ĐL-Việt Nam LS-Việt Nam Bạc Liêu Xưa - Huỳnh Minh <1000QSV1TVB #0043>

Thảo luận trong 'Tủ sách Lịch sử - Địa lý' bắt đầu bởi Thu VO, 11/11/17.

Moderators: Bọ Cạp
  1. Thu VO

    Thu VO Leader 1000QSV1TVB

    0043. Bạc Liêu Xưa.PNG

    Tựa sách : BẠC LIÊU XƯA
    Tác giả: HUỲNH MINH
    Nhà xuất bản : THANH NIÊN
    Năm xuất bản : 2002
    ------------------
    Nguồn sách : Diễn đàn TVE-4U
    Đánh máy : vqsvietnam, sakura2808
    Kiểm tra chính tả : Lotus, bichdinh, HacLongNinhKieu, Thư Võ
    Biên tập ebook : Thư Võ
    Ngày hoàn thành :11/11/2017

    Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận
    « Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link »
    của diễn đàn TVE-4U.ORG


    Cảm ơn tác giả HUỲNH MINH
    đã chia sẻ kiến thức đến người đọc
    MỤC LỤC

    BẢN ĐỒ TỈNH LỴ BẠC LIÊU
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link


    Phần thứ nhất : BẠC LIÊU QUA CÁC THỜI ĐẠI
    LỊCH SỬ BẠC-LIÊU
    TRẢI 142 NĂM (1740-1882) TỪ HUYỆN TRẤN DI ĐẾN TỈNH BẠC LIÊU
    TÌM HIỂU DANH TỪ BẠC LIÊU
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    1) LOẠN HOA KIỀU PHỦ LIÊM
    2) CUỘC NỔI LOẠN CỦA NGƯỜI MIÊN TIA, SUM
    3) NGƯỜI MINH HƯƠNG VÀ THIÊN ĐỊA HỘI
    4) LOẠN LÂM LÂM​
    NHỮNG THĂNG TRẦM, BIẾN CHUYỂN CỦA BẠC LIÊU
    BỘ MẶT BẠC LIÊU HIỆN THỜI
    Phụ Biên : CÀ MAU
    NĂM CĂN : MỘT TRONG SÁU QUẬN NỔI TIẾNG CỦA CÀ MAU​
    Phần thứ nhì : DANH NHÂN BẠC LIÊU – CÀ MAU
    I. HỔ TƯỚNG DƯƠNG CÔNG TRỪNG
    2. NGÔ CÔNG QUÝ : TẬN TRUNG GIÚP CHÚA
    3. TRẦN PHƯỚC CHẤT : MỘT VÕ TƯỚNG THEO CHƠN CHÚA NGUYỄN
    4. NGÔ VĂN LỰU : BÁCH CHIẾN BÁCH THẮNG
    5. NGUYỄN HIỀN NĂNG : TRI HUYỆN NỔI TIẾNG THANH LIÊM MẪN CÁN LỪNG DANH « THẦN MINH »
    6. NGUYỄN VĂN ĐỨC : TIỀN HIỀN KHAI ẤP, LẬP XÃ VIÊN AN
    7. TÔ XUÂN : VỊ TU SĨ NỔI DANH Ở QUAN ÂM CỔ TỰ
    8. ANH EM HỌ ĐỖ - ĐỖ THỪA LUÔNG, ĐỖ THỪA TỰ OANH LIỆT CHỐNG QUÂN PHÁP
    9. NGUYỄN THỊ NƯƠNG, MỘT TIẾT PHỤ ĐƯỢC VUA THIỆU TRỊ TƯỞNG THƯỞNG
    TẠM KẾT
    Phần thứ ba : ĐỊA DANH, GIAI THOẠI VÀ HUYỀN SỬ
    ĐỊA DANH
    TÌM HIỂU TỪ CHỈ TÊN CÁC QUẬN
    VĨNH CHÂU LÀ GÌ ?
    HAI TIẾNG GIÁ RAI
    NĂM CĂN TỪ ĐÂU MÀ CÓ ?​
    GIAI THOẠI
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    MIẾU BÀ CỐ LINH THIÊNG VỚI QUAN CHÁNH THAM BIỆN NGƯỜI PHÁP
    MIẾU BÀ MÃ CHÂU (CÀ MAU)​
    HUYỀN SỬ
    CHUYỆN CÁ SẤU CỨU CHÚA TÔI NGUYỄN ÁNH ĐƯỢC PHONG CHỨC LANG LAI ĐẠI TƯỚNG QUÂN
    NGUỒN GỐC AO NGỰ VÀ ẤP GIÁ NGỰ
    Bên lề lịch sử : KINH CẠNH ĐỀN ẤP CẠNH ĐỀN
    KINH CHẮC BĂNG VỚI NGUYỄN ÁNH
    Phần thứ tư : DI TÍCH – THẮNG CẢNH – CỔ TỤC
    DI TÍCH LỊCH SỬ : BẠC LIÊU VỚI VUA GIA LONG
    1) ĐỒN BINH TRÊN CỬA SÔNG MỸ THANH VÀ NGÔI MỘ CỦA MỘT CÔNG NƯƠNG NHÀ NGUYỄN NƠI LÀNG TÂN KHÁNH
    2) SÔNG ÔNG ĐỐC : ĐỐC BINH HỌ HỲNH ĐÃ LIỀU THÂN CỨU NGUY CHO CHÚA NGUYỄN ÁNH, NAY CÒN LƯU DANH VÙNG QUẬN SÔNG ÔNG ĐỐC.
    3) NHỮNG CƠ SỞ ĐỒN ĐIỀN DO KINH LƯỢC SỨ NGUYỄN TRI PHƯƠNG THIẾT LẬP
    4) CHÙA VĨNH TRIỀU MINH TRONG QUẬN VĨNH LỢI
    5) NGÔI CHÙA MIÊN BOUTHALET
    6) CHÙA VĨNH PHƯỚC AN VÀ CHÙA TAM SƠN QUỐC VƯƠNG HAY CHÙA CÂY ME
    7) NGÔI MỘ CỔ CỦA ÔNG ĐÀO CHÂU THÁI VÀ NGHĨA ĐỊA BINH SĨ THỜI GIA LONG TẨU QUỐC
    8) DI TÍCH MỘT CHIẾC THUYỀN NGỰ CỦA CHÚA NGUYỄN ÁNH TẠI RỪNG NĂM CĂN
    9) MIẾU HỘI ĐỒNG VÀ MIẾU HẢI LINH
    10) ĐÌNH THẦN TÂN HƯNG, VỊ BỔN CẢNH THÀNH HOÀNG ĐƯỢC NHÂN DÂN SÙNG PHỤNG, VUA TỰ ĐỨC BAN SẮC PHONG THẦN.
    11) MIẾU CÔNG THẦN
    ĐIỂU ĐÌNH - SÂN CHIM LỚN NHẤT VÀO THỜI XƯA MỘT NGUỒN LỢI THIÊN NHIÊN ĐÁNG KỂ Ở CÀ MAU
    MỘT GỐC KIỂNG THỤ SỐNG TRÊN THẾ KỶ TẠI BẠC LIÊU
    CHIẾC ĐỒNG HỒ XƯA KHÔNG MÁY XÂY BẰNG GẠCH, HIỆN CÒN DI TÍCH Ở BẠC LIÊU​
    CỔ TỤC
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    THẮNG CẢNH BẠC LIÊU
    BÃI BIỂN VĨNH CHÂU VÀ CỬA BIỂN MỸ THANH
    HÒN CHUỐI VÀ HÒN ĐÁ BẠC
    Phần thứ năm : VẺ ĐẸP BẠC LIÊU – CÀ MAU QUA THI CA
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    VẺ ĐẸP BẠC LIÊU CÀ MAU QUA THI CA
    NHỮNG THỔ SẢN ĐỊA PHƯƠNG DANH TIẾNG QUA CA DAO
    ĐƯỜNG XUÔI HẬU GIANG VỀ TỈNH MUỐI
    TRÊN ĐƯỜNG PHỤC HƯNG KIẾN THIẾT​
    KINH TẾ
    NGUỒN LỢI KINH TẾ ĐẦY HỨA HẸN
    VÀI NÉT ĐẠI CƯƠNG VỀ BẠC LIÊU TRÊN ĐƯỜNG PHỤC HƯNG KIẾN THIẾT
    NÔNG LÂM SÚC : TIẾN TRIỂN ĐỒNG ĐỀU
    GIAO THÔNG : MỞ RỘNG ĐƯỜNG SÁ
    Y TẾ : SỨC KHỎE DÂN CHÚNG ĐƯỢC BẢO VỆ​
    CÁC GIÁO PHÁI HIỆN HỮU
    GIÁO PHÁI TU TĂNG KHẤT SĨ
    TỊNH ĐỘ CƯ SĨ PHẬT HỌC NAM VIỆT VÀ CƯ SĨ LÂM CỦA NGƯỜI HOA KIỀU
    CÔNG GIÁO TIN LÀNH
    CAO ĐÀI LƯỠNG PHÁI TIỀN GIANG VÀ HẬU GIANG
    PHẬT GIÁO HÒA HẢO
    TỔNG KÊ CÁC CƠ SỞ THỜ PHƯỢNG
    MỘT NGÔI CHÙA ĐẶC BIỆT CỦA HOA KIỀU​
    TỔNG KẾT

    0041 Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    0044 Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    0047 Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
     
    Chỉnh sửa cuối: 19/2/18
    Chinh2022, phieumien, Forest and 13 others like this.
  2. Thu VO

    Thu VO Leader 1000QSV1TVB

    Các file đính kèm:

    Chỉnh sửa cuối: 16/6/18
  3. Thu VO

    Thu VO Leader 1000QSV1TVB

    LỜI NÓI ĐẦU

    Tìm hiểu non sông đất nước vẫn là nguyên động lực thúc đẩy bồi dưỡng tinh thần yêu nước mà mỗi công dân không thể không biết đến. Có biết mới yêu, có hiểu mới rõ cảm xúc thấm thía, lòng yêu mới đậm đà thắm thiết.

    Nói rằng yêu nước, mà không hiểu gì hay chỉ hiểu biết mơ hồ về non sông quốc thổ, công nghiệp tiền nhân, nếp sống của đồng bào ruột thịt quê hương, chẳng là một khuyết điểm lớn sao ? Tuy nhiên, không phải ai ai cũng có phương tiện và cơ hội đi khắp đó đây. Phần đông chúng ta đều bị đời sống buộc ràng, có người suốt đời không ra khỏi lũy tre xanh, hay giới ranh của đô thị.

    Để bù lại, duy chỉ còn cách tìm đọc sách báo.

    Nhưng đọc gì bây giờ ?

    Nhan nhản truyện kiếm hiệp, liêu trai, tiểu thuyết rẻ tiền. Loại sách sưu khảo hữu ích thì thưa vắng góp mặt trên thị trường buôn văn bán chữ, vì loại sách này đòi hỏi nơi người viết nhiều học thức lẫn công phu, mà thù tạc lại không bao nhiêu lợi lộc.

    Nếu ở đời, ai ai cũng đặt lợi lộc lên trên trước hết, thôi còn chi nữa mà mong ? !

    Chúng tôi một nhóm nhân văn ký giả nghèo tiền nhưng không nghèo tâm chí, nhận thấy chỗ khiếm khuyết cần được bồi bổ trong nền văn học quốc gia, muốn đáp ứng sự đòi hỏi của một số đồng bào thật lòng yêu nước, sau mấy phen phiêu lưu đầy huyết lệ đã nhận chân được đâu là nguồn sống và phát triển của dân tộc, chúng tôi không ngần ngại lãnh làm cái công việc vừa khó khăn vừa bạc bẽo : sưu tầm khảo cứa và xuất bản loại sách tìm hiểu danh lam, thắng cảnh và nhân vật nước non nhà.

    Khởi đầu với cuốn «ĐỊA LINH NHƠN KIỆT» về tỉnh Kiến Hòa, mà mặc dầu có nhiều khuyết điểm vẫn gặp được sự cảm thông và hoan nghinh nhiệt liệt của báo chí và các giới đồng bào khuyến khích, hôm nay chúng tôi tiếp tục giới thiệu với quí bạn đọc thân mến : tỉnh Bạc Liêu qua các thời đại, và rồi sẽ lần lượt đến tỉnh Định Tường, Cần Thơ, Kiên Giang, Ba Xuyên, Bình Dương, Long An, Biên Hòa v.v...

    Đường xa gánh nặng, công trình e quá sức chúng tôi chăng ?

    Chúng tôi cũng tự lượng sức mình không thể nào « đội đá vá trời ». Nhưng nếu cứ ngồi một chỗ mà ngại núi e sông thì không bao giờ có công việc gì khởi sự.

    Cứ đi rồi sẽ tới !

    Và, chúng tôi tin rằng dầu chúng tôi có mệt mỏi giữa đường, sẽ có những người bạn đồng hành đồng chí khác cứ tiến lên, nâng cao ngọn đuốc tinh thần bất khuất của dân tộc.

    HUỲNH MINH
     
  4. Thu VO

    Thu VO Leader 1000QSV1TVB

    BIÊN TẬP ĐẠI Ý

    CÂY có cội mới nở ngành xanh ngọn.
    NƯỚC có nguồn mới bể rộng sông sâu.


    Lịch sử loài người, dân tộc, đất đai sông núi đã có trên quả đất nầy. Tất cả vạn vật đều do thượng đế dựng nên.

    Chúng ta đã sanh làm người dân tộc Việt sống trong bản dư đồ chữ S từ Nam Quan chí mũi Cà Mau, há chẳng niệm công ân tổ tiên đã gian lao khổ nhọc gầy dựng nên mà lưu lại hậu thế ? Thiết tưởng chúng ta phải cần biết đất đai, tỉnh lỵ xứ sở làng mạc của mình có những gì, do ai khai sáng, đồng bào dân chúng sống như thế nào ? Tài nguyên kinh tế có trù phú hay không ? Sự tiến bộ qua mỗi thời đại ra sao, điều ấy rất quan trọng và cũng là điều tối cần cho những ai mang dòng máu Tiên rồng, bốn ngàn năm vạn hiến kết tinh.

    Ngày nay thế hệ chúng ta ở vào thời đại nguyên tử, vật chất bao trùm, ánh sáng khoa học tây phương càng ngày càng bành trướng khắp thị thành lẫn thôn quê. Văn hóa ngoại lai tràn ngập : tiểu thuyết rẻ tiền, phim cao bồi, kiếm hiệp, chưởng, đảo hải di sơn, v.v… Một số thanh niên nam nữ bị đầu độc, hư thân mất nết, bán lương tâm, mờ tối lương tri, chạy theo dục lạc của thế hệ kim tiền không còn giữ được đạo nghĩa gia phong thuần túy, dường như đặc tính của người việt mất hẳn. Từ tiếng nói, giọng cười cũng đổi, cơ đồ họ muốn quên cả tiếng mẹ đẻ nữa là khác.

    Ai là người yêu quê hương đất tổ, mến trọng nghĩa nhân, bảo tồn dân tộc tính, thấy vậy không khỏi đau lòng, e ngại một ngày kia sẽ mất hẳn hết ! ! ! Vì lẽ ấy, chúng tôi tìm qua phần lịch sử của mỗi tỉnh trong miền Nam, nói lên tiếng nói của quê hương, khơi nguồn sống trong lòng dân tộc hòa cùng lòng đất thân yêu của tiền nhân để lại, từ tập tục, sự tích, cổ truyền.

    Chúng tôi sẽ trình bày với tánh cách khách quan, hướng dẫn quí đọc giả biết qua lịch sử, địa lý của tỉnh Bạc Liêu từ chương mục. Thiết tưởng khi bắt tay vào việc viết qua « Bạc Liêu xưa và nay», là cả một vấn đề thiếu thốn về phương tiện, nhưng với sự cố gắng, chí nhẫn nại là yếu tố phục vụ của chúng tôi, sẽ không phụ lòng bạn đọc tin yêu kỳ vọng. Chúng tôi sẽ đưa ra nhiều chuyện hay tích lạ của tỉnh nầy, công trình hằng bao nhiêu tháng, sưu tầm khảo cứu, nói lên để làm nổi bật một tỉnh trù phú, khét tiếng giàu có về ruộng lúa, ruộng muối phì nhiêu, sông dài bể rộng, dân chúng đủ cơm ăn áo mặc, sự sống dễ dàng, con người hay tôn thờ tín ngưỡng, hiền lành chất phác, phần đông là người Tiều (Triều Châu), người Hẹ (Hải Nam) đến sanh cơ lập nghiệp nơi tỉnh nầy lúc chưa thành lập. Tỉnh Bạc Liêu ngày xưa có thể là một tỉnh thần huyền và có nhiều giai thoại đặc biệt hơn các tỉnh khác, chúng tôi sẽ trình bày nơi phần thứ ba trong tập sách nầy.

    Bạc Liêu hồi thời Pháp thuộc rất sung túc, dân cư đông đảo, nổi tiếng là xứ ăn xài, lắm khách hào hoa phong nhả, chợ búa mua bán phồn thịnh, nền kinh tế dồi dào. Cho đến khi chánh phủ Ngô Đình Diệm chấp chánh, Bạc Liêu sáp nhập về tỉnh Ba Xuyên (Sóc Trăng cũ) trước kia thạnh vượng đông đảo bao nhiêu, bây giờ lại hóa ra u trệ bấy nhiêu. Vì bỗng dưng bị thâu hẹp lại thành một quận gọi là quận Vĩnh Lợi, trọn 9 năm châu thành Bạc Liêu lâm vào cảnh vắng vẻ, nền kinh tế bị sụp đổ, du khách có dịp đi ngang qua cảm tưởng cho là một tỉnh bị chiến tranh tàn phá.

    Lần lượt chúng tôi sẽ đề cập sự phát triển của Bạc Liêu xưa qua các phương diện.
     
    Forest, Heoconmtv and deathshine like this.
  5. Thu VO

    Thu VO Leader 1000QSV1TVB

    BẠC LIÊU TRẢI QUA CUỘC BIẾN LOẠN

    Từ năm Đinh Dậu 1777, cuộc tranh chấp giữa quân đội Tây Sơn và quân đội chúa Nguyễn đến giai đoạn quyết liệt, vùng Bạc Liêu Cà Mau từng là nơi chúa Nguyễn bôn tẩu. (Chúng tôi sẽ lần lượt kể các chuyện trong khi « Gia Long tẩu quốc » nơi phần thứ II và phần thứ III).

    Ngoài cuộc nổi loạn lớn ấy, còn có lắm cuộc biến động hãi hùng trên vùng đất Bạc Liêu :​
    1) LOẠN HOA KIỀU PHỦ LIÊM

    Thế sự tuần hoàn, hết suy đến thịnh.

    Sau thời kỳ thua Tây Sơn xiểng niểng và chạy trối chết, lại đến hồi Nguyễn Ánh nhờ ngoại viện trở phản công, Tây Sơn hết thời, Nguyễn Ánh thống nhất giang san, lập triều đại nhà Nguyễn dưới danh hiệu Gia Long hoàng đế.

    Suốt thời đại Gia Long, Bạc Liêu không có gì lạ. Qua thời đại Minh Mạng xảy ra cuộc nội loạn do Hoa kiều chủ xướng.

    Năm 1840, một Hoa kiều Phủ Liêm gây loạn chống Nam triều. Nguyên do : vua Minh Mạng vì tư thù nên xử tệ với công thần của tiên đế : Tả quân Lê Văn Duyệt Tổng trấn thành Gia Định.

    Lúc sống không dám ngang nhiên ngược đãi, vua Minh Mạng chờ đến lúc Tả quân tạ thế mới dùng nghiêm luật nhục mạ đấng công thần, gây công phẫn trong dân tâm, thúc đẩy nghĩa tử Lê Văn Khôi dấy lên. Trong bộ tham mưu của Lê Văn Khôi có người Hoa kiều là Mạch Tấn Giai làm đầu não. Do đó, khi binh triều dẹp xong Lê Văn Khôi chẳng khỏi đàn áp thẳng tay đến người Hoa kiều ở rải rác khắp nơi trên lãnh thổ ta lúc bấy giờ.

    Bị tình nghi có dính líu vào cuộc Lê Văn Khôi dấy binh, những Hoa kiều ở Bạc Liêu bị quan quân triều Minh Mạng khủng bố đủ điều. Bất bình, họ nổi loạn chống triều đình, dưới sự lãnh đạo của Phủ Liêm, từng đoàn kéo đi đốt phá cướp bóc không nương tay để trả đũa. Dân chúng ở Cà Mau chịu thiệt hại rất nhiều. Viên tri huyện Nguyễn Hiền Năng bị hạ sát. Tại Tân Xuyên hiện nay có một đài kỷ niệm do dân chúng tự dựng lên, để kỷ niệm công đức ông Huyện Năng (ông huyện này, lúc sanh tiền vốn là một minh quan một người hiền đức mới được nhân dân đối xử như thế) Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Đối với quân nổi loạn của Hoa Kiều do Phủ Liêm cầm đầu, quan quân ở Châu Đốc và Hà Tiên đồng tâm hiệp lực kéo binh qua chinh tiễu một thời gian mới đàn áp được.

    Do kinh nghiệm vụ nầy, về sau Nam triều đã lập một huyện tại Cổ Cò, với mục đích hoàn toàn về chiến lược. Đồn binh ở Cổ Cò hiện nay chỉ còn để lại một nền đất cao làm di tích.

    2) CUỘC NỔI LOẠN CỦA NGƯỜI MIÊN TIA, SUM

    Năm 1859, hai người Cao Miên tên Tia và Sum gốc gác ở Trà Hương là miền hiện thuộc về Sóc Trăng, tự xưng là nguyên soái (Sana) dấy binh làm loạn, lôi kéo theo chúng tất cả người Miên và Hoa kiều. Phong trào phiến loạn sôi nổi dữ dội và trở nên toàn diện ở Bạc Liêu và Sóc Trăng. Viên lãnh binh của Nam triều chỉ huy đồn Bãi Xàu bị tử trận, đồn thất thủ, binh sĩ bị sát hại gần hết.

    Hạ được đồn Bãi Xàu, quân phiến loạn phấn khởi thêm lên, kéo đi gây sự khủng bố khắp nơi. Quan binh ở Bạc Liêu vô kế khả thi phải cầu viện với Tổng đốc An Giang.

    Vị tổng đốc An giang phái ngay một viên lãnh binh chỉ huy đoàn thủy quân lục chiến kéo đến đánh dẹp. Trong đạo quân nầy, còn có đoàn quân tình nguyện Mã Lai gọi là « Chiến thắng quân ».

    Nghe tin, quân phiến loạn dàn trận chống cự. Một trận đại chiến quyết liệt xảy ra tại Vàm Lẻo cửa vào rạch Bạc Liêu. Đạo binh Nam triều đánh cho quân phiến loạn tả tơi không còn manh giáp. Sana Tia tử trận. Quân phiến loạn tan vỡ, vác thây chủ tướng đào tẩu.

    Công cuộc bình định đã xong, an ninh tái lập.

    3) NGƯỜI MINH HƯƠNG VÀ THIÊN ĐỊA HỘI

    Từ cuộc đô hộ của người Pháp cho đến mãi về sau, người Tàu và Minh Hương trên đất nước nầy được hoàn toàn độc lập.

    Những nghị định năm 1867 và 1870 đồng hóa người Minh Hương với người Tàu, cho họ được miễn nhiều sưu thuế. Mãi đến năm 1874 mới có một sắc lệnh ban hành ngày 31 tháng 8 d.l. thâu hồi những nghị định nói trên và kể từ đó người Minh Hương được đối xử hoàn toàn như người Việt. Chính vào thời kỳ nầy ở Bạc Liêu phát sinh phong trào hội kín « Thiên địa hội», sự an ninh trong xứ bị rối loạn vì những hội viên « Thiên địa hội» hoạt động phi pháp khủng bố lương dân, bắt buộc những người có máu mặt trong vùng phải đóng tiền vô quỹ của hội.

    Những hội viên của hội kín nầy gồm có người Hoa kiều, người Minh Hương và cả người Việt cũng có chân nữa. Ở vùng Bạc Liêu có hai Thiên địa hội hoạt động mạnh và gây rối loạn hơn hết là Hội Nghĩa hưng kèo (cờ) xanh và Hội Nghĩa hòa kèo vàng. Hai hội tranh đua giành giựt ảnh hưởng và quyền lợi với nhau, thường gây ra những trận ẩu đả chém lộn đổ máu làm mất an ninh. Để vãn hồi trật tự, bảo vệ an ninh cho dân chúng, chánh quyền mới quyết định phải lập một trung tâm hành chánh tại Bạc Liêu. Do đó, tỉnh Bạc Liêu hình thành vào năm 1882.

    4) LOẠN LÂM LÂM

    Thổ dân Lâm Lâm cầm đầu dân Lạc Hòa quận Vĩnh Châu nổi loại đồng thời với loạn Tia, Sum đã nói trên tại bãi Phù Tự (tên cũ của Bãi Xàu, tức là quận Mỹ Xuyên hiện thời). Nam triều phải vô cùng vất vả mới dẹp xong. Trong dịp nầy Nguyễn Tri Phương vâng chỉ vua vào tận nơi tổ chức lại hệ thống cơ đội, đồn điền khắp nơi, di tích còn các nền đồn cũ ở các vùng xã Vĩnh Trạch, Vĩnh Mỹ, Long Thạnh, quận Vĩnh Lợi, với một số khí giới tìm thấy khoảng năm 1930.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem linkXin xem thêm ở phần thứ hai, về chương Danh nhân.
     
  6. Thu VO

    Thu VO Leader 1000QSV1TVB

    GIAI THOẠI

    « CÔNG TỬ BẠC LIÊU » DO ĐÂU MÀ NỔI TIẾNG ?

    Ba bốn mươi năm về trước, thuở tiền bạc đắt đỏ, lúa chỉ có 7, 8 cắc một giạ, tỉnh Bạc Liêu đã nổi tiếng là tỉnh giàu bậc nhất miền Nam, có lắm nhà triệu phú về ruộng lúa, ruộng muối. Ngay trong lúc kinh tế khủng hoảng lúa chỉ còn 0 đồng 25 một giạ, đến nỗi cụ Bùi Thế Mỹ tức nhà văn Lan Đình đã phải thốt mấy câu :

    « Nghèo đến thằng mình còn chạy quýnh,
    « Giàu như ông Trạch cũng buồn hiu !


    Ông Trạch tức là nhà triệu phú Trần Trinh Trạch ở Bạc Liêu. Kinh tế khủng hoảng thì mặc kinh tế, các tay công tử Bạc Liêu vẫn cứ còn tiền xài « thả cửa ». Vâng, Bạc Liêu là tỉnh trù phú, dân cư đông đúc, chợ búa mua bán tấp nập, cũng là nơi nổi tiếng ăn xài, từng sản xuất các tay công tử năm mươi ngàn « đổ một trận cười như không ». Từ Nam chí Bắc đều nghe danh công tử Bạc Liêu một thuở nào.

    Thời thực dân phong kiến cai trị, chúng buông thả cho dân chúng tha hồ chơi đủ thứ : hốt me, đá gà, tổ chức những hộp đêm buôn hương bán phấn v.v… Nhất là tỉnh giàu như Bạc Liêu thì dân chúng tha hồ hơn nữa. Có thể nói tứ đổ tường (bốn bức vách tửu, sắc, tài, khí) người Bạc Liêu phần đông đều vướng mắc, chẳng nhiều thì ít. Do đó, hạng con ông cháu cha sa ngã trong các mê hồn trận, được thời nổi danh « công tử » đệ nhất là « công tử Bạc Liêu » thì thôi, ai cũng ngán cái nước khuân tiền đổ sông đổ biển của họ.

    Đây, thành tích ăn xài khét tiếng của các tay công tử Bạc Liêu hữu hạng :

    Chính tại Bạc Liêu người nổi danh nổi tiếng « công tử số một » là Huỳnh Văn Phước kêu là xã Dù Hột (sau nầy là Ban biện Hột), con ông chủ Chá. Ăn xài tại tỉnh nhà phung phí có tiếng, là dân cậu, mỗi khi lên Sài Gòn – tất nhiên phải ăn xài hơn nữa – thì công tử nhà ta càng trổ ngón xài sao cho thiên hạ đều kính nể. Ở thì ở các khách sạn hạng sang như Continental, Majestic chẳng hạn. Ra đường, một mình đi chơi thì dùng đến năm ba chiếc xe kéo, chiếc chở nón, chiếc chở cây gậy (canne), chiếc chở cặp da, mắt kiếng v.v… Đánh bạc thì vô các nhà « xẹt » (cercle) lớn, dám đánh một cây bài đôi ba chục ngàn đồng bạc (nên biết là tiền bạc thuở lúa bảy tám cắc một giạ, thấy công tử Bạc Liêu xài tiền như nước ai ai cũng phải sợ.

    Công tử Bạc Liêu đứng vào hàng số 2, sau Dù Hột (Huỳnh Văn Phước) kể trên, kế đó là ba anh em Trần Trinh Đình, Trần Trinh Huy Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link. Trần Trinh Khương, con ông Hội đồng Trần Trinh Trạch. Gọi là số 2, vì đi sau « cậu » trước, kỳ thực về mức ăn xài lớn của cậu ba Huy chẳng nhượng gì Dù Hột. Cũng đởm dáng đủ điều, cũng phung phí huy hoát. Đến cái nước ganh đua với một tay công tử khác ở Mỹ Tho là Phước Georges, thì cậu ba Huy còn xài buông tay hơn nữa. Trong đêm tối, một bạn bè đánh rơi một vật chi nơi xó kẹt chăng ? Lập tức Phước Georges lấy giấy con công (giấy bạc 5$ thời trước) quẹt diêm đốt rọi cho bạn kiếm. Cậu ba Huy có mặt nơi đó há dễ chịu thua ? Thản nhiên như không, « cậu » móc ngay tấm giấy bộ lư (bạc 100$) hay gọi giấy « săng » (cent) đốt tiếp. Ấy là chuyện điển hình hai tay công tử Bạc Liêu và Mỹ Tho… tranh hùng một thuở chơi hoang. Và vì diện mạo của hai người, Phước Georges trắng trẻo, cậu Huy đen nám, thiên hạ đặt cho danh hiệu là Bạch công tử ở Tiền Giang và Hắc công tử ở Hậu Giang.

    Tại Bạc Liêu còn có thêm hạng công tử ăn xài rất đúng cách và óc bảo thủ là Út Thượng, người nầy đã mất nhưng còn mang tên một con kinh trong điền kêu là kinh Út Thượng, tại điền của ông ngày nay.

    Đại khái cái danh « công tử Bạc Liêu » là như thế. Mặc dầu vậy, chớ tưởng hàng công tử ở tỉnh muối đều là thứ ăn chơi. Bên cạnh hạng công tử Bạc Liêu (xài phá hoang phí) mà đời thường nhắc nhở với ý tiếc rẽ, hãy còn một hạng công tử Bạc Liêu đáng mặt hơn. Điển hình cho hạng sau nầy là Phan Kim Cân, tay công tử hào hiệp, trọng nghĩa khinh tài, hiện nay còn ở Bạc Liêu.

    Đã là công tử Bạc Liêu, Ba Cân cũng thuộc hạng bảnh về mặt ăn xài, có điều Ba Cân chẳng khác một Đơn Hùng Tín thuở loạn Tùy sang Đường, hay đem tiền của trợ cấp cho những anh hùng hào kiệt còn thất cơ lỡ vận. Điểm đặc biệt của công tử Phan Kim Cân, là có mắt xanh nhận biết trang lỗi lạc siêu quần trong cơn phong vũ trần ai, sẵn sàng giúp đỡ cho. Nơi nhà Ba Cân thường nuôi giấu chí sĩ cách mạng. Chính Nguyễn An Ninh khi xuống Bạc Liêu đã được Ba Cân tỏ ra trọng đãi vô cùng.

    Xuyên qua hai công tử Bạc Liêu mà chúng tôi đề cập ở bài nầy, hẳn ai cũng nhận thấy cả về hai hạng ăn chơi vị kỷ và hoang phí có ý vị tha – phương diện nào công tử Bạc Liêu vẫn khác thường thiên hạ. Bởi lẽ khác thường ấy, cái danh xưng « công tử Bạc Liêu » tự nó đã hội đủ yếu tố để đáng được… ghi vào lịch sử nhỉ ?

    Điều nên biết thêm, cả hai hạng công tử Bạc Liêu ấy, dẫu sao cũng danh chấn nhất thời mà thôi. Ngày nay gia đình xã Dù Hột (điển hình giới ăn chơi) và Ba Cân (điển hình giới hào hiệp trọng nghĩa khinh tài) đều đã sa sút nghèo nàn. Dù Hột nay đã mất nhưng còn người chị là cô Hai Ngó đã chán chê cảnh phù hoa, gột rữa trần tâm phần nào mà hướng về nẻo Đạo có lập một cảnh chùa tại Bạc Liêu, người sau là cậu Ba Cân còn sống phong thái vẫn ung dung trong cảnh nhà cửa suy sụp, nhưng tên tuổi vẫn còn để cho người đời nhắc nhở. Âu cũng là bài học hay cho đời noi gương, xem đó tu tâm luyện tánh.

    Tạo nghiệp đã đành là phải trả cho xong nghiệp quả. Nghiệp trần ai mang nặng nhiều tội lỗi sa đọa, còn kịp có ngày giờ ăn năn sám hối thì hãy còn làm lại cuộc đời tốt đẹp được. Và vương mang nghiệp hào hoa mà còn biết xét nét qua dĩ vãng trong hành vi cử động của mình, còn biết có lúc phải làm đôi điều phải đạo, phải lẽ, dẫu mai sau thất vận, nợ trần ai tay trắng trả vay hoàn tay trắng, hãy còn đôi chút an ủi chuỗi ngày tàn vậy.

    Nói đến đất Bạc Liêu mà không đề cập đến các tay công tử thời ấy là một điều thiếu sót, chúng tôi chỉ sơ lược qua vài nét của hai hạng công tử đã nói trên, còn sự phê phán xin nhường cho độc giả, tác phẩm thuộc về loại sưu khảo qua nhiều khía cạnh vì lẽ đó nên không thể đi sâu chi tiết về hành động của một cá nhơn nào, xin bạn đọc thông cảm cho.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Ba người nầy mỗi người xài một cách khác nhau, nhưng có cậu ba Trần Trinh Huy trong giới hào hoa đều biết danh cậu nhiều hơn hết.
     
    Forest, Heoconmtv and deathshine like this.
  7. Thu VO

    Thu VO Leader 1000QSV1TVB

    CHUYỆN BÀ MỤ TRỜI ĐỠ SANH CHO CỌP TẠI RỪNG CÀ MAU

    Ngày nay tại tỉnh Cà Mau, hầu hết đồng bào ở đây còn truyền tụng câu truyện bà Mụ Trời làm một việc bất đắc dĩ, mà cũng là một việc hy hữu, tức là hộ sanh cho cọp.

    Cách gần đây một thế kỷ (100 năm) Cà Mau là một vùng đất phù sa sình lầy, gần như hoang vu. Dân cư thưa thớt, nhưng có nhiều thú dữ như cọp, có nhiều loại có nọc độc như trăn, rắn mái gầm, và rắn hổ v.v… còn muỗi thì nhiều vô số kể ăn cơm phải giăng mùng đốt ung thì mới có thể ngồi ăn được.

    Vào thời đó, tại Rạch Bàn, thuộc quận Cái Nước bây giờ, có một bà rất nhơn đức, tên là Trần Thị Hoa, tục gọi là Bà mụ Tư, làm nghề hộ sanh. Thuở ấy hộ sanh là một việc làm phước, không ai chịu lấy tiền công đức, bởi vậy dân chúng thường tặng các bà hộ sanh là mẹ sanh.

    Thường lệ nơi đây, hễ mặt trời lặn thì ai ở nhà nấy, rồi cửa đóng then gài. Vì thú dữ quá nhiều, nên họ sợ…

    Một bữa nọ vì phải giúp một sản phụ khó sanh, nên Bà mụ Tư về muộn. Chủ nhà phải mướn bốn người trai tráng đưa bà. Về gần tới nhà, bỗng nghe tiếng cọp hộc rất lớn làm mọi người hốt hoảng, tay chân bủn rủn, người ướt trong quần. Khi hoàn hồn bốn tráng đinh thấy mất Bà mụ Tư thì quả quyết bà bị ông thầy bắt ăn thịt. Vào thời ấy dân chúng rất sợ cọp, sợ hãi đến nỗi không dám gọi đích danh ông hổ hay ông cọp mà phải kính cẩn gọi là ông thầy, có nơi còn lập miếu thờ cọp, nên bốn tráng đinh tất tả chạy về làng đánh mỏ và thùng thiếc báo động. Dân làng được tin cọp loạn rừng, cùng nhau mang dao rựa cung nỏ đi ruồng kiếm, nhưng vô hiệu quả.

    Rạng ngày dân làng tiếp tục đi tìm dấu cọp. Họ tiến gần đến nhà Bà mụ Tư thì thấy dấu chưn cọp, còn ràng ràng trên mặt đất. Quanh nhà bà cũng thấy có dấu chưn cọp, chứng tỏ hồi chiều hôm qua cọp có đến rình nhà bà. Thấy cửa hé mở, dân làng xô cửa bước vào, họ thấy một người hình dạng giống bà mụ Tư đang nằm trên giường day mặt vô vách.

    Nghe tiếng động bà mụ Tư giựt mình ngó ra ngoài. Quả thật là bà mụ Tư. Ban đầu dân làng ngỡ là ma hiện hình, nhưng sau khi nghe bà lên tiếng thì họ mới hết sợ.

    Một trong bốn tráng đinh đã đưa bà về nhà chiều hôm qua đánh bạo lên tiếng : « Rõ ràng chiều hôm qua, chính mắt tôi trông thấy bà bị ông thầy bắt. Nhưng sao bây giờ bà còn sống ngồi ở đây ? Phải chăng bà là ma hiện hồn ? Chúng tôi vái hồn bà có linh thiêng, xin đừng về đây quấy nhiễu, dân làng chúng tôi sẽ lập miếu thờ bà. »

    Bà mụ Tư cười đáp :

    - Nào tôi có chết chóc gì đâu mà đòi lập miếu thờ… Thật ra, tôi bị ông thầy bắt… nhưng câu chuyện còn dài, mấy chú ngồi chơi, chờ tôi rửa mặt mày một chút bớt mệt, tôi sẽ kể chuyện lại cho mấy chú nghe.

    Rửa mặt xong, bà ngồi lại kể chuyện : « Chiều hôm qua tôi đi đỡ đẻ ở xóm trên rồi trở về, còn chừng hơn mười sải nữa tới nhà, thình lình tôi nghe tiếng ông thầy hộc lên dữ dội, liền đó tôi bị lấn ngã, hồn vía tôi lên mây, tôi bất tỉnh nhân sự không hay biết gì hết… Rồi tôi cảm thấy mặt tôi ươn ướt, bên tai tôi nghe tiếng rên, rồi thì tiếng gà rừng gáy vang. Mở mắt ra tôi thấy nằm dưới đất gần bên bà thầy (cọp cái) đang chuyển bụng có vẻ đau đớn lắm và coi mòi khó sanh. Lúc ấy không biết tại sao tôi hết sợ hãi. Tôi chỉ thấy có bổn phận tận tụy đỡ sanh. Dưới bóng trăng khuya, tôi dùng phương pháp đỡ đẻ cho người, mà giúp đỡ bà thầy hạ sanh hai con được khỏe mạnh. Sanh xong « ông thầy » liếm tay tôi cho sạch huyết dơ rồi tha tôi về đây. Mệt quá tôi để y nguyên quần áo như vầy mà ngủ thì mấy chú vô nhà làm tôi thức giấc.

    Mọi người nghe bà mụ Tư thuật chuyện xong, thảy đều vui mừng khen ngợi bà ăn ở có đức lớn, nên Trời Phật độ mạng.

    Bà nói :

    - Nhờ trời mà tôi thoát chết, nên mai này tôi sẽ cúng heo để trả lễ Trời Phật, luôn dịp mời bà con đến chia vui với tôi.

    Sáng hôm sau, vừa mở cửa bà mụ Tư thấy một con heo rừng lớn nằm ngay trước cửa. Bà hoảng hốt, nhưng xem kỹ thì thấy con heo rừng này đã bị cọp móc họng vừa mới chết.

    Xóm làng hay được tin nầy đều bảo rằng đó là ông thầy đền ơn bà mụ. Bà nhờ lối xóm giúp tay ngã heo rừng cúng Trời Phật và đãi xóm làng. Mọi người không ngớt miệng khen ngợi bà là con Trời nên mới dám đỡ đẻ cho « bà thầy » từ đó về sau ai nấy đều gọi bà mụ Tư là Bà mụ Trời.

    Thỉnh thoảng Hổ cũng mang biếu bà mụ Trời một vài con thịt rừng cho đến khi bà mãn phần.

    Hiện nay đồng bào vùng Bạc Liêu - Cà Mau còn truyền tụng bà mụ Trời là do tích hộ sanh cho hổ cái.
     
    Forest, Heoconmtv and deathshine like this.
  8. Thu VO

    Thu VO Leader 1000QSV1TVB

    CỔ TỤC

    CỔ TỤC CỦA NGƯỜI MIÊN TẠI BẠC LIÊU

    Tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Châu Đốc là một trong những tỉnh ở miền Tây có người Miên sống nhiều nhứt.

    Tìm hiểu đại cương xứ sở qua nhân chủng, chúng ta không thể thấu đáo nổi những sự cao đẹp cá biệt của địa phương… Và cũng không nhận thức được những cổ tục truyền thống từ xưa của người bản xứ.

    Tại Bạc Liêu, ngoài những cảnh xa xưa cổ kính ; những lăng miếu đình chùa bên đồng án bao la, bát ngát, còn có những tục lệ cổ truyền của người bản xứ, nhứt là người Miên… Những ngày hội hè lễ tết, các tục lệ nầy được diễn lại một cách linh động, khiến người chứng kiến như mơ thấy lạc bước xứ người vậy.

    Khác với tục lệ Việt Nam, người Miên ăn Tết vào tháng ba âm lịch, sau lễ Thanh minh 7 ngày.

    Trong những ngày lễ Tết của họ tưng bừng và náo nhiệt tuy nhiên vẫn giữ được vẻ du dương trầm bổng lâng lâng trong âm điệu Đông phương. Ngoài những ngày lễ Tết, người Miên còn có những cổ tục lễ bái có tính cách tín ngưỡng. Họ lễ Phật (visa chochea) vào tháng tư âm lịch, lễ cấm phòng sư vãi (cholvasa) vào tháng 6 âm lịch, và lễ sư vãi xuất phòng (chenhsava). Vấn đề tín ngưỡng và sùng bái đối với người Miên là một vấn đề hệ trọng trong các cuộc hội hè. Vì thế nên họ đặt ra rất nhiều cuộc lễ bái.

    Những lễ chính thức như ngày Tết, ngày lễ Phật có tính cách tín ngưỡng. Người Miên còn có tục lệ của các lễ khác, như lễ Ông Bà (Bonta) vào tháng 8 âm lịch, lễ Đưa nước (Oromkho) vào tháng 10 âm lịch, lễ Dâng áo cho các chùa (Both cà Thanh) vào tháng 11 âm lịch.

    Đối với người chết, họ theo phong tục hỏa táng. Việc hôn nhân của người Miên khác với tục lệ của người Việt Nam, như khi cưới hỏi đàng trai phải lo liệu tất cả nhứt là việc đãi ăn. Đàng trai phải đem đồ nấu nướng sang đàng gái để lo tiệc tùng v.v… Mỗi năm người Miên còn có tục lệ hào hứng và lý thú nhứt là ĐUA GHE NGO giữa các chùa. Lễ nầy thường được tổ chức trong dịp lễ Đưa nước.

    Về phương diện kịch nghệ, họ có hai loại hát :

    - Dù kê (như cải lương của ta).

    - Lô băm (lối hát cổ như hát bội).

    Về bộ môn vũ, họ có những vũ điệu LÂM THOL và nhạc ngũ âm, gọi nôm na là « đập bồn, đập bát », không kém kích động như nhạc ngày nay.

    Tóm lại, tỉnh Bạc Liêu có đủ trăm thức phong lưu, tao nhã từ dân bản xứ đến những chủng tộc thiểu số đều lịch lãm trên địa hạt phong lưu.
     
    Forest, Heoconmtv and deathshine like this.
  9. Thu VO

    Thu VO Leader 1000QSV1TVB

    MỘT VÀI CỔ TỤC CỦA ĐỒNG BÀO ĐỊA PHƯƠNG

    Thời xưa, đất Bạc Liêu còn hoang vu, nhà thưa người ít, đồng bào dân chúng bản xứ không được đông, phần nhiều là dân khắp miền đến sanh cơ lập nghiệp, nhứt là người Triều Châu, nơi chân trời góc bể nào cũng có mặt họ đến để khai thác công việc làm ăn sống chung với người địa phương.

    Thời ấy, sự giao thông trong vùng không có đường bộ như ngày nay, mỗi lần trong thôn ấp muốn di chuyển từ làng nầy qua làng kia, thì phải đi bằng xuồng ghe, hoặc cỡi ngựa băng đồng, chớ không có xe cộ, sự di chuyển thời ấy là cả một vấn đề khó khăn, mỗi khi trong gia đình có người bịnh hoạn, hoặc quan, hôn, tang, tế, đến cho thân nhân hay phải mất đôi ba ngày mới tới chỗ, những người dân địa phương, họ vẫn sống nếp sống cần cù chất phác, dầu cực khổ cho thế mấy họ cũng kiên gan nhẫn nại, để thực thi cho được việc, chớ không thối chí ngã lòng trước những việc khó khăn.

    Quí bạn đọc hằng nghe một giai thoại ở thời xưa, ông già Batri, từ Kiến Hòa đi bộ ra tận triều đình Huế, để dâng sớ kiêu oan một vụ kiện, phải mất cả năm trời gian nan vất vả mới tới Huế gặp được nhà vua. Câu chuyện ấy, đủ chứng minh việc làm ông bà ta thời ấy. Dầu đường sá xa xôi, ngăn sông cách núi, qua truông lên đèo, gian lao nguy hiểm cho thế mấy, cũng toàn là đi bộ, hoặc chèo ghe, cỡi ngựa, đi võng mà thôi, chớ đâu có phương tiện như ngày nay.

    Trở lại vấn đề cổ tục, đồng bào sanh trưởng đất Bạc Liêu đời sống dân cư ở đây rất hiền hòa chất phác, siêng cần mẫn cán, tận tụy làm việc, phần nhiều đều hấp thụ nền đạo giáo Khổng Mạnh, ăn ở theo xưa, trai gái không vượt qua bức tường lễ giáo gia phong, đây chúng tôi xin kể sơ một đôi tập tục cưới gả.

    Mỗi khi đàng trai muốn nói vợ cho con phải cậy mai dong đến nhà đàng gái chấp thuận cho đến coi, nếu cô dâu và cha mẹ 2 bên bằng lòng thì phải chọn ngày tốt làm lễ sơ vấn đầu tiên, nào là đi rượu, trà, bánh ngọt gì đó để cho biết đàng gái nhận hứa gả con cho đàng trai, kể từ đó tình sui gia được thông cảm hiểu biết với nhau mà đi tới.

    Đến giai thoại đám hỏi, đàng trai phải cho cô dâu một món duy nhất là đôi bông đeo tai, đó là cái hoa con gái đầu tiên, kế đó cặp đèn sáp, với đôi món nữ trang khác, nào là cây kiềng, nhẫn, dây chuyền hoặc một số bạc mặt tùy theo sự đòi hỏi của đàng gái và gia cảnh của đàng trai.

    Thời xưa khi làm lễ hỏi rồi phải ba năm mới cưới vợ, trong thời gian chưa cưới, nếu trong gia đình hai bên cha mẹ có chết, thì cô dâu, chú rể phải đến lo việc ma chay tế lễ rồi đợi cho mãn tang mới cưới.

    Ngày giờ cưới, hai bên phải coi cẩn thận, lựa ngày tốt, tránh ngày tam nương, hoặc tuổi Thiên Cang, sát mạng v.v…

    Thời xưa, lễ cưới được diễn ra rất trọng thể, nào là cô dâu đội nón cụ quai tơ, mặc áo rộng xanh, chú rể khăn be cùng áo rộng xanh, có lọng che, có rể phụ, những lễ vật đi cho đàng gái trong ngày cưới rước dâu, một đôi đèn sáp, hai ché rượu, hai mâm trầu cau trà bánh, và một con heo sống đỏ mũi, khiên đến trình diện cả hai họ, kế ông sui trai sui gái lên đèn cho cô dâu chàng rể làm lễ lạy ông bà, cha mẹ cô bác đàng gái, rồi chọn giờ kiết rước dâu.

    Đàng trai cũng như đàng gái, thỉnh người đưa dâu, rước dâu, đều chọn các vị cao niên có đức, đủ vợ đủ chồng và những thiếu nữ thật thà chất phác, các thanh niên ưu tú phụ sự trong việc bưng mân, che lọng, khiên đồ v.v… Thời xưa có nhiều đám cưới rước dâu đi bộ 5, 7 cây số.

    Rước dâu về nhà đàng trai, tới ngày thứ ba, bên sui trai đi với dâu con và một vài người thân quyến đến nhà sui gái làm lễ giở mâm trầu. Lễ nầy đi theo một con heo quay, rượu trà, nếu giàu có, còn nghèo thì cặp vịt đôi lít rượu trắng cũng xong, gọi là lễ phản bái, để cho đôi tân hôn động phòng huê trúc trong đêm đó, người xưa rất kỹ về vấn đề nầy, cho việc hôn nhơn là việc trọng đại trong đời người Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link. Với tinh thần hiếu cổ, cần nhắc lại một đôi cổ tục của đồng bào miền Nam, chẳng riêng gì ở Bạc Liêu, thiết tưởng đâu đâu cũng đều tôn trọng và áp dụng luật lệ ấy, để duy trì nền đạo nghĩa của Thánh hiền.

    Ngày nay tình thế đổi thay nhơn tâm ly tán, trai thì hư thân mất nết, gái thì bán rẻ tiết trinh, luân thường đạo lý đảo ngược, tự do yêu đương kết hôn, bất chấp câu môn đăng hộ đối, tam cang ngũ thường, tam tùng tứ đức, cũng vì hai chữ văn minh, khinh thường sự cưới gả, giản dị hóa không còn giữ được theo lề lối của người xưa.

    Hỡi ai là người mang dòng máu dân Việt thấy vậy chẳng khỏi đau lòng, vì lẽ đó mà chúng tôi cần soạn lại một đôi tập tục của tiền nhân để làm sáng tỏ nên luân thường đạo lý cho những ai đắm mình trong sự tự do quá trớn, mà hồi tưởng lại nguồn gốc xa xưa của tổ tiên ta đã có từ bao thế kỷ.

    Bài nầy chúng tôi chỉ trình bày sơ lược để nhắc lại một vài cổ tục, mong bạn đọc thông cảm cho.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Theo cổ tục của ông bà, trong sự cưới gả phải là sáu lễ.
     
    Forest, Heoconmtv and deathshine like this.
  10. Thu VO

    Thu VO Leader 1000QSV1TVB

    BẠC LIÊU QUA BỘ MÔN SÂN KHẤU KỊCH TRƯỜNG

    QUÊ HƯƠNG SẢN XUẤT CỦA BẢN VỌNG CỔ

    Những lúc dư nhàn, ngồi lại bên máy vô tuyến truyền thanh mà vặn nghe âm nhạc nước nhà, hoặc vào hí viện xem qua một vở tuồng giải trí, hồ nghe các tài danh sân khấu ca bản Vọng cổ, quí bạn có cảm nghĩ gì ? Đến ngày nay, phần đông hẳn đều đã rõ biết bản Vọng cổ từ đâu mà ra. Danh từ vọng cổ Bạc Liêu đã nói nhiều đến xuất xứ của bản ca nầy.

    Người sáng tác bản vọng cổ chính là ông Cao Văn Lầu tự Sáu Lầu, quê ở Hòa Bình thuộc tỉnh Bạc Liêu. Đầu tiên, theo nghệ sĩ Bảy Nhiêu, khúc nhạc vọng cổ do ông Cao Văn Lầu chế biến chỉ mang tên là « Dạ cổ hoài lang » với ý nghĩa diễn tả tâm trạng người đàn bà xưa vò võ trông chồng đi xa vắng, đêm nghe trống canh mà bàng hoàng tưởng nhớ chồng.

    Rồi từ vọng cổ nhịp tư, dần dần các nhạc sĩ khác phỏng theo mà chế biến ra nhịp 8, nhịp 16 cho đến nhịp 32, và 64 như bây giờ. Và người đầu tiên mở đầu cho giai đoạn phổ biến bản « Vọng cổ » Bạc Liêu từ thời đại chiến thứ hai là nghệ sĩ Lư Hòa Nghĩa tức Năm Nghĩa, cũng là người tỉnh Bạc Liêu vang danh với bản « Văng vẳng tiếng chuông chùa ». Đến nghệ sĩ Nguyễn Thành Út tức Út Trà Ôn, với làn hơi thiên phú và kỹ thuật độc đáo, bản vọng cổ vượt tiến sang thời hưng thịnh và cực thịnh ngày nay.

    Ông Cao Văn Lầu tục gọi Sáu Lầu nay hãy còn sống ở tỉnh Bạc Liêu, tuổi đã trên 75. Lư Hòa Nghĩa tức Năm Nghĩa thì đã ra người thiên cổ.

    Lại đã có một dạo hầu như theo sáng kiến của thi sĩ Hà Huy Hà tự Kiên Giang, người ta bầu ông Sáu Lầu ra sân khấu tại rạp hát Quốc Thanh làm chủ tọa cuộc thi tuyển lựa ca sĩ vọng cổ cùng khán giả mộ điệu ca cầm, để người người biết qua lai lịch. Thậm chí báo chí hâm mộ còn đề xướng việc kêu gọi các nghệ sĩ đã nổi danh nhờ bản vọng cổ, hãy giúp đỡ ông Sáu Lầu, gọi là « uống nước nhớ nguồn » kể ra cũng vinh hạnh cho ông Sáu.

    Chỉ cần sáng tác được một bản vọng cổ tên tuổi đủ ghi vào lịch sử sân khấu kịch trường, thơm riêng một người, mà cũng thơm lây một tỉnh. Vì hai chữ « Vọng cổ » thường đi kèm với hai tiếng « Bạc Liêu » mới nói lên được đủ ý nghĩa. Khác nào thi sĩ Félix d’Arvers bất tử với mỗi một bài thơ « Sonnet ».

    Trên đây chúng tôi đã đặc biệt nhấn mạnh về nhạc sư Sáu Lầu với bản vọng cổ đã để tiếng trong lịch sử cầm ca, làm cho tỉnh Bạc Liêu được nổi bật trên vòm trời âm nhạc nước nhà, qua các ca, nhạc sĩ hữu danh khai thác thêm về sắc thái đẹp đẽ du dương của bản nhạc ấy.

    Bản nhạc « vọng cổ » đầu tiên, sáng tác khoảng 1919 - 1920 dây bắc nhịp tư, xuất xứ từ Bạc Liêu đã đi vào lịch sử, thiết tưởng cũng nên ghi nhạc lý và lời ca lại đây, để quí bạn đọc hiểu rõ hơn. Toàn bài 20 câu nhịp tư như sau :

    1. Hò là – xang xê cống.
    2. Ú liu cống liu cống xê xang.
    3. Hò xê líu cống xê xang là hò.
    4. Xề xang xê sang, là hò.
    5. Liu xáng u liu xàng,
    6. Liu xáng xàng xề liu ú liu.
    7. Hò là xang xê cống,
    8. Xê líu xứ cống xê líu xừ xang.
    9. Hò xê cống xê xang xự,
    10. Xê líu xừ cống xê xừ xang
    11. Xừ - xang xừ cống xê xang là hò,
    12. Xề xang xể là hò xề la hò,
    13. Cống xê xang hò – xang cống xê.
    14. Xê líu xừ cống xê líu xừ xang,
    15. Ú liu cộng liu – cộng xê xàng,
    16. Liu xáng xàng xế phạn liu ú liu,
    17. Là xự cống xê xang là hò
    18. Xê líu xự cống xê líu xự xang,
    19. Ú liu cộng liu cộng xê xàng,
    20. Liu xáng xàng xề phạn liu ú liu. Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link


    Lời ca :

    Từ là – từ phu tướng
    Báu kiếm sắc phong lên đàng
    Vào ra luống trong tin chàng
    Và năm canh – mơ màng.
    Em luống trong tin chàng.
    Ôi ! Gan vàng thêm đau !
    Đường dầu xa ong bướm,
    Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang :
    Còn đêm luống trong tin bạn,
    Ngày mỏi mòn như đá Vọng phu.
    Vọng - phu vọng luống trong tin chàng.
    Lòng xin chớ phụ phàng
    Chàng là chàng có hay :
    Đêm thiếp nằm luống những sầu tây.
    Biết bao thuở đó – đây xum vầy ?
    Duyên sắt cầm đừng lợt phai –
    Là nguyện – cho chàng :
    Hai chữ bình an – bình an
    Trở lại – gia đàng,
    Cho én nhạn hiệp đôi.


    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Theo nhiều nhạc sĩ, bài Dạ cổ hoài lang chịu ảnh hưởng về nét nhạc của bài Hành vân.

     
    Chỉnh sửa cuối: 12/11/17
    Forest, Heoconmtv and deathshine like this.
  11. Thu VO

    Thu VO Leader 1000QSV1TVB

    CÁC NHẠC SƯ TÊN TUỔI

    Về nhạc sĩ cổ nhạc có danh ở Bạc Liêu, ngoài một Sáu Lầu nhờ sang tác bản vọng cổ mà tên tuổi trở nên bất hủ, hãy còn có Hai Hứa, Sáu Tửng, Mười Khói, Hai Nhuận, Sanh Sía (người Tiều) v.v… với lắm bản sáng tác khác.

    Đặc biệt là nhạc sư Hai Khị tục gọi Nhạc Khị, rất mực tài hoa.

    Một mình Nhạc Khị sử dụng 4 món nhạc khí Đẩu, Bạc, Kèn, Phách tấu lên cùng một lúc, rất mực điêu luyện, ai cũng khen phục. Nhưng tiếc cho tài hoa mạng bạc, vì vướng bịnh cùi mà Nhạc Khị phải lùi dần vào bóng tối. Chính ông đã sáng tác bản nhạc « Ngự giá đăng lâu » và bản « Ái tử kê » Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link. Cái danh hiệu « hậu tổ » mà đời đã ban cho ông, tưởng đã đủ nói nhiều về tài danh ông lừng lẫy thế nào.

    Đồng thời với Nhạc Khị, nhạc sĩ Bảy Kiên cũng được xưng tặng là hậu tổ. Nếu Nhạc Khị đã vì bịnh phong đơn mà phải sớm lui, để ngậm ngùi cho khách mộ điệu không ít, thì Bảy Kiên cũng khiến giới cầm ca cảm mộ vô cùng vì đoạn đời khá ly kỳ của ông. Thuở thanh xuân, ông vẫn khét tiếng là trang tài hoa phong nhã. Hiềm vì cảnh ngộ lắm nỗi đau thương sầu hận, bao nhiêu tâm sự ôm ấp bên lòng, ông gởi thân nơi cửa thiền, rắp toan :

    « Cửa thiền một đóng duyên trần đứt
    « Quên hết người quen chốn bụi hồng. »


    Nhưng lòng người muốn vậy, mà hoàn cảnh có chiều đâu. Trót đã vương mang nghiệp tài hoa, thì « nghệ sĩ trót sinh giàu cảm lụy » dẫu tàn thân thể chưa dễ Bảy Kiên quên được những tiếng nhạc lời ca đầy sức truyền cảm ru hồn hơn là câu kinh tiếng mõ. Chầy ngày vẫn không sao giũ sạch trần duyên được, Bảy Kiên lại bỏ lớp tu sĩ, trở về khoác bộ cánh phong sương của kiếp tài tử cầm ca như cũ. Cố nhiên càng đa tài, đa tình, càng dễ lụy thân. Nhưng dường như đã sẵn sàng chịu trả quả nghiệp trót vương mang, lần trở lại cuộc đời tục lụy nầy, Bảy Kiên hoàn toàn say đắm với nghiệp cầm ca, không còn nhớ gì đến những ngày khoác áo cà sa nơi cửa Phật nữa. Cung đàn nhịp phách êm tai, lời ca giọng hát du dương, đêm ngày Bảy Kiên say sưa nắn tiếng tơ đồng, cống hiến khách mộ điệu bốn phương nghe biết đến. Tận dụng công phu và tâm tình chuyên nhất trau chuốt ngón nghề như thế nào, cho nên Bảy Kiên được khen ngợi, liệt vào hàng xuất sắc kể cũng là xứng đáng. Cho đến năm 1949, Bảy Kiên mang bịnh chết tại nhà thương Chợ Rẫy (Chợ Lớn), giới nghệ sĩ đều bâng khuâng luyến tiếc.

    Sau Nhạc Khị, Bảy Kiên, người xuất sắc đáng liệt vào hàng thứ ba trong giới nhạc sư Bạc Liêu, hẳn phải kể Ba Chột. Mà nhạc sĩ Ba Chột chính là con Nhạc Khị, thật là hổ phụ sinh hổ tử. Ba Chột sáng tác nhiều bài bản mới như các bản «Thuấn hoa, Liêu Giang, Mẫu đơn, Huỳnh ba, Vạn thọ, Hòa duyên, Cảnh xuân, Tam quan nguyệt, Nhựt nguyệt» được hầu hết nghệ sĩ tán thưởng biệt tài của Ba Chột là đờn đoản và đơn sến, ngón đàn khó có ai hơn.

    Kế đó, phải kể Ngô Mộc Thái, Phú Quới, Bùi Hữu Trí, Tư Biện, Tư Nho, Tư Bình, Năm Nhỏ đều là các nhạc sĩ ưu tú của Bạc Liêu. Tư Bình điêu luyện nhị hồ, có sáng tác bản « Hứng trung thịnh » khá thâm trầm réo rắt. Năm Nhỏ thì sở trường lục huyền cầm, ai ai cũng đều biết tiếng tài tình.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Các nhạc sĩ còn chưa hẳn đồng ý nhau về chữ Ái tử kê hay Ai tử kê. Thâm nghĩa bài nầy có ý tiếc thương số phận đàn gà con mất mẹ, mà thương mến hay buồn bã. Bài nầy được sáng tác vào dịp vua Thành Thái vào « Nam kỳ », lúc xứ nầy đã mất vào tay người Pháp.
     
    Forest, Heoconmtv and deathshine like this.
  12. Thu VO

    Thu VO Leader 1000QSV1TVB

    SOẠN GIẢ NỔI TIẾNG

    Về mặt soạn tuồng, Bạc Liêu khét tiếng với cố soạn giả Mộng Vân Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link. Ngày nay nói đến Mộng Vân, giới soạn giả không ai không tỏ niềm kính mộ chân thành với cây bút lỗi lạc từng đào tạo cho đoàn Hậu Tấn có căn bản vững vàng về nghệ thuật ca cầm.

    Mộng Vân mất sớm là một sự thiệt thòi chẳng ít cho Bạc Liêu nói riêng, nền ca kịch nước nhà nói chung. Tài hoa và tư cách của Mộng Vân chinh phục được cảm tình của khắp các giới, nhất là anh em văn nghệ sĩ ai cũng chẳng tiếc lời tán tụng Mộng Vân qua các công trình của Mộng Vân đã bồi đắp và xây dựng cho nền kịch nghệ nước nhà. Để thúc đẩy anh em văn nghệ sĩ hăng say phục vụ nghệ thuật cầm ca – một bộ môn văn hóa dễ khích động tâm lý đại chúng nhứt – Mộng Vân hằng khích lệ anh em ca nhạc sĩ luôn luôn có óc cầu tiến, nhận chân sứ mạng mình trên đường phụng sự văn hóa dân tộc. Sân khấu cải lương mấy mươi năm trước từng đã hấp dẫn lôi cuốn được đông đảo khách mộ điệu, chính do Mộng Vân đã đóng góp phần nào về những tuồng tích đặc sắc, dàn cảnh linh động, thay đổi sân khấu có vẻ mỹ thuật, tiến bộ hơn xưa cho đúng với nghĩa tầm nguyên của hai tiếng « cải lương ». Về các bài bản cổ nhạc canh tân, Mộng Vân đã sáng tác hay phóng tác Tân xá phí, Phong nguyệt, Sơn đông hướng mã, Tấn Phong, Bá Hoa, Quý Phi túy tử.

    Cùng một chí hướng với Mộng Vân, còn có soạn giả Trịnh Thiên Tư. Nhiệt thành yêu nhạc Việt, Trịnh Thiên Tư rất tận tâm xây dựng nền âm nhạc dân tộc. Nào soạn tuồng hát, nào đặt lời ca cho các bài bản theo đường hướng phổ biến lịch sử nước nhà, Trịnh Thiên Tư lúc nào cũng tỏ ra hăng say tô điểm sân khấu cải lương, phô bày ý chí toan thức tỉnh đồng bào bằng sóng nhạc, lời ca chan chứa tình yêu đất nước, lay động hồn thiêng dân tộc.

    Khoảng năm 1962, Trịnh Thiên Tư cho xuất bản quyển « Ca nhạc cổ điển điệu Bạc Liêu », nội dung trình bày gồm đủ các bài bản đã có từ xưa, thêm các bài canh tân cổ nhạc do nhóm nhạc sĩ Bạc Liêu hợp tác soạn thành Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link. Đặc biệt, Trịnh Thiên Tư sáng chế nhạc ký mới, một thứ nhạc ký mà Trịnh Thiên Tư đã tha thiết ngỏ lòng : «… tuy hình thức không giống nhạc ký Âu Mỹ, song có đủ các yếu tố công dụng dễ dàng như tân nhạc. Chúng tôi có nhã ý hiến cho bạn đồng điệu dùng nó để vừa xem, vừa đờn, cũng như vừa xem vừa ca, cho đỡ phải nhớ nằm lòng ». (CA NHẠC CỔ ĐIỂN ĐIỆU BẠC LIÊU trang 14)

    Ngoài việc sáng chế nhạc ký mới, Trịnh Thiên Tư còn sáng tác một bản nhạc canh tân, đề là « Hận tình » (dây bắc 12 câu nhịp tư lơi) và bốn bản Đông mai, Thu cúc, Xuân lan, Hạ liên, tiết tấu du dương thanh thoát.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Cố soạn giả Mộng Vân còn người con kế nghiệp, lấy biệt hiệu là Mộng Vân Tứ, hiện cộng tácsoạn tuồng với đoàn«Trăng Mùa Thu » và các đoàn hát hớn, được nổi tiếng lắm người biết.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Rất nhiều chi tiết trong bài nầy đã rút trong cuốn sách của ông Trịnh Thiên Tư.
     
    Forest, Heoconmtv and deathshine like this.
  13. Thu VO

    Thu VO Leader 1000QSV1TVB

    NAM NỮ CA KỊCH SĨ LỪNG DANH

    Đã là nơi xuất phát bản vọng cổ đầu tiên, có nhiều nhạc sư, nhạc sĩ tài hoa, có soạn giả hữu hạng so với các soạn giả toàn quốc, lẽ cố nhiên Bạc Liêu cũng là nơi có nhiều nam nữ ca kịch sĩ tài danh.

    Kể về nữ ca sĩ, ngoài một cô ba Vàm Lẻo đã nhắc ở đoạn trên, Bạc Liêu còn có cô Hai The mà giọng oanh vàng từng làm say mê lòng thính giả, mặc dầu nhan sắc cô kém sút hơn các nữ ca sĩ khác. Đặc biệt cô Thanh Nga cũng là một cây ca tốt giọng, khả ái đoạt giải Thanh Tâm (1961). Em Ngọc Cầm, một mầm non rất nhiều triển vọng với giọng ca ấm đúng điệu nhịp.

    Nam ca sĩ đáng kể có Kim Thanh, Ngọc Vĩnh, Ngọc Dương, Sanh Lợi, Văn Chương, Đỗ Lộc Châu. Ấy là những gạo cội trong giới cầm ca tỉnh Muối, làm cho ca nhạc cổ điển Bạc Liêu vang truyền tăm tiếng xa gần.

    Riêng về kịch sĩ, những ai hằng quan tâm đến kịch nghệ nước nhà, theo dõi hoạt động của sân khấu cải lương, hẳn không lạ gì tên tuổi Ba Khuê, Năm Nghĩa, Bảy Cao với các đại ban « Hữu Tâm » – « Thanh Minh » – « Hoa Sen ». Ba kịch sĩ ưu tú của nền ca kịch nước nhà, đều là người tỉnh Bạc Liêu.

    Ai cũng biết Năm Nghĩa (Lư Hòa Nghĩa) đã xuất sắc trong bản ca vọng cổ Bạc Liêu nhịp 32 « Văng vẳng tiếng chuông chùa » và Bảy Cao với bài « Viếng mồ bạn » (thu thanh vào dĩa Asia) làm cho người người bắt đầu có cảm tình với giới cổ nhạc ở Bạc Liêu. Tên tuổi Năm Nghĩa, Bảy Cao, Ba Khuê bắt đầu vang xa từ ấy. Bảng hiệu đoàn hát nào có tên ba người nầy nêu lên, thu hút khán giả khá đông. Kịp khi Năm Nghĩa chủ trương lập gánh « Thanh Minh » (nay là Thanh Minh Thanh Nga), Ba Khuê làm bầu gánh Hữu Tâm, Bảy Cao điều khiển đoàn Hoa Sen, khách mộ điệu bốn phương càng hoan nghênh nhiệt liệt.

    Ngoài ra, còn có đoàn Phong SắcƯu Tiên cũng là những kịch sĩ có danh của Bạc Liêu.

    Thế là trên phương diện nghệ thuật cầm ca, sân khấu cải lương Bạc Liêu đã nghiễm nhiên tiến xa hơn nhiều tỉnh khác. So với Định Tường và Vĩnh Long là hai nơi đã phát động trước hơn hết về nghệ thuật « ca ra bộ » tức sân khấu cải lương ngày nay. Bạc Liêu chẳng kém sút gì cho lắm. Từ gánh cải lương đầu tiên, có rạp nhà là gánh « Thầy Năm Tú » thành lập ở Mỹ Tho, tiến dần cho đến ngày góp mặt của các đoàn Thanh Minh, Hữu Tâm, Hoa Sen của nhân vật ưu tú trong làng ca kịch Bạc Liêu chủ trương, sự tiến bộ vượt bực hẳn ai cũng công nhận.

    Lại luận riêng về mặt tuồng tích, dầu ngày nay giới soạn giả đã có lắm cây bút tài hoa son trẻ không nhượng chi các bậc đàn anh, nhưng hẳn không ai có thể phủ nhận giá trị của cố soạn giả Mộng Vân. Xem thế, bao giờ người ta còn xem vấn đề chấn hưng nền ca kịch nước nhà là quan trọng về văn hóa dân tộc, chắc chắn mỗi khi bàn đến bộ môn ca kịch là phải nhắc đến tỉnh Bạc Liêu, nơi sản xuất bản vọng cổ đầu tiên, nơi cố soạn giả Mộng Vân, và những kịch sĩ ưu tú Năm Nghĩa, Bảy Cao, Ba Khuê v.v… đáng mến.

    Các nghệ sĩ tài danh trên đây đều xuất thân tại Bạc Liêu, đem chuông đi đánh xứ người, với tài hoa nghệ thuật lưu diễn khắp cả ba kỳ, từ Nam Quan chí mũi Cà Mau, làm sáng chói cho giới ca sĩ nước nhà nói riêng, và cả các nước láng giềng nói chung, thật là một điều vinh hạnh cho nền Tân Cổ Nhạc Việt nam, ngày nay đã tiến bộ rất nhiều trên mọi mặt, ngành nầy cũng đóng góp một phần quan trọng là phục vụ đất nước và đại chúng.

    Bài nầy, chúng tôi nói qua đại cương của giới ca cầm và bộ môn sân khấu một phần nhỏ đó thôi, không thể đi sâu vào chi tiết.

    Loại sách sưu khảo, phải cần tìm hiểu qua nhiều cốt chuyện khác của tỉnh nầy, vì lẽ đó mà chúng tôi phải trình bày sơ lược, xin bạn đọc thứ lỗi cho.
     
    Forest, Heoconmtv and deathshine like this.
  14. Thu VO

    Thu VO Leader 1000QSV1TVB

    TỔNG KẾT

    Qua những sinh hoạt kể trên, tỉnh Bạc Liêu, từđịa hạt vị trí, lãnh vực, đến châu thổ phì nhiêu phong phú trong mấy nghìn năm lịch sửđã vang lừng khắp non sông đất Việt, những tráng lệ huy hoàng của miền quê hương đất tổ.

    Tuy nhiên tỉnh Bạc Liêu cũng từng trải lắm bước thăng trầm thế cuộc. Từ ngàn xưa, vì cuộc chạy loạn của chúa Nguyễn Ánh đến đây, mà Bạc Liêu Cà Mau thành bãi chiến trường. Lại thêm những cuộc biến loạn của Hoa kiều Phủ Liêm, nhóm Thiên Địa Hội, nhóm người Miên Tia, Sum gây biết bao điêu đứng trên mảnh đất màđạiđa số quần chúng là nông dân hiền lành chất phác, củiđục làm ăn. Gầnđây hơn, suốt 9 năm NgôĐình Diệm chấp chánh, Bạc Liêu lại phải chịu cảnh tủi hờn từ một tỉnh thu hình lại thành một quận lỵ nhỏ nhoi ! Tuy nhiên, nguồn sinh lực dồi dào của mạch đất phì nhiêu vẫn là niềmanủi khiến con dân trong tỉnh kiên trì chịu đựng được tất cả bao biến cố.

    Rồi trời hết tối thì đến sáng. Theo đà canh tân, kiến thiết, chỉnh trang, Bạc Liêu ngày nay chẳng những đã lên lạiđịa vị cũ mà còn hứa hẹn tiến xa cho xứngđáng hơn nữa trong tương lai gầnđây.

    Nguồn lợi kinh tế dồi dào, ấy là có thừađiều kiện để tiến nhanh vượt xa, dành quyền dẫn đầu các tỉnh. Với bãi cát Vĩnh Châu thiên nhiên hùngvĩ, nếu thêm vào sựđiểm tô nhân tạo, chắc chắn sẽ quyến rũ du khách đến viếng thăm tấp nập, kém gì những nơi danh thắng khác. Lại nữa, tâm tình dân chúng hồn nhiên chất phác, quy ngưỡng đạo giáo bằng chứng là giáo phái nào cũng cóđông đạo hữutín đồ, do đó đời sống nhân dân có sắc thái hiền hòa. Về các phương diện : y tế, giáo dục, văn hóa, các công tác đều đang trên đà phát triển, đầy hứa hẹn tốt đẹp. Ngần ấy dữ liệu khả quan, cho ta có quyền lạc quan tin tưởng Bạc Liêu rồi sẽ là tỉnh khả ái nhất, nhiều du khách đến viếng nhất trong các tỉnh miền Tây.

    Các nhân vật ưu tú của tỉnh nhà, về mọi ngành hoạt động, từ trước đến nay từng đã treo cao thính giá, góp công góp của, đắc lực trong việc phụng sự quốc gia dân tộc, kể ra cũng khá nhiều, đủ để gieo tiếng tốt cho quê hương, để tên trong lịch sử. Ba họ lừng lẫy tiếng tăm nhất trong tỉnh là Trần Trinh (Trạch), Chung Bá (Khánh), Cao Triều (Phát) người người đều biết. Các văn nhân ký giả khét tiếng trong làng văn làng báo, ai còn lạ gì với tên tuổi Nguyễn Văn Đính, Tố Phang, Việt Quang, Phi Vân. Các nhạc sĩ, nghệ sĩ Cao Văn Lầu, Lư Hòa Nghĩa cũng đã để tiếng thơm một thuở cho xứ sở. Ngoài ra còn có lắm vị bác sĩ, kỹ sư, giáo sư v.v… hoặc đang phục vị trong lãnh vực của mình tại tỉnh nhà, hoặc đã ra đi phục vụ khắp nơi trên lãnh thổ miền Nam, hầu thúc đẩy guồng máy đất nước tiến mạnh. Bạc Liêu đã ôm vào lòng những đứa con đất nước đáng yêu, tất nhiên với lòng trìu mến, kỳ vọng ở đoàn hậu tấn noi gương dõi bước, mảnh đất đầy sinh lực nẩy nở nầy, rồi sẽ tài bồi trưởng dưỡng nhân tài chẳng ít.

    Dựa vào các ưu điểm đã nêu, trong cuộc thi đua vượt tiến giữa các tỉnh miền Tây, ta có thể tin chắc Bạc Liêu sẽ có bộ mặt huy hoàng hơn các nơi. Và trong tinh thần hỗ tương, Bạc Liêu sẽ là nguồn sinh lực tiếp tế cho các tỉnh yếu kém trên đất nước Việt Nam, để cùng vươn lên mà hãnh diện chung với năm châu thế giới.
     
  15. Thu VO

    Thu VO Leader 1000QSV1TVB

    Vài bài hát liên quan đến Bạc Liêu và đất phương Nam





     
    Forest, Heoconmtv and deathshine like this.
Moderators: Bọ Cạp

Chia sẻ trang này