Beyond the Bronze Pillars Envoy Poetry and the Sino-Vietnamese Relationship - Liam C. Kelley Gửi các bạn tập sách Đi qua những cột đồng, nói về vấn đề lịch sử, ngoại giao, chính trị giữa Đại Việt và các triều đại Minh, Thanh Trung Quốc. Sách có giá trị tham khảo cao, với những phần tài liệu trích dẫn ko có ở VN hoặc bị lờ đi. Bài viết trên VNExpress: Tìm hiểu VN qua những bài thơ đi sứ Liam C. Kelley, giảng viên Đại học Hawaii, là tác giả cuốn "Beyond The Bronze Pillars" (Đi qua những cột đồng), khảo cứu về những bài thơ đi sứ của VN, vừa xuất bản tại Mỹ năm 2005. Ông cho biết vài nét về cuốn sách này. - - Một nhà nghiên cứu Mỹ tìm hiểu VN qua những bài thơ đi sứ của VN. Xuất phát từ đâu ông có ý tưởng đó? - Vì những bài thơ ấy rất khác với những điều mà các học giả Mỹ vẫn nghĩ. Ở Mỹ, các học giả nghiên cứu về VN nhiều nhất vào những thập kỷ 60 và 70 của thế kỷ trước, tức là trong giai đoạn chiến tranh. Những người Mỹ đầu tiên nghiên cứu lịch sử VN vẫn quan niệm người VN đi theo tinh thần dân tộc chủ nghĩa, tức là giữ văn hóa riêng của mình, bởi lẽ họ thường xuyên phải chống lại nạn ngoại xâm. Và tư tưởng này là yếu tố rất quan trọng giúp người VN đoàn kết lại để chống Mỹ. Xuất phát từ quan niệm đó, sách và bài viết của các học giả Mỹ thường hay xoay quanh chủ đề người Việt chống lại ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Quốc. Ban đầu tôi cũng nghĩ như vậy. Vì thế khi phát hiện ra những tài liệu gọi là thơ đi sứ, tôi hình dung nếu người VN mang tư tưởng ấy, ắt họ phải biểu hiện ra trong những bài thơ mà họ làm khi đi sứ sang Trung Quốc. Nhưng thực tế lại không phải như vậy. - Vậy ông thấy những bài thơ đó như thế nào? - Tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy trong những bài thơ này dường như không có một thái độ kỳ thị hay phản ứng theo lối dân tộc chủ nghĩa như các học giả Mỹ vẫn nghĩ. Ngược lại, trong các bài thơ đó, người Việt đi sứ thậm chí coi văn hóa Trung Quốc cũng là văn hóa của VN. Các vị sứ giả VN, thường là các nhà Nho, cũng đọc Kinh Thi, mặc phẩm phục giống Trung Quốc. Họ đến Bắc Kinh, gặp những người Hàn Quốc, Nhật Bản và nói rằng tất cả đều là người một nhà, ít thấy nói đến văn hóa riêng của mình. Tuy những người đi sứ chỉ là một nhóm người, không thể đại diện cho toàn bộ dân tộc VN, song trong một chừng mực nào đấy, những bài thơ đi sứ đã cho thấy một thái độ rất khác của người Việt đối với văn hóa Trung Quốc, ngược hoàn toàn với quan niệm của người Mỹ trước đây. Do vậy, tôi quyết định thử nghiên cứu VN bắt đầu từ những bài thơ đó với hy vọng giúp giới học giả Mỹ thay đổi phần nào cách nhìn nhận trong vấn đề này. - Ông vừa có một cuộc thuyết trình tại Viện Hán Nôm (Hà Nội) về quan niệm địa lý Việt Nam thời phong kiến. Trong đó, chính ông đề cập đến bài thơ Nam quốc sơn hà, và ông rất chú trọng đến chữ "thiên thư" trong bài thơ này. Theo ông đấy không phải là lòng tự tôn dân tộc sao? - Có chứ, có điều tôi không thấy những bài thơ mạnh mẽ như vậy trong các tập thơ đi sứ. Nhưng tôi lại thấy lòng tự tôn dân tộc của người VN trong các bản dịch thơ đi sứ đó. Trong buổi thuyết trình đó, tôi đã tiếp thu được rất nhiều điều bổ ích từ phía những thính giả. Họ đã bổ sung cho tôi rất nhiều kiến thức để tôi tiếp tục nghiên cứu vấn đề mà tôi đề cập. - Ông nghiên cứu văn hóa VN bằng cả chữ Hán và chữ Quốc ngữ? - Trước kia, tôi quan tâm đến Trung Quốc và có kế hoạch nghiên cứu về những người Trung Quốc ở Đông - Nam Á. Nhưng Trung Quốc thì quá rộng lớn. Sau đó tôi được biết rằng, trước thế kỷ 20, người VN dùng chữ Hán. Có người nói với tôi là ở VN có rất nhiều tài liệu chữ Hán vì VN chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, nhưng lại là một đất nước rất khác biệt so với các nước khác ở châu Á. Tôi nghĩ rằng đó là một điều rất thú vị, vậy thì tại sao lại không tìm hiểu nó. Nên tôi bắt đầu học tiếng Việt cách đây sáu năm ở Hawaii. - Còn tên cuốn sách, "Đi qua những cột đồng", có nghĩa là thế nào? - Người VN và người Trung Quốc đều biết đến truyền thuyết về việc Mã Viện dựng một cây cột đồng sau đó đọc thần chú để lập ra một biên giới. Sau đó cả người VN và Trung Quốc đã nói rất nhiều về chiếc cột đồng này nhưng không biết nó nằm ở đâu cả. Do đó tôi xem nó như biểu tượng của một biên giới, và người đi sứ phải vượt qua. Đấy chỉ là một cách ví von.