Thơ Việt Bài thơ tình đẹp nhất Việt Nam: Em mãi là hai mươi tuổi

Thảo luận trong 'Tủ sách Thi ca' bắt đầu bởi tuonglai, 5/6/15.

Moderators: Ban Tang Du Tử
  1. tuonglai

    tuonglai Lớp 5

    Đẹp và cao thượng. Chan chứa thương yêu.

    Bài thơ “như cơn gió hiền hòa thổi về lay động xao xác những khóm lá non xanh một thời”, ấy là chữ dùng của Nguyễn Trường Văn cho bài thơ “Em mãi là hai mươi tuổi” của nhà thơ Quang Dũng mà buổi đầu có tên “Không đề”. Quả đúng thế thật! Bởi với Quang Dũng, trước đây ta chỉ nghe cái ào ạt, hùng tráng, dữ dội, mạnh mẽ của “Tây Tiến” và nỗi nhớ cũng rất Tây Tiến “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”, chứ chưa hề nghe nỗi nhớ mang mang, ngọt ngọt, vấn vương, xao xác kiểu: “Những cây ổi thơm ngày ấy/ Và vầng hoa ngâu mưa thu”.

    Những dòng hồi tưởng của người đàn ông tóc đã “thành mây trắng” về người con gái năm xưa là một nỗi cô đơn, buồn vắng trong trẻo đến lạ lùng: “Con đường xưa/ Những mùa trút lá/Cành bàng mồ côi/ Cổng cũ rêu phong...” và ở đó có người “Em tuổi hai mươi/Yêu anh hào hiệp…”. Bây giờ “Tóc anh đã thành mây trắng/Mắt em dáng thời gian qua” mất rồi! Dòng hồi tưởng quay ngược thời gian bằng việc “Bỏ em, anh đi/ Đường hai mươi năm/ Dài bao chia ly”, nghe xót xa, đau đớn pha nỗi ân hận muộn màng. Nhìn lại, thời gian như “vó câu qua cửa sổ” mới thấy cuộc đời dài rộng như sông, như biển trong khi đời người bé nhỏ, mong manh. Bỏ em anh đi, anh xót xa, đau đớn lắm! Thôi, đời là vậy, em ơi đừng khóc nữa: “Thôi em nước mắt/Đừng rơi lã chã”, Quang Dũng nói là nói thế để động viên người xưa nhưng thật tình trong trái tim ông cũng nhỏ lệ khi ông da diết gọi sông dài, biển rộng: “Sông ơi! dài sao/ Rộng ơi! biển cả”.

    Có một em gái đã hỏi tôi rằng, sao Quang Dũng lại viết: “Có những vợ chồng/ Không là trăm năm/ Mà tình yêu thương”. Kỳ thực, để cắt nghĩa cho người ta hiểu thật khó. Nhưng cảm bằng trái tim thì trở nên dễ hiểu vô cùng. Cho dù ông trời không cho họ thành chồng vợ, không được ở cùng nhau “răng long đầu bạc”, nhưng tình yêu ấy, nỗi niềm ấy vẫn mãi đong đầy, vẫn mãi lưu luyến. Người xưa và ngày cũ lưu luyến đến thắt lòng ngày gặp lại là bởi trong trái tim chúng ta: “Em mãi là hai mươi tuổi/Ta mãi là mùa xanh xưa”.

    Ở nơi ấy, ở khoảng thời gian ấy, hai mươi năm trước, ta (em và tôi) đã dệt nên mùa xanh yêu thương. Bởi vậy, bây giờ, cho dù gặp lại tóc anh đã “thành mây trắng” và mắt em đã mang “dáng thời gian qua” thì cái tình ấy vẫn vô cùng đẹp đẽ, mãi mãi đẹp đẽ. Người xưa vẫn mãi là mùa xanh trong ta. Và ta cùng nâng niu, gìn giữ “giữ mãi tình người cho đẹp”.

    Không Đề hay Em Mãi là 20 Tuổi

    Em mãi là hai mươi tuổi
    Ta mãi là mùa xanh xưa
    Những cây ổi thơm ngày ấy
    Và vầng hoa ngâu mưa thu
    Tóc anh đã thành mây trắng
    Mắt em dáng thời gian qua

    Ngày nay ngày nay
    Chuyện đẹp qua đi
    Thời gian gấp ruổi
    Còn lại chúng ta

    Em mãi là hai mươi tuổi
    Ta mãi là mùa xanh xưa
    Giữ trọn tình người cho đẹp

    Ơi! Con đường xưa
    Những mùa trút lá
    Cành bàng mồ côi
    Cổng cũ rêu phong
    Ý đợi người

    Ơi! Con đường xưa
    Men vườn ổi thơm
    Em tuổi hai mươi
    Yêu anh hào hiệp
    ..........................

    Bỏ em anh đi
    Đường hai mươi năm
    Dài bao chia ly
    Có những vợ chồng
    Không là trăm năm
    Mà tình thương yêu …

    Sông ơi! Dài sao
    Rộng ơi! Biển cả
    Thôi em nước mắt
    Đừng rơi lã chã

    Em mãi là hai mươi tuổi
    Ta mãi là mùa xanh xưa
    Giữ trọn tình người cho đẹp.

    bài thơ có tất cả ba nhạc sĩ phổ nhạc khác nhau: , Phạm Trọng Cầu, Việt Dzũng và Khúc Dương. Bài nhạc của Phạm Trọng Cầu tên là Em Mãi là 20 Tuổi do Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link. Bài nhạc của Việt Dzũng tên là Có Những Chuyện Tình Không là Trăm Năm do Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link. Bài nhạc của Khúc Dương tên là Em Mãi là 20 Tuồi, do Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link.Mỗi một bài có nét hay của nó.
     
  2. dongmai

    dongmai Mầm non

    Tôi đọc được ở đâu đó, bài thơ này có tên là "mùa ổi cũ",chẳng biết có phải không?
     
Moderators: Ban Tang Du Tử

Chia sẻ trang này