Nhận định Cảm nhận về nhân vật Dominique trong tác phẩm Suối Nguồn của Ayn Rand

Thảo luận trong 'Tác phẩm và nhận định' bắt đầu bởi 1953snake, 12/2/15.

Moderators: Cát Cát
  1. 1953snake

    1953snake Sinh viên năm II

    Mình vừa đọc xong cuốn Suối Nguồn (Fountainhead) của Ayn Rand và có một số cảm nhận về nhân vật Dominique trong truyện, xin chia sẻ với các bạn.

    Đọc Suối Nguồn (Fountainhead) của Ayn Rand, ấn tượng đầu tiên của người đọc là các nhân vật trong truyện đều là những nguyên mẫu (prototype) tuyệt đối lý tưởng (cực tốt/cực xấu), đúng như cảnh báo của tác giả trong phần giới thiệu. Cá tính của các nhân vật quá thuần túy, khó có thể tìm thấy trong cuộc sống đời thường, vì chủ đích của Ayn Rand – như bà thú nhận – chỉ là mượn nhân vật để trình bày quan điểm của bà về đức tính mà bà cho là đẹp nhất, hoàn mỹ nhất mà con người có thể có trong xã hội. Để xây dựng nhân vật, khiến các nhân vật đó trở nên sống động, bà phải cho họ sống ở nước Mỹ, trong một xã hội "tư bản chủ nghĩa" tuyệt đối; có thế các nhân vật của bà mới có vẻ thực. Do đó, đọc Ayn Rand, ta không thể xét đoán, phân tích các nhân vật theo những nét tâm lý thông thường, so sánh và gán ghép họ với những hình mẫu con người thực tế mà ta từng gặp. Làm thế, Ayn Rand chắc sẽ đội mồ sống dậy và cười hăng hắc: "Lại thêm một kẻ sụp bẫy ngôn từ của ta!" Các nhân vật của Ayn Rand phải được xem như á thần (demi-god, như Hercules) hay thần (như Atlas) – điều đó giải thích việc bà viết một tác phẩm khác (Atlas Shrugged) - và con người luôn nhìn lên để ngưỡng vọng các vị thần/á thần trên đỉnh Olympus để rối tiếp tục sống cuộc đời tầm thường của mình, vì mấy ai tự tin có thể đạt được như thế.

    Các nhân vật của Ayn Rand đều là những con người hết sức cực đoan: từ kẻ đạo đức giả (Ellsworth Tooney), kẻ bòn rút, thao túng người khác (Peter Keating), tay anh chị (Gail Wynand), thiên tài cô đơn (Howard Roark) cho đến kẻ yêu bản thân (Dominique). Tuy thế, giữa họ có những điểm rất chung: (1) sự khát khao độc lập và tự do đến mức sẵn sàng quay lưng lại với xã hội, hoặc giả dối, thủ đoạn, tự huyễn hoặc, mâu thuẫn bản thân, chiếm đoạt hay triệt hạ kẻ khác; và (2) khả năng nhận thức bản thân đến từng ngóc ngách tăm tối nhất. Cái cảm giác của người đọc thấy rằng các nhân vật chính vừa có thể hiểu, vừa khó hiểu, phát sinh từ thực tế mà chúng ta ít dám nhìn nhận: Đó là ta có thể có khát khao mạnh mẽ như trên nhưng lại thiếu khả năng tự nhận thức, hoặc ngược lại. Ayn Rand cho các nhân vật có các điểm chung, và bà đã lập đi lập lại trong tác phẩm các từ như độc lập, tự do, dục vọng, vị kỷ, vị nhân sinh, v.v., chung quy chỉ để nhấn mạnh đức tính hoàn mỹ mà bà muốn tôn vinh (Roark).

    Với nhận xét trên, việc phân tích các nhân vật trở nên tương đối dễ, ngoại trừ nàng Dominique. Ayn Rand để cho con người nàng bộc lộ từ từ, mỗi chương một chút. Đầu tiên nàng được mô tả như một cô gái nhà giàu, thông minh, có tính xã giao, khinh khỉnh nhìn đời; nàng lãnh đạm, không màng đến tình yêu, bất cần nghề nghiệp, coi thường dư luận, v.v. Nàng như một kẻ tung tăng dạo chơi, chỗ này trải nghiệm một ít, chỗ kia thưởng thức một ít nhưng không bao giờ [để mình] bị dính mắc, giống như một cô gái kênh kiệu không ăn ở nhà hàng nào hai lần, không xỏ chân vào một đôi giày nào hai bận, không khoác tay người đàn ông nào quá một buổi, không để ai đến gần mình [nghĩa bóng]. Thực ra, nàng là con người đa cảm, tôn thờ tự do đến mức biến tự do thành dục vọng. Đối với nàng, câu nói sau rất đúng "Dục vọng duy nhất của tôi là không có dục vọng gì hết". Có dục vọng là có cơ bị trói buộc, bị tước đoạt tự do (đồng nghĩa với việc mất đi tính độc lập). Khi gặp Roark, nàng vừa ngất ngây vì bị chàng lôi cuốn vừa căm ghét chàng vì chàng khiến nàng không còn tự do. Điểm này cho thấy cái "ăng-ten" của nàng cực kỳ bén nhạy. Khi nàng đầu hàng cái tình yêu với Roark là lúc nàng chợt thấy "Cái dục vọng làm tôi vừa sợ hãi vừa ngất ngây là cái dục vọng khiến tôi đánh mất tôi lúc tôi tưởng rằng tôi không còn dục vọng nào hết". Thông minh rất mực nên nàng nhận ra được rằng để giữ Roark mãi mãi nàng phải mất chàng, phải dìm chàng xuống bùn đen để ai cũng tránh xa chàng, có thế chàng mới là chàng mãi mãi và của nàng mãi mãi. Nàng cũng tự làm mất đi cái danh dự và sỉ diện của mình (với dư luận, với Peter Keating, v.v.) vì có thế mới không còn ai ham muốn nàng (và do đó không ai tìm cách trói buộc nàng), để nàng mãi mãi thuộc về Roark. [Cái đầu con mèo chết của vị thiền sư là quý nhất vì không ai ham muốn nó.] Đó là cái dục vọng trần truồng mà Dominique cho là thực nhất, so với mọi cái dục vọng khác. Đối với nàng, cái vô hình, vô ảnh (cái thiên tài kiến trúc không được công nhận của Roark, cái lãnh đạm "trong sáng", cái giấc mơ sáng tạo và cái tình yêu vừa nhục dục vừa platonic của chàng) lại thực hơn 100 lần mấy cái giá trị thực khác mà xã hội tranh nhau đeo đuổi, còn thực hơn cả chính con người của nàng. Vì thế, Dominique đã nói với Roark ràng nếu chàng có đi tù, nàng sẵn sàng ở cạnh trại giam để ngày ngày gần chàng; bên chàng, địa ngục cũng là thiên đàng. Tình yêu khiến con người nàng bỗng chốc phát sáng chói lòa và dịch chuyển nàng đến một chiều kích không gian khác (như chú chim hải âu Jonathan trong Chàng Hải Âu Kỳ Diệu). Cái tài của Roark là cái tư duy, cái tầm nhìn, khả năng sáng tạo vượt ngoài sự hiểu biết và đánh giá tầm thường của xã hội, còn cái tài của Dominique là cái tình yêu lột bỏ hết cả xác thân, danh dự và bản ngã – vượt lên trên cái ham muốn, yêu đương phàm tình. Dominique có cả cái cá tính nghiệt ngã, thủ đoạn của các nhân vật khác trong truyện lẫn cái cảm nhận về cái đẹp tuyệt đối của Roark, điều đó khiến nàng trở nên đặc biệt. Tính nhạy cảm và sự thông minh của nàng có vẻ lạnh lùng, nhưng nàng không phải thế; khi tòa báo của Wynand gặp khó khăn, nàng đã đến và tận tình giúp đỡ; để cứu vãn tòa báo (đồng thời để nàng có cơ hội tuyệt vời đoạn tuyệt với Wyand và sống với Roark) nàng đã tự biến mình thành 1 scandal, một sự kiện tai tiếng để tờ báo lấy đó mà thay đổi lập trường và sống trở lại, điều mà dân anh chị như Wynand cũng phải thừa nhận là tấm chân tình mà nàng đền đáp cho hắn.

    Nói về Dominique, mình không khỏi liên tưởng đến phim "Ngọa Hổ Tàng Long" do Châu Nhuận Phát, Dương Tử Quỳnh và Chương Tử Di đóng vai chính. Đây cũng không phải là một cuốn phim võ thuật đơn thuần. Chương Tử Di, cũng một thiếu nữ khuê các, đằng sau vẻ thùy mị, đoan trang, ẩn dấu một tâm hồn cháy bỏng (dục vọng). Trước tiên, nàng muốn có thanh bảo kiếm (cái mà cả thiên hạ thèm muốn dù không ai có đủ bản lĩnh để sử dụng) và sẵn sàng ăn cắp nó (thủ đoạn); về sau, nàng lại "muốn" chủ nhân của thanh bảo kiếm (Châu Nhuận Phát, người sẵn sàng cho đi bảo kiếm và bằng tay không đoạt lại bảo kiểm), tuy rằng nàng không thú nhận mà đạo diễn cũng không xác nhận tình tiết đó. Nàng rất mâu thuẫn, vừa luôn chạy trốn chàng vừa sẵn sàng quay lại đối đầu với chàng. Nàng muốn chiếm đoạt thanh bảo kiếm, cuối cùng không phải để dương oai chốn võ lâm (điều mà nàng đã thử và thấy vô vị), mà là để "tự chứng tỏ" với chàng. Nàng so gươm với Dương Tử Quỳnh có thể không phải để tỷ thí võ công mà vì "ghen thầm", muốn chứng tỏ ta đây xứng đáng với chàng hơn ai khác. Nàng gặp, bị cưỡng hiếp và làm tình với Trương Chấn nhưng đối với nàng đó không phải là tình yêu đích thực, vì đó không phải là cái mà nàng không bao giờ với tới được (Châu Nhuận Phát). Nàng chỉ [tự cho là] chiếm được chàng (Châu Nhuận Phát) khi chàng chết và nàng từ trên núi gieo mình xuống vực. Dominique có vẻ vừa giống Chương Tử Di vừa giống Dương Tử Quỳnh; Dương Tử Quỳnh chín chắn hơn Chương Tử Di, nàng yêu Châu Nhuận Phát bằng một thứ tình yêu platonic (thanh khiết), điềm đạm hơn, chàng dù có ở gần, đi xa, sống hay chết vẫn luôn tồn tại trong tâm khảm của nàng; tâm hồn của hai người là một, vượt ngoài thế giới của võ lâm, và không có gì có thể chia cách hai con người...

    Nói thêm một chút về Howard Roark. Từ đầu cho đến cuối truyện, tuy biết chàng là nhân vật khác thường nhưng người đọc vẫn cảm thấy xa lạ thế nào đấy với chàng. Chỉ khi chàng phát biểu quan điểm để tự biện hộ trước tòa ở cuối sách, ta mới thấy chàng có tính "người" nhiều hơn. Suy nghĩ của chàng cũng không có gì mới ("vị kỷ" đối chọi với "vị nhân sinh") nhưng nói lên tư tưởng tuy đơn giản nhưng đầy tính "nhân văn" của Đức Khổng Tử: "Quân tử cầu chư kỷ, tiểu nhân cầu chư nhân".

    Ayn Rand cho Suối Nguồn kết thúc một cách có hậu. Bồi thẩm đoàn (đại biểu cho xã hội) cuối cùng phải công nhận cái quyền "mơ làm á thần" của con người khi tuyên Roark vô tội. Kết thúc này khiến mọi nhân vật của bà cuối cùng gần gũi với chúng ta hơn và bớt đi tính trừu tượng.
     
    Chỉnh sửa cuối: 17/2/15
  2. Ban Tang Du Tử

    Ban Tang Du Tử Moderator Thành viên BQT

    Cảm nhận thật chi tiết. Mình đọc xong cuốn này chỉ muốn đi đến khu nhà nghỉ dưỡng trong núi mà ngủ vài tháng hoặc có thể là một năm.:eek: Nhấn nhầm cái biểu tượng này, không xóa được ;):)
     
  3. Cát Cát

    Cát Cát Moderator Thành viên BQT

    Được vậy thì "tuyệt đối lý tưởng" luôn @Ban Tang Du Tử nhỉ? :)
     
    Thuỳ Đặng Thị thích bài này.
  4. Cát Cát

    Cát Cát Moderator Thành viên BQT

    @1953snake : mình cũng có nhận xét bên topic kia là đọc cuốn này có 2 thái cực: tích cực thì thấy Ayn Rand xây dựng một lý tưởng hóa tuyệt đối cho nhân vật, không những cho Howard Roark mà còn cho cả Dominique. Cái này rất được lòng các bạn trẻ, mới bắt đầu ra đời, nhìn đời tuyền màu hồng và có nhiều tham vọng, cần có những kiểu lý tưởng này để 'push up'. Và tiêu cực thì nó quá sức cực đoan, nó sẽ đánh gục ngay lập tức những kẻ mang tính 'lý tưởng hóa tuyệt đối' này nếu như họ không đủ bản lĩnh, và không được ngòi bút ưu ái của tác giả châm chước cho 1 cái kết thúc có hậu.
     
  5. Ban Tang Du Tử

    Ban Tang Du Tử Moderator Thành viên BQT

    Tuyệt đối lý tưởng. ha ha
     
  6. Cảm nhận của các bạn rất sâu,cũng vì vậy chứng tỏ văn phong ,tình tiết của cuốn sách này rất cuốn hút ,ghi được dấu ấn trên tâm trí của người đọc
     
  7. Quangmaju

    Quangmaju Mầm non

    em đọc quyển này và ngay trang đầu đã bị lôi cuốn bởi cách miêu tả của tác giả, nhưng không biết thế nào chứ em lại thích nhân vật gail wynand hơn, từ thởu ấu thơ giám chống lại cả đám đồng bọn hung hãn tới lúc vùi mình vào công việc đến mức ngủ tại chỗ làm luôn, cảm giác ông có nhiệt huyết to lớn vậy, và ông cũng không quan tâm đến thiên hạ ( kiểu ngang tàng) , em thấy gail mới đích thị là anh hùng kiểu mỹ, chứ khi nghĩ đến roak em cảm thấy nhân vật này kiểu theo lý tưởng của mình một cách quá cực đoan, ( mỗi người đều có quan điểm về đạo đức tốt xấu khác nhau, nhưng không phải lúc nào ta cũng nên cố sống cố chết với nó) ở đây là roak ( qua lời thoại có vẻ anh biết mình là ai, và từng hành động của mình có ý nghĩa thế nào) nhưng em đọc xong cảm giác kiểu nhân vật này ảo ảo
     
    Last edited by a moderator: 10/2/20
  8. Khoadts

    Khoadts Mầm non

    Mình thì xin đóng góp một góc nhìn khác về Howard Roak và Dominique.

    Howard là nhân vật duy nhất trong tác phẩm không có mô tả nhân thân. Ta hầu như không biết chàng từ đâu tới, tuổi thơ thế nào, lớn lên ra sao, hoàn cảnh nào đã nhào nặn nên một con người khi còn trẻ mà đã luôn biết chắc chắn thứ chân thiện mỹ mình cần theo đuổi, không mảy may nghi ngờ, nao núng. Phải chăng chàng đại diện cho cái "Biết" trong mỗi con người, - hay chính là hình ảnh tự ngã - linh hồn vĩnh cửu, cái chân ngã luôn tồn tại trong mỗi chúng ta.

    Còn Dominique - một cô tiểu thư, một con người khôn ngoan đầy kiêu hãnh. Tại sao sau phiên tòa oan nghiệt xử Roark nàng lại quyết định lấy Peter Keating - kẻ mà nàng luôn khinh bỉ, và tại sao lại bị thuyết phục để trở thành bà Wynand? Cô ấy nói thế này với Roark:

    "Roark, trước khi em gặp anh, em đã luôn sợ sẽ gặp phải một ai đó như anh, bởi vì em biết là em sẽ phải nhìn thấy những gì em đã thấy ở bục nhân chứng và em sẽ phải làm những gì em đã làm ở phòng xử án. Em đã căm ghét việc đó bởi vì việc bào chữa cho anh sẽ là một sự lăng mạ đối với anh – và đó là một sự lăng mạ đối với em khi người như anh lại cần bào chữa."

    ..." Và em không thể sống một cuộc sống bị giằng xé bởi những gì đang tồn tại và anh. Như thế sẽ là đấu tranh chống lại những người và những thứ không xứng đáng làm đối thủ của anh. Cuộc chiến của anh, theo luật chơi của họ – đấy sẽ là một sự báng bổ quá đáng."
    "Em không biết cái gì là mạnh mẽ hơn: chấp nhận những thứ này vì anh – hay là yêu anh đến mức không thể chấp nhận tất cả những thứ đó. Em không biết em yêu anh quá nhiều…"

    Tức là, Dominique bị giằng xé giữa thế giới của tinh thần và thế giới vật chất. Trong thế giới chân thiện mỹ của tinh thần, thì Howard Roark là một vị thần (người xứng đáng nhất được tạc tượng đặt trong đền), nhưng trong thế giới vật chất, anh ý bị dìm, bị nhìn nhận là kẻ dở người, nghèo khổ, kẻ phạm tội, bị bắt nạt, bị mặc sức hãm hại. Vì yêu Roark nên Dominique sẽ thấy đau lòng, không thể chịu được khi ở cạnh và chứng kiến Roark ở trong thế giới đó. Nên chỉ có một cách là cô ấy phải tiêu diệt bản ngã, bằng cách trầm luân trong thế giới vật chất, làm những điều mà trước đây cô ấy thường tránh vì ghê tởm: lấy Keating và Wynand,...

    "Em yêu anh. Sự đối nghịch này quá lớn. Roark, anh sẽ không thể thắng, họ sẽ huy diệt anh, nhưng em sẽ không ở đó để thấy điều đó xảy ra. Em sẽ huỷ diệt bản thân em trước."

    Có lẽ chúng ta gặp lại ở đây một mẫu hình ẩn dụ thường thấy trong truyện thần thoại, cổ tích của nhiều dân tộc: nữ nhân vật chính gặp nam thần, rồi bằng cách nào đó hợp nhất với nam thần (thường là được thần dẫn dắt hoặc xô ngã trên giường - phỏng trích "Người Anh hùng với ngàn khuôn mặt" Joseph Campbell) - và sau đó nhân vật chính phải trải qua thử thách của mình, để bỏ đi bản ngã trước khi có thể trở về hợp nhất và ở bên vị thần - chân ngã vĩnh cửu.
     
    Chỉnh sửa cuối: 20/12/22
    ManNhy and Thuỳ Đặng Thị like this.
Moderators: Cát Cát

Chia sẻ trang này