Hoàn thành PG Free Fruit for Young Widows by Nathan Englander - Nguyễn Xuân An dịch

Thảo luận trong 'Góc dịch các tác phẩm tiếng Anh' bắt đầu bởi coughgerm, 8/5/17.

  1. coughgerm

    coughgerm Lớp 7

    1

    Khi Tổng Thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser khống chế vùng kênh đào Suez, đe dọa sự tự do qua lại của các nước Tây Phương, một Pháp Quốc bất mãn đã quay theo phe Anh Quốc và Do Thái để chống lại Ai Cập. Chuyện lẽ ra không nói, nhưng trong cuộc chiến Sinai có nhiều lính Do Thái và lính Ai Cập khi ra trận, mặc cùng một loại quân phục do Pháp cấp.

    Cuộc chiến bắt đầu không lâu thì một hôm một tiểu đội Do Thái dừng chân nghỉ tạm tại một doanh trại Ai Cập chiếm được ở phía đông Bir Gafgafa, trong sa mạc Sinai. Binh Nhì Shimmy Gezer (nguyên là Simon Bibberblat ở Warsaw, Ba Lan) ngồi xuống ăn trua tại một khu ăn tạm ngoài trời. Bốn anh biệt kích súng ống đầy đủ ngồi cùng với anh. Anh khụt. Họ khịt. Shimmy cắm đầu cắm cổ ăn. Một người bạn cùng đội với Shimmy đến nhập bọn. Giáo Sư Tendler (lúc bấy giờ mới là Binh Nhì Tendler, chưa phải giáo sư, và bằng trung học cũng chưa có) đặt ly nhôm xuống cạnh bàn, cẩn thận không làm sánh trà. Rồi anh đưa súng lên và bắn vào đầu mỗi người biệt kích.

    Họ té rất gọn gàng. Hai người ngồi đối diện Tendler, té ngửa khỏi ghế dài xuống cát. Hai người sau, lưng xoay lại Giáo Sư và vẫn há hốc nhìn bạn mình chết, té úp mặt xuống, tiếng sọ va vào bàn còn dữ dội hơn tiếng súng.

    Sửng sốt vì cái chết của bốn người đồng đội, Shimmy nhào vào người bạn mình. Với Giáo Sư Tendler, người to con hơn Shimmy nhiều, sự tấn công khiến anh ngạc nhiên hơn là cảm thấy đe dọa. Tendler nắm chặt hai tay Shimmy trong khi hét bằng tiếng Hebrew, “Ai Cập! Ai Cập!”
    Cũng hai chữ đó, hàng ngàn năm trước đây đã từng đươc xử dụng cũng trong sa mạc này để gọi cùng một giống người. Khác một điều là, nếu truyện xưa khả tín, Thiên Chúa ngày nay không còn tham dự trận chiến.

    Giáo Sư Tendler ôm chặt Shimmy. “Biệt kích Ai Cập--nhầm rồi,” Tendler nói, đổi qua tiếng Yiddish. “ Kẻ thù. Kẻ thù ăn trưa với anh.”
    Shimmy nghe xong. Rồi dịu lại.

    Tưởng chuyện đã xong, Giáo Sư Tendler buông Shimmy. Vừa được buông ra thì Shimmy vung tay đấm bừa bãi. Anh tấn công, vì đâu cần biết bốn người đó là ai? Họ cũng là con người mà. Họ là những người đã ngồi ăn nhầm bàn. Họ không đáng chết mà chết.

    “ Bắt làm tù binh không được sao?” Shimmy gào lên. “ Bảo người ta. Ngưng!” anh thét bằng tiếng Đức. “Thế thôi--Ngưng!” Rồi, nước mắt đầm đìa và nắm đấm vung loạn, Shimmy nói, “ Anh đâu bắt buộc phải bắn.”

    Đến lúc ấy thì Giáo Sư Tendler hết chịu nổi. Anh bắt đầu đánh Shimmy Gezer. Anh không chỉ tự vệ. Anh không chỉ khuất phục. Anh quật ngược Shimmy lại, ngồi lên người và nện xuống cho tới khi người chôn dưới cát. Anh đánh cho tới khi bạn anh không chịu nổi nữa, và rồi anh đánh thêm một chập nữa. Cuối cùng, anh trèo khỏi người, nhìn lên mặt trời nóng như lửa, và tách đám đông, đi ra hút thuốc. Với những người nghe tiếng súng chạy tới để thấy năm cái xác nằm trên cát, ai cũng đồng ý là thằng bị đánh, Shimmy Gezer, trông tệ hơn cả.


    2

    Nơi hàng bán trái cây và rau quả mà sau này Shimmy Gezer làm chủ ở chợ Mahane Yehuda tại Jerusalem, con trai ông, bé Etgar, đòi kể đi kể lại câu chuyện về Giáo Sư Tendler. Từ năm lên sáu, Etgar đã làm việc cạnh cha mình những lúc nào không đi học. Vì còn bé nên Etgar chỉ hiểu là Tendler đã làm điều gì trong thời chiến khiến cha mình nổi giận và tấn công, và ông đã (cha Etgar đã không ngần ngại thú nhận) đánh cha mình một trận tơi bời. Etgar không hiểu sao cha mình lại đối xử quá tốt với ông Giáo Sư như vậy, không hiểu sao không được nhận một xu Tendler trả. Giáo Sư Tendler mua rau không tốn tiền. Sau khi Etgar cân cà chua và dưa leo, cha cậu sẽ bỏ vào thêm vào bị một quả cà tím thật to, và đưa cho Giáo Sư Tendler.

    “ Kach,” cha ông sẽ nói. “ Cầm lấy đi. Cho tôi gửi lời hỏi thăm chị nhà.”

    Etgar lên chín rồi mười rồi mười một, câu chuyện bắt đầu được thêm thắt. Cậu được nghe về những người biệt kích và quân phục, về những tuyến đường biển và kênh Suez, về người Mỹ và người Anh và người Pháp. Cậu được kể về những phát súng vào đầu. Cậu được kể về tất cả những cuộc chiến cha cậu đã từng tham dự--’73, ‘67, ‘56, ‘48--Nhưng Shimmy Gezer không hề đá động về cuộc chiến đầu tiên ông bị lôi kéo vào, cuộc chiến kéo dài từ năm 1939 đến năm 1945.

    Cha Etgar giải thích cái đạo đức mơ hồ của chiến trận, những quyết định tích tắc, của lượng định phản ứng và đe dọa, của những xác suất và tuyệt đối. Shimmy cố gắng giải thích cho con là người Do Thái--với đất nước mà bờ cõi chưa phân định và hiến pháp chưa viết--bị mắc kẹt trong một khoảng không gian xám gọi là cuộc đời.

    Trong cái không gian xám đó, ông giải thích, ngay cả tuyệt đối cũng nhiều góc cạnh, phản ảnh nhiều chân lý. “ Con cũng vậy,” Ông nói với con, “ Có thể một ngày phải đối mặt với một quyết định giống như của Giáo Sư Tendler- mong là không.” Ông chỉ gian hàng đầy máu me đối diện gian hàng của họ, chỉ vào một con cá đang giẫy dụa trên thớt. “ Cầu Chúa con không phải sống với hệ quả của những quyết định, vĩnh cửu, trường tồn, mà sẽ đeo đuổi mãi trong đầu, lúc thế này, lúc thế khác, giữa đúng và sai.”

    Nhưng Etgar vẫn không hiểu được sao cha mình nhìn câu chuyện dưới góc con cá dẫy giụa, trong khi đối với cậu, chỉ thấy về con dao phay chặt xuống. Etgar không nhìn thấy mầu xám. Cậu là một thằng bé choắt con, răng vổ, có suy nghĩ và đầy chắc chắn. Và mỗi thứ Sáu khi Tendler ghé gian hàng, Etgar sẽ bỏ rau quả vào bịch và duyệt lại câu truyện, tìm kiếm trắng-đen.

    Người đàn ông này đã cứu mạng cha mình, nhưng cũng có thể không. Ông đã làm cái phải làm nhưng biết đâu còn có cách khác. Và ngay như nếu những quy luật cơ bản của sân trường được ứng dụng cho người lớn đi nữa--rằng đánh người thì người đánh lại--liệu có biện hộ cho trận đòn dữ dội như cha cậu đã kể? Một trận đòn nặng đến độ mà khi Shimmy, khi kể chuyện, sẽ lấy ngón tay Etgar vuốt dọc má trái của ông, để cho thấy nơi phần xương mà Giáo Sư Tendler đã làm bẹp.

    Ngay cả nếu bạo lực có thể bào chữa được, ngay cả nếu cha cậu không luôn nói, “ Con phải đánh liều mạng bạn con, gia đình con, của chính con, con phải sẵn sàng chết-ngay cả cứu mạng kẻ thù con--để nếu trong hai hành động, làm được cái nhân đạo,” Cái điều Etgar không hiểu không phải là lòng tha thứ của cha cậu mà là sự tử tế của ông.

    Shimmy sẽ sai cậu chạy qua đường Agrippas mua hai tách cà phê hay hai ly trà để đón Giáo Sư Tendler, nói Etgar lấy một vốc hạt dẻ từ xe ông Eizenberg mang về. Đây là lối chiêu đãi mà cha cậu chỉ dành cho những người bạn thân tình nhất.

    3

    Và không ai ngoại trừ các quả phụ chiến tranh được rau quả không tính tiền. Bằng một cách tế nhị và tôn trọng phẩm cách để họ khỏi phải ngượng ngùng, cha của Etgar cho họ trái cây tươi và những bịch rau quả, lắm khi nhiều năm sau những mất mát của họ. Ông luôn luôn chăm sóc họ. Khi họ không chịu, ông sẽ nói, “Quý vị hy sinh, tôi hy sinh. Vả lại, một bịch táo thì có nghĩa chi?”
    “ Tất cả là cho đất nước,” Ông sẽ nói.

    Với Giáo Sư Tendler, không có câu trả lời rõ rệt như vậy.

    Khi Etgar mười hai tuổi, cha cậu thừa nhận là chuyện củaTendler phức tạp.
    “ Con có biết tại sao cha có thể quý mến một người đã từng đánh đập mình không? Bởi vì mỗi truyện có một bối cảnh. Cuộc đời bao giờ cũng có bối cảnh.”
    “ Chỉ có thế thôi?”
    “ Chỉ có vậy.”
    Năm mười ba, cậu được nghe một câu chuyện khác. Bởi vì mười ba tuổi, Etgar đã là người lớn.
    “ Con biết là cha có mặt trong cuộc chiến,” Shimmy nói với con. Qua lối ông nói Etgar biết là ông không ám chỉ cuộc chiến ‘48 hay ‘56, ‘67 hay ‘73. Ông không nói những chiến tranh Do Thái, mà ông đều đã tham dự tất cả. Ông muốn nói đến trận đại chiến. Trận chiến mà Shimmy là người duy nhất trong gia đình đã sống sót. Giống như trường hợp của mẹ Etgar. Đó là tại sao họ mang tên mới, Shimmy giải thích. Trên toàn thể thế giới, chỉ có ba người mang tên Gezers.
    “ Có,” Etgar nói. “Con biết.”
    “ Giáo Sư Tendler cũng có mặt trong trận chiến đó,” Shimmy nói.
    “ Dạ,” Etgar nói.
    “ Nó là những năm tháng khắc nghiệt với ông ta,” Shimmy nói.
    “ Và đó là lý do tại sao, tại sao cha luôn xử tốt.”
    Etgar nghĩ rồi nói.
    “ Nhưng cha cũng có mặt ở đó. Cùng số phận. Và cha sẽ chẳng bao giờ bắn bốn người, kể cả kẻ thù, nếu cha có thể bắt họ làm tù binh, nếu cha có thể tha cho một mạng người. Ngay cả nếu cha gặp nguy hiểm, cha sẽ liều--” Cha Etgar mỉm cười, và ngăn cậu.
    “ Kodem Kol,” ông nói,” cuộc đời tương tự không có nghĩa là cùng số phận. Có một sự khác biệt.” Đến đây nét mặt Shimmy trở nên nghiêm nghị, không còn vẻ thoải mái. “ Trong cuộc chiến đầu tiên đó, trong cuộc đại chiến đó, cha đã là kẻ may mắn,” ông nói.
    “ Trong cuộc thảm sát, cha đã sống sót.”
    “ Nhưng ông ấy còn đây,” Etgar nói. “Ông ấy cũng sống sót như cha.”
    “ Không,” cha Etgar nói. “Ông ấy không chết trong trại. Ông ấy đi đứng, ông ấy thở, nhưng chúng đã giết ông. Chúng đã giết chết những gì ông còn lại.”

    Lần đầu tiên, không có Giáo Sư Tendler ở đó, không có những người bạn của Shimmy từ những xóm nghèo ghé lại để nói chuyện bằng tiếng Yiddish, không có những người bạn đồng ngũ cùng đơn vị, hay những người từ kibbut, những khu nhà ở cộng đồng Do Thái, đến để bán rau quả, cha Etgar sai Etgar chạy qua đường Agrippas mua hay ly trà. Một cho ông và một cho Etgar.

    “ Nhanh lên,” Shimmy nói, đẩy Etgar đi bằng một cái vỗ vào mông. Trước khi Etgar kịp bước, cha cậu nắm cổ áo cậu và mở máy tính tiền, đưa cậu một đồng mười-shekel mới toanh. “Và mua hai cha con mình một bịch hạt hướng dương của Eizenberg. Nói ông ấy giữ lại tiền lẻ. Cha con mình sẽ ngồi còn lâu.”
    Shimmy lấy một chiếc ghế gấp thứ hai từ sau máy tính tiền. Đó là lần đầu hai cha con cùng ngồi trong tiệm. Một nguyên tắc buôn bán tốt: khách hàng bao giờ cũng thấy mình đứng. Thường thì lúc nào cũng có việc để làm--quét dọn, chất hàng, lau chùi quả táo. Chỗ nào có niềm tự hào thì khách hàng sẽ đến.

    Sau đây là lý do tại sao Giáo Sư Tendler miễn trả tiền cà chua, tại sao bóng dáng của người đánh mình lại khiến Shimmy nhìn bằng con mắt ân cần thường dành cho người nghềo khổ--Đôi mắt mà Etgar gọi là mắt cho-không-trái cây-cho-quả-phụ-trẻ.

    Đây là câu chuyện mà Shimmy kể Etgar nghe khi nghĩ là con mình nay đã trưởng thành:

    4

    Cái đầu tiên mà Tendler nhìn thấy khi trại tập trung được giải phóng là cảnh hai quân nhân Mỹ lăn ra xỉu. Hai anh (chắc hẳn đã dày dạn kinh nghiệm chiến trường) khi đối diện với cái tàn bạo khủng khiếp không tưởng tượng được của sự diệt chủng, đã người cứng đơ, miệng há hốc trước một ngọn núi của những xác người trần truồng, thối rữa.

    Và từ trong đống thây người sắp sửa được mang đi đốt, Tendler nằm nhìn ra. Tendler quan sát và sau khi chắc chắn là không phải lính Đức Quốc Xã, đã bò ra từ chỗ ẩn trốn, đẩy và gạt những tay và chân người sang một bên. Cái đồi xác này đã là nơi trú ẩn của Tendler qua bao tháng ngày. Những người tù có nhiệm vụ đổ và đốt xác biết là có một thằng bé ở trong đó. Họ đã nuôi nó bằng những mẩu vụn thức ăn thừa mặc dù vẫn biết là nếu bị phát giác sẽ chết. Đây là điểm Shimmy cố giải thích cho con--rằng những tử tế cho dù thật nhỏ nhặt cũng có thể đủ để cứu sống một mạng người.

    Khi Tendler vươn vai đứng dậy, một thây ma mười ba tuổi, chỉ có xương bọc da--”bằng tuổi của con bây giờ”--chui ra khỏi cơn ác mộng, nhìn hai anh lính, hai anh lính té cái bịch. Tendler chẳng buồn để ý và đi tiếp. Cậu đi, người không mảnh vải che thân, ra khỏi trại, đi cho đến khi kiếm được ít thức ăn và cái mặc, đi cho đến khi có giầy và áo khoác. Đi cho đến khi có mẩu bánh mì và một củ khoai trong túi.

    Tendler đi bộ vượt biên cho đến khi về tới quê nhà với một bộ quần áo chỉnh tề, vài đồng trong túi và một khẩu súng lục với năm viên đạn giắt lưng quần, để tự vệ trong những đêm ngủ bờ ngủ bụi.

    Tendler không mong một cuộc sum vầy. Cậu đã từng chứng kiến cảnh mẹ mình bị giết, rồi cha, ba người chị, ông bà, và, sau vài tháng trong trại, hai thằng hồi xưa quen biết.

    Nhưng căn nhà có thể vẫn còn đó. Có thể con bò vẫn cho sữa, và con chó vẫn chạy lăng quăng đuổi gà. Và có thể gia đình thứ hai của cậu--bà vú đã nuôi cậu lớn, chồng bà cầy ruộng cho cha cậu, và hai thằng con, những đứa từng chơi với nhau như anh em--có thể gia đình này vẫn chờ đợi cậu về nhà.

    Tendler có thể sẽ bắt đầu xây dựng một gia đình mới trong căn nhà này. Một ngày kia sẽ lấy tên những người quá cố mà đặt cho con.

    Thành phố không có gì đổi khác. Khi Tendler quẹo vào con đường đất dẫn tới cổng nhà thì phải cố lắm mới không ùa chạy, cố lắm mới ngăn được giòng lệ, vì để mà sống còn trong xã hội này, phải làm ra vẻ trưởng thành.

    Rồi Tendler cài nút áo và chậm rãi bước về phía hàng dậu. Phải chi có cái nón để ngả ra khi bước qua cổng--như một người bước về căn nhà của chính mình.

    Nhưng khi cậu thấy bà vú Fanushka trong sân thì nước mắt cứ tự nhiên trào ra, không ngăn lại được. Tendler chạy ùa đến và ngả vào lòng bà, và lần đầu tiên kể từ khi rời trại, cậu đã khóc sướt mướt.

    Với chồng đứng cạnh bên, Fanushka nói, “Mừng con về nhà. Chúng tôi đã thắp nến cầu nguyện và mong mỏi ngày trở lại của con.”

    Khi họ hỏi, “ Còn cha mẹ con đâu? Rồi chị con và ông bà con nữa? chừng nào về tới nhà?,” khi họ hỏi thăm về những người láng giềng, Tendler trả lời, không bóng gió, không ẩn dụ. Cái gì biết thì nói thẳng: Đánh đập, bỏ đói, hay bị bắn chết. Không xúc động.

    Tendler quyết định sẽ ở chung với họ cho đến khi có gia đình riêng. Cậu sẽ sống tới già ở đây. Cậu sẽ khóa cổng. Nhưng cổng là cổng của mình, khóa của mình, thế giới của mình.

    Fanushka nói với một nụ cười buồn. “ Phải nuôi cậu cho béo lên,” bà nói. “ Tối nay mình ăn cỗ.” Bà bắt con gà và vặn cổ nó ngay tại chỗ. “ Đi vào nhà,” bà nói, trong khi con gà co giật. “ Cậu chủ đã về.”

    Tendler bước vào. Tất cả đều như xưa, không thay đổi.

    Hai thằng con bà Fanushka đi vào, chúng nó to gấp đôi cậu. Tendler cảm thấy xấu hổ. Khi được lệnh, chúng bắt tay Tendler như bắt tay một người xa lạ.

    5

    “ Chuyện nghe cũng hay,” Etgar nói. “Hơi buồn nhưng có hậu. Ông ấy về được đến nhà. Như cha hay nói: Vẫn còn sống sót để làm lại cuộc đời.”

    Cha Etgar cầm hạt hướng dương, trầm ngâm suy nghĩ. Ông cho hạt vào miệng cắn.

    “ Rồi họ sửa soạn bữa ăn tối,” ông nói. “ Tendler ngồi xếp bằng dưới sàn bếp uống một ly sữa dê ấm. Ông bố ra ngoài để làm thịt con dê. “ một con gà không đủ.”

    Tendler cảm thấy sung sướng không biết sao kể siết. Tendler mót đái, nhưng không muốn đi vì đang ngồi cạnh mẹ nuôi. Con bé gái một tuổi rưỡi dựa vai mẹ. Con bé trông mũm mĩm dễ thương.

    Tendler chạy vội ra khỏi bếp. Sau một thời gian sống như con thú, cậu quên cái thói quen dùng nhà xí. Cậu tụt quần đứng đái ngay cạnh cửa sổ nhà bếp. Vừa đái, vừa ngửi mùi nấu nướng. Cậu chợt nghe bà vú than thở.

    “ Nó sẽ lấy hết” bà nói. “ Nhà cửa, ruộng đồng. Nó sẽ lấy đi tất cả những gì mà mình đã xây dựng và bảo vệ, tất cả những gì đã thuộc về chúng ta bấy lâu nay.”

    Đứng đái và nghe lén, Tendler cảm thấy như nhìn thấy mình từ trên cao xuống, cảm thấy chán ngán thất vọng, và nhận ra rằng mình đã mất đi mọi xúc cảm từ bao năm qua. Và trong giây khắc ấy, nỗi giầy vò tội lỗi nổi lên như một cơn thủy triều.

    Đến đây thì Shimmy giải thích cho thằng con sớm trí khôn của mình là, “ Phải rồi, phải rồi, dĩ nhiên đó là một là phản ứng, một bản năng sinh tồn. Nhưng Tendler, một đứa bé đã từng dẵm lên xác mẹ mà đi, đã tìm lại được cảm xúc. “

    Giáo Sư Tendler sau nói với Shimmy rằng đó là lúc mà ông đã trở thành một triết gia.

    “ Nó sẽ cướp hết,” Fanushka nói. “ Kể cả mạng sống chúng ta cũng chưa chắc còn.”

    “ Hãy ăn uống như bình thường,” Fanushka nói. “ Và khi nó ngủ mình sẽ giết nó. Bảo cha mày mài con dao thật bén. Rồi chúng mày phải đi ngủ sớm và sáng sớm phải giải quyết ngay. Không thể để nó lấy cái của mình được.”

    Tendler chạy. Không phải vào bếp mà là ra hướng nhà xí bên ngoài rồi quay vòng trở lại.

    “ Con có biết họ ăn gì không?” Shimmy hỏi con. “ Một con gà và một nồi dê hầm. Rượu. Trà.” Shimmy chỉ vào hàng bán trên quầy. “ Và một giỏ táo nằm trên mặt sàn bếp. Đã lâu lắm rồi Tendler mới được thấy một quả táo. “

    Tendler mang giỏ táo đặt lên bàn. Cậu thưởng thức trọn vẹn trái táo: từ vỏ cho tới lõi, không chừa một cái gì. Họ ăn uống tưng bừng cho đến khi no cứng bụng.

    Cậu chủ Tendler được ngủ phòng bố mẹ trên lầu, hai thằng con trai phòng đối diện, và dưới bếp là bà mẹ, ông bố, và đứa con gái mũm mĩ.

    “Ngủ ngon,” Fanushka nói. “ Mừng con về nhà.” Và bà hôn một cách trìu mến lên đôi mắt Tendler.

    Tendler trèo lên lầu. Cậu cởi quần áo và chui vào giường. Đúng lúc đó, Fanushka thọc đầu vào và hỏi cậu có đủ ấm không, và có cần đèn để đọc sách không?

    “ Dạ không, cám ơn,” cậu nói.

    “ Sao lại khách sáo vậy? Không cần cám ơn,” Fanushka nói. “ Chỉ cần nói có hay không là đủ rồi nhé thằng con trai của mẹ.” và Fanushka khép cửa lại.

    Tendler ra khỏi giường, mặc quần áo và lục lọi trong phòng xem có gì có giá trị để lấy không. Ăn cướp nhà của mình một cách không hổ thẹn.

    Rồi cậu đợi. Cậu đợi cho đến khi cả nhà êm ắng, không còn một tiếng động. Tendler cột giây giầy vào với nhau và treo lên cổ. Rồi tay cầm gối, tay lên đạn . Tendler đi từ phòng này sang phòng kia. Mỗi thằng con trai một viên đạn, cha một viên, mẹ một viên. Tendler đứng trong nhà bếp, tần ngần không biết có nên để dành một viên cho những buổi tối ngủ đường, ngủ chợ. Cuối cùng cậu quyết định dành viên đạn cuối cùng cho cô bé mũm mĩm dễ thương.


    6

    “ Hắn là một kẻ sát nhân.” Etgar nói.


    “ Không giết người thì người giết ta. Cũng công bằng thôi.”

    . Nhưng cha lúc nào cũng nói---”...


    ““ Hoàn cảnh.”

    “ Nhưng con bé gái.”

    “ Đồng ý. Cái đó quả hơi khó. Nhưng đây là những câu hỏi cho triết gia.”

    “ Ông ta có thể bỏ trốn khi biết họ có ý định giết mình. Đâu cần phải chạy về nhà.”

    “ Có thể ông ta chán chạy. Nợ máu trả bằng máu. Con phải hiểu rộng hơn nghĩa chữ tự vệ.”

    “ Cha lúc nào cũng tha thứ ổng,” Etgar nói. “ Cha cũng trải qua không ít thử thách nhưng cha sẽ chẳng bao giờ làm những cái mà ổng làm.”

    “ Khó mà có thể biết được ta sẽ làm gì hay không làm gì trong bất cứ một tình huống cụ thể nào đó. Và con, con đã ứng dụng nguyên tắc của một xã hội văn minh cho một thằng bé mà lớn lên chỉ biết có man rợ. Có thể lỗi do cái guồng máy chế ra để giết Tendler mà không làm được việc. Một sai lầm để cho một Tendler sống sót.”

    “ Cha có nghĩ như vậy không?”

    “ Đó là một câu hỏi cha hỏi con đó, Etgar ạ. Con sẽ làm gì nếu ở vào hoàn cảnh của Tendler?”

    “ Con sẽ không giết người.”

    “ Không giết người thì người giết ta.”

    “ Thế thì chỉ giết người lớn thôi.”

    “ Nhưng mà mấy thằng con trai lại là đứa sẽ giết con.”

    “ Thế thì chỉ giết kẻ định hại mình?”

    “ Vẫn là sát nhân.”

    “ Có thể bốn người đó đáng chết thật,” Etgar nói. “ Nếu con là Tendler, chắc có thể sẽ giết họ.”


    Shimmy lắc đầu một cách buồn bã.


    “ Con nghĩ mình là ai mà có thể định đoạt ai sống, ai chết?”


    Kể từ ngày hôm đó, Etgar Gezer cũng trở thành một triết gia. Không kiểu như Giáo Sư Tendler, dậy lý thuyết tại trường đại học, nhưng như cha mình, thực tế và cụ thể. Etgar không học lên đại học và, ngoại trừ 3 năm trong quân ngũ, cậu sống một cuộc sống hạnh phúc đứng bán hàng ở chợ. Cậu xếp trái cây thành đống và suy ngẫm những vấn đề triết lý sâu xa. Và khi nào có câu trả lời, Etgar cố dùng nó để cải thiện ít nhiều cuộc đời mình cũng như người khác.


    Và cũng kể từ hôm đó, Etgar xem Giáo Sư Tendler vừa là một kẻ sát nhân, vừa là một kẻ đáng thương. Cậu nghĩ mình đã hiểu lý do tại sao Giáo Sư Tendler đã giết gia đình nông dân đó, và tại sao khi người ta ra chiến trường, có thể không khoan hồng với nhau, mặc dù có thể mặc cùng quân phục. Rằng câu truyện đã có thể kết cục bằng một viên đạn vào đầu của chính Tendler.


    Mỗi thứ Sáu, Etgar vẫn cho Tendler những giỏ rau trái. Và thỉnh thoảng, khi có, thêm vào đó một quả dứa hay vài trái xoài chín. Khi đưa cho Tendler, Etgar sẽ nói, “ Kach, Giáo Sư. Cầm lấy đi.” Ngay cả sau khi cha anh mất đã lâu.


    Hết

    Ghi chú: Nathan Englander là tác giả mà nhiều người gọi là “ Một trong hai mươi văn sĩ của thế kỷ hai-mươi-mốt.”

    (nguồn: Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link)
     
    teacher.anh and lynx like this.

Chia sẻ trang này