Thảo luận Có nên bỏ Tết cổ truyền?

Thảo luận trong 'Bàn Trà' bắt đầu bởi Heoconmtv, 26/2/16.

Moderators: amylee
  1. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    Nhân dịp đầu năm được đọc 2 bài báo của 2 tác giả về chủ đề có nên bỏ Tết cổ truyền, post lên đây để rộng đường dư luận. Xem thử trong TVE-4U ý kiến nào được chấp nhận nhiều hơn.

    Quan điểm cá nhân mình, mặc dù không khí Tết cổ truyền ngày càng nhạt nhưng đó là một nét đẹp trong truyền thống của dân tộc. Có điều tổ chức như thế nào cho hợp lý nhất trong thời buổi hội nhập kinh tế toàn cầu.

    "Chả có lý do gì để không bỏ Tết Âm lịch!"

    Ông Nguyễn Bá Ngọc (Chủ tịch Công ty NBN Media) - Tác giả của status từng gây bão mạng "Xuống đi, các bạn trẻ đang ngồi trên nóc tủ" đã gửi đến chúng tôi một quan điểm mạnh mẽ, rõ ràng về Tết âm lịch như sau.

    Vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất: cả thế giới ăn tết Dương lịch, riêng chúng ta và vài nước khác vẫn ăn Tết âm lịch. Sự lệch pha này đem lại nhiều phiền toái không đáng có. Nhiều người đã phân tích chuyện này rồi nên tôi sẽ không nói lại.

    Tết âm lịch kéo theo những suy nghĩ, thói quen và "hành xử âm lịch": Ăn Tết phải to, nghỉ Tết phải lâu, tháng Giêng là tháng ăn chơi, ngày Tết phải chúc tụng, cúng bái, quà cáp... Nói chung các thói quen, hành xử... rất nặng nề.

    Tâm lý phần lớn mọi người từ công nhân đứng máy sản xuất đến công chức, nhân viên văn phòng sau Tết trở lại công sở luôn trong trạng thái ngật ngưỡng muốn nghỉ thêm chứ chưa muốn làm.

    Chưa kể đến rượu chè và các hậu quả của rượu chè.

    Chưa kể đến cờ bạc ngày Tết.

    Chưa kể đến đánh nhau khi uống rượu, cờ bạc...

    Chưa kể đến tai nạn giao thông ngày Tết...

    Trở lại nguồn gốc của Tết âm lịch là dựa trên... lịch âm – lịch của những người làm nông nghiệp phương Đông. Còn chúng ta hiện đang muốn công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà vẫn giữ thói quen của thời nông nghiệp xa xưa mấy ngàn năm trước thì quả là không ổn.

    [​IMG]
    Ăn Tết phải to, nghỉ Tết phải lâu, tháng Giêng là tháng ăn chơi, ngày Tết phải chúc tụng, cúng bái, quà cáp... - (Ảnh minh họa)

    Cơ sở bám víu của những người cho là không nên bỏ Tết âm lịch vì sẽ xóa mất nét văn hóa cổ truyền dân tộc là không có cơ sở. Nếu muốn giữ nguyên văn hóa cổ truyền theo kiểu suy nghĩ và hành động này, đàn ông chúng ta cần để tóc dài, búi tó, móng tay dài, mặc áo the, đi guốc mộc, dùng chữ Hán... chứ không cần vô số cuộc vận động và tốn công của xã hội trong một thời gian rất dài để có được "định dạng" con người hiện đại như ngày nay. Tóc dài búi tó, móng tay dài, áo the, guốc mộc, chữ Hán... đều bỏ được thì Tết theo lịch âm cũng có thể bỏ được - mà văn hóa Việt vẫn còn, thậm chí mạnh lên từng ngày.

    Các lý do khác có thể thấy phổ biến là Tết là dịp sum họp gia đình thì nếu ăn Tết dương lịch, mọi người vẫn được nghỉ như thường, về đoàn tụ với gia đình như thường, đâu có ảnh hưởng gì?

    Thêm nữa, nhiều người sợ bỏ Tết âm lịch là bỏ cúng lễ cũng là lo vu vơ. Chúng ta chỉ đặt vấn đề chuyển Tết âm lịch sang Tết dương lịch, có ai đề cập đến chuyện bỏ cúng đâu? Bạn có bao nhiêu phong tục, tập quán mà bạn cho là tốt, là cần bảo lưu bạn cứ việc làm, tất cả chỉ là sự "dịch chuyển" ngày Tết sớm lên 1 tháng, phù hợp với đại đa số phần còn lại của thế giới, là thêm một động tác và một cơ hội để hòa nhập với thế giới mà thôi!

    Như vậy, với việc bỏ Tết âm lịch, chúng ta có cơ hội hình thành "thói quen dương lịch" – một cách nói hình tượng của tác phong công nghiệp. Tạo nền tảng và tiền đề cho một cuộc cách mạng công nghiệp, cho hiện đại hóa. Tất nhiên, bỏ Tết âm, gộp với đợt nghỉ Tết dương lịch thì kỳ nghỉ sẽ dài hơn. Nếu có thể thu xếp nghỉ dài, chúng ta nên nghỉ tầm 1 tuần như các nước phương Tây bây giờ, nghỉ từ Noel cho tới ngày Tết Dương lịch 1/1.

    Chúng ta tránh được thiệt hại 2 lần do kỳ nghỉ Noel - Tết tây của các đối tác, bạn hàng, các sếp và nhân viên nước ngoài và ngay sau đó 1 tháng là kỳ nghỉ la liệt của các sếp và nhân viên người Việt.

    Bởi vậy, chúng ta sẽ đồng bộ hoá hơn về kinh doanh và hoà nhập rõ hơn, mạnh hơn với đại đa phần thế giới.

    Chúng ta cần bỏ tết âm lịch như khởi đầu của một lần cách mạng khác nhằm hòa nhập thế giới như lần chúng ta đã làm đầu thế kỷ 20 vừa qua.

    Nguyễn Bá Ngọc

    Chủ tịch Công ty NBN Media

    Theo Trí Thức Trẻ
     
  2. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    Tại sao đòi xóa bỏ Tết ta?

    Vừa qua, trên một tờ báo ở TP HCM, một vị tiến sĩ kinh tế nổi tiếng đã đưa ra ý kiến cá nhân là nên tính tới phương án gộp Tết ta vào Tết tây như người Nhật từng làm.

    Vốn là nhà kinh tế, ông thận trọng nói là cần phải có những thống kê cẩn thận về các ảnh hưởng của Tết ta với xã hội và cuộc sống con người, cũng như cần phải có phương án cực kỳ cẩn thận và tỉ mỉ.

    Những nguyên nhân mà vị tiến sĩ này đưa ra để phải tính tới chuyện "xóa sổ" Tết ta theo truyền thống ngàn năm nay là sự ảnh hưởng xấu của nó tới thái độ làm việc, năng suất làm việc của người lao động. Bên cạnh đó là những tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông tệ hại trong dịp Tết.

    Theo thiển ý của tôi, vị tiến sĩ này chỉ nhìn vấn đề dưới góc độ của một chuyên gia kinh tế. Và ông cũng không phải là người đầu tiên hay cuối cùng nghĩ tới chuyện phải cho ngày Tết ta cổ truyền của dân tộc "đi theo ông bà ông vãi".

    [​IMG]
    Múa lân ngày Tết.

    Chỉ có điều, có lẽ rất nhiều người hiểu rõ bản chất của vấn đề. Tết ta hoàn toàn không có tội khi xã hội Việt xảy ra những điều bất cập như vậy. Từ ngàn đời muôn xưa cũ, người Việt mình đã ăn Tết truyền thống hàng năm mà có ảnh hưởng gì đâu. Nếu Tết là một hủ tục xấu thì chắc chắn nó đã bị "hóa mã" từ tám hoánh rồi.

    Vấn đề ở đây chính là con người - cụ thể là thái độ và cách con người ngày nay ăn Tết ra sao mà thôi. Ở đây phải nói tới nhận thức và ý thức có vấn đề của không ít người Việt ngày nay. Nó là một mối dây liên hệ chằng chịt về giáo dục, văn hóa và xã hội. Mà sao không tự cật vấn rằng vì sao những năm sau này, người Việt mình ăn Tết một cách "nhiều vấn đề" như vậy?

    Công tâm mà nhìn nhận, quả thật Tết cổ truyền được "ăn chơi" theo kiểu hiện nay có nhiều tác hại cho tất cả. Một là nó kéo quá dài. Hai là có quá nhiều lễ hội ăn theo dịp tết. Và hai cái này có liên can với nhau.

    Tết ngày nay được nghỉ quá dài. Ngày xưa, người ta chỉ nghỉ từ chiều 30 Tết cho tới hết ngày mùng 2 hay mùng 3 Tết. Sau đó mọi chuyện trở lại bình thường. Bây giờ, ngay cả nhà nước còn ủng hộ về tâm lý và pháp lý cho người dân nghỉ Tết dài lâu. Như hai Tết gần đây nhầt là Ất Mùi và Bính Thân được nghỉ tới 9 ngày.

    Có lẽ chưa bao giờ cái câu ca dao "tháng Giêng là tháng ăn chơi" được hiện thực rõ như ngày nay. Trước Tết cả tuần, thậm chí bắt đầu vào 20 tháng Chạp là ngoại trừ ai có kính doanh dịp Tết thì không nói, còn thì ở mọi cơ quan, doanh nghiệp, chuyện công việc chỉ là cầm chừng, chủ đề của mọi người chính là chuẩn bị Tết.

    Sau Tết kéo dài tới sau rằm tháng Giêng là hội hè, cúng lễ đình chùa. Việc kéo quá dài ngày nghỉ Tết như vậy lợi bất cập hại. Năng suất lao động của ta vốn đã rất thấp mà còn nghỉ quá nhiều. Trong thời đại hội nhập quốc tế, việc kéo dài ngày nghỉ Tết của riêng mình gây ảnh hưởng rất lớn trong hoạt động giao dịch, giao thương quốc tế, khiến ta dễ bị lỡ nhịp và lỡ thời cơ với quốc tế.

    Các nhà đầu tư nước ngoài, các hãng quốc tế có quan hệ làm ăn và có cơ sở, văn phòng ở Việt Nam quả là sợ vãi linh hồn khi Việt Nam nghỉ Tết quá lâu trong khi mọi hoạt động chung toàn cầu của họ vẫn tiếp diễn.

    Cũng chưa bao giờ Việt Nam có nhiều lễ hội với danh xưng dân gian như hiện nay. Cao trào phục hồi lễ hội hừng hực khắp thôn làng, người ta có, mình cũng phải có kẻo bị thua thiệt về… văn hóa.

    Ước tính có hơn 8.000 lễ hội trên khắp cả nước, trong đó đa phần tập trung trong tháng Giêng. Tôi không có ý xúc phạm tới niềm tin tâm linh và nỗi tự hào nguồn cội cá nhân của mọi người, nhưng hàng ngàn lễ hội đáng buồn đang làm cho thời gian nghỉ Tết bị kéo dài thêm gây tốn thời gian và lãng phí tiền của.

    Tết chỉ là cái cớ và chính thời gian nghỉ Tết quá dài lại là điều kiện để các tệ nạn xã hội và tai nạn giao thông thêm nghiêm trọng hơn.

    Ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt không phải chỉ đơn thuần là một dịp để nghỉ ngơi và ăn chơi. Lễ Tết lớn nhất và quan trọng nhất này là một ý niệm về tâm linh và về cội nguồn dân tộc.

    Tôi nghĩ rằng, Tết cổ truyền còn, dân tộc Việt còn. Trong quá trình phát triển (kể cả nhân danh hiện đại hóa), người ta đã xóa sổ quá nhiều những dấu ấn, di tích lịch sử và dân tộc chân chính. Với Tết cổ truyền của người Việt, tôi xin mượn câu thơ 356 trong Truyện Kiều của Nguyễn Du mà rằng: "Của tin gọi một chút này làm ghi".

    Theo tôi, vấn đề mà cả xã hội người Việt ngày nay cần phải chung tâm góp trí là nghĩ coi làm thế nào để ăn Tết cổ truyền một cách hợp tình hợp lý nhất, vừa bảo đảm gìn giữ được một di sản văn hóa dân tộc, vừa phù hợp với thực tế hiện đại phát triển. Nói nôm na là nghĩ cách để ăn Tết chứ không phải tìm cách để xóa bỏ Tết.

    Theo Phạm Hồng Phước/Tuổi Trẻ
     
  3. sannyas60

    sannyas60 Lớp 8

    Đây là một cách để thoát Tàu thôi. Giờ chỉ còn Việt với Trung là còn ăn tết âm, chứ Nhật, Hàn bỏ lâu rồi.

    Chứ còn bảo nghỉ nhiều nên kinh tế giảm sút thì không phải, vì bên tây bọn ấy cũng nghỉ tết dương nhiều lắm.

    Bác @Heoconmtv có ý gì không?
     
  4. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn ăn Tết cổ truyền nhưng họ linh hoạt hơn.

    Theo mình thì không nên bỏ Tết ta vì đó là nét đẹp văn hóa truyền thống. Nhưng phải có sự thay đổi vì nước mình còn nghèo, ưu tiên phát triển kinh tế là quan trọng nhất. Nếu nghỉ Tết và tình hình chuẩn bị cộng với không khí ăn Tết như hiện nay thì coi như chúng ta hầu như không làm gì trong quý I vì gần như trước Tết một tháng mọi người đã rộn ràng chuẩn bị, công nhân, học sinh... ở xa quê lo tàu xe về quê. Cộng hưởng với tâm lý tháng Giêng là tháng ăn chơi, đi lễ hội. Như vậy chúng ta mất 2 tháng để chuẩn bị, ăn Tết và chơi Tết, gần hết 2/3 quý I trong khi các nước sản xuất ầm ầm. Nước ta đã nghèo mà còn chấp người ta chạy trước mình một quý thì e là...

    Nhật Bản và Hàn Quốc đã làm như vậy và đã thành công rực rỡ về mặt kinh tế.

    Ví dụ ở Hàn Quốc trước đây cũng giống như Việt Nam mình (nghỉ tết âm lịch 1 tuần, dương lịch 1-2 ngày). Bây giờ họ thay đổi (nghỉ tết âm lịch chỉ 3 ngày và nghỉ tết dương lịch 7 ngày). Việc thay đổi này không hề ảnh hưởng gì đến truyền thống nhưng mang lại lợi ích kinh tế vô cùng to lớn như vị tiến sĩ đã trình bày (việc sản xuất kinh doanh thuận tiện vì cùng làm cùng nghỉ với các khách hàng khắp 5 châu).

    Thời gian nghỉ Tết ta theo mình nên chuyển đổi như sau:

    1. Nghỉ tết dương lịch: 7 ngày (25/12-2/1)

    2. Nghỉ tết âm lịch: 4 ngày (30, 1, 2 và mùng 3). Nghỉ Tết ta 4 ngày vì 30 Tết cúng rước ông bà; Mùng một Tết cha; Mùng hai Tết mẹ; mùng ba Tết thầy (cúng đưa ông bà luôn).

    P/s: Mình làm trong lĩnh vực pháp lý nên cảm nhận rất rõ không khí ì ạch trước Tết và sau Tết 1 tháng. Hầu như cơ quan Nhà nước chỉ tiếp nhận chứ không giải quyết hồ sơ.
     
  5. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    Người Nhật ăn Tết: Tết Tây nhưng trọn vẹn phong tục "Ta"!

    Thay vì tận hưởng tới 2 kỳ nghỉ lễ mừng Năm Mới ngay gần nhau, người Nhật chọn cách chỉ ăn Tết một lần chung với thế giới, nhưng vẫn theo phong tục truyền thống văn hóa một cách trọn vẹn.

    Cách đây chỉ mới một thời gian không lâu, hầu hết các nước Đông Á đều rộn rã chung vui mừng năm mới Âm lịch, năm Bính Thân. Không khí đầu xuân tưng bừng trên khắp lãnh thổ phương Đông, chỉ trừ Nhật Bản.

    Nhật Bản từ lâu đã không còn ăn mừng Tết Âm lịch. Truyền thống này bắt đầu từ thế kỷ 19, khi người Tây mang văn hóa mới du nhập vào xứ sở hoa anh đào, nhất là từ cải cách văn hóa Duy Tân. Từ đó về sau, người Nhật thôi dần ăn Tết theo lịch truyền thống, chỉ ăn mừng ngày năm mới theo lịch phương Tây. Tuy nhiên cái hay ở đây là, dù ăn Tết Tây nhưng người Nhật vẫn duy trì các phong tục truyền thống văn hóa nước mình một cách trọn vẹn nhất.

    [​IMG]
    Nhật Bản chỉ tổ chức Tết dương lịch.

    Tết Dương lịch vẫn là dịp để người Nhật tổng kết một năm mới đầy biến động, đón chào một năm hứa hẹn tiếp theo, dành vài ngày để ở bên các thành viên trong gia đình, hâm nóng tình cảm.

    Vào ngày cuối cùng của năm, các công sở, trường học và hộ gia đình sẽ cùng nhau tổ chức "Osoji", tức là dọn dẹp nhà cửa, nơi làm việc. Người Nhật tin rằng, Osoji sẽ giúp người dân thanh tẩy nơi ở và đón chào "Toshigami-sama", vị thần năm mới đem đến điềm lành và niềm hạnh phúc tới mọi nhà.

    [​IMG]
    Cuối năm là lúc dọn dẹp chào đón thần Năm mới.

    Người Nhật có tục trang trí Kadomatsu ở cửa nhà sau dịp Giáng Sinh đón may mắn. Kadomatsu làm bằng 3 que tre gắn cùng 3 cành thông đại diện cho thiên đường, hạ giới và nhân loài, được tin là có khả năng thu hút những vị thần. Người Nhật sẽ treo Kadomatsu cho đến ngày 07/01, sau đó người ta sẽ đem chúng tới các ngôi đền để đốt, nhằm thả các linh hồn trở về cõi sinh sống của chúng.

    [​IMG]
    Kadomatsu.

    Đêm giao thừa của Nhật được gọi là "omisuka", bắt nguồn từ "miso", nghĩa là ngày 30, còn "ka", là ngày. Misoka trong lịch cũ của Nhật có nghĩa là ngày cuối cùng của tháng, còn omisuka là ngày cuối cùng của năm. Đến khi lịch mới của người Tây du nhập, misoka dần bị lãng quên, chỉ còn lại omisuka tồn tại cho đến ngày hôm nay.

    Trước khi chính thức bước sang năm mới, các gia đình người Nhật cùng quây quần ăn một bữa tối theo kiểu yến tiệc nem công chả phượng hoành tráng nguy nga. Và trong bữa đại tiệc này không thể thiếu một món ăn truyền thống, đó là ăn mỳ Toshikoshi Soba. Ăn mỳ Soba không chỉ được coi là sẽ xua đuổi những linh hồn tà ác trước thềm năm mới, mà còn là sự cầu chúc cho sức khỏe, sự kết nối dài lâu với chính các thành viên trong gia đình.

    [​IMG]
    Tô mỳ Soba ngon lành cầu cho sức khỏe và sự gắn kết gia đình.

    Về phía các công sở, trong khoảng thời gian tuần cuối cùng của năm, các công nhân viên chức sẽ tụ họp tổ chức những buổi tiệc tiễn năm cũ, gọi chung là các Bounenkai. Vì là dịp được thưởng Tết, thế nên hầu hết họ đều có điều kiện để ăn mừng với nhau bằng các món ăn ngon, đồ uống thịnh soạn quên đi những vất vả lo toan trong năm vừa rồi, chuẩn bị chào đón một năm làm việc thuận lợi sắp tới.

    [​IMG]
    Tiệc cuối năm Bounenkai quên đi mọi khó khăn trong năm cũ.

    Joya no Kane, còn được gọi là những chiếc chuông tẩy trần là một nghi lễ rất quan trọng trong dịp đầu năm mới của đạo Phật Nhật Bản. Các nhà sư sẽ đánh đủ 108 tiếng chuông, tượng trưng cho 108 điều sân si của con người. Bằng cách nghe tiếng rung chuông 108 lần, người Nhật tin rằng mình có thể thoát khỏi sự đeo bám của những ham muốn xấu xa trong tâm. Hiện có rất nhiều ngôi chùa đã cho phép người dân cùng tham gia lễ rung chuông này, nhưng tiếng chuông đầu tiên nhất định phải do nhà sư đánh.

    [​IMG]
    Người dân tới xem các nhà sư đánh 108 tiếng chuông đầu năm mới.

    Cũng trong dịp năm mới, người Nhật thường sẽ đến các ngôi đền, ngôi chùa để cầu nguyện. Chuyến đi lễ đầu tiên trong năm được gọi là "Hatsumode". Như những ngôi chùa nổi tiếng như Meiji tại Tokyo, Kawasaki Taishi tại Kawasaki và Fushimi Inari Taisha tại Kyoto luôn phải đón chào hàng trăm, cho đến hàng nghìn lượt khách ghé thăm cầu nguyện đầu năm. Tới các ngôi đền chùa này, dễ có thể bắt gặp các nhà sư, thầy tu vẫy trên tay những que hương đang bốc khói. Khói này gọi là "zuko", có khả năng tiêu trừ, thanh tẩy cơ thể, linh hồn con người khi được vẫy trên đầu.

    [​IMG]
    Chùa quá tải vì người dân đi lễ cầu an.

    Bước ra khỏi những ngôi đền chùa này, người ta nắm trên tay các mũi tên gỗ, gọi là Hamaya. Hamaya được trao tặng cho người tới thăm chùa để mang về đặt ở nhà, xua đuổi tà ma. Mũi tên được thiết kế không mấy sắc nhọn, tránh nguy hiểm cho người sử dụng và chủ yếu nhằm mục đích trang trí nhà cửa. Tuy nhiên hiện tại, Hamaya đã trở thành mặt hàng kinh doanh chú trọng nhiều vào lợi nhuận.

    [​IMG]
    Những mũi tên Hamaya xua đuổi tà ma.

    Trước khi Tết đến, người Nhật sẽ chuẩn bị sẵn những món ăn nguội gọi là Osechi, có khả năng bảo quản trong 7 ngày mà không cần bỏ tủ lạnh. Gốc gác của việc làm Osechi là để sử dụng trong thời gian 1 tuần lễ không nấu nướng để thờ phụng vị thần lửa Kohji. Người Nhật quan niệm rằng thần Kohji sẽ cảm thấy không vui và gây ra tai họa khi người ta nhóm lửa quá sớm vào đầu năm. Thời gian không nấu nướng này cũng sẽ cho các bà nội trợ một khoảng thời gian nghỉ ngơi sau cả năm quần quật nai lưng dưới bếp nấu nướng cho gia đình. Cho tới nay, nhịp sống đã phát triển, người ta ít tự làm Osechi tại nhà, thay vào đó là mua ở siêu thị và các cửa hàng lớn nhỏ.

    [​IMG]
    Một ví dụ về Osechi trong mơ của mọi người dân Nhật.

    Một phong tục không thể thiếu nữa của người Nhật dịp năm mới là gửi thiếp chúc mừng Nengajo tới cho bạn bè người thân. Mỗi tấm thiếp Nengajo đều có in số Seri và có thể sử dụng để tham gia quay số trúng thưởng do nhà nước tổ chức. Người ta đi gửi Nengajo cũng phải căn ke thời gian với bưu điện, bởi nếu đúng thời gian do bưu điện quy định, tấm thiếp sẽ đến tay người nhận vào Mùng 1 Tết, bất kể người đó có ở đâu trên lãnh thổ Nhật Bản đi chăng nữa.

    [​IMG]
    Các tấm thiếp chúc mừng năm mới Nengajo.

    Sau kỳ nghỉ lễ Tết, các cửa hàng, siêu thị bắt đầu mở cửa trở lại phục vụ khách hàng. Ngày mở hàng đầu tiên trong năm của các cửa hàng thường không quan trọng lãi lời, họ bán với mục đích lấy hên mà thôi. Bởi vậy, tại những cửa hàng này sẽ xuất hiện các túi may mắn được gọi là Fukubukuro, trong đó có chứa mặt hàng mà cửa hàng kinh doanh, được bán với giá vô cùng rẻ, thường tổng tất cả món hàng có giá trị gấp đôi số tiền khách bỏ ra mua. Người Nhật thường phải đi từ sáng sớm, xếp hàng để mua được những món hàng giá quá hời ngày đầu năm.

    [​IMG]
    Túi phúc Fukubukuro.

    Nhật Bản cũng có tục lì xì lấy hên, gọi là Otoshidama. Thanh niên, trẻ em dưới 22 tuổi đều có thể được nhận tiền lì xì từ ông bà, cha mẹ, gói trong những bao bì xinh xắn có tên "Pochi Bukuro". Với trẻ em dưới 6 tuổi, tiền lì xì sẽ là khoảng 1.000 yen (hơn 194 nghìn VNĐ), 5.000 yen (973 nghìn VNĐ) cho trẻ từ 6-17 tuổi và 10.000 yen cho người từ 18-22 tuổi (tương đương gần 2 triệu VNĐ).

    [​IMG]
    Rõ ràng, Tết thì của Tây, thế nhưng các phong tục của người Nhật vẫn được giữ nguyên vẹn. Điều này chứng tỏ điều gì? Đó là người Nhật đã biết cách dung hòa văn hóa phương Tây và văn hóa quốc gia một cách tinh tế và khéo léo nhất, hòa nhập chứ không hề hòa tan. Thay vì tận hưởng tới 2 kỳ nghỉ lễ mừng Năm Mới ngay gần nhau, người Nhật chọn cách chỉ ăn Tết một lần chung với thế giới, nhưng vẫn theo phong tục truyền thống văn hóa. Không cần thiết phải chia làm nhiều đợt, chỉ cần một lần thôi nhưng chất lượng, thế là đủ, người Nhật nghĩ thế đấy.

    Theo Lương Hồng Phúc / Trí Thức Trẻ
     
    sannyas60 thích bài này.
  6. sannyas60

    sannyas60 Lớp 8

    Giờ cứ như thời phong kiến bác ạ, có người đã cố gắng nhưng vẫn nghèo, có thằng ngu ngu vẫn phóng xe ô tô vi vu vì nhà bố nó có người làm quan.

    Nghỉ lắm chắc ở Việt Nam ít việc làm. Thanh niên giờ toàn chạy sang nước ngoài làm nhiều lắm, bằng chứng là bạn tôi vừa vượt đèo sang Trung Quốc làm thuê nè, đấy, Trung Quốc đông dân vậy mà người Việt còn chạy sang làm được. Tết ra cái xem tivi là thấy chỗ cửa khẩu sang Lào làm việc đông lắm.
    Haiczzzzzz....Khổ lắm....5cat122
     
    Ngọc Sơn and Heoconmtv like this.
  7. Ngọc Sơn

    Ngọc Sơn Lớp 7

    Ta hay Tây cũng không quan trọng bằng việc nghèo, mà nghèo là yếu, yếu thì phải đi phụ thuộc, phụ thuộc rồi thì chửi này chửi nọ, rồi thì đòi cải cách và thay đổi. Hoá ra, là chạy chạy chạy theo người ta, nhưng thật ra lại là đứng tại chổ mà thôi.
     
    nonolovesu, Heoconmtv and sannyas60 like this.
  8. hanguyen1

    hanguyen1 Lớp 2

    Mình thì nghĩ, chỉ do con người, cách mọi người "ăn" Tết thôi, còn truyền thống thì chẳng có tội gì. Cứ Tết lao vô dọn dẹp nhà cửa thì biết, có không khí lắm chớ bộ. Mệt thì mệt mà vui, cả nhà quây quần, đúng nghĩa là đoàn viên.
     
    Last edited by a moderator: 26/2/16
    tauvequehuong, sannyas60 and fadex like this.
  9. Ngọc Sơn

    Ngọc Sơn Lớp 7

    Thời gian tây mà ăn tết ta thì đúng là mất không khí quá!
     
    viettran_ru and Heoconmtv like this.
  10. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    Chợ Tết

    Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi,
    Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh,
    Trên con đường viền trắng mép đồi xanh,
    Người các ấp tưng bừng ra chợ tết .
    Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc ;
    Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon,
    Vài cụ già chống gậy bước lom khom,
    Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ .
    Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ ,
    Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu ,
    Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau .
    Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa,
    Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa ,
    Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh ,
    Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh .
    Người mua bán ra vào đầy cổng chợ .
    Con trâu đứng vờ rim hai mắt ngủ ,
    Để lắng nghe người khách nói bô bô .
    Anh hàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ ,
    Tìm đến chỗ đông người ngồi giở bán .
    Một thầy khóa gò lưng trên cánh phản ,
    Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân .
    Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm ,
    Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ .
    Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ ,
    Nước thời gian gội tóc trắng phau phau .
    Chú hoa man đầu chít chiếc khăn nâu ,
    Ngồi xếp lại đống vàng trên mặt chiếu .
    Áo cụ lý bị người chen sấn kéo ,
    Khăn trên đầu đang chít cũng bung ra .
    Lũ trẻ con mải ngắm bức tranh gà ,
    Quên cả chị bên đường đang đứng gọi .
    Mấy cô gái ôm nhau cười rũ rượi ,
    Cạnh anh chàng bán pháo dưới cây đa .
    Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha .
    Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết ,
    Con gà trống mào thâm như cục tiết ,
    Một người mua cầm cẳng dốc lên xem .

    Chợ tưng bừng như thế đến gần đêm ,
    Khi chuông tối bên chùa văng vẳng đánh ,
    Trên con đường đi các làng hẻo lánh ,
    Những người quê lũ lượt trở ra về .
    Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê ,
    Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ .

    Đoàn Văn Cừ

    Không khí Tết như bài thơ trên chắc không còn.
     
  11. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    "Có ai chắc được rằng, khi gộp Tết Ta - Tết Tây, thì những mệt mỏi, rườm rà sẽ chấm dứt?"

    "Chúng ta có chắc rằng, khi gộp Tết Ta - Tết Tây, những mệt mỏi đấy sẽ không còn tồn tại? Những bữa liên hoan triền miên cũng sẽ hết? Cuộc chạy đua vật chất, quà cáp sẽ không còn? Và sự lười biếng khi trở lại sau kỳ nghỉ chẳng tồn tại nữa? Tôi không nghĩ như vậy."

    Khi tôi nhớ lại tuổi thơ để tìm một vài kỷ niệm đẹp về Tết, tôi sẽ không nhớ nhiều về những hình ảnh nói cười hạnh phúc giống quảng cáo trên TV. Có lẽ hình ảnh tôi nhớ nhất, sẽ là buổi chiều mùng 1, tôi cùng mấy đứa anh em họ đi khắp các khu phố cổ. Chỉ đi và nói chuyện, trong khi trời rất lạnh và phố phường rất vắng.

    Thỉnh thoảng, vài ba đứa trẻ từ một ngôi nhà nào đó ùa ra, tiếng pháo giấy nổ và những mảnh vụn lấp lánh nhiều màu bay từ từ trong không trung. Đến tận bây giờ, khi phóng xe máy trên những khu phố cổ vào ngày mùng 1, tôi vẫn thoáng như nhìn thấy mình và đám anh em họ ngày nhỏ, đang vừa đi vừa nói cười huyên thuyên khắp một con phố.

    Sẽ thật khó để đưa ra một định nghĩa về Tết với mỗi người. Nhưng tôi nghĩ, chắc chắn khi được hỏi, cảm xúc bạn thích nhất về ngày Tết, hay kỷ niệm đẹp nhất của bạn về Tết là gì, sẽ không phải là những câu chuyện về nhà cửa trang hoàng thật lộng lẫy, hay những bữa cỗ liên miên từ 30 cho đến tận mùng 5, mùng 6, rồi cả rằm, hay những bữa nhậu của bố, của bác. Tết với nhiều người, đơn giản chỉ là cảm giác thích thú khi nhìn hộp mứt Tết với mứt bí, mứt dừa, hay mùi nhang phảng phất vào chiều 30 Tết, thậm chí chỉ đơn giản là cảm giác sum vầy khi cả gia đình cùng ngồi xem Táo Quân.

    Ý kiến cho rằng, chúng ta nên bỏ việc ăn Tết âm lịch và dồn vào kỳ nghỉ Tết dương, thật ra không phải là một quan điểm quá tệ. Mỗi người đều có những sự mệt mỏi rất riêng khi nghĩ đến Tết, với những lối mòn chung được áp lên. Cả gia đình quay quắt những ngày trước Tết với nỗi lo một khoản tiền lớn để đủ chi tiêu trong cả tháng sắp tới. Người phụ nữ mệt nhoài trong suốt cả kỳ nghỉ, với những núi bát đĩa phải rửa và những mâm cỗ cứ nối đuôi nhau từ nhà nội sang nhà ngoại. Ở một câu chuyện to hơn, doanh nghiệp ngao ngán vì cả tháng nghỉ Tết, năng suất lao động sẽ giảm mạnh. Vì rằng ở đây không chỉ là câu chuyện hết Tết rồi ta quay lại làm việc, mà còn là câu chuyện chuẩn bị trước Tết và cả nửa tháng sau Tết với dày đặc những tàn dư cỗ bàn, những hội hè, lễ lạt.

    Tất cả những ức chế, những sự chạy đua về vật chất hay cả những mệt mỏi liên miên biến Tết không còn là một hình ảnh bình yên và dễ chịu trong mỗi chúng ta nữa, mà trở thành một gánh nặng lơ lửng với nhiều gia đình, thành ác mộng với các công ty. Nó lý giải cho việc tại sao, người ta dễ dàng ủng hộ và nhận ra những điểm cộng khi chúng ta bàn nhau việc bỏ nghỉ Tết âm. Tôi thấy mình đồng cảm khi nhớ đến sự ì ạch trong ngày đầu tiên quay lại công sở, sau 9 ngày nghỉ dài đằng đẵng. Và tôi cũng nhớ đến hình ảnh mẹ tôi khi tôi còn nhỏ, đang trăn trở trước tờ hoá đơn siêu thị chi chít chữ sau một buổi sắm Tết cũng đã cố dè xẻn nhiều nhất có thể.

    Nhưng câu chuyện ở đây, nếu nhìn kỹ hơn, chúng ta sẽ thấy Tết không hoàn toàn là nguyên nhân dẫn đến những ức chế này. Chúng ta có chắc rằng, khi thay Tết ta bằng Tết tây, hay gộp 2 Tết làm 1, những mệt mỏi đấy sẽ không còn tồn tại? Những bữa liên hoan triền miên cũng sẽ hết? Cuộc chạy đua vật chất, quà cáp sẽ không còn? Và sự lười biếng khi trở lại sau kỳ nghỉ chẳng tồn tại nữa? Tôi không nghĩ như vậy.

    Một gánh nặng vô hình luôn chờ đợi chúng ta trong mỗi dịp lễ lạt, và nó không tự dưng biến mất ngay cả khi ta tạm bỏ ngày lễ này để thay bằng ngày lễ khác. Có lẽ mọi thứ sẽ gọn gàng hơn, khi chúng ta không còn cái mốc 4 ngày Tết, rồi lễ hóa vàng, rồi ngày rằm nữa. Nhưng sẽ có đến hàng tỉ lý do khác để những cuộc chạy đua, những bữa cỗ bàn liên miên, những người đàn ông nhậu nhẹt say mèm vẫn tiếp tục tồn tại trong mỗi dịp nghỉ lễ dài.

    Và đó không phải là vấn đề của Tết âm hay Tết dương, mà đó là vấn đề của mỗi người trong chúng ta. Nếu bản thân chúng ta thay đổi chính mình, bớt đi những sự sĩ diện, những phô trương vật chất không đáng có, bỏ đi cả những suy nghĩ ăn chơi dầm dề, thì cái Tết - dù là Tết âm hay dương - vẫn sẽ đơn giản là một dịp, để ta đón năm mới, hạnh phúc bên người thân với những khoảnh khắc rất đỗi giản dị mà đáng nhớ.


    Ngay cả khi bạn sợ mất đi những xúc cảm thân quen của Tết, bạn vẫn có thể lạc quan mà nghĩ rằng, những truyền thống đó chắc chắn sẽ không bao giờ phai nhạt, mà chỉ đơn giản là nó diễn ra ở một mốc thời gian khác, không quá xa so với ngày Tết âm lịch. Truyền thống vẫn ở đó nếu bạn giữ gìn nó, chỉ là mọi thứ diễn ra nhẹ nhàng và gọn gàng hơn thôi, có nên chăng?

    Bởi suy cho cùng, như tôi đã viết ở trên, Tết trong mỗi người không hẳn là những ngày ồn ào, tiệc tùng miên man, mà là những khoảnh khắc rất nhỏ mỗi người cất giữ cho riêng mình. Thậm chí đôi khi, chỉ cần một cành đào hé nụ giữa con phố vắng mùa đông, Tết cũng đã ùa về trong lòng…

    Theo D. Nguyễn / Trí Thức Trẻ
     
  12. Văn.Cường

    Văn.Cường Banned

    Thiên hạ cũng lắm kẻ rỗi hơi, Tết cổ truyền dần đã nhạt đi, không cần phải bỏ nó cũng tự phai, vài chục năm nữa thì chỉ làm cho có lệ. Bây giờ mấy ai coi trọng Tết nữa đâu, kiếm tiền là trên hết. Xưa ăn Tết ra rằm, nay ăn Tết hết mồng 3 là hạ lễ roài.
     
    mr.buiduytung and Heoconmtv like this.
  13. tauvequehuong

    tauvequehuong Lớp 10

    Theo như mình nghĩ không có Tết năm nào giống năm nào. Không nên so sánh Tết nay (2016) với Tết thời Đoàn Văn Cừ miêu tả trong thơ. Mỗi thời mỗi khác, sao lại cứ phải ăn chơi Tết như ngày đó? Thử hỏi thời Đoàn Văn Cừ ăn chơi Tết kiểu đó có giống thời trước đó không? :D :D

    Xem các trương trình về văn hóa thì hay gặp các nhà văn hóa, giáo sư này nọ thường khuyến kích người dân giữ truyền thống này kia.
    Mình đơn cử vấn đề ăn mặc. Các vị đó khi khuyến khích người dân ăn mặc như truyền thống tổ tiên mà các vị đó không nhìn lại bản thân. Bản thân thì quần áo kiểu "Tây" có giống tổ tiên đâu mà khuyến khích người dân tộc thiểu số giữ truyền thống.
    Năm nọ mình lên Sa Pa, được thấy nhiều cảnh người dân tộc mà buồn lắm. Một phần vì cái truyền thống mà Sa Pa người dân tộc đang ở rừng, còn vị trí thuận lợi thì người Kinh đang ở.

    Nói về Tết Việt. Thực tế cho thấy Tết đang dần thay đổi do điều kiện kinh tế và giao lưu văn hóa ngày càng dễ tiếp cận. Xưa Tết có ai đi du lịch đâu, giờ có nhiều. Làm chi thì làm, sao cho hạnh phúc là được (Hạnh phúc là có được trạng thái sung sướng vì cảm thấy đã đạt được ý nguyện).

    Cái lệ sau Tết mọi việc thường trì trệ là do luật không chặt nên làm cho người ta ì ạch vậy đó. Tết nghỉ khoảng tuần thì ta cứ cho là chủ nhật tuần đó dài 7 ngày, và rồi hết chủ nhật đó lại là thứ hai. :D :D
     
  14. Văn.Cường

    Văn.Cường Banned

    Mình là cứ trông không có Tết để thoát nạn gói bánh chưng! Nhà 6 đàn ông mà chỉ mình biết gói, may mà năm nay tàu lượn, nên thoát khó! He he.
     
    Heoconmtv thích bài này.
  15. hanguyen1

    hanguyen1 Lớp 2

    Hay bác @tau mở quán xem quẻ dịp Tết? Thể nào tết cũng vui, mà chắc nhiều người hóngcute_smiley26
     
    Heoconmtv thích bài này.
  16. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    Riêng bản thân mình thì Tết năm nay của mình nặng nề quá. Chưa bao giờ không mong có Tết như năm này.

    Thôi cứ như bác @tauvequehuong cứ xem Tết như 7 ngày CN liên tiếp, cứ tận hưởng theo cách của mình vì "cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ".
     
  17. hanguyen1

    hanguyen1 Lớp 2

    Mình thì bị tết 2014, năm đó, tự nhiên thấy Tết ảm đạm và buồn, cứ mong cho mau qua. Đúng là năm đó thật không còn lời nào để mô tả. Nhưng qua đó, mình học được cách nhìn mọi thứ theo phía sáng, nên bây giờ, cái gì đến cũng rất nhẹ nhàng. Rồi bạn @Heoconmtv cũng vậy thôi mà.
     
    Heoconmtv thích bài này.
  18. sannyas60

    sannyas60 Lớp 8

    Hay quá, với mình thì Tết năm 2013 cũng thật đáng nhớ!!!
    5cat1221yoyo23
     
  19. pinoko

    pinoko Lớp 5

    Cái này mình không đồng ý. Nhà mình bây giờ còn ba người nhưng năm nào cũng háo hức tối 28 đi làm về gói bánh , trước tết thì chỉ thấy tối hôm đó là vui nhất
     
  20. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    Em hồn nhiên rồi em sẽ bình yên :D. Nhưng đúng là có những lúc bi quan thật, lúc đó lại đúng dịp Tết mới đau chứ.
     
Moderators: amylee

Chia sẻ trang này