Đôi dòng lưu niệm Mình thường đọc gì?

Thảo luận trong 'Bàn Trà' bắt đầu bởi amylee, 28/6/23.

Moderators: amylee
  1. amylee

    amylee Super Moderator Thành viên BQT

    Hôm nay mình tạo topic này coi như lưu lại kỷ niệm những gì mình đã đọc để lâu lâu lại có cái để đọc lại.

    Đây là các blog mình thường xuyên vào đọc và xin chia sẻ những bài rất hay. Mong các tác giả không phiền khi mình chia sẻ lại trên đây.

    Đọc lại Tolstoy
    Bởi agrael • 25-6-2022
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    .

    Đơn giản, bình thường nhất và khủng khiếp nhất.

    .​

    Sau một thời gian dài (tính bằng năm) không mua quyển sách nào, và còn dài hơn nhiều nếu nói đến sách tiếng việt, từ hồi covid đến nay tôi phá lệ mua vài quyển. Chúng có đặc điểm chung là không đến nỗi dở, vì tôi đã lựa chọn trước khi mua rồi, đều là các tác phẩm có tiếng, tuy vậy không có quyển nào hay. Bên cạnh đó, trình độ trung bình trở xuống của người dịch, chất lượng giấy, bìa thấp đã làm nên trải nghiệm đọc tầm thường.

    Sau đó tôi phát hiện ra rằng đọc lại là một cách đọc tốt, nhất là khi bản thân mình đã thay đổi nhiều từ lần đọc trước đó. Phần lớn sách của tôi rất già, trên dưới tuổi tôi, nên khi mở một quyển sách cũ ra, trong trường hợp này là quyển Tolxtoi – Truyện chọn lọc, tôi ngạc nhiên nhận thấy mùi thơm của nó không hề thay đổi sau 20 năm, cảm giác muốn đọc lại trỗi dậy. Sách xưa chất lượng tuyệt hảo từ trong ra ngoài, không một lỗi chính tả hay lỗi dịch, giấy sau 40 năm đã ngả vàng hơn một chút, nhưng chỉ một chút, không hoen ố tí nào. Phông chữ, cách dòng, căn lề theo kiểu sách Nga nhìn mát mắt. Gáy bìa không hề bong hay sứt mẻ. Cuốn sách đã già đi một cách hoàn hảo, giỏi hơn tôi nhiều.

    Tôi chọn cuốn này để đọc một phần vì 3 truyện Sevastopol, miêu tả giai đoạn đầu, giữa, cuối của cuộc chiến Crimea giữa liên quân Pháp, Anh, Ottoman và đế chế Nga vào giữa thế kỷ 19. Tolstoy vừa là một sĩ quan, vừa là một nhà văn. Khi không đánh nhau, ông ngồi viết truyện, gửi về đăng bài nóng. Truyện cho thấy ông không chỉ là một thiên tài kể chuyện, ông còn là một đấng nam nhi dũng cảm. Chiến trường Sevastopol thời đó là một trong những trận đánh khốc liệt và tàn bạo bậc nhất thế kỷ. Trong vòng 1 năm, phía liên quân đã có 120 nghìn lính chết và bị thương, còn phía Nga là 100 nghìn. “Lên pháo đài” là một cụm từ đồng nghĩa với chết. Tolstoy đã chỉ huy 5 khẩu đội pháo vào tháng tám năm 1855, thời điểm cuối cùng và khốc liệt nhất của chiến dịch.

    Qua truyện, và cả qua những hình ảnh trên mạng (thời đó đã có máy ảnh), qua các tranh vẽ, tôi có thể hình dung được công tước Tolstoy với thân hình to lớn, dáng lưng thẳng tắp và tính cách kiên nghị, ngồi ăn súp bắp cải thịt băm vào buổi sáng, khi mặt trời bắt đầu rọi sáng vụng biển phía nam, đầy những con tàu Nga đã bị quân Nga đánh đắm để cản đường tàu địch, ở xa là các hạm đội của liên quân, còn trên những dãy núi màu xanh thẳm, thỉnh thoảng lại có những làn khói bốc lên từ các khẩu pháo. Tôi cá rằng khung cảnh này giờ vẫn có thể thấy nếu đến Crimea, chỉ có điều những làn khói sẽ ở rất xa về phía bắc. Tolstoy miêu tả nhiều nhân vật với địa vị xã hội và tính cách khác nhau trong quân đội Nga, từ những sĩ quan tùy tùng cấp cao, các nhà quý tộc, những sĩ quan trẻ mới ra trường đến từ St. Petersburg và Moscow, những người tình nguyện, muốn chứng tỏ lòng dũng cảm, những kẻ cơ hội muốn kiếm tiền và địa vị từ cuộc chiến, những kẻ ngu ngơ không hiểu mình đang làm gì, những đám thượng lưu không từ bỏ thói ăn chơi dù chiến sự chỉ cách vài cây số, đến tầng lớp dưới, những sĩ quan cấp thấp chỉ muốn được rời khỏi chiến trường, những người tham chiến vì mưu sinh, những người phụ việc đủ loại để phục vụ cho một đạo quân khổng lồ, và phần lớn là những người lính bình thường, không dũng cảm, không hèn nhát, không tham vọng, không mưu đồ, không đặt câu hỏi đúng sai, không yêu nước mà cũng không than vãn. Họ ở trong cuộc chiến một cách tự nhiên như khi họ ở trong thời bình, tất cả những điều đang diễn ra nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Khi ngày nào cũng có những người xung quanh chết, thì cái chết của bản thân trở nên bình thường, điều thay đổi, nếu có, đấy là họ phần nào trở nên tự trọng hơn.

    Chiến sự thế kỷ 19 đã khác hẳn so với thời trung cổ, khi mà các đạo quân dàn hàng ngang rồi xông vào nhau. Phương pháp tấn công và phòng thủ chính là dùng pháo kết hợp đào hào. Lính ở dưới hào dễ phòng thủ, tránh được mảnh đạn khi pháo nổ và dễ di chuyển. Vì thế kiểu chiến sự này thường kéo dài vì hai bên sẽ đào hệ thống giao thông hào chằng chịt quanh chiến tuyến, rồi nã pháo vào nhau rất lâu trước khi có đánh xáp lá cà. Trong một năm của chiến dịch Sevastopol, số lượng lính chết vì kiệt sức và bệnh tật chiếm đến một nửa thương vong, tức là cỡ 10 vạn tính cả hai bên. Ngay cả đối với những lính chết trực tiếp do đạn pháo, phần lớn cái chết đều đến bất ngờ. Một tiếng rít rồi tiếng nổ, ù tai, đất đổ rào rào, và không biết gì nữa. Không có sự chuẩn bị để từ giã cuộc đời, không có những giây phút cảm động như trong tưởng tượng. Đoạn cuối truyện Sevastopol tháng tám, chú sĩ quan trẻ Vladimia lần đầu tiên lên pháo đài đã shock nặng khi nhìn thấy lính đang lẳng các xác chết xuống khe đồi, vì nhiều xác quá chắn hết lối đi. Những con số thống kê vô cảm, và mỗi một mẩu nhỏ của chúng, trong thực tế, đều là một nỗi kinh hoàng.

    Chiến dịch Sevastopol kết thúc với thắng lợi thuộc về Liên quân. Một thời gian sau, Crimea lại trở về thuộc đế chế Nga. Câu hỏi không thể không đặt ra : vậy tất cả những cái chết đó có ý nghĩa gì ?

    Một câu hỏi khác : liệu có sự khác biệt nào, giữa cuộc chiến này và cuộc chiến Nga – Ukraina hiện tại không ? Nó xảy ra ở gần đó, quân số gần như tương đương. Chỉ có vũ khí là khác. Lính chết vẫn như thế : bùm, và bạn chết, chẳng biết tại sao. Thậm chí kẻ tấn công giờ có nhiệm vụ đơn giản hơn : ấn một cái nút. Chiến tranh vẫn vô nghĩa như thế, và con người vẫn chết vô ích. Khi bạn tìm hiểu về lịch sử, bạn sẽ tìm được ý nghĩa bên trong cái vô nghĩa đó. Khi chính phủ Anh cấm vận chủ tịch clb bóng đá Chelsea Abramovich, tôi thấy nhiều comment của thanh niên vn kiểu : “Đại đế cho nó một quả nuke vào thẳng sân vận động cho nó đỡ ngu”. Và cả trong nhiều trường hợp khác. Không phải tôi chê vn, ít ra dân vn còn không biểu tình đòi lại công bằng cho Trump sau kỳ bầu cử 2020 như dân Tokyo. Vậy bạn có thể thấy, lỗi lầm của chúng ta, đó là chúng ta không bất tử. Tất cả mọi chuyện đều sẽ bị quên đi, tất cả sai lầm đều được lặp lại.

    ——–

    Hay như vậy, bộ ba truyện vừa Sevastopol không phải là truyện ấn tượng nhất của cuốn sách này. Đó là truyện ngắn “Cái chết của Ivan Ilich”. Ngay từ đầu truyện, tác giả đã nói : “Câu chuyện về cuộc đời đã qua của Ivan Ilich là một câu chuyện đơn giản, bình thường nhất, và khủng khiếp nhất.” Ông không nói quá chút nào.

    Nó khủng khiếp khi người đọc ở tuổi 20 một, thì khi người ta đã qua tuổi 40, nó đáng sợ gấp mười. Nó làm tôi liên tưởng đến một tác phẩm bậc thầy khác : “Hóa thân” của Kafka – một kiệt tác mà tôi nghĩ đã đạt đến mức phi thời đại. Nếu 1984 như một lời tiên tri, khắc họa được chi tiết tính dystopian của chủ nghĩa toàn trị, thì Hóa thân là một lời tiên tri khác, chưa ứng nghiệm, nhưng chỉ báo một cách chắc chắn rằng chủ nghĩa tư bản rồi sẽ suy tàn, bởi sự phi nhân tính nội tại của nó.

    Cái chết của Ivan Ilich có ít tính huyền thoại hơn Hóa thân, nó gần gũi với độc giả bình thường hơn. Nó là câu chuyện tóm lược về Ivan Ilich, từ khi còn là một thanh niên sáng láng, có tiềm năng nhất trong gia đình 3 anh em, đến khi chết là một ủy viên cấp trung của bộ tư pháp. Khi chết, ông có tiền, kinh tế thuộc hạng trung lưu, gia đình từ ngoài nhìn vào có thể gọi là viên mãn. Vợ ông hay cằn nhằn, nhưng bà lo cho chồng, khi chồng chết bà đã đảm đương, cáng đáng mọi sự, tổ chức đám tang đoàng hoàng. Con gái ông xinh đẹp, biết lề thói thượng lưu, đã có mối tốt. Con trai ông là cậu bé ngoan. Theo tiêu chuẩn của xã hội Nga thời bấy giờ, và theo tiêu chuẩn việt nam thời bây giờ, cuộc sống của ông không có gì phải hối tiếc.

    Nhưng, tất nhiên, không có một thứ gì trong cuộc đời đằng đẵng, có thể khiến Ivan Ilich, đau đớn đến quằn quại trên giường bệnh, cô đơn và cay đắng, cảm thấy đỡ hối tiếc.

    Hãy nói về bà vợ. Khi còn trẻ, Ivan Ilich là một thanh niên thông minh, có quan lộ rộng mở, vì thế ông đã gặp nhiều cô gái tốt. Ông đã chọn cô gái tốt nhất trong số đó để làm vợ, một phần vì nếu ổn định gia đình sẽ dễ thăng tiến hơn. Vợ ông xinh đẹp và nói chuyện tinh tế, hợp với ông. Thế nhưng hồi ức đẹp về vợ của ông ngắn ngủn. Rất nhanh, sau khi lấy nhau, con người đó biến mất một cách tài tình. Ông không thể nói chuyện với vợ nữa, và thường xuyên cãi vã. Những trận cãi vã chỉ lắng dịu nếu ông thăng tiến. Sau đó ông chọn cách xa lánh, dành nhiều thời gian cho công việc hơn, tối thì đi đánh bài, tối thiểu hóa thời gian nhìn thấy mặt vợ. Tình yêu ông dành cho vợ, không hiểu bằng cách nào, đã tan đi như bong bóng xà phòng. Cái còn lại chỉ là sự chán ngán. Sự chán ngán đơm hoa kết trái, và trở thành sự căm ghét. Nó cứ lớn dần lên mãi, gần như là một sự kinh tởm, không thể chịu nổi. Vào những ngày cuối của mình, ông thường nằm liệt giường, đau đớn cùng cực những khi không có morphin, ông luôn ước ao có một người bên cạnh để thấy đỡ cô độc. Ông đói khát tình người, nhưng vợ ông vào thăm ông là ông phải tính cách đuổi đi. Ông không còn ảo tưởng gì về tính người của bà. Thật ra điều này không khó, vì bà chỉ vào thăm chồng khi có người nhìn thấy. Tolstoy đã miêu tả đám tang của ông trước tiên, và trong đó người đọc đã thấy được bà quả phụ chu toàn và khéo léo, đã tìm hiểu được hết các cách tối đa hóa số tiền có thể lấy được từ cơ quan của ông.

    Có những đoạn đắt giá, như đoạn vợ ông và con gái vào thăm ông trước khi đi xem hát opera, cả hai bùi ngùi, cầm tay cầm chân nói tiếc ông không thể đi cùng, khiến tôi không thể không “wow”, vì tính phi thời đại của nó. Cũng giống như Kafka, Tolstoy đã miêu tả những biến chuyển tâm lý và hành xử của gia đình kẻ mất đi sức lao động một cách chậm rãi, hợp lý và tinh tế. Mọi sự thay đổi, mọi câu nói, thái độ đều hợp tình hợp lý, ai ở trong hoàn cảnh đó cũng cư xử như thế cả, làm thế nào mà khác được ? Hãy tưởng tượng bạn rơi vào trong câu chuyện, bạn nói những ý nghĩ của mình về gia đình của Ivan với một người khác, người này đặc biệt là có thể không nhất thiết phải ở thời đại đó, mà có thể là người thân của bạn, hoặc thậm chí là vợ/chồng bạn, bạn có chắc họ sẽ suy nghĩ giống bạn không ? Nhiều khả năng họ đồng ý với bạn, nhưng nếu bạn là Ivan, liệu họ có cư xử khác với bà vợ ? Và bạn có chắc rằng chính bạn sẽ cư xử khác với bà vợ, khi vợ/chồng bạn đã mất sức lao động, nhăn nhó nằm một xó, cơ thể đầy mùi, đái ỉa phải có người giúp, và quan trọng nhất, là chả còn ích lợi gì nữa ? Cả Tolstoy và Kafka, với cặp mắt đầy trắc ẩn của mình, đã nhìn thấy được tính tự nhiên của việc “kinh tởm hóa” “đối tượng” : nếu anh/cô ấy đã hóa thành một con gián, mà chắc gì cái con gián ấy đã là anh/cô ấy, ồ chắc chắn là phải thế, cái con gián ấy không thể là người mình gắn bó bấy lâu nay, mình là một người vợ/chồng tận tụy như thế, đầy người có thể làm chứng, không có ai dám nói khác, thượng đế không thể trừng phạt mình như vậy, nó không phải là anh/cô ấy, tất nhiên là như vậy… Và sau đó giam nó vào một phòng kín cho nó chết chẳng còn là một việc khó khăn.

    Cái chết của Ivan Ilich có phần nhẹ nhàng hơn so với nhân vật chính Gregor của Hóa thân, với sự có mặt của hai nhân vật không/chưa bị đồng tiền làm cho mục ruỗng tâm hồn, đấy là anh nông dân người hầu hàng ngày vào lau rửa và đổ bô cho Ivan một cách vui vẻ, ở lại nói chuyện với ông cả đêm không hề thấy phiền hà. Và đấy là cậu bé con trai ông, tuy không biết cách nói chuyện với bố nhưng qua cặp mắt sưng đỏ buổi sáng, Ivan biết con ông thương ông, và ý nghĩ đó an ủi ông nhiều.

    Cái chết của Ivan Ilich, đồng thời, có phần nặng nề hơn, bởi chính Ivan Ilich. Ông không phải là một người tốt đẹp gì. Dù có khởi đầu thuận lợi hơn nhiều người, ông đã sống một cuộc sống vô nghĩa, theo đuổi những giá trị nông cạn của xã hội, luôn đứng ở giữa đám đông. Ông chết vì một vết thương nhỏ do ngã khi treo rèm mới, bởi vì tất cả giới thượng lưu đều có rèm đẹp. Ông chỉ nhận ra sự ngu xuẩn thảm hại của mình vào những ngày cuối cùng.

    Đây là một câu chuyện kinh hoàng, không chỉ vì sự phi nhân, mà còn vì sự phi nhân tính đó hiển hiện ở khắp nơi, ở xung quanh ta, ở bố mẹ ta, ở vợ/chồng ta, ở con cái của ta. Nó là một đặc tính tự nhiên của chủ nghĩa tư bản, cũng như chiến tranh là một đặc tính tự nhiên của xã hội loài người.
     
    hpth90, Bao Ngoc 1234, utitgg and 9 others like this.
  2. gachi00

    gachi00 Lớp 4

    Làm sao lấy được link rút gọn này vậy bạn Amy
     
  3. amylee

    amylee Super Moderator Thành viên BQT

    Amy vào app wordpress lấy link ấy. Bấm vào ... bài muốn share sẽ hiện share rồi lấy link.
     
    gachi00 thích bài này.
  4. amylee

    amylee Super Moderator Thành viên BQT

    Nghệ thuật đang đi nơi khác, và chính trị phải nắm bắt nó/Phỏng vấn Jacques Rancière (phần 1)
    ngothanh • 03-05-2022
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Tên tiếng Anh “Art is going elsewhere. And politics has to catch it. An interview with Jacques Rancière”​

    Những suy tư của triết gia người Pháp Jacques Racière dịch chuyển giữa văn chương, phim ảnh, sư phạm, lịch sử học, lịch sử vô sản và triết học. Ông bắt đầu nổi lên khi đóng góp cho Đọc Tư bản/ Lire le capital (1965) và, ngay sau đó, xuất bản một phê bình mạnh mẽ Althusser – Bài học Althusser/ La Lecon d’Althusser (1974). Ông là giáo sư danh dự về triết học tại Đại học Paris VIII (St. Denis) và tiếp tục giảng dạy, trong vai trò giáo sư tham giảng, tại một loạt trường đại học, bao gồm Rutgers, Harvard, Johns Hopkins, và Berkeley. Một mô-típ lặp lại trong trước tác của Rancière là nắm bắt mối tương liên giữa chính trị và thẩm mỹ, và những ý nghĩa khác nhau của chúng ở những ngữ cảnh khác nhau. Phần lớn có thể được đặc trưng như nỗ lực nghĩ lại và lật đổ các phạm trù, ngành học và diễn ngôn. 30 tháng 10 năm 2007, một bản dịch tiếng Hà Lan kết hợp Sự phân phối cảm quan/ Le partage du sensibleThẩm mỹ vô thức/ L’inconscient esthétique được ra mắt ở Amsterdam. Nhân dịp này Sudeep Dasgupta phỏng vấn Rancière về trải nghiệm giác quan, sự chơi của nghệ thuật, và chính trị như một hình thức nhiễu động.

    Khoảnh khắc đầu tiên trong sự nghiệp tri thức của ông là sự tham gia cùng Louis Althusser và chủ nghĩa Mác, cụ thể là với quan niệm về triết học sở hữu chức năng mạnh mẽ trong việc định nghĩa và bóc tách khoa học khỏi ý hệ; triết học đã được móc nối mật thiết với một định nghĩa nghiêm ngặt về khoa học, rồi sản xuất các khái niệm. Ông tạo ra ấn tượng lớn với bài tiểu luận quan trọng về phê bình Mác. Sau đó, ông rời khỏi lối suy nghĩ về triết học và đi đến lưu trữ, đặc biệt là nghiên cứu công nhân thế kỉ 19 ở Pháp. Điều gì thôi thúc việc rời khỏi triết học để đến với lưu trữ, điều không phải một bước xoay chuyển quá thông thường mà các triết gia thực hiện? Ông mong muốn tìm thấy gì ở đó? Liệu ông có thể nối kết nó với cách trước tác của ông phát triển kế tiếp?

    Tôi không phải triết gia đầu tiên quyết định đi đến các lưu trữ. Tất nhiên đã có ví dụ của Foucault. Ông đã làm điều gì đó cực ngạc nhiên với thế hệ tôi; lần đầu tiên một lịch sử về chứng điên xuất hiện. Nó là cái gì? Cuốn sách của một triết gia và toàn bộ là các câu hỏi về người nghèo, y học, và nhà thương điên. Đã có mẫu hình và đó không phải một mẫu hình tệ, tôi nghĩ. Thứ hai, đó là phong trào cánh tả năm 68; rõ ràng điều gì đó đã sai với ý tưởng rằng mọi người bị bóc lột và bị thống trị bởi vì họ không biết luật của bóc lột và thống trị; do đó các khoa học ở đó để đem cho họ tri thức về điều họ ao ước biết. Tồn tại một kiểu vòng tròn luẩn quẩn: người ta không thể hiểu nơi chốn mà họ ở trong lòng hệ thống bởi vì đó chính xác là một điều luật của hệ thống mà nó tự che đậy. Ấy là một kiểu lặp thừa. Khoa học được cho là giải phóng mọi người và trao cho họ tri thức nhằm giải phóng họ, nhưng điều khoa học cơ bản sẽ giải thích là cái mọi người tất yếu không biết, cụ thể, cái khoa học có thể nói là về vị trí của họ. Mọi người bị thống trị bởi vì họ không biết và họ không biết vì họ bị thống trị.

    Do đó điều tôi đã cố gắng làm là nhận diện một ý tưởng khác về cái vòng tròn luẩn quẩn kia. Trước hết, tất nhiên, tôi mang trong mình một kiểu ý tưởng ngây thơ: hãy đi đến các dữ liệu để thấy hiện thực của phong trào xã hội, phong trào công nhân; hãy tìm ra một xã hội học về thực tiễn công nhân, phong trào công nhân, suy nghĩ công nhân và giải phóng công nhân.

    Nhưng cái hiện ra với tôi ở nghiên cứu này là việc không thể đối lập cái gì như kiểu một tư tưởng của công nhân “đích thực” với tư tưởng Mác-xít. Không thể suy luận phong trào công nhân, chủ nghĩa xã hội và cách mạng từ một trải nghiệm sống của văn hóa đại chúng và v..v..v. Chính xác là tại sao? Bởi vì cái vòng tròn luẩn quẩn. Chỉ trước đó một chút Ruth Sonderegger đã giải thích theo cách Plato nói mọi thứ về điều kiện của người công nhân. Theo Plato, công nhân phải làm chỉ công việc của chính họ thôi. Họ không thể làm bất cứ điều gì khác trừ công việc của chính họ vì hai lý do. Lý do thứ nhất là việc họ không có thời gian. Lý do thứ hai là việc họ có thứ thiên bẩm khớp vào công việc đó, điều cũng tương tự như nói rằng họ không có thiên bẩm nào khác. Họ có thứ thiên bẩm làm điều này, và ở vào nơi chốn này, thuộc về thời-không này – điều tất nhiên là nghịch đảo của sự loại trừ họ. Cái thu hút tôi, và cái tôi đã khám phá ra, là việc khả thể của giải phóng công nhân là biến đổi thứ vòng tròn hình xoáy chôn ốc bằng cách thoát khỏi bản dạng công nhân kia. Bản dạng công nhân không chỉ là một điều kiện mà là một thế giới cảm quan tổng thể về thống trị và bóc lột. Nó là vấn đề về cái có thể được nhìn thấy, cái có thể được tri nhận. Phân phối cảm quan có nghĩa là gì? Kiểu thế giới nào được đưa trao cho ta, và cách ta tri cảm cái thế giới giác quan được đưa trao đó? Điều tôi cố gắng là xây dựng từ tính tập thể của họ một kiểu chủ thế tính mới. Điều này có nghĩa rằng vô sản đã có một khả năng thoát khỏi bản dạng công nhân kia, văn hóa công nhân kia, cơ thể công nhân kia. Giải phóng sẽ là về việc sáng tạo cho bản thân họ một cơ thể mới, một thế giới sống mới. Và do vậy rõ ràng rằng vấn đề không phải việc họ không biết điều kiện của họ mà là với họ đó là có thể từ chối nó. Làm như thể họ không ở vào vị trí đó.

    Văn bản nổi tiếng của Kant, Phê phán năng lực phán đoán/ Critique of Judgment, nói rằng phán đoán thẩm mỹ đòi hỏi chúng ta chỉ cảm quan hình thức thôi. Khi đứng trước một tòa lâu đài, việc nó được xây từ mô hôi nước mắt của người nghèo không phải vấn đề; chúng ta phải không biết điều đó, Kant nói. Tôi nghĩ Kant đã đúng. Đồng thời tôi bắt gặp một văn bản được viết bởi một người thợ mộc, người lát sàn, và anh ta giải thích chính xác cái anh ta nhìn thấy khi anh đang nằm trên sàn trong một ngôi nhà giàu có. Anh ta quyết định đạt được một tri nhận thẩm mỹ về căn phòng, khu vườn, về bố cục viễn cận tổng thể. Do đó anh ta quyết định làm như thể anh ta có một cái nhìn vô tư, và có thể có được một phán đoán thẩm mỹ, bất kể thực tế anh ta bị trả công rẻ mạt, anh làm việc cho một ông chủ và cho kẻ giàu.

    Với tôi điều này là quan trọng. Nó nhắc nhớ tôi về quan điểm của mình đối với thẩm mỹ – thẩm mỹ không phải xã hội học về nghệ thuật mà là một hình thức của trải nghiệm. Cụ thể, một trải nghiệm về sự đứt đoạn. Điều này đã từng được khái niệm hóa bởi Kant và Schiller về sự đứt đoạn: tồn tại cái gì đó mà thoát khỏi những điều kiện thông thường của trải nghiệm giác quan. Đó là thứ run rủi trong giải phóng: thoát khỏi cách lối trải nghiệm giác quan thường nhật. Tư duy này đóng vai trò quan trọng cho ý tưởng của tôi về chính trị. Chính trị không phải về những tương quan quyền lực mà là về việc lên khung bản thân thế giới giác quan.
     
  5. Wanderman

    Wanderman Lớp 4

    Mấy blog này đọc hay quá! Gửi tiếp lên nhé @amylee
     
    nhanjkl and amylee like this.
  6. amylee

    amylee Super Moderator Thành viên BQT

    Mối tình tay ba giữa Rilke, Pasternak và Tsvetaeva — Phan Quỳnh Trâm
    Bởi quincy phan • 31/08/2022​

    Trong quyển hồi ký Walk Through Walls của nghệ sĩ trình diễn Marina Abramovic, bà kể khi bà còn là một cô bé cô độc 15 tuổi, bà đã đọc ngấu nghiến quên ăn, tập thư Letters: Summer 1926, những trao đổi tay ba qua thư từ giữa Rainer Maria Rilke, Boris Pasternak, và Marina Tsvetaeva, và người này thì yêu đắm đuối hai người kia. Nhà thơ Joseph Brodsky cho rằng đây là một trong những chuyện tình đẹp và ly kỳ nhất trong văn học Nga.

    Chuyện kể là trong những năm đầu của Thế chiến thứ nhất, cả Pasternak và Tsvetaeva đều sống ở Moscow, đều đã có tên tuổi trong vòng tròn văn chương và đều đã nghe thơ nhau trong những buổi đọc thơ nhưng cả hai không hề có ấn tượng gì với nhau.

    Cho đến năm 1922, Pasternak bị chấn động khi đọc tập thơ Versts của Tsvetaeva (khi đó đã rời khỏi Moscow và sống lưu vong cùng chồng là Sergei Efron), và đã gửi cho Tsvetaeva một bức thư bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình. Từ đó bắt đầu nảy nở mối tình văn chương mãnh liệt qua thư từ giữa hai người. Cả hai đều trạc tuổi nhau (Pasternak khi ấy 32, Tsvetaeva 30) đều sinh trong một gia đình nhà giáo và đều có mẹ là nghệ sĩ piano, đều yêu tiếng Đức và văn học và âm nhạc Đức.

    Hai nhà thơ trẻ tiếp tục trao đổi thư từ cho đến năm 1926 thì có sự xuất hiện của Rilke trong những bức thư Tháng 12 năm 1925, Tây Âu cùng tham gia chúc mừng sinh nhật lần thứ 50 của Rilke, khi đó đã là một tên tuổi lớn trong văn học Đức. (Những bức thư trong tập “Thư gửi chàng thi sĩ trẻ tuổi” được viết khi Rilke chỉ mới 27 tuổi). Trong những lời chúc mừng sinh nhật, có một bức thư của họa sĩ Leonid Pasternak, cha của Boris Pasternak, khi đó đã sống ở Berlin cùng với vợ và những người con gái của mình từ năm 1921. Bức thơ nhắc lại lần gặp gỡ giữa hai người trên một chuyến tàu ở Thụy Sĩ. Rilke trả lời bức thư và đó là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến những trao đổi tay ba qua thư từ này.

    Rilke đã học, đọc, dịch sách, lẫn làm thơ bằng tiếng Nga, đã sang thăm Nga hai lần, gặp gỡ Tolstoy (qua sự giới thiệu của Leonid Pasternak) và xem nước Nga như một quê hương tâm linh của mình. Boris Pasternak khi 10 tuổi đã được gặp Rilke trong chuyến thăm Nga lần thứ hai của Rilke (cùng với Lou Andreas-Salomé, không ai khác hơn là người trong mộng trong mối tình một chiều tuyệt vọng của Nietzsche).

    Trong những bức thư trước đó, cả Pasternak và Tsvetaeva đều nhắc đến Rilke, như là “hóa thân của thơ ca và đời sống tâm linh, một hình mẫu cần được tôn thờ”. Pasternak gợi ý Rilke viết thư cho Tsvetaeva và mối tình tay ba bắt đầu từ đó. Điều đáng nói là sau một thời gian thì Tsvetaeva bắt đầu cảm thấy tình yêu dành cho Rilke sâu đậm hơn cho Pasternak, viết thư cho Rilke và bày tỏ là bà muốn gặp ông ở Đức. Rilke nói: “Em không thể gặp anh được-Anh sắp chết”. Tsvetaeva trả lời: “Em cấm anh chết”. Rilke vẫn cứ chết vào tháng 12 năm 1926 và mối tình tay ba tan rã.

    Tsvetaeva, khi đó đã quay về Moscow và Pasternak, đang sống ở Paris, tiếp tục viết sonnets cho nhau. Sau đó bà lại phải đi khỏi nước Nga và sang sống ở miền Nam nước Pháp (vì đã lấy một lính Bạch vệ), rồi hết tiền nên lại phải quay lại nước Nga. Bà và Pasternak quyết định gặp nhau, lần đầu tiên sau 5 năm liên lạc qua thư từ. Bà sẽ dừng ở ga Lyon ở Paris trên đường về nước. Tsvetaeva mang theo một chiếc Vali cũ của Nga, chứa quá nhiều áo quần đến nỗi nó bị rơi ra ngoài. Pasternak vội chạy đi và đem về một đoạn dây để buộc vali lại. Cả hai đều quá xúc động khi gặp nhau, họ ngồi yên đó, không nói nên lời, bởi “có nói cũng khôn cùng”. Pasternak nói ông phải đi mua thuốc lá, rồi không bao giờ quay lại, để Tsvetaeva ngồi đó chờ mãi cho lúc lên tàu. Tsvetaeva đem theo chiếc vali cùng với sợi dây và trở về Nga. Về nước, chồng thì ở tù, bà túng thiếu. Bà đến Odessa, và trong lúc tuyệt vọng, viết thư cho hội nhà văn, hỏi xin làm lao công. Hội nhà văn trả lời là họ không cần. Bà về nhà, dùng chính sợi dây mà Pasternak đã dùng để sửa vali và treo cổ tự tử, ngày 31 tháng 8 năm 1941, cách đây 81 năm, khi mới 48 tuổi.

    Phan Quỳnh Trâm

    Tóm tắt từ hai quyển Rainer Maria Rilke, Boris Pasternak, Letters: Summer 1926 và Marina Tsvetaeva, Walk Through Walls: A Memoir, 2016.
     
  7. Wanderman

    Wanderman Lớp 4

    Cùng chơi với @amylee :)))

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Hứa Kỉ Lâm (Trung Quốc)
    Trần Đình Sử trích dịch (Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link)

    Lời người dịch: Hứa Kỉ Lâm đã phân tích sâu sắc thực trạng phân hóa xã hội, tư tuỏng và tổ chức xã hội Trung Quốc hiện đại. Các phân tích đó thiết nghĩ cũng trùng hợp với thực tế xã hội Việt Nam hiện nay. Thực chất chủ nghĩa tập thể là gì, xã hội xã hội chủ nghĩa hiện nay là gì, qua bài viết này có thể giúp chúng ta suy nghĩ.

    T
    rông người mà tưởng đến ta. Đường xa biết nghĩ lối ra thế nào?


    ….Từ sau năm 1949 trong xã hội Trung Quốc đã hình thành một xã hội tập thể chủ nghĩa chưa từng có trong lịch sử nhân loại và trong xã hội truyền thống Trung Quốc. Trong xã hội truyền thống, tuy lễ giáo nho gia có hạn chế tính tự chủ của cá nhân, nhưng giữa quốc gia và cá nhân không hề có quan hệ phi chủ khách thể. Gia tộc và cá thể, vương triều và thần dân đều có nghĩa vụ với nhau. Trung hiếu bên này thì phải có nhân từ bên kia, quần thể và cá nhân xây dựng một quan hệ hài hòa, cân bằng và tương hỗ. Xã hội truyền thống là một xã hội xã quần chủ nghĩa chứ không phải là tập thể chủ nghĩa. Ông Michael Oakechott chỉ ra rằng: Cộng đồng nhân loại xưa nay chỉ có ba mô hình : chủ nghĩa xã quần, chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thểVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link. Chủ nghĩa xã quần của xã hội thời tiền hiện đại. Thân phận, quyền lợi, nghĩa vụ của mỗi cá nhân phụ thuộc vào địa vị của cá nhân trong cộng đồng, giữa cá nhân và xã quần có quan hệ chủ thể tương quan với nhau. Chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể là hiện tượng chỉ lịch sử thời hiện đại mới có. Khi cá nhân dần thay thế Thượng Đế, trở thành chủ nhân của thế giới, chiếm cứ bản vị, thế là có chủ nghĩa cá nhân. Còn chủ nghĩa tập thể là một sự phản ứng lại cá nhân bản vị chủ nghĩa, là một thứ tập thể bản vị phản cá nhân, nó khác hẳn quan hệ cân bằng, hài hòa trong xã hội xã quần truyền thống. Quan niệm đạo đức của chủ tập thể là an toàn tốt hơn tự do, đoàn kết tốt hơn tiến bộ, bình đẳng tốt hơn là tự chủ. Mỗi cá nhân là một con nợ của xã hội, nó mang một món nợ mãi mãi không bao giờ trả xong đối với xã hội, xã hội cũng do đó mà trở thành một biểu tượng của món nợ tập thể mà họ phải è lưng gánh vác.


    Chủ nghĩa tập thể thời Mao Trạch Đông, với tư cách là di sản của chủ nghĩa tập thể cách mạng thời chiến có một thứ hình thái ý thức về cái đại ngã mang tính chất tôn giáo. Về lí luận là chủ nghĩa cộng sản không tưởng, về thực tế là lợi ích toàn vẹn của nhà nước nhân danh “nhân dân”. Bên dưới cái đại ngã đó không hề có cá nhân, mọi ham muốn và lợi ích cá nhân bị coi là tội ác nguyên thủy (nguyên tội). Trong cái xã hội tập thể mang tính chất tôn giáo ấy cá nhân trực tiếp lệ thuộc vào tập thể của nhà nước, ngoài tập thể ra cá nhân không có một quyền lợi nào. Trong chủ nghĩa tập thể này vừa không có xã hội, vừa không có cá nhân. Cá nhân chỉ là một cái bánh xe, cái đinh ốc trong cỗ máy xã hội, cho nên làm nảy sinh ra tấn thảm kịch vô nhân đạo và phản nhân đạo. Cái chủ nghĩa tập thể tàn bạo này đi ngược lại nhân tính và tự nhiên cho nên không thể nào lâu bền được. Sau khi “Cách mạng văn hóa kết thúc, xuất hiện làn sóng bật trở lại rất mãnh liệt. Sau 1978, cùng với trạng thái “băng tan” của xã hội, người ta phát hiện lại con người cá nhân, xuất hiện lại một thời đại “giải phóng con người”. Một dấu hiệu quan trọng của phong trào giải phóng tư tưởng và tư tưởng khái sáng mới của những năm 80 là xây dựng tính chủ thể của con người.

    Con người trong sự lí giải của chủ nghĩa khai sáng mới là , nó vừa là một tồn tại lí tính, vừa tồn tại tình cảm, tràn đầy các loại dục vọng tự nhiên hợp lí. Con người xét theo mục đích tự thân của nó có địa vị bản thể tự nhiên không cần phải chứng minh. Không có mục đích nào cao hơn con người. Một con người như thế đứng cao hơn quốc gia, giai cấp và các quan hệ xã hội tự nhiên khác, hàm chứa nhân tính phổ biến, nó có ý chí tự chủ và năng lực tự mình sáng tạo vô hạn. Cái duy nhất nó cần là giải thoát ra khỏi mọi sự trói buộc, trở về với bản tính tự nhiên của con người. Đó là con người trên ý nghĩa triết học, mĩ học, nhân học, con người bị trừu tượng khỏi các điều kiện của lịch sử. Sự trừu tượng như thế không phải là ngẫu nhiên, mà nhằm làm nổi bật tính chất tối cao vô thượng của bản thể con người, đột phá các thứ gông cùm mà chủ nghĩa tập thể đã chụp lên đầu nó. Từ đây chúng ta có thể phát hiện, con người cá nhân những năm 80, giống như con người cá nhân của thời Ngũ Tứ, vừa là một tiểu ngã, lại vừa là một đại ngã. Con Người “viết hoa” này vừa là con người thế tục có nhiều ham muốn tự nhiên, cũng là con người có tinh thần nhân văn, tinh thần và thể xác kết hợp hoàn mĩ. Một mặt các ham muốn tự nhiên và bản tính tự nhiên được giải phóng, có giá trị chính đáng, mặt khác tính chính đáng đó không hoàn toàn tự túc. Bên trên cái tiểu ngã vẫn có cái đại ngã, vẫn có những quy phạm tinh thần có giá trị mĩ học, đạo đức, nhân học, có sự dẫn dắt của mục tiêu lịch sử là hiện đại hóa quốc gia dân tộc.

    Sau những năm 90, kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, xã hội thế tục hóa nhanh chóng. Trong giới tư tưởng cách hiểu về cá nhân và cái tôi cũng theo đó mà có sự đổi thay rất to lớn. Con người chủ thể vốn có sự hài hòa nội tại bắt đầu bị tan rả, Đầu tiên là sự phân liệt giữa con người tinh thần, tâm hồn và thể xác thế tục, sau đó là con người trên ý nghĩa triết học trừu tượng, bị đặt trong ngữ cảnh lịch sử cụ thể, nó bị hoàn nguyên thành những con người công dân, quốc dân, thị dân có số phận, thân phận rõ ràng, trải qua thực thi chủ nghĩa phát triển, hiện đại hóa, rồi phong trào phản tư tư tưởng khai sáng, con người chủ thể bị hoài nghi, con người được xác định lại trong quan hệ tác động qua lại giữa tự nhiên, thế giới và tồn tại chung cục của nó. Trong những năm 80, đối diện với sự áp chế tinh thần và dục vọng cá nhân của cái thể chế chủ nghĩa tập quyền, sự giải phóng con người là giải phóng toàn điện. Các nhà nhân đạo chủ nghĩa tin tưởng rằng, trong một xa hội lí tưởng thuộc về con người thì con người với ý nghĩa đích thực của nó, sẽ là người tự do, được giải phóng toàn diện cả lí tính, tinh thần, ham muốn và thế tục.Thế nhưng quá trình thế tục hóa của kinh tế thị trường đã khiến cho cái lí tưởng ấy biến thành không tưởng. Sự thương mại hóa toàn diện xã hội đã giải phóng các đòi hỏi về dục vọng và vụ lợi của con người tự nhiên, đứng trước cái trào lưu thế tục cơ hồ như không thể ngăn cản được ấy giá trị tinh thần con người đứng ở đâu? Làm thế nào để hiểu và khẳng định giá trị ý nghĩa của cái Tôi tinh thần? Các nhà khai sáng những năm 80 đến những năm 90 chia rẽ nhau nghiêm trọng trên các vấn đề đó. Một bộ phận thì khẳng định con người tự nhiên, vụ lợi trong xã hội thế tục, một số khác thì phê phán gay gắt sự đánh mất giá trị tinh thần trong kinh tế thị trường, con người đã sa ngã thành đối tượng để cho vật dục sai khiến, không còn là con người nữa. Từ đó mà bùng nổ cuộc tranh luận lớn về “tinh thần nhân văn” năm 1993. Trước kinh tế thị trường lí tưởng con người hài hòa hai mặt vật chất và tinh thần đã hoàn toàn sụp đổ.

    Khi hình thái ý thức chủ nghĩa tiêu dùng vật dục hóa bắt đầu bao trùm xã hội, nó cũng tham gia cải tạo lại con người. Hình thái ý thức chủ nghĩa tiêu dùng không chỉ là quan niệm và phương pháp đặc biệt về tiêu dùng, mà còn là ý thức về sự hình thành cái tôi, là nhân sinh quan, giá trị quan và lí tưởng thẩm mĩ phổ biến đồng nhất với cải tôi. Hình thái ý thức chủ nghĩa tiêu dùng đã tạo thành một con người cá nhân hoàn chỉnh của cả thời đại thế tục: Nó có tràn trề dục vọng, tưởng tượng, nó có khát vọng vật dục vô bờ, đồng thời nó cũng có năng lực và tiền bạc để thực hiện các dục vọng đó. Từ dục vọng vô bờ đến thỏa mãn vô bờ là hình tượng con người cá nhân mà ý thức chủ nghĩa tiêu dùng đã nhào nặn nên. Cùng với sự phát triển đô thị, rồi phát triển các tầng lớp thị dân mới, một chủ nghĩa cá nhân vật dục, ích kỉ, một sự tưởng tượng mới về cá nhân đã được nhất trí khá phổ biến trong tầng lớp thị dân.


    Cái chủ nghĩa cá nhân ích kỉ thế tục đó đã được khoa kinh tế học chứng minh. Những người làm kinh tế những năm 80 họ vừa làm kinh tế, vừa làm đạo đức, chính trị. Còn từ những năm 90 các nhà kinh tế chỉ còn làm kinh tế thuần túy. Những con người trong xã hội thị trường đó đã có được các “công cụ lí tính” kinh tế rất phát triển. tức là cái công cụ lí tính mà Max Weiber đã nói đến, nghĩa là anh ta biết rõ cái mục đích và lợi ích của anh ta ở chỗ nào, biết lợi dụng các thủ đoạn có hiệu quả nhằm thực hiện mục tiêu lợi ích lớn nhất ra sao, chiếm hữu càng nhiều các tài nguyên, của cải, miễn là không làm tổn hại đến lợi ích người khác, mà thực hiện mục tiêu làm lớn lên mãi khối lợi ích của cải của mình. Đó là thứ chủ nghĩa cá nhân mà B. Macpherson gọi là chủ nghĩa cá nhân chiếm hữuVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link. Trong xã hội thị trường chiếm hữu ấy, bản chất của con người cá nhân được hiểu là kẻ sở hữu chính mình. Không phải kẻ sở hữu đạo đức, không phải là bộ phận của tổ chức xã quần nào, mà hắn ta chính là hắn ta, thông qua hắn và tài sản chiếm hữu của hắn để chứng tỏ chính hắn. Xã hội hiện tại là do những cá nhân như thế tổ chức lại. Trước kia con người được coi là đồng nhất với tôn giáo, đạo đức, triết học, văn học, nhưng trong thời đại thế tục hóa, nó biến thành một khái niệm trong tri thức kinh tế học, chính trị học, trở thành chủ thể của quyền lực và của cải, thuộc tính bản chất của con người gắn liền với chiếm hữu và sự khống chế. Mà xã hội thế tục hóa là một xã hội thị trường lấy quyền lực và tiền tài làm trục lõi, được tổ chức bởi các người làm kinh tế giàu năng lực chiếm hữu. Các cá nhân bị nguyên tử hóa thời xã hội thế tục đều là những con người có lí tính kinh tế tràn đầy khát khao vật dục, vừa không có lịch sử, không có tinh thần. Hắn ta cô đơn đối diện với toàn thế giới, mà thế giới bên ngoài đó là thế giới thị trường lấy lợi ích làm trục lõi, thiếu tình cảm ấm áp, cũng không có ý nghĩa. Quan hệ giữa cá nhân và cáí thế giới thị trường này chỉ là quan hệ vật dục và lợi ích, cũng tức là các quan hệ phi nhân cách như trao đổi, mua bán, chiếm hữu và khống chế.

    Con người cá nhân của xã hội Trung Quốc đương đại có ý thức về quyền lợi cá nhân hết sức rõ ràng, nó cũng học được cách thức biểu đạt nguyện vọng của mình và cách khuếch trương quyền lợi của mình. Nhưng do xã hội thiếu đời sống công cộng cho nên nó cũng thiếu ý thức nghĩa vụ và trách nhiệm tương ứng. Con người sở dĩ thiếu tinh thần trách nhiệm phổ biến là do Trung Quốc đương đại thiếu các cộng đồng xã hội, tôn giáo, văn hóa. Nhà nước thời đại Mao Trạch Đông đã hủy hoại các quan hệ cộng đồng như gia tộc, địa vực, tín ngưỡng. Sau thời cải cách mở cửa tuy các cộng đồng tôn giáo, gia tộc đã có xu thế khôi phục lại, nhưng không thể có địa vị chính đáng trong hệ thống chính trị xã hội, không thể có khả năng tham gia tổ chức xã hội. Mặt khác, theo đà phát triển của kinh tế thị trường, thị dân chiếm tỉ lệ dân số lớn ngày càng gia tăng, nhưng không hình thành một tầng lớp có tổ chức, có thị dân mà không có xã hội thị dân, có công dân mà không có tổ chức công dân. Khi Nhà nước rút khỏi lĩnh vực tư nhân, mà lĩnh vực công cộng của xã hội chưa được hoàn toàn mở cửa, con người trong lĩnh vực tư nhân được tự do như chưa bao giờ có, làm nảy sinh ý thức quyền lợi cá nhân, họ bắt đầu biết rằng: tôi muốn gì, tôi có quyền lợi như thế nào, nhưng ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ tương ứng thì mãi vẫn chưa có được. Trong lĩnh vực tư nhân do pháp luật điều chỉnh, do thiếu quyền lợi công cộng tương ứng, cái gọi là trách nhiệm và nghĩa vụ cũng trở thành một khẩu hiệu suông. Các cá nhân do các khối cộng đồng xã hội tan rã ném ra ngoài, nhất là các thế hệ thanh niên, thực hiện việc lấy cái tôi của mình làm trung tâm, nhưng không tìm thấy mối liên hệ với các xã đoàn công cộng, đời sống công cộng, do đó cũng không trở thành sự gánh vác tương ứng mà xã hội cần, và thế là trở thành các cá nhân “vô công đức”.


    Sự cạnh tranh tàn khốc của xã hội thị trường khiến cho các cá nhân bị giải thể, lại bị ném vào xã hội, trở thành những cá nhân nguyên tử hóa cô đơn không nơi nương tựa. Các cá nhân đó mất đi mọi sự bảo hộ của các cộng đồng, không thể độc lực đối diện với mọi áp lực đến từ xã hội, mà mọi vấn đề xã hội cũng bị giản lược hóa thành vấn đề sinh tồn cá nhân, để cá nhân một mình gánh vác. Trong những năm 80 các cá nhân độc lập từng được coi là một lực lượng đáng được hâm mộ, còn bây giờ thì đã thành một áp lực lớn gồm những con người cá nhân yếu đuối thảm hại. Những năm 80 những cá nhân giải phóng đem lại cho người ta niềm hưng phấn và niềm giải thoát phổ biến. Đến giữa những năm 90 về sau họ lại trở thành lực lượng khiến xã hội lo âu và bất an. Sự xuất hiện của chủ nghĩa cá nhân ích kỉ làm cho xã hội mất đi cảm giác về sự an toàn và sự xác định. Sau khi các cộng đồng xã quần đóng vai trò bảo hộ con người bị thủ tiêu hết, con người chỉ còn biết tự bảo vệ mình. Kết quả của sự tan rã của cái đại ngã (cái tôi lớn nằm trong các cộng đồng) thì các cái tôi nhỏ bé tự nó tha hóa. Cái tôi bé biến thành chủ nghĩa cá nhân vật dục và ích kỉ.

    Khi các cộng đông xã hội lần lượt bị phế bỏ, đánh mất năng lực bảo hộ, cá nhân chỉ một mình đối diện với sức mạnh của Nhà nước. Cơ sở xã hội quyền lực kiểu Hobbes là chủ nghĩa cá nhân ích kỉ (egoism). Lúc đó nhà nước không còn là cái tôi lớn của mỗi người, không có bất cứ giá trị ý nghĩa nào cả, mà chỉ là một tồn tại có tính chất công cụ, chỉ là nơi để cho các cá nhân phân tán tranh giành quyền lợi riêng tư mà thôi. Nhà nước này khác hẳn một trời một vực với cái nhà nước kiểu Mao Trạch Đông còn có chút ý nghĩa thiêng liêng. Cái xã hội của chủ nghĩa cá nhân ích kỉ cũng cần một con quái “ Leviathan”Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link hung dữ để duy trì ổn định và trật tự, không đến nỗi rơi vào tình trạng chiến tranh của tất cả mọi cá nhân chông lại mọi cá nhân. Macferson phân tích cho thấy: chủ nghĩa cá nhân chiếm hữu là một cách hiểu về con người: cá nhân về bản chất là kẻ chiếm hữu bản thân nó và các năng lực của nó, cá nhân không phải là một bộ phận tổ chức của chỉnh thể xã hội. Nó chỉ là một kẻ tự tư tự lợi, tìm mọi cách để gia tăng các mối lợi ích của nó. Bản chất nhân tính của con người là tham lam, còn tất cả mọi vật bao gồm cả năng lực của con người đều là hàng hóa mà giá trị của chúng được hình thành trong thị trường chiếm hữu. giá trị của con người tùy thuộc vào giá trị của nó trên thị trường. Trong lí thuyết của Thomas Hobbes chủ nghĩa cá nhân chiếm hữu được thể hiện một cách điển hình nhất. Vì thế mà ông đòi hỏi phải có một kẻ uy quyền tuyệt đối là “Leviathan” dùng để duy trì trật tự công cộng giữa các cá nhân.

    Chủ nghĩa quyền uy kiểu Hobbes dựa vào tiền đề một xã hội chủ nghĩa cá nhân tư lợi, ích kỉ. Triết học chính trị của ông lấy nhân tính làm cơ sở. Khát vọng sinh tồn là bản tính của con người, bảo toàn tính mệnh là quyền lợi tự nhiên hàng đầu. Động vật chỉ có khát vọng đối với khách thể hữu hạn, còn con người thì dục vọng chiếm hữu vô cùng tận. Để tránh việc các cá nhân ích kỉ đấu tranh tàn sát nhau rồi tiêu diệt nhau, con người đành đem lợi ích của mình giao cho kẻ có chủ quyền để duy trì trật tự xã hội. Nhưng các công dân bước vào xã hôi chính trị không hề đổi thay bản tính của nó, mà vẫn là những kể ích kỉ thông qua phạm vi luật pháp để duy trì lợi ích mình. Trong phạm vi luật pháp các công dân có thể làm giàu trong lĩnh vực tư nhân, kẻ chủ quyền cũng có trách nhiệm đại biểu dân sinh, bảo hộ quyền lợi riêng của công dân, nhưng các công dân mãi mãi không bao giờ có thể mong chia xẻ được quyền thống trị về mặt chính trị, đó là chủ quyền đại biểu công dân độc chiếm tuyệt đối không thể chia xẻ. Trong xã hội leviathan như thế, không có tôn giáo, không có đạo đức, càng không có xã hội, mọi người có quan hệ với nhau chỉ vì lợi ích riêng. Còn thị trường và quyền lực trở thành phương tiện để mọi người giao dịch vì lợi ích riêng tư. Chủ nghĩa quyền uy và chủ nghĩa cá nhân chiếm hữu kiểu Hobbes dựa vào nhau, bổ sung cho nhau, trở thành một loại hình “tính hiện thực” đang được thực hiện trong xã hội thế tục.


    Sống ở Vương triều tháng Bảy nước Pháp thế kỉ 19 Alexis de TocquevilleVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link, sau khi cảm nhận được sự trỗi dậy của xã hội thế tục chủ nghĩa cá nhân ích kỉ và chủ nghĩa quyền lực có quan hệ câu kết gian trá: Đến lúc đó sẽ xuất hiện vô số người giống nhau, bình đẳng, suốt ngày chạy chọt để hưởng thụ các món lợi nhỏ. Mỗi người trong họ đều tách đàn sống riêng, không hề quan tâm số phận của nhau….nếu họ có một cái gia đình có nghĩa là họ không có Tổ Quốc nữa. Trên đám người đó dựng lên một nhà đương cục có tính chất giám hộ có quyền lực cực lớn chịu trách nhiệm bảo đảm cho các cá nhân hưởng lạc suốt đời. Toàn thể bộ máy quyền lực đương cục đó là tuyệt đối, bao quát mọi điều từ nhỏ đến lớn, rất nhận chân và biết nhìn xa. Hơn nữa lại hết sức tốt bụng. Nó chỉ muốn cho công dân của mình hưởng lạc, cho rằng chỉ cần hưởng lạc là đủ, nó muốn làm phúc cho công dân, nhưng lại muôn là người trọng tài và là người thay mặt duy nhất để làm phúc cho công dân.

    Có những xã hội chủ nghĩa cá nhân khác nhau. Cái mà xã hội dân chủ tự do dựa vào là một xã hội chủ nghĩa cá nhân (individualism)có tinh thần công dân, có truyền thống tự trị, quan tâm lợi ích của nhau. Còn xã hội chủ nghĩa cá nhân ích kỉ (egoism) khi muốn hình thành trật tự thì chỉ muốn có một chính trị quyền lực tuyệt đối.

    Từ cổ xưa đến hiện đại trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc có hai luồng tư tưởng cá nhân. Một là cá nhân trong đó cái tiểu ngã và đại ngã, vật dục và tinh thần hài hòa, ý nghĩa của cá nhân sẽ có được trong một thế giới cao hơn. Từ quan niệm cá nhân của nho gia đến quan niệm cá nhân thời Vãn Thanh và Ngũ Tứ đều là như thế. Một loại cá nhân khác là cá nhân thoát khỏi ràng buộc của đại ngã, từ cá nhân ích kỉ kiểu Dương ChuVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link cho đến chủ nghĩa cá nhân vật dục mới xuất hiện gần đây trong xã hội thị dân hiện đại, bên trên cái tiểu ngã không có đại ngã nào hết, ý nghĩa đích thực của cá nhân xây dựng trên nền tảng của chủ nghĩa hưởng lạc thỏa mãn tức thời. Trong phần lớn thời gian lịch sử giá trị chủ lưu của con người cá nhân ích kỉ đó trong xã hội không có tính chính đáng. Sau thời cận đại do cái đại ngã không ngừng được kiến tạo lại, ngày càng thế tục hóa, xét từ các mặt thiên lí, công lí, nhân loại, xã hội cho đến nhà nước hiện đại, đều tan rã hết. Điều đó làm cho cái tiểu ngã dần dần mất đi sự quy phạm của cái đại ngã, chủ nghĩa cá nhân ích kỉ kiểu Dương Chu cuối cùng bước ra mặt tiền sân khấu xã hội, trở thành tình cảnh tinh thần của Trung Quốc đương đại. Từ lịch sử mà nhìn ngược lại hiện đại người ta không thể không hỏi: Nếu như xã hội chủ nghĩa cá nhân quả đúng là định mệnh của tính hiện đại, thế thì chúng ta cần một xã hội theo chủ nghĩa cá nhân nào?

    (Trích dịch từ bài viết trên Tập san khoa học xã hội Trung Quốc, Đại học Phúc Đán xuất bản, số Xuân 2009, số 26. )

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Michael Oakeschott. Bài giảng về đạo đức và chính trị ở châu Âu cận đại, tại Đại học Haverd, Cố Mai dịch, Thượng Hải, 2003. tr. 16 – 28.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link B. Macpherrson. Lí luận chính trị của chủ nghĩa casnhaan chiếm hữu.: từ Hobbes đến Locke. Nxb Thương vụ, 2001. tr. 93 – 142.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Con quái Leviathan là nhân vật quyền lực trong Kinh thánh, được Hobbes dùng làm biểu tượng cho nhà nước độc quyền, độc tài.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Tocqueville (1805 – 1809), nhà tư tưởng, nhà chính trị Pháp.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Dương Chu, nhà tư tưởng Trung Quốc thời Xuân Thu chiến Quốc, tiêu biểu cho chủ nghĩa cá nhân hưởng lạc, ích kỉ, duy ngã. Ông ta nói, dù nhổ một cái lông mà có ích cho thiên hạ ông cũng không làm.
     
    hpth90 and amylee like this.
  8. amylee

    amylee Super Moderator Thành viên BQT

    Tại Sao Văn Chương | Why Literature? - Mario Vargas Llosa
    Bởi quincy phan • 03/03/2014​

    Mario Vargas Llosa được trao giải Nobel Văn Chương năm 2010 trước hết với tư cách một người viết tiểu thuyết lớn, người đã “khắc họa những cơ cấu quyền lực”, “những hình ảnh sắc sảo về những cuộc phản kháng, nổi loạn và thất bại của cá nhân” trong xã hội hiện đại, như lời phát biểu của Hàn Lâm Viện Thụy Điển. Tuy nhiên, không nên quên Llosa còn là một cây bút đa thể loại (multi-genre writer). Ngoài truyện, ông còn viết kịch, viết kịch bản phim, viết báo, viết phê bình và tiểu luận văn học. Ở lãnh vực nào ông cũng có những thành tựu xuất sắc. Công trình phê bình của ông về Gabriel García Márquez (García Márquez: Story of a Deicide , 1971) — nguyên thủy là một luận án tiến sĩ, sau được in thành sách, dày trên 800 trang — cho đến nay vẫn được xem là cuốn sách sâu sắc nhất về tác giả cuốn Trăm năm cô đơn. Những cuốn sách của Llosa về Gustave Flaubert, (The Perpetual Orgy: Flaubert and “Madame Bovary” , 1975), về Jean-Paul Sartre và Albert Camus (Between Sartre and Camus, 1981), và về Victor Hugo (The Temptation of the Impossible, 2004) được đánh giá rất cao. Bên cạnh đó, Llosa còn viết rất nhiều tiểu luận. Theo Llan Stavans, giáo sư văn học tại Amherst College và là chủ biên cuốn tuyển tập văn học Latin (The Norton Anthology of Latino Literature), sự nghiệp văn học của Llosa có thể được chia thành hai giai đoạn: trước và sau khi ông ứng cử Tổng thống tại Peru vào năm 1990. “Trước, ông là một nhà văn và là một chính trị gia tập sự; văn chương là một ám ảnh. Sau, tiểu thuyết không còn làm ông bận tâm nhiều nữa. Thay vào đó, ông là một tiểu luận gia xuất sắc hàng đầu.”

    Các bài tiểu luận văn học của Vargas Llosa là kết tinh của một tri thức uyên bác của một giáo sư đại học lâu năm và nổi tiếng và một sự nhạy cảm phi thường của một nhà văn bậc thầy. Dĩ nhiên, trong cách nhìn của ông về văn học không phải không có vấn đề, ví dụ sự nghi ngờ của ông đối với các phát minh kỹ thuật mới gắn liền với sinh hoạt văn học trên thế giới trong những năm gần đây. Tất cả những ưu và khuyết điểm ấy có thể dễ dàng được nhìn thấy trong bài tiểu luận “Tại sao văn chương” dưới đây.

    Phan Quỳnh Trâm (2010)

    TẠI SAO VĂN CHƯƠNG?

    Tại các hội chợ sách hay các thư quán, tôi vẫn thường gặp cảnh một người đàn ông lịch sự đến và xin tôi chữ ký. “Để cho vợ tôi, con gái tôi, hay mẹ tôi”, ông ấy giải thích. “Cô/bà ấy là một người say mê đọc sách và yêu thích văn chương”. Tôi hỏi ngay: “Còn ông thì sao? Ông không thích đọc à?” Câu trả lời hầu như lúc nào cũng giống nhau: “Dĩ nhiên là tôi thích đọc, nhưng tôi bận bịu lắm.” Tôi đã nghe những lời giải thích như vậy cả hàng chục lần: người đàn ông ấy, cũng như hàng ngàn người đàn ông khác giống ông ta, có quá nhiều chuyện quan trọng để làm, có quá nhiều nghĩa vụ, có quá nhiều trách nhiệm trong đời sống, đến nỗi họ không có thể phí thời giờ quý báu của họ để vùi mình vào một cuốn tiểu thuyết, một tập thơ, hay một bài tiểu luận văn học từ giờ này qua giờ khác. Theo quan niệm phổ biến này, văn chương là một hoạt động có thể miễn trừ; hiển nhiên nó rất cao quý và hữu ích cho việc rèn luyện mỹ cảm và phong thái lịch lãm, nhưng chủ yếu nó chỉ là trò tiêu khiển, một thứ trang sức mà chỉ có những người có nhiều thời gian giải trí mới đáp ứng được. Nó là cái gì có thể lấp vào khoảng trống giữa các trận thể thao, các cuốn phim, một ván bài hay một ván cờ; và nó có thể bị hy sinh không chút đắn đo khi người ta dành “ưu tiên” cho những công việc và những bổn phận không thể buông bỏ trong cuộc đấu tranh sinh tồn.

    Dường như rõ ràng là văn chương càng ngày càng trở thành một hoạt động của nữ giới. Trong các tiệm sách, các cuộc hội nghị hay các buổi đọc sách công cộng của các nhà văn, thậm chí, ngay trong các khoa nhân văn ở đại học, đàn bà rõ ràng là nhiều hơn đàn ông. Trước nay người ta vẫn thường giải thích là các phụ nữ thuộc tầng lớp trung lưu đọc nhiều vì họ làm việc ít giờ hơn nam giới, và quá nhiều phụ nữ cảm thấy họ có những lý do thích đáng hơn đàn ông để biện minh cho thời gian mà họ dành cho những chuyện huyễn tưởng và ảo tưởng. Tôi có phần dị ứng với lối giải thích căn cứ vào việc phân chia nam và nữ thành hai phạm trù đông cứng và gán cho mỗi phái tính những ưu và khuyết điểm đặc thù của nó; nhưng không nghi ngờ gì nữa là càng ngày số lượng độc giả văn chương càng ít, và trong số ít ỏi còn lại ấy, phụ nữ chiếm đa số.

    Hiện tượng này hầu như diễn ra khắp nơi. Tại Tây-ban-nha, chẳng hạn, một cuộc thăm dò mới đây do Tổng Hội Nhà Văn Tây-ban-nha thực hiện cho thấy có một nửa dân số trong cả nước chưa bao giờ đọc một cuốn sách nào cả. Cuộc thăm dò cũng cho thấy, trong cái thiểu số người đọc sách, số phụ nữ thừa nhận có đọc sách cao hơn số nam giới khoảng 6.2 phần trăm, một sự chênh lệch có vẻ như đang lớn dần. Tôi vui cho những phụ nữ này, nhưng tôi cảm thấy buồn cho nam giới, và cho cả hàng triệu người có khả năng đọc nhưng lại không chịu đọc.

    Họ khiến tôi thấy thương hại cho họ không phải chỉ vì họ không biết đến cái lạc thú mà họ đánh mất, nhưng còn vì tôi tin là một xã hội không có văn chương, hay một xã hội trong đó văn chương bị xua đuổi — như một tật xấu ngấm ngầm — ra ngoài lề đời sống xã hội và cá nhân, và bị biến thành một cái gì giống như một thứ giáo phái tà đạo, thì đó là một xã hội bị mắc đọa trở thành man rợ về phương diện tinh thần, và thậm chí có nguy cơ đánh mất nền tự do của nó. Tôi muốn đưa ra một số lập luận để phản đối cái ý tưởng cho văn chương là chuyện phù phiếm, và để bênh vực cho quan điểm xem nó là một trong những công việc tiên quyết và thiết yếu của trí tuệ, một hoạt động bất khả thay thế trong việc xây dựng công dân trong một xã hội hiện đại và dân chủ, một xã hội của những cá nhân tự do.

    Chúng ta sống trong kỷ nguyên chuyên môn hoá kiến thức, nhờ sự phát triển phi thường của khoa học và kỹ thuật và từ việc phân mảnh tất nhiên của kiến thức thành vô số chuyên ngành hẹp khác nhau. Xu hướng văn hoá này, dù gì đi nữa, chắc hẳn sẽ nổi bật lên trong những năm sắp tới. Chắc chắn là việc chuyên môn hoá mang lại nhiều lợi ích. Nó mở ra những khám phá sâu hơn, những thí nghiệm lớn hơn; nó chính là động cơ của sự tiến bộ. Tuy nhiên, nó cũng có những hậu quả tiêu cực, vì nó xoá bỏ những đặc tính trí thức và văn hoá thông thường vốn cho phép nam và nữ cùng tồn tại, giao tiếp và có cảm giác liên đới với nhau. Chuyên môn hoá dẫn đến sự thiếu vắng mối cảm thông xã hội, đến việc phân chia con người vào những khu biệt cư (ghetto) của các kỹ thuật viên và chuyên viên. Sụ chuyên môn hoá kiến thức đòi hỏi những thứ ngôn ngữ chuyên môn hoá và những loại mã tự càng ngày càng có tính chuyên ngành, vì thông tin càng ngày càng trở thành chuyên biệt và khu biệt hoá. Đây là tình trạng đặc dị hoá và phân cách hoá mà một câu cách ngôn ngày xưa đã cảnh báo chúng ta: đừng quá chú mục vào cành hay lá mà quên chúng là bộ phận của cây; hoặc quá chú mục vào cây mà quên chúng là bộ phận của rừng. Ý thức về sự hiện hữu của rừng tạo nên cảm giác về tính khái quát, cảm giác về sự tuỳ thuộc, vốn là điều kiện nối kết xã hội lại với nhau và ngăn ngừa cho nó khỏi bị phân tán thành hằng hà sa số những sự cá biệt mang tính tự kỷ. Tính tự kỷ của quốc gia cũng như của cá nhân tạo nên bệnh hoang tưởng và sự cuồng sảng, bóp méo hiện thực, từ đó làm nảy ra ra sự thù hận, chiến tranh và ngay cả hoạ diệt chủng.

    Trong thời đại của chúng ta hiện nay, khoa học và kỹ thuật không thể đóng một vai trò nhất quán, chỉ vì sự phong phú vô tận của kiến thức cũng như tốc độ tiến hoá của nó đã dẫn đến sự chuyên môn hoá và những điều khó hiểu của nó. Nhưng văn chương đã, đang và, cho đến chừng nào nó còn tồn tại, sẽ tiếp tục là một trong những mẫu số chung của kinh nghiệm nhân sinh qua đó loài người có thể nhận biết chính họ và có thể tương thoại với nhau, bất kể những khác biệt đến đâu chăng nữa về nghề nghiệp, về những dự định trong đời sống, về trú xứ địa lý và văn hoá, về hoàn cảnh riêng tư của từng người. Nó đã giúp cho các cá nhân, với tất cả những nét cá biệt của cuộc sống của họ, vượt qua lịch sử: với tư cách là độc giả của Cervantes, Shakespeare, Dante và Tolstoy, chúng ta hiểu nhau xuyên qua không gian và thời gian, và chúng ta cảm thấy chính mình là thành viên của cùng một chủng loại, bởi vì, qua những tác phẩm mà các nhà văn này đã sáng tạo, chúng ta học được điều gì chúng ta cùng chia sẻ với nhau như những con người, điều gì vẫn còn là đại đồng giữa tất cả chúng ta bên dưới cơ man những tiểu dị đã phân hoá chúng ta. Không có gì bảo vệ một con người tốt hơn trước sự ngu xuẩn của thành kiến, sự kỳ thị chủng tộc, óc bè phái trong tôn giáo và chính trị, và chủ nghĩa dân tộc độc tôn, cho bằng cái sự thật từng hiển lộ bất biến trong những tác phẩm văn chương lớn: rằng con người, nam cũng như nữ, thuộc mọi quốc gia và xứ sở, đều nhất thiết bình đẳng với nhau, và chỉ có sự bất công mới gieo rắc trong họ mầm mống của óc kỳ thị, nỗi sợ hãi và sự bóc lột.

    Không có gì tốt hơn văn chương để dạy cho chúng ta thấy, giữa những sự dị biệt về sắc tộc và văn hoá, sự giàu có của di sản nhân loại, và biết quý trọng những sự dị biệt này như một thực chứng của sự sáng tạo đa diện của nhân loại. Đọc những áng văn chương hay là một kinh nghiệm lạc thú, dĩ nhiên; nhưng đó cũng còn là một kinh nghiệm để tìm hiểu chúng ta là gì và như thế nào, trong sự nguyên vẹn cũng như sự bất toàn của con người, với những hành động, những giấc mơ và những bóng ma của chúng ta, riêng lẻ cũng như trong những mối quan hệ nối liền chúng ta với kẻ khác, trong hình ảnh công cộng cũng như trong những góc khuất bí ẩn của ý thức chúng ta.

    Cái tổng thể phức tạp của những sự thật đầy nghịch lý này — theo cách nói của Isaiah Berlin — đã làm nên chính bản chất của điều kiện nhân sinh. Trong thế giới ngày nay, cái kiến thức quán triệt và sinh động này về con người chỉ có thể được tìm thấy trong văn chương. Thậm chí không có bất cứ ngành nhân văn nào khác — kể cả triết học, lịch sử hay các bộ môn nghệ thuật, và chắc chắn không phải các bộ môn khoa học xã hội — có thể có được cái kiến quan nhất quán này, cái diễn ngôn phổ quát này. Ngay cả các ngành nhân văn cũng phải chịu thúc thủ trước sự phân hoá và vi phân hoá hiểm nghèo của kiến thức, tự cô lập trong những nhánh tri thức mang tính kỹ thuật càng ngày càng trở nên manh mún, ở đó, ý tưởng và từ vựng vượt ra ngoài tầm với của con người bình thường.

    Một số phê bình gia và lý thuyết gia thậm chí còn muốn biến văn chương thành một khoa học. Nhưng điều đó sẽ không bao giờ xảy ra bởi tác phẩm hư cấu không hiện hữu để chỉ tra vấn một giới vực đơn lẻ của kinh nghiệm. Nó hiện hữu để làm phong phú cái tổng thể của cuộc nhân sinh xuyên qua sự tưởng tượng, một cái tổng thể không thể bị chia cắt, tháo rời, hay giảm thiểu thành một chuỗi những sơ đồ hay công thức mà không bị biến mất. Đó chính là ý nghĩa của cái kiến quan của Proust rằng “cuộc nhân sinh thực sự, mà cuối cùng sẽ được hiển lộ, cuộc nhân sinh duy nhất được sống một cách trọn vẹn, là văn chương.” Nói thế, không phải là ông đang phóng đại và cũng không phải là ông chỉ đang diễn tả tình yêu đối với nghiệp văn của chính mình. Ông đang xiển dương cái dự kiến đặc thù rằng, nhờ văn chương, cuộc nhân sinh sẽ được hiểu rõ hơn và được sống tốt hơn, và rằng để sống cuộc nhân sinh một cách trọn vẹn hơn người ta cần phải sống nó và chia sẻ nó với những kẻ khác.

    Mối tương giao thân ái mà văn chương thiết lập giữa người và người, thúc đẩy họ đối thoại với nhau và làm cho họ có ý thức về một nguồn gốc chung và một mục tiêu chung, là mối tương giao vượt qua mọi giới hạn mang tính thời gian. Văn chương đưa chúng ta trở lại quá khứ và nối liền chúng ta với những con người của những thời đại đã qua, những con người đã đặt ra những câu chuyện, đã thưởng thức và đã mơ mộng qua những văn bản truyền lại cho chúng ta, những văn bản hôm nay cho phép chúng ta cũng thưởng thức và mơ mộng như thế. Cái cảm nhận mình là thành viên trong kinh nghiệm nhân sinh tập thể vượt qua thời gian và không gian này là thành tựu lớn nhất của văn hoá, và không có gì đóng góp nhiều hơn vào việc phục hồi nó trong từng thế hệ cho bằng văn chương.

    Borges luôn luôn cảm thấy bực mình khi bị hỏi: “Văn chương dùng để làm gì?” Dường như ông cảm thấy đó là một câu hỏi ngu xuẩn; với câu hỏi đó, ông chỉ muốn trả lời: “Chẳng có ai lại hỏi tiếng hót của chim hoàng yến hay cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp để làm gì.” Nếu những cái đẹp như thế hiện hữu, và nếu, nhờ chúng, cuộc sống bớt xấu và bớt buồn đi, dù chỉ trong một thoáng, thì việc tìm kiếm những lý do thực tế để biện giải cho nó không phải là quá đỗi nhảm nhí sao? Nhưng cái câu hỏi ấy dù sao cũng là một câu hỏi hay. Bởi vì tiểu thuyết và thơ không giống với tiếng chim hót hay cảnh mặt trời lặn xuống chân mây; bởi vì chúng không được tạo ra một cách tình cờ hay tự nhiên. Chúng là những sáng tạo của con người, và bởi vậy, người ta có quyền hỏi tại sao chúng được sáng tạo, chúng được sáng tạo như thế nào, mục đích của chúng là gì và tại sao chúng lại tồn tại lâu đến như vậy.

    Các tác phẩm văn chương được sinh ra, như những bóng ma vô hình tướng, trong đáy sâu ý thức của nhà văn, được phóng chiếu vào đó bởi sức mạnh tổng hợp của vô thức, và sự mẫn cảm của nhà văn trước thế giới chung quanh, và những cảm xúc của hắn; và chính từ tất cả những điều này, qua cuộc đấu tranh với chữ nghĩa, nhà thơ hay người kể chuyện dần dần tạo ra hình thức, thể mạo [của tác phẩm], sự chuyển động, tiết tấu, hoà điệu, và cuộc sống. Một cuộc sống hư tạo, dĩ nhiên, một cuộc sống được tưởng tượng ra, một cuộc sống được làm bằng ngôn ngữ — tuy vậy người ta vẫn tìm kiếm cuộc sống hư tạo này, có người thường xuyên tìm kiếm, có người thỉnh thoảng, bởi vì cuộc sống thực thì thiếu thốn đối với họ, và cũng không có khả năng ban phát cho họ những gì họ mong muốn. Văn chương không bắt đầu hiện hữu qua tác phẩm của một cá nhân riêng lẻ. Nó chỉ hiện hữu khi nó được người khác đón nhận và khi nó trở thành một phần của cuộc sống xã hội — khi nó, nhờ việc đọc, trở thành một kinh nghiệm được chia sẻ.

    Một trong những hiệu quả lợi ích đầu tiên của văn chương diễn ra ở cấp độ ngôn ngữ. Một cộng đồng không có một nền văn chương bằng chữ viết thì sẽ tự diễn đạt ít chính xác hơn, ít phong phú về sắc độ tình cảm hơn, và cũng ít minh bạch hơn so với một cộng đồng nơi mà công cụ thông tri chính, tức là chữ viết, đã được trau dồi và được hoàn thiện qua các văn bản văn chương. Một nhân loại không đọc, không được văn chương chạm đến, thì giống như một cộng đồng mù điếc và mắc bệnh vong ngữ, phải chịu đựng những khó khăn to lớn trong việc thông tri do cái ngôn ngữ thô thiển của nó gây ra. Điều này cũng đúng cả với từng cá nhân nữa. Một người không đọc, hoặc đọc ít, hoặc chỉ đọc những thứ rơm rác, là một kẻ thiểu năng: hắn có thể nói rất nhiều nhưng chẳng phát biểu được bao nhiêu, bởi từ vựng của hắn thiếu thốn phương tiện để tự diễn tả.

    Đây không chỉ là một sự hạn chế về ngôn ngữ. Nó còn thể hiện một hạn chế trong tri thức và trong sự tưởng tượng. Nó là sự nghèo nàn về tư tưởng, vì lý do đơn giản là những ý tưởng, những khái niệm mà xuyên qua đó chúng ta nắm bắt được những bí ẩn của điều kiện nhân sinh, không thể tồn tại bên ngoài ngôn từ. Chúng ta học cách nói một cách chính xác — và sâu sắc, mạnh mẽ, tinh tế — từ những áng văn chương hay, và chỉ từ những áng văn chương hay mà thôi. Không có bất cứ chuyên ngành hay bộ môn nghệ thuật nào khác có thể thay thế văn chương trong việc thủ tác thứ ngôn ngữ mà con người cần để thông tri. Phát ngôn trôi chảy, sở hữu và tuỳ nghi sử dụng một ngôn ngữ phong phú và sinh động, có khả năng tìm ra lối diễn tả thích nghi cho mọi ý tưởng và mọi cảm xúc mà ta muốn truyền đạt, tức là được chuẩn bị tốt hơn để suy nghĩ, để giảng dạy, để học hỏi, để đàm thoại, và cũng để tự do tưởng tượng, để mơ mộng, để cảm nhận. Một cách kín đáo, chữ nghĩa vọng âm trong mọi hành động của chúng ta, kể cả những hành động ngỡ như không dính líu gì đến ngôn ngữ. Và khi ngôn ngữ phát triển, nhờ văn chương, và đạt đến cao độ của sự tinh xảo và phong cách, nó làm gia tăng khả năng thưởng thức của con người.

    Văn chương thậm chí còn ban cho tình yêu, dục vọng và cả hành động tính giao cái phẩm cách của sự sáng tạo nghệ thuật. Không có văn chương, ngôn ngữ nhục cảm sẽ không hiện hữu. Tình yêu và lạc thú sẽ nghèo nàn hơn, chúng sẽ thiếu hẳn sự tao nhã và tinh tế, chúng sẽ không thể đạt tới độ mãnh liệt mà sự phóng tưởng trong văn chương mang lại. Không phải là cường điệu khi nói rằng một cặp tình nhân đã từng đọc Garcilaso, Petrarch, Gongora hay Baudelaire sẽ đánh giá lạc thú và nghiệm sinh lạc thú cao hơn những người mù chữ đã bị những tập phim tình cảm xã hội trên truyền hình biến thành những kẻ ngớ ngẩn. Trong một thế giới mù chữ, tình yêu và dục vọng sẽ không khác gì những thứ làm thoả mãn thú tính, chúng cũng không vượt qua khỏi sự thoả mãn thô lậu của những bản năng sơ khai.

    Các phương tiện truyền thông thính thị cũng không được trang bị để có thể thay thế văn học trong việc dạy con người sử dụng một cách tự tin và khéo léo những khả tính phong phú phi thường mà ngôn ngữ hàm chứa. Ngược lại, những phương tiện truyền thông thính thị có khuynh hướng hạ thấp ngôn từ xuống mức độ thứ cấp so với hình ảnh, vốn là thứ ngôn ngữ tiên khởi của những phương tiện truyền thông này; và hạn chế ngôn ngữ vào việc diễn đạt bằng lời nói, đến mức tối thiểu cần thiết, rời xa khỏi phương diện văn bản bằng chữ viết của nó. Đánh giá một bộ phim hoặc một chương trình truyền hình có tính “văn chương” là một cách bày tỏ lịch sự để nói rằng nó nhàm chán. Vì lý do này, các chương trình văn học trên đài phát thanh hoặc trên đài truyền hình hiếm khi thu hút được quần chúng. Theo như tôi biết, trường hợp ngoại lệ duy nhất cho quy luật này là chương trìnhApostrophes của Bernard Pivot ở Pháp. Và điều này khiến tôi nghĩ rằng văn chương không chỉ là điều kiện thiết yếu để có được một kiến thức đầy đủ và sự tinh thông ngôn ngữ, mà số phận của nó còn vĩnh viễn gắn liền với số phận của sách in, cái sản phẩm kỹ nghệ mà nhiều người hiện nay tuyên bố là đã hết thời.

    Điều này làm tôi nhớ đến Bill Gates. Cách đây không lâu ông đã đến Madrid và ghé thăm Viện Hàn Lâm Hoàng Gia Tây-ban-nha sau khi viện này tham gia vào một dự án chung với Microsoft. Bên cạnh những điều khác, Gates đã cam đoan với các thành viên của Viện Hàn Lâm rằng chính ông sẽ bảo đảm rằng ký tự “fl” không bao giờ bị gỡ bỏ khỏi phần mềm máy computer — một lời hứa khiến cho 400 triệu người nói tiếng Tây-ban-nha ở khắp năm châu thở phào nhẹ nhõm, bởi sự loại bỏ một ký tự quan trọng như vậy khỏi không gian mạng sẽ gây ra nhiều vấn đề to lớn. Tuy nhiên, ngay sau khi bày tỏ một sự nhượng bộ ưu ái đối với tiếng Tây-ban-nha, và ngay cả trước khi rời khỏi khuôn viên của Viện Hàn Lâm, Gates lại thú nhận trong một cuộc họp báo là ông mong sẽ đạt được mục tiêu cao nhất của ông trước khi ông qua đời. Mục tiêu ấy, ông giải thích, là đặt dấu chấm hết cho giấy viết rồi sau đó là sách in.

    Trong cách phán đoán của Gates, sách là những vật thể đã lỗi thời. Ông đưa ra lập luận rằng màn hình máy computer có thể thay thế giấy trong mọi chức năng mà trước nay giấy đã đảm nhiệm. Ông còn nhấn mạnh rằng, chẳng những ít phiền hà hơn, máy computer còn chiếm ít không gian hơn, dễ dàng vận chuyển hơn; và đồng thời việc truyền tải tin tức và văn chương bằng những phương tiện truyền thông điện tử này, thay vì báo giấy và sách in, sẽ có cái lợi về môi sinh trong việc ngăn chặn sự phá huỷ rừng cây, một tai hoạ vốn là hậu quả của kỹ nghệ giấy. Người ta sẽ tiếp tục đọc, Gates trấn an các thính giả của ông, nhưng họ sẽ đọc trên màn hình máy computer, và nhờ vậy môi trường sinh thái sẽ có nhiều chất diệp lục hơn.

    Tôi không có mặt để nghe bài diễn văn ngắn ấy; tôi chỉ biết các chi tiết từ báo chí. Nếu tôi có mặt ở đó, chắc hẳn tôi đã la ó phản đối Gates khi ông tuyên bố một cách sỗ sàng cái ý định gửi thẳng tôi và các đồng nghiệp của tôi, những người viết sách, vào hàng ngũ những người thất nghiệp. Và tôi sẽ tranh cãi một cách quyết liệt đối với sự phân tích của ông ấy. Liệu màn hình có thể thay thế sách trên mọi phương diện? Tôi không chắc. Tôi hoàn toàn nhận thức được cuộc cách mạng to lớn mà những công nghệ mới như Internet đã đem lại trong các lãnh vực truyền thông và chia sẻ thông tin, và tôi thú nhận là Internet đã cung ứng sự hỗ trợ vô giá hàng ngày cho công việc của tôi; nhưng lòng biết ơn của tôi đối với sự tiện lợi vô ngần ấy không bao hàm một niềm tin là màn hình điện tử có thể thay thế cho giấy viết, hay việc đọc trên một máy computer có thể thay thế cho việc đọc văn chương. Đó là một hố thẳm mà tôi không thể vượt qua. Tôi không thể chấp nhận cái ý tưởng rằng một hành động đọc mang tính phi thiết thực hay phi thực dụng, một hành động [thuần tuý thưởng thức văn chương] không nhằm tìm kiếm thông tin hay một sự thông tri hữu dụng và cấp thiết nào cả, vốn có thể đạt được bằng việc đọc một cuốn sách in, mà lại cũng có thể nắm bắt trên màn hình máy computer sự hoà nhập của những giấc mơ và những khoái lạc của ngôn từ với cùng một cảm nhận riêng tư, cùng một sự tập trung của trí óc và một sự cô liêu trong tâm linh như thế.

    Có thể thành kiến này là hệ quả của sự thiếu thực tập, và của mối liên quan dài lâu của văn chương với sách in và giấy viết. Nhưng mặc dù tôi thích lướt mạng để xem tin tức thế giới, tôi sẽ không bao giờ mở màn ảnh ra để đọc một bài thơ của Gongora hay một cuốn tiểu thuyết của Onetti hay một bài tiểu luận của Paz, bởi vì tôi chắc chắn rằng hiệu quả của việc đọc bằng cách ấy sẽ không giống như đọc một cuốn sách. Tôi tin chắc, mặc dù tôi không thể chứng minh được điều đó, rằng với sự biến mất của sách in, văn chương sẽ phải chịu một tai hoạ nghiêm trọng, thậm chí một tai hoạ chí tử. Thuật ngữ “văn chương” sẽ không biến mất, dĩ nhiên. Nhưng nó gần như chắc chắn sẽ được dùng để biểu thị một loại văn bản khác xa với những gì hôm nay chúng ta hiểu về văn chương, cũng như những tập phim tình cảm xã hội trên truyền hình khác xa với những vở bi kịch của của Sophocles và Shakespeare.

    Vẫn còn một lý do khác để ban cho văn học một vị thế quan trọng trong sinh mệnh của các quốc gia. Không có nó, óc phê phán, vốn là động cơ đích thực của sự chuyển hoá lịch sử và là thành trì tốt nhất cho sự tự do, sẽ phải chịu một tổn thất không thể bù đắp được. Bởi vì tất cả những áng văn chương hay đều mang tính triệt để, và đặt ra những câu hỏi triệt để về cái thế giới chúng ta đang sống. Trong tất cả những văn bản văn chương vĩ đại, thường không do chủ ý của tác giả, đều có mầm mống của khuynh hướng nổi loạn.

    Văn chương không có nghĩa gì cả đối với những con người tự thoả mãn với vốn liếng của họ, những người bằng lòng với cuộc sống họ đang sống. Văn chương là thực phẩm của tinh thần nổi loạn, là nơi truyền bá những tư tưởng bất thoả hiệp, là chốn ẩn náu cho những người có quá nhiều hay quá ít trong đời. Người ta tìm kiếm thánh địa trong văn chương để không cảm thấy bất hạnh hay để không cảm thấy bất toàn. Cưỡi ngựa song song với con Rocinante khẳng khiu và chàng Hiệp sĩ ngơ ngác trên những cánh đồng ở La Mancha,[1] vượt đại dương trên lưng của một con cá voi cùng với thuyền trưởng Ahab,[2] uống thuốc độc cùng với Emma Bovary,[3] trở thành một con bọ với Gregor Samsa:[4] đó là tất cả những cách thế mà chúng ta đã phát minh ra để thoát khỏi những sự sai lầm và những gánh nặng của cuộc sống bất công này, một cuộc sống buộc chúng ta luôn luôn chỉ là một con người không thay đổi trong khi chúng ta muốn được sống như nhiều con người khác nhau, để có thể thoả mãn những khát vọng từng ám ảnh chúng ta.

    Văn chương làm nguôi đi sự bất mãn nhức nhối này chỉ trong giây lát — nhưng trong cái khoảnh khắc huyền diệu ấy, trong sự đình chỉ tạm thời ấy của cuộc sống, ảo ảnh văn chương nâng chúng ta lên và đưa chúng ta ra ngoài lịch sử, và chúng ta trở thành những công dân của một vùng đất phi thời, và bằng cách đó, chúng ta trở thành những kẻ bất tử. Chúng ta trở nên nồng nhiệt hơn, phong phú hơn, phức tạp hơn, hạnh phúc hơn và sáng suốt hơn lúc chúng ta đang sống với những lề thói ràng buộc của cuộc sống bình thường. Khi gấp sách lại và rời bỏ cõi hư cấu của văn chương, chúng ta trở về với cuộc sinh tồn thực tế và so sánh nó với miền đất lộng lẫy mà chúng ta vừa mới rời khỏi. Một nỗi thất vọng to tát đang chờ đón chúng ta! Tuy nhiên một sự nhận thức lớn lao cũng chờ đón chúng ta, nói một cách cụ thể, cuộc sống huyễn tưởng trong tiểu thuyết thì tốt hơn — đẹp hơn và đa dạng hơn, dễ lĩnh hội hơn và hoàn hảo hơn — cuộc sống mà chúng ta sống khi tỉnh thức, cuộc sống bị câu thúc bởi những giới hạn và sự tẻ nhạt của thân phận chúng ta. Như thế, những áng văn chương hay, những áng văn chương đích thực, luôn mang tính chất đập phá, bất phục tùng và nổi loạn: một sự thách đố đối với những gì sẵn có.

    Làm sao chúng ta không khỏi cảm thấy bị dối lừa sau khi đọc Chiến Tranh và Hoà Bình hay Đi Tìm Thời Gian Đã Mất rồi trở về thế giới của chúng ta — cái thế giới của những chi tiết vụn vặt, những giới hạn và cấm đoán nằm chờ chúng ta ở mọi nơi và, từng bước, làm hỏng những ảo ảnh của chúng ta? Thậm chí còn hơn cả nhu cầu duy trì sự trường tồn văn hoá và nhu cầu làm phong phú ngôn ngữ, sự đóng góp lớn lao nhất của văn chương vào sự tiến bộ của con người có lẽ là để nhắc nhở chúng ta (một cách vô tình, trong đa số trường hợp) rằng thế giới này được tạo dựng một cách tệ hại; và rằng những kẻ giả vờ hiểu ngược lại, những kẻ có quyền lực và may mắn, thì đang nói dối; và rằng thế giới có thể được cải thiện, và được tạo dựng tương tự như những thế giới mà trí tưởng tượng và ngôn ngữ của chúng ta có thể sáng tạo ra. Một xã hội tự do và dân chủ phải có những công dân có trách nhiệm và có tinh thần phê phán, ý thức được sự cần thiết phải liên tục khảo sát cái thế giới mà chúng ta đang cư ngụ, và cố gắng làm nó gần giống với cái thế giới mà chúng ta muốn sống, mặc dù việc đó càng ngày càng là một điều bất khả. Và không có phương tiện nào tốt hơn để kích động sự bất mãn đối với cuộc sinh tồn cho bằng việc đọc những áng văn chương hay; không có phương tiện nào tốt hơn để hình thành những công dân độc lập và có óc phê phán, những con người không bị thao túng bởi những kẻ cai trị họ, và những con người được phú cho một sự vận động tinh thần thường trực và một trí tưởng tượng mạnh mẽ.

    Tuy vậy, cho rằng văn chương mang tính nổi loạn bởi nó kích cảm ý thức của độc giả về sự bất toàn của thế giới thì không có nghĩa là những văn bản văn chương sẽ gây ra những biến động xã hội tức thời hoặc sẽ thúc đẩy những cuộc cách mạng nhanh chóng xảy ra hơn — theo cái cách mà các giáo hội và các nhà cầm quyền có vẻ nghĩ như thế khi họ thiết lập sự kiểm duyệt. Những hiệu ứng xã hội và chính trị của một bài thơ, một vở kịch hay một cuốn tiểu thuyết thì không thể lường trước được, bởi vì chúng không được tạo ra một cách tập thể và cũng không được trải nghiệm một cách tập thể. Chúng được sáng tạo bởi những cá nhân và được đọc bởi những cá nhân, vốn rất khác nhau ở những kết luận mà họ rút ra từ những điều họ viết hay đọc. Vì lý do đó, rất khó, hay thậm chí bất khả, để thiết lập những mẫu thức chính xác. Hơn nữa, những hệ quả xã hội của một tác phẩm văn chương có thể không mấy liên quan đến phẩm chất mỹ học của nó. Một cuốn tiểu thuyết tầm thường của Harriet Beecher Stowe[5] có vẻ như đã đóng một vai trò quyết định trong việc nâng cao nhận thức xã hội và chính trị về những sự kinh tởm của chế độ nô lệ ở Hoa Kỳ. Nói rằng khó mà xác định những tác động ấy của văn chương thì không có nghĩa là những tác động ấy không tồn tại. Điều quan trọng là những tác động ấy được tạo nên bằng hành động của những công dân mà tính cách của họ đã được hình thành một phần từ những cuốn sách.

    Những áng văn chương hay, trong lúc tạm thời xoa dịu sự bất mãn của con người, thực ra lại khiến sự bất mãn ấy tăng thêm, bởi nó giúp cho phát triển một thái độ phê phán và bất thoả hiệp với cuộc sống. Thậm chí có thể nói rằng những áng văn chương hay thường khiến con người cảm thấy bất hạnh hơn. Sống bất mãn, và gây chiến với cuộc sinh tồn, nghĩa là tìm kiếm những điều có thể không có ở đó, nghĩa là tự dấn thân vào những cuộc chiến vô ích, như những cuộc chiến mà Đại tá Aureliano Buendia đã chiến đấu trong Trăm Năm Cô Đơn, biết rõ là ông sẽ thua hoàn toàn. Tất cả những điều này có thể đúng. Nhưng cũng đúng nữa là nếu không có sự nổi loạn chống lại cái tầm thường và nhếnh nhác của cuộc sống, thì chúng ta chắc hẳn vẫn sống trong tình trạng sơ khai, và lịch sử chắc hẳn đã dừng lại. Ý thức cá nhân độc lập chắc hẳn đã không được hình thành, khoa học và kỹ thuật chắc hẳn đã không tiến bộ, nhân quyền chắc hẳn đã không được công nhận, và tự do chắc hẳn đã không tồn tại. Tất cả những điều này đều sinh ra từ sự ưu phiền, từ những hành động phản kháng đối với một cuộc sống được cảm nhận là bất túc hoặc không thể chịu đựng được. Đối với cái tinh thần khinh miệt cuộc sống vốn như nó hiện bày — và loay hoay truy vấn với sự điên khùng của Don Quixote, mà cơn điên khùng ấy lại xuất phát việc từ việc đọc những cuốn tiểu thuyết hiệp sĩ — thì văn chương đã đóng một vai trò thúc đẩy tuyệt vời.

    Hãy thử làm một cuộc tái hiện lịch sử huyễn tưởng. Hãy hình dung một thế giới không có văn chương, một nhân loại chưa từng được đọc thơ hay tiểu thuyết. Trong thứ văn minh còi cọc ấy, với vốn từ vựng sơ giản trong đó những tiếng rên rỉ và những động tác quơ tay múa chân như khỉ giữ vai trò quan trọng hơn ngôn từ, thì những tính từ nào đó chắc hẳn đã không tồn tại. Những tính từ đó là: “quixotic”,[6] “Kafkaesque”,[7] “Rabelaisian”,[8] “Orwellian”,[9] “sadistic”,[10] và “masochistic”,[11] toàn là những chữ có gốc rễ từ văn chương. Hiển nhiên, trong chúng ta chắc hẳn vẫn còn có những người điên, và những nạn nhân của chứng hoang tưởng và những phức cảm bách hại cuồng, và những người bị bệnh thèm ăn lạ lùng và hoang dâm vô độ và những con vật hai chân thích gây đau đớn cho kẻ khác hoặc thích chịu đựng sự đau đớn. Nhưng chúng ta chắc hẳn đã không biết nhận thấy, đằng sau những hành vi cực đoan ấy — những hành vi vốn bị cấm đoán bởi các quy phạm văn hoá của chúng ta —, là những đặc tính cơ bản của điều kiện nhân sinh. Chúng ta chắc hẳn đã không khám phá ra những đặc điểm riêng của chúng ta, như những tài năng hiếm hoi cỡ Cervantes, Kafka, Rabelais, Orwell, de Sade và Sacher-Masoch đã khai mở cho chúng ta thấy.

    Khi cuốn tiểu thuyết Hiệp khách tài hoa Don Quixote xứ La Mancha mới xuất hiện, những độc giả đầu tiên của nó đã chế nhạo cái kẻ mơ mộng đến mức ngông cuồng cũng như các nhân vật khác trong cuốn tiểu thuyết này. Ngày nay chúng ta biết rằng thái độ khăng khăng của chàng kỵ sĩ mặt buồn khi chàng nhìn thấy những cối xay gió thành ra những gã khổng lồ, và trong lối hành động có vẻ như kỳ quặc của chàng, thực ra là hình thức cao nhất của sự đại lượng, và là một biện pháp để chống lại những đau khổ trong thế giới này với hy vọng sẽ thay đổi nó. Chính những ý niệm của chúng ta về lý tưởng, về chủ nghĩa lý tưởng, mang đậm ý nghĩa đạo đức tích cực, chắc hẳn đã không như chúng ta hiểu hôm nay, chắc hẳn đã không trở thành những giá trị rõ ràng và được tôn trọng, nếu chúng đã không được nhập thể vào nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết nhờ sức thuyết phục của thiên tài Cervantes. Cũng có thể nói như thế về nhân vật Quixote nữ nhỏ nhắn và thực dụng, Emma Bovary, người chiến đấu một cách cuồng nhiệt để sống một đời sống huy hoàng đầy đam mê và xa xỉ mà bà được biết qua những cuốn tiểu thuyết. Như một con bướm, bà đã đến quá gần ngọn lửa và bị nó đốt cháy.

    Những phát kiến của tất cả các nhà sáng tạo lớn trong văn chương đã khai nhãn chúng ta về những khía cạnh ẩn khuất của điều kiện nhân sinh của chính chúng ta. Những phát kiến ấy giúp chúng ta truy tầm và lĩnh hội cặn kẽ hơn về cái vực thẳm chung của nhân loại. Khi chúng ta nói “Borgesian”, chữ ấy ngay lập tức làm xuất hiện sự phân cách giữa tâm trí chúng ta với cái trật tự duy lý của thực tại, và dẫn chúng ta vào một vũ trụ huyễn tưởng, một cấu trúc tinh xảo và tao nhã của tinh thần, hầu như luôn luôn giống như một mê cung và tính bí nhiệm, mang đầy những liên tưởng và ám dụ văn chương, mà những nét đặc thù của chúng không xa lạ với chúng ta, bởi vì, qua chúng, chúng ta nhận ra được những khát vọng ẩn khuất và những sự thật thầm kín của tính cách chúng ta, mà chỉ nhờ vào sự sáng tạo văn chương của Jorge Luis Borges thì những điều ấy mới trở nên rõ nét.

    Chữ “Kafkaesque” đến với ý nghĩ của chúng ta, như cơ chế hội tụ của những chiếc máy ảnh cũ với những ống kính xếp giống như chiếc thủ phong cầm, mỗi khi chúng ta, ở vị thế những cá nhân vô phương tự vệ, cảm thấy bị đe doạ bởi những guồng máy áp bức của quyền lực vốn đã gây ra quá nhiều đau khổ và bất công trong thế giới hiện đại — những chế độ độc tài, những đảng phái được tổ chức theo hàng dọc, những giáo hội bất khoan dung, những thái độ quan liêu ngột ngạt. Nếu không có những truyện ngắn và tiểu thuyết viết bằng tiếng Đức của người đàn ông Do Thái khốn khổ ấy ở Prague, kẻ luôn sống trong trạng thái đầy cảnh giác, chắc hẳn chúng ta đã không thể hiểu được cảm giác bất lực của những cá nhân bị cô lập, hay nỗi khiếp sợ của những dân tộc thiểu số bị đàn áp và kỳ thị, phải đối mặt với những quyền lực toàn trị có thể nghiền nát họ và tiêu diệt họ mà bọn tay sai không cần phải xuất đầu lộ diện.

    Tính từ “Orwellian”, người anh em họ đầu tiên của tính từ “Kafkaesque”, diễn tả cảm giác hoang mang khủng khiếp, cái cảm nhận về sự phi lý tột cùng, gây ra bởi các chế độ độc tài toàn trị của thế kỷ 20, những chế độ độc tài tinh vi nhất, tàn bạo nhất, và triệt để nhất trong lịch sử, ở sự kiểm soát mọi hành vi và phản ứng tâm lý của các thành viên trong xã hội. Trong cuốn 1984, George Orwell, với văn phong lạnh lùng và đầy ám ảnh, đã một nhân loại bị nô dịch hoá bởi Đại Ca, một chúa tể tuyệt đối, kẻ, thông qua một sự kết hợp đầy hiệu quả của khủng bố và kỹ thuật hiện đại, đã huỷ diệt sự tự do, sự tự phát và sự bình đẳng, và biến xã hội thành một cái tổ ong của những người máy vô hồn. Trong cái thế giới ác mộng này, ngôn ngữ cũng tuân theo quyền lực, và bị biến thành “newspeak”;[*] thứ ngôn ngữ mà tất cả phát kiến và chủ quan tính đều bị tẩy sạch, biến thành một chuỗi những lời nói rập khuôn nhằm duy trì sự nô lệ của cá nhân đối với hệ thống. Thực tế thì lời tiên đoán khủng khiếp của cuốn 1984 đã không xảy ra, và chế độ cộng sản toàn trị ở Liên Xô đã đi theo con đường của chế độ phát xít toàn trị ở Đức và ở những nơi khác, và không lâu sau đó, nó cũng bắt đầu kiệt quệ ở Trung Quốc, và ở những xứ lạc hậu như Cuba và Bắc Hàn. Nhưng cái nguy cơ ấy không bao giờ tan biến, và chữ “Orwellian” tiếp tục được dùng để diễn tả cái nguy cơ ấy, và giúp chúng ta hiểu về nó.

    Như vậy, tính chất phi thực của văn chương, những điều nói dối của văn chương, cũng là một phương tiện quý giá cho việc nhận thức những thực tại ẩn khuất nhất của nhân loại. Những sự thật nó tiết lộ không phải lúc nào cũng đáng hãnh diện; và đôi khi hình ảnh của chúng ta hiện ra trong chiếc gương của những cuốn tiểu thuyết và những bài thơ là hình ảnh của một con quái vật. Điều này xảy ra khi chúng ta đọc về sự giết chóc kinh khủng vì tình dục do Sade tưởng tượng, hay những vết thương sâu hoắm và những cuộc hiến tế tàn bạo đầy rẫy trong những cuốn sách ác nghiệt của Sacher-Masoch và Bataille. Đôi lúc cảnh tượng kinh tởm và dã man đến mức không chịu nổi. Tuy nhiên, điều tệ hại nhất trên những trang sách này không phải là máu, là sự nhục mạ, hay là cái thú ghê tởm của sự hành hạ; điều tệ hại nhất là việc khám phá ra rằng tính bạo động này và tính vô độ này không xa lạ gì với chúng ta, mà chính là một phần sâu thẳm trong bản tính nhân loại. Những con quái vật hau háu phạm tội này ẩn náu trong những ngóc ngánh sâu kín nhất của con người chúng ta, và từ trong bóng tối nơi chúng trú ẩn, chúng tìm một dịp thuận lợi để hiện nguyên hình, để lập ra thứ luật lệ cho cho cái khát vọng không kiềm chế có khả năng tiêu diệt lẽ phải, cộng đồng và ngay cả sự sống. Và không phải khoa học đã thám hiểm đầu tiên vào những nơi tối tăm ấy trong tâm trí con người, và phát hiện ra khả năng tàn phá và tự huỷ đã hình thành nên nó. Chính văn chương đã phát hiện ra điều này. Một thế giới không có văn chương chắc hẳn sẽ phần nào mù loà, không nhìn thấy những nơi sâu kín khủng khiếp này, những nơi mà chúng ta cần phải khẩn cấp nhận ra.

    Lạc hậu, man rợ, thiếu nhạy cảm, lỗ mãng trong lời nói, vô tri và sống theo bản năng, không có đam mê và thô lậu trong tình yêu, cái thế giới không có văn chương này, cơn ác mộng mà tôi đang mô tả, chắc hẳn sẽ có những đặc điểm chính của nó là thái độ tuân thủ và sự khuất phục mà con người thường tỏ ra trước quyền lực. Trong ý nghĩa đó, cái thế giới này chắc hẳn cũng chỉ là một thế giới đơn thuần của động vật. Những bản năng gốc sẽ quyết định các hoạt động thường nhật của một cuộc sống mà đặc trưng của nó là sự tranh giành để sinh tồn, sự sợ hãi trước vô minh, và sự thoả mãn các nhu cầu thể xác. Sẽ không có chỗ cho tâm hồn. Hơn nữa, trong cái thế giới này, sự đơn điệu tột độ của cuộc sống sẽ đồng hành với cái bóng nham hiểm của sự bi quan, cái cảm giác rằng cuộc sống con người là những gì nó phải là và sẽ luôn là như thế, không một ai và không một điều gì có thể thay đổi được nó.

    Khi tưởng tượng về một thế giới như vậy, người ta thường dễ hình dung ra những con người sơ khai quấn những cái khố, những cộng đồng nhỏ bé theo những thứ tôn giáo mang tính ma thuật và sinh tồn ngoài lề của đời sống hiện đại ở châu Mỹ Latin, châu Đại Dương, và châu Phi. Nhưng tôi còn nghĩ đến một sự thất bại khác. Cơn ác mộng mà tôi cảnh báo không phải là hậu quả của sự kém-phát-triển mà là của sự phát-triển-quá-độ. Như một hệ quả của công nghệ và sự phụ thuộc của chúng ta vào nó, chúng ta có thể tưởng tượng một xã hội trong tương lai đầy những màn hình máy vi tính và những cái loa phát thanh, và không có sách, hay một xã hội mà trong đó những cuốn sách — nghĩa là, những tác phẩm văn chương — đã rơi vào tình trạng giống như thuật giả kim trong kỷ nguyên vật lý: một sự hiếu kỳ sơ cổ do một thiểu số loạn thần kinh thực hành trong những hầm mộ của nền văn minh truyền thông. Tôi e rằng cái thế giới mang tính điều khiển học này, dù cho nó rất phú cường, cái tiêu chuẩn cao của cuộc sống và cái thành tựu khoa học của nó chắc hẳn sẽ hết sức mọi rợ và hoàn toàn vô hồn — một nhân loại thụ động của những người máy hậu-văn-chương đã từ bỏ tự do.

    Tất nhiên, có nhiều khả năng là điều không tưởng rùng rợn này sẽ chẳng bao giờ xảy ra. Đoạn kết câu chuyện của chúng ta, đoạn kết của lịch sử, chưa được viết ra, và không thể định trước được. Những gì chúng ta sẽ trở thành thì hoàn toàn phụ thuộc vào tầm nhìn và ý chí của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta muốn ngăn ngừa sự khô kiệt của trí tưởng tượng, ngăn ngừa sự biến mất của lòng bất ưng đáng quý vốn giúp tinh luyện sự cảm nhận của chúng ta và dạy cho chúng ta cách phát ngôn hùng hồn và mạnh mẽ, cũng như ngăn ngừa sự giảm thiểu quyền tự do của chúng ta, thì chúng ta phải hành động. Chính xác hơn, chúng ta phải đọc.

    Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm, năm 2010.
     
    huonggiang06 thích bài này.
  9. amylee

    amylee Super Moderator Thành viên BQT

    Mai Thảo viết về "kẻ lạ trần gian" Bùi Giáng
    Bởi anle20 • 11/05/2022
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    TRÍCH BÚT KÝ CỦA MAI THẢO

    Du sỹ Tâm Nhiên đứng bên trái nhà thơ Bùi Giáng, sau một ngày lang thang qua mấy nẻo đường phố chợ ở Gò Vấp, Sài Gòn, một chiều tháng Sáu 1993

    Nhiều buổi chiều Sài Gòn, tôi chẳng còn có thể nhớ đích xác vào những năm nào, đâu như năm 1962, đâu như năm 1965, tôi thường được mời tới những họp mặt ăn nhậu trên căn lầu ngăn nắp, thoáng mát của thầy Thanh Tuệ ở đường Lý Thái Tổ.

    Mỗi lần họp mặt với Thanh Tuệ, hồi đó là giám đốc của nhà xuất bản An Tiêm và còn là nhà sư trẻ tươi tắn chưa cởi áo hồi tục, thường vì một cuốn sách. Một cuốn sách mới, vừa in xong chưa ráo mực. Và trước khi gởi sách vào nắng mưa đời, họp mặt An Tiêm với thân hữu là một tiệc rượu lạc thành cho sách.

    Những họp mặt vì sách và do sách đó thường có tôi, Thanh Tâm Tuyền, Phạm Công Thiện, đôi khi Nguyễn Ðình Toàn, Dương Nghiễm Mậu, Doãn Quốc Sỹ, và đương nhiên nhân vật chủ chốt là tác giả sách là Bùi Giáng. Tôi chỉ kể tới Bùi Giáng, bởi suốt thời kỳ đó, có thể nói, thầy Thanh Tuệ vì một tấm lòng liên tài đặc biệt, chỉ mê thích thơ văn Bùi Giáng, chỉ in Bùi Giáng, dành trọn phương tiện cho ưu tiên xuất bản trưóc mọi tác giả khác.

    Và giai đoạn có thể đặt tên là giai đoạn Bùi Giáng này, An Tiêm đã in đêm in ngày, in mệt nghỉ, vì những năm tháng đó chính là những năm tháng đánh dấu cho thời kỳ sáng tác kỳ diệu sung mãn nhất của Bùi Giáng. Cõi văn cõi thơ Bùi Giáng bấy giờ ào ạt vỡ bờ, bát ngát trường giang, mênh mông châu thổ… Bùi Giáng bấy giờ mỗi tuần viết cả ngàn trang khiến chúng tôi bàng hoàng khiếp đảm, ngôn ngữ và tư duy của Bùi Giáng hiển lộng tới không bến không bờ, vô cùng vô tận, và tài năng ông cũng vậy. Bùi Giáng chất ngất một trời chữ nghĩa, Bùi Giáng trùng trùng một biển văn chương.

    Vậy mà mỗi lần gặp thi sĩ hồi đó, cảm tưởng bao giờ cũng giữ được là đã gặp một Bùi Giáng rất nhàn rỗi, rất rong chơi. Bước chân vào nhà Thanh Tuệ chúng tôi đã thấy Bùi Giáng ngồi trước đó, tươi cười, ung dung, trong cái phong thái của một người nhàn nhã nhất thế giới, chẳng có một dấu vết nào của một người viết đang gió táp mưa rơi trên ngàn ngàn trang sách. Có như Bùi Giáng trước sau vẫn đang chập chờn với đời như một cánh bướm, lững thững với đời như một áng mây. Có như Bùi Giáng, cái áo vải cũ, râu tóc để mặc, điếu thuốc trên tay, chén trà trước mặt, vẫn chỉ ngồi chơi thảnh thơi ngày ngày với An Tiêm như thế.

    Sau này, sống với Bùi Giáng nhiều hơn, tôi cũng chỉ thấy Bùi Giáng như hồi đầu thấy ở An Tiêm. Trong một phiêu hốt, một ung dung chưa từng thấy. Có như, trọn một đời cái đầu của thi sĩ không một chút nào dành cho suy nghĩ, bàn tay thi sĩ không một phút nào dành cho cây bút. Có như trang giấy trắng, mặt bàn viết là những vật thể xa lạ chẳng bao giờ ông biết tới. Vắn tắt là Bùi Giáng chẳng làm gì hết, chẳng ai một lần nhìn thấy Bùi Giáng đang làm gì hết. Mà hoàn toàn phiêu bông, hoàn toàn rong chơi.

    Vậy mà cái sức viết hồi đó đến như Bùi Giáng là tột đỉnh, là không tiền khoáng hậu. Vậy mà cái lực viết đến như Bùi Giáng và thấy Bùi Giáng là ngàn người không một, là phi phàm, là vô địch rồi. Một lần, tôi đem cái điều khó hiểu này ra hỏi một người cũng làm thơ thật nhiều, cũng làm thơ rất đều tay là Thanh Tâm Tuyền. Tác giả Liên Ðêm Mặt Trời Tìm Thấy lắc đầu cười:

    Chịu không giải thích được. Chỉ biết Bùi Giáng khác. Với tôi. Với hết thảy. Là cái chỉ có một. Với tôi là từng bài thơ. Nói đến từng bài thơ Bùi Giáng, bài thơ này bài thơ kia của Bùi Giáng lại là chuyện tức cười lắm lắm. Bùi Giáng là cái hiện tượng dị thường của một suối thơ ăm ắp không ngừng. Ðọc thơ Bùi Giáng cũng phải đọc như thế. Ðứng trên đơn vị từng bài. Bùi Giáng đặt tựa cho từng bài là ngắt thơ ra, ngắt chơi ra vậy thôi. Nói đến mấy ngàn bài thơ Bùi Giáng là đúng. Mà nói thơ Bùi Giáng chỉ có một bài, vô tận vô cùng là đúng hơn. Ngủ ra thơ, thở ra thơ, đi ra thơ, đứng ra thơ. Chứ không phải nghĩ ra thơ, làm thơ. Ta cứ tạm hiểu cái trạng thái thơ kỳ lạ khác thường ở Bùi Giáng là như vậy.

    Sự ngược nghịch giữa cái rong chơi một đời của Bùi Giáng với cái lực thơ, cái số thơ, cái lượng thơ khủng khiếp làm ra, tôi đem hỏi thêm nhà xuất bản hằng ngày sống cùng Bùi Giáng, rồi đến chính thi sỹ cũng không được sáng tỏ gì hơn ngoài suy diễn có tính chất phỏng đoán của Thanh Tâm Tuyền. Thầy Thanh Tuệ cũng chỉ lắc đầu cười:

    Tôi cũng lấy làm kỳ. Anh lang thang suốt ngày, chẳng thấy lúc nào ngồi viết hết. La cà hết nơi này đến nơi khác, uống rượu say ngất rồi về lầu lăn ra sàn ngủ, nhiều ngày bỏ cả bữa ăn. Ðêm cũng không thức, chỗ nằm tối thẳm. Tôi in không kịp, nói ảnh tạm ngừng thì ảnh ngừng. Nói có máy, có giấy, nói buổi sáng buổi chiều ảnh đã tới ném bịch xuống cả năm, bảy trăm trang. Cứ thế đem sắp chữ thôi, đâu có thì giờ đọc. Ðiều kỳ lạ là không riêng một thể loại mà thể loại trước tác nào anh cũng có ngay sách, dễ dàng và nhanh mau vô tả. Từ thơ đến văn. Từ một cuốn tiểu luận về Camus đến một cuốn tiểu luận về Nguyễn Du. Từ dịch thuật tiểu thuyết đến phê bình triết học. Tất cả như đùa như chơi vậy.

    Nhà An Tiêm suốt mấy mùa sách, hầu như không thở được nữa trước cái viết tràn bờ của Bùi Giáng, điều này ai cũng biết. Rồi tôi rủ Bùi Giáng tới quán. Ðãi ông uống rượu. Vặn hỏi chính thi sỹ. Ðể cũng chỉ được Bùi Giáng cười cười thích thú trước tìm hiểu có vẻ ngớ ngẩn của tôi. Ông không chịu giải thích, chừng như ông không có gì giải thích. Sự thành hình tác phẩm nơi Bùi Giáng cuối cùng vẫn là một bí ẩn hoàn toàn trong cái vùn vụt, cái bất tuyệt thao thao, cái chớp mắt đã là của nó. Cười cười, ông đốt điếu thuốc, cầm lấy ly rượu: “Vui thôi mà”.

    Ừ vui, ba chữ “vui thôi mà” là câu trả lời mơ hồ, nghịch ngợm duy nhất của Bùi Giáng, trước mọi tìm hiểu của lực thơ và số lượng thơ không thể tưởng tượng được ở nơi ông. Cõi thơ vô bờ của ông trăm phương nghìn ngã mênh mông và chính ông là hiện tượng thân của mênh mông nghìn ngã trăm phương ấy. Bùi Giáng nói vui thôi mà. Quả vậy, thơ ông vui cực kỳ. Con châu chấu, con chuồn chuồn. Con chuồn chuồn, con châu chấu. Rừng Marilyn. Biển Brigitte Bardot. Ngành Novak. Ðóa John Keats. Ngành Mật niệm. Ðóa U Linh. Hồng Lĩnh Hạc Lâm. Quỳnh Lai Thi Xứ. Thơ đốt pháo bông, ngôn ngữ triệu triệu, như chữ thần diệu:

    Người nằm ngủ thấy gì
    Thấy rất nhiều nắng lạ

    Giấc ngủ đầy nắng, đầy nắng lạ. Bùi Giáng nói vui thôi mà. Thơ ông vui thật. Từ cánh tay áo rộng, thơ bay. Từ trí tuệ gió lộng, thơ phất. Nghìn thu cổ lục. Ngày Hy Nga. Ðêm bé chị. Mọi trên ngàn. Sóng Hồng Hoang. Thềm dục vọng. Thơ ghé thăm đá, thăm bàn ghế, thăm bún bò, thăm lá:

    Ghé thăm trái mận ban đầu
    Bình minh bắt gặp nguyên màu ban mai

    Tiếng thơ sáng rỡ, chói lọi, kỳ ảo. Cánh rừng ngôn ngữ ấy suối reo, chim hót, hoa nở, cây ào ào sóng vỗ, sóng từng từng xanh cây, beo gấu rỡn nghịch, con chuồn chuồn hóa thân, con châu chấu suy tưởng, những môi nhỏ hằng ngày, gì cũng là thơ, thảy đều biến dạng. Thơ Bùi Giáng vui thật. Một vĩ đại vui. Hãy đọc thơ ấy, như cùng ông đi vào một trận vui lồng lộng. Ðừng cần tìm hiểu. Ðừng cần giải thích. Hãy đọc lại Mưa Nguồn, Bài Ca Quần Ðảo:

    Xin chào nhau giữa con đường
    Mùa Xuân phía trước, miên trường phía sau…

    Sẽ thấy cái vẫy tay chào lấp lánh của thi sỹ. Cái sự “vui thôi mà” trước sau ông chỉ nói vậy. Ba chữ này tôi ao ước được thấy khắc vào mộ chí ông khi ông mất đi, ông và giữa con đường vui, không dưới không trên, không đầu không cuối gì hết. Giữa mùa Xuân phía trước và miên trường phía sau. Thơ là người. Ngoài đời Bùi Giáng cũng thật vui…

    Thời kỳ Thanh Tuệ chấm dứt, nhà xuất bản An Tiêm tạm ngừng hoạt động, Bùi Giáng gặp lại Thanh Nam, Viên Linh, Vũ Khắc Khoan và tôi ở toà soạn tuần báo Nghệ Thuật và những kỷ niệm chúng tôi có với thi sỹ thời gian này vẫn là những kỷ niệm vui. Lúc này, thần thái ông ấy không còn được rạng rỡ như mấy năm về trước. Cuộc phiêu bồng qua đời sống của ông kỳ dị và tận cùng hơn. Mái tóc ông đổi màu. Mấy chiếc răng cửa bị gãy, nụ cười trẻ thơ vừa móm mém. Cặp mắt sâu hóm xa khuất dần với mọi hình hài thực tế.

    Những con đường trên đó ông đi, cái túi vải thơ nào, những ngã tư ông ngừng lại, tách thoát với nhân thế, tất cả ở Bùi Giáng phơi hiện dần dần một hủy hoại khô khốc… Ấy là tôi chỉ biết nhìn thấy ông một cách “hình hài” như vậy, nhưng “vui thôi mà” thì vẫn là rất vui. Ông vào tòa soạn, ngồi xuống ghế, nhìn mọi người, cười trẻ thơ, thường nói khát quá và xin một chai bia uống. Ông uống từng ngụm nhỏ, nói thích chai bia lớn vì uống được nhiều hơn, châm thuốc hút, những ngón tay vụng về lóng ngóng.

    Uống cạn chai bia, cái túi vải đeo lên và bỏ đi. Ðó là cái đến cái đi êm ả của Bùi Giáng. Nhiều lần không thế. Ông ra tắm ở cái máy nước trước tòa soạn. Thản nhiên trước người qua kẻ lại, quần áo lướt thướt đi qua đường, một đám con nít tròn mắt đi theo. Một lần khác, chúng tôi đi ra ngoài một lát trở về, thấy ông nằm ngủ ngon lành trên hai cái bàn viết kê liền lại. Giấc ngủ dài, quên đời, quên hết, mặc hết, phải đánh thức dậy.
    Những lần đó, ông ngồi bất động, thầm thì “vui thôi mà” rồi lặng lẽ bỏ đi, cái bóng dáng gãy đổ, gầy guộc trong chiều xuống.

    Chính là trong cái tình trạng suy nhược đã trầm trọng quá chừng và tiều tụy quá thể này của Bùi Giáng mà chúng tôi bắt đầu cảm thấy quan tâm thực sự đến thi sỹ. Ðến sức khỏe ông, ngày mỗi cạn kiệt. Ðến cách sống ông ngày mỗi tiều tụy. Ðến tâm thức ông, ngày càng bất định. Cuộc vui của Bùi Giáng tuyệt vời nhưng chẳng thể phiêu bồng mãi mãi. Phải làm một cái gì về ông. Ðể ghi nhận lại. Về thế nào là cái tiếng thơ trác tuyệt của Bùi Giáng, cõi ngôn ngữ đạt tới hoang đường kỳ ảo của Bùi Giáng. Trong khi còn gần ông. Trước khi ông chẳng gần, chẳng chịu sống cùng ai nữa.

    Số đặc biệt về thiên tài thi ca Bùi Giáng phải chờ đến hơn một năm sau, tờ Nghệ Thuật đình bản, tôi sang trông coi tờ Văn, chung với Nguyễn Xuân Hoàng thực hiện được.
    Cũng nhờ số Văn này mà tôi mới nhìn thấy và hiểu được sự không hiểu của tôi nói ở trên là sự ngược nghịch giữa Bùi Giáng tháng ngày rong chơi với Bùi Giáng một tuần lễ cả ngàn câu thơ, cả ngàn trang sách. Số Văn ấy, phần nhận định nhờ Thanh Tâm Tuyền, Ninh Chữ, Tuệ Sỹ, Trần Tuấn Kiệt… viết. Bài phỏng vấn Nguyễn Xuân Hoàng thực hiện. Phần giới thiệu những bài thơ mới nhất là tôi.

    Chưa biết kiếm tìm Bùi Giáng ở đâu, thi sỹ bất ngờ ghé thăm tòa soạn. Ông ấy chỉ còn là da bọc xương trong quần áo thùng thình, mái tóc dài đạo sỹ, cái túi vải còn thêm cây gậy. Kéo ông ra trước báo quán chụp chung tấm hình làm kỷ niệm rồi tôi hỏi xin ông những bài thơ mới nhất. Ông gật. Tưởng lấy ở túi vải ra. Hoặc nói về lấy, hoặc nói hôm sau. Tất cả đều không đúng. Ông hỏi mượn một cây bút, xin một xấp giấy, một chai bia lớn nữa, đoạn ngồi xuống, và trước sự kinh ngạc cực điểm của chúng tôi, bắt đầu tại chỗ làm thơ. Ông không chép lại thơ đã làm. Ông làm thơ tại chỗ. Lần đầu tiên tôi thấy Bùi Giáng viết, thoăn thoắt, vùn vụt, nhanh không thể tả. Như thơ không thể từ đầu, từ tim chảy xuống, lâu quá, mà ngay từ ngọn bút từ đầu ngón thôi.

    Làm thơ ứng khẩu, làm thơ tại chỗ, nhiều người cũng làm được. Nhưng là thơ thù tạc, và chỉ năm bảy câu một bài thôi. Bùi Giáng khác. Chai bia còn sủi bọt, ông ngồi viết không ngừng, tự dạng nắn nót chỉnh đốn, chỉ một thôi đã xong hơn hai mươi bài thơ.
    Chúng tôi cầm lên coi, thấy bài thơ nào cũng khác lạ, cũng thật hay, cũng đích thực là từng hạt ngọc của cái thơ thượng thừa Bùi Giáng. Lần đó, tôi đã hiểu tại sao Bùi Giáng cứ cánh bướm rong chơi, cứ phiêu bồng lãng du mà vẫn có ngay nghìn câu một buổi. Ðúng là ngủ ra thơ, thở ra thơ, uống la-de, hút thuốc lá ra thơ. Mà thơ không ai sánh bằng, thơ không ai đuổi kịp. Ông uống cạn chai la-de, lập lại ba tiếng bất hủ “vui thôi mà” rồi đứng lên từ biệt.

    Mấy tháng cuối cùng trước biến cố 1975, tôi không thấy Bùi Giáng trong đời sống tôi nữa. Chỉ thỉnh thoảng nghe thấy ông vẫn lang thang đây đó, một quán này, một bãi hoang kia, ngủ bất cứ ở đâu, dưới trời sao, ở một gầm cầu, dưới một mái hiên… Có lúc thấy nói ông đeo một xâu chuỗi toàn giày dép và quần áo phụ nữ quanh cổ như một vòng gai quái dị, đám con nít reo hò chỉ trỏ người điên, người điên. Có khi nghe thấy, ông ẩn lánh ở ngôi chùa vùng ngoại vi thành phố, ăn chay niệm Phật cả ngày không nói.

    Ở tình trạng này, anh em chúng tôi, những bạn bè một thời thân thiết với Bùi Giáng, từng đã chén thù chén tạc với Bùi Giáng bao lần trên căn gác đường Lý Thái Tổ của nhà xuất bản An Tiêm. Nhận sách tặng của Bùi Giáng, ở với ông và trời thơ trác tuyệt của ông, chúng tôi biết chúng tôi chẳng làm gì cho Bùi Giáng được nữa. Chẳng phải bỏ ông. Ông cũng không bỏ. Chỉ là ông đã đi khỏi, đi xa, vào một trời đất khác. Hai câu thơ hay tuyệt hay vào tập cho tập Mưa Nguồn:

    Xin chào nhau giữa con đường
    Mùa Xuân phía trước miên trường phía sau

    Ðã mang một ý nghĩa khác. Lời chào như một xa cách vĩnh viễn. Một bỏ đi. Một vĩnh viễn. Cái kho tàng chữ nghĩa phong phú vô tận, ở đó Bùi Giáng vừa tạo dựng nên cái thế giới ảo huyền của mình vừa phá hủy tan tành cái thế giới ấy. Kho tàng ấy thi sỹ không thèm sử dụng nữa, và chúng tôi chẳng còn con đường nào tới được với ông.
    Bùi Giáng đã đem lại cho cuộc đời biết bao nhiêu châu ngọc. Bằng tài thơ trác tuyệt. Bằng cõi ngôn ngữ ảo diệu, vô tiền khoáng hậu.

    Có ông, thi ca mới đích thực có biển có trời. Từ ấy, thi ca mới không cùng không tận.
    Ðọc lại Mưa Nguồn, đọc lại Ngàn Thu Rớt Hột, Bài Ca Quần Ðảo, tôi còn muốn bật cười với thơ Bùi Giáng. Vui thôi mà. Ðúng vậy, vui thôi, có khác gì đâu. Mất Bùi Giáng, thơ ta lại trở về với cái hữu hạn đời đời của thơ. Nhiều người bảo ông chỉ là một thằng điên. Tôi chỉ muốn nghĩ thầm cho tôi là nếu có thêm được ít người điên như Bùi Giáng, thi ca ta, văn học ta còn được lạ lùng, được kỳ ảo biết bao nhiêu…

    Mỗi lần về Sài Gòn, người đầu tiên mà du sỹ đến thăm là thi sỹ Bùi Giáng. Không nhớ biết bao nhiêu lần rồi, chở thi sỹ đi rong rêu qua khắp chốn nẻo thị thành, ghé chỗ này chỗ nọ… Bùi Giáng ngồi phía sau, thường hay bảo ghé tạt vô quán tạp hoá bên lề đường, mỗi người nốc cốc rượu đế (2000đ) rồi tiếp tục đi… Đến trưa, vào quán cơm gọi hai dĩa. Vừa ăn vừa đọc thơ cà rỡn, bông đùa… Mới ăn nửa chừng thì thi sỹ đứng dậy, bước tới quầy trả tiền trước. Rồi vụt ra đường nhảy múa điệu Alexis Zorba… Chờ nhà thơ vào lại lâu quá, tôi ra lấy xe đi mất, nhẹ nhàng không lời tạm biệt…

    Vài ngày sau, lại chạy xe tới chỗ anh tạm trú, sau chùa Già Lam, chở cuồng sỹ rong rêu tiếp… Rút kinh nghiệm lần trước, anh cúi xuống rút một chiếc dép có quai sau của tôi, lấy sợi dây cột lại, đeo vào cổ, tống tên trước ngực anh… Thế là, đành phải tập tành nhảy múa theo cuồng sỹ, đi với anh cho tận khuya hoang… Đến lúc đó, anh khề khà đọc thơ, đưa lại chiếc dép mới ra về… Phải chăng, thi sỹ Bùi Giáng có ẩn ý sâu xa rằng, muốn lên đường quy hồi Cố Quận thì phải đi một chiếc dép như Bồ Đề Đạt Ma? Một chiếc dép nhất thừa băng qua, vượt lên trên nhị thừa, tam thừa, tứ ngũ lục thất bát thừa… giữa cuộc tồn sinh đầy hỗn độn này?

    Theo Sagon Nhỏ
     
    deathshine and bibong like this.
  10. amylee

    amylee Super Moderator Thành viên BQT

    Thêm Một Truyện Ngắn
    word • 15/06/2023
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Tôi rất ít khi lạc chân vào truyện ngắn, vì thực sự là rất ít thích, nhưng truyện dưới đây thì tôi nghĩ là nên được cho vào sách giáo khoa cho trẻ con học môn văn. Truyện dịch từ tiếng Anh, quên mất không ghi nguồn, hình như Modern Japanese Writers, một quyển sách bìa đỏ rất đẹp : p để check sau vậy.

    Những quả bầu của Seibei

    Shiga Naoya

    ———–

    Shiga Naoya (1883-1971): nhà văn Nhật sinh ra trong một gia đình giàu có, từng bỏ học để theo đuổi văn chương, trong phong trào phản ứng lại chủ nghĩa tự nhiên. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là tiểu thuyết Một chuyến đi trong đêm tối (Anya Koro), được coi là một kiệt tác của văn học Nhật Bản. Truyện ngắn trên đây được xuất bản lần đầu vào năm 1913.

    ———–

    Đây là câu chuyện về một cậu bé tên là Seibei, và về những quả bầu của cậu. Sau này Seibei sẽ từ bỏ những quả bầu, nhưng anh sẽ nhanh chóng tìm được cái thay thế: anh bắt đầu vẽ tranh. Chỉ trong một thời gian ngắn, Seibei đã bị hội họa thu hút mạnh mẽ giống như những quả bầu trước đây.

    Bố mẹ Seibei biết cậu thường tự đi mua lấy những quả bầu. Mất vài xu là cậu mua được và nhanh chóng có một bộ sưu tập đáng kể. Về đến nhà, trước tiên cậu đục một cái lỗ ngay ngắn ở đầu quả bầu để lấy hết hạt bên trong ra. Kế tiếp, cậu chà lá chè vào để tẩy những mùi khó chịu. Sau đó cậu lấy chỗ rượu sake mà cậu dành dụm được từ chén của bố và cẩn thận đánh bóng bề mặt quả bầu lên.

    Seibei rất say mê những quả bầu. Một hôm khi đang đi lang thang dọc bờ biển, chìm đắm vào những suy nghĩ hướng tới chủ đề cậu ưa nhất thì cậu thoáng thấy một hình ảnh bất thường: cậu bắt gặp hình ảnh cái đầu hói dài thuỗn của một ông già vừa chạy bổ ra từ một túp lều trên bãi biển. “Một quả bầu mới tuyệt diệu làm sao!” Seibei nghĩ. Ông già mất hút, lúc lắc cái sọ nhẵn hếu hồng hồng của mình. Mãi khi ấy Seibei mới nhận ra nhầm lẫn của mình và cứ đứng đó mà phá lên cười một mình. Cậu cười trên suốt con đường về nhà.

    Mỗi khi đi ngang qua một cửa hàng rau quả, một hiệu đồ cổ, một hàng kẹo, mà nói cho đúng thì là mọi nơi có bán bầu, thế nào cậu cũng dừng lại nhiều phút, mắt dán chặt vào cửa kính mà ngắm nghía thứ quả quý giá kia.

    Seibei mười hai tuổi, vẫn học tiểu học. Đi học về, thay vì chơi với những đứa trẻ khác, cậu thường đi vơ vẩn trong thị trấn tìm bầu. Tối đến, cậu sẽ ngồi xếp chân bằng tròn trong góc phòng khách để xử lý quả bầu mới kiếm được. Khi nào xong việc, cậu đổ một ít sake vào đó, nhét cái nút bần tự cậu làm, gói nó vào khăn, cho tất cả vào một cái hộp sắt tây dùng riêng cho việc này và cuối cùng đặt hộp lên trên lò sưởi chân bằng than. Rồi cậu đi ngủ.

    Ngay khi ngủ dậy vào sáng hôm sau, cậu mở cái hộp ra để xem quả bầu. Vỏ nó rất ẩm vì được ngâm cả đêm. Seibei âu yếm ngắm nhìn báu vật của mình trước khi buộc một sợi dây vào ngang thân quả bầu và treo nó ngoài nắng để phơi khô. Rồi cậu đi học.

    Seibei sống ở một thị trấn ven biển. Mặc dù về mặt hành chính đó là một thành phố, người ta có thể đi từ đầu này sang đầu kia thị trấn trong vòng hai mươi phút. Lúc nào Seibei cũng lang thang trên phố và nhanh chóng biết mọi nơi bán bầu và nhận ra được gần như mọi quả bầu ngoài chợ.

    Cậu không mấy quan tâm đến những quả bầu cũ, góc cạnh, hình thù kỳ dị thường được giới sưu tầm ưa thích. Loại bầu quyến rũ Seibei tròn trịa và cân xứng.

    “Hình như thằng con nhà anh chị thích những quả bầu trông rất bình thường,” một người bạn của bố cậu tới nhà chơi nói. Ông chỉ vào cậu bé, đang ngồi trong góc bận rộn đánh bóng một quả bầu trơn nhẵn, tròn trịa.

    “Cái thằng ấy thì chỉ suốt ngày tha thẩn chơi với mấy quả bầu thế thôi!” bố cậu nói, nhìn sang Seibei vẻ ngán ngẩm.

    “Này Seibei,” người bạn của bố cậu nói, “cứ thu thập thật nhiều thứ như vậy thì được tích sự gì. Số lượng thì đâu có quan trọng. Lẽ ra cháu phải đi tìm những quả bầu thật là kỳ lạ chứ.”

    “Cháu thích loại này hơn,” Seibei nói, và cuộc tranh luận dừng lại ở đó.

    Bố Seibei và người bạn của ông bắt đầu nói về những quả bầu.

    “Còn nhớ quả bầu Bakin trưng bày hồi triển lãm nông nghiệp mùa xuân vừa rồi không?” bố cậu hỏi. “Thật là đẹp, phải không?”

    “Phải, tôi còn nhớ chứ. Cái quả bầu thật lớn, thật dài đó…”

    Nghe những lời trò chuyện ấy, Seibei cười thầm trong bụng. Quả bầu Bakin hồi đó gây xôn xao lắm, nhưng khi cậu đến xem (dĩ nhiên không hề biết nhà thơ vĩ đại Bakin là ai), cậu thấy nó đúng là một cái thứ ngu xuẩn và đã rời ngay khỏi triển lãm.

    “Con chẳng nghĩ thế đâu,” Seibei nói xen vào. “Nó chỉ là một cái thứ to tướng ngốc nghếch thôi.”

    Bố cậu mở to mắt vì ngạc nhiên và giận dữ.

    “Sao hả?” ông quát. “Không biết thì dựa cột mà nghe chứ!”

    Seibei không nói thêm lời nào nữa.

    Một hôm khi đang đi bộ dọc theo một phố nhỏ không quen thuộc cậu bắt gặp một bà già ngồi bán ở một quầy rau quả. Bà bán hồng và cam; trên cửa chớp của ngôi nhà phía sau quầy hàng treo một túm bầu.

    “Cho cháu xem được không?” Seibei hỏi và ngay lập tức chạy ra đằng sau quầy để xem bầu. Đột nhiên cậu nhìn thấy một quả dài khoảng mười lăm xăng ti mét và mới nhìn qua trông thật tầm thường. Một điều gì đó làm tim Seibei nảy bật lên.

    “Quả này bao nhiêu tiền ạ?” cậu hỏi, hổn hển từng từ một.

    “À,” bà già nói, “cháu còn bé thế nên bà sẽ bán cho cháu với giá mười xu.”

    “Thế thì,” Seibei nói, vẻ rất khẩn cấp, “xin bà giữ nó cho cháu, được không ạ? Cháu sẽ mang tiền quay lại ngay.”

    Cậu lao thẳng về nhà và thoáng chốc đã trở lại quầy hàng. Cậu mua quả bầu và mang nó về.

    Từ lúc ấy, cậu không bao giờ rời xa quả bầu mới nữa. Thậm chí cậu còn mang nó theo đến trường và đánh bóng nó dưới bàn trong giờ học. Không lâu sau, cậu bị một thầy giáo bắt quả tang, người thầy giáo ấy đặc biệt tức tối vì chuyện này xảy ra đúng vào giờ đạo đức.

    Người thầy giáo này xuất thân từ một vùng khác của nước Nhật và thấy rằng thật không chấp nhận được khi bọn trẻ con lại lao vào những trò giải trí quá ẽo ợt như là sưu tầm những quả bầu. Ông ta nghiêm cẩn đi theo truyền thống đạo đức của samurai, và khi Kumoemon, người biểu diễn Naniwabushi nổi tiếng, đến đây ngâm những câu thơ hào hùng của thuở xa xưa, ông ta dự không bỏ sót buổi nào, mặc dù thường thì ông ta không bao giờ thèm đặt chân vào trong lĩnh vực giải trí đáng ghê tởm. Ông ta không bao giờ ngần ngại bắt học sinh của mình hát các bản ba lát Naniwabushi, tuy là hát sai ráo cả. Giờ đây, khi thấy Seibei im lặng đánh bóng quả bầu của cậu, giọng ông ta run lên vì giận dữ.

    “Trò là một thằng ngốc!” ông ta quát. “Nhất quyết là không thể có tương lai nào cho một thắng bé như trò được.” Rồi ông ta tịch thu quả bầu mà Seibei đã bỏ ra rất nhiều thời gian để chỉnh trang. Seibei nhìn thẳng ra phía trước và không khóc.

    Về đến nhà, mặt của Seibei tái mét. Không nói một lời, cậu đặt chân lên lò sưởi và nhìn thẳng vào tường, cái nhìn trống rỗng.

    Sau một lúc, thầy giáo tới nhà. Vì bố Seibei chưa từ hiệu đồ mộc về, thầy giáo tấn công ngay vào mẹ Seibei.

    “Cái thói này chính là bắt nguồn từ sự vô trách nhiệm của gia đình,” ông ta nói, giọng đầy đe dọa. “Nghĩa vụ của phụ huynh là phải trông coi sao cho những điều như thế này không xảy ra chứ.” Rối tinh cả đầu óc, mẹ Seibei chỉ biết thì thào mấy lời xin lỗi.

    Trong lúc đó, Seibei tìm cách làm cho mình trở nên vô hình hết mức ở trong góc. Hoảng sợ, cậu liếc nhìn ông thầy giáo khủng khiếp của mình và nhìn bức tường ngay đằng sau, nơi treo cả một hàng những quả bầu đã được xử lý xong xuôi. Chuyện gì sẽ xảy tới nếu thầy giáo nhìn thấy chúng?

    Run rẩy trong lòng, cậu chờ đợi điều tồi tệ nhất, nhưng sau đó ông thầy đã quá mệt với những lời lẽ của mình và giận dữ bước ra khỏi nhà. Seibei thấy nhẹ hết cả người.

    Mẹ Seibei khóc thút thít. Bà bắt đầu mắng cậu thậm tệ, và trong lúc bà mắng, bố Seibei từ cửa hiệu về đến nhà. Ngay khi nghe được chuyện, ông túm lấy cổ áo cậu bé và tát một cú trời giáng. “Mày hư quá!” ông gào lên. “Cứ như thế này mày sẽ không thể có được gì trên đời đâu. Lẽ ra tao phải ném mày ra ngoài đường mới phải, đó mới là chỗ của mày!” Rồi ông nhìn thấy những quả bầu treo trên tường. Không nói một lời, ông lấy búa ra đập nát chúng, từng quả một. Seibei tái nhợt nhưng không nói gì.

    Ngày hôm sau ông thấy giáo đưa quả bầu tịch thu được từ Seibei cho một ông lao công già làm việc trong trường. “Này, cầm lấy,” ông ta nói, như thể đang chìa ra một thứ đồ vật thật bẩn thỉu. Người lao công mang quả bầu về nhà và treo nó lên bức tường căn phòng chật hẹp, ám bồ hóng của mình.

    Khoảng hai tháng sau ông lao công lâm vào tình cảnh còn thiếu tiền hơn thường lệ, ông bèn quyết định mang quả bầu đến một hiệu đồ cổ trong thị trấn xem thử có kiếm được vài hào không. Người chủ hiệu đồ cổ xem xét quả bầu thật kỹ; rồi, lấy một cái giọng rất hững hờ, ông ta đưa nó lại cho ông lao công và nói: “Tôi có thể trả ông năm yen.”

    Ông lao công rất kinh ngạc, nhưng vì là một ông già khôn ngoan, ông lạnh lùng đáp: “Chắc chắn là tôi không thể bán nó với cái giá ấy được.” Chủ hiệu ngay lập tức nâng lên mười yen, nhưng ông lao công vẫn không đồng ý.

    Cuối cùng chủ hiệu đồ cổ phải trả năm mươi yen cho quả bầu. Ông lao công rời khỏi cửa hiệu, vui sướng vì vận may của mình. Không phải lúc nào các ông thầy giáo cũng tặng không cho ai đó một món quà trị giá tới một năm tiền lương như vậy! Ông rất khôn khéo không bao giờ nói chuyện này với ai, cả Seibei lẫn thầy giáo đều chưa từng nghe về chuyện quả bầu. Phải, ông lao công rất khôn khéo, nhưng vẫn chưa đủ khôn khéo: ông không thể hình dung nổi cũng quả bầu ấy đã được chủ hiệu đồ cổ bán cho một nhà sưu tầm giàu có trong tỉnh lấy sáu trăm yen.

    Giờ đây Seibei bị hút hồn vào những bức tranh của mình. Anh không còn cảm thấy chút cay đắng nào đối với người thầy giáo hay người bố đã đập tan tành những quả bầu quý giá của anh nữa.

    Dần dà, bố anh bắt đầu mắng mỏ anh vì cứ đi vẽ những bức tranh.
     
    tran ngoc anh and nhan van like this.
  11. huou_

    huou_ Lớp 1

    Chúng ta "điên" hay Bùi Giáng "điên"? Hay tất cả đều "điên" theo cách khác nhau?
    Nếu tác giả đã chẳng hiểu Bùi Giáng, vậy sao cứ phải cố gắng gán cho mọi sự là có ẩn ý gì đó? Sao chẳng phải chỉ đơn giản là "Vui thôi mà"?
     
    amylee thích bài này.
  12. amylee

    amylee Super Moderator Thành viên BQT

    Người Mẹ Già (Bùi Phạm Thành, dịch)
    queadrian • 21/07/2022​


    Cùng Bạn Đọc,

    Hôm 14/11/2021, một Chị Bạn từ bên Mỹ email đến Dã-Thảo một câu chuyện thật hay, đọc xong nhưng không reblog được nên Dã-Thảo copy và post lên trang nhà để chia xẻ cùng Bạn đọc câu chuyện thật cảm động này. Bùi Phạm Thành đã dịch từ chuyện: “The Age Mother” của tác giả Matsuo Basho, một nhà thơ nổi tiếng về thể thơ Haiku

    Ngày xửa ngày xưa, bên Nhật, ở dưới chân núi nọ có một ngôi nhà nhỏ, nơi đó có một anh nông dân trẻ và người mẹ già của anh ta. Họ có một mảnh đất nhỏ để trồng trọt rau cỏ, cây trái mà sinh sống, và như thế, hai mẹ con họ sống rất êm đềm và hạnh phúc.

    Hai mẹ con người nông dân đó sống dưới quyền cai trị của một vị sứ quân. Ông ta là một võ sĩ đạo, thế nhưng lại có tư tưởng rất hẹp hòi về những người bệnh hoạn và yếu đuối. Bởi thế, ông ta đã truyền ra một mệnh lệnh rất tàn nhẫn. Toàn thể dân trong vùng phải tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh là, ngay lập tức, phải giết chết tất cả những người già cả. Trong thời bấy giờ, con người vẫn còn man rợ, và phong tục phế bỏ người già, để mặc cho chết là chuyện thường tình. Thế nhưng anh nông dân này thì rất yêu kính mẹ của anh ta, nên cảm thấy rất đau buồn về lệnh của vị sứ quân. Tuy nhiên, không ai dám trái lệnh của sứ quân, bởi vậy các người trẻ không thể làm gì khác hơn là chuẩn bị một cái chết êm đẹp nhất cho cha mẹ già của họ.

    Vào lúc chiều xuống, ngay sau khi xong công việc đồng áng, người nông dân lấy một số gạo thật ngon, đây là loại thực phẩm chính của nông dân nghèo thời bấy giờ, nấu chín, rồi nắm lại thành nhiều nắm cơm, và dùng vải buộc thành một dây đeo quanh cổ, cùng với những bầu đựng nước ngon ngọt nhất mà anh ta có thể tìm thấy. Thế rồi anh ta cõng người mẹ già trên lưng và bắt đầu một cuộc hành trình đau thương nhất trên đời, leo lên đỉnh núi. Con đường lên núi thì thật dài, nhỏ hẹp và chằng chịt với những lối đi được tạo nên bởi những kẻ đốn cây hay săn thú rừng. Thế cho nên, người nông dân đã bị lạc ở một vài nơi, nhưng anh ta vẫn len lỏi và cố gắng để có thể leo lên đỉnh núi, nơi có tên là Obatsuyama, có nghĩa là “nơi phế bỏ người già.”

    Trái với sự mệt nhọc của người con, đôi mắt vẫn còn tinh anh của người mẹ già đã nhìn ra những rắc rối, khó khăn của những con đường leo núi chằng chịt. Lòng mẹ thương con khiến bà ta nghĩ rằng con trai mình sẽ, không những, gặp khó khăn trên đường xuống núi, mà có thể bị lạc vào những con đường nguy hiểm. Thế cho nên bà đã, lặng lẽ, cố gắng vươn cánh tay già nua, yếu đuối để bẻ những nhánh cây, vứt xuống đường làm dấu.

    Sau cùng thì người con đã cõng mẹ lên đến đỉnh núi. Người nông dân, trong lòng đau sót vô cùng nhưng vẫn nén lòng để sửa soạn cho mẹ mình một một chỗ nằm cuối cùng thật yên ấm. Anh ta thu góp những lá thông để làm làm thành một chiếc nệm thật êm và đặt người mẹ nằm trên đó, rồi với dòng nước mắt chan hoà trên mặt, anh ta vái lạy từ biệt người mẹ thân yêu.

    Với giọng nói run rẩy, và tấm lòng yêu thương bao la của người mẹ, bà ta dặn dò người con lần cuối “Con hãy cẩn thẩn thận trên đường về. Đường lối chằng chịt, dễ bị lạc. Mẹ đã bẻ nhánh cây vứt xuống đường làm dấu, con cứ theo đó để về nhà an toàn.” Người con rất ngạc nhiên quay lại nhìn con đường núi vừa đi qua và đôi tay gầy guộc của mẹ già với hàng trăm vết trầy xước còn rướm máu. Quá đau sót, anh ta quỳ xuống đất, với giọng nói nghẹn ngào đầy nước mắt “Lòng mẹ thương con quả là bao la như trời biển. Con không thể để mẹ ở nơi này. Nếu sứ quân có xử con tội chết, thì con sẽ cùng chết bên mẹ.”

    Và như thế, dưới ánh trăng soi đường, người nông dân cõng mẹ xuống núi trở về ngôi nhà nhỏ của họ ở dưới chân núi. Rồi thì anh ta cố gắng che dấu người mẹ, cho dù phải sống trong sự sợ hãi bởi mệnh lệnh của vị sứ quân. Thời gian lặng lẽ trôi qua. Một hôm vị sứ quân, vì muốn chứng tỏ quyền uy tối thượng của mình, đã ra một mệnh lệnh kỳ quặc rằng người dân sống dưới quyền cai trị của ông phải làm cho được một sợi dây bằng tro.

    Nghe qua lệnh này tất cả người dân trong làng đều run sợ. Bởi vì họ phải tuân lệnh của sứ quân một cách tuyệt đối, thế nhưng làm sao có được một sợi dây bằng tro? Đêm nọ, người nông dân than thở với người mẹ về lệnh của sứ quân. Người mẹ nói rằng “Con không nên quá lo lắng. Hãy chờ ta một chút. Hãy để ta suy nghĩ.” Ngày hôm sau, người mẹ bảo con “Hãy bện một sợi dây bằng rơm, rồi để trên một phiến đá, sau đó đốt cháy nó.” Người nông dân đem lời khuyên đó nói với dân trong làng, và kết quả là sau khi đốt thì quả nhiên có một sợi dây bằng tro nằm trên phiến đá.

    Vị sứ quân rất hài lòng và khen ngợi người nông dân trẻ tuổi, và hỏi rằng từ đâu một người trẻ tuổi như anh nông dân này lại có một kiến thức thông minh như thế. Người nông dân kính cẩn “Thưa tướng quân, tôi không dám dấu …” Và anh ta đã nói rõ sự tình. Vị sứ quân lắng nghe câu chuyện, và sau một khoảng thời gian cúi đầu suy ngẫm, ông ta ngửng mặt lên tuyên bố “Sự khôn ngoan không phải chỉ có ở giới trẻ. Trong giây phút, ta đã quên rằng ‘Bên dưới mái tóc bạc trắng như tuyết là cả một kho tàng về kinh nghiệm và sự khôn ngoan.'”

    Kể từ đó, cái luật lệ quái ác kia đã bị bãi bỏ, và câu chuyện này được truyền tụng lại ngàn sau như một chuyện ngụ ngôn để người đời suy ngẫm.

    Bùi Phạm Thành

    (ngày 11 tháng 9 năm 2021)

    Chuyển ngữ theo The Aged Mother của tác giả Matsuo Basho (1644 – 1694)
     
    Wanderman thích bài này.
  13. Wanderman

    Wanderman Lớp 4

    Mình thích thơ của Basho, đọc rất thư thái.
    Đây là bức tranh "The Moon and the Abandoned Old Woman" của Yoshitoshin(1839 - 1892)
    [​IMG]
     
  14. amylee

    amylee Super Moderator Thành viên BQT

    Tranh đẹp quá :rose:. Ông này nổi tiếng nhưng ở Việt Nam ít người biết nhỉ. Mình cũng chỉ mới tìm hiểu.
     
    Wanderman thích bài này.
  15. Wanderman

    Wanderman Lớp 4

    Nhiều người biết mà! Sách dịch về ổng cũng nhiều.
     
    amylee thích bài này.
  16. Utron

    Utron Super Moderator Thành viên BQT

    Mình thích sách kiếm hiệp Kim Dung. cute_smiley8
     
    amylee thích bài này.
  17. amylee

    amylee Super Moderator Thành viên BQT

    Amy cũng định làm lại vài bộ nhưng thấy bộ nào cũng gần 10 cuốn nên hơi ngán haha. Khi nào rảnh thật rảnh sẽ ngó tới "Anh hùng xạ điêu", nhé :p.
     
  18. Utron

    Utron Super Moderator Thành viên BQT

    Bộ đó văn cực hay luông, Amy. 3D_42
     
    amylee thích bài này.
  19. amylee

    amylee Super Moderator Thành viên BQT

    "Dụ dỗ" hoài kkkkkk.
     
    Utron thích bài này.
  20. amylee

    amylee Super Moderator Thành viên BQT

    Milan Kundera: Bỏ đi và trở về
    Tử Yên Nguyễn Thu Thủy • 12/07/2023
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Điều hay ho nhất của người đọc khi đi du lịch khắp nơi, đó là bạn sẽ gặp những nhân vật, cảnh vật và có khi là cả chính tác giả, đâu đó đôi khi, trên hành trình của bạn.

    Từ Đức sang Séc bằng đường bộ theo ngả Chemnitz, thoắt một cái, gần như ta không kịp nhận ra, đường biên giới đã được vượt qua. Biên giới giữa các quốc gia châu Âu giờ đây đã trở nên rất mờ, nhiều khi không nhìn thấy trạm gác biên phòng, nhưng sự thay đổi cảnh quan thì vẫn cảm nhận được, nhiều khi rất mạnh mẽ. Qua Chemnitz, bỗng như thể có một quyền năng tự nhiên nào đó kết thúc vẻ vuông vắn, ngay ngắn của cảnh quan Đức và mở ra trước mắt chúng ta nét mềm mại đặc trưng của xứ Bohemia.

    Bohemia, trước tiên với tôi là sự mềm mại ấy, với những đường cong liên tiếp, một không khí nhẹ nhõm rất đặc biệt. Bohemia, như tôi đã biết qua những miêu tả của một nhà văn Séc mà tôi yêu mến từ rất nhiều năm nay, Milan Kundera, đúng là như vậy. Chiếc xe chạy trên các đường nhỏ, hai bên là rừng cây, cánh đồng, nhiều lúc như thể là thứ duy nhất chuyển động trong khung cảnh này, nhưng cũng như thể hòa trộn vào những chuyển động vô hình của một vùng đất tươi tắn, đầy sức sống, không lúc nào tĩnh lặng, như một người trẻ tuổi vui tươi. Và đột nhiên, ý nghĩ của tôi về văn chương Milan Kundera còn cụ thể hơn. Dường như cảnh tượng này, một thị trấn ven biên giới, chính là bối cảnh cho đoạn cuối cuốn tiểu thuyết Điệu valse giã từ, cuốn sách được Kundera viết vào thời điểm ông đi khỏi đất nước Séc để sang Pháp sống.

    Điệu valse giã từ là cuốn sách về sự ra đi, với giai điệu cuối cùng là những cảm giác của nhân vật Jakub ngay trước khi rời khỏi đất nước, rời khỏi xứ Bohemia đầy yêu quý nhưng cũng gây cảm giác ngột ngạt khủng khiếp, bởi vì ngay cả vẻ mềm mại uốn lượn kia cũng hoàn toàn có thể bao vây áp bức con người, thậm chí còn có thể trở thành một nhà tù đích thực. Đi thêm nhiều cây số, tôi tới thành phố spa Karlovy Vary, một địa danh rất nổi tiếng, và tới lúc này thì tôi chợt hiểu ra, mình vừa đi ngược, một cách biểu tượng, con đường trước đây Jakub, nhân vật chính của Điệu valse giã từ, từng đi. Không hề tìm hiểu thêm bằng cách tra cứu, tôi tin chắc điều đó là đúng.

    Karlovy Vary là một thành phố nhỏ có những nguồn nước khoáng nóng được tiếng là rất tốt cho sức khỏe, nên người ta kéo đến đây để chữa bệnh, để tắm nước nóng; hiện nay du khách vẫn mua những chiếc cốc hình dáng đặc biệt bán ngay ở đây, hứng nước chảy ra từ những vòi nước lộ thiên và uống luôn. Có vẻ thứ nước khoáng này rất tốt cho đường tiêu hóa của con người. Bộ phim Casino Royale trong loạt Điệp viên 007 James Bond được quay ở đây, và tôi dễ dàng nhận ra đây phải là bối cảnh cho “thành phố nước nóng” nơi diễn ra những câu chuyện chính của cuốn tiểu thuyết Điệu valse giã từ. Bóng hình của các nhân vật trong cuốn sách, từ nhân vật chính Jakub, bác sĩ Skreta chuyên trị chứng vô sinh cho phụ nữ, nghệ sĩ kèn trumpet, rồi cô y tá tội nghiệp bỏ mạng vì một viên thuốc độc lọt vào tay cô do tình cờ, tất tật như thể vẫn lờ mờ đâu đây, trong ánh hoàng hôn đang trùm xuống dòng kênh thành phố.

    Văn chương có sức mạnh đặc biệt như thế, nó làm ta tưởng tượng ra từ trước các địa danh mà ta còn chưa thực sự đặt chân đến. Và nhất là, văn chương cho ta một sự tin chắc vào những chuyện đã xảy ra trên trang giấy, như thể còn thực hơn là trong cuộc đời. Ở Karlovy Vary, tôi còn nhìn thấy khách sạn “Richmond”, được giữ nguyên tên trong Điệu valse giã từ, là nơi nhân vật triệu phú kỳ dị trong cuốn tiểu thuyết ấy đã sống. Đi qua một công viên, tôi tự nhủ ắt đây phải là nơi những ông già của cuốn sách ấy rượt đuổi những con chó tội nghiệp, cũng là nơi những đứa trẻ dạo chơi thành nhóm, tất cả đều có khuôn mặt hao hao bác sĩ Skreta[1]. Văn chương không chỉ miêu tả chính xác hơn cả đời thực, mà văn chương còn động chạm đến những tầng sâu của cảnh quan, sự vật, động đến tâm hồn sâu kín của những vùng đất.

    Vài hôm sau, tại Praha, dấu ấn các tác phẩm của Milan Kundera tiếp tục đeo đẳng tôi, hòa vào với cái nhìn cảnh quan xung quanh của tôi, cho dù tôi cũng nhận thấy Praha thấm đẫm hình ảnh Franz Kafka. Tinh thần của Kafka dường như vẫn lơ lửng trên thành phố, những phố phường Praha dường như vẫn in dấu chân Kafka trong những chuyến đi dạo ngày ngày năm xưa.

    Trên cây cầu nổi tiếng của Praha, được gọi bằng cái tên phổ biến “cầu Charles” nhưng trong tiếng Séc “Charles” là “Karel”, trong tiếng Latin là “Calorus”, trong tiếng Đức là “Karl”, đến một đoạn rất gần một ngôi nhà nhô ra, đột nhiên tôi nghĩ đến một cảnh trong cuốn tiểu thuyết Cuộc sống không ở đây, viết ở giai đoạn đầu sự nghiệp văn chương của Milan Kundera. Nhân vật trong sách đã từ trên cầu nhảy vào một ngôi nhà; trước đây tôi cứ tưởng đó chỉ là cảnh trong một giấc mơ, không thể làm được ngoài đời thực, nhưng lúc đã ở trên cầu thì tôi hiểu ra, người ta hoàn toàn có thể làm như vậy. Cây cầu rất cổ này được xây trên dòng sông Vltava (còn một tên nữa là Moldau, từng trở thành đề tài cho một tác phẩm xuất sắc của nhà soạn nhạc Smetana), chính là dấu ấn vô cùng mạnh mẽ của một nhân vật kiệt xuất trong lịch sử Séc.

    Vua Charles Đệ tứ ở thế kỷ XIV là vua xứ Bohemia, nhưng cũng là Hoàng đế La Mã hiển hách, người có công lao vô cùng to lớn đối với đất nước Séc, làm cho Séc trở nên hùng cường, thống lĩnh một phần lớn quý tộc vương triều châu Âu một thuở. Ngoài cây cầu tuyệt đẹp mang dáng dấp trường tồn, ông còn là người cho xây dựng nhiều công trình lớn khác, như nhà thờ thánh Vitus ở Praha; thành phố Karlovy Vary, nơi đầu tiên tôi đặt chân đến trên đất Séc, “thành phố nước nóng” nhiều vương vấn ấy, cũng được đặt tên theo tên vị hoàng đế (Karlovy Vary còn được gọi là Carlsbad).

    Praha, đối với tôi, vẫn trong những liên tưởng liên quan chặt chẽ đến văn chương của Milan Kundera, gắn bó chặt chẽ với sự trở về, tức là ngược lại với Karlovy Vary, địa điểm của sự ra đi. Trong cuốn tiểu thuyết Vô tri, kiệt tác lớn của Kundera, nhân vật chính, một phụ nữ, sau nhiều năm sống ở Pháp, đã quay trở về Praha. Lồng vào câu chuyện chính ấy là một câu chuyện lớn khác của sự trở về quê quán, thấm đẫm tinh thần hoài nhớ xứ sở và quá khứ: câu chuyện của chàng Ulysse trở về đảo Ithaque yêu dấu. Vĩnh viễn tôi không quên được hình ảnh cây ô liu tuyệt vời trên bờ biển, thứ đầu tiên của quê hương mà Ulysse có tiếp xúc. Ngay lần đầu tiên đọc đoạn văn đẹp đến nao lòng ấy, xúc cảm trong tôi đã rất lớn, tôi như mường tượng được một cách cụ thể một thứ vô hình như nỗi nhớ quê hương, như niềm tiếc nuối quá vãng đã qua.

    Praha của Milan Kundera trong Vô tri đã thay đổi rất nhiều, trong cái nhìn của nhân vật quay trở về sau thời gian dài vắng mặt. Miêu tả thành phố của ông đượm rất nhiều sự mỉa mai, nhất là hình ảnh những người khách du lịch hớn hở mặc áo phông in chân dung Kafka. Những người khách du lịch và tất cả những gì liên quan đang tạo ra một trong những vấn đề lớn hiện nay, ở nhiều khía cạnh rất đa dạng, cả tốt lẫn xấu.

    Nhưng ngay cả trong cuốn tiểu thuyết nhiều buồn bã và châm biếm ấy, đến một lúc nhân vật của Milan Kundera cũng chợt nhận ra được một hình ảnh thành phố Praha chân thực, không bị nhiễm những đường nét hài hước của du lịch và những nỗi cay đắng của đổi thay khó ngờ. Đó là sau khi ta đã phải chịu khó tìm kiếm rất nhiều. Bởi vì, dẫu có chuyện gì xảy ra, tinh thần nhẹ nhõm và mềm mại của Bohemia vẫn ở đó, có chui sâu hơn xuống bên dưới những vẻ ngoài, nhưng vẫn còn ở đó.

    Và với nhà văn, văn chương là quê hương, dẫu cho khái niệm quê hương đang thay đổi, châu Âu cũng đang thay đổi và sẽ còn thay đổi rất nhiều. Về điều này, khó có ai nói hay hơn nhà văn Maurice Blanchot: “Ai viết văn cũng sống trong sự lưu đày của công việc viết; đó chính là quê hương của người ấy, nơi người ấy không phải là một nhà tiên tri”.

    Tử Yên Nguyễn Thu Thủy (trích từ cuốn sách Một chuyến đi)

    [1] Độc giả luôn luôn tưởng tượng và thường xuyên tưởng tượng sai: ở cuộc gặp với Milan Kundera, khi tôi hỏi có phải Karlovy Vary được ông dùng làm bối cảnh cho Điệu valse giã từ không, thì ông đã trả lời ngay là hoàn toàn không.
     
    Wanderman thích bài này.
Moderators: amylee

Chia sẻ trang này