Kinh điển Hóa thân - Franz Kafka

Thảo luận trong 'Tủ sách Văn học nước ngoài' bắt đầu bởi thanhbt, 7/11/14.

  1. thanhbt

    thanhbt Học sinh Thành viên BQT

    [​IMG]

    HÓA THÂN

    Tác giả: Franz Kafka
    Dịch giả: Đức Tài
    Nguyên tác: Die Verwandlung
    Nhà xuất bản: Văn Học
    Khổ: 13x20,5 cm
    Thực hiện ebook: Văn học cổ điển (facebook.com/vanhoccodien)
    Ngày hoàn thành: 07/04/2013
    Nơi hoàn thành: Hà Nội

    Giới thiệu

    Samsa - nhân vật chính của truyện - vốn là một nhân viên chào hàng cần mẫn và nghiêm túc, là chỗ dựa và niềm tự hào của gia đình..., song một sáng tỉnh dậy, Samsa "thấy mình đã biến thành một côn trùng khổng lồ. Lưng anh rắn như thể được bọc một lớp giáp sắt, anh nằm ngửa dợm nhấc đầu lên nhìn thấy bụng mình khum tròn, nâu bóng phân chia làm nhiều đốt cong cứng đơ, tấm chăn bông đắp trên bụng đã bị xô lệch, gần tuột hẳn. Chân anh nhễu ra, mảnh khảnh đến thảm hại so với phần còn lại của thân hình to đùng, vùng vẫy bất lực trước mắt anh".
     

    Các file đính kèm:

    minhtrict11, JSAkane, htahta and 72 others like this.
  2. seashellkill

    seashellkill Lớp 1

    đây là một trong những truyện nổi tiếng nhất của Kafka đấy nhỉ. Đã từng rờ qua bản tiếng anh nhưng không hiểu mấy. Hôm sau sẽ bắt đầu đọc bản việt này. cám ơn nhé
     
    big_daddy thích bài này.
  3. pdkhoa

    pdkhoa Lớp 2

    Truyện kể về một anh chàng một buổi sáng thức dậy đột nhiên biến thành một con bọ, tuy nghe hiểu được mọi người nói gì nhưng không nói được (bọ mà sao mà nói được). Việc hóa thân của anh đã gây xáo trộn mọi thứ trong gia đình vì anh là trụ cột kiếm tiền cho họ, tuy nhiên rút cuộc không có anh mọi người vẫn sống khỏe, cuộc đời vẫn đẹp sao. Tất nhiên là truyện còn có nhiều tầng ý nghĩ sâu sắc nữa mà theo thời gian người đọc sẽ chiêm nghiệm ra.

    Truyện này tuy không dài, cốt truyện đơn giản, giọng văn tả thực ngắn gọn, trần trụi, nhưng đọc rất lôi cuốn, ám ảnh. Nếu nói nội dung truyện này đơn giản thì nó thuộc loại tối giản, còn nói nó cao xa cũng không sai. Điều này tùy thuộc vào người đọc, cũng giống như một đứa teen mới tập uống whiskey thì cảm nhận mùi vị sẽ khác một ông U50 từng trải uống.
     
    Chỉnh sửa cuối: 17/12/14
  4. Sophia

    Sophia Sinh viên năm IV

    Mình xin gửi thêm định dạng epub
     

    Các file đính kèm:

    utanvn, duongmina, Storm and 32 others like this.
  5. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    [​IMG]
    Hóa thân
    Tên gốc: Die Verwandlung
    Tác giả: Franz Kafka
    Dịch giả: Đức Tài
    Nhà xuất bản Văn học
    Năm xuất bản: 2014
    Số trang: 128

    Hóa thân – Franz Kafka: Sao làm người đau đớn thế?

    Một sáng tỉnh giấc băn khoăn, Gregor Samsa nằm trên giường thấy mình biến thành một côn trùng khổng lồ”.

    Câu chuyện trong quyển “Hóa thân” được tác giả Franz Kafka mở đầu như vậy. Đó là một mở đầu khiến người ta thản nhiên – sau đó mới kịp rùng mình. Sự thể cứ như đơn giản mà xảy ra vậy, chẳng cần phép biến ảo hay sự cố phù thủy. Sự hóa thân từ chàng trai trở thành con côn trùng khổng lồ xảy ra điềm nhiên, và Gregor hình như cũng cảm thấy đây có lẽ chỉ là một cơn mệt, căn bệnh hay một ngày khó ở, theo kiểu ý nghĩ: “Lạy chúa, – anh nghĩ. – Mình chọn chi cái nghề quá đỗi nhọc nhằn này! Chạy rông hết ngày này sang ngày khác. Một công việc thật còn khó chịu hơn cả chuyện bán buôn ở cửa hàng và bực mình nhất đời là cứ phải liên tục di chuyển…

    Câu chuyện hóa thân trở thành một trò chơi xô đổ các quân cờ Domino tội nghiệp, mà mỗi người trong gia đình Gregor, từ chính anh, cha, mẹ, em gái Grete đến cả ông sếp, khách trọ, bà giúp việc… số phận họ rồi cũng sẽ được xô đẩy theo tiến trình, y như cuộc hóa thân đang ập đến với Samsa.

    Hóa thân” ngắn và đơn giản đến khắc nghiệt. Cứ giở từng trang, lại thấy Gregor và mỗi ngày của anh biến đổi ra sao theo cuộc hóa thân đó. Ý nghĩ người trong anh – thân xác côn trùng khổng lồ ngoài anh. Cả hai cứ như hai cái đầu của một chiếc khăn mặt, mà ta vẫn thường vặn ngược chiều nhau lại để vắt ra nước. Cái thân xác côn trùng của Gregor ngày càng rõ nét hơn trong việc anh cảm thấy thuận tiện hơn với nó, anh thích ăn thức ăn thối (không ăn đồ ăn ngon em Grete mang vào), thích bò nấp trên cao… Nhưng tâm trí của Gregor nguyên vẹn như tận ngày đầu: Anh lo sợ mình mất việc, sẽ không ai nuôi cả gia đình. Anh nhớ đến ước mơ của em gái Grete một cách trìu mến. Anh thương cha. Anh muốn lại gần mẹ. Anh giận dữ khi có kẻ thờ ơ với cuộc biểu diễn của em gái anh.

    Cái phần “người” trong Gregor ấy nó chẳng chịu đổi thay, nó nhất quán muốn giang tay ra che chở cho em, làm việc kiếm tiền nuôi cha mẹ, chịu trách nhiệm về tất cả những ai mình thương. Nhưng ở đâu đó giữa ký ức phần người này, Franz Kafka làm người đọc cảm thấy đau khi tự hỏi cái cuộc sống mà Gregor đã nhiệt thành hi sinh cho gia đình mình, phải chăng nó là một cuộc tha hóa?

    Trong khi làm con côn trùng bị gia đình ghê sợ và đuổi nhốt vào phòng, Gregor nhớ lại những tháng ngày tuổi trẻ của mình: “Anh đã lao đầu vào công việc với một nhiệt tình phi thường và gần như ngay sau đó, thay vì làm một nhân viên quèn, anh đã trở thành một người chào hàng mà đồng lương của nghề này, tất nhiên, khác hẳn – và thành công của anh tức khắc biến thành những đồng tiền tròn trĩnh, xinh xắn mà anh đặt trên bàn trước ánh mắt kinh ngạc và vui sướng của gia đình. Những dịp tốt đẹp đó chẳng bao giờ lặp lại, nếu có thì cũng mất hết hào quang ban đầu, cho dù sau đó Gregor kiếm được nhiêu tiến đến mức anh đủ khả năng cung ứng mọi chi phí của cả nhà và đã thực sự làm thế. Mọi người đã dần quen với điều này một cách đương nhiên, cả gia đình lẫn Gregor. Những đồng tiền được đón nhận với lòng biết ơn và được ban phát với niềm vui sướng, nhưng nào còn nữa cái tình cảm nồng nhiệt đặc biệt trào dâng như hồi đầu.”

    Gregor – của thời biết kiếm tiền – đã chỉ còn là một công cụ kiếm tiền. Không ai còn nhớ đến anh. Cha cũng không cần phải đi làm. Mẹ và em coi việc có tiền là nghiễm nhiên. Vì Gregor bị lão chủ sợ hãi bỏ chạy (và sa thải) khi thấy anh hình côn trùng, lập tức, cả gia đình đã nghĩ đến anh như một gánh nặng: Anh chiếm một phòng, anh làm cả nhà sợ, không còn tiền, không có con gián to đó thì có lẽ đã thuê được nhà mới bé và rẻ hơn…

    Cuộc “hóa thân” được Franz Kafka mô tả đau đớn vô cùng tận. Nó là lần đầu tiên, một người cha đã dùng gậy đẩy con mình “Xéo đi, xéo đi!” vào phòng với cái lưng đầm đìa máu. Đó là khi Gregor tội nghiệp rướn mình gọi “Mẹ ơi, mẹ ơi” với người phụ nữ thảm thương già yếu, mà tiếng vọng ra chỉ là âm rít của một giống loài côn trùng chứ không phải tiếng người. Đó là những khi Gregor nhìn thấy ngọn đèn khí đốt được thắp sáng trong buổi tối gia đình, mọi người ngồi sầu thảm, nỗi đau khổ trùm lên ánh mắt và dáng ngồi. Anh ở cách đó chỉ 1 cánh cửa, anh muốn ra ngoài ngồi với cha, với mẹ,với em. Họ cũng đau khổ vì xa anh. Nhưng rồi chẳng ai lại gần ai. Gregor dần dần được xung quanh cảm nhận từ cuộc “hóa thân” theo tiến trình: anh xa mọi người, anh dần bị lãng quên, anh được cảm nhận như đã chết rồi.

    Cuộc “hóa thân” đó nó nảy nở từ biết bao nhiêu nguyên tố trộn vào nhau. Con người sẽ được nhìn nhận là con người khi nào? – Phải chăng sự nhìn nhận đó đến từ tự thân anh ta – hay cái cách thế giới sẽ nhìn anh ta? – Gregor từ đầu đến cuối luôn suy nghĩ như một tâm tính người, nhưng anh dần đã bị bẻ ngoặt thành côn trùng bởi ý niệm chiếu ra từ đôi mắt của tất cả những người xung quanh anh. Cái tấm gương nhận diện đó đã khiến phần người trong anh bị đổ vỡ dần dần. Nhưng đối nghịch lại, cái tinh thần tự ý muốn làm người ấy mạnh mẽ đến mức cố gắng chống chọi với cái thực thể thân xác trần thế của mình, Gregor tìm cách bẻ gãy cái lớp vỏ cánh cứng, cái thân nhiều chân, cái ham muốn mùi thức ăn thối… để tìm lại tính người của mình. Anh đã thất bại hay thành công nhỉ? – Chúng ta cứ bần thần mãi khi đọc cách Gregor vật lộn.

    Thực lòng, khi gấp sách lại, chúng ta lại mơ hồ tự hỏi phải chăng mình đã tham gia vào cuộc “hóa thân” đó của anh. Mình dần chấp nhận anh không còn là người, dần thấy có lý khi anh ăn đồ ăn thối, dần suy nghĩ “rồi, anh chạy ra, mấy vị khách trọ sẽ điên lên vì sợ cho xem”. Tôi – một độc giả bên ngoài gia đình của Gregor đã tham gia vào bi kịch của anh. Cái tấm gương từ đôi mắt tôi đã dần nhìn nhận Gregor như một con côn trùng – cùng lúc ý niệm liên tục đọc to tên anh là Gregor để tự trấn an rằng mình nhớ anh là người.

    Cha của Gregor cũng đã bước vào hóa thân như một vô thức. Từ cuộc làm ăn thất bại để trở thành một người cha sầu muộn vô dụng, dựa vào tiền con trai nuôi, ông đã tự vực dậy mình để lo cho gia đình. Từ một người mẹ yêu nhớ Gregor đến quay quắt, khổ sở, mẹ anh cũng “hóa thân” dần chấp nhận là con trai mình đã chết. Từ một cô bé Grete nhỏ xíu ngơ ngác, Grete đã chăm sóc Gregor bằng tâm tính của một người mẹ (khi cô chuẩn bị thức ăn cho anh, bảo vệ mẹ…), nấu nướng, dọn dẹp, thậm chí sẵn sàng đánh đàn để phục vụ khách trọ cho gia đình có thêm thu nhập. Đến cuối truyện, Franz Kafka viết về cô bé: “Cả ông Samsa lẫn bà vợ gần như đồng thời sửng sốt khi họ nhận ra thái độ càng lúc càng sôi nổi của cô con gái; dù đôi má có vẫn còn nhợt nhạt sau một thời gian dài chồng chất bao sầu muộn, Grete đã bừng nở thành một cô gái xinh tươi với vóc dáng thanh tú”. Cô bé cũng đã “hóa thân”.

    Câu chuyện có gì đâu, đọc đi đọc lại nhiều lần, mà cứ thấy đau đau sao đó…
     

    Các file đính kèm:

  6. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    'Hóa thân' - Một thế kỷ chinh phục thế giới

    Xuất bản năm 1915, tác phẩm "Hóa thân" (tên gốc: Die Verwandlung) được xem là một trong những tuyệt tác đáng chú ý nhất của Franz Kafka.

    Khắc họa một nỗi đau bi thiết Hóa thân là câu chuyện xoay quanh một nhân vật có tên Gregor Samsa, một ngày kia bỗng bị “biến hình” trở thành một con bọ khổng lồ. Trước đó, Gregor Samsa dù không quá hạnh phúc nhưng vẫn là một con người mạnh khoẻ, có ích, là trụ cột của cả gia đình với bố, mẹ và cô em gái. Tuy nhiên, biến cố lớn kỳ quặc đó đã bỗng chốc làm đảo lộn mọi thứ trong cuộc sống của anh. Gregor Samsa đã phải chịu đựng một quãng thời gian dài sống trong bóng tối. sự hắt hủi, niềm ghê tởm và nỗi kinh ghét của những người xung quanh, kể cả người thân của mình.

    Điều đặc biệt ở Hóa thân là, dù mang trong mình một câu chuyện chứa đầy nỗi thống khổ, Franz Kafka vẫn giữ được cho tác phẩm một thứ văn phong giản dị, súc tích, gọn gàng, miêu tả cảm xúc một cách tinh tế. Nhà văn không chọn cách "làm quá" cảm xúc mà luôn giữ cho nhân vật của mình một thái độ bình thản với những trường đoạn độc thoại nội tâm đầy chất triết lý. Và điểm đặc biệt là, dù lựa chọn một biến cố khá kỳ lạ và gây nhiều tò mò để làm nền tảng cho cả câu chuyện, nhưng Franz Kafka chưa bao giờ giải thích rõ ràng về sự hóa thân của nhân vật này. Có lẽ, ông biết rằng với một tác phẩm mang tính khái quát thời cuộc cao độ như Hóa thân thì những câu hỏi như tại sao, cái gì, làm thế nào… đôi khi không còn thực sự quan trọng nữa. Lý do và nguyên nhân rốt cuộc cũng chỉ là những thứ đã qua, và điều đáng chú ý nhất chính là những hậu quả nằm đằng sau nó.

    Tranh cãi về dịch thuật

    Trong Hóa thân, nhà văn Franz Kafka đã miêu tả nhân vật của mình biến thành một loài Ungeziefer. Từ này thường được nhiều dịch giả dịch là côn trùng, tuy nhiên, nghĩa chính xác lại không thực sự là vậy. Trong nhóm tiếng Đức, từ này phải được dịch chính xác là "con vật chưa thanh tẩy, không hợp để hiến tế", và nên được hiểu là một con bọ, một nhóm sinh vật chung chung chứ không mang tính học thuật như côn trùng. Có thể thấy, việc sử dụng từ Ungeziefer hoàn toàn là ý đồ của bản thân Kafka, vì ông không muốn gọi tên con vật ấy ra một cách cụ thể, ông chỉ muốn truyền tải một nỗi khiếp sợ một cách mơ hồ đến với độc giả thông qua màn hóa thân của nhân vật của mình.

    [​IMG]
    Phiên bản Die Verwandlung phát hành năm 1916.

    Và cũng nhờ phương pháp xây dựng câu chuyện bí ẩn đó mà Kafka đã nêu lên được rất nhiều vấn đề nhức nhối trong xã hội thời đó, nhưng vấn đề mà thậm chí khi đặt trong bối cảnh xã hội hiện đại vẫn hoàn toàn chính xác. Đó chính là sự chế ngự của đồng tiền, nghĩa vụ của gia đình, sự xa lạ của người thân, cảm giác tội lỗi, sự cầm tù và sự giải thoát và nỗi đau khi đánh mất nhân dạng...

    Sống mãi với thời gian

    Tính đến nay, Hóa thân đã có đúng 100 năm ra đời và chinh phục hàng triệu độc giả lẫn các nhà phê bình khó tính trên khắp thế giới. Nó được đưa vào chương trình giảng dạy, nghiên cứu ở rất nhiều các trường đại học ở phương Tây. Đồng thời, Hóa thân còn là nguồn cảm hứng bất tận để nhiều nghệ sĩ thuộc các lĩnh vực khác thể hiện sức sáng tạo của họ. Jan Nemec, Caroline Leaf, Jim Goddard, Steven Berkoff, Carlos Atanes, Fran Estevez... là những nhà làm phim từng chuyển thể một phần hoặc trọn vẹn tác phẩm này lên màn ảnh rộng. Nhiều cây bút khác của văn đàn châu Âu hay Mỹ cũng thường mượn Hóa thân để dùng làm hình tượng phát triển nhân vật hay nội dung quyển sách của họ. Và dĩ nhiên, Hóa thân còn lên cả sân khấu opera với nhiều phiên bản của các năm như 1983, 2006, 2009... Và mỗi khi tác phẩm này "lên sóng", dù ở bất cứ lĩnh vực nào, nó đều thu hút đông đảo sự chú ý của nhiều khán giả hơn bất cứ tác phẩm nào khác.

    [​IMG]
    Tác giả Franz Kafka (1883-1924)

    Franz Kafka đã mất vào năm 1924, để lại gia tài văn chương vô cùng đặc sắc và độc đáo. Tuy nhiên, khi nhắc đến tên ông, người ta vẫn nhắc đến Hóa thân đầu tiên, bởi nó là biểu tượng của một dòng văn chương viết về nỗi đau kiệt xuất không gì có thể vượt qua.
     
    Chỉnh sửa cuối: 10/9/15
  7. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    Yếu tố huyền thoại trong Hoá thân của Franz Kafka

    Huyền thoại có một vai trò hết sức to lớn trong đời sống của người nguyên thủy. Và có lẽ tổ tiên loài người cũng không thể ngờ rằng trong đời sống văn học hiện đại, các yếu tố huyền thoại còn được các nhà văn đưa vào tác phẩm của mình như một phương thức nghệ thuật để phản ảnh thực tại cuộc sống. Tuy nhiên, với tư duy hiện đại, các nhà văn phương Tây đầu thế kỉ XX đã có những cách “xử lí” chất liệu huyền thoại khác nhau cho đứa con tinh thần của mình. Franz Kafka là một trong những nhà văn tiêu biểu nhất trong số các nhà văn thành công trong việc sử dụng yếu tố huyền ảo phương Tây đầu thế kỉ XX. Trong phạm vi nhỏ của một bài viết, chúng tôi chỉ tìm hiểu về yếu tố huyền thoại trong một tác phẩm của Kafka. Đó là truyện ngắn “Hóa thân”.

    Hóa thân” là một lát cắt về cuộc đời của Gregor Samsa - một người làm nghề giao hàng. Anh là một đứa con hiếu thảo, luôn làm việc chăm chỉ để nuôi sống gia đình; một người anh trai đầy tình thương yêu và trách nhiệm đối với em gái. Một buổi sáng sau khi thức dậy, Gregor Samsa thấy mình bỗng nhiên biến thành một con côn trùng khổng lồ - một con bọ. Gia đình rất kinh tởm, sợ hãi hình dáng con bọ của anh nhưng họ vẫn còn quan tâm, lo lắng cho Gregor Samsa vì nghĩ rằng anh có thể trở lại hình dáng cũ. Song thời gian trôi qua, những người thân của anh phải bận bịu kiếm tiền, họ đã dần thay đổi thái độ với anh. Họ xem Gregor Samsa như một tai họa, một sự sĩ nhục và mong muốn Gregor Samsa biến mất khỏi cuộc sống của họ. Cuối cùng Gregor Samsa chết trong hình dạng một con bọ. Mọi người trong gia đình Gregor Samsa rất vui mừng vì được giải thoát khỏi anh.

    Đọc “Hóa thân”, người đọc dễ dàng nhận ra yếu tố huyền thoại được sử dụng trong tác phẩm vì Kafka đã thể hiện nó trên bề mặt vật chất của ngôn ngữ. Nhưng chỉ một yếu tố huyền thoại đã làm nên câu chuyện. Đó là chi tiết Gregor Samsa biến thành con bọ ở đầu tác phẩm. Có thể gọi đó là “chi tiết nguyên nhân” vì nó đã gây nên tất cả các chi tiết khác sau đó trong câu chuyện.

    Trong huyền thoại cổ xưa, chu kì hóa kiếp thông thường có sự biến đổi trở lại hình dạng ban đầu như: Vật - Người - Vật (Vật: cá, cáo, hổ, gấu,… hoặc đồ vật) hoặc Người - Vật - Người hoặc Tiên - Người – Tiên hoặc Người – Tiên - Người. Nhưng trong “Hóa thân”, chu kì biến dạng của Gregor Samsa không có sự biến đổi trở lại hình dạng cũ mà đi thẳng tới cái chết: Người - Bọ - Cái chết. Đưa yếu tố huyền thoại vào tác phẩm nhưng không có sự mô phỏng hoàn toàn môtip của huyền thoại nguyên thủy, Franz Kafka muốn thể hiện điều gì qua yếu tố kì ảo này?

    Trước tiên sự biến dạng thành con bọ của Gregor Samsa đã đẩy anh ra khỏi cộng đồng. Gregor Samsa bị biến dạng bất ngờ và tự nhiên, không cưỡng lại được. Với hình dạng ghê tởm của một con bọ, một giọng nói “chút chít” không phải tiếng người, một sở thích bò “nhung nhăng” khắp phòng… đã chia cắt hoàn toàn Samsa với thế giới loài người. Ai mà chẳng kinh hãi khi nhìn thấy một con quái vật như thế! Thậm chí người mẹ thương yêu nhất của Gregor Samsa đều ngất xỉu mỗi khi nhìn thấy đứa con trai - bọ của mình. Gregor Samsa phải giam mình trong phòng, tránh để cho người thân nhìn thấy hình dạng mới của mình. Mỗi khi cho Gregor Samsa ăn, cô em gái rất sợ hãi khi phải nhìn thấy anh trai - bọ. Gregor Samsa phải trốn dưới gầm ghế để em gái không phải nhìn thấy mình.

    Thế nhưng, khoảng hơn một tháng Gregor Samsa biến hình, cô em gái vẫn “nhảy phắt ra sau và đóng sầm cửa lại […] Tất nhiên là anh lập tức trốn ngay xuống gầm ghế, song anh phải đợi đến tận trưa mới thấy cô em quay lại và cô dường như ngượng ngập hơn mọi khi. Điều đó làm anh nhận ra hình hài của anh đối với cô em vẫn còn kinh tởm đến mức nào cô sẽ không bao giờ chịu đựng nổi bộ dạng của anh và cô chắc phải vận dụng hết ý chí mới không bỏ chạy khi trông thấy dù chỉ một phần thân xác anh thò ra từ dưới gầm tràng kỉ.

    Để tránh cho em mình nỗi khổ đó, một hôm anh cõng tấm chăn trên lưng đến chiếc tràng kỉ - anh phải hì hục mất bốn tiếng đồng hồ mới được – và trải chăn lên đó sao cho kín hết thân hình anh để cô em dù có khom người xuống cũng không nhìn thấy. Nếu em anh coi việc làm này là không cần thiết, nhất định cô ta sẽ cuốn tấm chăn cất đi bởi vì phủ chăn giấu mình như thế hoàn toàn không đem lại cho Gregor một chút thoải mái nào, nhưng em anh vẫn để nguyên nó ở đó.

    Và khi Gregor cẩn thận dùng đầu vén một tí chăn lên ngó ra, thậm chí anh tưởng như bắt gặp trong mặt cô một cái nhìn đầy hàm ơn.” Và khi mẹ bàn với đứa em gái về việc dọn phòng cho anh: “Làm thế chẳng khác nào chúng ta cho Gregor thấy rằng gia đình không còn trông mong, hi vọng gì vào chuyện nó sẽ bình phục, nó sẽ tưởng lầm ta dọn hết đồ đạc đi để mặc cho nó lạnh lẽo cô đơn…”, Gregor Samsa đã suy nghĩ về tình trạng bi đát hiện tại của mình: “Lời mẹ anh nói làm Gregor nhận ra rằng hai tháng trời không hề được nói chuyện trực tiếp với con người cùng với lối sống đơn điệu trong gia đình hẳn đã làm đầu óc anh mụ mẫm, nếu không thế thì làm sao anh cắt nghĩa được việc anh háo hức mong đợi người ta dọn hết đồ đạc trong phòng anh đi. Có thật anh muốn căn phòng ấm cúng, hết sức phù hợp với đồ đạc cổ kính của gia đình biến thành một cái hang trần trụi trong ấy anh chắc chắn sẽ tha hồ bò khắp nơi không bị cản trở, nhưng đồng thời phải trả giá bằng cách rứt bỏ mọi cái gì đến quá khứ con người của anh?

    Thực tế, anh đã bước đến quá gần miệng vực lãng quên đến nỗi chỉ có tiếng nói của mẹ anh, tiếng nói mà lâu rồi anh không được nghe, mới kéo lùi anh lại. Không được lấy bất kì thứ gì ra khỏi phòng anh, tất cả phải để nguyên như cũ, tâm thái anh cần sự tác động tác động tốt đẹp của đồ đạc, và cho dù chúng nó có cản trở không cho anh bò luẩn quẩn theo những vòng tròn vô nghĩa thì đó chẳng phải là điều hạn chế mà là một thuận lợi lớn lao”.

    Bi kịch bị tha hóa của Gregor Samsa được nhà văn miêu tả đặc sắc qua đoạn độc thoại trên. Anh luôn khao khát được trở lại thành người, được trở lại hình dạng cũ. Nỗi khát khao người ấy luôn tồn tại bên trong hình dạng một con bọ: “Anh có phải là một con thú không, khi âm nhạc vẫn còn tác động đến anh mạnh mẽ dường ấy? Anh có cảm tưởng như trước mặt anh đang rộng mở con đường dẫn đến những thức ăn lạ lùng mà anh đã khao khát. Anh quyết định trườn đến cô em gái, giật nhẹ vào tà váy để cho cô biết cô phải mang vĩ cầm vào phòng anh, bởi vì ở đây không có ai đánh giá được tiếng đàn của cô như anh”.

    Nhận thức rất rõ tình trạng bi đát trong thân hình con bọ nhưng không thể nào thoát ra được càng thấy rõ bi kịch bị tha hóa của Gregor Samsa. Đó là bi kịch của con người bị tách ra khỏi cộng đồng, con người không còn là con người nữa.

    Vấn đề thân phận con người nhỏ bé, bất lực và bị tha hóa đã được Franz Kafka thể hiện sâu sắc qua thủ pháp “lộn trái huyền thoại” – tách con người ra khỏi cộng đồng.

    Thêm vào đó, với bút pháp xóa ranh, Franz Kafka đã xóa nhòa ranh giới giữa cái bình thường và cái ảo (yếu tố huyền thoại). Cái bình thường và cái ảo đồng đẳng, cùng tồn tại chung trong một thế giới. Cái ảo đã trở thành cái bình thường, thậm chí tầm thường. Dùng cái ảo để thể hiện cái bình thường, tầm thường, Franz Kafka đã nhấn mạnh tính chất tầm thường, nhỏ bé, bất lực và bị tha hóa của thân phận con người trong xã hội hiện đại. Điều này cho thấy sự bi quan của Franz Kafka trong quan niệm về thân phận con người.

    Dù sáng tác tác phẩm theo chủ nghĩa huyền thoại nhưng Franz Kafka lại có sự sáng tạo độc đáo trong bút pháp. “Sự biến cải thế giới đời thường” của Franz Kafka không lặp lại các môtip huyền thoại nguyên thủy. Điều này không chỉ thể hiện ở “Hóa thân” mà còn ở nhiều tác phẩm khác của ông như: “Lâu đài”, “Vụ án”, “Một người thầy thuốc nông thôn”,… Đây là một trong những “điểm hút”, sự hấp dẫn của tác phẩm Franz Kafka đối với người đọc qua nhiều thế hệ trên khắp thế giới. Đọc truyện huyền thoại của Kafka, người đọc vừa phải tìm những yếu tố thần thoại – sáng tạo, suy nghĩ về ý nghĩa vấn đề tác giả đặt ra sau cách thể hiện hết sức sáng tạo và hiện đại ấy.

    Tóm lại, yếu tố huyền thoại được thể hiện trong tác phẩm “Hóa thân” không nhiều như trong “Vụ án”, “Một người thầy thuốc nông thôn”,… nhưng lại gây ấn tượng hết sức mạnh mẽ đối với người đọc. Có thể nói, nguyên nhân quan trọng là tác giả đã sử dụng xuất sắc thủ pháp “lộn trái huyền thoại” và “xóa ranh” giữa cái bình thường và cái kì ảo. Nhân vật Gregor Samsa biến dạng thành con bọ và chết đi trong hình dạng con bọ. Niềm khao khát đựợc trở lại kiếp người của anh không được thỏa mãn. Chính cái kì ảo đó đã tô đậm hơn sự bất lực và bị tha hóa của con người trong cuộc sống hiện đại. Cái chết đầy đau khổ của một con người muốn thoát khỏi thân xác con bọ, trước niềm vui sướng của những người thân yêu nhất làm cho người đọc cảm nhận được sự bi quan và dự cảm bi đát của Franz Kafka về thân phận con người hiện đại.
     
    Chỉnh sửa cuối: 18/9/15
    htahta, KhoaDG, big_daddy and 4 others like this.
  8. cxz27

    cxz27 Lớp 7

    Bìa của Nhã Nam sao không thêm vào mà mình tải về về đó là bìa của bản cũ thế bạn ơi. Bản mới mình đọc thử trên tiki.vn nó cùng một dịch giả nhưng họ biên tập khác rồi.
     
  9. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    Đọc Kafka là lần được khai sáng trong việc đọc văn chương với những ấn tượng nặng nề. Tác phẩm Kafka không nhiều nhưng toàn kiệt tác, trong số đó nổi bật nhất chắc hẳn là truyện Metamorphosis, được dịch ra tiếng Việt là Hóa thân.

    Metamorphosis là một câu chuyện hóa thân với những chồng chéo nhân dạng và những hình ảnh ẩn dụ có nhiều cách hiểu. Suốt truyện từ mở đầu đến kết thúc không có bất cứ giải thích nào về việc tại sao Gregor lại biến thành côn trùng. Rõ ràng, điều này không quan trọng đối với Kafka, và hơi có màu sắc hư vô, siêu thực, rất Kafkasque. Đoạn đầu của Hóa thân là những trang viết thiên tài. Dòng nhận thức của nhân vật chính Gregor cuốn quắp nhận thức của độc giả trôi đi một cách quái đản và rất tự nhiên.

    Phần lớn sự mỉa mai và đặc sắc của truyện này nằm trong phân cảnh Gregor nỗ lực tìm cách ra khỏi giường. Hình hài côn trùng quái đản của mình làm anh ta thật khó xoay trở. Nhưng dòng suy tưởng của Gregor chỉ hướng đến công việc và nỗi lo lắng lớn nhất của Gregor là với hình dạng mới sẽ làm anh ta trễ chuyến tàu đến sở làm. Dòng nhận thức của Gregor quá tỉnh bơ và phi lý. Chẳng lẽ sự hóa thân từ người thành bọ chưa đủ kinh khủng, chấn động để đầu óc tập trung vào đó?

    Chi tiết này làm người đọc mất thoải mái và phải tư duy. Hình ảnh người/bọ này được giới khoa bảng mổ xẻ phức tạp với những giả thiết về nhân dạng kép; hay hình ảnh này được xem như một cuộc hóa thân chưa hoàn toàn với tâm trí và thể xác vẫn còn thuộc về hai bản thể tách biệt của người và bọ (cuộc hóa thân tiếp tục theo thời gian khi Gregor dần quên đi tính người và hoàn tất ở cuối truyện).

    Lời giải thích cho sự phi lý trong suy nghĩ của Gregor lúc vừa tỉnh dậy chỉ có thể từ lối sống công nghiệp máy móc. Kể từ cuộc cách mạng công nghiệp ở phương Tây, lối sống căng thẳng đã biến đổi một số người. Họ bị huấn luyện để nỗi sợ bị mất việc lấn át những nhu cầu bản thân. Thiếu tôn trọng bởi người chủ, họ trở thành những cái máy, những thân phận bị ruồng rẫy, những kẻ ngoại cuộc. Ở đây, Gregor trở nên một cỗ máy tự động, chạy theo quán tính đến nỗi anh ta không thể thấy được ngay cả sự hóa thân của mình. Rõ ràng đây là một quá trình giải nhân, phá vỡ con người.


    Khá thú vị là hình ảnh hóa thân trong Metamorphosis có thể làm liên tưởng đến một truyện sớm hơn của Kafka là Wedding Preparations in the Country. Trong truyện này nhân vật Eduard Raban tưởng tượng anh ta phân thân ra làm hai bản thể khác nhau: một con bọ khổng lồ trùm chăn nằm nhà còn lớp vỏ con người đi về miền quê để làm đám cưới. Cái lạ ở đây là bản thể của Raban dưới dạng con bọ đem đến cảm giác bảo vệ, ấm áp chứ không hề gớm ghiếc. Raban cảm thấy là chính mình dưới lớp vỏ cứng, trần trụi, nhưng thỏa mãn, còn lớp vỏ con người như một bộ cánh rỗng ruột, không ý nghĩa, vô dụng, thay mặt anh ta hòa vào dòng chạy đông đúc của những bộ cánh khác để thực hiện những giao tiếp xã hội. Có thể, Metamorphosis đang biến giấc mơ của Raban (hoặc Kafka) thành hiện thực.

    Một phân tích lạ khác cũng liên quan đến giấc mơ thú vật này là hình ảnh người đàn bà khoác lông thú được lồng vào khung tranh treo trang trọng trong phòng Gregor. Nhiều nghiên cứu chỉ ra sự trùng hợp giữa hình ảnh người phụ nữ lông thú, cũng như một phần cốt truyện Hóa thân, với tác phẩm Venus in Furs (1870) của Sacher-Masoch. Điểm mấu chốt ở đây là sự giống nhau giữa hình ảnh lông thú trong hai tác phẩm. Lông thú ở đây là ẩn dụ cho sự thèm khát giới tính, có thể hiểu theo Freud khi lông thú gợi cho bái vật (fetish) nhớ đến bộ phận sinh dục người mẹ và chùm lông.

    Do đó, Gregor có thể chất chứa một thèm khát tình ái nam nữ qua việc nâng niu, cắt và đóng khung bức hình người phụ nữ khoác lông thú. Khung hình này thể hiện sự ngăn cách nỗi thèm khát của Gregor với giấc mơ nam nữ, vì ta được biết trong truyện rằng anh vẫn còn độc thân. Hơn nữa, việc đóng khung bức hình như là nâng hình ảnh người đàn bà lên tầm của một thứ nghệ thuật mà Gregor không thể thực sự với tới. Trong đoạn mẹ và em gái Gregor dọn phòng và đem đồ đạc của anh ta đi, Gregor gấp gáp chọn một thứ đồ để bảo vệ, và bản năng khiến anh chọn bức hình đóng khung.

    Gregor, dưới hình dạng một con bọ/gián khổng lồ, dán mình lên mặt kiếng của khung hình để ngăn người ta đem nó đi. Ở đây, tiếp xúc thân xác với nghệ thuật khiến Gregor thỏa mãn khoái cảm, khi mặt bụng nóng hổi của thân xác bọ dán lên mặt kiếng mát lạnh của khung hình người đàn bà lông thú.

    Chính cái lớp kiếng ngăn cách Gregor với hình ảnh nghệ thuật, với thèm khát nam nữ, lại chính là nguồn khoái cảm. Điều này có thể làm người đọc liên tưởng đến những kỳ quái trong cuộc đời Kafka, khi ông có vẻ luôn cố tình tạo ra những hoàn cảnh khó khăn để phục vụ cho cảm hứng văn chương của mình. Những ví dụ khá rõ là quan hệ cha con và quan hệ nam nữ (những lèng èng với Felice, vị hôn thê năm lần bảy lượt) của Kafka.
     
    htahta, big_daddy, daohaine and 2 others like this.
  10. guesswho

    guesswho Lớp 3

    Vừa đọc xong cái tóm tắt của truyện này làm mình nghĩ ngay đến manga Bug boy của Hideshi Hino.
     
    trantung and Heoconmtv like this.
  11. trantung

    trantung Mầm non

    Vụ Án
    Tác giả: Franz Kafka
    Thể loại: Tiểu Thuyết
    Dịch giả: Phùng Văn Tửu
    Biên tập: Duy Vo
    Bìa: nguyễn trần anh huy
    Created by: Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Date: 05-October-2015

     

    Các file đính kèm:

  12. dxinh89

    dxinh89 Lớp 4

    Chỉnh sửa đôi chút.
     

    Các file đính kèm:

Chia sẻ trang này