Hồi ký Những mẩu chuyện vui buồn của một cựu binh

Thảo luận trong 'Tủ sách Hồi ký - Tiểu sử' bắt đầu bởi machine, 26/11/23.

Moderators: SLASH.ROCK4U
  1. machine

    machine Lớp 12

    cover.jpg
    Nhắc đến Hồi ký chiến trường K, thường sẽ mặc định nghĩ đến chiến trận, bao vây, tập kích, hi sinh, mất mát... Hào hùng nhưng cũng khá nặng nề :(
    Vô tình lọt vào topic của cụ angkorwat bên otofun, mình khá bất ngờ. Cuộc đời quân ngũ của một người lính cảnh vệ tại Campuchia không có những trận đánh khốc liệt, không có những ngày hành quân đói ăn, thiếu nước nhưng vẫn rất hấp dẫn với những chuyến công tác bảo vệ yếu nhân, những cuộc tình thoáng qua mà cả đời còn nhớ mãi :p
    Khi trút bỏ áo lính, ta thấy ở người cựu binh này thấp thoáng đâu đó hình ảnh của một thương gia lão luyện trong “Chuyền nghề buôn gạch”, một tài xế xe ôm hóm hỉnh trong “Cuốc xe Grab 1000k” :D
    Xin trân trọng giới thiệu đến các bạn một góc nhìn tươi mới về chiến trường K qua hồi ký của cựu binh angkorwat: Những mẩu chuyện vui buồn của một cựu binh.
    Update 27/12: biên tập lại, thêm một số nội dung.
     

    Các file đính kèm:

    Chỉnh sửa cuối: 27/12/23
  2. machine

    machine Lớp 12

    Trích:
    Đọc hồi ký chiến trường mà cứ ngỡ đang đọc tản văn :D
    Nếu thêm cụm từ "đầy nắng hồng" chắc sẽ thêm phần ý nghĩa :p vì cô văn công đó tên Hồng :D
     
    Chỉnh sửa cuối: 28/11/23
    SLASH.ROCK4U, amylee and sucsongmoi like this.
  3. machine

    machine Lớp 12

    Trong cuốn (tạm gọi là) hồi ký này, có thông tin mới (ít ra là với mình) và ít được nhắc đến trong những cuốn Hồi ký về chiến trường K là trong cuộc chiến Tây Nam này, nhiều lính chế độ cũ (VNCH) cũng tham gia vào quân đội nhân dân Việt Nam như anh Tám hào sảng (kế toán pháo binh), trung úy Sửu (pháo binh?), 2 người lính biệt cách dù ở liên đoàn 81.
    Trích 1 comment:
     
    minhnghenhac thích bài này.
  4. machine

    machine Lớp 12

    Bản đồ hành chính - địa hình Campuchia cho dễ hình dung các chuyến đi.
    Cambodia.jpg
     
    Chỉnh sửa cuối: 25/4/24
  5. machine

    machine Lớp 12

    Trích hồi ký về Trinh sát luồn sâu của cụ Nam "Chẫu" bên otofun:
    Ở những đơn vị khác thì quân số chỉ bó gọn trong vài tỉnh hoặc 1 vùng, miền nào đó. Nhưng riêng sư 7 thì lính tỉnh nào cũng đều có mặt trong đội hình, từ sư đoàn bộ đến các cấp trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội.
    Lính gồm nhiều thành phần và đến từ rất nhiều vùng miền như miền Đông Nam Bộ, miền Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, miền Trung, miền Bắc, Đông Bắc, Tây Bắc… từ đồng bằng, đến miền biển, vùng núi… nói chung là đủ các tỉnh, chẳng thiếu tỉnh nào cả.
    Thành phần thì cũng rất đa dạng: Nông dân có, công nhân có, học sinh mới tốt nghiệp cấp 3 có, sinh viên vừa tốt nghiệp đại học cũng có. Người dân tộc Tày có, Khmer có, người Hoa có, người Thái có.
    Nói chung là đa sắc tộc và trong đó cũng không thể không nhắc đến các anh lính Việt Nam cộng hòa vì lý do này, lý do khác cũng có mặt trong đội hình chiến đấu của sư đoàn.
    Đó cũng là lý do để gã và những người bạn đồng ngũ không bao giờ có khái niệm phân biệt vùng miền hoặc gọi những người lính Việt Nam cộng hòa là NGỤY cả, những cái dễ làm tổn thương sâu sắc đến tình cảm của những người đồng đội, những người anh em đã từng sát cánh chiến đấu bên nhau.
    Điều đó, ngoài tình đồng đội còn thể hiện sự tôn trọng đối với những người con của đất mẹ Việt Nam, dù trước đây họ ở chiến tuyến nào thì cũng là máu đỏ da vàng và đã anh dũng hy sinh xương máu vì sự trường tồn của đất nước này.
    Với gã và những người bạn đồng ngũ thời đó chỉ có 1 tên gọi chung để gọi nhau: ĐỒNG ĐỘI CỦA TÔI.
     
    sucsongmoi and amylee like this.
  6. machine

    machine Lớp 12

    Tiếp:
    Ở tiểu đoàn hỗn hợp trực thuộc sư đoàn bộ có 6 chiếc tăng T54 của Nga Xô và Trung cộng SX, 7 chiếc vừa BMP và BTR (xe thiết giáp lội nước, chở quân của Nga), cùng 12 chiếc thiết vận xa M113 chiến lợi phẩm sau năm 1975.
    Trong số lính lái và trưởng xe của thiết vận xa M113 có đến 15 anh xuất thân là lính Việt Nam cộng hòa cũ, những người vì nhiều lý do khác nhau đã gia nhập Quân đội nhân dân Việt Nam sau năm 1975 và được điều sang chiến trường Tây Nam trong tiểu đoàn hỗn hợp của sư đoàn 7.
    Nếu tính riêng trên sư đoàn bộ thì số các anh lính Việt Nam cộng hòa sau năm 1975 khoác áo lính của Quân đội nhân dân Việt Nam cũng vào quãng gần 6-70 người. Còn dưới các trung đoàn và tiểu đoàn còn nhiều hơn nữa.
    Các anh có lối sống rất chuẩn mực, luôn tuân thủ nghiêm quân phong, quân kỷ. Khác xa với những thằng lính vừa mới rời đít khỏi ghế nhà trường như gã, thằng Đực, Trượng “khỉ”, Hải “trố”, Phú “nhái”, Long “Polpot” lúc nào cũng ngổ ngáo, bất cần, coi trời bằng vung…
    Các anh sống hòa đồng với các thế hệ lính phía Bắc được ăn học dưới mái trường XHCN, không có chút mặc cảm hay tự ti nào. Các thủ trưởng và toàn thể anh em cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị cũng chẳng ai để ý đến chuyện xưa của các anh, trong suy nghĩ của mọi người thì các anh cũng chỉ là người lính dưới quyền hoặc những người anh lớn tuổi và đều được đối xử công bằng, bình đẳng như nhau, vậy thôi.
    Rất đơn giản, không có phân biệt đối xử, kì thị hay ý thức hệ gì ở đây cả. Mọi người luôn coi nhau như bố con, anh em trong một gia đình cùng sống và chiến đấu chung dưới mái nhà sư đoàn 7 bộ binh.
    Trong chiến đấu họ cũng là những người hết sức dũng cảm, gan dạ và mưu trí. Các anh nhiều người sinh vào những năm 1954-1957 và cũng đã có nhiều năm lăn lộn trên chiến trường Tây Nam. Về tuổi tác và kinh nghiệm chiến trường các anh như những người anh lớn, người thầy khi truyền thụ những kinh nghiệm tác chiến cho lớp lính trẻ, nhất là những thằng mới chân ướt chân ráo từ Việt Nam sang.
    Sự tổn thất của các đơn vị ở mặt trận Tây Nam khá lớn nên các lớp lính sau này, ít khi được đào tạo bài bản và đủ thời gian 3 tháng huấn luyện. Do vậy mà khi thực chiến đa phần đều bỡ ngỡ và thiếu kinh nghiệm. Nhưng qua sự chỉ dẫn thực tế hết sức tận tình của lớp lính cũ, trong đó có cả các anh nguyên là lính Việt Nam cộng hòa xưa thì anh em cũng dần trưởng thành theo thời gian.
    Ngay như cách mài chốt an toàn của những khẩu AKMS của C trinh sát luồn sâu sư 7 cũng do anh Khánh, một người lính truyền tin của lực lượng biệt động quân thuộc quân lực Việt Nam cộng hòa khi trước truyền cho. Cách mài chốt an toàn để không phát ra tiếng động là của lực lượng biệt động quân và liên đoàn biệt cách dù 81, do vậy mà khi hạ chốt an toàn không bao giờ phát ra tiếng động, dù nhỏ nhất.
    Trong trận phối hợp với E 209 truy kích tàn quân Pot ở Ou Chrov của tỉnh Banteay Meanchey, cách thị xã Sisophon độ 5-60km.
    Cả đơn vị đang hành tiến vượt qua những trảng cỏ và những cánh đồng đã gặt chỉ còn trơ lại các gốc rạ thì chiếc M113 do anh Chuyển “ớt”, một người lính Việt Nam cộng hòa cũ, làm trưởng xe sa vào hố lầy nằm khuất sau đám cỏ le cao đến mắt cá chân, sau mấy lần thốc ga vẫn không lên được hố, anh Chuyển “ớt” và anh Hải “lơ mơ” lái xe xách xẻng nhảy xuống xe để gạt đất chống lầy.
    Mấy thằng tùng thiết (tùng thiết là bộ binh đi theo bảo vệ xe tăng hoặc ngồi trong thiết giáp đổ quân M113) của E 209 cũng nhao xuống. Anh Mừng trợ lý tác chiến E 209 đi xe sau chạy đến quát:
    “Tất cả theo tôi, để lái xe ở lại khắc phục, gấp lắm rồi… đi ngay”.
    Thằng Hưng “mỏ nhọn” và 1 thằng nữa đứng gần anh Chuyển “ớt” và anh Hải “lơ mơ” xốc lại vũ khí chuẩn bị dợm bước chạy thì anh Chuyển “ớt” cởi ngay cái mũ sắt trên đầu và với tay sang lấy nốt cái mũ sắt của anh Hải rồi gọi 2 thằng lại:
    “Hai thằng đội nón của tao và thằng Hải vô, bảo vệ lấy cái gáo để về với ba má nè”.
    Thằng Hưng:
    “Thôi, bọn em đội mũ cát được rồi, anh cứ giữ mà dùng”.
    Anh Chuyển quắc mắt:
    “Bọn bay phải chiến đấu, bọn tao ở đây khắc phục đưa xe lên. Mà không khắc phục được thì phải gọi xe kéo nên cần chi nón. Cầm lấy!”.
    Anh quát như ra lệnh khiến 2 thằng kia không dám cãi, chụp vội chiếc mũ sắt lên đầu rồi băng đồng đuổi theo đội hình.
    Sau năm 1975 trong số chiến lợi phẩm thu được của quân lực Việt Nam cộng hòa có rất nhiều loại mũ sắt M1, nhưng chẳng hiểu sao chỉ cấp cho 1 số đơn vị như: Vệ binh, pháo binh và thiết giáp M113. Loại mũ đó nhẹ hơn mũ do Nga Xô sản xuất và cực tiện dụng khi có thể dùng múc nước, đun nấu, làm ghế ngồi…
    Đơn vị gọi anh là Chuyển “ớt”, bởi ông này mà ăn cơm không thể thiếu ớt được. Không có ớt nhìn ông ấy nhai cơm như nhai rơm, nhai cỏ vậy. Bữa nào có vài quả ớt thì ông ấy ăn thôi rồi. Thậm chí anh còn uống rượu với ớt nữa, khiến nhiều thằng trong đơn vị tròn mắt luôn.
    Thật đau buồn khi anh đã hy sinh trong lần truy quét tàn quân Pot ở Preah Vihear khi mà con trai đầu lòng của anh mới tròn 1 tuổi. Từ lúc cháu ra đời đến khi anh hy sinh cháu chưa bao giờ được gặp ba nó cả.
    Trong trận đó gã cũng bị sức ép chảy máu tai mà di chứng vẫn để lại đến giờ, dấu ấn của một thời khói lửa. (Lần đó gã xung phong dẫn đường thay cho thằng Đạo, gã sẽ viết về trận đánh đó khi thời gian cho phép).
    Anh được công nhận là liệt sĩ và được truy phong quân hàm thượng úy và được cụ Phạm Hùng lúc đó là Chủ tịch hội đồng bộ trưởng (Thủ tướng) truy tặng huy chương chiến sĩ vẻ vang hạng 3.
    Còn anh Dũng “kính”, thượng úy, bác sỹ, tiểu đoàn phó tiểu đoàn quân y nguyên là bác sỹ của bệnh viện Lê Hữu Sanh của binh chủng Thủy quân lục chiến Việt Nam cộng hòa. Anh là người đã trực tiếp mổ và không quản ngày đêm theo sát để động viên thằng Tường “tướng lên đài”, người Hà Quảng, Cao Bằng bên tiểu đoàn công binh khi nó bị cụt chân.
    ...
    ...
    Tất cả nỗ lực của anh Dũng “kính” và với tất cả những gì có trong tay đã không cứu được chiếc chân trái của thằng Tường. Không cứu được chiếc chân cho thằng Tường, anh buồn 1 thì thằng Tường bi quan và đau khổ 10.
    Tỉnh dậy sau khi tan hết thuốc mê, biết mình bị cắt cụt 1 chân đến gần bẹn nó đau buồn và cứ 1-2 đòi chết, không muốn thành kẻ tàn phế như vậy.
    Những lúc như vậy anh Dũng “kính” lại trực tiếp xuống khuyên nhủ, động viên nó. Từ lấy khăn lau mặt, lau tay cho nó, rồi bón cho nó từng thìa sữa, thìa cháo. Rồi anh rủ rỉ tâm sự với nó những vui buồn cuộc đời để động viên nó, 1 thằng lính đang chán sống khi bị cụt 1 chân trên chiến trường lúc tuổi còn quá trẻ.
    Cứ như vậy cho đến khi thằng Tường mạnh khỏe và vui cười trở lại đúng như tuổi 18 của nó thì cũng là lúc tình cảm 2 anh em nó đã hết sức gắn bó.
    Ngày chia tay để thằng Tường theo xe về Việt Nam, hai anh em nó cứ bịn rịn hoài. Nó dặn anh, sau này nếu còn sống, hết chiến tranh thì nhớ về Cao Bằng thăm nó. Anh em nó ôm nhau mà nước mắt ngắn dài sụt sùi khiến cho những ai chứng kiến cũng đều thấy cay mắt cảm động…
    Năm 1994, anh Dũng “kính” phục viên về công tác bên ngành đường sắt. Giữ đúng lời hứa năm nào nơi chiến trường với thằng Tường, anh đã tìm về Cao Bằng thăm nó. Chẳng biết duyên số thế nào mà sau chuyến đi đó độ 6-7 tháng anh đã quay lại Cao Bằng và lấy vợ để xây dựng cơ nghiệp mới tại mảnh đất địa đầu nơi miền biên viễn xa ngái.
    Người vợ của anh chính là chị gái thằng Tường “tướng lên đài”.
     
    minhnghenhac, sucsongmoi and amylee like this.
Moderators: SLASH.ROCK4U

Chia sẻ trang này