Như Lai có phải là Phật Tổ Như Lai?

Thảo luận trong 'Tủ sách Tôn giáo' bắt đầu bởi alonekiller, 13/8/16.

Trạng thái chủ đề:
Không mở trả lời sau này.
Moderators: mopie
  1. alonekiller

    alonekiller Lớp 7

    [​IMG]
    Xem phim Tây Du Ký, ta thấy có một vị Phật Tổ Như Lai quyền uy tối thượng. Một Tề Thiên Đại Thánh, 72 phép thần thông, Ngọc Hoàng Thượng Đế cũng không làm gì nổi mà gặp Phật Tổ Như Lai cũng đành thúc thủ, không nhảy khỏi năm ngón tay của Ngài. Như Lai cũng chỉ đạo cho các Bồ Tát, ấn chứng cho Tam Tạng. Vậy thì ông này ở đâu ra? Từ cõi trời nào xuống hay tu hành thế nào để đạt được điều đó. Đức Thích Ca thì nguồn cội rõ ràng. Có cha, mẹ, có vợ, con, nơi ở của Ngài cũng đã được các Nhà Khảo Cổ xác minh, toàn bộ đều là sự thật... Còn Như Lai Phật Tổ không biết xuất xứ ở đâu, mà quyền phép đến như vậy? Nếu chúng ta không biết gì về Ngài, chỉ nghe đồn đại về quyền phép vô song, rồi thờ, rồi cúng để xin được “Độ” thì khác gì những người sống cách đây hàng bao nhiêu ngàn năm trước? Điều đó khó có thể chấp nhận đối với thời buổi văn minh khoa học, con người đã lên tới Cung Trăng, Sao Hỏa như thời này.

    Rất nhiều bậc xuất gia, nhưng sự hiểu biết về Đạo bị ảnh hưởng của những người trước để lại, cũng tin rằng Chư Phật là Thần Linh, có quyền phép, có thể ban ân, giáng phúc. Các vị cũng cho rằng cứ thành khẩn cầu xin thì sẽ được ban cho, nên đã hô hào mọi người tạc tượng Chư Phật, Chư Bồ Tát, rồi ngày mấy thời tụng niệm, hương khói, thờ lạy để xin được Độ, nên ta thấy Chùa nào cũng nghi ngút khói hương, quên rằng Đức Thích Ca không có dạy Thờ Ngài, mà Thọ Ký cho mọi người đều là Phật sẽ Thành. Vì thế, ta thấy Kinh Kim Cang viết: “Nhược dĩ sắc kiến ngã. Dĩ âm thanh cầu ngã.Thị nhân hành tà đạo. Bất năng kiến Như Lai”. Có nghĩa là ai nương Sắc để thấy Ta, Dùng âm thanh để cầu Ta. Đó là những người hành tà đạo. Không thể thấy được Như Lai.

    Như Lai là ai? Có cần Thấy Như Lai hay không? Thấy được Như Lai thì được lợi ích gì? Không được dùng hình tượng để thờ, tụng Kinh để cầu Ngài, vậy thì phải Thấy cách nào? Như vậy muốn xin cứu độ phải làm gì?
    Tu Phật là để Thành Phật. Địa vị được cho là cao nhất là Như Lai. Nhưng trước khi thành Như Lai, các Ngài cũng phải tu hành như mọi người. Vì vậy, nếu có đọc Kinh VIÊN GIÁC, ta sẽ thấy, ngay phần mở đầu, Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát bạch Phật, xin vì Pháp hội và các chúng sinh đời sau “Nói lại nhơn địa tu hành thanh tịnh của các Đức Như Lai”.

    Phật dạy: “Như Lai có pháp Đại Đà La Ni tên là VIÊN GIÁC. Từ tánh Viên Giác này mà sinh ra các pháp thanh tịnh: Chơn Như, Bồ Đề, Niết Bàn và Ba La Mật. Nhơn địa tu hành của các Đức Phật đều y Viên Giác mà vĩnh viễn đoạn trừ Vô Minh, được sáng suốt thanh tịnh, viên mãn nên được Thành Phật”.Nhơn địa tu hành của Như Lai là tu theo Viên Giác: Nghĩa là Biết các pháp đều hư huyển, như hoa đốm giữa hư không thì không còn Sinh tử Luân Hồi và cũng không có người chịu Sinh tử Luân Hồi”. Như vậy, qua Kinh VIÊN GIÁC, ta thấy, dù không có lý lịch rõ ràng, nhưng một cách gián tiếp, ta cũng được giải thích, đó không phải là một vị Thần Linh, duy nhất, và cũng không phải từ trên cõi nào giáng xuống, mà là một người như tất cả mọi người, nhờ tu hành mà đạt tới danh hiệu đó. Qua đó, ta cũng thấy Danh xưng Như Lai cũng như PHẬT, là hai từ nói về TÌNH TRẠNG GIẢI THOÁT SINH TỬ LUÂN HỒI MÀ NHỮNG NGƯỜI TU HÀNH CHÂN CHÍNH ĐẠT ĐƯỢC. NHƯ LAI được giải thích trong Kinh là “ĐẾN, ĐI KHÔNG ĐỘNG”. “Không động” này không có nghĩa là các Ngài dùng thần thông, rồi đột ngột xuất hiện đột ngột biến mất, mà ý nói về CÁI TÂM KHÔNG SINH KHỞI KHI ĐỐI PHÁP. Đối với các pháp đều NHƯ.
    PHẬT, NHƯ LAI không phải là những nhân vật, mà hiểu cho đúng thì đó là ý nghĩa của Giải Thoát, là kết quả tu hành, mà mỗi người chúng ta đều có thể học hỏi để được thành tựu. Do đó, người dùng hình ảnh mà Kinh mô tả, rồi tạc lấy, ngày mấy thời nhang khói, tụng kinh để cầu xin, không phải là hành chính đạo nên không thể Thấy được Ngài. “Thấy Như Lai” không phải bằng mắt, mà có nghĩa là người thật sự tu hành theo đường lối của Kinh Viên Giác, thì bản thân cũng sẽ THOÁT được các pháp, để dù đến, đi đều không động Tâm nữa. “Không động Tâm” không phải là trơ trơ như gỗ đá, vì Chư Phật có Tứ Vô Lượng Tâm, tức là Tâm Từ, Bi, Hỉ, Xả, nên có nghĩa là không khởi Hỉ, Nộ, Ái, Ố, THAM, SÂN, SI, THƯƠNG, GHÉT… khi đối pháp, bởi đó là những cái Tâm Phàm, khởi lên do vướng mắc với các pháp.

    Nhưng có lẽ từ trước đó, các vị Thanh Văn cũng như chúng ta ngày nay, không chịu đọc Kinh hoặc lúc đó Kinh chưa phổ biến, nên không thể đọc để nghe Chư Phật, Chư Tổ giải thích. Chỉ mới nghe loáng thoáng đã cho rằng PHẬT là một vị Thần Linh, có thần thông quảng đại, cứu độ Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới, nên lúc nào cũng hướng ra ngoài, thờ lạy, kính ngưỡng, và không bao giờ dám có ý nghĩ rằng mình sẽ Thành Phật, vì cho đó là Tăng Thượng Mạn!

    Đạo Phật ra đời cách đây mấy ngàn năm. Lúc đó sự hiểu biết con người còn hạn chế. Cho nên Đức Thích Ca không thể một bước mà có thể kêu gọi mọi người nên Cải Ác, Hành Thiện, vì thế, Ngài đã phải dùng rất nhiều phương tiện, đưa ra nhiều Quả, vị để khuyến khích mọi người. Kinh viết: “Trí kém ưa pháp nhỏ. Chẳng tự tin Thành Phật. Cho nên dùng phương tiện. Phân biệt nói các Quả”…

    Buổi đầu, Đức Thích Ca chưa thể trong vài thời pháp mà có thể kêu gọi mọi người tu hành để Giải Thoát. Không thể nói rằng tất cả công năng tu hành chỉ nhằm mục đích THOÁT KHỔ, mà phải dùng phương tiện, mô tả một vị Phật có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, để cho mọi người hâm mộ, hướng tâm, nương theo hướng dẫn của Ngài mà hành trì. Ngay cả Ngài Anan trong Kinh LĂNG NGHIÊM, sau khi đi khất thực một mình, bị Ma Đăng Già dụ, phải cầu Phật cứu cho. Lúc về đến chỗ Phật, khóc lóc, buồn tủi, bạch với Phật, xin chỉ cho Phương pháp nào mà 10 Phương các Đức Phật tu hành được thành đạo, Chứng Quả”, Phật đã hỏi ông: “Ông đối trong Giáo Pháp của ta, do mến mộ cái gì mà phát tâm Xuất Gia ?” thì Anan thưa: “Vì con thấy Phật có 32 tướng tốt đẹp lạ thường nên sinh lòng hâm mộ mà Xuất Gia”. Chính vì những cái Phát Tâm lệch lạc, do hiểu lầm Phương tiện của Phật, cho nên, phải đợi sau một thời gian dài tu tập, khi cái Tâm họ đã tiến bộ, đã thanh tịnh, Ngã Chấp cũng đã bào mòn rồi, Phật mới giải thích cho họ hiểu được là bản thân họ cũng sẽ thành tựu con đường Giải Thoát, tức là sẽ Thành Phật. “Đấng lưỡng túc tôn kia. Rất hơn, không ai bằng. PHẬT TỨC LÀ THÂN ÔNG. NÊN PHẢI TỰ VUI MỪNG”. Lúc đó, các vị Thinh Văn mới Ngộ ra nên: “LÒNG SANH RẤT VUI MỪNG. TỰ BIẾT SẼ THÀNH PHẬT”.

    Đọc Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA, ta sẽ thấy Đức Thích Ca cũng phải đắn đo, suy nghĩ rất nhiều, các Đại Đệ Tử phải 3 lần thưa thỉnh, nhưng Ngài vẫn không muốn nói, vì sợ nói ra “Nếu nói việc đó thì tất cả trong đời, trời, người, Atula đều kinh nghi, Tỳ Kheo Tăng Thượng Mạn sẽ phải sa vào hầm lớn”. Thật vậy, lỡ đưa ra một vị Phật đầy quyền năng, có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp phi phàm, không khác nào một vị Thần Linh, mà giờ này nói ai cũng có thể trở thành vị đó thì quả thật không phải dễ, và các Tỳ Kheo đang tu theo Phật, không cần tra cứu xem 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp đó là gì? Làm sao để có? Cứ nghe nói thế là tha hồ tưởng tượng rồi đây mình cũng sẽ “cứu độ cho Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới” rồi càng khởi Tăng Thượng Mạn!

    Trên thực tế, nhiều người lúc Xuất Gia không hiểu được là họ sẽ được Thành Phật. Buổi đầu, khi Phát Tâm, đa phần đều vì mến mộ Phật nên Xuất Gia để phụng sự Đạo Pháp. Vậy mà nhiều vị sau khi vô chùa tu một thời gian cứ nghĩ như mình “sắp thành Phật đến nơi”, để cho những người lớn tuổi đáng bậc cha ông phải sụp lạy, phải gọi Thầy, xưng con, cúc cung phục vụ, đến nỗi người đời nói: “Gần Chùa gọi Phật bằng anh”, quên rằng “Ông tu, ông đắc, bà tu, bà đắc” Dù họ có tu hành, đắc đạo thì cũng chính bản thân họ nhờ, không thể cứu độ cho ai! Bá tánh cũng không dễ gần gũi, tiếp xúc, hỏi pháp, vì họ đã trở thành những nhân vật quan trọng, đẳng cấp trong giới tu hành. Trong khi lẽ ra người tu phải là người “xem cái thân như oán tặc”, dùng nó như một phương tiện mà Kinh gọi là như người “ôm thây mađể bơi qua biển Sinh Tử”, thì nhiều người tu hành một thời gian lại quên mất, không theo hạnh “ít muốn, biết đủ” của người tu, trở lại cưng chiều cái Thân, cho nó dùng toàn phương tiện hiện đại. Chùa chiền thì nhân danh tôn vinh Phật để trang hoàng lộng lẫy, xa hoa. Cao Tăng tới đâu thì kẻ hầu, người hạ, tiền hô, hậu ủng, không khác gì quan chức của đời! Sinh thời Cao Bá Quát cũng đã mỉa mai: “Công đức tu hành Sư có lọng”! So với Phật Thích Ca ngay khi đã Thành Phật, Kinh Kim Cang viết: “Lúc đó gần đến giờ ăn, Đức Thế Tôn đắp Y, cầm Bát, vào Thành lớn xá Vệ mà khất thực. Trong thành ấy, Đức Phật theo thứ tự ghé từng nhà mà khất thực, xong trở về Tịnh Xá, dùng cơm rồi cất Y Bát, sau khi rửa chơn xong, Đức Phật trải tòa mà ngồi” Một hình ảnh đơn giản, thanh tịnh… hoàn toàn xa lạ, không giống một chút nào với chư Đệ Tử người ngày nay! Có lẽ: “Con hơn cha là nhà có phúc” chăng?

    Thêm một Danh Xưng nữa là BỒ TÁT. Đức Thích Ca đã “nhân cách hóa” những Ý tưởng bằng những nhân vật. Tư tưởng xấu xa, đen tối, tội lỗi thì Phật gọi là CHÚNG SINH. Tư tưởng thanh cao, hướng thiện, có thể cải tạo cho những tư tưởng xấu kia thì Ngài gọi là BỒ TÁT. Đó là hai thành phần cư dân trong ĐẤT TÂM của mỗi con người mà Kinh gọi là PHÀM THÁNH ĐỒNG CƯ. Bồ Tát, là tư tưởng trung gian, có nhiệm vụ dẫn dắt, giáo hóa cho những tư tưởng còn đen tối, chưa phục thiện. Theo dõi, giúp đỡ, cải tạo những chúng sinh còn u mê, cho nó bỏ hết những ý nghĩ đen tối, quay về với sự thánh thiện.

    Nơi để sản sinh những tư tưởng Đức Thích Ca gọi là Cái Tâm. Nhưng thời xa xưa, muốn nói về CÁI TÂM thì không đủ ngôn từ, người nghe cũng chưa đủ hiểu biết rằng có một thế giới ngầm Vô Tướng, đó là những Ý nghĩ bên trong mỗi con người. Nó không phải là Cái Đầu hay Bộ óc, có hình tướng cụ thể, để có thể chỉ rõ, mà vì đó là những suy nghĩ, những tư tưởng, nên rất khó diễn tả. Trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật phải chỉ đến lần thứ 7 thì Ngài Anan mới nhận ra, bởi vì nó không có một vị trí cố định. Người muốn tu hành, muốn được Giải Thoát thì trước hết phải Cải Tạo các tư tưởng, vì đó là nơi điều khiển các hành động. Nghĩ xong rồi mới Làm. Muốn đốn cây thì phải chặt gốc, không mé nhánh hay bứt lá. Chính vì vậy, TU PHẬT là phải TU TÂM. Và cũng do khó diễn tả Cái Tâm và những diễn biến của nó, Đức Thích Ca phải giả lập một CÕI PHẬT, mà Ngài gọi là CẢNH GIỚI BẤT NHỊ.

    Sở dĩ gọi là CẢNH GIỚI BẤT NHỊ là vì nó là 2 trong một, là phần VÔ TƯỚNG ở trong cái Thân HỮU TƯỚNG. Trong phần Vô tướng này, Đức Thích Ca phân chia ra, có PHẬT và cõi nước của Ngài. Có những đường dữ là Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sinh, sinh ra vô số CHÚNG SINH. Giữa hai thái cực Thánh, Phàm, thì có những BỒ TÁT với các danh xưng như Văn thù Sư Lợi, Phổ Hiền, Phổ Nhãn, Kim Cang Tạng, Di Lặc, Thanh Tịnh Huệ, Uy Đức, Diệu Âm, Tịnh Chư Nghiệp Chướng, Viên Giác, Hiền Thiện Thủ v.v…

    Trước khi giảng Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA Đức Phật chưa hề bảo là những người tu hành rồi sẽ được Thành Phật như Ngài không khác. Khi bắt đầu nói đến CON ĐƯỜNG ĐỘ SINH ĐỂ THÀNH PHẬT thì mới giảng Kinh này. Vì thế, Kinh DPLH được cho là Kinh để Giáo Bồ Tát. Người hành trì theo hướng dẫn của Kinh được gọi là Hành Bồ Tát Đạo. Kinh viết: “CHỖ CÁC ÔNG TU HÀNH LÀ ĐẠO CỦA BỒ TÁT. LẨN TU HỌC XONG. THẢY ĐỀU SẼ THÀNH PHẬT”. Kinh viết: “Bồ Tát cũng lại như thế, nếu chưa nghe, chưa hiểu, chưa có thể tu tập Kinh Pháp Hoa này, phải biết người đó cách Đạo Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác còn xa”(Phẩm Pháp Sư). Tức là nếu người tu nào mà chưa biết đến “CON ĐƯỜNG ĐỘ SINH”. Chưa biết CHÚNG SINH là gì? Chưa biết làm sao để “ĐỘ”, thì không thể nào thành tựu công việc tự Giải Thoát được. “ĐỘ SINH” cũng là “CHUYỂN PHÁP LUÂN”, cũng là “CHUYỂN HÓA CÁI TÂM”, cũng là GIÁO BỒ TÁT”, Vì Trời, Người, Bồ Tát vv... đều nói về những cư dân trong cái Tâm của hành giả mà thôi. Cuối cùng, khi lĩnh hội được lời Phật thì các Ngài Thinh Văn mới thú nhận: “Nghe tiếng Phật êm dịu. Sâu xa rất nhiệm mầu. Nói suốt pháp thanh tịnh. Tâm con rất vui mừng. Nghi hối đã hết hẳn. An trụ trong thiệt trí” Từ đó, các Ngài mới khẳng định: “CON QUYẾT SẼ THÀNH PHẬT. ĐƯỢC TRỜI, NGƯỜI TÔN KÍNH. CHUYỂN PHÁP LUÂN VÔ THƯỢNG. GIÁO HÓA CÁC BỒ TÁT”. (Phẩm Thí Dụ).

    Chính do VÔ MINH, tức là thiếu sáng suốt mà con người gây ra vô số tội, nghiệp ác để phải triền miên chìm đắm vào vòng SINH TỬ LUÂN HỒI. Vì thế, con đường tu hành của các Đức Như Lai, là TU THEO VIÊN GIÁC, tức là mở Trí Huệ, để có SỰ HIỂU BIẾT TRỌN VẸN, TRÒN ĐẦY, mục đích là để kết thúc vòng Sinh Tử Luân Hồi.

    “VĂN THÙ, ÔNG PHẢI BIẾT
    CHỖ CHƠN ĐỊA TU HÀNH
    CỦA CÁC ĐỨC NHƯ LAI
    LÀ DÙNG TRÍ VIÊN GIÁC
    PHÁ TRỪ HẾT VÔ MINH
    BIẾT CÁC PHÁP HƯ HUYỂN
    THÌ KHỎI BỊ LUÂN HỒI”

    Nhưng không phải chỉ cần Xuất Gia, Cạo Tóc, Đắp Y thì làm gì cũng gọi là tu hành. Việc tu hành phải theo một trình tự nhất định. Trong Kinh VIÊN GIÁC, Đức Phật đã để cho một Bồ Tát đại diện để hỏi Phật : PHẢI TU HÀNH THỂ NÀO? PHẢI TƯ DUY LÀM SAO? PHẢI AN TRỤ THẾ NÀO MỚI NGỘ NHẬP VIÊN GIÁC? Phật đã chỉ rõ có 5 điều phải làm theo trình tự:

    1/- Y theo pháp “CHỈ” của Như Lai.
    2/- Giữ gìn GIỚI Cấm kiên cố
    3/- Sắp xếp đồ chúng cho yên ổn
    4/- Ở chỗ thanh vắng
    5/- Phải TƯ DUY như sau:
    a) QUÁN THÂN NHƯ HUYỂN
    b) QUÁN TÂM NHƯ HUYỂN.

    Để có thể tập trung Thân và Tâm để Tư Duy thì phải THIỀN ĐỊNH. Nhờ Thiền Định mới có được TRÍ HUỆ. Kinh VIÊN GIÁC viết rõ:

    CÁC TRÍ HUỆ THANH TỊNH
    CỦA TẤT CẢ BỒ TÁT
    ĐỀU DO THIỀN ĐỊNH SANH.

    Không phải chỉ cần NGỒI là THIỀN. NGỒI YÊN LẶNG là ĐỊNH, Ngồi lâu thì sẽ có Trí Huệ, sẽ Đắc Đạo. Thiền Định của đạo Phật được giải thích rõ:

    THIỀN ĐỊNH LÀ “CHỈ”, “QUÁN”
    VÀ “CHỈ, QUÁN” SONG TU.

    Đến đây ta có thể phân biệt được người đang hành CHÂN THIỀN hay hành theo THIỀN NGOẠI ĐẠO, bởi thực tế đã chứng minh, bao nhiêu thế hệ qua, có biết bao nhiêu người cũng đã NGỒI THIỀN, mà thay vì “Thành Phật” như Đức Thích Ca, thì họ chỉ trở thành THIỀN SƯ mà thôi. Đạo Phật có phân rõ CHÁNH, TÀ. Do đó, người muốn tu hành thành công phải tìm hiểu xem thế nào là CHÂN THIỀN? Thế nào là CHÁNH ĐỊNH? Thế nào là CHÁNH TƯ DUY? vì đây là phần đi vào chi tiết của CHỈ, QUÁN và CHỈ QUÁN SONG TU.

    CHỈ là dừng mọi hoạt động của THÂN và TÂM. Người không hiểu được mục đích THIỀN ĐỊNH của Đạo Phật thỉ chỉ làm cho cái THÂN dừng lại, bằng cách xếp tay, chân, Ngồi yên lặng, tưởng đó là NGỒI THIỀN. Nhưng có Ngồi yên lặng như thế, sẽ thấy Ý TƯỞNG bắt đầu hoạt động. Bình thường thì nó bám vào Lục Căn để Thấy, Nghe, xúc cảm. Khi Cái Thân ngồi yên, Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân không còn đối tượng để chạy theo thì nó thì nó tự mở ra cảnh giới tưởng tượng. Thấy những cảnh lạ lùng. Được tiếp xúc với chư Phật, Bồ Tát, Tiên, Thần, ma, quỷ vv... Những cảnh giới hiện ra trong lúc Thiền, Kinh Phật dạy đó là ma cảnh, người tin theo đó sẽ bị “tẩu hỏa nhập ma” trở thành bất bình thường, điên loạn, làm hỏng cả cuộc đời.
    Ai cũng biết Đức Thích Ca Đắc Đạo do Thiền. Nhưng Ngài làm gì trong Thiền để Đắc thì ít người hiểu, do đó sinh ra rất nhiều Thầy dạy Tu Thiền theo đủ các kiểu: Thiền Ngồi, Thiền Nằm, Thiền Chạy… Có người dạy Ngồi yên và đếm hơi thở gọi là Sổ Tức. Hành theo phương pháp này thì cũng kềm được cái Tâm, không cho nó rong ruổi theo các cảnh. Nhưng chỉ Ngồi để Đếm hơi thở thì có ngồi suốt kiếp cũng chẳng sinh được ích lợi gì. Có thầy dạy ngồi xem cái bụng Phồng, Xẹp... chứng tỏ Thầy cũng chẳng hiểu Thiền của Đạo Phật! Chẳng lẽ ngồi coi cái bụng Phồng, Xẹp, một thời gian rồi “Hoát nhiên Đại Ngộ”? Có người dạy Quán tưởng Tâm, Cảnh vắng lặng mà Lục Tổ đã cảnh báo trong PHÁP BẢO ĐÀN KINH: “Chư Thiện Tri Thức. lại có người dạy ngồi xem cái Tâm, quán tưởng Tâm Cảnh vắng lặng, ngồi yên chẳng dậy, bảo y theo đó mà lập công phu. Người mê chẳng hiểu, cố chấp làm theo rồi thành điên dại. Số người lầm như thế chẳng phải ít. Truyền dạy nhau như vậy thiệt là lầm to”.

    THIỀN của Đạo Phật là THIỀN QUÁN. Tức người Ngồi Thiền là tạm thời ngưng nghỉ cái Thân, không chạy theo các pháp. Dừng cái Tâm, không cho nó theo Lục Căn mà bám lấy trần cảnh, rồi dùng thì giờ đó mà QUÁN SÁT, TƯ DUY để tìm hiểu việc Đạo, gọi là Thiền Minh Sát, không phải là chỉ ngồi yên lặng suông. QUÁN cái gì? thì theo trình tự đã trích dẫn: là QUÁN THÂN NHƯ HUYỂN. QUÁN TÂM NHƯ HUYỂN.

    TẠI SAO PHẢI quán hai thứ này? Tại vì con người tạo vô số Tội, Nghiệp để phải triền miên trong vòng Sinh, Tử, Luân Hồi, cũng do nó, mà tu hành, được Giải Thoát, thành Phật cũng nhờ nó. Ngày xưa, CÁI TÂM khó diễn tả đến nỗi Phật dạy người tu phải QUÁN để tìm ra nó. Có hẳn một quyển Kinh để viết về nó là Kinh TÂM ĐỊA QUÁN, trong đó viết: “Thiện Nam Tử. Trong Ba Cõi lấy TÂM làm chủ. Người Quán được TÂM, được Giải Thoát cứu cánh. Người không Quán được Tâm ở mãi trong triền phược. Ví như muôn vật đều từ đất sinh. Tâm Pháp sinh ra thiện, ác, năm thú (Trời, Người, ngục, quỷ, súc), bậc hữu học, bậc vô học, bậc Độc Giác, bậc Bồ Tát cùng Như Lai trong thế gian và xuất thế gian. Bởi nhân duyên ấy, Ba Cõi duy Tâm”.
    Cho tới thời này, qua bao nhiêu đời Tổ khai sáng, cộng với sự tiến bộ của con người, nói về CÁI TÂM thì ai cũng có thể hiểu được dễ dàng, nên việc tu hành càng thuận lợi. Chỉ cần nương theo lời Kinh, hoặc nhờ người có kinh nghiệm chỉ lại là có thể nắm được đường lối để tự mình hành trì rồi đọc Kinh để kiểm chứng lại.

    Có đọc Chính Kinh ta mới thấy các vị Thiền Sư của Ngũ Phái Thiền, kể cả Thiền Sư Nguyệt Khê và Suzuki, chỉ vì chê Kinh không đọc, nên CÔNG ÁN các Ngài đưa ra mà người Khai được cho là Chứng Đắc chẳng liên quan gì đến con đường TU PHẬT.

    Thật vậy, trong khi Đạo Phật dạy phải TU TÂM, vì Ba Cõi Duy Tâm. Tổ Đạt Ma cũng dạy: “TÂM là gốc của muôn pháp. Tất cả các pháp, duy một Tâm sanh. Nếu hiểu được TÂM ắt muôn pháp sẵn đủ trong đó, cũng ví như cây lớn có đủ thứ cành nhánh, trái, bông. Nhưng tất cả đều do một gốc sanh ra. Nếu chặt gốc ắt cây chết. Nếu hiểu Tâm tu đạo ắt được tỉnh lực nên dễ thành. Không hiểu Tâm mà tu đạo ắt nhọc công vô ích. Mới biết tất các việc lành, dữ đều do tự Tâm. Cầu gì khác ở ngoài Tâm, rốt không đâu có được”. Ngũ Tổ cũng dạy: “Nếu không thấy Bổn Tâm thì học pháp vô ích”. Trong khi đó, các Thiền Sư chỉ cho Tham Công Án chữ VÔ. “Tiếng vỗ của 1 bàn tay”. “Tại sao tên Hồ không có râu”. “Ai niệm Nam Mô A Di Đà Phật”… Chẳng dính líu gì đến Đạo Giải Thoát. Các vị đó tự biến TU PHẬT thành TU THIỀN, rồi cũng chẳng biết dắt nhau tới đâu! Vậy mà còn ngạo mạn, tự cho là mình cao hơn cả Phật, Tổ qua Công Án: “Thích Ca, Di Lặc còn là tôi đòi của những kẻ ấy”! (VÔ MÔN QUAN)

    Phạm vi bài này không đi sâu và môn THIỀN ĐỊNH, vì đó là một pháp môn tu tập, đòi hỏi hành giả phải trực tiếp hành trì, có hướng dẫn cụ thể, không thể chỉ giải thích trong vài trang giấy. Người viết chỉ trích dẫn Chính Kinh để mọi người thấy rằng NHƯ LAI không phải là Phật Tổ Như Lai, là một vị Thần Linh với quyền uy tối thượng, trên cả Phật, Bồ Tát, mà chỉ là tình trạng NHƯ NHƯ khi đối pháp mà người tu Phật nào hành trì tới mức Vô Ngã thì đạt đến, là không còn bị các pháp làm Khổ nữa. Đó là mục đích của Đức Thích Ca khi mang Đạo Phật vào đời.
    Việc tu hành, Thành Phật được giải thích rất rõ trong các Bộ Kinh. Ai cũng có nghe nói “Muốn THÀNH PHẬT THÌ PHẢI ĐỘ SINH” thì Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA chỉ CON ĐƯỜNG ĐỘ SINH, HÀNH BỒ TÁT ĐẠO để Thành Phật. CHÚNG SINH cũng được LỤC TỔ chỉ rõ trong PHÁP BẢO ĐÀN KINH: “Chư Thiện Tri Thức. CHÚNG SANH trong Tâm mình là: Lòng tà mê, lòng giả dối, lòng Bất thiện, lòng ghen ghét, lòng ác độc. Các Tâm này gọi là Chúng Sanh” Kinh VIÊN GIÁC chỉ rõ: NẾU NGƯỜI ĐOẠN THƯƠNG, GHÉT. CÙNG VỚI THAM SÂN SI CHẲNG CẦN TU GÌ KHÁC. CŨNG ĐỀU ĐƯỢC THÀNH PHẬT”. Tổ Đạt Ma cũng nói: “TỨC TÂM TỨC PHẬT”. “MUỐN TÌM PHẬT THÀ TÌM TÂM”. Lục Tổ HUỆ Năng cũng dạy: “TÂM ta tự có Phật. Phật ở Tâm mình mới thiệt là chơn Phật. Nếu tự mình không có Tâm Phật thì tìm chơn Phật ở nơi nào? Cái Tự Tâm của chúng ngươi là Phật chớ khá hồ nghi”. Chính vì hiểu lầm PHẬT là một vị Thần Linh, không biết PHẬT chỉ để nói về tình trạng Giải Thoát mà người tu sửa cái Tâm của mình cho nó hết vướng mắc là sẽ đạt được, nên nhiều người quay sang THỜ PHẬT, thay vì TU PHẬT, mà ta thấy nhan nhản khắp nơi trong giới tu hành hiện nay. Chính họ cũng tin như thế, nên cũng đào tạo cho bá tánh ngày một ngưỡng mộ, tôn thờ Chư Phật để cầu xin “Được Độ”, quên đi mục đích tu hành của Đạo Phật là để “THÀNH PHẬT”!
    Thời Đức Thích Ca hiện tiền thì chưa có Kinh. Các Đệ tử chỉ nghe Ngài trực tiếp thuyết giảng rồi ghi nhận. Sau khi Phật Nhập diệt thì được các Đại Đệ Tử gom lại khi Kết Tập, do chính Ngài Anan, là người được cho là ghi nhớ Pháp Phật thuyết “Như nước trong bình đổ ra, không thiếu một giọt” đọc lại, có các Đệ Tử còn lại xác minh. Đó là những lời Phật thuyết lúc sinh thời. Sau khi Phật nhập diệt rồi, thì Chư Tổ, là những người được Truyền Y Bát, tức là sự hiểu biết, chứng đắc cũng không khác với Tổ trước - tức Phật xưa - thuyết giảng, hay viết ra. Vì thế, những lời dạy của các Tổ, không những không khác với những gì Đức Thích Ca đã giảng ngày trước, trái lại, còn khai sáng thêm những gì mà ngày xưa do sự hiểu biết của con người chưa đầy đủ, ngôn ngữ giới hạn, nên chưa thể lột tả được. Do đó, người tu Phật cần đọc cho kỹ và tìm hiểu nghĩa lý, ta sẽ thấy: Con đường để Thành Phật không có gì quá cầu kỳ, phức tạp. Ai cũng có thể Tự Tu, Tự Độ, không đòi hỏi phải giữ hàng mấy trăm Giới, phải Cạo Tóc, Đắp Y, không được có gia đình, không được làm ăn, sinh hoạt với mọi người, phải sống biệt lập, xa lánh thế nhân. Chỉ cần theo lời Phật, Tổ dạy là CHỈ, QUÁN và CHỈ QUÁN SONG TU, tức là THIỀN QUÁN, mà kết quả cuối cùng là Thành Phật được Kinh VIÊN GIÁC khẳng định:

    MƯỜI PHƯƠNG CÁC NHƯ LAI
    VÀ HÀNH GIẢ BA ĐỜI
    ĐỀU Y PHÁP MÔN NÀY
    MÀ THÀNH ĐẠO BỒ ĐỀ”

    Kinh VIÊN GIÁC viết: “Đây là phương tiện đầu tiên tu hành của Hành giả, tức là BA PHÁP QUÁN. NẾU CÁC CHÚNG SANH TINH TẤN SIÊNG TU Ba Pháp Quán này được hoàn toàn, tức là NHƯ LAI xuất hiện ở thế gian vậy”. Tất nhiên, cũng giống như những môn học của đời, sau khi Quán thấy được cái LÝ rồi thì phải đưa vào thực hành, gọi là LÝ, HẠNH viên dung thì mới đầy đủ, không phải chỉ thấy cái Lý là xong như phía Thiền Gia đã hiểu lầm, vừa Tham được chữ VÔ đã thấy mình Chứng Đắc!
    Chính do những người chưa hiểu hết về con đường tu hành của Đạo Phật lại có phương tiện để truyền bá rộng rãi. Điển hình là trường hợp truyện Tây Du Ký. Tác giả Ngô Thừa Ân đã nhân câu chuyện Đường Tăng đi thỉnh Kinh để hư cấu thành một câu chuyện sau đó được dựng thành phim rất hấp dẫn. Trong đó, những cảnh trong NỘI TÂM, Chư Phật, Bồ Tát, Chúng Sinh, yêu ma… được đưa toàn bộ ra ngoài tạo thành một Đạo Phật Nhị Thừa, không còn TỰ TU, TỰ ĐỘ, mà lúc lâm nguy nào cũng có PHẬT, BỒ TÁT sẵn sàng ứng cứu, làm cho nhiều Phật Tử càng tin tưởng bộ phim đó là thông điệp truyền tải Đạo Phật! Do đó, sức phổ biến của phim càng lớn thì mức độ chồng mê cho bá tánh càng to, gây ra tác hại khó lường. Là người Phật Tử thời đại @, chúng ta không nên để cho những sự hiểu biết sai lầm của người khác làm ảnh hưởng đến mình, mà nên để chút thì giờ đọc Chính Kinh rồi đối chiếu, để thấy rằng Đạo Phật đang phổ biến hiện nay đa phần rơi vào lời cảnh báo trong TỨ Y, vì chỉ “Y theo Chữ, không y theo Nghĩa” nên đã: “Y Kinh giải nghĩa, Tam thế Phật oan”! Để cho những vị “Phật sẽ thành”, cứ “mang Phật ra mà lạy Phật”! (Tổ Đạt Ma)
    Lực lượng Xuất Gia ngày càng đông. Chùa chiền ngày càng nở rộ, trong đó thật, giả lẫn lộn. Nhiều vị đã rao giảng Đạo Phật cũng chưa rõ lẽ Nhân Quả, nên không biết rằng CẦU XIN là đi ngược với Luật NHÂN QUẢ, để trở thành “Báng Kinh, nhạo Pháp” mà không hay! Thật thế. Nếu Cầu mà đã được thì Đạo Phật còn đặt ra Nhân Quả để làm gì? Vậy mà có nhiều Cao Tăng, có nhiệm vụ hướng dẫn bá tánh đã đứng ra chủ trì và khuyến khích những buổi lễ Cầu An, Cầu Siêu, Cầu tài, Cầu lộc, Cầu thăng quan, tiến chức. Cầu tiêu tai, tăng ích, quốc thái, dân an! Như thế, trách sao Phật tử xem Chư Phật, Chư Bồ Tát như những Tham Quan trần tục, sinh ra tệ nạn mang lễ vật cúng kiến để trao đổi. Chùa cũng bán xuất Dâng Sớ để Cầu giá cao thấp tùy theo giờ Hoàng Đạo hay không! Họ chen chúc, dẫm đạp lên nhau để xin Ấn, Cúng sao, Giải hạn, đốt giấy tiền, vàng mã, nhét tiền lẻ vào các Tượng để hối lộ bề trên. Không hiểu mọi người nghĩ sao mà cho Thần Linh có thể dùng được những đồng tiền hôi nhơ của trần tục, mà lại chỉ cúng toàn tiền giá trị thấp nhất! Không biết rồi các vị Thần Linh sẽ nhận cách nào? và sẽ mang đi trao đổi với ai! Rõ ràng những người đó đã biến Đạo Phật thành Thần Đạo, mê tín, làm oan cho Đạo Phật chân chính!
    Có lẽ đến lúc nào đó, khi con người cầu xin, cúng bái đã mỏi mòn thì mới xét lại niềm Tin vô căn cứ của mình. Xem lại quá trình tu hành, Chứng Đắc của Đức Thích Ca và Chư Tổ, để thấy các Ngài cũng chỉ TỰ ĐỘ, không có ĐỘ THA! Lúc đó: “Sông mê, quay đầu là bờ”, mọi người tự quay vào trong, tự tìm PHẬT ở nơi Tâm, để thấy “Chứng Thánh hay đọa Phàm cũng do Lục Căn, không có con đường nào khác”. (Kinh LĂNG NGHIÊM).

    Tổ Đạt Ma nói rất rõ: PHẬT ở nơi Tâm. Chúng Sinh cũng ở đó. Chỉ cần CHUYỂN HÓA CÁI TÂM, thì Ma sẽ hóa Phật. Phiền Não thành NHƯ LAI. Chẳng phải phí tiền cất Chùa hữu vi bằng xi măng, cát, gạch cho hoành tráng để rồi với thời gian chỉ có giá trị như những Di Tích để người sau tham quan, vãng cảnh, không có ý nghĩa gì đối với con đường tu hành! Ở các nước mà Đạo Phật thịnh hành, như Thái Lan, Cam Pu Chia... thậm chí còn xây Chùa Vàng, Chùa Bạc, làm hao tổn bao nhiêu tài sản của đất nước, trong khi tiền đó lẽ ra để làm ích quốc, lợi dân. Lỗi đó cũng do nhiều đời, nhiều người có nhiệm vụ hướng dẫn Đạo Pháp cho bá tánh mà chưa hiểu thế nào là TÂM, thế nào là PHẬT. Vì thế, họ cũng không biết rằng nghĩa thật sự của CHÙA là THANH TỊNH ĐỊA. Người làm cho ĐẤT TÂM được thanh tịnh là người đó đã cất Chùa, cho Phật Tâm của mình ngự. Đã biết “PHẬT TẠI TÂM”. Đã nói TU PHẬT LÀ TU TÂM, sao không quay vô đó mà TU, mà SỬA, mà ĐÚC, TẠC, TÔ, BỒI? Do đó, khuyến khích nhau bỏ công sức, tiền bạc, đi đúc, tạc, tượng ngọc, gỗ, thạch cao, đá, đồng… tiêu tốn biết bao nhiêu tỷ đồng, rồi nhang khói phụng thờ, chẳng những không có Công Đức, mà còn bị Chính Kinh khiển trách là không hành chính đạo vậy...

    Tháng 3/2014
    TÂM NGUYỆN
     
    Last edited by a moderator: 14/8/16
    GiacVien, ShareExp, mrsimple and 8 others like this.
  2. khiconmtv

    khiconmtv Cử nhân

    Bản chất truyện Tây Du Ký là đã bóp méo nhiều khái niệm, quan niệm của Phật Giáo rồi. Ngay trong truyện, khi mấy thầy trò dừng chân dưới cây bồ đề nơi thái tử Tất Đạt Đa thành chính quả, Đường Tăng đã kể lại câu chuyện Như Lai Phật Tổ đắc đạo như thế nào.

    Thành ra nếu bàn về Phật Giáo mà muốn đúng đắn (ở một mức tương đối *) thì không nên đưa Tây Du Ký vào.

    * Tại sao là "một mức tương đối": Là vì Phật Giáo Đại Thừa của Trung Quốc cũng đã biến tướng nhiều so với Phật Giáo Tiểu Thừa nguyên thủy rồi. Khi vào Trung Quốc, nó đã phần nào mang tính tiêu cực, hơi hướng quyền lực, khác xa tính bình đẳng mà Thích Ca Mâu Ni khởi xướng.
     
    Hank Tran, 123phat, cfcbk and 2 others like this.
  3. Caruri Tlkd

    Caruri Tlkd Sinh viên năm III

    Theo tôi chủ topic này nếu hiểu bài viết thì nên tóm tắt, chứ bê nguyên bài viết dài ngoằng để kết luận một khái niệm trong Phật giáo không phải là một nhân vật trong Tây du ký thì những người bình thường như tôi chắc chẳng đủ kiên nhẫn và kiến thức để đọc hết.

    Tôi chỉ quan tâm Phật tổ Như Lai là ai, theo tôi chính là Thích Ca Mâu Ni, đơn giản vì hai đệ tử A Nan và Ca Diếp trong truyện chính là hai người đứng đầu trong thập đại đệ tử của Thích Ca Mâu Ni, vậy thôi.
     
    dungnguyen1982 thích bài này.
  4. V-C

    V-C Lớp 4

    Tên Như Lai chắc anh Tàu cà khịa ra nhỉ? Thích Ca Mâu Ni là phiên âm tiếng Phạn chăng?
     
  5. Caruri Tlkd

    Caruri Tlkd Sinh viên năm III

    Thích Ca Mâu Ni là phiên từ Shakyamuni, còn nghĩa nó là gì thì chưa tìm hiểu.

    Đây trang phatgiao.org.vn viết rằng
    Thích Ca Mâu Ni” là dịch từ chữ “Sakyamuni” trong tiếng Phạn. Chữ “Sakya”, dịch thành chữ “Thích Ca”, là tên gọi của một bộ tộc ở Ấn Độ cổ đại. Chữ “Muni”, dịch thành chữ “Mâu Ni”, nghĩa là giàu lòng nhân từ (Năng Nhân), rất giỏi chịu đựng (Năng Nhẫn), biết cách nhường nhịn (Năng Nhu), biết cách giữ gìn cho thân tâm thanh tịnh (Năng Tịnh). Nói tóm lại, “Thích Ca Mâu Ni” nghĩa là vị thánh của dòng họ/bộ tộc Thích Ca.
     
  6. V-C

    V-C Lớp 4

    Nếu tên Thích Ca Mâu Ni mà do Phật đặt tên cho mình, thì Phật cũng chẳng khiên tốn mà đang tự đề cao mình. Thời đại giờ gọi là Phờ rồ bản thân.
     
    tran ngoc anh thích bài này.
  7. Lười Đọc Sách

    Lười Đọc Sách Thích Nhuận Trí Thành viên BQT

    Đức Phật sau khi chứng quả vị Phật cao nhất thì ngài tự xưng là NHƯ LAI, để thể hiện sự vô thượng chánh đẳng chánh giác.
    Khiêm tốn hay đề cao thì tôi không biết, nhưng đấy là sự thật. Ngài chỉ nói sự thật mà thôi.

    Cho nên không gọi đó là sự tự đề cao hay là PR bản thân được.
    Tất cả các vị chứng quả vị Phật đều gọi là Như lai cả.
     
    Heoconmtv thích bài này.
  8. V-C

    V-C Lớp 4

    Cậu biết rõ thế chăng?
    Còn tớ đang nói đến từ TCMN chứ không phải Như Lai. Đây này:
    Thích Ca Mâu Ni” là dịch từ chữ “Sakyamuni” trong tiếng Phạn. Chữ “Sakya”, dịch thành chữ “Thích Ca”, là tên gọi của một bộ tộc ở Ấn Độ cổ đại. Chữ “Muni”, dịch thành chữ “Mâu Ni”, nghĩa là giàu lòng nhân từ (Năng Nhân), rất giỏi chịu đựng (Năng Nhẫn), biết cách nhường nhịn (Năng Nhu), biết cách giữ gìn cho thân tâm thanh tịnh (Năng Tịnh). Nói tóm lại, “Thích Ca Mâu Ni” nghĩa là vị thánh của dòng họ/bộ tộc Thích Ca.
     
  9. Derby

    Derby Lớp 7

    Phần thông tin mà @Caruri Tlkd trích dẫn ở trên chỉ giải thích nguồn gốc và nghĩa của từ "Thích Ca Mâu Ni". Không hề nói rõ hoặc ngụ ý là đức Phật đã tự xưng danh hiệu đó.
     
    Heoconmtv thích bài này.
  10. V-C

    V-C Lớp 4

    Thì tớ cũng chỉ nói "Nếu" thôi nhé! Mà nếu có thì sao? Theo cậu có đúng là ông ấy đang pờ rồ cho mình không?
     
  11. alonekiller

    alonekiller Lớp 7

    Đây là câu chuyện về Thích Ca Mâu Ni
    [​IMG]

    Đức Phật, Người vốn là ai? Ai có thể trở thành Phật? Chúng ta cùng xem câu chuyện cuộc đời của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, để hiểu rằng từ một vị hoàng tử dũng cảm rời bỏ cuộc sống nhung lụa nơi hoàng cung, trải qua hành trình tìm kiếm sự giác ngộ đầy khó khăn và gian khổ, cuối cùng thấy được chân lý vũ trụ và truyền bá Phật Pháp, để lại những dự liệu tiên tri cho tới tận thời đại chúng ta ngày nay…

    Giấc mơ báo trước sự đản sinh của một vĩ nhân

    Tại vương quốc Ca Tỳ La Vệ (Kapilavattsu), ngày nay thuộc nước Nepal, vào thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, hoàng hậu là Ma Da (Mahamaya) là vợ đức vua Tịnh Phạn (Suddodana), khi ấy sắp tới ngày sinh hạ đứa con đầu lòng, đã có một giấc mơ báo điềm đặc biệt.

    Trong mơ, bà thấy rõ ràng một luồng ánh sáng trắng mỹ diệu chiếu rọi vào bà, và từ trong luồng sáng xuất hiện một con voi trắng vô cùng thánh khiết với sáu chiếc ngà. Con voi bước đến gần rồi hòa tan vào cơ thể bà. Bà đã kể lại giấc mơ với nhà vua ngay khi tỉnh lại và ngay sáng hôm đó, nhà vua cho triệu tập các nhà hiền triết. Họ cho biết rằng đó chính là điềm lành báo hiệu rằng hoàng hậu sẽ sinh ra một vĩ nhân.
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Nhà vua đã vô cùng chấn động. Theo tục lệ thời đó, hoàng hậu Ma Da sẽ di chuyển về nhà mẹ đẻ để sinh nở. Đó là một ngày trăng tròn theo lịch Ấn Độ. Khi dừng chân để nghỉ ngơi tại vườn Lâm Tỳ Ni, bà bất chợt trở dạ và thế là hoàng tử vương quốc Ca Tỳ La Vệ đã hạ sinh đến cõi trần một cách nhẹ nhàng.

    Một cơn mưa nhẹ sau đó đã gội rửa cho cả người mẹ và đứa trẻ. Cùng ngày đó, bảy sinh mệnh khác cũng được xuất sinh, lần lượt là cây bồ đề, công chúa Da Du Đà La (Yashodhara), con ngựa Kiền Trắc (Kantaka), người đánh xe ngựa Sa Nặc (Channa), con voi Kaludayi (người bạn thời thơ ấu của hoàng tử), và bảy kho báu vô chủ.

    Hoàng tử nhỏ được đưa trở về kinh thành ngay đêm hôm đó. Năm ngày sau, hoàng tử được đặt tên là Tất Đạt Đa (Siddhartha), nghĩa là “người mà sẽ đạt được mục đích của mình.” Rất nhiều nhà thông thái đã đến để gặp mặt và cầu chúc cho vị hoàng tử mới sinh, trong số đó có A Tư Đà, vốn là thầy dạy học cũ của nhà vua và là một người tu hành khổ hạnh đã đạt được nhiều thành tựu.

    Nhà vua cảm thấy rất vinh dự bởi chuyến thăm của đạo sỹ A Tư Đà (Asita), nên cho người mang đứa trẻ đến bên vị đạo sỹ để đứa bé tỏ lòng tôn kính với ông. Ngay lập tức, A Tư Đà đứng phắt dậy và nhận ra ngay những đường nét trên cơ thể hoàng tử báo hiệu một khuynh hướng tâm linh và tôn giáo. Với năng lực siêu thường, ông nhìn thấy sự vĩ đại trong tương lai của vị hoàng tử mới sinh và chào đón cậu với những cái siết tay thật chặt.

    Lời tiên đoán về cuộc đời tu hành của hoàng tử và sự cách ly khỏi thế giới đau khổ

    Hoàng hậu Ma Da đột ngột qua đời 7 ngày sau đó, để lại vị trí của bà cho người em gái Kiều Đàm Di (Mahaprajapati), người sau này đã nuôi nấng hoàng tử với sự yêu thương, chăm sóc hết mực. Khi Tất Đạt Đa tròn 12 tuổi, nhà vua đã cho gọi các nhà hiền triết đến để dự đoán tương lai của hoàng tử. Họ đều nói rằng hoàng tử Tất Đạt Đa sẽ quyết định theo lối tu hành khổ hạnh nếu cậu nhìn thấy các dấu hiệu của lão, bệnh, tử hoặc gặp một nhà tu hành khổ hạnh.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Hoàn toàn không muốn con mình trở thành người tu hành, nhà vua Tịnh Phạn muốn đã sắp đặt con đường để hoàng tử nối ngôi trị vì vương quốc như một vị minh quân. Ông bèn cho canh gác cung điện nghiêm ngặt và cấm sử dụng từ “chết” hoặc “khổ” trong cung, để không tạo cho hoàng tử một khái niệm nào về sự đau khổ cõi trần thế. Ông tách hoàng tử cách xa bất cứ điều gì có thể gợi đến cảm hứng tu hành. Do đó, hoàng tử chỉ biết hưởng thụ cuộc sống nhung lụa trong cung. Hoàng tử lớn lên và trở thành một người đàn ông mạnh mẽ, được rèn luyện các kỹ năng chiến đấu và thành hôn với công chúa nước láng giềng là Da Du Đà La vào năm 16 tuổi.

    Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên

    Trong cuộc sống hoàng cung nhung lụa, Tất Đạt Đa bắt đầu xuất hiện ước mong khám phá thế giới trần tục bên ngoài cung cấm. Người đã quyết định thực hiện một chuyến đi thăm thú vương quốc và thần dân của mình.

    Không có lý do chính đáng nào để ngăn cản nguyện vọng này, nhà vua đành chấp thuận và gắng bày xếp và chuẩn bị trước hoàn hảo nhất. Ông cẩn thận lên kế hoạch chuyến đi và trang hoàng mọi thứ trên lộ trình mà hoàng tử sẽ đi qua, biến tất cả thành hạnh phúc, giàu có và đẹp đẽ. Những cảnh tượng xấu hoặc buồn khổ sẽ được loại bỏ để ngăn không cho hoàng tử nhìn thấy bốn dấu hiệu đã được chỉ ra bởi những nhà thông thái là các dấu hiệu Lão – Bệnh – Tử, hay gặp 1 nhà tu hành khổ hạnh. Nhưng tất cả sự đề phòng của nhà vua đã trở nên vô ích khi hoàng tử đi du ngoạn với người đánh xe ngựa Sa Nặc, người đã được sắp đặt sinh cùng ngày với Tất Đạt Đa.

    Khi đang ngao du trong một thị trấn nhỏ, hoàng tử Tất Đạt Đa vô tình nhìn thấy khuôn mặt hằn sâu những nếp nhăn của một ông lão. Đó chính là dấu hiệu đầu tiên trong dự báo của các nhà tiên tri: dấu hiệu của Lão. Tất Đạt Đa ngạc nhiên và hỏi Sa Nặc về người đàn ông đó. Rồi cậu lại nhìn thấy một người đàn ông bị bệnh và đang ho, nó khiến người cảm thấy khó lý giải. Đó là dấu hiệu thứ 2 mà các nhà tiên tri đã nói: Bệnh. Cuối cùng, hoàng tử bắt gặp một đám tang ở bờ sông và một nhà tu hành khổ hạnh—người đã từ bỏ tất cả các niềm vui thế tục để đạt được sự an lạc trong nội tâm và hạnh phúc vĩnh hằng. Vậy là 2 dấu hiệu cuối cùng là Tử và sự hiện diện của một người tu hành khổ hạnh đã xuất hiện trước mắt Tất Đạt Đa. Sự an lạc từ bi trên gương mặt của nhà sư đã gây ấn tượng mạnh cho Tất Đạt Đa. Người hỏi Sa Nặc ý nghĩa của tất cả những thứ này. Người đánh xe ngựa kể cho hoàng tử nghe về hiện thực của cuộc sống mà đáng ra nên được biết từ lâu.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Các dấu hiệu của Lão – Bệnh- Tử và nhà tu khổ hạnh gặp trên đường…
    Trở lại cung điện, Tất Đạt Đa đã xin phép vua cha cho rời cung điện và trở thành một nhà sư khất thực để tìm kiếm chân lý cuộc đời.

    Với những hạt giống tiềm ẩn được gieo sẵn trong tâm hoàng tử, khi gặp hiện thực xã hội, người đã ngay lập tức hiểu được rằng hết thảy mọi thứ trên đời là phù du và huyễn hoặc và thoảng qua, sự vĩnh hằng của sinh mệnh mới là điều chân chính cần phải kiếm tìm.
    Nhà vua Tịnh Phạn cảm thấy rất đau khổ và thất vọng, những gì ông trù tính rốt cuộc cũng không thành công. Nhà vua bèn sai binh lính tăng cường phòng ngự nghiêm ngặt xung quanh cung điện, đồng thời tổ chức thêm nhiều thú vui tiêu khiển để níu chân hoàng tử, hy vọng làm con mình quên đi những gì đã gặp ngoài xã hội. Đúng lúc này, phu nhân hoàng tử, công chúa Da Du Đà La đã sinh hạ người con đầu tiên mà cậu đặt tên là La Hầu La (Rahula), nghĩa là “sự ràng buộc.”

    Tất Đạt Đa thấy cuộc sống nhung lụa vô nghĩa và cuối cùng đã quyết định bỏ trốn trên con ngựa Kiền Trắc với sự giúp đỡ của người thầy thân tín, Sắc Na. Hoàng tử đã thức dậy trong đêm, nhìn vợ con lần cuối, rồi lên ngựa, và phóng đi. Trước cổng thành, hoàng tử cắt đi mái tóc dày và giao lại chiếc áo choàng hoàng tử cho Sắc Na.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Hành trình đầy gian khổ tìm kiếm chân lý cuộc đời của Tất Đạt Đa

    Sau khi rời khỏi cung điện, Tất Đạt Đa đi đến Vương Xá Thành, kinh đô của nước Ma Kiệt Đà thời Ấn Độ cổ, nơi người gặp một số vị sư đang thiền định trong các hang động trên núi. Hoàng tử trở thành đồ đệ của nhà tu hành A La La Ca Lam (Alara Klama), và được dạy cho cách tu luyện. Sau một thời gian tu luyện, hoàng tử không thấy tiến bộ hơn nữa nên theo học một nhà tu ẩn dật tên là Ưu Đà La La Ma Tử (Uddaka Ramaputta).

    Tuy nhiên, sau một thời gian, người lại nhận ra rằng không thể tiến bộ thêm nữa. Do đó, Tất Đạt Đa tham gia cùng với năm nhà tu hành ở trong rừng Benares để tu luyện bằng cách hành xác, ăn cực ít và trải nghiệm sự khắc khổ. Từ đó trở đi, người ta bắt đầu gọi hoàng tử Tất Đạt Đa dưới cái tên Thích Ca Mâu Ni (Sakyamuni), nghĩa là “nhà hiền triết của dòng họ Thích Ca”. Sau khi tu luyện như vậy được sáu năm, Thích Ca Mâu Ni phát hiện ra rằng ông chưa đạt được sự giác ngộ nhưng thân thể thường nhân của ông đã trở nên vô cùng suy kiệt.

    Vào một ngày khi ông đang thiền định, ông bất chợt nghe thấy cuộc trò chuyện giữa hai nhạc công trên một con thuyền. Người nhạc công dày dạn kinh nghiệm nói với người tập việc rằng các sợi dây của đàn nguyệt không nên quá căng hoặc quá chùng. Nếu dây được kéo quá căng, chúng sẽ đứt; và nếu được kéo quá trùng, âm thanh phát ra sẽ không đúng nữa.

    Ngay khi nghe được điều này, Thích Ca Mâu Ni chợt giác ngộ ra được đạo lý trung dung (đi đường giữa) và không đi sang phía cực đoan; sau đó ông rời đi để tản bộ. Trên đường đi, ông gặp một cô thôn nữ tên là Sujata, và cô tỏ ý muốn bố thí bánh gạo cho Thích Ca Mâu Ni; vốn giờ đã quá suy kiệt. Truyền thuyết kể lại rằng thân thể của Thích Ca Mâu Ni đã trở về bình thường ngay sau khi ăn nó.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Giác ngộ

    Sau đó ông đã ngồi dưới cội Bồ Đề trong rừng Urvela và nguyện sẽ không ra khỏi trạng thái thiền định nếu không đạt được sự giác ngộ. Ông đã đối mặt với sự can nhiễu từ một con quỷ tên là Mara, nó dùng trăm mưu nghìn kế để quấy nhiễu ông nhưng không thể nào xoay chuyển được ý chí kiên định của Thích Ca Mâu Ni. Khi chứng kiến việc Thích Ca Mâu Ni đột phá khỏi sự kiềm tỏa của ham muốn và ràng buộc, Mara trở nên cực kỳ phẫn nộ và nó gửi hàng tá ma quỷ có vũ khí đến để tấn công Thích Ca Mâu Ni, nhưng Ngài vẫn giữ nguyên trạng thái bất động.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Sau khi bị đánh bại và nhận ra rằng nó sẽ không tài nào can nhiễu được đến định lực phi phàm của Thích Ca Mâu Ni, Mara đã mỉa mai ông và nói rằng mặc dù ông đã chiến thắng, nhưng sẽ không có ai chứng kiến được điều này. Thích Ca Mâu Ni chạm tay xuống mặt đất, ám chỉ rằng đất sẽ là vật chứng kiến. Mặt đất bất giác rung chuyển như để đáp lại rằng nó sẽ chứng kiến cho sự vinh diệu của Thích Ca Mâu Ni. Từ khoảnh khắc đó, Thích Ca Mâu Ni tiếp tục quá trình thiền định của ông và cuối cùng đã đạt được sự giác ngộ, trí huệ của ông đã được khai mở, và ông đã đạt đến cảnh giới của Phật sau 49 ngày thiền định dưới cội bồ đề.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Thực hiện sứ mệnh tiền định: truyền rộng Phật Pháp, từ bi cứu độ chúng sinh

    Ngay sau khi chứng đắc quả vị Phật, ông bắt đầu sứ mệnh tiền định của mình là truyền rộng Phật Pháp, cứu độ chúng sinh. Thích Ca Mâu Ni đã giảng bài Pháp đầu tiên cho những người đồng tu trước đây của ông, năm nhà tu hành ở Benares. Dần dần, số lượng các đồ đệ của ông đã tăng lên đến con số 80.000.

    Khi vua Tịnh Phạn biết được rằng con trai ông đã trở thành một vị Phật, ông đã cho mời Thích Ca Mâu Ni vào cung và quở trách việc ông đã đi xin ăn trong khi ông giàu đến nỗi có thể nuôi hàng nghìn tín đồ. Thích Ca Mâu Ni giải thích cho cha rằng đó là một yêu cầu của hệ thống tu luyện của ông. Trong thời gian này, người em trai cùng cha khác mẹ A Nan Đà (Ananda) của Thích Ca Mâu Ni, người sẽ được phong làm hoàng thái tử và có đính ước với công chúa Tôn Đà Lị (Sundari), cũng quyết định bước chân vào con đường tu luyện và trở thành đồ đệ của Thích Ca Mâu Ni. Sau đó, con trai của Thích Ca Mâu Ni là La Hầu La và mẹ cũng đã trở thành đồ đệ của ông.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Tuy nhiên, những can nhiễu và ghen tỵ hãm hại cũng có: Đề Bà Đạt Đa (Devadutta), anh họ của Thích Ca Mâu Ni, đã cố gắng sát hại ông rất nhiều lần vì lòng ghen tỵ, nhưng Đức Phật đều tha thứ cho ông với lòng từ bi của mình. Tướng cướp Vô Não (Ương Quật Ma La – Angulimal) cũng đã cố gắng sát hại ông nhưng cuối cùng lòng từ bi của ông đã hóa giải tất cả và khiến tướng cướp quy phục và cũng trở thành đồ đệ của ông.

    Vào đêm trăng tròn đúng tháng sinh của mình, năm 483 TCN, Thích Ca Mâu Ni đã truyền dạy đệ tử lần cuối trước khi nhập Niết Bàn.
     
  12. alonekiller

    alonekiller Lớp 7

    Bên cạnh pháp hiệu Thích Ca Mâu Ni, Đức Phật còn các tôn hiệu khác. Xin giới thiệu mọi người các tôn hiệu thường dùng:

    Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là người sáng lập ra đạo Phật, một trong những tôn giáo có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới trong lịch sử cũng như hiện nay. Đức Phật Tổ có nhiều tôn hiệu khác nhau. Tất cả những tôn hiệu này đều xuất hiện sau khi Ngài tu hành đắc đạo và thuyết pháp độ chúng.

    Thích Ca Mâu Ni: “Thích Ca Mâu Ni” là dịch từ chữ “Sakyamuni” trong tiếng Phạn. Chữ “Sakya”, dịch thành chữ “Thích Ca”, là tên gọi của một bộ tộc ở Ấn Độ cổ đại. Chữ “Muni”, dịch thành chữ “Mâu Ni”, nghĩa là giàu lòng nhân từ (Năng Nhân), rất giỏi chịu đựng (Năng Nhẫn), biết cách nhường nhịn (Năng Nhu), biết cách giữ gìn cho thân tâm thanh tịnh (Năng Tịnh). Nói tóm lại, “Thích Ca Mâu Ni” nghĩa là vị thánh của dòng họ/bộ tộc Thích Ca. Danh hiệu này để tôn xưng tên thật của Ngài là Cồ Đàm Tất Đạt Đa.

    Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn được gọi bằng các tên “Phật Đà” hay “Phù Đồ”, nói tắt là “Phật” hay “Bụt”, dịch từ chữ “Buddha” trong tiếng Phạn, nghĩa là “Giác” (giác ngộ), “Người Giác” (người đã giác ngộ), “Người Trí” (người tinh thông mọi đạo lý). Chữ “Giác” có 3 nghĩa: một là “Tự giác” (tự giác ngộ cho bản thân mình); hai là “Giác tha” (giúp cho chúng sinh giác ngộ); ba là “Giác hạnh viên mãn” (tu hành viên mãn hết mức và trở thành Phật), ngôi vị cao nhất trong tu hành Phật giáo. Theo giáo pháp nhà Phật, chỉ có Phật (người giác) mới có đầy đủ ba bậc, tức là ở bậc cao nhất. Các vị Bồ Tát còn thiếu một bậc (hay thấp hơn một bậc). Các vị La Hán còn thiếu hai bậc (hay thấp hơn hai bậc). Phàm phu tục tử còn thiếu cả ba bậc (hay ở bậc thấp nhất).

    Thế Tôn: “Thế Tôn” là một tôn hiệu khác rất hay được dùng để chỉ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. “Thế Tôn” vốn là cái tên mà đạo Bà La Môn dùng để gọi những vị trưởng giả. Tăng sĩ và tín đồ Phật giáo sau này cũng dùng cái tên đó để tỏ lòng cung kính Thích Ca Mâu Ni. Phật giáo coi Thích Ca Mâu Ni là người đức hạnh vẹn toàn, công đức đầy đủ, có thể làm lợi cho thế gian, muôn loài đều tôn kính, cho nên gọi là “Thế Tôn”.

    Như Lai: cùng với “Thế Tôn”, “Như Lai” cũng là tôn hiệu thường dùng nhất để chỉ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. “Như Lai” được dịch từ chữ “Tathagata” trong tiếng Phạn. “Như” , còn gọi là “Như Thực” hay “Chân Như”, là để chỉ cái “chân lý tuyệt đối”, “chân tướng của sự thật”, “bản thể của vũ trụ vạn hữu”. “Lai” nghĩa là đến. “Như Lai” là những người đến bằng con đường chân thực, những người đã hiểu rõ chân lý, những người đi theo con đường đúng đắn đến được chính giác. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một trong số những người đến bằng cách như vậy nên được gọi là “Như Lai”.

    Từ “Như Lai” dùng với nghĩa hẹp để chỉ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, với nghĩa rộng để chỉ tất cả các vị Phật, như A Di Đà Như Lai, Dược Sư Như Lai,v.v…

    Ứng Cúng: Đức Phật là người đã đoạn trừ Nghiệp, Hoặc, vĩnh viễn thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử, muôn đức tôn nghiêm, phúc tuệ đầy đủ, nên xứng đáng với sự cúng dường của chư Thiên và loài Người.

    Chính Biến Tri: Chính là chân chính. Biến là khắp nơi, rộng lớn. Tri là hiểu biết. “Chính Biến Tri” là người hiểu biết đúng đắn, hiểu biết tất cả bao trùm khắp thế gian.

    Minh Hạnh Túc: Đức Phật là người có đầy đủ phúc tuệ, nghĩa có đầy đủ tam minh (Túc Mạng Minh, Thiên Nhãn Minh, Lậu Tận Minh) và ngũ hạnh (Thánh Hạnh, Phạm Hạnh, Thiên Hạnh, Anh Nhi Hạnh, Bệnh Hạnh) nên được gọi là Minh Hạnh Túc.

    Thiện Thệ: Thiện là tốt, khéo léo. Thệ là đi, vượt qua. Đức Phật là người tu tập theo con đường chân chính, biết khéo léo vượt qua tất cả để nhập Niết Bàn.

    Thế Gian Giải: Đức Phật là người thấu hiểu tất cả các pháp của thế gian.

    Vô Thượng Sĩ: Trong tất cả các pháp thì Niết Bàn là Vô Thượng, trong loài người thì Đức Phật là Vô Thượng, trong các thành quả thì Chính Giác là Vô Thượng. Chúng sinh trong chín cõi đều không so sánh được với Đức Phật, nên Ngài có tôn hiệu là Vô Thượng Sĩ, nghĩa là người đã lên đến cao vô thượng.

    Điều Ngự Trượng Phu: Đức Phật là Đấng đại trượng phu có khả năng điều phục, chế ngự mọi ma chướng trong khi tu hành chính đạo. Điều Ngự Trượng Phu còn một nghĩa khác nữa là Đức Phật có khả năng điều phục những người hiền và ngự phục những kẻ ác theo về chính đạo.

    Thiên Nhân Sư: Đức Phật là bậc Đạo sư, là người thầy đưa đường dẫn lối đến giải thoát cho cả chư Thiên lẫn loài Người.

    Từ Phụ: Đức Phật thương tất cả chúng sinh như cha mẹ nhân từ thương con cái. Tình thương này bình đẳng, an nhiên vô ngại, nghĩa là không phân biệt sự kính trọng hay sự phỉ báng của chúng sinh đối với Đức Phật, không phân biệt người sang hay người hèn. Chúng sinh càng lầm lạc thì lòng từ bi của Đức Phật càng vô lượng vô biên.

    Chân Thật Ngữ: Đức Phật là đấng nói những lời chân thật, không phỉnh gạt chúng sinh. Những lời nói của Đức Phật đều xuất phát từ trí tuệ toàn hảo, không phải tùy tiện.

    Lưỡng Túc Tôn: Lưỡng Túc Tôn có hai nghĩa: Đức Phật là đấng tôn quý nhất trong những loài hai chân (lưỡng túc: hai chân), như chư Thiên và loài Người. Và, Đức Phật là đấng đầy đủ Phúc đức và Trí tuệ (lưỡng túc: cả hai đều đầy đủ).

    Tỳ Nô Giá Na:Phật giáo Mật Tông gọi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là “Tỳ Nô Giá Na”, dịch ý nghĩa là “Đại Nhật Như Lai”. Theo tiếng Phạn, “Tỳ Nô Giá Na” là tên gọi khác của Mặt Trời. Dùng danh hiệu “Tỳ Nô Giá Na” có nghĩa coi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là Mặt Trời hồng không bao giờ tắt; tuệ giác của Đức Phật như Mặt Trời soi sáng khắp thế gian, xóa tan đêm tối vô minh.

    Ngoài ra, Đức Phật còn được biết với một số tôn hiệu khác như: Bạc Già Phạm, nghĩa là người đã chiến thắng sự chế ngự của bản ngã; Tam Giới Tôn, nghĩa là người đã giác ngộ, đã giải thoát khỏi tam giới là Dục giới, Sắc giới và Vô Sắc giới; Toàn Giác, nghĩa là người đã giác ngộ hoàn toàn; Đạo Sư, nghĩa là người thầy dẫn chúng sinh đến sự giải thoát, v.v…

    (Nguồn: Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link)
     
  13. V-C

    V-C Lớp 4

    Tớ đang hỏi cậu, thì cậu lại hỏi tớ.
    Vậy thì: có hoặc không? Mà trả lời được chỉ có Thích Ca Mâu Ni mà thôi.
     
  14. V-C

    V-C Lớp 4

    Theo cá nhân VC thì đức Phật chưa được vẹn toàn, vì không có trách nhiệm với gia đình, cụ thể ở đây là: Vợ, con.
     
    tran ngoc anh thích bài này.
  15. Lười Đọc Sách

    Lười Đọc Sách Thích Nhuận Trí Thành viên BQT

    Ngài đã dẫn dắt cả vợ và con của ngài hướng đến con đường giải thoát. Đó là công đức viên mãn nhất. Sao lại nói là không có trách nhiệm nhỉ? :D
    Hay là phải lo cho cái ăn cái mặc trong cuộc đời ta bà ngắn ngủi này thì mới gọi là vẹn toàn :D
     
    Heoconmtv thích bài này.
  16. V-C

    V-C Lớp 4

    Giải thoát là chết à? Theo ngôn ngữ hiện đại chết là hết, chẳng còn gì nữa cả, vật chất về với vật chất.
     
  17. Lười Đọc Sách

    Lười Đọc Sách Thích Nhuận Trí Thành viên BQT

    Hiện tại bạn cứ giữ quan điểm đó, tôi không ý kiến gì cả :D Bởi vì chưa đến lúc bạn hiểu được, nên tôi nói thêm thì cũng không ích gì :D
     
    Đoàn Trọng, 123phat and Heoconmtv like this.
  18. V-C

    V-C Lớp 4

    Hê hê! Chỉ nói tí cho vui thôi, chứ tớ cũng biết từ Giải Thoát trong đạo Phật có ý nghĩa ra sao.
    Anh Duy Tâm và Duy Vật vẫn đang đấm đá ghê lắm! Hiện tại vẫn đang 0 đều. Cho nên vấn đề này không thể tranh cãi.
     
    Chỉnh sửa cuối: 15/8/16
    Lười Đọc Sách thích bài này.
  19. locnd

    locnd Mầm non

    Các thanh niên ít nhất hãy đọc 1 quyển kinh Phật trước khi phát biểu quan điểm.
     
  20. NQK

    NQK Lớp 10

    Không sát sinh
    Không tà dâm
    Không trộm cắp
    Không uống rượu

    Là các điểm người tu tại gia cần làm, theo mình nhớ là thế, thiếu một điểm là dối trá thì phải.

    Mình điều nào cũng mắc. Cụ nào đọc sách, đọc kinh nhiều mà không mắc thì mình phục lắm...

    Sent from Oneplus One
     
    Chỉnh sửa cuối: 15/8/16
    inno14 and B.bilant like this.
Moderators: mopie
Trạng thái chủ đề:
Không mở trả lời sau này.

Chia sẻ trang này