Kinh điển VHNN Khác Andromaque - Jean Racine

Thảo luận trong 'Tủ sách Văn học nước ngoài' bắt đầu bởi Trúc Quỳnh Đặng, 5/3/20.

  1. Trúc Quỳnh Đặng

    Trúc Quỳnh Đặng Moderator Thành viên BQT

    [​IMG]
    ANDROMAQUE
    Tác giả: Jean Racine
    Dịch giả: Nguyễn Giang
    Công ty Cổ phần sách Tao Đàn
    Nhà Xuất Bản Văn Học - 2017
    —*—
    Giới Thiệu
    Jean Racine (1639 - 1699) là nhà viết kịch cổ điển vĩ đại của nước Pháp. Nếu như Corneille là người mở đầu vinh quang cho nền bi kịch cổ điển Pháp, thì Racine là người đã đưa bi kịch cổ điển Pháp lên thành một thể loại mẫu mực và huy hoàng, sánh ngang với bất cứ nền bi kịch nào của chủ nghĩa bi kịch cổ điển châu Âu.
    Kiệt tác Andromaque (1667) ra đời vào thời kỳ rực rỡ nhất trong cuộc đời cầm bút của Racine. Nàng Andromaque, sau khi chồng là tướng Hector thành Troie bị sát hại dưới tay Achille, đã trở thành tù nhân của Pyrrhus - con trai của Achille. Trớ trêu thay, Pyrrhus sau khi đăng vương vị thành Troie lại phải lòng Andromaque và bảo vệ cho đứa con của nàng với chồng cũ, mà quên lãng ước hẹn hôn phối cùng Công chúa Hermione. Nhân dân Hy Lạp bất bình vì sự ấy đã cử Oreste - con trai của Agamemnon - đi sứ nhằm đòi đứa bé. Song Oreste tới xứ Épire đâu chỉ với mục đích thực hiện nghĩa vụ quốc gia…
    Những vở kịch đầy giá trị nhân văn sẽ còn được loài người ca tụng mãi về sau này, điều khiến Andromaque có một ngai vị riêng ấy là đã khéo “gây nên những kịch huống để lợi dụng một câu chuyện cổ mà diễn ra những nỗi thương, yêu, oán, giận, phân vân suy tính hay là quả quyết nhất định, là những tính tình thiên nhiên bất hủ của con người ta vậy.”
    —★—
    tve-4u.org
    [Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link]
    Nguồn sách: @Nhantinh
    Scan: @V/C
    Ocr & Đóng gói: @Trúc Quỳnh Đặng
    • Soát lỗi:
    Solo text: @@@​
     

    Các file đính kèm:

  2. quang3456

    quang3456 Lớp 10

    VÀI NÉT VỀ DỊCH GIẢ NGUYỄN GIANG

    Ông Nguyễn Giang sinh ngày 4/8/1904 tại tỉnh Bắc Giang, là con trai thứ hai của học giả Nguyễn Văn Vĩnh và cụ bà Đinh Thị Tính, năm đó cụ Vĩnh làm việc tại Tòa xứ Bắc Giang. Cũng như người con đầu, cụ Vĩnh lấy tên địa danh nơi mình đang sống và làm việc để đặt tên con. Năm 1901, cụ làm việc cho Tòa xứ Hải Phòng, nên người con đầu có tên là Nguyễn Hải (1901-1938). Năm 1906, cụ Vĩnh được chuyển về làm việc tại Tòa Đốc lý Hà Nội. Cụ bà Vĩnh lặn lội thu vén, mua được một ngôi nhà nhỏ trên phố Mã Mây. Tại đây, hai anh em Nguyễn Hải và Nguyễn Giang đã cùng nhau đi học vỡ lòng ở trường Trí Tri, số 37 phố Hàng Quạt.
    Cho đến năm 1923, Nguyễn Hải và Nguyễn Giang có thêm 8 người em nữa cùng ở tại ngôi nhà 34 (39) phố Mã Mây. Từ năm 1918 đến năm 1921, hai anh em cùng nhau học tại trường Lycée Albert Sarraut
    Năm 1920, sau khi Nguyễn Văn Vĩnh dịch thành công một loạt các hài kịch của Môlie (Molière) từ Pháp văn sang chữ Quốc ngữ, như: “Trưởng giả học làm sang”, “Người biển lận”, “Người bệnh tưởng”… Cụ thấm nhuần triết lý sống của các nhà văn hóa khai sáng châu Âu. Cụ bất bình sâu sắc với lối sống trưởng giả, hợm mình của loại người coi vật chất là nhất, coi danh vị là nhất, và cụ muốn quảng bá lối tư duy tiến bộ của các bậc danh nhân. Nguyễn Văn Vĩnh đã quyết định tổ chức trình diễn các tác phẩm này trước công chúng, đồng thời quảng bá một loại hình nghệ thuật mới của Âu châu trước người dân Việt, đó là kịch nói. Cho đến lúc đó, đối với người Việt Nam cả hai nội dung là truyện hài kịch và kịch nói đều mới lạ.
    Để thực hiện công việc này, cụ Vĩnh đã động viên các con trai lớn của mình cùng bố tham gia đóng các vai trong các vở kịch, đồng thời mời thêm một vài người quen cùng tham gia. Anh Nguyễn Hải lúc này đã mười chín, đôi mươi, cụ Vĩnh đặt vào vai Cléonte trong vở kịch “Trưởng giả học làm sang”. Sắm vai nữ, cụ Vĩnh đã mượn một người con gái có tên Tửu.
    Vở kịch được trình diễn ngay trên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội, một sân khấu quá sang trọng và dễ làm các diễn viên xúc động. Thật không ngờ, anh Nguyễn Hải và cô đào Tửu đã phải lòng nhau và yêu nhau thật. Mọi chuyện trở nên phiền toái và nan giải… Để thoát khỏi sự việc ngoài mong muốn này, hai cụ quyết định dồn tiền và đưa cả hai anh em Nguyễn Hải và Nguyễn Giang đi học xa… sang Pháp.
    Nguyễn Giang đã nhờ anh mà được đến Paris diễm lệ, mảnh đất, nơi đã làm thay đổi bao nhiêu bậc danh tài trong lịch sử…
    Hai anh em Nguyễn Hải và Nguyễn Giang đều đỗ tú tài toàn phần. Nguyễn Hải đã thi và đỗ vào học tại Đại học Y khoa ở Paris. Riêng Nguyễn Giang, vì học ban A nên đã được học cả tiếng Latin và Hy Lạp, hình như anh Giang đã say mê văn chương từ đây. Nguyễn Giang quyết định theo học tự do và sống luôn tại “xóm” Mông-Mác (Mont Martre), vốn là nơi quy tụ nhiều sinh viên, học sinh du học của các nước khác nhau. Trong số những người bạn thân nổi tiếng của anh Giang, có họa sỹ Anđrê Mácsan (André Marchand) người Pháp và Komatsu Kiyoshi người Nhật Bản. Nguyễn Giang đã sống và chịu ảnh hưởng lớn của môi trường này, sau này anh trở thành họa sỹ thực thụ. Trong gia đình đã chứng kiến: suốt cuộc đời họa sỹ của Nguyễn Giang, anh đã vẽ và có đến hàng trăm tác phẩm, cả bút sắt và cả tranh sơn dầu.
    [​IMG]

    Năm 1930, những khó khăn của gia đình ngày càng chồng chất, anh Nguyễn Hải trở về nước, anh mắc bệnh lao và qua đời tại Rạch Giá khi mới có 37 tuổi.
    Cũng những khó khăn như người anh cả đã trải qua, anh Nguyễn Giang không còn hy vọng được sự trợ giúp của thày mẹ. Tuy vẫn ở lại Paris nhưng lại chưa có được mảnh bằng nào. Cụ bà Vĩnh đã gồng mình, khuyên con và cam kết sẽ trợ giúp tài chính cho anh Giang ở lại Pháp thêm 3 năm nữa, mục đích là để học và lấy được bằng cấp, khỏi lãng phí cả chục năm trời đã qua. Vốn bản tính khoáng đạt, thông minh không thiếu, chỉ trong ba năm, Nguyễn Giang đã đỗ cử nhân luật tại Paris.
    Năm 1933, anh Nguyễn Giang trở lại Việt Nam. Gia đình lúc này đã dần rơi vào cảnh khánh kiệt. Cụ bà Vĩnh vẫn với bản chất của người đàn bà hàng phố, vừa nghiến răng chịu đựng, vừa lao vào việc buôn bán kiếm từng hào, vẫn kiên cường nuôi dạy cả đàn con có đến quá cả tiểu đội.
    Thật lạ, với hoàn cảnh nguy cấp như trên, nhưng anh Giang vẫn luôn lạc quan. Anh lạc quan đến mức kéo cả nhà hưởng ứng theo, nào vẽ tranh, nào làm thơ, nào tổ chức triển lãm… Năm 1934, anh Nguyễn Giang đã chọn trong cả trăm bức vẽ của mình ra 30 bức. Anh đóng khung trang trọng, anh xin phép cả nhà để mời khách đến giới thiệu và thưởng lãm. Không khí cả nhà tưng bừng, khách khen ngợi, đánh giá và tán thưởng hết lời…
    Cũng vào năm tháng cơ cực này của gia đình, Nguyễn Giang, lần đầu tiên, với sự giúp đỡ của người em ruột là Nguyễn Dương (1914-1967) đã cho xuất bản tập thơ “Trời xanh thẳm”. Tập thơ bao gồm các bài thơ do anh sáng tác theo thể Đường luật khi còn ở Pháp. Cuốn sách được minh họa bằng tranh vẽ của người bạn Pháp là họa sỹ André Marchand. Quan điểm của Nguyễn Giang là: vẽ tranh và làm thơ đều có những nguyên tắc giống nhau. Cả hai công việc này đều cần sự rung động của tâm hồn, đều cần không gian và những tiêu chí cụ thể. Hỡi ôi, Nguyễn Giang biết rất rõ rằng, tranh vẽ không nuôi được họa sỹ và thơ làm ra cũng chẳng nuôi nổi thi sỹ. Những năm tháng này anh vẫn phải sống nhờ mẹ nên cũng chưa dám lập gia đình!
    Ngày 1/5/1936, học giả Nguyễn Văn Vĩnh mất trên dòng sông Sê Băng Hiêng ở miền Nam nước Lào- sự kiện cay đắng này, đã làm thay đổi cuộc đời của họa sỹ- thi sỹ Nguyễn Giang.
    Ngay trong những ngày tang lễ đau thương của gia đình Nguyễn Văn Vĩnh, nhà thơ Nguyễn Giang đã nhận được thông báo của Toàn quyền Đông Dương là Jean Louis Rene Robin nhờ bác sỹ Trần Văn Lai chuyển tới ý kiến rằng: muốn giúp đỡ Nguyễn Giang để kế tục sự nghiệp và vai trò của cha. Đặc biệt là phụ trách tờ Đông Dương tạp chí và Trung tâm sách Âu Tây tư tưởng!
    Đúng 10 ngày sau, để phản hồi ý kiến của viên Toàn quyền, Nguyễn Giang đã đặt bút viết loạt bài “Món nợ văn chương” (La dette poetique) đăng liên tục trong gần 20 số trên tờ báo Nước Nam mới – L’Annam nouveau.
    Sau 1945, anh Giang đi kháng chiến, đóng tại Thái Nguyên. Năm 1947, sau khi diễn ra vụ nhẩy dù của lính Pháp tại Bắc Cạn, cơ quan nơi ông tham gia làm việc tan tác, anh chị Nguyễn Giang bỏ về tản cư ở Phúc Yên và bị Ủy ban Kháng chiến bắt giữ. Sau khi được tha, năm 1948, anh Giang trở lại Hà Nội làm Giám đốc Đại chúng Học vụ và làm việc cho Nhà Xuất bản Hoành Sơn.

    [​IMG]
    Ảnh chụp ông bà Nguyễn Giang năm 1953 tại Hà Nội.

    Từ năm 1955 đến 1961 ông là Phó Hiệu trưởng trường Albert Sarraut Hà Nội.
    Ngày 10/4/1969, ông qua đời tại Hà Nội sau một thời gian đau màng não.

    Từ cõi lòng sâu thẳm, Nguyễn Giang cũng muốn theo gót người cha của mình trong nghiệp làm văn hóa. Một số những sản phẩm, tác phẩm đã được xuất bản mà ông đã để lại:
    Sách dịch:
    Tác giả Shakespeare có: Kịch Giấc mộng đêm hè, Macbet, Hamlet.
    Tác giả Racine có: Andromarque
    Tác giả Victor Hugo có: Hernanie, Chuyện cổ Grim
    Tác giả Homère có: Iliat và Ôđixê ( Iliade et L’Odyssée)
    Tác giả Etsyle có: Quân Ba Tư, Prômêtê bị xích
    Tác giả Xôphôclơ có: Antigon, Vua Ơđíp, Êlectrơ​
    Một số bi kịch của Ơripit và hài kịch của Arixtophan
    Danh nhân Âu Mỹ
    Tập thơ “Trời xanh thẳm”
    Sách dạy tiếng Việt “cách đặt câu”

    [​IMG]

    Lối hành văn của ông cũng giống như người cha - cụ Nguyễn Văn Vĩnh- có phần lôi thôi, dài dòng và nôm na, nhưng đó cũng là những đóng góp quan trọng vào giai đoạn mở đầu của nền văn học Việt Nam mới. Khi biên dịch các vở kịch, với nhiệt tâm của mình, ông không ngại viết thêm những đoạn giới thiệu tác phẩm, diễn giải các khái niệm của kịch nghệ - nhiều khi dài gần bằng nửa văn bản chính. Hãy đọc tác phẩm Andromarque, các bạn sẽ tự cảm nhận thấy tấm lòng của ông với nghệ thuật kịch nói và với nền văn học nước nhà.

    (Nguồn: trang web Tân Nam tử.com)​
     
    Chỉnh sửa cuối: 6/3/20
    minhnghenhac, kaka001, Cải and 3 others like this.

Chia sẻ trang này