1. Click vào đây để xem chi tiết

Nhận định Thảo luận Một số suy ngẫm về "Hoá thân" của Franz Kafla

Thảo luận trong 'Tác phẩm và nhận định' bắt đầu bởi Hieunguyen11, 5/7/25 lúc 22:23.

Moderators: Cát Cát
  1. Hieunguyen11

    Hieunguyen11 Mầm non

    “Die Verwandlung” hay “Hóa thân” là một hình tượng văn học lớn trên toàn thế giới. Một câu chuyện đơn giản nhưng ẩn chứa trong đó là sự phức tạp, đầy tính triết lý. Mỗi người khi đọc “Hóa thân” sẽ có một góc nhìn và cảm nhận riêng. Lần đầu đọc tác phẩm này có thể nói mình chẳng hề hiểu hay có bất cứ suy nghĩ, sự sâu sắc nào về tác phẩm, mình nghĩ liệu tác phẩm có được đánh giá cao so với bản thân nó?
    Có lẽ, “Hóa thân” là cuốn sách để nhìn vào bên trong chứ không phải bên ngoài. Ngồi suy nghĩ lại, nhìn những gì mình đã trải qua, cảm nhận cuộc sống xoay quanh mình, mình bỗng giật mình khi thấy rằng “Hóa thân” lại có cái thần đến vậy. Nó sâu sắc, nó như một thứ rượu vang đỏ nhẹ nhàng ban đầu nhưng đến lúc nhận ra thì lại say không kém thứ mỹ vị gì trên đời.

    I. Con người ta ngày nay có đang “Die Verwandlung”?

    Die Verwandlung là một từ tiếng Đức chỉ sự chuyển hóa. Kafka diễn tả sự chuyển hóa của Gregor theo một cách đột ngột, thầm lặng và không thể lường trước được. Nhưng mình không cho là vậy, việc tác giả lấy tên là Sự chuyển hóa vốn mang ý nghĩa rằng sự đột ngột ấy là kết quả của một quá trình chuyển đổi âm thầm, từ từ. Để một lúc nào đó nó đột ngột, nó bùng nổ, nó cắn nuốt con người ta nhanh đến mức họ không thể lường được, không thể kiểm soát được chính bản thân mình.
    Nếu nhìn cả cuộc đời của Gregor thì chúng ta có lẽ nhìn ra bản thân mình trong đấy. Trong một xã hội hiện đại, chúng ta giống với Gregor cách chúng ta 100 năm trước một cách kỳ lạ. Chúng ta sống vì để sinh tồn, đi làm vì những áp lực cơm áo gạo tiền, cố gắng vì thành tích, điểm số. Cuộc sống của chúng ta gắn liền với áp lực. Cũng giống như Gregor đi làm một công việc anh không hề thích bởi anh là trụ cột gia đình, anh gánh trên vai món nợ của cha, sự sung sướng của bố mẹ và tương lai của người em gái. Và chúng ta thử nghĩ xem, liệu những cái sự không hạnh phúc ấy có đang từ từ nhấm nháp bản thân mình không? Có lẽ có, có lẽ không, có lẽ chúng ta cũng như Gregor không dám nhìn vào hiện thực rằng những thứ đó đã trở thành một thứ tà dị từ từ nhấm nháp, nuốt trọn cơ thể anh. Để rồi một ngày chúng ta gục ngã, ta chuyển đổi thành một thứ mà chính ta còn không biết là gì nữa.
    Thực tế, có thể thấy gần với chúng ta nhất là chứng bệnh trầm cảm, nó không khác gì sự chuyển đổi của Kafka. Nó xuất phát từ sự tiêu cực trong cuộc sống, từ những áp lực và dần dần nó cứ len lỏi trong tâm trí. Ta không biết hoặc cố tình không biết. Rồi đến một ngày ta nhận ra rằng ta không còn là ta nữa. Từ từ, hủy hoại bản thân mình. Một cái kết không thể cứu vãn như chính Gregor.

    II. “Hóa thân” là một căn bệnh

    Như mình đã khẳng định ở trên, “Hóa thân” chính là hình ảnh cho căn bệnh trầm cảm. Một con người từ một người bình thường biến thành một con bọ không thể giao tiếp được nữa. Gregor chỉ có thể lắng nghe, quan sát và tự nói chuyện với mình, tự chống chọi. Không ai hiểu anh. Thứ đồ ăn anh từng thích trở thành một thứ không thể nuốt nổi, tâm trí anh mụ mẫn, anh bắt đầu suy nghĩ mọi thứ theo bản năng (Thích bò quanh tường, vui vì cô em gái bỏ hết đồ cũ của anh đi). Nói theo một cách khác, Gregor thu mình lại, ban đầu anh còn có thể nói chuyện với mọi người, nhưng khi anh nhận ra gia đình không hiểu anh nữa thì anh chính thức không thể giao tiếp với người khác. Anh thu mình lại, quan sát, lắng nghe, thế giới của anh xoay quanh 1 căn phòng kín và anh chỉ có thể nói chuyện với bản thân anh. Đến đây, mình phải giật mình vì nó rất quen thuộc, quen thuộc vì đây đều là triệu chứng của người bị trầm cảm.
    :Vậy, điều gì dẫn tới kết cục bi thảm của nhân vật chính? Hãy đọc đoạn này.

    “Gregor nằm liệt hơn một tháng trời, quả táo vẫn dính vào thân thể anh như một dấu tích nhắc nhở rõ ràng vì không ai dám lấy nó đi, vết thương trầm trọng đó dường như khiến cả bố anh nhớ rằng Gregor là một thành viên trong gia đình bất kể hình hài bất hạnh hay kinh tởm của anh, và gia đình không được quyền đối xử với anh như kẻ thù, mà trái lại, có bổn phận phải nén ghê tởm và kiễn nhẫn chứ không còn cách nào khác”
    “Bà giúp việc ban đầu còn gọi anh đến gần với những lời lẽ mà hẳn nhiên bà cho là thân thiện, chẳng hạn như:”Nào lại đây nào, con bọ hung kia” hay “Nhìn cái con bọ hung này mà xem!”.

    Có lẽ bạn biết câu trả lời của chính bạn.

    III. Một người được coi là người vì họ là người hay người khác công nhận họ là người?

    Đây là một suy ngẫm khiến mình băn khoăn nhiều nhất. Một người khi nào được coi là người? Gregor trước đây là trụ cột của gia đình, gánh trên vai cuộc sống của cả gia đình. Nhưng mà từ khi anh biến thành bọ thì gia đình dần dần xa cách với anh. Cô em gái ban đầu còn tận tình chăm sóc anh nhưng theo thời gian lại vô cùng qua loa, người mẹ gặp anh sợ đến ngất đi, dần dần mọi người coi anh là gánh nặng, không còn coi anh là người nữa mà chỉ muốn tống anh đi cho xong chuyện.
    Gregor dù mang trong hình hài con bọ, nhưng vẫn mang lý trí của con người, anh không làm hại ai, anh biết suy nghĩ, quan tâm cho gia đình và cảm thấy an lòng khi gia đình tự trang trải lo cho cuộc sống. Nếu đứng dưới góc độ của anh thì anh vẫn là con người. Nhưng nhìn từ góc độ của người khác thì anh không còn là con người nữa, người em gái coi người anh trai của mình đã chết mà thứ hiện hữu là một con bọ ghê tởm, gia đình coi anh là gánh nặng muốn tống anh đi, đến khi anh chết thì tất cả đều vui vẻ.
    Hai mặt đối lập như vậy khiến mình suy nghĩ rất nhiều, sống thật với bản thân mình, chấp nhận con người mình nhưng người khác không chấp nhận mình như vậy, họ không coi mình là con người nữa thì mình sẽ không còn là con người nữa? Có lẽ, mình chỉ được sống thật với bản thân thì cái thật ấy được chính xã hội coi là một phần của xã hội.

    IV. Cô em gái và câu chuyện ẩn phía sau

    Cô em gái Grete là một nhân vật khiến mình hứng thú, không phải vì bản thân cô mà vì tính triết lý thông qua con người này. Grete yêu Vỹ cầm, cô hay chơi vỹ cầm. Người anh trai đi làm vì mong muốn cho cô được vào học trường Nhạc viện. Nhưng biến cố xảy đến khiến giấc mơ này của cô tan vỡ. Cô ban đầu vẫn cố thích nghi, chăm sóc anh trai tử tế nhưng mà dần dần cô không còn cái nhiệt tình ban đầu, cô là người đầu tiên thốt lên không coi anh trai là con người nữa. Là người vứt bỏ những thứ níu kéo Gregor rằng anh vẫn là một con người. Chính cô có lẽ là người đầu tiên không coi anh là con người nữa. Cái kết được Kafka diễn tả bằng đoạn sau: “Grete đã bừng nở thành một cô gái xinh tươi với vóc dáng thanh tú. Hai ông bà trở nên trầm lắng hơn và bất giác nhìn nhau thầm đồng ý với kết luận: Đã đến lúc phải tìm cho cô một người chồng tử tế. Và như để khẳng định cho những ước mơ mới mẻ cùng ý đồ tốt đẹp của bố mẹ, đến cuối cuộc hành trình, người con gái đứng dậy trước tiên và vươn thẳng tấm thân thanh xuân phơi phới”.

    Liệu đây có phải là tương lai tốt đẹp?

    Nói đến đây có lẽ các bạn hình dung được câu chuyện về người em gái cũng như bài học triết lý về nhân vật điển hình này. Mỗi người sẽ có cảm nhận riêng, tùy mọi người phán xét.
     
    amylee thích bài này.
Moderators: Cát Cát

Chia sẻ trang này