Tâm lý - Giáo dục G Hậu Học Văn

Thảo luận trong 'Phòng đọc trực tuyến' bắt đầu bởi tducchau, 8/3/15.

Moderators: galaxy, teacher.anh
  1. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    THUẬT NGỮ VĂN HỌC

    *

    LÝ LUẬN VĂN HỌC

    Bộ môn nghiên cứu văn học ở bình diện lý thuyết khái quát. Lý luận văn học nghiên cứu bản chất của sáng tác văn học, chúc năng xã hội - thẩm mỹ của nó, đồng thời xác định phương pháp luận về các phương pháp phân tích văn học. Có thể tập hợp các vấn đề được nghiên cứu bởi lý luận văn học vào ba nhóm chính:

    1) Lý thuyết về tính đặc trưng của văn học như một hoạt động sáng tạo tinh thần của con người (các khái niệm chính ở đây là: tính hình tượng, tính nghệ thuật, lý tưởng thẩm mỹ, các thuộc tính xã hội của văn học, các nguyên tắc đánh giá sáng tác văn học nói chung);
    2) Lý thuyết về cấu trúc tác phẩm văn học (các khái niệm chính: đề tài, chủ đề, nhân vật, tính cách, cảm hứng, cốt truyện, kết cấu, các vấn đề phong cách học (tu từ học) ngôn ngữ, luật thơ, thi học lý thuyết);
    3) Lý thuyết về quá trình văn học (các khái niệm chính: phong cách, các loại và các thể văn học, các trào lưu, khuynh hướng văn học, quá trình văn học nói chung).

    Do phải bao quát văn học trong những giai đoạn phát triển hết sức khác nhau, các khái niệm và thuật ngữ lý luận văn học không tránh khỏi tính chất quá ư khái quát, bị trừu xuất khỏi các đặc tính và đặc điểm của những hiện tượng nhất định ở sáng tác văn học. Điều này khiến cho thuật ngữ và cách giải thích thuật ngữ lý luận văn học luôn luôn mang tính chức năng: chúng xác định cái chức năng mà khái niệm thực hiện, tương ứng với các khái niệm khác, chứ không hẳn là chúng cung cấp một sự định tính cụ thể cho khái niệm này.

    Việc đề xuất các vấn đề của lý luận văn học đã được bắt đầu từ thời cổ đại: ở châu Âu, là trong văn học cổ đại Hy Lạp - La Mã, ở phương Đông - trong văn học cổ Ân Độ, Trung Quốc. Các hệ thuật ngữ lý luận văn học, do vậy ban đầu còn gắn với đặc trưng của các vùng văn hóa, biểu hiện rõ nhất là các hệ thống thi học khác nhau (thi học châu Âu, thi học Đông Á, thi học Ấn Độ, thi học Ba Tư, thi học A rập...). Ở châu Âu, lý luận văn học hình thành trên cơ sở hệ thống các quan niệm của các nhà văn chủ nghĩa cổ điển (ví dụ Boileau), chủ nghĩa lãng mạn (ví dụ Hugo), chủ nghĩa hiện thực (ví dụ Pushkin, Belinski,...).

    Từ cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX, xuất hiện xu hướng tách lý luận văn học khỏi thi học, nhưng nhiều học giả vẫn coi "lý luận văn học" và "thi học" là những từ đồng nghĩa.

    Sự phát triển của các khoa học nhân văn và các khoa học chính xác ở thế kỷ XX đặt ra trước lý luận văn học những yêu cầu mới, trước hết là đề xuất khả năng nghiên cứu đồng bộ đối với văn học trên cơ sở sự tương tác của lý luận văn học với các bộ môn và ngành khoa học ráp ranh với nó. Các ngành như tâm lý học (nhất là tâm lý học sáng tác), khảo sát công chúng, ngôn ngữ học, ký hiệu học, ngày càng có ý nghĩa quan trọng đối với lý luận văn học. Do vậy, ở lý luận văn học hiện đại, nét nổi bật là sự đa dạng của việc tìm tòi các hướng tiếp cận cho nghiên cứu văn học.

    _____
    (Nt: Xin Lưu ý! Đề nghị không viết Bình luận, bàn thảo,... dưới các Bài viết tại Phòng đọc trực tuyến (PDTT). Các bài spam đều bị xóa.
    Nếu muốn, các bạn vui lòng qua Box Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link hay Box Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link. Xin cám ơn!).
     
    Chỉnh sửa cuối: 8/3/15
    Zhiqiang and Despot like this.
  2. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    LOẠI THỂ VĂN HỌC


    Phạm trù phân loại các tác phẩm văn học, vốn đa dạng đồng thời có sự giống nhau, từng nhóm một, theo một số dấu hiệu nhất định. Các nhóm lớn là những “loại”; mỗi loại gồm những nhóm nhỏ hơn là những “thể” (hoặc “thể loại’, “thể tài”).

    Ở cấp độ phân chia những loại, có uy tín nhất là cách phân chia của Aristoteles, theo đó toàn bộ các tác phẩm văn học gồm ba loại lớn: 1) tự sự; 2) trữ tình; 3) kịch.

    Cơ sở sự phân chia này là sự giống nhau về kiểu tổ chức ngôn từ, về việc hoạt động nhận thức trong tác phẩm hướng vào khách thể hay chủ thể, hoặc về chính hành vi phát ngôn nghệ thuật. Ngôn từ có thể hoặc là miêu tả thế giới đối tượng (thực hiện chức năng miêu thuật), hoặc là biểu hiện trạng thái của người đang phát ngôn (thực hiện chức năng biểu cảm), hoặc là tái hiện quá trình giao tiếp bằng lời nói (thực hiện chức năng giao tiếp); mỗi loại văn học nêu trên ứng với một chức năng của ngôn từ và mang đặc trung thẩm mỹ riêng. Tự sự bao quát tồn tại với đặc tính tạo hình, quảng tính thời gian-không gian, tính biến cố (tính sự kiện). Trữ tình ghi lại thế giới bên trong cá nhân với những xung động nội quan, với sự hình thành và thay đổi của các ấn tượng, mộng tưởng, tâm trạng, liên tưởng, trầm tư, xúc động (tính biểu cảm). Kịch ghi lại những hành vi ngôn ngữ trong định hướng ý chí-cảm xúc của chúng, trong đặc tính xã hội-tâm lý của chúng, trong sự tự do nội tại và điều kiện hóa ngoại tại của chúng, tức là trong sự tương quan hai mặt biểu cảm-sự kiện của chúng; điều này cho phép nhận thấy ở loại văn học kịch sự hòa trộn những nét của trữ tình và tự sự.

    Cách phân loại văn học trên đây ứng với cách phân nhóm nghệ thuật trong mỹ học, theo đó có nhóm các nghệ thuật miêu tả, nhóm các nghệ thuật biểu hiện và nhóm các nghệ thuật diễn xướng (miêu tả-biểu cảm). Cách phân loại văn học trên đây cũng gắn với hai phạm trù chủ thể và khách thể (cùng sự tương tác giữa chúng) trong nhận thức luận. Tiền đề của việc phân loại là tính chất đa hình đa dạng của ngôn từ như phương tiện nghệ thuật vốn có sự gần gũi (trong các khả năng tạo hình, biểu cảm, thể hiện động thái) với màu sắc, âm thanh, động tác. Sự khác nhau giữa các loại văn học tùy thuộc ở khả năng kết hợp với các nghệ thuật khác: trữ tình với âm nhạc (bài hát), kịch với pantomim (sân khấu), tự sự với hội họa và đồ họa (sách có minh họa), v.v... Đôi khi cách chia thành ba loại văn học như trên còn có sự tương đồng với các phạm trù "ngôi" và "thì" trong tâm lý học ngôn ngữ: trữ tình ứng với ngôi thứ nhất và thì hiện tại; kịch ứng với ngôi thứ hai và thì tương lai; tự sự ứng với ngôi thứ ba và thì quá khứ.

    Trong phạm vi mỗi loại văn học là các thể ("thể loại" hoặc "thể tài"), chúng được phân chia căn cứ vào tố chất thẩm mỹ chủ đạo, vào giọng điệu, vào dung lượng và cấu trúc chung của tác phẩm. Dung lượng thường phụ thuộc vào loại văn học và giọng điệu; ví dụ trữ tình thường có dung lượng nhỏ; kịch chỉ có một số kích cỡ do bị quy định bởi việc diễn xướng; chất anh hùng ca, chất bi kịch đòi hỏi sự khai triển "dài hơi", v.v... Kích cỡ tác phẩm đôi khi còn tùy thuộc ở ý đồ tác giả. Từ những căn cứ trên, ví dụ loại tự sự bằng văn xuôi sẽ có các hình thức dài, vừa và nhỏ, đó là các thể tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn.

    Nhiều thể còn được chia nhỏ hơn, căn cứ vào một loạt nguyên tắc như: tính chất chung của đề tài (do vậy mà có, ví dụ: tiểu thuyết sinh hoạt, tiểu thuyết phiêu lưu, tiểu thuyết tâm lý, tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết trinh thám, v.v...), đặc tính của hình tượng (ví dụ: truyện phúng dụ, truyện giả tưởng...), kiểu kết cấu (ví dụ các bài thơ trữ tình dưới hình thức sonet, rondeau ở châu Âu; cổ thể, cận thể ở Đông Á...). Diện mạo các thể phong phú và phồn tạp còn do các dạng thức mang tính lịch sử và các dạng thức mang tính dân tộc.

    Các lý thuyết về thể thường không bao quát được toàn bộ hệ thống, không xác định được chính xác vị trí một tác phẩm trong hệ thống.

    Mỗi thể (tức là một "diện mạo" chung mà ta hình dung được, do trừu xuất từ một loạt tác phẩm thuộc thể ấy) là một khối thống nhất những đặc điểm hình thức trên những điểm căn bản: kết cấu, hình tượng, ngôn ngữ, tiết tấu; chỉ như vậy mới có thể, ví dụ gọi là “truyện" những tác phẩm hoàn toàn khác nhau về nội dung và thuộc về những thời đại và dân tộc khác nhau, là sáng tác phẩm của những nhà văn khác nhau. Có nhưng khác biệt nhất định về thể tài ở những tác phẩm thuộc các thòi đại khác nhau và của những nghệ sĩ khác nhau. Tuy vậy mỗi thể là một thành tạo bền vững, ổn định; mỗi thể là một hệ thống những thành tố hình thức đã thấm nhuần những hàm nghĩa nhất định.

    Trong sự phát triển lịch sử, các thể liên tục bị biến đổi, bị cải tạo, nhất là trong sáng tác của những tác giả xuất sắc. Có những thể được hình thành qua nhiều thế kỷ, sau một thời gian dài tồn tại, đã lụi tàn. Ở các nền văn học châu Âu, đến thế kỷ XIX, các thể eidyllion (mục ca, thơ điền viên) và ode (tụng ca) đã biến mất; tiểu thuyết tâm lý chỉ thực sự phát triển từ thế kỷ XVIII. Tuy nhiên ở các thể cũng bộc lộ tính bền vững, "sống dai"; Các hình thức từng được đề xuất hiếm khi bị bỏ qua; nhiều khi một thể được tái sinh dướị dạng đổi mới.

    Thể loại văn học phản ánh những hướng phát triển bền vững của văn học; sự tồn tại của thể loại có ý nghĩa như sự bảo lưu, đổi mới các hướng phát triển ấy. Thể loại Văn học, do vậy vừa mới vừa cũ, vừa biến đổi vừa ổn định.

    _____
    (Nt: Xin Lưu ý! Đề nghị không viết Bình luận, bàn thảo,... dưới các Bài viết tại Phòng đọc trực tuyến (PDTT). Các bài spam đều bị xóa.
    Nếu muốn, các bạn vui lòng qua Box Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link hay Box Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link. Xin cám ơn!).
     
    Chỉnh sửa cuối: 8/3/15
    Zhiqiang and Despot like this.
  3. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    LỘNG NGỮ


    Còn gọi là chơi chữ, một biện pháp tu từ, tập trung khai thác những tương đồng về ngữ âm, ngữ nghĩa, văn tự, văn cảnh nhằm tạo ra những liên tưởng bất ngờ, thú vị. Ở những ngôn ngữ đơn tiết (mỗi từ là một âm tiết) như tiếng Hán, tiếng Việt..., khả năng đa nghĩa tiềm tàng ở mỗi âm tiết là cơ sở cho việc chuyển nghĩa theo những liên hệ khác nhau, tạo ra nhiều kiểu dạng lộng ngữ phong phú. Những chuẩn mực quy phạm về từ chương (ví dụ phép đối, niêm luật các thể thơ, phú...) như một định hướng cho việc trau dồi và sử dụng ngôn ngữ cũng có tác dụng thúc đẩy người sáng tác chú ý khai thác những liên hệ liên tưởng mang tính ngẫu nhiên và thuần túy ngôn từ này, mang lại khoái cảm của trò chơi ngôn ngữ.

    Lộng ngữ có thể được tạo ra do khai thác các kiểu nói lái. Ví dụ:

    "Nhắc mồi câu thả xuống cầu Môi
    Đem đố cổng nhét vào Cống Đổ".​
    (Giai thoại về Nguyễn Khuyến);​

    có thể được tạo ra do khai thác các từ đồng âm hoặc gần âm. Ví dụ:

    "Lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn".​
    (Ca dao Việt Nam);​

    Chữ tài liền vớí chữ tai một vần".​
    (Nguyễn Du);​

    có thể được tạo ra do sử dụng từ đồng nghĩa. Ví dụ:

    "Thịt chó ăn được thịt cầy thì không”.​
    (Ca dao Việt Nam);​

    "Da trắng vỗ bì bạch".​
    (Giai thoại văn học Việt Nam);​

    có thể tạo ra do tách các chữ từ một chữ, theo đặc điểm văn tự. Ví dụ:

    "Người cổ lại còn đeo thói nguyệt
    Buồng xuân chi để lạnh mùi hương".​
    (Giai thoại về Hồ Xuân Hương).​

    Các lộng ngữ thường mang tính hài hước, thường được dùng trong các thể tài trào phúng.

    _____
    (Nt: Xin Lưu ý! Đề nghị không viết Bình luận, bàn thảo,... dưới các Bài viết tại Phòng đọc trực tuyến (PDTT). Các bài spam đều bị xóa.
    Nếu muốn, các bạn vui lòng qua Box Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link hay Box Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link. Xin cám ơn!).
     
    Chỉnh sửa cuối: 8/3/15
    Zhiqiang and Despot like this.
Moderators: galaxy, teacher.anh

Chia sẻ trang này