1B2W W Chiều hôm nhớ nhà - Bà Huyện Thanh Quan.

Thảo luận trong 'Hai tuần một tác phẩm' bắt đầu bởi tducchau, 27/11/15.

  1. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...
    CHIỀU HÔM NHỚ NHÀ

    (BÀ HUYỆN THANH QUAN)​

    Trong lịch sử văn học Việt Nam, Bà Huyện Thanh Quan (Nguyễn Thị Hinh) thuộc vào số tác giả để lại tác phẩm không nhiều, nhưng gây được mối cảm tình nồng thắm nơi bạn đọc. Những ai đọc thơ bà đu cảm thấy một điệu thơ êm ái, ngọt ngào, một nỗi buồn cô đơn, lặng lẽ ám ảnh trong tâm hồn; là thơ của những nỗi niềm nhớ thương hoài cổ, cô độc. Chất liệu trong thơ bà có khi không có gì độc đáo, mới mẻ, nhưng đọc lên cứ vương vấn mãi trong tâm hồn. Bài Chiều hôm nhớ nhà là như vậy.

    Nhan đề bài thơ có nơi chép là Cảnh chiều hôm rõ là không sát. Ông Hư Chu và ông Quách Tấn chê nhan để Chiều hôm nhớ nhà cũng không sát, vì theo ông Quách Tấn hai chủ đề của bài thơ là 'giữa đường xa' và 'ngày sắp hết' (Thi pháp thơ Đường). Và do vậy, ông đề nghị đặt nhan đề lại là Đường chiều. Nhưng xét ra cả hai ông đều có lý, nhưng lại không thấy rõ nỗi nhớ nhà hàm ẩn trong cả bài thơ. Cho nên lấy nhan đề Chiều hôm nhớ nhà vẫn đúng.

    Tình cảm gia đình và sự cám cảnh cô đơn của người lữ thứ xuyên thấm toàn bài.

    Mở đầu là cảnh chiều xuống, bóng hoàng hôn nhập nhoạng:

    Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn
    Tiếng ốc xa đưa lẫn trống đồn.

    Nhưng đáng chú ý là âm thanh của tiếng tù và và tiếng trống thu không. Những âm thanh không chỉ báo hiệu thời khắc chuyển canh, ngày tàn, mà còn báo hiệu thời giờ nghỉ ngơi đoàn tụ gia đình mỗi ngày đã bắt đầu. Đáng chú ý nữa là những âm thanh kia vọng từ những nơi xa xăm - xa đưa. Có bản chép 'vẳng trống đồn'. Khoảng cách ấy cho thấy người lữ thứ đang ở giữa độ đường, cách xa làng mạc, huyện trấn.

    Ý niệm về nhà thể hiện trong cảnh ngư ông và mục tử:

    Gác mái ngư ông về viễn phố
    Gõ sừng mục tử lại cô thôn.

    'Gác mái' là gác mái chèo, ông chài thảnh thơi để cho con thuyền từ từ đi về bến xa, không một chút vội vã. Chú mục đồng cũng vừa 'gõ sừng' trâu mà hát nghêu ngao trên đường về nhà. Đó là cảnh hạnh phúc của những người sống trên quê mình vào thời khắc nghỉ việc. Đó cũng là nỗi khát khao thầm kín của kẻ xa nhà.

    Người lữ thứ thì không biết bao giờ mới về kịp nhà mình. Cảnh đường xa, trời chiều làm bước chân thêm nặng trĩu:

    Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
    Dặm liễu sương sa khách bước dồn.

    Cả hai câu thơ tràn đầy chướng ngại và trắc trở. Ngàn mai là rừng cây mai nhỏ, mềm, bị gió cuốn nghiêng ngả đã đáng thương mà con chim lìa đàn phải bay trong gió ấy cơ hồ mỏi rã cánh. Con đường liễu yếu lại chịu cảnh sương sa, xa tắp ấy người phải dồn bước để vượt qua! Cả hai câu thơ cũng chứa đầy sự yếu đuối, mỏi mệt của những khách nhỡ đường! Hai câu thơ không nói trực tiếp tới sự nhớ nhà, mà nỗi nhớ nhà trĩu nặng trong cánh chim và bước chân dồn dập.

    Cuối cùng thì nỗi nhớ nhà được thốt lên trong lời kết:

    Kẻ chốn Chương Đài, người lữ thứ
    Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn.

    'Chương Đài' đây là phố Chương Đài ở Tràng An đời Đường, nơi Liễu thị kết duyên với Hàn Hoành. Sau Hàn Hoành về thăm quê, rồi Tràng An có biến, thế là hai người cách xa. Ở Chương Đài là nơi ở nhà, còn người lữ thứ thì đang ở trên đường tha hương cách trở, không cách gì chia sẻ ấm lạnh với nhau được!

    Nhớ nhà vì cách xa. Cả bài thơ đầy ắp sự cách xa. Câu nào cũng hàm ý cách xa: xa đưa, viễn phố, cô thôn, ngàn mai, dặm liễu, kẻ Chương Đài, người lữ thứ làm cho người lữ thứ càng thêm cô đơn lạnh lẽo. Sự đối lập quê mình và quê người cũng tăng thêm sự cách xa trong tình cảm. Thời điểm trời chiều làm cho cảm xúc cách xa và mong nhớ càng thêm da diết.

    Nhưng nhớ nhà chỉ là một biểu hiện bề ngoài - trong sâu thẳm của bài thơ là tình cảm thương thân tha thiết: thương mình nhỡ nhàng, thương mình xa lạ, thương mình yếu đuối, thương mình cô đơn. Không gian càng bao la, hình bóng con người càng nhỏ bé, đơn chiếc. Chính tình cảm thương thân đã khiến cho bài thơ được đồng cảm lâu dài...
     
    Chỉnh sửa cuối: 27/11/15

Chia sẻ trang này