Tâm sự Ai “bức tử” chữ Hán – Nôm?

Thảo luận trong 'Bàn Trà' bắt đầu bởi tducchau, 19/9/15.

Moderators: amylee
  1. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    AI 'BỨC TỬ' CHỮ HÁN - NÔM?


    Trên tạp chí Hồn Việt, số 18 tháng 12 – 2008, có đăng bài của hai tác giả Mai Bá Triều – Phạm Thị Tuyết Anh, nhan đề “Sự bức tử chữ Hán – Nôm”. Các tác giả cho rằng: “Dân tộc Việt Nam không hề tự từ bỏ chữ viết Hán – Nôm truyền thống của mình” và quy tội “bức tử chữ Hán – Nôm” cho chính quyền thực dân Pháp … “bằng những thông cáo và sau cùng là “Quy chế chung của Bộ giáo dục Pháp quốc – Bản xứ” chữ viết Hán – Nôm đã bị xoá bỏ hoàn toàn, để thay vào đó là chữ viết Việt – La tinh (hay còn gọi là quốc ngữ)” (tr. 13).

    Người ta thường nói: lịch sử không chấp nhận chữ “nếu”, nên chỉ là vô bổ những giả định kiểu: nếu như các cụ ta lấy nguyên chữ Hán mà đọc theo âm Việt để biểu thị từ ngữ Việt chứ không sáng chế ra cái chữ Nôm rắc rối, hoặc vay muợn chữ viết La-tinh, thì giờ đây hay biết mấy, sẽ không có vấn nạn “đứt đoạn với văn hoá cổ truyền” v.v. và v.v… Việc có ích hơn sẽ là khách quan nhìn nhận lại vấn đề để ngày nay trong công cuộc cải cách giáo dục và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc có cách ứng xử đúng mực đối với chữ Hán và di sản Hán Nôm của tổ tiên.

    Hai tác giả viết rằng họ “đã cố gắng sưu tầm và nghiên cứu đề tài này, những mong hé mở một tia sáng công lý về “vụ án diệt ngữ” bằng một số tư liệu … tìm được”. Nhưng trong bài viết, chỉ thấy họ nhắc lướt qua “những thông cáo và “Quy chế chung” mà theo họ đã “bức tử” chữ Hán, còn thì dành nhiều chỗ để trích dẫn lời mấy vị quan Tây có thái độ tôn trọng nền văn hiến bằng chữ Hán của An Nam. Vậy nên chúng tôi cũng xin dựa vào những văn bản để khẳng định rằng: riêng trong vấn đề chữ viết chính thống của nước ta thì lịch sử đã có 2 lần lựa chọn phù hợp nhu cầu khách quan rồi. Từ chỗ tẩy chay chữ Hán, dần dần dân tộc ta đã chuyển sang tự nguyện chấp nhận chữ Hán vì nhu cầu sống còn là giành độc lập và trong ngót nghìn năm, chữ Hán đã trở thành chữ “Quốc ngữ” (xin lưu ý: chữ chứ không phải tiếng!) đầu tiên, phương tiện đắc lực trong sự nghiệp xây dựng nền tự chủ của quốc gia Đại Việt. Mười thế kỷ sau, đầu thế kỷ XX, cũng chính vì nhu cầu sống còn là “khai dân trí” và “chấn dân khí” tức làm một cuộc “cách mạng tân văn hoá” (Hoàng Xuân Hãn) để tiến tới cứu nước, khôi phục nền độc lập mà dân tộc ta lại tự nguyện ̣̣̣chấp nhận chuyển chức năng chữ viết phổ thông từ chữ Hán – Nôm sang chữ Quốc ngữ (La-tinh hoá), đồng thời vẫn cố gắng bảo tồn chữ Hán – Nôm như một cơ sở xây dựng quốc học và nền văn hoá dân tộc. Đó là cả một quá trình thay đổi nhận thức dưới tác động của những nhân tố lịch sử. Quá trình ấy đã diễn ra như sau.

    Người Pháp vì lợi ích của họ tất yếu ngay từ đầu đã chủ trương xoá bỏ chữ Hán – Nôm, thay thế nó bằng Pháp ngữ và chữ Quốc ngữ đồng nhất với Pháp ngữ về chữ viết (tức cùng sử dụng bảng chữ cái La-tinh). Năm 1861, chưa chiếm xong Lục tỉnh (Nam Kỳ), thực dân Pháp đã lập trường Thông ngôn Bá – Đá – Lộc, chỉ dạy Pháp ngữ và chữ quốc ngữ, bỏ hẳn chữ Hán. Chiếm xong Nam kỳ, năm 1867 chúng bãi bỏ luôn ở đó thi cử chữ Hán. Một số người Việt thức thời như các ông Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký … đã ra sức truyền bá chữ Quốc ngữ, ra báo, làm sách, trên thực tế đã biến chữ Quốc ngữ, song hành cùng tiếng Pháp, thành một phương tiện trong sinh hoạt chính trị – văn hoá thường ngày ở “xứ Nam Kỳ tự trị”, nơi Nho học phát triển chưa được hai trăm năm. Nhưng công cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp do sĩ phu Nho học lãnh đạo bùng nổ và rồi diễn ra quyết liệt cho đến tận cuối thế kỷ, các thầy đồ và dân chúng khi ấy đều nhận thức rõ rằng cả Pháp ngữ lẫn Quốc ngữ đều là công cụ của kẻ xâm lược nên kiên quyết tẩy chay thứ “chữ loằng ngoằng như giun bò”, mặc dù, để mua chuộc, người Pháp bồi dưỡng 200fr. /năm cho những thầy đồ đồng ý dạy thêm chữ Quốc ngữ và cấp học phí cho sĩ tử tình nguyện học! Việc tẩy chay chữ Quốc ngữ lúc ấy diễn ra vẫn theo truyền thống xưa của dân tộc ta mà thôi: thời Bắc thuộc dân ta từng kiên trì tẩy chay chữ Hán khi nó còn là công cụ đồng hoá của ngoại bang, nên nó chỉ quẩn quanh nơi thị thành giữa bọn ngoại xâm và số người cộng tác với chúng, chứ không thể vượt qua luỹ tre đến với đông đảo dân chúng trong các làng Việt [1].

    Bởi thế, sau khi chiếm xong toàn bộ nước ta và thiết lập được chế độ bảo hộ trên toàn cõi Việt Nam sau Hiệp ước Patenôtre 1884, những viên quan cai trị người Pháp (như Paul Bert, chẳng hạn, người rất ủng hộ G. Dumoutier trong ý định duy trì giáo dục Nho học … “để có lợi cho chúng ta” – chính Dumoutier bộc lộ [2]) tỏ ra tỉnh táo hơn, đã phải cho dạy chữ Nho song song với Quốc ngữ và tiếng Pháp, tạo điều kiện cho các Toàn quyền Paul Doumer (1987 – 1902) và đặc biệt là Paul Beau (1902 – 1908) thực hiện chính sách “chinh phục bằng giáo dục”, như chư vị thực dân khôn ngoan này phát biểu. Năm 1906 Nha học chính Đông Dương, Hội đồng cải lương học vụ cho người bản xứ (trong thành viên có cả một số vị đại thần người Việt ), được thiết lập bởi những nghị định của toàn quyền Paul Beau, đã đưa ra chương trình cải cách giáo dục. Ngay đến thời điểm ấy, người Pháp, “bằng những văn kiện, tài liệu chính thức, có giá trị pháp lý, do những vị toàn quyền hoặc những quan chức cao cấp trong bộ máy cai trị của chính quyền thực dân Pháp, ban hành và ký tên” (như những lời “buộc tội” của hai tác giả) vẫn không dám “bức tử” chữ Hán! Ngược lại, vì chính sách “chinh phục bằng giáo dục”, họ vẫn chủ trương đảm bảo tư cách bình đẳng, chí ít là trong văn bản chính thức (trên thực tế thì không hẳn như vậy), cho cả ba: tiếng Pháp, chữ Hán và Quốc ngữ. Chứng cớ là trong chương trình cải cách, chữ Nho vẫn song hành cùng tiếng Pháp và Quốc ngữ; tốt nghiệp trung học theo chương trình này được quyền dự thi Hương, với 4 kỳ thi: 1) bằng chữ Nho, với 5 đầu bài khác nhau, trong đó có văn sách; 2) một bài thi bằng Quốc ngữ; 3) bài dịch Pháp – Việt và bài dịch Nho – Pháp; 4) kỳ phúc hạch để chọn cử nhân / tú tài gồm: bài luận chữ Nho, bài viết chữ Quốc ngữ và bài dịch Pháp – Nho (theo: Lịch sử Giáo dục Việt Nam trước Cách mạng tháng 8 – 1945, do Nguyễn Đăng Tiến chủ biên, nxb Giáo dục, 1996).

    Tuy nhiên, bối cảnh lịch sử bước sang đầu thế kỷ XX căn bản đã thay đổi. Thực dân Pháp đã bình định xong cả nước ta. Tiếng súng quyết chiến ở núi rừng Yên Thế còn vang vọng đấy, nhưng Phan Chu Trinh sau khi liều mạng lẻn vào tận đồn Phồn Xương năm 1906 để tiếp xúc với Đề Thám, trở về thất vọng nói với các đồng chí: “Ông Thám là một võ tướng mà thôi!”, tức ông đã thấy trước 6 năm là tiếng súng Khởi nghĩa Yên Thế rồi cũng sẽ tắt lịm vào năm 1913. Sau gần nửa thế kỷ (kể từ ngày pháo hạm Pháp nổ súng tấn công Sơn Trà – Đà Nẵng) cuộc kháng chiến vũ trang vô cùng anh dũng chống quân xâm lược, các sĩ phu đất Việt đã ngộ ra rằng: ta thất bại trong công cuộc giữ nước chính là vì thua giặc cả một thời đại về văn minh, kẻ thù té ra không như ta, quen thói hợm mình “văn hiến chi bang”, gọi là “bọn man di mắt xanh mũi lõ”, mà hơn hẳn ta cả trăm năm về trình độ phát triển, về văn minh. Nhiệm vụ lịch sử đặt ra trước tầng lớp sĩ phu, lúc ấy còn đang lãnh trách nhiệm lãnh đạo công cuộc đấu tranh giành độc lập, là làm “cách mạng tân văn hoá”, canh tân đất nước, thông qua gấp rút tiếp thu tư tưởng và kỹ thuật văn minh Tây phương mà đưa cái đầu của dân mình lên ngang tầm kẻ thù để chiến đấu với chúng trên một mặt bằng văn hoá.

    Bằng phương tiện nào? Không thể trực tiếp bằng tiếng Pháp, bởi vì cái thứ tiếng Pháp bồi dăm-bẩy tháng chỉ có thể giúp cho cái sự vinh thân phì gia, “sáng rượu sâm-banh, tối sữa bò”, còn muốn nắm vững đến trình độ tiếp thu được tư tưởng tiên tiến và tri thức văn minh, tối thiểu cũng cần phải học dăm năm! Cũng không thể bằng chữ Hán đòi hỏi hàng chục năm đèn sách mới mong đọc thông viết thạo được. Chỉ còn phương tiện Quốc ngữ La-tinh hoá, có thể nắm vững chỉ sau dăm – ba tháng, là đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của cuộc “cách mạng tân văn hoá” phải tiến hành ngay lúc ấy để tiếp tục dương ngọn cờ cứu nước. Bởi vậy chính các nhà Nho từng tẩy chay nó nửa thế kỷ trước như công cụ của bọn xâm lược, thì nay giác ngộ nhu cầu lịch sử ấy, từ năm 1903, tức đi trước chương trình cải lương của chính quyền Bảo hộ 3 năm, đã phát động cả một “cuộc cách mạng tân văn hoá”, mà linh hồn chính là chữ Quốc ngữ: “Chữ Quốc ngữ là hồn trong nước / Phải đem ra tính trước dân ta” – chính các ông Nghè, ông Cử Nho học bây giờ khẳng định như vậy. Văn minh tân học sách (1904), tác phẩm được coi là “cương lĩnh” của phong trào Duy tân – Nghĩa thục 1903 – 1908, nêu việc dùng chữ Quốc ngữ thành “đường” thứ nhất trong 6 “đường” khai thông dân trí nhằm mục tiêu duy tân để cứu nước [3]. Chính nhờ triết lý giáo dục khai dân trí, chấn dân khí, mang tính cách mạng thực sự, mà chữ quốc ngữ từ đó, lần đầu tiên từ khi ra đời, bắt đầu gắn liền với truyền thống yêu nước, với tinh thần dân tộc và những tư tưởng mới – dân quyền, dân chủ và tri thức văn minh, khoa học của thời đại. Và cũng chính nhờ vậy mà các nhà Nho, từng thành đạt ngay trong nền khoa cử Nho học, những ông Nghè, ông Cử, ông Tú… trong có 5 năm đã làm được điều mà nhà cầm quyền thực dân không làm nổi trong ngót nửa thế kỷ kể từ khi bắt đầu xâm lăng đất Việt, đó là: làm một cuộc cách mạng trong nhận thức và tâm lý của sĩ phu và dân chúng đối với chữ Quốc ngữ La-tinh hoá, tức khách quan đã chuẩn bị cơ sở tư tưởng cho việc thay đổi chữ viết chính thống của nước ta và phế bỏ nền khoa cử Tống Nho hủ lậu bằng chữ Hán từ lâu đã hết tác dụng khai hoá và đã trở thành vật cản trên con đường tiến hoá của nước nhà.

    Xin nhấn mạnh lại: các trí thức Nho học Duy tân đấu tranh đòi phế bỏ nền khoa cử bằng chữ Hán và yêu cầu dùng chữ Quốc ngữ làm chuyển ngữ phổ cập giáo dục nhằm khai dân trí, chấn dân khí để cứu nước chứ không hề chủ trương phế bỏ chữ Hán. Chứng cớ rành rành: Đông Kinh nghĩa thục và các trường “Tân học” khác đều tiếp tục dạy chữ Hán (miến phí, trong khi muốn theo học chữ Pháp phải đóng học phí!). Câu nói của cụ Phan Chu Trinh: “Bất phế Hán tự, bất túc dĩ cứu Nam quốc” (không phế bỏ chữ Hán, không thể cứu được nước Nam) là lời bột phát trong lúc tranh luận, về sau chính cụ Tây Hồ đã rút lại [4]. 11 năm sau khi Đông Kinh nghĩa thục bị nhà cầm quyền thực dân đóng cửa, năm 1919 Dương Bá Trạc, một trong 2 tân cử nhân Hán học trẻ tuổi đã diễn thuyết tại Đền Ngọc Sơn ngày Rằm tháng Giêng năm 1907 để cổ động duy tân theo gương Nhật Bản và chuẩn bị dư luận cho việc khai giảng Đông Kinh nghĩa thục, còn viết bài trên báo Nam Phong khẳng định phải tiếp tục dạy và học chữ Hán bởi hai lẽ: một là để làm giầu tiếng Việt, hai là để bảo tồn văn hoá dân tộc. Chính là vì vấp phải quyết tâm bảo tồn chữ Hán của giới trí thức Duy tân mà chính quyền Bảo hộ Pháp, tuy “thừa gió bẻ măng”, năm 1915 bắt đầu phế bỏ trên thực tế nền khoa cử bằng chữ Hán ở Bắc Kỳ (năm 1919 cả ở Trung Kỳ), và ngày 21 – 12 – 1917 cùng Nam triều ban hành văn bản đương thời gọi là “Học chính tổng quy”, tức “Quy chế chung về giáo dục ở Đông Dương” (Règlement général de l’Instruction Publique en Indochine), thay thế hẳn khoa cử Hán học bằng nền giáo dục Pháp – Việt, nhưng vẫn không dám loại hẳn chữ Hán ra khỏi học đường, mặc dù đã đề ra nhiều nhiều biện pháp hạn chế việc dạy chữ Hán, như: ở Trường sơ đẳng tiểu học (École Primaire Élémentaire, 3 năm) là môn tự nguyện không quá 1 tiếng rưỡi/tuần và phải được 3 thành phần thoả thuận là phụ huynh học sinh, Hội đồng kỳ mục xã, Hiệu trưởng; ở Trường tiểu học toàn cấp (École Primaire de pleine exerice, 5 năm với 2 năm cuối dạy hoàn toàn bằng tiếng Pháp) nơi nào phụ huynh cùng chính quyền địa phương yêu cầu thì Thống đốc, sau khi tham khảo ý kiến của Hội đồng hàng tỉnh, mới ra quyết định đưa môn chữ Nho thành môn học bắt buộc với hai lớp cuối; ở bậc trung học hoàn toàn dùng tiếng Pháp để giảng dạy, với môn chuyên tiếng pháp 12 giờ/tuần, còn chữ Quốc ngữ và chữ Nho không được quá 3giờ/tuần [5] v.v…

    Vậy thì chữ Hán bị “bức tử” từ bao giờ và ai đã làm chuyện đó để tạo nên cái “khoảng trống đáng sợ” mà Nhà giáo Nhân dân GS Nguyễn Cảnh Toàn đã báo động trong bài viết sâu sắc “Chữ Nho với nền văn hoá Việt Nam”, đăng trên trang báo Văn Nghệ và Tạp chí Hán Nôm lập tức đăng lại trên số 4 năm 2003? Xin trích nguyên văn lời giải đáp của vị cựu Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục đầu tiên, người trong những bước đầu xây dựng nền tảng giáo dục nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà từng được tiếp nhận sự chỉ đạo trực tiếp của Hồ Chủ tịch: “Đâu phải nó (“khoảng trống đáng sợ”) bỗng dưng mà có! Do chính chúng ta tạo nên (chúng tôi nhấn – VTK). Quá trình hình thành cái “khoảng chống đáng sợ này” tôi chứng kiến, nên xin kể lại, ngõ hầu rút ra được bài học gì chăng. Năm 1940 chính quyền thực dân Pháp xoá toẹt mấy tiết chữ Nho cuối cùng trong chương trình trung học. Nhưng ngay năm 1942, dưới áp lực của giới trí thức tiến bộ và để tranh giành họ với Nhật, người Pháp đã cho lập ra chuyên ban Cổ học Á Đông, học 6 năm với 5 tiết/tuần ở bậc trung học theo chương trình do Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên và nhà Hán học Trần Văn Giáp biên soạn. Ngay năm học 1942 – 1943 đã tuyển 40 học sinh cho chuyên ban này ở trường Bưởi. Ý thức được nguy cơ tương lai về “khoảng trống” nên trên Thanh Nghị số 22 tháng 11 năm 1942, chúng tôi đã cổ suý cho việc lập ra chuyên ban này và kiến nghị lập ngay một lớp cao đẳng nữa, chuyên giảng về cổ học Hán – Việt. Tôi đánh giá việc lập chuyên ngành đào tạo này là “một then chốt quan trọng của một nền xây dựng xã hội trong tư tưởng quốc gia” (lúc ấy trên báo chí công khai chưa thể viết từ “độc lập”). Tiếp theo, Đề án cải cách giáo dục 1945 (của Bộ Quốc gia Giáo dục, đã thông qua Hội đồng Cố vấn học chính do Chủ tịch Hồ chí Minh thành lập – VTK) lại đề nghị dạy 1 – 2 giờ Hán tự ở tất cả các chuyên ban trung học như một môn cơ sở văn hoá liên quan mật thiết với tiếng Việt và văn hoá Việt. Nhưng rồi … chiến tranh. Và rồi – nên “nhìn thẳng vào sự thật và nói sự thật” như Đại hội VI của Đảng CSVN đã nêu gương” – tư tưởng duy ý chí đã cản trở … Còn từ sau đại hội Đổi mới đến nay vẫn chưa thực hiện được thì có lẽ là vì còn phải chờ sự chuyển biến trong nhận thức của các cấp lãnh đạo ngành văn hoá – giáo dục … Rõ ràng chúng ta đã quên (hay cố tình che đi?) tấm gương kế thừa để phát triển của Nguyễn Tất thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh” [6].

    Hai vị tác giả trên tạp chí Hồn Việt đã dùng những lời lẽ đao to búa lớn về “vụ án diệt ngữ” còn là “ẩn số”, khiến các vị phải “hé mở một tia sáng công lý” v.v… và v.v…, thì chúng tôi xin thưa rằng nhân chứng, vật chứng vẫn còn nguyên đó.

    Có thể coi là nhân chứng NGND GS Nguyễn Đình Chú, với những lời chứng minh bạch rằng: “Sau Cách mạng tháng 8, trong khu vực Kháng chiến, ở bậc trung học cấp II (nay là trung học cơ sở), tại nhiều trường vẫn học chữ Hán, mỗi tuần 3 tiết, nhưng sau đó thì bỏ. Đặc biệt đến năm 1950, khi có cải cách giáo dục thì chữ Hán ra rìa hoàn toàn (chúng tôi nhấn – VTK). Sau này ở bậc phổ thông trung học có học Trung văn, nhưng đọc theo âm Trung quốc hiện đại, không phải là âm Hán cổ nữa …” [7]. Xin nói thêm: cố Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyên, nhà văn hoá lớn, uyên thâm cả Tây học lẫn Đông học, bị bức bách đến mức từng phải đệ đơn lên Hồ Chủ tịch xin từ chức, cho đến cuối đời vẫn còn “trăn trở nhiều” về những ý tưởng không thực hiện được trong công cuộc xây dựng một nền giáo dục thực sự dân chủ, dân tộc và khoa học, trong đó có việc phải bỏ dở dang đề án lập chuyên ngành cổ học Á Đông từ bậc phổ thông lên đại học mà ông chính là người đề xuất [8].

    Có thể coi là vật chứng cái công trình tổng kết nửa thế kỷ phát triển nền giáo dục cách mạng Việt Nam do các vị lãnh đạo “hậu sinh khả uý” của ngành chỉ đạo biên soạn, đã tuyên phong cho đường lối giáo dục ngoặt sang “tả khuynh” (chữ của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) năm 1950 là “cải cách giáo dục lần thứ nhất”(chúng tôi nhấn – VTK), có nghĩa là phủ định tuyệt đối, coi như chưa từng có cuộc cải cách nền giáo dục quốc dân năm 1945 – 1946, thực sự mang tính cách mạng chính vì có kế thừa để phát triển những tư tưởng tiên tiến của trí thức Nho học và Tây học dân tộc – dân chủ, thậm chí ngang ngược bất chấp cả việc cuộc cải cách đó đã được pháp quy hoá bởi Sắc lệnh số 146 do Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ký ngày 10 – 8 -1946 “đặt những nguyên tắc căn bản cho nền giáo dục mới”! [9]

    Vậy đâu phải “việc thay đổi chữ viết “Ta” (ý nói chữ Hán – Nôm) bằng chữ viết “Tây” (ám chỉ chữ Quốc ngữ La-tinh hoá) hoàn toàn (?!) do áp lực của chính quyền thực dân Pháp”? Đâu phải người ngoại bang “bức tử chữ Hán – Nôm”?

    Một triết gia đã nói đại ý: Kẻ nào quên bài học lịch sử tất sẽ lặp lại sai lầm của nó.


    Vũ Thế khôi
    (Nguồn ngnnghc.wordpress.com)​


    ______

    [1] Về vấn đề này xin tham khảo bài viết của chúng tôi: Về thời điểm bắt đầu và nhân tố thúc đẩy truyền bá chữ Hán, giao lưu văn hoá Trung – Việt. – Tạp chí Hán Nôm, số 3 năm 2006; cũng có thể tìm trên mạng Google, từ khoá Vũ Thế Khôi.
    [2] Chi tiết về quan điểm và hoạt động của vị quan Tây ưu ái văn hoá Việt này xin đọc: René Despierres: Giám đốc Học chính Trung – Bắc Kỳ Dumoutier (1850 – 1904). – Bản tin Đại học Quốc gia Hà Nội, số 168, ra tháng 2 / 2005.
    [3] Văn minh tân học sách. Đặng Thai Mai dịch. – Hợp tuyển thơ văn cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX (1900 – 1930), nxb Văn học, tr. 513.
    [4] Nguyễn Hiến Lê: Đông Kinh nghĩa thục. – Nxb Văn hoá – Thông tin 2002, tr. 92 – 93. Tham khảo thêm: Phan Tây Hồ di thảo. – Ngô Đức Kế biên tập và phê bình; Lương Văn Can xuất bản năm 1926; dẫn theo: Ngô Đức Kế, cuộc đời và tác phẩm. – Ngô Đức Thọ sưu tầm, giới thiệu, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh in năm 2008, tr. 233 – 243.
    [5] Theo: Nguyễn Q. Thắng: Khoa cử và giáo dục Việt nam. – Nxb Văn hoá – Thông tin 1993, tr. 291 – 293.
    [6] Vũ Đình Hoè: Vài ký ức về tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác giáo dục thời gian cuối năm 1945 đầu năm 1946 (Tham luận tại Hội thảo khoa học – thực tiễn “Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục do Bảo tàng Hồ Chí Minh và Đại học Sư phạm Hà Nội đồng tổ chức ngày 8 – 10 – 2003”). – Đăng toàn văn: a/ tạp chí Khoa học và Tổ quốc (Diễn đàn trí thức), các số 21 / 2003 và 1+2 / 2004; b/ Tạp chí Văn hiến Việt Nam, số Xuân 2004; giản lược: a/ báo Giáo dục & Thời đại, số 139, ra ngày 20 – 11 – 2003; tạp chí Xưa & Nay, số 223, tháng 11 / 2003.
    [7] Nguyễn Đình Chú: Cần khẩn trương khôi phục việc dạy chữ Hán trong nhà trường phổ thông Việt Nam. – Tạp chí Hán Nôm, số 2 / 2005.
    [8] Nguyễn Kim Nữ Hạnh: Tiếp bước chân cha. – Nxb Thế giới, Hà Nội 2003, tr 49.
    [9] Bộ giáo dục và Đào tạo: 50 năm phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo (1945 1995). – Nxb Giáo dục 1995, tr. 16 – 19.​
     
    Chỉnh sửa cuối: 28/9/15
  2. chumeo_di_hia

    chumeo_di_hia Lớp 3

    Mình thấy chữ quốc ngữ hiện nay có nhiều lợi ích hơn chữ Hán Nôm ngày xưa :D
     
    tran ngoc anh, vutananh and tducchau like this.
  3. Homo Sapiens

    Homo Sapiens Lớp 4

    Chữ Nôm được sáng tạo ra sau chữ Hán nhưng lại phức tạp hơn, rắc rối hơn, khó viết khó nhớ, không hiểu mấy ông sỹ phu ấy nghĩ gì mà sáng tạo ra chữ Nôm.
     
  4. khiconmtv

    khiconmtv Cử nhân

    Chữ Quốc Ngữ công nhận nó hơi "dị biệt" vì châu Á toàn xài chữ tượng hình hay lăn quăn nhưng dễ dùng, dễ đọc. Còn chữ Nôm là mượn chữ Tàu rồi thêm thắt vào, khó học, khó phổ cập.:D

    Ngay cả anh Nhựt Bổn dùng kanji nhưng vẫn tối giản nó cho dễ dùng chứ không làm phức tạp lên như chữ Nôm.
     
    Last edited by a moderator: 28/9/15
  5. Không có một "ủy ban" sáng tạo chữ Nôm mà các cụ nhà ta cứ mạnh ai nấy ghép, lúc đọc thì ngồi luận, mãi rồi thành quen, thành dòng, thành "quốc ngữ". Đơn cử ví dụ, nhiều âm không nghĩ ra được chữ hay, toàn ghép bộ "khẩu" vào để dùng lấy được.
     
    tducchau and chumeo_di_hia like this.
  6. chumeo_di_hia

    chumeo_di_hia Lớp 3

    Nhờ có tiến sĩ Alexander de Rhodes mà lớp con cháu chúng ta không phải đánh vật với chữ Nôm, chữ tiếng Việt có dấu bây giờ dùng máy tính nhiều lúc đã bực mình rồi nữa là chữ Nôm.

    Nếu ngày xưa giản lược tiếp chữ Việt thành không có dấu thì đỡ phải unikey với cả vietkey.

    Mà sao t/g Vũ Thế khôi dùng chữ "bức tử" nhỉ, nghe như luyến tiếc chữ Nôm ấy. :)
     
    hoalienbao and tducchau like this.
  7. sannyas60

    sannyas60 Lớp 8

    Mấy ông đọc bao nhiêu sách triết học các kiểu mà còn hỏi vậy hả?

    Nền văn minh 4000 năm mà còn không có nổi chữ viết cho riêng mình?

    Ngôn ngữ được hình thành trong đời sống văn hóa, chứ không phải từ trên trời rơi xuống. Nên ngôn ngữ phản ảnh tinh hoa văn hóa của dân tộc đó.

    Nếu tiếp tục dùng chữ Hán, còn gọi gì là nước Việt nữa. Nên các cụ mới chế ra chữ Nôm, nhằm thoát Trung đó, nhưng không thành công thôi...
     
    Last edited by a moderator: 28/9/15
  8. Homo Sapiens

    Homo Sapiens Lớp 4

    Nếu cứ dùng có làm sao, sao lại cứ phải khác mới là mang tính dân tộc.
     
    tducchau thích bài này.
  9. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    Hicchic!... Phụ thêm các bác một thông tin có 'hơi bị' rộng ra hơn chút nhưng xem ra là có liên quan nên tui 'post đại'... :D! Lại nữa, 'chủ bài' cũng đang 'tranh luận' sôi nổi (thậm chí là có phần 'rất gay gắt') trên Văn đàn Xứ Nghệ...
    Xin được 'hầu chuyện' thêm với các bác ơ...

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Tạp chí Nghiên cứu quốc tế số ra ngày 7 tháng 9 năm 2015 đăng bài Tại sao Việt Nam không bị đồng hóa sau 1.000 năm Bắc thuộc? của ông Nguyễn Hải Hoành. (... nghiencuuquocte.net/2015/09/07/viet-nam-khong-bi-dong-hoa-1000-nam-bac-thuoc/). Trong bài viết hơn 5000 chữ, tác giả cho rằng: “Có thể kết luận: dân tộc Việt Nam tồn tại được và không bị đồng hóa sau hơn 1.000 năm chịu sự thống trị của một quốc gia liền kề có nền văn hóa lớn mạnh là nhờ đã phát huy bản lĩnh trí tuệ của mình, thể hiện ở chỗ sáng tạo được biện pháp đọc chữ Hán bằng tiếng Việt, qua đó đã vô hiệu hóa chủ trương đồng hóa ngôn ngữ của các triều đại phong kiến Trung Hoa.”

    Đó là cách nhìn rất sai về con người và văn hóa phương Đông. Một cách nhìn giản đơn, hời hợt trong khi thực tế lịch sử phức tạp và sâu xa hơn nhiều.

    Lâu nay, chúng ta nói quen miệng: văn hóa Trung Hoa, tiếng nói Trung Hoa, chữ viết Trung Hoa… nhưng thực sự chưa ai biết người Trung Hoa là ai? Vì vậy những chuyện về Tiếng nói Trung Hoa, chữ viết Trung Hoa, văn hóa Trung Hoa… thiên hạ bàn bao nhiêu cũng hầu như là nói mò, tán dóc! Không thể trách ông Nguyễn Hải Hoành cùng các học giả Việt Nam vì cho tới nay chính người Trung Hoa cũng không trả lời được những câu hỏi trên!

    Trong tiểu luận này, tôi xin trình bày cách nhìn khác, bằng con mắt của thế kỷ mới.

    I. Nguồn gốc người Trung Hoa

    70.000 năm trước, hai đại chủng Homo sapiens là Australoid và Mongoloid từ châu Phi, theo ven biển Ấn Độ tới Việt Nam. Tại đây, họ hòa huyết với nhau rồi con cháu họ hòa huyết tiếp trong nhiều vạn năm, cho ra hai chủng người Việt cổ Indonesian (Lạc Việt) và Melanesian. Trong quá trình hòa huyết, họ cũng hòa hợp về tiếng nói. Chủng Lạc Việt (Indonesian) là đa số, giữ vai trò lãnh đạo về xã hội và ngôn ngữ. Sau đó, người từ Việt Nam đi lên khai phá Hoa lục rồi vượt eo Bering sang chinh phục châu Mỹ. Khoảng 4000 năm TCN, người Việt sống khắp Hoa lục và xây dựng ở đây nền văn hóa nông nghiệp rực rỡ. Khoảng 3300 năm TCN, tổ tiên ta lập nhà nước đầu tiên với vị vua huyền thoại Thần Nông ở kinh đô Lương Chử vùng Thái Hồ. Khoảng năm 2879 TCN, nước Xích Quỷ của Kinh Dương Vương ra đời. (1)

    Năm 2698 TCN, người Mông Cổ du mục xâm lăng đất của người Việt ở Nam Hoàng Hà, dựng vương triều Hoàng Đế. Do số người ít, văn hóa chưa phát triển, người Mông Cổ học nghề nông cùng tiếng nói của người Việt. Tiếng Việt bị nói trại theo giọng Mông Cổ và trong vai trò thống trị, người Mông Cổ áp đặt xã hội nói theo cách nói Mông Cổ (Mongol parlance) mà ngày nay ta gọi là “nói ngược” phụ trước chính sau: tôi đi trước -> tôi trước đi; Thịt gà -> gà thịt… Trong quá trình sinh sống, người Mông Cổ hòa huyết với người Việt, sinh ra người Hoa Hạ. Sau mấy đời, người Mông Cổ thuần chủng không còn, người Hoa Hạ thay cha ông, thiết lập các triều đại từ Nghiêu, Thuấn tới nhà Chu. Cả thời kỳ lịch sử dài, người Hoa Hạ chỉ chiếm giữ phần nhỏ đất Hoa lục. Ở phần đất còn tự do rộng mênh mông, người Việt thành lập những tiểu quốc, luôn chống lại kẻ xâm lăng. Tuy nhiên, do nắm vai trò chính thống, người Hoa Hạ coi các tộc người Việt bản địa là man di còn mình là cội nguồn của dân tộc Trung Hoa. Cuối thời Chu, nhà Tần gồm những bộ tộc Tây Nhung người Việt, diệt lục quốc, nắm quyền lãnh đạo. Do mất vai trò thống trị, người Hoa Hạ mất vị trí tầng lớp tinh hoa, hòa tan trong cộng đồng Việt đông đảo. Hạng Võ rồi Lưu Bang, là người Việt nước Sở diệt nhà Tần, lập nhà Hán. Vương quyền vào tay người Việt. Nhưng do vang bóng của Hoa Hạ trong quá khứ nên nhà Hán cũng tự nhận là Hoa Hạ!

    Như vậy, tổ tiên người Trung Hoa là người Lạc Việt từ Việt Nam đi lên khai phá Hoa lục từ 40.000 năm trước. Trong quá trình sống trên lưu vực Hoàng Hà, người Việt hòa huyết với người Mông Cổ, sinh ra người Việt hiện đại, chủng Mongoloid phương Nam, mà người Hoa Hạ là một bộ phận. Sau cuộc xâm lăng của Hoàng Đế, người Việt Mongoloid phương Nam lan tỏa xuống phía Nam và Đông Nam Á, làm chuyển hóa di truyền hầu hết dân cư Đông Nam Á sang chủng Mongoloid phương Nam như hiện nay.(2)


    II. Tiếng nói và chữ viết Trung Hoa.

    1. Về nguồn gốc của tiếng nói Trung Hoa

    Khi di cư, người tiền sử mang theo tiếng nói của mình từ quê mẹ châu Phi tới Việt Nam. Tại đây, cùng với hòa hợp máu huyết cũng diễn ra hòa hợp ngôn ngữ giữa các tộc người. Tiếng Lạc Việt Indonesian thành chủ thể của tiếng nói cộng đồng. Cố nhiên, tiếng nói không đồng nhất bởi lẽ, ngoài tiếng Lạc Việt được dùng như tiếng “phổ thông” thì mỗi nhóm có tiếng nói riêng. Do vị trí địa lý, khu vực miền Trung là nơi mà tổ tiên chúng ta định cư sớm nhất (bằng chứng là các di chỉ Núi Đọ, hang Con Moong). Vì vậy, ngôn ngữ vùng này là ngôn ngữ gốc của người Việt. Người di cư đưa tiếng Việt tới Quảng Đông, Phúc Kiến rồi chiếm lĩnh toàn bộ Hoa lục. Do sống tại những môi trường địa lý cùng sự tiếp xúc dân cư khác nhau, tiếng nói bị phân ly, ngày càng xa nhau tới mức không hiểu được nhau. Vì vậy, thời nhà Chu đã cho tiếng phương Nam là Nhã ngữ, có nghĩa là thứ tiếng nói thanh nhã và khuyến khích dân chúng dùng Nhã ngữ. (3) Ngày nhỏ nghe các cụ truyền ngôn: “Hoa Việt đồng văn đồng chủng” quả tình tôi không thể nào hiểu nổi. Nhưng từ khám phá hôm nay thấy cha ông ta vô cùng sáng suốt!

    2. Về chữ viết Trung Hoa

    Truyền thuyết Trung Hoa nói rằng Hoàng Đế sai Thương Hiệt làm ra chữ. Nhưng trên thực tế, nhà Hạ chưa có chữ và hơn nửa thời Thương, người Hoa Hạ cũng chưa có chữ. Trong khi đó, trên vùng cư trú của người việt, chữ tượng hình được sáng tạo từ rất lâu rồi. Khảo cổ học khám phá, 9000 năm trước ký tự tượng hình đã xuất hiện ở văn hóa Giả Hồ. Cuối năm 2011 phát hiện “phù tự” (chữ dùng cho bùa chú, tế tự) khắc trên đá tại di chỉ Cảm Tang tỉnh Quảng Tây 4000 – 6000 năm trước. Chữ khắc trên giáp cốt cũng tìm thấy ở văn hóa Lương Chử hơn 3000 năm TCN. Từ những phát hiện chữ viết sớm (trước khi người Hoa Hạ ra đời) trên vùng đất cư trú của người Việt, cho thấy, chữ tượng hình Giáp cốt văn là do người Việt sáng tạo. Từ Cảm Tang, chữ được đưa lên Hà Nam vùng Trong Nguồn, là trung tâm kinh tế văn hóa lớn của người Việt. Chữ được cải tiến và được dùng làm công cụ ghi chép. Khoảng 1300 năm TCN, vua Bàn Canh chiếm đất An Dương của người Việt, lập triều Ân. Chính ở đây người Hoa Hạ gặp Giáp cốt văn. Thấy giá trị lớn của chữ giáp cốt, nhà Ân đã đưa chữ của người Việt lên bước phát triển cao. Tiếp đó nhà Chu chuyển từ văn khắc trên yếm rùa, xương thú thành chữ viết trên lụa, trên thẻ tre, khắc trên đồ đồng. Nhà Tần, một quốc gia người Việt, làm cuộc cách mạng chuẩn hóa văn tự, đưa chữ tượng hình có diện mạo như ngày nay. (2)

    Chữ tượng hình được chế ra để ghi âm tiếng Việt là sự thật không chỉ thể hiện ở nguồn gốc của nó mà còn được lưu giữ trong Thuyết văn giải tự, cuốn từ điển đầu tiên do Hứa Thận người thời Hán viết. Dù văn bản hiện nay có nhiều thay đổi do các đời sau cải sửa nhưng gốc của nó là cuốn sách ghi lại cách đọc chữ vuông bằng tiếng Việt.

    Ta thử xét đến chữ Bàn trong sách này:

    番:獸足謂之番。从釆;田,象其掌。附袁切
    Phiên: Thú túc vị chi phiên. Tùng thể; điền, tượng kỳ chưởng. Phù viên thiết. (Phiên: Chân thú gọi là phiên, viết theo thể; theo điền, như là chưởng.)

    Phần trên được dịch theo quan niệm của đa số hiện nay. “Phù viên thiết” cũng là do đời sau thêm vào mà phiên âm như vậy, chứ thật ra thì đoạn văn trên phải dịch là “Bàn: thú túc vị chi bàn, tùng thể; điền, tượng kỳ chưởng.” Tiền thân của chữ Phiên番ở thời Hán, vào lúc ông Hứa Thận còn sống thì đọc là Bàn. Bàn: chân thú gọi là bàn (bàn chân), viết theo bẻ 釆 (thể) và đàn 田(điền), tựa cái bàn (tay, chân)... (Đỗ Ngọc Thành – Đi tìm nguồn gốc chữ Nôm. Nhannamphi.com)

    Vì vậy, nếu truy tới cùng thì mọi chữ vuông chỉ khi đọc bằng tiếng Việt và giải nghĩa bằng nghĩa tiếng Việt mới chính xác. Thí dụ câu Lang bạt kỳ hồ/tái trí kỳ vĩ trong kinh Thi, được Chu Hy giảng: “Hồ là cái yếm ở cổ con sói khi già thì thòng xuống nên con vật bước tới dẵm phải yếm, bước lui đạp phải đuôi. Câu thơ chỉ tình trạng tiến thoái lưỡng nan.” Rõ ràng là vô lý vì không bao giờ con sói có yếm ở cổ! Ngay những loài có yếm như bò hay lạc đà thì cũng không bào giờ yếm chùng đến nỗi con vật dẫm phải! Thực ra, “hồ” vốn là hố, hang trong tiếng Việt của người làm ra kinh Thi với ý nghĩa: “sói trốn vào hang/ vẫn lòi cái đuôi”, mô tả tình trạng giấu đầu hở đuôi của con sói để lên án đám quý tộc che giấu cuộc sống ăn trên ngồi trốc của mình. “Hố” của tiếng Việt được đưa vào kinh ở thời Chu nhưng sau đó, người thời Tống không còn hiểu tiếng Việt nữa nên chuyển thành “Hồ” và biến nghĩa thành cái yếm của con sói! (4)

    3. Khi sang Việt Nam, người Hán nói tiếng gì?

    Với nhiều người thì đó là câu hỏi lẩm cẩm, bởi lẽ cố nhiên, người Hán phải nói tiếng Hán. Nhưng tiếng Hán là tiếng gì? Chỉ mới đây, tôi mới khám phá ra: khi sang việt Nam người Hán nói tiếng Việt! Tổ tiên người Hán vốn là người Việt. Do thời gian đi xa, không gian cũng xa và hoàn cảnh lịch sử bắt phải “nói ngược” nhưng “hương âm vô cải” nên những thế kỷ đầu Công nguyên, người Hán vẫn nói tiếng Việt! Không có gì lạ, khi một người Bana hôm nay sang Indonesia, liền nghe và nói được tiếng địa phương. Người Trung Quốc đã thực hành một cuộc chơi: mời cặp nam nữ người Thái Lan sang giao lưu với thanh niên Choang. Người Thái cứ nói tiếng Thái, người Choang cứ nói tiếng Choang mà hiểu được nhau! Như vậy, ít nhất trong 400 năm dưới thời nhà Hán, quan lính Hán sang Việt Nam nói tiếng Việt. Chữ Hán được đọc bằng tiếng Việt. Một chứng cứ cho chuyện này là bức thư của Hứa Tịnh, một người phương Bắc di cư xuống làm quan với Lưu Bị, viết trả lời Tào Tháo: “đã đi từ Hội Kế (Cối Kê - Hàn Châu ngày nay), qua Giao Châu, Đông Âu, Mân Việt, cả vạn dặm mà không thấy đất Hán.”

    (从会稽“南至交州,经历东瓯、闽越之国,行经万里,不见汉地” – Từ Hội Kế nam chí Giao Châu, kinh lịch Đông Âu, Mân Việt chi quốc, hành kinh vạn lý, bất kiến Hán địa.) Như vậy, tuy 400 năm thuộc nhà Hán nhưng vùng Giang Nam vẫn hoàn toàn là Việt: người Việt, phong tục Việt và tiếng nói Việt” (2)

    Chỉ sau thời Hán, do loạn Ngũ Hồ, nhiều tộc du mục vào chiếm đất Trung Hoa, đưa tiếng nói của họ vào, khiến cho tiếng nói ở Trung Nguyên thay đổi. Thời này, việc học chữ Hán và giao tiếp với người phương Bắc trở nên khó khăn hơn.

    4. Sự ra đời của Đường âm

    Sau thời gian tao loạn dài, nhà Đường xác lập địa vị thống trị. Lúc này tiếng nói Trung Nguyên cũng rối loạn, mỗi nơi nói một khác khiến cho người trong nước không hiểu được nhau. Chính quyền phải dùng tiếng nói của kinh đô Tràng An làm ngôn ngữ giao tiếp trong triều đình. Buộc quan lại các tỉnh nhập kinh phải nói tiếng kinh đô. Dân gian gọi là quan thoại. Sau này được gọi là Đường âm. Kinh đô Tràng An là đất từ xa xưa của người Lạc Việt. Là trung tâm văn hóa của quốc gia văn minh bậc nhất trong lịch sử Trung Hoa, Tràng An tập trung đông đảo trí thức nên tiếng nói chịu ảnh hưởng nhiều của chữ viết: bớt phần nôm, nặng phần chữ. Đường âm truyền sang Việt Nam, được cha ông ta gọi là chữ Nho hay chữ của thánh hiền. Sau 1954 được gọi là từ Hán Việt. Theo tôi cách gọi này không đúng bởi lẽ xuất phát từ suy nghĩ sai lầm: “chữ của Hán còn cách đọc của Việt nên gọi là từ Hán Việt.” Kỳ thực Đường âm là tiếng nói của người Việt sống ở Tràng An, do hoàn cảnh lịch sử riêng mà được hình thành vào thời nhà Đường. Ông Nguyễn Tài Cẩn cho rằng: “Hán Việt là tiếng nói của kinh đô Tràng An thời nhà Đường được đem sang dạy ở Việt Nam.” Thực ra, phần được đưa sang Việt Nam chỉ là những tiếng nói được ký tự. Trong thực tế, tiếng nói thì nhiều nhưng chữ chế ra lại ít. Mặc dù dùng giải pháp từ đồng âm nhưng cũng còn rất nhiều tiếng không được ký tự, chỉ được truyền khẩu trong dân gian. Tại Trung Nguyên, những tiếng không được ký âm dần dần bị mai một. Tình hình cũng giống ở miền Giang Nam hiện nay, người ta thống kê được khoảng 20% tiếng nói không được ghi thành chữ mà chỉ được truyền miệng trong dân gian. Với thời gian, những tiếng nói dân dã này rồi sẽ biến mất! Trong khi đó, ở Việt Nam cha ông chúng ta khắc phục hạn chế của chữ Nho bằng cách làm ra chữ Nôm, bổ sung vào vốn văn tự khối lượng lớn chữ viết, để ký tự được tất cả tiếng nói của cộng đồng. Nhờ vậy mà sáng tạo được những áng văn chương tuyệt tác. Sau này, chữ quốc ngữ ký âm được cả chữ Nho, cả tiếng nói dân dã. Nhờ đó tiếng nói của người Việt Nam càng phong phú, giầu có hơn và càng xứng đáng là mẹ các ngữ (mère des langues) như H. Frey tuyên bố. (3)

    Như vậy: toàn bộ hệ thống cách đọc Đường âm được mang từ Tràng An sang mà hoàn toàn không phải sản phẩm sáng tạo của người Việt Nam! Lẽ đương nhiên, việc người Việt không bị đồng hóa không liên quan gì tới từ Hán Việt!


    III. Vì sao người Việt không bị đồng hóa?

    Về chuyện này có thể viết cả một cuốn sách nhưng theo tôi, có ba lý do cốt lõi:

    Về mặt di truyền học
    : Người Việt Nam có chỉ số đa dạng di truyền cao nhất trong các sắc dân châu Á. Điều này đã đươc nhà di truyền S.W. Ballinger công bố từ 1992. Độ đa dạng di truyền chỉ có thể chuyển từ cao xuống thấp. Khi sinh ra con, cha mẹ san sẻ một phần “độ đậm đặc nòi giống” của mình cho đứa trẻ nên dòng huyết thống càng xa càng nhạt. Trong khi đó, con cháu không bao giờ lội ngược dòng trở lại “độ đậm đặc nòi giống” như cha ông. Có thể ví, dân tộc Việt Nam là một biển nước mặn mà mỗi người Hán xuống Việt Nam là một thùng nước lợ. Những thùng nước lợ hòa vào biển mặn không những không thể làm biển nhạt đi mà, cái thùng nước lợ bị mặn theo!

    Về tiếng nói
    :
    Việt Nam là nơi phát tích của dân cư Trung Hoa nên tiếng Việt là ngôn ngữ gốc với những đặc điểm: vốn từ phong phú, đa thanh, giọng nói sáng rõ và nhất là được nói theo trật tự chính trước phụ sau. Người từ Trung Hoa trở về Việt Nam – nói chính xác là trở về đất tổ - mang về ngôn ngữ bị pha trộn, biến dạng và nhất là cách nói ngược. Cố nhiên, người Việt không thích thú thứ tiếng nói như vậy để mà học!

    Về hoàn cảnh lịch sử
    :
    Lịch sử đã tạo ra ở Việt Nam cộng đồng làng xã vô cùng vững chắc, hữu hiệu chống lại sự xâm nhập từ bên ngoài, ngay cả người khác xã. Người Hán hầu như không có cơ hội nhập tịch làng Việt Nam. Họ chỉ có thể tới sống nơi kẻ chợ, hành nghề làm thuê hay buôn bán và được gọi bằng danh xưng: thằng Ngô, chú Khách. Mặt khác, dù âm mưu đồng hóa là kiên trì và thâm độc nhưng do sức phản kháng kiên cường của người Việt, nên nhiều viên quan buộc phải ngó lơ những yêu cầu khắt khe của triều đình, cốt sao thu được thuế và giữ được ổn định. Một đặc điểm khác là, do bên trong Trung Quốc luôn xảy ra bạo loạn, đảo chính nên sự thống trị nhiều khi bị buông lỏng. Những lúc như vậy, tinh thần Việt được phục hưng. Một điều nữa phải nói là may mắn: suốt trong nhiều thế kỷ người Hán nói tiếng Việt rồi để lại Đường âm, một thành tựu tuyệt vời về ngữ âm. Nhưng ngay sau đó, nước ta giành lại quyền tự chủ, thoát khỏi ách đô hộ. Ta dùng Đường âm như một quốc bảo làm quốc ngữ mãi tới sau này. Trong khi đó, Trung Quốc luôn loạn lạc, các tộc người phương Bắc xâm chiếm, thống trị khiến tiếng nói biến đổi theo. Đường âm biến mất khỏi Trung Quốc. Do là nước độc lập, chúng ta không buộc phải học những thứ quan thoại của phương Bắc. Vì vậy giữ được tiếng nói của mình.


    Trung Thu 2015.
    (Nguồn thuyhavan.blogspot.com)​

    Ghi thêm:
    Tôi gửi bài viết cho tạp chí Nghiên cứu quốc tế và nhận được thư trả lời của Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp:

    "Kính chào anh Hà Văn Thùy,
    Sau khi đọc kỹ và cân nhắc, chúng tôi nhận thấy một số luận điểm, tuyên bố của anh trong bài còn gây nhiều tranh cãi và cần thời gian để xác thực thêm về mặt chứng cứ khoa học, nên tạm thời chúng tôi chưa thể đăng bài này của anh, mong anh thông cảm.
    Cám ơn anh và kính chúc anh sức khỏe!
    LH Hiệp"


    ______

    Tài liệu tham khảo:
    1. Hà Văn Thùy. Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt. NXB Văn học, 2006
    2. Hà Văn Thùy. Viết lại lịch sử Trung Hoa, amazon.com/Viet-Lai-Lich-Trung-Vietnamese/dp/1500462675/ref=sr_1_1?s=books&ie=UTF8&qid=1407022568&sr=1-1&keywords=ha+van+thuy
    3. Hà Văn Thùy. Tiến trình lịch sử văn hóa Việt, amazon.com/Tien-Trinh-Lich-Vietnamese-Edition/dp/1502407043/ref=pd_sim_b_1?ie=UTF8&refRID=0166EHCRB7JE84435N41
    4. Hà Văn Thùy. Tìm bản gốc câu kinh Thi Lang bạt kỳ hồ, chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/tim-ban-goc-cua-bai-kinh-thi-lang-bat.

    _______

    Tui cũng xin được 'Ghi thêm': Thành thức cám ơn các bác đã 'tham & luận' rất 'hòa và nhã'... :p!
    :Rotmat4:
     
    Chỉnh sửa cuối: 29/9/15
  10. chumeo_di_hia

    chumeo_di_hia Lớp 3

    Bài bác chủ thread dài quá, chắc ai quan tâm mới đọc được, bác nào "túm cái váy" lại tóm tắt giúp em phát, chứ em lười nên đành chịu =))
     
    tducchau thích bài này.
  11. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    Hichic... Ba cái vụ nầy mà bác cứ đòi 'túm cái váy' lại như chị Mõ' hùi nào thì... thi chắc chỉ có 'chánh tổng, lý trưởng,...' quan viên ngày ấy mởi 'tơ lơ mơ' mà 'biết việc'... Nhiêu khi, cứ là phải 'lột trần như nhộng', 'trụi thùi lụi', 'như đấm vào mặt', 'lòng thòng, lai rai...' mới thâm thấm được từng chun, từng chút các bác ạ! :p!
     
    chumeo_di_hia and Zhiqiang like this.
  12. hoanggiakhoa

    hoanggiakhoa Mầm non

    Việt Nam mà còn học chữ Hán Nôm thì nhục đời đời luôn.
    Thêm nữa là tỷ lệ mù chữ tăng vọt
     
    chumeo_di_hia and tducchau like this.
  13. sannyas60

    sannyas60 Lớp 8

    Uhm, tóm váy lại thì chính Trung mới phải tìm cách thoát Việt, chứ không phải ngược lại như bây giờ:
    - Người Trung từ gốc Việt di cư lên phía Bắc mà ra. Gặp khí hậu thuận lợi, trồng được nhiều rau, bắt được nhiều cá... lương thực rồi dào, ăn không hết, nên dân số mới sinh sôi nảy nở được như vậy. Nhiều đến nổi mà ăn không hết, nghĩ ra cả 1001 cách bảo quản như: muối chua, hun khói, ướp đông, dùng thuốc chống thối, chất bảo quản hóa học... :p:p:cool:

    - Chữ tượng hình do người Việt nghĩ ra trước, rồi bọn Trung đông dân hơn mang quân xuống đánh chiếm, thấy chữ hay hay nên mang về nhà dùng, rồi sau lấy luôn làm của mình. Điều này có lẽ đã được thế giới xác nhận.

    - Nói về di truyền học gì đó. Bảo người Việt xét nghiệm ADN có gen thuần chủng hơn, nên phải có trước...
     
  14. Ducko

    Ducko Lớp 4

    Cá nhân em vẫn xem chữ quốc ngữ (hệ thống ký âm bằng ký tự Latin cho tiếng Việt) là một phát minh quan trọng và rất đáng trân quý.
    Một ưu điểm rất dễ thấy ở chữ quốc ngữ hiện nay là trông mặt chữ là đọc lên được, nghe đọc chữ là viết lại được (dĩ nhiên, không chấp mấy bạn phát âm sai). Đó là ưu điểm mà hầu hết các ngôn ngữ sử dụng ký tự Latin khác không có được. Ví dụ trong tiếng Anh có những chữ mà nếu người đọc chưa từng học, chưa từng biết thì nhìn mặt chữ cóc biết phát âm ra sao, hoặc ngược lại, nghe người ta nói, không biết viết lại ra sao.
     
  15. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    :)!
    A!... Dut ko... công phu tới 'thành' nào rùi a! 'Thương' Bạn nhăm nhắm luôn ý! ;)!

    Có vụ nầy nha: Trong khi mần quyển Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link' của SJ. Đỗ Quang Chính, thì chắc Bạn cũng thường thấy nói về hai quyển: Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem linkvà quyển Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem linkcủa Cố Đắc Lộ... :D!

    Vì hai quyển ấy, chỉ riêng phần 'quốc ngữ' thôi cũng đòi hỏi 'công phu' người đọc phải nên 'khơ khớ' hay chí ít cũng phải đã từng 'kinh qua trận mạc'... Nên nghía qua 'tềnh hềnh' chút với nhá! Coi sao... :p!

    Link bản gốc ở đây: Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link.

    hoặc trực tiếp là:
    - Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link.
    - Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link.

    Thân mến! @tducchau _ (tdc)! :)!
     
  16. hut_mit

    hut_mit Lớp 3

    bạn không nhìn thấu được nó bạn sẽ không thể thấy giá trị của nó, giống như thời nay đánh giá thấp các tước vị quan chức ngày xưa kiểu tiến sĩ, học sĩ, trạng nguyện vậy. Chữ nôm nó có văn hóa người việt tinh túy nội liễm, không đi sâu tìm hiểu sẽ không thể biết được :)
     
    Last edited by a moderator: 15/4/20
  17. summer_akarda

    summer_akarda Lớp 2

    Tiếng Anh là cái ngôn ngữ năm cha ba mẹ, lại bị quốc tế hóa tùm lum nên mới có tình trạng đó. Các ngôn ngữ châu Âu khác không như vậy đâu bạn.
     
  18. sannyas60

    sannyas60 Lớp 8

    Chữ Hán thì nhìn --> thì biết được nghĩa...
    Còn chữ như tiếng Anh thì nhìn --> thì suy được cách đọc...

    Mỗi cái có 1 ưu điểm. Giờ có cu nào chế đươc cái chữ mà nhìn cái biết nghĩa + cách đọc luôn thì đệp.?>cute_smiley20:fish:
     
  19. mr.buiduytung

    mr.buiduytung Lớp 7

    Có chuyện đó à, sao mình nhìn chữ Hán không biết nghĩa, nhìn tiếng Anh chả biết đọc ta...?
     
    Wanderman and sannyas60 like this.
  20. hoalienbao

    hoalienbao Banned

    Ý kiến hay, tôi nghĩ các cụ đã thất bại trong việc chế ra ngôn ngữ riêng, điều này khó tránh ngay cả tiếng Hàn, Nhật tôi nghĩ họ cũng chưa hoàn toàn thoát được ảnh hưởng của Hán ngữ. mà Hán tộc thì luôn bành trướng xâm lấn các tộc khác.

    Nhưng tôi thấy dạy chữ Nôm phiên âm kiểu "phong vũ gió mưa" cũng rất tốt, làm tiếng Việt thêm phong phú. Còn nếu dậy viết theo lối tượng hình thì lại cố đi ngược chiều tiến bộ.
     
    vutananh thích bài này.
Moderators: amylee

Chia sẻ trang này