Hiện thực Khao - Đồ Phồn

Thảo luận trong 'Tủ sách Văn học trong nước' bắt đầu bởi Caruri, 10/4/19.

Moderators: Bọ Cạp
  1. Caruri

    Caruri Lớp 10

    [​IMG]
    Khao được coi là tiểu thuyết trào phúng, xuất bản lần đầu năm 1946. Bìa này của NXB Văn học năm 1988. Bản ebook dưới đây lấy nguồn từ Tổng tập văn học Việt Nam tập 33.

    Phó Cò đã ngoại bảy mươi tuổi. Vì quá nghèo nên chịu phận bạch đinh, sông lủi thủi với bà vợ gù và một con chó ghẻ. Nhưng một hôm, Hai Cốc, đứa con lão bỏ ra đi Nam Kỳ làm phu đồn điền cao su, bỗng trở về và có tiền trăm. Sau những ngày hàn huyên, Hai Cốc đồng ý bỏ tiền ra khao mừng thọ bố bảy mươi tuổi. Thế là tất cả mọi người trong làng, từ quan Tuần anh đến quan Tuần em, từ quan Lãnh đến Lý trưởng xúm vào “làm tiền” bố con Hai Cốc!

    Đám khao diễn ra rất linh đình. Có lễ tam sinh, có tế bàn đào, có hát nhà tơ. Rồi xóc đĩa, thuốc phiện, tổ tôm... đủ cả. Cỗ bàn không thiếu thức gì.

    Nhưng khao xong “khổ chủ” lâm ngay vào cảnh túng thiếu. Tiền Hai Cốc mang về hết nhẵn. Nhiều thứ mua chịu trong dịp làm khao cũng không trả nổi. Người ta đòi nợ, gây sự. Người ta chửi và người ta kiện.

    Cuối cùng, Hai Cốc cũng bỏ đi nốt. Lão Cò lại sống lủi thủi cảnh nửa năm về trước. Vì đói và thèm quá, một hôm lão đã vồ con gà hàng xóm lạc sang và làm thịt luôn. Bị phát giác, quá xấu hổ, lão chực tự vẫn. Nhưng người ta cứu được lão và lôi lão ra đình để ngả vạ. Lão làm gì có tiền nộp vạ! Người ta khiêng cỗ hậu sự của lão ra đình. Cụ Tiên chỉ tạm ứng ra cho làng ba mươi đồng và lấy luôn cỗ hậu sự. Vì ở nhà cụ cố đang mệt.

    Tác phẩm kết thúc ở hình ảnh Phó Cò thân tàn ma dại ngồi trước phần biếu của làng: một vắt xôi to không hơn quả cau và một lát thịt mỏng hơn lá liễu - thành quả của việc lão làm khao.

    Thông tin sách:
    Tên sách: Khao
    Tác giả: Đồ Phồn (Bùi Huy Phồn)
    Nhà xuất bản: Văn học
    Năm xuất bản: 1988
    Goodreads: Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link (vào cho sao điểm, chia sẻ cảm nghĩ... với cộng đồng đọc sách)

    Thông tin ebook
    Nguồn: tve-4u.org
    Chuyển text và tạo ebook: Caruri
     

    Các file đính kèm:

  2. Caruri Tlkd

    Caruri Tlkd Sinh viên năm III

    Thơ của Xuân Sách về Bùi Huy Phồn trong "Chân dung nhà văn"

    Phất rồi ông mới ăn khao
    Thơ ngang
    chạy dọc bán rao một thời
    Ông đồ phấn ông đồ vôi
    Bao giờ xé xác để tôi ăn mừng

    (in nghiêng: tên tác phẩm của ông)

    Một giai thoại về Bùi Huy Phồn

    Bùi Huy Phồn phải bỏ làng...

    Chuyện vào làng văn phải bỏ... làng là có thật. Người ấy chính là nhà văn Bùi Huy Phồn, quê ở Vân Đình, huyện Ứng Hoà (Hà Tây cũ). Nhà văn Bùi Huy Phồn từng dạy học, viết văn, làm báo, sáng tác thơ và qua các công tác: Uỷ viên Ban Vận động nghiệp đoàn những người viết báo Bắc Kỳ (trước cách mạng) ở Hà Nội, Uỷ viên Ban Chấp hành Đoàn Kháng chiến Bắc Bộ, Chủ bút báo Tây Việt Bắc (khu X), Giám đốc Nhà xuất bản Văn học 1962-1972... Năm 20 tuổi, ông cho xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay dã sử “Lá huyết thư”, rồi sau này liên tiếp xuất bản hơn 20 tập tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch cùng với 4 tập thơ trào phúng. Bùi Huy Phồn là một trong những nhà thơ trào phúng nổi tiếng với bút danh Đồ Phồn.

    Để bước được vào làng văn và có được một bề dày văn phẩm, thi phẩm như kể trên, thì những ngày đầu “chập chững” vào làng văn, Bùi Huy Phồn phải bỏ làng ra đi...

    Năm ấy, khi Bùi Huy Phồn mới 15, 16 tuổi, nhân dịp Tết Nguyên đán, thấy mẹ dặn chị gái đi chợ nhớ mua mấy tờ giấy hồng điều cánh sen mang sang nhà cụ đồ Hai trong làng nhờ viết cho dăm câu đối bằng chữ nho để dán ở trong nhà, ngoài cửa, ngoài ngõ mấy ngày Tết. Thấy có giấy hồng điều, Bùi Huy Phồn tự nghĩ ra đôi câu đối rồi viết bằng chữ quốc ngữ, đem dán vào hai cột cổng ngoài nhà thờ họ vào trước lúc giao thừa. Sáng mồng một Tết, Bùi Huy Phồn dậy thật sớm ra trước cổng nhà thờ họ để ngắm và thưởng thức tác phẩm trào phúng đầu tay của mình. Nhưng thật lạ, không rõ kẻ nào đã bóc đi? Trên cột chỉ còn lại những vết bóc nham nhở. Bùi Huy Phồn ức quá, cảm thấy mình như một người đi săn lần đầu vớ phải một viên đạn thối. Song nghĩ lại, ông thấy có khi thế lại may, bởi vì chỉ lát nữa thôi cụ tuần anh, tuần em, cụ thượng cùng “Tinh thê đẳng” (những người chức sắc trong làng, xã thời đó) mũ mãng cân đai đi đến nhà thờ đại tôn họ Bùi lễ tổ mà bắt gặp đôi câu đối “bạo thiên, nghịch địa” của ông, thì mẹ ông phải đi tạ tội “phạm thượng”. Con dại cái mang mà!

    Những vị chức sắc làng xã kia không nổi giận sao được khi đọc những câu đối mà Bùi Huy Phồn viết thế này:

    “Mồng một Tết người đội mũ cánh chuồn khoe mẽ
    Ba ngày xuân tớ trùm nơm mẹ đĩ ngâm thơ”

    Mặc dù chưa có vợ nhưng Bùi Huy Phồn vẫn “mượn tạm” cái nơm mẹ đĩ để đối với mũ cánh chuồn. Thật là hả hê quá, mũ cánh chuồn đối với cái váy đàn bà.

    Tưởng chuyện bị mất câu đối chìm trong im lặng. Nào ngờ, chắc để hết Tết, qua rằm tháng giêng? Đúng ngày 16 tháng giêng năm ấy, nhân ngày giỗ tổ họ Bùi, những người “tai to mặt lớn” trong làng, xã có mặt. Giờ là dịp để họ “sờ gáy’ tác giả câu đối kia. Cụ tuần anh nói với mẹ Bùi Huy Phồn:

    - Phải đưa thằng Phồn ra nhà thờ họ ngay.

    Phồn vừa bước đến cửa, cụ tuần anh quát:

    - Thằng kia, vào đây!

    Rồi cụ tuần anh quay sang nói với mọi người trong họ:

    - Hôm nọ, mồng một Tết, anh và các chú vận phẩm phục triều đình đi hành ngơi trong thôn, xóm, cho dân làng được ra bái yết lấy may. Thế mà thằng này (chỉ Phồn) nó dám làm câu đối nói láo!

    Bùi Huy Phồn lắp bắp định cãi thì cụ tuần anh đập tay xuống tráp, thét lớn:

    - Câm! Tao lại sai nó nọc cổ mày xuống trước từ đường, đánh cho tan xác bây giờ. Mày muốn làm bình dân thì mày ra Hà Nội. Mày muốn làm cộng sản thì mày sang Nga-la-tư. Chứ còn ở cái làng này thì phải có tôn ti trật tự! Thôi cút! (câu nói này, cũng như những nhân vật Tuần anh, Tuần em... đã được đưa vào trong tác phẩm Khao)

    Có ai ngờ câu quở mắng của cụ tuần anh kia đã trở thành những lời “tiên tri” ứng nghiệm với cuộc đời Bùi Huy Phồn. Quả thật, sau “vụ câu đối Tết”, Bùi Huy Phồn đã phải bỏ làng ra Hà Nội làm một người bình dân viết văn kiếm sống và sau này, ông được sang Liên Xô thật trong đoàn nhà văn Việt Nam và trở thành một người cộng sản viết văn.
     
  3. quang3456

    quang3456 Lớp 10

    Hay quá, tìm quyển này trên mạng mãi không có.
    Hồi trước đọc bản in năm 1988, tôi nhớ người vợ miền Nam của Hai Cốc còn nói 'mình' thành 'mừn', ở bản này không thấy.
    Còn trong đoạn sau, tôi nghĩ mãi không biết có phải cụ Đồ Phồn dùng lầm chữ 'cân quắc' hay cụ có ý tứ thâm thúy nào khác.
    upload_2019-4-11_16-28-9.png
     
    Caruri Tlkd thích bài này.
  4. Caruri Tlkd

    Caruri Tlkd Sinh viên năm III

    Theo tôi cụ (hoặc ông biên tập viên) dùng nhầm với nghĩa cân đối + quắc thước.
     
    quang3456 thích bài này.
  5. quang3456

    quang3456 Lớp 10

    upload_2019-4-15_21-38-21.png
    Theo tôi, mấy từ gạch chân trên đúng ra phải là 'phủ chính' và 'bách nguyên'

    Còn câu đối sau:
    Tích thiện hữu dư khương, tử lý phần hương ngu thọ tích
    Hữu phúc cánh đắc thọ, lan tôn quê tử hiến đào bôi.
    chắc phải là:
    Tích thiện hữu dư khương, tử lý phần hương ngu thọ tịch
    Hữu phúc cánh đắc thọ, lan tôn quế tử hiến đào bôi.
     
    Chỉnh sửa cuối: 15/4/19
    Caruri Tlkd thích bài này.
  6. Caruri Tlkd

    Caruri Tlkd Sinh viên năm III

    Cảm ơn bác, có lẽ do biên tập viên bộ sách này không chuyên tâm hoặc chuyên môn (từ Hán Việt) không rành rẽ nên để những lỗi như vậy. Ví dụ "phủ chính" nghĩa là "sửa chữa", nhưng BTV có khi lại nghĩ là "phụ chỉnh" là "phụ giúp để chỉnh sửa" thì mới đúng. Tôi không rõ thời nay họ làm tuyển tập từ những tác phẩm cũ như thế này ra sao, lấy bản in cũ rồi đánh máy lại hay nhận dạng lại hay tìm bản điện tử từ bản in gần đây của nhà xuất bản?

    Nếu bác đọc xong, có thêm lỗi gì nữa thì tập hợp thêm để tôi sửa một thể.
     
    quang3456 thích bài này.
Moderators: Bọ Cạp

Chia sẻ trang này