Bình Văn!

Thảo luận trong 'Tác phẩm và nhận định' bắt đầu bởi tducchau, 29/3/14.

Moderators: Cát Cát
  1. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ... !?! ...

    BinhVan_LeHuyMien.jpg
    Bình văn (*) là một bức tranh sinh hoạt lấy chủ đề là một buổi bình văn của thầy đồ với tám người học trò nhỏ xung quanh. Trung tâm bức tranh là thầy đồ đang ngồi trên ghế, tay trái cầm sách, tay phải cầm bút chỉ vào trang sách. Tám người học trò ngồi phía dưới hướng về phía thầy giáo, phần lớn các em mặc áo dài chít khăn, trừ một em nhỏ còn để tóc trái đào. Bức tranh sử dụng gam màu trung độ: nâu, đỏ nâu, đen.


    (*) Bình văn là một tác phẩm tranh sơn dầu của họa sĩ Lê Huy Miến sáng tác khoảng năm 1898 tới 1905. Bức tranh mô tả một buổi bình văn của thầy đồ và học trò với gam màu tối là chủ đạo. Bình văn được coi là bức tranh sơn dầu đầu tiên của Hội họa Việt Nam, tác phẩm hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.


    *
    * *


    "Năm đầu ngồi trên ghế giảng đường Đại học sư phạm, chúng tôi đã được nghe một giáo sư văn chương rất có uy tín tâm sự về nghề nghiệp. Có một câu ông nói, đại ý: “Khi đọc một bài thơ, một áng văn mà bạn không thấy lòng mình mảy may xúc động; không thấy sáng lên trong tâm hồn mình, dù chỉ một chút, một ý tưởng hay một tình cảm mới, thì bạn có thể tin rằng mình đã chọn nhầm nghề!” Nghề ở đây là nghề dạy văn, cái nghề mà chúng tôi đã liều lĩnh lựa chọn khi bước chân vào trường đại học.

    Chúng tôi bị ám ảnh bởi câu nói đó và sau này, khi đã có một số năm đứng trên bục giảng, chúng tôi lại càng thấm thía: cái điều giản dị mà ông thầy đã nói năm xưa hóa ra không chỉ là điểm xuất phát, mà nó còn chi phối toàn bộ công việc của người dạy văn. Con đường khởi từ chỗ cảm thấy áng văn mình đang đọc là một áng văn hay, đến chỗ hiểu được
    vì sao đó là một áng văn hay để có thể nói ra được cái hay ấy cho người khác nghe, luôn luôn là một con đường không dễ dàng. Người dạy văn nào cũng phải đi trên con đường này. Trong sinh lực của những bước đi quả thực có một chút gì như là “trời cho”, nhưng cái phần chủ yếu còn lại vẫn là những nỗ lực của bản thân anh ta – những nỗ lực kiếm tìm một bản lĩnh nghề nghiệp mang rõ tính đặc thù.

    Như thế, bình văn là một công việc không thể thiếu và có lẽ là công việc thú vị nhất trong quá trình dạy văn. Nhưng nó cũng là một công việc khó, khó lắm. Nếu anh không biết cách gõ vào những cánh cửa ngôn từ trên văn bản tác phẩm mà then chốt của chúng vốn rất vi diệu, thì anh sẽ không thể nhìn thấy những thế giới của cái đẹp ẩn tàng lung linh sau đó. Trong trường hợp ấy, cùng lắm – theo cách nói của nhà thơ Xuân Diệu – anh chỉ có thể đem đến cho người ta một cánh bướm đẹp đã ép khô, chứ không phải một cánh bướm rập rờn sự sống! Lại nữa, trong cái nhìn của riêng anh, anh đã thấy một cánh bướm đang rập rờn, nhưng chắc gì anh đã thuyết phục được người khác cùng có cái nhìn như anh! Những cái khó này, người bình văn nào, người dạy văn nào cũng đã từng gặp. Và có phải không, những giờ dạy văn được coi là thành công thường có những giây phút “thăng hoa” ở người dạy, khi anh ta hòa nhập được tâm hồn mình vào chiều sâu thăm thẳm của những áng văn, những bài thơ? ...

    … Chúng tôi hy vọng những bài viết dưới đây sẽ mang đến những lợi ích thiết thực cho các em học sinh trong việc học môn Văn và tiếng Việt. Trước hết, mỗi bài bình văn sẽ mở một cánh cửa để chúng tôi cùng các em được bước vào thế giới của cái đẹp văn chương, cái đẹp ngôn từ. Nếu không tiếp cận được những vẻ đẹp này, các em sẽ mất đi rất nhiều hứng thú với môn học. Lại nữa, bình văn tuy là một công việc mang rất rõ dấu ấn của mỗi cá nhân, nhưng không phải vì thế mà nó không có những thao tác kĩ năng căn bản. Những bài bình luận này sẽ giúp các em thấy được những cách thức thâm nhập vào chiều sâu những tác phẩm văn chương ra sao, để ta có thể phát hiện những nét đẹp nội dung và hình thức của chúng. Nói một cách chung nhất, chúng tôi muốn được cùng các em tự làm giàu có thêm tâm hồn mình, được tự nuôi dưỡng dồi dào hơn tình yêu tiếng mẹ từ những áng văn chương và từ những bài bình văn này…

    Để tiện theo dõi, những bài viết sẽ được chia làm hai phần theo thể loại tác phẩm được chọn bình: thơ ca và văn xuôi. Trong mỗi phần, chúng tôi lại sắp xếp các tác phẩm theo trình tự thời gian xuất hiện của chúng. Cách sắp xếp này gần gũi với cái nhìn văn học sử, và cũng không ngoài mục đích là để bạn đọc tiện theo dõi…"





    PHẦN THƠ CA



    ĐÔI LỜI VỀ CÔNG VIỆC BÌNH THƠ



    Cái khó trong việc bình một bài thơ là ở chỗ bằng trực cảm, ta đã có thể nhận biết đó là một bài thơ hay, nhưng nó hay như thế nào và bởi đâu mà nó hay thì không dễ gì chỉ ra được! Sự khó khăn này nảy sinh từ những đặc trưng của thể loại thơ ca: mỗi bài thơ đích thực bao giờ cũng là một lóe sáng giữa chốn mông lung trong tâm hồn nhà thơ, một phút xuất thần của tâm trạng mà chỉ nhà thơ ấy có. Lại nữa, hơn bất cứ thể loại nghệ thuật ngôn từ nào, ngôn ngữ thơ ca bao giờ cũng là tinh túy của những phẩm chất ngôn ngữ dân tộc, nó lại được chọn lọc và sắp xếp ở mức tinh vi nhất bởi bàn tay “phù thủy ngôn từ” của các nhà thơ! Đi tìm sự lóe sáng trong tâm hồn nhà thơ đã biến hóa như hư ảo nơi các con chữ, đã là điều khó. Đi tìm sự lóe sáng ấy trong khoảng vô ngôn giữa các câu chữ, còn khó hơn nhiều. Những bài thơ hay, oái oăm thay, lại là những bài thơ có sức vang vọng ở những khoảng vô ngôn – nó buộc người đọc thơ phải biết nghe như nghe một quãng lặng trong bản nhạc, phải biết nhìn như nhìn một khoảng trống trong tranh thủy mặc …

    Có thể cái phần dễ bị ngộ nhận là “mù mờ” này trong sáng tạo thơ ca đã khiến cho một số người đi đến chủ trương phải đọc thơ theo lối tâm cảm, chứ không thể đọc và lí giải cái hay của thơ theo lối thông thường. Điều ấy chỉ đúng một nửa. Quả thật, người đọc thơ cũng phải có một nội năng nhất định để có đủ mẫn cảm với những biến động khôn lường trong tâm hồn nhà thơ, để có thể cảm thông và chia sẻ sâu sắc với tâm trạng của anh (chị) ta. Đây chính là điểm khởi đầu cho quá trình khám phá những vẻ đẹp của mỗi bài thơ. Sự mẫn cảm này không ai có thể giúp ta, nó chính là phần tươi tốt của tâm hồn ta. Nhưng để hiểu một bài thơ nói riêng và một tác phẩm văn học nói chung, với tư cách là những sáng tạo văn hóa của con người, thì ưu thế “bản năng” ấy là chưa đủ. Sự lịch lãm, những tri thức về đời sống và văn hóa sẽ giúp cho người bình thơ trả lời được câu hỏi cơ bản nhất: vì sao đây là một bài thơ hay. Tư duy càng sắc sảo, hiểu biết càng rộng rãi, người bình thơ càng có cơ hội phát hiện những điều bất ngờ thú vị từ một bài thơ. Khí ấy anh (chị) ta có thể chỉ ra một cách đầy thuyết phục đâu là những ý tưởng mà nhà thơ muốn gửi gắm, chỉ ra câu nào chữ nào là “hồn vía” của bài thơ v.v… và v.v… Với người bình thơ, văn chương không phải là chuyện “vô bằng cứ”.

    Và như vậy, người bình thơ đã làm công việc của một người sáng tạo. Anh (chị) ta sẽ sáng tạo bài thơ một lần nữa, theo cách của anh (chị) ta. Giống như các nhà sáng tác, anh (chị) ta có quyền và rất cần phải đi tìm cho mình một phong cách riêng. Ta nhận ra phong cách ấy trong cảm quan về cái đẹp, trong cách tiếp cận văn bản bài thơ, trong lối diễn đạt… của anh (chị)ta. Ở những trường hợp thành công, bài bình thơ sẽ có một giá trị văn chương độc lập.



    ...
     
    Chỉnh sửa cuối: 23/4/14
    deathshine and chis like this.
  2. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    Ngọn mùng tơi bắc cầu

    ...


    NGỌN MÙNG TƠI BẮC CẦU


    Có một hình ảnh quen thuộc trong ca dao: nhịp cầu. Từ những nhịp cầu tre rất thực đến cái cầu bằng giải yếm rất ảo, chúng có mặt như một thi liệu không thể thiếu trong ngôn ngữ giao duyên của con người trên một đất nước lắm sông, nhiều suối.


    Đọc đến ca dao xưa của xứ Đoài, gặp một nhịp cầu lạ khác:

    Gần nhà mà chẳng sang chơi
    Để em ngắt ngọn mùng tơi bắc cầu
    Sợ rằng chàng chẳng đi cầu
    Cho tốn công thợ, cho sầu lòng em


    Cái cầu bắc bằng ngọn mùng tơi! Hãy nhớ lại, văn chương ta đôi khi cũng thấp thoáng bóng dáng cái thứ cây vốn dĩ đã bao hàm một ý nghĩa tượng trưng này: “Nghèo rớt mùng tơi” của thành ngữ, hay “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi, cách nhau cái giậu mùng tơi xanh rờn” của thơ ca về sau… Nhưng "Để em ngắt ngọn mùng tơi bắc cầu” thì quả là lạ. Nét kì thú mà người đọc được hưởng đã bắt đầu từ sự “nói ngoa” rất đáng yêu của cô gái nhà nghèo gắn bó với vườn tược chốn quê xưa.


    Một cái cầu không thể có, tất nhiên. Nó cũng giống chuyện “chạch đẻ ngọn đa”, “gỗ lim làm ghém”, … vậy! Nhưng ở đây cái vô lí ấy đã hoàn toàn có lí, khi nó được đặt trong một tương quan so sánh ngầm với sự việc xảy ra ở câu trên. Cô gái đã khéo trách chàng trai: “Gần nhà mà chẳng sang chơi”, sự việc ấy theo cô gái là điều vô lí, là điều không nên có ở chàng trai mình đã quan tâm. Vậy mà nó đã diễn ra một cách đương nhiên vô lí, vô lí như việc “ngắt ngọn mùng tơi bắc cầu”… Vả lại – cô gái “mát mẻ” – Anh có bao giờ sang chơi đâu mà em phải lo những điều thật có! Cái cầu bằng ngọn mùng tơi của em vì thế chỉ là là điều giả định, cũng như cái ngày anh bước chân lên nhịp cầu ấy để sang với em cũng chỉ là điều giả định mà thôi! Nhắc nhở nhau đến như thế là đã khéo lắm!

    Sợ rằng chàng chẳng đi cầu
    Cho tốn công thợ, cho sầu lòng em


    Câu tiếp theo làm rõ tính chất giả định của toàn bài thơ. Cô gái một lần nữa cố gắng đặt mình vào sự giả định ấy để tạo thành một tình thế cân bằng với chàng trai “chẳng sang chơi” nọ, bằng cách khách quan hóa với sự tính toán “cho tốn công thợ”. Chỉ đến cuối cùng, cái thật có mới một lần duy nhất bộc lộ trực tiếp: cho sầu lòng em! Chỉ nội một chữ sầu, kể cả dung lượng lẫn âm điệu của nó, đã tìm được đúng chỗ. Nó tất yếu trong mạch tình cảm cô gái, nhưng lại bất ngờ trong toàn bộ hình ảnh diễn đạt. Nó làm cho cả bài thơ và cảm xúc người đọc nghiêng lệch về một phía: cho sầu lòng em!


    Toàn bài ca dao là một giả định nhưng đã nhấn mạnh được tâm trạng chân thực của nhân vật trữ tình. Khéo léo thay một hình thức giao duyên! Tâm trí người đọc còn rập rờn mãi một ngọn cầu xanh mướt, dễ thương…


    ...
     
    deathshine and chis like this.
  3. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    Để ta lượm bẩy bó ba...

    ...


    ĐỂ TA LƯỢM BẨY BÓ BA…


    Trong cuốn Tục ngữ, ca dao, dân ca Hà Tây, tôi được đọc bài ca dao này:

    Mình ơi đi gặt với ta
    Để ta lượm bẩy bó ba cho mình
    Bó nào be bé xinh xinh
    Mình thuận nhân tình ta cất lên vai
    Mình ơi đi gặt với người
    Để người lượm bẩy bó mười vào cho
    Cất lên thì ngỏng cổ cò
    Thì sun cổ hạc, thì co cổ rùa.


    Tôi bỗng nhớ đến một bài ca dao khác được lưu hành trên phạm vi rộng lớn hơn:

    Cô kia đi đường này với ta
    Trồng khoai khoai tốt, trồng cà cà sai
    Cô kia đi đường ấy với ai
    Trồng cà cà sấu, trồng khoai khoai hà.


    Hai bài cùng mượn một cách nói để diễn tả tình ý. Tuy vậy, bài sau vẫn xa xôi hơn một chút. Và giống như ở bài này, tôi vẫn nghĩ bài thứ nhất là lời tỏ tình của một người con trai. Tự giới thiệu về mình đến như thế là rất khéo và có duyên. Khéo ở chỗ nó ẩn đi được lời tự nói về mình, đồng thời vẫn mở hé cho người con gái hiểu được cái khoảng “vô ngôn” giữa các câu chữ. Có duyên ở chỗ nó ẩn hiện một nụ cười vừa tinh nghịch vừa dễ thương.


    Nhưng có thể là nhân chuyện gặt hái mà nói được nhiều hơn, cụ thể hơn chăng?


    “Mình ơi đi gặt với ta”, một câu mời chào không bình thường lắm do hai tiếng “mình ơi” trìu mến. Nó dọn chỗ cho các câu sau, vì chẳng có lí gì lại chỉ là mời để mà mời. Thật bất ngờ: “Để ta lượm bẩy bó ba cho mình”! Xưa có chuyện hai người bạn tình cờ đánh cờ, người con trai cứ giả thua cho người con gái được. Đó quyết không phải là chuyện làm dối mà là chuyện thương nhau. “Lượm bẩy bó ba”, ở đây thì cứ qua con số mà hiểu tâm tình. Cái phần nhẹ đã được dành ra, phần nặng còn lại sẽ do ai gánh vác san xẻ một cách thông cảm và tự nguyện? Tình ý của người con trai thấp thoáng… Nhưng còn hơn thế:

    Bó nào be bé xinh xinh
    Mình thuận nhân tình ta cất lên vai


    Thêm một bước nữa, đã “lượm bẩy bó ba” nhưng lại chỉ là những bó “be bé xinh xinh”. Những điều kiện đặt ra thật tốt lành và khó mà từ chối. Nhưng người con trai không chỉ biết thương cảm đến thế mà còn biết tôn trọng, anh dành quyền lựa chọn cho bạn gái: Mình có thuận thì ta cất (giúp) lên vai! Lời ướm hỏi được đặt lửng lơ, nó chưa kịp xoáy vào người nhận, thì anh con trai thông minh đã bắt đầu ý khác:

    Mình ơi đi gặt với người
    Để người lượm bẩy bó mười vào cho
    Cất lên thì ngỏng cổ cò
    Thì sun cổ hạc, thì co cổ rùa.

    Chính là anh đang vun vào cho mình một cách khéo léo vì đã tạo được một tương quan so sánh đối lập. Ý nghĩa những con số ở đây trái ngược với ý nghĩa những con số trước. Và như thế có nghĩa là tấm lòng giữa “ta” và “người” khác biệt. Thêm một điều kiện để người con gái lựa chọn. Đến câu thứ sáu, anh con trai vẫn tỏ ra “khách quan” trong lời lẽ. Câu thơ có ý ngầm hỏi: Em lựa chọn những bó lúa nào?


    Tôi có cảm giác hai câu cuối hơi bị bật ra khỏi bài, bởi lẽ nó không còn giữ được cái giọng thủ thỉ tâm tình. Những so sánh rất sinh động. Thật ra những “ngỏng” những “sun” những “co” đâu chỉ nói chuyện gồng gánh. Nó còn là lời cảnh tỉnh cho cô gái về những gánh nặng khác cô sẽ phải chịu nếu không cân nhắc lựa chọn. Đùa cợt quái ác một tí, châm chọc một tí, nhưng rất chân tình thương yêu theo kiểu người con trai biết “lượm bẩy bó ba” vậy!


    Xét cho cùng, hai câu cuối vẫn đứng vững với cái lí của nó: về mặt cấu trúc, nó cân bằng hai vế so sánh. Về ý nghĩa, nó nhấn mạnh tâm trạng nhân vật và làm giàu thêm dung lượng. Về cách diễn đạt, nó thêm phần khởi sắc cho toàn bài.


    Xin được nhắc lại là bài ca dao này, với bài đã dẫn trên kia và rất nhiều bài khác nữa, đâu chỉ nói chuyện làm ăn!


    ...
     
    deathshine, bichdinh and chis like this.
  4. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    ÂM ĐIỆU HAI BÀI CA DAO SÔNG NƯỚC


    Trong ca dao cổ truyền, có nhiều trường hợp nhà thơ dân gian đã tìm được những âm điệu thích hợp để diễn đạt tình ý.


    Thử đọc hai bài ca dao nó về tình yêu được lồng trong cảnh sông nước.

    *
    * *​

    Gió đập cành tre, gió đập cành tre
    Con thuyền anh vẫn le te đợi nàng.
    Gió đập cành bàng, gió đập cành bàng
    Dừng thuyền anh hát, cô nàng lắng nghe.

    Xáo động cả bài ca dao này là tiếng gió. Cảnh và tình hòa hợp: tiếng gió tạo không gian, thời gian; và cùng với hình ảnh con thuyền, nó biểu hiện tâm trạng anh con trai chờ đò ngóng đợi người yêu ở một bến sông.

    “Gió đập cành tre, gió đập cành tre”. Không như thơ lục bát thông thường, ở đây không có câu 6 chữ; câu thơ lại ngắt đôi, lập lại như diễn ta tiếng gió lùa từng cơn ngắn. Nhưng gió chưa mạnh, bởi vì hồi âm của nó còn nghe được từ những cành tre, lá tre mảnh mai và nhạy cảm. Âm thanh câu thơ chưa cho thấy cảm giác về bề rộng của không gian. Tiếng gió đang hút đi, để lại một khoảng khắc im lặng sau mỗi tiếng “tre”. Nó gợi mở cho câu thơ thứ hai phù hợp về tâm trạng: “Con thuyền anh vẫn le te đợi nàng”. Anh con trai đò vẫn đủ kiên nhẫn đợi người yêu, dù đã rất bồn chồn. Hai chữ “le te” gợi một con thuyền nhỏ nhoi và diễn đạt tài tình sự bồn chồn tiến thoái lưỡng nan đó. Cách ngắt nhịp dài ngắn khác nhau sau một dòng thơ phá thể ở đây cũng vậy. Nó tỏ ra có điều gì vướng vít không yên. Đúng là tâm trạng mong mỏi đợi chờ.

    Nhưng đến câu tiếp: “Gió đập cành bàng, gió đập cành bàng” thì âm thanh lặp lại của hai tiếng “cành bàng” đã có sức vang vọng, tiếp nối không dứt. Nói theo cách nói ngôn ngữ học thì đó là hiệu quả của ngữ âm. Gió đã mạnh. Câu thơ dường như nói đến thời gian đã vào khuya, tất cả chỉ còn tiếng đập của những cành bàng gấp gấp, thúc giục. Không thể “le te đợi nàng” được nữa, tình thế đã đến mức bắt buộc anh phải lực chọn: “Dừng thuyền anh hát”! Con thuyền không loay hoay giữa dòng nữa, sức mạnh tình yêu bùng lên như gió nối đã khiến anh táo bạo. Bài ca dao như không có câu kết mà được buông lửng, có tiếng hát gợi cảm cất lên.

    Cách ngắt nhịp hai câu cuối giống nhau, thôi thúc nhưng có tiết độ. Từ đầu đến cuối, tiếng gió đã tạo cho bài ca dao cái xao xác của một vùng bến nước. Nó như một cái nền tạo nên tâm trạng nhân vật.

    *
    * *​

    Bài thứ hai, không có tiếng gió mà là tiếng sóng:

    Gọi em gọi đến canh ba
    Chỉ nghe tiếng sóng thưa xa thưa gần
    Gọi em gọi tháng gọi tuần
    Chỉ nghe tiếng sóng thưa gần thưa xa
    Ước gì nên cửa nên nhà
    Bõ công anh gọi những là em ơi…

    Bài ca dao này là cả một tấm lòng tha thiết. Tiếng gọi của chàng trai tan ra trước tiếng sóng xa gần. Không gian và thời gian ở đây thật rộng lớn.

    “Gọi em gọi đến canh ba”, tiếng gọi này có một bối cảnh thực. Nhưng “Gọi em gọi tháng gọi tuần” thì tiếng gọi không đặt trong thời gian cụ thể nữa. Nó khản đặc, mơ hồ giữa những khái niệm thời gian chồng chất.

    Ba từ gọi nhắc lại trong câu thơ tạo nên nhịp điệu gấp gáp, khẩn thiết. Nhưng đáp lại:

    Chỉ nghe tiếng sóng thưa xa thưa gần
    Chỉ nghe tiếng sóng thưa gần thưa xa

    Hai câu thơ này tạo không gian, nhịp thơ đều đều. Thanh điệu thay đổi chút ít của nửa cuối câu thơ “thưa xa thưa gần, thưa gần thưa xa” còn có tác dụng tượng thanh cho những đợt sóng không dứt. Bốn dòng lục bát, cứ mỗi dòng gợi tả một thời gian lại có một dòng gợi tả không gian, một không gian dàn trải rộng lớn. Sự cô đơn của chàng trai hiện lên trong bối cảnh ấy. Tiếng gọi của anh mỗi lúc một tha thiết hơn, nhưng đáp lại chỉ là âm thanh vô tư trùng điệp của sóng nước. Và cũng chính nó đã lột tả được sự tha thiết ở người trai mong tìm người yêu, với sự trở đi trở lại của vần điệu âm thanh.

    *
    * *​

    Hai bài ca dao nói chuyện tình yêu đã được lồng vào khung cảnh sông nước. Âm điệu của ngôn ngữ đã làm nên âm điệu của sông nước, đầy sức gợi cảm. Hòa nhuyễn được điều đó là cách diễn đạt tài tình của ngôn ngữ.
     
    deathshine, chis, bichdinh and 2 others like this.
  5. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    MỘT BÀI CA MƯA



    Dân ca Thái có Tản chụ xống xương. Tản chụ là “tâm tình trò chuyện với người bạn tình”. Và xống xương là “thương yêu, thương xót mà tiễn đưa và dặn dò nhau”. Dân ca dân tộc nào cũng có cung bậc tình cảm ấy trong giao tiếp lứa đôi, nhưng để gọi tên nó ra một cách da diết đến vậy, chúng ta mới gặp trong dân ca Thái.

    Hãy nghe một bài Thương dặn – xống xương rất giản dị này:


    Mưa cứ mưa nhưng đừng vội gieo cơn
    Mưa gieo cơn, người đi rừng sẽ rét
    Em ở lại sàn sẽ buồn
    Sắp mưa, đầy trời mưa dồn
    Sắp xa, đầy lòng muốn nói
    Mưa cứ mưa đừng vội mưa tầm tã
    Dặn lời thương, dặn kĩ đã, hãy mưa!


    Phút giã biệt của đôi bạn tình lại là phút có một cơn mưa rừng ập đến. Sao lại chọn giây phút này để hát lời thương, khi người ta không còn điều kiện để nói nhiều hơn nữa? Dường như mưa đang thấm vào mỗi câu hát như chính nỗi niềm của người con trai. Giữa cái màn mưa vừa thực vừa hư ảo vụt trỗi dậy một tấm lòng.

    “Người đi rừng sẽ rét” chính là chàng trai, nhưng cái lạnh mà anh phải chịu trên đường về không chỉ do cơn mưa kia đem đến. Chàng trai đang hướng tới cơn mưa mà bày tỏ tâm sự. “Mưa cứ mưa”, còn làm sao được nữa, nhưng “đừng vội gieo cơn” mới là ước muốn. Bản thân sự chia li là điều không thể chịu đựng nổi! Chàng trai muốn nói vậy trong điệp khúc mưa dằng dặc của bài ca này. Còn hơn cả “mưa gieo cơn, người đi rừng sẽ rét” là nỗi tái tê “Em ở lại sàn sẽ buồn”! Chàng trai cảm thấy hai nỗi cô đơn ở hai đầu cơn mưa, và khi cảm được như thế là khi anh đau xót gấp hai lần, thương yêu gấp hai lần và cầu mong khao khát hai lần! Hóa ra hướng tới cơn mưa lại chính là hướng tới người bạn tình của mình. Cơn mưa ấy gần kề với tâm sự con người:

    Sắp mưa, đầy trời mưa dồn
    Sắp xa, đầy lòng muốn nói

    Không so sánh nhưng thực ra là so sánh. Nếu sau này một nhà thơ lãng mạn viết: “Lòng anh là một cơn mưa lũ”, thì đó là điều đã nói ra không còn giữ kín nữa. Nhưng ở đây bài ca chỉ nói một tâm sự dồn nén, căng đầy và cái thế của nó cơ hồ không thể giãi bày trong chốc lát. “Sắp mưa, đầy trời mưa dồn”, trước hết, đó là chuyện của trời đất. Nhưng phải chăng sự chuẩn bị bùng nổ của nó chỉ là cái cớ thúc đẩy một sự bùng nổ khác ở chàng trai “đầy lòng muốn nói!” “Sắp mưa” và “sắp xa”, đấy là hiện thực. Cái giây lát ấy đến gần như một thúc bách không cưỡng nổi. Chỉ còn một lát nữa thôi:

    Mưa cứ mưa đừng vội mưa tầm tã
    Dặn lời thương, dặn kĩ đã, hãy mưa!

    Thế là chàng trai lại chẳng nói được gì! Vẫn chỉ là một lời cầu xin, không chỉ là đừng mưa “gieo cơn” mà là “đừng vội mưa tầm tã”. Nhưng mục đích của mong ước ấy thì anh đã nói: “Dặn lời thương, dặn kĩ đã, hãy mưa!”. Như mọi đôi lứa khác, lời dặn thương nào không dài hơn một cơn mưa, huống hồ lại là “dặn kĩ”! Sau đấy mới là mưa, mưa làm chứng và mưa như chính nỗi lòng đôi trai gái ấy. Còn giây phút này, mưa cứ mưa, hãy chỉ là cái “mưa lưa thưa vừa đủ để thương nhau” như một nhà thơ hiện đại đã viết!


    Bài ca dừng mà ý tưởng không dừng, và có lẽ chẳng bao giờ có thể dừng lại được một bài ca cảm thương như thế. Có cơn mưa trong một bài ca, và có bài ca như như một cơn mưa trong lành, ào ạt...
     
    Chỉnh sửa cuối: 18/4/14
    deathshine, chis, bichdinh and 2 others like this.
  6. lungocyennhi

    lungocyennhi Lớp 3

    Cho mình hỏi cuối cùng thì chủ đề của bạn nói về vấn đề gì vậy?
    Bạn vui lòng sửa lại tựa đề trước ngày 1-5-2014.
    Thanks.
     
  7. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    Ồ... ?!? ... o_O! ...

    @ lungocyennhi!
    Cảm ơn bạn đã quan tâm!
    Chủ đề topic là 'Bình Văn' bạn ạ!
    &, tựa đề đương nhiên cũng là 'Bình Văn'!...

    Trân trọng!
    Chaos!
     
    Chỉnh sửa cuối: 23/4/14
  8. haiauLucky

    haiauLucky Mầm non

    'Bình Văn' để được bình và nghe bình văn. Cảm ơn bác!

    Bác tducchau có thể bình giúp em bài "Em sang bên kia sông" của Lưu Quang Vũ không ạ? Cảm nhận thì thấy rất hay nhưng chưa thể diễn đạt được, nói được hay ở đâu, hay thế nào! Cảm ơn bác!

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Tác giả: Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link (nguồn: Thica.net)
    Em sang bên kia sông
    những ngày mưa dằng dặc
    hạt cốm xanh như ngọc
    se dần trong lá sen.

    Có muộn lắm không em
    ngày qua không trở lại
    bên kia vùng Thạch Bàn
    trong mưa và trong khói
    những ngả đường lầy lội
    em đi em nghĩ gì ?

    Đã qua cả mùa hè
    chờ em, em chẳng tới
    hết mùa thu ngắn ngủi
    bây giờ đông đã sang.

    Trách chi lòng em quên
    điều anh chưa nói được
    một tình yêu vô vọng
    có giúp gì em không ?

    Sớm nay em sang sông
    guốc mòn trên vũng lội
    em bao giờ cũng vội
    mưa đầy trời thế kia.

    Gió bấc đã tràn về
    em có mang áo ấm
    mưa loang tờ giấy mỏng
    có nhắc gì đến anh ?

    Em đi xuống Bát Tràng
    nhìn lò nung lửa thắm
    lòng anh như men rạn
    vỡ trên bình gốm nâu
    đường trơn em hay vấp.

    Đừng trách anh nhắc nhiều…
    nếu thấy chẳng cần nhau
    lời anh, đừng nhớ lại
    nhưng nếu lòng thương yêu
    đừng quên anh vẫn đợi.

    Vừa mong vừa sợ hãi
    gặp nhau, rồi ra sao ?
    lá sấu rụng rào rào
    nước dâng đồng bãi ngập
    cầu đông, chiều tối lạnh
    biết em về kịp không ?
     
    tducchau and deathshine like this.
  9. lungocyennhi

    lungocyennhi Lớp 3

    Mình biết là bình văn.
    Nhưng văn của ai? Ai bình?
    Nếu như là của bạn thì bạn post sai thread nhé.
     
  10. bichdinh

    bichdinh Lớp 6

    Sao lại post sai thread hả mod? Đây chẳng phải là tủ sách tùy bút sao?
    Theo mình biết thì tùy bút là viết theo tùy ý mình, chẳng có chủ đề nào cả, thường là miêu tả cảm xúc của tác giả về vấn đề nào đó mà.
    Những bài post trên không phải là bạn tducchau bình sao ???
     
    Chỉnh sửa cuối: 25/4/14
    lathanhvien thích bài này.
  11. lathanhvien

    lathanhvien Lớp 8

    Ờm, tùy bút là vậy hả? Chà, ba mình dạy văn và mình cũng hay đọc sách giáo khoa, thế mà mình cứ nghĩ tùy bút luôn là của những tác giả nổi tiếng và xưa cổ. Chắc mod nhi cũng nghĩ vậy áh. Bỏ qua đi!

    P/S: mình có add skype bichdinh rồi kìa, hồi nào bichdinh lên tám cho vui ha, dạo gửi mail không có được! Thank you very much!
     
    bichdinh thích bài này.
  12. lungocyennhi

    lungocyennhi Lớp 3

    Tủ sách Tùy bút, biên khảo có nghĩa là sách đã xuất bản, thể loại tùy bút, biên khảo! Không cần phải là của các tác giả nổi tiếng và xưa cổ, nhưng thật sự phải là của những tác giả.
    Còn bạn ấy chỉ là bình văn, giống như học sinh làm tập làm văn vậy thôi, thì nên đăng vào thread Tác phẩm và Nhận định (Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link).
     
    lathanhvien thích bài này.
Moderators: Cát Cát

Chia sẻ trang này