Thơ Đường thi dịch sang thơ Việt

Thảo luận trong 'Tự Sáng tác' bắt đầu bởi TrongNghia, 4/3/15.

Moderators: nhanjkl
  1. TrongNghia

    TrongNghia Lớp 6

    Đường thi dịch sang thơ Việt

    DẪN NHẬP

    Xưa nay, từ chung một nguồn nguyên tác ngoại ngữ chưa hề có hai bản dịch trùng nhau. Thế nên có người luôn tự hỏi đâu đúng đâu sai, hoài nghi giữa có hay không độc tôn sự thật và để rồi ngậm ngùi nhắc thành ngữ người xưa “dịch tức là phản vậy”.
    Nhưng thiển nghĩ cơ tính đời người rất biến thiên súc tích, hàm ẩn cách dị uyên thâm. Nhìn chung một vầng trăng lơ lững mà người ghép vần vịnh nguyệt, kẻ lên dây réo rắt tiếng đàn, người pha chế sắc màu minh họa, kẻ kiến tạo Apollo, Lunar thực hiện thám du…. Trăm phương nghìn cách, tiếng bổng giọng trầm nhưng đều cũng là những nhạc điệu không thể thiếu được trong bản hoà tấu kỳ diệu nhân sinh. Huống chi chủ quan đã là nguồn cảm hứng cho nguyên tác thi văn thì sao đòi hỏi bản dịch phải tuyệt đối khách quan cho được.
    Thế nên dầu trước đã có công phu của Trần Trọng Kim, Ngô Tất Tố, Tản Đà, Trần Trọng San … Nay tôi gần trọn năm trong cảnh ngộ:
    Rừng rậm, núi cao: trường đại học,
    Tràn sôi huyết hãn luyện hùng anh.

    Phút rảnh rỗi thường nhớ lại thơ Đường ngày trước rồi đem dịch thành vận văn.
    Trước là đồng tâm đồng điệu, đốt nén hương lòng cảm khái nỗi niềm thi sĩ thuở thịnh Đường – những khách phong nhã, đa tình tuy khác bịêt chủng tộc, thời gian nhưng đều là bằng hữu của tình thơ muôn thuở. Sau xin đáp lời phong cảnh bi tráng diễm hùng của núi rừng Trung bộ với mờ mịt mù sương, cuồng nhiệt suối nước lưng đèo, nắng chiều rừng vắng hay tiếng rỉ rả giá lạnh đêm mưa ….
    Mở ra như thế, nhưng kết lại thì sao? Xin thưa dầu nguyên tác Hán văn, đã dịch sang lục bát, song thất lục bát, đường luật, thơ mới, … do nhiều tác giả khác nhau; tất cả đều chung là biểu hiện của nhân tính: hữu tình.
    Với quan niệm đó, nay tôi góp những bài dịch thơ Đường nầy lại thành tập, mạnh dạn trân trọng giới thiệu cùng quý vị độc giả góp phần nào trong tính súc tích đa diện của văn chương. Ước mong tập thơ sẽ đem lại cho quý vị vài giây phút rung động thích thú vì có hay, có dở, cũng phát xuất tự tấm lòng thành.

    Lê Trọng-Nghĩa
    (Còn tiếp)
    @TrongNghia : Cám ơn Bạn! :)!
    Tuy nhiên, rất mong @TrongNghia lưu ý giùm một số 'điểm' sau:

    1. Không dùng màu đỏ khi 'tô chữ' nha. Màu chữ này là 'độc quyền' của Ban Quản trị (BQT) Diễn đàn. :p!
    2. Cố gắng 'kiểm soát' tốt hơn nữa lỗi chính tả trước khi gởi bài. :)!
    3. Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link :)!
    Trân trọng. _ tducchau.​
     
    Last edited by a moderator: 6/3/15
    Ducko, thichankem, mnhc and 5 others like this.
  2. BaoTran84

    BaoTran84 Lớp 5

    Nếu được, chú Trọng Nghĩa (cháu đoán vậy) cho cháu xin vài bài dịch của thơ Đường Dần nha chú.
    Cháu cảm ơn chú rất nhiều.
     
  3. TrongNghia

    TrongNghia Lớp 6

    Thơ dẫn

    Thời gian ngôn ngữ dẫu khác xa,
    Tình thơ muôn thưở vẫn chói loà.
    Vườn cũ, án xưa, người đã khúât,
    Thế trần lưu mãi chất tài hoa.​
     
  4. Ban Tang Du Tử

    Ban Tang Du Tử Moderator Thành viên BQT

    Hi vọng Trọng Nghĩa có thể làm được tập sách này với cả hai bản hán việt và bản dịch. :)

    Ví như bài Cầm Sắt đã có được đăng trong mục lục tủ sách Thi ca, nếu không có bản Hán Việt mà chỉ đọc được bản dịch thì thật đáng tiếc rồi. vì hầu như các bản dịch đều khó truyền tải được hết tinh ý của nó.
    Hi vọng là có được một tư liệu quý cho những ai yêu thích thơ ca.

    Cảm ơn bạn.
     
    fleurdelune and TrongNghia like this.
  5. TrongNghia

    TrongNghia Lớp 6

    Cám ơn bạn Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link,

    Vào năm 1976, lúc đó đất nước còn khó khăn; tôi chỉ với một viết Paker, một lọ mực xanh, một chén nước lã, một cọ lông nhỏ đã viết tập “Đường thi dịch sang thơ Việt”. Mỗi bài đều có 3 phần nguyên tác Hán văn, Hán Việt và dịch sang thơ Việt. Đến nay, xếp lại tủ bản thảo, gặp lại tập sách xưa.
    ”Hãy còn thoang thoảng hương trầm chưa phai (Nguyễn Du)”

    Xin gửi đến quý bạn một ít hình ảnh tập sách viết tay ba mươi mấy năm về trước nầy. Nay tập sách đã ố màu thời gian ( hay cô động tinh chất vàng hồn thơ muôn thuở ? )
    [​IMG]

    [​IMG]

    [​IMG]

    [​IMG]

    [​IMG]

    [​IMG]

    [​IMG]
     
    Chỉnh sửa cuối: 11/3/15
    chimcu, Ducko, ichono87 and 8 others like this.
  6. TrongNghia

    TrongNghia Lớp 6

    Dịch thuỷ tống biệt
    (Lạc Tân Vương)

    Thử địa biệt Yên Đan,
    Tráng sĩ phát xung quan.
    Tích thời nhân dĩ một,
    Kim nhật thuỷ do hàn.

    Chia tay bờ sông Dịch
    (Lê Trọng-Nghĩa phỏng dịch)

    Đất nầy chia tay Thái tử Đan,
    Tóc râu dựng ngược lửa giận tràn.
    Tráng sĩ ngày xưa đà khúât bóng,
    Nay còn lạnh lẽo nước Dịch giang.​

    (Còn tiếp)
     
  7. TrongNghia

    TrongNghia Lớp 6

    Tĩnh dạ tứ
    (Lý Bạch)

    Sàng tiền minh nguyệt quang,
    Nghi thị địa thượng sương.
    Cử đầu vọng minh nguyệt,
    Đê đầu tư cố hương.

    Ý đêm thanh
    (Lê Trọng-Nghĩa phỏng dịch)

    Ánh trăng chiếu sáng đầu giường,
    Trông ngoài khung cửa mù sương toả đầy.
    Ngẩng nhìn trăng vượt chót cây,
    Cúi đầu lại xót thân nầy tha hương.​
    (Còn tiếp)
     
    kinhnhieuloc, Ducko, ichono87 and 2 others like this.
  8. TrongNghia

    TrongNghia Lớp 6

    Hoàng Hạc lâu
    (Thôi Hiệu)

    Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
    Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu.
    Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
    Bạch vân thiên tải không du du.
    Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
    Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
    Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
    Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

    Lầu Hoàng Hạc
    (Lê Trọng-Nghĩa dịch)

    Người xưa cỡi hạc bay đi,
    Lầu vàng kỷ niệm, chút gì nhớ nhau.
    Hạc bay chẳng trở lại nào,
    Ngàn năm mây trắng vẫn cao lưng trời.
    Cây soi bóng nước chơi vơi,
    Cỏ xanh Anh Vũ muôn đời tỏa hương.
    Nắng tàn gợi nhớ cố hương,
    Mặt sông khói sóng sầu thương kiếp người.​
    (Còn tiếp)
     
    Chỉnh sửa cuối: 19/3/15
    kinhnhieuloc, langtu, Ducko and 3 others like this.
  9. Ban Tang Du Tử

    Ban Tang Du Tử Moderator Thành viên BQT

    Nhiều bài thơ trên cũng đã có người dịch, rồi đưa vào sách phổ thông để học sinh học. Chính Ban Tang cũng là người học những bài sách phổ thông này. Ấy vậy mà khi đọc những bài thơ do bác Trọng Nghĩa (Ban Tang nghĩ chắc chú cũng đã ngoài 50 rồi. :)) vẫn cảm thấy ý vị.

    Bản viết tay trông rất đẹp. Bác có thể chuyển nó qua dạng scan được không, tạo thành hẳn một tập sách điện tử nhưng vẫn giữ lại được hình dạng của nó. Nếu bác có khó khăn thì xin cứ liên lạc với cháu để cháu hỏi xem trong diễn đàn có thể hỗ trợ được bằng cách nào không. :) (Chứ cháu cũng không biết làm. Nhưng cháu biết các bạn khác biết làm!) . Cuốn chép tay rất hay, mong là bác có thể chia sẻ nó với diễn đàn. :)
     
  10. TrongNghia

    TrongNghia Lớp 6

    Nam hành biệt đệ
    (Vi Thừa Khánh)

    Đạm đạm Trường Giang thuỷ,
    Du du viễn khách tình.
    Lạc hoa tương dữ hận,
    Đáo địa nhất vô thanh.

    Chia tay em để về nam
    (Lê Trọng-Nghĩa dịch)

    Sông dài, nước đục chảy lững lờ,
    Xa nhà lòng khách luống ngẩn ngơ.
    Hoa kia dường như chung niềm hận,
    Rời cành rơi xuống lặng như tờ.
    (Còn tiếp)
     
  11. TrongNghia

    TrongNghia Lớp 6

    Đề Tích Sở Kiến Xứ
    (Thôi Hộ)

    Khứ niên kim nhật thử môn trung,
    Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.
    Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
    Đào hoa y cựu tiếu đông phong.

    Bóng người năm cũ
    (Lê Trọng-Nghĩa phỏng dịch)

    Tại đây năm trước cũng ngày nầy,
    Má hồng hoa thắm, dạ ngất ngây.
    Người đẹp ngày xưa đâu chẳng thấy,
    Hoa đào xao động gió hây hây.

    (Còn tiếp)
     
    Ducko, thichankem, lichan and 2 others like this.
  12. TrongNghia

    TrongNghia Lớp 6

    Tống xuân từ
    (Vương Nhai)

    Nhật nhật nhân không lão,
    Niên niên xuân cánh quy.
    Tương hoan hữu tôn tửu,
    Bất dụng tích hoa phi.


    Tiễn xuân
    (Lê Trọng-Nghĩa dịch)

    Già theo ngày tháng qua,
    Năm năm xuân đến nhà.
    Vui chung sẵn vò rượu,
    Buồn chi cảnh tàn hoa!

    (Còn tiếp)
     
    langtu, Ducko and thichankem like this.
  13. TrongNghia

    TrongNghia Lớp 6

    Ức Đông Sơn
    (Lý Bạch)

    Bất hướng Đông Sơn cửu,
    Tường vi kỷ độ hoa?
    Bạch vân hoàn tự tán,
    Minh nguyệt lạc thuỳ gia ?

    Nhớ Đông Sơn
    (Lê Trọng-Nghĩa phỏng dịch)

    Chẳng về Đông Sơn ghé thăm nhà,
    Tường vi mấy độ đã đơm hoa.
    Mây núi bồng bềnh tan trắng xóa,
    Biết chọn nhà nào bóng nguyệt sa.

    (Còn tiếp)
     
    kinhnhieuloc and thichankem like this.
  14. mr.buiduytung

    mr.buiduytung Lớp 7

    Dịch, hay Việt hóa cũng như ngón tay chỉ trăng vậy.

    Văn đã thế, thơ lại càng khó. Bản dịch giúp chúng ta hiểu được ý thơ nhưng không thể chuyển tải hết cảm xúc, thần vận của bài thơ. Giống như sự khác nhau giữa việc nghe một người tâm sự với nghe một người thứ ba kể lại tâm sự của họ, dẫu là cùng một câu chuyện. Nhiều người hay nói "tôi hiểu cảm xúc của bạn", vậy làm sao hiểu khi chưa từng rơi vào cùng một trường hợp?

    Dịch đã là khiên cưỡng, lại càng khiên cưỡng hơn khi cố ép vần ép điệu... Bài "Đề đô thành nam trang" của Thôi Hộ là một trong những bài thơ Đường mà tôi thích nhất. Nhưng qua bản dịch của bác Trọng Nghĩa đã là một trời một vực. Tôi tìm trên mạng cũng thấy hàng trăm bản dịch khác nhau. Nhìn chung, mọi người đều nắm được cái ý nhưng không thể bắt được cái thần.

    Đó là giới hạn của việc cách biệt ngôn ngữ. Nên nếu có thể, tôi luôn cố gắng thưởng thức nguyên tác, nguyên bản hơn là ra sức chuyển tải về tiếng Việt, trừ khi muốn chia sẻ và truyền bá rộng rãi... Với thể loại này, tôi ủng hộ việc dịch nghĩa chính xác từng dòng hơn là dịch thành một bài thơ tiếng Việt. Bởi vì dịch sang thơ tiếng Việt thì mọi người cũng chỉ hiểu theo dịch giả chứ không thể hiểu nguyên bản được.

    Cùng một bài thơ, nhưng mỗi người hiểu theo một dịch giả khác nhau thì cũng như cùng một câu chuyện nhưng mỗi người hiểu theo một tờ báo khác nhau. Thật là một mớ hỗn độn và ngày càng xa rời sự thật...

    @TrongNghia: Bác nên kết hợp cả ba hình thức. Một là nguyên tác (Hán Việt). Hai là dịch nghĩa từng dòng. Ba là dịch sang thơ tiếng Việt của bác (và nếu có thể thì tóm gọn hoàn cảnh sáng tác). Có như vậy mọi người mới thưởng thức trọn vẹn được. Cám ơn Bác.
     
    Chỉnh sửa cuối: 11/4/15
  15. TrongNghia

    TrongNghia Lớp 6

    Trường Can hành kỳ 1
    (Thôi Hiệu)

    Quân gia tại hà xứ ?
    Thiếp trú tại Hoành Đường.
    Đình thuyền tạm tá vấn,
    Hoặc khủng thị đồng hương.


    Tiếng hát Trường Can I
    (Lê Trọng-Nghĩa phỏng dịch)

    Chàng ơi, nhà ở nơi đâu?
    Em đây, nhà ở khỏang đầu đường ngang.
    Dừng thuyền em hỏi đi chàng,
    Biết đâu mình chẳng chung làng với nhau.
    (Còn tiếp)
     
    Chỉnh sửa cuối: 23/4/15
    Ducko and thichankem like this.
  16. TrongNghia

    TrongNghia Lớp 6

    Trường Can hành kỳ 2
    (Thôi Hiệu)

    Gia lâm Cửu Giang thuỷ,
    Lai khứ Cửu Giang trắc.
    Đồng thị Trường Can nhân,
    Sinh tiểu bất tương thức.

    Tiếng hát Trường Can II
    (Lê Trọng-Nghĩa phỏng dịch)

    Nhà anh cất dựa bờ sông,
    Đường qua nẻo lại thuận dòng Cửu Giang.
    Đôi ta chung quán Trường can,
    Chẳng quen vì bởi xa làng từ lâu.

    (Còn tiếp)
     
    thichankem thích bài này.
  17. TrongNghia

    TrongNghia Lớp 6

    Tầm ẩn giả bất ngộ
    (Giả Đảo)

    Tùng hạ vấn đồng tử,
    Ngôn sư thái dược khứ.
    Chỉ tại thử sơn trung,
    Vân thâm bất tri xứ.


    Tìm kẻ ẩn dật không gặp
    (Lê Trọng-Nghĩa phỏng dịch)

    Dưới cội tùng hỏi thăm em nhỏ,
    Thầy hái thuốc chẳng có ở nhà.
    Chỉ trong rặng núi mờ xa,
    Mây giăng mù mịt biết là ở đâu.​
     
    Ducko and thichankem like this.
  18. TrongNghia

    TrongNghia Lớp 6

    Xuân hiểu
    (Mạnh Hạo Nhiên)

    Xuân miên bất giác hiểu,
    Xứ xứ văn đề điểu.
    Dạ lai phong vũ thanh,
    Hoa lạc tri đa thiểu?


    Sáng xuân

    (Lê Trọng-Nghĩa phỏng dịch)

    Đêm xuân nồng giấc sáng chẳng hay,
    Tiếng chim ríu rít hót gọi bầy.
    Đêm qua mưa tuôn cùng gió giật,
    Hoa rơi chẳng hiểu ít nhiều đây.

    (Còn tiếp)
     
    Ducko and thichankem like this.
  19. TrongNghia

    TrongNghia Lớp 6

    Điểu minh giản
    (
    Vương Duy)

    Nhân nhàn quế hoa lạc,
    Dạ tĩnh xuân sơn không.
    Nguyệt xuất kinh sơn điểu,
    Thời minh xuân giản trung.

    Chim hót trong khe
    (Lê Trọng-Nghĩa phỏng dịch)

    Nhàn nhã lặng ngắm quế hoa rơi,
    Đêm xuân núi quạnh chẳng một lời.
    Trăng lên giật mình chim tỉnh giấc,
    Trong khe tiếng hót bỗng đầy vơi.

    (Còn tiếp)
     
    langtu, Ducko and thichankem like this.
  20. TrongNghia

    TrongNghia Lớp 6

    Y Châu Ca
    (Cáp Gia Vận)

    Đả khởi hoàng oanh nhi
    Mạc giao chi thượng đề
    Đề thời kinh thiếp mộng
    Bất đắc đáo Liêu Tây

    Tiếng hát Y- Châu
    (Lê Trọng-Nghĩa phỏng dịch)

    Nhờ ai đuổi giúp giống Hòang Oanh,
    Đừng cho ríu rít mãi trên cành.
    Tiếng hót làm em tan giấc mộng,
    Liêu Tây sao đến được thăm anh.

    (Còn tiếp)
     
    Ducko and thichankem like this.
Moderators: nhanjkl

Chia sẻ trang này