Tin tức Cuốn truyện hái ra tiền của Việt Nam, họa sĩ nhận 3 triệu đồng/tập

Thảo luận trong 'Tin tức - Sự kiện' bắt đầu bởi khiconmtv, 23/10/18.

  1. khiconmtv

    khiconmtv Cử nhân

    Họa sĩ Hùng Lân kể, mỗi tuần ông phải xong một cuốn “Dũng sĩ Hesman” từ làm bìa, lên kịch bản tới vẽ; làm riết trong bốn năm không ngơi nghỉ khiến nhiều lúc ông muốn phát điên.

    Từ lâu, Dũng sĩ Hesman đã trở thành một tượng đài truyện tranh của Việt Nam. Câu chuyện họa sĩ Hùng Lân vẽ Hesman tại vùng nông trường Bình Ba (Vũng Tàu) đầu những năm 1990 được ông kể khá nhiều trước đó.

    Nhưng trong buổi trò chuyện với giới họa sĩ truyện tranh trẻ tại Hà Nội chiều 21/10, ông chia sẻ cặn kẽ về quá trình vẽ truyện, từ những kỹ thuật thô sơ, áp lực sáng tạo trong bốn năm ròng rã, tới một thời ngành xuất bản chưa có vi tính.

    Zing.vn ghi lại cuộc chia sẻ thú vị ấy.

    CÂU CHUYỆN GIẢ TƯỞNG VỀ VŨ TRỤ THẾ KỶ 22 RA ĐỜI TỪ VÙNG QUÊ KHÔNG CÓ ĐIỆN
    - Để bạn đọc hôm nay có thể hiểu hơn về bộ truyện, ông hãy kể về việc mình bắt đầu vẽ "Dũng sĩ Hesman" như thế nào?

    - Bên đối tác liên kết với Nhà xuất bản (NXB) đưa tôi hai băng hoạt hình Voltron - Defender of the universe và nhờ tôi chuyển thể, phóng tác thành truyện. Hai cuốn băng đó giúp tôi làm được bốn tập truyện tranh, mà cũng là phóng tác ra, chứ không hoàn toàn dùng nội dung y nguyên trong băng.

    Từ tập thứ năm - Dũng sĩ cụt tay - thì tôi bắt đầu “chế” ra nhiều nhân vật. Khi truyện đưa lên, họ bán được, và bán chạy nên tôi làm tiếp. Đến tập thứ tám, tôi chế ra nhiều nhân vật, điển hình như Gasko.

    [​IMG]
    Ở tuổi 63, họa sĩ Hùng Lân vẫn bắt taythực hiện hai bộ sách tâm huyết.
    Lên tập 20, tôi nghĩ chắc như vậy đủ rồi, nhưng ai ngờ sách vẫn bán được. Họ bảo làm thêm 10 tập nữa được không? cũng được; thêm 20 tập nữa được không, cũng được; ra tới tập 100 vẫn được. Tới tập 100 tôi cảm thấy trước giờ nhân vật của mình đã tạo hình biến đổi rồi, nhưng vẫn chưa hay. Kỷ niệm tập thứ 100, tôi để nhân vật thay hình đổi dạng.

    Có lẽ từ tập 100 trở đi, tôi ưng ý, mà các bạn cũng ưng ý hơn về tạo hình nhân vật.

    Từ tập ấy trở đi, số lượng bản in cũng lên khủng khiếp. Từ trước, tôi chỉ biết họ in vài chục nghìn bản. Tới tập 100 trở đi, họ in tới hơn 100 nghìn bản một tập.

    - Với số lượng phát hành lớn như vậy, nhuận bút ông nhận được cho mỗi tập như thế nào?

    - Ban đầu chỉ vài trăm nghìn một tập, sau sách bán chạy họ tăng dần nhuận bút lên, tới mức 3 triệu/ tập là cao nhất.

    Lâu lâu tôi lên Sài Gòn, có lần gặp ông quản đốc nhà in, ông hỏi "họ trả nhuận bút cho anh bao nhiêu?" - Tôi nói họ trả 3 triệu/ tập. Ông chửi thề, tại sao họ trả ép tôi vậy? có trả gấp 5, gấp 10 số đó cũng thỏa đáng, vì con số bản in đã lên 180.000 bản/ tập. Sau này, báo chí không biết tìm đâu được con số Hesman in 160.000 bản/ tập.

    Tôi thì không đặt vấn đề in nhiều thì tiền nhuận bút phải nhiều. Đồng tiền rất quý, nhưng mình nghĩ nếu họ in được nhiều thì họ bán được nhiều khiến họ có lãi, nếu không bán được thì tội cho họ. Điều đó hên xui. Tôi vẽ thì cứ sống với nhân vật của mình thôi.

    Cho tới khi họ bảo liệu có thể đưa nhân vật Việt Nam vào được không? Thì tôi đã có sự chuẩn bị trước rồi, từ trước tôi đã đưa nhân vật Huy Hùng vào bộ Hesman rồi. Sau đó, tôi vẽ Siêu nhân Việt Nam 52 tập nữa. Cả hai bộ truyện cuốn mất của tôi hơn 5 năm trời. Sống với nó, ăn với nó, ngủ với nó.

    - Tại sao ông đưa nhiều nhân vật, trong đó có nhân vật Việt Nam vào như vậy?

    - Khi chúng ta làm kịch bản, mình muốn kịch bản thành công, phải đưa ra kịch bản rối rắm, khác thường. Tôi muốn viết quái nhân nào đó, như Cesar - Quái vật vũ trụ thì phải cho quái nhân đó có điều gì thắng Hesman, rồi sau đó Hesman và các bạn có những ưu điểm khác để thắng lại.

    Các bạn hỏi dựa trên cơ sở khoa học nào để vẽ nên Hesman, xin thưa không có cơ sở khoa học nào khác, toàn là tôi suy nghĩ thêm những gì có vẻ có lý, có vẻ hấp dẫn thì viết ra.

    Ví dụ từ trường, luồng điện từ trường, điện quang, dòng điện chết… đó đều do tôi chế ra thôi.

    - Từ khi xem video Voltron, rồi sáng tạo Hesman, hai nhân vật này có mối liên hệ như thế nào?

    - Nếu ta đọc Dũng sĩ Hesman sẽ thấy tôi ghi “Hùng Lân phóng tác theo phim hoạt hình Hesman”. Lúc đầu tôi vẽ bìa tôi để chữ "Voltron". Nhưng khi đưa lên NXB, họ bảo, thứ nhất cái tên Voltron khó đọc, thứ hai, bản quyền nhân vật của Nhật, sợ sau này người ta kiện cáo, nên đổi tên. Bạn tôi, anh Vương làm công tác biên tập, anh đổi lại, nên đặt là “Hesman”, tức là “He is man”, hàm ý một robot nhưng có tính năng như con người.

    Ngày nay các bạn nhìn tạo hình gọi đó là Voltron cũng đúng vì tạo hình theo Voltron của Nhật. Trong truyện, tôi chế thêm nhân vật mới, tính năng mới để dễ dàng viết kịch bản tiếp theo. Chứ quanh đi quanh lại hành tinh Arus thì không tài nào viết được nhiều tập. Phải sáng tạo ra nhân vật, tuyến truyện mới có thể ra 159 tập.

    Cách đây một năm, người ta làm games Hesman Legend. Khi làm thì họ phải đăng ký sở hữu trí tuệ. Cục Sở hữu Trí tuệ chấp nhận cho nhân vật Hesman với tạo hình từ khi thay hình đổi dạng. Nhìn thoáng qua, có thể giống nhau, nhưng hai nhân vật có khác. Hiện nay người ta nhìn mô hình, xem trên YouTube, kể cả là hình ảnh của Voltron, thì nhiều người vẫn nói đó là Hesman.

    Bốn năm ròng làm không ngơi, tôi chưa chết là may

    - Khi Hesman xuất bản, mỗi tuần ra một tập; nghĩa là tác giả phải sáng tác mỗi tuần một cuốn. Điều đó khiến nhiều tác giả truyện tranh ngày nay bàng hoàng. Vậy ông đã làm thế nào để đảm bảo tiến độ ấy?

    - Ngày xưa chúng ta nhớ, cứ thứ 2 hoặc thứ 3 ở trong Nam có truyện Hesman ra mắt, ngoài Bắc thì thứ 5, thứ 6 có. Để có cuốn truyện các bạn cầm trên tay mỗi tuần, thì người họa sĩ mỗi tuần phải làm được một cuốn.

    [​IMG]
    Một số tập truyện Dũng sĩ Hesman gắn với tuổi thơ của hàng trăm nghìn bạn đọc.
    Trong lúc đó tôi ở vùng quê, có mình tôi làm. Tôi có hai đứa con trai phụ, chúng nó học lớp 8, lớp 9, cũng biết vẽ đôi chút thì mình nhờ chúng vẽ. Những cái như tạo hình nhân vật, gương mặt, biểu cảm, tay chân thì tôi làm, còn những cái như áo, quần thì tôi chỉ cho chúng để nhờ chúng vẽ cho kịp. Tô đen thì có vợ tôi phụ. Ví dụ, tôi vẽ đoạn nào mà đánh dấu “x” là tô đen. Nên khi đọc truyện, thỉnh thoảng chúng ta thấy có chữ “x”, nghĩa là tô sót đấy.

    Ngày xưa một tuần 7 ngày, tôi chỉ được nghỉ nửa ngày. Trong nửa ngày đó tôi được nghỉ ngơi, nhưng đầu óc vẫn suy nghĩ cho cuốn tiếp theo. Ví dụ hôm nay tôi đang làm tập 80, trong cuốn sổ tối đã note tập 81 sẽ như thế nào. Tôi gạch ra vài ý, viết tiêu đề cho tập sau, dù mình chưa thực hiện bắt tay vào viết.

    Hết nửa ngày nghỉ, còn lại 6,5 ngày trong tuần để làm. Trong đó tôi mất 1,5 ngày để vừa phân cảnh kịch bản trong óc, và viết hẳn ra luôn trên tờ giấy can. Trong 72 trang của một tập đó, các bạn thấy chữ do tôi viết tay hết, các khung cũng do tôi kẻ tay hết. Nghĩ tới đâu viết tới đó, chứ không kịp phân cảnh trước ra ngoài như bây giờ. Trong đầu mình nghĩ ra nhân vật như thế nào thì cứ thế làm.

    Tôi vẽ bìa mất đến nửa ngày. Sau đó phải cắt giấy dán chữ lên đó. Thành một cái bìa hoàn chỉnh, họ chỉ việc mang về chụp và in thôi.

    Phần còn lại chỉ 4,5 ngày thôi, tôi phải vẽ hoàn tất 72 trang. Như vậy mỗi ngày tôi phải vẽ 17 trang. 4 ngày mới có 68 trang thôi, bắt buộc nửa ngày còn lại phải hoàn thành.

    - Có khi nào bị trễ?

    - Nếu tôi trễ thì trên TP HCM bị trễ. Trong quá trình xuất bản toàn bộ truyện, chỉ có bốn hay năm lần tôi bị trễ thôi. Còn lại cứ ra đều đều tuần nào cũng có. Mà tôi đã làm xong là phải xong, không thể chỉnh sửa nữa, cứ vậy mang đi in.

    Các bạn nghĩ đi, bốn, năm năm liên tục như vậy, tôi không chết đã là may. May là tôi không bị bệnh. Trước đó mắt tôi hoàn toàn khỏe mạnh. Vẽ xong bộ Hesman, tôi đã mang kính. Cái gì cũng có cái giá của nó, nhưng truyện của mình được mọi người yêu mến là phần thưởng lớn.

    - Nhà ông cách xa thành phố như vậy, phương tiện liên lạc chưa thuận tiện, quá trình nộp bản thảo với biên tập viên NXB diễn ra như thế nào?

    - Giám đốc NXB Mỹ thuật tin tưởng tôi rất nhiều. Bốn tập đầu đưa lên chú ấy duyệt thấy không có sai phạm về nội dung như chính trị, bạo lực, chính tả cũng chuẩn nên chú giao cho biên tập viên NXB làm việc.

    Trong một tuần, cứ thứ 3, một người ở NXB trên thành phố đi về nhà tôi lấy cái bìa và nửa nội dung cuốn sách (đến trang 36) đưa về thành phố. Họ chụp phim, in nửa cuốn ấy. Đến thứ 7, cũng anh đó lại về nhà tôi lấy nửa cuốn còn lại, giao tiền nhuận bút cho mình.

    Cứ như thế ròng rã 4, 5 năm. Một tuần anh ấy đi về nhà tôi hai lần, đoạn đường 125 km, thì mỗi lần đi về 250 km, một tuần hai lần đi là 500 km. Tôi tính ra nguyên bộ Dũng sĩ Hesman và Siêu nhân Việt Nam, anh ấy đi về hơn hai vòng trái đất.

    - Ở thời điểm năm 1990, phương tiện liên lạc không sẵn có như hiện nay có điện thoại, email… vậy ông và ban biên tập liên lạc như thế nào?

    - Thời đó xã tôi ở không có điện thoại, nên làm thì cứ nhắn qua lại với anh biên tập viên NXB đi về.

    Tôi nhớ có lần làm tới tập 12, một tờ báo có nói sao truyện này đánh đấm dữ vậy. Thông tin liên lạc hồi đó chỉ là con số 0, anh biên tập kia về nói sao thì tôi biết vậy. Anh nói: “Truyện này đánh đấm hơi nhiều, truyện sau anh bớt đi một tí”.

    Thậm chí nghe đài, tôi thấy người ta quảng cáo là “họa sĩ Hùng Lân”, tôi đâu nghĩ mình là họa sĩ, vì không học mỹ thuật.

    Đến năm 1995, điện thoại về nông thôn, tôi mừng lắm, nghĩ dứt khoát mình phải lắp. Tôi là người thứ ba trong huyện đi đóng tiền ngay ngày đầu được lắp. Khi có điện thoại rồi thì liên lạc mới đỡ, có gì thì NXB và tác giả gọi báo với nhau. Tôi còn nhớ, khi tôi lắp điện thoại, NXB đã hỗ trợ tôi 1,5 triệu đồng lắp đặt, để liên lạc cho thuận tiện.

    - Trong quá trình sáng tác, ông gặp những khó khăn gì và giải quyết ra sao?

    - Có nhiều lúc tôi muốn buông xuông. Nhưng nếu tuần nào mình không ra được một cuốn, thì tuần sau người ta sẽ khó bán truyện, nên NXB thúc tôi làm dữ lắm.

    Có lúc tôi muốn điên lên. Đi ăn cưới không được, giỗ chạp, ma chay cũng phó mặc cho vợ. Tôi nghĩ mình còn cuộc sống, phải lo cho con ăn học nên phải làm. Đây là cơ hội trời cho.

    Sau khi Hesman thành công, tôi lại nghĩ vẽ truyện tranh như vậy là công việc, con đường của mình rồi, thì cứ vậy mà làm thôi.

    CHÚA CHO ĐÔI MẮT CÒN NHÌN ĐƯỢC, TÔI CÒN VẼ TRUYỆN TRANH
    - Khi máy tính bắt đầu du nhập, ông là một trong những tác giả đầu tiên tận dụng phương tiện để làm phông chữ. Nhiều họa sĩ truyện tranh sau này đã sử dụng công nghệ ông tạo ra. Làm thế nào ông có thể sáng tạo được như vậy?

    - Sau khi có máy vi tính, năm 1998, tôi đi mua liền. Tôi không biết cách sử dụng, đến việc đặt đĩa mềm vào máy như nào cũng không biết. Tôi đi hỏi mấy em sinh viên học chương trình máy tính để sử dụng. Biết dùng máy tính nhưng tôi không biết sử dụng photoshop như lời bạn bè ở thành phố khuyên.

    Tôi học, thấy quá trình người ta làm các phần mềm vẽ thì họ quên đi vấn đề phông chữ (font chữ).

    Tôi mày mò học làm phông chữ với mong muốn vẽ truyện tranh được nhanh gọn, không sai chữ. Các phông chữ VniComic, Comic Books ra đời, rồi Comic1, Comic2, kiểu Brush, chữ Thư pháp… cứ như thế tôi cải tiến lên. Và bây giờ các họa sĩ vẽ truyện tranh sử dụng khá nhiều.

    Ứng dụng công nghệ thông tin hữu ích rất nhiều cho họa sĩ truyện tranh.

    [​IMG]
    Họa sĩ Hùng Lân chia sẻ với các họa sĩ truyện tranh trẻ và độc giả tại Hà Nội chiều 21/10.

    - Sau "Dũng sĩ Hesman", ông còn vẽ những tác phẩm nào nữa?

    - Sau đó, tôi vẽ liền bộ Siêu nhân Việt Nam, rồi Cô tiên xanh, Tâm hồn cao thượng, Gương sáng tuổi xanh... Tôi tính mình đã vẽ khoảng 700 tập truyện. Sau năm 2012, tôi định cư ở Mỹ nên không vẽ nữa. Nhưng tôi không thích ở Mỹ, trở về Việt Nam sống. Tới nay tôi vẫn nhận được các bên đặt vẽ sách, truyện, truyện giáo dục, sách tô màu cho trẻ em.

    Hiện nay, tôi chuẩn bị vẽ tiếp tập 160 Dũng sĩ Hesman theo yêu cầu bạn đọc. Tôi đã phân cảnh có kịch bản rồi, sẽ cố gắng vẽ để cuối năm xong, tập truyện như kỷ niệm đẹp cho bộ Hesman.

    Ngoài ra tôi đã phân cảnh bộ truyện Lục Vân Tiên và bộ Cuộc đời Chúa cứu thế. Bộ Cuộc đời chúa cứu thế vẽ màu, mất khoảng ba năm. Bộ Lục Vân Tiên đã có đơn vị đề nghị in.

    Hai bộ sách này tôi phải vẽ trước khi chết. Khi đi Mỹ về, tôi phụ con trai làm showroom thiệp cưới. Cuối năm ngoái tôi nghỉ không làm showroom nữa, còn bao nhiêu sức lực, thời gian sẽ làm truyện tranh bấy nhiều.

    Trời cho tôi đôi mắt còn nhìn thấy, cái tay còn chưa run, thì tôi còn vẽ.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Chuẩn bị ra tập 160 kỷ niệm...
     
    Thai232, Forest, Heoconmtv and 7 others like this.
  2. cfcbk

    cfcbk Lớp 2

    Hesman là một trong những kỷ niệm đẹp của tuổi thơ em, nhưng em nghĩ chưa chắc bác Hùng Lân ra thêm tập mới là cái kết hay cho 1 bộ truyện hay. (Hồi bé cứ tưởng truyện này của nước ngoài)
     
    Forest, svcntnk42a1 and fyafog like this.
  3. tien_huu_1408

    tien_huu_1408 Lớp 4

    Truyện này dịch của nước ngoài mà bác, tựa tiếng Anh là Voltron Universe Defender.
     
  4. lamtam

    lamtam Sinh viên năm I

    Truyện của Việt Nam mà bạn trên, chỉ là ông Tác giả dựa trên bộ hoạt hình của Nhật thôi, từ mấy băng video hoạt hình ấy mà ông tự vẽ rồi thêm nhiều nhân vật, cốt truyện mới thành những 160 tập truyện tranh và chinh phục được người đọc là quá giỏi rồi.
     
    Forest thích bài này.
  5. doannhuthat

    doannhuthat Mầm non

    bộ này giờ hiếm và giá cho người sưu tập khá cao. Truyện hay, ngày xưa toàn rủ nhau cả xóm đi thuê về để chia nhau đọc.
     
  6. khiconmtv

    khiconmtv Cử nhân

    Sau hơn 20 năm ra mắt, "Dũng sĩ Hesman" từ trang giấy được khai thác thành truyện phiên bản kỹ thuật số, game, mô hình, xuất hiện trên sản phẩm thời trang.

    Dũng sĩ Hesman ra đời vào những năm 1990, từ lâu đã trở thành một tượng đài truyện tranh Việt. Lấy nguyên tác từ người máy Voltron, nhưng họa sĩ Hùng Lân đã bản địa hóa nhân vật, để nhân vật và nội dung mang đậm tinh thần Việt.

    [​IMG]
    Hình ảnh về dũng sĩ Hesman.
    Là một bộ truyện gắn bó với tuổi thơ thế hệ 8X, đầu 9X, nên gần đây nhiều hoạt động được thực hiện đưa Dũng sĩ Hesman trở lại.

    SỰ TRỞ LẠI BẰNG PHƯƠNG TIỆN KỸ THUẬT SỐ VÀ PHIÊN BẢN “VÌ TÌNH YÊU HESMAN”
    Trong buổi trò chuyện gần đây với giới truyện tranh và độc giả Hà Nội, một thông tin nhiều người chưa biết được đưa ra: họa sĩ Hùng Lân là người sáng tạo ra nhiều font chữ tiếng Việt sử dụng trên máy vi tính. Ông kết luận: Công nghệ thông tin rất hữu ích cho sáng tác truyện tranh.

    Sau hai lần bộ Dũng sĩ Hesman tái bản sách giấy (năm 2004 và 2014), gần đây, bộ truyện sẽ có phiên bản đọc trên môi trường kỹ thuật số. Họa sĩ Hùng Lân ủng hộ việc làm này và coi phát triển truyện tranh trên Internet là xu thế tất yếu.

    [​IMG]
    Họa sĩ Comicola đang số hóa Hesman.
    Cụ thể, bộ truyện Dũng sĩ Hesman sẽ có phiên bản webtoon (một loại truyện tranh kỹ thuật số đang rất phổ biến ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc). Comicola - đơn vị thực hiện - đang hoàn thành những khâu cuối để đưa bộ truyện đình đám này lên webtoon của mình.

    File gốc của Dũng sĩ Hesman không còn, nên nhóm thực đang phải “rớt nước mắt” khi tháo từng tập truyện cũ để scan các trang sách và số hóa.

    Trong quá trình số hóa, do scan từ các trang sách cũ và ố nên sẽ có những khung hình không còn nguyên vẹn. Nhóm Comicola (hầu hết là các họa sĩ truyện tranh) sẽ khắc phục tình trạng khuyết thiếu đó nhằm có một phiên bản số đẹp và chất lượng.

    Sau khi hoàn thành công việc số hóa, các tập truyện sẽ đưa lên webtoon, độc giả muốn sử dụng có thể tải app có tên "Comi" để đọc truyện. Đại diện đơn vị phát triển webtoon Comi cho biết, có thể ban đầu, những phần đầu của bộ truyện Dũng sĩ Hesman sẽ cho phép đọc miễn phí trên nền tảng đọc truyện tranh này.

    Khánh Dương - đại diện nhóm họa sĩ cho biết lý do họ quyết tâm số hóa bộ truyện: "Hesman là 1 bộ truyện tranh quan trọng trong lịch sử phát triển truyện tranh Việt Nam. Sức ảnh hưởng của Hesman đến với giới trẻ Việt Nam nói chung, và giới họa sĩ truyện tranh Việt Nam nói riêng là không thể bàn cãi".

    25 trôi qua, những cuốn sách Hesman in từ trước dần trở nên cũ nát và trôi nổi trong các kho truyện tranh cũ. Tác giả Hùng Lân cũng không còn giữ được bản thảo gốc nữa (do thời đấy nộp bản thảo gốc cho nhà in). "Là một trong những người hâm mộ họa sĩ Hùng Lân, và cũng là người làm truyện tranh, tôi lo lắng trước việc tác phẩm này rất có nguy cơ bị thất truyền", Khánh Dương nói.

    Từ năm 2016, Khánh Dương bắt đầu sưu tầm các tập Hesman cũ trên thị trường và chuẩn bị cho việc số hóa. Với sự cho phép của tác giả Hùng Lân, Comicola bắt đầu triển khai việc số hóa Hesman từ 9/2018.

    "Ước muốn của tôi rất đơn giản. 25 năm trước, khi ấy, tôi là cậu bé bảy tuổi, háo hức chờ từng tuần để đắm mình trong cuộc phiêu lưu của Hesman. Ngày nay, tôi mong muốn cậu con trai lớp 2 của tôi sẽ vẫn có thể thưởng thức tác phẩm ấn tượng và hấp dẫn này", Khánh Dương chia sẻ.

    [​IMG]
    Họa sĩ Hùng Lân, biên kịch Khánh Dương và họa sĩ Thành Phong trao đổi về việc số hóa Dũng sĩ Hesman và nghề làm truyện tranh.
    Bên cạnh phiên bản kỹ thuật số, một phiên bản sách giấy của Dũng sĩ Hesman cũng đang được thực hiện trong thời gian này. Bộ sách giấy này làm hoàn toàn bằng tình yêu với Dũng sĩ Hesman của các độc giả.

    Do một bộ sách Dũng sĩ Hesman cũ hiện nay có giá thành cao (khoảng 10 triệu đồng), và rất khó tìm đủ bộ, nên nhiều người yêu thích mong muốn làm mới để sở hữu trọn bộ tác phẩm. Một nhóm những người yêu thích tập hợp, đăng ký mua và thực hiện việc in lại bộ sách này.

    Đây là dự án phi lợi nhuận nên họa sĩ Hùng Lân không lấy tiền bản quyền, đồng ý để nhóm những người yêu thích in 50 bộ Dũng sĩ Hesman. Những người yêu thích Hesman và thực hiện bộ ấn bản này thành lập một nhóm riêng để trao đổi về niềm đam mê của mình qua trang Facebook "Dũng sĩ Hesman và những người bạn".

    Tác giả bộ truyện cũng sáng tác mới tập 160 của Dũng sĩ Hesman như một kỷ niệm đẹp cho bộ sách, dành tặng những người hâm mộ. Họa sĩ Hùng Lân cho biết, tập truyện thứ 160 này đã được ông lên kịch bản, dàn cảnh, và sẽ cố gắng để hoàn thành vào cuối năm nay.

    HESMAN LÊN GAME, MÔ HÌNH ĐỒ CHƠI VÀ ĐỒ THỜI TRANG
    Việc các nhân vật truyện tranh từ trang sách được khai thác, ứng dụng vào nhiều lĩnh vực đã phổ biến trên thế giới. Thậm chí, việc khai thác này trở thành nguồn thu khổng lồ, lớn gấp bội so với bản quyền truyện, như đối với Doraemon, Spider-Man… Tuy nhiên ở Việt Nam, không nhiều nhân vật truyện tranh làm được điều đó.

    Gần đây, nhân vật Hesman bắt đầu được khai thác, phát triển ở một số sản phẩm, lĩnh vực ngoài truyện tranh.

    [​IMG]
    Hesman trên áo thun.
    Mới đây, một đơn vị đã thực hiện bộ sưu tập Hesman, đưa nhân vật truyện tranh đình đám này lên các sản phẩm áo thun. Trước đó, một nhà sản xuất game cũng tiến hành thực hiện trò chơi điện tử chuyển thể từ truyện tranh Dũng sĩ Hesman có tên Hesman Legend. Mô hình nhân vật Hesman cũng được đưa vào sản xuất. Hiện tại, phiên bản mẫu mô hình Hesman cáo 36cm đã được hoàn thiện.

    Truyện tranh thế giới từ lâu đã có thể kiếm bộn tiền với các nhân vật, truyện tranh Việt Nam với quá trình trượt dài trong sự yếu ớt, thiếu thốn đang hy vọng có thể làm nên chuyện với nhân vật Hesman.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
     
    Thai232, Forest, fyafog and 1 other person like this.
  7. doannhuthat

    doannhuthat Mầm non

    Hình như anh Khỉ con vừa bán bộ hesman 102 cuốn cách đây vài tháng thì phải :). Thấy đăng bên sachxua.net mà vào hỏi thấy bán hết rồi :(
     
  8. khiconmtv

    khiconmtv Cử nhân

    Nhịn ăn sáng để có tiền mua sách, tranh giành nhau để được thuê đọc trước, nuôi ước mơ và trưởng thành từ những cuốn truyện… là ký ức đẹp của thế hệ 8X gắn với bộ truyện Hesman.

    Những năm 1990, bộ truyện tranh Dũng sĩ Hesman (Hùng Lân phóng tác) được nhiều độc giả yêu thích, có lúc con số phát hành lên tới 160.000 bản/ tập - con số phát hành mà bất cứ tác giả nào cũng ao ước. Số độc giả đọc Hesman còn nhiều hơn rất nhiều. Vì vào đầu thập niên 90, sách báo còn quá khan hiếm, rất nhiều trẻ em trên khắp vùng quê Việt đã đi thuê, chia nhau đọc cuốn truyện hấp dẫn, giàu tưởng tượng này.

    Để rồi từ tập truyện tranh ấy, mỗi bạn đọc có được một kỷ niệm đẹp tuổi thơ.

    ‘NGÀY ĐÓ, ĐỨA TRẺ NÀO MÀ KHÔNG ĐỌC HESMAN’
    Khi Zing.vn đăng tải hai bài viết về bộ truyện tranh Dũng sĩ Hesman gần đây, hàng trăm độc giả đã vào bình luận, phần lớn đều kể câu chuyện ngày bé, hồi xưa mình đọc truyện Dũng sĩ Hesman như thế nào, gắn bó ra sao.

    [​IMG]
    Trong tuổi thơ thế hệ 8X, đầu 9X, nhiều người không có điều kiện đọc đủ bộ Dũng sĩ Hesman, mượn hoặc thuê được tập nào thì đọc tập ấy. Ảnh: Erik Le.
    “Ngày đó, đứa trẻ nào mà chẳng đọc Dũng sĩ Hesman”, ký ức của Việt Hà (36 tuổi, đang là giáo viên tại Ninh Bình) cho thấy mức độ phổ biến của bộ truyện tranh này.

    Trẻ con biết đọc trên khắp mọi miền Tổ quốc đều ngóng chờ ngày phát hành truyện Dũng sĩ Hesman để đọc. Lê Trung Tín (sinh năm 1987) còn nhớ rõ tập truyện Hesman đầu tiên anh đọc là Gián điệp Robot. Khi đó, Trung Tín mới 7 tuổi, thấy mấy anh chị lớn hơn đi học về hay đọc cuốn truyện này nên cũng mượn về đọc. Ấn tượng với bìa truyện được vẽ đẹp, màu sắc rực rỡ, cậu bé tiểu học mượn thêm nhiều truyện để đọc.

    Vì đi mượn nên có tập nào đọc tập đó, đọc thòm thèm, chờ anh chị đọc xong rồi mượn. Để có sách đọc, Trung Tín phải “hối lộ” các anh chị có truyện, khi thì mang cái kẹo, lúc mang hoa quả cho anh chị. “Mượn sách là được dặn dò kỹ lắm: Mở sách nhẹ thôi. Không được gấp trang truyện để đánh dấu hay không được làm bẩn truyện. Và đọc xong thì phải trả lại liền”, Trung Tín nhớ lại.

    Ngày nhỏ phải đi mượn nên khi lớn lên, Trung Tín muốn sở hữu bộ truyện đã gắn bó với tuổi thơ mình. Anh đi sưu tầm lại truyện Dũng sĩ Hesman. “Nhưng điều đó không đơn giản vì Hesman lên tới 159 tập. Đến nay đã hơn 20 năm ra mắt. Tìm đủ bộ lại rất khó. Giá truyện năm nay lại bị đẩy lên rất chóng mặt, từ 4 triệu đồng lên 6 triệu, 8 triệu, rồi 10 triệu đồng. Hiện giờ bỏ ra 10-15 triệu đồng để có một bộ Hesman cũng không phải là điều đơn giản”, Trung Tín nói.

    "Hesman bây giờ ngoài giá trị gợi nhớ ký ức tuổi thơ của lứa 8X thì còn giá trị sưu tầm rất lớn. Không phải có tiền là sẽ mua được. Mua lại tuổi thơ đâu có dễ".
    Với Trung Tín và rất nhiều độc giả khác, Dũng sĩ Hesman là cả thổi thơ, nhìn vào Hesman là thấy tuổi thơ. Tuổi thơ say mê đọc từng trang rồi tưởng tượng mình là Gatco vươn vai hét lên “Kiaiii biến thành khổng lồ”, “Dũng sĩ Hesman là một robot khổng lồ do 5 con robot mãnh sư ghép lại”.

    Giờ đây, việc sở hữu đủ bộ sách quá khó, nên Trung Tín và nhiều bạn khác đã xin phép tác giả cho phép in lại Dũng sĩ Hesman để lưu giữ. Việc làm này hoàn toàn xuất phát từ tình cảm của những độc giả với bộ sách mà họ yêu quý. Đây là dự án phi lợi nhuận, tiền góp vào vừa đủ tiền in, được làm hoàn toàn từ tình yêu với Hesman nên được nhiều người ủng hộ.

    ĐÁNH NHAU, TRANH NHAU THUÊ ĐỌC HESMAN
    Những năm 1990, sách báo không sẵn có nên tuổi thơ của thế hệ 8X, đầu 9X ở thành phố là những lần nhịn ăn sáng lấy tiền mua sách truyện. Một cuốn truyện Hesman có giá khoảng 3.000 đồng, một gói xôi có giá 500 đồng, như vậy nhịn ăn sáng gần một tuần thì có thể mua được một cuốn truyện.

    Với những bạn ở vùng nông thôn, sẽ rất ít khi được mua truyện, mà thường đi mượn hoặc thuê về. Trung Tín nhớ lại: “Cứ mỗi chiều thứ 3 hàng tuần tôi cùng tụi bạn chầu trực sẵn ở tiệm bán truyện để chờ xe chạy từ TP.HCM về giao truyện. Có những hôm xe về muộn thì cả đám tiu nghỉu ra về”.

    [​IMG]
    Theo Trung Tín, hiện nay, để có trọn bộ Hesman như này, có tiền chưa chắc đã mua được. Ảnh: Erik Le.
    Còn với Trọng Hưng (sinh năm 1989, Quảng Ninh) thì tuổi thơ của cậu là những buổi háo hức tới quán thuê truyện đọc Hesman. “Chúng tôi đọc ngay ở quán thuê truyện, vì có quá đông bạn đến thuê, không được thuê về nhà. Thuê đọc tại chỗ thì 300 đồng, còn mang về nhà qua đêm thì 500 đồng/ tập”, Trọng Hưng kể.

    Theo ký ức Trọng Hưng, quán cho thuê truyện gần nhà thường nhập mỗi tập hai cuốn, truyện mới ra nên ai cũng muốn đọc trước. “Muốn đọc truyện tại cửa hàng cho thuê, phải xếp hàng 5-7 người mới tới lượt mình đọc, chỉ rình đứa đến trước đọc xong là mình đọc ngay, nghiến ngấu. Có khi không chờ được, mình phải xin đọc ké. Đứa đang đọc không cho ké thì tranh giành, đánh nhau xảy ra như cơm bữa”, Trọng Hưng kể.

    Bởi vậy, có những hôm tan học mà Hưng và đám bạn mãi không về vì còn mải đọc truyện. Lại có những hôm trong tiết học mải mê vẽ nhân sư, hoặc đi xin vỏ bao thuốc lá để làm mô hình robot.

    TRƯỞNG THÀNH TỪ HESMAN
    Bộ truyện Dũng sĩ Hesman không chỉ để giải trí, mà trở thành người bạn, mang lại hy vọng, ước mơ cho nhiều bạn trẻ ngày đó. Kiều Quốc Công (sinh năm 1983, hiện sống tại Hà Nội) kể, khi học lớp 3, cậu đã biết tới Hesman qua vài chiếc card in bìa truyện, sau đó tình cờ thấy truyện ở nhà bạn thì mượn về đọc. Say mê những cuốn truyện, Công đã vẽ lại các nhân vật. Cứ mỗi tập truyện có nhân vật mới là cậu bé lớp 3 lại vẽ nhân vật đó vào một cuốn sổ tay.

    Công thích vẽ, nhưng ban đầu cậu “vẽ xấu lắm”, ở quê hồi nhỏ không có điều kiện học vẽ. Từ khi chép nhân vật theo truyện Hesman, “tay nghề” của Công cũng khá dần lên. Cậu thường vẽ tặng bạn bè, đôi khi coi đó là món quà “hối lộ” để được mượn truyện dễ hơn.

    Từ những tranh vẽ nhân vật trong Hesman, Công đã tự vẽ truyện tranh cho bạn bè đọc. Tốt nghiệp cấp 3, cậu thi vào Mỹ thuật Công nghiệp. Học xong, Công làm trong một công ty sản xuất robot, đúng mơ ước tuổi thơ. Và giờ đây, Công có một công ty đồ chơi của riêng mình.

    Bởi vậy, Kiều Quốc Công nói: “Hesman và họa sĩ Hùng Lân là người thầy đầu tiên của mình”.

    [​IMG]
    Gắn bó với tuổi thơ, nên nhiều độc giả Hesman đã đưa nhân vật trở lại bằng các dự án in sách, webtoon, đưa nhân vật lên đồ dùng. Ảnh: Tired.
    Không chỉ nuôi dưỡng đam mê hội họa, Dũng sĩ Hesman còn gắn bó với tuổi thơ 8X, 9X bởi những câu chuyện nhân văn. Trọng Hưng đánh giá: Khi đọc, tôi thích nhất tính cách Hesman, mà có lẽ đứa trẻ nào chẳng thích những người hùng trừ gian diệt ác.

    Hiện tại, Hưng cũng là tác giả của vài đầu sách, nên cậu đánh giá mỗi tập Hesman có dung lượng vừa phải, mỗi tập là mỗi nhân vật (kẻ thù) mới xuất hiện, khiến độc giả nhỏ dễ tiếp nhận. Thời điểm những năm 1990, việc cho ra đời một con robot với không gian vũ trụ là rất mới mẻ. Bên cạnh đó, mỗi cuốn truyện Hesman đều có tính nhân bản, mỗi câu chuyện như cổ tích, ai cũng thích cái kết có hậu, kiểu gì rồi thiện cũng thắng ác.

    Với Trung Tín, Dũng sĩ Hesman mở ra một thế giới bao la của trí tưởng tượng. “Những khái niệm như robot khổng lồ, robot sinh học, nguồn điện chết, sóng siêu âm, từ trường... hồi đó rất lạ lẫm. Tôi biết có nhiều bạn đã định hướng được nghề nghiệp khi đọc Hesman từ bé”, Trung Tín nói.

    Theo Trung Tín, bộ truyện ra mắt thời điểm đó thật sự mới lạ. Những chuyến phiêu lưu viễn tưởng, những khái niệm không gian hay du hành thời gian, những thuật ngữ khoa học... khơi mở trí tưởng tượng.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
     
    Forest thích bài này.
  9. khiconmtv

    khiconmtv Cử nhân

    Bên cạnh nhân vật chính người máy mãnh sư, “Dũng sĩ Hesman” còn giới thiệu cho độc giả nhiều gương mặt thú vị trong suốt chiều dài 159 tập của loạt truyện.

    NGƯỜI MÁY HESMAN UY DŨNG
    Dũng sĩ Hesman là người máy khổng lồ do năm con mãnh sư ghép lại. Cùng thanh gươm ánh sáng vô cùng lợi hại, Hesman đã giúp đỡ những người bạn chống lại hàng loạt thế lực tà ác, qua đó bảo vệ hòa bình cho vũ trụ và hành tinh Arus xinh đẹp.

    [​IMG]
    Dũng sĩ Hesman là trung tâm của loạt truyện cùng tên do Hùng Lân phóng tác.
    Điểm đặc biệt nhất ở Hesman chính là việc chú sở hữu trí tuệ như một người bình thường. Đối với những đứa trẻ lớn lên trong thập niên 1990, việc thần tượng và yêu mến chú người máy là điều hết sức dễ hiểu.
    Ban đầu vũ khí của Hesman chỉ là thanh gươm ánh sáng được lấy ra bằng cách dùng điện trường từ hai miệng mãnh sư ở tay chập lại, rồi kéo ra thành.

    Sau 159 tập truyện, người máy được trang bị thêm vô số bảo bối như búa thần, gươm thần, lưỡi gươm thần bí, song dao… Tuy nhiên, chỉ duy nhất thanh gươm ánh sáng là gắn bó với Hesman lâu nhất.

    Dũng sĩ Hesman có thể chia thành ba giai đoạn phát triển khác nhau, mỗi lần biến đổi lại trở nên mạnh mẽ và đẹp hơn. Nhân vật thuở ban đầu sơ khai do quốc vương Arus chế tạo nên, với năng lực chỉ dừng lại ở điện và thanh gươm ánh sáng, cùng một vài kỹ năng chiến đấu đơn giản.

    [​IMG]
    Tạo hình giai đoạn hai của dũng sĩ Hesman chỉ tồn tại trong chưa đầy 20 tập.
    Bắt đầu từ tập 84 mang tên Lạc vào tương lai, Hesman thay đổi sang diện mạo hơi khác một chút với thêm hai cầu vai và nhiều khả năng mới.

    Ngoài việc cùng lúc tạo ra hai gươm ánh sáng, người máy nay còn có thể tàng hình, thu nhỏ, biến đổi thành nhiều hình dạng khác nhau…

    Còn tạo hình cuối cùng của Hesman - cũng là hình dạng đẹp nhất theo đánh giá của chính tác giả Hùng Lân và được nhiều độc giả gọi là “Hesman mới” - xuất hiện từ tập 100 mang tên Thay hình đổi dạng cho tới tập cuối cùng số 159.

    [​IMG]
    Tạo hình hoàn hảo nhất của dũng sĩ Hesman xuất hiện từ tập 100.
    So với 99 tập trước, Hesman nay mang khuôn mặt vuông vắn hơn, hai miệng mãnh sư ở tay được chuyển lên vai, đuôi hai mãnh sư trở thành bàn tay như tay người, còn hai chân máy mang thêm nhiều chi tiết hơn.

    Theo họa sĩ Hùng Lân, hình ảnh Hesman mới này giúp nhân vật của ông khác biệt hẳn so với nguyên tác người máy Voltron.

    Cũng từ tập 100, lượng bản in của Dũng sĩ Hesman tăng lên chóng mặt, với đỉnh điểm lên tới 160.000 bản. Đó là con số thuộc hàng “khủng khiếp” vào thời điểm 1995.

    GÁT CÔ OAI HÙNG
    Với Dũng sĩ Hesman, Gát Cô sở hữu lượng fan không thua kém người máy nhân vật chính là bao nhờ hình ảnh mạnh mẽ, tốt bụng, khả năng hóa thành khổng lồ đánh trúng vào tâm lý độc giả nhỏ tuổi.

    Gát Cô ban đầu là người thú sống ở hành tinh cùng tên. Đó là nơi rất đặc biệt khi mọi người trông y như nhau, đều mang tên Gát Cô. Sau khi được nhóm bạn Hesman thu phục, anh sát cánh cùng cả nhóm trong các nhiệm vụ thực thi công lý.

    [​IMG]
    Gát Cô là nhân vật được yêu mến nhờ đánh trúng vào tâm lý của nhiều độc giả trẻ tuổi.
    Sau một lần chiến đấu, Gát Cô bị rơi vào hành tinh có những nguồn điện chết kỳ lạ. Chúng giúp anh biến đổi từ gương mặt thú sang mặt người, trông hơi giống Kíp do nghĩ tới người bạn lúc biến đổi.

    Trở về từ hành tinh chết, Gát Cô mang sức mạnh của một siêu nhân với khả năng biến thành khổng lồ. Anh rất nhiều lần đã cứu nhóm Hesman khỏi những “bàn thua trông thấy”.

    Tác giả Hùng Lân tiết lộ nhân vật chính là lá bài tẩy của ông, được dùng để phát triển cốt truyện đi xa hơn, thay vì cứ phải phụ thuộc mãi vào Hesman.

    Bên cạnh việc hóa khổng lồ, Gát Cô còn mang trong mình nguồn điện chết cực mạnh, sức mạnh cơ bắp giúp anh có thể chiến thắng trong mọi cuộc đấu tay đôi. Người hùng đồng thời sử hữu khả năng nhịn thở rất lâu, và đôi mắt nhìn xuyên thấu bóng đêm.

    Điểm yếu của Gát Cô nằm ở mái tóc - nơi anh tích trữ năng lượng. Do đó, không ít lần kẻ thù đã tìm cách cắt mái tóc nhân vật. Đây là gương mặt hiếm hoi xuất hiện xuyên suốt toàn loạt truyện. Tuy nhiên, ở loạt Siêu nhân Việt Nam, tác giả Hùng Lân tiết lộ Gát Cô đã hy sinh nhưng không nói rõ lý do tại sao.

    NGƯỜI HÙNG GIẢN DỊ KÍP
    Kíp là nhân vật hết sức đặc biệt bởi anh… là người bình thường. Trưởng nhóm của đội bay thiên hà Garrison xuất hiện ngay từ tập một, rồi cùng Hesman, Laura và Xpex là những nhân vật hiếm hoi đi hết 159 tập của loạt truyện.

    [​IMG]
    Kíp đặc biệt trong truyện bởi anh chỉ là một người thường.
    Kíp được yêu thích bởi anh có vợ đẹp là công chúa Arus, và là người thường trong một thiên hà toàn quái nhân vũ trụ. Có fan nói vui rằng Kíp thuộc dạng “số đỏ” bởi anh cứ thế sống sót dù nhiều thành viên của nhóm bay Garrison cứ thế lần lượt ngã xuống.

    Người hùng không có năng lực gì đặc biệt ngoài bộ não thông minh, gương mặt điển trai, và vài miếng võ “bình dân”. Nhưng không tập truyện nào Kíp không xuất hiện, làm đầu tàu dẫn dắt cả nhóm Hesman, và lãnh đạo vương quốc Arus.

    Xuyên suốt mạch truyện, tác giả Hùng Lân ưu ái cho anh rất nhiều “đồ chơi” khủng: áo giáp cứu nạn, ván trượt không gian, cánh bay… Nhờ đó, Kíp có thể chiến đấu cùng cả nhóm mà không tỏ ra chênh lệch về mặt thực lực.

    NIỀM TỰ HÀO HUY HÙNG
    Cá nhân Hùng Lân đặc biệt yêu thích Huy Hùng - nhân vật chứa đựng niềm tự hào dân tộc của tác giả loạt truyện. Đây là một đứa trẻ Việt Nam, được tiến sĩ Levis đưa lên ốc đảo trên vũ trụ sinh sống cùng nhiều kiếp trẻ mồ côi khác.

    [​IMG]
    Huy Hùng là nhân vật người Việt Nam trong Dũng sĩ Hesman và sau này sớm tái xuất trong Siêu nhân Việt Nam cũng của Hùng Lân.
    Lần đầu xuất hiện ở tập 55 mang tên Ốc đảo vũ trụ, nhờ khả năng phi thường do sống ở hành tinh có lực hút mạnh, Huy Hùng sớm gia nhập nhóm Hesman.

    Sau một cuộc kỳ ngộ đặc biệt, anh sở hữu năng lực “thấu kính” với khả năng bay lượn và phóng nguồn điện thấu kính cực mạnh, làm tê liệt đối thủ.

    Đến tập 82 là Thiên thần gãy cánh, Huy Hùng bị kẻ xấu chặt tay để cướp thấu kính. Nhưng anh sau đó sớm được lắp cho cánh tay máy gắn thấu kính có khả năng biến hóa lợi hại gấp nhiều lần.

    Huy Hùng cũng là nhân vật hiếm hoi sống sót đến cuối truyện, và thậm chí còn sớm tái xuất ở bộ truyện tiếp theo của tác giả Hùng Lân là Siêu nhân Việt Nam.

    Trái với Kíp, đường tình duyên của Huy Hùng rất gian nan. Người yêu ban đầu của anh là Nguyên Hương bị giết chết. Về sau, Huy Hùng kết hôn với Xpex - cô gái có cơ thể đặc biệt do được sinh ra ngoài vũ trụ.

    NỮ QUÁI YANDA
    Trong số các nhân vật nữ của Dũng sĩ Hesman, Yanda là gương mặt được rất nhiều độc giả mến mộ bởi số phận nhuốm màu bi kịch.

    Xuất hiện lần đầu ở tập 13 mang tên Người hùng không gian, cô khi ấy là một nữ quái, cùng Samat và nhiều quái nhân khác thay nhau tấn công Arus, chống lại Hesman. Nhưng nhờ được cảm hóa, Yanda sớm đứng về phe chính nghĩa.

    [​IMG]
    Nữ quái Yanda là nhân vật nữ được nhiều độc giả của Dũng sĩ Hesman yêu mến.
    Khả năng của Yanda là hóa khổng lồ và phóng điện mạnh mẽ. Nhiều lần chiến đấu sát cánh bên Gát Cô khiến cô sớm nảy sinh cảm tình với anh chàng người thú.

    Nhưng câu chuyện tình chưa diễn ra được bao lâu thì bi kịch ập tới. Cha của Yanda là Xibec kéo tới tấn công Arus. Trong nỗ lực ngăn cản cha mình hãm hại bạn bè mình, nữ quái đã hy sinh dưới chính tay người cha ruột.

    Nỗi buồn mất người thương khiến Gát Cô trở nên đau đớn, cứ thế lẻ bóng trong suốt thời gian dài. Phải mãi tới sau này, khi gặp người có gương mặt gần giống như Yanda, anh mới dần mở lòng trở lại.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
     
    Thai232 thích bài này.
  10. Một thời niên thiếu ngày ngày ngồi quán sách, ngồi chực thằng kia đọc xong tới lượt mình, khi không có tiền thì sao? Ngồi cạnh thằng đang đọc, đọc cọp nó, mà giống mê truyện lại khoái việc tụm đầu đọc chung. "Trời, ghê quá mầy". "Ừ ghê thiệt" " Thằng đó mạnh quá mầy" "Không biết Hesman đấu nỗi không, thấy bị đánh quá trời mầy" vâng vâng và mây mây. Thỏa thuê như ai. Thuê truyện đọc tại chỗ là một điều mà bây giờ bọn trẻ không còn biết đến, chúng coi cọp ở nhà sách, lăn lê bò tòi chứ có trả tiền đâu, có chờ chực đâu, không thể có cái cảm giác lạ lùng đó được. Cái thời Hesman là cái thời lê la, chờ chực, ngóng trông, trong lớp toàn là kể, bàn tán xôn xao.

    Ghét truyện Hesman, phần kết mỗi tập luôn có gì đó bắt người ta phải chờ tập tiếp theo sẽ biết, một thằng quái nào đó xuất hiện, mạnh kinh khủng. Ghét kinh khủng ghét. Mà ghiền.
    Ít ra Tranh truyện Việt Nam cũng có một seri không thua kém truyện Nhật.
     
    doannhuthat and Forest like this.
  11. Forest

    Forest Lớp 2



    Hồi đó ăn cốm hoặc bánh... hay có kèm theo tấm hình Hesman trong đó để câu khách :))
     
    daovanhuy thích bài này.

Chia sẻ trang này