Tâm sự Cần người nói thật, dám nghĩ, dám làm

Thảo luận trong 'Bàn Trà' bắt đầu bởi tducchau, 29/9/15.

Moderators: amylee
  1. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ... & ...

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link


    TT - Tinh thần nhìn thẳng vào sự thật một lần nữa được trung ương nhấn mạnh trong công việc chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng.

    [​IMG]
    Người dân vùng đầm phá Tam Giang (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) lập miếu thờ ông Phan Thế Phương - Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, nguyên giám đốc Sở Thủy sản Thừa Thiên - Huế. Không chỉ vậy, tên ông còn được đặt cho trường học nơi đây.

    Ông Phương là cán bộ giúp người dân be bờ, đắp ao lấn đầm phá, dạy cách nuôi. Nhờ có ông mà hôm nay người dân có hàng trăm hecta hồ nuôi thủy sản, vùng quê nghèo trở nên trù phú. Ông là một trong những “vị quan” hiếm hoi được dân lập miếu thờ - Ảnh: Nguyên Linh


    Trả lời Tuổi Trẻ xung quanh vấn đề này, ông Vũ Ngọc Hoàng (ủy viên Trung ương Đảng, phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương) nói:

    - Đây không phải lần đầu tiên Đảng chủ trương phải nhìn thẳng vào sự thật. Trong thực tế lâu nay, mọi người đều thấy rằng nói thẳng, nói thật là rất cần thiết, nhưng vào trong cuộc không phải ai cũng muốn nghe.

    Chuẩn bị đại hội thì đề phòng tâm lý thành tích, có thể nhiều người muốn nhấn mạnh kết quả.

    Người sắp nghỉ muốn chứng tỏ thời gian qua làm được nhiều việc để về nghỉ cho thanh thản, người phấn đấu lên chức cần thành tích để thể hiện và không dám nói thẳng vì sợ đụng chạm, mất lòng (tất nhiên không phải ai cũng thế).

    Đều là những người có quyền, có ảnh hưởng nhiều, cho nên vấn đề rất dễ bị lái theo hướng không nói thẳng, nói thật, nhất là đối với khuyết điểm, yếu kém.

    Tôi nghĩ đại hội cũng phải trân trọng, nâng niu những kết quả đã đạt được của nhiệm kỳ qua bởi đó là công sức chung của nhân dân và cán bộ. Nhưng đây không phải là dịp chỉ để báo cáo thành tích, để tranh giành ảnh hưởng, để xuyên tạc lẫn nhau hoặc để “đánh bóng”...

    Trong khi đó điều quan trọng nhất là phải nhìn thẳng vào sự thật để thấy cho đúng bản chất tình hình. Tìm ra được lời giải cho cuộc sống dựa trên cái nền sự thật đó. Đại hội như thế mới là hiệu quả.

    [​IMG]
    Ông Vũ Ngọc Hoàng - Ảnh: V.V.T.​

    “Trong hệ thống của ta có một tật xấu là hay quy chụp nhau. Nếu cứ quy chụp thì làm sao phát triển được tư duy. Sức mạnh của một dân tộc nói cho cùng liên quan hàng đầu, số 1 đến sức mạnh trí tuệ, tinh thần.

    Dân tộc nào cũng vậy, có trường tồn không, có bảo vệ được sơn hà hay không là nhờ sức mạnh ấy trước tiên. Không thúc đẩy đổi mới tư duy, không bỏ đi cái bệnh hay quy chụp nhau, không chịu nghe nói thẳng, nghe những ý kiến khác mình thì mọi thứ sẽ cằn cỗi, không vươn nhanh lên được"

    “Không nói dối 
người dân được đâu”

    * Ông có thể đưa ra ví dụ nào về việc chưa nói thẳng, nói thật?

    - Nói thẳng, nói thật là phải khẳng định rõ việc này, việc kia chủ trương sai rồi. Rất hiếm khi như vậy. Người dân, các trí thức và giới nghiên cứu chắc là có nhiều ví dụ.

    Cứ nghiên cứu kỹ từng chủ trương và quyết định cụ thể hay tình hình khiếu kiện, các vụ tham nhũng, các vụ án oan sai... sẽ thấy rõ. Chứng từ giả, hồ sơ giả, bằng giả... đâu có ít.

    Tôi xin đơn cử nếu chúng ta cộng hết mức tăng trưởng kinh tế (GDP) các tỉnh thành thì nước ta phải tăng trưởng mười mấy phần trăm, đâu có thấp như lâu nay. Như vậy con số tăng trưởng kia của các địa phương là cách làm không khoa học, không đúng.

    Hiện nay nước ta tụt hậu đến mức nào, nợ nần đến mức nào và nguyên nhân vì sao đã nói rõ chưa, hết chưa? Đó mới chỉ là một vài ví dụ.

    * Theo ông, cần làm gì để tinh thần nhìn thẳng vào sự thật được phát huy, lan tỏa?

    - Trong những năm trước đổi mới, nhiều địa phương có phong trào xây dựng hợp tác xã. Ở Quảng Nam - Đà Nẵng không chỉ hăng hái làm hợp tác xã nông nghiệp, mà còn có những ý kiến bàn nên chăng hợp tác hóa cả nghề cắt tóc nữa.

    Năm 1982, ông Hồ Nghinh lúc đó là bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng được trung ương điều động ra làm phó trưởng Ban Kinh tế trung ương.

    Ra Hà Nội một thời gian ông về gặp tôi (thời gian này ông Vũ Ngọc Hoàng là bí thư Thị ủy Tam Kỳ - PV), câu đầu tiên ông hỏi là: “Ở đây đã thôi hết các hợp tác chưa?”.

    Tôi hiểu là ông muốn nói về mô hình hợp tác xã kiểu cũ và trả lời: “Làm sao mà thôi được bác, không thể giải quyết như không có nó, phải chuyển đổi dần thôi. Hồi ông làm bí thư Tỉnh ủy thì tỉnh mình được trung ương khen làm hợp tác hóa nhanh, triệt để. Tam Kỳ cứ một ngày thì ra đời một hợp tác xã nông nghiệp. Làm một tháng được 30 hợp tác xã”.

    Nghe tôi trả lời xong thì ông Hồ Nghinh bảo với tôi rằng giờ ông về đây phải “nhất bộ nhất bái”. Nghĩa là đi một bước phải lạy một cái để xin lỗi nhân dân trước sai lầm trong lãnh đạo phong trào hợp tác xã trước đây.

    Chúng ta biết rằng đồng chí Hồ Nghinh là người mà cả cuộc đời cách mạng luôn gắn bó với chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng, làm bí thư Tỉnh ủy nhiều nhiệm kỳ, có nhiều đóng góp rất to lớn.

    Việc ông nhìn ra sai lầm và thẳng thắn nói về nó càng làm chúng tôi thêm hiểu và yêu quý tính cách của ông. Từ tấm gương của ông Hồ Nghinh và cũng từ thực tiễn công tác, tôi thấy rằng nếu người lãnh đạo mà nói thẳng, nói thật thì sức lan tỏa sẽ rất tốt.

    Vừa qua, trung ương ra nghị quyết mới về văn hóa đã xác định xây dựng tính trung thực cho con người là yêu cầu hàng đầu của văn hóa. Làm lãnh đạo quản lý thì càng phải trung thực, thời đại thông tin không nói dối người dân được đâu, càng nói dối càng mất uy tín.

    * Liệu có giới hạn nào về đổi mới tư duy không, thưa ông?

    - Công cuộc đổi mới được dẫn đường nhờ đổi mới tư duy. Tư duy sẽ liên tục phát triển và hoàn thiện, không có giới hạn. Tôi nghĩ rằng đổi mới tư duy chỉ có một giới hạn là không được làm suy yếu tính chất nhân văn.

    Đó là không xâm phạm đến tự do dân chủ và hạnh phúc của nhân dân, không gây hại cho cộng đồng và lợi ích quốc gia.

    Nhiều người cho rằng cần có công cuộc đổi mới lần hai, đó cũng là một cách diễn đạt, tôi không phản đối. Đổi mới tiếp theo phải lấy dân chủ và tự do làm linh hồn, không đi ngược lại, tất nhiên là phải có lộ trình chặt chẽ, không để rối, không để bị lợi dụng.

    Tránh đi vào chuyên quyền, độc đoán

    * Trong các đại hội thường có hai việc quan trọng là văn kiện và nhân sự. Ông có thể nói thẳng, nói thật điều gì về công tác nhân sự?

    - Những thành tựu, kết quả thì chúng ta đã nhiều lần khẳng định, tôi không nhắc lại. Theo tôi, công tác nhân sự của ta nhiều lúc, nhiều nơi chưa tốt (nếu không muốn nói là hỏng) vì ảnh hưởng cùng lúc bởi các mặt trái của tư tưởng phong kiến, của cơ chế thị trường và của tha hóa quyền lực.

    Tìm đệ tử và bà con của mình để đưa lên dù không có đức tài, đó là mặt trái của phong kiến. Còn chạy chọt mua quan bán chức là mặt trái của cơ chế thị trường và tha hóa quyền lực.

    Đất nước ta từ xưa đến nay không thiếu nhân tài, nhưng bao giờ và ở đâu mà công tác nhân sự hỏng thì rất khó có chỗ cho nhân tài trong hàng ngũ lãnh đạo và quản lý.

    Câu chuyện không chọn được nhân tài, theo tôi, cũng là một biểu hiện của tha hóa quyền lực. Người ta bảo quyền lực lạ lắm, nó làm tha hóa con người nhanh lắm.

    Sau một cuộc bỏ phiếu thì hôm sau có thể có người đi cái dáng cũng khác rồi. Họ bắt tay, nói năng khác rồi, sau một đêm là khệnh khạng rồi. Hễ không đủ độ chín về văn hóa là bị vậy.

    Tuy “hào kiệt thời nào cũng có” như Nguyễn Trãi từng viết, nhưng ông cũng chỉ ra là: Nhân tài có thể đang ở trong hàng quan nhỏ, ở bìa rừng, ở đồng nội và họ không đem ngọc bán rao... Họ không phải là những kẻ cơ hội, chạy lăng xăng nịnh hót, chạy chọt, mua bán chức tước.

    Nhân tài thật sự là những người có tư duy độc lập và có lời nói thẳng, họ không chịu làm tay sai, không chịu làm cảnh.

    * Hiện nay, có ý kiến cho rằng đất nước cần có nhà lãnh đạo mạnh mẽ, được tập trung quyền lực và quyết đoán. Ông nghĩ sao?

    - Nếu như một người cán bộ không dám làm, không dám chịu trách nhiệm thì không quyết định được gì cả. Anh không đủ bản lĩnh thì dù ngồi ghế nào cũng không phải là lãnh đạo vì anh có quyết định gì đâu.

    Chúng ta cần những người có tầm trí tuệ, có tâm huyết, dám nghĩ, dám làm. Nhưng cần tránh xu hướng đi vào chuyên quyền, độc đoán.

    Độc đoán, chuyên quyền sẽ dẫn đến mất dân chủ, mất động lực tiến lên của xã hội, không tốt cho việc phát triển tư duy của dân tộc và xa rời mục tiêu dân chủ của sự nghiệp cách mạng.

    4 điều quan trọng khi chọn nhân sự

    Các tiêu chuẩn quy hoạch đều có cả rồi. Và hội nghị trung ương vừa qua khi bàn định hướng công tác nhân sự đã có kết luận, Tổng bí thư đã nói rồi. Cá nhân tôi nghĩ có bốn điều quan trọng khi chọn nhân sự:

    1 Là có thể tin cậy về chính trị. Đó phải là người kiên định với việc xây dựng nhà nước của dân, xây dựng chế độ dân chủ và độc lập, không bị lệ thuộc chi phối bởi lực lượng nào đó từ bên ngoài.

    Phải tuyệt đối kiên định với quan điểm quyền lực là của dân chứ không phải quyền lực của tài phiệt, cũng không phải quyền lực của cá nhân ai, của gia đình nào, của nhóm người nào.

    2 Là phải sạch, không dính vô tham nhũng, lợi ích nhóm tiêu cực. Ai bị dư luận nặng nề quá thì không chọn, Đảng phải lắng nghe dân để quyết định, phải tìm những cán bộ lãnh đạo mà nhân dân có thể gửi gắm niềm tin, trước nhất là đạo đức, sự liêm khiết, không vì lợi ích cá nhân và gia đình mà xâm hại đến lợi ích của nhân dân, đất nước, để từ đó có thể quy tụ lòng người.

    3 Là phải tâm huyết với đổi mới. Công cuộc đổi mới của chúng ta tuy đã đi được một chặng đường đáng kể nhưng còn nhiều việc cần làm, phải làm lắm. Cần phải tiếp tục đổi mới một cách căn bản, toàn diện, mạnh mẽ và chững chạc.

    4 Là mong cho đất nước ta lựa chọn được những người lãnh đạo có nhân cách văn hóa. Theo tôi, nhân cách của người lãnh đạo mà kém thì nó tàn phá văn hóa kinh khủng lắm. Khi văn hóa suy đồi thì dẫn đến đồng loạt nhiều nguy cơ trên tất cả lĩnh vực.

    * Vậy có thể hiểu “đổi mới phải có nguyên tắc, đổi mới nhưng không đổi màu” như thế nào?

    - Trung thành với mục đích mang lại độc lập và sự phát triển cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho người dân chính là không đổi màu; xây dựng một Đảng hết lòng phục vụ nhân dân, không để cho Đảng biến chất và xây dựng một nhà nước thật sự của dân chính là không đổi màu.

    Những việc cụ thể chúng ta làm hôm nay dần sẽ được đổi mới, con cháu ta có thể sẽ làm khác cho phù hợp với hoàn cảnh lúc bấy giờ. Chúng ta thường nói đây là thời kỳ quá độ, nghĩa là thời kỳ đang có những diễn biến theo hướng mới.

    Trong bất cứ hoàn cảnh nào, làm mất dân chủ, mất tự do, hạnh phúc của nhân dân, làm cho nước ta lệ thuộc bên ngoài, để cho Đảng không còn tính chất vì dân, để cho Nhà nước không còn là của nhân dân, đó chính là đổi màu.


    ĐÀ TRANG - VÕ VĂN THÀNH thực hiện
    28/09/2015; Theo Gặp gỡ đầu tuần
    (Nguồn © Copyright 2015 TUOITRE.VN)​
     
    Đinh Hoàng, Heoconmtv, Rafa and 2 others like this.
  2. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    Theo cá nhân mình không phải 4 điều quan trọng khi chọn nhân sự mà phải là 5 mới đúng.

    5. Là con ông cháu cha
    giống như anh giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Quảng Nam ấy, 30 tuổi, trẻ nhất từ 1945 đến nay.

    Tiêu chuẩn của cá nhân mình là Nhất hậu duệ, Nhì quan hệ, ba tiền tệ, thứ tư mới là trí tuệ.
     
  3. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    Hichic... 'Chuẩn không cần Chỉnh'!... Tuy thế, tờ-rầu tui cũng 'khuyến nạị' thêm chút:
    Bác mở Trại... thì phải 'Nhất giống, nhì tông' chứ!?! Cái "Ây đi en' quan trọng nhắm nha bác! F1, F2,... 'bất cẩn' chút, 'thoái hóa' ngay, 'và luôn', thì 'teo...' :p!
     
  4. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    Hichic... tình cờ đọc lại bác nầy, thấy viết cùng 'tâm trạng' với mình nên post lên đây...


    Sự đọc và PR văn học


    Thuở nhỏ, tôi từng phải đọc những cuốn sách “khoả thân” về chữ nghĩa bởi bìa sách, trang lót đã bay biến từ lúc nào. Ngay cả đến tên tác giả lắm khi cũng không rõ là ai. Nghĩ lại, sự đọc trong cảnh thiếu thốn ấy cũng hay.

    Người ta truyền tay nhau những cuốn nhàu nát, lên nước mồ hôi tay và không bị áp lực vào tên tuổi người viết, vào tên nhà xuất bản. Cùng lắm chỉ dặn nhau: Đọc được lắm. Nói thì biết thế. Người mượn sách ậm ừ rồi về đọc xem thế nào đã.

    Giờ đây ngoài sự sang trọng của hình thức, sách còn được chọn làm nhân vật chính cho các bài báo. Sách thành chủ điểm cho các cuộc gặp gỡ giữa 3 phía: Tác giả - báo chí - người đọc. Chuyện một tập thơ, một tiểu thuyết cũng được post lên mạng để gây nên những sự kiện - tương tự như các ngôi sao giải trí, hay sản phẩm công nghệ mới - đã khiến không ít người tham gia vào sự kiện và người nghe ngộ nhận sách như một mặt hàng. Quả có một phần đúng, chứ nếu chỉ vì cái lẽ thiêng liêng của nghệ thuật, của truyền thống trọng thi thư mà phủ nhận là khiên cưỡng. Chỉ có điều, chiếc xe máy giúp ta đến công ty nhanh hơn 30 phút (so với đi xe đạp), cái nồi cơm điện giúp ta tiết kiệm được thời gian nghỉ trưa (cũng là lợi ích kinh tế cả) thì cuốn sách giúp ta gỡ được điều gì đang mắc mớ trong nội tâm. May mắn hơn giúp ta sáng ra điều gì đó. Chí ít, nó như giọt nước nhỏ phản chiếu ánh mặt trời có 7 sắc màu làm ta nhớ ra đời còn có cái đáng yêu hơn là cứ chúi mũi vào những toan tính với nhau. Quả thật, sách với năng lực của của mình, gặp người hiểu mình cũng có ích như thế.

    Nhưng điều mà người viết bài này đáng buồn nhất là nhiều người “lạm dụng” vào công nghệ truyền thông để đưa sách “lọt” qua cánh cổng cả tin của người đọc. Bạn đọc nhiều khi cả tin ở dư luận và hoang mang ở chính kiến lựa chọn của mình. Thế nên chuyện sách này, sách nọ tạo ra địa chấn hay tại chính kiến tiếp nhận của người đọc đã tự “đổ theo nhau” vì đồn thổi, hoà theo mốt vì sợ mình sẽ cô độc - đồng nghĩa với kém cỏi và tụt hậu trong tiếp nhận - thì còn phải bàn thêm nữa. Ở hiệu ứng này nó gần với thời trang, ở sự cuồng nhiệt nó gần với bóng đá nhưng ngẫm kỹ lại thua những lĩnh vực kia ở hai điểm: Thời trang dựa vào xác tín của những thần tượng đã sử dụng nó (một sự tương sinh có lợi) khi người mẫu này, diễn viên nọ bận áo này, váy kia trong phim chẳng hạn. Với bóng đá, thực ra sự sáng tạo rất âm thầm. Người chơi có nội cảm tự tin chứ không phải phụ thuộc vào những tiếng hò reo. Những thanh âm ấy chỉ có tác động duy nhất: Khiến người cầu thủ luôn nhớ mình đang trong sân chơi, luôn ở vị thế đăng đàn. Trong khi đó, xác tín của một cuốn sách lại chẳng bám víu vào đâu cả mà người đọc nghe hơi nhau tìm đọc hay nghe qua các kênh “lăng xê sách”. Họ nhầm lẫn giữa tin về sách và niềm tin tưởng ở chất lượng sách. “Sự cách tân và đổi mới vốn không phải là thuộc tính dành cho đám đông”, không một best seller nào trùng khít với tất cả dạng thức nhu cầu giải cứu niềm tin trong nội tâm người đọc. Có chăng, chỉ gọi là mẫu số chung cho cái đẹp mà thôi. Vậy thì sao nó có thể trở thành một cơn sốt. Đó là một thói quen gò ép vóc dáng nội tâm vào những khuôn đúc.

    Với các cuộc PR văn học, tôi nghĩ đó là một động thái hay dù không có gì mới. Chúng ta đừng nhìn vào sự phục sức của công nghệ mà gắn cho nó cái lai lịch hiện đại. Trước 1945, các văn sĩ đã có cuộc đăng đàn ở quy mô rộng hẹp khác nhau. Trong những năm chiến tranh, các nhà văn Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Tô Hoài… từng đi nói chuyện, bám rễ vào đời sống qua những chuyến thực tế. Hay nếu may mắn, các bạn trẻ giờ đây được đàm đạo với các nhà văn bên ly rượu, tách café thì cũng là một lối đi ấy thôi. Đó là tạo một không gian tác phẩm, lấp đi ít nhiều những rào cản tinh thần từ hai phía. Chỉ có điều, trước đây (và có lẽ là nên thế) người đọc biết họ sau khi biết tác phẩm. Họ coi người sinh thành ra những chữ nghĩa là một quý nhân, được diện kiến là một sự kiện chứ không phải sự kiện nào đó mang lại cho họ đôi ba quyển sách để đem về đọc hay gác lên giá sách vĩnh viễn.

    Trong cuộc gặp gỡ của 3 phía, tôi nghĩ rằng hãy là những người đọc lên tiếng trước: Anh sẽ đem đến cho hai ta điều gì? Còn nhà văn chân chính thì nên nói hết những gì mình nghĩ, mình đã làm. Ở phía còn lại, dẫu đó là một nhà phê bình tên tuổi thì anh đừng quên vị thế của mình. Anh đại diện cho một người đọc cao cấp có khả năng định hướng đọc cho công chúng ư? Đại diện cho nhà văn đã phó thác số phận tác phẩm cho anh ư? Hãy làm một bà mối, giúp cho giai - gái tương phùng nhưng có thành đôi không thì còn phải “tuỳ duyên” nữa chứ. Anh có mở sẵn trang sách trước mắt họ, châm thuốc cho họ nhưng họ vẫn quay đi nếu không tìm thấy ở đó một sự gặp gỡ. Còn nếu có cái duyên hô ứng ấy thì dẫu xa cách, khuê các, cuốn sách trinh trắng kia vẫn nô nức bướm ong. Hãy để chuyện sách và đọc sách mãi mãi ý nhị như thế.


    Theo Bùi Việt Phương
    (Nguồn © Copyright 1997 VnExpress.net, All rights reserved).​
     
    thichankem and teacher.anh like this.
  5. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    Sẵn 'bầu tâm hự' đang 'lình xình' ... nên 'chút ra' luôn thêm một tí về cái Sự...


    ĐỌC VĂN - HỌC VĂN


    Học văn trước hết phải đọc hiểu văn, mà đọc hiểu văn thì không giản đơn như là đọc chữ. Bất cứ ai thoát nạn mù chữ, đều có thể đọc được các văn bản, nhưng không nhất thiết đọc hiểu văn. Thoát nạn mù chữ không có nghĩa là thoát nạn "mù văn". Cho nên sau khi xóa nạn mù chữ ở cấp học dưới, lên trung học học sinh còn tiếp tục học nhiều năm để biết đọc hiểu văn, cắt nghĩa văn. Có đọc hiểu văn rồi thì mới biết thế nào là văn hay, thế nào là thị hiếu văn lành mạnh và viết thế nào là hay. Giảng văn chỉ là giảng cách hiểu của người đọc văn, cơ sở của nó là sự đọc hiểu.

    Văn học có một đặc điểm quan trọng là có ý nghĩa, nhưng ý nghĩa đó được thể hiện tiềm ẩn. Đọc văn học tức là đi tìm ý nghĩa tiềm ẩn đó. Phê bình văn học từ xưa đến nay đều chơi trò đi tìm ý nghĩa của văn học, một "trò chơi" chẳng khác gì ú tim. Có khi ta chạy về phía này, nhưng ý nghĩa lại nằm trốn ở phía kia; có khi ta hô bắt được rồi, buông tay ra hóa ra bắt trượt. Ý nghĩa là điều mê hoặc lớn và niềm đam mê lớn đối với người đọc. Mọi tác phẩm văn học mà ta cho là hay đều thấp thoáng một ý nghĩa thú vị ở bên trong.

    Người ta đã xây dựng nên nhiều lý thuyết và phương pháp để nắm bắt ý nghĩa. Người thì chủ trương trực cảm, người lại chủ trương phân tích khoa học. Nào phương pháp tiểu sử, nào chủ nghĩa cấu trúc, nào phân tâm, nào ký hiệu, nào giải mã, nào hiện tượng học, nào ngôn ngữ học... Nhưng dù là phương pháp nào, chung quy, đọc văn học là thông qua văn bản văn học mà đọc hiểu một văn bản lớn hơn là thế giới và cuộc đời, là đi tìm ý nghĩa cuộc đời qua văn bản văn học. Đọc văn là cuộc đi tìm ý nghĩa nhân sinh qua các văn bản thẩm mỹ của văn học bằng chính tâm hồn người đọc. Các phương pháp chỉ là phụ trợ.

    Ý nghĩa của văn học không chỉ nằm trong văn bản, mà còn nằm trong mối liên hệ nhiều mặt với văn bản cuộc đời. Vì thế ngoài văn bản phải tìm hiểu lịch sử, văn hóa, tâm lý... mới đọc hiểu văn bản nghệ thuật. Có thời người ta hiểu ý nghĩa văn bản là cố định, ai đó tài năng phát hiện một lần là dùng cho mãi mãi. Lý thuyết ngày nay cho thấy ý nghĩa của văn học không ngừng biến động, lớn lên tùy vào các văn bản mà nó liên hệ. Vậy nên cuộc đi tìm ý nghĩa không có hồi kết thúc. Có lúc người ta hiểu ý nghĩa tác phẩm là đơn nhất, chỉ cần ai đó có tài phát hiểu một câu là nắm hết hồn vía. Song thực tế cho thấy tác phẩm văn học có nhiều tầng nghĩa, đa nghĩa, mơ hồ, không dễ dàng gì tóm lược được vào một câu nhận định hay công thức nào đó. Không ai có thể đọc một lần là xong. Mỗi lần đọc, mỗi cách đọc chỉ là một chặng trên con đường chạy tiếp sức của biết bao độc giả để đến với tác phẩm. Với lý thuyết tiếp nhận và quan niệm mới về tác phẩm văn học, một chân trời mới cho công việc đọc văn được mở ra. Mọi người đọc đều có cơ hội bình đẳng như nhau trong trò chơi tìm nghĩa. Không ai có tiếng nói cuối cùng. Không ai là duy nhất đúng. Tác phẩm ngày càng giàu có lên trong tình yêu văn học của mọi người.

    Nhưng văn học là hiện tượng có quy luật. Thưởng thức văn học cũng có quy luật. Người đọc văn học không có quyền tuyệt đối tự do, mà phụ thuộc vào cấu tạo của văn bản. Như người ca sĩ hát hài hát của mình theo bản nhạc của nhạc sĩ, người đọc văn học cũng phải cảm nhận tác phẩm theo cung bậc của văn bản. Tuy nhiên văn bản chưa phải đã là tác phẩm.

    Tác phẩm văn học và đọc văn học thật là một hiện tượng diệu kỳ. Theo các nhà khoa học quan sát, khi chưa đọc, văn bản in chỉ là một vật một khách thể, nhưng khi đã đọc thì dần dần khách thể dó biến mất, sách vẫn còn đó, nhưng đồng thời lại "biến mất" để nhường chỗ cho thế giới hình tượng, sách từ bên ngoài chuyển vào trong nội tâm người đọc, người đọc hóa thân vào nhân vật trong sách. Tại sao khi đọc sách ta bỗng toàn tâm toàn ý suy nghĩ vào những điều chưa bao giờ nghĩ tới? Hóa ra ta suy nghĩ bằng những ngôn từ, hình tượng của nhà văn, còn nhà văn thì phát hiểu bằng tâm hồn, trí tuệ của ta! Cho nên tuy biết rõ tác phẩm là của nhà văn mà ta vẫn thấy có toàn quyền giải thích, hứng thú giải thích và khi nói là ta giải thích, ta ấy đâu phải là chính ta! Nhà văn chiếm chỗ trong tâm trí ta, còn ta thì chiếm tác phẩm của họ! Cho nên tác phẩm văn học là một sản phẩm lạ lùng, nó gần như xóa bỏ ranh giới giữa ta và tác giả. Người đọc không phải "đệm", mà đã "chơi" tác phẩm trên bản nhạc của nhà văn, do vậy tùy theo người "chơi" mà tác phẩm có sự khác nhau.

    Hiểu như vậy, người đọc có vai trò rất lớn. Đọc văn không bao giờ giản đơn chỉ là đọc văn bản, mà còn bao hàm sự ý thức cả cái cách mà mình hiểu tác phẩm nào đó, là tìm ra cái tác phẩm "của mình".

    Nhưng lý luận tiếp nhận cho biết có ba bảy đường tiếp nhận. Không hiểu, hiểu sai, hiểu ngược lại nguyên ý của tác giả cũng đều là những cách tiếp nhận. Vậy nên vấn đề đặt ra là phải tìm tòi những cách đọc có văn hóa để bắc nhịp cầu bình thường cho sự tiếp nhận văn học. Cách đọc có văn hóa là tôn trọng ngữ cảnh của văn bản, ngữ cảnh của tác giả và thời đại, ngữ cảnh của văn bản đời sống mà người đọc thuộc vào. Thi pháp học sẽ giúp ta chiếm lĩnh thế giới nghệ thuật và ngôn ngữ biểu đạt của nó và trên cơ sở đó mà khám phá ý nghĩa của tác phẩm. Trong cách đọc văn của mình, ‘chúng tôi’ đặc biệt chú trọng mặt ngôn từ, bởi hình tượng văn học mọc lên từ đó. Từ âm thanh, nhạc điệu, ý nghĩa của từ ngữ, ý nghĩa các biểu trưng đã hình thành trong truyền thống văn hóa, cấu trúc của văn bản, giọng điệu, lời văn của ai, quan hệ đối thoại trong ngữ cảnh... đều là những yếu tố cần được tìm hiểu để hiểu được bài văn. Hiểu nhầm một từ có khi đi chệch hướng bài văn. Ngôn từ ở đây đã là ngôn từ nghệ thuật. Chúng đã là những diễn viên biểu diễn tâm tình người nghệ sĩ.

    Đọc văn (phân tích, bình giảng, bình luận) tất yếu phải tôn trọng văn bản, từ ngôn từ đến hình tượng. Những cảm nhận không kiểm nghiệm được bằng văn bản có thể coi là đi xa văn bản. Nhưng mặt khác người đọc có quyền tưởng tượng, lý giải, cụ thể hóa hình tượng, nhập vào giọng điệu, nhịp điệu, động tác của ngôn từ để hiểu chúng, miễn sao không phương hại tới tính toàn vẹn của tác phẩm.

    Trong thời đại ngày nay, khi lý thuyết tiếp nhận đã xuất hiện, khi vai trò chủ thể người đọc đã lên cao, thì không còn một lý thuyết phê bình nào chiếm được địa vị độc tôn và trở thành khuôn vàng thước ngọc duy nhất. Văn học là ngôi nhà mà các cửa mở ra mọi phía. Khác nhau chăng chỉ là sự vận động đổi thay hệ hình tiếp cận do thời đại tạo nên, nhưng hệ hình mới hao hàm, chứ không hao giờ loại bỏ một cách tiếp cận hữu hiệu nào đó.

    Đọc văn là nền tảng của học văn. Học văn là học năng lực cảm thụ văn, bồi dưỡng thị hiếu văn, tiếp nhận kiến thức văn hóa văn, rèn luyện năng lực hiểu đạt, sáng tạo văn. Đỗ Phủ đã nói: "Đọc rách vạn quyển sách, Hạ hút như có thần". M.Gorki đã kể chuyện ông đọc nhiều như thế nào trước khi thành nhà văn lớn. Muốn học giỏi văn phải bắt đầu bằng đọc văn. Đọc văn khác giảng văn. Giảng văn là việc của thầy. Đọc văn là việc của mọi người. Đã đến lúc phải chuyển việc giảng văn trong nhà trường thành việc dạy đọc, dạy cách đọc để học trò tự đọc lấy, thì việc học văn mới thực sự có kết quả. Phải đọc văn để người đọc tự phát hiện ra mình và lớn lên...

    :rose: 3D_14 :rose:
    3D_16
     
    Chỉnh sửa cuối: 1/10/15
  6. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    Đứa con vô tội và
    nỗi đau của người mẹ khi phải nói ra sự thật

    [​IMG]

    Vì muốn cứu cô con gái bị bệnh máu trắng, hai vợ chồng đã nói ra một bí mật đau lòng… Đọc xong câu chuyện, bạn có thể tha thứ cho người đàn ông da đen nọ không?

    Cuối năm 2002, trên một số trang báo của Ý đã xuất hiện một thông báo tìm người rất đặc biệt:

    Ngày 17/5/1992,

    Ở bãi đậu xe đường số 5, khu thương nghiệp thành phố Avenue, một người phụ nữ da trắng bị một chàng trai da đen cưỡng hiếp. Không lâu sau, người phụ nữ kia đã sinh ra một bé gái da đen. Cô và chồng đã không chút do dự mà gánh vác trách nhiệm nuôi dưỡng bé gái này.

    Tuy nhiên điều không may chính là, hiện tại cô bé bị bệnh máu trắng, cần phải làm phẫu thuật cấy ghép tủy gấp, ba ruột của cô bé chính là niềm hy vọng duy nhất để cứu sống cô, hy vọng người năm xưa sau khi đọc được lời nhắn này, hãy mau chóng liên hệ với bác sĩ Adrew làm việc tại bệnh viện Elizabeth.


    Bản tin tìm người này đã dấy lên một làn sóng dư luận trong xã hội

    Tiêu điểm thắc mắc của mọi người chính là: “Người da đen này sẽ đứng ra hay không?”.

    Hiển nhiên anh ta sẽ phải đối mặt với hai sự lựa chọn, nếu đứng ra, anh ta sẽ đối mặt với việc mất hết danh dự, gia đình tan nát; nếu giữ im lặng, anh ta một lần nữa sẽ phạm phải tội lỗi… không thể tha thứ được.

    Đây là một câu chuyện có thật, và câu chuyện này sẽ có kết cục như thế nào? Đối diện với một kẻ cưỡng gian… Bạn có tha thứ cho anh ta không? Xin hãy xem tiếp…


    Cô bé bị bệnh máu trắng liên quan đến một bí mật …

    Ở một khu dân cư thuộc thành phố Foyer nước Ý, Marda 35 tuổi là người phụ nữ luôn bị mọi người xì xào bàn tán. Bởi cô và chồng cô Peters đều là người da trắng, nhưng trong hai đứa con của họ, lại có một đứa là da đen.

    Hiện tượng kì quặc này đã khiến cho những người hàng xóm bên cạnh không khỏi cảm thấy tò mò, Marda luôn cười nói với họ rằng, do bà nội của mình là người da đen, ông nội là người da trắng, nên đứa con gái Monica mới xuất hiện sự lại giống như vậy.

    [​IMG]


    Để tìm tủy xương thích hợp, bí mật này không còn che đậy được nữa…

    Mùa thu năm 2002, cô bé da đen Monica liên tục bị sốt cao. Cuối cùng bác sĩ Andrew chuẩn đoán Monica bị bệnh máu trắng, biện pháp chữa trị duy nhất là làm phẫu thuật cấy ghép tủy.

    Bác sĩ phân tích: “Hết thảy những người có quan hệ huyết thống với Monica, hãy đến bệnh viện để làm xét nghiệm tủy xương, bởi những người như vậy là dễ dàng tìm được mẫu tủy thích hợp nhất, cả nhà và người thân họ hàng của hai bên, tốt nhất đều nên đến bệnh viện để làm xét nghiệm”.

    Nghe thông báo này, mặt Marda bỗng tái nhợt, nhưng vẫn bảo cả nhà đến làm xét nghiệm tủy xương, kết quả không có ai thích hợp cả.

    Bác sĩ lại nói với họ, tình huống giống như Monica, tỉ lệ để tìm được tủy thích hợp thật sự là rất nhỏ.

    Bây giờ vẫn còn một biện pháp hữu hiệu nhất, chính là Marda và chồng cô sinh thêm một đứa bé nữa, lấy máu trên cuống rốn của đứa bé này truyền cho Monica.

    Hai vợ chồng này nghe xong, im lặng một hồi lâu… Cuối cùng họ nói: “Cho chúng tôi thời gian suy nghĩ”.


    Thật không ngờ…

    Buổi tối Thứ Hai, bác sĩ Andrew đang trực ban, bỗng cửa phòng bị đẩy ra, là vợ chồng Marda.

    Marda cắn chặt môi, chồng cô Peter nắm chặt lấy tay cô, vẻ mặt nghiêm túc nói với bác sĩ: “Chúng tôi có một chuyện muốn nói với ông, nhưng ông hãy hứa là sẽ giữ bí mật cho chúng tôi, bởi vì đây chính là bí mật lâu năm của vợ chồng chúng tôi”.

    Ông bác sĩ trịnh trọng gật đầu.


    Hai vợ chồng nói ra bí mật giấu kín lâu nay…

    [​IMG]

    “Chuyện xảy ra vào tháng 5/1992. Lúc đó, con gái lớn của chúng tôi Jelena đã được 2 tuổi, Marda làm việc trong một quán ăn, đến 10 giờ tối mỗi ngày mới được về nhà.

    Buổi tối hôm đó trời mưa rất to, khi Marda tan ca trở về thì trên đường đã gần như không còn ai nữa.

    Khi đi ngang qua một bãi đậu xe bị bỏ hoang, Marda nghe thấy sau lưng có tiếng bước chân, cô sợ hãi quay đầu lại nhìn, thì thấy một chàng trai da đen đang đứng phía sau cô. Anh ta tay cầm một khúc cây, đánh cô ngất đi, và làm nhục cô.

    Đợi đến khi Marda tỉnh lại, loạng choạng trở về nhà thì đã hơn một giờ sáng, tôi lúc đó tựa như đã phát điên lên, xông ra ngoài để tìm người da đen kia tính sổ, nhưng từ sớm đã không có một bóng người nào ở đó cả.

    Buổi tối hôm đó, hai vợ chồng chúng tôi ôm nhau khóc thảm thiết, cả bầu trời dường như đều đã đổ sập xuống”.

    Kể đến đây, mắt của Peter ướt nhòe.

    Anh kể tiếp: “Không lâu sau đó, Marda phát hiện mình đã mang thai.
    Chúng tôi vô cùng sợ hãi, lo sợ rằng đứa con này chính là của người da đen kia. Marda muốn phá bỏ cái thai này đi, nhưng lòng tôi vẫn ôm một tia hy vọng, biết đâu đứa bé trong bụng này chính là con của chúng tôi thì sao.


    Cứ như vậy, chúng tôi đã thấp thỏm chờ đợi mấy tháng.

    Tháng 3/1993, Marda hạ sinh một bé gái, là da đen. Chúng tôi đã hoàn toàn tuyệt vọng, cũng từng nghĩ rằng sẽ đem đứa bé này giao cho viện mồ côi, nhưng mỗi lần nghe thấy tiếng khóc của nó, chúng tôi lại không nhẫn tâm.


    Chúng tôi quyết định sẽ đối xử tốt với cô bé này …


    Nói cho cùng thì Marda cũng đã mang thai nó, nó cũng là một sinh mệnh mà. Tôi và Marda đều là những tín đồ Cơ Đốc thành kính, sau cùng chúng tôi đã quyết định nuôi dưỡng nó, đặt tên cho nó là Monica”.

    Khóe mắt của bác sĩ Andrew cũng đã cay cay, ông cuối cùng đã hiểu vì sao đôi vợ chồng này lại sợ sinh thêm một đứa con như vậy.

    Ông gật đầu tựa như đang suy nghĩ: “Nếu đã như vậy, dẫu cho ông bà có sinh thêm 10 đứa nữa, cũng rất khó sinh ra được đứa bé có tủy xương thích hợp với Monica!”

    Ông nhìn Marda, như thử thăm dò, nói: “Ông bà phải tìm được cha ruột của Monica, nói không chừng tủy xương của anh ta, hoặc tủy xương của con cái anh ta có thể thích hợp với Monica”.

    “Nhưng… ông bà có bằng lòng để cho anh ta xuất hiện trong cuộc đời mình lần nữa hay không?”

    Marda nói: “Vì con, tôi bằng lòng tha thứ cho anh ta, nếu như anh ta chịu bước ra để cứu đứa bé, tôi thề sẽ không khởi tố anh ta”.

    Bác sĩ Andrew không khỏi chấn động sâu sắc bởi tấm lòng lòng thương con của người mẹ này.

    Bản tin tìm người đặc thù này đã dấy lên một làn sóng hiến tủy khắp cả nước. Nhưng trong biển người mênh mông, huống hồ chuyện đã nhiều năm như vậy, biết đi đâu để tìm tên cưỡng gian năm xưa?

    Marda và Peter suy nghĩ hết lần này đến lần khác, quyết định dùng hình thức giấu tên, để đăng một bản tin tìm người trên báo.

    [​IMG]
    Trên các báo của thành phố Foyer đều đăng một bản tim tìm người đặc biêt. (Ảnh minh họa)

    Tháng 11/2002, trên các tạp chí thành phố Foyer đều đăng một bản tin tìm người đặc biệt như miêu tả ở trên, bản tin khẩn cầu kẻ cưỡng gian đó hãy bước ra, vì đó là hy vọng cuối cùng đối với mạng sống của bé gái bị bệnh máu trắng đáng thương kia.

    Bản tin vừa được đưa ra đã gây nên tiếng vang mạnh mẽ trong xã hội. Thùng thư và điện thoại của bác sĩ Andrew mỗi ngày đều không thiếu những cuộc gọi khắp nơi trong nước, mọi người tranh nhau dò hỏi người phụ nữ này là ai, họ rất muốn được gặp cô, hy vọng có thể chung tay giúp đỡ cô.

    Nhưng Marda đã cự tuyệt sự quan tâm của mọi người, cô không muốn tiết lộ họ tên của mình, càng không muốn để cho người khác biết Monica chính là con gái của kẻ cưỡng hiếp kia.


    Nếu như bạn là người da đen kia, bạn sẽ làm thế nào?

    Lúc này giới truyền thông đối với kết cục của sự việc này đã tiến hành thảo luận trước. Các trang của tờ La Mã bình luận: “Người đàn ông da đen này sẽ xuất hiện không? Nếu như người đàn ông da đen này dũng cảm bước ra, vậy chúng ta sẽ nhìn nhận và đối đãi anh ta như thế nào? Pháp luật của chúng ta nên trừng phạt anh ta như thế nào?”

    Anh ta vì tội ác của ngày hôm qua mà nhận sự trừng phạt, hay là vì sự dũng cảm của ngày hôm này mà nhận được lời tán dương?

    Tin tức Foyer tiếp tục được đăng tải: “Nếu bạn là người đàn ông da đen đó, bạn sẽ làm thế nào?”

    Những thảo luận này, đã khởi lên một làn sóng tranh luận khó cả đôi đường đối với quần chúng độc giả rộng lớn.


    Tình mẹ thương con này đã cảm động vô số người, cũng đã tình cờ giúp đỡ những bệnh nhân khác

    Cai ngục ở vùng đó cũng tích cực giúp đỡ Marda. Họ đã cung cấp danh sách tội phạm từ sau năm 1992 cho bệnh viện, bởi người da đen trong thành phố này rất ít, vậy nên, kể từ 10 năm trước thì tội phạm da đen cũng không nhiều.

    Họ nói với Marda rằng: “Mặc dù có một số tội phạm năm đó không phải vì phạm tội cưỡng hiếp và bị tuyên án, nhưng cũng có khả năng từng làm qua những chuyện như vậy”.

    [​IMG]

    Có những người đã ra ngục rồi, có một số người vẫn còn ở trong ngục, Marda và Peter đã kết nối liên lạc với những người này, không ít tội phạm đã bị tình mẹ thương con của cô làm cho cảm động, bất luận là người da trắng hay da đen, họ đều tự nguyện trình báo để làm xét nghiệm tủy xương, hy vọng có thể hiến tủy cho Monica, nhưng trong số họ cũng không có tủy xương thích hợp.

    Rất nhiều tội phạm năm đó đều bày tỏ sự chân thành và quan tâm sâu sắc, họ đều cung cấp manh mối cho vợ chồng Marda.

    Nhưng đáng tiếc thay, họ đều không phải là người da đen cưỡng hiếp năm đó.

    Câu chuyện này cũng đã làm cảm động rất nhiều người dân, không ít người tự nguyện làm xét nghiệm tủy, để xem tủy xương của bản thân mình có thích hợp hay không.

    Người tình nguyện càng lúc càng nhiều lên tạo thành một làn sóng hiến tủy của những người tình nguyện tại thành phố Foyer, làn sóng ấy đã cứu được khá nhiều sinh mệnh của những người bị bệnh máu trắng, nhưng Monica lại không nằm trong số những người may mắn này.

    Marda và Peter vẫn hồi hộp lo lắng mà chờ đợi người da đen kia xuất hiện…


    Hơn hai tháng trôi qua, người này vẫn không xuất hiện

    Hai vợ chồng thấp thỏm không yên, nghĩ rằng, cũng có thể người đàn ông da đen kia đã không còn trên cõi đời này nữa?

    Cũng có thể đã rời khỏi quê nhà, từ lâu đã không còn ở Ý nữa rồi?

    Cũng có thể anh ta không muốn hủy hoại cuộc sống của chính mình, nên không muốn bước ra?…

    Nhưng bất luận như thế nào, chỉ cần Monica còn sống một ngày, họ sẽ không từ bỏ hy vọng tìm kiếm người đàn ông da đen kia.


    Người đàn ông bí ẩn…dần hé lộ

    [​IMG]

    Sau khi bản tin tìm người đặc thù này xuất hiện trên trang báo ở thành phố Napoli, trong lòng ông chủ 30 tuổi của một nhà hàng cao cấp bắt đầu dậy sóng.

    Anh là người da đen, tên Achlia.

    Ngày 17/5/1992, trong cuộc đời anh đã trải qua một đêm mưa tầm tã tựa như ác mộng, anh chính là người được nhắc đến trong câu chuyện trên.

    Không ai có thể ngờ được rằng Achlia thắt lưng bạc triệu của ngày hôm này từng là một người rửa chén bị người ta sai tới sai lui. Bởi cha mẹ mất sớm, một người không được ăn học nhiều như anh đã phải lăn lộn kiếm sống từ rất sớm.

    Người thông minh chăm chỉ như anh chỉ mong sao dùng sự cần cù lao động của mình có thể đổi lấy tiền bạc và sự tôn trọng của người khác, nhưng trớ trêu thay ông chủ của anh là người phân biệt chủng tộc, dẫu cho anh cố gắng thế nào, vẫn luôn phải chịu đánh đập chửi mắng từ ông ta.


    Hôm đó là sinh nhật lần thứ 20 của Achlia

    Anh dự định sẽ nghỉ làm sớm để đón mừng sinh nhật của mình, không ngờ trong lúc loay hoay đã vô tình làm rơi một cái đĩa, ông chủ túm chặt lấy cổ anh bắt anh phải nuốt hết những mảnh vỡ đó. Achlia căm phẫn dâng trào đã cho ông ta một đấm, rồi xông ra khỏi quán.

    Anh vẫn chưa hết căm hận và quyết tâm báo thù người da trắng, buổi tối trên đường trời mưa tầm tã dường như không có một bóng người đi lại, trên bãi đậu xe anh gặp Marda, xuất phát từ sự báo thù về phân biệt chủng tộc, anh đã vô tình cưỡng gian người phụ nữ vô tội đó.

    Sau sự việc, Achlia trong lòng thấp thỏm không yên. Ngay tối hôm đó, anh đã dùng số tiền đón sinh nhật của mình mua vé xe lửa đến thành phố Napoli, rời xa khỏi thành phố này.

    Về sau, Achlia kiếm được một công việc thuận lợi ở nhà hàng của một người Mỹ, đôi vợ chồng người Mỹ đó rất quý tính cách thông minh cần cù của anh, còn đem cô con gái Lina gả cho anh, về sau thậm chí còn giao cho anh quản lý toàn bộ công việc kinh doanh của nhà hàng.


    Sự day dứt trong tâm lúc nào cũng đè nặng lên tâm hồn anh

    Mấy năm trở lại đây, anh không chỉ phát triển nhà hàng thành một nhà hàng cao cấp sang trọng kinh doanh thịnh vượng, mà còn có được ba đứa con đáng yêu.

    Trong mắt người nhà và người làm, Achlia thật sự là một ông chủ tốt, người chồng tốt và người cha tốt.

    Vậy mà trong lòng anh vẫn không sao quên được tội ác năm xưa mà mình đã phạm. Anh luôn cầu nguyện với Thượng Đế xin Người hãy phù hộ người phụ nữ đã từng bị anh làm hại kia, hy vọng cô có thể bình an vô sự sống một cuộc sống hạnh phúc, và không bị tổn hại bởi những gì tội lỗi anh đã gây nên. Nhưng anh trước giờ chưa từng đem bí mật trong lòng này nói với bất kỳ người nào cả.

    [​IMG]

    Buổi sáng hôm đó, Achlia đã đọc đi đọc lại bản tin đó đến mấy lần, trực giác mách bảo rằng anh chính là kẻ cưỡng gian được tìm trên tờ báo đó. Anh không bao giờ nghĩ đến rằng, người phụ nữ đáng thương đó cuối cùng đã mang thai và đã nuôi dưỡng đứa con vốn không thuộc về mình.

    Cả ngày hôm đó, Achlia mấy lần muốn gọi điện thoại cho bác sĩ Andrew, nhưng mỗi lần điện thoại còn chưa quay xong anh liền vội cúp máy. Trong lòng Achlia đang giãy giụa đau đớn, nếu như đứng ra thừa nhận tất cả, mọi người sẽ biết được quá khứ xấu xa nhất của anh, những đứa con sẽ không còn yêu thương anh nữa, anh sẽ mất đi gia đình hạnh phúc và người vợ xinh đẹp, cũng sẽ mất đi sự tôn trọng của xã hội đối với mình.

    Hết thảy những thứ này là kết quả anh đã không ngừng nỗ lực phấn đấu trong suốt mấy năm nay, vất vả lắm mới có được!

    Buổi tối hôm đó, khi đang ăn cơm, mọi người trong nhà đều bàn luận về những tin tức có liên quan đến Marda trên báo chí như những lần trước. Người vợ Lina nói: “Em thật sự rất khâm phục người phụ nữ này, nếu như đổi lại là em, em sẽ không có can đảm để nuôi dưỡng con gái do mình bị cưỡng hiếp rồi sinh ra, em càng khâm phục người chồng của cô ấy, anh ta quả thật là một người đàn ông đáng được tôn trọng, lại có thể chấp nhận một đứa con như thế”.

    Achlia im lặng nghe những lời đàm luận của vợ rồi đột nhiên hỏi: “Vậy em nhìn nhận kẻ cưỡng hiếp đó như thế nào?”

    Người vợ lòng đầy căm phẫn nói: “Em tuyệt đối không thể tha thứ cho hắn ta được, năm xưa đã làm sai rồi, vào thời khắc then chốt của bây giờ, hắn ta lại rụt cổ trốn tránh. Hắn ta thật đúng là quá đê tiện, quá ích kỷ rồi, thật là quá ghê tởm! Hắn ta đúng thật là con quỷ hèn nhát!”

    Achlia ngơ ngác lắng nghe, muốn đem tất cả sự thật nói với vợ. Buổi tối hôm đó, do cậu con trai 5 tuổi không chịu ngủ, Achlia lần đầu tiên đã đánh nó một bạt tai. Đứa con trai vừa khóc vừa nói: “Ba là người ba xấu xa, con sẽ không còn quan tâm đến ba nữa. Ba không phải là ba của con nữa”.

    Trong lòng Achlia xung đột mạnh, anh ôm chặt con vào lòng, nói: “Ba thật sự xin lỗi, ba sẽ không bao giờ đánh con nữa đâu. Tất cả là lỗi của ba, con hãy tha thứ cho ba, được không?”. Nói đến đây, nước mắt Achlia không ngừng trào ra.

    Đứa con sợ quá, dường như nó cũng hiểu chuyện, vội lấy tay lau nước mắt và an ủi Achlia: “Được rồi, con tha thứ cho ba. Thầy giáo dạy rằng, đứa bé biết sai mà nhận lỗi mới là đứa bé ngoan”.

    Achlia cả đêm trằn trọc không sao ngủ được, anh cảm thấy bản thân mình dường như đang bị dày vò dưới địa ngục, những khung cảnh trong đêm mưa gió tội ác đó và hình bóng của người phụ nữ kia không ngừng đan xen xuất hiện trước mắt, và dường như anh còn nghe thấy tiếng khóc và tiếng gọi đau thương của người phụ nữ kia nữa. Anh không ngừng tự hỏi chính mình: “Mình rốt cuộc là người tốt, hay người xấu đây?”

    Nghe thấy hơi thở đều đều của người vợ đang nằm bên cạnh, anh liền mất đi dũng khí để nói ra mọi chuyện.

    Ngày hôm sau thần sắc anh cực kỳ tiều tụy, trong lòng càng lúc càng nặng trĩu…

    Người vợ rất nhanh đã nhận ra sự khác thường nên quan tâm hỏi han chồng.

    Buổi sáng khi đi làm, các nhân viên đều chào hỏi anh thân thiết: Chào ngài tổng giám đốc! Anh sắc mặt tiều tụy chào lại họ, trong lòng cảm thấy toàn là xấu hổ và nhục nhã. Achlia cảm thấy bầu trời dường như đã đổ sụp xuống rồi!


    Tình thương của người cha bùng lên

    [​IMG]

    Mấy ngày sau, Achlia không cách nào im lặng được nữa, anh liền gọi điện thoại ẩn danh cho bác sĩ Andreew bằng điện thoại công cộng. Anh cố hết sức để giọng nói của mình trông thật bình tĩnh: “Tôi rất muốn biết bệnh tình của cô bé bất hạnh kia”.

    Bác sĩ Andrew trả lời rằng, bệnh tình của cô bé đó rất nghiêm trọng, cuối cùng ông còn thương cảm rằng: “Không biết con bé có thể đợi được đến ngày cha ruột của nó xuất hiện hay không”.

    Lời nói này đã chạm đến tận đáy lòng Achlia, tình thương của người cha đã bùng lên từ nơi sâu thẳm trong tâm hồn anh, cô bé đó dù sao cũng là cốt nhục của mình!

    Anh quyết định bước ra để cứu Monica, anh đã phạm sai lầm một lần rồi, bây giờ không thể phạm sai lầm tiếp nữa.

    Buổi tối hôm đó, anh lấy hết can đảm để nói với vợ tất cả. Cuối cùng anh nói: “Anh rất có khả năng chính là cha ruột của đứa bé đó! Anh phải đi cứu con bé!”

    Vợ anh bàng hoàng, căm phẫn, thương tâm, trái tim như vỡ vụn ra khi nghe hết tất cả những điều này rồi nói: “Anh là đồ dối trá!”

    Buổi tối hôm đó, cô đã dắt theo ba đứa con, lái xe đến nhà ba mẹ. Khi cô đem hết bí mật của Achlia kể lại với ba mẹ, đôi vợ chồng này lúc đầu cũng vô cùng tức giận, nhưng sau khi nghe xong đã rất mau chóng lấy lại bình tĩnh.

    Họ nói với con gái rằng: “Chúng ta nên tức giận về hành vi của Achlia trong quá khứ. Nhưng con có từng nghĩ qua hay chưa, anh ấy có thể bước ra, cần có dũng khí lớn đến dường nào, điều này chứng minh rằng lương tâm của anh ta còn chưa mất đi. Con là hy vọng chồng con là một người từng phạm sai lầm, nhưng bây giờ có thể sửa đổi? Hay là muốn một người chồng mãi mãi chỉ biết chôn vùi quá khứ tàn ác?”

    Cô đã im lặng không nói gì cả. Ngày hôm sau, trời vừa sáng Lina vội trở về bên cạnh Achlia, nhìn thấy Achlia cặp mắt đỏ hoe, Lina kiên định nói : “Achlia, anh hãy đến chỗ bác sĩ Andrew đi! Em sẽ đi cùng với anh!”


    Trong tuyệt vọng luôn xuất hiện ánh sáng hy vọng

    [​IMG]

    Ngày 3/2/2003, vợ chồng Achlia đã liên lạc được với bác sĩ Andrew. Ngày 8/2, vợ chồng Achlia vội đến bệnh viện Elizabeth, bệnh viện đã làm xét nghiệm DNA và kết quả là anh thật sự chính là cha ruột của Monica.

    Khi biết được người đàn ông da đen đã làm nhục mình cuối cùng đã dũng cảm bước ra, những giọt nước mắt hạnh phúc không ngừng lăn dài trên má Marda.

    Cô đã căm hận Achlia trong suốt 10 năm, nhưng thời khắc này đây cô lại vô cùng cảm động.

    Tất cả đều được tiến hành cực kỳ bí mật. Để bảo vệ đời tư của vợ chồng Achlia và vợ chồng Marda, bệnh viện đã không nói ra tên thật và thân phận của họ cho báo chí mà chỉ thông báo với kí giả rằng đã tìm được cha ruột của Monica.

    Thông tin này đã khiến toàn bộ người dân thành phố quan tâm đến sự kiện này phấn khởi, họ không ngừng gọi điện thoại và viết thư cho bác sĩ Andrew, nhờ ông gửi sự tha thứ và lòng tôn kính của họ đến người da đen này: “Anh ấy từng là tội nhân, nhưng giờ đây anh ấy là một anh hùng!”


    Đối mặt, đó mới là sự cứu vãn và chuộc tội thật sự

    Ngày 10/2, vợ chồng Marda yêu cầu được gặp mặt Achlia. Lúc đầu, anh không có dũng khí gặp họ, nhưng Marda cầu xin hết lần này đến lần khác nên anh mới dám nhận lời.

    Ngày 18/2, dưới sự sắp xếp bí mật của bệnh viện, Marda gặp Achlia trong phòng khách của bệnh viện. Đầu tóc của anh vừa mới cắt, khi nhìn thấy Marda, bước chân nặng nề khó bước, sắc mặt tái nhợt hẳn lên. Marda và chồng bước đến, nắm chặt lấy tay anh, ngay tức khắc 3 người khóc không thành tiếng, nước mắt của ba người hòa lẫn vào nhau.

    Rất lâu sau, Achlia nghẹn ngào nói: “Xin lỗi, xin lỗi, xin hãy tha thứ cho tôi! Câu nói này tôi đã chôn sâu trong lòng suốt hơn 10 năm nay rồi, hôm nay cuối cùng đã có cơ hội để nói với chị”.

    Marda nói: “Cảm ơn cậu đã có thể bước ra. Cúi xin Thượng Đế phù hộ, tủy xương của cậu đã cứu sống con gái tôi!”

    Ngày 19/2, bệnh viện xét nghiêm xương tủy đối với Achlia, may mắn thay nó hoàn toàn thích hợp với Monica!

    Bác sĩ xúc động nói: “Đây thật sự là kì tích!”

    Ngày 22/2/2003, thời khắc mà mọi người chờ đợi từ lâu cuối cùng đã đến, xương tủy của Achlia được cấy ghép vào trong thân thể của Monica.

    Một tuần sau đó, Monica khỏe mạnh xuất viện. Vợ chồng Marda đã hoàn toàn tha thứ cho Achlia, mời anh và bác sĩ Andrew đến nhà họ làm khách. Nhưng ngày hôm đó Achlia lại không đến, anh nhờ bác sĩ Andrew mang đến một lá thư.

    Trong thư anh vô cùng day dứt nói rằng:

    “Tôi không thể quấy nhiễu cuộc sống bình yên của anh chị lần nữa. Tôi chỉ hy vọng Monica và anh chị sẽ sống hạnh phúc bên nhau, nếu như anh chị có khó khăn gì, xin hãy nói với tôi, tôi nhất định sẽ giúp đến cùng! Đồng thời, tôi cũng rất cảm kích Monica, từ một ý nghĩa khác mà nói, là con bé đã cho tôi một cơ hội để chuộc tội, là con bé đã cho tôi có được những khoảnh khắc vui vẻ của nửa cuộc đời còn lại. Đây chính là món quá mà con bé đã tặng cho tôi!”

    Đây quả thật là một câu chuyện xung đột tâm can, xúc động lòng người...

    Có lẽ bạn cũng đã từng làm sai, đi lầm đường, nhưng chỉ cần có lòng sửa lỗi thì bạn có thể “bình thản mà đối mặt với tương lai”!


    Theo Tiểu Thiện, dịch từ cmoney
     
    thichankem, teacher.anh and 4DHN like this.
Moderators: amylee

Chia sẻ trang này