Giới thiệu sách Cỏ cháy vùng biên

Thảo luận trong 'Giới thiệu sách hay chưa có trên TVE-4U' bắt đầu bởi machine, 20/4/25 lúc 10:03.

Moderators: CreativeIdiot
  1. machine

    machine Sinh viên năm I

    cover.jpg
    Lời giới thiệu
    Mùa thu năm 1978, chàng trai Nguyễn Tuấn nhập ngũ. Mùa thu năm ấy, thanh niên ra trận nhiều quá. Các chàng trai Hà Nội tràn về các tỉnh Hà Nam, Hòa Bình… nhập vào các trung đoàn huấn luyện 582, 584… Chỉ ít ngày sau, những đoàn tàu quân sự đưa tất cả về Biên giới Tây Nam.
    Vào chiến trường, những tân binh này, chưa biết đánh đấm thế nào. Mang tiếng huấn luyện ba tháng, nhưng chỉ được bắn mỗi ba viên đạn. Cũng chẳng biết có trúng mục tiêu hay không. Người báo bia, người ghi chép… báo là trúng. Thậm chí trúng với số điểm cao. Để tất cả vui. Để tất cả hãnh diện về khoe với người thân. Và, quan trọng hơn, để có khí thế vào trận.
    Sau năm năm ở chiến trường, gặp địch hàng trăm trận, Nguyễn Tuấn may mắn còn sống. Được trở về. Về nhà giữa thời buổi khó khăn kinh khủng, như bao đồng đội, anh bị cơn lốc mưu sinh cuốn đi với vận tốc của cơn bão lớn. Tìm kiếm công việc; làm quen với môi trường mới, lấy vợ; sinh con; lo nuôi con lớn; lo chăm sóc cha mẹ; lo gây dựng cho mình một mái nhà; lo đấu tranh chống trù úm của các đồng nghiệp ở lại hậu phương; lo sa thải; rồi bị cho về “một cục’’; lại lo thất nghiệp; lo con lớn có công ăn việc làm… và hàng trăm thứ lo không tên khác. Thời gian cứ vần xoay người lính đến chóng mặt, vã mồ hôi. Ký ức chiến tranh tưởng như đã lùi xa, rất xa.
    Biết kể cùng ai về những tháng năm xa xôi ấy ?
    May mà, hàng năm, lính tráng nhớ ngày nhập ngũ, nên hội tụ. Nhưng trong hàng chục lần hội tụ ấy, hỏi có ai cùng nhớ chuyện chiến trường K ? Giữa không khí ồn ào, tay bắt mặt mừng ấy, chỉ là những chuyện cãi vã với nhau, hỏi thăm mấy câu xã giao, hẹn đi thăm đồng đội ở các tỉnh, rồi “ đánh chén’’; rồi hứng lên, đi hát karaoke mấy bài lính mục… rồi về ngủ khì. Bao ngày tháng, chu kỳ ấy cứ lần lượt trôi qua trên những mái đầu dần điểm bạc.
    May sao, có một tiếng gọi thiêng liêng…
    Tiếng gọi ấy cất lên từ những miền xa thẳm. Trong tâm linh người lính. Từ những nghĩa trang trên những miền đất chân trời, nơi bao đồng đội ngã xuống. Họ chết thay người sống. Họ nằm trong đất. Mặt ngửa lên trời. Họ im lặng. Họ có nói gì đâu. Họ có trách gì đâu. Nhưng nhìn họ, nhìn gương mặt tuổi 20 vô cùng đẹp, vô cùng trong sáng, trẻ hơn con mình bây giờ, buộc Nguyễn Tuấn và đồng đội, phải kể lại.
    Tiếng gọi ấy cất lên ngay chính giữa hôm nay. Giữa cuộc đời bộn bề vận động. Hiện tại có gì để nói không ? Lạ thật, rời quân ngũ, mỗi người lính trải qua nhiều môi trường sống khác nhau, nhưng tại sao, ai cũng không nhớ. Mà tất cả chỉ nhớ về một không gian, một thời gian. Không gian ấy, là những tỉnh Ratarakiri, là S’tung T’reng, là Siêm Riệp, là Preach Vihia xa xôi; Thời gian ấy, là những ngày áo lính bạc màu, quần đằng sau ra đằng trước, là vác AK khua sương đạp mìn, là cơm vắt muối hầm, là bò tìm tàn thuốc, là mấy bài hát dân ca Kh’mer, là những đêm gác tử sỹ, là những phút giây chứng kiến đồng đội hấp hối, gửi những lời trăn trối vào rừng Miên… So sánh cái hôm nay và hôm qua, Nguyễn Tuấn cùng nhiều đồng đội khác càng biết thương nhớ và trân trọng cái quá khứ bé nhỏ ấy của mình.
    Vâng, đối với nhiều người, đó chỉ là một cuộc chiến tranh bé nhỏ.
    Bé nhỏ, vì nó chỉ kéo dài hơn 10 năm (1977-1989).
    Bé nhỏ, vì nó ở rất xa.
    Bé nhỏ, vì hàng ngàn, hàng vạn người lính hy sinh, nhưng ít khi được nhắc tới.
    Bé nhỏ, vì cuộc sống mỗi ngày có bao nhiêu sự kiện dồn lấp, chôn vùi nó.
    Bé nhỏ vì rất nhiều lý do khác…
    Nhưng cuộc chiến bé nhỏ ấy, nó cứ hiện ra, nó cứ trở về. Nó quấy rầy anh, nó ám ảnh anh, nó buộc anh phải kể về nó.
    Kể ra để làm gì ?
    Cho chính anh. Cho ký ức không chết. Ký ức chết khi chính anh không nhớ.
    Cho đồng đội anh. Họ đọc. Họ cùng nhớ. Họ cùng bổ sung. Và họ cùng nhớ lại. Trận ấy, ngày ấy, họ đang ở đâu ? Làm gì ? Ai sống ? Ai chết ? Ai bị thương ? Tất cả cùng nhớ. Ký ức tập thể được cùng ghi lại, sẽ tạo thành sức mạnh. Sức mạnh tinh thần. Sức mạnh thiêng liêng.
    Và cho rất nhiều bạn đọc.
    Những bạn đọc chân chính.
    Những bạn đọc đã chán những quyển sách dày cộp nhạt nhẽo, những trang sách viết về chiến tranh một cách ráo hoảnh, những trang sách mà cả người viết lẫn người ca đều biết về chiến tranh một cách đại khái, qua loa… Có lẽ, qua cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, bạn đọc bây giờ mới được đọc những trang sách vô cùng trung thực về chiến tranh của những người lính trực tiếp chiến đấu ở Biên giới Tây Nam. Những trang sách của Phạm Sỹ Sáu, Lê Minh Quốc, Nguyễn Thành Nhân, Trung Sỹ, Nguyễn Vũ Điền, Bùi Quang Lâm cùng hàng trăm cây bút khác đã làm nên trào lưu văn học viết và văn học mạng về chiến trường K. Họ viết bằng chính máu xương của họ. Vì thế, tính trung thực được đồng đội soi tường tận. Độ tin cậy được đồng đội làm chứng. Làm chứng từng giờ, từng ngày, từng địa danh, từng tọa độ, từng nơi chôn cất hài cốt anh em… Những trang viết đó có sức nặng mà chỉ những người trong cuộc mới thấu hiểu, mới trân trọng, mới giữ gìn.
    Sau hơn bốn mươi năm, Nguyễn Tuấn mới tập hợp những câu chuyện của mình thành một tập hồi ức, lấy tên là “Cỏ cháy vùng biên’’. Cỏ là hình ảnh ẩn dụ của người lính. Có bị phạt ngọn, cỏ vẫn sống. Có bị gẫm đạp, cỏ vẫn vươn. Có bị cuốc lật, cỏ vẫn hồi sinh. Có bị đốt, cỏ vẫn chờ thời mọc lại. Hình ảnh có cháy tượng trưng cho cuộc chiến. Màu lửa là màu của trận chiến, của giao tranh, của sinh tử… Khái niệm vùng là những nơi dấu chân anh cùng đơn vị đi qua, là những địa danh lần đầu nghe trúc trắc nhưng khi đã thấm mồ hôi và chôn vùi máu xương đồng đội, lại trở nên vô cùng thân thương. Và vùng biên là nơi những người lính ngày đêm canh giữ biên cương. Từ biên cương nước mình đến biên cương nước bạn. Giá trị của cuốn sách, tuy nhỏ bé, nhưng không thể đo lường.
    Không có ước mơ nào mà không thể thực hiện, nếu bạn có ý chí và lòng kiên nhẫn. Nếu không có chiến tranh, Nguyễn Tuấn có thể trở thành một họa sỹ, một sinh viên văn khoa. Chỉ còn một năm nữa thôi là anh có thể dự thi vào đại học. Nhưng kẻ thù đã tràn qua biên giới. Bỏ sách. Bỏ bút. Cầm cây súng. Cầm địa bàn. Dẫn đơn vị đi chiến đấu. Rồi khi bình tâm, lại cầm bút. Cả bút vẽ và bút viết.
    Một con người như vậy, cũng đủ cho hôm nay.
    Một người lính như vậy, cũng đủ cho hôm nay.
    Một cuốn sách như vậy, cũng đủ cho hôm nay.
    Đoàn Tuấn
     

    Các file đính kèm:

    Chỉnh sửa cuối: 20/4/25 lúc 10:16
    sucsongmoi thích bài này.
  2. machine

    machine Sinh viên năm I

    Khát khao được kể
    Cuối năm 1983 tôi được ra quân, là một người lính trải qua cuộc chiến khốc liệt tại chiến trường cực bắc Campuchia, kí ức vẫn còn ngồn ngộn những kỷ niệm bi hài trong mặt trận khiến tôi khát khao được kể lại những câu chuyện chiến trường để mọi người được thấu hiểu về cuộc chiến nơi đây. Chuyện chiến đấu, chuyện thiếu thốn vật chất, chuyện đồng đội hi sinh, chuyện đói khát, chuyện sinh tồn nơi hoang dã… nhiều nhiều lắm kể sao cho hết.
    Đối mặt với cuộc sống mới đầy dẫy biến động, có muốn kể cũng không có dịp, cố kể cũng không ai nghe… đôi khi còn bị những lời dè bỉu sau lưng rằng:
    - Thằng này hội chứng chiến tranh nặng quá rồi.
    Hoặc:
    - Thôi thôi chuyện chiến tranh qua rồi, hãy quên nó đi.
    Rồi từ đó tôi cố quên đi, không hề nhắc lại những câu chuyện chiến trường, lao vào cuộc sống mới, kiếm kế sinh nhai, tìm những nguồn vui mới như điêu khắc dưa hấu, chơi hồ cá thủy sinh và chế tác bầu hồ lô…
    Thấm thoắt đã 40 năm, cuộc chiến tranh cũng đã lùi quá xa, Đồng đội vẫn họp mặt nhưng là mâm cỗ, li bia và chén rượu. Những câu chuyện chiến trường lúc đó cũng chỉ là chắp ghép, nhớ nhớ quên quên.
    May mắn có mạng xã hội, tìm được đồng đội trên toàn quốc, may mắn Đoàn Tuấn người bạn cùng đơn vị tâm huyết viết nên cuốn hồi ký MÙA CHINH CHIẾN ẤY. Ký ức xưa lại sống dậy, nét mặt những đông đội thân thương xưa lại hiện lên dần dần rõ nét… không hiểu sao tự nhiên tôi lại muốn viết, mặc dù TÔI KHÔNG PHẢI NHÀ VĂN. Chính tả, ngữ pháp còn sai tùm lum… nhưng tôi vẫn viết, viết để chứng minh rằng tôi đã từng chiến đấu ở nơi như thế, viết để cho đồng đội hồi tưởng về một chiến trường xưa, viết để cho người nằm xuống được hồi sinh… và để mọi người thêm yêu cuộc đời của mình hơn, hơn nữa.
    Gần 60 bài viết trong 350 trang của cuốn CỎ CHÁY VÙNG BIÊN. Chưa đủ để thỏa mãn bạn đọc, nhưng cũng tạm đủ phác thảo một bức tranh ký họa về một đơn vị bộ binh cấp tiểu đoàn của đơn vị chúng tôi. Mong các bạn đón đọc và ủng hộ.
     
  3. machine

    machine Sinh viên năm I

    Từ bản photo đến cuốn sách in chuyên nghiệp
    Từ những mẩu chuyện viết về cuộc sống thường ngày thú vị trong chiến trường, những cuộc hành quân liên miên trong rừng sâu, những sự hi sinh tột cùng trong đau đớn của người lính. Những người lính của một đơn vị hoạt động trên các vùng biên giới, từ ngã ba Lào - Việt - Căm, đến biên giới Thái - Căm. Những câu chuyện đăng rải rác trên facebook, được nhiều đồng đội cùng các bạn đọc thích thú đón nhận, trong đó có cả những người chưa hề tham gia chiến đấu cũng vô cùng thú vị vì độ hấp dẫn của nó. Những câu chuyện tôi viết nhằm củng cố độ chân thực cho cuốn hồi ký “Mùa chinh chiến ấy” của Đoàn Tuấn - người cùng đơn vị, cũng là người bạn thân của tôi.
    Những mẩu chuyện tưởng chừng đơn giản, như kể cho nhau nghe khi đang nhâm trà hoặc chém gió bên mấy vại bia. Nhưng rồi được nhiều người khuyến khích, nên gom hết lại in thành sách. Trình độ viết văn còn rất nhiều hạn chế, chính tả sai tùm lum,… làm sao dám in thành một cuốn sách có trình bày công phu? Trong thâm tâm tự nghĩ, mình đưa đến nhà xuất bản, biết đâu vài tháng, vài năm sau, bản thảo vẫn ngủ vùi trong máy tính ở đó?…
    Nghĩ vậy, nhưng tôi vẫn tập hợp những mẩu chuyện của mình, trình bày thành hệ thống thật hợp lý. Lên máy tính chuyển khổ chữ, chèn những bức minh họa chính tay tôi vẽ vào từng câu chuyện, xem ra rất gọn mắt; rồi nhờ Đoàn Tuấn mang ra hiệu photo in thành 2 cuốn khổ A5. Cầm 2 cuốn sách in photo gáy dán bằng băng dính, mặt in chưa tràn bìa mà trong lòng vẫn rộn ràng khó tả: từ nay ta có một cuốn sách của riêng mình. Dù sách photo không đẹp, nhưng có cái để tặng nhau trong những lần họp mặt anh em cùng đơn vị. Ngay hôm sau, đăng lên facebook khoe với mọi người, để cùng chia sẻ nỗi hân hoan vô bờ bến. Nhưng những người từng làm văn phòng, quen lập bản thảo đã phát hiện ra ngay nhiều lỗi trong trình bày, nào là lệch tên bài, lệch lề in, cự ly không chuẩn mực… Do trình độ vi tính còn hạn chế, tôi loay hoay mãi mới chỉnh sửa được như ý muốn. Còn nhiều vấn đề khó khăn về chính tả, đặt dấu và câu từ không được nuột nà…
    Rất may, có một người đồng đội, người em từng theo dõi các trang facebook CCB, từng biên tập và chế bản 8 kỳ “Đường về gian nan” tặng tôi - nhiệt tình giúp đỡ. Người em CCB đó là Huỳnh Sương, ở tận cuối miền Trung xa xôi chưa từng biết mặt. Huỳnh Sương thường xuyên chủ động hỏi thăm, khích lệ rồi đề nghị biên tập sách cho tôi. Hằng đêm, hai anh em trao đổi qua messenger, chỉnh sửa từng từ, từng câu văn, từng tiêu đề; bàn bạc từng mẩu chuyện, tranh luận từng tên núi, tên phum, từng con đường mòn, từng cự ly, hướng tuyến di chuyển… Huỳnh Sương là người Quảng Ngãi, tính nguyên tắc cẩn thận đến mức quá khắt khe, hỏi rất kỹ từng địa danh, từng tọa độ trên bản đồ, tên phum bản cũng phải được sửa lại thật chính xác… Không nói dấu mọi người: lắm lúc tôi toát mồ hôi về những câu hỏi của Huỳnh Sương, những câu hỏi về nghiệp vụ trinh sát, như đường hướng, địa danh, bình độ…, nếu không phải trinh sát thì bó tay. Thậm chí, một đại từ nhân xưng của tôi với một đồng đội cũng bị Huỳnh Sương đặt vấn đề, cho rằng nó không đúng chất lính và không hợp ngữ cảnh, làm 2 anh em tranh luận suốt buổi qua mấy chục tin nhắn qua lại… Và một điều đáng quý nữa, là mặc dù rất khắt khe kỹ lưỡng như vậy, nhưng em ấy rất tôn trọng nguyên bản, luôn trao đổi rất sâu với tôi trước khi sửa từng từ, từng câu, từng danh từ riêng…
    Sau 2 tháng với 6 lần biên tập, bản thảo tạm hoàn chỉnh để dàn trang, chế bản. Không biết bằng cách nào, Huỳnh Sương liên hệ và giới thiệu cho tôi một nhà thơ tên tuổi ở Sài Gòn, có Công ty riêng chuyên in ấn và phát hành sách văn học; và nằng nặc thuyết phục tôi phải làm cho ra một cuốn sách chuyên nghiệp!… Thôi thì nghe người trẻ hơn cũng có gì sai, nhất là khi người đó lại vô tư hết lòng ủng hộ mình! Cũng phải nói thêm, Huỳnh Sương là một tay thuyết khách có hạng, và tôi cũng không biết em đó làm gì mà có vẻ rành giới văn chương, xuất bản?… Lần này quyết định in thành sách, nhưng kinh phí không đủ. May nhờ mọi người nhiệt tình ủng hộ, phải nhấn mạnh sự nhiệt tình của những người giúp đỡ, tài trợ cho tôi. Trải qua bao hồi hộp đợi chờ chế bản, làm bìa, xin giấy phép…, rồi cũng có CỎ CHÁY VÙNG BIÊN.
    Xin cám ơn Huỳnh Sương!
    Xin cám ơn Châu Nguyễn Liên, Toàn Nguyễn, Tuan Doan, Ha Bui Thi, Trần Đạm Phương, Hong Thuy Nguyen, Trần Minh Phương và tất cả những người ủng hộ cho cuốn sách được quảng bá khắp mọi miền Tổ quốc!
     
  4. machine

    machine Sinh viên năm I

    Bình dị mà lấp lánh
    Một bài viết của Huỳnh Sương người 6 lần soạn thảo và chỉnh sửa bản thảo CỎ CHÁY VÙNG BIÊN
    5 năm, chỉ là một phần mấy mươi đời người.
    5 năm hừng hực tuổi xuân lăn lộn nơi khét lẹt đạn bom, chốn rừng núi âm u đầy chết chóc xứ người, ai có thể quên?…

    KHI KÝ ỨC CỰA QUẬY…
    Thật vui mừng khi những năm gần đây, liên tiếp xuất hiện những tác phẩm hồi ức của các anh Cựu chiến binh chiến trường Campuchia (CCB chiến trường K). Cuộc chiến tranh bên ngoài lãnh thổ đằng đẵng 10 năm chưa được nhắc nhiều trong sử liệu chính thức và trong văn chương, nay đã được chính những người trong cuộc chia sẻ. Các anh là lính trinh sát, thông tin, bộ binh, hỏa lực hay vận tải…, những người dưới tầng đáy của cuộc chiến, đã bao lần cận kề cái chết. Về đời thường va đập với thực tế gập ghềnh khắc nghiệt, bị cuộc sống bao cấp quăng quật đến tả tơi, mỗi người mỗi cảnh… Qua tuổi trung niên, ký ức 40 năm trước từng ngày cồn cào cựa quậy, lớn dần rồi tung đạp, thôi thúc, các anh đã giải phóng nó thành những tác phẩm được người đọc đón chờ, trân trọng và tâm đắc.
    Không như những cuộc chiến tranh khác được giới văn-sử học chuyên nghiệp mô tả có định hướng, những người lính mục lăn lộn trong đạn lửa năm xưa kể lại cuộc chiến này bằng góc nhìn thực tế đến trần trụi, bằng cảm xúc chân thực đến xót xa… Những câu chuyện của các anh không chỉ góp thêm một mảng mới lạ, lôi cuốn cho văn chương Việt, mà còn là những minh họa chân thật, sống động cho một chương lịch sử hiện đại của dân tộc Việt Nam.
    Bộ 4 mùa, gồm Mùa chinh chiến ấy, Mùa linh cảm (Đoàn Tuấn), Mùa xa nhà (Nguyễn Thành Nhân) và Rừng khộp mùa thay lá (Nguyễn Vũ Điền) là bộ sưu tập đẹp cho những ai đồng cảm. Chuyện lính Tây Nam (Trung sỹ), Đất K (Bùi Quang Lâm),… là những bổ sung đáng quý. Và anh Phạm Sỹ Sáu, chỉ với bài thơ “Gởi bạn bè làm xong nghĩa vụ” đã là nhà thơ trong lòng không chỉ các thế hệ CCB chiến trường K, mà cả đông đảo người đọc yêu văn chương đích thực.
    Các anh đã cầm súng, để giữ yên biên cương gấm vóc. Không cần tôn vinh, không màng tưởng thưởng. Các anh lại cầm viết, để lan tỏa nét sống đẹp cho bao người. Chợt nhớ câu thơ của Lê Tiến Vượng:
    “… Từ trong khói lửa đao binh
    Bước ra, ngắm cái bóng mình cũng oai… ”

    BÌNH DỊ MÀ LẤP LÁNH
    Ngoài những tác phẩm đã thành tấm món, rất nhiều câu chuyện rải rác trên các trang mạng do các cá nhân, hội nhóm CCB chiến trường K miệt mài chia sẻ… Nổi bật là trang Hồi ức chiến binh F307 và trang cá nhân anh Nguyễn Tuấn, lính trinh sát D8 E29 F307. Nguồn dữ liệu ngồn ngộn, nội dung đa dạng, như một bộ phim dài tập về tất cả các hoạt động của một tiểu đoàn bộ binh Quân tình nguyện Việt Nam ở Đông bắc Campuchia những năm 1978-1983.
    5 năm chiến đấu và tồn tại đầy khói lửa khốc liệt của chàng trinh sát 18 tuổi, bước thẳng từ lớp 10 Trương Định (Hà Nội) vào chiến trường, được người đàn ông qua tuổi trung niên, đã gặm nhấm đủ giông bão đường đời kể lại từng chi tiết chân thực sống động, qua cái nhìn điềm tĩnh bao dung, thấm đẫm tình người, tình đồng đội.
    Với trí nhớ tuyệt vời đến từng câu nói, từng chi tiết, bằng lời văn trong sáng, mộc mạc, tác giả đưa người đọc quay ngược 40 năm, vượt mấy ngàn cây số để sống cùng tiểu đoàn năm xưa trong rừng Preah Vihear.
    Những câu chuyện nồng nặc mùi thuốc súng, vang rền không dứt tiếng đạn pháo đỏ rực chằng chịt trời đêm rừng khộp; những câu chuyện ướt đẫm nước mắt ngậm ngùi xót xa khi đồng đội hy sinh; chan chứa tình đồng đội, tình yêu quê hương đất nước qua những sự việc rất đời, rất lính.
    Người đọc như dựng tóc gáy nghe tiếng nổ lộng óc cùng ánh chớp vàng chết chóc bất ngờ của quả mìn KP2 sau ụ mối (Đường lên C6); dư vị chén miến công chưa tan đã nghẹn ngào nghe tin anh Trưng dính mìn (Nồi miến công); cùng căng thẳng đến nghẹt thở trong đêm 30 Tết bị địch tập kích (Trận phản công đêm 30 Tết), rồi nghe ngọt lịm thơm lừng miếng thịt kỳ đà gần cao điểm 547 do anh Thừm chế biến (Thịt kỳ đà)…
    Đúng như nhân diện của anh, giữa những con chữ là tình đồng đội sâu nặng xuyên suốt, cô đọng trong nhiều tình huống, từ với anh thanh niên đường phố ngang tàng Tân Cu Lừng (Tân Cu Lừng) đến anh Phúc tân binh tội nghiệp (Canh tử sĩ); từ anh Quân lé say bồ đà đòi chiến cả đại đội (Cỏ ảo giác) đến anh Khánh xếch rất năng lực, cá tính nhưng luôn hết lòng với đồng đội (Trên đồi Con Cá)… Với từng người, trong từng tình huống, bằng cái tâm trong sáng sâu nặng tình người, tình đồng chí của mình, anh luôn phát hiện và ngợi ca ưu điểm của đồng đội, những anh lính phối thuộc, với các quân binh chủng khác và vị tha với cả kẻ thù, tù binh…
    Những chỉ huy các cấp, mà tiêu biểu là Bọ Lực - vị Trung đoàn phó uy phong dũng mãnh, được tất cả lính E29 mãi mãi hết lòng tôn vinh, nể phục - đến với người đọc qua hình ảnh rất trân trọng oai nghiêm nhưng cũng rất đỗi bình dị, thân thương gắn bó. Sự hy sinh oanh liệt của các anh làm ai cũng lặng người, rưng rưng ngậm ngùi thương tiếc…
    Ngay cả tiêu đề “Tiên sư thiên thần!” như một lời oán trách, thì suốt đến câu cuối cùng vẫn là nỗi khắc khoải ngóng trông trực thăng đến để cứu những thương binh. Và còn gì chân thực, đồng cảm hơn câu “Mặc kệ các nàng, cơn ngứa còn mạnh hơn cả sự xấu hổ!” (Giếng nước tiểu đội trinh sát)?…
    Chúc mừng anh đã có “Cỏ cháy vùng biên”!
    Đúng là
    Không học hàm, học vị
    không văn nhân, thi sĩ
    Bình dị mà lấp lánh
    Ký ức anh đã ghi.
    Chúc mừng thê đội những người cầm bút từng mặc áo lính, vốn đã điệp trùng hùng hậu - nay lại được bổ sung một tay viết đặc sắc, đầy hứa hẹn!
    Và chia vui cùng bạn đọc, vừa có thêm một tác phẩm độc đáo, hấp dẫn và giá trị!

    NHỮNG BÔNG HOA KHÔNG CẦN CHỈ THỊ *
    Anh Trần Phương, người con Mộ Đức nặng nghĩa vẹn tình, người lính vận tải E95 đã 5 năm lặn lội Đông bắc Campuchia, người cựu giáo viên Toán THPT Krong Pak với rất nhiều bài dài sâu sắc, giàu nhân văn, đi đến tận cùng ngóc ngách tâm lý con người, là cái tên quen thuộc trên trang sáng tác của nhiều tờ báo, tạp chí uy tín…
    Chỉ với bài “Gọi gà”, anh Lê Minh Thư D7 E29 đã làm say lòng biết bao người đọc. Cách dùng cụm từ “hay hay, đểu đểu, buồn cười” lặp lại 3 lần trong 3 câu liên tiếp quá độc đáo, bất ngờ và đầy sáng tạo, bản lĩnh hiếm có! Văn anh mượt mà, tự nhiên, không cần gọt giũa. Những câu chuyện “Lên chốt”, “Trên chốt”, “Xuống chốt”, “Mùi chuối”… vừa dồn dập khói lửa đậm chất lính chiến, nhưng cũng rất thư thả, sâu lắng và hóm hỉnh.
    Một người con Quảng Ngãi khác, anh Dương Văn Y, qua loạt bài “Sống ở tiền đồn” và nhiều bài khác, đã đem đến cho người đọc một góc nhỏ cuộc sống và chiến đấu đầy khắc nghiệt và khốc liệt của một đơn vị hỏa lực độc lập của E29.
    Các anh Lê Huy Chiêu - trinh sát pháo E576, Nguyễn Thái Vũ - C15E29, Đào Long Đỗ D7 E29… cũng có những bài đậm đà truyền cảm, lan tỏa những câu chuyện đẹp.
    Ngoài ra, không thể quên nhiều câu chuyện sâu sắc, ý nghĩa, rất lính ở Sisophon, Poipet, Pailin, Cao Melai,… của các anh thuộc QK7, QK9, QĐ4 và nhiều đơn vị khác…
    Mỗi câu chuyện ở một địa danh khác nhau, trong những thời điểm khác nhau, mang một sắc thái khác nhau… Nhưng tất cả đều khắc đậm trong lòng người đọc sự gan dạ dũng cảm, trí thông minh tài hoa, khả năng thích nghi tuyệt vời để tồn tại, chiến đấu và chiến thắng của những người lính tình nguyện Việt Nam trên chiến trường K. Và điều bao trùm lên tất cả, đậm nét nhất nằm ở chính những khoảng trống giữa các ký tự: tình người.
    Mỗi quãng đời chiến đấu oanh liệt và tồn tại đầy thử thách của các anh, mỗi câu chuyện chân thực sinh động giàu tính giáo dục của các anh đã là một bông hoa đẹp. Đã và sẽ có rất nhiều bạn đọc thuộc nhiều thế hệ, ở khắp vùng miền hân hoan đồng cảm, chân thành ngưỡng mộ và trân trọng tôn vinh!
    Hoa đến thời thì phải nở, cần gì chỉ thị hay nghị quyết?
    22 giờ, 29/04/2022
    Huỳnh Sương
    * Thơ Lê Đức Dục.
     
    Chỉnh sửa cuối: 20/4/25 lúc 10:19
  5. machine

    machine Sinh viên năm I

    Bài viết của Huỳnh Sương
    1
    Từ cảm hứng, chia sẻ khi đọc 8 phần “Đường về gian nan”, mình chủ động liên hệ với Anh Tuấn, tâm sự và động viên nhiều lần rồi biên tập, chế bản mẫu phần này gởi Anh Tuấn. Anh rất thích và tấm tắc với bản thảo đó, nhưng Anh lại rất khiêm nhường và không tin gởi đăng báo được, chứ chưa nói ra sách… Rồi Anh đồng ý giao mình toàn bộ tư liệu để biên tập và chế bản.
    2 anh em trao đổi, tranh luận (qua messenger) trong ca làm việc trùng giờ từ 2 nơi cách nhau gàn 1500km suốt hơn 4 tháng để hoàn chỉnh bản thảo “Cỏ cháy vùng biên”. Rất nhiều khi chỉ một tên phum/tên núi, một hướng hành quân, một cự ly-thời gian di chuyển, một con đường,… cũng làm 2 anh em tranh luận 3-4 giờ liền! Tên tác phẩm và hình bìa 1 cũng chiếm vài buổi của 2 anh em. Anh không rành IT lắm, nhưng đánh dấu, ghi chú trên bản đồ rất chính xác. Anh là Trinh sát lão luyện của D8 E29, một tiểu đoàn chủ công trên chiến trường nhưng khi mình trình bày, phân tích những thông tin, dữ liệu (kết hợp với bản đồ) hợp lý, chính xác hơn, Anh vẫn rất cầu thị công nhận. Thậm chí sau chỉ vài buổi đầu trao đổi, Anh còn “phong” cho mình chức danh “Trinh sát chiến lược BQP tăng cường”!? (1 chức danh không có thực!)…
    Anh không có ý định cụ thể về ngày in ấn phát hành (nhân ngày truyền thống Sư đoàn hay 30/04?…) hoặc ngại không nói, nhưng mình cố gắng hoàn thiện bản thảo và gởi Anh đúng ngày 27 Tết. Cũng may cho mình (và cả cho Anh) là trong mấy tháng đó, công việc trong ca vận hành của mình không có nhiều sự cố, sự việc đột xuất… nên gần như cả đêm mình đọc và sửa bản thảo, tra tài liệu, bản đồ, làm mục lục, phác họa bìa,… 5 giờ sáng giải lao châm điếu thuốc tự thưởng, chợt nhớ lại một từ chưa vừa ý hay lóe lên một ý khác, lại vùng dậy ngồi laptop tiếp tục, đó là hình ảnh quen thuộc của mình lặp lại nhiều lần trong mấy tháng đó…
    Rồi giới thiệu Cty xuất bản để Anh làm việc trực tiếp, in ở NXB Hội Nhà văn Việt Nam. Anh còn nặng trách nhiệm với gia đình - dòng họ… nên rất áy náy về chi phí ra sách. Mình chủ động đề nghị hỗ trợ một phần hoặc thậm chí in tặng Anh bằng máy in vi tính khoảng 200 bản khổ A5 (để Anh tặng đồng đội F307)… Nhưng bằng lòng tự trọng, bằng bản lĩnh của một người lính trinh sát đã qua 5 năm ở chiến trường cùng sự hỗ trợ của một số Anh đồng đội, người quen, Anh vẫn in được sách đàng hoàng, dù buổi ra mắt không được tương xứng với tâm huyết của Anh và sức nặng của tác phẩm.
    Anh nhờ mình viết một bài “tổng kết” quá trình liên hệ, trao đổi và tất cả những việc sau đó đến khi ra sách, để Anh đăng lên 2 trang facebook của Anh. Thay vào đó, mình viết 1 bài có tính tổng kết, tôn vinh các tác phẩm, các bài viết (đã và chưa in, kể cả trên các trang cá nhân không phổ biến) về Quân tình nguyện Việt Nam ở chiến trường K, là bài “Bình dị mà lấp lánh” mà Anh đã đăng lên 2 fb, trong đó phần 2 (phần chính - trùng tên “Bình dị mà lấp lánh”) viết riêng về “Cỏ cháy vùng biên” của Anh Tuấn.
    Thật vui mừng khi đọc những đánh giá tích cực chân thành từ các Anh đồng đội của Anh, của người đọc khắp mọi miền đất nước (trên các trang của Anh) về “Cỏ cháy vùng biên”. Cứ vài bữa lại hỏi thăm Anh về tình hình phát hành sách, ngoài lượng biếu tặng có đủ bù chi phí giấy phép, in ấn không?…
    2 Anh em tự tấm tắc với nhau “2 ông chả văn nhân thi sĩ gì mà dám làm sách!” và còn tính đến việc in nối bản “Cỏ cháy vùng biên”… Giai đoạn đó, tinh thần Anh rất lạc quan. Mình hay chọc Anh là “Nhà văn trẻ”. Anh có nhiều tác phẩm điêu khắc, hồ thủy sinh; Anh lại có thêm một số bài viết mới về lính và một số bài khác cũng rất ý nghĩa và chất lượng. Thấy vậy, mình lại động viên Anh cố gắng viết thêm đủ để in một cuốn khác về lính… Anh lại có ý tưởng viết về những ký ức Hà Nội thời niên thiếu và giai đoạn sau khi xuất ngũ. Mình hết sức ủng hộ Anh và muốn nâng những câu chuyện rời rạc thành 1 cuốn tầm 3-400 trang. Rất tâm đắc với ý kiến của mình nhưng với bản tính khiêm nhường cố hữu, Anh lại sợ không đủ dữ liệu, dữ liệu không đắt để in sách…
    Ấp ủ dự định dịp nào ra Hà Nội, cùng Anh (và nếu có thể là với những Anh đồng đội của Anh ở Hà Nội) nhâm nhi vài ly tại một nơi nào đó thật đặc trưng Hà Nội, vậy mà… Một con người nhân hậu, khiêm nhường, trách nhiệm và tài năng, mới hôm kia còn đăng bài TIỆM ẢNH “GIÃ TỪ CUỘC CHIẾN”.
    Vĩnh biệt nhé, Anh Tuấn! Vậy là “Nhà văn trẻ” và “Biên tập viên tay ngang” không được cụng ly mừng “Cỏ cháy vùng biên”. Vậy là “Trinh sát chiến lược BQP” chưa được Trinh sát D8 E29 khao chả cá Lã Vọng rồi!…
    Một lần nữa, xin chân thành chia buồn cùng gia đình Anh Tuấn, người Anh-đồng đội thế hệ trước, người nghệ sĩ có đôi tay tài hoa và tấm lòng vẹn toàn trách nhiệm, một Trinh sát chiến trường lão luyện, bản lĩnh nhưng lại rất dung dị, khiêm nhường!
    Xin chia buồn với các Anh CCB F307, những người - cũng như tất cả chúng ta - sẽ không được đọc 2 cuốn sách mới của Anh Tuấn!
    Trân trọng!
    Huỳnh Sương.
    22g05’ 17/04/2024.
    2
    Thực ra, quá trình làm “Cỏ cháy vùng biên” không quá lâu nhưng còn rất nhiều chi tiết thú vị mình chưa kể, vì 2 anh em trao đổi gần như hàng ngày trong hơn 4 tháng liền (và cả sau khi ra sách). Lượng tài liệu, bản đồ, tin nhắn,… trao đổi qua lại hơn 400 file mình lưu trong 1 folder “NT”…
    Chỉ cần vài làn trò chuyện, đã thấy Anh Tuấn là người rất trách nhiệm (với gia đình, với đồng đội, với xã hội, với câu chữ mình viết,…), rất khiêm nhường và nhân hậu. Anh rất chân thành tâm sự với mình cả những khó khăn, thất bại trên đường đời và rất tâm đắc với những phân tích, gợi ý của mình… 2 anh em có hoàn cảnh gần giống nhau nên rất dễ đồng cảm, gần như có nhận định trùng khớp nhau về hầu hết những sự việc đề cập.
    Khi “Cỏ cháy vùng biên” đã phát hành, Anh muốn mình viết về quá trình 2 anh em làm ra nó để đăng facebook, như một lời cảm ơn mình. Thay vì vậy, mình viết “Bình dị mà lấp lánh” để tôn vinh những tác phẩm/bài viết của tất cả các anh CCB chiến trường K mà hoàn toàn không đề cập gì đến quá trình làm “Cỏ cháy vùng biên”. Trong bài đó, dành riêng phần chính (phần 2, trùng tên “Bình dị mà lấp lánh”) để tôn vinh “Cỏ cháy vùng biên”. Cái tứ “bình dị mà lấp lánh” đột nhiên lóe lên, mình dùng làm tên bài viết và cảm tác thành một bài thơ ngũ ngôn tặng Anh và để làm kết phần đó. Anh Tuấn rất tâm đắc với bài viết và bài thơ đó, và nói “văn chú đạt tầm cao đó!”. Lúc rảnh đọc lại, càng thấy hình tượng “bình dị mà lấp lánh” quá đúng với con người Anh! Định viết bài thơ đó dưới dạng thư pháp gởi cho Anh, để Anh điêu khắc thành bức tranh gỗ làm kỷ niệm.
    Không thể nào quên gương mặt nhân hậu, giọng nói đầm ấm, khiêm nhường, cầu thị pha chút chịu đựng… của anh Tuấn trong suốt gần 4 tháng trời 2 anh em trao đổi, bàn luận… để hoàn thiện bản thảo “Cỏ cháy vùng biên”. Tất cả đều vào ban đêm, trong ca trực của Anh ở VVSDT (Hà Nội) và trong ca trực của mình ở 1 TBA 110kV (Khánh Hòa)…
    Khi ra sách và đến tận bây giờ, 2 anh em vẫn chưa 1 lần gặp mặt trực tiếp, dù Anh nhiều lần mời ra Hà Nội chơi. Vậy mà…
    Vẫn biết sinh có hạn tử bất kỳ, nhưng sao những người nhân hậu và tài năng cứ ra đi sớm?
    Thành kính chia buồn cùng gia đình Anh Tuấn và tất cả các Anh đồng đội F307!…
     
  6. machine

    machine Sinh viên năm I

    Đôi điều cảm nhận về tập hồi ức “Cỏ cháy vùng biên”của Nguyễn Tuấn
    Đỗ Ngọc Hanh​
    Có lẽ bởi chúng tôi từng là người lính một thời tuổi trẻ dữ dội nơi chiến trường ác liệt nên có một sự đồng cảm sâu sắc. Và nữa, cũng có thể nói đó là cái duyên đã đưa chúng tôi đến với nhau.
    Là thành viên của trang CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI TÂY NAM VÀ GIẢI PHÓNG CAMPHUCHIA, tôi đã quen được nhiều người bạn mới, đó là những đàn anh đã từng là người lính tình nguyện chiến đấu bên ngoài Tổ Quốc, đó là những năm tháng không thể nào quên trong cuộc đời các anh.
    Là một người khá là ham đọc, tuy không đến mức như Đoàn Tuấn hay Lê Minh Quốc nhưng có lẽ tôi cũng giống như Nguyễn Vũ Điền thời sinh viên, mỗi lần vào thư viện của trường, mắt la mày lém, dáo dác kiếm tìm. Và khi bước ra khỏi phòng, thế nào cũng thủ được ít nhất là một quyển sách giấu. trong lưng quần. Để rồi đêm về mới bỏ ra đọc một cách ngấu nghiến.
    Có lẽ việc đọc sách nhiều nó làm người ta sống đẹp hơn, nhân văn hơn chăng…
    Nhất là với những trang viết của người lính đã từng nếm trải mọi thứ khốc liệt của chiến tranh, nó sống động, chân thực đến từng chi tiết. Chính điều đó đã làm nên sức hút của những tập hồi ký của Đoàn Tuấn, Nguyễn Vũ Điền,Trung Sỹ, Lê Minh Quốc… Cho đến nay tôi cũng đã bổ sung cho bộ sưu tập của mình các tác phẩm của Đoàn Tuấn với Mùa Chinh chiến Ấy, Nguyễn Vũ Điền với Rừng Khộp Mùa Thay Lá, Nguyễn Thành Nhân với Mùa Xa Nhà… và hôm nay là Cỏ Cháy Vùng Biên của Nguyễn Tuấn, người lính trinh sát của Tiểu đoàn 8, trung đoàn 29, sư đoàn 307, chiến trường Camphuchia.
    Là một người lính, chưa từng được đào tạo qua một lớp nghiệp vụ viết văn nào. Nhưng với một khả năng thiên bẩm, cộng với một tài sản tinh thần ăm ắp những tư liệu chiến trường,(tài sản vật chất của Nguyễn Tuấn khi rời khỏi chiến trường k chỉ vỏn vẹn có mấy bộ quần áo cũ, hai bi đông mật ong rừng và một ít hạt mã tiền về làm quà cho bố), những trang viết của Nguyễn Tuấn thật là sống động, máu lửa và chân thật đến tận cùng. Đó cũng chính là nét riêng của văn Nguyễn Tuấn, không bóng bẩy tô màu, không khoa trương ngôn từ. Chỉ là những lời chân thành, giản dị của lính, cùng đồng cam cộng khổ, sống chết có nhau, họ gọi nhau bằng hai từ Đồng hương thật là thân thương, ấm áp.
    Giữa chiến trường CPC ác liệt, mỗi một ngày trôi qua, mỗi người lính là một số phận con người, có biết bao nhiêu chuyện đáng để kể, để viết. Đó chính là mảnh đất màu mỡ để bàn tay chỉ quen cầm địa bàn của Nguyễn Tuấn gieo những hạt mầm văn chương, sinh sôi nảy nở và phát triển.
    Năm năm trời lăn lóc trên chiến trường Căm phu chia, là một người lính trinh sát với nhiệm vụ cắt rừng dẫn đơn vị đi chiến đấu. Nguyễn Tuấn đã chứng kiến bao cái chết đau đớn, tức tưởi của đồng đội khi vấp mìn địch, hai ống chân nát bươm, máu chảy ra xối xả, quằn quại một lúc rồi lịm hẳn. Những người lính tuổi mới 18, 20 ấy đã vội vã lìa xa thế giới, chỉ kịp kêu lên hai tiếng Mẹ ơi!.
    Năm năm trời làm bạn với rừng già, xứ sở của sốt rét, của ruồi, muỗi, chịu đựng đủ nỗi khổ ải, thiếu thốn trăm bề của lính mục. Cái cảm xúc bừng bừng căm giận khi nghe tin Trung Quốc xua quân đánh chiếm 6 tỉnh biên giới phía Bắc của lính chiến trường k. Ai cũng mong muốn được về nước đánh giặc Tàu, dù có chết trên quê hương đất nước của mình cũng “sướng” hơn hy sinh ở nơi xa lạ xứ người. Rồi khi nghe tin mình sẽ được giải quyết chính sách, sắp được trở về với đất mẹ thân yêu, được nghe tiếng nói dịu dàng của người con gái Việt Nam bấy lâu hằng mong ước.
    Cái cảm giác sung sướng như vỡ òa, khắp người và chân tay như nhão ra, đứng không nổi, ngồi phệt xuống một thân cây đổ. Và nước mắt cứ từ đâu ứa ra, khóc như một đứa trẻ, khóc như chưa bao giờ được khóc…
    Bao nhiêu cảm xúc đã dồn nén tận nơi sâu thẳm của tâm hồn, tới tận cùng của sự chịu đựng, thử thách lúc này mới được bung ra, như mưa như gió, tưởng như không gì có thể cưỡng lại được.
    Chính những năm tháng gian khổ, ác liệt ấy lại là nguồn tư liệu quý giá mà phải trả bằng sự trải nghiệm, bằng máu, bằng nước mắt, mới có được. Những chuyện của lính chiến trường k, tuy rất nhỏ nhưng thật vô giá, như những viên ngọc vùi lấp trong cát, chỉ cần một bàn tay người mài rũa đã trở nên lấp lánh giá trị lịch sử của nó. Để giờ đây có thời gian chiêm nghiệm lại một quãng đời trẻ trai mình đã trải qua, tất cả bỗng sống dậy, lung linh, nóng hổi như vừa xảy ra hôm qua, thôi thúc Nguyễn Tuấn phải viết lại, cho mình, cho đồng đội, cho người sống và cả những người bạn đã chết cho mình được sống…
    Tôi có thói quen khi đọc sách, nhất là sách của những người lính cầm bút, những đồng đội của mình. Tôi không đọc lần lượt theo trình tự, mà điểm qua Mục Lục một lần, phần nào cảm thấy ấn tượng nhất thì đọc trước.
    Riêng về tập hồi ức của Nguyễn Tuấn, tôi ấn tượng nhất với phần Gian Nan Đường Về. Đọc mà hồi hộp, day dứt, lo lắng y như mình là người trong cuộc vậy. Hai trăm con người, không tấc sắt trong tay, hành quân bộ mấy trăm cây số, giữa muôn vàn hiểm nguy,bất trắc chực chờ. Những con đường mòn đầy mìn địch, rồi những ổ phục kích của bọn Pốt có thể gặp bất cứ nơi nào. Chỉ cần chúng có mấy tay súng thôi cũng đủ để “ làm thịt” 200 con người không tấc sắt trong tay như làm thịt một bầy cừu non vậy.
    Sao các cấp chỉ huy lại vô tâm đến vậy, vô cảm với cả tính mạng của lính, mấy trăm con người.
    Thật may và cũng thật thót tim, lạy trời, các anh cũng về đến đất mẹ an toàn.
    Đời thằng lính mục,
    Ăn cơm cục
    Uống nước đục
    Không đi thì trên giục
    Đi thì địch phục
    Tối về ngủ gục
    Đi đôi giày bục
    Chán đời hay chửi tục…
    Lính tráng thường tếu táo hát với nhau như vậy. Đời lính tình nguyện, chiến đấu bên ngoài Tổ Quốc, gian khổ, hy sinh nhiều lắm, thiếu thốn khổ cực, hiểm nguy rình rập trăm bề. Mà kì lạ thay, không quên được suốt cả cuộc đời. Đó vẫn là quãng đời đẹp nhất, đáng sống nhất. Chính những người lính mục ấy đã làm nên lịch sử, đã cứu giúp cả một dân tộc thoát khỏi nạn diệt chủng, cũng chính là để bảo vệ Tổ Quốc từ xa.
    Để hôm nay đất nước Campuchia đã hồi sinh và phát triển mạnh mẽ.
    Hôm nay, những người lính như Nguyễn Tuấn mỗi khi gặp nhau cùng ôn lại một thời tuổi trẻ, họ có quyền tự hào ngẩng cao đầu vì mình đã từng sống làm một người lính chân chính, đã cống hiến cả tuổi xuân đẹp đẽ nhất cho đất nước.
    Nói như Đoàn Tuấn, “… nếu không có chiến tranh, Nguyễn Tuấn có thể trở thành một họa sĩ, một sinh viên Văn khoa. Nhưng kẻ thù đã tràn qua biên giới. Bỏ sách, bỏ bút. Cầm cây súng, cầm địa bàn. Dẫn đơn vị đi chiến đấu. Rồi khi bình tâm, lại cầm bút. Cả bút viết và bút vẽ.
    Một con người như vậy, cũng đủ cho hôm nay.
    Một người lính như vậy, cũng đủ cho hôm nay.
    Một cuốn sách như vậy, cũng đủ cho hôm nay.”
    Chúc mừng anh Nguyễn Tuấn với đứa con tinh thần ấp ủ và gửi gắm cả đời lính, cả một thời tuổi xuân đẹp nhất của mình!
    Lâm Đồng, 17/04/2022
    Đỗ Ngọc Hanh
     
  7. machine

    machine Sinh viên năm I

    Sao lại là “Cỏ cháy vùng biên”
    Lê Minh Thư​
    Tôi cầm cuốn Cỏ cháy vùng biên Tuấn “chim cu” mới tặng đặt lên bàn. Nhấp ngụm trà, rít một hơi thuốc, đeo kính lên định đọc sách. Con gái tôi từ đằng sau đi đến, cầm sách lên, ngắm nghía rồi nói:
    - Sách đẹp thế! Bố được tặng à!
    - Ầu.
    Nó lật xem vài tờ, bỗng nói:
    - Không phải của Đoàn Tuấn à!
    Nheo một bên mắt, nhếch môi một bên, tôi nói:
    - Đây là sách do bác Nguyễn Tuấn, đồng đội của bố viết về những năm tháng chiến đấu đầy cam go khốc liệt của bộ đội Việt Nam trên mảnh đất biên cương Thái Lan - Campuchia. Bác Đoàn Tuấn chỉ viết Lời tựa cho quyển này thôi. Còn có rất nhiều người viết sách hồi ức về chiến trường K nữa mà.
    - Thế, sao lại là Cỏ cháy vùng biên hả bố?
    Câu hỏi này tôi cũng chửa biết, đành suy diễn trả lời “phứa”:
    - À, là thế này: hình ảnh của người lính sống, chiến đấu ở vùng này được ví như loài cỏ. Dù phải chịu vô vàn gian khó, khốc liệt, cỏ và người vẫn vượt qua để sống. Đây là hình ảnh ẩn dụ của người và cỏ. Cỏ dù bị giẫm đạp, giày xéo, vẫn không chết. Dù bị thiêu đốt, vẫn ấp ủ mầm sống trong lòng đất chờ thời sống dậy. Trước phong ba, bão táp, cỏ uốn mình mềm mại ngả theo chiều gió. Gió lặng, cỏ lại sống bình thường, không hề bật gốc. Không như cây “Khộp” cậy mình to khỏe mà ưỡn mình ra chống chọi với phong ba. Kết quả bị gió mạnh quật đổ chổng kềnh, bật gốc, trốc rễ mà chết khô.
    Người lính cũng vậy. Rất ngoan cường, khôn khéo để sống. Khi bị thương, bị bệnh sốt rét nặng, họ gắng sức vượt qua đau đớn và bệnh tật để còn sống. Khi bị đói nhiều ngày, thậm chí bị lạc đơn vị 23 ngày, người lính vẫn cứ đi, đi mãi tìm bằng được về đơn để còn sống. Khi bị khát nước cả ngày, cổ họng cháy bỏng, kiệt sức, người lính vẫn cố lết. Lết đi để tìm nước. Khát vọng sống luôn có trong bản năng mỗi người. Trong chiến đấu, người lính luôn mưu trí sáng tạo. Lợi dụng gốc cây, ụ mối để tránh đạn. Ngủ hầm âm, làm rào, đào công sự để vừa chiến đấu vừa tránh đạn. Tăng gia sản xuất để bồi bổ sức khỏe mà chống chọi bệnh tật. Họ làm tất cả để còn MẠNG SỐNG. Trong người lính luôn có TÌNH YÊU CUỘC SỐNG.
    Sau khi nghe những lời giải thích có vẻ sách vở, nhưng cũng hơi thực tiễn có lý của tôi. Con gái tôi nói:
    - À ra thế. Cỏ biên thùy và người lính tình nguyện.
     
Moderators: CreativeIdiot

Chia sẻ trang này