Y học - Sức khỏe An Hưởng Tuổi Vàng - Nguyễn Ý Đức

Thảo luận trong 'Phòng đọc trực tuyến' bắt đầu bởi huytran, 3/4/24.

Moderators: galaxy, teacher.anh
  1. huytran

    huytran Lớp 5

    Đây là bản in ở hải ngoại, có thể khác với bản đang lưu hành trong nước.


    Lời Tựa​


    Chúng ta sống trong sự biến đổi, sống với sự biến đổi. Một đại hiền triết cổ Hi Lạp, một trong những vị mà người ta gọi là những triết gia trước Socrate, dạy rằng “người ta không bao giờ rửa chân hai lần ở một dòng suối”. Vì nước suối chảy đi và khi ta xuống suối rửa chân lần thứ hai, mặc dù vẫn chỗ ấy, trên hòn đá ấy, nhưng không còn là nước cũ. Lời nói của đại hiền Hi Lạp đã cho ta hai cách nói siêu dụ, thông thường đến nỗi rằng ta nói luôn tới ‘dòng đời’ và ‘dòng lịch sử’ mà không còn nghĩ đến gốc nguồn từ một điểm đã hai ngàn rưởi năm xưa, ở một nền văn minh bên trời Tây đã chết.

    Cuốn sách này của Bác sĩ Nguyễn Ý Đức nói về một sự thay đổi trong thời chúng ta trên dòng đời và dòng lịch sử, là sự già lão. Và tác giả muốn một ông thầy già viết cho cuốn sách vài lời gọi là Tựa.

    Thực ra thì sách An Hưởng Tuổi Vàng này cũng chẳng cần phải giới thiệu vì đã đáp ứng một nhu cầu rất lớn, phải nói là mỗi ngày một lớn hơn trong xã hội Việt Nam vì số người già tăng trưởng rất nhanh, trong ba phần tư thế kỷ vừa qua. Không phải vì chiến tranh kéo dài thiếu mười sáu tháng đầy ba mươi năm đã làm mất đi một số lớn những người tuổi trẻ, trai nhiều hơn gái trong dân số và sự gia tăng tỉ số người già chỉ giả tạo. Ngay cả nếu ta bổ xung trên giấy tờ những tuổi bị khuyết trên biểu đồ tháp dân số theo tuổi của nước ta rồi so với tháp tuổi năm 1925 hay 1930, thì thấy ngay sự khác biệt: hình tháp xưa có một cái ngọn dài và nhọn hoắt, còn tháp nay tuy thót giữa (ảnh hưởng của chiến tranh) nhưng đáy rộng (vì sự sinh sản quá mạnh trong phần tư thế kỷ vừa qua, có thể gọi cho vui là sự nở rộ của tý nhau khi chiến cuộc chấm dứt ở mặt trận và rút về phòng the); còn các tuổi già và chưa già, từ năm mươi trở lên thì đông đảo với một bề ngang đáng kể trên hình tháp tuổi dầy dặn hơn xưa nhiều. Sự kiện này nói nôm na có nghĩa là các cụ nhiều hơn, nhiều gia đình có ít là một hai và có thể đủ bốn ông bà nội, ngoại và số gia đình tứ hay ngũ đại đồng đường không còn hiếm như ngày xưa. Sự sống lâu trên bảy mươi tuổi chỉ còn “cổ lai hi” như một câu văn sáo mà đời văn minh đã ném vào thùng rác của lịch sử như thanh Ngư Trường Kiếm và cái búi tóc củ hành.

    Tôi không nói rằng ngày xưa không có người sống lâu. Bỏ những chuyện huyền thoại, dầu là phương Đông như chuyện Bàn Cổ của Trung Hoa (mà ta thường gọi là ông Bành Tổ) hay Methusalem trong Kinh Thánh và cả truyền thuyết về tuổi thọ của các vua thời Hồng Bàng của ta, chúng ta đều có biết và có thấy tận mắt một vài vị lão trượng trong làng hay trong một vài gia đình quen thuộc, chẳng những là bảy tám mươi mà có khi tới hơn trăm tuổi. Thời nào, ở đâu, trừ khi còn ăn lông ở lỗ trong những vùng trinh nguyên chưa khám phá, những vùng mà ngày xưa khi chưa có sự hiểu biết gì về y khoa khoa học ta gọi là “ma thiêng nước độc” hay “lam sơn chướng khí” cũng có thể có một vài người, nhờ “thể chất” nghĩa là nhờ di truyền qua gen hệ, nhờ những điều kiện sinh sống và các cách sinh hoạt tương đối không thường, sống lâu và chết già hơn các người chung quanh. Sự đồn đại tăng tuổi thọ cũng có, vì lý do này nọ tuỳ theo văn hoá nhưng sự sống lâu của một số cụ là thực có, và thực đáng quý vì các cụ không những là sự hãnh diện của gia đình, mà còn là hy vọng đúng và là những gương sáng cho toàn thể nhân dân nữa. Nhưng ngày xưa sống lâu như các cụ hiếm lắm. Nhân sinh thất thập… Còn ngày nay chẳng những số các cụ nhiều hơn, mà tỉ số các cụ trong xã hội tăng lên.

    Tại sao có nhiều người già hơn trong dân số ngày nay? Tại sao nhân dân Việt Nam già lão hơn? Vì trong bách kỷ vừa qua có những tiến bộ song song trên bốn diện: kinh tế, công chính, giáo dục và y tế. Trong một bài tựa bắt buộc là phải ngắn hơn sách, tôi không thể đi sâu hơn về bất cứ một diện nào trong bốn diện ấy và nếu nói về cả mọi mặt thì khác gì là viết lịch sử chiều dài của quốc dân Việt Nam. Phần lớn quý vị đọc sách có lẽ cũng chỉ tìm hiểu những điều thực tế mà chính mình có thể dùng được có lợi cho bản thân. Sách của BS Nguyễn Ý Đức nhắm vào hai mục tiêu, thuộc hai diện cuối cùng trực tiếp quan hệ đến sự sống lâu một cách khoẻ mạnh. Và vì rằng sức khoẻ là sự sống với một cơ thể, sinh lý và tâm thần bình thường và nếu có thể hơn bình thường một chút là điều kiện không thể không có để hưởng thụ hạnh phúc, nên An Hưởng Tuổi Vàng có thể và một phần nào phải được coi là cuốn sách đầu tiên để sống yên vui với các người thân trong tuổi già.

    Dĩ nhiên rằng như thế chưa phải là không còn vấn đề gì đâu. Sống lâu, già cả là tốt lắm và không phải là dễ. Nghệ thuật sống già cả là một vấn đề khác và cũng không dễ. Về cả hai đường, cái vốn liếng đắp xây từ lúc trẻ vô cùng quan trọng. Và đây là lời cuối cùng của tôi, không phải với các cụ đồng tuế hay cao niên hơn tôi, mà là với các người trẻ tuổi. Sự giữ gìn sức khoẻ, sự trao dồi văn hoá, sự di dưỡng tâm tính, sự tôn kính và thương yêu mọi người trong gia đình, sự bao dung trong tinh thần dân chủ với tất cả mọi người, là những điều mà tôi nghĩ là quan trọng ngang nhau để có thể sống lâu và an hưởng tuổi vàng với sự kính trọng của làng nước, sự kiêu hãnh của con cháu và chắt, chút và với sự vui vẻ trong nội tâm của mình. Nhưng phải biết sống như thế từ lúc mới lớn lên và biết suy nghĩ càng sớm càng hay.

    Vào khoảng phần tư đầu tiên của thế kỷ vừa chấm dứt, khi tôi sinh ra, hy vọng được sống trung bình của người Việt Nam chỉ có hai mươi lăm năm. Ngày nay đời sống trung bình của người dân trong nước là vào khoảng 60 đến 65 năm. Với những người Việt Nam sinh đẻ ở Hoa Kỳ, Tây Âu hay Nhật Bản, sự sống có thể trung bình lên tới 70 năm, chỉ thua kém những người bản xứ chừng dăm ba năm thôi. Những khám phá mới của y học lại cho phép tiền phóng rằng người ta có thể sống già hơn nhiều nữa, và một số người có điều kiện đã có thể tính đến chuyện sống không tật bệnh đến ngoài một trăm năm mươi tuổi. Sự hiểu biết về sinh học tiến bộ một cách nhanh chóng không ai lường trước được và nếu có một đạo sĩ tu tiên nào trở lại được cõi đời này ở Hoa Kỳ hay Anh, Pháp, Đức thì sẽ phải nói rằng nằm mơ cũng không thể tưởng được rằng cái mộng trường sinh nay đã có linh đơn để trở thành sự thật. Nhưng trước hết, trong đời này không còn đạo sĩ nữa. Và vấn đề ngày nay là sống lâu như thế để làm gì? Ai cấp dưỡng cho một cách vui vẻ và đầy đủ để an hưởng tuổi vàng lâu dài gần một trăm năm nếu ta không lo trước ngay từ bây giờ.


    Bác sĩ Trần Ngọc Ninh

    Cựu Giáo sư đại học Sài gòn và Vạn Hạnh
     
    Chỉnh sửa cuối: 7/4/24
  2. huytran

    huytran Lớp 5

    NÓI VỀ TUỔI HẠC, TUỔI VÀNG

    Vào khoảng đầu thế kỷ hai mươi, sống được tới tuổi 40, là các cụ ta đã mở tiệc ăn mừng "tứ tuần đại khánh”. Mà sống tới 70 tuổi thì cả là một sự hiếm có: (Nhân sinh thất thập cổ lai hy). Cho nên, chúc tụng nhau, ngoài sự giàu có, ruộng cả ao liền, con cái tốt lành “như tranh, như rối “, các cụ còn chúc nhau ”Bách niên giai lão”. Với vua chúa, thì được kính chúc “ Thánh Thọ vô cương, Thọ tỷ Nam Sơn”. Ở các nước Tây phương Âu Mỹ cũng vậy, sự ước muốn được sống lâu vẫn là một ám ảnh của mọi người. Từ tuổi thọ tối đa 17 tuổi vào thời Cổ Hy Lạp, 25 tuổi thời Cesar Đại Đế tới 45 tuổi vào đầu thế kỷ hai mươi, thì con người luôn luôn tìm đủ mọi cách để tăng tuổi thọ. Ngày nay, sống tới tuổi 75 là một sự bình thường. Và người ta đang nghĩ tới sự lập câu lạc bộ những lão trượng 100 tuổi trở lên vào năm 2020 với con số hội viên dự đoán là 200.000 người ở nước Mỹ .

    Nói đến việc tìm kiếm thuốc trường sinh bất tử, ta phải nghĩ ngay tới ông bạn hàng xóm vĩ đại Trung Hoa. Kể từ các triều đại Châu, Tần, Hán, Tấn, Đường trở đi, đều có những phương sĩ, người luyện kim, chuyên luyện kim đan cho vua uống, với mục đích là để các ngài sống mãi mà trị vì thiên hạ cũng như là để mình vàng gần gũi với nhiều người đẹp, không bị chê là bất lực. Tần Thủy Hoàng Đế, để tìm thuốc trường sinh, cử hai phái đoàn phương sĩ do Từ Phước, Lư Sinh ra biển Đông kiếm thần dược. Đến ngay như trên thiên đình cũng còn có vị Thái Thượng Lão Quân chuyên luyện linh đan cho Thượng Đế, khiến cho Hầu Già Tề Thiên Đại Thánh, nhập cung Đâu Xuất, uống vào một bụng, thọ ngang Ông Trời .

    Các khoa học gia Âu, Á đã dầy công nghiên cứu, tìm tòi những phương thức, những dược liệu để trì hoãn sự lão suy cũng như kéo dài tuổi thọ. Gần đây, một số đông giới trẻ cũng có khuynh hướng chuyên về ngành lão khoa. Sinh viên dự bị Y khoa Nguyễn Khải của Đại học Y khoa Los Angeles, mới 22 tuổi mà đã quyết định chuyên nghiên cứu về ngành này hầu chăm sóc cha già ngoài 70 tuổi và các vị lão trượng đồng hương, bản xứ. Và mới đây, sau khi hoàn tất chuyến du hành không gian, lão- Thượng- Nghị -sĩ John Glen đã mang lại cho nhân loại một số kiến thức về vài vấn đề liên quan đến người già. Nói chung, kết quả của mọi nghiên cứu đều rất lạc quan, khích lệ, vì ta thấy tuổi thọ con người đã tăng và biết bao nhiêu người, dù tuổi đã cao, mà nom còn son trẻ như tuổi 18, 20, nhất là ở quý vị nữ giới, phu nhân...

    Trở lại vấn đề tuổi Vàng, tuổi Hạc, thì người trong cuộc nhiều khi cũng có những suy tư, những ý nghĩ lẩn thẩn về mình, về niên kỷ của mình, nhất là sống ở một thời đại khoa học quá tiến bộ, thiên hạ sinh hoạt theo vi tính, nhẹ tình người.

    Chẳng hiểu tại sao ta lại có câu “đa thọ, đa nhục” rồi “ lão giả an chi”, già an phận. Tại mình cho rằng mình đã thành vô dụng, phụ thuộc con cái, đau yếu, bệnh hoạn, cô đơn, gánh nặng của gia đình, không thích nghi với hoàn cảnh, chỉ nghĩ tới qúa khứ, ngày một hao mòn... chờ ngày chết. Hay là xã hội không biết được và xử dụng được nhiều ưu điểm, nhiều tích cực của người già. Những khôn ngoan, từng trải, những chín chắn, già dặn, gừng càng già càng cay. George Burns, trên 100 tuổi vẫn hoạt bát, hấp dẫn trong hoạt động kịch nghệ. Khi 68 tuổi, Charles de Gaulle được coi như la người duy nhất tránh được cuộc nội chiến cho nước Pháp, bằng cách trao trả độc lập cho Algérie năm 1958. Tài danh Michelangelo để lại cho hậu thế nhiều kiệt tác, chỉ ngưng làm việc khi ông mất vào tuổi 89. Và còn biết bao nhiêu người già không vô dụng khác nữa như Pablo Picasso, Mohandas Gandhi, Vương hồng Sển, Nguyễn Hiến Lê... Cũng có vị cao niên cảm thấy không thoải mái với việc những chính trị gia, kinh tế gia, xã hội học coi con số người già một ngày một tăng, sẽ là một gánh nặng cho ngân sách quốc gia, cho gia đình, con cái, vì tình trạng không sản xuất, quá phụ thuộc của họ. Nào trợ cấp an sinh xã hội, nào tiền già, nào thẻ Medicare... Theo rõi trên truyền thông, ta thấy “Vấn đề về Người Già “ đã được ồn ào nêu lên: An sinh Xã hội lâm nguy ! Ai trả tiền cho người già đây? Gánh nặng chăm sóc bố mẹ già một ngày một tăng cho con cái ! Tình cảnh khốn đốn của người già ! v...v...

    Tuổi già, hư cấu và sự thực

    Tuổi già có đáng để mang nhiều hư cấu xấu như vậy không? Tuổi già có đành an phận già là vô dụng, là không còn hoạt động, không cởi mở, thích nghi, kém khả năng tình dục, gánh nặng cho gia đình, cộng đồng? Có nhiều dẫn chứng khoa học, nhiều thống kê cụ thể phủ nhận những huyền thoại, những vô nghĩa vừa nêu.

    1- Đâu có phải những người trên 60 tuổi đều già cả rồi.-

    Ở nhiều quốc gia, để cân bằng sự cung cầu nhân lực và do hoàn cảnh kinh tế, tới một tuổi nào đó người đi làm được cho về hưu, nhường công việc cho lớp người sanh sau. Họ được khuyến dụ là về để vui thú điền viên, là đã đóng góp, trả nợ đầy đủ cho xã hội.

    Việt nam hiện nay đàn bà 55 tuổi nghỉ việc, đàn ông làm thêm tới 60. Bên Hoa Kỳ, trước đây khi đáo hạn tuổi 65 thì bắt buộc nghỉ việc. Nhưng từ năm 1986, sự bắt buộc về hưu này được hủy bỏ vì có tính cách kỳ thị tuổi tác, chẳng khác gì kỳ thị chủng tộc, nam nữ.

    Từ cái tiêu chuẩn hành chánh đó nhiều người đã suy luận ra một khi về hưu là họ đều già rồi. Và hãy gom họ vào một nhóm những người có nhiều khó khăn về mọi phương diện từ sức khỏe, tài chánh, đến sinh hoạt trong những năm cuối cuộc đời. Ngay cả người về hưu cũng nghĩ là: thôi đã đến lúc ta nghỉ cho khỏe thân già. Rồi còn dành thì giờ dối già, đi chơi đây đó chứ..

    Về phương diện y khoa, không có một chứng cớ sinh lý học nào hỗ trợ cho ý kiến coi về hưu là lúc cơ thể bắt đầu già. Có người bẩy tám mươi tuổi mà nom còn dắn dỏi, nhanh nhẹn; trái lại có người mới gần năm chục mà nom đã hom hem, móm mém, tóc bạc khô, đi đứng không vững.

    Hóa già là do thể chất, gen di truyền, cách thức sống, ảnh hưởng của môi trường quyết định. Thực ra rất khó mà xác định là ở khoảng thời gian nào của đời người ta sẽ bắt đầu già. Có người nói là ta già từ khi còn ở trong lòng mẹ.

    Người ta đã cố gắng đo một số mốc sinh lý để coi xem già bắt đầu từ tuổi nào, như là đo sức mạnh của bắp thịt, chỉ số huyết áp, giảm thính, thị giác, dung tích của phổi... nhưng kết quả chưa rõ ràng. Thôi thì cứ đành nhận là khi nào ta cảm thấy già thì ta già vậy.


    2- Mấy người già, người nào cũng như nhau.

    Có ý kiến cho rằng mọi người đều già đi theo cùng một phương thức, do đó họ đều giống nhau. Tất cả đều có bề ngoài già nua như nhau, suy nghĩ, hành động già như nhau và chỉ cần thấy một người già thì coi như ta đã hình dung ra cả nhóm.

    Thực ra, có rất nhiều khác biệt trong sự hóa già. Và ở mỗi cá nhân, sự hoá già đều rất cá biệt. Diễn tiến này chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố: gen di truyền, chủng tộc, giống tính, địa phương, khí hậu, nếp sống, hoàn cảnh gia đình, xã hội.

    Cho nên có người già suy yếu, bệnh tật chỉ chờ chết. Có người già khoẻ mạnh, còn hoạt động đều đặn. Có người sống rất phóng khoáng, lại có người mang nhiều định kiến, bảo thủ. Có người sống lẻ loi, tự cô lập thì có nhiều người giữ giao tiếp với bạn bè cũ mới, đi đó đi đây.

    Sự già giữa người nam, người nữ cũng không giống nhau. Người nữ có tuổi thọ cao hơn, nhân số nhiều gấp rưỡi người nam già. Họ hay bị bệnh trầm kha hơn như các bệnh tiểu đường, cao huyết áp, phong thấp, loãng xương. Đáp lại thì người nam già thường hay bị tai biến động mạch não, bệnh tim.

    Vì sống lâu hơn lão nam nên nhiều lão nữ lâm vào cảnh góa bụa, ít có cơ hội tái giá. Người nam ít tuổi kiếm đối tượng trẻ hơn, mà người nam nhiều tuổi hơn mình thì mình chẳng chịu. Lãnh về để thay tã cho ổng suốt ngày hay sao!. Nên các lão bà nhiều sầu muộn đơn côi,ï tương đối kém lợi tức nên cảnh già thường đạm bạc, thiếu thốn.

    Thành ra cho rằng người già đều như nhau thì có vẻ nông nổi, cả tin.


    3- Không phải hễ già thì yếu đuối, kém sức khoẻ.

    Thường thường khi nói tới già là ta cứ gắn vào chữ yếu.

    Họ đều già yếu rồi. Người thì đi xe lăn, người chống gậy, lủng lẳng mang thêm bình dưỡng khí để thở, một tháng đi bác sĩ vài ba lần, nhập bệnh viện thường xuyên, đâu còn sức lực gì.

    Nhiều khi cả thầy thuốc cũng giải thích cho bệnh nhân là các vấn đề của sức khoẻ đều do sự chồng chất của những ngày sinh nhật gây ra.

    Câu chuyện nghe được trong một phòng mạch: Một ông già than phiền sao cái cánh tay bên trái cứ nhức mỏi hoài. Bác sĩ bảo: cụ đã 80 tuổi rồi thì nó vậy đó, bệnh già mà. Cụ chỉ đau như vậy thôi là may lắm rồi, còn muốn gì hơn. Bệnh nhân lại hỏi thế tại sao tay phải tôi cũng 80 tuổi lại không nhức?

    Thực tế ra, đa số người cao tuổi đều có một sức khoẻ tốt, đều duy trì tình trạng tự cáng đáng các nhu cầu hàng ngày, duy trì khả năng làm việc. Đối với người cao tuổi, duy trì bình thường các chức năng cũng quan trọng như làm sao để không bị bệnh hoạn.

    Tám mươi phần trăm các vấn đề sức khỏe của người già có thể tránh hoặc trì hoãn được khi cơ thể được chú ý chăm sóc, đồng thời sự hoá già cũng đến từ từ, nhẹ nhàng hơn.

    Xin nhớ sự hóa già và bệnh hoạn đôi khi trùng hợp nhưng không có liên hệ nhân, quả.


    4- Tránh thành kiến hễ già thì nói trước quên sau.-

    Có nhiều thành kiến gán cho sự hóa già là nguồn gốc của sự nói trước quên sau, trí tuệ trì trệ. Có thời kỳ, ngay cả các nhà khảo cứu cũng cho là về già trí tuệ suy yếu.

    Nhưng mới đây nhiều bằng chứng kết luận là trí tuệ không giảm với tuổi cao, ngoaị trừ khi người già đồng thời mắc một số bệnh thần kinh đặc biệt và ngoại trừ ta chẳng may bị chứng bệnh sa sút trí tuệ. Nói chung thì sự sáng suốt của con người còn duy trì được tới tuổi ngoài 70.

    Bác sĩ Robert Butler, nhà lão khoa có uy tín đã từng xác định: “Cứ tin tưởng rằng khi sống lâu trí tuệ ta trở thành suy thoái là điều không đúng. Hãy thử để con người sống trong cô lập, không giao tiếp với ngoài đời, thụ động, thì chỉ một thời gian ngắn họ sẽ trở thành bất thường, không có lý trí, lệ thuộc, buông suôi. Trái lại, nếu sống năng động với nhiều thử thách thì không những tinh anh hơn mà còn thọ lâu, khoẻ mạnh hơn”.

    Có thể là cũng như ở lứa tuổi khác, người cao tuổi có giảm đi phần nào trí nhớ ngắn hạn, như đột nhiên quên tên người quen, quên một sự kiện vừa xẩy ra hay không nhớ để chiếc chìa khóa xe ở đâu, hoặc không làm hai việc một lúc. Nhưng với sự tập luyện lập đi lập lại, sửa soạn và dành thì giờ rộng rãi cho công việc, làm việc theo thứ tự ưu tiên, thì khả năng trí óc của họ sẽ khá hơn.


    5- Già không có nghĩa là cô lập

    Xưa kia, có một thời gian ngắn ngủi, người cao tuổi được mời lên chiếu trên của các sinh hoạt cộng đồng xã hội trong vai trò hướng dẫn, cố vấn, nhờ ở những kinh nghiệm khôn ngoan từng trải của họ.

    Rồi với sự thay đổi quan niệm sống cộng thêm sự lên xuống của cung cầu kinh tế, người già xuống cấp, đôi khi bị coi là gánh nặng. Họ được đẩy vào bóng tối của xã hội.

    Ngay cả trong giới thần tiên, sự già cũng có số phận hẩm hiu. Câu chuyện nữ thần sắc đẹp Aurora yêu say mê Thimonus, xin Thượng Đế được kết hôn cùng chàng, xin cho chàng được sống mãi mãi. Nhưng quên không xin cho chàng được khỏe mạnh, sung sức. Nên khi chàng vừa già vừa yếu đuối, hết hấp dẫn, không thỏa mãn được nhu cầu của nàng thì nàng bèn cô lập, ruồng bỏ người yêu xưa.

    Nhiều người cứ nghĩ là khi về già, họ sẽ sống thu mình, xa cõi nhộn nhịp, tranh đua, giảm bớt liên lạc với bạn bè. Để có thì giờ vật lộn với lãng tai, mắt kém, với táo bón, kém tiêu hóa, với đau nhức mình mẩy, với huyết áp cao... Thêm vào đó, cố tri lần lượt ra đi, rồi cuối cùng người bạn đường cũng giã từ, vĩnh biệt càng khiến họ có nhiều nguy cơ rơi vào cảnh cô lập, lẻ loi, buồn thảm.

    Sự thực thì sau những mất mát, chia tay, con người nói chung, người cao tuổi nói riêng, cũng đều rơi vào thời gian tiếc nhớ. Thời gian này dài ngắn tùy hoàn cảnh, tùy khả năng ứng phó của mỗi cá nhân. Nhưng bình thường thì chỉ vài năm là ta đã có thể thích nghi được.

    Bạn bè không bỗng chốc tan hàng hết. Người muốn an hưởng tuổi vàng không thiếu gì cách để thực hiện ý muốn của mình. Tìm bạn mới ở các nhóm họp người già. Tham gia những sinh hoạt chung của cộng đồng, lối xóm. Trao đổi thư tín, tin tức về vấn nạn, giải đáp khó khăn của đồng tuế. Thăm nom vui chơi cùng cháu chắt. Tránh những ưu tư không cần thiết.

    Có rất nhiều cơ hội để người cao tuổi làm cuộc sống cuối đời vui nhẹ nhàng, thoải mái. Chỉ cần một chút tích cực, một vươn tay ra tiếp nhận. Cũng cần cảnh giác với những gán ép lệ thuộc.


    6- Người già không phải là vô dụng.

    Mới đây, phóng sự của hai ký giả Đức Hà, Lý Hoàng Thu, nói về một người Việt Nam 66 tuổi khai trương vào ngày 15-4-2000 một tiệm hớt tóc ở thị trấn San José, khiến độc giả đi từ ngạc nhiên đến cảm phục người phụ nữ đó.

    Bà ta một tay phụ vói chồng mang mười đứa con còn thơ ấu từ miền quê hương nhỏ bé, thiếu thốn mọi thứ, sang miền đất phì nhiêu vật chất, tinh thần. Gây dựng cho các con đầy đủ, dư hoàn cảnh để nghỉ ngơi vui hưởng cảnh già nhưng bà ta nói: “Tôi sẽ làm việc cho đến khi nào không còn đủ sức nữa mới thôi ”. Bà còn nói rằng bà có mấy đứa cháu thành ra bà muốn làm gương cho các cháu thấy rằng phải luôn luôn cố gắng học hành và làm việc để trở thành những con người tốt cho xã hội cho dù bao nhiêu tuổi đi nữa. Bà là một trong nhiều người già không vô dụng.

    Cái quan niệm già vô dụng, không sản xuất có lẽ chỉ đúng phần nào vào thuở nhân loại phải lấy sức người kéo cầy thay trâu, khuân mang những tảng đá khổng lồ lên xây Kim Tự Tháp, kéo thuyền rồng cho vua chúa ngự cảnh dọc sông.

    Có lẽ người già không còn dẻo dai để làm những việc tay chân như vậy nhưng ngay khi đó cũng có những người tuổi cao ngồi tham mưu, đóng góp tâm sức, thực hiện kế hoạch chung cho quốc gia. Giảm đi một vài chức năng của cơ thể không đồng nghĩa với mất khả năng lao động.

    Ngày nay với sự tiến bộ kỹ thuật, khoa học, nhu cầu sức lao động chân tay đã bớt và người khiếm khuyết một vài chức năng của cơ thể vẫn còn hữu dụng trong nhiều lãnh vực. Ấy là chưa kể nhiều người già phục vụ những công việc không chính thức, không sổ sách lương bổng như thiện nguyện, giữ trẻ, săn sóc thân nhân, phối ngẫu đau ốm.

    Đồng thời cũng có nhiều dẫn chứng rằng người cao tuổi làm việc chuyên cần, đáng tin cậy, ít gây ra tai nạn, ít bị ảnh hưởng của những căng thẳng vu vơ. Một vài phản ứng chậm chạp, đắn đo, một số chậm hiểu tính toán đôi khi lại giúp hoàn tất công việc an toàn hơn


    Rồi còn những hoang tưởng như già hết duyên, khô cạn tình dục, chấm dứt cuộc đời trong nhà dưỡng lão, cả ngày chỉ ngồi nuối tiếc quá khứ, ám ảnh với kinh kệ, sẽ là nạn nhân của lạm dụng người già, của tội phạm.

    Ôi, sao mà nhiều gán ghép độc địa!

    Có những dẫn chứng cụ thể, những thống kê phủ nhận những huyền thoại, những vô nghĩa vừa nêu.

    Schopenhauer, triết gia người Đức có nói: “Moị sự thực đều trải qua ba giai đoạn. Lúc đầu nó bị nhạo báng, rồi nó bị phản đối kịch liệt, cuối cùng thì nó được chấp nhận là tự nó có giá trị.”

    Phần tích cực, phần đóng góp có xây dựng của người cao niên vào xã hội, cộng đồng cũng như gia đình đã và đang được tuyên dương, nhất là khi tỷ số quý cụ trong tổng số dân chúng ngày một gia tăng.

    Đã có một thời kỳ, và ngay cả bây giờ, người ta đã gán ghép cho người già một số những điều hoang tưởng, những một nửa sự thật có dụng ý kỳ thị, phân chia.

    Họ xếp người già vào một nhóm: “nhóm người đầu bạc, răng long, suy yếu; nom ai cũng giống ai, cũng vô dụng, hết sài, không tự lo thân được. Rồi lại sức khoẻ kém, nay nằm nhà thương, mai đi bác sĩ, kém trí nhớ, lú lẫn. Họ sống cô đơn xa lánh mọi người; luôn luôn than buồn chán. Họ không còn hấp dẫn cả về hình dáng lẫn tình dục. Đừng đả động tới họ nữa. Hãy cứ đưa họ vào viện dưỡng lão hay tập trung vào các nông trại cho tiện việc”.

    Trên truyền thông báo chí, chỉ thấy hình ảnh những người thuộc lớp trẻ đầy sinh lực hấp dẫn, khoẻ mạnh. Nhóm người già được mời vào mép chiếu của các sinh hoạt xã hội, gia đình.






    Cơ quan Kiểm Kê Dân Số Hoa Kỳ dự đoán vào năm 2050, nước Mỹ sẽ có 300 triệu công dân và số quý cụ trên 65 tuổi là 68 triệu, tức là gần 30% tổng dân số. Sự gia tăng này sẽ tạo ra nhiều dịch vụ, công việc và nghề chuyên môn mới.

    Đọc tuần báo Newsweek số cuối tháng 10 năm 1999, ta thấy một bài có tiêu đề lớn:”Với các nhà doanh nghiệp, các luật sư, các bác sĩ, thì tuổi già sẽ đem lại cho họ cả một kho vàng

    Bài báo có một câu sau đây đáng để các bạn trẻ chọn nghề lưu ý : “Bất cứ một sinh viên nào xuất chúng về khoa học nghiên cứu tuổi già và tiến trình già, lại có thêm một bằng cấp luật khoa hay hành chánh tài chánh thì coi như đã có giấy phép in bạc giấy “

    Mà để có được sự đóng góp hữu hiệu, cụ thể, các cụ chắc cũng phải có một sự sửa sọan, làm sao duy trì được phần lớn cái nhiệt huyết, hăng say, cái khả năng tinh thần và thể xác của thuở trung niên.Ta vừa an hưởng tuổi vàng, vừa làm việc hữu ích với bà con, họ hàng,lối xóm .



    Tài liệu AN HƯỞNG TUỔI VÀNG này được giới thiệu tới quý vị để chúng ta cùng làm cái công việc sửa soạn đó.

    Thực tâm mà nói thì người viết cũng gần đến tuổi hưu hành chánh lại cũng mon men gần vào bảng Cổ Lai Hy. Nên trong những năm vừa qua đã cố gắng học cách thức sống tuổi già, qua kinh nghiệm của quý vị đàn anh lão trượng, hoặc qua kiến thức thu lượm trong sách báo. Giờ đây, xin chia sẻ cùng quý vị.

    Cùng như khẩn cầu quý vị góp ý thêm cho bằng những kinh nghiệm của quý vị, để hy vọng duy trì được hiện tình, tuổi đời gần bẩy bó, mà Tâm Thân cố giữ được an lạc, dáng đi chưa đến nỗi ngả nghiêng, người anh em đồng hao cho chục viên Viagra mà vẫn chưa phải dùng tới. Và người bạn đường gần bốn mươi năm không khiếu nại. Lâu lâu, khi stocks lên, còn cao hứng đòi “đầu tư ”thêm .


    Đọc sách Hoàng Đế Nội Kinh, thấy ghi câu vấn đáp sau đây bèn học lấy làm lòng :

    “Người đời thượng cổ, đều sống đến cả trăm tuổi là mức thường, mà hoạt động không suy giảm; người đời nay tuổi vừa nửa trăm, mà hoạt động đã suy giảm. Có phải chăng là do thời thế xưa và nay khác nhau ?

    Đáp: Người đời Thượng cổ, ăn uống có chừng đỗi, thức ngủ có giờ giấc, không phí sức bậy bạ. Cho nên thể chất cũng như tinh thần đều được câu toàn, mà hưởng trọn tuổi trời, sống đúng với mức trăm tuổi mới chết.

    Người đời nay thì không phải thế. Lấy rượu làm nước uống, lấy quấy làm thường, ăn uống no say thì chui vào buồng kín, vì dâm dục làm khô tinh dịch, hao tán chân khí; không biết cách bảo trì cho sức khoẻ được đầy đủ, không biết theo thời ngự trị tinh thần, chuyên theo việc khoái trí vui lòng, vui chơi nghịch với lẽ sống, ăn uống thức ngủ không chừng mực. Cho nên tuổi thọ vừa mới năm mươi mà sức khoẻ đã hao mòn vậy ”.-Nguyễn Đồng Di dịch.


    Kinh nghiệm người xưa rõ ràng là thế đó.

    Giờ đây, với sự hỗ trợ của Y khoa học tân tiến cộng thêm chút quyết tâm, tích cực, lạc quan, chẳng lẽ ta lại không nối gót được các cụ Bành tổ xa xưa.

    Khi người viết hỏi ý kiến một ông bạn nghệ sĩ vong niên về cách thức làm sao ông ta sống được tới tuổi này mà vẫn vui đời, khoẻ mạnh. Thì người nghệ sĩ cao niên nhấn mạnh ở nghĩa NHÂN-QUẢ. Và kết luận một cách hết sức vô tư, dễ thương: “Bây giờ tớ cũng chẳng cần gì, chỉ mong sống thêm bằng khoảng thời gian từ ngày tớ sang Mỹ là đủ lắm rồi ”.

    Người nghệ sĩ đó đã 76 tuổi và tái ngộ ở traị tỵ nạn Fort Chaffee với người viết vào giữa tháng năm, một chín bẩy nhăm. Vị chi là ông ta hy vọng sống tới 103 tuổi.
     
    Chỉnh sửa cuối: 19/7/24
Moderators: galaxy, teacher.anh

Chia sẻ trang này