Mạc Đăng Dung - Lưu Văn Khuê

Thảo luận trong 'Tủ sách Văn học trong nước' bắt đầu bởi assam1719, 4/10/13.

Moderators: Bọ Cạp
  1. assam1719

    assam1719 Lớp 12

    Tên truyện : Mạc Đăng Dung
    Tác giả : Lưu Văn Khuê
    Thể loại : Văn học trong nước
    Nhà xuất bản : Hải Phòng
    Năm xuất bản : 2007
    Nguồn : Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link




    Lưu Văn Khuê với tiểu thuyết lịch sử “Mạc Đăng Dung”

    Tác giả Lưu Văn Khuê - hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng - đã có gần 30 năm cầm bút sáng tác truyện cho thiếu nhi, với những cuốn truyện vừa Hành tinh màu da cam (NXB Kim Đồng - 1991) - tác phẩm đoạt Giải thưởng của Trung ương Đoàn và Hội Nhà văn Việt Nam, Có một mùa bóng đá (NXB Kim Đồng - 1990) mới đây được Hãng phim Giải Phóng dựng thành phim U14 đội bóng trong mơ. Lưu Văn Khuê còn có một loạt tác phẩm về đề tài lịch sử và đề tài cách mạng. Mới đây, anh được NXB Hải Phòng cho ra mắt bạn đọc liền 2 tiểu thuyết. Tiểu thuyết Một thời vệ quốcviết về những năm tháng của đất nước trong thời kì "ngàn cân treo sợi tóc". Tác giả dựa trên tư liệu lịch sử về những sự kiện diễn ra ở Hải Phòng từ sau Cách mạng tháng Tám đến ngày nổ ra “Sự kiện Hải Phòng”, ngày đánh dầu cho thành phố Cảng mở đầu ở Miền Bắc bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Pháp. Còn tiểu thuyết lịch sử Mạc Đăng Dung viết về thân thế và sự nghiệp một danh tướng đã lập lên vương triều Mạc cùng những thăng trần của đất nước ta trong thế kỉ XVI.

    Trong nền văn học Việt Nam, mảng thể loại tiểu thuyết lịch sử không mạnh. Suốt cả thời kỳ phong kiến cho đến những năm Pháp thuộc, chỉ thấy nhắc đến những tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái và Trùng Quang tâm sửcủa Phan Bội Châu. Sau này, trong nền văn học Việt Nam hiện đại, vẫn rất ít người viết tiểu thuyết lịch sử, vì nó ít được chú ý, nên cũng rất ít tác phẩm có thể để lại dư âm lâu dài. Trong tình hình đó, có được một cuốn tiểu thuyết lịch sử như tác phẩm Mạc Đăng Dung (NXB Hải Phòng - 2007) của nhà văn Lưu Văn Khuê thì thật là đáng quý và đáng đọc.
    Để dễ tiếp cận với nội dung cuốn tiểu thuyết Mạc Đăng Dung của Lưu Văn Khuê cũng như những cuốn tiểu thuyết lịch sử của các tác giả khác, xin trước hết được lạm bàn đôi chút về thể loại văn học lịch sử này. Trên thế giới tồn tại nhiều trường phái, cũng là do có những quan niệm khác nhau về tiểu thuyết lịch sử, về cách viết truyện lịch sử. Tuy nhiên, vẫn có thể qui vào 2 quan niệm bao trùm. Thứ nhất là tôn trọng sự kiện lịch sử, từ đó hư cấu. Thứ hai là không coi trọng sự thật lịch sử, coi lịch sử chỉ là cái cớ. Có thể xếp hầu hết các tiểu thuyết lịch sử cổ điển của Trung Quốc vào trường phái thứ nhất, dẫu tỉ lệ sự thật lịch sử và hư cấu đậm nhạt khác nhau, nhưng phần sự thật không bao giờ quá ít. Tiểu thuyết lịch sử Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung theo tỉ lệ “bảy thực ba hư” như chính tác giả tuyên bố. Còn tác phẩm Thuỷ hử của Ngô Thừa Ân thì phần hư cấu nhiều hơn, có lẽ là “ba thực bảy hư”. Đấy cũng là trường hợp tiểu thuyết Pie Đại đế của nhà văn Nga Alecxei Tolstoi. Có người coi cuốn Pie Đại đế thuộc loại tiểu thuyết tôn trọng sự thật lịch sử, còn tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa thì thuộc loại tiểu thuyết viết theo nhãn quan chính trị chính thống của thời đại mà tác giả đang sống. ở đây, cần nói một cách sòng phẳng là, dù có tôn trọng sự kiện lịch sử đến mấy, nhà văn nếu không bị chi phối bởi nhãn quan chính trị chính thống của thời đại thì cũng theo quan điểm của chính mình, nên không thể nói những nhà tiểu thuyết theo trường phái này là hoàn toàn tôn trọng lịch sử. Bởi chính các nhà viết sử – những người cần tôn trọng lịch sử hơn ai hết cũng vậy và nhiều khi còn bị phụ thuộc vào những gì có khi chính họ không muốn. Nói về thể loại văn học lịch sử, ở Trung Quốc và cả ở nước ta ngày trước, còn có các thể ký, truyện, chí. Đọc những cuốn Sử ký của Tư Mã Thiên hay cuốn Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, sẽ thấy nhiều chỗ có sức hấp dẫn của tác phẩm văn học và có cảm tưởng như được đọc những trang tiểu thuyết. Điển hình cho trường phái tiểu thuyết lịch sử thứ hai đã nói ở trên, là nhà văn Pháp Alexandre Dumas (cha) với những tác phẩm Ba chàng ngự lâm pháo thủ, Hoàng hậu Margo... Dumas từng nói: "Lịch sử là cái đinh, ở đó tôi treo móc những bức tranh của tôi". “Đi quá” hơn nữa là lối viết dựa vào các sự kiện lịch sử, nhưng làm nó biến dạng hẳn đi, đó là các tiểu thuyết dã sử, tiểu thuyết kiếm hiệp,... Với quan điểm như Dumas và các nhà viết truyện kiếm hiệp, có lẽ không nên xếp tác phẩm của họ vào loại tiểu thuyết lịch sử, vì cái gọi là lịch sử trong đó không thể tin cậy, với những người ít hiểu biết, thứ “lịch sử” đó thậm chí còn làm nguy hại tới nhận thức của họ. Như vậy, chỉ nên coi những truyện thuộc loại coi trọng sự thật lịch sử là tiểu thuyết lịch sử đích thực, bởi ở đó, nhà văn tái tạo lịch sử và chân dung nhân vật vốn đã định hình một cách trung thực theo quan điểm lịch sử và cái nhìn tiên tiến, sự hư cấu nghệ thuật không thể đi quá giới hạn cho phép.


    Tiểu thuyết lịch sử ở Việt Nam lâu nay thường viết về những những sự kiện hào hùng của đất nước, những nhân vật anh hùng biểu tượng cho cái cao thượng và tinh thần dân tộc, được thể hiện qua những chiến công hoặc sự nghiệp của họ. Thế nên như nhà văn Nguyễn Xuân Khánh viết về Hồ Quý Ly và giờ đây như nhà văn Lưu Văn Khuê viết về Mạc Đăng Dung với cái nhìn công bằng đối với những nhân vật ấy, là hiếm hoi, vì theo quan điểm phong kiến chính thống, thì những nhân vật này là những nghịch thần, dám giết vua để chiếm ngai vàng, triều đại do họ tạo dựng nên bị coi là ngụy triều. Quan điểm như vậy không lạ, nhất là ở các sử thần triều Lê, triều Nguyễn, khi họ phải viết theo quan điểm chính thống. Điều ngạc nhiên là, chính chúng ta ngày nay cũng ít nhiều còn bị lệ thuộc vào quan điểm ấy. Chẳng hạn, Lê Chiêu Thống (tên tục là Lê Duy Khiêm, còn có tên là Duy Kỳ), tên vua đã rước quân Thanh vào xâm lược nước ta, luôn luôn được gọi theo niên hiệu, còn Mạc Đăng Dung (miếu hiệu là Mạc Thái Tổ, niên hiệu là Minh Đức) lại bị gọi theo tên tục! Trong lịch sử nước ta, việc chiếm ngôi không hiếm, nhưng nhà Tiền Lê, nhà Trần, nhà Tây Sơn sau khi có được ngai vàng, đã lập chiến công chống ngoại xâm, nên ít nhiều vẫn được các sử thần phong kiến ca ngợi; còn nhà Hồ, nhà Mạc không được như thế, mặc dù dưới triều đại của mình, họ đã làm những việc cải cách tiến bộ hơn hẳn những năm suy vong cuối cùng của triều đại trước. Gần đây, theo quan điểm đổi mới, nhận thức của chúng ta đã có khác. Một triều đại mục ruỗng với những ông vua đồi bại, được thay thế bởi một triều đại mới với ông vua tiến bộ hơn, đó là điều hợp với “lẽ trời”. Những hội thảo khoa học mới đây về Mạc Đăng Dung ở Hải Phòng và việc từ đường họ Mạc ở xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) - quê hương nhà Mạc - được công nhận là Di tích lịch sử – văn hoá cấp quốc gia, đã gỡ bỏ được nhiều quan điểm cũ. Nhà Mạc đã được coi là một vương triều chính thống và trên thực tế đã tồn tại tới 65 năm, từ 1527 đến 1592, với 5 đời vua, cha truyền con nối kỷ cương, thời gian kéo dài hơn rất nhiều so với nhà Đinh (14 năm) được Nguyễn Trãi nhắc đến trong tác phẩm Bình Ngô đại cáo.

    Với tiểu thuyết Mạc Đăng Dung, tác giả Lưu Văn Khuê đã chứng minh cho cái “lẽ trời” ấy một cách thuyết phục. Nhà Lê bắt đầu từ Uy Mục, Tương Dực đã không còn là nhà Lê của Thái Tổ và Thánh Tông. Với kiến thức phổ thông, chúng ta chỉ biết Uy Mục và Tương Dực là “vua lợn”, “vua quỷ”; Tương Dực giết Uy Mục giành lấy ngôi báu, bắt cung nữ cởi truồng chèo thuyền ở hồ Tây... Đọc tiểu thuyết Mạc Đăng Dung, qua các sự kiện và tính cách, với sự hư cấu hợp lý của tác giả, càng thấy rõ nhà Lê đến đó đã không thể tồn tại. Anh em trong hoàng tộc giết hại lẫn nhau khốc liệt: Uy Mục tự tử mà còn bị Tương Dực cho người lấy súng lớn đặt xác vào miệng súng, súng nổ làm tan hài cốt; sau này chỉ do nghi ngờ chưa đủ căn cứ mà Tương Dực đã giết một lúc 15 hoàng thân, đến mức ít năm sau những thế lực phù Lê, đứng đầu là Nguyễn Kim muốn tìm con cháu nhà Lê để quy tụ lòng người đã phải rất khó khăn. Với những ông vua như vậy ắt hẳn liên tiếp sẽ gặp hết thế lực này đến thế lực khác âm mưu chiếm đoạt ngai vàng: Trần Tuân, Trần Chân ở Sơn Tây, Trần Cảo ở Đông Triều, Trần Thăng ở Lạng Sơn. Đến một tên hoạn quan là Nguyễn Khắc Hài cũng mưu đưa con của anh trai mình lên ngôi vua và Nguyễn Tùng, con một tên phò mã, cũng mang ý đồ tương tự. Cuối cùng mới tới Mạc Đăng Dung. Chỗ dựa của nhà Lê là hai họ Nguyễn, họ Trịnh ở Thanh Hoá, nhưng chính hai họ này lại tranh giành quyền lực và âm mưu tiêu diệt nhau, nên không đủ sức mạnh để cản trở Mạc Đăng Dung. Kết quả, vua Lê Chiêu Tông phải bỏ trốn khỏi kinh thành kêu gọi cần vương khi việc mưu triệt họ Mạc bị bại lộ, cuối cùng thì bị bắt ở Thanh Hoá. Tác giả dành gần 350 trang so với 509 trang của tiểu thuyết để tạp trung chứng minh cho cái “lẽ trời” ấy, với những câu chuyện hấp dẫn và những tính cách sinh động. Tuy những trang viết ấy lôi cuốn bạn đọc, nhưng với dung lượng như vậy có lẽ là hơi nhiều.

    Nhân vật Mạc Đăng Dung hiện ra không chỉ là người có sức khoẻ, nhà nghèo, làm nghề đánh cá, vào thời Uy Mục đi thi tuyển dũng sĩ đã trúng Đô lực sĩ như sử sách có ghi, dựa vào những nhận định khá khách quan của các sử gia như Ngô Sĩ Liên, Lê Quý Đôn về Đăng Dung, tác giả đã dựng lên một Mạc Đăng Dung nho nhã, am hiểu sâu sắc sách vở thánh hiền, văn võ song toàn, ngay thẳng, đầy trí tuệ, bao dung và nhân ái. Từ chuyện có thật trong lịch sử là Mạc Đăng Dung ban sắc phong cho dân chúng thờ Đàm Thận Huy, một trung thần của nhà Lê, tác giả hư cấu thành chuyện cho người mấy lần cố công chiêu thuyết Thận Huy hàng Mạc lại cho thấy một Mạc Đăng Dung cầu hiền và quí trọng nhân tài. Tác giả cũng không bỏ qua một sự kiện có thật khác mà trong con mắt của các thế lực phù Lê thì đó chỉ là hành động mị dân, đấy là việc Đăng Dung lặn lội về tận Thanh Hoá thắp hương ở lăng các vua Lê tại Lam Kinh. Những chi tiết về Đăng Dung ở hội hát đúm; việc ông vinh qui và tới thắp hương cho Cả Lấm, người “khai quyền” cho mình; việc lập chợ Minh Thị và cho dựng Vọng Giang lâu bên sông để hai công chúa goá chồng là em gái và con gái nuôi của mình trông coi buôn bán còn cho thấy một Mạc Đăng Dung thấm đẫm tình người và chú trọng việc mở mang thông thương... Tiểu thuyết không dừng lại ở Mạc Đăng Dung mà dẫn người đọc tới đoạn kết của chính nhà Mạc sau khi ông vua khai sáng nhà Mạc ấy đã mất. Nếu sự nghiệp chính của Mạc Đăng Dung là dựng lên triều đại mới và tiêu diệt những thế lực phù Lê thì sự nghiệp đáng kể của Mạc Đăng Doanh, ông vua kế tiếp, là kiến thiết đất nước.

    Mười năm trị vì của Đăng Doanh là những năm được mùa, trộm cắp biệt tăm, súc vật nuôi không phải dồn vào chuồng, dân chúng yên ổn, nghề thủ công và buôn bán phát triển. Đình làng với mục đích là nơi thờ thành hoàng và hội họp ra đời chính vào thời Mạc và cũng từ thời Mạc, ấm chén có đóng dấu tên người sản xuất và người đặt hàng, nói như cách nói ngày nay là mang thương hiệu. Nhưng sau đó, các vua Mạc lại vấp phải vết xe đổ của chính nhà Lê, làm cho nền chính trị thối nát, tài năng bị ghen ghét, nhiều người tài giỏi tìm cách vào Thanh Hoá theo Nam triều. Cuối cùng nhà Mạc bị quân Lê - Trịnh đánh bật khỏi Thăng Long, phải chạy lên Cao Bằng và kết thúc tại đấy. Để có cái nhìn toàn cảnh về nhà Mạc, tác giả viết tiếp vĩ thanh tóm tắt 96 năm nhà Mạc ở Cao Bằng và cũng là thời kỳ bắt đầu của cuộc Trịnh – Nguyễn phân tranh.

    Phần phụ lục không nằm trong nội dung tiểu thuyết và chỉ có 8 trang nhưng rất được độc giả chú ý vì tác giả đã liệt kê danh sách 369 chi họ Mạc và chi họ gốc Mạc ở 25 tỉnh thành phố hiện nay, ngoài ra còn kể tên một số nhân vật lịch sử và những người đang sống là con cháu nhà Mạc. Sẽ bất ngờ và thú vị với không ít người khi thấy trong đó những cái tên: Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu, các liệt sĩ Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Sơn, Phan Đăng Lưu, rồi tướng Phạm Kiệt, nhà văn Chu Thiên, anh hùng Mạc Thị Bưởi, anh hùng Hoàng Hanh, các giáo sư: Phạm Thiều, Hoàng Tuỵ, Hoàng Phê, Hoàng Lê, Vũ Đình Cự, Phan Đăng Nhật, Mạc Đường, nhạc sĩ Hồng Đăng, nhà văn Hoàng Trần Cương...

    Viết tiểu thuyết lịch sử phải có nhiều tư liệu, kể cả chính sử và dã sử để trình bày, lý giải và đánh giá các sự kiện chính trị, xã hội, những thành công và sai lầm trong điều hành đất nước và trong chiến tranh của các nhân vật lịch sử. Trong tiểu thuyết Mạc Đăng Dung, tác giả vừa đảm bảo tính chân thực của lịch sử, vừa có những suy nghĩ độc lập. Thực ra việc ngày trước nhiều người nghĩ xấu về nhà Mạc là do lệ thuộc vào quan điểm của Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược chứ các sử gia phong kiến như Ngô Sĩ Liên, Lê Quý Đôn không hoàn toàn như vậy, các vị có cái nhìn công bằng hơn.

    Vấn đề tồn tại duy nhất về nhà Mạc cho đến nay vẫn còn gây tranh cãi, cũng từ nhận định mạnh mẽ trong Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim là Mạc Đăng Dung cởi trần mang roi lên Nam Quan chịu tội trước nhà Minh và cắt đất cho họ cũng được tác giả đề cập đến. Dựa vào những nghiên cứu mới nhất qua các hội thảo khoa học gần đây, tác giả thanh minh cho nhà Mạc rằng việc cắt đất không hề có. Mạc Đăng Dung đã tìm nhiều cách để không làm việc ấy khiến vua Minh phải gọi ông là “gian trá”!

    Nói chung, ở tiểu thuyết Mạc Đăng Dung, nhà văn Lưu Văn Khuê có cái nhìn đúng đắn và công bằng với tất cả các nhân vật của mình, với sức thuyết phục lớn. Chỉ tiếc, nhân vật chính diện Mạc Đăng Dung cho dù được Lưu Văn Khuê dành nhiều trang, nhưng lại không có được những đường nét sinh động cần thiết như khi tác giả khắc họa những nhân vật phản diện. Không kể phần vĩ thanh, tác giả cũng đã tái tạo được hơn 40 năm lịch sử của thế kỷ XVI một cách khá sinh động. Các chi tiết hư cấu đã không đi quá giới hạn cho phép, dẫu tác giả phê phán khá mạnh tay khi viết về Lê Hiến Tông, Lê Uy Mục, Lê Tương Dực và cố gắng tập trung đề cao Mạc Đăng Dung. Từ những dòng nhỏ của sử sách, Lưu Văn Khuê đã trình bày khá rõ không khí và không gian lịch sử, khéo léo dựng người, dựng cảnh. Người viết hẳn phải có trong tay những tư liệu rất “tạp” để viết về những địa danh và quang cảnh xưa. Cảnh đấu võ giành ngôi Đô lực sĩ khá hấp dẫn. Chuyện về ngựa cũng tạo được sự thú vị và mang đến những hiểu biết bất ngờ cho bạn đọc. Chuyện phòng the ở chốn cung đình gây khá nhiều sửng sốt cho sự hiểu biết, bởi như có vẻ sex nhưng sự thật thì gần như vậy. Chuyện tuyển chọn và xếp thứ bậc các cung tần mỹ nữ, chuyện hoạn quan và cả chuyện pháp trường... tất thảy đều có thể mang đến cho người đọc những hiểu biết, những sự hứng thú nhất định.

    Tiểu thuyết lịch sử Mạc Đăng Dung của Lưu Văn Khuê là cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết về nhà Mạc. Hiện nay, kiến thức lịch sử về nhà Mạc trong công chúng, đặc biệt là trong nhà trường, đã thiếu hụt trầm trọng, lại được truyền thụ một cách nhàm chán tới mức báo động. Với tiểu thuyết Mạc Đăng Dung, người đọc sẽ được bù đắp và thoả mãn ít nhiều.

    HOÀI KHÁNH
    (Theo Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link)

    Người viết bài: Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Nguồn: TVE
     

    Các file đính kèm:

  2. cao điền Tâm

    cao điền Tâm Mầm non

    Cuốn này hay quá.Cám ơn bạn nhiều.
    Sách nói về Đăng Dung mình thấy cũng ít.Nhớ ngày trước có cuốn Hận Long Tuyền với câu "...Long Tuyền mấy độ bóng trăng soi"
     
    springsm101 thích bài này.
  3. lamtam

    lamtam Sinh viên năm I

    Bản epub làm từ prc:
     

    Các file đính kèm:

    Chỉnh sửa cuối: 28/3/20
Moderators: Bọ Cạp

Chia sẻ trang này