Chiến tranh Bên gốc me già (Tiểu thuyết - Phương Yến)

Thảo luận trong 'Tủ sách Văn học trong nước' bắt đầu bởi hoi_ls, 19/9/23.

Moderators: Bọ Cạp
  1. hoi_ls

    hoi_ls Lớp 7

    ... Tay đẩy nắm hầm, Mai nhảy vọt lên. Út Hân, Duy và Đào cũng nhảy theo. Vượt qua con mương cạn, băng qua một đám ruộng, cả tổ luồn vào trong làng rồi đạp rào băng qua các khu vườn tiến về phía súng nổ.

    Từ trong bờ tre tiếng lựu đạn và AK của tổ Hai Trúc nổ liên hồi. Bọn địch tràn lên đồng bủa vây khu bờ tre. Mai trườn người nép sát bờ rào cách địch không đầy 100 mét. Đưa khẩu AK cho Duy, Mai cầm khẩu M79 nạp đạn bắn ba quả vào đội hình địch. Hai khẩu AK trong tay Duy và Út Hân bắn găm vào tốp địch đang chạy.

    Bất ngờ bị đánh úp sau lưng, bọn địch dàn đội hình ngoài đồng triển khai thành hai hướng đánh ép vào bờ tre và đánh thọc vào trong làng. Mai vẫy tay cho Út Hân và Duy chiếm bờ tường một căn nhà, tay kéo Đào chạy theo mình. Phát hiện bốn tên địch đang chạy lại phía mình, Mai và Đào rút chốt lựu đạn ném thẳng về phía địch. Lại một tốp địch nữa xuất hiện, Út Hân bắn phủ đầu, Duy xách AK chạy vụt tới liên tiếp quăng hai quả thủ pháo vào nơi bọn địch đang tụ lại. Trong làn thủ pháo đen mờ, Mai thét lên:

    -Duy! Phía trái có địch, thủ pháo diệt ...

    Duy vụt qua góc sân ném một chùm ba quả thủ pháo, Mai cặp M79 bắn chặn bọn địch ngoài đồng đang ùa vào làng. Địch thét gào và rên la.Tổ Mai băng qua vườn chạy vào làng.

    Lợi dụng thời gian hỏa lực của tổ Mai bắn áp đảo chi viện cho mình, tổ Hai Trúc nổ súng và bung ra khỏi vòng vây của địch, chạy vào trong làng. Sau khi hai tổ bắt liên lạc với nhau, Mai cho đội hình luồn ra đầu làng tập trung hỏa lực bất ngờ bắn vào tốp địch đang co cụm chuẩn bị phản kích lại ta.

    Thấy hỏa lực của ta luôn thay đổi và bất ngờ nổ súng, địch mất phương hướng tấn công, dồn quân ra bờ mương phía núi Sầm chia làm hai mũi bao vây thôn Tường.

    Lợi dụng địch đang tổ chức tấn công, Mai cho toàn đội công tác chạy băng qua các vườn chuối rút ra con suối lớn ngoài đồng rồi bí mật đột nhập vào thôn Bình của xã Quang...



    VÀI NÉT VỀ TÁC GIẢ

    [​IMG]

    Nhà văn Trần Thiện Lục
    - Bút danh: Phương Yến. Sinh năm 1946, mất năm 2013.
    - Quê quán: thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định.
    - Tốt nghiệp Đại học sư phạm khoa Sử đã xung phong đi chiến trường B năm 1964 và năm 1967 trở thành phóng viên chiến trường. Ông đã có 12 năm sát cánh cùng quân dân Phú Yên trong những năm tháng hiểm nguy nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cho đến ngày giải phóng đất nước 30/4/1975. Trở về với cuộc sống đời thường nhưng ông vẫn tiếp tục cuộc sống đầy ý nghĩa bằng nghề thầy thuốc đông y để chữa bệnh cứu người và viết sách như là một cách để trả nợ ân tình những đồng đội đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc.
    - Phụ trách biên tập báo Giải phóng Phú Yên, tạp chí Văn nghệ Giải phóng Phú Yên (1968-1975). Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
    - Các tác phẩm đã xuất bản: Giáp mặt với kẻ thù (tập truyện ký, 1967); Đồng chí (tập thơ, 1968); Bên gốc me già (tiểu thuyết, tập 1, 2005); Hồng và Lam (tập truyện ký, 2007); Bên gốc me già (tiểu thuyết, tập 2, 2008); Về đi (tập thơ, 2010); Gió Tuy Hòa (tiểu thuyết, 2012).
    - Chưa xuất bản: Khát (tiểu thuyết); Thăm thẳm Vũng Rô (tiểu thuyết)



    Thông tin về ebook:

    BÊN GỐC ME GIÀ

    Tiểu thuyết


    Tác giả: Phương Yến (Trần Thiện Lục)
    Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Phú Yên, xuất bản 2005


    Nguồn: Thư viện tỉnh Phú Yên
    Thực hiện ebook: hoi_ls
     

    Các file đính kèm:

  2. TânLý

    TânLý Mầm non

    Chấm điểm quyển sách: 64/100 điểm.

    Tiểu thuyết "Bên gốc me già" được viết và mô tả một cách chân thật và sống động đời sống chiến sĩ cách mạng dưới ngòi bút của nhà báo cách mạng Phương Yến - người đã có góp mặt trong vài phân đoạn của quyển sách. Vì là nhà báo và lại là người góp mặt chứng kiến nhiều sự kiện của thời đại, cho nên những gì được viết và mô tả chắc chắn rất gần với sự thật.

    Bằng ngòi bút của mình, Phương Yến đã mở ra một bức tranh đời sống nhiều trang giấy của những người lính cộng sản. Đó là một bức tranh đã hóa nâu đỏ bởi bùn đất, mồ hôi và máu của những chiến sĩ cần kiệm, lam lụm, quả cảm, đã dành hết cuộc đời của mình để giành lại độc lập cho đất nước. Đó thực sự là một cuộc đời gian truân và vất vả vô cùng, mà chắc chắn thời đại hòa bình - con người chạy theo chủ nghĩa hưởng thụ ngày hôm nay không thể tưởng tượng và so sánh được.

    Đời sống con người thời đại ấy chỉ tập trung vào mảng nông nghiệp và tụ tập sinh sống mô hình thôn, làng, xã. Mỗi người nương nhau mà sống ngày qua ngày dưới bầu trời khói lửa của chiến tranh. Trong cuộc sống hằng ngày ấy, có rất nhiều những câu chuyện vui đùa, hóm hỉnh xảy ra giữa những chiến sĩ cách mạng hồn nhiên và vô tự lự, song, sự khổ cực, gian truân, trớ trêu, bất công vẫn không thôi đeo bám họ từ phía sau. Đó là những gì? Đó là sự đói kém, sự suy dinh dưỡng vì chỉ ăn để mà no; sự cực nhọc khi luôn luôn phải băng rừng suối, vượt núi đồi, người mang đầy những hành trang nặng nề, di chuyển giữa các nơi để làm nhiệm vụ; cái rét lạnh, ẩm ướt, mưa nắng thất thường của thời tiết rừng núi vùng Nam Trung Bộ; và tất nhiên, những căn bệnh ngặt nghèo cũng vì vậy mà đeo bám lấy họ; cách đối xử với người phụ nữ như là món đồ tiêu khiển chỉ để thõa mãn và lạm dụng; bên cạnh đó, là nỗi lo sợ và cảnh giác thường xuyên bởi vì súng đạn, bom mìn luôn luôn chật chờ để cướp đi mạng sống của một người bất kỳ lúc nào.

    Nhờ quyển sách này - chứ không phải nhờ học lịch sử trong trường lớp, mà mình biết thêm, phe giặc giã xâm lược nước ta còn có sự góp mặt của quân đội Đại Hàn. Vì vậy, một phe thì chỉ có mỗi cộng sản miền Bắc, một phe thì có tới 3 nhóm người gọp lại: Ngụy (có người gọi là Việt gian), Đại Hàn và Mỹ. Đó mới thấy quân và dân cộng sản đã kiên cường, bất khuất, hào hùng và mưu trí, khéo léo như thế nào mới có thể giành chiến thắng trước quân thù áp đảo quân ta lẫn về số lượng, về tài sản và trang bị.

    Đây là quyển sách để lại mình không ít bồi hồi, lắng đọng mỗi khi có một người chiến sĩ hi sinh. Buồn da diết, thương muôn phần. Nhưng biết làm sao được, cảnh đời đã khổ nhọc nhưng đời người chiến sĩ còn khổ hơn trăm bề. Công chiến đấu bảo vệ và giành độc lập cho đất nước của họ thật cao cả và vĩ đại, đã để lại cho mình ít suy ngẫm về xã hội Việt Nam ngày nay: Thứ mà họ chiến đấu bảo vệ ngoài đất nước ra còn là chế độ. Thế nhưng đất nước thì hòa bình, độc lập; ngược lại, chế độ thì lại tù túng, yếu kém? Tầng lớp lãnh đạo của chế độ hoàn toàn thiếu kỹ năng và trí tuệ để quản lý và chăm lo đời sống của nhân dân. Cho nên, nhìn cuộc sống ngày nay con người ăn ở rất bừa bộn, dơ bẩn, thiếu kỷ cương, họ có trình độ dân trí kém, tham lam, lừa lọc, chỉ thấy cái lợi trước mắt, họ cư xử thổ lỗ, thiếu sự văn mình, lịch thiệp và trân trọng. Chắc chắn ai có trí hiểu biết không ai là không than ngắn, thở dài, xã hội Việt Nam bây giờ sao mà quá khó sống, quá khổ sở như thế? Những nhà lãnh đạo của chế độ này đã nợ một món nợ rất lớn đối với ông bà tổ tiên - những người chiến đấu hết mình vì cách mạng.

    Kết, mình xin chấm quyển sách này: 64/100 điểm.
    Không cao nhưng cũng không thấp. Điểm trừ bởi vì quyển sách tương đối lặp lại (sách mô tả cuộc sống hằng ngày), nên chỉ những ai thật sự quan tâm đến đời sống của người làm cách mạng, của chiến sĩ bộ đội mới có thể siêng năng, chú tâm đọc được. Sách cũng rất hay, nhiều từ ngữ gợi mở trí tưởng tượng và cảm nhận của mình. Qua đó, mình cảm thấy rất cảm kích vì có thể đồng cảm, san sẻ nỗi buồn vui với người lính bộ đội và người dân thời chinh chiến xưa. Nó đã cho mình thêm trãi nghiệm và suy nghiệm về cuộc sống này, về sự tồn tại và nỗi đau khổ của kiếp làm người, và ở đây là: kiếp làm người lính.
     
    Chỉnh sửa cuối: 13/10/23
    soloshevcento and KienPham like this.
Moderators: Bọ Cạp

Chia sẻ trang này