1B2W W Núi sông nước Nam

Thảo luận trong 'Hai tuần một tác phẩm' bắt đầu bởi tducchau, 15/10/15.

  1. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ... Tính 'dành' cho tuần tới, "dưng mà' lỡ hứa là sẽ 'cho lên' Bình Ngô Đại cáo! Giựt mình... nên phải 'đôn, đẩy' bài nầy 'nhập cuộc' trước thì mới phải Lễ cho Bình Ngô...


    NAM QUỐC SƠN HÀ
    (Núi sông nước Nam)​


    Nam quốc sơn hà cho đến nay có thể coi là một trong những bài thơ sớm nhất nói về chủ quyền độc lập của Việt Nam trên lãnh thổ của mình, là một bài thơ sớm nhất về tinh thần yêu nước. Nhiều nhà bình luận văn học, sử học xem đây là "bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc" ở thế kỷ XI.

    Lời đánh giá và nhận định ấy quả không ngoa chút nào! Ngay hai câu đầu, tác giả đã dõng dạc tuyên bố:

    Nam quốc sơn hà Nam đế cư
    Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.

    Dịch:
    Núi sông nước Nam, vua Nam ở
    Vằng vặc sách trời chia xứ sở.​

    Đối với các văn kiện hay tài liệu có tính tuyên ngôn thì điều quan trọng nhất là chữ nghĩa phải chính xác, không nên tùy tiện thay đổi. Tác giả đã sử dụng ở bài thơ này những chữ thật quan trọng. "Nam quốc" là nước Nam, chữ "quốc" (nước) này khi dịch không nên chuyển thành "non sông", "núi sông", bởi non sông, núi sông chưa phải là "nước". Nước là một lãnh thổ có biên giới phân biệt với nước khác, lại có vua và tổ chức chính quyền cai trị. Nước Nam là nước, bởi nó phân biệt với 'nước Bắc", lại có vua Nam ở, tức là một nước có chủ quyền. Chỉ câu thứ nhất đã thể hiện đầy đủ ý thức quốc gia của tác giả bài thơ. "Nam đế” đối lại với "Bắc đế". Từ thế kỷ VI Lý Bôn - Lý Nam Đế sau khi đánh đuổi giặc ngoại xâm cũng đã tự xưng là Nam Đế rồi. Đến bài này, thế kỷ XI, tư tưởng đó lại được nhắc lại, chứng tỏ một ý thức độc lập dân tộc đã thực sự chín muồi. Sau này trong bài Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi lại viết:

    Từ Triệu [*], Đinh, Lý, Trần gây dựng nước ta
    Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi đằng làm đế một phương.


    Ở đây chúng tôi dịch sát từng chữ để không làm mất nghĩa, cho thấy Nguyễn Trãi đã nhắc lại đúng hai chữ "quốc" (nước) và "đế" (vua) hết sức quan trọng đó của các triều đại Việt Nam.

    Câu thứ hai nói lên cơ sở pháp lý của chủ quyền theo quan niệm thần bí. "Tiệt nhiên" là rõ ràng, rành rành. "Tiệt" là cắt, cưa ra. Sách Trời đã phân định địa phận hai nước Nam, Bắc rành rành rồi. Sách Trời đây có thể là "Thiên quan thư" trong Sử ký của Tư Mã Thiên và các sách khác, theo niềm tin đương thời cho rằng ứng với mỗi vùng đất, châu quận đều có một vùng sao (tinh phận) ở trên Trời. Theo đó vùng sao Dực, sao Chẩn ứng với vùng nước Nam, tức vùng Bách Việt. Câu thơ ngầm bảo: Sách Trời đã phân chia rồi, nếu các người xâm phạm bờ cõi nước Nam, tức là xâm phạm tới uy Trời đó, và Trời sẽ không tha thứ đâu!

    Cái ý ngầm ở câu thứ hai đã phát lộ ra thành câu quở mắng, răn đe rất dõng dạc ở hai câu cuối:

    Cớ sao lũ giặc bạo nghịch dám tới xâm phạm
    Chúng bay sẽ thấy, tự chuốc lấy bại vong!

    Gọi giặc là giặc bạo nghịch (nghịch lỗ), ấy là ngang ngược đối với Trời. Cha mắng con làm trái đạo cha con là "nghịch tử", vua mắng thần dân làm trái đạo vua tôi là "nghịch tặc", còn trong bài này quân Tống làm trái đạo Trời, là quân "đại nghịch bất đạo". Chống lại Trời tất sẽ bị Trời trừng phạt, và tất yếu sẽ thất bại!

    Bài thơ này tương truyền là bài thơ thần, do thần nhân đọc sang sảng trong đền Trương Hống, Trương Hát để giúp Lê Hoàn và Lý Thường Kiệt đánh quân Tống. Có tài liệu chép là do thần đọc giúp Lý Thường Kiệt. Nay coi là tác phẩm khuyết danh. Là thơ thần, dù là do Thái úy Lý Thường Kiệt làm, thì ông cũng phải viết theo lời của Trời, cũng giống Bình Ngô đại cáo, tuy là do Nguyễn Trãi viết, nhưng lời trong bài là lời của Lê Lợi. Trong bài thơ thần này, chỉ có Trời thì mới gọi là "nước Nam”, “vua Nam”. Chỉ có Trời mới khẳng định được địa phận của mỗi nước đã được Trời phân định rạch ròi rồi. Câu 3, 4 chính là lời của Trời hỏi tội quân xâm lược. Có thể nói Lý Thường Kiệt đã mượn lời Trời, lời Thần để nói lên ý chí độc lập, chủ quyền của dân tộc Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà bài này được chép trong nhiều thần tích, thần phả. Đối với niềm tin của con người đương thời thì nói như vậy là có sức mạnh hơn là nói theo tư cách của "vua Nam": "Non sông của nước Nam thì vua Nam ở!". Chẳng thế mà quân giặc nghe thấy liền sợ hãi xéo đạp lên nhau mà chạy!

    Bên cạnh từ ngữ chính xác, thích hợp, bài thơ còn thể hiện giọng điệu dõng dạc, trang nghiêm. Hai câu đầu là câu khẳng định chủ quyền một cách trang trọng. Hai câu sau là câu khẳng định sự thất bại tất yếu của giặc.

    Bài thơ bốn câu hoàn toàn được viết bằng khẩu ngữ, như lời nói thường, tự nhiên, như ý Trời buột miệng thốt ra chân lý "thiên kinh địa nghĩa".

    Là lời của Trời, bài thơ có ý vị linh thiêng. Nhưng về thực chất đó là lời của con người, biểu thị quyết tâm của nhân dân Việt Nam, thề sống chết bảo vệ mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Chính vì vậy bài thơ đã làm nức lòng quân sĩ, tăng thêm sức mạnh cho họ để đánh tan quân giặc. Bài thơ đã thể hiện được tinh thần Việt Nam trong thời đại xây dựng quốc gia độc lập thế kỷ XI.

    ______

    [*] Triệu đây là Triệu Đà, một số sử gia xưa nhầm Triệu Đà là triều đại nước ta.
     
  2. virgor

    virgor Moderator Thành viên BQT

    Đọc bản dịch bài thơ mới này cứ thấy ngang ngang thế nào ấy.
    Chắc tại do mình cũ rồi, không mới được...
     
    tducchau, teacher.anh and Heoconmtv like this.
  3. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    Bài thơ này đang gây sốt trên mạng trong mấy ngày gần đây:

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
     
    tducchau thích bài này.

Chia sẻ trang này