Cổ điển Thông diễn học của Hegel - Paul Redding

Thảo luận trong 'Tủ sách Triết học' bắt đầu bởi Nguyễn Trọng Tiến, 4/9/14.

Moderators: Do dai hoc NEU, yam2408
  1. Tên sách: Thông diễn học của Hegel
    Tác giả: Paul Redding
    Dịch giả: Lê Tuấn Huy
    Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh 2006
    Số trang: 426
    Định dạng: Pdf

    ....................................................
    G.W.F. Hegel (1770- 1831) - triết gia Đức; là gương mặt có nhiều thăng trầm trong cách đánh giá và diễn giải. Là người làm sống lại biện chứng pháp của Socrates và Plato một cách tích cực; cha đẻ của Chủ nghĩa duy tâm tuyệt đối; "cái Toàn thể" trong hệ thống của Hegel luôn luôn gơi lên một sự kinh sợ của một con quái vật toàn trị muốn nuốt chửng tất cả. "Nơi Hegel, ta gặp một nhân vật trí thức hiếm hoi nhưng lại được phú cho phẩm chất của một chính khách. Quyền uy, cha chú, cứng rắn, phán truyền. Về tư chất tâm thần, ông không có gì chung với Platon lẫn Descates, với Spinoza lẫn Kant. Về tính khí, đúng ra ông thuộc hàng ngũ những người như: Caesar; Doikletian, Thành cát Tư hãn, Barbarossa. Tất nhiên ông không phải là họ nhưng đây là do lối suy tưởng của ông. Triết học của ông là có tính đế chế, tính Xê da, tính Thành cát tư hãn. Và vì thế mà mới có chuyện: từ trên giảng tòa của mình, ông ngự trị Nhà nước Phổ về mặt chính trị, và ngự trị một cách chuyên chế." (1)
    Hegel bị phê phán từ nhiều điểm nhìn; chủ yếu xuất phát từ sự mờ mịt trong cách trình bày học thuyết của mình cũng như tham vọng vươn tới cái tuyệt đối của ông. Deleuze cho rằng; kẻ thù chính của Nietzsche là Hegel .Nietzsche bày tỏ một sự khinh bỉ không che dấu đối với biện chứng pháp; sản phẩm của nền tư tưởng Châu Âu kể từ Socrates và hoàn thiện nơi Hegel. Biện chứng pháp là sản phẩm của ý thức phẫn hận và các sức mạnh phản ứng; là công cụ của kẻ nô lệ muốn biến ông chủ thành nô lệ (2) "Sự hài hước của Socrate là một biểu lộ của phản kháng? Của lòng hờn oán của đám hạ lưu? Ông ta có thích thú nếm mùi tàn bạo của chính mình trong mũi dao nhọn của tam đoạn luận, như một kẻ bị áp chế không? Ông có trả thù những người quí phái ông dụ hoặc không? - Là một nhà biện chứng, người ta nắm trong tay một khí cụ tàn nhẫn; với sự trợ giúp của nó người ta có thể làm một bạo chúa; người ta thỏa hiệp trong khi chiến thắng. Nhà biện chứng để nó lại cho địch thủ để chứng tỏ rằng hắn không phải là một tên ngốc: hắn làm người ta nổi điên và đồng thời trở nên bơ vơ không nơi nương tựa. Nhà biện chứng bất lực hóa trí tuệ đối thủ. Sao? Biện chứng pháp chỉ là một hình thức trả thù trong trường hợp Socrate?" (3)
    K. Marx bảo lưu phương pháp biện chứng của Hegel ;tuy nhiên ông phê phán gay gắt chủ nghĩa duy tâm của Hegel và các đệ tử. K. Marx chỉ ra rằng; Feuerbach là người đầu tiên chỉ ra mâu thuẫn trong biện chứng pháp Hegel chỉ là mâu thuẫn giữa bản thân triết học với chính nó. Do đó, triết học Hegel đơn thuần là triết học tư biện; không có cơ sở thực tiễn nào cả (4) Ông chỉ rõ: "Tiền đề đầu tiên của toàn bộ lịch sử nhân loại thì dĩ nhiên là sự tồn tại của những cá nhân con người sống. Có thể phân biệt con người với súc vật, bằng ý thức, bằng tôn giáo, nói chung bằng bất cứ cái gì cũng được. Bản thân con người bắt đầu bằng tự phân biệt với súc vật ngay khi con người bắt đầu sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt của mình" (5) Tuy nhiên, ông đánh giá rất cao triết học Hegel, trong lời nói đầu cho bộ Tư bản, ông chỉ ra rằng: “Ở Hê-ghen, phép biện chứng bị lộn ngược đầu xuống đất. Cần dựng nó lại để phát hiện được cái hạt nhân hợp lý của nó ở đằng sau lớp vỏ thần bí” (6)
    K. Poper - nhà triết học khoa học nổi tiếng người Áo; có thể nói là người phê phán Hegel một cách quyết liệt nhất. Ông cho rằng logic biện chứng của Hegel là một trò lừa bịp; được tạo ra bởi một ảo thuật gia phi thường. Biện chứng pháp - theo Poper - phát huy tác dụng nếu như quan niệm nó là một quy luật của tư duy; chứ không phải là "quy luật tuyệt đối" của Tinh thần tuyệt đối như của Hegel. Nó chỉ được sử dụng như một minh họa cho phương pháp thử và sai; là phương pháp quan trọng nhất trong việc thúc đẩy sự phát triển của khoa học. Còn ngoài phạm vi đó, nó hoàn toàn chỉ là một trò ngụy biện; có thể biến trắng thành đen bất cứ lúc nào. Biện chứng pháp biến các mệnh đề của mình thành không thể phê phán; không thể kiểm sai; là điều không thể chấp nhận được đối với một học thuyết muốn tự xưng mình là khoa học (7) Poper kết tội Hegel là kẻ rao giảng một thứ triết học sấm truyền; không thể chứng minh được - cũng không thể bác bỏ được; là kẻ theo chân của Plto và Aristotles trong việc muốn bảo lưu một xã hội đóng; bảo lưu một thứ chủ nghĩa bộ lạc duy trì đặc quyền đặc lợi cho một nhóm thiểu số. Quyết định luận lịch sử của Hegel; rồi sau đó là của Marx gạt bỏ mọi nỗ lực cải cách xã hội một cách ôn hòa, thông qua thảo luận một cách có phê phán; nó nuôi dưỡng niềm tin vào một cuộc "cách mạng Khải huyền" sẽ làm thay đối mọi thứ. "Kẻ được chọn" ở đây có thể là một giai cấp, một dân tộc, hay một tôn giáo. Do đó, nó là nguồn gốc phát sinh của đủ thứ chủ nghĩa toàn trị trong thế kỉ XX: chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa dân tộc cực đoan....Chủ nghĩa duy lý phê phán của Poper là đối cực của chủ nghĩa lịch sử của Hegel (8) Đây cũng là cách nhìn nhận phổ biến về Hegel trong cộng đồng triết học Anh - Mỹ
    Kant và Hegel là hai đại biểu đặc trưng cho hai mô hình tư duy và khả thể của con người: hữu hạn hay vô hạn. Kant là triết gia kiên trì nhắc đi nhắc lại rằng bản tính của con người là hữu hạn; hắn chỉ có thể nhận thức được những thứ do kinh nghiệm hắn cung cấp. Còn những đối tượng siêu nghiệm (vượt qua kinh nghiệm); thì hắn chỉ có thể suy tưởng chứ không thể nhận thức được. Nếu ai đó muốn vượt qua ranh giới thường nghiệm để tiến tới các đối tượng siêu nghiệm; chắc chắn sẽ bị rơi vào những võng luận và nghịch lý(9) Trong khi Hegel khẳng định rằng lý tính con người là vô hạn; chẳng những có thể nhận thức được Thượng đế mà còn có thể đồng nhất với chính Thượng đế. Hegel đã phê phán Kant quá thận trọng khi vạch ra những ranh giới cho lý tính của con người. Đối với Hegel, triết học không có nhiệm vụ đó, triết học được đồng nhất với Chân lý - và Chân lý (cái Đúng thật) chính là cái Toàn bộ (10). Kể từ bước ngoặt ngôn ngữ học, triết học hiện đại nghi ngờ tham vọng này của Hegel. Đối với triết học ngôn ngữ; thế giới này chỉ được kiến tạo nên bới các trò chơi ngôn ngữ. Các trò chơi ngôn ngữ này; khi có tham vọng hợp thức hóa mọi thứ để trở thành cái toàn bộ; lập tức biến thành một kiểu đại tự sự. Lyotard phê phán mọi thứ đại tự sự; trong đó có hệ thống đồ sộ của Hegel và khẳng định rằng trong hoàn cảnh hậu hiện đại; triết học từ bỏ tham vọng trở thành các "đại tự sự"; mà chỉ còn có chức năng liên kết các "tiểu tự sự" với nhau mà thôi (11) Do đó, thái độ chung đối với Hegel là một "kẻ chống Chúa"; một triết gia siêu hình; một người phản bội tinh thần phê phán khởi đi từ Kant.
    Trong tác phẩm này, Redding cung cấp một cách đọc hoàn toàn khác về Hegel. Ông nhấn mạnh rằng; bên cạnh một Hegel siêu hình, còn có một Hegel thông diễn. Hegel không phải là một người phản bội, mà là người kế thừa và tiếp tục phát triển cuộc cách mạng Copenicus do Kant khởi xướng(12). Người đọc sẽ được cùng với tác giả phiêu lưu qua những câu chuyện về cuộc cách mạng Copenicus và vấn đề chuyển dịch điểm nhìn; lịch sử thông diễn học và liên kết với phiếm thần luận; di sản tư tưởng của Spinoza, Nicolas Cusanus đối với Hegel, sự cải biến triết học Kant qua bàn tay Hegel cũng như nội dung chính các tác phẩm của ông....Hy vọng cuốn sách sẽ cung cấp cho các bạn những ý tưởng mới mẻ và thú vị
    Xin trân trọng giới thiệu cùng các bạn đọc của Tve- 4u !
    Link:
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    .............................
    (1) Ortega y Gasset, dẫn theo Bùi Văn Nam Sơn: "Mấy lời giới thiệu và lưu ý của người dịch - Cùng Hiện tượng học tinh thần qua những chặng đường thánh giá"; trong G.W.F.Hegel, Hiện tượng học tinh thần, Bùi Văn Nam Sơn dịch và chủ giải, Văn học: Hà Nội, 2006, xl
    (2) Giless Deleuze, Nietzsche và Triết học, Nguyễn Thị Từ Huy dịch, Tri thức: Hà Nội, 2010
    (3) F. Nietzsche, Hoàng hôn của những Thần tượng, Nguyễn Hữu Hiệu dịch, Vạn Hạnh: Sài Gòn 1971, Văn học: Hà Nội 2002, Vấn đề Socrates :7
    (4) Karl Marx, Bản thảo kinh tế - triết học 1844, trong Marx- Engels Toàn tập, Tập 44, Chính trị quốc gia: Hà Nội, 2000, tr.279
    (5) K.Marx - F. Engels, Hệ tư tưởng Đức, Toàn tập, Tập 4, Chính trị quốc gia: Hà Nội, 2000, tr.29-30
    (6) K. Marx, Tư bản - Quyển 1, trong Marx - Engels toàn tập, Tập 23, Chính trị quốc gia: Hà Nội, 2000, tr.15
    (7) Karl R. Poper, "Biện chứng là gì ?", Đinh Tuấn Minh dịch, nguồn: Talawas.org
    (8) Karl R. Poper, Xã hội mở và những kẻ thù của nó - Tập II: Hegel và Marx, Nguyễn Quang A dịch, Tủ sách SOS2: Hà Nội, 2008, tr.27- 81
    (9) I. Kant, Phê phán lý tính thuần túy, Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải, Văn học: Hà Nội, 2004, phần về Biện chứng pháp Siêu nghiệm, tr. 425 và tiếp theo
    (10) G.W.F.Hegel, Hiện tượng học tinh thần, BVNS dịch và chú giải, Văn học: Hà Nội, 2006, Lời nói đầu: 20, tr.38
    (11) J.F. Lyotard, Hoàn cảnh hậu hiện đại: Một bản tường trình về tri thức, Ngân Xuyên dịch, Tri thức: Hà Nội, 2007
    (12)Paul Redding, Thông diễn học của Hegel, Lê Tuấn Huy dịch, Tổng hợp: Thành phố Hồ Chí Minh, 2006, tr.42
     
    Arabiya, htahta, haist and 7 others like this.
  2. andanhtoi

    andanhtoi Lớp 11

    Thông diễn học của Hegel - Paul Redding


    [​IMG]


    Hegel, với bạn đọc triết học Việt Nam, là một tên tuổi hết sức quen thuộc, không phải vì toàn bộ hệ thống quan điểm và các tác phẩm của ông đã thật sự được biết đến tường tận, mà vì vai trò của phép biện chứng mang tên ông trong tiến trình hình thành triết học macxít. Sự quen thuộc đó đến độ, với ông, dường như không cần gì phải tìm hiểu hơn nữa ngoài các “kết luận” đã được chuẩn hóa. Tuy nhiên, đây lại là một nhân vật có nhiều thăng trầm trong việc đánh giá vị trí học thuật trong lịch sử triết học, ngay ở thế kỷ XX đầy những biến động, chứ không phải chỉ khuôn vào thời đại của ông. Đây chính là một tình tiết rất lớn mà bấy lâu nay chúng ta ít hoặc không được biết đến. Cuốn sách mà các bạn đang cầm trên tay có nội dung thuộc phạm vi như thế, ở một vấn đề mà càng xa lạ hơn cả “thân phận” thăng trầm của Hegel: thông diễn học.


    “Hermeneutics” hiện thường được dịch là “chú giải học”. Tuy nhiên, nhánh học thuật này, với ý nghĩa đương đại, đã không còn bó hẹp trong việc chú giải Kinh thánh hay văn bản như trước mà là sự thông đạt lẫn nhau từ sự diễn dịch tư tưởng, lý luận. Sự thông đạt này có tầm mức lớn hơn rất nhiều so với việc chỉ là thông dịch hay thông truyền theo hướng tương tác một chiều đến người đọc, hay nói chung là đến đối tượng của một bản văn, theo đó, đây chỉ là loại đối tượng tiếp thu và tiếp nhận thụ động. Tương tác thông đạt nói lên tương tác hai chiều, giữa chủ thể đem đến sự thông truyền, với khách thể tiếp nhận điều đó, để đi đến thông hiểu (và hiểu thông). Ngược lại, khách thể tiếp nhận không phải là một đối tượng “trắng” nó cũng là một chủ thể có quan điểm, có lý luận, và cũng thông truyền lại cho chủ thể đã thông truyền với nó về cùng vấn đề hay khác vấn đề.


    Điều này vượt rất xa cái được “áp” lên đối tượng từ một bản văn, một chủ thuyết, một tôn giáo. Trong sự thông đạt mới, mọi thể thông truyền, nhận thức, đều bình đẳng với nhau, đến cùng là chủ thể và khách thể, đều có cái mà đối tượng kia cần hay có thể tiếp nhận. Trong lý luận, xét vi mô, đó là một tinh thần học hỏi, tiếp nhận, dung hòa, nhưng xuất phát từ cách nhìn phê phán (mà không phải là “bất động” khi được áp lên) giữa những người làm công việc lý luận. Xét vĩ mô, đó là sự chấp nhận lẫn nhau, cũng xuất phát trước tiên từ cách nhìn phê phán như vậy, trong những bối cảnh nhất định, theo tiến trình cụ thể của sự phát triển lý luận, giữa các chủ thuyết và giữa các lực lượng (thành phần xã hội, nhóm chính trị, quốc gia...) vận dụng chúng. Tóm lại, thông đạt và (tái) diễn dịch liên tục, chính là sự đối thoại, chấp nhận đối thoại, dung chứa (lý luận của) lẫn nhau với tư cách những mảng, những phía, những độ sâu, độ nét khác nhau của một bối cảnh tông thể lớn hơn về lý luận, vấn đề, không - thời gian, đó cũng chính là một mặt của tiến trình phát triển tư duy lý luận riêng và hiên thực xã hội nói chung.


    Trên nền như vậy, cuốn sách này đi vào phân tích hình thức lý luận thông diễn trong các tác phẩm của Hegel.


    Phải thừa nhận rằng đây là một cuốn sách không dễ đọc, đôi khi khó hiểu, không chỉ vì những nội dung mới mẻ và độ chuyên sâu của nó, một phần vì dẫn dắt của tác giả, mà còn vì thời gian qua chúng ta không gắn kết với sinh hoạt học thuật triết học thế giới, vì sự nghiên cứu thiếu chuyên sâu nhiều phạm vi triết học ngoài Alfarxist, trong đó có Hegel nói riêng và triết học cổ điển Đức, triết học thông diễn nói chung. Ngoài phê phán lý lính thuần túy của Kant được xuất bản gân đây, hay Mỹ học của Hegel công bố vài năm trước các tác phẩm khác của hai triết gia vĩ đại này (và các triết gia Đức có liên quan nói chung) hiện chưa có bản tiếng Việt. Đây không chỉ là khó khăn rất lớn cho người đọc mà cho ca người dịch (và người dịch mong nhận được sự tha thứ trước những sai sót không tránh khỏi xuất phát từ khó khăn này, cũng như từ khả năng khiêm tốn của bản thân người dịch).


    Tuy nhiên, kiên nhẫn theo dõi, người đọc sẽ tìm thấy nhiều thông tin triết học hữu ích, như cuộc cách mạng Copermcus trong triết học, sơ lược tiến trình phát triển thông diễn học, Fichte và Shelling, bộ khung nội dung ở các tác phẩm cửa Hegel (thông qua sự phân tích của tác giả dưới khía cạnh thông diễn…


    Dẫn dắt người đọc từ chuyện “điểm nhìn” địa lý cụ thể của người quan sát trên trái đất về hướng bầu trời, sinh ra chuyện “địa tâm” và “nhật tâm”, sang chuyện xác thực cảm tính từ những cái nhìn như vậy, rồi đến với sự chủ quan chủ thể tính trong trong nhận thức, để cuối cùng là chuyện nhìn nhận lẫn nhau giữa các cách nhìn lý luận xuất phát từ những chủ thể có điểm nhìn - các quan điểm, khác nhau và đa dạng. Từ đây lại là khởi đầu để tác giả đi sâu vào các hình thức nhìn nhận lẫn nhau giữa các chủ thể trong bối cảnh quan hệ “tinh thần” và “logic” và trong xã hội công dân, được thể hiện trong các tác phẩm của Hegel.


    Vượt qua cái khó trong khi đọc cuốn sách, theo người dịch, có lẽ hai “thông điệp” quan trọng sẽ đọng lại. Một là, tinh thần thông diễn, như sự đối thoại giữa các chủ thể đứng trên những điểm nhìn khác nhau, là cái thúc đẩy phát triển đối với triết học nói riêng và tri thức nói chung, chứ không phải là sự độc thoại hay độc thoại tập thể. Hai là, tinh thần khám phá, tìm tòi triết học trên tinh thần tư duy độc lập, không phụ thuộc vào cái “áp sẵn” của các thế hệ đi trước hay những người đương đại xung quanh, là cái sẽ góp phần lớn trong việc “làm mới” một hệ thống triết học trong bối cảnh thời đại mới. Ở đây, Hegel, tưởng chừng như đã hoàn toàn “ổn định” theo năm tháng, là một minh họa hết sức rõ rệt cho điều đó.

    TS. Lê Tuấn Huy

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
     
    Chỉnh sửa cuối: 12/6/15
    htahta, haist, An05 and 3 others like this.
Moderators: Do dai hoc NEU, yam2408

Chia sẻ trang này