Trà phiếm Đắc Nhân Tâm

Thảo luận trong 'Bàn Trà' bắt đầu bởi silence00, 7/7/15.

Moderators: amylee
  1. silence00

    silence00 Sinh viên năm II

    Tôi thấy nhiều bạn phản đối cái bài báo "Sự khốn cùng của tư duy triệu phú" nên tôi cóp bài này từ Blog này. Tôi nghĩ bài báo là một góc nhìn đa chiều cần phải có nhiều bài như thế, ở VN giáo dục không dạy cho học sinh học cách tư duy đa chiều nên việc phản đối bài này nhiều cũng không có gì lạ

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    “I went to a bookstore and asked the saleswoman, 'Where's the self-help section?' She said if she told me, it would defeat the purpose.” -- George Carlin.

    Hôm nay đọc bài Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link tôi mới nhớ là mình chưa đọc Đắc Nhân Tâm nên tìm để đọc. Đang đọc thì tôi nhớ đến một thằng bạn từ hồi cởi truồng tắm mưa, mà tôi tạm gọi là thằng X. Thằng X., nói theo ngôn ngữ bây giờ, rất "popular", dịch ra tiếng Việt nghĩa là gì tôi không biết, nhưng đại loại là đám con nít tụi tôi rất thích chơi với nó. Có khi còn giành nhau bao nó ăn hoặc chơi điện tử nữa. Kỳ lạ, vì chỉ có mình nó là sướng như vậy. Nhiều khi cả đám đang chơi cái gì, nó bỏ về là cả đám còn lại cũng xìu. Tôi cũng muốn được như vậy, nên tôi rất tò mò không biết bí mật của thằng X. là gì. Hồi đầu tôi đoán chắc là do thằng X. khá độc lập, ai chơi với nó thì nó chơi, không thì thôi. Mấy đứa khác, kể cả tôi, không được như vậy. Cho đến một lần thằng X. nó kể cho tôi nghe một câu chuyện, lâu lắm rồi tôi không còn nhớ là chuyện gì, chỉ nhớ như in thằng X. nó nói "Tao vừa nói vừa cười cười, làm như nói giỡn, nịnh nó nhưng mà là để khích nó...".

    Thú thật tôi không hiểu rõ tại sao tôi lại có ấn tượng với câu nói này và lại nhớ đến tận bây giờ. Chắc vì nó mới; lần đầu tiên trong đời (chắc lúc đó tôi mới mười tuổi), tôi mới nghe một người nói đến chuyện giả bộ giỡn chơi, nhưng là để khích người khác. Ở tuổi đó, tôi biết nói dối và đã nói dối nhiều, nhưng giả bộ khen người khác để điều khiển (chữ tôi muốn dùng là manipulate, nó xảo trá hơn chữ điều khiển nhiều, nhưng không biết dịch sao) người đó làm theo ý mình thì quả là cao thủ. Thật sự ngay lúc đó tôi không hiểu được như vậy, mà mãi đến về sau, khi lớn lên, ra đời, va chạm nhiều hơn, tôi mới nhận ra nhiều người thích thằng X. vì nó rất giỏi trò điều khiển người khác. Nhưng tại sao một đứa con nít lại biết mấy trò này? Tôi nghĩ chắc là nó học ở ba nó, một người tôi nghĩ cũng giỏi trò điều khiển người khác, vì ổng cũng có nhiều bạn bè, những người không phải khá giả gì, nhưng vẫn sẵn sàng bao ổng ăn nhậu tẹt ga.

    Cũng có khi thằng X. đọc Đắc Nhân Tâm từ nhỏ. Ấn tượng ban đầu của tôi là Đắc Nhân Tâm chỉ cho những người như thằng X. cách ứng xử để điều khiển người khác làm theo ý nó. Chương 1 của cuốn sách có tựa "Fundamental Techniques In Handling People" và Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link giới thiệu thế này "[...] also emphasizes fundamental techniques for handling people without making them feel manipulated". Đây là điểm gây tranh cãi, vì chẳng ai muốn mình bị người khác điều khiển cả, nên một cuốn sách dạy cách điều khiển người khác chẳng có gì hay ho đáng để được ca ngợi. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó có lẽ cũng hơi nóng vội. Tôi có một thằng bạn khác, thằng H. Nó cũng popular, nhiều người thích chơi với nó, nhưng không phải vì nó giỏi điều khiển người khác, nhưng vì nó thật lòng, nó tốt bụng, nó biết lắng nghe và nó luôn chân thành với bạn bè. Thằng H. với thằng X. giống nhau trên bề mặt, nhưng ở bên dưới khác nhau xa lắm. Một thằng chỉ nghĩ đến lợi ích của nó và tất cả những gì nó làm là phục vụ cho nó. Một thằng nghĩ đến lợi ích của nó và những người khác, và cố gắng tìm ra cách mà hai bên cùng có lợi hoặc ít nhất không bên nào chịu quá nhiều thiệt thòi, hoặc nếu có thì nó sẽ chịu thiệt nhiều hơn một chút so với người kia.

    Đắc Nhân Tâm dạy cho thằng X. rất nhiều thứ hay ho, nhưng cuốn sách này không dạy được thứ mà thằng X. thiếu và thằng H. có thừa: sự tử tế. Đọc Đắc Nhân Tâm, người ích kỉ sẽ ích kỉ hơn, người tử tế sẽ tử tế hơn. Không phải Đắc Nhân Tâm không nói đến sự tử tế, trái lại là khác, tôi thấy cuốn sách nhắc nhiều đến sự chân thành, trung thực, khuyên người đọc phải biết lắng nghe, phải biết chia sẻ, phải biết giúp đỡ người khác. Nhưng tôi e những người như thằng X. sẽ chỉ coi đó là những chiêu trò; họ cũng làm theo, nhưng không có sự chân thành, mà chỉ giả bộ để lấy lòng người khác, khiến người ta làm theo ý họ. Tôi nghĩ đây cũng là điểm chính mà Đặng Hoàng Giang muốn cảnh báo trong bài báo trên Tuổi Trẻ.

    Thế có nên đọc Đắc Nhân Tâm hay không? Nếu ai hỏi tôi câu này cách đây 7 năm (ôi chu choa, lâu dữ!) câu trả lời của tôi sẽ là Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link (sao hồi xưa mình hăng quá), bây giờ tôi nghĩ nên đọc. Đây là một cuốn sách tốt, mặc dù bề ngoài của nó có vẻ như chỉ nói đến chuyện thành công của mỗi cá nhân, tôi nghĩ sâu xa tác giả muốn làm cho mối quan hệ giữa người và người trở nên nhẹ nhàng, dễ chịu và chân thành hơn. Một thằng ích kỉ nhưng cố gắng tử tế với mọi người xung quanh còn đỡ hơn một thằng ích kỉ nhưng chẳng nghĩ đến ai khác cả. Mặc dù chỉ là bề ngoài, nhưng có còn hơn không. Ngược lại, một người tử tế nhưng không biết cách thể hiện sự tử tế của mình thì đôi khi cũng bị hiểu lầm là đang cố gắng điều khiển và gây khó chịu cho người khác.

    Nhiều người phản đối bài báo của Đặng Hoàng Giang, vì tác giả nói những điều mà họ không đồng ý, nhưng tôi thấy phải hoan nghênh bài báo này, ngay cả khi chúng ta không đồng ý với tác giả. Đọc, nghi ngờ, suy nghĩ, đối chiếu, phản biện, đồng tình, không đồng tình, v.v. tất cả bắt đầu bằng đọc, nhưng nếu chỉ đọc thôi mà không nghi ngờ hoặc không suy nghĩ thì có đọc một trăm cuốn như Đắc Nhân Tâm cũng không có tác dụng gì cả hoặc có khi đem đến tác dụng ngược, tẩu hỏa nhập ma. Tôi có một niềm tin sắc son là không nên tin ngay vào những gì sách viết (không chỉ riêng sách, tôi nghi ngờ tất cả mọi thông tin tiếp nhận từ mọi nguồn), mà nên nghi ngờ và suy nghĩ thêm để tự mình rút ra kết luận. Tôi nghĩ bài báo của Đặng Hoàng Giang là kết quả của một quá trình tương tự. Tác giả đọc, nghi ngờ liệu sách có tác dụng thật hay không, suy nghĩ và rút ra kết luận là không. Mỗi chúng ta phải nên bắt chước và tự rút ra kết luận cho riêng mình.
     
    pspvhp, hoangkhanh483, Ducko and 2 others like this.
Moderators: amylee

Chia sẻ trang này