Văn học nước ngoài Đọc văn học – Tại sao và Như thế nào

Thảo luận trong 'Phòng đọc trực tuyến' bắt đầu bởi silence00, 9/1/16.

Moderators: galaxy, teacher.anh
  1. silence00

    silence00 Sinh viên năm II

    Nhớ dạo nào, cũng nhiều năm nay rồi, mọi người ở nhà rầm rộ vận động lấy một ngày làm Tết Đọc sách, mình đã có phát biểu rằng chả nên làm thế, vì thấy hễ xã hội cứ vận động rùm beng cho cái gì là hỏng cái ấy, vì cứ bị thành giả tạo, vị thành tích chứ không thực chất. Đến giờ cũng vẫn thấy nhiều hoạt động cổ vũ chấn chỉnh “văn hóa đọc”. Cái ý thì tốt. Mà có vẻ đường đi nước bước thì đều vẫn lúng túng, rất dễ định một đằng thành ra đi một nẻo.

    Tuần trước gặp được cuốn How to Read and Why của thầy Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link, thấy nguyên cái lời mở đầu cũng mở mắt cho mình được nhiều điều từ trước vẫn manh nha mà chưa thành hình rõ rệt, mới bỏ ra mấy buổi dịch ra tiếng ta để chia sẻ với mọi người.

    Vì thầy Bloom chỉ bàn về đọc văn học, và lời mở đầu có nhan đề Why Read của thầy bàn cả về Why lẫn How to read, nên bản dịch này có đầu đề là Đọc văn học – Tại sao và Như thế nào, để bạn đọc khỏi nghĩ là bài này bàn về đọc nói chung. Nhẽ ra có nguyên bản tiếng Anh kèm theo thì thích và tốt hơn, nhưng ngồi đánh máy lại cả bài thì ngại quá, mong được thông cảm.

    Dưới đây là toàn văn bản dịch

    Đọc văn học – Tại sao và Như thế nào
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem linkthầy Harold Bloom năm nay 84 tuổi, vẫn dạy ở Yale
    Nếu muốn duy trì bất kì khả năng nhận định và phán xét nào của riêng mình, thì phải đọc, và đọc vì chính mình. Đọc như thế nào, giỏi dốt đến đâu, và đọc gì, mình không hoàn toàn chủ động được, nhưng cái lý do tại sao đọc thì dứt khoát phải là do mình, vì lợi ích của chính mình. Có thể chỉ đọc để qua thời giờ, hoặc đọc vì một cớ khẩn thiết nào đó, nhưng rồi sẽ đến lúc thấy mình đọc chạy đua với thời gian. Người đọc Kinh Thánh để tìm kiếm bản thân có lẽ là ví dụ dễ thấy nhất của việc đọc vì một cớ khẩn thiết, chứ không như người đọc Shakespeare, nhưng cái mục đích truy tìm của họ là như nhau. Một trong những công dụng của đọc là giúp chúng ta sẵn sàng biến cải, mà than ôi, cái biến cải chung cuộc thì ai cũng như ai.

    Tôi đọc để quen với cô đơn chứ không phải muốn học hành gì. Lối chúng ta đọc bây giờ, khi chỉ có mình với mình, vẫn là nối dài của lối ta đã đọc trong quá khứ, cho dù có trường ốc kiểu gì. Người đọc lý tưởng của tôi (cũng là hình mẫu suốt đời của tôi) là thầy Samuel Johnson, người biết và diễn đạt được cả quyền năng và hạn định của việc không ngừng đọc sách. Như mọi hoạt động khác của tâm trí, nó phải thỏa mãn được mối quan tâm hàng đầu của thầy, nghĩa là tìm được “cái gần gụi với ta, cái ta có thể vận dụng được”. Thầy Francis Bacon, người đã đem cho Johnson một số ý tưởng vận dụng được, đã có một lời khuyên nổi tiếng, rằng “Đọc không phải để phản bác và bới lỗi, cũng không phải để tin tưởng và chấp nhận, hoặc có cái để nói và tranh biện, mà là để cân nhắc và suy xét.” Cùng với Bacon và Johnson, tôi xin thêm một bậc hiền triết thứ ba nữa về đọc là Emerson, kẻ thù ác liệt của lịch sử và mọi thứ chủ thuyết vị lịch sử, người đã nhận xét rằng những cuốn sách tốt nhất đều “buộc ta phải tin rằng người viết và người đọc đều có cùng một bản chất.” Cho phép tôi hòa trộn Bacon, Johnson và Emerson thành một công thức như sau: Đọc là phải tìm thấy được cái gần gụi mà mình có thể vận dụng để cân nhắc và suy xét, và cảm thấy như nghe được lời của người có cùng một bản chất với mình, bất kể cách biệt thời gian. Ý nghĩa thực dụng của nó là: trước hết hãy tìm thấy Shakespeare, rồi để ông ta tìm thấy mình. Nếu Vua Lia tìm thấy ta đầy đủ rồi, hãy cân nhắc và suy xét đến cái bản chất chung của ta với câu chuyện ấy là gì, cái điều gần gụi với ta. Tôi không định cho đây là công thức lý tưởng, mà chỉ là thực dụng. Vận dụng tấn bi kịch ấy để kêu ca về quyền gia trưởng là ta đã bỏ qua những lợi ích hàng đầu của đọc sách, nhất là khi ta là một phụ nữ còn trẻ, nghe thì có vẻ hơi mỉa mai quá mức. Hơn cả Sophocles, Shakespeare là bậc thầy không chối cãi được về vấn đề mâu thuẫn thế hệ, và hơn tất cả các tác giả khác, là bậc thầy về những khác biệt giữa đàn bà và đàn ông. Hãy mở lòng đọc kỹ Vua Lia, rồi ta sẽ vỡ nhẽ cách phán xét tính gia trưởng của mình nó bắt nguồn từ đâu.

    Rốt ráo mà xét, thì như Bacon, Johnson và Emerson đã đồng ý với nhau, ta đọc là để củng cố bản ngã, và tìm hiểu những quan tâm chính đáng của nó. Ta trải nghiệm quá trình chậm chạp ấy như một lạc thú, mà có lẽ vì vậy mà giá trị thẩm mỹ của lạc thú ấy luôn bị các nhà đạo đức xã hội dè bỉu, từ Plato cho đến những tín đồ Thanh Giáo của chúng ta hiện nay. Mà quả thật, những lạc thú của việc đọc đều chỉ là của chính mình chứ không có tính xã hội. Ta không thể trực tiếp cải thiện cuộc sống của bất kỳ ai từ việc đọc giỏi hơn hoặc sâu hơn của mình. Tôi vẫn hoài nghi niềm hy vọng đã có từ lâu trong xã hội rằng trí tưởng tượng của mình càng phong phú thì mình càng quan tâm đến người khác, và rất cảnh giác đối với bất kỳ luận điểm nào muốn gắn kết những lạc thú đơn côi lặng lẽ của việc đọc sách với thiện ích công cộng.

    Nỗi buồn của việc sống bằng nghề đọc là chỉ thi thoảng ta mới gặp lại được cái lạc thú mà ta đã biết thời còn niên thiếu, khi sách vở còn là những lời vàng ý ngọc có sức lôi cuốn mãnh liệt. Lối đọc hiện giờ của ta có phần nào tùy thuộc ở việc ta có hay đọc theo kiểu sinh viên hoặc bản thân đã là sinh viên đại học hay không, và ở mức độ nào. Sinh viên đại học ít khi được dạy rằng đọc là một lạc thú, theo bất kỳ một nghĩa mỹ học sâu sắc nào. Sẵn lòng đến với Shakespeare qua một tác phẩm xứng đáng nhất của ông như Vua Lia chẳng hạn, không dễ gì là một lạc thú, dù là ta còn trẻ hay đã già; nhưng đọc Vua Lia mà trong đầu đầy những định kiến ý thức hệ thì lại tự làm mình bị thiệt thòi cả về nhận thức lẫn thẩm mỹ. Tuổi thơ mà phần lớn chỉ sống với cái máy truyền hình thì vị thành niên sẽ gắn liền với máy vi tính, vào đại học cũng sẽ rất khó thay đổi, cái mầm ấy chỉ có chín thêm mà thôi. Khả năng đọc rơi rụng hết, bản ngã cũng rời rã theo. Tất cả những chuyện ấy đã thành thực tế cả rồi, có than khóc cũng chẳng kịp nữa, và sẽ chẳng có ước nguyện hoặc chương trình nào có thể cứu vãn nổi. Nếu có làm được gì thì phải cần đến một tầng lớp tinh hoa thế nào đó, mà ý tưởng này thì bây giờ lại không thể chấp nhận được, với những lý do xấu tốt lẫn lộn. Vẫn cứ có những độc giả đơn độc, cả trẻ lẫn già, ngay cả trong các trường đại học. Nếu nghề phê bình vẫn còn có một chức năng nào đó trong thời điểm hiện tại này, thì nó phải tự đặt cho mình nhiệm vụ tìm hiểu giá trị của đối tượng độc giả đơn độc này, những người đọc vì bản thân mình chứ không phải vì những lợi ích vẫn được cho là cao xa hơn bản ngã.

    Giá trị, trong văn học cũng như đời sống, phần lớn nằm ở bản chất độc đáo, khi nó đạt đến mức bắt đầu có ý nghĩa. Không phải ngẫu nhiên mà những nhà phê bình vẫn tin rằng tất cả con người chúng ta là do lịch sử xã hội quyết định, đều chỉ coi các nhân vật trong văn học không hơn gì những điểm đánh dấu trên trang giấy. Nếu ý nghĩ cũng chả phải là của riêng chúng ta thì đến Hamlet cũng không còn là một trường hợp lịch sử. Cho nên theo tôi, nếu muốn cứu vãn lối đọc của chúng ta hiện nay, thì nguyên tắc thứ nhất, mà tôi học được từ thầy Johnson, là: Hãy dẹp hết mọi sáo ngữ trong đầu óc đi đã. Sáo ngữ ở đây là những lời mô phạm đã thành giả tạo, vốn từ vựng đại diện của một giáo phái hoặc môn phái nào đó. Cũng chỉ vì các trường đại học đã tiếp sức mạnh và quyền năng cho những môn phái như “tư tưởng đa văn hóa” và “vấn đề giới và tính dục”, nên lời cảnh báo này của thầy Johnson bây giờ phải là “Dẹp hết mọi sáo ngữ học thuật” đi đã rồi hãy đọc. Nói văn hóa đại học thay thế thưởng thức văn học cổ điển bằng các môn phái như vậy nghe như một lời châm biếm cực đoan, nhưng lại đang là chuẩn mực được chấp nhận. Một trong những sản phẩm phụ của nó là châm biếm bị bóp nghẹt. Những tín đồ mới của chủ nghĩa duy vật bảo chúng ta rằng họ đã phục dựng được thể xác của tư tưởng vị lịch sử, khẳng định rằng sự nghiệp của họ là nhân danh Nguyên lý Thực tiễn. Vậy là cái chết của thể xác đáng lo hơn cuộc sống của tinh thần. Môn phái học thuật này không đáng được chào đón chút nào.

    Dẹp mọi sáo ngữ dẫn đến nguyên tắc thứ hai để cứu vãn nếp đọc sách: Đừng đọc với ý định muốn giúp ích cho hàng xóm hoặc cộng đồng. Tu thân là dự án đủ lớn cho trí tuệ và tinh thần của mình rồi. Đọc không phải là một vấn đề đạo đức. Hãy cứ tự bằng lòng cho đến khi cõi vô minh nguyên ủy của chính mình tự tiêu tan. Sớm hoạt động cũng có cái hấp dẫn của nó, nhưng sẽ chả còn thời giờ để đọc nữa. Tham gia lịch sử, dù quá khứ hay hiện tại, là một tâm lý thần tượng hóa, ám ảnh với việc thờ phụng các thứ hiện hữu theo thời gian. Cho nên hãy đọc dưới ánh sáng nội tâm mà John Milton đã ngợi ca và Emerson đã lấy làm một nguyên tắc, có thể coi là nguyên tắc đọc thứ ba của chúng ta: Học giả là một cây nến mà tình yêu và khát vọng của cả nhân loại sẽ thắp sáng. Wallace Stevens, người đã viết những biến tấu tuyệt vời của ẩn dụ này, có lẽ cũng chả nhớ tác giả của nó là ai, nhưng câu nói nguyên văn của Emerson vẫn là diễn đạt rõ ràng nhất của nguyên tắc đọc thứ ba này. Đừng sợ cứ đọc một mình, và vì mình, là ích kỷ, vì khi đã thành một người đọc chính đáng và chính danh, công sức của bạn sẽ nhận được những phản hồi khẳng định rằng bạn là nguồn sáng của mọi người. Tôi nghĩ đến thư từ của người lạ gửi đến trong bẩy tám năm qua, và nói chung tôi đã không thể hồi âm vì quá xúc động. Với tôi, điều đáng buồn là ở chỗ mọi người đều mong muốn được theo một chương trình tìm hiểu văn học có bài bản và thẩm quyền xứng đáng, mà các trường đại học thì không thèm đáp ứng. Emerson đã nói xã hội không thể thiếu người có học, và nói thêm như tiên tri rằng “Nhân dân, chứ không phải trường đại học, mới là nơi ở của nhà văn.” Ông muốn nói đến những nhà văn mạnh mẽ, những người đàn ông và đàn bà đại diện cho chính mình chứ không phải những khu vực bầu cử, vì chính trị học của ông chỉ có đối tượng là tâm linh con người.

    Cái chức năng phần nhiều bị bỏ quên của một nền giáo dục đại học đã được lột tả truyền đời trong bài viết của Emerson có nhan đề “Học giả Mỹ”, trong đó ông nói về các bổn phận của học giả như sau: “Tất cả chúng có thể chỉ gói gọn vào hai chữ tự tin.” Từ Emerson, tôi rút thêm được nguyên tắc đọc thứ tư: Phải đọc như một nhà phát minh. Emerson gọi là “Đọc Sáng tạo”. Tôi đã có lần gọi đó là “đọc sai”, khiến cho những người bất đồng quan điểm tin rằng tôi mắc chứng rối loạn đọc. Cái hoang tàn hoặc trống rỗng mà họ thấy khi nhìn một bài thơ là ở trong mắt của chính họ. Tự tin không phải món quà trời cho, mà là sự ra đời lần thứ hai của trí khôn, không thể có nếu không qua nhiều năm đọc sâu sắc. Không có tiêu chuẩn tuyệt đối cho những giá trị thẩm mỹ. Nếu bạn muốn tin rằng danh tiếng của Shakespeare chỉ là một sản phẩm của chủ nghĩa thực dân, ai sẽ thèm tranh cãi với bạn? Sau bốn thế kỷ, Shakespeare vẫn ngày càng hiện diện ở khắp nơi; người ta sẽ diễn kịch của ông ngoài vũ trụ, và ở các thế giới khác, nếu đến được đó. Shakespeare không phải là một âm mưu của văn hóa Tây Phương. Ông chứa đựng tất cả mọi nguyên tắc đọc, và ông là hòn đá thử vàng của tôi trong suốt cuốn sách này. Borges cho rằng Shakespeare được yêu chuộng khắp nơi cùng chốn như vậy là do phẩm chất không vị kỷ của ông, nhưng đó chỉ là một ẩn dụ về sự khác biệt của Shakespeare. Suy cho cùng thì cái khác biệt của ông là ở sức mạnh nhận thức – gần như một quyền năng, đúng nghĩa như vậy. Chúng ta đọc thường là để tìm gặp một tâm trí độc đáo hơn mình, nếu không muốn nói là vô thức.

    Do ý thức hệ, đặc biệt là những phiên bản nông cạn của nó, có sức phá hoại đặc biệt đối với khả năng nhận biết và thưởng thức châm biếm, tôi muốn gợi ý lấy việc phục hồi khiếu châm biếm làm nguyên tắc thứ năm cho nỗ lực cứu vãn nếp đọc của chúng ta. Hãy nghĩ đến thái độ châm biếm không ngừng của Hamlet, người hễ đã mở miệng là hầu như sẽ lời một đằng nghĩa một nẻo, mà thường lại còn ngược nghĩa. Nhưng vừa đưa ra nguyên tắc này tôi đã thấy mình như tuyệt vọng, vì dạy châm biếm còn khó hơn cả hướng dẫn cho ai đó sống một mình. Ấy vậy mà để mất khiếu châm biếm là khai tử cho việc đọc, cùng với những gì đã trở thành văn minh trong bản chất của chúng ta.

    Tôi bước từ Ván này sang Ván kia

    Chậm chạm và thận trọng

    Cảm thấy Sao trên Đầu

    Và Biển dưới Chân.

    Vì không biết liệu bước tiếp theo

    Có phải là cuối cùng của mình—

    Dáng đi tôi bỗng thành Bất chắc

    Có người gọi là Sự đời.

    Đàn bà đàn ông có thể đi đứng khác nhau, nhưng nếu không bị rèn rũa dập khuôn, ai cũng có lối đi riêng của mình. Dickinson, bậc thầy của cái Siêu phàm bất trắc, có thể rất khó hiểu nếu ta không cảm nhận được những châm biếm của cô. Cô chỉ bước đi theo một con đường duy nhất, “từ Ván này sang Ván kia”, nhưng cái chậm chạp thận trọng của cô lại song hành một cách mỉa mai với thái độ thách thức khiến cô vẫn cảm nhận được sao sáng lấp lánh trên đầu, mặc dù dưới chân cô lúc ấy đã là biển cả. Vì không biết mình có chết khi bước thêm một bước nữa hay không nên dáng đi của cô bỗng mang vẻ bất trắc, vừa hoang mang vừa liều lĩnh. Nhưng cô không đặt tên gì cho dáng điệu ấy của mình, mà để cho người khác gọi đó là Sự đời. Dickinson đã đọc tiểu luận “Sự đời” của Emerson, một đỉnh điểm tương tự như bài “Bàn về Sự đời” của thầy ông là Montaigne, và cái châm biếm của cô là để đáp lễ một cách ưu ái câu mở đầu của Emerson: “Chúng ta tìm thấy mình ở đâu? Trong một chuỗi mà chúng ta không biết các cực điểm, và tin rằng nó không có.” Cái cực điểm ấy, với Dickinson, là không biết liệu bước tiếp theo có phải bước cuối cùng hay không. “Nếu như có ai trong số chúng ta biết chúng ta đang làm gì, hoặc đang đi đâu, thì lúc ấy chúng ta sẽ nghĩ mình đã biết thừa!” Cơn mơ màng của Emerson khác với Dickinson về tính khí, hoặc nói như Dickinson là về dáng điệu. “Mọi vật bơi và lấp lánh” trong sự đời của Emerson, và chất châm biếm thân thiện hồ hởi của ông khác với cái chất châm biếm liều lĩnh hoang mang của Dickinson. Nhưng cả hai đều không giáo điều, và họ vẫn lẳng lặng sống trong những châm biếm có sức tranh đua mạnh mẽ của mình.

    Ở cuối con đường đi đến cáo chung của châm biếm là những phân tấc cuối cùng, qua khỏi đó, giá trị văn học sẽ không thể vãn hồi được nữa. Châm biếm chỉ là một ẩn dụ, và khiếu châm biếm của một thời đại văn học rất hiếm khi là khiếu châm biếm của một thời đại khác. Dù sao, không có sự phục hưng của khiếu châm biếm mỉa mai mà có thời chúng ta đã gọi là khiếu tưởng tượng, văn học sẽ cáo chung. Thomas Mann, châm biếm mai mỉa nhất trong số các nhà văn lớn của thế kỷ này, có vẻ đã bị mai một. Những tiểu sử mới của ông luôn được giới thiệu và bình phẩm dựa trên khuynh hướng gợi dục đồng tính của ông, làm như nếu ông không phải là người đồng tính thì chả đáng được chúng ta quan tâm và đưa vào chương trình dạy văn học của mình. Cũng như vậy, người ta nghiên cứu Shakespeare chủ yếu là vì hình như ông là người lưỡng tính. Không thể kể hết những cái bất thường kiểu này trong trào lưu phản thanh giáo hiện thời của chúng ta. Những châm biếm mỉa mai của Shakespeare, như ta vẫn nghĩ, là đại diện trọn vẹn và đặc thù nhất của chất châm biếm trong toàn bộ văn học Tây Phương, nhưng không phải lúc nào cũng đóng vai trung gian cho phổ tình cảm mãnh liệt và phong phú đến thế trong các nhân vật của ông. Vì vậy mà Shakespeare sẽ vẫn sống khi thời đại của chúng ta đã cáo chung; chúng ta sẽ mất những châm biếm của ông, nhưng sẽ sống với tất cả những cái khác của ông. Còn ở Thomas Mann, mọi tình cảm, tự sự hay kịch tính, đều qua trung gian của cảm thức thẩm mỹ có tính châm biếm. Gần như không thể dạy các lớp sinh viên gần đây nhất, thậm chí những sinh viên có năng khiếu, về tác phẩm Cái chết ở Venice hoặc Rối loạn và Nỗi buồn Đầu đời. Khi các tác giả bị lịch sử tiêu diệt, chúng ta gọi sách của họ là tác phẩm một thời là phải. Nhưng khi họ bị ý thức hệ vị lịch sử dẹp bỏ, tôi nghĩ đó lại là một hiện tượng khác.

    Châm biếm đòi hỏi một quãng chú tâm nhất định, cùng với năng lực duy trì các ý tưởng phản đề, ngay cả khi chúng đối chọi lẫn nhau. Lột bỏ châm biếm thì đọc sẽ lập tức chả còn tí phép tắc và ngạc nhiên gì nữa. Hãy tìm cho ra cái gì gần gụi với mình, có thể vận dụng để cân nhắc và suy xét, và rất có thể đó sẽ là chất châm biếm, mặc dù ngay cả thày dạy mình nhiều khi cũng chả biết đó là gì, có thể tìm ở đâu. Tinh thần châm biếm sẽ gột bỏ những sáo ngữ của các tín đồ ý thức hệ, giúp ta phát sáng như cây nến học giả.

    Đến tuổi thất thập, chả ai còn muốn đọc linh tinh hay sống vớ vẩn nữa, vì thời gian sẽ chẳng mủi lòng. Chả biết cái chết là mình nợ Thượng đế hay tự nhiên, nhưng tự nhiên sẽ thu món nợ ấy, còn mình thì chắc chắn là chả mắc nợ gì với cái tầm thường, cho dù nó có ngụ ý thúc đẩy hoặc đại diện cho một tập thể nào đi nữa.

    Vì người đọc lý tưởng của tôi trong nửa thế kỷ rồi vẫn là thầy Samuel Johnson, nên tôi sẽ quay về với một đoạn viết ưa thích nhất trong Lời nói đầu về Shakespeare của thầy:

    Vậy thì đây sẽ là lời ngợi ca Shakespeare, rằng kịch của ông là tấm gương của cuộc đời, rằng ai đã mê sảng hoảng loạn vì lạc lối theo chân những bóng ma do các văn sỹ trước ông nuôi dậy đều sẽ được cứu chữa lành mạnh nhờ đọc được nhân tình bằng ngôn ngữ người, nhờ những màn kịch khiến cho người ẩn dật cũng có thể ước định được sự đời và kẻ xưng tội thì nhận ra mọi bước đường của ái ố hỉ nộ.

    Muốn đọc được nhân tình bằng ngôn ngữ người, ta phải có khả năng đọc một cách nhân ái, với toàn bộ con người mình. Ta không phải là một ý thức hệ, ta hơn thế nhiều, dù xác tín của ta có là gì đi nữa, và ta mở lòng bao nhiêu cho Shakespeare thì sẽ được ông nói với ta đến đấy. Nghĩa là: Shakespeare đọc ta đầy đủ hơn ta đọc ông, ngay cả khi ta đã dẹp bỏ mọi sáo ngữ trong tâm mình. Không có văn sỹ nào trước hoặc sau Shakespeare có được bất kỳ cái gì như khả năng kiểm soát những phối cảnh tương hợp tránh thoát được mọi quá trình ngữ cảnh hóa của chúng ta khi xem kịch của ông. Thầy Johnson, khâm phục nhận ra điều đó, đã hối thúc chúng ta hãy để Shakespeare giải cứu mình khỏi những “mê sảng hoảng loạn”. Cho phép tôi tiếp lời thầy Johnson bằng cách hối thúc chúng ta nhận ra những bóng ma mà chỉ đọc kỹ Shakespeare ta mới có thể diệt trừ được chúng. Một trong bóng ma ấy là Cái Chết của Tác giả; một bóng ma nữa là ý khăng khăng rằng bản ngã là một giả tưởng; và thêm một cái nữa là quan điểm cho rằng các nhân vật trong văn và kịch chỉ là những vết mực chi chít trên trang sách. Một bóng ma thứ tư, độc hại nhất, là tin rằng mọi tư duy của chúng ta đều là nhờ vào ngôn ngữ.

    Nhưng thôi, vì tình yêu với thầy Johnson, vì tình yêu đọc sách, tôi sẽ không để mình sa đà vào bút chiến, mà chỉ muốn vinh danh những độc giả âm thầm mà tôi đã gặp, trong lớp học và trên điện thư. Chúng ta đọc Shakespeare, Dante, Chaucer, Cervantes, Dickens, Proust và tất cả các đồng đẳng của họ bởi lẽ họ mở rộng cuộc sống, và còn hơn thế nữa. Thực dụng mà nói, họ đã trở thành Phước lành, với nghĩa gốc gác của từ này, là “thêm sự sống cho một thời vô hạn định”. Chúng ta đọc sâu vì nhiều lý do, hầu hết đều quen thuộc: vì chúng ta không thể biết người đủ nhiều và đủ sâu sắc; chúng ta cần biết mình rõ hơn; chúng ta muốn tri thức, không chỉ về mình và mọi người, mà về cái đạo của mọi vật. Nhưng lý do chính đáng nhất và mạnh mẽ nhất của việc đọc thật sâu sách thánh hiền mà nay đang bị ngược đãi đến thế, là truy tìm một lạc thú khó thưởng thức. Tôi không phải nhà thầu rao bán ý tưởng đọc là một khoái lạc như thể tình dục, và với tôi, một khó nhọc đầy lạc thú có vẻ là một định nghĩa khả dĩ của cái Siêu phàm, nhưng gì thì gì mục tiêu của người đọc vẫn cứ phải là một lạc thú cao cấp. Cũng có cái Siêu phàm của người đọc, và nó có vẻ là trạng thái siêu nhiên trần thế duy nhất mà ta có thể đạt được, ngoại trừ trạng thái siêu nhiên còn bất trắc hơn nữa mà chúng ta vẫn gọi là “phải lòng” một ai đó. Thôi thì, ta hãy cố gắng tìm ra cái gì gần gụi với mình, cái có thể vận dụng để cân nhắc và suy xét. Hãy đọc thật sâu, không phải để tin, không phải để chấp nhận, không phải để phản biện, mà để học chia sẻ cái bản chất duy nhất vẫn khiến ta viết và đọc.

    (hết)

    Milwaukee, 27 April 2014

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
     
  2. superlazy

    superlazy Lớp 4

    Mình thấy những ai thích đọc những truyện kiểu như của Nam Cao thường là người thực tế và nhiều nghị lực.
     
    ------ thích bài này.
Moderators: galaxy, teacher.anh

Chia sẻ trang này