Nhận định Đã đến lúc doanh nghiệp tư nhân bứt phá

Thảo luận trong 'Tác phẩm và nhận định' bắt đầu bởi Sách triết học kinh điển, 13/5/22.

Moderators: Cát Cát
  1. Nếu có một nghịch lý lớn lao nhất đang tồn tại trong nền kinh tế Việt Nam hàng chục năm qua và vẫn đang diễn ra ở thời điểm hiện tại, thì đó hẳn phải là sự nghịch lý giữa vai trò và số phận các doanh nghiệp tư nhân.
    Được xem là hạt nhân quan trọng nhất trong nền kinh tế của hầu khắp các quốc gia trên thế giới, giới doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam cũng dần chứng tỏ được vai trò của mình khi mức đóng góp cho GDP đất nước lên tới 40% (tính đến thời điểm giữa năm 2015).
    Thế nhưng, số phận của họ trong nền kinh tế đất nước thì không khác gì những đứa con ghẻ. Sự hỗ trợ mà doanh nghiệp tư nhân Việt Nam nhận được vẫn rất thấp, trong khi những rào cản thì có vẻ như mỗi lúc một nhiều thêm. Nhưng khi mà thời khắc quyết định với nền kinh tế Việt Nam đang đến gần, thì có lẽ đã đến lúc hạt nhân của nền kinh tế này cần phải được cởi trói.
    Với những người bi quan, thì số phận của giới doanh nghiệp Việt Nam trong những năm qua quả thực không khác gì những đứa con ghẻ của nền kinh tế đất nước. Đóng góp cho tăng trưởng GDP lên tới 40%, vượt qua cả đứa con cưng là khối doanh nghiệp nhà nước với mức đóng góp chỉ đạt hơn 32%, nhưng những ưu đãi mà có lẽ họ xứng đáng nhận được vì những đóng góp cho kinh tế nước nhà vẫn cực kỳ hạn chế, và gần như không đáng kể chút nào với những ưu đãi mà khối quốc doanh nhận được.
    Với những người lạc quan, thì giới doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong những năm qua đã làm nên những điều kỳ diệu. Vì với những điều kiện hạn chế như thế mà vẫn phát triển mạnh và đóng góp gần một nửa tăng trưởng GDP cho nền kinh tế, thì quả thực là một phép màu.
    So sánh như thế để thấy được tiềm năng lớn lao của giới doanh nghiệp tư nhân đối với nền kinh tế Việt Nam, nếu được đầu tư đúng mức có thể trở thành hạt nhân tăng trưởng cho đất nước. Nhưng thực tế là tiềm năng lớn lao ấy vẫn đang bị hạn chế một cách nhất định trong nhiều năm qua. Các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân từ phía nhà nước bị đánh giá là thiếu hiệu quả, trong đó những chính sách được xem là thành công nhất lại là những quyết định nới bớt những thủ tục, quy định gây phiền hà và rắc rối cho doanh nghiệp chứ không phải là những chính sách trực tiếp thúc đẩy doanh nghiệp phát triển vốn rất hiếm hoi.
    Không những không thể so sánh về sự ưu đãi với khối quốc doanh, mà doanh nghiệp tư nhân Việt Nam còn ít nhận được sự ưu đãi hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp FDI có vốn đầu tư từ nước ngoài, về rất nhiều phương diện: từ đất đai cho đến giảm thuế cũng như về pháp lý. Dễ dàng để nhận ra sự nghịch lý và bất công không hề nhỏ: người nước ngoài đến Việt Nam lập doanh nghiệp lại nhận được sự ưu đãi lớn hơn nhiều so với người Việt Nam tự lập doanh nghiệp.
    Dễ dàng liệt kê được những khó khăn chính, hoặc có thể coi là những ràng buộc, mà doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang phải chấp nhận. Đó là sự khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, thiếu những điều kiện ưu đãi cần thiết để mở rộng quy mô, sự yếu kém của cơ chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Hầu hết nguồn vốn của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện nay vẫn đến từ nguồn vốn ngắn hạn của ngân hàng, trong đó lãi suất thực của vốn vay quá cao trong tương quan so sánh với các nền kinh tế khác.
    Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam gần như rất khó có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn vay dài hạn ưu đãi lãi suất thấp từ phía nhà nước như hầu hết doanh nghiệp các nước khác nhận được. Những ưu đãi về sử dụng đất đai, giảm thuế hay tạo điều kiện thuận lợi về pháp lý thủ tục giấy tờ cho việc thành lập và hoạt động doanh nghiệp cũng gần như cực kỳ hạn chế.
    Tất cả những hạn chế và ràng buộc diễn ra trong một thời gian dài này đang khiến giới doanh nghiệp Việt Nam suy yếu một cách nghiêm trọng và đáng báo động. Thống kê cho thấy, trong số gần 50% đóng góp cho GDP của đất nước của giới doanh nghiệp tư nhân, thì 33% GDP đã thuộc về lĩnh vực kinh doanh cá thể. Nghĩa là nguồn tăng trưởng kinh tế hàng đầu của Việt Nam hiện nay là số lượng đông đảo những hộ kinh doanh cá thể và nhỏ lẻ, thậm chí còn không được coi là một doanh nghiệp cỡ vừa.
    Thực tế thống kê cho thấy, trong số các doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động, thì chỉ có 2% trong số đó là doanh nghiệp lớn, 2% là doanh nghiệp cỡ vừa, còn lại 96% là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Đó là một thực tế đáng kinh ngạc và không lấy gì làm lạc quan, khi mà đại bộ phận lên tới hơn 90% doanh nghiệp Việt Nam lại là những doanh nghiệp quá nhỏ, khả năng tồn tại luôn bị đặt dấu hỏi chứ chưa nói gì tới việc cạnh tranh hay phát triển.
    Sự yếu kém của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam khiến cho hầu hết mọi hiệp định kinh tế hay thương mại quốc tế được ký kết trong vài năm gần đây đều không đem lại nhiều lợi ích. Vì người chơi quan trọng nhất và có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong các hiệp định kinh tế thương mại quốc tế là giới doanh nghiệp tư nhân, khi giới doanh nghiệp trong nước quá yếu thì cơ hội tận dụng những thuận lợi mà hiệp định đem lại là rất thấp, thậm chí còn có thể bị doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng quy định của hiệp định kinh tế thương mại để thôn tính và sáp nhập. Nói cách khác, Việt Nam đang tìm cách xây nhà từ nóc, cố gắng tìm cách ký thật nhiều các hiệp định thương mại và đối tác kinh tế với các nước trên thế giới, trong khi lại ràng buộc và không chịu tìm cách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân trong nước vốn là hạt nhân chủ đạo đem về lợi ích từ các hiệp định đó.
    Thực tế đó càng đáng lo ngại hơn khi Việt Nam chuẩn bị bước vào tiến trình thực hiện hai hiệp định kinh tế quan trọng, là cộng đồng kinh tế ASEAN AEC và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP. Đặc biệt là AEC, khi các quy định của hiệp định này đang xóa đi phần lớn rào cản bảo hộ doanh nghiệp trong nước và cho phép doanh nghiệp nước ngoài không những cạnh tranh trực tiếp mà còn có thể thâu tóm các doanh nghiệp bản địa. Một viễn cảnh không lấy gì làm tốt đẹp khi nghĩ đến việc 96% doanh nghiệp tư nhân Việt Nam là doanh nghiệp lợi nhỏ và siêu nhỏ sẽ ra sao trước các tập đoàn và công ty hùng mạnh nước ngoài khi Việt Nam phải mở cửa thị trường theo lộ trình của AEC và TPP.
    Đã xuất hiện những cảnh báo rằng nếu như Việt Nam không có chính sách hỗ trợ phát triển đặc biệt giới doanh nghiệp tư nhân, thì nền kinh tế Việt Nam sẽ nhanh chóng bị thâu tóm bởi các doanh nghiệp nước ngoài thông qua việc thâu tóm các doanh nghiệp tư nhân cỡ nhỏ trong nước vốn chiếm hơn 90%. Nền kinh tế Việt Nam khi đó sẽ chỉ còn các doanh nghiệp nhà nước chiếm khoảng 1/3 quy mô nền kinh tế, còn gần 2/3 còn lại sẽ nằm trong tay các ông chủ nước ngoài.
    Dĩ nhiên điều đó cũng không có vấn đề lắm, như một số nước hiện nay đang thực hiện như Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận để sự ổn định hay suy thoái nền kinh tế phụ thuộc vào giới đầu tư nước ngoài, thay vì đặt nó vào trong tay giới doanh nghiệp trong nước. Nếu người Việt Nam không muốn chỉ là người làm thuê trên chính đất nước của mình, thì đã đến lúc cần phải cởi trói cho giới doanh nghiệp tư nhân trong nước.
    Nhàn Đàm (bài viết có tham khảo các thông tin từ VCCI và VNeconomy)
    Nguồn: tritrigroup (10/2012)
    upload_2022-5-13_8-57-57.png
     
    amylee thích bài này.
  2. CÁC DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN KHÓ LỚN, VÌ SAO?
    Hầu hết doanh nghiệp tư nhân phất lên một cách ngoạn mục trong thời gian gần đây đều liên quan đến tài nguyên, bất động sản và tài chính ngân hàng.
    - Ba mươi năm cải cách ở Việt Nam đã giúp không ít doanh nhân tích lũy nhiều của cải, song chưa tạo ra được một thế hệ các nhà công nghiệp gắn liền tên tuổi và sự nghiệp của mình với sự hình thành và phát triển các cụm, ngành công nghiệp quốc gia. Vì sao?
    >>> Quan trọng nhất là phải tư duy kinh tế thị trường
    Khi ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, tuyên bố giảm giá bán tới 50% những căn hộ mà tập đoàn này xây dựng ở TPHCM cách đây hơn một năm, rồi sau đó thoái vốn khỏi lĩnh vực bất động sản, ông đã gây ngạc nhiên cho thị trường. Song, điều đó - cùng với việc chuyển vốn sang các thị trường lân cận - vẫn giúp nhân vật này giữ vị trí là một trong những người giàu nhất Việt Nam.
    Cũng vào đầu năm nay, tập đoàn Vingroup đã chuyển nhượng thành công tổ hợp trung tâm thương mại - khách sạn Vincom Center A ở TPHCM, trị giá tới 470 triệu đô la Mỹ. Thương vụ này, và nhiều thương vụ bất động sản nhanh nhạy khác đã giúp ông chủ của Vingroup Phạm Nhật Vượng giữ vững ngôi vị người giàu nhất Việt Nam.
    Hai tập đoàn trên có thể coi là những trường hợp tiêu biểu nhất trong số các doanh nghiệp tư nhân phất lên một cách ngoạn mục trong thời gian gần đây. Hầu hết các doanh nghiệp này đều liên quan đến tài nguyên, bất động sản và tài chính ngân hàng. Trong báo cáo 500 doanh nghiệp lớn nhất Vietnam Report hàng năm vẫn thường xuất hiện tên hai doanh nghiệp trên và một số doanh nghiệp và các ngân hàng thương mại cổ phần khác.
    các yếu kém về thể chế đã giải thích sự phát triển thiên lệch và nguy cơ tiềm ẩn dẫn tới đổ vỡ hàng loạt trong khu vực doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam
    Là người có đóng góp nhiều cho sự hình thành của khu vực doanh nghiệp tư nhân, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Lê Đăng Doanh tỏ ra lo ngại: “Có nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam giàu lên nhanh chóng là do dựa vào khai thác tài nguyên, sở hữu bất động sản vì được cấp đất, tạo cơ chế. Khó mà nói họ đóng góp gì cho nền kinh tế về mặt đổi mới công nghệ, hay kỹ năng quản trị”.
    Khu vực tư nhân ngày càng đông...
    Số doanh nghiệp tư nhân đã tăng trên 7,7 lần với tốc độ bình quân 20% mỗi năm từ năm 2000, khi có Luật Doanh nghiệp, đến năm 2011, theo nghiên cứu của ông Đậu Anh Tuấn, quyền Trưởng ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Tuy nhiên, số doanh nghiệp tư nhân phát triển lên thành các tập đoàn lớn, có các sản phẩm nổi trội trên thị trường có thể át đi hàng nhập khẩu không nhiều.
    Chỉ có 103 doanh nghiệp tư nhân lọt vào danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2007, và tăng lên 225 năm 2012 theo báo cáo Vietnam Report VNR500. Những con số này rõ ràng là chẳng thấm tháp gì so với tổng số 545.000 doanh nghiệp tư nhân ghi nhận được đến năm 2012 trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
    Một nghiên cứu của bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI, đã chỉ ra rằng “các doanh nghiệp nhỏ và vừa không lớn được”. Số liệu nghiên cứu cho thấy xét theo quy mô lao động theo Nghị định 56/2009 của Chính phủ, thì tỷ lệ các doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ có xu hướng tăng lên trong giai đoạn 2002-2011 (từ 90% lên 95,6%). Năm 2011, chỉ có 2,1% các doanh nghiệp có quy mô vừa và 2,4% có quy mô lớn.
    Điều này chẳng xa lạ gì với Nguyễn Văn B., giám đốc một công ty chuyên cung cấp phần mềm kế toán doanh nghiệp có trụ sở tại Hà Nội. B. đã phải sa thải bớt nhân viên, trung bình mỗi ngày một người, từ giữa năm 2011 đến cuối năm 2012 do đơn hàng cạn kiệt. “Có những lúc áp lực căng thẳng đến mức không chịu nổi”, B. kể về thời gian phải thuyết phục các nhân viên nghỉ việc mà không dẫn đến khiếu kiện. Đến nay, công ty của B. còn gần 350 nhân viên, bằng quy mô của năm 2007.
    Cũng đầu năm nay, Trần Văn Minh, giám đốc một công ty chuyên về giao nhận (forwarding) có trụ sở ở Hà Nội, cũng đã phải đóng cửa một chi nhánh ở TPHCM sau hơn hai năm duy trì. Bên cạnh đó, anh phải cắt giảm thêm bốn nhân viên ở văn phòng Hà Nội, để chỉ còn 20 người, bằng với số nhân viên của anh vào năm 2004, hai năm sau khi thành lập doanh nghiệp. “Đến nay thì tôi chỉ nghĩ làm sao duy trì được công ty là may lắm rồi”, Minh nói.
    ...Nhưng không mạnh
    Công ty của hai vị giám đốc trên, đều thuộc quy mô nhỏ và vừa, vẫn còn may mắn hơn hàng trăm ngàn doanh nghiệp khác đã phải đóng cửa trong gần ba năm qua, giai đoạn mà nhiều chuyên gia kinh tế cho là khó khăn nhất kể từ khi đổi mới. Sau hơn ba thập kỷ được chính thức xuất hiện trở lại trong nền kinh tế, sau khi có Luật Công ty, và Luật Doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam vẫn chưa thể cất cánh.
    Theo ông Lê Duy Bình, thuộc Công ty Economica, nguyên nhân trên có lý do chủ quan từ các doanh nghiệp. Ông nói, đại bộ phận công ty tư nhân ở Việt Nam vẫn mang nặng tính gia đình, người chủ sở hữu thường đồng thời là người quản lý, giám đốc, quản đốc, cán bộ kỹ thuật... của công ty. Các doanh nghiệp Việt Nam nói chung chưa xây dựng được các kế hoạch kinh doanh lâu dài và bền vững với những mục tiêu, sứ mệnh được xác định rõ ràng. Triết lý phát triển, chiến lược, định hướng phát triển dài hạn... vẫn là những yếu tố xa vời với đại bộ phận doanh nghiệp.
    Song, yếu tố khách quan lại có vẻ nhiều hơn, theo các nhà nghiên cứu của trường Harvard Kennedy. Trong bài thảo luận chính sách được công bố mới đây, các tác giả của báo cáo này nhận xét, trong thời gian gần đây khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang đứng trước nguy cơ teo tóp, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng đến mức báo động. Ngoài ra, trong khu vực kinh tế tư nhân có sự phân hóa rõ rệt thành những doanh nghiệp thân hữu, có mối quan hệ khăng khít với các định chế ngân hàng và giới chức chính quyền và những doanh nghiệp quy mô nhỏ ít có cơ hội tiệm cận các nguồn lực kinh tế.
    Báo cáo này khẳng định, doanh nghiệp tư nhân trong nước đang gặp bốn thách thức cơ bản. Thứ nhất là quyền sở hữu tuy được ghi nhận trên giấy nhưng việc thực thi bảo hộ những quyền ấy còn yếu kém. Thứ hai, doanh nghiệp tư nhân chưa bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực. Thứ ba, sự nhũng nhiễu của bộ máy quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp chưa giảm. Và thứ tư, các thể chế hỗ trợ thị trường hoặc thiếu vắng hoặc hoạt động kém hiệu quả.
    Các nhà kinh tế của báo cáo trên cho rằng, các yếu kém về thể chế đã giải thích sự phát triển thiên lệch và nguy cơ tiềm ẩn dẫn tới đổ vỡ hàng loạt trong khu vực doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp tư nhân có mức độ tăng trưởng quy mô đột biến chủ yếu nhờ vào các hoạt động thương mại hoặc đầu cơ, nhất là dồn vốn vào kinh doanh bất động sản. Ngược lại, nếu không có quan hệ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa một phần bị chèn ép bởi khu vực doanh nghiệp nhà nước, một phần bị mất lợi thế bởi doanh nghiệp thân hữu, không thể đầu tư lâu dài để trở thành những doanh nghiệp có quy mô đáng kể hơn. Điều này giải thích vì sao các doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn, dựa trên sản phẩm có sức cạnh tranh cao, hay sản phẩm riêng biệt tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho xã hội gần như chưa xuất hiện.
    Theo thesaigontimes.vn (Tháng 10/2013)
    20150104092832-kinh-te-jpg2.jpg
     
    amylee thích bài này.
  3. Niềm tin tìm lại
    Niềm tin mà tôi tưởng đã mất lại le lói hiện ra trên một cánh đồng nhỏ vùng Trà Vinh trong những tâm hồn nhân hậu, tử tế không bị ô nhiễm bởi những suy đồi của xã hội bao quanh. Chúng ta còn hy vọng, thì định mệnh quê hương còn thay đổi.
    Là một người luôn tin vào thế mạnh của doanh nghiệp tư nhân trong việc xây dựng nền kinh tế quốc gia, mỗi lần về lại quê hương là tôi thắp đuốc đi tìm các doanh nhân, đại gia Việt thành công để nhận lãnh những bài học mà tôi nghĩ là thực tiễn cho thế hệ sau này. Có rất nhiều tấm gương thành công của Việt kiều tại Âu, Mỹ, Úc…nhưng tôi muốn nhìn thấy tận mắt một đặc sản “made in Vietnam”.
    Tôi không lưu tâm đến lãnh vực doanh nghiệp nhà nước. Các vị quản lý này thường được bổ nhiệm do những liên hệ, gốc rễ không rõ ràng và kết quả kinh doanh của họ đã thể hiện khả năng thực sự với những tỷ số tài chánh yếu kém như mức hòan trái trên vốn , doanh thu trên tài sản , hay doanh thu và lợi nhuận của mỗi nhân viên. Vẫn có những ngoại lệ, nhưng nếu phân khúc công của nền kinh tế hoạt động hữu hiệu và sắc bén thì Liên Bang Xô Viết và Trung Quốc đã làm bá chủ thế giới cách đây vài chục năm trước. Cha chung vẫn không ai khóc.
    Trong khi đó, những doanh nhân đang điều khiển các bộ máy quản lý doanh nghiệp tư chưa chứng tỏ được khả năng cạnh tranh của mình theo tiêu chuẩn quốc tế. Hơn 80 đại gia tôi gặp trong 4 năm qua đều chia sẻ một mẫu số chung: họ rất năng động, khôn ngoan, thông minh, liều lĩnh, thủ đọan, kiên trì và gỉỏi ứng biến. Họ biết rất rõ về những trung tâm quyền lực và có liên hệ mật thiết với mọi quan chức còn quyền. Họ đã dựng nên những gia tài đáng kể nhờ biết lợi dụng khe hờ luật lệ, chiếm đăc quyền, đặc lợi trong mọi bối cảnh phức tạp và vượt xa đám đông với tài năng đặc thù này.
    Tuy vậy, họ đều hiểu rằng khi ra khỏi sân chơi nhà, những lợi thế cạnh tranh nói trên sẽ bốc hơi và sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp họ sẽ ế ẩm so với đồng nghiệp. Ngay cả những công ty công nghệ thông tin (IT) hàng đầu của Việt Nam cũng không đưa ra thị trường đặc sản nào sáng tạo. Các công ty này thành công ở Việt Nam nhờ làm đại diện cho những công ty đa quốc hay có những hợp đồng béo bở với chánh phủ.
    Có thể nói là tôi khá bi quan trước khi đặt chân đến Trà Vinh và đi thăm nhà máy của Mỹ Lan. Vợ chồng anh chị Nguyễn Thành Mỹ, Việt kiều từ Canada, đã bỏ ra 6 năm và 1 triệu dollar để tạo dựng công ty này. Thành quả sau cùng là một doanh nghiệp mà tôi vẫn mơ ước vì chính cá nhân mình, sau 42 năm làm ăn khắp thế giới, cũng không thể thực hiển nổi.
    Tôi vẫn thường “dạy” các doanh nhân trẻ và các sinh viên đại học về bốn nhân tố tôi cho là cần thiết cho sự thành công: (a) sản phẩm có công nghệ hay cá tính đăc thù để tạo một mức lợi nhuận cao; (b) đội ngũ quản lý bài bản và quan tâm đến phúc lợi của nhân viên; (c) doanh thu bền vững và dòng tiền lưu chuyển mạnh; (d) và trên hết, một tầm nhìn và tư duy sáng tạo, lâu dài cho doanh nghiệp.
    Vượt biên và định cư tại Canada vào năm 1979 với hai bàn tay trắng, anh Mỹ đã phải làm bồi bàn, phụ bếp trong suốt 10 năm để có tiền đi học. Anh đậu Tiến Sĩ về hóa học và đi làm cho IBM, Polycom-Kodak thêm 7 năm trước khi vay tiền ra lập công ty riêng. Lơi thế cạnh tranh của anh là những công trình nghiên cứu, bằng sáng chế anh thu nhận sau hơn 20 năm. Dù vậy, anh cũng trải qua bao thăng trầm như nhiều doanh gia khác. Mãi đến 2004, công ty anh mới có chút ổn định và khi về thăm quê ở Trà Vinh, anh nảy sinh ý định thiết lập công ty tại quê nhà như một bày tỏ tri ân.
    Khi tôi nhìn 4 khu nhà máy khang trang với 40,000 mét vuông đã xây dựng trong một công viên rộng hơn 20 hectares, tôi mới thấy công phu anh to lớn thế nào, nhất là khi anh kể lại chuyện khởi nghiệp với vài chục công đất ruộng ngập nước anh đã thuê. Lo cho môi trường, anh xây nhà máy xử lý nước thải trước. Hai ấn tượng để tôi kính phục khi thăm nhà máy: đây là nhà máy sạch nhất thế giới (chỉ nhìn tất cả các nhà vệ sinh cho nhân viên sạch thơm như ở một khách sạn 5 sao); và cách gây dựng cho mọi nhân viên một tư duy sống và làm việc như đang ở tại một quốc gia tiền tiến (các anh chị em phần lớn đến từ các gia đình nông dân quanh đồng bằng Cửu Long).
    Mô hình kinh doanh của nhà máy là khai thác công nghệ nano để xuất khẩu các lọai polymer linh động trong ngành in nhiệt CTP với những laser hồng ngoại hay tử ngoại. Đặt tại môi trường thôn quê cách tỉnh Trà Vinh 15 cây số, nhà máy như một ốc đảo huyền thọai của Dr. No trong cuốn phim cùng tên của điệp viên James Bond 007.
    Hiện nay, với hơn 530 nhân viên, doanh thu của nhà máy chỉ 12 triệu dollars (hơn 70% xuất khẩu) nhưng lợi nhuận lên đến 3 triệu dollars. Trên hết, lương nhân viên cao hơn lương tại các thành phố lớn, cùng với cơ hội thăng tiến tràn ngập vì những khóa đào tạo liên tục của công ty. Công viên nhà máy nhiều cây xanh hơn những khu du lịch sinh thái mà tôi đã đi qua. Quỹ Jaccar của Pháp đầu tư 12 triệu dollars để chiếm 30%, cho công ty một thị giá hơn 40 triệu dollars. Công ty không có một khỏan nợ ngân hàng nào. Các tình trạng kinh tế vĩ mô hòan tòan không ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Với 1 triệu dollar và không một thế lực nào “chống lưng”, anh chị Mỹ đã kiếm được rất nhiều tiền cho mình, mọi người liên quan và cả tỉnh Trà Vinh. Chúng ta cần khỏang 1,000 anh chị Mỹ khắp Việt Nam để đất nước bắt kịp đà tiến của nhân loại.
    Đêm về, trong buổi trò chuyện với anh chị Mỹ và một số nhân viên quản lý trẻ (không ai trên 30 tuổi), chúng tôi nói về giả thuyết “tư duy quyết định định mệnh” của con người cũng như của doanh nghiệp và ngay cả của quốc gia. Tôi xác định lại niềm tin sâu xa của tôi vào con người Việt, như tôi đã tin vào chị Gấm (bài Niềm Tin Vào Con Người Việt của tôi) , như tôi đã tin vào đám thuyền nhân trôi dạt khắp xứ người với hai bàn tay trắng, như tôi đang tin vào thế hệ trẻ hiện nay đang dò dẫm tìm lối thóat trong giông bão; và như tôi vẫn còn tin vào một phép lạ nào đó ở giờ thứ 25.
    Niềm tin mà tôi tưởng đã mất lại le lói hiện ra trên một cánh đồng nhỏ vùng Trà Vinh trong những tâm hồn nhân hậu, tử tế không bị ô nhiễm bởi những suy đồi của xã hội bao quanh. Chúng ta còn hy vọng, thì định mệnh quê hương còn thay đổi.
    (TS Alan Phan_Bài đã đăng trên tuần báo Doanh Nhân Cuối Tuần số 419 ngày Thứ Sáu 2/9/2011)
    tien_si_alan_phan_qua_doi_giaoducnetvn_1.jpg
     
Moderators: Cát Cát

Chia sẻ trang này