Tiếng Anh Làm thế nào để học tốt Tiếng Anh

Thảo luận trong 'Tủ sách Học ngoại ngữ' bắt đầu bởi andanhtoi, 31/8/15.

  1. andanhtoi

    andanhtoi Lớp 11

    Làm thế nào để học tốt Tiếng Anh (Phần I)

    Đã có nhiều nhiều bạn hỏi tôi về phương pháp học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng. Quả thực tôi không dám “múa rìu qua mắt thợ”, không đủ trình độ để dấn chân vào một vùng nước lạ, vào một lĩnh vực mà tôi không phải là chuyên gia để có thể đưa ra một bài viết mang tính nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, với tư cách là một người học tiếng Anh lâu năm trải qua nhiều môi trường học tập khác nhau và có điều kiện học ngoại ngữ chung với các sinh viên ở các nước khác nhau, tôi cũng mạo muội chia sẻ một số kinh nghiệm cá nhân tích luỹ và nhận thức ra qua quá trình học tập và rèn luyện để có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh.

    Tôi bắt đầu học tiếng Anh một cách nghiêm túc từ khi bước chân vào Đại học. Tính đặc trưng của ngành mà tôi theo học và nghề hiện nay tôi đang theo đuổi khiến ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, là một công cụ không thể thiếu. Khởi đầu từ con số không ở độ tuổi “lưỡi đã cứng, đầu đã sạn“, quá trình đến với tiếng Anh của tôi không biết bao trầy trật. Nhìn lại, đó là cả một quá trình tự tìm tòi đầy gian nan của bản thân cùng với sự giúp đỡ tận tình của bao bạn bè và thầy cô. Để đến ngày hôm nay, dù còn biết bao thiếu sót, nhưng cũng có thể nói tôi đã có những bước tiến đáng kể ở các kỹ năng Anh ngữ cơ bản như: đọc hiểu (comprehensive reading), nghe hiểu (comprehensive listening), viết luận (writing), nói và trình bày (speaking and public speaking). Hai kỹ năng khác là dịch nói (interpreting) và dịch viết (translating) tôi chưa có dịp được tiếp cận một cách bài bản và hệ thống dù đã có một số những kinh nghiệm thực tiễn quý báu. Trong phạm vi bài này, tôi muốn đề cập những điều cần chú ý trong giảng dạy và học tập Anh ngữ ở mức độ của những học viên ở trình độ cơ sở. Và chắc chắn rằng, kinh nghiệm mà tôi chia sẻ là dành cho người bình thường như bạn, như tôi và như bao người khác, những người không có năng khiếu bẩm sinh về trí nhớ và ngôn ngữ.

    Dù thế nào, tôi cũng phải khẳng định với các bạn rằng, yếu tố đầu tiên quan trọng hơn hết để có thể thành thạo ngoại ngữ là thời gian, sự kiên nhẫncần cù. Về bản chất, ngôn ngữ được xây dựng bởi những thành tố cơ bản như hệ thống âm (pronunciation), hệ thống từ vựng (vocabulary), hệ thống các quy tắc ngữ pháp (grammar). Ở đây, có hai thành tố của ngôn ngữ khiến người học không thể đốt cháy giai đoạn được, đó là DỮ LIỆU NGUỒN (INPUTs) và KỸ NĂNG (SKILLs). Thứ nhất, không thuộc từ vựng, không thuộc quy tắc ngữ pháp thì có tài thánh bạn cũng không thể hiểu được (đọc và nghe) và diễn đạt được (nói và viết) những điều mình muốn. Đáng chú ý ở đây, đặc tính của ngôn ngữ là sự kết hợp giữa quy tắc và bất quy tắc. Không có cách nào khác, bạn phải thuộc nhuần nhuyễn từ vựng (ngữ nghĩa, phát âm, các sử dụng) và những quy tắc ngữ pháp đòi hỏi ở các trình độ khác nhau.

    Nguồn gốc: sưu tầm
     
    Chỉnh sửa cuối: 31/8/15
  2. andanhtoi

    andanhtoi Lớp 11

    Làm thế nào để học tốt Tiếng Anh (Phần II)

    Nào, bây giờ tôi lại tiếp tục với chủ đề học tiếng Anh.

    Trong entry lần trước, tôi bắt đầu đề cập đến hai thành tố cơ bản cho khả năng ngôn ngữ của một người là: Dữ liệu nguồn (Input) và Kỹ năng (Skills). Cần phải khẳng định rằng không thể có khả năng ngoại ngữ tốt nếu không có vốn từ vựng phong phú và nắm vững những quy tắc ngữ pháp cơ bản. Tôi hay ví hệ thống từ vựng như những viên gạch, các quy tắc ngữ pháp có vai trò như những vật liệu kết dính (vôi, xi măng, vữa) để ghép những viên gạch xây dựng nên một ngôi nhà.

    Trong giai đoạn nạp dữ liệu nguồn, khả năng ghi nhớ (memory) đóng vai trò quan trọng hơn trí thông minh và sáng tạo. Với mỗi từ mới, cần phải học bao nhiêu thành phần liên quan như: ngữ nghĩa (meanings, đa số các từ nhiều hơn một nghĩa), đánh vần (spelling), cách sử dụng (đi kèm với các từ loại khác, ví dụ như giới từ), phát âm, thành ngữ chứa từ đó, quy tắc biến đổi (ví dụ như với danh từ thì biến đổi sang số nhiều ra sao, tính từ biến thành tính từ so sánh như thế nào) ... Cú pháp tiếng Anh thì hoàn toàn khác tiếng Việt với hàng loạt những quy tắc (regular) và các trường hợp bất quy tắc (irregular) khác nhau. Nên nhớ, ở đây không có sự sáng tạo, mà chỉ có thuộc lòng.

    Câu hỏi đặt ra là cách thức, phương pháp thế nào để nạp khối dữ liệu đó một cách hiệu quả nhất. Chủ đề này đã có rất nhiều sách vở bàn đến, các bạn có thể tham khảo. Mỗi người học tiếng Anh, sau khi tham khảo các sách sẽ tự chọn cho mình những cách thức phù hợp, tùy theo từng cấp độ. Ở cấp độ sơ cấp, sự chuyên cần là yếu tố tiên quyết. Tôi và cậu bạn thân của tôi thường cần mẫn viết đi viết lại một từ hàng chục lần trên một quyển vở, có người lại mỗi ngày viết từ mới vào mảnh giấy nhỏ, trên tàu trên xe, lúc rảnh rỗi giở ra lẩm nhẩm, thuộc rồi thì đút vào túi trái, chưa thuộc thỉ trả vào túi phải ... Nói chung, đọc và tra từ là công việc hàng ngày, hàng giờ với người học ngoại ngữ. Nhân tiện đây, tôi muốn cảnh báo một tác hại của công nghệ, một thói quen bất lợi với người học ngoại ngữ cấp cơ sở: đó là việc quá dựa vào Từ điển Máy tính, Lạc Việt và các từ điển trực tuyến khác. Từ điển Máy tính/Online có tác dụng là tra cứu nhanh, hiệu quả (có cả phần phát âm tiếng đi kèm) nhưng làm lười con người. Quá dựa vào từ điển máy tính người học sẽ ngày càng lười và mất thói quen ghi lại những từ mới để học (đặc biệt là học chính tả). Khi tra từ điển giấy, vì ngại phải lần sau tra từ lại, chúng tôi buộc phải viết những từ mới ra một quyển vở, rồi sau đó học lại bằng nhiều cách. Nhưng ngược lại, ở cấp độ trung và cao cấp, từ điển Máy Tính/Online lại hết sức hiệu quả, đặc biệt là trong công tác dịch viết.

    Đi sâu hơn về đặc trưng từ ngữ tiếng Anh, sự nhạy bén tương đối quan trọng để nhìn ra hệ thống từ vựng và văn phạm tiếng Anh có những quy tắc xây dựng nhất định, mặc dù không ít những trường hợp đặc biệt. Từ đó, có thể xây dựng các cách tiếp cận hiệu quả hơn. Ví dụ cách học từ mới là học theo họ từ (word family - một từ: danh từ, động từ, tính từ có chính tả gần giống nhau), học theo cách hình thành của từ (tiền tố - prefix, gốc từ - root, và hậu tố - suffix) ... Ở cấp độ trung và cao cấp, khi đã tích luỹ được một khối lượng từ vựng cơ bản, từ vựng có thể được học theo văn cảnh (việc đoán ngữ nghĩa dựa vào bối cảnh, lôgíc đoạn văn, các yếu tố văn hoá, và nhớ ngữ nghĩa và cách sử dụng trong một văn cảnh cụ thể).

    Các quy tắc văn phạm cũng không có cách nào khác là phải thuộc lòng. Ở đây cũng phải phân biệt các độ tuổi, trình độ và cấp học khác nhau để tìm phương pháp dạy và học phù hợp. Theo tôi, với đối tượng là học sinh cấp ba trở lên, học viên đã nắm tương đối vững ngữ pháp tiếng Việt, khi khi giảng dạy, giáo viên cần phải làm phép đối chiếu với văn phạm Việt, giống và khác nhau, để giúp học viên hiểu được đặc trưng của ngôn ngữ, tránh việc quy chiếu tương ứng hoặc ngang bằng sang văn phạm Việt. Đây là một nguy cơ nghiêm trọng trong học ngoại ngữ, mà buồn thay không có ai chỉ ra. Sự láo nháo của thị trường dạy và học ngoại ngữ hiện nay, sự thiếu chuyên môn và chuyên nghiệp của các giáo viên đã và đang làm xã hội tốn phí quá nhiều thời gian và tiền bạc.

    Nói như thế không có nghĩa là việc học ngoại ngữ chỉ dừng lại ở việc học thuộc lòng từ vựng và các quy tắc ngữ pháp. Tôi đã từng nghe nhiều câu chuyện có bạn học thuộc cả một quyển từ điển trong một thời gian ngắn. Những quyển sách ngữ pháp vài trăm trang chắc chẳng thấm vào đâu với những bộ óc siêu việt như vậy. Nhưng, liệu dồn sức học ngày học đêm, trong hai hoặc ba tháng, liệu có mang lại cho bạn khả năng ngôn ngữ như mong muốn.

    Câu trả lời là không. Học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, không đơn thuần chỉ là nhớ từ, nhớ ngữ pháp. Như trên tôi đã nói, là cần một thời gian nhất định. Cần sự chuyên cần, miệt mài, liên tục trong một thời gian dài nhất định. Tại sao vậy?

    Ở đây, cần phải phân tích yếu tố đặc trưng của ngôn ngữ: Tính thực dụng. Khi đã nạp dữ liệu, cần phải sử dụng các dữ liệu ấy (OUTPUT). Đầu ra ở đây là sự hiểu ngôn ngữ (comprehension - Đọc và Nghe), diễn đạt ngôn ngữ (Expression - Nói và Viết), cao hơn nữa là sự chuyển ngữ (Dịch nói và Dịch viết - Đó là sự kết hợp của Hiểu (comprehension) ở một hệ ngôn ngữ và Biểu đạt những Ý Hiểu đó ở hệ ngôn ngữ khác, thường là tiếng mẹ đẻ). Ngôn ngữ thực dụng ở mức độ thấp là các Kỹ năng (Skills), đòi hỏi phải luyện tập đi luyện tập lại, ở cấp độ cao có thể gọi là Nghệ thuật (Arts), nhấn mạnh tới khả năng sử dụng và kết hợp tinh tế các yếu tố ngôn ngữ và các yếu tố văn hoá liên quan để tạo ra các sản phẩm ngôn ngữ (các tác phẩm văn học và các tác phẩm nghiên cứu chuyên ngành ... ).

    Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ dừng lại ở cấp độ kỹ năng ngôn ngữ. Hiển nhiên, tôi không dám động tới cái gọi là nghệ thuật ngôn từ bởi điều đó cần được phân tích trong bối cảnh rộng hơn về văn hoá và sự hình thành của ngôn ngữ. Như trên tôi đã nói, có 4 kỹ năng cơ bản: nghe, nói, đọc, viết và hai kỹ năng cao cấp hơn là: dịch nói và dịch viết.
    Thế nào là kỹ năng?

    Đấy, lại buồn ngủ rồi, hôm khác nhé ...

    Nguồn gốc: sưu tầm
     
    Chỉnh sửa cuối: 31/8/15
  3. andanhtoi

    andanhtoi Lớp 11

    Làm thế nào để học tốt Tiếng Anh (Phần III): Vượt qua TỰ TI

    Tranh thủ một chút để kết thúc chùm bài về cách học tiếng Anh. Những entry cuối cũng đề cập đến kinh nghiệm thực tiễn của bản thân tôi đối phó với những khó khăn trong quá trình học tiếng Anh.
    ….

    Như phần trước đã đề cập, học tiếng Anh chủ yếu là rèn luyện các kỹ năng ngôn ngữ(skills). Ở đây cần chú ý ngôn ngữ thực dụng, nghĩa là học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng không phải để biết (to know) mà là để sử dụng (to use). Việc nhớ các từ, biết các từ, biết các quy tắc ngữ pháp nhưng không sử dụng được để đọc hiểu, nghe hiểu, viết luận, giao tiếp hay dịch thì cũng như không. Như vậy, vấn đề quan trọng nhất là phải thực hành ngôn ngữ.

    Quay trở lại với câu hỏi: "Thế nào là kỹ năng?" Kỹ năng ám chỉ những khả năng (ability) có được do rèn luyện (training, practising) để thực hiện những kết quả có sẵn (pre-determined results) với quỹ thời gian, năng lượng tối thiểu. Như vậy, học ngôn ngữ ở cấp độ cơ sở ít nhấn mạnh sự sáng tạo (creativity) bởi vì nó chỉ vươn tới việc thuần thục các yếu tố ngôn ngữ “có sẵn”, và để đạt được những kết quả “cho trước” giống như rèn luyện các từng động tác của các môn thể thao vậy. Nếu bạn miệt mài làm đi làm lại, bạn sẽ không chỉ “nhớ”, mà còn đạt tới mức độ thuần thục và trau chuốt trong sử dụng ngôn ngữ. Điều đó giải thích tại sao, học ngoại ngữ cần sự rèn luyện kiên trì. Các bạn tôi ngày xưa học thường kiên nhẫn viết đi viết, phát âm nhiều lần lại một từ, hay khi học nói thường đọc đi đọc lại nhắc lại những đoạn văn ngắn. Thời gian dài hay ngắn để đạt tới mức độ thuần thục sẽ tuỳ thuộc vào cường độ luyện tập cũng như năng khiếu. Ở đây, năng khiếu được hiểu là khả năng tự nhiên. Tuy nhiên, năng khiếu chỉ giúp bạn nhanh hơn người khác, còn không thể không có rèn luyện.

    Như vậy, bản chất cơ bản của học ngôn ngữ đã phần nào sáng tỏ. Bây giờ tôi sẽ chỉ ra hai thử thách cụ thể mà tôi, chính bản thân tôi vấp phải và đã vượt qua phần nào, trong quá trình học ngoại ngữ. Ở đây, tôi chia sẻ kinh nghiệm bản thân mình và các bạn thử so sánh xem có giống những gì mình đã trải qua. Nếu các bạn gặp phải khó khăn tương tự, thử áp dụng con đường của tôi xem sao.

    Nên nói một chút là tôi bắt đầu học tiếng Anh nghiêm túc khi bước chân vào Học viện Quan hệ quốc tế, khởi điểm có thể là số O tròn trĩnh. Tính đặc thù của nghề nghiệp khiến cho tiếng Anh, với tư cách là một ngoại ngữ phổ biến bậc nhất trên thế giới, là thiết yếu. Tôi ý thức được điều đó và luôn có một những cố gắng không mệt mỏi, để phát hiện những điểm sai và tìm cách sửa chữa. Không dấu gì các bạn, quá trình gian nan và lâu dài, vừa tự tìm tòi vừa tranh thủ học tập chính khoá cũng như học mót tối đa.

    Rào cản Một: THIẾU TỰ TI - SỢ SAI

    Rào cản thứ nhất đó là yếu tố tâm lý. Tôi rất sẻ chia vấn đề này với VA, bạn của tôi, và cám ơn bạn đã remind tôi về một thách thức mà bao nhiêu người học tiếng Anh trong đó có tôi gặp phải. Một sai sót của tôi, trong cấu trúc ban đầu tôi dự định, không có phần nói về rào cản tâm lý.

    Tốt hơn hết tôi nói về kinh nghiệm của tôi. Tôi vào lớp B, HVQHQT cùng với các bạn đã học chuyên tiếng Anh ở Amsterdam và Chuyên Ngữ ít nhất 6-7 năm. Các bạn có thể nói chuyện tương đối thoải mái với cô giáo người Mỹ, có bạn thậm chí còn tham gia cả các cuộc thi hùng biện. Buổi học đầu tiên với cô giáo Jeniffer người Mỹ cũng là buổi học đầu tiên trong đời đi học, tôi cảm thấy xấu hổ với bản thân mình. Bài tập làm quen và giới thiệu về bản thân, partner của tôi, một người bạn thân sau này, buộc phải làm công việc mà tôi phải làm, là giới thiệu về bản thân bạn. Tôi còn nhớ tôi lắp bắp không thành tiếng ra sao, xấu hổ như thế nào và các bạn nhìn tôi ra sao. Từ đó, mỗi buổi học, tôi đều ngồi xuống cuối lớp, thu mình lại, chỉ nghe và ít khi dám mở mồm. Còn nhớ một hôm làm trò nghịch ngợm gì đó ở trên lớp, tôi buồn khi cô giáo bảo tôi là ‘bad boy’.

    Tôi học thêm một lớp ở ngoài (chẳng biết gì nên nhảy vào ngay một lớp luyện TOEFL), và dành phần lớn thời gian học tiếng Anh. Tôi có một quyển vở học từ riêng, ghi tất cả những từ mới từ những bài tôi đọc. Tôi mua và mượn các băng cassette để nghe thường xuyên. Người bạn duy nhất nhiệt tình giúp đỡ tôi, học cùng tôi là QA. Tôi học từ bạn thói kiên nhẫn viết đi viết lại từng từ mới trên các mẩu giấy. Trong một tháng rưỡi hè đầu tiên, tôi nhớ mình làm hết một lượt các quyển sách ngữ pháp Cambridge ở cấp độ (first cerfiticate và proficiency) mà NM cho mượn (sách mà các bạn đã làm hết từ những năm cấp III). Tuy nhiên, kết quả của ba kỳ học đầu tiên thật thảm hoạ (6,6,5), và nó làm cho tôi không được học bổng cả ba kỳ liên tiếp. Kết thúc kỳ thứ ba, ý nghĩ đầu tiên là chuyển trường. Có lẽ mọi chuyện sẽ khác nếu đó là kỳ thứ Tư, khi kết thúc năm học thứ hai. Tuy nhiên, đến kỳ thứ tư lần đầu tiên tôi cảm thấy tự tin hơn là được 8 (ngữ pháp và nghe).

    Tuy nhiên, điểm yếu cơ bản của tôi là nghe và nói. Ngữ pháp, nghe hiểu và đọc hiểu thì còn tự cố gắng được, bằng cách tăng thời gian học ở nhà và kiên trì. Ý chí và sự cần cù thì tôi không thiếu. Nhưng kinh nghiệm ngày đầu tiên đi học khiến tôi “chột”. Một vài lần cố gắng nhưng bạn bè và cô giáo đều không hiểu, và tôi luôn cảm thấy mình “long ngóng” và “ngọng” khi mở miệng. Vì vậy, trong ba kỳ đầu, số lần tôi phát biểu trong lớp có thể đếm trên đầu ngón tay, hoặc chủ yếu là “buộc phải nói” do đến lượt hoặc cô giáo gọi. Kỳ thi vấn đáp đầu tiên, dường như không ai muốn pair up cùng tôi, và tôi cũng không đủ can đảm để đề nghị ai. Cuối cùng, KL, người bạn nữ dễ thương, đã giúp tôi qua sự bối rối đó.

    Thái độ tự tin của các bạn, cũng như việc các bạn tỏ ra kiên nhẫn lắng nghe tôi một cách khiên cưỡng, đôi khi là cảm giác thong cảm, khiến tôi chưa bao giờ cảm thấy mình yếu kém như thế. Fuck Me. Tôi tiếp tục ngồi ở cuối lớp, nghe và gật đầu nhiều hơn là chủ động tham gia vào bài giảng.

    Tôi không nhớ chính xác thời điểm nào, một ngày cuối kỳ học thứ Tư, tôi chợt nhận ra rằng, đã gần hai năm trôi qua, và nếu tôi không thể “không tự mở mồm”, nếu tôi không chiến thắng được nỗi sợ hãi của chính bản thân mình, thì tôi sẽ muôn đời là kẻ thất bại. Sợ sai và thiếu tự tin sẽ là kẻ thù vĩnh viễn, nếu tôi không một lần vượt qua nó. Và lúc này, tôi thấy mình cần một “ít chai mặt”. Tôi đến lớp cố gắng “mặc kệ” mọi người, và thực hiện cái quyền và thời gian tôi đáng được hưởng. Thậm chí có hôm, tôi còn nghĩ phải nói bù cho những thời gian mà tôi im lặng. Tôi cảm thấy mình không cần phải xấu hổ vì xuất phát điểm của tôi kém hơn các bạn, và “việc của tôi là nói, ai nghe thì nghe”, “việc khó chịu là của người nghe, không phải của tôi”. Cái quyết tâm và suy nghĩ AQ đó thực sự giúp tôi vượt qua được sự tự ti và sợ hãi chính bản thân mình. Tôi luôn tìm các lỗi của mình và cố gắng sửa, khắc phục bằng cách này hay cách khác. Tất nhiên, tôi nói sai nhiều hơn là đúng. Nhưng có hề gì, tôi tiến bộ. QA và các bạn động viên tôi rất nhiều.

    Kỳ hè năm thứ hai, tôi tham gia một khoá summer school ở Hải Phòng cùng với một đoàn sinh viên Mỹ. Chính mẹ là người tìm thong tin và động viên tôi tham dự lớp học đó. Lớp học đa dạng có cả các em nhỏ. Tự tin mình là người có khả năng nhất trong lớp (dù gì cũng là sinh viên NG), nên tôi tranh thủ cơ hội được tập luyện nhiều hơn. Quả thật, sự tự tin khi so sánh với những người ở trình độ thấp hơn mình, đôi khi giúp bạn học tập hiệu quả hơn. Và tôi đã phần nào cải thiện được khả năng giao tiếp của mình, đặc biệt là tin vào khả năng của mình hơn. Điều đáng chú ý là tôi chưa bao giờ có được trạng thái hoàn toàn “tự tin” hoặc “tự hào” về bản thân. Chính điều đó là động lực khiến tôi không ngừng cố gắng.

    Một điều tôi có thể, không phải một chốc một nhát là có ngay được sự tự tin. Đó là cả một quá trình gian khổ chiến đấu với không ai khác ngoài bản thân mình. Không phải vì bạn xấu hổ với cô giáo, với bạn A, bạn B, mà là chính bản thân bạn mà thôi. Thiếu tự tin, tự xấu hổ, sợ sai còn theo đuổi tôi dai dẳng, thậm chí ngay cả bây giờ (tất nhiên ở mức độ ít hơn). Trong những năm đại học, mở miệng ra nói một câu trong lớp bằng tiếng Anh là một thành công. Tôi còn nhớ tim mình đập thình thịch ra sao, và cảm giác luôn như một kỳ thi vấn đáp. Tốt nghiệp, tưởng sự lúng túng và bối rối đã qua. Lần đầu tiên khi phát biểu tại một hội thảo với các nhà nghiên cứu nước ngoài tại Manila, tôi thấy mình mất giọng như thế nào.

    Oái ăm hơn, khi đi học nước ngoài, cảm giác bối rối và mất tự tin đó lại quay lại. Kỳ đầu tiên, phát biểu và trình bày trong lớp, vẫn run cầm cập, tim đập thình thịch, khô rát cổ họng. Nói chuyện với các bạn bè trong lớp và thầy cô, nhiều khi không hiểu, cứ gật đầu cười mà đâu dám hỏi lại. Sự thiếu tự tin không chỉ vì ngôn ngữ, mà cả về kiến thức và sợ nói sai. Lại một quá trình học đuổi để theo kịp bạn bè, vừa căng thẳng chiến đấu với sự tự ti của bản thân nữa. Nhiều ý kiến tôi muốn nói ra, nhưng lại sợ mọi người không hiểu, hoặc sợ sai, sợ đủ thứ. Sự chần chừ của tôi, và sau đó có bạn khác nói đến ý đó. Và tôi hiểu kết quả sẽ ra sao khi mình tiếp tục im lặng. VA cũng chia sẻ với tôi những trải nghiệm tương tự.

    Rồi tôi nhớ lại tôi đấu tranh với bản thân như thế nào trong một buổi trao đổi với nhà nghiên cứu Mỹ R. Perl trong một buổi ông này nói chuyện ở Đại sứ quán Mỹ ở Viên về chủ đề “Khủng bố”. Hội trường chật kín các nhà nghiên cứu, các học giả và sinh viên quốc tế. Tôi rất muốn phản bác nhiều ý kiến trong bài trình bày, nhưng rất ngại, sợ. Nhưng cuối cùng tôi cũng đứng lên được, cầm míc để đặt câu hỏi với diễn giả. Tôi ghi ra giấy câu hỏi, và cố gắng nói rõ ràng. Đến giữa chừng, có lẽ vì run quá, mất giọng. Ba câu, ông Perl chỉ hiểu và trả lời hai. Không hề gì, với tôi, đó là một chiến thắng. Chỉ cần đứng dậy và nói đã là một thành công, chưa cần biết đến câu hỏi có hay không, nói có rõ ràng không.

    Cũng từ đó, tôi chủ động tham gia vào các bài giảng hơn trình bày ý kiến của mình. Tôi tự kiềm chế mình, bằng cách nói chậm rãi, và cố gắng chuẩn bị kỹ trước khi xin phát biểu ý kiến. Những gạch đầu dòng dù ngắn nhưng cũng đủ để cho tôi cấu trúc các ý rõ ràng và không quên những ý chính. Tôi tự tin hơn trong cách trình bày ý kiến và lập luận của mình, cũng như tranh luận với các giáo sư và các bạn.Quá trình đó tích lũy, để đến năm thứ Hai, tôi tự cảm thấy mình làm chủ được bản thân mình, vừa học hỏi các bạn, vừa tỏ ra mạnh mẽ và chắc chắn trong lập luận của mình. Trên lớp học và các buổi hội thảo, tôi tranh thủ phát biểu nhiều hơn, và cố gắng diễn đạt theo những cách khác nhau, tránh đơn điệu và thêm chút hài hước.

    Với tôi, quá trình đi đến tự tin không đơn giản. Nó là kết quả của những suy nghĩ, ý chí đôi khi hơi AQ, của quá trình liên tục học hỏi và rèn luyện không mệt mỏi, tìm sai và sửa sai, vừa là sự rèn luyện các kỹ năng cũng như tích lũy những kinh nghiệm xử lý tình huống. Và tôi biết, quá trình chưa kết thúc và không bao giờ kết thúc. Nhưng tôi hiểu, cái tôi sợ không phải là mọi người xung quanh, mà là chính bản thân tôi, và tôi phải vượt qua chính bản thân mình. Có thể với ai đó tự tin thật là dễ dàng và tự nhiên, nhưng với tôi thực sự đó là kết quả của ý chí và sự rèn luyện.


    Nguồn gốc: sưu tầm
     
    socoladen thích bài này.
  4. andanhtoi

    andanhtoi Lớp 11

    Làm thế nào để học tốt Tiếng Anh (Phần IV): Rào cản kĩ thuật - Phát âm

    Viết tiếp thôi, kẻo quên mất...


    Các phần trước tôi có đề cập đến yếu tố tâm lý, và sự cần cù, chăm chỉ và thực hành tiếng thường xuyên như là một điều kiện tiên quyết để học và sử dụng thành thục tiếng Anh. Với những ai đã cố gắng rất rất nhiều, trong khoảng thời gian từ một đến hai năm mà không cảm thấy nhiều tiến bộ, đặc biệt thấy khó khăn rõ rệt trong tiếng Anh thực dụng (giao tiếp), hãy chú ý thêm một yếu tố căn bản khác: phát âm (pronounciation). Trong bài viết này, tôi sẽ cố gắng chỉ ra những vấn đề phát âm cơ bản trong ngữ âm học so sánh, và chỉ ra một cách sơ lược nhất nguyên tắc tạo âm cơ bản của tiếng Anh và cách luyện tập. Tôi không phải là chuyên gia ngôn ngữ, nên việc sử dụng các thuật ngữ và quan sát có thể không chính xác, nên các bạn cứ "bừa bãi" góp ý kiến.

    Phân tích cấu tạo một từ, chúng ta thấy đó là tổ hợp của các nguyên âm và phụ âm. Phát âm (pronounciation) ở đây nói đến hệ thống âm tiết nguyên âm (vowels), phụ âm (consonants), ghép âm (gồm cả trọng âm) và tạo câu (intonation) và các vấn đề khác liên quan. Lôgíc hết sức đơn giản: Nếu phát âm một nguyên âm, phụ âm, trọng âm không chuẩn, dẫn đến phát âm sai từ, khiến bạn không thể làm cho người khác hiểu bạn nói gì, và cũng không thể nghe hiểu được người khác nói gì. Nói sai ngữ điệu của câu (intonation) có thể dẫn đến diễn đạt sai ý hoặc làm mất điểm nhấn, và không thể sound English.

    Quá trình học ở Việt Nam, tôi có ý thức được tầm quan trọng của phát âm, nhưng chưa bao giờ được học một cách bài bản và đúng cách. Khi còn ở Việt Nam, tôi chưa bao giờ cảm thấy tự tin trong kỹ năng nghe, nói và thuyết trình. Hai kỳ học ở Vienna, cũng là hai kỳ tôi học chật vật với cái môn dở hơi không nằm trong chương trình “Practical Phonetics and Oral Communication”. Được học với giáo viên bản xứ một cách bài bản, đầy đủ các phương tiện, và dành rất nhiều thời gian để đọc lý thuyết và thực hành, tuy nhiên tôi trượt cả hai kỳ. Thật buồn. Nhưng, tôi đã tiến bộ rất nhiều, đặc biệt là tự tin hơn trong giao tiếp và quan trọng hơn, tôi hiểu được mình cần phải luyện tập ra sao, và từ đó, cũng nhận ra những yếu điểm chết người trong cách dạy và học ngoại ngữ tràn lan ở nhà. Tôi không hiểu sao, đến giờ vẫn chưa có một cuốn sách nào (ở mức độ phổ biến trên thị trường) so sánh ngữ âm học giữa tiếng Việt và tiếng Anh một cách hệ thống và khoa học, từ đó làm cơ sở cho việc giảng dạy ngữ âm. Việc học ngoại ngữ ở Việt Nam, quả thật là dựa trên năng khiếu của học viên nhiều hơn là cách tiếp cận khoa học và hệ thống mà nó có thể mang lại hiệu quả cho đa số. Các thầy cô giáo dạy tiếng Anh thì ôi thôi, có lẽ phải đến 95% là chưa đủ điều kiện để là giáo viên dạy tiếng Anh. Con số này là tôi tự đánh giá mà thôi, tuỳ các bạn nghĩ. Kể cả sinh viên tốt nghiệp Đại học sư phạm ngoại ngữ, nếu tính theo chuẩn của Áo, thì chắc cũng khó mà đủ tiêu chuẩn trở thành giáo viên tiếng Anh.

    Có lẽ, không ai khi mới học ngoại ngữ lại hình dung được rằng, phát âm là một rào cản lớn nhất với người châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Tôi đã trải qua thời gian học ở Việt Nam và học ở châu Âu, giao tiếp với bạn bè châu Á có, và bạn bè ở các châu lục khác (tiếng Anh là bản ngữ có, tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai có). Các bạn bè ở châu Âu, đặc biệt là Tây Âu, rất giỏi ngoại ngữ. Một sinh viên bình thường, có thể giao tiếp trôi chảy tiếng bản ngữ và tiếng Anh. Rất nhiều bạn bè của tôi giao tiếp thành thục hai, ba, thậm chí bốn ngoại ngữ. Theo quan sát thiển cận của tôi, tại sao họ có thể học và sử dụng được nhiều ngoại ngữ đến vậy, bên cạnh yếu tố môi trường và giáo dục, còn có nhân tố khách quan là hệ ngữ âm (tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Đan Mạch, … )của họ tương đối giống nhau. Có sự khác biệt, nhưng sự khác biệt không mang tính bản chất và hệ thống, chỉ là những trường hợp nhỏ lẻ. [1]

    Trong khi đó, hệ ngữ âm tiếng Việt khác biệt mang tính bản chất về nguyên tắc tạo âm (hệ âm tiết) và ghép âm (đánh vần) với tiếng Anh và các ngôn ngữ châu Âu khác. Do đó, với những người Việt trưởng thành, kể từ độ tuổi khi tiếng Việt đã bắt rễ sâu, thì việc học tiếng Anh rất khó khăn và tiến triển chậm. Đa số họ, cũng như tôi trước đây, mắc vào cái bẫy “chuyển ngữ âm tương đương” giữa hai hệ thống về cơ bản không tương đồng. Ví dụ, ngày xưa khi học âm “a”, “e”, “t” … của tiếng Anh, tôi luôn nghĩ cách phát âm của nó giống tiếng Việt. Thực tế không phải như vậy.


    Về cơ bản, cần chú ý những yếu tố sau:

    - Một là, hệ thống âm tiết nguyên âm và phụ âm của tiếng Anh hoàn toàn khác. Các âm tiếng Việt, theo tôi cảm giác, hầu hết là hữu thanh (voiced) và tạo ra từ thanh quản (vocal cord) với rất ít các phụ âm có sự tham gia của các bộ phận phát âm (articulators) khác như “l”, “n”, “s”, “x”, “d”, “r” … Còn hệ âm tiếng Anh quy định rất rõ các âm hữu thanh (voiced), vô thanh (voiceless), bật hơi (aspiration), và có quy định rất rõ ràng về vị trí của nhiều articulators (lưỡi, môi, răng), và khẩu độ mở miệng (quality), độ dài âm vực (quantity). Vấn đề ở đây là mỗi người Việt trưởng thành đều có một hệ thống tương đối chắc về âm vực tiếng Việt (ví như hệ thống các hộp âm trong não). Khi bạn nghe một âm tiếng Anh, ví dụ âm “a” hay âm “e”, bạn có xu hướng nhét các âm đó vào các hộp âm tiếng Việt có sẵn, có âm thanh gần gần tương tự. Nếu bạn có nhận ra ít nhiều gì đó không giống, thì bạn cũng không biết làm sao để tạo ra âm thanh đó. Tất nhiên có những học viên có năng khiếu về âm, họ nghe và bắt chiếc (mimic) rất giỏi, nên họ có thể vượt qua được rào cản đó. Đa số thì không. Với tôi, phải mất gần 10 năm trời để hiểu nguyên lý cơ bản đó. Do vậy, giải pháp đề xuất là khi học tiếng Anh, cần phá bỏ hoàn toàn hệ thống âm vực tiếng Việt, để xây dựng hệ thống hộp âm (ứng với các nguyên âm, phụ âm) hoàn toàn mới và chính xác.

    - Hai là, cách ghép vần / đánh vần giữa hai ngôn ngữ hoàn toàn khác nhau. Cách đánh vần tiếng Việt ví dụ như (“o-t-ót, t-ót-tót, sắc - tót), âm “o” và “t”, kết hợp với nhau trước tạo thành một hợp âm “ót” trước khi ghép vào với âm “t” ở đầu. Âm “t” cuối hoàn toàn mất, không phát âm. Khi phát âm từ đó “tót”, cả từ là “một âm tiết”. Vì vậy, đặc trưng của tiếng Việt là “đơn âm tiết”. Trong khi đó, cách tạo âm / ghép vần của tiếgn Anh hoàn toàn khác hẳn. Phát âm của một từ là sự phát âm tất các âm tiết (tất cả các nguyên âm hay phụ âm) của từ đó. Ví dụ từ “bit” hay “beat”, mới nghe thì chỉ thấy một tiếng “bít” giống tiếng việt. Nhưng thực ra không phải như vậy, mà nó là tổ hợp của “b – i – t” hay “b – i: – t), của ba âm tiết nhỏ riêng biệt. Trên thực tế, nếu phát âm hai từ này một cách chậm lại, bạn có thể nghe rõ từng âm (“b”—“i”—“t”). Như vậy, tiếng Anh đặc trưng của ngữ hệ La Tinh, hệ ngôn ngữ “đa âm tiết”. Cũng trong vấn đề này, một điểm sai cơ bản mà rất nhiều sinh viên Việt Nam mắc phải là quên mất phụ âm cuối, hoặc những phụ âm nằm giữa trong từ ví dụ như âm “t” ở giữa các từ “department”, “investment” … hoặc gặp nhiều khó khăn với các cụm phụ âm như “st”, “ks”, dz”, “ts”, “kst”,…

    Bên cạnh đó còn có vấn đề trọng âm, âm giản (weak form) …


    - Ba là, ngữ điệu của câu …
    .......................................

    [1] Có thể thấy chiều hướng thay đổi rất rõ trong các sách dạy tiếng Anh. Các sách cũ như Streamline, Headway rất ít các nội dung phát âm. Nhưng trong các giáo trình mới, nếu tôi nhớ không nhầm là Lifeline, New Headway, các nhà biên soạn thấy rõ phát âm là một rào cản cơ bản đối với học viên từ các hệ ngôn ngữ khác, nên họ lồng phần phát âm vào ngày càng nhiều với các nội dung ngôn ngữ thực dụng.

    Nguồn gốc: sưu tầm
     
    Chỉnh sửa cuối: 31/8/15
  5. andanhtoi

    andanhtoi Lớp 11

    Làm thế nào để học tốt Tiếng Anh (Phần IV): Rào cản kĩ thuật - Phát âm (II)

    Ngoài lề một chút. Đúng là một người Việt bình thường, không có thời gian sống ở nước ngoài thì khó có thể đạt được mức chuẩn của BBC hay người nước ngoài có thể nói tiếng Việt "chuẩn" như VTV3. Có hai vấn đề, thế nào là "chuẩn". Có sự khác nhau rõ rệt giữa tiếng Anh Anh và Anh Mỹ, đặc biệt cả Anh Úc, Anh Ấn Độ và Anh Singarore. Ngay cả trong nước Anh, các vùng khác nhau có giọng khác nhau (accent = form of pronunciation). Nhưng một trong những hệ thống phát âm chuẩn được chấp nhận để giảng dạy cho người nước ngoài là Received Pronunciation (RP). RP được coi là uniquely prestigiously hay là the Queen's English vì nó được sử dụng phổ biến trong Hoàng gia Anh, của các trường đại học và của các phát thanh viên BBC ngày xưa [1]. Mặc dù như vậy, RP vẫn chỉ là một hệ thống phát âm và việc coi RP là Standard English hay không còn có rất nhiều tranh cãi. Ở Việt Nam, nói đến RP chắc chẳng mấy ai biết trừ những chuyên gia và sinh viên chuyên ngành Anh ngữ. Đúng thôi, và chẳng cần biết làm gì, nếu học tiếng Anh thực dụng và không nghiên cứu sâu về ngữ âm học. Nhưng vấn đề đặt ra là các học viên ít nhất phải hiểu rằng ngữ âm tiếng Việt và tiếng Anh về cơ bản là khác nhau, và họ nên được biết các các nguyên tắc cơ bản, hoặc hệ thống âm cơ bản của tiếng Anh để có thể tự tập luyện.

    Có ba nhân tố ảnh hưởng tính hiệu quả của quá trình rèn luyện phát âm: tuổi tác, mục đích học tập và năng khiếu. Thứ nhất, tuổi càng cao thì càng khó luyện phát âm vì hệ thống hộp âm tiếng Việt bắt rễ sâu cũng như càng khó điều khiển các articulators theo ý muốn. Kinh nghiệm cho thấy, trẻ em cấp I nếu sống trong môi trường Anh ngữ, hay được học tiếng Anh từ bé với giáo viên bản ngữ, thì hệ thống âm của trẻ tương đối tốt. Ở tầm tuổi này, trẻ em giỏi bắt chiếc và quan trọng hơn, các em chưa bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi hệ thống âm tiếng Việt. Thứ hai, nếu chỉ cần học để giao tiếp bình thường (ví dụ làm việc trong các lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ như khách sạn, bán hàng, ngân hàng ... ) thì lấy mục tiêu hiệu quả là chính, không cần phải quá chú trọng đến phát âm. Trên thực tế, nhiều bạn hướng dẫn viên du lịch nói liến thoắng như tiếng Việt mà các du khách Tây vẫn hiểu đó thôi. Nhân viên lễ tân khách sạn cũng nhiều người nói đâu có chuẩn. Vấn đề ở đây là những người này chỉ cần biết hữu hạn từ nhất định, và vốn tiếng anh của họ cũng chỉ cần để giải quyết một số hữu hạn những vấn đề nhất định. Ở đây, như Rùa nói, cần phải vượt qua yếu tố tâm lý là chủ yếu. Tuy nhiên, nếu bạn muốn học sâu về tiếng Anh để sử dụng cho các mục đích như học tập, nghiên cứu, trao đổi, ngoại giao ... thì rào cản phát âm sẽ làm giảm tính hiệu quả trong quá trình sử dụng ngôn ngữ, rồi sau đó ảnh hưởng đến kết quả công việc của bạn. Thứ ba, TA đã nhắc đến vấn đề năng khiếu. Đúng, thực tế có một số người có khả năng ngôn ngữ tốt, phát hiện được sự khác biệt, cũng như bắt chiếc giỏi. Nhưng chúng ta ở đây phải giải quyết khó khăn của đa số, những người không có nhiều năng khiếu về ngôn ngữ trong đó có tôi. Vì vậy, những giáo viên chuyên nghiệp ít nhất phải hiểu được vấn đề và có một cách tiếp cận khoa học và hệ thống, đảm bảo được tính hiệu quả cho công tác giảng dạy.

    Và ít nhất, họ cần phải đạt một độ "chuẩn" nhất định. Như vậy, cần phải có những nghiên cứu sâu về so sánh ngôn ngữ và các phương pháp giảng dạy hiệu quả. Có thể là đã có những nghiên cứu, nhưng nhìn vào thực tế giảng dạy và học tập ngoại ngữ hiện nay, đặc biệt là của các sinh viên theo học chuyên ngành Anh ngữ hay Sư phạm Anh ngữ, có thể nhận thấy là những "thầy cô giáo" này hoàn toàn không có một phương pháp gì, thậm chí là không hiểu gì về ngữ âm học so sánh.

    Lan man quá dài rồi. Bây giờ trở lại vấn đề bàn ở entry trước.

    Nếu bạn có điều kiện để đọc kỹ các sách về ngữ âm học của Peter Roach (2001), English Phonetics and Phonology, thấy rõ quy định rất chặt chẽ trong việc tạo âm của tiếng Anh. Không cần nghiên cứu sâu về lý thuyết, các học viên có thể sử dụng các giáo trình thiên nhiều thực hành của English Pronunciation in Use của Đại học Cambridge, Sheep or Ship, hay Sound English ... Tất nhiên, trong trường hợp này, bạn cần có sự hướng dẫn và theo dõi chặt chẽ của các giáo viên chuyên ngành. Ngày xưa tôi cũng cứ tự mua sách về luyện, nhưng rồi đúng sai chẳng biết ra sao cả. Các bạn sẽ không tiến xa được, khi không hiểu được các nguyên tắc cơ bản về tạo âm và sự khác biệt cơ bản giữa các âm Anh - Việt gần tương đương nhau.

    - Ba là, nói đúng ngữ điệu của câu, nhấn đúng những âm cơ bản, sẽ giúp tiếng Anh của bạn nghe Anh (sounds English) hơn và giao tiếp hiệu quả hơn. Đây không chỉ đơn thuần là sự lên hay xuống (rise and fall) giọng ở cuối câu để chỉ các loại câu và còn ở việc nhấn vào những âm chính, trong những “tonic syllables” và xuống giọng ở các từ ngữ, âm không quan trọng “tails”. Cảm tưởng giống như bạn nhảy Waltz, không có up and down không phải Waltz. Tôi không phải là chuyên gia tiếng Việt, nhưng tôi có cảm tưởng là tiếng Việt không có ngữ điệu (monotone) hoặc ngữ điệu tiếng Việt không phức tạp hoặc quy định không chặt chẽ bằng tiếng Anh.

    Liên quan chặt chẽ đến cách tạo âm của tiếng Anh còn có các quy định về nhịp (rhythm), đồng hoá âm (assimilation), nuốt âm (elision) và nối âm (linking)

    Nếu các bạn có nhu cầu, trong các bài tới, tôi sẽ giới thiệu và bàn bạc một cách đơn giản nhất về cách tạo từng nguyên âm, cụ thể là nguyên âm đơn (ngắn – short, dài – long) (quality and quantity), nguyên âm đôi dipthongs (gliding - quantity) và tripthongs; phụ âm (plosives, ghotta, fricates and affricates, fortis vs. lenis, voiced vs. voiceless); âm mũi (n, m, ng), các âm “l”, “r”, “w”; cùng các vấn đề khác như weak form (“schwa” – không biết dịch sang tiếng Việt thế nào), nhịp (rhythm), đồng hoá âm (assimilation), nuốt âm (elision) và nối âm (linking), trọng âm (stress) và ngữ điệu (intonation). Tất nhiên, trong so sánh với âm vực tiếng Việt.

    -----------------------------------------------------------

    [1]: Hiện tại BBC chấp nhận các giọng khác ngoài RP trong các chương trình phát thanh của Hãng.

    Nguồn gốc: sưu tầm
     

Chia sẻ trang này