cậy với việc sử dụng vỏ bọc của mình tại nước Thụy Sĩ trung lập. Với nước này không có mối liên lạc trực tiếp, và các điệp viên phải đi tàu hỏa qua nước Đức, chuyến tàu ở Berlin. Đã có tăng cường các nhóm trưởng ở Đức và Ba Lan. Chúng tôi phái một số cán bộ tác chiến sang Berlin, chuyển họ đi từ Italia và Pháp. Đến thời gian này Bỉ đã bị chiếm đóng. Chúng tôi không phải luôn luôn kịp với sự phát triển thần tốc các sự kiện; chúng tôi không kịp cung cấp thiết bị thông tin, pin, các phường tiện cho điệp viên tại Đức; tệ hơn nữa, những người này không được huấn luyện đúng chỗ hoạt động tình báo và nghệ thuật liên lạc điện đài.

    Dần dần chúng tôi bắt đầu chú ý hơn đến người tị nạn chính trị đến Moskva từ những nước bị Đức chiếm đóng. Trước khi chạy sang Anh, Benes ra lệnh thành lập đạo quân Tiệp Khắc mà đã được phái sang Ba Lan dưới sự chỉ huy của viên trung tá trẻ Xvoboda.

    Sau những tiếp xúc sơ bộ với phụ trách tình báo ở Varsava, Xvoboda với đơn vị của mình di chuyển sang Tây Ucraina. Thực tế sau giải giáp đạo quân của ông ta, khi nhận được quy chế phái viên không chính thức, ông ta sống tại điểm hẹn mật và tại biệt thự của tôi ở ngoại ô Moskva. Makliarxky giữ liên lạc thường xuyên với ông ta. Chúng tôi giữ Xvoboda làm nguồn dự trữ. Vào tháng 5 và tháng 6, ngay trước khi bắt đầu chiến tranh, chúng tôi bàn với ông ta kế hoạch tổ chức các đơn vị Tiệp tại Liên Xô để sau đó ném họ vào hậu phương Đức tiến hành các chiến dịch du kích tại Tiệp Khắc. Tôi rất nhớ con người này - nhã nhặn và kiềm chế, xử sự một cách đường hoàng.

    Trong khi đó Stalin và Molotov điều động các tập đoàn quân lớn từ Sibir đến biên giới với Đức. Quân đội đến nơi phòng thủ biên giới phía Tây trong suốt tháng 4, tháng 5 và đầu tháng 6. Vào tháng 5 khi Eitingon và Karida Mercader từ Trung Quốc về đến nơi, tôi ký chỉ lệnh chuẩn bị các nhóm di tán Nga và các dân tộc khác ở châu Âu để tham gia vào các chiên dịch tình báo trong điều kiện chiến tranh.

    Hôm nay chúng ta rõ rằng, các cuộc hội ý kín của Hitler, Ribbentrop và Molotov về một hiệp định có thể mang tính chiến lược giữa Đức, Nhật Bản và Liên Xô đã tạo nên ở Stalin và Molotov một khái niệm hão huyền dường như có thể thỏa thuận được với Hitler. Đến tận thời điểm cuối cùng họ vẫn tin rằng uy tín của họ và tiềm lực quân sự được phô bày cho các nhà ngoại giao Đức, sẽ gia thêm thời hạn chiến tranh ít nhất thêm một năm, trong khi Hitler đang cố thu xếp một cách hoà bình các tranh cãi của mình với Anh. Stalin và Molotov bực tức với những quan điểm khác chống lại các kế hoạch chiến lược của họ về ngăn chặn đụng độ quân sự. Điều đó lý giải những đánh dấu thô lỗ của Stalin lên báo cáo của Merkulov ngày 16 - 6 - 1941 trong đó nói về những dấu hiệu rõ ràng của cuộc chiến tranh đang đến gần. Cái sự kiện Stalin phong bản thân là người đứng đầu chính phủ vào tháng 5 - 1941 cho thấy rõ: ông ta sẽ đứng dầu các cuộc thương thuyết với Hitler và tự tin sẽ thuyết phục được y không khai chiến. Tuyên bố nổi tiếng của TASS ngày 14- 6 khẳng định: ông sẵn sàng thương thuyết và lần này sẽ tự tiến hành chúng. Dù ở nước Đức khắp nơi triển khai chuẩn bị chiến tranh quy mô lớn, thêm nữa đã từ lâu Stalin và Molotov cho rằng Hitler chưa phê chuẩn quyết định cuối cùng tấn công nước ta và bên trong bộ chỉ huy quân sự Đức tồn tại những bất đồng nghiêm trọng về vấn đề này. Cũng kỳ lạ là tuyên bố của TASS phát ra đúng khi Hitler xác định ngày giờ tấn công Liên Xô. Cũng nên nhớ thêm mấy thời điểm ít được rõ nữa.

    Tháng 5 - 1941 máy bay Đức “Iunkers- 52” xâm nhập không phận Xô viết và, không bị phát hiện, đã hạ cánh thuận lợi xuống sân bay trung tâm ở Moskva gần sân vận động “Dinamo”. Điều đó dấy lên sự cuống cuồng trong Kremli và dẫn tới làn sóng phẫn nộ trong giới lãnh đạo quân sự: bắt đầu từ những vụ cách chức, sau đến các vụ bắt bớ và xử bắn giới chỉ huy cao cấp của lực lượng không quân. Vụ hạ cánh ngoạn mục này ở trung tâm Moskva cho Hitler thấy khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang Xô viết yếu kém đến mức nào.

    Sự kiện thứ hai. Giới lãnh đạo quân sự và giới thân cận Stalin nuôi ảo tương dường như sự hùng hậu của Hồng quân ngang bằng sức mạnh của Đức quốc xã tập trung ở các biên giới phía Tây nước ta. Sao có sự tính toán sai lệch như vậy? Thứ nhất, lệnh tổng động viên mới được đưa ra năm 1939, và dù Hồng quân đã thiết lập được quân số của mình, nhưng nó không đủ những người có trình độ quân sự cao cấp, bởi hơn ba mươi nghìn cán bộ chỉ huy chủ chốt bị thanh trừng vào những năm 30. Số lượng học viện và trung cấp quân sự mở năm 1939 dù là đầy ấn tượng, nhưng vẫn chưa đủ. Thật ra, một nửa các quan chức quân đội cao cấp bị giam cầm được cho trở về từ các trại tập trung và nhà tù, nhưng họ rõ ràng là vẫn thiếu để xoay xỏ với việc huấn luyện toàn bộ đám đông tân binh. Jukov và Stalin đánh giá quá các khả năng của các tập đoàn quân xe tăng, bộ binh và không quân. Họ hình dung không hoàn toàn rõ rằng thế nào là cuộc chiến tranh hiện đại với sự phối hợp của tất cả các loại quân - bộ binh, không quân, xe tăng và thông tin. Họ có cảm giác rằng cái chính - đó là số lượng các sư đoàn có khả năng kìm hãm bất kỳ sự tấn công nào và ngăn cản sự tiến lên của Đức trên lãnh thổ Liên Xô. Bất chấp quan điểm của lãnh đạo, Tư lệnh hải quân Kuznetsov đã tỉnh táo đánh giá các khả năng thực tiễn của lực lượng hải quân và thế vượt trội của Đức. Dựa trên kinh nghiệm của Tây Ban Nha (ở đấy ông là tuỳ viên hải quân), mùa xuân năm 1941 Kuznetsov nghiên cứu và đưa vào hệ thống sẵn sàng chiến đấu sơ bộ: báo động cấp 3 - các hoả lực trực chiến sẵn sàng; báo động cấp 2 - tiếp nhận tất cả các biện pháp chuẩn bị chống trả sự tấn công có thế của kẻ thù; báo động cấp 1 - toàn bộ hạm tàu sẵn sàng nhanh chóng bắt đầu các hoạt động chiến đấu. Ấy nên tại sao các lực lượng hải quân của ta, bị tấn công bất ngờ ở biển Baltic và Biển Đen, đã có thể gần như không bị tổn thất và chống trả lại đòn giáng đầu tiên của địch.

    NKVD và tình báo quân sự phải chịu trách nhiệm vì sự đánh giá không đúng tiềm năng hùng hậu của các lực lượng vũ trang Đức. Các cơ quan này quá bận rộn thu nhận thông tin chính trị và đã không chuyên tâm nghiên cứu về chiến thuật của Đức quốc xã.

    Tôi nhớ rõ những ngày cuối trước chiến tranh. Eitingon vừa từ Trung Quốc trở về. Cùng với bà mẹ của Ramon Mercader, ba chúng tôi được Kalinin trong Kremli tặng thưởng vì hành động chống lại Trotsky ở Mexico. Bầu không khí có vẻ lạc quan và tự tin. Nhưng ngày 16- 6 Fitin và Merkulov, bộ trưởng An ninh quốc gia, từ Kremli trở về - cả hai lo lắng điều gì đó. Fitin lập tức gọi tôi và Melnikov, phó của mình phụ trách Viễn Đông, và nói rằng Ông chủ (trong nội bộ, chúng tôi gọi Stalin như thế) thấy báo cáo của ông là mâu thuẫn và ra lệnh chuẩn bị đủ sức thuyết phục hơn về toàn bộ thông tin tình báo liên quan đến khả năng bắt đầu cuộc chiến tranh với Đức.

    Khác với tướng Ivansutin và những tác giả hồi ký khác, tôi không nhớ các ghi chép đầy giận dữ của Beria trên các báo cáo của điệp viên “Chim ưng”: “Đó là tin giả của Anh. Tìm ra ai là tác giả sự khiêu khích này và trừng trị”. Nói chung tôi không nhớ một điệp viên nào có mật danh “Chim ưng” cả. Ngoài ra, trong tình báo và cơ quan an ninh không có truyền thông viết trên các báo cao những nhận xét dài dòng.

    Cũng có thể là chỉ thị được quy cho Beria gọi về và trừng trị đại sứ ở Berlin Dekanozov, cựu phụ trách tình báo của NKVD, vì rằng ông đã dội bom băng tin giả. Chính những người kia tuyên bố rằng Beria viết cho Stalin ngày 21- 6, đề nghị gọi Dekanozov về, nhưng điều đó là ngoài thẩm quyền ông ta bởi vì Dekanozov chuyển sang Bộ Ngoại giao và báo cáo trực tiếp với Molotov.

    Như đã nói ở trên, các tin tức tình báo về sự bắt đầu tấn công có thể của Đức là mâu thuẫn. Thế, Sorge báo về từ Tokyo rằng sự tấn công được lên kế hoạch ngày 1 - 6. Trong khi đó, tổ tình báo từ Berlin báo rằng nó là ngày 15 - 6. Trước đó, ngày 11- 3, tình báo quân đội báo cáo rằng cuộc tấn công của Đức được dự định vào mùa xuân. Bức tranh càng rối thêm do dự định của lãnh đạo bắt đầu các thương thuyết với Đức.

    Tại tiệc rượu tại sứ quán Đức ở Moskva mấy ngày trước khi bắt đầu chiến tranh, Zoia Rưbkina nhận thấy một số đồ trang trí và tranh bị tháo khỏi các bức tường, cố xác định những chỗ mới để lắp thiết bị nghe trộm, cô phát hiện rằng các nhân viên sứ quán đã đóng gói va li để ra đi. Điều đó làm chúng tôi rất lo lắng.

    Trong khách sạn Metropol, Iakovlev, Raikhman và Riaxnoi, những cán bộ phối hợp các chiến dịch phản gián chống Đức ở Moskva đã bắt được hai tên Đức chuyển thư tín ngoại giao đi. Một bị nhốt trong cabin thang máy, trong khi đó tên thứ hai bị nhốt trong phòng tắm của buồng “hảo hạng” nơi chúng sống. Khi tên đưa tin hiểu rằng bị kẹt, hắn ấn nút gọi người giữ thang máy. Dĩ nhiên “cứu” hắn là các nhân viên phản gián mà trong năm phút họ có được, đã mở cặp ngoại giao của hắn trong buồng “hảo hạng” và chụp các thứ đựng trong đó. Trong số tài liệu tìm được thư của đại sứ Sullenburg gửi Ribbentrop, trong đó ông ta viết rằng có thể làm người trung gian trong điều chỉnh những mâu thuẫn Xô - Đức. Cùng lúc đó Sullenberg báo cáo rằng các chỉ dẫn về việc rút bớt thành phần viên chức sứ quán đã được thực hiện và các nhà ngoại giao đang rời về Đức theo lịch biểu ấn định. Dù các dấu hiệu cuộc chiến đang đến gần là rõ ràng, tài liệu này, địa vị của Sullenberg và uy tín cao của ông ta khẳng định rằng cánh cửa đến sự điều chỉnh hoà bình vẫn còn chưa bị đóng.

    Vào cái ngày khi Fitin từ Kremli trở về, Beria gọi tôi lên, ra lệnh tổ chức nhóm đặc biệt trong số cán bộ tình báo trực tiếp dưới trướng ông. Nó phải thực hiện các hoạt động tình báo- phá hoại trong trường hợp có chiến tranh. Tại thời điểm này nhiệm vụ đầu tiên của chúng tôi là lập một nhóm chủ lực từ số các chiến sĩ phá hoại giàu kinh nghiệm có khả năng chống chọi với bất cứ ý đồ nào lợi dụng các khiêu khích trên biên giới như nguyên có để bắt đầu chiến tranh. Beria nhấn mạnh rằng nhiệm vụ của chúng tôi - không cho bọn khiêu khích Đức khả năng tiến hành hoạt động tương tự như đã được tổ chức chống lại Ba Lan năm 1939, khi chúng chiếm đài phát thanh ở Gleiwitz trên lãnh thổ Đức. Bọn khiêu khích Đức phát sóng với những tuyên bố chống Đức, còn sau đó bắn chết chính các tù hình sự của mình cải trang trong quân phục Ba Lan, nên từ ngoài trông mọi thứ dường như đúng là một trong những đơn vị Ba Lan đã tấn công đài phát thanh vậy.

    Tôi lập tức đề nghị để Eitingon được cử làm phó cho tôi. Beria đồng ý, và ngay đêm trước của chiến tranh chúng tôi đã đi tìm những người có khả năng tạo nên bộ khung của nhóm đặc biệt mà có thể sẽ được ném theo đường hàng không vào các vùng đụng độ trên biên giới châu Âu và Viễn Đông. Kinh nghiêm quân sự của Eitingon hơn hẳn tôi, vì thế trong vấn đề này tôi dựa phần lớn vào các đánh giá của ông - chính ông là khâu mắt nối giữa nhóm chúng tôi và bộ chỉ huy quân đội. Cùng với ông chúng tôi lập các kế hoạch phá hoại các kho nhiên liệu cung cấp cho các đơn vị tăng, mô tô Đức đã bắt đầu tập trung gần biên giới chúng ta. Ngày 20 - 6 - 1941 Eitingon nói với tôi rằng cuộc trò chuyện với tướng Pavlov tư lệnh vùng chiến thuật Beloruxia gây cho ông ấn tượng khó chịu. Bởi họ đã quen nhau từ thời Tây Ban Nha, ông muốn một lời khuyên thân tình ở Pavlov, theo ông ta, những vùng biên giới nào nên đặc biệt chú trọng, nơi có khả năng các vụ khiêu khích từ phía người Đức. Đáp lại Pavlov tuyên bố điều gì đó theo ý Eitingon, là mù mờ, ông ta có vẻ hoàn toàn không hiểu gì về các điều phối hoạt động của các cơ quan khác nhau trong cuộc chiến hiện đại. Pavlov cho rằng không có vấn đề gì đặc biệt nảy sinh thậm chí cả trong trường hợp nếu ngay từ đầu kẻ thù chiếm được thế thượng phong trên biên giới, bởi ông ta có đủ lực lượng dự bị để chống trả bất cứ cuộc tân công lớn nào. Ngắn gọn, Pavlov không nhìn thấy một chút cần thiết nào trong các chiến dịch phá hoại để làm đình trệ hậu phương kẻ thù.

    21 - 6 tôi ở trong văn phòng của mình suốt đêm, bất kể tôi với vợ đã thoả thuận buổi chiều đi nhà nghỉ. Một năm trước đó cô đã rời khỏi công việc ở Trung tâm và bắt đầu giảng dạy ở Học viện cao cấp của NKVD như một hướng dẫn viên về hoạt động tác chiến với điệp viên. Thứ bảy ngày 12 - 6 cô rời trường vào khoảng ba giờ chiều. Chiều hôm ấy Fitin gặp Gavrilovich, đại sứ Nam Tư tại biệt thự của mình. Vậy nên vào cái đêm định mệnh đó tôi là người duy nhất trong số lãnh đạo ở lại nơi làm việc. Theo các nguyên tắc, chúng tôi chỉ có thể rời khỏi nơi làm việc sau khi thư ký của bộ trưởng gọi điện thoại biết sếp cho phép về nhà. Các trưởng phòng thường rời đi lúc tám giờ, về nhà hay đến các điểm hẹn mật để gặp điệp viên, còn sau đó quay lại chỗ làm việc vào mười hay mười một giờ đêm để tổng kết các tin tức nhận được từ các điệp viên rồi ngay đó khoá vào két sắt. Thế nhưng các thứ bảy, như thông lệ, không ai quay lại chỗ làm.

    Hôm ấy tôi chưa được phép từ thư ký của Beria và từ Merkulov và tôi đã ở lại văn phòng, chỉ gọi về nhà và báo rằng sẽ về muộn. Vợ tôi chờ tôi ở nhà và đã bình thản đi ngủ. Chờ hồi chuông của thủ trưởng, tôi bèn đọc các tài liệu, nhưng sau 6 giờ chiều cả thư từ lẫn các thông báo mới không thấy đến. Chỉ có một hồi chuông - từ tư lệnh biên phòng Maxlennikov. Ông có vẻ thất vọng khi tôi nói Nhóm đặc biệt sẽ sẵn sàng hành động không sớm hơn sau mười ngày. Tôi biết, cả Beria lẫn Merkulov đều không có ở chỗ làm việc, nhưng ban thư ký đang đợi họ từng phút: họ được gọi đến chỗ Ông chủ. Tôi ở lại văn phòng, xem giấy tờ. Những ý nghĩ âu lo làm tôi bồn chồn, nhưng tôi không thể có ý nghĩ một bất hạnh đang sắp sửa đổ ụp xuống tất cả chúng ta. Tất nhiên tôi cảm thấy mối hiểm hoạ của vụ khiêu khích hay đụng độ quân sự gì đó, nhưng không đủ sức hình dung quy mô của nó. Tôi cho rằng bất kể những khó khăn thế nào chúng ta vẫn đủ khả năng kiểm soát tình hình.

    Ba giờ sáng điện thoại réo - Merkulov đòi tôi lập tức đến văn phòng ông. Ở đó tôi gặp tất cả các cục trưởng chủ chốt. Merkulov tuyên báo chính thức với chúng tôi rằng chiến tranh đã bắt đầu: các đạo quân Đức đã vượt qua biên giới. Ngay đó ông ra lệnh gọi cán bộ đến cơ quan theo tín hiệu báo động. Đến 9 giờ sáng, ông tuyên bố, mỗi chỉ huy từng hướng phải đệ trình các biện pháp cụ thể phù hợp với kế hoạch hành động trong điều kiện chiến tranh.

    Khoảng 9 giờ sáng Fitin đến. Trong phòng hội nghị của Tổng cục tình báo chúng tôi tiến hành cuộc họp chính thức tuyên bố cuộc chiến tranh đã bắt đầu.

    Không có sự náo loạn, nhưng trong cuộc họp các chỉ huy trở nên kiệm lời, và những anh chàng độc mồm độc miệng của chúng tôi, đặc biệt là Eitingon, đã kìm nén được những câu đùa thông thường.


    (Hết Chương V)
    [...]
     
    viettran_ru thích bài này.
Moderators: galaxy, teacher.anh

Chia sẻ trang này