Trà phiếm Cùng đọc và suy ngẫm

Thảo luận trong 'Bàn Trà' bắt đầu bởi pinoko, 27/3/16.

Moderators: amylee
  1. pinoko

    pinoko Lớp 5

    1.KHÓ TÍNH VÀ HÀM HỒ
    Một trưa nọ, trong quán ăn:
    Người phụ nữ ngồi bàn cạnh tôi da rất sáng, dáng rất xinh, trùm hàng hiệu (thiệt) khắp người. Chị đi với hai đứa nhỏ khoảng tám và mười tuổi. Con bé phục vụ bưng khay nước ra, đặt trước mặt chị ly cam. Vừa kê mồm vô ống hút, chị la làng "Trời ơi, tao đã dặn không đường rồi mà, mầy điếc hả con kiaaaaaa?".
    Con bé tái xanh mặt mày, cúi đầu lí nhí gì đó. Ông chủ bước ra nghiến răng trừng mắt rồi đẩy nó vô trong. Ông xin lỗi chị-đẹp và nói sẽ làm ly khác, ông mong chị thông cảm vì con bé dưới quê mới lên. Chị vẫn chưa nguôi cơn giận.
    Thằng con trai chị nhíu mày : "Thôi đi mẹ, đừng chửi nữa, người ta lỡ làm rồi, mẹ uống luôn có sao đâu". Đứa con gái vỗ anh nó "Điếc thì ráng chịu chứ".
    Mình gọi ông chủ quán qua, kêu ông mang ly nước cam ra tui uống cho, chỉ cần thay ống hút khác thôi, chứ để con bé đền tội nghiệp nó. Ông hổng chịu, nói ai làm vậy, kỳ lắm.
    Bữa trưa mất ngon, ráng ăn được vài miếng, đứng lên ra về. Ngoắc con bé phục vụ lại, mình dúi tờ tiền vào tay nó: "Con cầm cái này đền ly nước cam, mai mốt cẩn thận".
    Trước khi quay lưng đi, mình cười chào thằng con trai chị-đẹp,nó khẽ gật đầu. Thật sự ngưỡng mộ anh chàng này nha. Mẹ ảnh như-vậy mà ảnh vẫn được như-thế.
    P/s: Truyện này được anh Chris Le chia sẻ
     
    Chỉnh sửa cuối: 28/3/16
  2. pinoko

    pinoko Lớp 5

    2.VAI KỊCH CUỐI CÙNG
    Có một người diễn viên già đã về hưu và sống độc thân. Mùa hạ năm ấy ông tìm về một làng vắng vẻ ở vùng núi, sống với gia đình người em là giáo viên cấp I trường làng.

    Mỗi buổi chiều, ông thường ra chơi nơi bãi cỏ vắng lặng ngoài thung lũng. Ở đây, chiều nào ông cũng thấy một chú bé ra ngồi đợi đoàn tàu chạy qua thung lũng, trước khi rẽ vào những vách đá đến phía ga trên.

    Chú bé hồi hộp đợi. Đoàn tàu phủ đầy bụi đường với những toa đông đúc hành khách như một thế giới khác lạ, ầm ầm lướt qua thung lũng. Chú bé vụt đứng dậy, háo hức đưa tay vẫy, chỉ mong có một hành khách nào đó vẫy lại chú. Nhưng hành khách - mệt mỏi vì suốt một ngày trên đường- chẳng ai để ý vẫy lại chú bé không quen biết.

    Hôm sau, rồi hôm sau, hôm sau nữa, hôm nào ông già cũng thấy chú bé ra vẫy và vẫn không một hành khách nào vẫy lại. Nhìn nét mặt thất vọng của chú bé, tim người diễn viên già như thắt lại. Ông nghĩ: "Không gì đau lòng bằng việc thấy một em bé thất vọng, đừng để trẻ con mất lòng tin ở đời sống, ở con người."

    Hôm sau, người em thấy ông giở chiếc vali hoá trang ra. Ông dán lên mép một bộ râu giả, đeo kính, mượn ở đâu một chiếc áo veston cũ, mặc vào rồi chống gậy đi. Ông đi nhờ chuyến xe ngựa của trạm, lên tàu đi ngược lên ga trên. Ngồi sát cửa sổ toa tàu, ông thầm nghĩ: " Đây là vai kịch cuối cùng của mình, cũng như nhiều lần nhà hát thường phân cho mình, một vai phụ, một vai rất bình thường, một hành khách giữa bao hành khách đi tàu..."

    Qua cái thung lũng có chú bé đang đứng vẫy, người diễn viên già nhoài người ra, cười, đưa tay vẫy lại chú bé. Ông thấy chú bé mừng cuống quít, nhẩy cẫng lên, đưa cả hai tay vẫy mãi. Con tàu đi xa. Người diễn viên già trào nước mắt cảm động hơn bất cứ một đêm diễn huy hoàng nào ở nhà hát. Đây là vai kịch cuối cùng của ông, một vai phụ, một vai không có lời, một vai không đáng kể nhưng đã làm cho chú bé kia vui sướng, đã đáp lại tâm hồn chú bé và chú sẽ không mất lòng tin ở cuộc đời.
     
    Chỉnh sửa cuối: 28/3/16
  3. pinoko

    pinoko Lớp 5

    3.CÂM
    -"Mày câm đi cho tao nhờ"
    Nó bực tức buông câu chửi rồi lên xe phóng đi. Nó và thằng bạn thân vừa cãi nhau xong, mà chỉ vì một truyện không đâu mới tức chứ. Chỉ cần bạn nó xin lỗi một câu thì...
    Rầm!!! Cái mông nó hôn đất sau khi xe nó tông vào chiếc xe trong ngõ đi ra.Cô bé chủ nhân chiếc xe kia vội dựng chiếc xe lên cho nó rồi mới cúi nhặt mớ đồ rơi tung toé của mình lên.Mặc dù là lỗi của mình nhưng đang sẵn cơn bực , nó liền trút lên đầu cô bé hiền lành kia :"Đi không nhìn đường à, mà câm hay sao nên không biết mở mồm xin lỗi ah". Cô gái ngước lên rồi trả lời nó bằng cái gật đầu đơn giản
     
    Chỉnh sửa cuối: 28/3/16
  4. pinoko

    pinoko Lớp 5

    4.CHUYỆN ANH ĐẸP-TRAI
    Một tối lễ lớn, Sông Mê đầy cứng khách, tôi ra phục vụ. Có anh kia đi với chị kia ngồi cái bàn trong góc tối. Tui chạy mướt mồ (không) hôi nhưng vẫn thoả mãn hết mấy yêu cầu hai ba phút phát sinh một lần của anh. Tới khi anh chuyển qua chương trình thắt bông hồng bằng ống hút, anh lại gọi tui xin vài cái chơi. Mình cũng dạ nhưng xin anh ngồi uống nước đợi thêm chút xíu vì khách đang đông quá, đợi lấy order xong mấy bàn kia rồi sẵn mang xuống lầu, sẽ lấy cho anh. Vậy thôi đó, vậy thôi mà anh giận, anh phun châu nhả ngọc vô mặt tui:
    - Đụ mẹ, phục vụ gì như con cặc.
    (Ê, tôi quý khách lắm nha, quý từng người, nhưng không bao giờ cho phép bất kỳ ai đó nghĩ rằng nếu không có mặt họ, tôi sẽ đóng cửa dẹp tiệm).
    - Nè anh, tự giới thiệu với anh, tôi là chủ ở đây. Vì thấy mấy em nó vất vả quá, nên ra phụ một tay. OK, bỏ tiền ra, anh được quyền khó tính nhưng tuyệt đối không được xúc phạm người khác. Kiếm tiền chân chính thì nghề nào cũng cao quý hết. Chỗ đàn ông với nhau, chia sẻ với anh chút kinh nghiệm há: Anh xúc phạm mấy em nó, chắc là mấy em nó sẽ nhịn thôi; cãi lại anh, chúng sợ mất việc. Nhưng nhớ vầy nè, đừng dồn ai vô đường cùng-ghét anh, chúng có cách làm cho bõ ghét đó. Trên đường mang ly nước cho anh, chúng phun vô đó ít nước bọt, chẳng hạn, anh đâu có biết, đúng không ?
    Ảnh đực mặt ra, mình tặng thêm một câu trước khi làm việc tiếp:
    - Khó tánh thì được nhưng hàm hồ thì không, nhớ đó
    P/s: Lại một truyện của anh Chris Le
     
    Chỉnh sửa cuối: 28/3/16
  5. pinoko

    pinoko Lớp 5

    5.KHI CHẾT TA SẼ RA SAO
    Trong những ngày vào với đứa em gái đang điều trị trong bệnh viện Ung Bướu, tui quen bạn này.
    Bạn tên Đức (tự giới thiệu rằng "Mai lem i xờ Đức. Quát do lem?"). Bảy tuổi nhưng đẹt chét.
    Quê bạn ngoài Bắc nhưng vào lập nghiệp trong Đắk Lắk. Mới tám tháng, người ta phát hiện bạn bị ung thư võng mạc. Cố gắng lắm nhưng một năm sau, cũng đành múc bỏ mắt. Gia đình kiệt quệ, ba bạn bỏ đi. Rồi không lâu sau, mẹ bạn cũng lấy chồng, bỏ bạn lại cho bà ngoại. Đã năm năm rồi, cứ ba tháng, hai bà cháu nắm níu nhau vô đây. Mỗi lần vô, ở một tháng, ăn cơm từ thiện, cũng có khi chiều chiều lấy ít vé số đi bán, rất vui vẻ.
    Đức rành cái bệnh viện này chắc không kém bảo vệ. Nhìn từ xa, thấy em, không ai nghĩ em hổng thấy đường đâu. "Nhà" em trên lầu hai, khoa Nhi, nhưng hai bà cháu thường xuống trải chiếu ngủ dưới hành lang lầu một Hồi Sức này, vì dưới đây thoáng, sạch và vắng hơn. Vừa ra khỏi phòng nhỏ em, thấy bạn nhỏ vừa te te đi dọc hành lang vừa réo "Cô bác ơi, đến giờ đọc kinh rồi". (Trong này, mỗi tối đều có mấy nhóm thiện nguyện vào đọc kinh Phật, kinh Thánh cùng bệnh nhân,thật hay quá). Đi qua trước mặt tui, em dừng lại hít lấy hít để rồi xuýt xoa "Ai mà thơm thế?".
    Tui ngồi xuống :
    -Là chú đây.
    - Con thích ai thơm lắm. Chú mới vào đây à? Con nghe mùi này lạ lắm.
    - Cũng ba bốn ngày rồi nhưng mình chưa có dịp gặp.
    - Thảo nào !
    Và sau đó là làm quen, như đã kể.
    Rồi tâm sự nhiều điều nữa.
    Đức nhỏ như trẻ lên bốn nhưng lanh lợi và rành rẽ mọi chuyện, và rất khôi hài.
    Ôm ấp hun hít sờ mó tui đã đời, em phát hiện chiếc đồng hồ to trên tay. Rồi biểu: Con thích đồng hồ to lắm !
    - Được rồi, ngày mai con sẽ có.
    - Chắc chắn nhé chú. Nhiều người vào thăm hứa nhiều lắm, mà chẳng thấy.
    - Con yên tâm đi.
    Em ngước lên, nhìn tui bằng đôi mắt sâu hoắm, và cười.
    Thật ra thì bệnh em đã di căn lên não rồi, chắc không còn lâu nữa. Tui đã cố gắng hỏi bà ngoại em thật khéo nhưng em giành trả lời, rành mạch và nhẹ nhàng,
    - Con sống được tới giờ là may rồi chú à. Con không sợ chết đâu, nhưng hình như bà con sợ. Sợ vậy mà bà mắng con cả ngày.
    - Vì con nghịch quá mà.
    - Vâng, chắc thế. Hê hê. À, chú ơi, mình chết là mình sẽ tan rã ra phải không chú?
    Tui kéo em vào lòng mình,
    - Không, không phải vậy. Là mình sẽ sống một cuộc đời khác, vui hơn, ở một nơi đẹp hơn, có nhiều đồng hồ và đồ chơi hơn, và cũng không bị đau đầu nữa.
    - Thích thế?

    Hôm 17/3, chợt hay tin Đức đã sống-một-cuộc-đời-khác. Buông điện thoại, nằm bẹp xuống giường. Cái gì phải đến, đã đến. Vẫn biết đây là một cuộc giải thoát nhưng sao vẫn khó tránh khỏi cảm giác mất-một-người-thân.
    P/s: Cảm ơn anh Chris Le đã chia sẻ câu chuyện đầy cảm xúc này
     
    Chỉnh sửa cuối: 28/3/16
  6. pinoko

    pinoko Lớp 5

    6.XIN CHO TÔI NGUYÊN VẸN HÌNH HÀI
    Ngày xưa, trong cuộc nội chiến da vàng, Trịnh Công Sơn và Khánh Ly cất tiếng đàn tiếng hát rêu rao những mơ ước nhỏ nhoi của phận người qua ca khúc Xin Cho Tôi.
    Hôm nay, sau hơn bốn mươi năm hoà bình, thật xót xa, những mơ ước hay lời cầu xin của chúng ta lại nhỏ nhoi hơn cả vậy. Chúng ta không dám xin-mây-che-đủ-phận-mình, chẳng mong một-sáng-trời-vui, càng không mộng tưởng được đến-tận-nụ-cười hay một giấc-ngủ-thật-hiền-cho-quê-hương.
    Bước ra khỏi cửa nhà, hàng trăm hiểm nguy rình rập chực chờ trút lên đầu, ta hoang mang không biết mạng sống mình có vẹn toàn trước chiếc xe container, cạnh một vụ nổ long trời, dưới tàng cây mục ruỗng, trên miệng cống như miệng huyệt được ẩn giấu dưới hơn nửa thước nước đen tràn; ta dè chừng tất cả đồng loại trên phố bởi làm sao biết ai trong số ấy sẽ chém lìa cánh tay, để lại dăm ba vết dao trên lưng hay trộn lẫn mặt ta với mặt đường vì chiếc xe máy, con điện thoại hay cái túi xách; ta tần ngần trước phần thức ăn bày ra trước mặt, không biết lấp ló trong này là những hoá chất gì, không biết rồi ung thư bao giờ sẽ ngoắc tay làm bạn, tặng cho ta vài khối u xa hình ảnh con người hay lấy đi mái tóc hãy còn xanh. Tất thảy những hoang mang, dè chừng hay tần ngần ấy theo ta mỗi ngày, khắng khít đến nỗi chẳng còn đâu chút bình yên mà mỗi sáng, mở cửa sổ, ngẩng đầu thảnh thơi mà xin-cho-chim-góp-nhạc-về-trời.
    Thành thử, lướt qua những ước mơ xa vời ấy, ta chỉ xin, xin mỗi một điều,
    XIN CHO TÔI NGUYÊN VẸN HÌNH HÀI.
     
    Chỉnh sửa cuối: 28/3/16
    kameroco and Văn.Cường like this.
  7. pinoko

    pinoko Lớp 5

    7.GIA ĐÌNH CHƯA TỪNG LÀ GIA ĐÌNH
    Cuộc gọi lạ lúc nửa đêm về sáng:
    - Em chào anh Hải, em là Q, bạn của chị T. Em có xem mấy bức tranh của anh trên facebook nên em xin chị số của anh. Em xin lỗi đã gọi anh lúc khuya khoắc như vầy nhưng biết được anh, em ngồi đọc trang của anh suốt từ tối tới giờ, em mừng lắm. Em làm gan gọi để nhờ anh một việc.
    (Trời, vụ gì đây? Con mẹ T. này sao cho số mà không hỏi mình? Sao lắc lơ như vầy mà có thằng nào trên trời rớt xuống nhờ vả nữa?). Nhưng vì phép lịch sự khi đã lỡ bắt phone, tôi ậm ừ:
    - Em nói đi.
    - Dạ, cám ơn anh. Em muốn nhờ anh vẽ chân dung một người.
    - Ai?
    - Một người em chưa từng biết mặt nhưng em vẫn gặp mỗi đêm trong chiêm bao của mình.
    Má ơi, ca này nặng quá rồi. Tôi đã bốc hơi hết kiên nhẫn:
    - Xin lỗi em, tôi không có thời gian và không thích vẽ chân dung, càng không khi đó là chân dung một người thậm chí cả em cũng chỉ thấy trong mơ.
    - Anh ơi, anh chịu khó nghe em nói chút xíu đi.
    Như sợ tôi cúp máy, cậu ấy lắp bắp tiếp lời:
    - Em cũng mới ra trường, công việc chỉ đủ sống nhưng em ráng nhịn ăn nhịn mặc để dành tiền. Có được một chút là em đi tìm họa sĩ nhờ họ vẽ, họ ăn cũng mắc lắm nhưng hổng ai vẽ giống hết.
    - Trời, có thánh mới vẽ giống được cái kiểu em yêu cầu. Em nói họ ăn mắc, vậy em có biết giá tranh của tôi không?
    - Dạ có. Mắc gấp cả chục lần, em biết. Nhưng em có đọc những status của anh, ít nhiều biết tính anh nên em mới làm liều, nhờ đại. Anh biết không, em muốn nhờ anh vẽ...ba của mình.
    - Sao? Em nói sao?
    - Dạ, vẽ ba em. Em sinh ra đã không biết mặt ba, thậm chí không biết ông ta là ai nhưng mơ ước lớn nhất của em là có được tấm hình của ông treo trong phòng, kế bên hình mẹ và em để giống như tự đánh lừa là mình có đầy đủ ba mẹ vậy đó anh. Nhưng chuyện đó không thể nên em muốn có bức tranh vẽ chân dung ông treo cũng mừng rồi anh.
    Tôi thực sự bị cuốn vào câu chuyện, rung cảm và xót xa cho cái "tự đánh lừa mình" của em nên có phần nhẹ giọng:
    - Em nói tiếp đi.
    - Dạ, chắc do nhớ mong và muốn được gặp ông quá nên ngủ mơ, em thấy ông hoài, thấy rõ lắm. Hình như em giống ba.
    Nhiều câu hỏi mọc ra trong đầu nhưng tôi tế nhị không hỏi căn nguyên, chỉ:
    - Vậy những họa sĩ khác họ vẽ thế nào?
    - Không giống anh ơi, dù rằng em tả rất kỹ lưỡng.
    - Yêu cầu của em khó quá mà. Vậy sao em không nhờ mẹ em tả, có lẽ sẽ dễ hơn?
    Và sau khi nhận được câu trả lời của em, tôi ước mình đã chưa từng vô tâm thốt ra câu hỏi đó, cái câu cay độc nhất tôi đã từng hỏi một người lạ. Bởi em, dù muốn dù không, cũng phải ấp úng:
    - Mẹ em vô chùa tu năm sáu năm rồi, lúc em còn đang học cấp ba. Bây giờ mẹ em đãng trí lắm. Mà nếu trí nhớ tốt, chắc mẹ cũng hổng biết ba em là ai đâu. Vì hồi đó, mẹ em...làm gái.
    Trời ơi...
    - Em ơi, anh xin lỗi, anh rất là xin lỗi...
    - Dạ không sao đâu anh.
    - Thôi đừng buồn nhiều em, không ai có thể lựa chọn cách mình được sinh ra. Anh chỉ biết nói vậy thôi. Bây giờ vầy, anh không hứa là sẽ vẽ giống hình ảnh ba em trong giấc mơ nhưng anh nhận lời. Và anh sẽ cố gắng.
    - Dạ em cám ơn anh nhiều lắm, em mừng quá...
    - Nhưng anh sẽ vẽ một bức tranh có đầy đủ cả gia đình em.
    Một gia đình chưa bao giờ từng-là-gia-đình.
     
    Chỉnh sửa cuối: 28/3/16
  8. pinoko

    pinoko Lớp 5

    8.HỔNG ĐỂ LÀM GÌ
    Bạn hỏi "Sao tiếp xúc với người miền nào, mầy cũng dùng từ của họ hết vậy? Tại sao mầy phải thay đổi? Bản sắc Nam bộ thường khi của mầy đâu?"
    _Bản sắc mẹ gì mầy ơi. Là tao đang tôn trọng người tao tiếp xúc đó thôi.
    Trên trang cá nhân của tôi, đôi khi bạn nói chuyện bằng phương ngữ của mình, tôi cũng trả lời bằng phương ngữ của bạn.
    Mời bạn miền Tây tới nhà ăn cơm, tôi nêm nhiều đường vào thức ăn, dù không thích ngọt.
    Đến thăm những người đang lây lất những ngày cuối đời, tôi ngồi xuống ăn cơm cùng họ.
    Đưa thằng bạn quê vô nhà hàng hải sản, nó bưng chén trà chanh rửa tay lên húp, tôi cũng húp theo.
    Mấy bạn nhân viên đang ăn dĩa trái cây thừa của khách ngại ngùng khi thấy tôi bước vào. Tôi xin một miếng ăn cùng.
    Thấy các bạn mang giày dơ quá, tôi biểu tháo ra tôi đánh cho. Kêu cô cháu gái đến phụ lau trước mười mấy đôi giày, tui rỉ rả vào tai cô: "Người ta phụ mình trong công việc thì mình làm gì đó để giúp lại người ta là chuyện công bằng, nghe con."
    Hai cô tạp vụ của Sông Mê nghỉ phép cùng lúc. Cậu quản lý muốn tìm một ai đó làm thay, tôi ngăn: "Dù mình có trả thêm tiền thì cũng không nên em à, những người còn lại nhận lương để làm những công việc khác". Và người chà rửa toilet hôm đó là tui. Nhưng khi qua toilet nữ lau dọn, tôi có nhờ cậu ấy đứng ngoài trông chừng giúp. Vì cũng ngại khách thấy.
    Những điều ấy tôi không cố gắng tập tành hoặc thể hiện. Đến một lúc nào đó, người ta sẽ trở nên vậy, tự nhiên như thở.
    Học Phật ba kiếp nữa, tôi chắc mình cũng khó thể đạt tới cảnh giới của một con-người-vô-ngã. Khoe những điều này chỉ để thấy rằng tôi đã đi đúng trên con đường dẫn về Kushinagar, từng bước một.
    Nhưng thật ra, trước khi tiếp xúc với tôn giáo này, trước khi được hành hương đến đó, tôi đã được nhìn thấy cách người ta xem-mình-như-đất. Là cách của nội và ba.
    Và thường nghe hai con người ấy dạy rằng: Hơn người ta, cũng hổng để làm gì.
     
    Chỉnh sửa cuối: 28/3/16
    w_galois, kameroco and Văn.Cường like this.
  9. pinoko

    pinoko Lớp 5

    9.DẠY CON TRẺ (1)

    Một trưa đi học về, cô cháu gái tui bước vô nhà với đôi bàn chân đất. Hỏi giày dép đâu, cháu biểu cho bạn rồi, nhà bạn nghèo lắm.
    Nói thiệt, nghe cháu thưa vậy, cha con tui rất mừng nhưng vẫn chỉnh đốn:
    _Tặng bạn vậy là tốt nhưng hay nhất là con nên về xin phép ông ngoại rồi sáng mai chà rửa sạch sẽ mang vô cho bạn vì đó là món đồ của ông ngoại mua cho con. Như vậy con cũng không phải đi chân đất, con là con gái mà.
    _Dạ con xin lỗi, con biết chứ. Nhưng nhà bạn xa lắm, ở trong đồng lận, bữa nay dép bạn đứt rồi. Nhà mình thì sát trường. Với lại con biết xin thế nào ông ngoại với cậu cũng cho hà.
    Chuyện mười mấy năm rồi, khi đó cháu bảy tuổi. Hôm nay kể lại đây vì vừa chứng kiến cái này: Một thằng bé được mẹ dắt tay ngang qua bà cụ ăn mày, nó cứ chằm chằm nhìn bà rồi xin tiền mẹ mình. Mẹ nó lôi đi: "Cái thân mầy lo còn chưa xong nữa kìa".
    Cháu tui, thằng bé hay bất kỳ đứa trẻ nào cũng đều đáng yêu nhưng sau này khi thành người lớn, cách chúng yêu thương và chia sẻ sẽ được quyết định bởi...nếp nhà.
    Tiền bạc, tài năng và tri thức có thể giúp bạn được nể, nhưng tấm lòng mới làm người ta trọng.
     
    Chỉnh sửa cuối: 2/4/16
    w_galois, Caravan, hon.thui and 2 others like this.
  10. pinoko

    pinoko Lớp 5

    11.GIÁ CỦA MỘT ƯỚC
    Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo với 6 người anh và 3 người chị. Mơ ước của tôi là thể thao. Đến năm 16 tuổi, tôi chơi bóng chày rất tốt và tôi rất mê môn này. Huấn luyện viên bóng chày ở trường tôi là thầy Ollie, thầy không những tin tưởng tôi mà còn dạy tôi tin tưởng ở chính mình.

    Vào mùa hè năm tôi lên lớp 12, một người bạn giới thiệu cho tôi công việc làm thêm. Tức là một cơ hội để tôi có tiền trong túi(thứ mà tôi rất hiếm khi có), có tiền mua một chiếc xe đạp và bắt đầu một khoản tiết kiệm để mua nhà cho mẹ. Tương lai của công việc làm thêm thật rực rỡ và tôi muốn bắt đầu ngay tức khắc. Nhưng sau một tuần tính toán, tôi nhận ra rằng, để bắt đầu làm thêm thì tôi phải ngưng hoàn toàn những buổi tập bóng chày ở trường vì lịch tập trùng với lịch làm thêm.

    Khi tôi nói với thầy Ollie về việc này, thầy nổi cáu, đúng với những gì tôi đoán trước:

    - Em có cả cuộc đời để làm việc- thầy quát tôi- nhưng những ngày chơi bóng chày thì không có nhiều! Em không thể bỏ phí như thế được!

    Tôi đứng trước thầy, cúi gầm mặt, cố nghĩ ra cách giải thích cho thầy rằng tôi cần có tiền trong túi và tôi cần mua nhà cho mẹ, và thầy có thất vọng về tôi thì tôi cũng phải chịu.

    - Công việc đó được trả công thế nào hả con trai?- Cuối cùng thì thầy cũng dịu giọng.

    - Ba đôla một giờ ạ! Tôi lúng túng.

    - Được- Thầy Ollie giọng kiên quyết– Có phải 3 đôla một giờ là cái giá của ước mơ không?

    Câu hỏi đó, chính sự đơn giản của nó– đã cho tôi thấy sự khác nhau giữa việc muốn một thứ gì đó tức thời và việc có một mục đích lâu dài. Tôi đã quyết định không đi làm thêm mà bỏ toàn bộ mùa hè để chơi thể thao.

    Trong vòng một năm, tôi kí được một hợp đồng trị giá 20.000 đôla cho đội Pittsburgh Pirates, rồi còn đạt được học bổng thể thao của trường đại học Arizona. Năm 1984, tôi ký hợp đồng với Denver Broncos trị giá 1,7 triệu đôla và đã hoàn thành được cả ước mơ mua cho mẹ tôi một ngôi nhà.

    Rickey.C.Hunley
     
    Chỉnh sửa cuối: 28/3/16
  11. pinoko

    pinoko Lớp 5

    12.CHUYỆN BUỔI SÁNG
    Sáng chủ nhật đẹp trời, thằng em rủ thức sớm ra cà phê Bệt. Ừ, thì đi, cũng lâu lắm rồi.
    Đang gặm ổ bánh mì, chàng trai trẻ bưng một rổ đầy đậu phộng luộc đến mời. Ừ, thì mua.
    Anh chàng vừa quay đi, tui nghe sau lưng lời van nài "Thôi mà anh, em khổ lắm, sáng giờ mới bán được hai lon cho anh này, tha cho em lần này thôi". Quay lưng lại, thì ra anh đậu bị hai anh trật tự phường tịch thu cái rổ.
    Anh trật tự lớn lạnh lùng ôm cái rổ của anh đậu phộng tội nghiệp đặt lên chiếc xe công vụ. Anh quay sang cầu cứu anh trật tự trẻ, anh này cũng quay đi.
    Vậy là tất cả vốn liếng đã không còn, thấy anh đứng buông tay thẫn thờ, tui gọi lại "Thôi đi anh, không trách người ta được, người ta làm nhiệm vụ của mình mà. Tiền vốn rổ đậu đó bao nhiêu, anh cho tui phụ anh để anh về lấy cái khác đi bán chỗ khác nghe".
    Mắt anh sáng hơn.
    Vừa xong cuộc chia sẻ, anh trật tự trẻ bước đến trước mặt chúng tôi, khom xuống nói nhỏ với anh đậu phộng:
    _Ông kia đi rồi, anh lấy mấy cái bịch ra hốt đậu phộng lại đi, tui chỉ giữ cái rổ thôi. Lẹ đi, để ổng quay lại tui bị chửi chết.
    Anh đậu phộng cuống cuồng chạy lại chiếc xe, suýt vấp té.
    Cầm mấy bịch lớn đậu phộng quay lại chỗ tui, anh thẻ thọt "Cho em gởi lại anh đi, em thích được vầy hơn, để khỏi mắc nợ anh".
    _Vậy cầm một ít mua cái rổ mới đi.
    _Dạ được rồi anh, có mấy chục hà, em có. Cám ơn anh nhiều lắm nghe.
    Đứng dậy phủi đít ra về, tui tới cám ơn anh trật tự trẻ.
    _Ủa, cám ơn em chuyện gì vậy anh?
    Tui chỉ cười, và quay đi.
    Ừ, chuyện sáng nay chỉ có vậy thôi hà
     
    Chỉnh sửa cuối: 28/3/16
  12. pinoko

    pinoko Lớp 5

    13.MÓN QUÀ GIÁNG SINH
    Vào ngày Giáng Sinh, Paul nhận được món quà từ người anh cuả mình. Đó là một chiếc ô tô. Chiều hôm đó, khi Paul từ văn phòng bước ra thì anh nhìn thấy một chú bé cứ đi vòng quanh chiếc xe mới sáng loáng cuả mình mà ngắm nghía. Khi thấy Paul tiến lại gần, cậu bé liền hỏi:

    Đây là chiếc xe cuả chú hả?

    Paul gật đầu. Đó là món quà Giáng Sinh mà tôi đã nhận từ người anh trai cuả mình đấy?

    Cậu bé thật kinh ngạc: Ý chú là anh trai đã tặng nó cho chú và chú không mất đồng nào cả? Cháu ước gì mình... cậu bé ngập ngừng.

    Paul nghĩ mình biết cậu bé muốn ước điều gì, chắc cậu bé ước gì mình có được người anh như thế. Nhưng không phải như vậy

    Cháu ước, cậu bé nói, Cháu có thể trở thành một người anh như thế!

    Paul nhìn cậu bé với ánh mắt ngạc nhiên.

    Và thật bất ngờ, Paul đề nghị: Cháu có thích đi dạo một vòng trên chiếc xe này không? Ồ vâng, cháu rất thích. Sau khi đi được một quãng, cậu bé quay về phía Paul với ánh mắt rạng ngời:

    Thưa chú, chú có thể chở cháu về nhà một chút được không?

    Paul mỉm cười, anh nghĩ chắc cậu bé muốn cho hàng xóm thấy mình đã về nhà trên một chiếc xe đẹp như thế này đây mà. Nhưng một lần nữa Paul lại nhầm lẫn.

    Ngôi nhà có những bậc thểm kia kià chú! cậu bé chỉ.

    Khi xe dừng lại, cậu bé nói Paul chờ cậu một chút rồi vội chạy vào nhà. Chẳng bao lâu sau đó, Paul thấy cậu ta đi ra, tay bế cậu em nhỏ bị liệt đôi chân.

    Cậu ngồi xuống bậc thềm cuối cùng, và chỉ vào chiếc xe mà nói: Chiếc xe này đấy, Buddy, nó giống như lời anh kể chứ?

    Cậu bé ngừng một chút rồi nói: Anh trai cuả chú ấy đã tặng nó cho chú nhân dịp Giáng Sinh. Và một ngày nào đấy, anh cũng sẽ mua cho em một chiếc như vậy. Khi ngồi trên đó, em sẽ có thể ngắm được những cảnh đẹp cuả thành phố trong đêm Noel.

    Paul mở cửa xe và bế cậu em lên xe, rồi cả ba bắt đầu cuộc dạo phố, ngắm cảnh nhộn nhịp cuả thành phố đêm Giáng Sinh.

    Giáng Sinh năm ấy, bên cạnh món quà vật chất nhận được từ người anh trai cuả mình, Paul còn nhận được một món quà từ cuộc sống - đó là bài học: Cho đôi khi còn hạnh phúc hơn cả nhận.
     
    w_galois, Caravan, hon.thui and 2 others like this.
  13. pinoko

    pinoko Lớp 5

    14.BẠN MỚI
    Ra nhà bạn ăn chực bữa tối, về, thấy vẫn còn sớm, tui đi dạo công viên, và làm quen được một người bạn.
    Bạn bán vé số, mười hai tuổi.
    Thấy tui đang ngồi cầm điện thoại, bạn tới mời. Tui vừa "Chú không mua đâu con ơi" vừa ngẩng lên. Nhưng nhìn vào gương mặt hiền lành cùng ánh mắt khẩn cầu của bạn.
    -Thôi đưa đây, chú mua cho.
    - Con còn chín tờ, hông giống nhau mà số cũng hơi xấu, bán hoài chẳng được, chú mua hết giùm con đi. Bữa nay con mệt quá, đi hổng nổi nữa.
    - Ừ, để chú mua. Mệt thì ngồi xuống nghỉ chút đi.
    Tui đưa chai nước cho em:
    - Nè, uống đi. Hồi nãy chú rót ra chai chứ chưa kê miệng vô đâu. Quê con ở Phú Yên phải hôn?
    - Dạ, sao chú biết hay vậy?
    - Chú nghe giọng.
    Nghỉ hè chuẩn bị vô lớp bốn, ba em dắt vào Saigon gởi đại lý vé số, rồi về. Vậy là em phải nghỉ học và buôn bán được cũng ba năm rồi.
    - Mỗi ngày con bán được bao nhiêu?
    - Dạ cỡ trăm rưỡi tờ. Nhưng chủ nuôi ăn ở nên mỗi tờ con lời được có một ngàn thôi.
    - Vậy một tháng được bốn triệu rưỡi?
    - Dạ, tệ lắm cũng bốn triệu. Có tháng hơn. Năm giờ sáng con đi rồi, chín mười giờ đêm mới về. Con hông nghỉ bữa nào hết.
    - Giỏi quá, nhiều người lớn kiếm tiền không bằng con đó nghe. Rồi con có gởi tiền về quê hôn?
    - Dạ có chứ, tháng nào chủ cũng gởi giùm con, con chỉ giữ lại năm trăm ngàn mỗi tháng để tết về quê thôi, mà cũng mua bánh trái với quần áo cho ba má với hai đứa em thôi hà, con không có xài riêng.
    - Vậy là mỗi tháng con gởi về quê gần bốn triệu?
    - Dạ.
    Nhà em ngoài quê không có đất, ba má đi làm mướn bữa đực bữa cái nhưng em khoe, so với xung quanh, nhà em hổng đến nỗi. Hai đứa em, đứa chín đứa bảy, học giỏi lắm. Năm ngoái, ba em mới xây được tường cho cái nhà trước.
    - Là nhờ con hết đúng hông?
    Em cười.
    Nói về hai đứa em, mặt em sáng rỡ. Em kể tối nào ngoài nhà em cũng nhắn tin vô hỏi thăm.
    - Chú biết hôn, chủ cho ăn cực lắm nhưng lúc nào kể với ba má, con cũng nói được ăn ngon...
    Trời ơi, mười hai tuổi...
    - Con có thèm ăn gì không?
    - Thèm đủ thứ hết chú ơi, nhưng con hổng dám xài đồng nào hết nên nhịn. Hê hê
    - Nhưng con thèm gì nhứt?
    - Dạ hủ tíu.
    - Tưởng gì. Bên kia đường có tiệm hủ tíu ngon lắm. Chú cũng đang đói, hay chú cháu mình đi ăn luôn nghe. Chú mời nghe.
    Em ngập ngừng rồi cũng dạ. Em ăn ngon lắm. Ăn xong, uống thêm được ly sinh tố dâu nữa.
    - Con mới được uống sinh tố dâu lần đầu. Dâu có mắc hôn chú? Để tết con mua một ít về xay có hai đứa em uống cho biết... Ờ mà quên, cái này xay bằng máy mà...
    - Có bao giờ con được một ai đó nói rằng họ kính trọng con chưa?
    - Chú nói gì con hông hiểu?
    - Ừ thôi đi. Hai đứa em con thiệt có phước khi có người anh như con.
    - Con hứa sẽ nuôi tụi nó học tới đại học luôn đó chú...
    Nhìn qua bên kia đường, có cái tiệm to vật vã căng băng-rôn đỏ vàng, là thời trang giá sốc gì đó, tui dắt tay em qua, lựa cho hai cái áo. Chỉ có 60 ngàn mỗi cái mà em kêu trời, để con để dành tết về quê mặc, đi bán mặc áo đẹp phí lắm.
    - Nhưng chú ơi, chú cho con về cho thằng bạn con một cái nghe. Nó ở xóm con ngoài quê, bạn con hồi nhỏ, nhà nó còn khổ hơn nhà con, nó hổng có ba. Nó mới vô. Tuần rồi nó mới bị giựt cả triệu vé số. Mà con có phụ nó năm trăm đền cho chủ rồi...
    Tự nhiên tui muốn gặp ba mẹ em, để nói cho họ biết rằng họ có thằng con đáng kính biết chừng nào.
     
    Chỉnh sửa cuối: 29/3/16
  14. Văn.Cường

    Văn.Cường Banned

    Nhiều chuyện hay, sao không tập hợp lai rồi làm ebook?
     
  15. pinoko

    pinoko Lớp 5

    15.DẠY CON TRẺ (2)
    Mới lúc nãy, ở Family mart trước nhà.
    Đói, tôi lết đi kiếm thứ bỏ bụng. Đang làm một cuộc đắn đo trước quầy thức ăn, nhìn qua bên cạnh, thấy một thằng nhóc núp sau lưng mẹ đang móc bao xì lì ra đếm, đâu đó cũng chục tờ một đô. Thằng nhỏ sáng sủa và dễ thương khủng khiếp. Tôi bắt chuyện, khen sướng nha, được lì xì sớm nha, mà toàn tiền đô không nữa chứ. Nó cười hãnh diện. Tôi được nước làm tới:
    _Chú đói bụng quá mà hết tiền rồi. Con cho chú một tờ được hôn?
    Nó nhìn thẳng vào mắt tôi, cúi đầu nhìn xấp tiền rồi ngước lên nhìn mẹ mình, đặt một câu hỏi bằng ánh mắt.
    Mẹ nó, một người đàn bà đẹp nền nã, khom xuống:
    _Tiền đó của con mà.
    Và không mất thêm một giây đắn đo nào, nó rạng rỡ đưa tôi một tờ và hỏi thêm với một tờ ấy, tôi ăn có no không.
    Đợi hai mẹ con mua xong, thằng nhỏ tung tẩy chạy ra trước, tôi níu mẹ nó trả lại tiền. Chị cười:
    _Không em ơi, chị biết em đùa nhưng đó là bữa ăn của cháu tặng em, em cứ giữ.
    Tác giả: Chris Le
     
  16. pinoko

    pinoko Lớp 5

    16.PHÉP LỊCH SỰ
    Hôm bữa có việc phải vào bệnh viện Ung Bướu, ngột ngạt, quay cuồng, chóng mặt, hoang mang nên chiều, quyết định vô công viên Lê Thị Riêng dạo mát, hít thở một chút.
    Sà xuống hàng nước ven bờ hồ, bạn Hải kêu ly đá me (7 ngàn, đá nhiều hơn me) rồi ngồi ngắm trời mây và xem câu cá. Ta nói, bình yên như Níp Bàn. Chợt giật mình bởi tiếng đàn ông phát qua loa: "Alo alo, xin mọi người rút cần lên để chúng tôi chuẩn bị cho cuộc thi câu. Xin bà con ngồi quanh bờ hồ không gác chân lên dây xích".
    Là vầy, là quanh bờ hồ, có mấy dây xích sắt thòng thòng bảo vệ. Chắc ban tổ chức sợ dân tình gác chân đòng đưa làm cá sợ.
    Mọi người nghiêm chỉnh chấp hành, trừ hai cô gái ngồi xa xa mà bạn Hải không thấy rõ mặt. Loa lại vang lên:
    - Hai cô gái ơi, bỏ chân xuống giùm đi.
    Ngọt ngào thấy ớn.
    Nhưng không hiệu quả nên lần này, anh-tổ-chức rắc thêm chút đường vô miệng loa:
    - Hai em gái xinh đẹp ơi, bỏ chân xuống giùm đi.
    Tâm lý thấy sợ.
    Nhìn hai cô, bạn Hải hơi hoang mang. Chẳng lẽ điếc đều sao ta? Nhưng anh-tổ-chức không nghĩ vậy. Và có lẽ anh cũng hết vốn mỹ từ, hết đường, hết luôn kiên nhẫn nên buông microphone xuống, anh khép hai tay trước miệng làm loa:
    - Bỏ chân xuống, hai con đĩ chó.
    Nói thiệt, bạn Hải muốn lao sang...xin chữ ký anh gì đâu á. Lời ngọt ngào, anh phát loa; khi văng tục, anh nói nhỏ-Lịch sự thế còn gì.
     
    hon.thui and dragonking91 like this.
  17. pinoko

    pinoko Lớp 5

    17.VIẾT CHO BA
    Mười bảy năm trước, cái đêm trước ngày bước chân ra đời, con nằm ôm ba thẽ thọt "Ba nuôi con 17 năm, con sẽ nuôi lại ba 17 năm, huề nghen". Ba cười.
    Nghĩ lại con hối hận ghê, sao con ngu khờ mà dùng chữ "nuôi lại" vậy ta? Sao con chỉ xin có 17 năm vậy ta?
    Mà trong vòng tay ấp yêu của ba, con ngu khờ cũng phải thôi. Nhưng sau đó chỉ một ngày, con khôn ra ngay ba ơi. Phải khôn ra để biết nói dối chú thím buổi chiều vẫn phải đi học, để bớt làm việc nhà, để xin chân bán hàng cho một tiệm đồng hồ cũ và đồ cổ ngoài Đồng Khởi khi mới đặt chân lên Saigon mười ngày. Phải khôn để biết nói thách để chủ cho thêm chút tiền thưởng ngoài lương.
    Rồi chỉ một tháng sau đêm hứa hẹn đó, cầm bảy trăm ngàn đầu tiên trong đời, con phóc ngay lên một chuyến xe khuya, háo hức về quê. Bước vô ôm ba ngủ được một chút, ba phải dậy ra bến xe. Con cản: "Bữa nay ba nằm ngủ tới sáng một bữa cho đã đi". Ba hổng chịu: "Rồi tiền đâu mai đi chợ, con?"
    _Mai để con đi cho.
    Vậy mà ba vẫn đi. Đi tới gần 7 giờ sáng về đã thấy thằng con đứng đợi trước cửa. Bước tới nắm hai tay con, ba ngập ngừng...cám ơn con. Con nghe vài giọt nước ấm rớt lên tay mình...
    Chắc bởi lúc ngoài bến xe, ba đã thấy sáu trăm ngàn kẹp trong tờ giấy học trò nằm túi áo khoác với dòng chữ viết vội "Từ nay, ba không cần đi bốc vác nữa".
    Đã đúng 17 năm con thực hiện lời hứa rồi đó ba.
    Cho con xin thêm 17 năm nữa, nghen.
    Tác giả: Chris Le
     
    Chỉnh sửa cuối: 7/4/16
    w_galois and ngtrung129 like this.
  18. pinoko

    pinoko Lớp 5

    18.VAY-NỢ Ở ĐỜI
    Những khi trao-đi, chưa bao giờ tôi nghĩ (dù thoáng qua) rằng "Cứ trao, rồi sẽ nhận".
    Không nghĩ nhưng tôi buộc lòng phải tin. Tin rằng cách sống, cách làm việc, cách ứng xử và cách trao-đi của mình đã được thấu cảm và chia sẻ bằng những yêu thương, những quan tâm và những niềm vui mà người xung quanh ngọt ngào mang đến.
    Đó thực sự là niềm hạnh phúc và hãnh diện lớn.
    Cuộc đời đã vô tình lấy đi của tôi nhiều thứ nhưng chủ động trả lại tôi bằng mười. Và tôi biết ơn sự vô tình cũng như sự chủ động ấy như nhau.
    Tôi ngại (đúng hơn là không thích) mở rộng những mối quan hệ và sự tiếp xúc gần của mình (trừ với kẻ khó) nhưng lại có nhiều anh chị em, bạn bè thân thiết có thể sẻ chia với nhau thậm chí trong im lặng. Với tôi, vậy là thừa thãi lắm rồi, chẳng mong gì hơn.
    Tôi nghĩ vầy: được gia-đình thương yêu không khó bởi nước mắt sẽ chảy xuôi nhưng để được người-đời thương, không dễ chút nào.
    Có một người anh tôi chỉ có duyên gặp hai lần nhưng lại nhã ý tặng một món quà giá trị khá lớn. Tôi ngại nhận, cố nhiên. Nhưng anh biểu "Sống vì xung quanh nhiều quá, anh biết lắm lúc em cũng mỏi mệt, anh từng trải nên hiểu lẽ đó. Anh muốn tặng món quà như một cách tiếp lửa cho em để em thêm vững tin vào con đường mình đã chọn đi. Rằng một lúc nào đó, từ một ai đó, em sẽ nhận lại". Tôi cám ơn món quà nhưng với câu nói này của anh, tôi...mang ơn.
    Cũng như trưa nay, trong lúc đợi mua hộp cơm, tôi đã chia sẻ một ít với ông cụ vé số tật nguyền. Và cô chủ quán bắt gặp điều đó. Cô tặng tôi hộp cơm, thêm mấy trái nhãn.
    Ông cụ vé số run run biểu mắc nợ tôi rồi. Và tôi thì mắc nợ cô chủ quán cơm ngay sau đó. Cuộc đời, thật ra là những cuộc trả-vay thôi mà.
    Những người tốt tôi gặp trong đời, bằng yêu thương và những món quà lớn nhỏ từ đáy lòng họ, đang đặt vào tay tôi một trách nhiệm lớn. Trách nhiệm truyền lửa.
    Như ngọn đuốc marathon, không bao giờ được tắt.
     
    Caravan thích bài này.
Moderators: amylee

Chia sẻ trang này