Văn học trong nước Huấn Địch Thập Điều (NXB Phủ Quốc Vụ Khanh 1971) - Lê Hữu Mục

Thảo luận trong 'Phòng đọc trực tuyến' bắt đầu bởi hhongxuan, 12/10/15.

Moderators: galaxy, teacher.anh
  1. hhongxuan

    hhongxuan Lớp 7

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    [​IMG]
    [​IMG]


    Tựa sách: HUẤN ĐỊCH THẬP ĐIỀU (PHẦN TIẾNG VIỆT)
    Tác giả: LÊ HỮU MỤC.
    Nhà xuất bản:
    Phủ Quốc Vụ Khanh.
    Năm xuất bản:
    1971.
    *
    Những người tham gia:
    - Nguồn sách:
    - Scan, OCR:
    - Đánh máy:
    - Soát lỗi:
    - Biên tập và Hiệu đính:
    - Kỹ thuật vi tính:
    - Tạo eBook:

    Quyển sách được thực hiện theo Dự án Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link của diễn đàn Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link.

    MỤC-LỤC

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    PHẦN NGUYÊN-TÁC


    LỜI NÓI ĐẦU

    Năm 1834, vua Thánh-tổ nhà Nguyễn ban-hành bản Thánh-dụ huấn-địch thập điều, qui-định chính-sách giáo-dục văn-hóa của chế-độ ; năm 1870, vua Dực-tôn phiên-dịch bản Thánh-dụ huấn-địch thập điều ra chữ nôm và bản này được ấn-hành với nhan-đề Thánh-huấn thập-điều diễn-nghĩa ca. Đây là bản Nhị-thập-tứ huấn-điều của vua Lê Thánh-tôn ban-bố năm 1470, minh-định năm 1499, bản Lê-triều giáo-huấn điều-lệ, Tứ-thập-thất điều của vua Lê Huyền-tôn, tuyên đọc năm 1663 và được Nhữ-Đình-Toản phiên-dịch ấn-hành năm 1760

    Giữ những dao-động của thế-kỷ mà uyên-nguyên là sự khủng-hoảng văn-hóa, trong khi các nhà giáo-dục đang băn-khoăn tìm kiếm một căn-bản cho nền giáo dục, thiết tưởng không có gì thực-tế và hữu-hiệu hơn là nghiên-cứu những bản hiến-chương xưa, truy-nguyên những động-cơ hoạt-động của những nhà văn-hóa cũ, phê-phán những kế-hoạch giáo-dục đã được thi-hành, đối-chiếu với những chủ-trương văn-hóa giáo-dục hiện-đại để khám-phá ra những đường-hướng giáo-dục thích-nghi. Nói cách khác, ta phải xiển-minh quá-trình diễn-tiến của lý-luận giáo-dục triều Nguyễn, nhận-diện những hệ-thống giáo-dục và thi-cử từ năm 1802, trình-bày những biến-thể của lãnh-vực giáo-huấn từ đời vua Thế-tổ, Thánh-tổ đến cuối đời vua Dực-tôn. Muốn như vậy, ta phải thấu-triệt quá-trình hình-thành và nội-dung tư-tưởng của Thánh-dụ huấn-địch thập điều, phiên-âm, phiên-dịch và chú-thích tác-phẩm của vua Thánh-tổ để hội đủ dữ-kiện phê-bình giá-trị chính-sách giáo-dục văn hóa nhà Nguyễn, đồng thời, cũng phải phiên-âm, chú thích và dẫn-giải bản Thánh-huấn thập-điều diễn-nghĩa ca của vua Dực-tôn để từ đấy đối-chiếu hội-dung của hai tác-phẩm, phân-loại những đường hướng văn-hóa giáo-dục chính-yếu, khám-phá ra những định-luật chi-phối nền giáo-dục cổ thời.

    Để thực-hiện mục-tiêu ấy, tôi đi từ công việc giản dị nhất là phân-đoạn bố-cục của tác-phẩm ; căn-cứ trên bản in năm Tự-đức thứ 23 đã được chấm câu minh-bạch, tôi chia bản Thánh-dụ huấn-địch thập-điều ra làm 2 phần, phần A từ trang 1a đến 5a gồm 13 mục ; phần B từ 5b đến 22b có tên gọn hơn là Huấn-địch thập-điều được chia ra làm 10 điều, mỗi điều được đánh bằng số La-mã và gồm từ 3 đến 7 mục, mỗi mục được gi bằng số Á-rập, cộng là 49 mục và tổng-cộng là 62 mục. Ở phần-cuối của mỗi mục, tôi cũng đánh dấu Á-rập và đặt trong hai ngoặc đơn để giúp độc-giả dễ đối-chiếu những mục này với số 486 câu lục-bát của bản Nôm. Bản Nôm này nhan đề là Thánh-huấn thập điều diễn-nghĩa ca gồm 3 phần, phần A và B đối-chiếu với phần A và B của nguyên-bản chữ Hán, và gồm 440 câu lục-bát ; phần C không có trong nguyên-bản là phần tăng-bổ của nhà diễn Nôm, nhan đề là Cẩn-phụ tổng-kết, đi từ trang 23a đến 25a và gồm 46 câu lục-bát. Những dẫn-chứng liên-hệ đến tác-phẩm không đánh dấu trang mà được đánh dấu theo bố-cục, mục-đích giúp cho những độc-giả ít rành chữ Hán và chữ Nôm có thể tra-cứu dễ-dàng trong bản phiên-dịch ; những dẫn-chứng liên-hệ đến bản Nôm sẽ được ghi theo vị-thứ của số câu. Phần chú-thích bản Thánh-dụ huấn-địch thập điều sưu-tầm xuất-xứ và ý-nghĩa của ngữ-ngôn vua Thánh-tổ ; phần chú-thích Thánh-huấn thập điều diễn-nghĩa ca chỉ-minh kỹ-thuật phiên-dịch của vua Dực-tôn, hai phần này sẽ bổ-túc cho nhau để minh-định những tương-quan mật-thiết giữa hai tác-phẩm về phương-diện nội-dung cũng như về phương-diện hình-thức.

    Bản nguyên-cứu sơ-bộ này về Thập-điều chắc không tránh khỏi thiếu-sót và lầm-lẫn ; tôi mong ước được nghe những lời phê-bình của các bậc thức-giả để cho bản in lần thứ hai được hoàn-mỹ hơn.

    Sài-gòn, lễ Phục-sinh 1970

    LÊ-HỮU-MỤC

     
    Chỉnh sửa cuối: 28/10/15
    Ngọc Sơn, thanhbt and tducchau like this.
  2. hhongxuan

    hhongxuan Lớp 7

    Phần I. Dẫn-nhập


    Chương I. BỐI-CẢNH LỊCH-SỬ

    Bản Huấn-địch thập điều của vua Thánh-tổ ban-bố năm 1834 đánh dấu một giai-đoạn lớn trong lịch-sử giáo-dục Việt-nam ; bản huấn-địch ấy kết tinh những kinh-nghiệm giáo-dục của những triều-đại trước, nhất là triều Lê và đã căn-cứ trên thực-tại Việt-nam để giải-quyết những vấn-đề văn-hóa giáo-dục, do đấy, kế-hoạch do nhà vua qui-định liên-hệ tới nhiều bộ-môn chuyên-biệt, nhiều giai-cấp quần-chúng, từ tri-thức đến nông-gia, công-kỹ-nghệ, và thương-mại, kể cả quân-sĩ. Như vậy, phần bối-cảnh lịch sử này sẽ đề-cập tới hai phạm-vi căn-bản, đó là phạm-vi xã-hội và phạm-vi giáo-dục, trình bày theo tiến-trình lịch-sử để minh-định mức-độ thực-hiện của Nguyễn-triều.

    I. Tình-hình xã hội Việt-Nam chung quanh năm 1834.

    Xã-hội Việt-nam hình-thành từ thế-kỷ thứ X tiếp-tục phát-triển trong những thế-kỷ sau và đến thế-kỷ XIII đã được định-hình trong một cơ-cấu rõ-rệt. Khóa-hư lục đầu thế-kỷ XIII đã bắt đầu mô-tả sinh-hoạt của xã-hội ấy và từ thế-kỷ thứ XIV trở đi, cơ-cấu tứ-diện gồm sĩ, nông, công, thương đã có thể phối-hợp hoạt-động. Qua những cuộc chiến-tranh kháng-Nguyên cuối thế-kỷ XIII, kháng-Minh đầu thế-kỷ XV, ngoài sự trưởng-thành tất-nhiên của tầng lớp sĩ-phu, giới nông gia bắt đầu được chú-trọng, kẻ cấy cày được nói tới trong cả những tác phẩm thuần-túy văn-chương (1), lôi cuốn theo sự tha-thiết của dân-chúng đối với thợ-thuyền và những nhà buôn-bán. Sự hồi-phục của chợ Đông gắn liền với công-cuộc vãn-hồi hòa-bình (2) ; những người lao-động như Thạch-Sanh được thế-kỷ thứ XVII đề-cao ; hình-ảnh những Lý-công ngồi ăn mày ở chợ được nàng công-chúa lầu son để ý trở nên những hình-ảnh quen thuộc. Cả nền văn-học nôm-na từ thế-kỷ XVII, XVIII là nền văn-học của giới nông, công, thương, khai-triển những vấn-đề thiết-thực của người bình-dân, giải-phóng tình-cảm con người, đề-cao phụ-nữ và tự-do luyến-ái. Tất cả những phát-động ấy của dân-tâm, tất cả những tiến-triển ấy của dân-trí, được thử-thách qua bao nhiêu máu lửa của chiến-tranh, được nhào-nặn sau những biến-cố hãi-hùng của lịch-sử, đã tạo-lập vào cuối thế-kỷ XVIII một xã-hội trưởng-thành mà những nỗ-lực kiến-thiết của nhà Nguyễn sẽ tiếp-tục ổn-định và củng-cố.

    Ta thử phân-tích và nhận-diện cơ-cấu xã-hội này qua bốn thành-phần chính là sĩ, nông, công, thương để có thể phê-phán hiệu-năng của nhà Nguyễn trong lãnh-vực văn-hóa giáo-dục.

    Trước hết, giới kẻ sĩ được đề-cao như là một giai-cấp ưu-tú từ Mạc-Đĩnh-Chi (1304), đến đời Nguyễn-sơ, đã được vua Thế-tổ quan-niệm như một giai-cấp lãnh-đạo. Từ 1802 đến 1820, kế-hoạch sử-dụng trí-thức của nhà Lê do nhà Nguyễn chủ-trương đã chinh-phục được thiện-cảm của sĩ-phu miền Bắc ; những vị tiến-sĩ của các khoa 1775, 1779, 1787 phần đông đã cộng-tác với tân-triều ; Lê-Duy-Đản, tiến-sĩ năm 1775, nguyên tham-chính Thanh-hóa, đã được vua Gia-long mời làm hiệp-trấn Lạn-sơn và giám-thí các trường Kinh-bắc, Sơn-tây, Hoài-đức ; Phạm Quí-Thích, tiến-sĩ năm 1779, nguyên Đông-các hiệu-thư, đã nhận chức thị-trung học-sĩ, trong khi Trần-Bá-Lãm, bạn đồng-khoa của Ông, được bổ-nhiệm làm đốc-học Bắc-ninh, cùng với những Nguyễn-Gia-Cát, Bùi-Dương-Lịch, Nguyễn-Huy-Lý, những tiến-sĩ của khóa thi Hội cuối cùng triều Lê, đã hoạt-động một cách hữu-hiệu đến nỗi vua Gia-long nhận thấy không cần phải tổ-chức các khóa thi Hội và thi Đình nữa. Sự cộng-tác của những nhân-vật khác ít đỗ-đạt hơn nhưng nhiều khi nổi tiếng hơn như Nguyễn-Huy-Tú, Vũ-Trinh, Nguyễn-Du, bên cạnh những nhân-vật của chế-độ mới như Đặng-Đức-Siêu, Đặng-Trần-Thường, biểu lộ tất cả sự khéo-léo của vua Gia-long trong kế-hoạch sử-dụng nhân-tài. Trong suốt thời Gia-long, chính-quyền chỉ tổ-chức 3 khóa thi Hương là khóa đầu tiên năm 1807, khóa thứ hai 1813, khóa thứ ba 1819. Khóa đầu tiên có những nhân-vật nổi tiếng là Cao-Huy-Diệu (3), thủ-khoa Nguyễn-Án (4), Nguyễn-Trung-Mậu (5) ; Lê-Cao-Lãng (6) ; khóa thứ hai gồm có những hương-cống Vũ-Tụ (7), Lưu-Công-Đạo (8), Đỗ-Tuấn-Đại (9), Lê-Văn-Đức (10) v.v… và một tú-tài mà khả-năng vượt hẳn những vị hương-cống kể-trên: Nguyễn-Công-Trứ ; khóa thứ ba cung-cấp cho nhà Nguyễn những nhân vật quan trọng, trừ vị thủ-khoa Ngô-Đình-Thái (11) và Đỗ-Trọng-Dư (12) bị cách chức vĩnh-viễn, còn những hương-cống khác như Vũ-Quyền (13), Phạm-Hội (14), Hà-Duy-Phiên (15), Trương-Đăng-Quế (16), Trương-Minh-Giảng (17), Lý-Văn-Phức, Nguyễn-Công-Trứ, là những chiến-lược-gia, kinh-tế-gia, giáo-dục-gia, văn-gia tiêu-biểu nhất của chế-độ ; họ đã phục-vụ một cách trung-thành tuyệt-đối, chấp-nhận kỷ-cương một cách toàn-diện vì chính họ không ít thì nhiều, qua những hoạt-động quân-sự, văn-hóa, giáo-dục, đã qui-định chính-sách của Nguyễn-triều. Sang đời vua Minh-mệnh, thi Hội được tổ-chức lần đầu tiên năm 1822, cung-cấp cho chế-độ nhà nghiên-cứu hành chánh Hà-Tông-Quyền (18), nhà nghiên-cứu kinh truyện Phan-Bá-Đạt (19), nhà thơ Lê-Tông-Quang (20). Khoa thi Hội năm 1826 khám-phá thực-học của một thanh-niên 31 tuổi, người Nam-kỳ, đó là Phan-Thanh-Giản (21), vị đại-khoa tiên-khởi của miền Nam, và ngoài Vũ-Tông-Phan (22), một giáo-sư tư-thục, còn có Tô-Trân (23), toản-tu Minh-mệnh chính-yếu bên cạnh Hà-Tông-Quyền, và nhất là Ngụy-Khắc-Tuần (24), một sĩ-phu thanh-liêm cần-cán được vua Minh-mệnh ban thơ khen-ngợi. Nhận thấy hai khóa thi Hội năm 1822 và 1826 chỉ lựa chọn được tất cả 18 vị đại-khoa, (8 vị khóa đầu và 10 vị khóa sau) tỉ-lệ trúng-tuyển quá thấp so với các kỳ thi Hội triều Lê, vua Minh-mệnh ngay trong khóa thứ 3 là khóa năm 1829, đã hạ-chiếu cải-tổ thể-thức chấm thi, qui-định phân-số trúng-cách, và thiết-lập học-vị phó-bảng để vớt những thí-sinh không đủ phân-số, nhờ đấy, số trúng-tuyển đại-khoa đã tăng gần gấp đôi (9 tiến-sĩ, 5 phó-bảng), trong đó có những nhân-vật nổi tiếng là Bùi-Ngọc-Quĩ (25), Trương-Quốc-Dụng(26), Phạm-Thế-Lịch (27), Ngô-Thế-Vinh (28) ; khóa 1832 ít may mắn hơn (8 tiến-sĩ, 3 phó-bảng), không tuyển được một đại-khoa nào xứng-đáng trong khi phó-bảng Nguyễn-Bá-Nghi (29), đối-thủ của Cao-Bá-Quát, đã phù tá đắc-lực cho nhà Nguyễn chỉ vì lòng tị-hiềm đối với nhân-tài. Khóa thi Hội năm 1835 (30) được tổ chức một năm sau khi ban-hành Huấn-địch thập-điều, lựa chọn được 11 tiến-sĩ, 2 phó-bảng, nhưng tất cả đều là những nhà khoa-giáp hoàn-toàn vô-danh đối với lịch-sử văn-hóa. Đây là một thành-công hay là một thất-bại của chính-sách giáo-dục vừa được phổ-biến một cách long-trọng? Có thể nói ngay, đứng về phương-diện tổ-chức thi-cử thì đó là một thất-bại rõ-ràng, nhưng nếu ta biết rằng chính vua Minh-mệnh cũng đã từng than-phiền về những lầm-lẫn trong quan-niệm thi-cử, sự vô-lý trong cách chấm đỗ của quan-trường, nghĩa là nếu vua Minh-mệnh đã lên tiếng chỉ-trích tổ-chức thi-cử cũ và hứa-hẹn sẽ dần dần cải-tổ (31), thì ta có quyền kết-luận rằng những vị tiến-sĩ tân-khoa này càng bất-lực bao nhiêu, quan-điểm và chính-sách giáo-dục của nhà vua càng hữu-lý bấy nhiêu. Ta cũng đừng lạ khi thấy các nhà trí-trức văn-hóa thời ấy không phải là các nhà đại-khoa mà là các hương-cống, được gọi từ năm 1828 là cử nhân, hoặc là các sinh-đồ, được gọi từ năm 1828 là tú-tài. Về học-vị tú-tài, ta có thể kể Phan-Huy-Chú (32), Vũ-Quốc-Trân (33), về cử-nhân, ta có thể kể Trần-Đình-Túc (34), Đặng-Duy-Trứ (35), Nguyễn-Hàm-Ninh (36), Bùi-Hữu-Nghĩa (37), Cao-Bá-Quát (38), Lê-Ngô-Cát (39) v.v… Có lẽ chịu ảnh-hưởng của quan-niệm giáo-dục hướng về thực-học và nghề-nghiệp trình-bày trong Thập-điều, thanh-niên thời ấy bắt đầu không chú-trọng tới lối văn cử-nghiệp nữa, lối trần-từ sáo-ngữ mà chính vua Minh-mệnh đã phê-bình và có khi cấm đoán sử-dụng (40). Họ chú-trọng đến thực-nghiệp, và về canh-nông và dinh-điền thì có Nguyễn-Công-Trứ, Đỗ-Phát, tiến-sĩ năm 1843, vừa làm tế-tửu Quốc-tử giám vừa kiêm-nhiệm Dinh-điền sứ ; đặc-biệt có Nguyễn-Trình-Hoằng (41) đỗ cử-nhân năm 1848 rồi tuyên-bố không học lên nữa, ở làng Hòa-ninh làm ruộng, cộng-tác với người làng khai-khẩn đất hoang và cải-cách phong-tục hương xã. Quyển Sĩ nông canh độc truyện đã góp vào phong-trào trọng-nông của thế-kỷ không ít. Về thủy-lợi, cả triều-đình Huế đều biết đến uy-danh của Đỗ-Xuân-Cát, cử-nhân năm 1841 nhưng không ra làm quan ; bản điều-trần của Ông về vấn-đề thủy-lợi nhan-đề là Hà phòng ngũ thuyết (42) được vua Tự-đức công-nhận là có nhiều quan-điểm thực-tế và triều-đình đã căn-cứ vào đấy để cải-thiện hệ-thống đê-điều ở Bắc-kỳ. Các nhà trí-thức cũng rất chú-ý đến thương-mại ; thủ-khoa khóa 1847, Đặng-Huy-Trứ thường dâng sớ điều-trần về những điều ích quốc lợi dân và được Tự-đức bổ-nhiệm làm bình-chuẩn sứ, điều-khiển việc giao-thông thương-mại và việc xuất-nhập cảng tại các hải-khẩu lớn ; quyển Sách học vấn tân của Ông đề-cập tới nền giáo-dục mới về nghề-nghiệp và thương-mại. Anh họ của Ông là Đặng-Huy-Tá, cử-nhân năm 1841, sau nhiều năm suy-nghĩ, cuối cùng mới nhận thấy rằng nghề chính của mình là nghề làm thương-biện. Y-khoa đã được Chu-Doãn-Chí (43), Nguyễn-Tĩnh (44) chuyên-tâm nghiên-cứu ; họ Chu là một người nổi tiếng bác-học đương-thời, nhưng không chú-ý tới lối học cử-nghiệp, chỉ thích đọc Nội kinh, sưu tầm thuốc men và chữa bệnh ; sự ngưỡng-mộ của phó-bảng Nguyễn-Văn-Siêu (1795 – 1872) và hoàng-giáp Nguyễn-Tư-Giản (1823 – 1890) một vị là nhà giáo-dục thời-danh, một vị là nội-các đê-chính, tác-giả Hà-phòng tấu nghị bàn về thủy-lợi, tất cả đều đã chứng tỏ những công-phu nghiên-cứu y-khoa rất đáng chú-ý của Chu-Doãn-Chí ; Nguyễn-Tĩnh (? – 1880), tên tự là Hành-đạo, tên hiệu là Nông-hà, đã gửi-gắm tất cả chương-trình hoạt-động của ông trong danh-hiệu ; làm tri-huyện Thọ-xương, rồi tổng-đốc Thanh-hóa, ông vừa lo quan-sát thi-hành những công-trình thủy-lợi trình-bày trong Hà đê tấu tập, vừa lập trạm chữa thuốc cho dân-chúng, công-trình nghiên-cứu của ông về y-lý đã được trình-bày một cách có phương-pháp trong cuốn Tế nhân dược hiệu ; những kiến-giải về thủy-lợi và y-khoa, cả hai là khoa-học thực-nghiệm đã đưa Ông đến một quan-niệm mới về giáo-dục mà Ông đã phát-hiện trong cuốn Sĩ học trát kỳ. Ngoài ra, ngôn-ngữ-học được Phạm-Đình-Hổ nghiên-cứu từ năm 1838 trong Nhật dụng thường đàm, được Lê-Hữu-Thanh (45) tiếp-tục trong Vận hải, Nguyễn-Văn-Giao (46) trong Điệp-tự vận, Nguyễn-Văn-San (47) trong Đai-Nam quốc-ngữ, Đỗ-Huy- Uyển (48) trong Tự-hôc cầu tinh, và chính vua Dực-tôn trong Tự-học giải-nghĩa ca. Toán học là một môn khoa-học chính-xác đã bắt đầu được nghiên-cứu tại Việt-Nam từ đời Trần (49), và đến nhà Nguyễn đã trở thành một môn học có hệ-thống (50), được Phan-Huy-Khuông trình-bày trong Chỉ minh toán-pháp năm 1820 và được Nguyễn-Cẩn, cử nhân năm 1879, giảng-giải trong Bút toán chỉ nam. Ngay ca-vũ kịch-nhạc đời Lê bị cấm đoán, đến đời Nguyễn được thịnh-hành nhờ thiện-chí của Nguyễn-Văn-Diêu (51), tú tài năm 1860, Đào-Tấn (52), cử-nhân năm 1867 và kịch-sĩ đội Hiệp. Nghề giáo tư thục trước kia là một nghề phụ-thuộc vào nghề làm quan, từ cuối thế-kỷ XVIII đã trở thành một nghề tự-do ; chính-sách phổ-biến giáo-dục cũng như phương-thức công-điền tại hương-thôn áp-dụng từ thời Nguyễn-sơ đã biến nghề giáo-dục tư-thục thành một nghề hẳn-hoi, có thể nuôi-sống giáo-chức như nghề làm quan và không ràng-buộc giáo-chức vào một đường-lối chính-trị nhất-định, thành ra các nhà giáo thường ưa-thích ở nhà mở trường hơn là ra làm quan ; những nhà giáo tư-thục chuyên-nghiệp này, ta có thể kể Đỗ-Xuân-Cát, Trần-Ý (53), Nguyễn-Trinh-Hoằng (54), có một số vị khác tuy đã ra làm quan nhưng hoặc vì bị cách, hoặc vì bất-đắc-chí, hoặc vì muốn phản-đối chinh-quyền, đã trở về nhà sinh-sống bằng nghề dạy học ; những giáo-chức trong trường hợp này, ta có thể kể Ngô-Đình-Thái (55), Ngô-Thế-Vinh (56), Phạm-Văn-Nghị (57), Trần-Ái (58), Vũ-Tông-Phan (59) Nguyễn-Văn-Siêu (60) v.v… là hiệu-trưởng của những tư-thục lớn có sách vở để lại cho hậu-thế.

    Như vậy, sau khi phân-tích tình-hình sinh-hoạt của giới sĩ-phu trong những năm chung quanh 1834, ta thấy ảnh hưởng của Huấn-địch thập điều thật rõ-rệt. Tư-tưởng của vua Minh-mệnh, chính-sách giáo-dục của Ngài, chủ-trương mở rộng thi Hội thành một cấp trung-gian giữa tiến-sĩ và cử-nhân, những khuyến-khích của Ngài về tinh-thần trọng-nghề, những kế-hoạch phát-triển nông-nghiệp, tất cả những ý-kiến mới-mẻ ấy đã mở cho giới sĩ-phu nhiều con đường hoạt-động ngoài con đường thi-cử làm quan. Chính sự tiến-triển đương-nhiên ấy của xã-hội Việt-Nam đã làm nẩy-nở trong đầu óc Nguyễn-Trường-Tộ, Đinh-văn-Điền, Nguyễn-Hiệp, Lê-Đĩnh, Phan-Liêm những khuynh-hướng thực-tiễn mà ảnh-hưởng của Tây phương đến sau chỉ có tác-dụng làm cho rõ-ràng hơn, khúc-chiết hơn mà thôi. Chính vua Tự-đức cũng đã nhận thấy như thế nên Ngài đã khuyên các quan “khi xét việc phải cẩn-thận và suy nghĩ cho chín, và cũng nên làm thế nào cho tiến bộ chứ không tiến thì tức là thoái”. Tiếc thay! Thời-thế mới cho Ngài vừa kịp dịch xong cuốn Huấn-địch thập điều thì tác-phẩm đã trở thành lỗi-thời.

    Nông là người làm ruộng và cũng chỉ nghề làm ruộng. Nông-nghiệp là căn-bản của nền kinh-tế quốc-gia, bởi vậy, ngay khi đại-định, trước khi tổ-chức thi Hương, vua Thế-tổ đã ban-hành chánh-sách nông-nghiệp, cho thiết-lập điền-hạ, qui-định việc đắc-thu công-thổ, công-điền, truyền cho các trấn, nhất là ở Bắc-thành, phải xoi đào sông ngòi, vét các cửa biển, bảo-vệ, thiết-lập và tu-bổ các hệ-thống đê-điều. Chính-sách ruộng đất nhà Nguyễn phá vỡ chế-độ tư-điền, nhờ đó mỗi người dân có tối-thiểu vài ba sào ruộng tư để cày-cấy ngoài số công-điền được hàng-xá cấp-phát. Những thí-nghiệm thành-công của Nguyễn-Công-Trứ tại Tiền-hải, Kim-sơn, Quảng-yên năm 1828-29, ngoài việc khai-khẩn được hơn 30.000 mẫu ruộng và hoàn-thành kế-hoạch di-dân, còn giúp triều-đình giải-quyết được nạn đói kém và giặc cướp (61). Sắc-dụ nam 1830 của vua Minh-mệnh chấp-thuận cấp-phát những ruộng đất bỏ hoang cho bất cứ ai có đơn xin ; Sắc-dụ năm 1864 cho phép được thành-lập một ấp mới, tất cả những ai đã vỡ được 20 mẫu ruộng và tập-trung được 10 dân đinh. Đặc-sắc nhất là Sắc-dụ năm 1840 bắt-buộc các đại-điền-chủ phải cắt 1/3 điền-sản bỏ vào công-điền ; Sắc-dụ tiến-bộ này tiếc thay chỉ được áp dụng một phần ở Gia-định rồi sau lại bị đình-chỉ vì triều-đình bận đối-phó với những rắc-rối chính-trị phía Cao-miên. Các lãnh-tụ nhà Nguyễn đã thấy rõ những tương-quan hỗ-tương giữa kinh-tế và xã-hội ; tình-trạng bất-an của dân-chúng bắt nguồn từ sự nghèo đói, từ việc nông-dân thiếu ruộng cày, từ sự áp-bức của những quan-lại bất-nhân, từ sự bóc-lột dã-man của cường-hào ác-bá. Sắc-dụ năm 1822 của vua Minh-mệnh cho xuất kho thóc dinh Quảng-nam một vạn hộc, kho thóc Chợ Mới hai nghìn hộc bán rẻ cho nhân-dân hạt ấy mỗi hộc một quan tiền ; nhà Vua đã không quên ra lệnh cho các quan “gia tâm theo phép công làm việc để dân nghèo được nhờ ơn Trẫm thương dân trong cơn gian-khổ, nên nghiêm sức bọn phú-hộ gian-giảo không được quấy rối mua tranh để béo mình hại dân!” Nhà cầm quyền cũng đã thấy rõ nguyên-nhân của nạn thổ-phỉ là sự tham-ô của quan-lại nên Sắc-dụ ngày 13 tháng 3 năm Minh-mệnh thứ 9 (1828) một mặt ra lệnh cho các quan địa-phương gia-tâm tuần-thám tiễn-trừ thổ-phỉ, một mặt cho điều-tra hành-động của những quan-lại tham-ô đã làm cho đời sống nhân-dân khốn-khổ ; Sắc-dụ ngày mồng 3 tháng 2 năm Minh-mệnh thứ 11 (1830) hạ lệnh cho các quan cứu xét minh-bạch những lời tố-cáo quan-trường hạch-sách tham-nhũng đòi của đút làm những điều tệ-liệt. Cái hại quan-lại mười phần chỉ có hai ba ; cái hại cường-hào mười phần thường đến bảy, tám, đó là nhận xét của Nguyễn-Công-Trứ trong bài sớ năm 1828. Ông nói: “Bởi vì quan-lại chỉ bòn chài những lợi nhỏ ở nơi án-từ, kiếm-chác ngoại-tệ ở nơi thuế-khóa. Hại ấy nhỏ và cạn, đến khi phát-lộ ra thì bị giáng-cách ấy là biết hối-cải ngay. Còn cái hại cường-hào làm cho đến nỗi con mất cha, vợ mất chồng, tính-mệnh phải thiệt-hại, tài-sản phải sạch không. Cái việc ấy không sao tiết-phát ra được, cho nên chúng công-nhiên không sợ-hãi gì, tự hùng-trưởng với nhau, chuyên lợi làm giàu, khi-lộng quan-lại để làm việc tư của mình. Những nơi có ruộng đất công thường thường chúng mượn việc cầm mướn để làm mưu béo mình, dân nghèo không biết kêu van vào đâu, giáo-hóa nhà vua mà chưa kịp đến kẻ dưới, đức-trạch nhà vua chưa quyền đến chỗ xa, chưa hẳn không bởi tự đó. Thậm chí ẩn-lậu đinh-điền, điền hàng nghìn mẫu mà không nộp thuế, chỉ để cho bọn cường-hào tiêu riêng, đinh hàng trăm người mà không vào sổ, chỉ để cho bọn cường-hào sai-khiến (62). Năm 1827, khi chỉ-bổ Nguyễn-Công-Trứ làm Dinh-điền sứ, vua Minh-mệnh chính-thức ban-hành kế-hoạch kinh-tế nông-nghiệp của triều-đình ; mộ dân đến những vùng đất hoang, lấy tiền công làm nhà cho dân ở, chia đất cho dân khai-khẩn, cấp ngưu-canh điền-khi để cày bừa, cứ năm người thì cấp một con trâu, một cái bừa, một cái cày, một cái xuổng, một cái cuốc, một cái liềm. Chỉ trong năm 1828 đã khẩn được 18.970 mẫu ruộng, thành-lập huyện Tiền-hải, mộ được 2.350 đinh chia làm 14 lý, 72 ấp, 20 trại, 10 giáp ; năm 1829, thành lập huyện Kim-sơn sau khi khẩn dược 14.600 mẫu ruộng, định được 1.260 đinh ; ấp-lý được chia vuông-vắn thành từng khu theo phép tỉnh-điền ; mỗi làng chiều ngang không quá một cây số, chiều dài thay đổi từ 10 đến 13 cây số tùy theo đất bồi nhiều ít hàng năm, hai làng cách nhau một con sông đào rộng vào khoảng 10 thước chảy từ Tây ra Đông, mỗi con sông có 3 chiếc cầu bắc ngang chia làng thành 3 phần thượng, trung, hạ ; vì làng nào cũng chỉ có thể phát-triển về bề dài nên mỗi làng lo đắp đê chế-ngự sóng biển, khai ngòi rửa nước mặn để trồng cói ở những vùng duyên-hải. Ngoài dân-chúng, lính thú cũng được cấp điền để khẩn hoang, xây đắp đê-điều, lúa thu được chia làm 3 phần, 2 phần bỏ vào kho, 1 phần quân-cấp cho lính, lúc thành điền mới mộ dân canh-quản ; lính thú cũng có thể phối-hợp với lính cơ trong việc đắp đê ngăn nước mặn ; chiếc đê điển-hình dài 10 cây số được thiết-lập ở Quảng-yên, nơi mà chính-quyền đã khẩn được 3.500 mẫu ruộng và lưu binh-lính ở đây lập thành đồn-điền ; kế-hoạch đồn-điền được triệt-để áp-dụng tại miền Nam, do Nguyễn-Tri-Phương đặc-trách thực-hiện ; năm 1836, xứ Nam-kỳ đạc-điền xong, tổng số được 630.075 mẫu ruộng, nâng số ruộng toàn-quốc lên 4.063.892 mẫu, đó phải chăng là ngoài nỗ-lực khai-khẩn của quan-dân, còn là do chính-sách giáo-dục của vua Minh-mệnh. Ngài đã ân-cần huấn-dụ nhà nông: “hãy tu-sửa cày bừa, chuyên cần về việc cấy gặt, cốt để cho trọn ngày no đủ, nếu có chuyện được mùa không đều, cũng không vì thế mà bỏ nghề”. Một điểm cuối cùng đáng lưu-ý trong khi bàn về tình-trạng nông-nghiệp triều Nguyễn là trong thời vua Minh-mệnh, nhà cầm quyền đã chú-trọng tới kế-hoạch qui-định xã-ước của Nguyễn-Công-Trứ đề nghị năm 1829 mục-đích liên-kết đoàn-tụ dân-chúng để dễ thực-hiện chương-trình hỗ-tương giáo-dục ; kế-hoạch này gồm 5 điểm, ngoài 3 điểm thông-thường là chăm việc răn bảo (điều 3), chăm việc phòng-thủ (điều 4), nghiêm việc khuyến-trừng (điều 5), điều 1 đề-nghị việc đặt nhà họ và điều 2 xin đặt xã-thương là 2 điều xác-nhận mối tương-quan mật-thiết giữa giáo-dục và kinh-tế. Điều 1 bàn: “Ấp và lý đều đặt một nhà học, rước một ông thầy, mỗi lý lấy 10 mẫu ruộng, mỗi ấp 8 mẫu đặt làm học-điền, tha không đánh thuế. Những học-điền ấy nhân-dân hợp sức cầy-bừa, đồng-niên thu được bao nhiêu, để làm học-bổng. Trẻ con sinh ra, 8 tuổi cho vào nhà học, dạy cho những điều tưới quét, đối-đáp, lui tới và những điều hiếu hữu, trung-tín, kính-nhượng, rồi sau mới cho học chữ, đến lúc 16 tuổi, học đã hơi thành, theo thứ-tự thăng lên các nhà học huyện, phủ, trấn. Đứa trẻ nào học không tiến-bộ thì cho về tìm nghề khác. Còn như trại và giáp thì mỗi trại biệt lấy 5 mẫu ruộng, giáp 3 mẫu phụ vào ấp hay lý. Trong điều 2 bàn về việc đặt xã-thương, Nguyễn-Công-Trứ đề-nghị: “Ấp và lý đều đặt xã-thương, chọn người cẩn-tín coi giữ, hễ khai-khẩn thành ruộng, 3 năm đầu còn được tha thuế, mỗi mẫu lấy 30 bát thóc, về sau, đến khi đã phải nộp thuế, mỗi mẫu lấy 20 bát thóc để vào kho. Khi nào giá cao thì bán, giá hạ thì mua, phòng gặp lúc thủy hạn bất thường, thì đem thóc chiếu-cấp từng người, năm nào được mùa, sẽ theo số đã cấp trước thu lại để chứa trữ”. Những đề-nghị này tuy không mới mẻ đối với vua Minh-mệnh, nhưng những cải-tổ giáo-dục và kinh-tế về sau này cho ta thấy nhà vua đã đồng-ý chấp-nhận rằng giáo-dục phải có mục-đích phát-triển đất nước về tinh-thần cũng như về vật-chất (63).

    Công là giới thợ-thuyền và tiểu công-nghệ. Họ thường sinh-hoạt thành phường, như phường thợ mộc, thợ nề, thợ đúc, thợ gốm, có thợ cả, thợ phó, những qui-luật và truyền-thống riêng mà người trong nghề phải tôn-trọng. Ngoài những hoạt-động công-nghệ có tính-cách gia-đình như người làng Thổ-hà chuyên về đồ gốm, làng Liễu-chằng chuyên về nhà in, thợ-thuyền còn được trưng-tập đến những thành-phố lớn tham-gia vào những công-trình điêu-khắc, kiến-trúc của triều-đình. Ở kinh-đô Huế chẳng hạn, họ làm việc trong những công-xưởng thực-sự và phải tuân theo một tổ-chức, một kỷ-luật có tính-cách quân-ngũ. Sự nghiêm-cấm của các quan-chức điều-hành chắc-chắn đã hơn một lần gây bất-mãn và chống-đối trong giới thợ (64), nhưng nỗ-lực của nhà Nguyễn về phương-diện tạo điều-kiện sinh-hoạt chuyên-môn cho dân-chúng xuất-phát từ một kế-hoạch hẳn-hoi. Không ai có quyền thất-nghiệp bởi vì “ Trời cao sinh ra dân, tất giao-phó cho mỗi người một nghề, cho nên mỗi người phải tự chọn lấy một nghề để làm căn-bản lập thân. Kẻ sĩ, nhà nông, người làm thợ, kẻ đi buôn, người làm vườn, kẻ trồng rau, bác chài đánh cá, đứa trẻ chăn trâu, thậm chí cả tay võ-biền trong quân-lữ, mỗi người đều phải có nghề-nghiệp, đều phải nhờ vào đấy mà sinh sống” (Thập điều, B III, 1). Những thực-hiện kỹ-thuật và công-nghệ ở tiền-bán thế-kỷ XIX không hẳn chỉ làm hãnh-diện một nhà Nguyễn ; sự hoàn-mỹ của từng bức phù-họa trên các trụ-ngạch, các lưng tỉnh, vẻ tinh-tế trong từng nét điêu-khắc mà cả thế-giới ngày nay ngưỡng-mộ trong cung-điện triều-đình Huế chẳng hạn chứng-thực tinh-thần cầu-toàn, óc thẩm-mỹ điêu-luyện của những người thợ vô-danh đã cần-mẫn tô-điểm không phải chỉ cho triều-đại nhà Nguyễn mà thôi, mà là cho cả lịch-sử mỹ-thuật của dân-tộc Việt-nam. Hướng về giới bách-công, vua Thánh-tổ bắt-buộc họ phải biết “ chỉnh-sức các xuất-phẩm cho ăn hợp với vật-liệu” (Thập-điều B III, 5) ; Ngài kêu gọi tôn-trọng kỷ-luật và lương-tâm cần-thiết cho mọi công-trình kỹ-thuật.

    Thương là hạng người sống về nghề buôn-bán.Họ chỉ tạo thành một giới tiểu-thương mà hoạt-động có thể phát-triển qui-mô hơn nếu không bị chi-phối bởi một tổ-chức xã-thôn quá chặt-chẽ. Việc tu-bổ kiều-lộ, thiết-lập đê-điều, thủy-đạo, việc qui-định tiêu-chuẩn đo-lường, đúc tiền đồng, tiền kẽm, nén vàng, lượng bạc, tất cả đều đã tạo điều-kiện cho thương-mại phát-đạt, nhất là từ khi sáng-lập Tào-chính ty để đôn-đốc việc vận-tải, nền nội-thương và ngoại-thương tuy chưa thực-hiện được những mức-độ đã hoạch-định nhưng cũng đã biểu-lộ được nhiều tiến-bộ khả-quan hơn những thế-kỷ trước. Trong điều 3 của bản Thập-điều nhan-đềVụ bản-nghiệp, vua Thánh-tổ bắt-buộc “ nhà buôn phải để cho của-cải lưu-thông ”, và chính đấy là nguyên-tắc căn-bản của chính-sách thương-mại, chứng thực rằng nền kinh-tế hàng-hóa đã được triều-đình nhà Nguyễn cũng như nhà Lê trước đây, đặc-biệt chú-trọng.

    Ngoài tứ-dân là các tầng-lớp xã-hội cổ-truyền, xã-hội nhà Nguyễn còn quan-tâm đến binh-sĩ là một tầng-lớp mới rất quan-trọng vì chính họ đã kết-liễu chiến-tranh, thống-nhất đất nước. Trong đời vua Thế-tổ, dù hòa-bình đã được vãn-hồi, lệ giản-binh được đặt ra để tổ-chức lại quân-ngũ tại các trấn và kinh-thành ; binh-sĩ được võ-trang bằng những khí-giới tối-tân nhất của thời-đại : các xạ-trường được thiết-lập, binh-thuyền được chỉnh-đốn để bảo-vệ các hải-khẩu. Qua đời vua Thánh tổ, tổ-chức quân-ngũ được hoàn-thiện hơn, bao hàm đầy-đủ các ngành bộ binh, thủy-binh, tượng-binh, kỵ-binh và pháo thủ-binh. Ngoài ra, để giúp cho gia-đình binh sĩ có cơ-hội tham-gia trực-tiếp vào việc quân, vua Thánh-tổ còn cho thiết lập toán giáo-dưỡng binh, tức nghĩa-tử quân, cho con các quan võ từ suất đội trở lên tình-nguyện theo học, có học-bổng và võ-sư là quan đại-thần. Nhành quân-y được tổ-chức để điều-hộ binh-sĩ trong thời-gian hành-quân. Tinh-thần thượng-võ của vua Thánh tổ đã làm cho nhà vua chú-trọng đến quân-nhân ngang-hàng với các giới khác, và trong bản Thập-điều, mỗi khi lên tiếng kêu gọi dân-chúng là nhà vua dùng danh-xưng “ hỡi sĩ-thứ quân-nhân ” như “ sức truyền sâu rộng những giáo điều này cho sĩ-thứ, quân nhân ” hoặc “ sĩ-thứ, quân-nhân, các người đừng có xem đây là một bài văn suông ” (xem Thánh dụ huấn-địch thập điều), sĩ-thứ, quân-nhân các người nên nghiêm-chỉnh tuân-hành lời huấn-dụ của Trẫm (điều 4), sĩ-thứ, quân nhân, các ngươi nên kính-cẩn nghe theo lời Trẫm (điều 10). Nhà vua khuyên-bảo quân-sĩ “ Những người thuộc quân-tịch. Đừng rời đội-ngũ mà trốn-tránh cẩu-thả, chớ lười-biếng mà không phấn-chấn, thời bình thì luyện tập võ-nghệ, khi hữu-sự thì hùng-dũng đi tiên-phong (điều 1).

    Cơ-cấu xã-hội này được các đời Nguyễn nghiên-cứu như mọi thực-tại, và đã căn-cứ trên thực-tại ấy để thiết-lập những cơ-sở tổ chức giáo-dục.
     
    thanhbt and tducchau like this.
  3. hhongxuan

    hhongxuan Lớp 7

    PHẦN CHÚ GIẢI

    1) Nguyễn-Trãi viết: Ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày (Quốc âm thi-tập, Bảo-kính cảnh giới số 19).

    2) Nguyễn-Trãi, Chí-linh sơn phú, trong Ức-trai thi-tập, bài số 105.

    3) Cao-Huy-Diệu: làng Phú-thị, huyện Gia-lâm, tỉnh Bắc-ninh, làm quan ở Quốc-tử giám, đốc-học Thăng-long ; tác giả Cấn-trai thi-tập (bạt).

    4) Nguyễn-Án (1770 – 1815) tri huyện Tiên-minh, tác-giả Tang-thương ngẫu lục.

    5) Nguyễn-Trung-Mậu, người Đông-thành, Nghệ-an, tri-huyện Hoàng-hóa, đốc-học Bình-định (1830) ; tác-giả Chính-sự lục điều (1841).

    6) Lê-Cao-Lãng, người làng Nguyệt-viên, huyện Hoàng-hóa, tỉnh Thanh-hóa, tác-giả Lê-triều lịch-khoa tiến-sĩ đề danh bi ký và 6 tác-phẩm lịch-sử.

    7) Vũ-Tụ, tác-giả Lãi-minh thi-thảo.

    8) Lưu-Công-Đạo, sử-địa-gia chuyên khảo về Thanh-hóa, Nghệ-an.

    9) Đỗ-Tuấn-Đại, tác-giả Tiên-thành lữ-hoại.

    10) Lê-Văn-Đức (+ 1844), pháp-chế gia, tác-giả Bách-quan chức-chế, Đại Nam hội điển toát-yếu ; Hoàng Việt hội-điển toát-yếu.

    11) Ngô-Đình-Thái, giáo-sư tư-thực, hiệu-trưởng tư-thực Tùng-hiên ở Nam-định, tác-giả Tùng-hiên trường sách văn, Nam phong giải trào (nôm), Nam-phong nữ ngạn thi (nôm) là những tác-phẩm đầu tiên nghiên-cứu ca-dao tục-ngữ.

    12) Đỗ-Trọng-Dư, tác-giả Quan-âm thị Kính, một tác-phẩm văn ghi tác-giả khuyết-danh, đậu thứ 20 trên 23 cử-nhân trúng-cách khoa kỷ-mão (1819).

    13) Vũ-Quyền, tri-huyện Mỹ-lương, thăng Án-sát, tác-giả Tốn-trai thi-tập, Tốn-trai học-sinh.

    14) Phạm-Hội, giáo-thụ, tác-giả Dưỡng-am tạp tác.

    15) Hà-Duy-Phiên, toản tu bộ Đại-Nam thực-lục tiền biên, tổng-vựng bộ Đại-Nam hội-điển.

    16) Trương-Đăng-Quế, giáo-sư của vua Thiệu-trị, nhiều lần làm chủ-khảo thi Hội, tác giả Thiệu-trị, văn-qui (sách giáo-khoa) tổng-tài Đại-Hàn liệt truyện, Đại-Nam thực-lục tiền biên (in năm 1844).

    17) Trương-Minh-Giảng, dịch-thủ của Lê-Văn-Khôi, tổng-tài Đại-Nam thực lục chính biên.

    18) Hà-Tông-Quyền (1797 – 1839), tổng-tài Minh-mệnh, chính-yếu, tác-giả của 7 tác-phẩm lớn.

    19) Phan-Bá-Đạt (1786 - ?) tác-giả Ngũ kinh tính-lý tiết-yếu.

    20) Lê-Tông-Quang (1802 - ?) tác-giả Bình-vọng Lê tiến-sĩ thi-tập.

    21) Phan-Thanh-Giản (1796 – 1867), tổng-tài Khâm-định Việt-sử thông-giám cương-mục, Minh-mệnh chính-yếu, Tích-ung canh ca hội-tập và là tác-giả 5 tác-phẩm lớn trong đó có Lương-Khê thi văn tập.

    22) Vũ-Tông-Phan (1804 – 1862), làm đốc-học Bắc-ninh, sau cáo ốm về dạy học ở thôn Tự-tháp, bên hồ Hoàn-kiếm, dạy học rất nổi tiếng được triều-đình ban bốn chữ: Đào thục hậu tiến. Ông chú trọng đến cổ học (cổ-văn hợp-tuyển, Thăng-long cổ tích vịnh) và thi-ca (Hoán-phủ thi-tập, Hoa-đường thi tác).

    23) Tô-Trân (1791 - ?), toản-tu Minh-mệnh chính-yếu.

    24) Ngụy-Khắc-Tuần (1798 - ?), được nhà vua sánh với Quản Thích (Thiện-Bá) tướng nhà Chu và Trương-Kham, thái-thú Ngư-dương là hai nhà cai-trị được dân yêu-mến kính-trọng.

    25) Bùi-Ngọc-Quĩ (1796 – 1861), tác-giả Yên-đài anh-thoại và 6 tác-phẩm văn-chương liên-hệ tới sứ-trình.

    26) Trương-Quốc-Dụng (1797 – 1864), tác-giả Thoái-thực ký văn, Văn-quy tân-thế, Công-hạ ký-văn.

    27) Phạm-Thế-Lịch (1790 - ?), có đi sứ nhà Thanh, tác giả Sứ Hoa quyển.

    28) Ngô-Thế-Vinh (1802 – 1856), sau lang-trung bộ Lễ, bị cách chức về nhà dạy học, sáng-lập và điều-khiển trường tư-thục Trúc-đường ; tác-giả Trúc-đường chu dịch tùy bút, Nữ huấn tân-thư, Trúc-đường khóa sách, Trúc-đường trường văn-sách, Khải-đồng thuyết-ước nhuận-sắc và 8 tác-phẩm khác. Tác-phẩm của ông nghiên-cứu về giáo-dục và giảng dạy về bút-pháp.

    29) Nguyễn-Bá-Nghi, làm quan từ tri-huyện đến Hộ-bộ thượng-thư, đã đàn-áp phong-trào khởi-nghĩa của Cao-Bá-Quát, sau chủ hòa với Pháp, làm tổng-đốc Sơn Hưng Tuyên. Trước sau, Nghi là một con người thiếu nhân-cách.

    30) Khóa 1835 lấy đỗ: Nguyễn-Hữu-Cơ, Phạm-Văn-Huy, Bạch-Đông-Ôn, Lưu-Quĩ, Nguyễn-Thố, Nguyễn-Hoàng-Nghĩa, Bùi-Đình-Bảo, Hoàng-Văn-Thụ, Nguyễn-Đức-Hoan, Lê-Văn-Chân, Nguyễn-Thế-Trị, và hai phó-bảng Vũ-Ngọc-Giá, Đinh-Văn-Minh.

    31) Xem Minh-mệnh chính-yếu, dẫn trong Việt-nam sử-lược của Trần-Trọng-Kim, trang 435.

    32) Phan-Huy-Chú (1782 – 1840): thi 2 lần, nhưng chỉ đậu đến tú-tài, nên học-trò gọi là Kép thầy, sau được Minh-mệnh biết tiếng triệu vào làm biên-tu Quốc-tử giám, hoàn-thành tác-phẩm lớn của thế-kỷ là Lịch triều hiến-chương loại-chí, 49 quyển, được thưởng 30 lạng bạc, một chiếc áo sa, 30 ngòi bút, 30 thoi mực. Ngoài ra, ông còn soạn 3 tác-phẩm văn-chương và 4 tác-phẩm sử-địa.

    33) Vũ-Quốc-Trân, cũng hai lần đi thi mà chỉ đỗ tú-tài, nên người đời gọi là ông Tú kép, hay cụ mền Đại-lợi (tức là ông Tú kép hàng Đào), tác-giả một bản Bích-câu kỳ-ngộ nôm.

    34) Trần-Đình-Túc, tác-giả Tiên-sơn toàn-tập.

    35) Đặng-Huy-Trứ, tác-giả Việt-sử thánh-huấn diễn nôm, Sách-học vấn-lân Tứ thập bát hiếu kỷ sự và 8 tác-phẩm khác. Ngoài ra, theo Hoàng-Xuân-Hãn, ông còn là tác-giả của tác-phẩm nôm Nhị-độ-mai.

    36) Nguyễn-Hàm-Ninh (1808 – 1867), tác-giả Tĩnh-trai văn-tập, Ông là thủ-khoa thi hương năm 1831, á-khoa là Cao-Bá-Quát.

    37) Bùi-Hữu-Nghĩa (1807 – 1872), giải-nguyên trường thi Gia-định năm 1835, học-trò cụ Đỗ-Hoành ở Biên-hòa, tác-giả Kim-thạch kỳ-duyên.

    38) Cao-Bá-Quát (? – 1854), thần đồng, tính-tình cao-ngạo, nhưng là một nhà chân-nho, muốn cho nho-học không bị chi-phối bởi chính-trị triều-đại, nên thường đối-lập với chính-quyền. Trong 5 tác-phẩm lớn của ông, nhất là trong Chu-thần thi-văn tập, ông thường viết những bài có tính-cách kêu gọi tôn-trọng sự thuần-túy của nho-giáo, chỉ-trích chính-quyền lợi-dụng nho-học. Ông là nhà văn đầu tiên lập-luận bài-xích chính-sách xâm-lược của Pháp.

    39) Lê-Ngô-Cát, tác-giả Đại-Nam quốc-sử diễn-ca.

    40) Xem bài dụ năm Minh-mệnh thứ 13 (1832). Nhà vua cấm: Không được dùng lời lẽ hoa-mỹ, hoặc nói về thời-tiết hoặc tả về cảnh-vật, những chữ “trăng dọi sáng, gió đưa hương” đều là sáo-ngữ, phù-từ.

    41) Nguyễn-Trinh-Hoằng, người huyện Nghi-lộc, tỉnh Nghệ-an, hiệu là Thổ-lương cư-sĩ. Đương thời cho rằng nhờ Ông mà làng Hòa-ninh thịnh-vượng, có lần được cử ra làm quan nhưng Ông từ chối, điều này rất quan-trọng để giải-thích tinh-thần trọng-hiền của vua Tự-đức. Tác-phẩm gồm có: Tạo-phúc từ, Khuyến thiện quốc-ngữ ca, Quân-thần khúc, Phụ tử khúc và Sĩ nông canh độc truyện. (Xem thêm Tri-tân, số 119 ngày 4-1-1943, bài Thanh-niên đời xưa của Nguyễn-văn-Tố, dẫn Đại-Nam liệt truyện, II, q. 42 tờ 19b 11a.

    42) Được Nhữ-Bá-Sĩ (1788 – 1867), cử-nhân năm 1821, duyệt lại vấn-đề thủy-lợi được các nhà Nho rất chú-trọng. Ngoài Đỗ-Xuân-Cát, còn Phạm-Thận-Duật, cử-nhân năm 1850, tác-giả Hà-đê tấu-nghị ; Nguyễn-Trọng-Biên, cử-nhân năm 1858, tác-giả Hà-đê tấu tư lập, cùng soạn ới Tôn-Thất-Tĩnh, Nguyễn-Tĩnh (? – 1880), tác-giả Hà-đê tấu tập.

    43) Chu-Doãn-Chí, tự Viễn-phu hiệu Tạ-hiên, người huyện Đông-ngàn (nay là Từ-sơn, Bắc-ninh).

    44) Nguyễn-Tĩnh (? – 1880), người làng Gia-miêu, huyện Tổng-sơn (nay là Hà-Trung), Thanh-hóa, năm 1854, được bổ Hàn-lâm trước-tác, tri-huyện Thọ-xương, tổng-đốc Thanh-hóa.

    45) Lê-Hữu-Thanh (1815 - ?), người làng Thượng-tầm, huyện Thanh-quan (nay là Thái-ninh) tỉnh Thái-bình, hoàng-giáp năm 1854. Tác-phẩm, ngoài Vận-hải, còn có Cách-ngôn tạp lục.

    46) Nguyễn-Văn-Giao (1811 - ?), thám-hoa năm 1853, tác-giả Tam-khôi bị lục, Sách-học tân-tuyển, Thưởng lãm sách thi tập, Bắc-sử lịch-đại vắn sách, Điệp-tự vận và 6 tác-phẩm văn, sử, địa. Ông là một nhà nghiên-cứu văn-thế-học, chuyên-môn về văn-sách.

    47) Nguyễn-Văn-San, ngoài Đại-Nam quốc-ngữ, còn có: Quan chăm tiệp lục (nghiên-cứu xã-hội), Độc thư cách-ngôn (triết-lý).

    48) Đỗ-Huy-Điển, ngoài tác-phẩm dẫn thượng còn có: Gia-lễ tồn chân (xã-hội), La-ngạn thi-văn tập (văn-chương) ; La-ngạn là tên làng Ông ở.

    49) Trần-Nguyên-Đán (1326 – 1390) có viết Bách thế thông kỷ thư là sách toán-học đầu tiên của Việt-Nam.

    50) Ngoài ra, còn có Nguyễn-Hữu-Thận, tự là Chân-nguyên, hiệu là Di-trai, tác-giả cuốn Di-trai toán pháp nhất đắc lục (1829).

    51) Nguyễn-Văn-Diêu, người thôn Nhân-ân huyện Tuy-phước, tỉnh Bình-định có khả-năng văn-nghệ, ca-kịch, giáo-sư kịch-nghệ và trước-tác nhiều bản tuồng như Ngũ-hổ bình Liêu, Liêu đô.

    52) Đào-Tấn, hoặc Đào-Tiến, người thôn Vĩnh-thạnh, huyện Tuy-phước, tỉnh Bình-định, làm quan đến tổng-đốc Nghệ-Tĩnh, khi làm thượng-thư ở Huế vì chống Nguyễn-Thân, bị cách chức sau sống về kịch-nghệ. Tác-phẩm: Diễn-vô đình, Cô-thành, Hộ-danh đàn. Hoàng-Phi-Hổ quá quan, Trần hương cáo, Khuê-các anh-hùng, Tứ quốc lai vương, Vạn-bảo trình-tường.

    53) Trần-Ý (1796 – 1862), tú-tài năm 1828, người làng Bình-vọng, huyện Thượng-phúc.

    54) Nguyễn-Trinh-Hoằng, cử nhân năm 1848, nông-gia và giáo-sư tư-thục.

    55) Ngô-Đình-Thái, thủ-khoa khóa hương-thí năm 1819, làm tri-phủ Thường-tín, phải cách về dạy học, hiệu-trưởng trường tư-thục Tùng-hiên ở làng Bái-chương, huyện Nam-trực, tỉnh Nam-định ; tác-giả Tùng-hiên trường sách văn, Nam-phong giải trào (nôm), Nam-phong nữ-ngạn thi (nôm), Nhạc-dương Tùng-hiên Ngô-tử văn-tập.

    56) Ngô-Thế-Vinh (1802 – 1856), tự là Trọng-nhượng, là Trọng-dực, hiệu là Trúc-đường, là Dương-đình, người làng Bái-dương, huyện Nam-trực, tỉnh Nam-định, đỗ tiến-sĩ năm 27 tuổi, làm quan mới chỉ đến Lang-trung bộ Lễ, không hiểu vì lý-do gì bị cách-chức về nhà dạy học. Ông là tác-giả 13 tác-phẩm lớn trong đó có 3 tác-phẩm về giáo-dục là Nữ-huấn tân-thư, Trúc-đường khóa-sách, Trúc-đường trường văn-sách, 2 tác-phẩm nghiên-cứu triết-học và 8 tập thơ.

    57) Phạm-Văn-Nghị (1805 – 1880), hiệu Nghĩa-trai, người làng Tam-đăng, huyện Đại-an, tỉnh Nam-định, hoàng-giáp năm 1838, thầy học của Nguyễn-Khuyến và Trần-Bích-San, cả hai đỗ tam-nguyên. Tác-phẩm có: Nghĩa-trai trường văn sách, Tùng-viên thi-tập (nôm), Pháp đánh Bắc-kỳ (phú nôm).

    58) Trần-Ái, tự là Trọng-ngọc, người huyện Quỳnh-lưu, tỉnh Nghệ-an, cử-nhân năm 1834, làm tri-huyện Thăng-bình, sau khi bị cách chức, về quê nhà dạy học. Tác-phẩm: Chu Văn-công gia-lễ (xã-hội).

    59) Vũ-Tông-Phan (xem chú thích ở trên).

    60) Nguyễn-Văn-Siêu (1795 – 1872) gốc làng Kim-lũ, sau di-cư ra Hà-nội ở phường Dũng-thọ, huyện Thọ-xương nay là phố Ngõ gạch, còn gọi là phố Án-sát Siêu, gần hồ Hoàn-kiếm, phó-bảng năm 1838 làm đến án-sát đi sứ Thanh, bị giáng chức. Ông cáo quan về phường Dũng thọ dạy học, xây một lớp nhà vuông để giảng sách nên gọi là Phương-đình. Giáo trình của Ông được in thành sách: Chư kinh khảo ước, Chư-sử khảo thích, Tứ thu bị giảng, Phương-đình địa-dư chí và tập thơ, văn tùy bút.

    61) Xem bài sớ năm 1827 của Nguyễn-Công-Trứ trình bày ba điều: A) Nghiêm pháp cấm để trừ giặc cướp. B) Minh thưởng phạt để chuyên răn quan lại. C) Khẩn hoang để dân nghèo có thể làm ăn (Đại-Nam chính-biên thực lục, đệ nhị kỷ).

    62) Đại-Nam chính-biên thực lục.

    63) Vì quan-niệm giáo-dục là phát-triển kinh-tế nên nhà Nguyễn rất chú-trọng đến nhiệm-vụ đào-tạo nhân-tài của Quốc-tử giám và đã đầu tư vào đấy một số tiền thường-niên quan-trọng (xem mục nói về Quốc-tử giám).

    64)Việc xây cất Vạn-niên cơ đã bị Đoàn-hữu-Trưng và Đoàn-tư-Trực lãnh-đạo thợ-thuyền chống-đối năm 1866. Ca-dao có câu ‘Vạn-niên là Vạn-niên nào? Thành xây xương lính, hào đào máu dân! (Xem Trung-nghĩa ca của Đoàn-hữu-Trưng từ câu 243-270)
     
    4DHN and tducchau like this.
  4. hhongxuan

    hhongxuan Lớp 7

    II. TÌNH-HÌNH GIÁO DỤC

    a. – Chính-sách giáo-dục

    Mở đầu bản Huấn-địch thập điều, vua Thánh-tổ tuyên bố : “Từ xưa, thánh-đế minh-vương lấy chính-đạo cai-trị thiên hạ, tất lấy việc giáo-hóa dân-chúng, tập-thành phong-tục làm nhiệm-vụ đầu tiên”, như vậy, chính-sách giáo-dục được thiết-lập trên cơ-sở triết-lý nho-giáo. Triết-lý này đặt căn-bản siêu-hình trên sự hiện-hữu của một thực-thể siêu-việt là trời, nguyên-lý đầu tiên sáng-tạo vạn-vật trong đó có nhân-loại ; công-trình sáng-tạo được qui-định một trật-tự, nhiệm-vụ của con người là duy-trì trật-tự bản-thân, phát triển cùng-độ nhân-tính để tán-trợ công-trình hóa-dục của trời, để tham-gia vào công–cuộc sáng-tạo đang tiếp-diễn trong lịch sử (65), tức là phát-triển trật-tự thiên-nhiên giữa xã-hội và vũ-trụ. Tinh-thần tham-gia ấy (66) bắt buộc mọi người không phải chỉ nhận-thức về sự cần-thiết bảo-vệ trật-tự mà phải sinh-hoạt trật-tự ấy, phải tự-hiện trong trật-tự ấy. Trong điều 1 của Thập-điều, vua Thánh-tổ đã khẳng-định : “ Trong đạo làm người, không ó việc gì đi trước việc làm sáng đạo… Nhân-luân sáng tỏ thì sau đấy nhân-đạo mới đứng vững”. Chính vì vậy mà nhà Nho chú-trọng tới việc “ tập-thành phong-tục “, kiến-tạo ra những môi-trường thuận-lợi cho việc thi-hành trật-tự đắc-thụ những thói quen tốt để cho sự thể-hiện trật-tự ấy được tự-nhiên như chính bản-tính của mình (67). Nền triết-lý giáo dục ấy đề ra một quan-niệm về con người được định-nghĩa như là sức mạnh của trời đất (nhân-giả, kỳ thiên-địa chi đức), cái kết-tinh của âm-dương (âm-dương chi giao), điểm gặp-gỡ của quỉ-thần, (quỉ thần chi hội), vẻ đẹp điều-hòa của ngũ-hành (ngũ-hành chi tú khí dã) (68). Ngoài thuộc-tính cuối cùng liên-hệ tới thể-chất, con người xuất-hiện trong 3 thuộc-tính trên như là một tâm-thức nhờ đấy có thể quan-niệm được cái trừu-tượng, tiếp-xúc được với siêu-hình, chân-nhận được lẽ phải là tiêu chuẩn của trật-tự ; Vua Thánh-tổ viết trong điều Chính tâm-thuật : “ Lòng là gốc của con người, lòng chính-đính thì muôn sự lành ở đó mà sinh ra, lòng bất-chính thì trăm điều ác từ đó mà theo ra, há chẳng nên thận-trọng ru ? Thượng-đế đã phú-bẩm tính lành cho con người, nên ai cũng có tính thường, đó là nhân, nghĩa, lễ, trí, gọi là bốn mối, từ khi sơ-sinh, người ta không ai là không có “ (Thập-điều, II, 1, 2) Tâm-thức là một động-lực có khả-năng tự-động và cũng có khả-năng động-cập đến đối-tượng bên ngoài, do đấy, vấn-đề minh-tâm tức là giáo-dục được đặt ra ; tự-động là vận-dụng nội-lực tổng-hợp của chính tâm mình để tiêu-diệt sự chướng-tế của ngu-đãng, tặc-giảo, loạn-cuồng và thực-hiện được nhân-trí, tín-trực, dũng-cường (69). Giáo-dục trước hết là giáo-dục cá-nhân, cho nên một khi công-cuộc tu-thân đã đào-luyện cho con người có những tập-quán tốt như bác-học, thẩm-vấn, thận-tư, minh-biện, đốc-hành (70), một khi cái minh-đức đã tỏa sáng thì trật-tự gia-đình sẽ chỉnh-tề, những hành-động thân-dân sẽ làm cho nền chính-trị quốc-gia được ổn cố. Bởi vậy, cổ động tinh-thần sùng chính-học, (điều 7), vua Thánh-tổ đã xác-định : “ Sở dĩ học là học làm người, cho nên không thể có một người vô-học trong thiên-hạ, cũng như không thể sống một ngày mà không học… Trẫm mong triệu thứ các ngươi tôn-sùng chính-học, giảng-minh nhân-luân, đạo Nghiêu Thuấn chỉ là hiếu-đễ mà thôi, giáo-dục Khổng-Mạnh chủ-trương nhân-nghĩa trước hết “.(Sđd, VII, 1,2). Từ những điều-kiện chủ-quan, các giáo-dục-gia nhà Nguyễn đã chuyển sang những điều-kiện khách-quan. Giáo-dục là thi-hành nhân-nghĩa. Nhân là yêu người như yêu mình, muốn cho mình vững-vàng thì cũng muốn cho người khác được vững-vàng, muốn cho mình thành-đạt thì cũng muốn cho người khác được thành-đạt (71), được tốt-lành, đẹp-đẽ (72), nghĩa là được công-nhận là người như mình tự nhận mình để phát-triển con người (73). Nghĩa là tương-quan phải có giữa người và người để cho cả hai có đủ điều-kiện phát-triển lòng nhân, nghĩa như vậy xuất-hiện như đức công-bình, coi mọi người là huynh-đệ bình-đẳng, cùng có những uy-quyền và nhiệm-vụ như nhau. Như thế, cùng với chương-trình phổ-biến nhân-nghĩa, giáo-dục là một khí-cụ truyền-bá tinh-thần dân-bản (74), lòng bác-ái, tinh-thần bình-đẳng, những đức-tính căn-bản của mọi công-dân trong cộng-đồng xã-hội. Cũng vì lợi-ích của cộng-đồng xã-hội ấy, giáo-dục phải đi đôi với chính-trị, bởi vì trong đạo người, chính-trị là trọng-đại (75), cũng như giáo-dục, chính-trị làm cho mọi sự trở thành chính-đính (76), mọi người trở thành chính-thuận (77), sự danh chính ngôn thuận sẽ làm cho mọi người hoạt-động hữu-hiệu trong ngôi-vị và hoàn-cảnh của mình. Nền giáo dục có chủ-đích chính-trị này huấn-luyện kẻ sĩ thành những con người tham-gia vào đại-cuộc, quan-niệm thái-độ tôn-quân của dân-chúng cũng như thái-độ thân-dân của quân-quyền là lẽ tất-nhiên, vì tất cả đều hướng về đạo để làm sáng đạo (78). Vua thánh-tổ năm 1834 đã minh-định điều này : “ Trẫm nối tiếp hồng-đồ, noi theo phép lớn, vẫn suy-tư về ý-nghĩa của câu “ làm cho dân giàu rồi sau mới giáo-hóa ” nên đã từ lâu vỗ-về kẻ suy-bại, yên-ủi người bệnh-tật, ra ơn, tha thuế, lúc nào cũng canh-cánh một niềm yêu-mến giúp-đỡ người dân ; tuy chưa có thể làm cho tất cả dân ta trở thành giàu có, con cháu đông-đúc, nhưng mà nuôi-dưỡng yên-vui thong-thả, trải đến nay đã mười lăm năm, giáo-huấn để cho tập-tục chính-đáng thật chỉ có thời này mà thôi” (Thánh-dụ huấn-địch thập-điều, A, 5, 6).

    Nói tóm lại, chính-sách giáo-dục của nhà Nguyễn, bắt đầu từ triết-lý nho-giáo, căn-cứ trên tâm lý-quan của nho-gia, chú-trọng tới công-cuộc phát-triển những đức-tính tinh-thần và thể-chất của cá-nhân, chuẩn-bị cho cá-nhân ấy hoạt-động cùng với những cá-nhân khác trong một xã-hội nhất-định, nhằm tới cứu-cánh phát-triển con người toàn-diện, con người thành (79). Chính-sách giáo-dục ấy phân-biệt giáo-dục và kiến-thức, nhận-định, nhận-định giáo-dục có tính-cách thường xuyên (80), cộng-đồng (81), phổ-thông (82), phụng-sự (83), thực-tiễn (84), và như vậy, nếu giáo-dục là nhiệm-vụ của nhân-dân thì nhà lãnh-đạo phải ban-hành một chính-sách giáo-dục phù hợp với thực-trạng quốc-gia, phải thực-thi chính sách ấy trong một cơ-cấu tổ-chức hợp-lý. Đến đây, ta có thể xem nền giáo-dục của nhà Nguyễn đã được tổ-chức như thế nào và có thực-hiện được những mục-tiêu trình-bày ở trên không.

    b.- Tổ-chức giáo-dục.

    Công cuộc đại-định vừa được hoàn-thành, vua Thế-tổ đã chú-trọng đến việc tổ-chức giáo-dục, và việc đầu tiên đã được khởi-sự là kiến-tạo trường-sở. Hai trường-sở tiêu-biểu cho giáo-dục nhà Nguyễn là Văn-miếu và Quốc-tử-giám.

    Văn-miếu của nhà Nguyễn đã được xây từ thế-kỷ XVII, tại làng Triều-sơn, huyện Hương-trà, bên tả-ngạn sông Hương, về phía bắc kinh-thành Huế. Văn-miếu được trung tu năm 1691, đến năm 1765 được dời về Lương-quán, phía hữu-ngạn sông Hương, năm 1769 lại được dời về Long-hồ, phía tả-ngạn sông Hương. Năm 1808, nhận thấy Văn-miếu tại làng Lông-hồ quá chật hẹp, vua Thế-tổ đã cho xây một Văn-miếu khác đồ-sộ và nguy-nga hơn tại làng An-ninh. Qua những biển-ngạch : Trác việt thiên cổ, đạo tại lưỡng gian (85), với những điện Hữu-văn, Dị-lễ (86), cửa Kim-thanh, Ngọc-chấn (87), người ta có thể đọc được tinh-thần sùng-nho của triều-đại, lòng ngưỡng-mộ của nhà Nguyễn đối với nho-sĩ, ý-chí của các nhà lãnh-đạo muốn hoằng-dương nho-học mà 14 tấm bia tiến-sĩ bên này và 16 tấm bia tiến-sĩ bên kia con đường phía trong cửa Đạo-thành là những chứng-tích cụ-thể. Từ 1809, cứ ba năm một lần, vào những năm Sửu, Mùi, Thìn, Tuất, nhà vua đến chủ-tế tại Văn-miếu để biểu-lộ lòng sùng-kính đối với đức Vạn-thế sư-biểu và lòng tôn-trọng của triều-đại đối với học-thuyết của Ngài. Năm 1822, năm Nhâm-ngọ, vua Thánh-tổ đã tỏ ra nhiệt-thành đối với việc cúng-tế đức Khổng đến nỗi dù chưa đến năm Mùi, nhà vua cũng đã ban-hành một sắc-lệnh riêng để có thể đến Văn-miếu vào một năm không hiến-định (88); năm Canh-tý (1840) cũng thế ( 89).

    Quốc-tử-giám được thiết lập với danh-hiệu Quốc-học năm 1803 tại xã An-ninh và có qui-mô hoàn-bị từ năm 1820, dưới thời vua Thánh-tổ. Nhiệm-vụ của trường giám là đào-thục nhân-tài, để giúp nền văn-trị (90), cho nền tổ-chức của nhà trường đã được đặc-biệt chú-trọng. Trường sở gồm có một đại giảng-đường là Di-luân đường, phía sau là các giảng-đường tức là các lớp học, hai bên có các phòng-ốc dùng làm nội-trú cho giám-sinh. Ban giám-đốc vào đời vua Thế-tổ chỉ gồm có một Đốc-học (91) và một phó Đốc-học (92) ; đến năm 1821, các chức-vụ này bị thay-thế bằng một ban Giám-đốc và ban giảng-huấn khác hẳn gồm một Tế-tửu (93), hai Tư-nghiệp (94), lựa chọn trong những nhà khoa- mục hay những nhân-sĩ nổi tiếng để phụ-trách các lớp chính-thức, hai Học-chính (95) phụ-trách giảng-dạy các giám-sinh hoàng-tộc. Điều kiện nhập học rất rộng-rãi; học-sinh chỉ cần có một trong ba điều-kiện sau đây:

    - Trúng-tuyển trong một cuộc sát-hạch cấp phủ, tổ-chức ba năm một lần, chọn mỗi phủ một người trong số tú tài (96) hoặc sinh-đồ (97) trên 40 tuổi, gọi là Cống-sinh.

    - Đã đậu cử-nhân và đang chuẩn-bị thi Hội.

    - Là thiếu-niên ưu-tú trong hoàng-tộc (được nhận với tư-cách tôn học-sinh) hay là con cháu các quan được nhận với tư cách ấm-sinh).

    Hệ-thống tổ-chức Quốc-tử-giám còn tỏ ra rất ưu-đãi các thanh-niên miền thượng-du như Tuyên-quang, Cao-bằng, Lạng-sơn, Thái-nguyên, Hưng-hóa; không cần biết hạng tuổi và học-lực, chỉ cần được nhà chức-trách địa-phương chứng-nhận là xuất-sắc và giới-thiệu với Quốc-tử-giám là người học-trò Thượng-du được nhập học với danh-hiệu học-sinh, sau 3 năm dự-bị, sẽ được sát hạch và nếu trúng tuyển sẽ được sắp xếp vào hạng Cống sinh. Như vậy, giám-sinh có thể chia làm hai thành-phần, thành-phần chính thức gồm các giám-sinh có văn-bằng cử-nhân và các cống sinh, thành-phần dự bị gồm các tôn học-sinh, ấm-sinh (98) và học-sinh.

    Quyền-lợi của giám-sinh rất đáng chú-ý. Họ có quyền nội-trú, được miễn thuế đinh, được cấp áo-mão (99), hàng tháng được hưởng nguyệt-bổng và hiện-vật theo tỉ-lệ như sau:

    (Bảng liệt kê)

    Như vậy, tính nguyệt-bổng trung-bình, và căn-cứ vào cách lĩnh lương hàng tháng, giám-sinh có quyền-lợi như một quan-viên cửu-phẩm, bát-phẩm và có khi thất-phẩm. Riêng đối với các giám-sinh có cử nhân và các cống-sinh nếu thực-sự chuyên-cần và học-lực xuất-sắc, họ có thể đạt tới một niên-bổng quan-trọng là 48 quan tiền, 36 vuông gạo, 60 cân dầu, bằng niên-bổng của một quan-viên chánh ngũ-phẩm chỉ được lãnh 40 quan tiền, 35 vuông gạo, 9 quan tiền xuân-phục, nghĩa là ngang hàng với một quan đốc-học, hơn hẳn quan học-chánh ( tòng lục-phẩm), giáo-thụ (chánh thất-phẩm) huấn đạo (chánh bát-phẩm). Nhận xét này rất quan-trọng để thẩm-định sự lưu-tâm đặc-biệt của nhà Nguyễn về công-cuộc đào-thục nhân-tài và trọng-đãi trí-thức (99).

    Tại các trấn, vua Gia-long đã cho thiết-lập các trường học do một đốc-học (100) điều-khiển; các phủ các huyện cũng đều có trường tường trường tự do các chức giáo-thụ (101) và huấn-đạo (102) phụ-trách về hành-chánh và chuyên-môn. Nhiệm-vụ của các giáo-chức này rất quan-trọng, nào là phải sát-hạch học-trò, thân-quyến của họ, thiết-lập danh-sách những người đỗ hạch để nộp lên quan-trường, mỗi năm có kỳ thi, nào là phải chứng-nhận hạnh-kiểm và học-lực của học-sinh để học có thể nhập-học Quốc-tử-giám. Chính-sách phổ-biến giáo-dục này bắt nguồn từ sáng-kiến Hồ-quý-ly năm 1397, được vua Lê Thái-tổ tiếp tục năm 1428 và tỏ ra hữu-hiệu vào đời vua Thế-tổ nhà Nguyễn, nhất là khi nhà vua biết sử-dụng khả-năng của các nhà khoa-mục triều Lê trong công-cuộc-giáo-dục. Vua Minh-mệnh đã ân-cần nhắc-nhủ các nhà lãnh-đạo hành-chánh và giáo-dục địa-phương: “Kinh-doãn cùng các Đốc, Phủ, Bố, Án, các ngươi nên thể theo ý Trẫm, đem sao-chép, tống-đạt ấn-bản, phổ-biến rộng-rãi đến tổng, lý, xã, thông trong địa hạt, đồng thời chuyển-sức đến học-sinh các phủ, huyện thuộc hạt cùng các cai-tổng, lý-trưởng, mọi người theo lệnh của bộ, lục-tống các bản nghi-chú, sức truyền sâu rộng những giáo-điều này cho sĩ-thứ, quân-nhân, đến kỳ đã định, tuyên-đọc giảng-giải rõ-ràng, cốt làm sao chuyển đến từng nhà cho mọi người đều đọc, chỉ-dẫn lẫn cho nhau để cùng nên tốt, ngày thấm tháng nhuần để cùng nhau trở về đường lành” (Thánh-dụ huấn-dịch thập-điều), A, 12) Tổ-chức giáo-dục rõ-ràng đã thực-hiện tính-cách phổ-thông và cộng-đồng chính-sách giáo-dục triều đại và còn được thể-hiện trong hệ-thống giáo-dục tự-do có nhiều điều rất đáng chú-ý. Cấp bậc thấp nhất, bao gồm một thành-phần học-sinh đông-đảo nhất là cấp thục, tương-đương với cấp bậc tiểu-học ngày nay, hoàn toàn tùy-thuộc sáng-kiến tư-nhân, không liên-quan đến chính-quyền cả về phương-diện chuyên-môn, tổ chức, lương-bổng, kiểm-soát. Việc học được quan niệm một cách tuyệt đối tự-do, triệt-để có tính-cách tư-thục, hạnh-kiểm và kiến thức của học-sinh hoàn-toàn do các thầy đồ thầy khóa chủ trương chịu trách-nhiệm với các phụ-huynh học-sinh là dân làng, những người trả lương cho các thầy bằng tiền mặt hay bằng hiện-vật. Chương-trình học đầu tiên là gồm các phần thực-hành về cử chỉ, ngôn-ngữ mà các trẻ em không thể không biết, sau đấy mới đến phần tập viết, tập đọc. Sách giáo-khoa thường là Tam-tự kinh (mỗi câu 3 chữ), Minh-đạo gia-huấn và Sơ-học vấn-tân (mỗi câu 4 chữ), Trạng-nguyên thi (mỗi câu 5 chữ). Nếu các thầy đồ thầy khóa thực sự chú-trọng tới giáo-dục nhi đồng, việc thi-hành những nguyên-tắc sư-phạm trình-bày trong sách Lễ-ký, chương Khúc lễ nói về cách đi đứng, thưa trình của trẻ con, chương Thiếu-nghi (103) nói về những bổn phận thông-thường của học-sinh, v.v… đã đủ rèn-luyện cho trẻ em những thói quen tốt về cư-xử, giao-tế, học-hành, cách giữ vệ-sinh thường-thức. Trong những điều-kiện bình-thường, nền giáo-dục tư-thục này rất thành-công vì nhà trường thường được thiết-lập ở nơi trung-tâm trong làng, hoặc được chính dân làng chọn chỗ xây cất nên không ai là không dễ-dàng tiếp-xúc với thầy đồ (104); thầy đồ có thể là một người không giỏi, nhưng có uy-tín đạo-đức, và thường dạy học-sinh bằng gương-mẫu hơn là lý-thuyết. Nhận thấy tính cách quan trọng của nền giáo-dục cấp thục này, vua Thánh-tổ đã nhiều lần nhắc-nhở bổn-phận giáo huấn tử-đệ của các bậc phu-huynh, sư-trưởng. Ngài cũng đã không quên nhấn mạnh về tác-dụng sư-phạm của chương Thiếu-nghi trong sách Lễ-ký mà bất cứ ai chuyền về giáo-dục Đông-phương cũng nhận thấy chưa đựng những bài học quí-giá cho nhi-đồng. Đức vua nói: “Con nhỏ, cháu dại, tất cả những gì của Thánh-nhân đều phải dạy, chương Thiếu-nghi, chức đệ-tử, chỗ đến của người quân-tử là phải nghiêm-trang” (Huấn-địch thập-điều, B VI, 4). Sau khi học xong cấp thục, vào khoảng lên 10 tuổi, người học-sinh bước lên trường tường và trường tự là trường huyện, trường phủ, tương-đương với trung-học ngày nay. Đến đây, học-đường vẫn có thể duy-trì tính-cách tư-thục, nhưng chính-quyền nhà Nguyễn đã bắt đầu can-thiệp vào tổ-chức giáo-dục và bổ-nhiệm 3 cấp giáo-chức để điều-hành công-tác này là huấn-đạo ở cấp huyện, giáo-thụ ở cấp phủ và đốc-học ở cấp trấn hay tỉnh. Cả 3 cấp giáo-chức này tuy có sai-biệt về vị-trí-hành-chánh và bằng-cấp nhưng đều có một nhiệm-vụ chung là chuẩn-bị cho học-sinh thi Hương. Chương-trình học-tập cũng giống nhau và gồm có phần giảng sách (105), phần tập văn (106) và phần bình văn (107). Các sách giáo-khoa thường là Tứ-thư, Ngũ kinh và một số Ngoại-thư (108). Trước khi dự thi, học-sinh đã được chuẩn-bị chu-đáo; các quan Huấn, Giáo, Đốc thường phối-hợp với nhau để tổ-chức các kỳ hi thử mỗi năm gọi la khảo-khóa, người đỗ nếu không đi thi lên nữa thì được gọi là khóa-sinh và có thể về làng mở trường dạy học; cứ 3 năm có một kỳ khảo-hạch, người nào đỗ mới có quyền đi thi Hương được tổ-chức tại 8 địa-điểm trong toàn-quốc là các trường Thừa-thiên, Gia-định, An-giang, Bình-định, Nghệ-an, Thanh-hóa, Nam-định, Hà-nội. Khóa thi Hương đầu tiên do nhà Nguyễn tổ-chức là khoa năm 1807; trước thi cứ 6 năm một khóa, vào những năm tí, ngọ, mão, dậu. Đây là thành-quả thi Hương triều Nguyễn theo Quốc-triều hương-khoa lục của Cao Xuân Dục xuất bản năm 1893.

    (Bảng liệt kê)

    Khoa thi Hội đầu tiên của nhà Nguyễn chỉ được mở vào năm 1822. Các tiến-sĩ cũng được chia ra tam-giáp như đời Lê là đệ nhất-giáp tiến-sĩ cập-đệ, đệ nhị-giáp tiến-sĩ xuất-thân, đệ tam-giáp đồng tiến-sĩ xuất-thân. Lễ xướng-danh, vinh-qui, khắc bia vẫn được duy-trì; từ năm 1826, hạn ba năm một khóa thi Hội đời Lê được áp dụng vào những năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi. Năm 1829, ngoài danh-sách tiến-sĩ trong tam-giáp được mang chung một danh-xưng mới là chánh-bảng, khoa-vị phó-bảng được thiết lập để đãi-ngộ những nhân-tài thiếu may-mắn. Phân số được qui-định như sau:

    (Bảng liệt kê)

    Được ghi vào chánh-bảng những vị thông-suốt 3 kỳ và có tất cả 10 phân trở lên; được ghi vào phó-bảng hay được gọi là phó-bàng những vị thông 3 kỳ, được 9 phân trở xuống đến 4 phân, hoặc chỉ thông 2 nhưng lại được 10 phân trở lên. Các sách giáo-khoa dùng để soạn thi Hương; các môn thi vẫn là kinh-nghĩa (109), thi phú, chiếu chế biểu, văn-sách, chỉ thêm bớt hoặc đảo vị-thứ tùy theo ý-định của nhà vua như năm 1832, để giản-dị-hóa việc thi-cử, vua Minh-mệnh bỏ môn chiếu, chế, biểu; thi Hương hay thi Hội chỉ còn được diễn ra trong 3 kỳ:

    Kỳ đệ nhất : kinh-nghĩa

    Kỳ đệ nhị : thi-phú

    Kỳ đệ tam: văn-sách


    Năm 1850, vua Tự-đức tái-lập lại chế-độ 4 kỳ:

    Kỳ đệ nhất: kinh-nghĩa

    Kỳ đệ nhị: văn-sách

    Kỳ đệ tam: chiếu, biểu, luận ( 5)

    Kỳ đệ tứ: thi-phú


    Thi Đinh: đối-sách.


    Năm 1858, vua Tự-đức lại trở về chế-độ 3 kỳ:

    Kỳ đệ nhất: kinh-nghĩa

    Kỳ đệ nhị: chiếu, biểu, luận

    Kỳ đệ tam: văn-sách


    Sau đây là tổng số các khoa-thi và các tiến-sĩ triều Nguyễn theo Quốc-triều khoa-bảng lục của Cao-Xuân-Dục xuất-bản năm 1894:

    (Bảng liệt kê)

    c. – Những đề-án cải-cách giáo-dục.

    Trong suốt đời vua Thế-tổ, giáo-dục nhà Nguyễn hoàn-toàn được quan-niệm và tổ-chức như trong thời nhà Lê. Đó là thời-kỳ chuyển-tiếp và xây-dựng. Vua Thánh-tổ vừa lên ngôi đã bắt tay lập-tức vào công-cuộc đào-thục nhân-tài. Năm 1821, danh-xưng Quốc-tử giám thay-thế danh hiệu Quốc-học; điều-kiện nhập-học rất uyển-chuyển để dung-nạp tất cả mọi thành-phần ưu-tú; ban giảng-huấn được cải-danh và tăng-cường để đáp-ứng những nhu-cầu mới; các nhân-vật lỗi-lạc dù xuất-thân khoa-bảng hay không, đều được triệu-thỉnh gia-nhập ban giảng-huấn; Phan-Huy-Chú (1782-1840) tác-giả Lịch-triều hiến-chương loại chí, đã được mời làm Biên-tu Quốc-tử giám năm 1821dù chỉ có mảnh bằng tú-tài; Phạm-Đình-Hổ (1768-1839), chuyên nghiên-cứu về cổ-sử, cổ-ngữ, tác-giả 16 tác-phẩm lớn nhưng lại là một người hoàn-toàn vô-bằng-cấp, đã được vua Minh-mệnh thỉnh cầu làm Tế-tửu Quốc-tử giám năm 1826. Tinh-thần sùng-văn thượng-hiền của nhà vua, số tiền học-bổng quan-trọng ở Quốc-tử giám, lòng ưu-ái đối với nhà văn-học như Trương-Đăng-Quế, Nguyễn-Công-Tiệp đã chứng tỏ ý-chí cải-cách giáo-dục của vua Thánh-tổ, một nhà lãnh-đạo biết chân-nhận cái giá trị quí-báu của nhân-tài. Thông-minh, thực-tế và ưa hoạt-động, nhà Vua đã thấy rõ những khuyết-điểm trầm-trọng của lối học cử-nghiệp đương-thời mà kết quả chỉ là tạo ra một số khoa-bảng có bằng cao nhưng óc rỗng. Ngài thường nói: “Lâu nay, khoa-cử làm cho người ta sai-lầm. Trẫm nghĩ văn-chương vốn không có qui-củ nhất-định mà nãy những văn cử-nghiệp chỉ câu nệ hủ-sáo, khoe-khoang lẫn với nhau, biệt-lập mỗi nhà một lối, nhân-phẩm cao hay thấp do tự đó, khoa-trường lấy hay tỏ cũng do tự đó. Học như thế thì trách nào mà nhân-tài chẳng mỗi ngày một kém đi” (110). Do đấy, Ngài giản-dị-hóa hệ-thống thi-cử, bãi-bỏ môn chiếu chế biểu là một môn học thuần-túy cử-nghiệp, không lấy đỗ Trạng-nguyên, ít cho đỗ đệ-nhất-giáp Tiến-sĩ cập-đệ nhưng lại thiết lập khoa-vị phó-bảng, vừa tạo điều-kiện cho nhiều người có cơ-hội trúng-cách đại-khoa, vừa có dịp dành riêng khoa-vị tiến-sĩ cập-đệ cho những thí-sinh thực-sự xuất-sắc. Ngài hạ chiếu tưởng-thưởng cho những nhà trước-tác có tinh thần thực-tế như Trịnh-Hoài-Đức, Hoàng-Công-Tài, Cung-văn-Hi, Nguyễn-đình-Chính, Vũ-Văn-Bưu, đề-cao tinh-thần vụ bản-nghiệp, khích-lệ những công-trình dinh-điền như của Nguyễn-Công-Trứ v.v… Bản dụ Huấn-dịch thập điều ban-hành năm 1834 là bản tuyên-ngôn của chính-sách giáo-dục nhà Nguyễn, một chính-sách xuất-phát từ triết-lý nho-giáo và không khỏi tham-bác những kinh-nghiệm giáo-dục của nhà Lê, nhưng đã căn-cứ trên thực-tại Việt-Nam và nhằm giải-quyết những vấn-đề xã-hội, kinh-tế, văn-hóa của thời-đại. Những bản điều-trần của Nguyễn-Trường-Tộ từ năm 1836, những đề nghị cải-cách của Đinh-Văn-Điền năm 1868, của Nguyễn-Hiệp năm 1879, của Lê-Đĩnh và Phan-Liêm năm 1881, xét về phương-diện giáo-dục, đã khẳng-định và cường-điệu chính-sách giáo-dục của vua Thánh-tổ ban-hành năm 1834 trong một văn-mạch khác. Việc vua Dực-tông phiên-dịch và ấn-hành bản dụ Huấn-dịch thập điều năm 1870 là một cách phúc-đáp sáu bản điều-trần của Nguyễn-Trường-Tộ đệ-trình vào những năm 1863, 1866 (tháng 6, tháng 7 và 25-7), 1867, 1868. Nguyễn-Trường-Tộ còn tiếp-tục đệ-trình 8 bản điều-trần nữa vào năm 1871. Vua Dực-tông đã nhiều lần tỏ ra tán-thành những ý-kiến rất mới-mẻ của Nguyễn-Trường-Tộ và đã thực-sự mời nhà cải-cách này tham-gia vào hoạt-động của triều-đình để thực-hiện kế-hoạch của ông. Tuy nhiên, điều mà triều-thần vẫn quan niệm không giải-quyết được là sự giao-tiếp càng ngày càng khó-khăn giữa người Việt và người Pháp, sự bất-đồng quan-điểm về tôn-giáo và nhất là, đúng như vua Thánh-tổ đã thấy trước, sự xung-đột càng ngày càng khốc-liệt giữa hai nền văn-minh tương-phản nhau, nền văn-minh Âu-châu thiên-trọng kỹ-thuật và nền văn-minh Á-đông đề-cao đạo-đức. Sự phân-hóa và băng-hoại của nền giáo-dục Pháp ngày nay cho thấy rằng các vua và triều thần nhà Nguyễn đã không hoàn-toàn vô-lý khi từ-khước những đề-nghị cải-cách của Nguyễn-Trường-Tộ. Cái khó không phải là ở quan-niệm cải-cách mà ở kế-hoạch thực-hiện những cải cách ấy sao cho phù-hợp với thực-tế Việt-nam và không làm tiêu-diệt những giá-trị cổ-truyền của dân-tộc.
     
    tducchau thích bài này.
  5. hhongxuan

    hhongxuan Lớp 7

    PHẦN CHÚ GIẢI

    65) Quan-niệm của Đông-Phương về vũ-trụ và nhân-sinh là một quan-niệm động, bắt nguồn từ kinh Dịch. Thành là trở thành. Nhà Nho thường thích định-nghĩa theo lối đồng âm dị nghĩa : nhân giả nhân dã, chính giả chính dã : từ “…” đến “…”, từ “…” đến “…” là cả một sự trở thành. Chính vì thế mà người Á đông đã chú-trọng đến lịch-sử rất sớm. Người Việt-Nam hướng đến sự trở thành một cách triệt-để đến nỗi không cân biết cái gì có trước nữa, có lẽ đó là ý-nghĩa đích-thực của danh-xưng Việt, nghĩa là vượt, lúc nào cũng phủ-nhận giới-hạn.

    66)Tham-gia hay nhập-cuộc có ý-nghĩa rông hơn dấn-thân.

    67) Thiếu thành nhược thiên-tính, tập-quán như tự-nhiên (Đại đái lễ) : lúc nhỏ, trở nên như tính-trời, tập quen như tự-nhiên.

    68) Lễ ký, lễ-vận IX.

    69) Luận-ngữ, Dương-hóa XVII : Hiếu nhân bất hiếu học, kỳ tế dã ngu ; hiếu trí bất hiếu học, kỳ tế dã đãng ; hiếu tín bất hiếu học, kỳ tế dã tặc ; hiếu trực bất hiếu học, kỳ tế dã giảo, hiếu dũng bất hiếu học, kỳ tế dã loạn, hiếu cương bất hiếu học, kỳ tế dã cuồng, nghĩa là : muốn nhân mà không hiếu học thì bị che lấp mà thành ngu ; muốn trí mà không hiếu học thì bị che lấp mà thành phóng-đãng ; muốn tín mà không hiếu học thì bị che lấp mà gặp hại ; muốn trực mà không hiếu học thì bị che lấp mà thành sỗ-sàng ; muốn dũng mà không hiếu học thì bị che lấp mà thành loạn ; muốn cương mà không hiếu học thì bị che lấp mà thành cuồng.

    70) Trung-dung, XX, 19.

    71) Phù nhân-giả, kỷ dục lâp nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân (Luận ngữ, Ung-dã, VI) : phàm đã làm người nhân, cái gì mình muốn lập cho mình thì lập cho người, cái gì mình muốn đạt thì làm cho người đạt đến.

    72) Quân-tử thành nhân chi mỹ (Luận-ngữ Nhan-uyên, XII) : quân-tử làm nên cái đẹp cho người. Câu này giống câu la-tinh : Amare bonum velle, yêu là muốn cho người mình yêu được tốt-lành.

    73) Quân-tử thể nhân túc dĩ trưởng nhân (Dịch, Văn-uyên truyện) : người quân-tử thể-hiện lòng nhân đủ để cho người được tăng-trưởng.

    74)Tinh-thần dân-bản này cũng không khác gì tinh-thần dân-chủ ngày nay.

    75) Nhân-đạo, chính vi đại (Lễ-ký, Ai-công vấn XXVII)

    76) Chính giả chính dã (Luận-ngữ, Nhan-uyên XII, 16)

    77) Tất dã chính danh hồ… Danh bất chính tắc ngôn bất thuận, ngôn bất thuận tắc sự bất thành (Luận-ngữ, Tử-lộ, XIII)

    78) Quân-tử học dĩ trí kỳ đạo (Luận-ngữ, Tử-trương XIV)

    79) Thành nhân chi hạnh, đạt hồ tình tính chi lý, thông hồ vật-loại chi biến, tri u-minh chi cố, đổ du-khí chi nguyên, nhược thử khả-tắc vị thành-nhân. Ký tri thiên-đạo, hành thân dĩ nhân-nghĩa, sức thân dĩ lễ-nhạc. Phù nhân-nghĩa, lễ-nhạc, thành-nhân chi hạnh dã, cùng thần, tri hóa, đức chi thịnh dã. (Khổng-tử tập-ngữ, Sở phạt Trần, XVIII) Đức-hạnh nửa người thành là đạt cái lý của tính-tình, thông cái biến của vật-loại, biết cái cớ của sự u-minh, rõ cái nguồn du-khí, như thế có thể gọi là người thành. Đã biết thiên-đạo, lại đem mình làm những điều nhân-nghĩa, trang-sức mình bằng lễ-nhạc, nhân-nghĩa, lễ-nhạc là đức-hạnh của bậc thành-nhân, hiểu cùng hết lẽ thần-thánh biến-hóa, đó là cái thịnh của đức vậy.

    80) Thường-xuyên : nghĩa là quan-niệm giáo-dục liên-tục. Đây là một quan-niệm động về giáo-dục, khác hẳn chủ-trương cho giáo-dục chỉ là học-hành thi-cử. Đừng lầm tưởng giáo-dục Việt-nam cổ chỉ là thi-cử.

    81) Cộng-đồng : giáo-dục là một sinh-hoạt tập-thể. Người đã phát-biểu quan-niệm này một cách cụ-thể nhất là Nguyễn-Công-Trứ khi ông đòi hỏi vua Minh-mệnh phải qui-tụ dân-chúng vào một ấp, một làng để họ hoạt-động chung với nhau, tự giáo-dục lẫn nhau bằng sinh-hoạt tập-thể. Vấn-đề cộng-đồng-hóa các trường tiểu-học ngày nay vẫn được coi là sáng-kiến của UNESCO, đó là một lầm-lẫn về thời-gian.

    82) Phổ-thông : giáo-dục Á-đông nhắm vào quần-chúng, vì giáo-dục trong căn-bản là giáo-hóa.

    83) Phụng-sự : giáo-dục cổ bao giờ cũng hướng về xã-hội để phục-vụ xã-hội, giáo-dục không đối-tượng phụng-sự là không-tưởng.

    84) Thực-tiễn : vì giáo-dục nhằm vào sinh-hoạt hằng ngày, đến việc đắc-thụ những cái không thể không biết, như sái tảo ứng đối, tiến thoái : quét tước, ăn nói, tới lui.

    85)Trác việt thiên-cổ : sự vĩ-đại của đức Khổng vượt hẳn muôn đời. Đạo tại lưỡng-gian : đạo của Ngài vẫn tồn-tại mãi-mãi trong không-gian và thời-gian.

    86) Hữu văn : tôn-sùng văn-chương ; Dị-lễ : gắng sức luôn luôn để theo lễ.

    87) Kim-thanh : danh-tiếng vang-dội như tiếng vàng. Ngọc-chấn : lòng nhân-ái trong sáng như ngọc.

    88) Hội-điển, Q. 90, trang 8.

    89) Hội-điển, Q. 208, trang 26

    90) Đào-thục nhân-tài, dĩ-tì văn-trị (Đại-nam hội-điển, Q. 261, trang 1a. Danh-xưng Quốc-tử giám chính-thức có từ năm 1821. Các phòng học được xây năm 1826, gồm tất cả 38 gian.

    91) Chánh tứ-phẩm

    92)Tỏng tứ-phẩm

    93) Tế-tửu, chánh tứ-phẩm, lương-bổng đồng-niên gồm có: 80 quan tiền, 50 vuông gạo, 10 quan tiền xuân-phục.

    94) Tư-nghiệp, tòng tứ-phẩm, lương-bổng đồng-niên gồm có: 60 quan tiền, 50 vuông gạo, 10 quan tiền xuân-phục

    95) Học-chánh, tòng lục-phẩm, lương-bổng đồng-niên gồm có: 25 quan tiền, 22 vuông gạo, 6 quan tiền xuân-phục

    96) Danh-vị tú tài chỉ có từ năm 1828. Năm 1396, xuất-hiện danh-vị cử-nhân để gọi những người trúng-cách thi Hương. Năm 1462, vua Lê-Thánh-Tông bỏ danh-vị cử-nhân và chia những người thi Hương ra 2 cấp là hương-cống (tức cử-nhân trước) và sinh-đồ (tức tú-tài về sau này). Năm 1828 vua Minh-mệnh đổi lại hương-cống là cử nhân (như năm 1396) và gọi sinh-đồ là tú tài.

    97) Sinh đồ: những người đỗ hương-thí cấp 2 đời Lê, vì vậy, phải trên 40 tuổi. Đây là điều-kiện chuyển-tiếp.

    98) Các ấm-sinh ở Giám vẫn có thể soạn thi Hương như trường hợp Trần-Đình-Túc người huyện Địa-linh, tỉnh Quảng-trị.

    99) Đời vua Lê-Thánh-Tông, giám-sinh được chia ra ba hạng, có nội-trú và nguyệt-bổng khác nhau : thượng xá-sinh 1 quan, trung xá-sinh 9 tiền, hạ xá-sinh 8 tiền (CM, Q.23 trg 39b-40a) trong khi niên-bổng của các quan là:

    - Chánh nhất phẩm: 80 quan – Tòng nhất phẩm 74 quan

    - Chánh ngũ-phẩm: 40 quan – Tòng ngũ-phẩm 36 quan

    - Chánh lục-phẩm: 33 quan – Tòng lục-phẩm 30 quan

    - Chánh thất-phẩm: 27 quan – Tòng thất-phẩm 24 quan

    - Chánh bát-phẩm: 21 quan – Tòng bát-phẩm 18 quan

    - Chánh cửu-phẩm: 16 quan – Tòng cửu-phẩm 14 quan

    Tiền công thợ mỗi ngày 30 đồng nghĩa là tính tròn 18 quan một năm

    Về đời Nguyễn, tiền công thợ tối-đa là 1 tiền mỗi ngày, thường là 30 đồng, tối-thiểu là 18 đồng, trong khi niên-bổng của chánh nhất-phẩm là 400 quan, tứ-phẩm 80 quan, ngũ-phẩm 40 quan.

    100) Đốc-học, chánh ngũ-phẩm, lương đồng-niên : tiền 40 quan, gạo 35 vuông, tiền xuân-phục 9 quan. Đốc-học có văn-bằng tiến-sĩ như Vũ-Tông-Phan, có cử-nhân như Ngô-Phùng.

    101) Giáo thụ, chánh thất-phẩm, lương-bổng đồng-niên: tiền 25 quan, gạo 20 vuông, tiền xuân-phục 5 quan. Giáo-thụ điển-hình: Cao-Bá-Quát.

    102) Huấn-đạo, chánh bát-phẩm, lương-bổng, đồng-niên : tiền 20 quan, gạo 18 vuông, tiền xuân-phục 4 quan. Nhữ-Bá-Sĩ đầu tiên làm huấn-đạo sau được thăng đốc-học Thanh-hóa.

    103)Trong lễ-ký, chương XVI.

    104) Thầy đồ, do chữ sinh-đồ (tú-tài)

    105) Định-kỳ hàng tháng tùy theo trường. Các trường lớn đều cho ấn-hành những bài giảng này như Trúc-đường khóa sách của trường Trúc-đường do Ngô-Thế-Vinh điều-khiển.

    106) Tập văn, các định-kỳ do nhà trường định. Có thể mang đề về nhà làm, có khi phải làm tại lớp học, gọi là văn nhật khắc.

    107) Cũng như trả bài luận bây giờ. Giáo-sư hoặc học-sinh được chỉ-định đọc lên những câu văn hay đề cho cả lớp nghe.

    108) Ngoại thư là sách văn-chương do Đường-thi, Thi-vận. Danh xưng ngoại-thư rất hùng-hồn để cải-chính tính-cách từ-chương mà người ta muốn gán cho lối học ngày xưa. Thực ra, chính Khổng-tử đã nói: Hành hữu dư lực, tắc dĩ học văn (Luận-ngữ, Học nhi 1), làm đã, thừa thì giờ mới học văn.

    109) Kinh-nghĩa hay kinh-nghi, Kinh-nghĩa là khoa giảng-văng, có từ khoa 1304, và từ năm 1396, trở thành môn thi đầu tiên của thi Hương và thi Hội. Bố-cục của một bài kinh-nghĩa gồm có 8 đoạn (bát cổ), so-sánh với môn giảng-văng ngày nay có thể chia làm như sau: 1) Giới-thiệu tổng-quát (phá-đề, thừa-đề) 2) Đại-ý: (khởi-giảng, khai-giảng) 3) Phân-tích (trung-cổ) 4) Phê-bình (hậu-cổ) 5) kết-thúc (kết-cổ).

    110) Xem Minh-mệnh chính-yếu, dẫn trong Việt-Nam sử-lược của Trần-Trọng-Kim, trang 435.
     
    Chỉnh sửa cuối: 12/10/15
    4DHN, cfcbk and tducchau like this.
  6. hhongxuan

    hhongxuan Lớp 7

    CHƯƠNG II

    NỘI-DUNG HUẤN-ĐỊCH THẬP-ĐIỀU

    A. – Phân-tích

    Huấn-địch thập điều, được dân-chúng gọi tắt là bản Thập điều, gồm tất cả 25 tờ, đúng ra là 49 trang, mỗi trang 8 dòng, mỗi dòng 20 cách, đúng như lệ-định của khoa thi Nhâm-ngọ (1822) là năm Hội-thi đầu tiên của Nguyễn-triều; 10 cách trên dành cho nguyên bản Hán-văn của vua Thánh-tổ viết năm 1834, 10 cách dưới dành cho dịch-bản chữ Nôm của vua Dực-tông ấn-hành năm 1870.

    Bố cục của nguyên-bản Hán-văn gồm có hai phần chính và 62 mục.

    Phần A từ trang 1a đến 5a nhan-đề là Thánh-dụ huấn-địch thập điều bắt đầu từ câu “Thánh-dụ” và chấm hết bằng công-thức cổ-động của các bản chiếu-dụ thời phong-kiến là câu khâm thử. Phần này gồm 13 mục giải-thích lý-do ban-hành mười điều huấn-địch và kêu gọi mọi công-dân thấu-triệt và học-tập các điều-khoản trong bản huấn-địch ấy. Bài Thánh-dụ này có thể chia ra làm 3 tiều-đoạn.

    Đoạn 1 (mục 1,2) công-bố nhiệm-vụ giáo-hóa của triều-đình.

    Đoạn 2 (mục 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11) giải-thích, mô-tả những thực-hiện của vua Thế-tổ về phương-diện giáo-dục, thiện-chí tiếp-tục của vua Thánh-tổ, những công-tác đã thi-hành, phân-tích lý luận thuận-nghịch và cuối cùng, trình bày cách-thức biên-soạn bản Thập-điều.

    Đoạn 3 (mục 12, 13) kêu gọi các quan-viên và dân-chúng cộng-tác với triều-đình trong công-cuộc phổ-biến và thực-hiện các điều huấn-dụ.

    Phần B bắt đầu từ trang 5b đến 22b nhan-đề là Huấn-địch thập điều, gồm 10 điều và 49 mục.

    Điều 1 nhan-đề là Đôn nhân-luân kéo dài từ trang 5b đến 7b và gồm 9 mục. Tác-giả định-nghĩa ngũ-luân (mục 1), hô-hào mọi người tôn-trọng việc đôn nhân-luân (mục 2). Mọi người ở đây là các quan-viên (mục 3) học-sinh (mục 4), giới lao-động (mục 5), giới quân-đội (mục 6), giới lại-viên (7). Phần kết-luận (8,9) giới-thiệu những lợi-ích do việc đôn nhân-luân tạo ra.

    Điều II gọi là Chính tâm-thuật, đi từ trang 7b đến 9a và gồm có 7 mục, trước hết nhận-định về tâm như là một động-cơ sinh-hoạt căn-bản (mục 1), giải-thích thiện-căn của tâm (mục 2), mong ước mọi người duy-trì, tồn-dưỡng thiện-căn ấy (mục 3). Nhà vua chú-trọng đến sự điều-hợp hai hạng người trong xã-hội: người giàu và người nghèo (mục 4); nếu học biết cảnh-tỉnh cảnh-giác (mục 6), thì nhất-định đã hiểu kỹ-thuật chính-tâm (mục 7).

    Điều III nhan-đề là Vụ bản-nghiệp bắt đầu từ trang 9a đến dòng thứ 6 của trang 10b, gồm 5 mục. Tác giả quan-niệm mỗi người đều bắt-buộc phải có một nghề để sống (mục 1), mà nói đến nghề là phải thành-công, muốn thành-công chỉ có một biện-pháp duy-nhất là chuyên-cần (mục 2). Sau khi sơ-lược trình-bày những nhiệm-vụ của học-sinh (mục 3), nhà vua đã dài dòng phân-tích công việc của nhà nông (mục 4) của giới thợ và nhà buôn (mục 5).

    Điêu IV nói về vấn-đề Thượng tiết-kiệm từ trang 10b đến 12a trong 4 mục lớn. Trước hết, phải lập kế-hoạch chi-tiêu để tránh những sự hoang-phí vô-ích, (mục 1), nhất là phải hạn-chế những chi-phí về cúng-tế, giảm-thiểu những số tiền phải bỏ ra vì nghiện-ngập (mục 2). Nhà vua kêu gọi sự khiêm-tốn, tiết-độ, đắc-thể, hợp-nghi (mục 3) cũng như kêu gọi những người nghiện-ngập phải cấp-tốc và triệt-để cải-chừa (mục 4).

    Điều V, Hậu phong-tục, từ trang 12a đến hết trang 13b, gồm 6 mục. Đầu tiên là nhận-định về vai trò của phong-tục trong sinh-hoạt xã-hội (mục 1), tác-dụng hòa-bình của những tập-quán tốt (mục 2), sự hòa-ái (mục 3), tinh-thần hợp-quần (mục 4), sụ tôn-trọng vị-trí và giới-hạn của mỗi cá-nhân (mục 5), đó là những đức-tính cần phải có để xây-dựng một xã-hội hòa-bình(mục 6).

    Điều VI, Huấn tử-đệ, từ trang 14a đến dòng 2 của trang 15b, gồm 4 mục. Tác-giả đề-cập đến quyền được giáo-dục của con em, nhiệm-vụ giáo-huấn của người lớn (mục 1), phân-tích những hoạt-động giáo-dục điển-hình (mục 2), tác-dụng của giáo-dục đối với thanh thiếu-niên (mục 3), những phương-sách giáo-dục (mục 4) trong đó chương Thiếu-nghi của sách Lễ-ký được giới-thiệu như là một tác-phẩm sư-phạm cần-thiết.

    Điều VII, Sùng chính-học, từ trang 15b, dòng 4 đến trang 17b, dòng 4, gồm 4 mục. Đây là những quan-điểm giáo-dục căn-bản. Nhà vua định-nghĩa thế nào là học, trình bày sự cần-thiết phải học thường-xuyên (mục 1), giải-thích sự cần thiết của thái-độ tích-cực (mục 2), thái-độ chống-đối các tà-thuyết nhất là đạo Da-tô là một học-thuyết vô-lý (mục 3). Tác-giả kêu gọi mọi giới, đầu tiên là người học-trò, sau đến nhà binh, giới thợ-thuyền lao-động, tất cả phải có tinh thần nhập-cuộc, phải tranh-đấu chống lại những phong-trào xấu đang lan rộng (mục 4).

    Điều VIII, Giới dâm-thắc, từ trang 17h, dòng 6, đến 19b, dòng 1, gồm 3 mục. Tác-giả đối-chiếu sự đoan-chính với những điều dâm-đãng, tà-ngụy, và kêu gọi đề-phòng những phát-tác của tình-dục (mục 1); nhà vua đã nỗ-lực hoạt-động đề-cao trinh-tiết, đã tìm mọi biện-pháp để chỉnh-đốn sự giao-tế giữa nam-nữ (mục 2) nhưng giới-dâm không hẳn chỉ là giới-dục mà còn là đề-phòng bạo-lực nữa. Cả 3 mục đã được dùng để chỉ-trích nạn cường-hào ác-bá, nạn du-côn, nạn tham-nhũng bóc-lột dân-chúng.

    Điều IX, Thận pháp-thủ, từ dòng 2 trang 19b đến dòng thứ 7 trang 21a, gồm 4 mục. Nhà vua tuyên-bố tính-cách vị-dân của việc áp-dụng pháp-luật (mục 1), kêu gọi dân-chúng học-tập hiến-chương (mục 2), giải-thích những tương-quan tự-nhiên giữa kiến-thức luật-pháp và tinh-thần trọng-pháp (mục 3). Kết-quả là nhờ ý-thức trách-nhiệm của nhân-dân, một xã-hội không hình-phạt sẽ được hình-thành để cho mọi người có điều-kiện hưởng-thụ hòa-bình chân-chính.

    Điều X, nhan-đề là Quảng thiện-hạnh, bắt đầu từ trang 21a đến dòng thứ 6 của trang 22b, gồm 3 mục được coi là phần kết-luận của bản Thập-điều. Tác-giả định-nghĩa thiện là thực-hiện hiếu-dễ, trung-tín, nhân-nghĩa, lễ-trí (mục 1). Đó là đạo thường gắn liền với bản-chất tự-nhiên của con người, cho nên phải hành-thiện (mục 2) thì mới tạo-lập được một nền hòa-bình lâu dài (mục 3).

    Bố-cục của dịch-bản chữ Nôm gồm có 3 phần, ngoài phần A và B như trong nguyên-bản, còn có phần C là phần tổng kết của vua Tự-đức, gọi chung là Thánh-huấn thập điều diễn-nghĩa ca.

    Phần A gồm 13 mục được diễn Nôm thành 92 câu lục-bát, từ câu 1 đến câu 92. Phần B gồm 49 mục được diễn thành 348 câu lục-bát, từ câu 93 đến câu 440 chia ra như sau:

    (Bảng liệt kê)

    Phần C nhan-đề là Cẩn-phụ tổng-kết gồm 46 câu, từ câu 441 đến câu 486, từ trang 23a đến 25a. Vua Dực-tôn xác-nhận nhiệm-vụ làm vua là làm thầy có bổn-phận giáo-huấn dân-chúng; công-cuộc giáo-dục phải được bắt đầu từ lúc bắt đầu, phải tiếp-tục thường-xuyên, kinh-nghiệm đạo-đức của thánh-hiền phải được thực-hiện, cho nên việc phiên-dịch của bản Thập-điều tỏ ra cần-thiết để giúp cho dân-chúng nghèo-khổ ít học có phương-tiện nghiền-ngẫm lời nói của người-xưa. Bản Thánh-huấn thập-điều diễn-nghĩa ca được tổng-kết bằng một lời mời-gọi mọi người làm việc lành để nêu cao giá-trị con người.

    CHƯƠNG II (Còn tiếp...)
     
    tducchau thích bài này.
  7. hhongxuan

    hhongxuan Lớp 7

    CHƯƠNG II (tiếp theo)

    B. – Nhận-định

    1. Phần phân-tích nội-dung tự nó đề ra những nhận định về giá-trị của nền giáo-dục nhà Nguyễn. Giá-trị ấy có thể xét về phương-diện khuynh-hướng, tính-chất và thực-hiện.

    Đầu tiên, về phương-diện khuynh-hướng, điểm nổi bật nhất là nền giáo-dục nhà Nguyễn có khuynh-hướng đạo-đức rõ-rệt. Đạo-đức ấy được xây-dựng trên một nền-tảng siêu-hình, trên một niềm tin-tưởng vững-vàng vào Tạo-hóa, Thượng-đế của nho-sĩ, ông Trời của dân-gian mà mọi người đều phải tôn-trọng. Thượng-đế đã phú-bẩm tính lành cho con người, nên ai cũng có tính thường, đó là nhân, nghĩa, lễ, trí, gọi là bốn mối, từ khi sơ sinh, người ta không ai không có (Thập-điều B, 11, 2) Đạo-đức ở đây là một đạo-đức hoạt-động, tích-cực, không chủ làm những cái cao-xa, chỉ thi-hành những việc phải thi-hành, nhưng đã hoạt-động thì hăng-hái, mạnh-mẽ, hữu-hiệu. Nhà giáo-dục phải có tinh-thần tranh-đấu, tranh-đấu chống-đối mọi học-thuyết không phải là học-thuyết nho-gia, tranh-đấu tiêu-diệt mọi chủ-nghĩa không đặt nho-học làm căn-bản. Chính vì khuynh-hướng này mà nhà nho đã quyết-liệt phủ-nhận đạo Da-tô chỉ vì một lẽ giản-dị là đạo Da-tô đã không phải là đạo nho thì chỉ có thể là dị-đoan, tà-thuyết. Đạo nho quan-niệm tôn-quân là một nguyên-tắc duy-trì trật-tự, đạo Da-tô hô-hào thực-thi tinh-thần bình-đẳng; nho-gia quan-niệm nam-nữ hữu-biệt, nam-nữ thọ-thọ bất-thân, đạo Da-tô đề-cao phụ-nữ, cổ-võ công-cuộc giải-phóng phụ-nữ; lòng hiếu-để của nho-gia được biểu-thị trong việc thờ-cúng tổ-tiên, đạo Da-tô chỉ cho phép vái lạy một Thiên-Chú. Những chủ-trương tương-phản ấy tạo ra nhiều thái-độ mâu-thuẫn, nhiều hành-động thù-địch không thể hòa-giải được ở thời vua Minh-mệnh. Nói về đạo Da-tô, nhà vua chỉ có những lời phê-bình nặng-nề: “Tả-đạo, dị-đoan, nhất thiết chớ để lừa-dối, mê-hoặc; học-thuyết Da-tô, lại càng vô-lý hơn nữa, thậm-chí nam-nữ hỗn-loạn, hạnh-kiểm như cầm-thú, dấy gian dựng đảng, tự giẫm lên hình-pháp, như vậy là phá-hoại tôn-giáo, làm hư-nát luân-thường…” (Thập-điều B VII, 3) Mở đầu bài Nghĩ nguyên-đạo, bàn về đạo gốc Cao-Bá-Quát cả quyết “ “Đạo chỉ có một mà thôi ! Đạo mà tả thì ô-hô!” rồi kết-luận bằng một lời hô-hào: “Vậy phải làm gì bây giờ? Đất là đất của ta, người là người của ta, đạo là đạo của ta, kẻ kia đã thừa chỗ hở của ta mà vào thì ta chờ chỗ hở của nó mà đuổi ra, mặt trời mọc thì đèn đuốc phải tắt, ánh nắng lên thì tuyết mưa tan, đó là lý-thế tất-nhiên vậy. Ôi! Đạo chỉ có một mà thôi” (Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link). Nguyễn-Công-Trứ kêu gọi:

    “Cầm chính-đạo để tịch tà cự bí,

    Hồi cuồng-lan nhi chướng bách xuyên”(Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link)

    Cũng không ngoài việc tranh-đấu để bảo-vệ chính-học. Không-khí xã-hội thời Minh-mệnh cực-kỳ dao-động chính là vì nho-sĩ ý-thức được trách-nhiệm vệ-đạo của họ, dù có phải “sát thân dĩ thành nhân” (Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link), họ cũng sẵn-sàng.

    Thái-độ của vua Minh-mệnh và triều-thần đối với đạo Da-tô có thể giải-thích được. Nho-giáo là quốc-giáo từ thời nhà Lê; sau ba thế-kỷ suy-vi, nho-giáo được phục-hồi cương-vị cũ vào thời nhà Nguyễn. Tính-cách độc-tôn của đạo nho đối với đạo Phật và đạo Lão đã trở thành hiển-nhiên; một khi sự độc-tôn ấy bị phủ-nhận, nho-gia cũng như các nhà có trách-nhiệm đều phải lên tiếng phản-đối. Sự phản-đối nhắm vào đạo Công-giáo vừa được truyền-bá ở Việt-nam gây ra những phản-ứng dữ-dội, nhất là khi đạo Công-giáo từ bên Tây-phương vốn là một nghịch-lý đối với dân Hy-lạp, một sự bêu dếu đối với dân La-mã và đã từng có nhiều người tử vì đạo như đạo nho. Sự xung-đột càng khốc liệt hơn nữa vì những lý-do chính-trị. Là một người có trách nhiệm đối với dân, vua Minh-mệnh không thể để cho những giáo-sĩ như Marchand([4]) can-thiệp vào việc chính-trị quốc-gia; là vị đại-diện cho danh-giáo, nhà Vua không thể để cho việc quan, hôn, tang, tế được cử-hành theo nghi-lễ ngoại-quốc. Khuyết-điểm của một số nhà truyền-giáo trong thời-kỳ này là đã coi nền văn-hóa địa-phương như một nền văn-hóa có nguồn-gốc ma-quỉ, và nhiều khi các vị thừa-sai đã không hành-động như một giáo-sĩ của Chúa mà như là một nhà nghiên-cứu nhân-chủng-học (Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link). Vua Minh-mệnh không bao giờ công-kích đạo Thiên-Chúa; nhà vua chỉ lên tiếng khi nền văn-hóa Việt-nam bị xâm-phạm, phong-tục Việt-Nam bị khinh-khi. Về phương-diện này, nhà vua đã tỏ ra rất hợp-lễ và đắc-nghi. Về sau, khi vua Tự-đức và nhất là triều-thần tỏ ra dửng-dưng đối với những đề-nghị cải-cách của Nguyễn-Trường-Tộ, chính là vì các vị ấy muốn đề-phòng những tác-quái nguy-hiểm của nền văn-minh vật-chất, nền văn-minh kỹ-thuật, tiến-bộ, hợp-thời, hữu-hiệu thật nhưng phiến-diện, thô-bỉ, trụy-lạc vì dễ tiêu-diệt tinh-thần đạo-đức và thường làm bại-hoại tâm-hồn. Các nhà giáo-dục triều Nguyễn khước-từ mọi hiệu-năng vật-chất, mọi khuynh-hướng bình-giá con người theo tiêu-chuẩn kinh-tế hàng-hóa; họ cam chịu mang tiếng lạc-hậu, chậm-tiến, thiếu sáng-kiến, nhưng tự-hào là thành-đạt khi thực-hiện được đạo-đức ở mình và ở người. Đó là cái “unum necessarium”, cái “ngô đạo nhất dĩ quán chi” mà giáo-dục Tây-phương đã thiếu và vì thế sụp đổ (Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link). Khuynh-hướng sủng-thượng đạo-đức chi-phối tất cả chính-sách giáo-dục, tổ-chức giáo-dục. Việc thi-cử thành-bại cũng tùy-thuộc âm-công. Các nhà giáo-dục tin-tưởng, trong bất cứ xã-hội nào, với bất cứ cá-nhân nào, một khi người ta làm việc lành thì trăm điều tốt, kể cả hạnh-phúc vật-chất, sẽ dược trời ban xuống. Đó là lời trong kinh thư mà vua Thánh-tổ đã dẫn-chứng để kết-thúc Huấn-địch thập-điều, khẳng-định cụ-thể khuynh-hướng đạo-đức của nền giáo-dục mà nhà vua ban-hành cho dân-chúng vào năm 1834.

    Xét về phương-diện đường-hướng, nền giáo-dục nhà Nguyễn mang nhiều tính-chất phong-phú.

    Trước hết là tính-chất thường-xuyên. Giáo-dục phải thường-xuyên cũng như sự tăng-trưởng đối với sự sống; một ngày không giáo-dục là một ngày chết; con người không được giáo-dục là con người tê-liệt. Tính-chất thường-xuyên này làm cho giáo-dục có tính-cách sinh-động, đối-lập với kiến-thức chỉ được coi như là đồ trang-sức tạm-thời. Sự liên-tục của giáo-dục tăng-cường sinh-lực nội-tâm, phát-động công-phu hàm-dưỡng, tập-trung ý-chí thành-thực để phát triển những tình-cảm trọng-hậu của con người. Để bảo-trì tính-chất thường-xuyên ấy của giáo-dục, vua Minh-mệnh muốn tạo-lập một không-khí nhân-nghĩa, chú-trọng đến từng màu sắc của y-phục, từng chi-tiết của lễ-nghi, mục-đích đặt con người trong một hoàn-cảnh thuận-lợi để có thể phát-triển tự-do.

    Thứ đến là tính-chất cộng-đồng. Nền giáo-dục cấp thục đương-nhiên có tính-cách cộng-đồng vì thầy đồ thầy khóa sống ngay trong làng, vừa dạy-dỗ học-trò, vừa làm cố-vấn cho phụ-huynh học-sinh, vừa tham-gia vào mọi hoạt-động của làng khi cần-thiết. Ở một cấp-bậc cao hơn, giáo-dục vẫn duy-trì tính-cách cộng-đồng ấy. Việc cao giọng bình văn ở trường, việc cặm-cụi vác lều chõng đi thi, việc can-thiệp của ông thầy vào sinh-hoạt gia-đình của học-sinh, việc học-sinh thay nhau cáng-đáng việc gia-đình của thầy, nhất nhất đều biểu-lộ tính-chất cộng-đồng quí-báu của giáo-dục. Con người trong nền giáo-dục cổ không bao giờ cô-đơn. Có bạn ở viễn-phương đến, bao giờ cũng là một niềm hoan-lạc (Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link), đó là điều mà Cao-Bá-Quát đã có lần nhắc-nhở(Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link). Tuy nhiên, tính-chất cộng-đồng ở đây không hẳn chỉ có tính-cách xã-hội hay kinh-tế; nó chỉ cần được đặt trên nhân-nghĩa, và có nhân-nghĩa là có tất cả.

    Nhờ tính-chất thường-xuyên và cộng-đồng, nền giáo-dục nhà Nguyễn còn có một tính-chất nữa là phổ-thông. Đừng quan-niệm giáo-dục ngày xưa chỉ là thi-cử; thi-cử nhắm vào việc tuyển-trạch nhân tài, những nhà lãnh-đạo, những con người kiệt-xuất, trong khi giáo-dục chú-trọng đến những người trung-bình(Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link) để thi-hành những nhiệm-vụ thông-thường; do đấy, giáo-dục chú-trọng đến giới bình-dân, đến giới tráng-niên lao-động. Vua Minh-mệnh đã nói những lời cảm-kích khi bàn về vấn-đề này; vua Tự-đức trong phần phụ-lục, đã căn cứ vào đấy để giải-thích lý-do của việc diễn Nôm.

    Cuối cùng, nền giáo-dục nhà Nguyễn còn có một tính-chất không thể chối-cãi, đó là tính-chất phục-vụ. Giáo-dục phải hướng đến phục-vụ tha-nhân, phục-vụ chế-độ, phục-vụ lịch-sử và dân-tộc. Vua Minh-mệnh đã nhân-danh dân tộc đả-phá ảnh-hưởng của Tây-phương. Lý-Văn-Phức (Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link) Nguyễn-Công-Trứ, nhất là Cao-Bá-Quát đã hưởng-ứng lời hiệu-triệu của nhà vua một cách nồng-nhiệt. Phải đọc Chu thần thi-văn tậpPhương-đình tùy bút lục (Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link), ta mới thấy lời tán-dương của vua Tự-đức: “Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán” đã không phải là quá-đáng. Riêng Cao-Bá-Quát trong bài Biện-hoặc thư, luận về những điều nghi hoặc viết năm 1841, đã thấy từ trước, dã-tâm xâm-lược của người Pháp. Sau khi phân-tích những lý-do kháng-ngoại của Ông, Cao-Bá-Quát kết-luận một cách mỉa mai: “Nếu ông đem lời nói của tôi nói lại với tụi Tây, chắc tụi ấy sẽ cười vào bảo rằng: Xảo thay! Xảo thay! Kế-hoạch của chúng ta bị một đứa nhà quê khám-phá”. Đây là chuyện năm 1841; ta đừng lạ tại sao năm 1867, đề-nghị chủ-hòa của Nguyễn-Trường-Tộ bị triều-thần bác-bỏ. Họ không hẳn là những người “trông không rõ, nghe không thấy” như sử-gia Trần-Trọng-Kim đã kết tội (Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link), trái lại, vì không muốn để cho những truyền-thống tốt-đẹp của quốc-gia bị lũng đoạn, những tập-quán lành-mạnh của dân-tộc bị phế-bỏ, họ đã khẳng-khái cự-tuyệt Tây-phương, đồng-thời quyết liệt chống-đối Công-giáo mà họ cho là không nhiều thì ít đã liên-minh với quân thực-dân xâm-lăng. Đã đành, đó là một ngộ-nhận, và điều ấy không hề liên-can đến giáo-hội La-mã, nhưng một số thừa-sai, tưởng là đã truyền-bá đạo Chúa, thực ra mới chỉ đóng vai tuyên-truyền cho văn-hóa Tây-phương(Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link).

    Nhận-định về giáo-dục, ta phải khảo-sát và phê-phán những thực-hiện cụ-thể của giáo-dục ấy. Nền giáo-dục nhà Nguyễn đã được áp-dụng như thế nào, và sự áp-dụng ấy có hữu-hiệu không xét về phương-diện thực-tế?

    Trước hết, chính-sách giáo-dục triều Nguyễn đã được thực-hiện như một quốc-sách. Căn-cứ trên những nguyên tắc cổ-truyền, kế-thừa những kinh-nghiệm của triều Lê, hội-ý với các nhà văn-hóa tông-sự tại bộ Lễ, vua Thánh-tổ đã nhận-lãnh nhiệm-vụ trước lịch-sử khi ban-bố Huấn-địch thập điều. Làm thầy dân là bổn-phận trọng-đại nhất của người Vua (Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link), và chỉ có nhà Vua mới liên-kết được kế-hoạch của Lục-bộ, mới hội đủ điều-kiện ban-hành một chính-sách giáo-dục hợp ý trời, thuận tình dân. Sự phối-hợp chặt-chẽ giữa bộ Lễ, bộ Hộ, bộ Binh đã đủ giúp người học-sinh được miễn thuế, miễn dịch và có đủ điều-kiện theo học cho đến khi thành tài. Vì là một quốc-sách, chính-sách giáo-dục nhà Nguyễn hội đủ tính-cách cộng-đồng, phổ-thông, chuyên-nghiệp, được cập-nhật-hóa hàng năm và như vậy, dễ-dàng phù-hợp với tình-trạng đất nước. Chính nhờ thế mà nền giáo-dục thời vua Minh-mệnh đã tỏ ra rất thực-tiễn, chú-trọng đến thực-học, cả nghề-nghiệp nữa, điều mà Nguyễn-Trường-Tộ chỉ đề-cập tới năm 1871, nghĩa là 38 năm sau. Tuy nhiên, đến đời vua Tự-đức, tình-trạng văn-hóa xã-hội đã bị phân-hóa quá mau chóng, việc duy-trì chính-sách giáo-dục thời Minh-mệnh không khỏi gây ra những hậu-quả lỗi-thời, và đấy là khuyết-điểm của nền giáo dục đời vua Dực-tôn.

    2. Nền giáo-dục ấy có những khuyết-điểm nào?

    Trước hết, nói chung về triều Nguyễn, nền giáo-dục chỉ căn-cứ trên triết-lý nho-giáo đã không tránh khỏi được tính-cách phiến-diện. Nếu giáo-dục là giáo-dục con người, thì con người ấy phải là của dân-tộc trước khi là của chế-độ. Nếu cái nhân-nghĩa đầy tính nhân-loại ấm-áp kia dễ trở thành một lòng trung-hiếu khô-khan, và không trở thành không được, thì thực-sự nho-giáo đã bị chế-độ lợi-dụng, đã tự-biến thành một cái bình-phong tráng-lệ để che đậy những tội ác của chính quyền. Sự phiến-diện thường làm cho giáo-dục có tính-cách chủ-quan và độc-tài; nhân-danh giáo-dục, nhà đạo-đức có thể đàn-áp kẻ khác, chém đầu người ta như Tự-đức đã chém đầu Cao-Bá-Quát năm 1854, chỉ vì nhà Nho này không muốn để cho chế-độ sử-dụng nho-giáo như một khí-cụ (Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link), trong khi Nguyễn-Công-Trứ vẫn ngây-thơ phục vụ chính-quyền, tưởng rằng con người của mình chỉ có thể phát-triển trong thái-độ trung-thành tuyệt-đối với nhà vua([16]). Chính vì điểm này mà Thập-điều đã không tránh được sự phê-phán nghiêm-khắc của dân-chúng. Nhà thơ bình-dân đã làm một bài thơ trào-lộng sau đây để chế-giễu việc học-tập Thập-điều và chống-đối tính-cách độc-tài của chế-độ giáo-dục nhà Nguyễn:

    Vui xem hát,

    Nhạt xem bơi,

    Tả-tơi xem hội,

    Bối-rối xem đám ma

    Còn Thập-điều, bỏ cửa bỏ nhà đi mà nghe giảng.

    Một mặt khác, khi vua Tự-đức diễn Nôm bản Thập-điều năm 1870 với mục-đích giáo-dục quần-chúng như trong thời Minh-mệnh thì thực đó là một hành-động không hợp thời. Đã đành là phải bảo-vệ văn-hóa dân-tộc; đã đành là phải đề-phòng những tai-họa của nền văn-minh cơ-khí có thể gây ra; đã đành nữa là không bao giờ đầu-hàng quân xâm-lược và hợp-tác với bọn thực-dân ác-ôn, nhưng cũng không vì thế mà đem nguyên-bản Thập-điều năm 1834 áp dụng cho thế hệ 1870 không thay đổi một chữ. Cái tinh-thần của quan-niệm giáo-dục năm 1834 có thể còn có giá-trị, nhưng bánh xe lịch-sử đã quay nhanh, cơ-cấu xã-hội đã đổ-vỡ, giáo-dục phải được cải-tổ để thích-nghi với tình-thế mới, để đáp-ứng những nhu-cầu đang xuất-hiện và đang biến-thể hàng ngày (Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link). So-sánh nội-dung của Thập-điều với nội-dung của các bản điều-trần mà Nguyễn-Trường-Tộ đã dâng lên vua Tự-đức từ năm 1863 đến 1871, ta có thể thấy tuy cả hai xuất-phát từ một quan-niệm đúng-đắn về giáo-dục, nhưng những chi-tiết thực-hiện đã khác nhau quá xa. Nguyễn-Trường-Tộ nói đến những vấn-đề chưa từng được đặt ra thời Minh-mệnh như vấn-đề du-học-sinh, vấn-đề phiên-dịch các sách ngoại-quốc, vấn-đề khoa-học thực-dụng như cơ-khí, canh-nông. Thiện-chí của vua Tự-đức không thể phủ-nhận; quan-niệm của nhà Vua không hẳn là vô-lý nhất là khi ta thấy kế-hoạch Nguyễn-Trường-Tộ thiếu hẳn một triết-lý giáo-dục làm nền-tảng, tuy nhiên, việc phiên-dịch và ấn-hành Thập-điều chỉ có giá-trị trong phạm-vi phổ-biến một tác-phẩm hay. Đứng về phương-diện giáo-dục, công việc ấy không gây được những ảnh-hưởng mong-muốn.


    **********
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Cao-Bá-Quát, Chu-thần thi-tập, Nghĩ nguyên đạo, bản dịch chép tay của Lê-Hữu-Mục (đang chuẩn-bị xuất-bản).

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Nguyễn-Công-Trứ, Thiên-nam quốc-âm ca khúc, Kẻ sĩ.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Luận-ngữ, Vệ-linh công XV, 8. Mạnh-tử nói thêm: Xả sinh nhi thủ nghĩa []: bỏ sự sống mà giành lấy nghĩa (Mạnh-tử, Cáo-tử thượng, X)

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Vị cố đạo đã làm cố-vấn chính-trị cho Lê-Văn-Khôi, nổi lên ở Gia-định năm 1833; Cố Merchand (tên Việt-nam là Cố Du) sau bị lăng-trì ở Huế. Về việc tang tế, sách lễ-ký nói: [] tang-tế tùng tiên-tổ: việc tang-tế theo tiên-tổ (Mạnh-tử, Đằng-văn công thượng 11)

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Lời của John Wu trong cuốn Humennisme chinois et spiritualite chretienne, trang 205-222

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link John Wu, trong Humennisme chinois et spiritualite chretienne, trang 205-222

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Luận-ngữ, Học nhi I, 1

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Trong bài thơ: “Một buổi hầu rồi một buổi ngơi. Đâu còn nhớ chữ viễn phương lại”.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Trung dân dĩ thượng, khả dĩ ngữ thượng dã; trung nhân dĩ hạ, bất khả ngữ thượng dã, (Luận-ngữ, Ung-dã, VI)… Duy thượng trí dữ ha ngu bất dị (Luận-ngữ, Dương-hóa XVII).

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Lý-Văn-Phức (1785-1849), người làng Hồ-khẩu, huyện Vĩnh-thuận, tỉnh Hà-Nội (nay là ngoại-ô Hà-Nội), đậu cử nhân năm 1819, được bổ Hàm-lâm biên-tu, thăng tham-tri, bị cách, phải hiệu-lực Tiều tây-dương và sang Tân-gia-ba, đi Áo-môn, sau đi công-cán Lữ-tống, Quảng-đông, rồi lại xuất-ngoại lần thứ ba, thăng Quang-lộc tự-khanh. Có 9 tác-phẩm Hán-văn nói về việc đi sứ hay xuất-ngoại, 5 tác-phẩm nôm trong đó Nhị-thập-tứ hiếu diễn-ca, Tây-sương truyện, Ngọc-kiều-lê-truyện. (Đón xem bản phiên-âm của Lê-Hữu-Mục, sắp xuất-bản).

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Tác-phẩm của Nguyễn-Văn-Siêu

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Xem Việt-nam sử-lược, trang 476. Sự thực, sử-gia Trần-Trọng-Kim đã phê-phán nhà Nho quá gay-gắt và thiên-lệch. Sự thất-bại của dân-tộc ta trước mưu-mô xâm-lược của Pháp là một tình-cờ lịch-sử. Đừng tưởng chỉ có Nguyễn-Trường-Tộ là đã sáng-suốt. Thời-cục quá phức-tạp và biến chuyển quá mau làm cho không một ai trở tay kịp.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Lời của John Wu, Sđd, trang 222.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Thiên hự hạ dân, tác chi quân, tác chi sư (Thượng thư, thiên Tần-thệ): trời giúp dân, tìm vua cho, tìm thầy cho.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Xem bài Nguyên đạo luận, trong Chu-thần thi-văn tập. Nhờ những bài luận này, viết một cách nhiệt-thành và can-đảm, Cao-Bá-Quát đã tỏ ra là một nho-sĩ có ý-thức. Tuy nhiên, không thể căn-cứ vào đấy để xưng tụng Ông là một nhà cách-mạng. Ông là một nhà trí-thức nhập-cuộc, biết lập-ngôn, dám nói thật và có can-đảm chết vì sự tự-do tư-tưởng. Ông là một nhà văn dấn-thân vì lý-tưởng mà J. P. Sartre, tác-giả cuốn Qu’est-ce que la litterature, thường mơ-ước cho nước Pháp

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Nhưng Nguyễn-Công-Trứ chỉ ngây-thơ cho đến năm 1840. Đến năm 1841, Ông đã bắt đầu chỉ-trích, kế-hoạch thực-dân của vua Minh-mệnh bằng cách rút quân từ Trấn-tây về An-giang

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Cái chết bi-thảm của một nhà văn yêu-chuộng tự-do như Cao-Bá-Quát năm 1854 đánh dấu một thời-điểm chuyển-hướng lớn của một trí-thức thế-hệ Minh-mệnh như Lý-Văn-Phức, Nguyễn-Công-Trứ. Chính sách giáo-dục đáng lẽ phải được canh-cải từ thời-kỳ này.



    CHƯƠNG II (còn tiếp...)
     
    Chỉnh sửa cuối: 14/10/15
    tducchau thích bài này.
  8. hhongxuan

    hhongxuan Lớp 7

    CHƯƠNG II (tiếp theo)

    C. – Giá-trị văn-chương của bản Nôm

    Đầu tiên, kỹ-thuật phiên-dịch của vua Tự-đức đã tỏ ra xuất-sắc một cách kỳ-lạ. Tinh-thần tôn-trọng cổ-nhân, lòng ngưỡng-mộ đối với vua Thánh-tổ, thị-hiếu dịch-thuật của thời-đại, tất cả đã cung-cấp cho nhà Vua mộ khả-năng diễn-đạt trung-thành và chính-xác hi-hữu. ([1])

    Trước hết, vua Tự-đức chú-trọng đến ý-nghĩa của từng chữ: năng sử dịch là hay khiến (câu 31), hàm-dưỡng là dung-nuôi (câu 33), chính tục là sửa thói (câu 35). Những chữ có ý-nghĩa tương-tự đã được dịch một cách rành-mạch: giáo-huấn dịch là dạy khuyên (câu 35), huấn-địch là dạy bảo (câu 65), giáo-dục là dạy nuôi (câu 90). Họa-hoằn lắm, Hán-tự mới được giữ lại nguyên-hình, còn thường thường được dịch ra tiếng nôm, như cánh bạc tùng trung đã được dịch hoàn-toàn là đổi mỏng theo dày (câu 83) huân thánh mỹ tục là nhiễm nên thói tốt (câu 84), lạc nghiệp phục cần là siêng vui nghề-nghiệp (câu 111). Có khi cả câu chữ Hán đã được dịch ra Nôm và đối chọi nhau từng chữ, như câu nhân-luân minh nhi nhân-đạo lập đã được dịch một cách tài-tình là “đấng người đã tỏ mới nên đạo người” (câu 103); câu bình nhật giáo-hối chi công, khỏi bất đại thả viễn hồ tai, đã được dịch là “chưng công thường buổi dạy khuyên, há chăng chẳng lớn, chẳng bền vậy vay” (câu 281-282). Đôi khi, một vài chữ được thêm thắt để cho câu lục-bát được nên gọn-gàng như trong câu 60 “thật đà tỏ rõ lắm thay, nên dè” hai chữ nên dè không có trong nguyên-văn, cả câu 138 “dòng theo nguồn sạch, bóng tay cây ngay” hoàn-toàn là sáng-tác của dịch-giả. Những phần tăng-bổ ấy vừa có tác-dụng làm cho câu văn gọn-gàng, sáng-sủa, vừa điểm xuyết cho tác-phẩm một vài màu-sắc duyên-dáng, vừa tránh cho câu văn trở thành khúc-mắc khó hiểu vì phải trung-thành quá đáng với nguyên-văn như câu 139(lòng ngay, muôn tốt thửa bày) dịch câu kỳ tâm chính tắc vạn thiện sở do sinh(tâm chính: lòng ngay, vạn thiện: muôn tốt, sở do sinh: thửa bày) làm choĐộc-giả không thể nào hiểu được ý-nghĩ của tác-giả nếu không đọc nguyên-bản Hán-văn. Như vậy, bản dịch của vua Tự-đức vừa có công phổ-biến một tác-phẩm giáo-dục dời Nguyễn-sơ, vừa đóng góp cho nền văn-học Việt-nam hậu-bán thế-kỷ XIX một áng văn nôm có giá-trị nghệ-thuật vững-vàng.

    Đứng về phương-diện diễn-tả, bản dịch của vua Tự-đức còn là tiếng nói trung-thực của người miền Trung. Tiếng nói ấy có một âm-điệu đặc-biệt quyến-rũ với những từ-ngữ địa-phương như thương (câu 235), mô (đời mô cũng truyền, câu 268, chẳng rời khi mô, câu 452), nhằm (câu 289), nán (câu 352), kêu (câu 484), đặng (đặng thiệt-thà câu 279), những tiếng cổ thường gặp trong tác-phẩm trước thế-kỷ XVIII mà miền Trung hiếu-cổ còn bảo-tồn như mếch (câu 49 và 140), lung-lăm 210), ngợi không(228), sắp (sắp con em, câu 257, sắp trẻ sinh, câu 263), phen (câu 352), nhiêu (câu 366), roi (câu 430). Sự không phân-biệt những âm cuối n/ng, c/t cũng là một đặc-điểm địa-phương không thể không lưu-ý vì đấy là một hiện-tượng ngữ-học có thể chứng-minh được trong cách phát-âm cổ và từ đấy khám-phá ra những định-luật biến-âm-học Việt-nam; những chữ đắc hàng :-) đắt hàng, câu 248), biếng nhát :-) biếng-nhác, câu 269), phỉnh-gạc ( phỉnh-gạt, câu 305) những :-) những, câu 55), khuông :-) khuôn, câu 382) mang đến cho câu văn một hương-vị riêng, ngọt-ngào và nồng-nàn; những vần in/giêng (câu 8-9), nên/siêng (câu 296-297), dân/ưng (câu 375-376), ngăn/tăng (câu 403-404) vẫn được các nhà thơ miền Trung tán-thưởng và sử-dụng. Ngoài ra, vì chịu ảnh-hưởng của thân-mẫu là một phụ-nữ tỉnh Gia-định, (Gò-công) vua Tự-đức đã đặc-biệt trân-trọng một số âm miền Nam như mần (câu 388) tới hoài (câu 428), tuông phao (câu 22); câu 394 (chẳng lung chưng khi hung-hoang ngầy-ngà) là cả một sự huyền-bí đối với người Bắc nào chưa di-cư vào Nam.

    Cuối cùng, về phương-diện văn-tự, hình-thái chữ Nôm dùng trong bản dịch đã được điển-chế qui-củ, và đây là công-trình quan-trọng nhất của vua Tự-đức. Trong những bản Nôm cổ như Quốc-âm thi-tập của Nguyễn-Trãi, Hồng-đức Quốc-âm thi-tập đời Lê-Thánh-Tông, qua những bản Nôm của thế-kỷ XVII như Thiên-nam ngữ-lục, Thiên-nam minh-giám của Di-Lư, đến những tác phẩm thế-kỷ XVIII như Lê triều tứ thập thất điều diễn-ca của Nhữ-Đình-Toản (1760), chữ Nôm đã trải qua một quá-trình phát-triển nhất-định mà nhà nghiên-cứu đứng đắn có thể tìm ra những qui-luật cấu-tạo những tương-quan giữa tự và âm, giữa âm và nghĩa. Phần đóng góp của Tự-đức trong công-cuộc điển-chế văn-tự là qui-định những tương-quan giữa âm và nghĩa để có thể xếp chữ Nôm theo bộ môn một cách hệ-thống, công-việc mà Taberd đã làm được một phần năm 1838 trong cuốn Dictionarium Anamitico-latinum (Nam-việt dương hiệp tự-vị). Việc điển-chế của Tự-đức gồm 2 công-tác chính, trước hết là công-nhận những chữ Nôm đã có qui củ từ những thế-kỷ trước như chữ thấy [], Quốc-âm thi-tập viết [] Lâm-tuyền kỳ-ngộ do-dự giữa [] và [], Chinh-phụ ngâm viết [] và đã dược Tự-đức công-nhận dứt-khoát; chữ con [] Quốc-âm thi-tập viết []. Cách thứ hai đặc-biệt hơn Tự-đức thêm vào những chữ đã có những bộ môn thích-ứng như những động tác của chân thì có bộ [], về mắt thì có bộ mục, như chữ xem, trước đấy thường viết [] có âm nhưng không có nghĩa, Tự-đức viết [], chữ nhạn, các bản cũ đều viết [] và tùy-nghi có thể đọc nhạn hay nhãn cũng được. Tự-đức viết rõ-ràng [] nhãn, bộ điểu; chữ [] có thể tùy chỗ đọc là chi, gi, giây, Tự-đức phân biệt chi [] và gì [], những âm đình, đành, dành, dừng, đều viết bằng một chữ [], Tự-đức viết dừng là [], dành [], những âm lo, lơ, lờ, đều viết bằng một chữ [] trong những bản trước, Tự-đức phân biệt lo [], lơ [], lờ []. Nỗ-lực của nhà điển-chế là bắt-buộc mỗi chữ chỉ có một âm, mỗi âm có thể có nhiều chữ tùy theo nghĩa, và phải làm thế nào để khi viết riêng rẽ, chữ Nôm vẫn có thể đọc đúng như âm mà người viết muốn, không như trước kia phải lắp chữ Nôm ấy vào một câu mới có thể đọc được âm, có khi phải suy-đoán mới đọc được. Sự thận-trọng này có thể làm cho chữ Nôm trở thành phức-tạp, như chữ noi, Tự-đức đã phải viết là [] trong khi các bản cũ chỉ viết là [] hay có hi []; chữ quên viết [] trong khi các bản cũ viết là [], nhưng dù sao khi gặp chữ [], ta có thể đọc ngay là gìn, không thể lầm với chiền, giền, gặp chữ [], ta đọc ngay là giúp, không thể lầm với chấp, v.v… Việc điển-chế văn-tự hệ-thống-hóa cách viết giữ Nôm, giúp cho nhà nghiên-cứu sưu-tầm quá-trình biến-thể của văn-tự, nhờ đấy có thể truy-nguyên soạn-niên của tác-phẩm và qui-định một cách chặt-chẽ những thời-kỳ văn-học. Công-trình của vua Tự-đức đáp-ứng đề-nghị dùng chữ Nôm của Nguyễn-Trường-Tộ dâng lên vua ngày 15 tháng 11 năm 1867, và tuy chưa được chấp-nhận chính-thức, chữ Nôm đã được thế-hệ Tự-đức trọng-dụng. Về phương-diện này, hkoong thể nói triều-thần nhà Nguyễn đã bài-bác công-kích những dự-án canh-tân của Nguyễn-Trường-Tộ.


    **********
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Xem kỹ phần chú-thích bản Nôm.



     
    tducchau thích bài này.
  9. hhongxuan

    hhongxuan Lớp 7

    CHƯƠNG III

    THÂN-THẾ VÀ SỰ-NGHIỆP CỦA TÁC-GIẢ

    A. – Tác-giả Huấn-địch thập điều: Vua Minh-mệnh (1791-1841)

    Nhà vua tên húy là Nguyễn-phước-Đảm, con thứ tư vua Thánh-tổ và bà Hoàng-hậu họ Trần; Ngài sinh ngày đinh-mão (23) tháng 4 năm tân-hợi (26-5-1791), được sách-lập Hoàng thái-tử năm bính-tí (1816), lên ngôi Hoàng-đế năm canh-thìn (1820), niên-hiệu là Minh-mệnh, băng-hà ngày 19 tháng chạp năm canh-tí (11-1-1841), miếu-hiệu là Thánh-tổ Nhân Hoàng-đế, ở ngôi 21 năm, hưởng thọ 51 tuổi.

    Vua Thánh-tổ có tư-chất thông-minh, hiếu-học, chuyên-cần, ưa hoạt-động và có óc cải-cách. Ngài tinh-thâm nho-học, sùng-tín nho-giáo, tính-tình nghiêm-cẩn, thận-trọng, ưa chủ-động trong công-việc, bởi thế, từ chuyên-cần, Ngài dễ trở thành nghiêm-khắc, tàn-nhẫn. Năm 1822, Hà-Tôn-Quyền bị khiển-trách; cũng năm ấy Phan-Bá-Đạt bị giáng-chức, tiếp đến là Hoàng-Quýnh, Phan-Huy-Chú (1838); những người bị cách chức là Nhữ-Bá-Sĩ (1821), Phạm-Hữu-Nghi (1821), Trần-Tú-Dĩnh (1825) Tô-Trân (1826), Ngô-Thế-Vinh (1829), Trần-Ái(1834), còn Lý-Văn-Phức, Thân-Văn-Quyền, nhất là Nguyễn-Công-Trứ thì bị giáng-chức, cách-chức không biết bao nhiêu lần, suốt thời Minh-mệnh; tuy đỗ Á-nguyên năm 1831 Cao-Bá-Quát đã phải kéo dài 10 năm thất-nghiệp cho đến khi vua Thánh-tổ băng-hà mới được ra làm quan. Một nhân-cách dũng-mãnh như vậy dĩ-nhiên dễ trở thành độc-tài; Ngài đã chống-dối dữ-dội đạo Da-tô; thiết-lập Nội-các năm 1829, Ngại thực-hiện chính-sách và chế-độ trung-ương tập-quyền năm 1831, đặt ra Cơ-mật viện, xác-định phẩm-cấp quan-chế, ấn-định lương-bổng của các quan-viên (1839). Tổ chức lại binh-bị, Ngài cương-quyết đương-đầu với những người đối-lập như Phan-Bá-Vành (1826), Lê-Duy-Lương(1833), Lê-Văn-Khôi (1833) Nông-Văn-Vân (1835), thôn-tính Chân-lạp (1835) đổi làm Trấn-tây thành, tuyệt-giao với người Pháp những năm 1822, 1825, 1829. Nhân-cách của nhà cai-trị quả-cảm này đã dược phô-diễn trong khung-cảnh hùng-vĩ của lăng Minh-mệnh và trong những tác-phẩm có giá-trị vào bậc nhất đời Nguyễn-sơ.

    Tác phẩm của Ngài gồm có:

    1) Ngự-chế tiễu-binh Bắc-kỳ nghịch-phỉ thi-tập.

    2) Ngự-chế tiễu-binh Nam-kỳ nghịch-phỉ thi-tập.

    3) Ngự-chế thi sơ tập.

    4) Ngự-chế thi tam tập.

    5) Ngự-chế thi tử tập

    6) Ngự-chế văn sơ tập.

    7) Ngự-chế văn nhị tập.

    8) Minh-mệnh chiếu, dụ

    9) Thánh-dụ Huấn-địch thập điều (1834).

    B. – Dịch-giả: vua Tự-đức (1829- 1883)

    Nhà vua tên húy là Nguyễn-phước-Thi, con thứ hai của vua Hiến-tổ và bà Từ-dụ, sinh ngày 25-8 năm kỷ-sửu (22-9-1829) lên ngôi báu tháng 10 năm đinh-vị (1847), lấy năm sau là năm mậu-thân (1848) làm Tự-đức nguyên-niên, băng-hà ngày 16-6 năm quí-mùi(19-7-1883), miếu-hiệu là Dực-tôn Anh Hoàng-đế.

    Chân-dung của Ngài đã dược tổng-đốc Thân-Trọng-Huề mô-tả như sau: “Ngài hình-dung như một người nho-sĩ, không cao, không thấp, trạc người bậc-trung, không gầy, không béo, có một phần hơi gầy một tí. Da không trắng không đen. Mặt hơi dài, cằm hơi nhỏ, trán rộng mà thẳng, mũi cao mà tròn, hai con mắt tinh mà lành. Ngài hay chít cái khăn vàng mà nhỏ và mặc áo vàng, khi Ngài có tuổi thì hay mặc quần vàng, đi giày vàng của Nội-vụ đóng. Ngài không ưa trang-sức mà cũng không cho các bà nội-cung đeo đồ nữ-trang, chỉ cốt lấy sự ăn mặc sạch-sẽ làm đẹp.

    Tính ngài thật là hiền-lành… Ngài thờ đức Từ-dụ rất có hiếu; lệ thường cứ ngày chẵn thì chầu cung, ngày lẻ thì ngự triều, trong 36 năm thường thì vẫn như thế, không sai chút nào… Tính Ngài siêng-năng, sáng chừng năm giờ, Ngài đã ra triều… Đức Dực-tôn đã thuộc việc mà lại chăm, cho nên nhiều bữa Ngài bận việc đến chín, mười giờ mới ngự vào Nội… Lệ nước ta xưa nay các quan không được vào chỗ ngự-tọa làm giúp việc cho vua, cho nên việc lớn việc nhỏ, Ngài phải xem cả… Có nhiều tờ phiến Ngài phê dài hơn cả các quan tâu, chữ đã tốt mà văn lại hay, ai cũng kính cái tài của Ngài” (Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link).

    Về học thức, Ngài là một ông vua thông-minh, hiếu-học, sùng-văng, trọng-nho, cho nên Ngài hay cải-cách thi-cử, đặt ra các khoa Nhã-sĩ và Cát-sĩ để chọn người có văn-học, thiếp-lập Tập-hiền viện, Khai-kinh diên để cùng các quan đến bàn-luận sách vở, làm thơ phú hoặc thảo-luận về chính-sự. Về võ-bị, Ngài rất chú-trọng đến binh-chế, tuyển võ-sinh năm 1861, mở khoa tiến-sĩ võ năm 1865, nhưng việc thất-thủ 3 tỉnh miền Đông Nam-kỳ năm 1862, ba tỉnh miền Tây năm 1867, thành Hà-nội năm 1873 đã dồn triều-đình Huế vào một ngả bế-tắc không phương cứu-vãn. Về giáo-dục vừa phiên-dịch Thập-điều, Ngài vừa lắng nghe tiếng nói của Nguyễn-Trường-Tộ, cử nhà cải-cách đi tìm mỏ vàng ở Nghệ-An, Hà-tĩnh năm 1866, gửi Ông sang Pháp để mượn thợ và mua máy móc; về nước năm 1867, Nguyễn-Trường-Tộ lại được nhà vua ủy-thác sang công-cán bên Pháp, bị đau không đi được, Ông lại được tín nhiệm năm 1871 đem học-sinh sang Pháp du-học. Tuy công việc không thành, nhưng chừng ấy đủ để chứng-minh sự chú-ý của nhà vua đối với mọi nỗ-lực canh-tân xứ-sở. Phong trào văn-học chữ Nôm do Ngài nhiệt-thành phát-động đã nói lên việc nhà vua chấp-thuận sử-dụng chữ Nôm như một văn-tự chân-chính. Tuy nhiên, dã-tâm xâm-lược của người Pháp, được một hoàn-cảnh thuận-tiện thúc-đẩy, được những phát-minh khoa-học của Âu-châu ủng-hộ, đã đủ nanh-vuốt để bóp nát con người Việt-nam đang kinh-hoàng trước cơn gió lốc lịch-sử. Vua Tự-đức băng hà giữa lúc bọn thực-dân đang mưu-mô chiếm-cứ kinh-đô. Ngài đã chết trong thất-bại nhưng Ngài đã giãy-giụa đau đớn trước khi nhắm mắt và hình-ảnh cuối cùng ấy đã làm bùi-ngùi những tâm-hồn đồng-điệu với Ngài. Ngày nay, xác thân yên-nghỉ ở Khiêm-lăng, hồn Ngài chắc đã hả-hê khi thấy nền giáo-dục chủ-trí của người Pháp đã suy-sụp từ năm 1940, hiện đang phân-hóa trong một cảnh hỗn-loạn thê-thảm hơn cảnh đổ-vỡ xảy ra trong đời Ngài, chỉ vì nền giáo-dục này đang thiếu cái mà nền giáo-dục kia đã có một cách viên-mãn.

    Cái viên-mãn ấy, ta có thể tìm thấy trong những tác phẩm sau đây của Ngài:

    1) Từ-huấn lục.

    2) Tự-học giải-nghĩa ca.

    3) Khâm-định đối sách chuẩn-thăng

    4) Luận-ngữ thích-nghĩa ca.

    5) Ngự chế thi sơ tập

    6) Ngự chế thi nhị tập

    7) Ngự chế thi tam tập

    8) Ngự chế văn nhị tập.

    9) Thánh-huấn thập điều diễn-nghĩa ca (1870).

    **********
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Trần-Trọng-Kim, Việt-Nam Sử-lược trang 473
     
    tducchau thích bài này.
  10. duckhai2691

    duckhai2691 Lớp 3

    File scan gốc cuốn này tải về từ timsach.com, phần tiếng việt thiếu mất trang 112 và 113. Rất mong các bác khi làm ebook để ý bổ sung cho sách được giá trị hơn.

    Xin cảm ơn
     
    tducchau and hhongxuan like this.
  11. hhongxuan

    hhongxuan Lớp 7

    CHƯƠNG IV

    VỊ-TRÍ CỦA HUẤN-ĐỊCH THẬP ĐIỀU TRONG LỊCH-SỬ


    Sau khi đã phân-tích Huấn-địch thập điều và trình bày thân-thế sự-nghiệp của tác-giả và dịch-giả, ta cần đối-chiếu tác-phẩm này với những tác-phẩm đồng-tính khác để hội-dủ những dữ-kiện cần-thiết nhờ đấy có thể xác-định vị-trí của vua Thánh-tổ trong lịch-sử văn-hóa giáo-dục Việt-nam.


    A. – Hai mươi bốn huấn-điều của vua Lê Thánh-tôn (1470).


    Hồi đầu năm Hồng-đức (1470), vua Lê Thánh-tôn định ra 24 huấn-điều, đến năm kỷ-mùi, niên-hiệu Cảnh-thống thứ 2 (1499), vua Lê Hiến-tôn minh-định lại, dụ bảo các quan, quân và dân rằng; “Trẫm ngự ngôi trời, kinh theo phép cũ, làm điều hiếu-kính để dựng căn-bản đạo trung-dung, giữ vững cương-thường để mở rộng những điều dạy bảo; người trên làm, người dưới bắt chước, đã đi đến chỗ yên vui, nhưng muốn cho việc trị-an được lâu dài, công-nghiệp tiến lên mãi mãi, vì thế hạ dụ-chỉ này, đặc-biệt nêu rõ từng điều, để lần-lượt ghi vào sổ sách.

    1) Cha mẹ dạy con, phải dùng khuôn phép hợp với lẽ phải; con trai con gái đều dạy cho có nghề-nghiệp, không được để buông-tuồng đắm-đuối vào cờ bạc rượu chè, tập nghề xướng hát, để hại phong-tục.

    2) Người gia-trưởng tự giữ mình lễ-phép tiết-độ để uốn-nắn người trong nhà; Nếu con em trong nhà làm việc trái, người gia-trưởng sẽ bị tội.

    3) Vợ chồng siêng-năng, sẻn-nhặt, sửa-sang công việc trong nhà; đối với nhau có ân có nghĩa không bao giờ thay đổi; chỉ lúc nào người vợ phạm vào tội thất-xuất (Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link), bấy giờ phải dùng lý mà xử-đoán không được quá yêu quyến-luyến dung-túng xuê-xoa, để hại phong hóa.

    4) Con em trong nhà, nên thân-ái với anh em, hòa-thuận với hàng xóm, lấy lễ-nghĩa tự giữ mình; nếu người nào làm trái thì tôn-trưởng dạy bảo bằng cách roi vọt nhỏ để quở-phạt, quá lắm thì cáo-tố để cửa công xét xử.

    5) Ngoài hàng xóm, trong họ-hàng, người nào gặp hoạn-nạn thì nên chu-cấp, thương-xót lẫn nhau. Nếu có người làm việc nghĩa nổi tiếng, các phủ-huyện sở-lại trình với với hai ti Thừa-chính và Hiến-sát xét thực tâu-bày đầy-đủ để được triều đình biểu-dương.

    6) Người đàn bà có lỗi, nếu cha mẹ và chồng có trừng trị, thì phải bỏ hẳn lòng tà, sửa đổi tội lỗi. Không được thuận-tiện tự ý bỏ trốn, có điều trái với đạo làm đàn bà.

    7) Đàn bà góa chồng, không được kiếm người trai trẻ, nói thác là nuôi con nuôi, làm việc gian-dâm vụng trộm.

    8) Đàn bà, sau khi chồng chết thì những đứa con mà người chồng đã có với vợ trước, cũng như con vợ lẽ, nàng hầu, đều phải mang lòng yêu-thương, không được lập-tâm tham-chiếm tài-sản, lo-toan làm việc lợi riêng cho mình.

    9) Đàn bà, khi chồng chết mà mình chưa có con, thì nên ở nhà chồng, theo việc tang việc tế đúng như nghi-lễ, không được tư-túi tài sản đem lén-lút về nhà cha mẹ đẻ.

    10) Bổn-phận chính của người đàn bà là phải thuận theo chồng, không được cậy là cha mẹ mình giàu-sang mà kiêu-ngạo với nhà chồng; người đàn bà nào trái lệnh, cả cha mẹ đẻ của người ấy cũng phải tội.

    11)Bọn sĩ-phu phải đôn-đốc học-nghiệp, phẩm-hạnh, giữ điển-lễ chung; nếu có người nào thì-thọt cửa quyền, dựa thế-lực người nào nên ra oai nạt-nộ người khác, sẽ phải tước bỏ tên tuổi, suốt đời không được kể là hạng sĩ-phu.

    12) Bổn-phận người điển-lại chỉ có việc giữ sổ sách văn-thư, làm công-việc theo chức-phận của mình, nếu có người nào dùng trí-thuật làm điên-đảo giấy tờ, viên quan cai-quản phải kiểm-xét cho ra để trị-tội.

    13) Quân và dân nên hiếu với cha mẹ, thảo với anh em, hết sức làm ruộng; người ra ngoài, người ở nhà phải giữ-gìn lẫn cho nhau; đến kỳ thượng-phiên thì vui-vẻ đi làm công-việc, không được lười-biếng trốn-tránh. Nếu có ai nổi tiếng là người lương-thiện, thì các viên phủ-huyện sở-tại trình lên hai ty Thừa-chính và Hiến-sát xét thực, rồi tâu-bày đầy-đủ, sẽ được khen thưởng.

    14) Người buôn-bán, nên theo thời mà lưu-thông phẩm-vật, không được lừa thưng tráo đấu, không được nhân cơ-hội tụ-tập đồ-đảng, lén-lút làm trộm-cướp, người nào phạm pháp, sẽ bị trị tội nặng.

    15) Việc cưới-gả, việc tế-tự phải dựa theo lễ-pháp, không được tiếm-vượt quá phận-định của mình.

    16) Khi chèo-hát, lúc hội-hè, trai gái đến chơi xem, không được đứng ngồi lẫn-lộn, để ngăn-ngừa thói dâm-ô.

    17) Nhà cửa, hàng quán ở dọc đường, nếu có phụ-nữ đi xa vào ngủ trọ, thì cửa ngõ phải đề-phòng cẩn-mật; nếu người nào dám lấy sức khỏe làm việc ô-nhục, khi việc phát-giác, người can-phạm và chủ nhà đều phải trị tội.

    18) Các viên phủ-huyện đều chiếu theo địa-phận sở-tại cắm thẻ bài răn cấm trai gái không được tắm cùng một bến, để tỏ sự phân-biệt và lễ-phép.

    19) Xã-thôn nên chọn một, hai người cao tuổi, đạo-đức học-lực khá, phẩm hạnh tốt, làm người đứng đầu, cử những ngày nhàn-rỗi, đưa nhân-dân đến đình-quán, công-sở hội-họp, giảng-giải lời cáo-dụ, để cùng nhau trông vào đấy mà làm điều lành, cùng tiến đến phong-tục tốt-đẹp

    20) Trong hạt các phủ-huyện, nếu có kẻ cường-hào xâm-chiếm ruộng đất, ức-hiếp người cô-độc, xui nguyên giục bị, kiện-cáo lẫn nhau, thì cho phép xã-thôn dò xét tố-giác để nghị-trị; nếu phủ-huyện nào vì tình riêng mà ẩn-giấu di, sẽ bị luận vào tội giáng-chức hoặc bãi-chức.

    21) Những nhà tước vương, tước công và đại-thần, chứa-chấp người tư-cách hèn-hạ làm cò mồi đưa đồ đút lót, cùng nô-tì những nhà ấy mua ức phẩm-vật của dân, thì cho phép người đương-sự đến cửa quan tố-cáo, bọn can-phạm sẽ bị trừng-phạt nặng.

    22) Viên quan giữ chức-trách mục-dân, nếu viên nào dạy-bảo đốc-sức nhân-dân trong hạt hăng-hái theo lễ-nghĩa nhún-nhường, thì ty Hiến-sát xét thực, ghi vào hạng nhất trong dịp khảo-công; nếu viên nào không siêng-năng dạy bảo nhân dân, khi khảo-công, sẽ bị liệt vào hạng không làm đầy-đủ chức-phận.

    23) Xã-trưởng, thôn-trưởng, và phường-trưởng, người nào biết siêng-năng dạy-bảo đốc-sức, làm theo phong-tục làng xóm trở nên tốt lành, thì các viên phủ-huyện trình-bày rõ với hai ty Thừa-chính và Hiến-sát xét thực, tâu lên triều-đình sẽ ban khen thưởng.

    24) Phàm những người Mán, người Lào ở ven biên-giới phải kính giữ luân-lý, không được làm rối loạn đạo thường; như sau khi cha anh, chú bác đã mất rồi, người nào là con cháu, anh em với người đã chết ấy không được nhận lấy vợ cả hoặc vợ lẽ của họ làm vợ mình; nếu ai trái lệnh, sẽ phải trừng-trị một cách nghiêm-ngặt([2]).

    Phân-tích 24 huấn-điều, ta thấy vua Lê Thánh-tông đã chú-trọng đến những vấn-đề giáo-dục gia-đình, xã-hội, chính-trị và văn-hóa. Phần nói về gia đình gồm 9 điều, đề-cập đến nhiệm-vụ giáo-dục của cha mẹ[1], gia-trưởng[2], nhiệm-vụ tôn trọng lễ-nghĩa của vợ chồng[3], tử-đệ[4], nàng dâu[6], đàn bà góa[7,8,9], người vợ[10]. Phần nói về xã-hội gồm có 8 điều, đề-cập đến sinh-hoạt nơi hương-đảng, nhiệm-vụ tương-trợ[5], diệt cường-hào[20], ác-bá[21], tinh-thần tôn-trọng nghề-nghiệp, nhất là thương-mại [14], lễ-nghi hôn-nhân tế tự [15], tôn-trọng phụ-nữ ở quán trọ[17], ở những nơi công-cộng[16], ở bến tắm [18]. Phần nói về chính-trị gồm 3 điều, tiêu-chuẩn chọn xã-trưởng[19], nhiệm-vụ công dân[13], nhiệm vụ điển-lại[12]. Về văn-hóa có 4 điều nói về tư-cách sĩ-phu[11], nhiệm vụ giáo-dục của quan-viên[22], việc của huynh-trưởng[23], việc giáo-hóa dân-tộc thiểu-số[24]. Xét riêng về phương-diện giáo-dục, ta thấy rõ-ràng bản huấn-điều chú-trọng tới 2 điểm chính, đó là 6 nhiệm-vụ giáo-dục [1,2,11,22,23,24] và 18 nhiệm-vụ thi-hành giáo-dục trong đó có 10 nhiệm-vụ tổng-quát[3,4,5,20,21,14,15,19,13,12] và 8 nhiệm-vụ liên-quan đến giáo-dục phụ-nữ[6,7,8,9,10,16,17,18]

    **********
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Thất-xuất là: không có con, dâm đãng, không kính thờ cha mẹ chồng, lắm lời nhiều điều, ăn trộm ăn-cắp, ghen tuông, có những bệnh như hủi, điên, câm, điếc

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Xem Thiên-nam dư hạ-tập, dẫn trong Khâm-định Việt-sử thông-giám cương-mục, bản dịch của Ban nghiên-cứu văn-sử-địa Hà-Nội. Tôi đi xem lại nguyên bản, sửa lại một vài chỗ trong bản dịch và đối-chiếu với bản dịch của Trần-Trọng-Kim trong Việt-nam sử-lược, trang 243-246

    CHƯƠNG IV (Còn tiếp...)
     
    tducchau, Ngọc Sơn and thanhbt like this.
  12. hhongxuan

    hhongxuan Lớp 7

    CHƯƠNG IV (Tiếp theo)

    B. – Bản Lê-triều giáo-hóa điểu-lệ tứ thập thất điều (1663).


    Bản này được san-định vào tháng 7 mùa thu năm Cảnh-trị nguyên-niên(1663), đời vua Lê Huyền-tôn, đến mùa xuân năm Cảnh-hưng thứ 21 (1760) được minh-định rồi chuyển-tống cho quan-lại các nha-môn vâng lệnh tuân-hành; bản diễn Nôm của Nhữ-Đình-Toản (Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link) cũng được phát-hành nhân dịp này.

    Từ ngày ban-hành 24 huấn-điều(1499), giáo-dục và thi-cử được triều-đình chú-trọng hơn trước. Khoa Hội-thi tháng 4 ta năm 1499 được tổ-chức nghiêm-cẩn, số lấy đỗ là 55 tiến-sĩ trên hơn 5.000 cử-nhân dự thi, đề-tài thi Đình hỏi về nhân-tài và chính-sách của vương-giả; khoa Hương-thi năm 1501, Hội-thi năm 1502 lấy đỗ ít hơn ( 61 người trên 5.000 thí sinh), đề thi Đình hỏi về công việc đế-vương trị nước, đề thi Đình khóa 1511 hỏi về đạo trị-dân xưa và nay; sắc-dụ cải-cách thi Hương năm 1511 lại ảnh-hưởng đến kỳ thi Hội năm 1514, số trúng-cách chỉ co 43 trong khi có đến 5.700 cử-nhân ứng-thi, đề thi đều hỏi về nhân-tài (năm 1514), về tương-quan giữa việc dùng người và việc trị nước (1518), đạo làm vua làm thầy (1525). Tổ-chức giáo-dục đang tiến triển một cách tốt đẹp thì xảy ra biến-cố nhà Mạc, ảnh-hưởng tai-hại đến những khoa thi do nhà Mạc tổ-chức đã đành (từ 1529 đến 1592, 22 khoa thi, 485 trúng cách), ngay cả những khoa thi từ 1554 đến 1583, và những khoa từ 1595 đến 1659 đã không giữ được kỷ-luật nghiêm-minh cần-thiết, vì thế, đã phải thiết-lập những khoa Sĩ-vọng(1658), Đông-các(1659) để điều-chỉnh lại những khuyết-điểm đã gặp; tại-hại nhất là các khoa thi Hương để cho thí-sinh ngang-nhiên mang sách vào thi, nhiều người nổi tiếng là học dốt, đi thi cầu may cũng đỗ. Cũng vì vậy mà một mặt vua Huyền-tông bắt các sinh-đồ đã trúng-tuyển các khoa dậu(1657) tí(1660) mão(1663), phải thi lại, một mặt nhà Vua ban-hành bản Lê-triều giáo-huấn điều-lệ(Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link) hầu chấn-chỉnh lại tình-trạng giáo-dục suy-đồi.

    Cũng như 24 huấn-điều, bản giáo-huấn này khai-triển bốn đề-mục chính trong 47 điều-khoản. Đề-mục thứ nhất là gia-đình gồm 10 điều nói về bổn-phận của mọi thành-phần trong gia-đình: con[2], anh em [3], vợ chồng [4], cha mẹ [6] gia-trưởng [8], tử-đệ [9], con dâu [10], đàn bà góa [11,12,13]. Đề-mục thứ hai là xã-hội gồm 16 điều nói về hương-đảng, trật-tự trong hương-đảng [14], nhiệm-vụ của người làng [15,34,22,23,24], óc hợp-quần[16], hòa-mục [19], tinh-thần tương-trợ[45], tương-thân[49]; sau đấy là nhiệm-vụ của thương-gia[33], nhiệm-vụ coi con người là người [43], là bạn [5] là khách [21]; sau hết là tinh-thần tôn-trọng lễ-nghi: tang-tế [41], hôn-nhân [44]. Đề-mục thứ ba là văn-hóa, gồm 6 điều nói về nghĩa tôn-sư[7], việc sùng chính-học[30,38,40], trọng cổ-điển[35], bảo-tồn các di-tích lịch-sử [37]. Đề mục thứ tư là chính-trị gồm 14 điều nói về hành-chánh: nhiệm-vụ quan-viên [1], điền-lại [36], xã-trưởng, tiêu-chuẩn đề-cử [25], nhiệm-vụ trọng-tài [17]; sau đấy là luật-pháp: trọng pháp [18], tránh kiện-tụng [31], vu-cáo [32], nhiệm-vụ làm chứng-nhân [20], tôn-trọng công-bình [47]; cuối cùng là nhiệm-vụ công-dân: óc tôn-quân [42], thái-độ cần [26] kiệm [27], nhập-cuộc [28], công-chính [29] trọng danh-tính [39]. Đối chiếu với bản 24 huấn-điều, nội-dung căn-bản của tác-phẩm này không sai-biệt; 23 điều-khoản viết thêm là phần khai-triển, hoặc nhấn mạnh về một điều-khoản nào như vai trò của dân-chúng ở hương-thôn, hoặc chú-trọng tới việc đề-cao văn-hóa cổ-điển là những điều-khoản liên-quan đến thực-tại thế-kỷ XVII. Việc cường-điệu nhiệm-vụ của xã-trưởng có thể đã nhận từ khoa thi thương năm 1501, trong đó xã-trưởng phải loại khai họ tên học-trò để cho phủ, huyện, châu sát-hạch từng người; khoa thi hương năm 1511, các nhà lãnh-đạo giáo-dục thời ấy kêu gọi xã-trưởng nên theo đức-ý của triều-đình, giữ công-bằng để chọn được thực-tài cho nhà nước dùng; nhiệm-vụ của xã-trưởng không thấy đề-cập tới nữa trong những kỳ thi của nhà Mạc và đời Lê Trung-hưng, chính vì thế mà những khoa thi từ 1525 đến 1659 đã hết sức lộn-xộn như ta đã trình-bày ở trên. Những khoản nói thêm về văn-hóa, nhất là điều 35, đã nói lên nỗi ưu-tư của nhà cầm-quyền trước cao-trào phục-hưng của đạo Phật cũng như trước sự bột-khởi của ý-thức dân-chúng. Đây là điều 35 mà không ai có quyền không biết khi tìm hiểu về lịch-sử văn-hóa Việt-Nam: “Phàm kinh sử tử-tập cùng văn-chương hữu-ích cho thế-giáo mới được san-bản thông-hành, còn những sách dị-đoan tà-thuyết của đạo Lão, đạo Phật, những truyện Quốc-âm và ca-thi dâm-đãng, không được san-bản ấn-khắc mà tổn-thương cho phong-hóa”. Sự cấm-đoán vô-lý của nhà cầm-quyền đã phát-động một phản ứng dữ-dội về phía các nhà văn; không ai bảo ai mà cả một phong-trào truyện vô-danh được thành-hình(Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link), người ta sử-dụng danh-xưng nôm-na trong câu phê-phán đầu lưỡi của nhà cầm-quyền “nôm na cha mách qué” như một khẩu-hiệu tranh-đấu (Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link). Một phong-trào văn-học mới phát-sinh trên sự đổ nát càng ngày càng thê-thảm của nền giáo-dục quốc-gia. Dân-chúng năm 1674 ồ-ạt theo ưu-binh Thanh, Nghệ đón giết bồi-tụng Ngyễn-Quốc-Trinh, rồi đến cướp nhà tham-tụng Phạm-Công-Trứ là tác giả Lê-triều giáo-huấn điều-lệ, đuổi cho Ông phải trốn ra ngoài mới được thoát-nạn, vài tháng sau thì mất (1675). Năm 1676 (đời Vĩnh-trị, 1676-1680), triều đình phải đặt 6 giáo điều để khuyên-răn bầy tôi và nhân dân trong kinh-thành, ngoài biên-trấn, nhưng đấy không phải là giáo huấn nữa, mà chỉ toàn là những lời cảnh-báo, đe-dọa. Năm 1678, 16 điều-lệ thi Hương được tung ra; ngày thi, sỉ-tử phải được nhận-diện và điểm-mục. Nhìn chung đây là một cải-tổ quan-trọng trong lịch-sử thi Hương và đây cũng là lần đầu tiên nhà cầm-quyền chính-thức cấm-đoán lối học thuộc lòng rồi theo đúng sách viết ra, đánh hỏng những bài trùng-kiến; những điều cấm-đoán này được nhắc trong kỳ thi Hương năm 1694 với lời nhấn mạnh: cấm không được chép lại bài cũ; năm 1711 bắt buộc quan-trường khi ra đề không được theo đề cũ, hoặc những đề đã được các học-giả làm sẵn đem bán. Năm 1720 là năm các nhà lãnh-đạo giáo-dục quyết-liệt nhất trong việc ra đề thi. Trước kia, thi Hương đều do quan trường ra đề, từ năm 1720, trường ba và trường tư là kỳ quyết định của học-trò, Trịnh-Cương đặc-sai quan kinh nghĩ ra đầu đề thi Hương ở trong phủ trình lên để phòng gian-tệ, rồi sai chạy trạm chia đề cho các trường. Cũng vào năm này, triều-đình lại ban-bố 10 giáo-điều đại-lược như sau: “Học-trò siêng-năng về nghề-nghiệp học-hành, trước hết giảng-giải cho sáng-tỏ những điều lễ-nghĩa, trung-tín. Làm người phải giữ vững luân-thường, người đồng-tông một họ hoặc người tình thân bên họ ngoại không được kết-hôn lẫn-lộn với nhau. Quan và dân, lễ nghi cách-biệt không được ngạo mạn khinh-nhờn. Đồ mặc đồ dùng ở dân-gian không nên lấn-vượt. Chớ quen với tập-tục xấu mà đua nhau phao-phí về cỗ-bàn. Chớ mê-hoặc dị-đoan mà theo nhau chơi-bời trễ-biếng. Việc lễ-bái cầu-đảo phải có tiết-độ theo mực trung-bình, dè tỏ phong-tục sẻn-nhặt. Gặp nhà có tang phải thương xót lẫn nhau, làm cho phong hóa của dân ngày một thuần-hậu” (Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link). Bản Thập-điều năm 1720 của Trịnh-Cương đã bị vua Tự-đức phê-phán: “Lại làm từ văn-từ hão-huyền”. Câu ấy diễn-tả rất đúng sự trì-trệ đáng ngạc-nhiên của tổ-chức nho-học thời bấy giờ, sự trì-trệ của Bùi-Sĩ-Tiêm([6]) đã can-đảm phân-tích trình-bày với Trịnh-Giang năm 1731 và vì lời tâu trung-thực ấy bị cách-chức. Đây là một đoạn trong 10 điều trần-tình: “Văn-chương là một món để thu-hút sĩ-phu, là một thứ để tô-điểm nhà nước. Văn-thể triều ta, bắt đầu chấn-chỉnh từ thời Thiệu-binh (Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link), phát huy đầy-đủ từ thời Hồng-đức; đến trung-gian, một lần thay đổi nữa mà thành ra thể văn tầm-chương trích-cú; hơn nữa, coi kinh sách của thánh-nhân là dấu vết cũ-rích, sử sách về cổ-đại là cỏ rác vãi rơi. Sĩ-tử trong một thời bỏ sách kinh, sách truyện mà nghiên-cứu sách ngoài để cầu được đỗ cao, đến những lời nói về việc cứu thời-thế nguy-nan, sửa-chữa việc tệ-hại, thì không một câu nào có thể dùng được cả.

    Tôi xin vương-thượng dốc lòng tôn-sùng đạo-học chính-thống, chấn-hưng phong-thái nhà nho. Phàm những tập văn do hậu-nho viết ra như các sách Ngốc-trai ([8]), Đề-cương(Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link) và Trường-sách ([10]), nhất-thiết cấm chỉ. Đầu bài thi về kỳ văn-sách, nên bỏ bớt điều-mục mà cần những điều thiết-thực cốt-yếu, văn cổ thì hỏi đại-lược việc phải việc trái để biết sức học của học-trò; văn kim thì hỏi những sự việc về chính-trị, để xét trí-mưu sáng-tạo của học-trò (Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link). Như thế thì không thể văn nào là không xuất-phát từ lẽ chính-đáng. Tóm lại, đấy là chấn-chỉnh văn-thể để mài giũa hiền-tài”(Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link).

    Chủ-trương của Bùi-Sĩ-Tiêm ảnh-hưởng mãnh-liệt đến tư-tưởng của Nhữ-Đình-Toản lúc ấy đã 30 tuổi, vừa đỗ cử-nhân được mấy năm (1727), đang làm chức tự-thừa và đang chuẩn-bị thi Hội. Năm 1736, Nhữ-Đình-Toản đỗ Hội-nguyên tiến-sĩ, năm 1742 làm thái-phỏng lộ Sơn-nam hạ. Năm 1751, có 3 sự-kiện gắn liền với thân-thế của Nhữ-Đình-Toản với thân-thế của Bùi-Sĩ-Tiêm; đầu tiên đó là việc Ông ra đề thi cho các cống-sĩ thi lại ở lầu Ngũ-long; bọn ông Ngô-Đình-Oánh ra đầu bài văn-sách, lại chia ra hỏi nhiều mục (gọi là văn-sách mục), Nhữ-Đình-Toản phản-đối và xin chỉ-chuẩn ấn-định: văn-sách về cổ-văn thì hỏi đại-lược việc phải việc trái, về kim-văn thì hỏi công việc hiện-thời (gọi là văn-sách đạo); đề-nghị của Ông rõ-rệt chịu ảnh-hưởng của Bùi-Sĩ-Tiêm, đã được Trịnh-Doanh chấp-thuận thi-hành. Tháng 6 ta Nhữ-Đình-Toản được lệnh chấn-chỉnh chức-trách các viên quan giữ việc chính-trị; Ông châm-chước điển-lệ lịch-triều, xếp đặt quan-chức phẩm-trật thành từng loại, gọi là “Tấn thân thực-lực” ([13]), đồng thời ban-hành 9 điều nói rõ chức-trách công-việc của các quan trong kinh, ngoài trấn; chỉ đọc điều khoản đầu tiên (giúp đỡ vua làm cho bụng nghĩ của vua được ngay thẳng) ta đã thấy rõ-ràng đó cũng là điều-mục thứ nhất trong Thập-điều của Bùi-Sĩ-Tiêm trình lên Trịnh-Giang 20 năm về trước. Sự-kiện thứ ba là sự kiện liên-hệ đến bản Lê-triều giáo-huấn điều-lệ; ta đã biết trong năm Cảnh-trị thứ 1 (1963), Phạm-Công-Trứ phụng-mệnh làm bản giáo-điều gồm 47 mục, mỗi xã đặt một viên quan, cứ ngày đầu năm vào xã-điền đem giáo-điều đọc cho dân nghe; từ khi trong nước nhiều việc lộn-xộn, việc giảng-giải giáo-điều tường minh chu-chi cho bọn ngu-phu ngu-phụ nghe không được tiếp-tục nữa; năm 1751, Trịnh-Doanh lại hạ-lệnh cho thi-hành việc này, nhưng sự hưởng-ứng của dân-chúng rất yếu-ớt, người ta cho đó như là một việc không đáng để ý đến nữa. Lịch-sử không nói rõ Trịnh-Doanh đã ra lệnh này cho ai thực-hiện, nhưng ta được biết rằng trong lúc này, Nhữ-Đình-Toản đang làm tham-tụng, đến năm 1756 thì cũng như Phạm-Công-Trứ năm 1662, Ông được kiêm-nhiệm điều-khiển Quốc-tử giám và đến năm 1760, bản diễn-nôm Lê-triều giáo-huấn điều-lệ được phổ-biến để rồi đưa Nhữ-Đình-Toản lên Thượng-thư bộ Hộ năm 1761 cũng như việc phát-hành Lê-triều giáo-huấn điều-lệ năm 1663 đưa Phạm-Công-Trứ lên Thượng-thư bộ Lại năm 1664. Cả hai nhà trước-tác, một tác-gia và một dịch-giả, đã có những hoài-bão và một vận-mệnh như nhau: nếu năm 1763, Đỗ-Thế-Giai không trở lại chính-trường để đến nỗi Nhữ-Đình-Toản phải uất-ức xin chuyển sang võ-ban, nếu Ông không chết trước vào năm 1773 mà còn sống đến năm 1782, chắc-chắn Ông sẽ bị quân tam-phủ đến đốt nhà như năm 1764 ưu-binh đến đốt nhà Phạm-Công-Trứ, hoặc ít nhất cũng bị bãi chức như con Ông là Nhữ-Công-Điền tháng chạp năm 1782. Nói cách khác, thời-thế không thuận-lợi nữa cho những giáo-điều có tính-cách quyết-liệt. Tâm hồn dân-chúng đã thay đổi, ao-ước những lời giáo-huấn nhân-loại hơn, có dân-tính đậm-đà hơn, và phù-hợp với thời-thế đang chuyển-mình dữ dội. Việc phổ-biến bản diễn nôm của Nhữ-Đình-Toản rút lại cũng chỉ cung-cấp cho lịch-sử văn-học một tác-phẩm giàu ngôn-ngữ văn-chương hơn là đóng góp cho lịch-sử giáo-dục một kế-hoạch hữu-hiệu. Lịch-sử giáo-dục nhà Lê đến năm 1787 là chấm dứt sau khi được 129 khoa tiến-sĩ và lấy đỗ 1.854 ông nghè.

    **********
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Bản này gồm 482 câu lục-bát, dịch rất sát nguyên-bản, lời văn trang-trọng, chải-chuốt. Dịch-giả là người xã Hoạch-trạch, huyện Đường-an, trấn Hải-dương, sinh năm 1702 đỗ tiến-sĩ khoa bính-thìn(1736), có lẽ làm Lang-trung ti Thuyên-khảo bộ Lại trong những năm từ 1736 đến năm 1741 là năm ông bắt đầu được lịch-sử đề-cập tới. Đời chính-trị của ông có thể chia làm 3 phần: a) từ 1736-1744 giữ những chức-vụ không quan-trọng, đầu tiên có thể là Lang-trung, sau đến hiệp-mưu của đốc-trấn Hải-dương (1741), bị giặc Kình đánh bại ở La-mát nhưng lại thuyết-phục được Kình đầu hàng ( tháng 2 ta năm 1741), rồi giữ chức tuần-thủ một đạo ở Hải-dương hiệp-đồng với Vũ-Phương-Đề (tác giả Công-dư tiệp ký) Vũ-Khâm-Lân (một chủ-khảo ra đề thi về thời-vụ), Phạm-Đình-Trọng (tác giả bài Tượng đầu đoán tụng ký có in trong Hoàng-Việt văn-tuyển); tháng 6 ta nâm 1742 đi thanh-tra ở lộ Sơn-nam hạ, kiểm-soát Phạm-Hữu-Du bị tố-cáo tham-nhũng. b) Từ 1745-1761, họ Nhữ bắt đầu giữ những chức-vụ lớn, đầu tiên là chức tham-tụng (1745), được Trịnh-Doanh tin dùng; năm 1751, ra đề thi cho các cống-sĩ thi lại tại lầu Ngũ-long, đề hỏi sơ-lược về cổ-văn và chú-trọng đến chính-sự đương-thời; năm 1756, kiêm-nhiệm Tế-tửu Quốc-tử-giám; năm 1761, làm thượng-thư bộ Hộ, khảo-sát quan-lại. c) Từ 1762-1772, có lẽ vì việc tranh-chấp với Lê-Trọng-Thứ, tiến-sĩ năm 1724, và nghe phong thanh Đỗ-Thế-Giai trở về chính-trường, Ông xin đòi sang võ-ban, được bổ giữ chức hữu hiệu-điểm, cai-quản đội Nghiêm-hữu trong Nội-hậu. Từ đây cho đến khi nhắm mắt (1773), ông không được sử-sách nhắc đến tên nữa.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Tác-giả Phạm-Công-Trứ (1600-1675) người làng Liêu-xuyên, huyện Đường-hào (nay là Mỹ-hào), Hưng-yên, đỗ tiến-sĩ năm 1628 phó đô ngự-sử (1645), Thượng-thư bộ Lễ (1657), điều-khiển Quốc-tử giám (1662), Thượng-thư bộ Lại (1664)

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Có nhiều loại truyện vô-danh, a) Vô-danh vì giá-trị tác-phẩm quá thấp kém, không ai cần biết đến tên tác-giả (trường-hợp Hữu kế truyện) b) vì thiếu tài-liệu nghiên-cứu (trường-hợp Quan-âm thị Kính của Đỗ-Trọng-Dư, Nhị đô mai của Đặng-Huy-Trứ) vì nhà nghiên-cứu thiếu khả năng cổ-ngữ (trường-hợp Thiên-nam minh-giám của Di-lư), d) vì chống-đối nhà cầm-quyền (trường-hợp các tác-phẩm trong phong-trào vô-danh thế-kỷ thứ XVII.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Văn-học từ thế-kỷ XVII có thể gọi là văn-học nôm-na vì các tác-giả đều tự xưng như thế : “Nỗi hòa biện nghĩa soạn đường nôm-na” (Thiên nam ngữ lục), “Nôm-na xin diễn tích ngài” (Đức Phật-bà truyện) “Lòng thành rạng tỏ nôm-na một đường” (Sơ-kính tân-trang) v.v...

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Xem CM, XXXV, 33

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Bùi-Sĩ-Tiêm (1690-1731), người làng Kinh-lũ, huyện Đông-quan, Thái-bình, một giám-sinh ưu-tú, đỗ đệ-nhị giáp tiến-sĩ năm 1715

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Niên-hiệu Lê Thái-tôn.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Ngốc trại thập khoa sách lược, do Lưu-Định-Chi nhà Minh biên-soạn

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Sách học đề cương, do Chúc-Nghiêu nhà Nguyên biên-soạn.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Tứ-đạo trường sách: không rõ tác-giả

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Đề xét trí-mưu sáng-tạo của học-trò, đó là một ý-tưởng rất mới cần phải nghiên-cứu một cách đầy-đủ hơn nữa trong một tác-phẩm.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link CM, Chính-biên XXXVII, 19

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Phan-Huy-Chú, tỏng Nhân-vật chí, ghi là Bách quan chức trưởng, nhưng trong Văn-tịch chỉ lại ghi là Bách tư chức trưởng

    CHƯƠNG IV (Còn tiếp...)
     
    tducchau thích bài này.
  13. hhongxuan

    hhongxuan Lớp 7

    CHƯƠNG IV (Tiếp theo)

    C. – vị trí của Huấn-địch thập điều.


    Những nhận-định trên cho ta có thể có một cái nhìn chính-xác về vị-trí của Huấn-địch thập điều do vua Minh-mệnh ban hành năm 1834. Đây không hẳn là những tư-tưởng giáo-dục độc-đáo, cũng không phải là một chính-sách giáo-dục thoát khỏi sự chi-phối của triết-lý nho-gia, nhưng một sự đối-chiếu đầu-tiên xác-nhận vị-trí của thập điều trong trong xã-hội Nguyễn sơ là vị-trí của Nhị thập tứ huấn-điều năm Hồng-đức, nghĩa là một vị-trí hợp-thời, ngoạn-mục. Cả hai chính-sách giáo-dục đã đáp-ứng nhu-cầu thời-thế và có đầy-đủ khả-năng tạo ra một thế-hệ trẻ-trung, khỏe-mạnh, hoạt-động, lạc-quan. Ngược lại bản Lê-triều giáo-huấn điều-lệ năm 1663 và bản diễn nôm của nó năm 1760 đã xuất-hiện bất hợp-thời, phi-lý, thừa-thãi, chẳng khác gì bản Thập-điều diễn-nôm của vua Tự-đức năm 1870 (Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link). Ta ước mong được đọc trong bản giáo-điều 1663 một triết-lý giáo-dục có tính cách tổng-hợp hơn, có màu sắc Việt-Nam hơn, có chủ-trương khai-phóng và dân-tộc hơn cũng như ta mong ước dược đọc trong bản giáo-điều năm 1870 những khuynh-hướng về khoa-học thực-nghiệm, một chương-trình giảng-dạy về nông-chính, thiên-văn, cơ-khí, toán-học, một quyết-định hạn-chế phạm-vi của Hán-văn, chủ-trương sử-dụng chữ Nôm một cách chính-thức.

    Ngoài ra, về phương-diện bố-cục, bản Thập-điều 1834 đã tỏ ra xuất-sắc vượt hẳn các bản giáo-điều có trước nó. Các tác-giả năm 1470 và 1663 trình-bày vấn-đề giáo-dục theo phương-pháp qui nạp, làm cho tư-tưởng rời-rạc, thiếu hệ-thống và vì thế thiếu chính-xác; đó có thể là những huấn-thị có tính-cách hành-chánh hơn là những hiến-chương giáo dục mặc dầu về phương diện này, chưa một ai phủ-nhận, trong khi bản Thập-điều năm 1834 được xếp đặt theo phương pháp diễn-kịch, đi từ nguyên-tắc đến chi-tiết, làm cho hệ-thống tư-tưởng nhất-trí, chặt chẽ, trong đó chính-sách giáo-dục chi-phối toàn-thể tinh-thần bài-văn. Nhờ điểm này, Thập-điều là một hiến-chương giáo-dục thực-sự. Sự-thế đã biến-chuyển quá mau, khiến cho chỉ trong một thời-gian ngắn, mọi giá-trị đã hoàn-toàn bị thay-đổi, nhưng nếu vua Thánh-tổ đã sống đến năm 1870, chắc-chắn Ngài đã ban hành một hiến-chương giáo-dục trong đó ý-kiến của Nguyễn-Trường-Tộ sẽ giữ được tỉ-lệ khả-quan.

    Cho đến nay, vấn-đề giáo-dục được đặt ra từ thế-kỷ trước vẫn chưa được giải-quyết hợp-lý. Trong hỗn-loạn của chiến-tranh, giữa lúc nhiều quốc-gia đang nỗ-lực hướng đến một không-gian khác, người Việt-Nam chúng ta vẫn chưa tìm hiểu được lịch-sử của chính mình. Phải học-tập chính-sách giáo-dục của vua Minh-mệnh để nhận thấy rằng tính-cách bất-phân giữa văn-hóa, giáo-dục, xã hội trong quan-niệm tổng-hợp ngày xưa đã tạo ra được những kết quả rất tốt-đẹp, sự nồng-nhiệt trong hoạt-động, nhưng đồng thời cũng phải ghi nhận những thất-bại của vua Tự-đức để quan-niệm giáo-dục thích-nghi với những tiến-triển của xã-hội, phụ-hợp với những phát-kiến của văn-hóa, vừa duy-trì được bản-chất dân-tộc, vừa có tính-cách khai-phóng để có thể hòa-đồng với các quốc-gia. Việc nghiên-cứu về nền giáo-dục triều Nguyễn cho ta có quyền khẳng-định một sự phân-phối hợp-lý hơn giữa nhiệm-vụ của các bộ Văn-hóa, Giáo-dục và Thanh-niên; nếu phần giáo-dục chuyên môn, chuyên-biệt và khoa-học, kỹ-thuật thuộc phạm-vi của bộ Giáo-dục và Thanh-niên thì phần giáo-dục tổng-quát, giáo-dục nghệ-thuật, giáo-dục bình-dân, tráng-niên, có khi cả giáo-dục cộng-đồng nữa, phải thuộc vào phạm-vi của bộ Văn-hóa. Phải phân-phối rành-mạch như vậy, theo sự chỉ-minh của bản Huấn-địch thập điều, mới chứng-thực được tính-cách phổ-thông của tất cả những gì mà người xưa gọi tổng-quát là giáo-huấn mà bây giờ ta gọi là giáo-dục căn-bản, tráng-niên hay cộng-đồng.

    Bản Thập-điều nếu còn có một ý-nghĩa gì với thế-hệ khoa-học và kỹ-thuật ngày nay, chính là đã khẳng-định được mục-đích của giáo-dục con người, con người cụ-thể, toàn-diện, hiện-hữu giữa xã-hội của mình, mọi người đều có nhiệm-vụ giáo-dục và quyền đắc-thụ giáo-dục ngang hàng nhau, và chỉ có nền giáo dục được quan-niệm một cách dân-bản như thế mới kiến-tạo được một xã-hội hòa-bình, bởi vì hòa-bình, như đã minh-định trong phần kết-luận của bản Thập-điều, là kết-quả đương-nhiên của một chính-sách giáo-dục tốt.

    Với những nhận-định dẫn-nhập này, ta có thể bắt đầu đọc Thánh-dụ Huấn-địch thập điều của vua Thánh-tổ.


    **********
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Thực ra, chính vua Tự-đức cũng định cải-cách việc học và phép thi đó là nhan-đề một bài nghiên-cứu lịch-sử của Hoa-Bằng đăng trong báo Tri-Tân số 32 ngày 21-1-1942. Theo bài dụ năm 1850 vua Tự-đức đã nhận đúng về tình-trạng giáo-dục đương-thời như sau: “Khoa-mục mở rộng trải lâu năm rồi, nhiều sĩ-phu bấy lâu nhờ ơn giáo-dục đều được hun-nung, nắn-đúc. Đáng lẽ nhân-tài ngày càng thịnh hơn thuở trước mới phải! Thế mà cần lấy hạng thực-tài trong đám kẻ sĩ lựa chọn được trong khoa gần đây lại thấy khác hẳn những bậc thực-học ở khoảng năm Minh-mệnh. Năm trước, Trẫm đã thân ngự nơi hiên, ra chế-sách để lượm lặt được rộng, hỏi-han được nhiều, song những bài vở đình-đối bấy giờ chỉ là nhưng văn phù-phiếm sơ-lược chứ không phải những văn thực-dụng thiết-yếu… Ôi! Trong vòng mười bước tất cả cỏ thơm; thiên-hạ rộng-rãi há lại không có kỳ-tài? Song khoa-mục rộng hơn trước mà nhân-tài lại dần dần không bằng xưa, phải chăng là do phép thi còn chỗ không tinh-mật, ngạch giải-khôi có lẽ phần nhiều còn phiếm và lạm, nên mới đến nỗi thế?” Xem như trên, không thể kết-luận vội-vã rằng vua Tự-đức đã không thấy những khuyết-điểm của chế-độ giáo dục đương thời và càng không thể qui tội cho nhà vua đã không chú-ý đến những bản điều-trần của Nguyễn-Trường-Tộ như những ông Lê-Thức, Nguyễn-Trọng-Thuật, Đào-Đăng-Vỹ, Nguyễn-Lân, Hoa-Bằng đã kết-án.
     
    tducchau thích bài này.
  14. hhongxuan

    hhongxuan Lớp 7

    Phần II

    Thánh-dụ huấn-địch thập điều


    CHƯƠNG I

    PHIÊN-ÂM BẢN THÁNH-DỤ HUẤN-ĐỊCH THẬP ĐIỀU.

    A) 1. Thánh dụ : Tự cổ, thánh-đế minh-vương dĩ chính-đạo (1) lỵ (2) thiên-hạ, tất dĩ hóa dân thành tục vi tiên vụ [1,2,3,4].

    2. Thân giáo ngôn giáo (3), cụ hữu nghị-hình (4) hữu lự dân chi quan-cảm bất nhất, thị-thính nan tề, tắc thiết vi mạnh-xuân tù-nhân (5) tuẫn-lộ (6), chính-nguyệt (7) châu-trưởng (8) độc pháp chi chế (9), dụng năng gia dụ (10) hộ hiểu, hưng nhượng hưng (11), nhân, dĩ trăn (12) ung-hi (13) du cửu (14) chi thịnh [5,6,7,8,9,10,11,12,13,14].

    3. Ngã quốc-gia triệu cơ (15) Nam phục, thần quyền thánh kế nhị bách dư niên, đức-ý nông-hàm (16), mỹ thành tại cửu [15,16,17,18].

    4. Phụng ngã Hoàng-khảo Thể-tổ Cao-hoàng đế đại-định chi hậu, hưng học-hiệu dĩ dục tài, ban điều-lệ dĩ chính tục, thiện chính thiện giáo, tiếp (17) vu dân-tâm, thường đạo chi trinh (18), thất (19) hưu tiền-cổ [19,20,21,22,23,24].

    5. Trẫm phi thiệu (20) hồng-đồ (21), suất tuần đại-biện (22), thâm tư phú nhi hậu giáo chi nghĩa (23), hướng lai tuy điêu phủ sái (24), giảng xá quyên tô (35), quyền-quyền (26) dĩ huệ-dưỡng (27) lê-nguyên (28) vi niệm [25,26,27,28,29,30].

    6. Tuy vị năng sử ngô dân hàm trăn phủ-thứ (29), nhiên nhi hàm-dưỡng an-dật (30), kinh kim thập hữu ngũ niên hĩ, giáo-huấn chính-tục, đản (31) duy kỳ thời [31,32,33,34,35,36].

    7. Tiết kinh (32) du lệnh chư địa-phương, liêm-phỏng (33) hiếu-thuận tiết-nghĩa, nhất hữu tấu thượng, tức hậu-gia tinh-tưởng, dữ phù hiền-lương phương, chính chi sĩ, diệc mệnh sở-tại sưu-cầu (34), thực duy khuyến-lệ (35) hữu phương, dĩ vi nhân-tâm phong-tục chi kế (36) [37,38,39,40,41,42,43,44].

    8. Trọng niệm dân (37) di vật tắc (38), cụ thử tri năng, chuyên-trất bồng-lư (39), rất hữu trung-tín, kỳ gian thành-phác thuần-hậu (40), cố bất phạp (41) nhân, nhiên diệc hữu khi-bẩm sở tế, vật-dục sở hôn, thị dĩ bất khả vô giáo [45,46,47,48,49,50].

    9. Trẫm thường duyệt Hình-bộ sở thượng án quyền (42), kiến hữu ngoan-minh vô-tri, khinh-phạm pháp-võng, thành khả căng-lân (43), trâm-tâm thù (44) sở bất-nhẫn (45) [51,52,53,54].

    10. Thả thư vô-lại ác-ôn (46), cập cuồng-giảo bất-sinh (47) chi đồ, mỗi hữu cảm hành bất-quỹ (48), tùy tức (49) tận đạo hình tru (50), tử tắc thuận-nghịch chi lý, lượng dĩ chiêu (51) nhân, phàm nhĩ-mục, giai khả văn tri, cố bất đãi phiền-ngôn nhi hậu hiểu dã [55,56,57,58,59,60,61,62].

    11. Đệ (52) tư dũ dân khổng (53) dị, đương tại binh-thời, viên (54) mệnh soạn huấn-địch (55) chi từ phàm thập điều, ban-hành thiên-hạ, tái sắc Lễ-bộ nghĩ-soạn nghi-chú (56), phân-tống (57) kinh-ngoại chi địa-phương [63,64,65,66].

    12. Nhĩ kinh-doãn (58) cập chư đốc, phủ, bố, án, (59) các nghi thể Trẫm thủ ý, tương nguyên tống ấn-bản biến-tổng sở hạt chư tổng, lý, xã, thôn, (60), tịnh (61) chuyển-sức thuộc hạt, phủa, huyện, học-chính (62), cập cai-tổng, lý-trưởng đẳng, các tuân bộ tống nghi-chú, biến-sức (63) sĩ-thứ quân-nhân, tương thử đẳng giáo-điều, dĩ ký (65) tuyên-độc giảng-minh (65), vụ sử gia truyền nhân tụng(66), tương qui (67) dĩ thành, nhật nhiễm nguyệt nhu (68), đồng qui vu thiện (69) [67,68,69,70,71,72,73,74,75,76,77,78].

    13. Nhĩ sĩ-thứ quân-nhân đẳng, thiết vật thị vi cụ-văn (70), tất than thể lực hành, tư nhiên tư hiệu (71) vụ kỳ cách bạc (72) tùng trung, huân-thành (73) mỹ-tục, ư dĩ vĩnh-nhạ (74) thiên-hưu, hàm mông đa phúc; nhĩ thần-thứ tận hưởng xuân-đài thọ-vực, nhi triều-đình diệc đắc trường-thị cửu-an (75), tắc Trẫm quyến-niệm (76) nhĩ đẳng thần-thứ, tư dĩ giáo-dục (77) nhi đào-thành (78) chi. Nhất-phiến khổ-tâm, phương bất hư-phụ (79) hĩ! [79,80,81,82,83,84,85,86,87,88,89,90,91,92].

    Khâm thử.

    CHƯƠNG I (Còn tiếp...)
     
    tducchau thích bài này.
  15. hhongxuan

    hhongxuan Lớp 7

    CHƯƠNG I (Tiếp theo )

    B. Huấn-địch thập điều

    I. Đôn nhân-luân.

    1) Phù nhân-đạo mạc tiên ư minh-luân (80), quân-thần hữu-nghĩa (81), phụ-tử hữu thân (82), phu-phụ hữu biệt (83), huynh-đệ hữu tự (84), bằng-hữu hữu tín, (85), thử nhân chi đại-luân dã, nhân-luân minh nhi hậu nhân-đạo lập [93,94,95,96,97,98,99,100,101,102].

    2) Trẫm nguyện thần-thứ quân-dân đẳng, giai tri dĩ đôn (86) nhân-luân vi trọng [103,104].

    3) Sĩ-giả phụng công (87), lý chính (88) nhi tất tận kỳ tâm, xu sự, (89) phó công (90) nhi bất tích kỳ lực [105,106].

    4) Vi sĩ-giả (91) giảng học minh đạo, để-lệ (92) thành tài, dĩ cung quốc-gia chi dụng [107,108].

    5) Vi binh, nông, công, thương giả, lạc nghiệp phục cần, an thường thủ phận, nội dĩ ngưỡng sự phụ-mẫu (93), phủ dục thê-tử, ngoại dĩ cung tô tựu phú (94), hiếu nghĩa cấp công (95) [109,110,111,112,113,114,115,116].

    6) Lệ quán tịch (96) giả, vật ly ngũ nhi cẩu (97) đào, vật dọa khi (98) nhi bất chấn, cư bình tắc luyện-tập kỹ-nghệ (99), hữu sự (100) tắc phấn-dũng hưởng tiền (101) [117,118,19,120].

    7) Vi tư-lại giả, vật vũ-văn lộng-pháp, vật xâm-đổ (102) tiểu-dân (103), duy tư túc hạ (104) hàm cần (105), vô phế công-sự [121,122,123,124].

    8) Nhược (106) phù sự phụ-mẫu tất dĩ hiếu-kính, xử phu-phụ tất dĩ hòa-thuận, huynh-đệ tắc tương-ái nhi vô quai-tranh (107), bằng-hữu tắc tương-tín nhi vô khi-vũ (108) [125,126,127,128].

    9) Trung-kinh (109) viết: “Quân-tử thủ đạo, sở dĩ trưởng thủ kỳ hưu” nhĩ đẳng tín năng như thị, tắc di-luân du-tự (110), chư phúc hàm trăn (111), vu dĩ vĩnh-nhạn (112) thăng-binh chi trị, hoán hồ (113) vĩ tai ! (114) [129,130,131,132,134].

    II. – Chính tâm-thuật

    1) Phù tâm giả, nhân chi bản dã, kỳ tâm chính, tắc vạn thiện sở do sinh, kỳ tâm bất-chính, tắc bách ác sở tùng xuất, khả bất thận dư? [135,136,137,138,139,140].

    2) Duy hoàng Thượng đế, giáng trung (115) vu hạ dân, nhược hữu thường-tính, thị dĩ nhân-nghĩa lễ-trí, ái-nhiên tứ-đoan (116), nhân chi sơ-sinh, vô bất cố hữu [141,142,143,144].

    3) Trẫm nguyện nhĩ bách-tính (117) đẵng, các tư thường thủ tiện-tâm (118), tồn-dưỡng lương-tính (119), tuy sở-nghiệp (120) hữu bất-đồng nhi hướng thiện tắc nhất (121) [145,146,147,148].

    4) Phú-giả, vật chí ư kiêu-xa, (122) bần-giả, vật lưu gian ngụy (123) vật thiên ư lợi-dụ (124), vật hầm ư ác-tập (125) [149,150,151,152].

    5) Cầu (126) hữu nhất ngôn chi bất-chính, nhất hành chi bất-thiện, tất tri quí-sỉ (127) ư tâm, thâm tự cải-hối, lạc thiện hiếu nghĩa, dĩ bảo kỳ sinh, tịch ác khử tà (128), hàm qui vu chính [153,154,155,156,157,158].

    6) Nhược bất tư cảnh-tỉnh (129), dâm-tịch tà-uế, vô sở bất vi, đáo thử hãm vu hình-trụ, phệ tê (130) hà cập. Thư viết “ Huệ địch cát (131), tùng nghịch hung (132), duy ảnh hưởng” (133) [159,160,161,162,163, 164].

    7) Phù Trẫm giáo-dưỡng vạn-dân, lạc quan nhĩ đẳng chi thành, nhi bất lạc kiến nhĩ đẳng chi li (134) vu cữu (135) dã, nhĩ đẳng kỳ thận tư chi (136) [165,166,168]

    III. Vụ bản-nghiệp

    1) Phù thượng thiên sinh dân, tất cả phó chi nhất nghiệp, cố nhân tự trạch nhất nghiệp, dĩ vi lập thân chi bản; sĩ, nông, công, thương, viên, phố (137), trạch, mục (138), dĩ chi võ-biền (139) quân-lữ, các hữu sở nghiệp, giai tư (140) chi dĩ sinh dã. [169,170,171,172,173,174,175,176]

    2) Phù nghiệp thành ư cần, nhi phế ư đãi (141), đản năng (142) trị nghiệp tinh-chuyên (143), bất giải dụng lực (144), tắc nhật kế bất túc, nguyệt kế hữu dư, chung tất kiến kỳ thành-hiệu (145) hĩ. [177,178,179,180].

    3) Vi sĩ-giả (146) tháo thân (147) lệ hạnh (148) bác học (149) hiệp văn (150) kỳ dĩ cập vu thành-lập (151), túng (152) hữu mục tiền tiểu-lợi, diệc bất khả cự nhĩ (153) cải đồ (154) [181,182,183,184].

    4) Vi nông-giả tu kỳ lỗi-cử (155), cần kỳ giá-sắc (156), vụ dĩ nhật-để doanh-ninh (157), túng hữu phong-liễm (158) bất tề, diệc bất khả nhân nhi xuyết nghiệp (159) [185,186,187,188].

    5) Dĩ chi bách-công chi sức hóa nhập tài (160), thương-cổ chi phụ thông hóa hối (161), quân ngũ tắc giảng tập võ-nghiệp, phàm hữu thưởng-thức (162) dĩ trị sinh (163) giả, mạc bất tập nhi an yên, cần nhi hành yên, thử vụ bản-nghiệp chi nghĩa dã. Thư viết: “Nghiệp quảng duy cần” (164), nhĩ đẳng kỳ miễn (165) chi [189,190,191,192,193,194,195,196].

    IV. – Thượng tiết-kiệm

    1) Phù sinh tài hữu đại-đạo, sinh chi giả chúng (166), thực chi giả quả (167), vi chi giả tật (168), dụng chi giả thư (169) tắc tài thường túc hĩ! Cố thánh-biền mỗi luận dụng tài, tất dĩ tiết-kiệm vi tiên, Kim hải-vũ thừa bình (170), nhân-dân da thượng xa-xỉ (171), y-phục, khí-dụng, xa-lệ quá-độ (172) thù-tạc vãng-lai (173), suất đa phù-chí (174) [197,198,199,200,201,202,203,204,205,206].

    2) Hựu hữu sự Thần phụng Phật, nhất diên (175) chi tiếu-tế (176), sở nhu (177) diệc lũy (178) thiên bách, thậm giả minh-ngoan chi đồ (179), dâm (180) vu nha-phiến, đãng (181) vu tửu-bác, tốt chi phá sản khuynh ti (182), xúc hình mạo pháp, thậm khả mẫn (183) dã [207,208,209,210,211,212].

    3) Nhĩ sĩ-thứ quân-dân đẳng, các nghi lẫm (184) tuân Trẫm-huấn, dĩ cần-kiệm vi trì thân trị gia (185) chi lương-thuật, y-phục bất khả quá xa, ẩm-thực bất khả vô tiết, phòng-ốc, khí-cụ vụ thủ chất-phác (186), quan, hôn, tang, tế (187), đản quí đắc nghi (188), thiết bất khả quá vi xa-phí [213,214,215,216].

    4) Chí như ngu-nhân đãng-tử, từng ngộ ngật (189) nha-phiến (190), cập hiếu tửu-bác giả, tốc nghi tẩy-trừ (191). Thư viết: “Thận nãi kiệm-đức, duy hoài vĩnh-đồ”. Nhĩ đẳng tín năng như thị, tắc kiệm ước chi phong thành, ân-phú chi hiệu khả trí, cố bất vĩnh tai! [217,218,219,220,221,222].

    V. – Hậu phong-tục.

    1) Phù phong-tục sở quan phi tế (192), phong thuần mỹ tắc hình thố (193), binh tẩm (194) tứ hải chi nội, hữu thái-bình âm, Trẫm nguyện nhĩ sĩ-thứ quân-nhân đẳng, tương quan (195) vi thiện, giai chi đại-đạo [223,224,225,226,227,228,229,230].

    2) Hữu ân-ý (196) dĩ hậu thân-tộc (197), hữu tín-thuận (198) dĩ mục (199) hương-đảng (200), hữu lễ-nhượng dĩ hòa thượng-hạ, vô dĩ phú xâm (201) bần, vô dĩ cường lăng (202) nhược [231,232,233,234].

    3) Cư bình tắc tương bảo-ái (203), hữu sự tắc tương chu-tuất (204), vật thích thù-phẫn (205) dĩ cấu tranh-đoan (206), vật hiếu kiện-tụng (207) dĩ phương sinh-lý (208) [235,236,237,238].

    4) Liên thủ vọng (209) dĩ nhị (210) đạo-tặc, giới nặc đào (211) dĩ miễn châu-liên (212), hữu liêm-sĩ trung-tín chi tập, vô phù-ngụy hiểm-trá chi phong [239,240,241,242].

    5) Vi sĩ-giả, (213) tất tri xử tâm thuần-hậu (214), tập thao điềm-tĩnh (215), nông-phố (216) tắc vật việt bạn (217) dĩ cầu ích, vật khúc phòng (218) dĩ hại nhân, công-cổ (219) tắc vật xạ lợi nhi giao-tranh (220), vật huyễn hóa (221) nhi cầu thụ [243,244,245,246,247,248].

    6) Thư viết: “ Phàm quyết thứ-dân (222), vô hữu dâm bằng (223), nhân vô hữu tị đức (224)”. Nhĩ đẳng nghi dụ (225) thử ý, ư dĩ tận cách kiêu-phong (226), hàm trăn mỹ-tục, vĩnh-nhạ hòa-bình chi phúc, duật tễ (227) đại-thuận chi hưu; nhĩ đẳng kỳ miễn chiên (228) tai! [249,250,251,252,253,254].

    (Còn tiếp... )
     
    tducchau thích bài này.
  16. hhongxuan

    hhongxuan Lớp 7

    CHƯƠNG I (tiếp theo)

    B. Huấn-địch thập điều (tiếp theo)


    VI. Huấn tử-đệ.

    1) Phù nhân thủy (229) vi tử-đệ (230), hậu (231) vi phụ-huynh sư-trưởng (232); kim nhật bất tri tử-đệ chi đạo, tha nhật tức bất năng tri phụ-huynh sư-trưởng chi đạo, cố cổ chi giáo tất tử-đệ thủy, cái dĩ kỳ hồ vi phụ-huynh sư-trưởng dã, thị dĩ cổ-giả ái tử, giáo chi dĩ nghĩa phương, phất nạp (233) ư tà. [255,256,257,258,259,260,261,262,263,264].

    2) Kim Trẫm nguyện nhĩ đẳng chi vi phụ-huynh sư-trưởng giả, các cần giáo kỳ tử-đệ, vụ tỉ (234) khắc thủ thiên-lương (235), vô thất thế-nghiệp (236), vật sử du-dọa (237) bất cần, vật sử hiếu bác túng tửu (238) vật sử giao-kết phỉ-nhân (239), vật sử tập thượng xa-xỉ. [265,266,267,268,269,270,271,272].

    3) Hành tất trọng ư hiếu-đễ (240), lực-điền (241), tâm tất tồn ư lễ-nghĩa liêm-sỉ (242), cửu chi (243) tâm-địa thuần-lương (244), nhật tiến ư thiện, cao-giả khả dĩ thành tại đạt đức, quang-hiển môn-lư (245), hạ-giả diệc bất thất vi lương-dân (246), bảo-thủ gia-nghiệp, bình-nhật giáo-hối chi công, khởi bất đại thả viễn hồ tai? [273,274,275,276,277,278,279, 280,281,282].

    4) Phù ấu tử đồng tôn (247), thánh-nhân chi sở tất giáo (248). Thiếu-nghi, đệ-tử chức (249), quân-tử chi sở tri nghiêm (245). Mạnh-tử viết: “Dật cư nhi vô giáo, tắc cận ư cầm-thú” (251). Nhĩ đẳng kỳ vô hốt (252) yên.

    VII. Sùng chính-học

    1) Phù học-giả sở dĩ học vi nhân (253), cố thiên-hạ bất khả nhất nhân vô học (254), diệc bất khả nhất nhật vô học, nhi kỳ sở học vưu bất khả bất chính. (255). [291,292,293,294,295,296].

    2) Trẫm nguyện nhĩ triệu thứ đảng, vụ sùng chính-học, giảng-minh nhân-luân; Nghiêu Thuấn chi đạo, hiếu-đễ nhi dĩ (256), Khổng Mạnh chi giáo, nhân-nghĩa vi tiên (257), thị giai sở đương giảng dã. [297,298,299,300,301,302].

    3) Nhược phù nhất thiết tả-đạo dị-đoan (258), vật vi kỳ sở cuống-hoặc (259), Da-tô chi thuyết (260), vưu vi vô-lý (261), thậm chí nam-nữ hỗn hào (262), hạnh đồng cầm-thú (263), phiến gian thụ đảng (264), tự đạo hình tru (265), thử kỳ hoại giáo đố luân (266), vưu bất-khả tin (267), kỳ hữu-nghiệp (268) vi sở dụ, đương tốc cải-trừ (269); pham quan, hôn, tang, tế, tất tuần quốc-lễ (270), cẩu bất hoặc ư tha-kỳ (271), tự năng qui ư chính-đạo (272), [303,304,305,306,307,308,309,310,311,312,313,314,315,316,317,318].

    4) Phù nghiệp vi sĩ-giả, tạng-tập thi-thư (273), tự tri nghĩa-lý (274), chí ư binh, nông, công, cổ (275), khởi tất giai năng độc thư thức tự (276), nhiên kỳ kiến nhân chi thiện-ngôn, duyệt nhi tùng chi, kiến nhân chi thiện-hạnh, hiệu nhi vi chi, bỉnh di hiếu đức (277), bất thất bản-tâm (278), nhập túc dĩ sự phụ-huynh, xuất túc dĩ sự trưởng-thượng, thánh-hiền chi học, diệc bất ngoại thị. Mạnh-tử viết: “Tức à-thuyết, cự bị-hạnh, phóng dâm-từ” (279) Trẫm khải hối truân thiết (280), bản dục gia huệ (284) ngã dân, nhĩ đẳng kỳ kinh thính chi. [319,320,321,322,323,324,325,326,327,328,329,330,331,332,332,334].

    VIII. – Giới dâm-thắc.

    1) Phù nhân tại thiên-địa chi trung dĩ sinh, quí thủ chính-tính nhi bất lưu ư dâm-đãng (282), quí do thiện-đạo nhi bất nhập ư tà-thắc (283); phù nam-nữ chi tế (284), tính-dục tối vi dị-hoặc (285), cầu bất dĩ lễ (286) tự phòng, tắc kỳ đoan thậm vi (287), kỳ họa thậm cự (288), thù-hấn sinh yên, ngục-tưng khởi yên, khả bất tri sở thông (289), giới át chỉ (290) dã tai [335,336,337,338,339,340,341,342,343,344,345,346].

    2) Hướng lai chư địa-phương hữu tiết-phụ trinh-nữ giả, Trẫm đặc-gia tỉnh-trưởng (291), hoặc kiến từ-sở, hoặc tứ biển-ngạch, dĩ vi thiên-hạ chi trinh giả khuyến, nguyện nhĩ bách-tính đẳng vi phụ-mẫu huynh-trưởng giả, các tri giáo-hối kỳ tử-đệ, nam dĩ lễ-pháp tự nhân (292), nữ dĩ trinh-tiết tự thủ (293), nam-nữ chi tình chính, nhi bách phúc chi sở do tập (294) hĩ, [347,348,349,350,351,352,353,354,355,356,357,358].

    3) Nãi nhược hảo-đảng hiệp-thế (295) dĩ xâm-lăng, điêu-hoạt (296) vũ-trí (297) dĩ túng-dũng (298), thâm vị bình-dân chi hại; hựu như vô-lại (299) du-côn (300) quân (301) vi bất-thiện, thủy tắc phát quĩ huyệt tường (302), chung tắc phiến hoặc tư sự (303), thử giai thiên-lý chi sở bất-hựu (304), quốc-pháp chi sở bất thế (305). Thư viết: “Thiên đạo phúc thiện họa dâm” (306), kỳ hữu phạm (307) thử đẳng điều, tốc nghi tự try úy-hối (308), cải ác hoàn lương, tư hựu (309) ư tương dưỡng tương an chi vực (310), duy nhĩ bách-tính đẳng niệm (311) chi [359,360,361,362,363,364,365,366,367,368,369,30,371,372].

    IX. Thận pháp-thủ

    1) Phù triều-đình chi ư dân, dục kỳ thủ pháp (312), nhi bất dục kỳ phạm pháp (313), ngô dân năng tri thủ pháp, nhiên hậu quả quá (314) bất nhập ưu tội-lệ (315), nhi hoàn kỳ sinh yên, tắc pháp-kỷ chi thiết, dĩ vị dân (316) dã, nhĩ đẳng khả bất tư sở dĩ thận thủ chi dư? [373,374,375,376,377,378,379,380,381,382].

    2) Trẫm cáo (317) nhĩ bách-tích đẳng, gia chi phụ-huynh, các giáo kỳ tử-đệ, hương chi trưởng-chính, các giới (318) kỳ tiểu-dân, mỗi dĩ pháp-luật, chuyển tương hiểu-thị (319), vật mạn pháp (320) nhi cố vi (321), vật khí pháp (322) nhi khinh-phạm (323) [383,384,385,386,387,388].

    3) Như tri bất-đạo bất-hiếu chi luật (324), tắc bất cảm vi (325) can thường phạm nghĩa chi hành (326), tri dấu ẩu nhương-đoạt chi luật (327), tắc bất cảm sinh (328) cường-bạo hiêu-lăng chi khí (329), tri gian-dâm đạo-thiết chi luật (330), tắc hữu dĩ át kỳ tà-tích chi tâm (331), tri việt-tố vu-cáo chi luật (332), tất hữu dĩ cách kỳ kiện-tụng chi tập (333) tri thuế-khóa chi tự hữu định-ngạch (334), tắc vật tư-đồ bao-lãm nhi đà khiếm chính cung (335), tri nặc phạm chi tất chí can-liên (336), tắc vật hỗ-tương quán thông (337) nhi oa-tàng đào-phạm (338) [389,390,391,392,393,394,395,396,397,398,399,400,401,402].

    4) Phàm nhất thiết công-pháp sở cấm, giai đương cẩn tị (339), tự năng khư (340) kỳ ngụy-vọng (341), tiến nhi tu lương (342). Thư viết: “Các thủ nhĩ điển (343), dĩ thừa thiên-hưu” (344), phù như thị tắc hạ hữu phong-động chi hưu (345), thượng hữu hình-thố (346) chi trị, cố bất thịnh tai ! [403,404,405,406,407,408].

    X. Quảng thiện hạnh.

    1) Phù tích-thiện chi gia, tất hữu dư-khánh (347), thiện giả, phúc chi tập dã, sở vị thiện giả, vô tha (348), bất quá hiếu-đễ, trung-tín, nhân-nghĩa, lễ-trí nhi dĩ; tư Trẫm giáo nhĩ hữu dân, phi vị tiền hạng đẳng điều chi sở năng tất, nhiên kỳ di luân nhật-dụng chi thường, đại-yếu diệc bất ngoại thị [409,410,411,412,413,414,415,416,417,418,419,420].
    2) Nhĩ sĩ-thứ quân-nhân đẳng, các nghi kính-thính (349) Trẫm ngôn, miễn (350) tiến ư thiện, kim nhật hành nhất thiện, minh nhật hành nhất thiện, cửu chi nhi thực đắc chư kỷ(351), tích chi nhi khả quảng âm-công(352), tự-nhiên tai-ương bất chi, phúc-lộc, nhật-lai, túng sử báo-ứng sảo trì (353), kỳ thân vị hiển, tắc kỳ tử-tôn diệc tất bằng-tạ(354) dư-khánh, phồn-diễn (355) thịnh-đại ư vô- (356) hĩ. [421,422,423,424,425,426,427,428,429,430,431,432].

    3) Thư viết: “Tác thiện giáng chỉ bách tường” (357), nhĩ đẳng hàm thể Trẫm-ý (358), đòn-hành(359) thiện-đạo nhi bất đãi (360), vu dĩ các chính kỳ tính-mệnh, bảo-hợp thái-hòa(361), cộng tễ(362) nhân thọ chi vực, hoán (363) hồ vĩ tai ! [433,434,435,436,437,438,439,440].
     
    Chỉnh sửa cuối: 24/10/15
    tducchau thích bài này.
  17. hhongxuan

    hhongxuan Lớp 7

    CHƯƠNG II

    PHIÊN-DỊCH BẢN THÁNH-DỤ HUẤN-ĐỊCH THẬP ĐIỀU

    A. 1) Thánh dạy: từ xưa, thánh-đế minh-vương lấy chính đạo cai-trị thiên-hạ, tất lấy việc giáo-hóa dân-chúng, tập-thành phong-tục làm nhiệm-vụ đầu-tiên [1,2,3,4]

    2) Giáo-dục bằng bản-thân, giáo-dục bằng ngôn-ngữ, tất cả đều có nghi-thức điển-hình, lại lo cái quan-cảm của dân bất-nhất, cái thị-thính của dân không đều, nên vào tháng mạnh-xuân, đã đặt các quan mang lệnh vua đi rao ở các ngã đường, vào tháng giêng các châu-trưởng đọc pháp-chế cho mọi nhà hiểu-rõ, đấy nhân đấy nhượng, để đạt tới một nền thịnh-vượng hòa-hợp, vui-vẻ lâu-dài [5,6,7,8,9,10,11,12,13,14].

    3) Quốc-gia Việt-nam ta đặt móng xây nền, thần truyền thành kế đã hơn hai trăm năm, đức lành nhuần-thấm, thói tốt dài lâu[[15,16,17,18].

    4) Hoàng-khảo ta, đức Thế-tổ Cao-hoàng đế, sau khi đại định, đã phục-hưng học-hiệu để dưỡng-dục nhân-tài,ban-hành điều-lệ để chính-tập phong-tục, chính-sách hay, giáo-dục tốt thấm sâu vào dân-tâm, sự vững vàng của đạo thường giống như đời tiền-tổ [19,20,21,22,23,24].

    5) Trẫm nối tiếp hồng-đồ, (364), noi theo phép lớn, vẫn suy-tư về ý-nghĩa của câu “làm cho dân giàu rồi sau mới giáo-hóa” nên đã từ lâu vỗ-về kẻ suy-bại, yên-ủi người bệnh-tật, ra ơn, tha thuế, lúc nào cũng canh cánh một niềm yêu-mến giúp-đỡ người dân [25,26,27,28,29,30].

    6) Tuy chưa có thể làm cho tất cả dân ta trở thành giàu-có, con cháu đông-đúc, nhưng mà nuôi-dưỡng yên-vui thong-thả, trải đến đã mười lăm năm (365), giáo-huấn để cho tập-tục chính-đáng, thật chỉ có đời này mà thôi! [31,32,33,34,35,36].

    7) Lâu nay đã ra lệnh cho các địa-phương tra xét những người hiếu-thuận tiết-nghĩa, có ai thì tâu lên, sẽ được ban thưởng trọng-hậu; những kẻ sĩ hiền-lương phương-chính, cũng ra lệnh co sở-tại sưu-cầu, thật là đủ phương-cách khuyến-lệ để làm kế-hoạch kiểm-soát toàn-bộ nhân-tâm và phong-tục [37,38,39,40,41,42,43,44].

    8) Nghĩ sâu về đạo thường của dân-chúng, về qui-tắc của sự-vật đủ để biết điều ấy; nhà tranh nơi hẻo-lánh tất cũng có người trung-tín, kẻ thành-phác thuần hậu không thiếu, tuy vậy, cũng có khi khí-bẩm bị che, vật-dục bị mờ, cho nên không thể không giáo-dục [45,46,47,48,49,50].

    9) Trẫm thường duyệt các án-quyển do bộ Hình đệ-trình, thấy có những người ngoan-cố tối dạ, khinh-phạm lưới phép, thật đáng thương-hại, lòng Trẫm rất lấy làm bất-nhẫn [51,52,53,54].

    10) Vả cho những đồ vô-lại ác-ôn (366), những bọn điên-cuồng bất-mãn (367), mỗi khi dám có những hành-động phạm-pháp thì lập tức bị trừng-trị, như vậy, cái lý thuận-nghịch thật là đã rõ-ràng, phàm có tai mắt đều nên nghe biết, đừng đợi phải nói nhiều rồi sau mới hiểu [55,56,57,58,59,60,61,62].

    11) Thực ra, dạy dân cũng rất dễ, vì bây giờ đương là thời bình, cho nên mới sai người biên-soạn lời huấn-địch gồm mười điều, ban-hành trong thiên-hạ, lại sắc cho bộ Lễ nghĩ-soạn, nghi-chú, phấn-phối tống-đạt cho các địa-phương ngoài kinh-đô [63,64,65,66].

    12) Kinh-doãn cùng các Đốc, Phủ, Bố, Án, các ngươi nên thể theo ý Trẫm, đem sao-chép, tống-đạt ấn-bản, phổ-biến rộng-rãi đến học-chính các phủ, huyện thuộc hạt cùng các cai-tổng, lý-trưởng, mọi người theo lệnh của Bộ lục-tống các bản nghi-chú, sức-truyền sâu-rộng những giáo-điều này cho sĩ-thứ, quân-nhân, đến kỳ đã định, tuyên-đọc giảng-giải rõ-ràng, cốt làm sao chuyển đến từng nhà cho mọi người đều đọc, chỉ-dẫn lẫn cho nhau để cùng nên tốt, ngày thấm tháng nhuần để cùng nhau trở về đường lành [67,68,69,70,71,72,73,74,75,76,77,78].

    13) Sĩ-thứ, quân-nhân, các ngươi đừng có xem đây là một bài văn suông, phải đặt mình vào đấy mà ra sức làm việc, cùng sống chung với nhau, cùng bắt chước lẫn nhau, cốt làm sao đổi mỏng theo dày, dần-dà trở thành mỹ-tục, rước lấy phúc trời dài-lâu, tất cả đều cầu được nhiều phúc. Thần-thứ csc ngươi tận hưởng cảnh đài xuân cõi thọ, mà triều-đình cũng được yên-trị trường-cửu, bởi vậy, Trẫm thiết tha nghĩ đến thần-thứ các ngươi, lo dùng giáo-dục mà đào-luyện thành. Một tấm khổ-tâm, chớ nên hư-phụ [79,80,81,82,83,84,85,86,87,88,89,90,91,92].
    Khâm thử.​


    B. Mười điều huấn-địch.


    I. Đôn đốc nhân luân.

    1) Trong đạo làm người, không có việc gì đi trước việc sáng đạo; quân-thần có tình nghĩa, phụ-tử có tình thân, phu-phụ có cách-biệt, huynh-đệ có thứ-tự, bằng-hữu có thành-tín, đó là đại-luân của nhân-loại, nhân-luân sáng tỏ thì sau đấy nhân-đạo mới đứng vững. [93,94,95,96,97,98,99,100,101,102].

    2) Trẫm mong các thần-thứ, quân-dân, tất cả đều biết lấy việc đôn-hậu nhân-luân làm trọng [103,104].

    3) Kẻ làm quan vâng phép chung, tất phải hết lòng đi theo đường chính, khi làm việc, phải hết sức ra công [105,106].

    4) Người làm học trò, giảng-giải, học-hành cho sáng đạo, giùi-mài thành tài để cung-ứng nhu-dụng quốc-gia [107,108].

    5) Làm nhà binh, nhà nông, thợ thuyền, nhà buôn, bạc-nghiệp chuyên cần, an-thường thủ-phận, trong nhà thì ngửng lên thờ phụ-mẫu, cúi xuống nuôi thê-tử, ngoài nước thì nộp tô, đóng thuế, yêu lẽ phải, chăm việc chung [109,110,111,112,113,114,115,116].

    6) Những người thuộc quân-tịch đừng rời đội-ngũ mà trốn-tránh cẩu-thả, chớ lười-biếng mà không phấn-chấn, thời binh thì luyện-tập võ-nghệ, khi hữu-sự thì hùng-dũng đi tiên-phong [117,118,119,120].

    7) Kẻ làm tư-lại, đừng múa văn lộng phép, chớ xâm lấn tài-sản của dân, chỉ nên lo hôm sớm chuyên-cần không bỏ phế công-sự [121,122,123,124].

    8) Con như phụng-sự phụ-mẫu, tất lấy lòng hiếu-kính, phu-phụ đối-xử tất lấy tình hòa-thuận, huynh-đệ tất tương-ái mà không chống-đối nhau, bằng hữu tất tín-cẩn mà không khinh-nhờn dối-trá [125,126,127,128].

    9) Trung-kinh nói: “Quân-tử giữ đạo là giữ phúc của mình lâu dài”. Các ngươi nên tin như vậy; di-luân đã định, ơn-phúc đều đến cho đến khi thịnh-trị, thăng-bình vĩnh-viễn. Rõ ràng vậy thay!” [129,130,131,132,133,134].

    II. Thuật chính-tâm.

    1) Lòng là gốc của con người, lòng chính-đính thì muôn sự lanh ở đó mà sinh ra, lòng bất-chính thì trăm điều ác từ đó mà theo ra, há chẳng nên thận-trọng ru? [135,136,137,138,139,140].

    2) Thượng-đế đã phú-bẩm tính lành cho con người nên ai cũng có tính thường, đó là nhân, nghĩa, lễ, trí gọi là bốn mối, từ khi sơ-sinh, người ta không ai không có [141,142,143,144].

    3) Trẫm mong trăm họ, mỗi người lo giữ thiện-tâm, tồn-dưỡng lương-tính, tuy sở-nghiệp có bất-đồng nhưng hướng-thiện thì nhất-trí [145,146,147,148].

    4) Người giàu, chớ kiêu-xa, người nghèo, đừng gian-ngụy, đừng thay đổi vì lợi-dụ, chớ tự-hãm vào ác-tập [149,150,151,152].

    5) Nếu có một ngôn-từ bất-chính, một hành-vi bất-thiện, tất biết quí-sỉ (368) trong lòng, nghiêm-khắc cải-hối, thích thiện yêu nghĩa để bảo tồn đời mình, dẹp ác khử tà để cùng về đường chính [153,154,155,156,157,158].

    6) Nếu không lo cảnh-tỉnh, điều dâm-tà ô-uế không chỗ nào là không làm, thì đó là tự-hãm vào hình-phạt, cắn rốn (369) sao kịp nữa ! Kinh Thư chép: “Thuận lẽ phải là tốt, theo điều nghịch là xấu, như bóng theo hình, nhưng tiếng vang theo tiếng nói”. [159,160,161,162,163,164].

    7) Nay giáo-dưỡng muôn dân. Trẫm lạc quan khi thấy các ngươi thành-đạt và không lạc-quan khi thấy các ngươi mắc phải điều lầm-lỗi. Các ngươi nên cẩn-thận suy-tư về điều này. [165,166,167,168].

    III. Chuyên-cần nghề-nghiệp.

    1) Trởi cao sinh ra dân, tất giao-phó cho mỗi người một nghề, cho nên mỗi người phải tự chọn lấy một nghề để làm căn-bản lập-thân. Kẻ sĩ, nhà nông, người làm thợ, kẻ đi buôn, người làm vườn, kẻ trồng rau, bái chài đánh cá, đứa trẻ chăn trâu, thậm-chí cả tay võ-biền trong quân-lữ, mỗi người đều có nghề-nghiệp, đều nhờ vào đấy mà sinh-sống. [169,170,171,172,173,174,175,176].

    2) Nghiệp thành-công là nhờ ở chuyên-cần mà bị phế bỏ là vì lười-biếng, chỉ nên tinh-chuyên làm việc, không lười dùng sức thì nếu lo-toan một ngày không đủ, lo-toan một tháng sẽ dư-thừa, cuối cùng tất thấy thành-hiệu [177,178,179,180].

    3) Làm học-trò, tắm rửa thân-xác, trau-giồi tính-hạnh, học rộng, nghe khắp, quyết đi đến một thế đứng vững-vàng, nếu có lợi nhỏ trước mắt, cũng không thể vội-vã thay-đổi chí-hướng. [181,182,183,184].

    4) Làm nhà nông, hãy tu-sửa cày bừa, chuyên-cần về việc cấy-gặt, cốt để cho trọn ngày no đủ, nếu có chuyện được mùa không đều, cũng không vì thế mà bỏ nghề. [185,186,187,188].

    5) Cho đến thợ-thuyền, phải chỉnh-sức các xuất-phẩm cho ăn hợp với vật-liệu, nhà buôn phải để cho của-cải lưu-thông, quân-ngũ giảng-tập võ-thuật, đều có nghề-nghiệp bình-thường để nuôi thân, không bao giờ không tập mà yên, vậy chuyên-cần mà làm việc, đấy là ý-nghĩa của sự chuyên-cần nghề-nghiệp. Kinh Thư chép: “Chỉ có sự chuyên-cần mới phát-triển được nghề-nghiệp”. Các ngươi nên gắng sức đi. [189,190,191,192,193,194,195, 196].

    IV. Chuộng tiết-kiệm.

    1) Việc sinh-tài có đường-lối lớn lao: làm nhiều, ăn ít, làm việc nhanh-chóng, tiêu-dùng từ-từ, tiền của thường đủ, cho nên thánh-hiền, mỗi khi bàn-luận về tài sản, đều lấy tiết-kiệm làm đầu. Ngày nay, hải-vũ hòa-bình, nhân-dân đa-số chuộng xa-xỉ, y-phục, khí-dụng, xa-hoa diễm-lệ quá-độ, thù-tạc qua lại, thảy đều hoang-phí phù-phiếm. [197,198,199,200,201,202,203,204,205,206].

    2) Lại có khi thờ Thần lễ Phật, một bữa tiệc cúng-tế phải tiêu dùng lên đến nghìn trăm, thậm-chí có những người bướng-bỉnh dại-dột, nghiện nha-phiến, la-cà rượu-chè cờ-bạc, cuối cùng bị phá sản khuynh-tài, xúc-phạm hình-pháp, thật khá thương thay ! [207,208,209,210,211,212].

    3) Sĩ-thứ quân-nhân, các ngươi nên nghiêm-chỉnh tuân-hành lời huấn-dụ của Trẫm, lấy cần-kiệm làm lương-thuật bảo-trì thân-thể, quản-trị gia-đình; y-phục không được xa-xỉ quá, ẩm-thực không được thiếu tiết-độ; phòng-ốc, khí cụ, chỉ cốt chất-phác; quan, hôn, tang, tế, chỉ quí ở chỗ đắc-nghi, không nên qusa xa-phí. [213,214,215,216].

    4) Đến như người ngu-si, lưu-đãng, đã từng lỡ nhút nha-phiến, nghiện rượu-chè, mê cờ-bạc, nên mau mau tẩy-trừ. Kinh Thư chép: “Thận-trọng về đức cần-kiệm là nghĩ đến tiền-đồ lâu dài”. Các ngươi tin có thể được như thế thì tác-phong kiệm-ước sẽ thành, hiệu-quả đại-phú sẽ đến, há chẳng đẹp-đẽ sao? [217,218,219,220,221,222].

    V. Đôn-hậu phong-tục.

    1) Phong tục có quan-hệ không nhỏ, phong-tục thuần-mỹ thì việc hình sẽ được bãi, việc binh sẽ được xếp bỏ, bốn biển vang-dội tiếng nhạc hòa-bình. Trẫm mong các sĩ-thứ quân-nhân, cùng nhìn nhau làm việc thiện để hoàn-thành đạo lớn. [223,224,225,226,227,228,229,230].

    2) Có ân-ý để đãi-xử với thân-tộc, có tín-thuận để hòa-mục với hương-đảng, có lễ-nhượng để điều-hòa thiên-hạ, đừng lấy giàu lấn nghèo, đừng lấy mạnh hiếp yếu. [231,232,233,234].

    3) Ở thời bình thì bảo-ái lẫn nhau, khi hữu-sự thì chu tuất lẫn nhau, đừng chứa thù-phẫn mà tạo ra mối tranh-chấp, đừng thích kiện-tụng mà phương-hại đến lẽ sống. [235,236,237,238].

    4) Họp nhau để giữ-gìn trông coi đánh dẹp trộm cướp, đừng ẩn-nặc người tại-đào để khoi bị liên-can, hãy tập giữ liêm-sỉ, trung-tín, đừng có thói hiểm-trá, hư-ngụy. [239,240,241,242].

    5) Làm học-trò, ắt biết ở lòng thuần-hậu, giữ tính điềm-tĩnh; nhà nông, thợ làm vườn, đừng vượt giới-hạn để cầu ích-lợi cho mình, đừng ngăn nước ruộng mà gây thiệt-hại cho người, làm thợ, đi buôn, chớ tranh lợi mà giành-giật nhau, đừng khoe-khoang hàng-hóa để cầu bán. [243,244,245,246,247,248].

    Kinh Thư chép: “Phàm đã là thứ-dân, không nên có bè-đảng, làm con người, đừng có ý riêng tư”. Các ngươi nên biết rõ ý ấy để cải-cách thói kiêu-bạc, cùng nhau hướng đến mỹ-tục, đến hạnh-phúc hòa-bình lâu dài, tới được các đức thuận-hòa vĩ-đại. Các ngươi gắng sức nhiều để điều ấy vậy.

    (Còn tiếp...)​
     
    Chỉnh sửa cuối: 24/10/15
    tducchau thích bài này.
  18. hhongxuan

    hhongxuan Lớp 7

    CHƯƠNG II (tiếp theo)

    B. Mười điều huấn-địch. (Tiếp theo)


    VI. Giáo-huấn tử-đệ.

    1) Người ta bắt đầu làm tử-đệ, sau mới làm phụ-huynh sư-trưởng, ngày nay nếu không biết đạo làm con em, ngày sau tức không thể biết đạo làm cha anh, vì thế, sự giáo-huấn của cổ-nhân tất bắt đầu từ tử-đệ, cho nên, nếu muốn cho chúng sau này làm phụ-huynh, sư-trưởng thì theo cái cách yêu con em của người xưa, dạy thì dùng hiếu-nghĩa, không gần-gũi điều tà. [255,256,257,258,259,260,261,262,263,264].

    2) Nay Trẫm mong những bậc phụ-huynh sư-trưởng, các ngươi phải cần-mẫn giáo-huấn tử-đệ, cốt khiến cho chúng cung-kính giữ-gìn thiên-lương, không để mất nghiệp nhà, chớ để cho chúng chơi-bời bừa-bãi, say mê cờ-bạc, buông-tuồng rượu-chè, đừng để cho chúng kết-giao với những người trộm-cắp, chờ làm cho chúng tập-tành yêu-chuộng xa-xỉ. [265,266,267,268,269,270,271,272].

    Khi hành-động, tất nhiên chúng phải tôn-trọng hiếu-đễ, lực-điền; trong tâm-trí, tất-nhiên chúng phải giữ- gìn lễ-nghĩa, liêm-sỉ, lâu ngày, tâm-địa thuần-lương, mỗi ngày một tiến đến chỗ thiện, cao thì có thể thành tài đạt đức, làm vinh-hiển cho môn-lư, thấp thì thấp cũng không mất cơ-hội làm một người lương-dân, bảo-thủ gia-nghiệp; cái công-trình giáo-hối hằng ngày há không to-lớn và xa-rộng hay sao? [273,274,275,276,277,278,279,280,281,282].

    4) Con nhỏ cháu dại, tất cả những gì của thánh nhân đều phải dạy, chương Thiếu-nghi, chức đệ tử, chỗ đến của người quân-tử là phải nghiêm-trang. Mạnh-tử nói: “Ở nhân-dật mà không dạy thì gần với cầm-thú. Các ngươi không nên sao-nhãng điều ấy”. [283,284,285,286,287,288,289,290].

    VII. Tôn-sùng chính-học.

    1) Sở-dĩ học là học làm người, cho nên không thể có một người vô-học trong thiên-hạ, cũng như không thể sống một ngày không học, bởi vậy, cái sở-học của ta càng không thể không chính-đáng. [291,292,293,294,295,296].

    2) Trẫm mong triệu-thứ các ngươi tôn-sùng chính-học, giảng-minh nhân-luân, đạo Nghiêu Thuấn chỉ là hiếu-đễ mà thôi, giáo-dục Khổng Mạnh chủ-trương nhân-nghĩa trước hết, đấy là những điều phải giảng vậy. [297,298,299,300,301,302].

    3) Tả-đạo dị-đoan, nhất thiết chớ để lừa-dối mê-hoặc; học-thuyết Da-tô lại càng vô-lý hơn nữa, thậm-chí nam-nữ hỗn-loạn, hạnh-kiểm như cầm-thú, dấy gian dựng đảng, tự giẫm lên hình-pháp, như vậy là phá hoại tôn-giáo, làm hư-nát luân-thường, lại càng không nên tin. Nếu đã bị đạo ấy dụ-dỗ, nên mau chóng cải-trừ; phàm quan, hôn, tang, tế, tất phải được cử hành theo quốc-lễ; đã không bị mê-hoặc về đường khác thì tự mình có thể quay về chính-đạo [303,304,305,306,307,308,309,310,311,312,313,314,315,316,317,318].

    4) Nghề làm học-trò là tụng-tập Thi, Thư, tự biết nghĩa-lý, đến nhà binh, nhà nông, thợ-thuyền, nhà buôn, há đâu tất cả đều đọc sách biết chữ, bởi vậy, khi thấy người nào nói điều lành, nên vui-vẻ nghe theo, thấy người nào có hạnh-kiểm tốt, nên bắt chước làm ngay, yêu mến đức tốt, không mất bản-tâm, vào thì đủ để phụng-sự phụ-huynh, ra thì đủ để phụng-sự trưởng-thượng, cái học của thánh-hiền cũng không ngoài những điều ấy. Mạnh-tử nói: “Dẹp tà-thuyết, chống nết xấu, buông bỏ lời dâm-ô”. Trẫm mở lời dạy-dỗ thành-thực, thiết-tha, chỉ muốn ơn-huệ tốt lành cho dân, các ngươi nên kính-cẩn mà nghe. [319,320,321,322,323,324,325,326,327,328,329,330,331,332,333,334].

    VIII. Răn giữ lòng dâm.

    1) Người ta sinh ra giữa trời đất, điều đáng quý là ở chỗ giữ tính-tình ngay-thẳng, không lả-lơi dâm-đãng, điều đáng quý là ở đường lành mà không sa vào vòng tà-ngụy. Trong sự giao-tế nam-nữ, tình-dục rất dễ mê-hoặc, nếu không dùng lễ đề-phòng, thì đầu mối của nó tuy rất nhỏ mà cái họa gây ra lại rất lớn; thù-hấn ở đó mà phát sinh, ngục-tụng từ đó mà khởi đầu, há không biết tường-tận mà giữ-gìn ngăn-cản hay sao? [335,336,337,338,339,340,341,342,343,344,345].

    2) Lâu nay, Trẫm đặc-biệt ban thưởng cho những tiết phụ trinh-nữ ở các địa-phương, hoặc cho kiến-lập từ-sở, hoặc đem ban-phát biển-ngạch, để khuyến-khích những người trinh-tiết trong thiên-hạ. Mong các ngươi là phụ-mẫu, huynh-trưởng, các ngươi biết giáo-hối tử-đệ, nam-giới thì lấy lễ-phép ngăn mình, nữ-giới thì dùng trinh-tiết giữ mình, cái tình giữa nam-nữ chính-đáng thì trăm ơn phúc đã tập-trung ở đấy vậy. [346,347,348,349,350,351,352,353,354,355,356,357,358].

    3) Như bọn cường-hào cậy vào thế-lực mà xâm-lăng, điêu-trá, giảo-hoạt mà thao-túng thì thực là rất nguy-hại cho người bình-dân; lại như quân vô-lại du-côn, quen làm điều bất thiện, trước khi phá tủ, xoi vách, quen thì xúi người gây sự, những hành-động ấy, thiên lý sẽ không buông tha, quốc-pháp sẽ không dung-thứ. Kinh Thư chép: “Đạo trời, làm lành thì được phúc, làm điều dâm thì mắc họa”. Nếu có phạm những điều ấy, các ngươi nên mau tự biết sợ-hãi, hối-cải, đổi dữ về lành, cùng nhờ vào nơi nuôi-dưỡng lẫn nhau, yên vui với nhau. Và trăm họ nên suy-niệm về điều này. [359,360,361,362,363,364,365,366,367,368,369,370,371,372].

    IX. – Cẩn-thận giữ phép.

    1) Triều đình ở với dân, muốn cho dân trọng-pháp, không muốn cho dân phạm-pháp. Dân của ta phải biết giữ pháp thì sau mới ít tội, không đúng vào tội-lệ mới hoàn-thiện được đời sống của mình, do đấy, pháp-kỷ được thiết-lập chính là vì dân; các ngươi không suy-tư về điều ấy để thân-trọng về việc giữ phép hay sao? [373,374,375,376,377,378,379,380,381,382].

    2) Trẫm báo-cáo cho trăm họ các ngươi biết, các phụ-huynh trong gia-đình phải giáo-dục tử-đệ, các trưởng-chính ở hương-thôn phải răn đe dân-chúng, mỗi người phải lấy pháp-luật chuyển nhau giải-thích rõ-ràng, đừng khinh-mạn phép nước mà làm liều, chớ rời bỏ phép nước mà dễ-dàng phạm tội. [383,384,385,386,387,388].

    3) Như biết luật trừng-phạt những người bất đạo bất hiếu thì không dám làm những việc chống đối đạo thường, xúc-phạm lẽ phải; nếu biết luật cấm đấu-ẩu nhương-đoạt, thì không dám mặc sức để xổng cái tính cường-bạo, lăng-loàn; biết luật cấm gian-dâm đạo-thiết thì biết ngăn-ngừa những cái hẹp-hòi quanh-quất trong lòng; biết luật cấm việt-tố, vu-cáo, tất biết dổi thói quen ưa kiện-tụng; biết thuế-khóa đã tự có định-ngạch thì chớ tìm cách nắm giữ tất cả mà thiếu tiền đóng góp; biết tội giấu người phạm-pháp thì bị liên-can, tất chớ thông-đồng với nhau mà oa-tàng những người phạm-pháp tại đào. [389,390,391,392,393,394,395,396,397,398,399,400,401,402].

    4) Phàm những gì công-pháp cấm-đoán đều nên thận-trọng tránh đi, tự biết trừ-khử ngụy-vọng, tiến lên tu-sửa cho lương-hảo. Kinh Thư chép: “Mọi người giữ điển để được ơn trời”. Như thế, dưới có cái may phong-hóa được lan rộng, trên có nền chính trị trong đó hình-phạt được bãi bỏ, như vậy không thịnh-vượng hay sao? [403,404,405,406,407,408].

    X. Quảng-bá đức-hạnh

    1) Nhà nào tích-thiện tất có thừa-phúc, vì thiện là phúc tập-trung lại, cái gọi là thiện không có gì khác, chẳng qua là hiếu-đễ, trung-tín, nhân-nghĩa, lễ-trí mà thôi. Nay Trẫm dạy dân-chúng các ngươi, không nói đến việc phải biết hết các điều kể trên, chỉ nói tới cái đạo di-luân thường dùng hằng ngày thì đại-lược không ngoài những điều ấy. [409,410,411,412,413,414,415,416,417,418,419,420].

    2) Sĩ-thứ quân-nhân, các ngươi nên kính-cẩn nghe theo lời Trẫm, gắng sức tiến đến cõi thiện, hôm nay làm một việc thiện, ngày mai làm một việc thiện, lâu ngày thì thực-hiện được ở mình, tính thiện mới có thể quảng-bá âm-đức, tự-nhiên tai-ương không xẩy ra, phúc-lộc tìm đến hằng ngày, nếu báo-ứng hơi chậm, thân mình chưa được vinh-hiển, thì tử-tôn tất cũng được nương-nhờ ơn phúc thừa-dư sẵn có mà phát-triển thịnh-đại đến vô-cùng. [421,422,423,424,425,426,427,428,429,430,431,432].

    3) Kinh Thư chép: “Làm lành, trăm điều tốt được ban xuống”. Tất cả các ngươi nên thể theo ý Trẫm, đôn-đốc thi-hành đường thiện không trễ-nải, cho đến khi tính-mệnh của mỗi người được chính-đính, bảo-vệ được nền thái-hòa, cùng nhau đạt tới đường nhân cõi thọ, vẻ-vang lắm thay! [433,434,435,436,436,438,439,440].​
     
    Chỉnh sửa cuối: 24/10/15
    Ngọc Sơn and tducchau like this.
  19. hhongxuan

    hhongxuan Lớp 7


    CHƯƠNG III

    SƯU-GIẢNG BẢN THÁNH-DỤ HUẤN-ĐỊCH THẬP ĐIỀU.

    (1) Chính đạo: Con đường đưa thẳng đến chân-lý, ở giữa không xiên-vẹo. Ở đây là đạo Nho, đạo Khổng Mạnh. Thơ Nguyễn-Công-Trứ: Cầm chính-đạo để tịch tà cự bí.

    (2) Lỵ []: tới để thăm hỏi coi sóc một người dưới quyền, đi thanh-tra, kiểm-soát, đôn-đốc, giữ một nhiệm-vụ hành-chánh để điều-khiển dân-chúng. Lỵ thiên-hạ: Cầm-quyền cai-trị dân-chúng. Hóa dân thành tục [] (Lễ-ký, Học-ký, XVI, 1) nghĩa là làm cho dân-chúng được tiến-bộ, được văn-minh hơn, cho phong-tục được tốt-đẹp và hoàn-toàn. Xem lịch sử giáo-dục Việt-Nam của Lê-Hữu-Mục, bản quay rô-nê-ô, Đại-học Sư-phạm Sài-gòn 1965.

    (3) Thân-giáo ngôn giáo: []: Dùng con người của mình, cuộc đời của mình như một thí-dụ sống-động để dạy người (mình làm trước, chúng dõi sau) rồi dùng lời nói để dạy (thêm lời dạy dỗ). Giá-trị không thể chối cãi được của giáo-dục nho-gia là đề-cao gương-mẫu và chính nhờ đấy mà hiệu năng của giáo-dục tùy-thuộc vào uy-tín của các bận sư-phó.

    (4) Nghi hình []: Khuôn-mẫu để cho người ta theo đó mà bắt chước.

    (5) Tù nhân []: Quan truyền-lệnh của nhà vua cho nhân chúng biết, như chức heraut bên Âu-châu (có quan ra lệnh) Tục-lệ truyền-lệnh đã có từ thời thượng-cổ, đã được nói tới trong Kinh Thư: [], mỗi tuế mạnh xuân, tù nhân dĩ mộc đạc tuẫn vu lộ: mỗi năm mùa xuân, quan truyền lệnh vua gõ mõ đi khắp các nơi (Thượng Thư II, Hạ-thư 4, Dận-chinh 3).

    (6) Tuần lộ (hay tuận lộ): Đi trên các ngả đường (rao lên khắp đường). Hằng năm, tháng đầu xuân, viên giữ lệnh lấy mõ gỗ rao ở đường; các quan các thầy khuyên nhau; các thợ đem nghề mình để can-ngăn. (Thượng Thư, Dận chính, bản dịch của Nhượng-Tống, trang 58).

    (7) Chính nguyệt: Đúng ra phải đọc là chinh-nguyệt, tức là tháng giêng, tháng đầu năm, chính âm giêng là do âm chinh mà ra, vã giữ giêng, chữ Nôm viết là [], gồm chữ chinh bên phải và chữ nguyệt bên trái. Thiên Nguyệt-lệnh trong Lễ-ký, điều 12 chép: [] mệnh tướng bố đức hòa lệnh, nghĩa là nhà vua ra lệnh cho các quan phổ-biến các huấn-thị của triều-đình, phối-hợp và ban-hành các quyết-nghị.

    (8) Châu-trưởng: Hiểu theo tổ-chức hành-chánh đời Gia-long, châu là một huyện ở miền thượng-du, đứng đầu là một Tri-châu. Ở đây, danh-xưng châu có tính-cách tổng-quát và chỉ bất cứ một đơn-vị hành-chánh nào có thể là tổng, xã, thôn, và như vậy, châu-trưởng là người đứng đầu đơn-vị hành-chánh ấy, có thể là cai-tổng, xã-trưởng v.v… Tự-đức dịch châu-trưởng là quan lớn ở châu làng (câu 11)

    (9) Độc-pháp chi chế: Độc là đọc to tiếng cho mọi người nghe. Pháp chi chế, là chế-pháp, tức là lời của vua nói về một luật-lệ, một chính-sách (chế-thư, chế-sách), hay phong-thưởng cho một công-thần nào (chế-văn).

    (10) Gia dụ: Dụ nghĩa đầu tiên là hiểu, như nói: “Quân-tử dụ vu-nghĩa [] (Luận-ngữ), quân-tử hiểu điều nghĩa, sau mới có nghĩa là bảo rõ, nói rõ-ràng cho người ta hiểu bằng sự so-sánh thực-tế, như nói: “Bất ngôn nhi dụ [] không nói mà rõ. Gia dụ là nhà nào cũng biết rõ những lời dạy-dỗ của nhà vua, đối với hội hiểu là cửa nào cũng được ánh sáng mặt trời buổi sáng chiếu vào, ai ai cũng thấu-triệt huấn-dụ của nhà vua đã ban xuống.

    (11) Hưng: Dấy, làm cho nổi bật lên.

    (12) Trăn: Đến, đi tới, đạt được.

    (13) Ung-hi: Hòa-hợp, vui-vẻ tốt-lành.

    (14) Du cửu: Lâu-dài, bền-vững không bao giờ hết.

    (15) Triệu cơ: Đặt nền móng.

    (16) Uông hàm: Thấm-nhuần sâu-xa, rộng-lớn.

    (17) Tiếp: Thấm khắp. Thiện chính thiện giáo, do câu: thiện chính bất như thiện giáo chi, đắc dân dã, (Mạnh-tử, Tậm-tâm thượng, XIV) nghĩa là: chính-trị hay chẳng bằng giáo-dục hay, được lòng dân hơn.

    (18) Trinh: Cứng-cắt, rắn-rỏi, vững-vàng, trong-sạch.

    (19) Thất: Giống như, phù-hợp với, (tày).

    (20) Phi thiệu: Nhận nối theo.

    (21) Hồng-đồ: Nghiệp lớn, tức ngôi vua (cơ-đồ lớn).

    (22) Suất tuần đại biện: Theo phép lớn (suất tuần: nối noi; đại-biện: phép tắc thừa).

    (23) Xem Luận-ngữ, Tử-lộ, VIII, 9.

    (24) Tuy điêu phủ soái: Làm cho những chỗ những người tan-tác rạc-rầy được yên, vỗ-về những người đau-ốm bệnh-hoạn (tuy phủ: yên vỗ).

    (25) Giáng xá quyên tô: Tha tội cho các tù-phạm và miễn thuế cho dân-chúng.

    Chính-sách thuế-vụ của vua Thế-tổ (vua Gia-long) và Thánh-tổ(vua Minh-mệnh) đã tỏ ra hợp-lý và hữu-hiệu. Trừ thuế đinh có định-lệ tùy theo vị-trí của từng trấn (nội-trấn, ngoại-trấn…) thuế điền được chia ra làm ba hạng tùy theo giá-trị của ruộng và được áp-dụng uyển-chuyển thùy theo năm được mùa hay mất mùa. Đại-để, lệ giảm thuế có thể như sau:


    (Bảng liệt kê)


    Về luật-pháp, bộ Luật Gia-long khởi-thảo năm 1811, ban-hành năm 1815, gồm 22 quyển, 398 điều, được bộ Hình áp-dụng rộng rãi, những tội nặng, án ngờ thường được duyệt lại, những tù giam ngục cấm được xét kỹ (Trần-Trọng Kim, VNSL, 411).

    (26) Quyền quyền: Chăm-chăm giữ lấy ở trong lòng bàn tay không buông ra, khư-khư không rời bỏ. Câu này được Tự-đức dịch rất hay là đau đáu.

    (27) Huệ dưỡng: Do câu: Kỳ dưỡng dân dã huệ [], cái để nuôi dân là tình thương. Tự-đức dịch: Ra ơn nuôi giúp, biểu-lộ tình thương dân một cách thiết-thực bằng cách nuôi-dưỡng và giúp-đỡ họ trong đời sống vật-chất.

    (28) Lê nguyên: Lê là màu đen, lê-dân là dân đen, nguyên là đầu, đầu tiên, cái thiện là đức-tính đầu tiên nen nguyên cũng có nghĩa là thiện, vì vậy, người dân thường gọi là thiện-nhân, dân-lành, và gọi ngược lại lê nguyên là dân lành, dân đen,

    (29) Hàm trăn phú thứ: Hết thảy mọi người đều trở thành giàu có, con cháu đông-đúc. Phú là có nhiều tiền của (giàu vui) thứ là nhiều người, nhiều con cháu (đông-đảo). Chữ hàm trăn được Tự-đức dịch rất đúng là nơi nơi… nhà nhà. Chữ phú-thứ nghĩa là giàu có đông-đúc lấy trong Luận-ngữ, Tử-lộ, XIII, 9.

    (30) Hàm-dưỡng an-dật: Tự-đức đã dịch từng chữ là dung nuôi thảnh-thơi (xem lời chú số 6 bản quốc-ngữ, câu 33). Mục-đích của nền giáo-dục cổ nhắm vào việc đào-tạo con người luân-lý đạo-đức, sống bằng tinh-thần, bởi vậy, câu văn này chú-trọng vào việc đề-cao sự hàm-dưỡng an-dật, đào-tạo một tâm-hồn ung-dung, nhàn-nhã, phóng-khoáng, tự do, không bị chi-phối bởi bất cứ một cái gì, kể cả đam-mê cá-nhân.

    (31) Đản: Thật sự, thật là. Đản duy kỳ thời: thực là đã đáng buổi này, thực chỉ có lúc này mà thôi, ta ghi nhận nhiềm xác tin của các nhà lãnh-đạo phong-kiến vào chính-sách giáo-dục của họ.

    (32): Tiết-kinh: Từ lâu, đã lâu.

    (33): Liêm phỏng: Nguyên là chức Án-sát-sứ bên Trung-Quốc, được Hồ-quý-Ly áp-dụng ở Việt-Nam năm Canh-thìn (1400). Các Liêm-phỏng-sứ chia nhau đến các lộ, bí-mật dò hỏi về quan-lại kẻ hay người dở, về dân-gian việc lợi việc hại rồi về Triều làm sớ tấu đề-nghị giáng-truất hay cất-nhắc quan-lại (CM, chb, XI, 37).

    Từ năm 1831, việc liêm-phỏng được giao cho Tam-pháp ty gồm có Bộ Hình, Đại-lý tự và Đô-sát viện, những cơ-quan tư-pháp đời Minh-mệnh, Bộ Hình có nhiệm-vụ kiểm-soát hình-sự trong toàn-quốc, phúc-duyệt các bản-án đã chung-quyết, thụ-lý những vụ án mà Hoàng-đế có đặc-chỉ giao Bộ Hình kết nghĩ, kiểm-soát chế-độ lao-tù. Nhiệm-vụ của Đại-lý tự được thiết-lập năm 1831 là xử phúc-thẩm một số bản án quan trọng, thụ-lý những vụ kiện hà-lạm tham-tang, áp-chế, bức-sách. Đô-sát viện được thiết-lập năm 1832 có nhiệm-vụ chỉnh-đốn lề-lối làm việc của quan-lại, cho nghiêm phong-tục và pháp-chính (theo Nguyễn-Sĩ-Hải, Tổ-chức chính-quyền trung-ương thời Nguyễn-sơ, bản quay Roneo năm 1962, trang 163,213,221). Ngoài ra, việc điều-tra về đời sống luân-lý, kinh-tế của dân-chúng được giao cho các Trưởng cơ-quan địa-phương để tìm kiếm những người hiếu-thuận, tiết-nghĩa, hiền-lương, phương-chính.

    (34) Sưu-cầu: Tìm-kiếm.

    (35) Khuyến-lệ: Dùng lời nói và mọi hình-thức khen thưởng để thúc đẩy dân-chúng sống đạo-đức.

    (36) Chí kế: Kế lớn, những phương-thức, đại qui-mô.

    (37) Dân di: Di là thường, cái gì thông-thường nhưng không tầm-thường mà người ta thấy hằng ngày, có thể hỗn-phận với cái như-thực, đối-lập với cái kỳ-dị, lập-dị, phóng-cuồng, quái-đản; do đấy, di trở thành định-luật cho những người muốn sống một cách giản-dị như mọi người, hợp-nghi, trúng-tiết, phục-lễ, cẩn-trọng, nghiêm-túc, nghĩa là cổ-điển, sống theo lý-trí, không buông-xả theo tình-cảm. Chính vì thế mà danh-xưng di-luân đã được dùng để đặt cho Đại-giảng đường của Quốc-tử-giám, điện Di-luân.

    (38) Vật tắc: Định-luật, qui-củ của tất cả những gì có trong trời đất. Chữ trong kinh Thi: Thiên sinh chưng dân, hữu vật hữu tắc (Thơ chưng-dân, thiên Đại-nhã). Xem lời bình của Khổng-tử trong sách Mạnh-tử, Cáo-tử thượng VI.

    (39) Chuyên trất bồng-lư. Lư là lều cỏ, lợp tranh, bồn là một thứ cỏ, thân cao hơn một thước ta, lá như lá liễu, có răng cưa, hoa rất nhỏ, màu trắng, mùa thu thì chết khô, rễ bật lên, gió thổi bay đi nên gọi là phi bồng, bồng bay. Bồng-lư là lều được lợp bằng cỏ bồng, chỉ nhà rất nghèo, chuyên trất là đóng kín, xa-xôi hẻo-lánh. Tự-đức dịch là nhà tranh quạnh, dịch rất hay và sát nghĩa. Chữ tất-hữu trung tín lấy trong Luận-ngữ V, Công-Dã-Tràng, 27.

    (40) Thành-phác thuần-hậu: Thực-thà, mộc-mạc, đều-đặn, dày-dặn, những đức-tính của người dân quê, và cũng là những đức-tính nhân-loại phổ-biến vì những đức tính ấy gắn liền với con người. Đây không phải là một lý-luận mỵ-dân mà là một nhận định đặt cơ-sở trên tâm-lý tự-nhiên. Điều này giải-thích tại sao các Nho-sĩ chân-chính dễ có khuynh-hướng thân-dân đề-cao lao-động như trường hợp Nguyễn-Trãi (ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày), Nguyễn-Khuyến (chú Đáo bên đinh lên với tớ…)

    (41) Bất phạp: Không thiếu.

    (42) Duyệt Hình bộ sở thượng án quyền: Bộ Hình là một trong Lục bộ, chưởng-lý pháp-luật, qui-định hình-phạt để cho hiến-pháp được nghiêm-túc. Án-quyền: Tức là các tập tấu, các tấu-bản đóng thành tập do Bộ Hình đệ-trình Hoàng-đế ngự-lãm và phê-thị. Lời phê được viết bằng son đỏ nên các tấu-bản được ngự-phê còn được gọi là châu-bản. Việc đọc kỹ các phiến tấu (tấu-bản ngắn, chỉ gồm một tờ giấy) và tập-tấu như vậy gọi là duyệt.

    (43) Căng-lân: Thương xót (thương tình).

    (44) Thù: Rất, lắm. Tự-đức dịch là mười phân. Trẫm tâm thủ sở bất nhẫn: lòng Trẫm rất lấy làm bất-nhẫn về điều ấy. Tự-đức dịch: Lòng người chẳng nỡ chẳng đành mười phân.

    (45) Bất-nhẫn: Không nhịn được, không nỡ để xảy ra như vậy, không đành lòng. Mạnh-tử: [] nhân giai hữu bất-nhẫn nhân chi tâm, nghĩa là người ta ai cũng có lòng bất-nhẫn (Mạnh-tử, Công-tôn Sửu thượng VI).

    (46) Vô-lại ác-ôn: Lại là lời-lãi, ích-lợi, vô-lại là không có ích-lợi gì cho gia-đình, có tính dối-trá, lừa bịp, làm hại người khác; ác-ôn là cái gậy xấu, hung-dữ, chỉ những người tạo-tợn sống bằng gậy gộc; ác-côn đồng nghĩa với du-côn, côn-đồ nhưng ít thông dụng. Tự-đức dịch là những đứa hung-hăng.

    (47) Cuồng-giảo bất-sính: Cuồng là điên-dại, ngông-nghênh, dữ-dội, thiếu lý-trí và đạo-đức, giảo là ngông-cuồng, ngang-trái, xỏ-xiên, quỉ-quyệt, thích điên-đảo để lừa dối người ta; bất-sinh là người bất đắc-chí. Tả truyện: Ngũ-tộc tụ-quần bất-sính chỉ nhân [] năm họ quần-tụ những người bất đắc-chí. Cuồng-giảo bất-sinh chi đồ: những loài xỏ-xiên quỉ-quyệt bất đắc-chí. Tự-đức dịch: Những loài ngày-quyệt lung-lăng hoang-đường (câu 56). Lung-lăng: Dịch chữ bất-sính và có nghĩa là lộn-xộn, vô-hạn độ, xỏ lá ba-que.

    (48) Bất-quỹ: Không theo phép-tắc, thích làm loạn, làm ngược lại những gì cái đã được qui định. Quỹ là vết bánh xe, con đường đã định sẵn (thiết-quỹ, quỹ-đạo). Người chỉ chĩ đến việc làm khác xã-hội là mưu vi bất quỹ [] Tự-đức dịch: Việc lỗi phép thường.

    (49) Tùy tức: Sau đó, ngay sau đó, liền.

    (50) Tận đạo hình tru: Hết thảy phải gánh chịu mọi hình phạt. Tự-đức địch là: Thịt nát xương tan cả bầy.

    (51) Chiêu: Sáng sủa, rõ-rệt (chiêu-dương), bộc-bạch cho tỏ rõ ra (chiêu-tuyết). Lương dĩ chiêu nhiên: Thật là đã rõ-ràng rồi. Tự-đức dịch: Thật là tỏ rỏ lắm thay (câu 60).

    (52) Đệ: Nhưng, dùng làm chuyển mạch. Dũ: Nghĩa đen là cửa sổ khoét giữa vách hay tường xung-quanh có khuôn, trong có trấn-song đóng tréo thành hình mũi trám, nghĩa bóng là những lời nói ở dưới cửa sổ, chỉ lời dạy-dỗ của ông thầy. Âm dỗ trong dạy-dỗ là do âm dũ [], còn âm dỗ trong dỗ-dành là do âm dụ [].

    (53) Khổng: Rất, lắm; khổng-dị: rất dễ. Đệ tư dũ dân khổng dị. Tự-đức dịch là: Nghĩ dân cũng dễ bảo cùng.

    (54) Viên: Bên, chưng ấy, do đấy.

    (55) Huấn-địch: Huấn là dùng lời nói để dạy người, địch là tới, đi tới, dẫn dắt, chỉ bảo cho biết đường phải. Viên mệnh soạn huấn-địch chỉ từ: Bèn sai người biên-soạn những lời dẫn-dạy. Chữ Huấn-địch lấy trong kinh Thư, quyển VI, thiên chu-quan 4.

    (56) Tái sắc Lễ-bộ nghĩ-soạn nghi-chú: Bộ Lễ có nhiệm vụ quản-chưởng các nghi-thức điển-chương(tiết-lễ, tế-tự) và sinh-hoạt văn-hóa giáo-dục (đào-luyện nhân-tài, tu-thư, chỉnh-sức phong-tục). Nghĩ soạn: Suy-xét đắn đo rồi tìm ra cầu văn thích-hợp để quảng-diễn chính-sách của nhà vua. Công-tác nghĩ-soạn là của nhân viên Bộ Lễ, nhưng các nhà nghĩ-soạn phải căn cứ trên ý-kiến của nhà vua, và bản chiếu-dụ chỉ được ban-hành khi có sự đồng-ý hoàn-toàn của nhà vua là người đứng tên trong bản văn. Nghi-chú: Lời bàn giải dùng làm khuôn mẫu.

    (57) Phân-tống: Phân-phối để tống-đạt, chia các bản văn để gửi đi các địa-phương ngoài Kinh-đô.

    (58) Kinh-doãn: Chức trưởng-quan ở Kinh-kỳ, có từ đầu đời Trần, nhưng mang nhiều danh-xưng khác nhau như đời Trần gọi là Kinh-thành bình bạc ty, đời Trần Thánh-tông(1258-1273) đã đổi là Kinh-sư đại-doãn, cuối đời Trần đổi là Trung-đô doãn. Nhà Lê dặt Trung-đô phủ-doãn, đời Hồng-Đức đổi là Phụng-thiên phủ-doãn. Đời Nguyễn-sơ, đất Kinh-kỳ gồm 4 dinh là Quảng-bình, Quảng-trị, Quảng-đức, Quảng-nam, đứng đầu mỗi dinh là một Lưu-thủ có các quan Cai-bạ và Ký-lục phụ-tá. Năm 1822, Quảng-đức dinh đổi gọi là Thừa-thiên phủ, do quan Kinh-thành đề đốc điều-khiển, có 1 phủ-thừa và 1 phủ-doãn phụ-tá. Năm 1831, khi bắt đầu thực-hiện chính-sách tập-quyền triệt-để, toàn-quốc được chia làm 30 tỉnh, phủ Thừa-thiên vẫn giữ danh xưng và tổ-chức cũ. Vậy Kinh doãn là chức Kinh-thành đề-đốc. Nguyễn-Công-Trứ năm 1825 được bổ làm Phủ-thừa phủ Thừa-thiên, năm 1847, làm Phủ-doãn phủ ấy.

    (59) Đốc, phủ, bố, án: Tức là tổng-đốc, tuần-phủ, bố-chính, án-sát. Tổng-đốc quản-trị quân-dân, khảo-hạch quan-lại, quyền-nhiếp 1 tỉnh (Thanh-hóa), hoặc 3 tỉnh (Sơn Hưng Tuyên) hoặc 2 tỉnh (13 Liên-tỉnh); Tuần-phủ phụ-trách chính-sự, giáo-dục và chỉnh-đốn bảo-trì phong-tục trong một tỉnh-hạt; Bố-chính coi việc thuế-vụ, đinh-điền, quân-sự; Án-sát phụ-trách về hình-sự và bưu-dịch. Nói chung, việc tuyên-đạt chiếu-dụ của nhà vua là đặc-trách của Bố-chính.

    (60) Tổng, lý, xã, thôn: Liệt-kê những đơn-vị hành-chánh này để hiểu chữ “biến tống”, gửi đi các nơi, và thấy rõ ý-lực của nhà vua muốn phổ-biến triệt-để bản chiếu-dụ

    (61) Tịnh: Cùng, đồng-thời.

    (62) Học-chính: (hay học-chánh): Một chức khá lớn phụ-trách về giáo-dục, ngạch tòng lục-phẩm, ngang với Tri-huyện, lớn hơn Giáo-thụ (cấp Phủ) một trật, lớn hơn Huấn-đạo (cấp Huyện) hai trật.

    (63) Biến-sức: Cũng như biến-tổng, nhưng có tính-cách hành-chánh hơn.

    (64) Di kỳ: Cử vào ngày đã định, tức là vào tháng giêng.

    (65) Tuyên-độc giảng-minh: Đọc lớn giọng và giải thêm ra cho rõ nghĩa.

    (66) Gia truyền nhân tụng: Nhà này trao sang cho nhà kia, mọi người đọc to giọng từng lời từng chữ. Tự-đức dịch: Người đọc nhà thông.

    (67) Tương qui: Lấy phép khuôn xử lẫn cho nhau khỏi sai-lạc, khỏi trật đường. Tương qui dĩ thành: Chỉ-dẫn lẫn nhau để cùng nên tốt.

    (68) Nhật nhiệm nguyệt nhu: Nhu là dùng nước mà thấm vào cho ướt, thấm càng lâu càng tốt, vì thế cái gì lâu ngày tập quen cũng gọi là nhu như nói: nhĩ nhu mục nhiễm [] quen tai quen mắt. Nhật nhiễm nguyệt nhu: có thể dịch là ngày quen tháng thuộc. Tự-đức dịch: Ngày thấm tháng lây.

    (69) Đồng qui vu thiện: Cùng trở về lành

    (70) Cụ-văn: Văn suông, văn đủ câu chủ ngữ, không có giá trị gì, không nói lên được cái gì. Thiết vật thị vi cụ căn: Xin đừng xem là văn suông. Tự-đức dịch là văn lệ, văn viết cho có lệ, cho có. Vua Minh-mệnh rất ghét lối văn sáo. Trong bài Dụ năm Minh-mệnh thứ 13, nhà vua đã định nghĩa thế nào là sáo-ngữ và cấm-chỉ không cho dùng loại “cụ-văn” ấy trong các tờ thỉnh-an, một thể-thức báo-cáo hành-chánh đời Nguyễn-sơ. Vua Minh-mệnh cấm: “Không được dùng lời-lẽ hoa-mỹ, hoặc nói về thời-tiết, hoặc nói về cảnh-vật, những chữ trăng dọi sáng, gió đưa hương, đều là sáo-ngữ phủ-từ (Dụ năm Minh-mệnh thứ 13, trích theo Nguyễn-sĩ-Hải, Sđd , trang 80). Vì không cho văn mình là văn suông, mà là một thứ văn sống, thiết-thực nên nhà vua bắt quân-nhân sĩ-thứ phải “thân thể lực hành”, thân là con người của mình, thể là đặt mình vào, là đồng-nhất với, hòa-hợp với, như danh-từ Phật-giáo, gọi là thể-nhập, hay danh-từ Công-giáo gọi là nhập- thể. Thân-thể lực hành: là cái xác của mình phải đặt vào bài văn ấy, vào quan-niệm hoạt-động ấy và sức-lực của mình phải được triệt để thực-hiện những giáo-điều đã đề-cập tới trong bài văn. Xem đấy thì biết văn-học cổ-điển bao giờ cũng đòi-hỏi tinh-thần và hành-động nhập cuộc.

    (71) Tu hiệu: Cùng nhau bắt chước mà làm. Tư nhiên: cùng nhau tồn-tại, cùng nhau sống chung.

    (72) Cách bạc: Đổi cái mỏng-manh yếu-ớt đi. Tùng trung: Theo cái thực, cái tinh-thần dày-dặn đã làm cái gì thi làm hết mình hết sức mình, dốc lòng tận-tâm tận-lực làm đến nơi đến chốn. Tự-đức dịch bạc là mỏng, trung là dày rất đúng.

    (73) Huân thành: Huân nghĩa là đen là cỏ thơm, ngửi hương thơm ấy làm cho người nóng ran lên, có nghĩa là đầm-ấm, vui-hóa, hun nóng lên như có ngọn lửa ở trong bốc lên vậy. Huân-thành: lâu ngày trở nên.

    (74) Vĩnh nhạ: Điều-khiển việc nước trải qua nhiều năm, xây-dựng được một nền hòa-bình lâu-dài.

    (75) Trường-trị cửu-an: Điều-khiển việc nước trải qua nhiều năm, xây-dựng được một nền hòa-bình lâu dài.

    (76) Quyền-niệm: Nhìn lại và nghĩ đến. Được vua nhìn đến gọi là thần-quyến, được quan trên yêu gọi là hiến-quyển, người trong nhà và có họ với nhau là qua-quyến, thân-quyến.

    (77) Giáo-dục: Dạy-dỗ nuôi-nấng theo một kỷ-luật nhất-định.

    (78) Đào-thành: Nặn-nên, rèn-luyện, uốn-nắn cho ra cái bình mà mình lấy làm mẫu.

    (79) Hư-phụ: Vô-ơn, không biết đến, trông-cậy một cách vô-ích. Bất hư phụ: Chẳng luống phụ, không phụ.

    ( Còn tiếp...)​
     
    tducchau thích bài này.
  20. hhongxuan

    hhongxuan Lớp 7

    CHƯƠNG III (Tiếp theo)

    (80) Minh-luân: Làm sáng tỏ đạo thường. Luân là đạo hằng ngày, chú-trọng đến những qui-tắc xã-hội và đạo-đức giữa người và người, giữa người và xã-hội, minh là sáng, sáng-suốt, làm cho sáng. Minh-luân cũng như minh-tâm, minh-đức là những chủ-trương đòi-hỏi thái-độ và hành-động nhập-cuộc của nhà Nho, không nói luân-lý suông, đạo-đức suông mà bắt-buộc phải sống theo luân-lý, từng giây từng phút trong đời, mỗi hành-động là một minh-chứng, một biểu-minh cho luân-lý đã lựa-chọn, do đấy, minh-luân mới được đặt như là một nguyên-lý cơ-bản của Nho-gia. Nhân-đạo mạc tiên ư minh-luân: Đạo người không có việc gì trên việc làm sáng đạo thường. Tự-đức dịch: Đạo người lại có chi qua, trước nên tỏ biết năm ba lý này. Lời dịch thiếu chính-xác, không lột được hét tinh-thần của nguyên-bản (xem Mạnh-tử, thiên Đẳng-văn công thượng, Chương III).

    (81) Nghĩa: Sự phải chăng, lẽ phải chăng, định-liệu sự-vật hợp với lẽ phải. Lòng nghĩa đòi-hỏi con người phải vô-tư, khách-quan, không được thiên-trọng, chủ-qua, không được đề-cao cái tôi của mình, phải chú-ý đến cái gì chung cho mọi người. Mạnh-tử hiểu nghĩa như sau: Người ta ai cũng biết có điều không nên làm, đem điều ấy mà thực-hành ở điều mình làm, thế là nghĩa ([]) Quân-thần hữu nghĩa: Vua tôi có nghĩa. Tự-đức dịch là: Vua tôi phải có nghĩa dày, tức là cả nhà vua và bề tôi phải tôn-trọng đạo nghĩa, lấy đạo nghĩa làm trọng-tài cho mọi hành-vi, vua tôi xử-sự bất-nghĩa đều vô-luân như nhau (Mạnh-tử, Đằng-văn công thượng, Chương V)

    (82) Thân: Lui tới thăm hỏi luôn luôn, vì vậy, cha mẹ gọi là song-thân, họ bên nội gọi là thân, bên ngoại là thích (Mạnh-tử, Đẳng-văn công thượng, V).

    (83) Biệt: lấy dao mà chia ra từng phần khác nhau. Phu-phụ hữu biệt: Vợ chồng có khác nhau, có đẳng-cấp và nhiệm-vụ không giống nhau, tỉ-dụ: nam ngoại, nữ-nội, đàn ông lo việc ngoài xã-hội, đàn bà lo việc trong nhà. Cũng có nghĩa là vợ chồng phải kính-trọng nhau như khách, không thân-cận quá đến xuồng-xã, không âu-yếm quá đến lả-lơi (như trên).

    (84) Tự: Trên dưới khác nhau, có quyền-lợi và nhiệm vụ khác nhau (như trên).

    (85) Tín: Tin, không sai lời đã hứa, không nghi-ngờ nhau. Trong ba điều, đủ ăn, đủ, binh, đủ tin, Khổng-tử cho lòng tin là quan-trọng nhất. (Luận-ngữ, Nhan-uyên, XII).

    (86) Đôn: Hậu, dày-dặn. Dĩ đôn nhân-luân vi trọng: lấy việc làm cho nhân-luân thuần-hậu là điều quan-trọng.

    (87) Phụng công: Làm việc công, việc nước.

    (88) Lý chính: Lý nghĩa đen là giày da, rồi có nghĩa là giẵm lên, đi theo. Ở đây lý-chính là noi theo đường ngay.

    (89) Xu sự: Xu là rảo bước, đi dẫn đường trước. Xu sự: làm việc.

    (90) Phó công: Phó là chạy tới chỗ đã định trước. Phó công: Ra tay, ra công.

    (91) Vi sĩ-giả: Làm học-trò, khác với sĩ-giả ở trên là làm quan.

    (92) Để-lệ: hay chỉ-lệ, là đá mài, để là hòn nhỏ, lệ là hòn lớn, nghĩa bóng là giùi-mài. Tự-đức cũng dịch là giùi-mài.

    (93) Ngưỡng sự phụ-mẫu: Ngửng lên cao để thờ-phụng cha mẹ. Trong Lê-triều giáo-hóa điều-lệ, Lê Huyền-tông viết năm 1663: [], sử y-thực hữu dư, đắc dĩ ngưỡng sự phủ dục: khiến cho ăn mặc có dư, có thể lấy dễ ngửng thờ (cha mẹ) và cúi nuôi (vợ con) (Lê-triều giáo-hóa điều-lệ, điều thứ XVVI). Phủ-dục: Cúi xuống nuôi, nuôi vợ con. Điển-tích lấy trong sách Mạnh-tử: [] thị cố minh-quân chế dân chi sản, tất sử ngưỡng túc dĩ sự phụ-mẫu, phủ túc dĩ súc thê-tử, nghĩa là: bậc minh-quân đã chế-định tài-sản của dân thì phải làm sao cho dân trông lên đủ nuôi cha mẹ, cúi xuống đủ nuôi vợ con. (Mạnh-tử, Lương Huệ-vương thượng, VII).

    (94) Cung tô tựu phú: Tô là thuế ruộng, phú là thu thế, thu lấy hoa-lợi ruộng đất của dân để trang-trải việc nước, Cung tô tựu phú: Nộp tô đóng thuế. Tô phú được Tự-đức dịch rất sát nghĩa là thuế viết, Cung-tựu: Nộp tròn.

    (95) Hiếu nghĩa cấp công: Yêu lẽ phải, chăm việc quan, cả hai đòi hỏi cá-nhân, phải được điều-chỉnh thế nào để thích-nghi với xã-hội, sống với người khác và cho người khác. Bản Nôm dịch là: Lòng thường muốn phải giục dồn việc quan (câu 116).

    (96) Quân-tịch: Tịch là sách vở, sách đã ghi chép các việc (hộ-tịch). Lệ quân-tịch: Thuộc vào số quân. Lệ quân-tịch giả: Những người đi lính chuyên-nghiệp. Tự-đức dịch: kẻ đi ở lính. Sở-dĩ dịch là ở lính vì chữ tịch cũng có nghĩa là quê ở chỗ nào thì ở chỗ ấy, đời đời làm dân ở một nơi nào thì gọi là dân-tịch, vì đi buôn mà làm nhà ở một nơi khác gọi là thương-tịch, vậy quân-tịch là suốt đời đi ở lính, sống với nghề quân-sự.

    (97) Cẩu: Cẩu-thả, không thận-trọng, ẩu, cũng có nghĩa là tạm-thời, như nói cẩu-an, tạm yên; nghĩa ở đây là chỉ việc bê-bối của lính-tráng, họ không đào-ngũ vĩnh-viễn vì nghề của họ là nghề lính, họ chỉ trốn đi một thời-gian rồi lại trở về quân-đội để rồi lại trốn đi một lần nữa nếu có dịp, như thế gọi là cẩu-đào và Tự-đức đã dịch rất đúng là trốn hoài.

    (98) Đọa-khí (cũng đọc nọa-khí): Lười-biếng để cho thân-thể uể-oải, không có hứng-thú làm việc. Nhi bất chấn: Mà không phấn-chấn lên, để cho người rung-động tự nhắc mình lên cao, tiến lên phía trước. Tự-đức dịch theo lối khẳng-định là hè lui, rủ nhau đi về phía sau.

    (99) Luyện-tập kỹ-nghệ: Rèn-cặp cho giỏi về nghề binh, kỹ-nghệ là ngề khéo, cách sử-dụng vũ-khí khéo-léo, tức là kỹ-thuật. Tự-đức dịch luyện-tập kỹ-nghệ là tập võ. Đừng lẫn với kỹ-nghệ hiện nay, dịch chữ industrie, art et metier.

    (100) Hữu-sự: Có việc, khi có việc cần đến, khi quân-đội sai làm việc gì. Tự-đức dịch: Có sai, có ra lệnh cho thi-hành một công-tác nào.

    (101) Tắc phấn-dũng hướng tiền: Phấn nghĩa nghĩa là đen là con chim xù lông ra để tự-vệ, hay định tấn-công địch-thủ.

    Phấn-dũng: Rán hết sức cho mạnh-mẽ, hùng-hổ. Hướng-tiền: Tiến về phía trước. Tự-đức dịch thu-gọn 5 chữ tắc phấn-dũng hướng-tiền thành 2 chữ xốc vào rất gọn và rất mạnh.

    (102) Xâm đố: Đố nghĩa là đen là con mọt ăn gỗ, chỉ việc ăn hại dần dần làm cho của-cải bị hao mòn. Xâm-đố: dùng sức mạnh và chiếm lấn đất-đai hay tài-sản không thuộc về mình. Tự-đức dịch: ăn xâm.

    (103) Tiển dân: Dân nhỏ, người đen đầu, ít tiền của, ít thế-lực, Tự-đức dịch là dân lê.

    (104) Túc dạ: Sớm hôm, ngày đêm, không bao giờ quên

    (105) Hàm cầm: Đều chăm-chỉ, nghĩa là vô-phế công-sự, không rời bỏ việc chung, việc quan.

    (106) Nhược: Còn như.

    (107) Quai tranh: Quai là trái, hai bên không hợp nhau, tranh là giành nhau không cho hơn mình, dùng sức mạnh để lấy cái gì không phải là của mình. Quai tranh: chống nghịch nhau, thù-nghịch và giành-giật nhau. Tự-đức dịch là tranh đấu, thiếu chữ quai.

    (108) Khi-vũ: Lừa-dối và khinh-nhờn, lừa-gạt, hà-hiếp. Tự-đức dịch là dối khinh.

    (109) Sách Trung-kinh: Tên sách, bản cổ đề soạn-giả là Mã-Dung đời Hán, chú-giả là Trịnh-Huyền bắt-chước Hiếu-kinh có 18 chương. Mã-Dung(79-166) tự Quý-trường, là một người có tài về văn-học, âm-nhạc và nghệ-thuật, đã từng làm lang-trung, hiệu-thư Đông-quan, thái-thú Nam-quận, nổi tiêng thông nho một thời, học-trò đông đến hàng nghìn người, nổi tiếng nhất là Trịnh-Huyền (127-200). Ông đã viết Tam truyện dị đồng thuyết, đã chú-thích Hiếu-kinh, Luận-ngữ, Thi Dịch, Thượng-thư, Tam-lễ, Liệt-nữ truyện, Lão-tử, Hoài-nam-tử, Ly-tao, sau chết vì bệnh, thọ 88 tuổi. Có thuyết cho rằng tác-giả Trung-kinh là Hải-bằng đời Đường nhưng Hải-bằng là giác-giả của Thảo-kinh chứ không phải của Trung-kinh (Trung-quốc nhân-danh đại tự-điển, trang 816).

    (110) Di luân du-tự: Chữ trong kinh Thư, nghĩa là di-luân dã định. Di là thường, cái gì xảy ra hằng ngày, luân là luật tự-nhiên, là ngôi vị tự-nhiên của con người, di-luân như vậy là đạo thường mà con người tự-nhiên tuân theo vì là người, cũng như cây cỏ tự-nhiên tăng-trưởng nhờ có sức đẩy ở bên trong. Du-tự là đã định rồi, du là xa-xôi, ở đây được dùng như trợ-ngữ-từ để chi một trạng-thái, một thời-gian đã qua, tự là nói ra, trình-bày rõ-ràng, định-đoạt. Tự-đức dịch sát-nghĩa từng chữ là: Đạo thường đã định.

    (111) Hàm trăn: đều đến, tất cả đều đến cùng một loạt.

    (112) Vĩnh-nhạ: Lâu-dài.

    (113) Hoán hồ: rực rỡ thay! Sáng-sủa thay!

    (114) Vĩ tai: Phải vậy, đúng như vậy, không thể sai được.

    (115) Giáng trung: Giáng là xuống, ban từ trên xuống dưới, trung là tốt lành, thành-thực, tấm lòng ngay thực, thẳng-thắn, không cong vạy, như vậy, giáng-trung theo nghĩa trong Kinh thư là trời phú-bẩm cho, trời ban cho con người tự-nhiên khi sinh ra đã có khí-bẩm tốt-lành ai cũng như ai, và nhờ khí-bẩm ấy nên ai cũng có thường-tính, tức là tính thường, cái tính nó định-nghĩa cho con người là người, không giống với cầm-thú. Nhượng Tống dịch: đấng Thượng-đế lớn-lao, ban đạo trung cho dân dưới (Xem Thượng-thư, quyển Thương-thư, thiên Thang-cáo, bản dịch Thẩm-Quỳnh, trang 130).

    (116) Tứ đoan: Bốn mối, tứ là nhân, nghĩa, lễ, trí; nhân là lòng thương người, nghĩa là lẽ phải, lẽ phải mà mọi người công nhận, lễ là trật-tự trên dưới, trí là khả-năng phân-biệt điều phải, điều trái, tất cả bốn mối ấy đều nằm trong bản-chất con người, sinh ra đã có rồi. Nhân chi sơ, vô bất cố hữu: Người ta khi mới sinh ra không ai là không có. Mạnh-tử giải-thích tứ đoan là lòng trắc-ẩn(nhân), tu-ố (nghĩa), từ-nhượng(lễ), thị-phi(trí). Xem Mạnh-tử, Công Tôn Sửu thượng, VI.

    (117) Bách tính: Trăm họ, tức là dân-chúng.

    (118) Thủ thiện-tâm: Giữ lòng lành. Các tư thường thủ thiện-tâm: Đều lo thường giữ lòng lành, tức là lòng nhân, nghĩa, lễ, trí, giữ sao cho thẳng-thắn, ngay thật thì muôn ngàn điều lành đều do đó mà ra (tắc vạn thiên sở do sinh), và nếu không giữ được lòng lành, để cho nó cong vậy thì trăm điều ác đều do đó mà theo ra (kỳ tâm bất-chính, tắc bách ác sở tùng xuất).

    (119) Tồn-dưỡng lương-tính: Tồn-dưỡng do chữ tồn-tâm dưỡng-tính, giữ lấy lòng lành, nuôi lấy tính lành; lương-tính là tính tốt có từ khi mới sinh. Tồn-dưỡng lương-tính: Dồn tính lành vào một chỗ và nuôi-nấng cho tính-lành ấy được hoàn toàn hơn mãi. Tự-đức dịch: lòng lành thường giữ, tính lành thường trau. Chữ tồn-dưỡng lấy trong sách Mạnh-tử, Tận-tâm thượng, I.

    (120) Nghiệp: Ngày xưa cắt miếng gỗ ra từng lớp để ghi các việc hàng ngày, xong một việc bỏ một khớp, xong cả thì bỏ hết đi (tốt-nghiệp, tu-nghiệp); nghiệp còn có nghĩa là làm việc, học nghề, (gia-nghiệp, biệt-nghiệp). Sở nghiệp: Cái nghề của mình, cái công-việc của mình.

    (121) Hướng thiện: Quay về đường lành. Tuy sở-nghiệp hữu bất-đồng nhi hướng-thiện tắc nhất: Tuy cái nghiệp của mỗi người có chỗ bất-đồng, nhưng hướng-thiện thì chỉ có một.

    (122) Kiêu xa: Kiêu là ngựa lồng, lên mặt ngạo-nghễ, cậy mình quá đáng, xa là nhiều, quá đỗi, tiêu phí thái-quá gọi là xa-xỉ, kiêu-xa là cậy vào sự giàu-có của mình để lên mặt và hoang-phí vô-độ để khoe-khoang. Tự-đức dịch là phi khoe.

    (123) Gian-ngụy: giả-dối, điêu-ngoa, bậy-bạ. Tự-đức dịch: Dối-gian.

    (124) Lợi dụ: Dụ là dùng lời nói khéo-léo lôi cuốn người ta theo ý mình nhưng thường hiểu là lấy mưu gian để dẫn người ta vào đường ác, lợi là phần lúa mà mình đã lấy dao cắt được đưa về cho mình, chỉ chung những gì sắc, (lợi-khí) nhanh-nhẩu (lợi-khẩu), tốt-đẹp(lợi dân), lời-lãi (lợi-tức) nhưng nghĩa chính ở đây là chỉ cái ích riêng chỉ thuộc về một người, không thuộc về một người nào khác nữa, và như vậy, lợi là cái bất-thường, đối-lập với nghĩa là cái thường, như nói: nghĩa-lợi giao-chiến [], điều nghĩa và điều lợi vật-lộn nhau, trái ngược nhau. Lợi dụ là để cho ích riêng lôi kéo.

    (129) Ác tập: Tập là chim bay đi bay lại cho quen, học đi học lại cho thành-thạo (học-tập, giảng-tập), làm cho quen thành ra như một bản-tính thứ hai không đổi đi được nữa (tập-quán, tập-nhiễm). Ác-tập: Những thói quen xấu-xa, ghê-gớm. Tự-đức dịch là: Thói gian-ngoan dữ-dằn. Hãm ư ác-tập: rơi vào thói quen xấu.

    (126) Cẩu: Nếu, dầu. Bất-chính: Không thẳng-thắn. Tự-đức dịch là chẳng thẳng-bằng.

    (127) Quí-sĩ: Xấu-hổ, cảm thấy nhục nhã.

    (128) Tịnh-ác khử-tà: Trừ bỏ cái xấu đi, cất giấu cái cong queo đi. Tự-đức dịch: Bỏ xiên dẹp dữ (bỏ xiên: khử tà, tịnh ác: dẹp dữ).

    (129) Cảnh-tinh: Răn bảo và xem-xét. Tự-đức dịch là răn xét.

    (130) Phệ tê: Cắn rốn, nghĩa bóng là ăn năn. Phệ chỉ con thú mạnh cắn người, tê là rốn, phệ tê hà cập nghĩa bóng là ăn sao kịp.

    (131) Huệ địch cát: Huệ là lòng nhân-ái, hiểu theo động-từ thì nghĩa là thuận theo, dịch là đạo-đức, lý-trí, lẽ phải, cát là tốt-lành, hạnh-phúc. Huệ địch cát: đi theo hướng của lý-trí là tốt. Tự-đức dịch là theo thuận lành thân đã hiểu huệ là theo, thuận theo, đi theo cùng một hướng, và như vậy huệ địch cát phải được hiểu là thuận theo lẽ phải thì sẽ gặp điều lành. Sách Từ-nguyên cắt-nghĩa dịch [] là đạo [] và hiểu câu huệ địch cát [] trong kinh Thư là thuận đạo tắc cát dã []: theo đạo là tốt.

    (132) Tùng nghịch hung: Theo cái ngược lại thì xấu. Tự-đức dịch: nghịch thì mang dữ, nghĩa là theo lẽ trái thì gặp điều dữ.

    (133) Duy ảnh-hưởng: Ảnh là bóng, theo ánh-sáng, mặt trời chiếu vào cái gì có hình tạo ra; hưởng là âm vang do gió đưa tới, vì có hình thì có bóng, có, tiếng thì có vang, cho nên sự gì cảm-ứng rõ-rệt, có liên-hệ chặt-chẽ với nhau thì gọi là ảnh-hưởng. Duy ảnh-hưởng Tự-đức dịch là ứng thần bóng vang. Cả câu là lời Hạ Vũ nói trong thiên Đại vũ mô, Ngu-thư trong sách Thượng Thư.

    (134) Li: Lo-lắng, gặp phải, mắc phải hoạn-nạn. Âm li cũng có khi đọc là duy.

    (135) Cữu: Xấu, trái lại với hưu là tốt, xấu vì bị quá nhiều lỗi-lầm, làm cho con người ngày càng đi vào con đường ác. Li vu cữu (hoặc duy vô cữu) là mắc phải nhiều lầm-lỗi. Bất lạc kiến nhĩ đẳng chi li vu cữu: Không vui khi thấy các ngươi mắc nhiều lầm-lỗi.

    (136) Kỳ thận tư chi: Hãy suy-nghĩ từng li từng tí một về điều ấy.

    (137) Phố: Vườn trồng rau, nghĩa hẹp của chữ viên vì viên vừa nghĩa là chỗ đất để trồng hoa quả, rau dưa, vừa có nghĩa là chỗ để chơi riêng, (ấu-trĩ viên), lăng-tẩm các vua đời xưa và mồ-mả các phi-tần. Ở đây chỉ nghề làm vườn.

    (138) Mục: Người chăn loài vật, việc chăn nuôi, chỗ chăn nuôi, ở đây mục chỉ nghề chăn nuôi, cũng như trạch chỉ nghề đánh cá.

    (139) Võ biền: Nghĩa đen là cái mũ của người nhà võ, được định-nghĩa như là một người chỉ dùng sức mạnh để hàng-phục người khác; nghĩa chung nói về quan võ.

    Chữ dĩ chi, cho đến, tiết-lộ cho ta thấy tổ-chức quân-đội chặt-chẽ đời Minh-mệnh vì chỉ có đời Minh-mệnh mới quan niệm đi lính cũng phải có nghề như các nghề khác, ngang hàng với sĩ, nông, công, thương, viên, phố, trạch, mục. Dĩ chi võ-biền quân-lữ, các hữu sở-nghiệp: Cho đến các quân-lữ võ-biền (các lính-tráng, cai, đội), đều có nghề-nghiệp của mình.

    (140) Tư: Của-cải, vống liếng (tư-bản, gia-tư); của tiêu dùng vào việc gì (quân-tư), tư-cấp, phú-bẩm cho (tư-chất), nhờ, chỗ nương nhờ. Giai tư chi dĩ sinh dã: Đều nhờ vào đấy mà sống vậy.

    (141) Đãi: Trễ-nải lười-biếng. Nhi phế ư đãi: Mà bị phế-bỏ vì lười-biếng, trái lại là nghiệp thành ư cần: Nghề làm nên được là nhờ chăm-chỉ.

    (142) Đản: Một chắc, một mình, chỉ cầu, bất quá là. Đản năng: Chỉ cầu rằng có thể.

    (143) Tự-nghiệp tinh-chuyên: Làm việc chăm-chỉ hết sức mình, với tất cả gắng sức.

    (144) Bất giải dụng lực: Không lười dùng sức. Giải cũng như đãi là trễ-nải, lười-biếng, chậm-chạp.

    (145) Thành-hiệu: Có kết-quả, xong việc đến cùng. Hiệu là học đòi, bắt-chước (hiệu-pháp, hiệu-vưu); đến cùng (hiệu-lực, báo-hiệu), đều có nghĩa là hết sức đến cùng; hiệu-nghiệm, có kết-quả rõ-ràng ai cũng trông thấy (minh-hiệu, thành-hiệu).

    (146) Vi sĩ-giả: Làm học-trò, người còn trẻ, phải noi gương người khác.

    (147) Tháo thân (cũng đọc táo thân): Tắm rửa, dùng nước kỳ-cọ cho sạch. Tự-đức dịch là sạch mình.

    (148) Lệ hạnh: Mài-giũa tính nết cho tròn-lặn, nhẵn bóng. Tự-đức dịch là trau nết. Đây là một quan-niệm điêu-khắc về giáo-dục, cho con người là một khối vật-chất và tinh-thần đã có sẵn chất-liệu, chỉ cần lấy đi những cái gì thừa, không cần-thiết, là bức tượng đã nặn xong. Như Rodin tuyên-bố về nghệ-thuật điêu-khắc của Ông: “Tôi lấy một khối cẩm-thạch và tôi lấy đi những gì thừa”. (Je prends un bloc de marbre et j’enveve ce qu’il y a de trop). Lệ hạnh là như thế, là giùi mài tính-nết cho trơn láng, cạo sửa những gì không liên-hệ đến đạo-đức, thế gọi là trau, và Tự-đức đã dịch rất khám-phá chữ lệ-hạnh là trau nết.

    (149) Bác học: Biết thiên-văn, địa-lý, nhân-sự. Tự-đức dịch: Học nhiều. Chữ trong sách Trung-dung.

    (150 Hiệp văn: Cái gì cũng đã nghe biết. Hiệp là chan hòa, thâm. Tự-đức dịch: Nghe khắp.

    (151) Thành-lập: Do chữ thành nhân lập nhân, người quân-tử thành công là làm cho người khác cũng được nên và được có chỗ đứng như mình. Kỳ dĩ cập vu thành lập: Mong tới được một chỗ đứng vững-vàng, Kỳ: mong-muốn, quyết-định. Thành-tập: Dựng nền.

    (152) Túng: Nếu, dẫu rằng.

    (153) Cự nhi: Vội-vã có tính-cách đột-ngột, thốt nhiên dồn đến không hay biết trước. Diệc bất khả cự nhĩ: Cũng đừng khá vội-vã, gấp-gáp. Tự-đức dịch: Cũng đừng tham gấp.

    (154) Cải đồ: Sửa chữa những ý-định đã có, những mưu-toan, những mơ-ước về tương-lai. Tự-đức dịch: Chí thừa. Chữ chí dịch chữ đồ rất chính xác. Chữ chừa dịch chữ cải không được rõ nghĩa, nhưng ngày nay và hiện nay ở thôn-quê, người ta thường nói chừa-cải. Vậy chí chừa là chí đổi, ý-định cải-tổ lại những gì đã hư-nát, ở đây là cái ý-chí hèn-kém chỉ nhằm vào tiểu-lợi, lợi hèn, mà không ngó-ngàng đến nghĩa, điều mà Mạnh-tử đã trách Lương Huệ-vương.

    (155) Tu kỳ lỗi cử: Sửa lại cày bừa của mình.

    (156) Cần kỳ giá sắc: Chăm-chỉ việc cấy lúa và gặt hái.

    (157) Doanh-ninh: (dinh-ninh): Đầy-đủ, yên-vui.

    (158) Phong-liễm: Được mùa, thu lượm được nhiều.

    (159) Xuyết-nghiệp: (cũng đọc chuyết-nghiệp): Cũng đừng vì thế mà thôi việc.

    (160) Sức hóa, nhập tài: Tô-điểm hàng-hóa cho đẹp hơn, cho phù-hợp với vật-liệu.

    (161) Phụ thông hóa-hối: Của-cải khắp nơi. Phụ: Rất. Thông: khắp mọi nơi, hóa-hối: của-cải; hóa là vàng ngọc, hối là vải lụa.

    (162) Thường chức: Công việc hằng ngày.

    (163) Tự sinh: Nuôi sống mình.

    (164) Nghiệp quảng duy cần: Chỉ có chăm-chỉ mới phát-triển được nghề-nghiệp. Lời Thành-vương khuyến-cáo bách quan, ghi trong Thượng-Thư, thiên Chu-quan. Câu này, Nhượng-Tống dịch là: Nghiệp rộng cốt ở siêng-năng (Sđd, trang 175).

    (165) Miên: Gắng sức.

    (166) Sinh chi giả chúng: Cái sinh-sản ra thì nhiều.

    (167) Thực chi giả tật: Việc làm nhanh-nhẹn.

    (169) Dụng chi giả thư: Cái tiêu dùng thì từ-từ, thong-thả.

    (170) Hải-vũ thừa bình: Hải là biển, vũ là dưới mái hiên, dưới gầm trời, bốn phương, hải-vũ: nói chung là bốn phương trời biển, thừa là người trên ban cho, kẻ dưới nhận lấy; thừa bình: được ơn trên ban cho yên vui, không có chiến-tranh.

    (171) Đa thượng xa-xỉ: Nhiều người chuộng tiêu-xài hoang-phí.

    (172) Xa lệ quá độ: Xa là nhiều, lệ là đẹp, tốt. Xa-lệ quá độ: Nhiều và đẹp quá mức. Tự-đức dịch từng chữ: quá đỗi tốt nhiều.

    (173) Thù-tạc vãng lai: Thù là mời rượu, chủ mời khách uống là thù, khách rót mời chủ gọi là tạc, vì thế thù tạc, ngoài việc chỉ uống rượu mời đi mời lại, còn chỉ việc người đời đi lại cho quà tặng bánh để tỏ tính thân-sơ. Thù-tạc vãng-lai: nhận cái gì của người rồi lấy vật khác trả lại để báo-trả.

    (174) Suất đa phù chí: Thảy đều tốn-kém, nhăng-nhít.

    (175) và (176) Nhất diên chi tiếu-tế: Một bữa tiệc cúng. Diên nghĩa đen là một cái chiếu, ngày xưa giải chiếu xuống đất ngồi, nên gọi chỗ ngồi là diên, cuối cùng chỉ một bữa cơm ăn trên chiếu ấy, thường chỉ một bữa cơm sang-trọng đãi khách, tiếu-tế là lễ-nghi cúng thần-thánh, bắt buộc phải lập đàn và có rượu.

    (177) Sở nhu: Đồ dùng, tiền cần-thiết để dùng vào việc cúng-tế ấy.

    (178) Lũy: Thêm ra, tính dần lên.

    (179) Minh-ngoan chi đồ: Đoàn trẻ dại-dột, tối-tăm. Minh là tối-tăm, ngoan là ngu-dốt, ương-ngạnh, không biết lại hay làm những việc càn-bậy.

    (180) Dâm: Chỉ chung tất cả những gì quá lắm (dâm-vũ, dâm-hình), động, mê-man quá độ; dâm vu nha-phiến: mê hút thuốc phiện, nghiện-ngập.

    (181) Đăng: Phóng-túng, lang-thang chỗ này chỗ khác, không biết giữ-gìn (đãng-tử, du-đãng). Đăng vu tửu-bác: Là-cà rượu chè cờ bạc.

    (182) Phá-sản khuynh-ti: Tan-tành đồ-đạc, ngả-nghiêng tiền của.

    (183) Mẫn: Thương xót (lân-mẫn)

    (184) Lẫm: Rét, nghèo-khổ, nghiêm trang, trọng-đại, nghiêm-chỉnh. Lẫm tuân: Nghiêm-chỉnh tuân-hành, làm những hiệu-lệnh của vua một cách đàng-hoàng, đứng-đắn thực-sự, chứ không được coi là chuyện đùa.

    (185) Trì thân trị gia: Giữ mình coi nhà. Trị là cầm giữ bằng tay (trì-tiết, chủ-trì), chủ-trương công việc gì, hay coi sóc một nơi nào (trụ-trì), Trì thân: Giữ chắc cho con người của mình không rời xa đạo-đức, giữ-gìn mình một cách bền-bỉ chắc-chắn. Trị gia cũng như tề-gia là coi sóc việc nhà cho thứ-tự, ngăn-nắp.

    (186) Chất-phác: Mộc-mạc, chỉ cốt cái phần thực-sự ở bên trong không chú-trọng tô-điểm ở bên ngoài. Phòng-ốc, khí-cụ, thủ chất-phác đã được Tự-đức dịch rất gọn: Ở, dùng bền, thực (câu 216).

    (187) Quan, hôn, tang, tế: Lễ đội mũ cho con trai, lễ cưới gả cho con gái, lễ chôn người chết, lễ cúng giỗ.

    (188) Đản quí đắc-nghi: Chỉ cốt đúng hợp với lễ-phép, không cần ra ngoài những qui-thức đã định.

    (189) và (190) Ngật (cũng đọc cật): Ăn. Tằng ngộ ngật nha-phiến: Từng lỡ hút thuốc phiện.

    (191) Tẩy trừ: Rửa bỏ, chừa bỏ đi.

    Đoạn văn này nhắc người đọc nhớ đến một đoạn văn tương-tự trong Khổng-tử tập-ngữ: “Trung nhân chi tình hữu dư tắc xỉ, bất túc tắc kiệm, vô cấm tắc dâm, vô độ tắc thất túng dục tắc bại. Cố ẩm-thực hữu lượng, y-phục hữu tiết, cung-thất hữu độ, súc-tụ hữu số, xa-khí hữu-hạn, dĩ phòng loạn chi nguyên dã” (Khổng-tử tập-ngữ: Tề-hầu vấn, XIII). Cái thường tình của hạng người trung-nhân, kể có thừa thì xa-xỉ, không đủ thì cần-kiệm, không cấm-đoán thì dâm-dật, không tiết-độ thì thất-thố, tình-dục phóng-túng thì suy-bại, cho nên ẩm-thực phải có hạn-lượn, y-phục phải có tiết-chế, cung-thất phải có mức-độ, súc-tụ phải có định, xa-mã khí-dụng phải có hạn để đề-phòng mầm loạn vậy. Câu “thận nãi kiệm đức, duy hoài vĩnh đồ” nghĩa là: cẩn-thận lấy đức sẻn, hãy nghĩ lo đến sự lâu dài (Thượng-thư, thiên Thái-giáp thượng, bản dịch của Nhượng-Tống, trang 70).

    (192) Sở uan phi tế: hễ cùng nhà nước chẳng hèn (câu 225)

    (193) Hình thố: Việc hình, việc trừng-phạt của quan-án được bãi bỏ.

    (194 Binh tẩm: Việc lính-tráng được đỉnh-chỉ, được xếp một chỗ.

    (195) Tương quan: Cùng nhìn nhau, trông nhau để bắt chước.

    (196) Ân-ý: Ân là ơn, điều tốt-lành thực-hiện cho hạnh-phúc của người khác, yêu người và giúp đỡ cho người được tốt đẹp (ân-tình, ân-ái, ân-nghĩa), ý là phần thứ bảy của trí-tuệ, có khả-năng phân-biệt, đắn-đo, ức-đạc (bất-ý), nói chung, ý là tất cả những gì toan-tính ở trong lòng. Ân-ý chú trọng đến việc làm ơn-ích cho người khác.

    (197) Dĩ hậu thân-tộc: Để cho tình họ hàng bà con được tốt-đẹp, đầy-đặn, có bề dày bề ngang hẳn-hoi. Hậu là tốt, nhiều (hậu-đãi, trọng-hậu, phúc-hậu).

    (198) Tín thuận: Tin và chiều theo. Minh-mệnh đặc-biệt chú-trọng đến chữ tín nên bất-cứ trong giáo-điều nào, nhà vua cũng nhấn mạnh đến đức-tính này vì nhà Nho vẫn chủ-trương từ xưa là dân vô tín bất lập (Luận-ngữ XII, 7) không gây được lòng tin của dân thì không đứng vững được.

    (199) Mục: Nhìn bằng con mắt hiền-lành, dịu-dàng, với tất cả lòng mong-muốn, tốt-đẹp.

    (200) Hương đảng: Làng xóm, láng giềng. Hương là một khu gồm 12.500 nhà, đảng gồm 500 nhà. Hương đảng nói chung về chỗ ở chung với nhau, có phong-tục, luật-lệ chung.

    (201) và (202) Xâm và lăng: Xâm là không phải của mình mà cứ tìm mưu-kế hay dùng sức mạnh để lấn hiếp; lăng nghĩa đen là lớp váng, lớp giá vì lạnh mà tích-tụ lại thành lớp, nghĩa bóng là lấn-lướt đụng chạm tới, Vô dĩ phú xâm bần: Đừng lấy giàu lấn nghèo. Vô dĩ cường lăng nhược: Không lấy mạnh hiếp yếu.

    (203) Bảo-ái: Giữ-gìn, che-chở, giúp-đỡ và yêu mến. Cư binh tắc tương bảo-ái: Lúc thường thì cùng nhau bảo-trì lòng yêu thương.

    (204) Chu-tuất: Cứu giúp bằng tiền của, vật-liệu, lương-thực.

    (205) Thù phản: Ghét giận hằn-học.

    (206) Tranh đoan: Đầu mối giành-giật. Vật tích thù-phẫn dĩ cấu tranh đoan: Đừng chất-chứa hận-thù mà tạo nên mối tranh-giành.

    (207) Kiện-tụng: Khỏe tố-cáo nhau trước cửa quan.

    (208) Di phương sinh-lý: Để hại tới lẽ sống. Chữ sinh-lý hiện nay dịch chữ physiologie hay vie physiologique của Âu-châu nghĩa hẹp hơn và chỉ hoạt động của cơ-thể mà thôi.

    (209) Liên thủ-vọng: Họp nhau lại để giữ-gìn trông coi.

    (210) Nhị: Thôi, nghỉ. Nhị đạo-tặc: Dẹp trộm cướp.

    (211) Nặc đào: Che đậy cho người đào-ngũ, trốn lính.

    (212) Châu-liên: Châu là gốc cây, liên là liền, vướng-vít vào nhau như gốc này liền với gốc kia, nghĩa bóng là lấy tội một người mà dây-dưa liên lụy đến nhiều người. Giới nặc đào dĩ miễn châu-liên: Đừng che giấu những người trốn lính để khỏi bị liên-lụy.

    (213) Vi sĩ-giả: Người làm học-trò.

    (214) Tất tri xử tâm thuần-hậu: Ắt biết ở lòng thuần-hậu, hiền-lành, dày-dặn, tròn-trĩnh.

    (215) Lập tháo điểm-tĩnh: Lập là đứng, dựng nên, tháo là cái chí của mình giữ vững; điềm-tĩnh là yên-lặng. Lập tháo điềm-tĩnh: Giữ điều yên-lặng.

    (216) Nong phố: Nhà làm ruộng, lầm vườn.

    (217) Việt bạn: Vượt bờ cõi phân chia ruộng đất.

    (218) Khúc phòng: Khúc là cong, chỗ cong-queo chật-hẹp; phòng là cái đê, phòng-bị (đề-phòng), canh gác (hải-phòng); ở đây, phòng là đê nhỏ ngăn nước giữa hai thửa ruộng, khúc-phòng là đắp đất thành hình vòng để làm đê ngăn nước. Vật khúc-phòng dĩ hại nhân: Chớ ngăn nước ruộng mà hại người. Chức khúc-phòng lấy trong sách Mạnh-tử (Cáo-tử hạ, VII) có nghĩa là đắp vòng đê ngăn nước. Vô khúc phòng [] là một trong năm điều minh-thệ của Tề Hoàn-công ở Qui-khưu.

    (219) Công cổ: Làm thợ, đi buôn.

    (220) Vật xạ lợi nhi giao-tranh: Chớ tranh cướp mối lợi mà giành giật nhau. Xạ là cho tên vào cung nỏ, tống mạnh cho tên bật ra xa, cũng có nghĩa là tìm kiếm, chú-ý mà mưu-toan cho được phần thắng-lợi; xạ-lợi; cướp giật mối lợi.

    (221) Huyễn-hóa: Huyễn là tự khoe mình, kẻ làm trò tự khoe tài mình ở nơi đường-sá; hóa là của, vật gì có thể đổi lấy tiền được, bán, như sách Mạnh-tử nói: Vô xứ nhi quỹ chi, thị hóa chi dã [], không có cớ gì mà đưa cho, thế là bán đấy vậy. Huyễn-hóa là tự khoe hàng để bán. Tự-đức dịch là: tốt tươi đắt hàng, hiểu là: nói cho hàng đẹp tốt hơn để dễ bán cho đắt hàng. Cầu thụ: mong bán đi, bán ra cho được.

    (222) Phàm quyết thứ dân: Tất cả mọi thường-dân.

    (223) Vô hữu dâm bằng: Không có bạn bất-chính, bạn xấu, chỉ làm những việc bè-phái.

    (224) Vô hữu tị đức: Không có những đức-tính riêng tây (Xem Thượng Thư, Quyển Chu-thư VI, Hồng-phạm 10).

    (225) Dụ: Bảo rõ, lời dạy, biết so-sánh. Nhĩ đẳng nghi dụ thử ý: Chúng ngươi nên biết ý ấy. Tự-đức dịch: Ý này ai nấy nghiệm qua (câu 251).

    (226) Kiêu-phong: (cũng đọc nghiêu-phong): Phong-tục kiêu-bạc, những thói mỏng-manh, hợm-hĩnh, khinh-rẻ.

    (227) Duật tễ: Bên tới, đi tới, chỉ tới.

    (228) Chiên: Ấy, đấy. Nhĩ đẳng kỳ miễn chiên tai: các ngươi nên gắng sức nhiều về điều ấy vậy thay.

    (Còn tiếp ...)
     
    tducchau thích bài này.
Moderators: galaxy, teacher.anh

Chia sẻ trang này