Nhận định [1000 ebook] 0027: Đường Bác Hồ đi cứu nước - NXB Thanh Niên

Thảo luận trong 'Tác phẩm và nhận định' bắt đầu bởi Lynhwang, 21/10/15.

Moderators: Cát Cát
  1. Lynhwang

    Lynhwang Mầm non

    0027: Đường Bác Hồ đi cứu nước - NXB Thanh Niên.
    Người viết review: Thùy Linh

    “Về mùa đông lạnh, mỗi buổi sáng trước khi đi làm, ông để một viên gạch vào lò bếp của khách sạn. Chiều đến, ông lấy viên gạch ra, bọc nó vào trong những tờ báo cũ, để xuống dưới nệm cho đỡ rét”.

    Khi đọc những dòng đầu tiên đó tôi tự hỏi trong đầu bạn ngờ ngợ điều gì? “Là một mẩu chuyện về Bác Hồ?” – Vâng, chính thế. Hẳn bạn còn nhớ, đó là một trong những mẩu chuyện nhỏ về Bác trong sách Giáo khoa ta học ngày bé.

    Nay, không chỉ là lời kể đứt quãng nữa, tôi muốn giới thiệu tới bạn cuốn “Đường Bác Hồ đi cứu nước” – là tập hợp những câu chuyện về Bác trong hơn ba mươi năm bôn ba khắp xứ người để tìm con đường giải phóng dân tộc Việt Nam.

    “Đường Bác Hồ đi cứu nước” được kể sắp xếp theo trình tự thời gian và theo lời kể của những người đã từng được tiếp xúc với Bác trong những thời điểm nhất định. Từ thuở đầu còn là anh thanh niên Nguyễn Tất Thành nung nấu ý định rời Tổ quốc đi xem thế giới bên ngoài để tìm ra con đường giải phóng cho dân tộc đang chịu áp bức. Rồi những ngày đầu tiên trở thành anh Ba phụ bếp trên tàu Pháp vô cùng cực khổ,… Ở Pháp, ở Anh hay trở thành thuyền viên lên đênh trên biển đi khắp Âu, Phi, Trung Quốc, Liên Xô, Bỉ, Thụy Điển hay Xiêm,… Dù ở đâu cũng có những con người vô cùng cảm phục và yêu mến Người, giờ lời kể thủ thỉ của họ trên mặt chữ cho ta hiểu thêm về vị lãnh tụ vô cùng yêu mến của dân tộc Việt Nam.

    Không phải một cuốn sách sử cộng sản đơn thuần, khô khan, từng câu chuyện khi đọc tới đều nhẹ nhàng thấm vào trong ta, khiến ta rung động. Có thể bạn sợ những câu chữ xưa khó hiểu nhưng với việc sử dụng những câu ngắn, ngôn ngữ giản đơn, bạn sẽ dễ dàng nắm bắt mọi chuyện. Tất cả gom góp lại, ngày nay với người trẻ ta có thể coi là một chuyến phiêu lưu nhưng với Bác, đó là cả một kế hoạch dài: đi xem nước người ta như thế nào rồi học hỏi về giúp đưa nước mình thoát khỏi xiềng xích nô lệ.

    Câu chuyện của mỗi người được để trong ngoặc kép riêng. Từng thời kì gắn bó với con đường hoạt động của Bác lại có những người bạn, người đồng chí đồng hành khác nhau. Điểm chung là câu chuyện nào cũng làm ta cảm động và kính phục Bác vì sự chịu đựng gian khổ cùng tinh thần yêu nước sâu sắc, nồng nàn. Một người Việt Nam nhất trong số những người Việt Nam.

    Xuyên suốt cả cuốn sách là những câu chuyện tưởng rời rạc nhưng như có một chất keo vô hình gắn kết thành một thể thống nhất. Đó là hình ảnh rõ nét về Chủ tích Hồ Chí Minh của chúng ta.

    Là một con người lạc quan, có tinh thần quyết chiến quyết thắng cho dân tộc, quyết tâm xây đắp đời sống tốt đẹp cho đất nước ở tương lai.

    Là con người luôn sống, làm việc dù gian khổ tới đâu để được học tập, rèn luyện, khắc phục khó khăn và dù ở đâu trên thế giới rộng lớn cũng luôn một lòng hướng về Tổ quốc.

    Là “một người bạn tốt, dịu dàng, đáng mến, lo xa, yêu thương đồng đội, chịu khó giúp đỡ người khác.” Là “một người có tấm lòng yêu nước sâu rộng, mà còn tìm thấy ở đồng chí một người anh săn sóc mình từng li từng tí.”

    Là một nhà văn hóa lớn: tinh thông nhiều nền văn học, ngoại ngữ, am hiểu ngôn ngữ tranh nghệ thuật nhưng Bác là một nhà văn hóa gắn liền với thực tiễn cuộc sống, nghệ thuật của Người gắn chặt với đời sống lao động vất vả của công nhân, đói khổ vì bị bóc lột của người dân các nước thuộc địa nên tinh thần yêu nước, chống thực dân trong văn thơ Bác mới cao sâu mà vẫn dễ đi vào lòng người.

    Là người lấy tri thức và ý thức con người đặt lên hàng đầu, Người không chỉ không ngừng học tập mà còn khuyến khích và mở các lớp học cho anh em làm cách mạng trong nước. Làm cách mạng với Người là ăn ở cùng dân, lấy tấm lòng chân thành của mình để cảm hóa đồng bào. Yêu nước, mong muốn giải phóng dân tộc thì trước nhất phải đoàn kết toàn dân tộc một lòng.

    Đặc biệt, ở mọi câu chuyện, mọi góc độ của cuốn sách này, bạn sẽ thấy Bác của chúng ta vô cùng thông minh, dịu dàng mà thâm sâu, gần gũi, tinh tế mà hóm hỉnh đến lạ, là con người mà mới gặp lần đầu tiên thôi cũng khiến người khác vô cùng yêu mến.

    Và còn nhiều cảm nhận nữa, bạn hãy cùng đọc và cảm nhận thêm, được không?

    Khi đọc, từ ngày ra đi từ Bến Nhà Rồng đến lúc bị quân Tưởng bắt rồi giải khắp 30 nhà lao, tình huống hành động có thể ít gây nhàm chán. Tới những ngày trở về Tổ quốc, công tác xây dựng Đảng với những lời kể dài và từ ngữ cũ đôi khi khiến bạn nản lòng nhưng tôi khuyên bạn đừng nên bỏ dở luôn cuốn sách. Bởi chúng thật sự là một thể thống nhất rất đáng đọc, rất đáng lưu tâm. Tới đoạn: “Đây là lần đầu tiên Bác đến Hà Nội. Chặng đường ba trăm ki-lô-mét từ ngôi nhà tranh nhỏ hẹp tại làng Kim Liên tới dây. Bác đã đi mất ngoài ba mươi lăm năm”, trong tôi dâng lên một cảm giác rất khó tả. Hẳn là đọc rồi thấy mình như sống cùng những ngày tháng gian khổ ấy khiến bản thân tôi có chút nghẹn ngào?

    Nếu bạn đã từng đọc “Ông già trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất”, khi đọc tới “Đường Bác Hồ đi cứu nước” dù không có các chi tiết hoành tráng và nhiều tiếng cười thì hy vọng bạn vẫn vui vẻ đón nhận nó bởi tính phiêu lưu trong từng câu chuyện của Bác chỉ có thể hơn ông lão Allan của Jonas Jonasson rất rất nhiều mà thôi. Không những vậy, có những chi tiết về Bác khiến ta rất đáng học hỏi để rồi sống mà không cảm giác hối tiếc trong những ngày tháng tuổi trẻ này. Đặc biệt, trong tim ta tình yêu nước làm tổ lâu nay như to thêm, chộn rộn, ngứa ngáy trong lòng lắm…
     
  2. Nguyenducvan

    Nguyenducvan Mầm non

    hay lắm bạn, đọc ngay và liền thôi
     
    Last edited by a moderator: 22/10/15
  3. deathshine

    deathshine Administrator Thành viên BQT

    Mỗi ngày đọc 1 review những quyển sách trong dự án 1000QSV1TVB là một niềm vui.
    Cảm ơn bộ phận review đã rất cố gắng hoàn thành công việc. Mong rằng được đọc thêm nhiều bài viết hay của các bạn nữa :)
     
    pdminh, teacher.anh and tducchau like this.
  4. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    Bài đọc thêm...


    Người đi tìm hình của nước

    Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi
    Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác
    Khi bờ bãi dần lui làng xóm khuất
    Bốn phía nhìn không một bóng hàng tre.

    Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ
    Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương
    Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở
    Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương.

    Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp
    Giấc mơ con đè nát cuộc đời con
    Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp
    Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn.

    Trăm cơn mơ không chống nổi một đêm dày
    Ta lại mặc cho mưa tuôn và gió thổi
    Lòng ta thành con rối
    Cho cuộc đời giật dây.

    Quanh hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê
    Lòng ta đã thành rêu phong chuyện cũ
    Hiểu sao hết những tấm lòng lãnh tụ
    Tìm đường đi cho dân tộc theo đi.

    Hiểu sao hết "Người đi tìm hình của Nước"
    Không phải hình một bài thơ đá tạc nên người
    Một góc quê hương nửa đời quen thuộc
    Hay một đấng vô hình sương khói xa xôi.

    Mà hình đất nước hoặc còn hoặc mất
    Sắc vàng nghìn xưa, sắc đỏ tương lai
    Thế đi đứng của toàn dân tộc
    Một cách vin hoa cho hai mươi lăm triệu con người.

    Có nhớ chăng hỡi gió rét thành Ba Lê
    Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá
    Và sương mù thành Luân Đôn, ngươi có nhớ
    Giọt mồ hôi Người nhỏ giữa đêm khuya?

    Đời bồi tàu lênh đênh theo sóng bể
    Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi
    Những đất tự do, những trời nô lệ
    Những con đường cách mạng đang tìm đi.

    Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước
    Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà
    Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc
    Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa.

    Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây?
    Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?
    Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ
    Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?

    Rồi cờ sẽ ra sao? Tiếng hát sẽ ra sao?
    Nụ cười sẽ ra sao?
    Ơi, độc lập!
    Xanh biết mấy là trời xanh Tổ quốc
    Khi tự do về chói ở trên đầu.

    Kìa mặt trời Nga bừng chói ở phương Đông
    Cây cay đắng đã ra mùa quả ngọt
    Người cay đắng đã chia phần hạnh phúc
    Sao vàng bay theo liềm búa công nông.

    Luận cương đến Bác Hồ. Và Người đã khóc
    Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lenin
    Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp
    Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin.

    Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc
    "Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!"
    Hình của Đảng lồng trong hình của Nước
    Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười.

    Bác thấy:
    dân ta bưng bát cơm mồ hôi nước mắt
    Ruộng theo trâu về lại với người cày
    Mỏ thiếc, hầm than, rừng vàng, bể bạc
    Không còn người bỏ xác bên đường ray.

    Giặc nước đuổi xong rồi. Trời xanh thành tiếng hát
    Điện theo trăng vào phòng ngủ công nhân
    Những kẻ quê mùa đã thành trí thức
    Tăm tối cần lao nay hoá những anh hùng.

    Nước Việt Nam nghìn năm Đinh Lý Trần Lê
    Thành nước Việt nhân dân trong mát suối
    Mái rạ nghìn năm hồng thay sắc ngói
    Những đời thường cũng có bóng hoa che.

    Ôi! Đường đến với Lênin là đường về Tổ quốc...
    Tuyết Mat-xcơ-va sáng ấy lạnh trăm lần
    Trong tuyết trắng như đọng nhiều nước mắt
    Lênin mất rồi. Nhưng Bác chẳng dừng chân.

    Luận cương của Lênin theo Người về quê Việt
    Biên giới còn xa. Nhưng Bác thấy đã đến rồi
    Kìa, bóng Bác đang hôn lên hòn đất
    Lắng nghe trong màu hồng, hình đất nước phôi thai.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link,
    (Nguồn Ánh sáng và phù sa, 1960).​

     
    Chỉnh sửa cuối: 23/10/15
    Rafa, Lynhwang and teacher.anh like this.
  5. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    Trong số các bài thơ rất phong phú, nhiều vẻ viết về Bác Hồ, bài thơ Người đi tìm hình của nước của Chế Lan Viên có một sáng tạo khác hẳn, thể hiện đậm nét cá tính sáng tạo của nhà thơ.

    Bài thơ in trong tập Ánh sáng và phù sa xuất bản vào tháng 12 năm 1960, chắc chắn gắn liền với những cảm xúc trong các ngày lễ lớn cùa cách mạng năm ấy. Chế Lan Viên là nhà thơ có quan niệm riêng về thơ và sáng tác thơ. Ngay giữa những năm 1960, khi khẩu hiệu đi vào đời sống, miêu tả hiện thực cuộc sống thực tế đang được đề cao, Chế Lan Viên vẫn có cách hiểu riêng của mình. Trong bài thơ Ngoảnh lại mười lăm năm, một bài thơ ngợi ca nhà thơ Tố Hữu và thơ Tố Hữu, Chế Lan Viên có một khổ thơ như là tuyên ngôn:

    Hiểu mình và hiểu người
    Hiểu đời và hiểu Đảng
    Tôi góp phần ánh sáng
    Tôi làm chủ đời tôi.


    Cái "phần ánh sáng" riêng của nhà thơ, có thể nói là, để đi đến cuộc đời rất thực, nhà thơ có thể qua con đường ảo hư đặng đạt tới bề sâu bề xa của cuộc sống.

    Ngay nhan đề bài thơ cũng đã có cái gì hư ảo khác lạ: Người đi tìm hình của nước. Nếu đặt là Người đi tìm đường cứu nước thì lại quá thông thường, chẳng gợi lên chút gì thi vị. Cuộc ra đi của Bác đối với nhà thơ đâu phải chỉ tìm cách đuổi giặc nước, mà còn đi tìm cách tạo hình cho một đất nước tương lai:

    Mà hình đất nước hoặc còn hoặc mất
    Sắc vàng nghìn xưa, sắc đỏ tương lai
    Thế đi đứng của toàn dân tộc
    Một cách vin hoa cho hai mươi lăm triệu con người.


    Đó là một cuộc đi tìm sáng tạo thơ mộng chưa từng có trong lịch sử. Cuộc đi tìm biết bao khó khăn, bởi thế cuộc lúc ấy cực kỳ đen tối. Những gì hôm nay nhìn thấy có vẻ rõ ràng, thì đầu thế kỷ XX hầu như chẳng ai nhìn thấy. Bởi vậy để làm bật cuộc đi tìm sáng tạo, đi tìm tương lai, đi trước thời gian của con người vĩ đại ấy nhà thơ phải đẩy lùi thời gian vào năm 1911:

    Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi
    Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác!
    Khi bờ bãi dần lui làng xóm khuất
    Bốn phía nhìn không bóng một hàng tre.


    Phải có độ lùi lịch sử mới thấy hết cái mạo hiểm, cam go, cô đơn của người đi tìm hình của nước. Với độ lùi đó Chế Lan Viên đã viết một Bác Hồ mà trong thơ hầu như chưa ai từng viết - Bác Hồ khi còn là anh Ba, anh Nguyễn, trà trộn vào trong vô số công nhân, bồi bàn, người Việt Nam yêu nước hải ngoại! Trong vô số người yêu nước ấy ai sẽ là người lãnh tụ của tương lai? Trong con mắt nghệ thuật của Chế Lan Viên, Bác Hồ là một người mơ mộng. Một đoạn thơ dài nói về những ngày suy nghĩ, mơ ước lao lung:

    Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước
    Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà
    Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc
    Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa.


    Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây?
    Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?
    Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ
    Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?


    Rồi cờ sẽ ra sao? Tiếng hát sẽ ra sao?
    Nụ cười sẽ ra sao?

    Ơi, độc lập!
    Xanh biết mấy là trời xanh Tổ quốc
    Khi tự do về chói ở trên đầu.


    Rồi sau những lúc xúc động bắt gặp tư tưởng Lênin, Người không chỉ mơ mộng mà còn thấy trước:

    Bác thấy:
    Dân ta bưng bát cơm mồ hôi nước mắt
    Ruộng theo trâu về lại với người cày
    Mỏ thiếc, hầm than, rừng vàng, bể bạc...
    Không còn người bỏ xác bên đường ray.


    Giặc nước đuổi xong rồi. Trời xanh thành tiếng hát
    Điện theo trăng vào phòng ngủ công nhân
    Những kẻ quê mùa đã thành trí thức
    Tăm tối cần lao nay hoá những anh hùng.


    Nước Việt Nam nghìn năm Đinh Lý Trần Lê
    Thành nước Việt nhân dân trong mát suối
    Mái rạ nghìn năm hồng thay sắc ngói
    Những đời thường cũng có bóng hoa che.


    Nhà chính trị ấy là một thi nhân, một người mơ mộng. Chính Lênin cũng nói người cách mạng phải biết ước mơ. Đó là ưóc mơ đổi đời cho toàn dân tộc.

    Trong thơ về Bác Hồ chưa có một hình tượng nào như thế. Chế Lan Viên mạnh dạn miêu tả thế giới bên trong của Người. Ông hoàn toàn không sử dụng các đường nét chân dung thường thấy bề ngoài, như bộ áo kaki, vừng trán cao, chòm râu bạc, đôi dép lốp, v.v... mà hình tượng Bác Hồ lại khắc sâu vào tâm trí.

    Có lý thuyết, có mộng mơ, Bác Hồ về nước thực hiện lý tưởng:

    Kìa! Bóng Bác đang hôn lên hòn đất
    Lắng nghe trong màu hồng, hình đất nước phôi thai.


    Để thể hiện mộng mơ, nhà thơ đã sử dụng nhiều câu hỏi. Để thể hiện dự cảm ông dùng các thủ pháp biến hóa, như "hóa thành" tạo nên sự vận động nội tại trong câu thơ. Nhà thơ còn sử dụng nhiểu phép đối lập để nói lên sự biến đổi cách mạng một cách kỳ diệu, có cái gì như là một thiên "cổ tích" hiện đại do cách mạng thực hiện. Nhà thơ còn dùng phép nghịch lý để thể hiện các mối liên hệ bề sâu:

    Ôi! Đường đến với Lênin là đường về Tổ quốc
    ......

    Biên giới còn xa. Nhưng Bác thấy đã đến rồi.


    Nhà thơ muốn nói những điều sâu xa nằm sau câu chữ. Thơ Chế Lan Viên đòi hỏi người đọc phải có chút tìm tòi, phán đoán, người đọc cũng phải tích cực tư duy, tưởng tượng, nếu muốn thâm nhập vào thế giới nghệ thuật của ông, bởi ông không bao giờ miêu tả giản đơn những điều trông thấy!
     
    minhanh1288, bluye and teacher.anh like this.
  6. pdminh

    pdminh Technical Thành viên BQT

    Cảm ơn bạn Thùy Linh. Nhưng mình nghĩ nhiều câu văn bạn viết hơi dài đến hơn cả 4 dòng, cảm giác đọc sẽ trúc trắc, không được mượt mà cho lắm. Có đôi lời góp ý.

    Tữ ngữ mô tả lãnh tụ phải chọn lọc, chính xác.
    Từ trước đến giờ chưa thấy ai mô tả Bác Hồ dùng từ 'dịu dàng' cả cute_smiley56, có thể thay bằng hiền lành...
     
    Chỉnh sửa cuối: 28/12/15
    deathshine thích bài này.
Moderators: Cát Cát

Chia sẻ trang này