Biên khảo Điển Tích Trong Truyện Kiều (PDF)

Thảo luận trong 'Tủ sách Tuỳ Bút - Biên Khảo' bắt đầu bởi khiconmtv, 21/1/15.

Moderators: SLASH.ROCK4U
  1. khiconmtv

    khiconmtv Cử nhân

  2. whatcsvt100

    whatcsvt100 Lớp 8

    Thương Kiều lại nhớ Tố Như...

    Buồn ba trăm lẻ buồn dư đến giờ...

    [​IMG]

    Trong kho tàng văn học Việt Nam, có thể nói, hiếm có tác phẩm nào ngoi lên làm cột cờ trong bó đũa sừng sững như Truyện Kiều, cũng thật hiếm có tác phẩm nào lại truân chuyên lận đận suốt mấy trăm năm như thế. Tác giả lận đận, nhân vật lận đận, rồi đến cả tác phẩm làm ra tưởng như thoát nạn, ai dè còn lận đận dài hơn, đau xuyên lòng thế kỷ.



    Lại có thể nói, hiếm có tác phẩm nào, được người ta ưu ái mà... cưỡng bức nhiều đến vậy. Xưa Kiều vì cứu cha mà phải bán mình, nay nhân thế vì tiền vì danh mà tự bán mình bằng việc cưỡng bức Truyện Kiều một cách kinh khủng, như tự ý thêm thắt, cắt cúp, hiệu đính tùm lum trong những góc nhìn chủ quan, hồ đồ và té nước lạnh vào khoa học một cách thẳng thừng, trơ tráo.



    Trong vòng hơn bảy năm qua, tôi sưu tầm và đọc không dưới năm mươi đầu sách in mới về Truyện Kiều của các nhà xuất bản trong nước. Có cuốn in đơn thuần Truyện Kiều, có cuốn thêm hiệu đính, chú giải, có cuốn thêm lời bình [luận & loạn], có cuốn đảo Truyện Kiều lộn ngược rồi tự ý vu khống thêm những tứ mới vào, có cuốn phiên ra văn xuôi, có cuốn dịch song ngữ sang Anh văn v.v... Nhìn nhận dưới độ tích cực, ta thấy đó là điều đáng mừng, bởi sức sống của Truyện Kiều dẫu trải qua bao thăng trầm như thế mà vẫn vươn lên mạnh mẽ. Lại phải nói thêm rằng, xã hội cấp tiến đến nhường nào rồi, sách mới ra đời khổng lồ và đè lún mặt người đến đâu rồi, công nghệ internet san phẳng mọi gồ ghề, mọi giới hạn đến đâu rồi, mà người ta vẫn đọc Kiều. Ấy là cái phúc của họ Nguyễn, mà cũng là cái phúc của Kiều vậy. Song, nhìn ở góc nhìn về sự hạn chế, manh mún, thiếu khoa học, thậm chí là có sự manh tâm, trong việc làm lại sách Truyện Kiều hiện nay thì thật não lòng.



    Cần phải hiểu rằng, hiệu đính Truyện Kiều là một công tác văn bản học, cho nên trước hết nó đòi hỏi trong mọi vấn đề tính hệ thống [1]. Người khảo đính, hiệu đính, chú đính Truyện Kiều cần phải am tường những vấn đề lý luận chung về khoa văn bản học, phải nắm được tình hình thực thực tế các văn bản Hán-Nôm, nắm được thực trạng cụ thể của của văn bản Truyện Kiều v.v... Song, có vẻ như các sách hệu đính, chú giải về Truyện kiều hiện nay người ta cố ý bỏ qua không làm những khâu ấy bởi nhiều lí do, có thể vì không có thời gian, có thể vì không có đủ tiền, có thể vì không có tư liệu..., song thiết nghĩ, lý do lớn nhất là manh mún, manh tâm và... ẩu. Quả đúng như lời tâm tình của Nguyễn Du viết trong bài Ký Hữu [Gửi bạn] có câu: "Viên ngọc trong đá không giữ được bộ mặt thật nữa rồi].



    [​IMG]

    Một vài ấn bản về Truyện Kiều trên kệ sách của Chu Giang Phong.



    Chẳng có lẽ, "Đời sau ai cũng đều là thượng quan, mặt đất đâu đâu cũng là sông Mịch La" [Phản chiêu hồn] cả hay sao? Dẫu rất trân quý cái tình của hậu thế dành cho Tố Như và Kiều, song "yêu nhau như thế bằng mười hại nhau". Nhìn ở góc độ văn bản học, thì Truyện Kiều từ các bản chữ Nôm và Quốc ngữ từ trước Cách mạng tháng Tám đã không thống nhất rồi. Đơn cử như các bản Liễu-văn-đường [Nôm, 1871], Kiều-oánh-mậu [Nôm, 1902], Kim-Vân-Kiều-truyện-quảng-tập [Nôm, 1904], Quan-văn-đường [Nôm, 1906], Phúc-văn-đường [Nôm, 1918], Bản do Trương Vĩnh Ký phiên âm, xuất bản ở Sài Gòn năm 1875, Bản do Albel des Michels phiên âm, dịch chữ Pháp, xuất bản ở Paris 1884-1885, Bản do E. Nordemann phiên âm, xuất bản ở Hà Nội năm 1897, Bản của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim, xuất bản ở Hà Nội năm 1927 v.v... Ở các bản này khi đối chiếu về văn bản, cũng thấy nhiều điểm bất đồng, lại do cách hiểu về điển tích, điển cố khác nhau, nguồn tư liệu truy nguyên về điển tích, điển cố, cũng khác nhau, góc nhìn về vấn đề ngữ âm học lịch sử không thống nhất, cộng với lỗi xuất bản nhiều, nên các bản ấy được mặt này lại sót mặt kia. Ngay cả bản Truyện Kiều của Đào Duy Anh, người có công rất lớn trong việc làm Từ-Điển-Truyện-Kiều cũng có nhiều câu, nhiều chữ, nhiều điểm đáng tồn nghi, cần phải bàn lại nhiều.



    Trong các văn bản khảo dịch về Truyện Kiều mà tôi hiện có, tôi rất tâm đắc với bản Thúy-Kiều-truyện-tường-chú của dịch giả Trúc Viên Lê Mạnh Liêu. Về bản sách này, trước tôi chỉ có quyển thượng, đọc xong ức chế, buồn bực lắm vì tiếc không được đọc hết. Đem tâm tư ấy than thở với hiền huynh Hoài Thu Tử Lê Văn Long, chẳng thể ngờ, hiền huynh cũng có một bản, và đó là quyển hạ. Anh em nhìn nhau ngớ người, đúng như câu người xưa thường bảo "vật tầm nhân" vậy. Bản tường chú này của Trúc Viên đem đến cho người đọc sự tin tưởng ở phần chú rất khoa học, điển tích rõ ràng, mạch lạc, hệ thống, truy nguyên dẫn điển có sách có chứng.



    Tuy Truyện Kiều đến thời điểm hiện tại đã có hàng trăm người khảo cứu, song thiết nghĩ, lối tư duy khoa học nhân văn của các nhà viết sách nay dường như đang có vấn đề. Hoặc quá phô diễn cái tôi cá nhân, cố giương ra cái sự hiểu biết của mình mà thiếu đi việc cùng ngồi lại với nhau, đi đến thống nhất để làm rõ. Sự ồn sau vụ của cụ Đào Thái Tôn, rồi mới đây là sự góp phần làm băng hoại Truyện Kiều của cụ Vũ Khiêu, càng làm cho câu chuyện về Truyện Kiều thêm phần hâm nóng.



    Dưới những góc nhìn về chủ quan luận, người đời sau nhìn về người đời trước có chỗ thấy sáng ra, có chỗ thì lại góp phần làm cho mịt mù. Đọc một đoạn Vũ Đức Phúc đưa tư kiến phản biện Nguyễn Quảng Tuân để bênh vực Hoàng Xuân Hãn, ta sẽ thấy cách mà các cụ nhà ta "chơi nhau sát ván": "Chiêm Vân Thị là người soạn bản Thúy Kiều Truyện Tường Chú, vốn là người tin ở bói toán và thích bói chiết tự, nên đẻ ra thuyết Hội Chân về Truyện Kiều. Ông ta chịu ảnh hưởng bộ Bạch Hổ Thông Nghĩa của Ban Cố, nên rất ưa chiết tự, không có đầu óc nghiên cứu gì. Chiêm Vân Thị chẳng qua ghét người ta mà chửi bậy đó thôi, phải đâu là chứng cớ sử học để Nguyễn Quảng Tuân dựa vào mà bác bỏ lí lẽ rất vững chắc của Hoàng Xuân Hãn..."[2].



    Qua vài dẫn dụ nho nhỏ trên, có thể thấy ra cái lý do tại sao mà đến giờ Truyện Kiều lẫn Nguyễn Du vẫn còn lận đận. Ngay cả cái việc Tố Như soạn Truyện Kiều vào thời điểm nào, cũng đã và đang cãi nhau loạn cả lên, đủ cho người ta nghi ngờ về công tác lưu trữ cũng như khoa học lưu trữ của Việt Nam, tất nhiên cần loại trừ các yếu tố về biến động lịch sử, chiến tranh, bom rơi đạn lạc, góc nhìn chuyên chế của các triều đại v.v... song không thể không có phần trách nhiệm của việc lưu trữ ở nước ta được.



    Tôi chỉ là kẻ học trò, nhàn cư chẳng có việc gì, đem sách vở ra đọc, thấy nhiều khúc mắc trong lòng thì ghi chép lại tâm tư. Chỉ mong sao, những người học giả, những nhà giáo ngữ văn, những thiện trí thức yêu mến Truyện Kiều, chớ để cho "Đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi" và đừng để Tố Như phải đội mồ sống lại viết Độc Tiểu Thanh Ký phần hai. Mong và cầu như người xổ huyết viết tâm thư...



    - Chu Giang Phong - [ Yêu quý tặng các bạn yêu văn học trong danh sách bạn FB của CGP ]



    CHÚ THÍCH:



    [1] & [2]: Hà Huy Giáp, trong Truyện Kiều, bản in năm 1972.[2]: Về thời điểm viết Truyện Kiều, PGS, TS Lê Thành Lân, Viện công nghệ thông tin.



    TƯ LIỆU THAM KHẢO:



    1. Từ điển Truyện Kiều, Đào Duy Anh, 19742.

    2. Truyện Kiều, Hà Huy Giáp, 19763.

    3. Về thời điểm viết Truyện Kiều, PGS, TS Lê Thành Lân, Viện công nghệ thông tin.

    4. Thúy Kiều Truyện Tường Chú, Chiêm vân Thị, quyển thượng + hạ

    5. Truyện Kiều - Bản Nôm, Thịnh Mỹ Đường, Nguyễn Khắc Bảo phiên âm và khảo cứu, 20046.

    6. Truyện Kiều đối chiếu, Phạm Đan Quế, 19917.

    7. Truyện Kiều song ngữ Việt-Hoa, La Trường Sơn, 20068.

    8. Truyện Kiều, tác phẩm chọn lọc dùng trong nhà trường, Đặng Thanh Lê, 1972

    9. Nghệ thuật tái tạo nhân vật Kiều trong Đạon Trường Tân Thanh của Nguyễn Du, Thạc sĩ Nguyễn hằng Thanh, 200310.

    10. Truyện Kiều văn xuôi dành cho người trẻ, Thích Nhất Hạnh, 2007

    11. Nguồn gốc văn Kiều - Văn phái Hồng Sơn, Thanh Nghị, số 29-30-31, tháng 2 năm 1943.12.

    12. Nghệ thuật Truyện Kiều, Hoài Thanh [Phần trích chương Nguyễn Du, Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, quyển IV].

    13. Các bài viết của Phạm Quỳnh in trên Nam Phong tạp chí.
     
  3. PMK_1990

    PMK_1990 Mầm non

    Em là học sinh trung học và hiện có tình cảm với Truyện Kiều nên muốn tìm hiểu sâu hơn, nhưng link của quyển này die rồi nên ai có mong cho em link khác ạ :(
     
    quang3456 thích bài này.
  4. quang3456

    quang3456 Lớp 10

    Quyển này trên mạng có nhiều, bạn tìm là thấy.
    Tôi không gửi link ở đây được vì sợ vi phạm nội quy.
     
  5. tran ngoc anh

    tran ngoc anh Cử nhân

    Đây bạn. Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
     
  6. SLASH.ROCK4U

    SLASH.ROCK4U Moderator Thành viên BQT

    Quyển này đọc rất hay , nếu muốn rõ hơn thì đọc thêm giai thoại văn học trung quốc
     
    minhnghenhac thích bài này.
Moderators: SLASH.ROCK4U

Chia sẻ trang này